He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Luigi Pirandello
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Quỳnh Dung
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 19
Cập nhật: 2020-11-02 22:25:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ÃY SUY NGHĨ ĐI, GIACÔMÔ!
Mới ba ngày hôm nay, trong nhà giá sư Agôxtinô Tôti, mất đi không khí vui tươi và thanh thản mà ông nghĩ rằng ông hoàn toàn có quyền được hưởng.
Giáo sư đã gần bảy chục tuổi, và ai thiện chí đền mấy cũng không thể bảo rằng ông đẹp: thấp như người lùn, thân mình của ông lại vạm vỡ, cổ ngắn tịt, đặt trên hai chân khẳng khiu như chân nhện và cuối cùng là cái đầu hói to tướng… Đúng như thế! Giáo sư Tôti hiểu rất rõ bản thân và không hề có ảo tưởng gì hết: làm sao cô vợ trẻ Mađalênina xinh đẹp, chưa đầu hai mươi sáu tuổi có thể yêu được ông kia chứ?
Thật ra ông lấy cô chỉ vì thấy cô là con gái nhà nghèo ông muốn nâng cô lên vị trí của ông. Con gái một việc chức quèn ở trường tiểu học trở thành vợ một giáo sư giảng dạy môn khoa học tự nhiên tại một trường Trung học, chỉ còn mấy tháng nữa sẽ về hưu và hưởng một khoản lương hưu trí đặc biệt rất lớn. Thêm vào đó, hai năm trước đây ông bỗng nhiên được thừa hưởng một gia tài, giống như từ trên trời rơi xuống: anh của giáo sư Tôti đã bỏ nước sang sinh sống ở Rumani từ nhiều năm nay, vừa mới qua đời, không có vợ con, đã trao quyền thừa kế cho em một tài sản rất lớn: gần hai trăm ngàn lia.
Tuy nhiên giáo sư Tôti cho rằng, không phải thứ đó khiến ông có quyền được hưởng niềm vui và yên tĩnh tuổi già. Ông là triết gia và hiểu rất rõ ràng, chỉ riêng tài sản vật chất chưa đủ đem lại hạnh phúc cho một người phụ nữ trẻ và xinh đẹp.
Giá như số tài sản được thừa kế kia ông nhận được trước khi cưới, thì có lẽ ông đã yêu cầu cô Mađalênina chịu khó kiên nhẫn thêm ít lâu, nghĩa là chịu khó đợi cho đến khi ông chết, vì cũng chẳng còn bao lâu nữa, chứ không phải thực hiện một sự hy sinh là lấy ông. Nhưng đáng tiếc món tài sản thừa kế ấy ông lại được nhận quá châm, hai năm sau khi cưới… đúng lúc giáo sư Tôti triết gia kịp nhận thức ra rằng, khoản lương hưu trí mà ông sẽ để lại cho vợ chưa đủ xứng đáng với sự hy sinh của nàng cho ông.
Từ lâu giáo sư đã vui lòng chấp nhận tất cả những thứ đó và ông cho rằng, nhờ vào số tài sản to lớn được thừa kế kia, hơn bao giờ hết, ông có quyền được hưởng những ngày tháng cuối cùng thanh thản và tươi vui ngay trong ngôi nhà của ông. Hơn nữa, vốn là con người hiểu biết, tỉnh táo và luôn mong muốn điều tốt cho cả… Chính thế! Anh ta tên là Giacôminô, một chàng trai tuyệt diệu, một trong những học trò yêu của ông, tính tình khiêm nhường, đúng đắn, tế nhị, đồng thời đẹp trai, có làn tóc mềm mại, lượn sóng vàng óng, trông như thiên thần vậy.
Chắc chắn là như thế! Ông đã làm tất cả những chuyện ấy, chăm lo tất cả những điều ấy, ông giáo sư già Agôxtônô Tôti! Anh chàng Giacôminô đang chưa có công việc gì để làm. Thấy sự rỗi rãi làm anh ta vừa buồn bã vừa tủi thân, ông đã xoay xở cho anh một chỗ làm tại nhà băng Địa chính, nơi ông gửi số tiền hai trăm ngàn lia được thừa kế.
Trong nhà bây giờ có một đứa trẻ, một tiểu thiên thần hai tuổi rưỡi. Và ông giáo sư già gắn bỏ với nó bằng cả tâm hồn, chẳng khác gì tên nô lệ gắn bó với ông chủ mà y tôn kính và yêu mến. Ngày nào cũng vậy, hết giờ lên lớp ở trường là ông vội về nhà và cúc cung phục vụ những ý thích oái oăm của thằng bé, một bạo chúa tý hon. Thật ra mà nói, bây giờ được hưởng khoản thừa kế rồi, ông rất có thể khước từ khoản lương hưu kếch sù kia, thôi không đi làm nữa để hoàn toàn rảnh rang ở nhà chơi với đứa bé. Nhưng không! Làm như thế là không tốt. Ông thấy có phận sự phải vác cây thánh giá cho đến cùng, dù có nặng nề đến mấy! Bởi vì ông lấy vợ chỉ nhằm mục đích duy nhất là làm điều tốt cho vợ, trong khi cuộc hôn nhân ấy đem lại cho ông bao nhiêu nỗi khổ tâm.
Đúng vậy. Ông giáo sư lấy cô gái trẻ kia chỉ với một ý nghĩ: làm điều tốt cho nàng. Ông yêu Mađalênina không phải với tình cảm người chồng mà là tình cảm người cha, nhất là từ ngày nàng sinh thằng bé này. Giá nó gọi ông là “ông” chứ không phải là “bố” thì ông còn sung sướng hơn biết bao nhiêu! Điều dối trá một cách vô ý thức thốt ra từ cái miệng trong trắng, vô tội kia chỉ làm ông khổ tâm. Ông cảm thấy dường như sự dối trá ấy xúc phạm tình vảm của ông đối với đứa trẻ. Nhưng biết làm sao được? Kèm theo cái hôn, từ cái miệng xinh xắn kia thốt ra tiếng “bố” làm cho những kẻ xấu bụng nhếch nụ cười giễu cợt. Họ không thể hiểu nổi tình cảm của ông đối với đứa trẻ thơ ngây kia. Họ cũng không hiểu được hạnh phúc của ông khi thấy mình đem lại hạnh phúc và sẽ tiếp tục đem lại những điều tốt lành cho cô gái trẻ, cho chàng trai tuyệt diệu, cho đứa bé và cho cả bản thân ông nữa. Đúng thế! Cho cả chính ngay bản thân ông, tất nhiên rồi. Còn hạnh phúc nào bằng được sống những năm tháng cuối cùng trong không khí vui tươi, giữa những người thân thiết bằng được dần bước đến nơi an nghỉ cuối cùng cảm thấy lọt trong bàn tay bản thân một bàn tay nhỏ xíu ấm áp của một tiểu thiên thần.
Tuy vậy, những kẻ độc ác, xấu bụng chê cười ông, giễu cợt nhạo báng ông! Lão khọm già ngu ngốc thật đáng thương! Sao số kiếp lão thảm hại đến như thế! Nghe tiếng cười của họ, ông thấy sao họ tồi tệ và ngu xuẩn đến như vậy! Nhưng thôi, cũng chỉ vì họ chưa hiểu… Họ làm sao tự đặt họ vào hoàn cảnh của ông, họ làm sao thấu hiểu được mặt lố bịch trong hoàn cảnh của ông, họ làm sao thấy hiểu được những ý nghĩ, những cảm xúc thầm kín trong đáy lòng của ông?... Nhưng ông quan tâm làm gì đến họ! Ông hạnh phục đến thế còn gì!
Chỉ mới trong vòng ba ngày hôm nay…
Nhưng chuyện gì đã xảy ra vậy? Vợ ông mắt sưng mọng, đỏ hoe. Cô kêu váng đầu và suốt ngày không chịu ra khỏi phòng riêng.
- Chà, tuổi trẻ!... Tuổi trẻ! - ông giáo sư thở dài, lắc đầu, trên môi ông nở một nụ cười buồn bã và thấu hiểu. - Chắc hai anh chị lại giận dỗi nhau chứ gì? Cơn giận thoáng qua ấy mà, rồi lại đâu vào đấy thôi…
Rồi cùng với thằng bé Nini ông lang thang trong nhà ngoài sân, buồn bã lo lắng, thậm chí hơi bực bội tý chút, bởi vì… nói cho đúng ra cô vợ ông cũng như cậu Giacôminô lẽ ra không nên đối xứ với ông như thế. Họ còn trẻ, họ chưa hiểu đối với người già mỗi ngày đều quý giá, và đều cần phải được tươi vui yên tĩnh. Mất một ngày phải chịu buồn bã là một mất mát lớn đối với những người già như ông.
Vì suốt ba ngày nay, do thái độ của cô vợ mà ông băn khoăn lo lắng. Cô Mađalênina không còn hát cho ông nghe bằng cái giọng trong trẻo những bản tình ca và không còn săn sóc ông như ông vẫn quen được hưởng nữa.
Thằng bé Nini cũng trầm ngâm và cau có, như thể nó hiểu được rằng mẹ nó không quan tâm gì đến con nữa. Giáo sư dắt thằng bé hết phòng này sang phòng khác, và ông không phải cúi xuống lần nào, đủ biết vóc người ông quá thấp. Ông nhấc nó lên đàn piano, gõ lăng nhăng vài phím, thở hổn hển, ngáp, rồi ngồi xuống, đặt thằng bé lên đầu gối, cho nó lắc lư. Nhưng sau đấy ông lại đứng ngay dậy vì cảm thấy trong lòng không yên. Đã năm sáu lần ông bảo cô vợ trẻ kể xem chuyện gì đã xảy ra nhưng đều không kết quả.
- Đầu vẫn váng à? Vẫn khó chịu lắm phải không?
Mađalênina vẫn nín thinh, nhất định không chịu thổ lộ điều gì, chỉ lặng lẽ khóc thút thít, rồi nhờ ông khép cánh cửa sổ lại và dắt con nàng ra ngoài. Cô muốn được nghỉ ngơi một mình, trong bóng tối.
- Đầu vẫn váng lắm à? Có phải không?...
Tội nghiệp, chắc cô ấy váng đầu lắm!... Chắc hẳn hai đứa giận dỗi nhau chuyện gì lớn lắm đây!
Ông giáo sư Tôti xuống bếp gợi chuyện chị người làm, xem có biết thêm được điều gì không, nhưng khốn nỗi ông không biết cách bắt chuyện bởi vì chị ta rất ghét ông. Chị ta cũng giống như những người khác, chuyện nói xấu ông và đặt chuyện để chế nhạo ông với hàng xóm. Rốt cuộc ông chẳng moi được gì ở chị người làm ngu xuẩn và nông cạn kia.
Ông giáo sư đành thực hiện một hành động táo bạo. Ông bế thằng Nini vào phòng mẹ nó và yêu cầu cô mặc thêm áo ấm cho con.
- Để làm gì kia chứ? - Mađalênina hỏi.
- Tôi đưa thằng bé đi dạo, - ông giáo sư đáp. - Hôm nay chủ nhật bắt nó ở nhà cũng tội.
Mađalênina không muốn cho con ra đường, vì biết rằng mỗi khi nhìn thấy ông già với thằng bé con, dân phố bao giờ cũng cười cợt, nhạo báng. Cô còn biết rõ rằng, đã có lần một thằng cha thô lỗ, ác khẩu dám nói toạc vào mặt ông chồng của cô: “Sao mà thằng bé giống ông đến như thế, ông giáo sư?”
Thế nhưng thằng bé Nini khăng khăng đòi:
- Không, con muốn đi dạo. Nhất định hai bố con sẽ đi dạo.
Thế là ông giáo sư cùng với thằng bé đến nhà Giacôminô Đêlidi. Anh ta sống cùng bà chị độc thân và bà chăm sóc anh như mẹ chăm con. Xưa nay bà Ataga này rất biết ơn ông giáo sư Tôti bởi vì thấy quá rõ những động cơ tốt của ông. Nhưng bây giờ người phụ nữ đạo đức giả ấy quay ngược lại thái độ, coi ông như quỷ sứ dưới địa ngục chui lên, đã đẩy em trai của bà vào tội lỗi chết người.
Giáo sư kéo chuông, và phải đợi khá lâu cửa mới mở. Chẳng là bà Agala rón rén đến cạnh cửa, nhìn qua khe cửa ra ngoài rồi chạy vào báo cho em biết, bây giờ mới quay ra để trả lời Giacôminô không có nhà.
Bà ấy đấy. Mặc bộ áo liền váy mầu đen, gầy gò, cau có, mặt vàng nhợt như nặn bằng sáp, mắt thâm quầng. Vừa mở cửa ra bà đã run lên vì giận dữ, trách cứ ngay khách:
- Thì ra là ông… Khổ thân thằng em tôi. Muốn được yên, người ta cũng không để nó yên? Mà ông đem cả thằng bé đến đây nữa. Ra ông đem cả thằng bé theo nữa…
Ông giáo sư Tôti không ngờ lại được đón tiếp kiểu này. Ông sửng sốt rồi ngước mắt nhìn bà Agata, sau đấy nhìn thằng bé, lúng túng gượng cười và đáp lí nhí:
- Thưa bà, có chuyện gì vậy?... Bà cho tôi gặp… cho tôi gặp…
- Em nó không có nhà! - bà Agala sẵng giọng đáp cộc lốc.- Cậu Giacôminô không có nhà.
- Tốt lắm, - Giáo sư Tôti gật đầu. - Nhưng thưa bà… Xin bà tha lỗi, hôm nay bà tiếp tôi quá… tôi chưa hiểu tại sao! Tôi nghĩ có làm điều gì xấu cho bà hay cho em trai của bà đâu nhỉ?
- Thưa ông giáo sư. - bà Agala nói giọng đã bớt phần gay gắt. - Chúng tôi… chúng tôi rất biết ơn ông, nhưng ông cũng phải hiểu ra rằng…
Giáo sư chau mày, lại mỉm cười, rồi giơ tay, trỏ vào ngực mình vài ba lần, như thể định nói rằng, ai không hiểu chứ ông thì rất hiểu.
- Tôi đã già rồi, thưa bà, - ông nói. - tôi hiểu nhiều điều, tôi hiểu chứ! Nhưng trước tiên tôi nghĩ rằng, không bao giờ nên tức giận… Và mỗi khi xảy ra chuyện hiểu lầm, ta nên nói thẳng với nhau… đúng thế, nên nói thẳng, thưa bà không úp mở gì hết và cũng đừng nóng nảy… Có phải như thế không nhỉ?
- Đã đành rồi… - bà Agata bối rối tán thành.
- Chính vì thế, - giáo sư Tôti nói tiếp. - Bà cho phép tôi vào nhà và bà hãy mời cậu Giacôminô ra đây gặp tôi.
- Nhưng em nó đi vắng.
- Bà lại vẫn cứ thế! Bà bảo tôi cậu ấy đi vắng để làm gì? Cậu Giacôminô có nhà và bà phải gọi cậu ấy ra gặp tôi. Hai chúng tôi sẽ từ tốn trò chuyện! Tôi đã già rồi và tôi rất hiểu, bởi vì tôi cũng đã từng có lúc trẻ trung, thưa bà. Tôi sẽ nói chuyện từ tốn với cậu ấy. Bà nói với cậu ấy như vậy. Và bây giờ thì bà để chúng tôi vào nhà.
Trong gian phòng tiếp khách đơn sơ, giáo sư Tôti ngồi xuống một chiếc ghế tựa và đặt thằng bé Nini lên đầu gối. Ông phải chờ rất lâu trong khi bà Agala cố thuyết phục cậu em.
- Con ngồi yên, Nini… ngoan nhé! - ông giáo sư già thỉnh thoảng nhắc thằng bé, nó chỉ chực đứng xuống sàn, chạy đến chiếc bàn nhỏ bày các thứ đồ chơi bằng sứ bóng loáng. Trong lúc đó ông giáo sư cố đoán xem chuyện xích mích gì, chắc là khá lớn đã xảy ra ở nhà ông mà ông không thể ngờ tới được? Cô Mađalênina hiền lành đến như thế! Cô ấy làm chuyện gì sai trái được nhỉ? Tại sao bà Agala lại tỏ vẻ giận dữ đến như thế?
Giáo sư Tôti, trước đây chỉ đoán là chuyện giận dỗi nhau bình thường giữa đôi trẻ, lúc này bỗng lo lắng thực sự.
Giacôminô kia rồi! Lạy Chúa, sao nét mặt anh ta căng thẳng đến thế kia? Giận dữ nữa chứ! Thế nghĩ là sao nhỉ? Sao anh ta dám có thái độ như thế kia với mình? Thằng Nini chạy đến với anh ta, anh ta phũ phàng gạt ra, trong khi nó chìa hai bàn tay bé xíu: “Giami! Giami!”
- Anh Giacôminô! - Giáo sư Tôti bị thương tổn đến tận đáy lòng, thét lên.
- Ông muốn nói gì với tôi, ông giáo sư? - Giacôminô hỏi rất nhanh, cố tránh luồng mắt của ông già. - Tôi không được khỏe… Tôi đang nằm nghỉ… Tôi không thể nói chuyện gì được. Và lúc này tôi không muốn tiếp ai…
- Nhưng đứa trẻ thì sao anh nỡ…
- À, phải rồi… - Giacôminô sực nhớ, cúi xuống hôn thằng bé.
- Anh thấy trong người khó chịu à? - giáo sư nói tiếp, trong lòng hơi yên tâm sau khi thấy anh ta hôn đứa trẻ. - Tôi cũng đoán thấy thế cho nên tự tìm đến đây. Anh váng đầu à? Ngồi xuống đây, ngồi xuống đi… Ta nói chuyện với nhau một chút. Lại đây, Nini… Con thấy chú Giamô ốm rồi chứu? Chú váng đầu… Con phải ngoan, lát nữa về thôi. Tôi đến hỏi anh một câu, - ông già quay sang anh chàng Giacôminô, - ông giám đốc ngân hàng Địa chính đã nói gì với anh chưa?
- Chưa, nhưng chuyện gì thế ạ? - Giacôminô lo lắng hỏi.
- Có chuyện này thôi. Hôm qua tôi có gặp ông ta và bàn về chuyện của anh, - giáo sư Tôti mỉm cười vẻ bí mật đáp. - Lương anh không cao gì lắm. Và anh thừa biết, tôi chỉ cần nói một tiếng…
Giacôminô ngồi trên ghế, nắm chặt hai bàn tay lại như muốn bóp nát một vật gì.
- Thưa giáo sư, tôi rất biết ơn giáo sư, - anh ta nói, - nhưng tôi van giáo sư hãy vì Chúa, đừng lo lắng thêm điều gì cho tôi nữa. Tôi van giáo sư đấy!
- Ra thế! - giáo sư Tôti tiếp tục nói, miệng vẫn mỉm cười. - Hay lắm, nghĩa là tôi và anh, ta không cần gì đến nhau nữa chứ gì? Nhưng nếu đặt vấn đề cách khác, tức là tôi làm mọi việc ấy là nhằm thỏa mãn thích thú riêng của tôi thì sao? Anh bạn trẻ thân mến ơi, nếu vậy anh hãy mách cho tôi, có ai khác ngoài anh đáng cho tôi quan tâm giúp đỡ nữa? Tôi đã già rồi, Giacôminô ạ. Mà người giác thì, tất nhiên họ không phải kẻ ích kỷ, những người già mà cả cuộc đỡi đói nghèo, vất vả khốn khổ mới tạo dựng được vị trí như hiện nay, họ nhìn thấy những bạn trẻ đang gặp khó khăn, họ rất muốn giúp đỡ. Những người già như tôi rất thèm được chia sẻ niềm vui cho học trò của mình, chia sẽ những mong ước và hy vọng. Họ rất vui sướng được nhìn thấy đám hậu sinh dần dần từng bước chiếm lĩnh những vị trí xứng đáng trong xã hội. Riêng đối với anh, anh thừa biết thái độ tôi đối với anh như thế nào rồi. Tôi coi anh như con trai… Anh làm sao thế? Anh khóc à?
Giacôminô quả đang úp hai bàn tay lên mặt và cả người anh rung lên trong tiếng nức nở mà anh không sao nén lại được.
Thằng bé Nini sợ hãi nhìn, rồi quay sang bảo ông giáo sư”
- Giami nhè, bố ạ.
Ông già đứng dậy, định đặt bàn tay lên vai Giacôminô nhưng anh bật đứng dậy như thế ghê tởm. Mặt anh đột nhiên méo xệch và anh thét lên như điên:
- Đừng! Giáo sư đừng đến gần tôi! Giáo sư hãy về đi! Tôi van giáo sư! Do giáo sư mà tôi phải chịu bao nhiêu nỗi dằn vặt khủng khiếp. Tôi không xứng đáng được giáo sư quan tâm và cũng không muốn! Giáo sư nghe tôi nói gì rồi chứ, tôi không muốn!... Mời giáo sư về đi và dẫn cả thằng bé nữa. Xin giáo sư quên tôi đi! Hãy coi như không có tôi trên cõi đời này nữa!
Giáo sư Tôti kinh ngạc. Ông băn khoăn hỏi:
- Nhưng tại sao kia chứ?
- Tôi xin nói ngay bây giờ! - Giacôminô hét lên. - Tôi đã đính hôn, thưa giáo sư, tôi đã đính hôn, giáo sư hiểu chứ?
Giáo sư Tôti loạng choạng, như thể bị ai giáng một đòn vào giữa đỉnh đầu. Giơ cao hai tay, ông lẩm bẩm:
- Anh ấy ư? Anh đã đính hôn ấy ư?
- Vâng, thưa giáo sư. - Giacôminô đáp. - Chính vì thế mà quan hệ giữ giáo sư với tôi không còn gì nữa, không bao giờ còn gì nữa! Bây giờ thì chắc giáo sư đã hiểu, tại sao tôi không thể gặp… gặp các người được nữa…
- Anh đuổi tôi? - ông già thốt lên, rất thấp giọng.
- Không phải thế. - Giacôminô cay đắng trả lời. - Nhưng có điều giáo sư nên ra khỏi cái nhà này…
Ra khỏi ư? Giáo sư Agôxtinô Tôti ngã phịch xuống ghế. Hai chân ông khuỵu xuống. Ông ôm đầu rên rỉ:
- Lạy Chúa! Ra tai họa đến như thế này! Ra sự thể là như vậy! Khốn khổ thân tôi! Khốn khổ thân tôi! Nhưng chuyện này xảy ra từ bao giờ? Xảy ra như thế nào? Không ai nói với tôi cả! Anh đính hôn với cô nào vậy?
- Thưa giáo sư… đã khá lâu rồi… - Giacôminô lúng túng. - Cô ấy mồ côi và rất nghèo, cũng gần như tôi… và quen với chị của tôi!
Giáo sư chằm chặp nhìn anh bằng cặp mắt không nhìn thấy gì. Miệng ông thốt lên những lời rời rạc:
- Anh vứt bỏ mọi thứ… dễ dàng… đến thế kia… ư? Anh hoàn toàn… không… băn khoăn gì… về ai hết… và không… suy tính…
Giacôminô lại hiểu đó là lời trách anh vô ơn, anh bèn phản đối:
- Xin lỗi… nhưng giáo sư định coi tôi là kẻ nô lệ của giáo sư hay sao?
- Tôi mà coi anh là nô lệ? - giáo sư không cầm được nước mắt, ông nói trong tiếng nức nở. Tôi ấy ư? Anh nỡ mở miệng nói những lời ấy ư? Bởi vì tôi đã thực sự biến anh thành ông chủ tại ngay cái nhà của tôi! Còn gì vô ơn bằng câu anh vừa nói? Hay anh nghĩ rằng tôi làm điều tốt cho anh để mong được hưởng lợi lộc gì? Và thực tế tôi đã được cái gì lời, hay chỉ chuốc lấy bao lời dị nghị chê cười nhạo báng của thiên hạ? Những kẻ ngu xuẩn không có khả năng hiểu được những tình cảm đẹp của một ông già bất hạnh. Bây giờ tôi lại thấy chính anh cũng không hiểu nốt. Anh không đáng giá được những tình cảm của một ông già bấ hạnh, đang chuẩn bị cho việc rời khỏi cõi đời, đang cảm thấy trong lòng thanh thản và vui mừng, thấy sau khi mình chết, mọi sự đều đâu vào đấy, cái gia đình nhỏ bé của ông ta không phải chịu thiếu thôn, mà sẽ hạnh phúc! Tôi đã bảy mươi tuổi. Chỉ nay mai là tôi đi, Giacôminô ạ. Tại sao bỗng nhiên anh lại có những ý nghĩ kỳ quái ấy? Tôi không biết và cũng không muốn biết anh đã đính ước với ai. Nếu anh đã chọn, nghĩa là cô ấy đáng giá, bởi vì bản thân anh cũng là người tốt… nhưng anh nên nghĩ lại… không thể như vậy được, Giacôminô. Anh không thể tìm được cô gái nào hơn là… về tất cả mọi phương diện… Ý tôi không phải chỉ nói về mặt vật chất… Với lại anh đã có gia đình riêng rồi còn gì? Chỉ mỗi tôi là người thừa, nhưng cũng chẳng phải đợi bao lâu nữa… Vả tôi cũng không muốn len vào đó… Hay tôi làm phiền cho anh? Nhưng anh vẫn coi tôi như cha kia mà… thậm chí tôi có thể… tôi có thể… nếu như làm như thế anh dễ chịu hơn… Nhưng anh hãy nói cho tôi biết, đã xảy ra chuyện gì? Đầu đuôi như thế nào?Tại sao bỗng nhiên anh lại thay đổi hẳn thái độ như vậy?... Nói cho tôi biết đi, Giacôminô.
Giáo sư Tôti bước đến gần Giacôminô, định thân mật vỗ vai anh, nhưng anh ta co rúm người lại, như khiếp sợ và lùi lại.
- Thưa giáo sư! - anh ta hét lên. - Tại sao ông không hiểu, tại sao ông không thấy là toàn bộ lòng tốt của giáo sư…
- Làm sao?
- Xin giáo sư hãy để tôi yên! Đừng buộc tôi phải nói! Tại sao giáo sư không hiểu rằng, tất cả những chuyện giữa chúng ta chỉ có thể tiến hành một cách hoàn toàn bí mật? Thế nhưng bây giờ giáo sư thấy rồi đấy, mọi người xung quanh chế nhạo, nói xấu, chê cười chúng ta, thì tôi không chịu nổi.
- Ôi, thì ra anh sợ dư luận, anh hoảng hốt trước những lời đàm tiếu? - Giáo sư Tôti quát. - Và anh…
- Xin giáo sư để tôi yên! - Giacôminô lặp lại. giận dữ vung mạnh hai tay. - Giáo sư thử nhìn ra ngoài xem! Xung quanh giáo sư còn biết bao thanh niên khác cũng cần đến giáo sư giúp đỡ!
Giáo sư Tôti cảm thấy những lời của người học trò yêu thốt ra như những mũi dao nhọn đâm thẳng vào giữa tim ông. Vì những lời ấy chứa đựng cả sự lăng nhục cô vợ trẻ của ông. Mặt ông tái nhợt và người run lên, ông gào to:
- Mađalênina còn trẻ trung nhưng hoàn toàn trong sạch, trong cách xử sự của cô ấy không hề có một vết nhơ. Và anh cũng thừa biết như thế! Nếu biết những chuyện này, cô ấy rất có thể không sống nổi, bởi vì lần này cô ấy đang ốm, mà bệnh lại nằm trong trái tim… Đúng là như thế đấy, hỡi con người vô ơn kia ơi! Và anh lại còn dám nói đến những thanh niên nào khác nữa ư? Đồ vô liêm sỉ! Anh không thấy lương tâm dằn vặt gì ư? Anh còn dám nhìn vào mặt tôi nữa à? Anh dám nói những lời lẽ đốn mạt như thế vào giữa mặt tôi sao? Anh cho rằng cô Mađalênina có thể chuyển từ tay thằng này sang tay thằng khác được hay sao? Cô ấy, mẹ của thằng bé này? Anh nói những gì vậy? Sao anh dám mở miệng nói những câu như thế?
Giacôminô tái mặt, sửng sốt ngước nhìn ông già.
- Tôi thấy ạ? - anh ta lúng túng. - Người phải hỏi chính là tôi kia chứ? Nhưng thưa giáo sư, sao giáo sư nỡ mắng mỏ tôi như thế? Giáo sư nghĩ như thế thật sao?
Giáo sư Tôti úp hai bàn tay lên mặt, hai mi mắt ông rung rung đầu ông cúi gục và ông đang nức nở khóc. Nini thấy vậy cũng òa lên khóc ầm ĩ. Ông già nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ, nhấc bổng nó lên rồi ôm ghì vào ngực.
- Ôi, con yêu quý của ta… ôi, tội nghiệp Nini! Rồi mẹ con sẽ ra sao đây? Và cả số phận cuộc đời của con sau này nữa chứ? Bởi vì mẹ con quá non nớt, làm sao sống nổi nếu thiếu nơi dựa dẫm… Ôi, khổ cả ta nữa! Ta thương các người biết chừng nào!
Ông ngẩng đầu lên và qua hàng lệ ngước nhìn Giacôminô
- Tôi khóc, - ông nói tiếp. - Và lương tâm của tôi cắn rứt: chính ta đã che chở anh, đã đưa anh vào gia đình, nói với anh toàn những lời tốt đẹp… ta đã phá tan mọi nỗi nghi ngại cản trở cô ấy yêu anh… và đến bây giờ, cô ấy gạt đi được mọi nỗi băn khoăn, đã yêu anh và đã sinh thằng bé này… thì anh…
Ông ngừng lại, rồi giận dữ dằn từng tiếng:
- Cẩn thận đấy, Giacôminô! Ta đủ sức dẫn thằng bé này đến nhà cô vợ chưa cưới nào đó của anh!
Nghe những câu nói lộn xộn và nước mắt của giáo sư khiến Giacôminô hoang mang bối rối cực độ. Bây giờ nghe ông già đe dọa như vậy, anh vội chắp hai tay năn nỉ:
- Thưa giáo sư, giáo sư định biến thành trò cười cho khắp mọi người sao?
- Trò cười ư? - giáo sư thét lên. - Tôi sợ gì tiếng cười, khi tôi nhìn thấy anh tàn phá cuộc đời của một người phụ nữ bất hạnh, phá hủy cuộc đời của bản thân anh và của thằng bé này? Ta về thôi, Nini, ta về thôi!
Giacôminô lao chạy theo:
- Xin giáo sư đừng làm thế!
- Không được. Nhất định ta sẽ làm! - giáo sư tuyên bố với giọng kiên quyết. - Và để phá đám cưới của anh tôi sẽ còn yêu cầu nhà ngân hàng sa thải anh! Tôi cho anh ba ngày để suy nghĩ.
Dắt tay đứa bé, ông già bước ra phía cửa. Đến cửa, ông quay đầu lại đe dọa thêm lần nữa:
- Hãy suy nghĩ đi, Giacôminô! Hãy suy nghĩ cho thật kỹ vào.
Anh Chồng Của Vợ Tôi Anh Chồng Của Vợ Tôi - Luigi Pirandello Anh Chồng Của Vợ Tôi