We read to know we are not alone.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Hoàng Huyền
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-11-05 19:15:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
gày 14 tháng năm 1939, một đơn vị bộ binh và kỵ binh Nhật từ Mãn Châu, có máy bay yểm hộ, vượt biên giới và tiến công những dồn biên phòng Mông-cổ chung quanh một ngôi chùa cũ bên bờ hồ Bu-in Nua và rải rác trên các cồn cát chung quanh đồi Nô-mun Khan Buốc O-bô, cách phía đông sông Khan-khin Gon khoảng mười cây số.
Những trận đánh mà sau này thông cáo của quân đội Nhật nhiều lần trong mục “Những sự kiện ở Nô-mun-Khan» và Thông tấn xã Liên-xô tường thuật trong những bản tin về «Cuộc xung đột vũ trang trong khu vực hồ Bu-in Nun và sông Khan-khin Gon» bắt đầu trên đất Mông-cổ như vậy.
Nếu người ta vạch trong óc một đường thẳng đứng trên một tấm bản đồ từ phía Bắc đến phía Nam, từ một điểm hơi chếch về phía Đông Si-ta và một đường thẳng khác nằm ngang, từ Tây sang Đông từ một điểm hơi chếch về phía Bắc Cáp-nhĩ-tân, thì chỗ gặp nhau của hai đường gần chỉ đúng vùng sa mạc rộng lớn của miền Đông Mông-cổ, nơi diễn biến những sự kiện năm 1939.
Trong những miền này, dân cư thưa thớt hơn những khác của Mông-cổ, biên giới giữa Mông-cổ và Mãn-châu thoạt đầu theo hướng Tây Đông và đột nhiên xuyên chéo về phía Nam và rồi tạt về phía Tây, tạo thành một bán đảo ba phía bị đất đai Mãn Châu bao vây.
Trên tất cả bán đảo đó, những bản đồ thời kỳ này chỉ ghi một điểm duy nhất có dân ở, làng Tam-xác Bu-lắc. Ngôi làng này và những đồn biên phòng, trên tất cả khoảng đất rộng hơn sáu mươi nghìn cây số vuông chỉ có vài chục bộ lạc Mông-cổ, người A-rát, chuyên chăn nuôi súc vật, và tùy tình hình đồng cỏ họ sẽ ở lâu nhiều hay ít trong những y-uốc-ta bên những giếng nước thảo nguyên, hay đi từ địa điểm có nước này đến địa điểm khác.
Chính giữa những vùng đất đai trong số những vùng hoang vắng nhất thế giới này; đã xảy ra những trận chiến đấu ác liệt làm chết hàng vạn người. Sự kiện thoạt nhìn có vẻ kỳ lạ này cũng có nhiều lý do.
Những nhóm cầm quyền Nhật-bản, cả chính trị lẫn quân sự, sau khi tách rời Mãn Châu khỏi Trung-quốc năm 1932 và lập lên chính quyền bù nhìn Mãn-châu quốc, tự đề ra một nhiệm vụ cấp thiết thứ hai: xâm chiếm và chinh phục nước Trung Hoa bắt đầu từ những tỉnh phía Nam và phía Trung, trù phú nhất, phì nhiêu nhất.
Các lực lượng quân đội Nhật chiếm Bắc-kinh và Thiên-tân, xâm lấn Hoa Trung và Hoa Nam, lấy Thượng Hải, Nam-kinh, Hán Khẩu và tiếp tục tiến về khu vực trung tâm dọc theo sông Dương tử.
Các giới cầm quyền Nhật-bản thống nhất nhận định rằng sự chinh phục hoàn toàn miền Đông Á không thể thực hiện được nếu không có một cuộc chiến tranh với Liên-xô. Nhưng một số cho rằng người ta chỉ có thể gây chiến với nước Nga sau khi đã thiết lập ở hậu phương một nước Trung Hoa hoàn toàn bị chinh phục một cách chắc chắn. Mù quáng tin ở mình như thường bọn phiêu lưu vẫn thế, chúng cho rằng dự định ấy có thể thực hiện được.
Cũng do sự tin tưởng mù quáng này nó là đặc điểm của bọn phiêu lưu thuộc tất cả mọi thời đại, mà một số khác tưởng rằng cứ dốc ngay chủ lực ra tấn công Liên-xô, không những có thể làm cho Liên-xô bại trận, mà còn tước đoạt được tất cả phần địa đầu phía đông của lãnh thổ Xô-viết, ít nhất cho đến hồ Bai-kan. Chúng cho rằng trước hết phải đánh bại kỳ được Liên-xô, đó là điều kiện không có không được để đè bẹp phong trào giải phóng dân tộc ở Trung-quốc và trong nhiều nước khác ở Đông Á và bắt các nước đó phải chịu khuất phục hoàn toàn.
Ngây ngất trước thắng lợi. những tướng lĩnh chỉ huy những đạo quân lúc đầu hành quân cấp tốc tiến vào Hoa Trung và Hoa Nam đòi cho đại bộ phận lớn quân đội Nhật tiếp tục tiến sâu vào nội địa Trung-quốc, không đếm xỉa đến thiệt hại và phí tổn.
Ngược lại, những tướng lĩnh của đạo quân Quan đông đóng ở Mãn Châu đòi phải mở ngay một hành động quân sự đối với nước Nga, hy vọng thu được những thắng lợi như trong thời kỳ Nga - Nhật chiến tranh trước.
Những bọn cầm đầu các tơ-rớt lớn và công nghiệp bông và lụa, những tên trùm các nhà ngân hàng cung cấp vốn cho những tơ-rớt đó, những người có cổ phần trong rất nhiều tổ chức thương mại thèm khát tìm được những thị trưởng mới để tiêu thụ hàng hóa đồng thời với nhân công thuộc địa rẻ mạt, xúc tiến việc thôn tính Hoa Trung và Hoa Nam.
Còn bọn chủ công nghiệp cá và các công ty mỏ và luyện kim đã khai thác Triều-tiên, từ lâu bị chiếm đóng, và Mãn Châu vừa thôn tính xong, chỉ mơ chuyện nuốt chửng Xi-bê-ri.
Suốt năm 1938 và những tháng đầu năm 1939, chính phủ và các giới công nghiệp và tài chính Nhật bị áp lực ngày càng mạnh từ phía Pháp, Anh và nhất là Mỹ. Mỹ đã lộ rõ cho Nhật hiểu rằng nếu cứ tiếp tục hành động xâm lược ở Đông Nam Á trong khu vực quyền lợi và trên những thị trường của Mỹ, cuối cùng Nhật sẽ vấp phải sự chống lại công khai của chính phủ Mỹ. Để đạt mục đích đó, Mỹ sẽ không ngần ngại liên minh với Anh Pháp đang không những mất các vị trí của họ trên đất Trung-quốc mà đã bắt đầu lo ngại cho số phận của Hồng Kông, Xanh-ga-po, Miến-Điện và Đông-dương. Mặt khác, Mỹ cũng đã lộ không kém rõ ràng cho Nhật hiểu rằng thật ra người Mỹ có thái độ thiện cảm đối với mọi cuộc chiến tranh ở Đông-bắc Á và mọi hành động xâm lược mới của Nhật về phía Bắc Mãn Châu; trong trường hợp đó họ sẽ hoàn toàn trung lập và sẵn sàng tăng thêm khối lượng cung cấp về nguyên liệu chiến lược và vũ khí cho Nhật.
Các thủ lĩnh chính trị hiểu biết nhất của Mỹ thời kỳ đó tính trước rằng Nhật không thể thu được một thắng lợi chớp nhoáng trong một cuộc chiến tranh với Liên-xô, do đó càng mong muốn xảy ra cuộc chiến tranh đó. Một cuộc tiến công của quân Nhật vào xứ sở đáng ghét của chủ nghĩa xã hội sẽ trói chân trói tay nước Nhật và làm lung lay kẻ cạnh tranh nguy hiểm nhất trong các nước đế quốc đối với Mỹ ở Viễn Đông.
Do ảnh hường của cùng tất cả những lực lượng bên trong và bên ngoài công khai và bí mật này, tháng ba 1939 chính phủ và bộ tham mưu Nhật đã ra mật lệnh, chuẩn bị ở phía Bắc một cuộc thử sức mới mà vẫn ao ước từ lâu bọn tướng lĩnh đạo quân Quan Đông và người chỉ huy chúng, tướng U-ê-đa, lúc này làm đại sứ của chính phủ Nhật bên cạnh vua Phổ Nghi, nhưng thật ra là tên độc tài của Mãn Châu. Cuộc thử thách này phải diễn ra trên một quy mô quan trọng hơn ở hồ Khát-xan rất nhiều, huy động cả một quân đoàn và mặc nhiên xuất phát từ giả thuyết cho rằng cần phải và có thể lợi dụng một thắng lợi quan trọng đầu tiên để giành thắng lợi cho một cuộc đại chiến đối với nước Nga và chiếm đoạt tất cả miền Đông Bắc Á.
Tháng năm đã được chọn để mở cuộc tiến công. Còn về khu vực, chúng lựa chọn sông Khan-khin Gon, giữa biên giới Mãn Châu và Mông-cổ, quân Nhật có những lý do chính trị, chiếu lược và cả chiến thuật nữa để chọn địa điểm này.
Tháng năm 1936, Xta-lin tuyên bố với người Mỹ Rôi Hô-uốc rằng Liên-xô sẽ giúp đỡ nước Cộng hòa nhân dân Mông-cổ nếu xảy ra một cuộc tấn công của quân Nhật đe dọa nền độc lập của Mông-cổ - Về sau một hiệp ước tương trợ được ký kết giữa chính phủ Liên-xô và Mông-cổ. Như vậy bọn quân phiệt Nhật không thể trông mong Liên-xô để mặc chúng muốn làm gì thì làm nếu chúng xâm lược Mông-cổ. Quả cũng có một số tướng lĩnh đã nuôi trong đầu những ý nghĩ như vậy, chúng nhìn tình hình với thái độ lạc quan từ lúc Hít-le, sau khi chiếm đóng Tiệp-khắc và Mơ-men, công khai đe dọa biên giới phía tây Liên-xô. Dù sao, toàn thể bộ tham mưu Nhật gần như loại trừ hoàn toàn khả năng không can thiệp của quân đội Xô-viết: chúng nghĩ rằng sau khi vượt biên giới Mông-cổ, lực lượng quân Nhật không những phải đương đầu với quân đội Mông-cổ mà còn phải đương đầu với những đơn vị Hồng quân nữa, và sau khi đánh bại những lực lượng Xô-viết này trên lãnh thổ của «bán đảo» Tam-xắc Bu-lắc chúng sẽ, trên một khoảng rộng hàng trăm cây số, ào ào tiến thẳng vào biên giới Xô-viết ở phía Nam Si-ta, đe dọa cắt đứt đường xe lửa xuyên Xi-bê-ri.
Nếu sau tất cả những cái đó, vẫn không mở được một cuộc đại chiến với Liên-xô, nếu Nga và Mông-cổ cuối cùng nhượng bộ. thì việc chiếm đóng khoảng đất này đối với Nhật cũng là một thắng lợi quan trọng về phương diện chính trị và chiến lược. Như thế là đã giáng một đòn chí mạng vào uy tín của Liên-xô trước thế giới và nhất là đối với các dân tộc châu Á. Thứ nữa, vì đấy là đất Mông-cổ, nên vẫn có thể nói rằng chiếm đóng đây là nhân danh chính phủ Mãn Châu và chính phủ Nhật sẽ dùng thủ đoạn ngoại giao và khước từ đàm phán trực tiếp với Liên-xô.
Về phương diện chiến lược, nó gần như có nghĩa là mở được cửa vào Si-ta và có khả năng kéo dài đường xe lửa chiến lược ở Kha-lun Ác-san, đã khởi công song song với đường xe lửa xuyên Xi-bê-ri, cho đến biên giới Nga.
Về phương diện tác chiến thuần túy quân sự, về phương diện tập trung lực lượng và tiếp tế, khu vực Khan-khin Gon đem lại những thuận lợi vô cùng to lớn cho quân Nhật. Hai-i-la trạm quan trọng gần đường xuyên Xi-bê-ri nhất, cách khu vực này khoảng một trăm hai mươi cây số. Trạm cuối cùng trên đường thứ hai, đường Kha-lun Ác-san, gần hơn, chỉ cách có sáu mươi cây số. Ngược lại, trạm gần nhất có thể tiếp tế được cho lực lượng Mông-cổ và Xô-viết, nếu họ có giữ khu vực này, là Boốc-xi-a, cách gần bảy trăm cây số.
Cuối cùng, về phương diện thuần túy chiến thuật, khu vực Khan-khin Gon còn thuận lợi ở chỗ, suốt trong bảy năm vừa qua, nhân dịp hàng chục lần vi phạm biên giới bằng không quân và lục quân, bộ tham mưu Nhật đã làm được những đồ họa chính xác và có trong tay những bản đồ tỷ lệ xích lớn.
Vào cuối tháng tư, bộ chỉ huy đạo quân Quan Đông lúc đó gồm chừng vài chục vạn người duyệt lại các đơn vị, đóng rải rác trên nhiều địa điểm dọc biên giới Xô-viết từ Vla-đi-vốt-stốc đến ga Ot-po. Ngày 14 tháng năm, tiền quân Nhật ùa vào những đồn biên phòng Mông-cổ và vượt biên giới dưới sự yểm hộ của không quân, tiến vào trong khu vực Khan-khin Gon - Hai tuần sau, ngày 28 tháng năm, những trận đánh trong khu vực này trở nên có một quy mô lớn vượt rất xa cục diện thông thường của một sự va chạm ở biên giới.
Đêm 28 tháng năm, một đơn vị hỗn hợp của sư đoàn 23 thuộc quân đội Thiên hoàng, gồm ba nghìn kiếm và lưỡi lê, với những đơn vị súng máy, pháo binh và thiết giáp, được bí mật tập trung trên những cao điểm của Nô-mun-Khan Bua O-bô và Bê-xim-ma-nay-a, mà trinh sát Nhật đã chiếm lĩnh mười lăm ngày trước.
Tảng sáng, hàng chục máy bay Nhật thả bom và xả súng xuống những đơn vị Xô-viết và Mông-cổ, không nhiều lắm, phụ trách bảo vệ bờ phía đông sông Khan-khin Gon, Lực lượng bảo vệ khu vực này gồm một trung đoàn kỵ binh Mông-cổ, mười lăm chiến xa thuộc một sư đoàn thiết giáp Mông-cổ và một tiều đoàn của một trung đoàn bộ binh Xô-viết đương hành quân bằng xe vận tải về phía biên giới, bổ sung cho những lực lượng đó còn có nhiều khẩu đội pháo binh đang lên đường, một đại đội công binh, phụ trách xây dựng công sự ở phía sau không xa lắm, chung quanh Tam-xắc Bu-lắc.
Như thế là ngày 28 tháng năm Bộ chỉ huy Xô-Mông chỉ có trong tay, ở khu vực Khan-khin Gon, vào khoảng hơn một nghìn người. Phòng tác chiến của ban tham mưu đã tiến trước về phía chiến trường. Những lực lượng khác còn ở xa, phía sau, đường hành quân hay chờ lệnh hành quân tùy tình hình diễn biến của trận đánh và những tài liệu về tầm quan trọng của việc tập trung binh lực Nhật-bản ở nhũng vùng biên giới Tây Mãn Châu.
Hai tuần đã trôi qua từ ngày trinh sát Nhật vi phạm biên giới - Chính phủ Liên-xô và chính phủ Mông-cổ, quyết định cuối cùng sẽ dùng vũ lực nếu cần thiết để lập lại nguyên trạng ở biên giới, nhưng vừa không muốn bỏ qua một khả năng dù nhỏ bé nhất để chấm dứt tình trạng đó một cách hòa bình. Do đó không vội vàng tập trung quá sớm những đơn vị lớn ở khu vực này.
Quân Nhật không thể vin vào cớ Liên-xô tập trung lực lượng ở biên giới Mãn Châu để mở rộng xung đột. Người ta để cho chúng thời gian suy nghĩ và rút quân về đất Mãn Châu. Trong trường hợp đó, những lực lượng Xô-viết đang chuyển quân về khu vực Tam-xắc Bu-lắc sẽ ngừng lại dọc đường,
Một nguyên nhân nữa cũng ngăn cản việc tập trung chủ lực Xô-Mông trên sông Khan-khin Gon, miền này, địa hình rất ít hiểm trở, không có những chướng ngại vật tự nhiên lớn. có những điều kiện lý tưởng cho việc hành binh, và người ta có thể ngại quân Nhật, sau khi tập trung sự chủ ý của đối phương vào Khan-khin Gon, sẽ mở mặt trận chính ở một điểm khác hay có thể ở nhiều điểm trên biên giới.
Xét những khả năng đó, lực lượng Xô-viết và Mông-cổ ở miền Đông Mông-cổ, để bảo đảm chủ động, đã tập trung xa biên giới, và sẵn sàng ứng phó với nhiều cuộc tấn công cùng một lúc theo nhiều hướng.
Tất cả nhưng cái đó thử thách gay go sức bền bỉ và lòng can đảm của một nhóm các chiến sĩ Mông-cổ và Xô-viết trực tiếp bảo vệ khu vực biên giới này.
Đóng đối diện với quân Nhật, họ biết trước rằng, nếu các trận đánh xảy ra ở khu vực này, quân thù sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc chọn giờ và địa điểm cho cuộc tấn công đầu tiên. Họ hiểu rằng số lượng tạm thời ít ỏi của họ lúc đầu sẽ thử thách họ tàn nhẫn nhất, nhưng họ sẵn lòng, cho đến khi có tiếp viện, đấu tranh thắng lợi trong một trận đánh không cân sức.
Chính trong những điều kiện ấy, các đơn vị Xô-viết, tay cầm vũ khí, mắt nhìn ánh bình minh, ngày 28 tháng năm sáng dần trên sông Khan-khin Gon.
Sáng ngày 29 tháng năm khi Ác-tê-mi-ép đến những cao điểm của Kha-mác-đáp và đưa giấy tờ cho người lính gác trước lều tham mưu trưởng khu vực tác chiến, thì một trận đánh ác liệt đã diễn ra liên tục từ đêm hôm qua trên bờ phía đông sông Khan-khin Gon.
Quân Nhật đang chấp hành lệnh của ban tham mưu dạo quân Quan đông và của tướng Ca-mát-xu-ba-ra, chỉ huy sư đoàn 23. Theo những lệnh đó, sư đoàn «phải tiêu diệt những lực lượng Xô - Mông trong khu vực Nô-mun Khan và, sau khi vượt sông Khan-khin Gon, chiếm một đầu cầu trên bở sông phía Tây, một vị trí quân sự quan trọng cho những cuộc hành binh sau này của quân đội Thiên hoàng». Để đạt mục tiêu đó, một đơn vị hỗn hợp, có kèm những đơn vị trợ lực, sẽ được chuyển bằng xe vận tải hết sức bí mật, đến khu vực Nô-mun Khan.
Sau đợt chuẩn bị bằng pháo binh độ một tiếng đồng hồ, quân Nhật bắt đầu tấn công lực lượng Mông-Xô, rất ít người; những lực lượng này đóng rải rác trên một trận tuyến dài mười cây số, sau lưng là sông Khon-khin Gon, một con sông sâu nước xiết rộng gần một trăm thước, chỉ có một chỗ qua lại được.
Kế hoạch của quân Nhật nói chung, tóm tắt là nhằm tiến công suốt dọc trận tuyến, đồng thời chuyển chủ lực đến sườn phải của chúng ở phía Bắc, và như thế vòng qua các lực lượng Mông - Xô về phía Bắc, đổ ra Khan-khin Gon, theo dọc sông tiến về phía Nam, cắt điểm qua lại trên sông và hoàn thành việc bao vây. Trong ngày đầu, chúng đã buộc các lực lượng Mông - Xô phải lùi trên gần khắp mọi nơi và trên sườn phía Bắc, chúng đã vòng qua được họ; sau khi chọc thủng được trận tuyến về phía Sông Khan-khin Gon, chúng chỉ còn cách chỗ lội qua sông một cây số.
Kế hoạch của quân Nhật như thế là gần hoàn thành.
Trong ngày đầu, tổn thất của hai bên xấp xỉ nhau, điều đó lại càng cho quân Nhật một thuận lợi rõ rệt: lực lượng so sánh lúc đầu ba chọi một chuyển sang bốn chọi một. Bệnh viện của A-púc-tin chập tối hôm trước đã nhận một trăm năm mươi thương binh; hôm sau, các lực lượng Mông - Xô vừa bị chết vừa bị thương hơn bốn trăm người, và con số vẫn tăng không ngừng.
Chỉ đến đây, đứng trước căn lều này, Ác-tê-mi-ép mới hiểu rõ. trong tiếng súng nổ và vẻ xúc động của người lính trẻ kiểm soát giấy của anh, ý nghĩa chính xác của thái độ trầm lặng trên nét mặt sĩ quan trực nhật đêm qua.
- Mời đồng chí vào - người lính gác vừa nói vừa trả giấy cho Ác-tê-mi-ép.
Ác-tê-mi-ép bước vào lều, để va-li ở ngoài. Lỗ thông hơi ở trên cao để ngỏ, và qua chiếc lỗ, tròn như một chiếc đĩa, người ta nhìn thấy một mầu trời xanh; trong lều có hai người. Đứng gần cửa là một thiếu úy to lớn đeo một chiếc mô-de trong bao gỗ, đội một chiếc mũ bằng vải xanh mà Ác-tê-mi-ép chưa gặp lần nào - Chiếc cặp bản đồ để mở; anh ta đang nghiên cứu một bản đồ đặt dưới một tờ xe-lô-phan. Một đại tá đẫy đà và khá nhiều tuổi ngồi ở phía cuối lều. Khuỷu tay tì lên trên một chiếc hòm gỗ lớn dùng làm bàn, đại tá đang giận dữ nói điện thoại.
- Tôi nghe tin công binh sắp đến ngã tư từ một tiếng nay rồi. Mà vẫn chưa thấy mặt mũi đâu cả! Mà cũng chẳng thấy họ đến gần nữa. Tôi phái không phải một «lính mới», mà một sĩ quan đi gặp họ. Hãy làm ơn nói thật cho tôi biết bao giờ thì họ đến. Không phải giờ các anh muốn họ đến, mà giờ họ đến thật. Kiểm tra lại một lần nữa và gọi điện cho tôi biết. Các thứ ước chừng của các anh làm tốn không phải ít máu đâu! Lúc bỏ ra, ông gần như ném chiếc ống nghe xuống và lơ đãng nhìn Ác-tê-mi-ép vẫn đứng ở cửa lều, ông quay dây nói và lại cầm lấy ống nghe:
- Số 4.
Ống nói vẫn áp vào tai, ông quan sát vội Ác-tê-mi-ép một lần nữa và sắp sửa nói điều gì thì có tiếng trả lời qua điện thoại.
- Đồng chí Bát-ma - đại tá nói - số 1 đã ra lệnh cho sư đoàn thiết giáp chuẩn bị để chuyển từ sườn bên phải dưới quyền chỉ huy của Păng-sen-kô, đến khu vực đường qua sông. Ông ta muốn biết, là theo ý kiến đồng chí, không có thiết giáp trung đoàn kỵ binh có thể giữ vững trận địa được không... Được lắm. Tôi chờ nhé.
Đại tá bỏ ống nghe xuống và lần này quay hẳn về phía Ác-tê-mi-ép, nhanh nhẹn đưa tay đón những giấy tờ mà anh còn chưa kịp xuất trình. Cử chỉ đó có nghĩa rõ ràng là thời gian gấp rút. Đại tá vừa liếc nhanh qua các giấy tờ vừa nhìn Ác-tê-mi-ép như ông còn chưa biết dứt khoát là mình có thể sử dụng người đại úy này từ trên trời đột nhiên rơi xuống dưới quyền ông vào việc gì.
Vầng trán nhăn nhúm và đôi lông mày chổi sể cau lại một cách nghiêm khắc, đại tá trông không có vẻ niềm nở lắm, nhưng mặc dù tình hình xảy ra chung quanh nghiêm trọng rõ rệt, giọng ông vẫn vui vẻ:
- Thế nào, bây giờ anh thuộc quyền sử dụng của chúng tôi, ở ban tham mưu phải không? - Ông nói, giọng hơi châm biếm nhằm sự tương phản lạ lùng giữa công thức bình thường của lệnh điều động và tình thế bất thường nó vừa làm ông bận trí vừa kích thích ông, hơn là nhằm cá nhân Ác-tê-mi-ép. Ông làm một điệu tay gọn lỏn và lại một lần nữa có vẻ hơi châm biếm như muốn nói rằng căn lều hiện ông đương ở lúc này là tất cả cái ban tham mưu mà trong đó người ta bố trí công tác cho Ác-tê-mi-ép.
- Phải báo tin anh đến cho chỉ huy binh đoàn biết - ông nói - nhưng ông ta từ hôm qua đã sang phía bên kia sông rồi - ông nói thêm vừa huơ tay lên mau lẹ - Vả lại tôi nghĩ là tất cả mọi người đều ở bên đó, trừ tôi. Gọi Tam-xắc, ông nói quay về phía thiếu úy. Nhưng gì thế này? Thảo nguyên quái quỷ ở đâu ấy! - ông nói thêm gần như gào lên với sự sôi nổi và bực tức của một người có nghị lực bất thình lình đứng trước những trường hợp khó khăn bất thường nhưng đồng thời vẫn tin chắc là mình cuối cùng sẽ giải quyết được - Thật là mênh mông, vô tận! Người ta mất sức một trăm lần, và người ta làm mất sức tất cả mọi người trước khi chuyển được một thứ gì qua cái sa mạc này. Bảy trăm cây số đường sắt, nói thì nghe dễ lắm! Cái bọn Xa-mua-rai(1) chết tiệt này. Chúng chọn khu vực tiến công khá lắm! Phải không? - ông đột nhiên cắt ngang giận dữ, như chờ đợi một câu trả lời của Ác-tê-mi-ép.
- Đúng thế - Ác-tê-mi-ép trả lời, ngập ngừng. Đại tá không đặt câu hỏi, ông ta chỉ thấy lòng trĩu nặng, thế thôi.
Cũng không sao, ông nói, tiếp tục cuộc đối thoại với bản thân mình; miễn là mai chúng ta còn sống vì mai chúng ta sẽ gần có đủ tất cả những gì cần thiết. Nhưng mà Tam-xắc ở mãi đâu thế? ông nói thêm và quay về phía thiếu úy.
Thiếu úy nhún vai và lại quay ma-ni-ven điện thoại. Đại tá nhìn Ác-tê-mi-ép và Ác-tê-mi-ép nghĩ số phận của anh sắp quyết định, nhưng giữa lúc ấy bạt cửa nhấc lên và một người Mông Cổ bước vào lều. Từ trước Ác-tê-mi-ép chưa bao giờ nhìn thấy những phù hiệu vàng ấy trên những ve áo xanh và đỏ.
Khuôn mặt người Mông-Cổ rất bình tĩnh, hai má hằn sâu những vết rỗ.
- Tôi đi đến trung đoàn kỵ binh đây - anh ta nói giọng cũng bình tĩnh như vẻ mặt - Tôi sẽ tự mình phụ trách việc chuyển vận sư đoàn thiết giáp.
Anh ta nói tiếng Nga khó khăn, ngừng lại sau từng lời để người nghe có thể hiểu được dễ dàng.
- Đồng chí có bao nhiêu chiến xa? - Đại tá hỏi.
- Năm - anh Mông-Cổ trả lời vắn tắt, vừa tủm tỉm cười.
Đại tá cau mày, cách đây chưa lâu lắm sư đoàn thiết giáp còn bảy chiếc.
- Tôi dẫn những thiết giáp đến chỗ đường qua sông và tôi sẽ ra lệnh cho đồng chí Đa-vát-giáp, chỉ huy sư đoàn thiết giáp, đền chịu quyền điều động của đồng chí Păng-sen-cô - người Mông-Cổ nói chậm chạp vì đối với anh nói một câu tiếng Nga dài như thế là một điều đặc biệt khó khăn.
- Tốt lắm, đồng chí Bát-ma - Đại tá trả lời.
Ai thay đồng chí ở đây?
- Lúp-xan ở lại đây; anh quay đằng sau và bước ra khỏi lều.
- Như thế có nghĩa là... - đại tá bắt đầu nói với Ác-tê-mi-ép, sau khi đưa mắt tiễn người chỉ huy Mông-Cổ. Nhưng, chuông điện thoại lại réo.
- Tôi nghe đây, đồng chí chỉ huy binh đoàn - Vâng chính tôi cũng đợi. Nhưng tôi...
Một tay vẫn cầm ống nghe, ông chậm chạp giơ tay kia lên và đấm một đấm giận dữ trên đầu gối. Chắc người ta đang nói với ông những điều không thú vị lắm qua điện thoại.
- Đúng thế, thưa đồng chí chỉ huy binh đoàn. Tôi sẽ không để mất một phút. Đúng thế. Xin tuân lệnh đồng chí. Tôi hiểu cả rồi. Về pháo binh, tôi cũng hiểu. Tôi cũng xong rồi. Ông đặt ống nghe xuống, và lại tức khắc quay vừa nói lầm bầm, thực khó mà biết được là ông nói với Ác-tê-mi-ép, với thiếu úy hay với bản thân ông
- Tất cả cùng một một lúc! Cả một chuyện khó cho công binh! Vả lại còn cần sư đoàn pháo nữa!
Ông chưa kịp quay xong thì chuông điện thoại lại réo lên.
- Số 2 đâu, nghe nhé. Nhưng các anh đang làm gì đấy mới được chứ? - đại tá thét lên - Được, đó lại là chuyện khác. Lẽ dĩ nhiên - ông nói thêm giọng khác hẳn, có vẻ hài lòng. Nhưng ngay sau đó ông lại thở dài một tiếng to, và lấy lại hơi, ông tiếp tục gào lên - Còn sư đoàn, sư đoàn ở đâu? Ừ thôi, cứ đợi đấy! Cứ đợi đấy, tôi đã bảo mà! Đừng cắt, tôi chưa nói xong.
Ông đặt ống nói xuống bàn và đứng dậy.
- Anh đi đến gặp đại đội công binh - ông nói, ngón tay chỉ vào Ác-tê-mi-ép - Chỉ một lát nữa là họ sẽ đến chỗ rẽ về phía đường qua sông. Anh có biết ở đâu không? Tuy anh vừa mới đến nhưng... - ông nói với một điệu bộ chán nản.
- Tôi biết chỗ rẽ rồi - Ác-tê-mi-ép trả lời - Tôi đã ở chỗ ấy.
- Và rồi sao nữa?
- Tôi sẽ tìm được - Ác-tê-mi-ép nói giọng quả quyết. Đại tá nhìn anh, và với cùng một thái độ quả quyết như khi Ác-tê-mi-ép nói «Tôi sẽ tìm được», ông gọi thiếu úy.
- Đưa bản đồ cho anh ta, thôi đừng lục trong cặp bản đồ của anh nữa, đưa tất cả cho anh ta.
________________________________________ (1) Tên một tầng lớp võ sĩ Nhật.
Thiếu úy vòng chiếc giây đeo ra khỏi đầu và đưa cặp bản đồ cho Ác-tê-mi-ép, vẻ không bằng lòng. Lúc đưa qua, đại lá cầm lấy và đặt nó trên chiếc hòm gỗ trước mặt ông:
- Chúng ta ở đây, anh có nhìn thấy không? Đường rẽ ở chỗ này, không có ghi trên bản đồ. Còn đây là lối qua sông. Anh đi đón gặp đại đội công bính và anh chuyển mệnh lệnh này đến đồng chí chỉ huy.
Ông gập đôi một mảnh giấy viết bút chỉ, đã chuẩn bị trước và đưa cho Ác-tê-mi-ép,
- Anh cho họ qua sông, và rồi anh đi theo hướng này - ông lấy ngón tay chỉ một chỗ trên bản đồ - Đây là chỉ huy sở của trung tá Păng-sen-cô. Đại đội ở lại thuộc quyền sử dụng của ông ta. Cả anh nữa. Ông ta vừa nói cho tôi biết ông ta bị mất nhiều sĩ quan - đại tá nói thêm, hất đầu về phía máy điện thoại - Anh chưa dự trận đánh nào phải không?
- Chưa - Ác-tê-mi-ép nói sau một giây do dự, sợ câu trả lời đó sẽ thay đổi lại tất cả. Nhưng không có gì thay đổi.
- Thế à, thế thì trong một tiếng đồng hồ nữa anh sẽ được tham gia - ông nói đơn giản, không một tí chút trang trọng nào - Anh có thể đi được!
- Đồng chí đại tá, đồng chí cho phép... - thiếu úy nói giọng phật ý, vừa chạm mạnh gót chân vào nhau.
Trong suốt lúc hai người nói chuyện, anh không thốt ra một lời.
- Anh đừng có mà trông đợi gì! - Đại tá ngắt lời - Đi đến trạm quan sát, cung cấp những chỉ dẫn cần thiết cho đại úy. Và rồi trở về. Làm mau lên! - Ông nhắc lại một lần nữa, vừa quay đầu về phía Ác-tê-mi-ép - Tình hình đương nghiêm trọng.
Và ông lại cầm ống nói.
- Thế nào, sư đoàn pháo binh giờ ở đâu rồi? Và nhỡ chậm quá đến tận mười sáu giờ, thì sao?
Ác-tê-mi-ép nghe thấy những lời đó lúc anh đã bước ra khỏi lều. Dăm phút sau anh đã cùng thiếu úy đứng trên đỉnh cao ngọn Kha-mác-đáp, trước mắt mở ra toàn cảnh một khoảng rộng mông mênh.
Sườn phía Đông Kha-mác-đáp dốc dựng đứng về phía Mãn Châu. Ác-tê-mi-ép, đứng trên đỉnh cao, trông thấy những khúc sông Khan-khin Gon uốn lượn màu đen sẫm, thung lũng sông rải rác bãi lầy, những cồn cát vàng và những quả đồi nhỏ xanh tươi bắt đầu ngay sau sông Khan-khin Gon. Người ta còn thấy rõ cả đằng xa, sau biên giới Mãn-Châu, mảng xanh lơ của dãy hoành sơn triền núi Đại Khin-gan.
Những chớp nổ từng lúc lại sáng lên trên những cồn cát và những quả đồi gần sông nhất. Thường xuyên nhất là ở khu vực Bắc, ngay trên bờ Khan-khin Gon, cách chỗ Ác-tê- mi-ép và thiếu úy đứng chừng bảy cây số.
- Đây chính là địa điểm anh cần phải đến - thiếu úy nói sau khi theo dõi mắt Ác-tê-mi-ép nhìn, và chỉ đúng vào nơi có những tiếng nổ thường xuyên nhất. Anh có nhìn thấy lối qua sông không? Nó ở kia kìa!
Hơi chếch về phía bên phải, Ác-tê-mi-ép nhìn thấy con đường: tới gần sông con đường leo qua chiếc cầu bắc qua sông, trông xa, hình như rất hẹp.
- Qua cầu, anh sẽ đi theo đường một cây số nữa - thiếu úy tiếp tục nói - rồi rẽ sang bên trái về phía đồi. Chỉ huy sở ở đấy.
Ác-tê-mi-ép mở chiếc cặp bản đồ kiểm tra lại những điều vừa được chỉ dẫn, nhìn lại một lần khung cảnh trước mắt, và một lần nữa trên bản đồ, rồi gấp nó lại và quay đằng sau. Chỉ lúc bấy giờ anh mới nhận rõ, về bên phải, tít tắp trên đỉnh cao, trạm quan sát thiết lập trong một chiếc hầm nhỏ - Những đường dây điện thoại đi từ đó về phía thung lũng và ở phía căn lều hai người vừa đi ra. Mắt theo dõi đường dây anh trông thấy căn lều, nhưng không phải thoạt nhìn đã thấy ngay, vì người ta phủ lên trên một tấm lưới ngụy trang và ở trên lưới lại còn giải một lượt dày cỏ úa nữa.
- Xe đỗ bên dưới lều một chút - thiếu úy nói - tôi sẽ dẫn anh đến.
Chân để nghiêng và ghìm bước lại như lúc xuống bằng xe trượt tuyết, Ác-tê-mi-ép và thiếu úy từ trên đồi tụt xuống. Đi lướt qua, Ác-tê-mi-ép còn nhìn thấy một chiếc y-uốc-ta, trước anh không thấy, vì nó cũng được ngụy trang. Một người lính gác mặc quân phục Mông-Cổ đứng bên cạnh.
- Những đại diện của ban chỉ huy Mông-Cổ - thiếu úy nói khi hai người đi qua trước lều.
Một phút sau, hai người đến gần một chiếc Em-ka phủ một tấm lưới ngụy trang. Anh lái xe, ngồi trên bục lên xuống, đang buồn bực chăm chú theo dõi những tiếng nổ.
- Xi-pha-kốp! Anh đánh xe đưa đồng chí đại úy đi - thiếu úy chỉ nói có thế với anh lái xe, anh này vội nhổm dậy - Lệnh của đại tá. Khi nào công binh đến, đồng chí đại úy - anh nói thêm quay về phía Ác-tê-mi-ép - họ có xe vận tải, đồng chí đổi xe và cho xe này quay về ngay cho chúng tôi, tất cả xe của chúng tôi bị trưng dụng hết rồi!
Ác-tê-mi-ép vội vã lên xe, và anh lái xe mở phóng hết tốc độ, chạy chếch qua các cánh đồng.
Bạn Chiến Đấu Bạn Chiến Đấu - Công-Stăng-Tanh Xi-Mô-Nốp Bạn Chiến Đấu