Số lần đọc/download: 2196 / 55
Cập nhật: 2015-09-09 18:50:30 +0700
Chương 5: Người Đàn Ông Bí Mật Đeo Vòng
Q
uả lựu đạn rơi trúng đầu giường sắt, nhảy lên như quả bóng tơ-nít trước khi nổ tung. Mảnh đạn văng tứ phía, tuy nhiên không gây thương tích cho đám quân nhân run rẩy bị Buru dồn cứng vào góc hầm. Nhờ thoát lẹ, Văn Bình cũng không bị hề hấn. Nhưng đại tá Liu lại không may mắn. Trong chớp mắt, nệm giường màu trắng ngà đã đỏ ngầu, máu chảy lênh láng. Phần trên đại tá Liu biến thành đống thịt nhầy nhụa. Nạn nhân tắt thở trước khi bị sức ép của vụ nổ hất tung xuống đất. Văn Bình chồm dậy thật nhanh. Chàng nghe tiếng chân người rồn rập trên miệng hầm. Nhưng đến khi chàng vọt lên cầu thang, ló đầu ra ngoài thì không còn nghe tiếng động này nữa. Chàng cũng chẳng nhìn thấy ai mặc dầu ánh trăng chiếu xuống rất rõ. Buru khập khiễng trèo lên theo. Chàng hỏi hắn:
- Bị thương?
Hắn lắc đầu, giọng lẩy bẩy:
- Không.
- Có ai bị thương không?
- Dường như ba, bốn người. Còn đại tá Liu…
- Chết banh xác. Bây giờ chúng mình quay về…
- Làng Dua?
- Ừ, còn lối tắt nào nữa không?
- Trèo qua núi thì đường gần hơn. Có trăng sáng, tôi có thể dẫn ông đi đường tắt được. Nhưng mình cũng phải xuống hầm cứu chữa cho bọn sĩ quan bị trúng miễng lựu đạn đã chứ?
- Phải lên đường ngay mới kịp. Sợ kỹ sư Anbe Doarê biệt tích, khó tìm lắm.
Trên nguyên tắc, Buru mù tịt về Doarê. Hắn chỉ là thiên lôi, chỉ đâu đánh đó, hắn chỉ có bổn phận hướng đạo từ biên giới đến căn cứ 4Q. Hắn đã thành bạn đường thân tín, chàng nhận thấy không nên giấu hắn nữa. Chàng tưởng hắn ngạc nhiên, không dè chàng vừa nói hắn đã đáp leo lẻo:
- Nếu quả thật kỹ sư Doarê đến làng Dua thì phải nghỉ đêm tại trạm gác.
- Tại sao anh biết?
- Bọn sĩ quan kháo với nhau. Họ nói là trạm gác liên lạc căn cứ 4Q được đặt tại làng Dua.
Văn Bình bất thần bước tréo sang bên. Chàng lại nghe tiếng chân người. Sau lưng chàng, một đống sắt vụn đứng lù lù. Tiếng chân người từ sau đống sắt phát ra. Chàng quát:
- Ai?
Im lặng. Buru rút súng chờ. Một phút nặng nề trôi qua. Tiếng động khả nghi nín bặt. Văn Bình ra hiệu cho Buru:
- Kệ nó. Thôi chúng mình đi.
Nửa giờ sau, hai người về đến làng Dua. Quả như Buru nói, đường xuyên núi gần hơn nhiều, nhưng trèo qua những tảng đá lớn và trơn trượt là chuyện hết sức vất vả, nếu trời tối như hồi nãy thì rất dễ lọt xuống vực thẳm. Nơi Fêlin và hai cô gái nghĩ lại cũng là làng Dua, nhưng là một xóm ở phía Nam, quang cảnh tiêu điều, hầu hết nhà cửa đều bị địa chấn phá nát. Lần này, con đường tắt dẫn hai người đến xóm Bắc, ở vắt vẻo trên cao, giữa những rặng thông cao vút, và những ngôi nhà xây gạch đã khá kiên cố, lại không nằm ở trong trung tâm tàn phá của trận động đất hung hãn.
Văn Bình yên lòng khi nhìn thấy những đốm lửa le lói. Cuối xóm Bắc, trạm liên lạc của căn cứ 4Q được xây trên một mô đá lớn, cao lêu nghêu như nhà ba tầng. Vì một ngẫu nhiên kỳ lạ, những ngôi nhà thấp chung quanh đều ngã rụm, trong khi trạm liên lạc vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí cột cờ bằng gỗ trước vọng gác mảnh khảnh tưởng như gió thổi nhẹ là gẫy vẫn còn trơ trơ, và ở đầu mút là lá cờ Qui-tô bay phất phới một cách kiêu căng và thách thức.
Văn Bình xô cánh cửa khép hờ. Bên trong không có ai. Quân số trong trạm liên lạc gồm nửa tiểu đội, đặt dưới quyền chỉ huy của một trung sĩ. Văn Bình cất tiếng kêu nhưng không có ai trả lời. Chàng dạo quanh một vòng rồi bảo Buru:
- Bọn lính chạy hết rồi. Nếu có, kỹ sư Doarê phải nghỉ ở đây. Hay là….
Buru nói:
- Có lẽ trạm gác ở trên mỏm đá cao nên họ sợ. Tôi chắc họ rút xuống nhà xã trưởng, vì ở dưới thấp an toàn hơn.
Buru luồn qua một bụi cây um tùm, dẫn Văn Bình xuống con đường dốc thoai thoải. Chàng nghe nước sông chảy rì rầm. Đâu đây có tiếng người. Chàng đứng lại, tìm phương hướng âm thanh. Buru reo mừng như đứa trẻ được đồ chơi mới:
- Đây rồi, ông ơi!
Không kịp giải thích, cũng như không đợi Văn Bình trả lời, Buru chạy vụt xuống. Nhưng chỉ một giây đồng hồ sau, hắn vấp rễ cây, nằm thẳng cẳng trên dốc, miệng la oai oái. Hắn chống tay, gượng đứng dậy, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Văn Bình thương hại cõng hắn lên lưng. Đột nhiên, hắn quên hết đau đớn, cười nói huyên thiên.
Văn Bình men theo lối nhỏ, bước qua những rặng thông lớn đến một khoảng đất bằng, bên trên nhà cửa mọc xây san sát như bát úp. Rặng thông vươn cao hơn mái nhà nên đứng trên cao chàng không nhìn thấy. Dường như trận địa chấn không bén mảng đến nơi này vì những ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng vẫn còn nguyên.
Tiếng người trò chuyện mỗi lúc một rõ. Ngay bên trái, Văn Bình thấy một đống lửa lớn, củi cháy kêu lốp bốp, hàng chục đàn ông đàn bà phục sức lôi thôi lốc thốc quây quần chung quanh. Chàng biết họ là dân tản cư từ những vùng bất an kế cận kéo tới. Dưới ánh lửa đỏ, khuôn mặt rám nắng của họ giống nhau như hai giọt nước, má người nào cũng lõm sâu, và lõm sâu nhất là đôi mắt. Họ mới mất ngủ một vài đêm mà Văn Bình tưởng như từ nhiều tháng nay họ chưa hề được chợp mắt. Cảnh tàn phá hãi hùng đã làm họ mất hẳn tinh thần.
Mọi người cùng ngoảnh lại khi Văn Bình và Buru tiến tới. Tuy vậy, họ đều im lặng. Tiếng rì rầm hồi nãy câm bặt. Trẻ con, người già co ro bên đống lửa: hầu hết đều nằm ngay trên đất, không có chăn chiếu. Gia súc trà trộn trong đám đông, một con trâu lông bạc phơ đứng một mình, đuôi phe phẩy một cách lừng khừng, dường như muốn xua đuổi đàn muỗi phiến loạn, con nào cũng lớn gần bằng con ruồi đồng, nhưng không lấy đâu ra sức, xa hơn là mấy con gà gô đỏ chót nhảy nhót lăng xăng, một con đón chào khách quý Văn Bình bằng một tiếng gáy trái cựa, thậm chí có cả khỉ con và mèo đen nữa. Con khỉ lông vàng rộm nhe cái miệng đỏ chót cười tình với chàng, trong khi ấy hai chú mèo đen tuyền đang nằm sưởi gần lửa bỗng nhảy vọt lên nắp thùng gỗ đựng nước uống, giương cặp mắt sáng như có chất lân tinh ngó Văn Bình nhưng khi Văn Bình ngó lại thì hai con giật mình kêu meo meo một tiếng kinh rợn rồi chạy biến phía sau tảng đá được dùng làm ghế ngồi cho người đàn ông lớn tuổi nhất, vẻ mặt đạo mạo nhất trong bọn.
Người đàn ông này là xã trưởng. Hắn từ từ đứng dậy nhưng cũng như dân làng, hắn không hé môi. Buru liếng thoắng chào hỏi. Văn Bình mỉm cười một mình trong khi Buru trò chuyện liên tu bất tận với xã trưởng bằng thổ ngữ. Chàng mỉm cười vì Buru phát biểu lưu loát và dõng dạc, như thể hắn là cấp chỉ huy. Giọng nói của hắn có vẻ oai, bằng chứng là xã trưởng chăm chú nghe và dạ lia lịa. Khi Buru ngưng nói, xã trưởng hắn giọng đoạn chỉ tay ra sau rồi líu la líu lô.
Buru quay lại phía Văn Bình, giọng nghiêm trọng:
- Mời ông theo tôi.
Buru trèo qua nhiều phiến đá lớn nằm ngổn ngang, rồi đặt chân lên con đường sỏi đen. Sừng sững trước mặt là cái cổng tò vò xây gạch đỏ, tạo cho cảnh vật một vẻ nên thơ quyến rũ. Nếu trận địa chấn không gây ra hàng trăm thương vong, và nếu thần Chết không lởn vởn bên bản phúc trình tối mật mà kỹ sư Anbe Doarê hứa gửi cho trung ương tình báo Mỹ, thì Văn Bình đã quyết ở lại, cùng giai nhân bản xứ nhảy ùm xuống sông tắm mát trước khi tìm nệm cỏ êm ái để kể chuyện ân tình….
Mùi thuốc sát trùng và mùi máu tanh tưởi tạt vào mũi làm Văn Bình tỉnh mộng. Bước qua cổng gạch uốn, Văn Bình khựng người, trên nền đất một nhà cầu rộng thênh thang, người nằm ngồi la liệt, phần đông là phụ nữ, con trẻ, và phần đông đều bị thương. Thì ra đây là bệnh xá tạm để chữa trị nạn nhân của cơn động đất.
Nếu trời không sáng trăng thì bệnh xá tối om. Vì cả tòa nhà chỉ có vẻn vẹn một cây đèn măng-sông. Vùng biên giới không thiếu dầu hỏa, những giếng dầu khai thác có thể cung cấp cho dân Equatơ xài thả cửa, vậy mà ngọn đèn này lại được vặn nhỏ li ti, có lẽ vì sợ hết nhiên liệu.
Buru chỉ người đàn ông gầy guộc mặc áo choàng trắng, tai đeo ống nghe mạch, đang đi lại lăng xăng giữa đám nạn nhân mình đầy bông băng:
- Bác sĩ đấy!
Tưởng Buru giới thiệu gì mới lạ, chứ chỉ nói có thế thì hắn đã phí thời giờ, và phí nước bọt một cách vô ích. Đứa trẻ ngây thơ hoặc dân mọi ngu dốt trong vùng cũng biết y sĩ đội mũ có dấu thập đỏ, và mặc bờ-lu trắng toát. Văn Bình bèn nhún vai:
- Bác sĩ hả? Thế mà tôi cứ tưởng ông ta là kỹ sư Anbe Doarê.
Buru nghiêm mặt:
- Diễu cợt tôi làm gì tội nghiệp, ông ơi! Sở dĩ tôi nói đến bác sĩ vì ông ta là người duy nhất ở đây khả dĩ giúp ta tìm ra kỹ sư Doarê.
Nghe Buru nói ồm ồm, viên y sĩ quay lại. Trông sau lưng, y có vẻ già. Văn Bình đoán phỏng từ 50 tuổi xấp lên, căn cứ vào đôi vai rụt những những sợi tóc bạc lởm chởm, óng ánh dưới ánh trăng từ ngoài chiếu vào. Khi y sĩ quay lại, Văn Bình hơi sững sốt vì hắn không già chút nào. Hắn trạc 27, 28 tuổi là cùng, đôi môi thâm sì tố cáo hắn là đệ tử của ả Phù Dung, hoặc có tâm địa nham hiểm. Tóc hắn bạc có lẽ vì xấu máu. Hắn nhìn Văn Bình bằng cặp mắt lờ đờ, dường như hắn nhìn mà không thấy; bằng chứng là y đứng im như phỗng sành, chẳng nói chẳng rằng, đôi kiếng cận dày cộm, gọng mạ kền trễ xuống nửa sống mũi.
Buru nhanh nhẩu:
- Chào bác sĩ.
Viên y sĩ phớt tỉnh trước lời chào hỏi đậm đà của Buru. Trên tấm ván gỗ mục gần đó, một thiếu phụ da đã nhăn nheo như quả táo tầu khô đang rên khừ khừ. Y sĩ đút đầu ống nghe vào lỗ tai rồi cúi xuống, nghe tim. Mặt hắn vẫn phẳng lì như tảng đá cẩm thạch. Thiếu phụ cựa mình nhè nhẹ, tay bắt chuồn chuồn, miệng lắp bắp:
- Chết tôi mất, trời ơi!
Y sĩ nhấc ống nghe, dáng điệu trầm ngâm. Một phút sau, hắn lắc đầu, quay sang bên để khám người khác. Đột nhiên, Văn Bình nổi da gà, thiếu phụ nằm trên ván gỗ vừa cựa mình, cố gắng chống tay ngồi dậy, nhưng đã ngã rụp, ót dộng vào mặt ván kêu cộp một tiếng khô khan. Văn Bình bước lại gần, thiếu phụ ngửa mặt nhìn lên, hai mắt đầy tròng trắng đục lờ, miệng hơi mở ra, nhe nửa hàm răng đen sì, nứt nẻ và khập khểnh.
Thiếu phụ đã chết. Buru vội la:
- Bà này đã chết rồi, ông bác sĩ ơi!
Viên y sĩ ngó Buru bằng luồng nhỡn tuyến trách móc:
- Ông muốn gì?
- Thưa bác sĩ, bà này vừa chết.
- Phải, bà này vừa chết.
- Bác sĩ cũng biết là bà ta sẽ chết.
- Dĩ nhiên, từ hai hôm nay, gần năm chục người bị thương cũng chết như bà ta. Ông cần gặp tôi phải không?
- Phải.
- Tôi đang bận khám bệnh. Phiền ông chờ đến khi tôi xong việc.
Y sĩ ngừng một giây rồi tiếp:
- Sáng mai ông trở lại, tiện hơn. Vì có lẽ tôi khám bệnh đến sáng mai mới xong nổi.
- Thưa… chúng tôi có công việc cần, rất cần…
- Hừ…. ở đây, ai cũng có công việc rất cần như ông. Cần nhất là chữa bệnh nhân hấp hối.
- Tôi xin bác sĩ giành cho một phút. Chỉ một phút ngắn ngủi thôi.
Buru lại bắt đầu ba hoa. Nhưng viên y sĩ đã khoát tay, mặt hơi nhăn:
- Muốn gì, ông nói ngay đi.
- Bác sĩ cho phép không?
Viên y sĩ thở dài:
- Tôi chưa gặp ai nhiều lời như ông. Thôi chào ông.
Văn Bình chặn viên y sĩ lại:
- Xin bác sĩ tha lỗi. Trong số nạn nhân điều trị ở đây, có ai tên là Doarê không?
Viên y sĩ vỗ trán, ra vẻ suy nghĩ:
- Kỹ sư Anbe Doarê làm việc tại căn cứ 4Q. Có, ông ta hiện ở đây. Bị thương.
- Nặng?
- Không. Chỉ bị bất tỉnh sau khi hụt chân ngã xuống hốc núi. Xương ống chân trái bị gẫy, thân thể chỉ bị xây xát xoàng. May gặp dân tị nạn trông thấy, khiêng về làng Dua.
- Doarê đã tỉnh lại chưa?
- Rồi.
- Tôi muốn gặp Doarê.
- Điều này không lên quan đến tôi. Tôi chỉ là y sĩ có nhiệm vụ chữa bệnh. Doarê ở vào tình trạng đặc biệt. Ông ta yêu cầu lực lượng an ninh 4Q biệt phái ở đây canh phòng cẩn mật. Nếu ông muốn gặp ông ta, xin ông giao thiệp với người gác.
- Doarê nằm ở đâu?
Viên y sĩ rút cặp kiếng cận thị ra lau vào vạt áo bờ-lu, lau xong, hắn chỉ tòa nhà gạch xiêu vẹo bên trái, cách chỗ hắn đứng gần trăm thước. Một phần tòa nhà đã tốc mái, không rõ vì địa chấn hay vì thời gian. Có lẽ đây là một trong những di tích của nền văn minh bản xứ. Theo lịch sử, cách đây cả ngàn năm, vùng Nam-Mỹ, đặc biệt là ven biển Thái-Bình-Dương, là trung tâm của một nên văn minh đáng kể. Hầu hết những tác phẩm kiến trúc và mỹ thuật của thời đại này đã chìm sâu đáy biển hoặc nằm lấp trong lòng đất. Thỉnh thoảng trong rừng già, trên đỉnh núi cao, các nhà khảo cổ mới tìm thấy những mộ phần hoặc dinh thự xưa.
Viên y sĩ lại đeo ống nghe vào tai. Trước đó, hắn dặn Văn Bình:
- Kỹ sư Doarê nằm dưỡng bệnh trong phòng riêng, ông đi thẳng vào trong, rẽ tay trái đến căn phòng ở cuối hành lang, phía ngoài có người gác.
Văn Bình rảo bước về tòa nhà cổ. Nhờ ngọn gió từ đỉnh núi thốc xuống và hơi mát dưới sông dâng lên, mùi hôi thối và tanh tưởi đã bay tản. Buru phồng ngực:
- Ông bác sĩ tài thật. Tôi chỉ đứng lát nữa là ngạt thở mà chết.
Văn Bình không đáp. Chàng còn băn khoăn vì cái sân rộng đã tối, bên trong tòa nhà cổ còn tối hơn. Một cây đèn dầu sơ sài được đặt trên cái đôn sành mảnh khảnh cứ lập lòe dọa tắt. Nếu nhân viên địch núp đâu đây giở trò bắn lén, chàng khó có hy vọng tránh thoát. Khu nhà rộng mông mênh, chung quanh lại có nhiều bụi rậm và mỏm đá cao, địa hình này rất thuận tiện cho đối phương bắn sẽ.
Hai người vừa rẽ trái vào hành lang sâu hun hút thì cây đèn ngoài hiên bỗng tắt phụt. Buru cất tiếng:
- Lạ thật!
Văn Bình ép mình sát tường:
- Anh cứ chờ ở đây, để tôi đi lấy đèn.
Tuy nói vậy, chàng vẫn không nhúc nhích. Sau khi thăm dò động tĩnh, không nghe thấy tiếng động khả nghi, chàng mới men theo chân tường ra ngoài. Chàng quẹt diêm, châm ngọn đèn dầu ở góc, đoạn bưng lộn vào hành lang. Ánh đèn đỏ quạch không đủ xua đuổi màu da trắng bệch của Buru. Chàng thấy rõ hàm răng hắn đánh cầm cập, và chân hắn không đứng vững.
Chàng đưa cây đèn dầu cho hắn:
- Anh cầm đèn, còn để mọi việc cho tôi.
Ngọn đèn lập lòe. Văn Bình bước nhanh lại căn phòng mở hé. Nhưng khi gần đến nơi, chàng vội ngừng lại. Chàng biết là chuyện chẳng lành đã xảy ra. Viên y sĩ nói là cửa phòng của kỹ sư Doarê có lính võ trang canh gác, nhưng chàng chẳng thấy ai, không lẽ tên lính sợ ma lẻn vào phòng với Doarê?
Văn Bình lên tiếng:
- Có ai trong phòng không?
Không có tiếng trả lời. Văn Bình co chân đạp cánh cửa. Cánh cửa đã long bản lề chỉ chờ chàng đụng vào là đổ văng xuống đất, nhưng mảnh gỗ vụn bay tứ tán. Ngoài âm thanh do cánh cửa rớt xuống gây ra, chàng không còn nghe được gì nữa. Chàng lại gọi:
- Doarê? Doarê có ở trong phòng không?
Chàng rút súng cầm tay xồng xộc chạy vào. Trong phòng có hai cái giường sắt nhỏ, loại giường sắt bệnh viện mà chàng đã thấy tạicăn cứ 4Q. Giường bên trong có người nằm, còn giường bên ngoài trống không. Giường không có nệm cao-su cũng như khăn tải, bệnh nhân phải nằm trên cái chiếu rách nát.
Theo thường lệ, bệnh nhân nằm ngửa. Nhưng bệnh nhân này lại nằm sấp, chân co chân duổi. Buru hỏi dồn:
- Đúng kỹ sư Anbe Doarê không?
Văn Bình gật đầu. Chàng vừa lật ngửa người nằm trên giường để xem xét. Đúng bệnh nhân là kỹ sư Doarê như đại tá Pít đã mô tả tường tận. Bệnh nhân đeo mục kỉnh gọng đồi mồi nạm vàng tây. Doarê vốn thích đồi mồi, có lẽ vì hắn là người Á đông sinh trưởng ở vùng ven biển, những ngày thơ ấu đùa nghịch với đồi mồi nên hình ảnh của vỏ đồi mồi đã nhập vào cơ thể hắn biến thành một phần cuộc đời.
Văn Bình vạch tai bệnh nhân: dưới vành tai trái có cục bướu nhỏ bằng hột bắp, màu trắng. Cục bướu này hoàn toàn bằng xươn sụn, khi chào đời Doarê đã có. Hai chi tiết này đủ chứng tỏ bệnh nhân là Doarê bằng xương bằng thịt. Tuy nhiên, chàng vượt núi, băng rừng đến Equatơ không phải để nhìn kỹ sư Anbe Doarê nằm sóng sượt trên cái giường sắt lạnh lẽo. Chàng phải tiếp xúc với hắn. Và hắn phải giao tận tay chàng một cuộn băng nhựa tài liệu tối mật để chàng mang về Hoa-thịnh-đốn cho ông tổng giám đốc Sì-mít.
Công lao của chàng, công lao của đại tá Pít, công lao của ông Sì-mít đã trở thành dã tràng xe cát. Vì Doarê đang nằm trước mặt chàng là Doarê đã chết.
Buru sững sờ:
- Ô kìa, tại sao ông ta lại nhăn răng ra thế?
Văn Bình chép miệng:
- Vì ông ta đã chết.
Buru lẩm bẩm:
- Chết, chết, trời ơi, định gặp ai thì người ấy chết. Không khéo tôi cũng chết, ông ơi!
Văn Bình không thèm quan tâm đến lời than thân trách phận của Buru. Hắn chết được thì nhân loại đỡ khổ. Sự sống của kẻ vô tích sự, chỉ khoái ăn, khoái chơi như hắn chỉ tổ làm nặng trái đất. Chàng bình thản vuốt mắt Doarê cho nhắm lại. Doarê không lấy gì làm đẹp trai, song người Á đông như hắn khá hiếm, vì hắn có bề cao vừa vặn, bề ngang nẩy nở, nét mặt khả ái, và làn da trắng hồng khỏe mạnh cộng với cách phục sức chững chạc đủ làm phụ nữ say mê….
Tuy nhiên Doarê không chết về mỏi mệt hoặc thương tích dọc đường. Ống chân trái bị gẫy đã được bó bột trắng xóa: nơi sườn non có một vết khâu lớn. Doarê chết vì cổ họng bị chặn nghẹt, kẻ giết Doarê phải là võ sĩ nhu đạo am tường bí quyết atêmi vì người thường khó thể chẹn động mạch cổ đồng thời chẹn khí quản. Nạn nhân chết vì bị bóp cổ thường sưng húp mặt, da tím ngắt, lưỡi thè lè. Ngoại trừ các nạn nhân của giới võ sư về điểm huyệt pháp.
Văn Bình lục túi xác chết. Da Doarê còn nóng, chứng tỏ hắn vừa bị hạ sát. Hắn cũng không bị hung thủ lục lọi. Văn Bình đặt những món đồ tùy thân của Doarê lên khăn giường và quan sát tỉ mỉ. Doarê không thể giấu tài liệu trong cái quẹt máy nhỏ xíu hoặc trong gói thuốc Camel đã hút đến điếu cuối cùng. Vả lại, đại tá Pít đã nói rõ là bản phúc trình mật của Doarê được ghi bằng mật mã trong băng từ thạch.
Không thấy gì, chàng lật nệm, gối và cả khăn trải giường lên. Cũng không thấy gì. Doarê nằm sóng sượt, trên mình còn nguyên bộ vét-tông xám, cái quần đồng màu bó lưng, ống chân voi. Bộ âu phục rách nhiều chỗ nhưng vẫn còn mới toanh, và được cắt hợp thời trang trong năm.
Buru hỏi Văn Bình, giọng lo lắng:
- Giờ đây, ông tính sao?
Văn Bình chưa kịp trả lời thì Buru đã kêu "ối" một tiếng lớn rồi ngã chúi vào tường. Trước đó chàng đã nghe tiếng gió ào ào và đoán biết là bị đánh trộm. Nhờ phản ứng nhậm lẹ, chàng thụp xuống, nhưng chàng không có thời giờ báo tin cho Buru. Kẻ địch núp trong khuỷu hành lang chủ tâm đánh gục cả hai người bằng thế đòn độc, với cây gậy rắn phạt tréo từ trên xuống.
Địch thu gậy về, Văn Bình vội lăn tròn trên nền đất, đề phòng đợt tấn công tiếp. Nhưng chàng đã thận trọng hơi thừa vì địch đã quăng gậy và chạy biến trong bóng tối. Văn Bình chồm dậy, chàng toan phóng theo nhưng lại nằm nhoài vì nghe một âm thanh khô khan quen thuộc, giống như tiếng "bụp" của nút bấc khui rút khỏi cổ chai sâm-banh.
Địch vừa nổ súng, Văn Bình co chân đạp đổ ngọn đèn. Căn phòng chìm vào tối om, ánh trăng bên ngoài bị mây đen giăng kín nên Văn Bình không dám rượt đuổi kẻ bắn lén. Vả lại, Buru dộng đầu vào tảng đá chỉ kêu được tiếng "ối" độc nhất rồi lặng thinh, chàng phải cứu chữa cho hắn.
Cũng may, Buru chỉ bị xây sát nhẹ. Hắn khập khiễng vịn bờ tường đứng dậy. Thường ngày hắn đã có lối đi khập khiễng buồn cười, giờ đây hắn khập khiễng thêm: hoàn cảnh Văn Bình như chỉ mành treo chuông, chàng có thể trúng đạn bắn lén của địch bất cứ lúc nào, chẳng có gì là trào lộng vậy mà bàn chân cà nhót của Buru vẫn làm chàng buồn cười như bị thọc lét.
Hắn hỏi dồn:
- Ông tìm được hắn chưa?
Một tiếng "ối" nữa cất lên. Dĩ nhiên người kêu cứu không phải Buru. Tiếng kêu cứu từ ngoài sân rộng vọng vào. Văn Bình chạy băng ra. Chàng bàng hoàng khi thấy viên y sĩ mặc bờ-lu trắng ôm ngực lảo đảo. Chàng chưa chạy đến nơi thì viên y sĩ đã ngã vật, ngực trái nhuộm đỏ máu đỏ lòm. Hung thủ đánh atêmi đã tài, bắn súng còn tài hơn nữa. Hắn chỉ cần một viên đạn là vĩnh viễn bịt được miệng viên y sĩ, nhân chứng duy nhất có thể cung cấp những tin tức quan trọng.
Kỹ sư Doarê chết. Viên y sĩ chữa cho Doarê cũng chết. Hai cái chết xảy ra trong vòng 5 phút đồng hồ ngắn ngủi. Nếu chàng né chậm một phần mười tích tắc đồng hồ, thì số người chết đã tăng thành 3.
Địch tấn công nhanh như điện xẹt nên chàng không có điều kiện nhận rõ mặt hắn. Chàng chỉ thấy thoáng qua một khối thịt tròn lẳn. Hắn đã giết Doarê cùng viên y sĩ và bắn hụt chàng, chắc chắn hắn còn lẩn quất đâu đây sửa soạn lảy cò lần nữa, lảy cò cho đến khi nào trúng đích.
"Bụp"… Văn Bình khỏi cần phải chờ lâu, chàng mới cúi xuống, nắm cườm tay viên y sĩ xem mạch thì địch núp sau bức tường đổ bên trái đã chĩa súng bắn ra. Viên đạn vèo qua đầu chàng, đốt một mảng tóc khét lẹt. Hú vía, nếu nền đất ướt không làm chàng trượt chân mất thăng bằng thì viên đạn kinh khủng đã chui gọn vào mắt chàng. Với viên đạn 9 li trong mắt, óc chàng sẽ bị phá toang, chàng khó có hy vọng sống sót.
Như trái banh cao-su dội nẩy trên sàn quần vợt bê-tông, Văn Bình phi thân về sân vừa phát ra tia lửa da cam. Nhưng địch đã nhanh chân tháo chạy. Chàng ngã nhào vào bụi cây đầy gai nhọn lởm chởm, tay chân bị đâm lung tung, máu chảy ri rỉ song chàng không biết đau. Địch dẫn chân thình thịch cách chàng một quãng ngắn. Rồi chàng nghe "uỵch" một tiếng. Thiên bất dung gian, hung thủ tuột một chân xuống hố. Qua làn sương trắng lấp lánh ánh trăng xuông, Văn Bình thoáng nhìn thấy một bóng người lờ mờ đang cúi xuống, có lẽ để xoa nắn bàn chân bị bong gân.
Chàng lượm một hòn đá nhọn, nín hơi, sửa soạn ném vào mặt bóng đen. Trong vòng 30 thước, chàng có thể gây thương tích trầm trọng cho hắn. Sở dĩ chàng phải nín hơi vì sợ khoảng cách hơi xa này và tiếng gió thổi mạnh làm hòn đá nhẹ lạc mục tiêu. Nhưng gã "phải gió" Buru không biết từ đâu hiện ra đã la thét mừng rỡ như đứa trẻ được cha mẹ lì xì trong dịp không phải ngày tết:
- Nó đấy, nó đấy, bắn di ông!
Tiếng kêu của Buru đủ sức đánh thức xác ướp Ai Cập từ mấy ngàn năm trước, huống hồ bóng đen là võ sĩ hữu hạng, cho nên Văn Bình vừa giơ tay thì hắn đã biến đâu mất. Nổi cáu, Văn Bình muốn nện cho Buru một cái chết giấc. Nhưng hắn đã nhãy cỡn như con choi choi:
- Nó kia kia, ông ơi!
Buru đã báo hoảng vì chàng chẳng nhìn thấy gì cả, ngoài những tảng đá trắng nằm thưỡn dưới trăng bên cạnh những bụi cây thấp um tùm. Kẻ địch bắn lén đã hoàn toàn biến dạng. Văn Bình bực bội bước qua bãi đất trống, đống lửa đốt hồi nãy vẫn còn cháy lép bép, đám đông vẫn ngồi xếp bằng chung quanh. Cũng như hồi nãy, họ chỉ nhìn chàng mà không nói. Nhưng nếu hồi nãy họ nhìn chàng bằng luồng mắt thờ thẫn, không thiện cảm cũng không ghét bỏ, thì giờ đây luồng mắt họ bỗng sôi sục căm hờn. Dường như họ coi chàng là kẻ đến phá rối sự an toàn của họ.
Thái độ của đám dân tị nạn làm Buru hoảng hốt. Hắn ghé tai chàng, hổn hển:
- Mình phải đi ngay thôi.
Buru kéo chàng rẽ trái, xuống con đường dốc thoai thoải. Tiếng lửa lép bép đã nhạt hẳn sau lưng. Ánh trăng sáng hơn nhưng cảnh vật vẫn tối. Buru đang thất thểu bỗng khựng lại, rủa một tiếng rồi kêu chàng:
- Đúng nó rồi!
Chàng bóp tay Buru:
- Nó đâu? Anh buồn ngủ lắm hả? Nếu cần, nằm luôn xuống đây ngủ một lát cho khỏe mắt.
Buru phản đối:
- Ông thử nhìn theo tay tôi xem tôi buồn ngủ hay ông buồn ngủ?
Theo ngón tay chỉ của Buru, Văn Bình thấy một người mặc đồ trắng nằm sóng sượt trên nệm cỏ. Buru la thất thanh:
- Tránh đi mau, nó sắp bắn!
Văn Bình vẫn đứng thản nhiên vì lẽ giản dị bóng trắng đang nằm bất động. Có lẽ mắt Buru quáng gà hoặc tâm thần bấn loạn cực độ, hắn mới nhận lầm ra bóng trắng ngồi dậy, nâng súng lảy cò. Buru rạp mình trên đất, hai chân duỗi thẳng băng. Nhưng nếu bóng trắng bắn thật, Buru khó tránh khỏi viên đạn đầu tiên vì mông đít hắn gồng cao như con tôm luộc.
Văn Bình thận trọng bước lại gần bóng trắng. Nạn nhân nằm ngửa, mắt lim dim trong tình trạng nửa mê, nửa tỉnh. Thoạt trông gương mặt trắng nhợt và hơi thở yếu ớt của nạn nhân, Văn Bình biết hắn bị thương nặng. Chàng bèn cúi xuống xem xét.
Chàng chưa hề gặp bóng trắng lần nào trong đời, song đối với chàng, hắn lại là một người quen thuộc, hết sức quen thuộc. Quen thuộc đến nỗi chàng nhớ ngày, giờ và nơi sinh của hắn, cùng tên cha mẹ, tên trường học mẫu giáo của hắn. Chàng còn biết cả hắn có bao nhiêu bạn thân và bao nhiêu nhân tình, đồng thời trong trương mục ngân hàng hắn còn bao nhiêu tiền nữa.
Nghe tiếng động, nạn nhân mở rộng mắt. Hắn chỉ thoáng mê man chứ không bị nguy hiểm đến tính mạng. Văn Bình đặc biệt lưu ý đến nắm vòng bằng bạch kim nhỏ li ti trên cườm tay trái của hắn. Những cái vòng này phụ nữ làm đỏm thường đeo, người Pháp gọi là vòng sơ-men.
Riêng nắm vòng sơ-men bạch kim đã đủ chứng minh hắn là người chàng cần gặp. Tuy vậy, chàng vẫn chưa hoàn toàn tin cậy. Nhân viên gián điệp trên thế giới đội lốt nhau là chuyện xảy ra cơm bữa.
Chàng từ từ kéo áo nạn nhân. Gần khuỷu tay hiện ra một vết thẹo dài tréo góc 30 độ, dài đúng 6 phân tây. Vết thẹo này là di tích một trận ấu đả trong trường.
Văn Bình không còn hoài nghi nữa. Nạn nhân chính là nhân viên thân tín C.I.A. được lệnh đến căn cứ 4Q tiếp xúc với kỹ sư Doarê và mang tài liệu bí mật về Hoa-thịnh-đốn. Nhân viên này đã mất tích.
Chàng tát má hắn và gọi:
- Vích-ky, Vích-ky, anh đã tỉnh chưa?
Dưới ánh trăng xuông, Vích-ky cựa mình. Chàng nắm tay hắn, truyền sinh lực vào thủ huyệt để giúp hắn phục hồi nhanh chóng. Công tác của chàng đã hoàn tất hai phần ba. Chàng mỉm cười khoan khoái.