Số lần đọc/download: 2283 / 61
Cập nhật: 2015-09-11 11:05:36 +0700
Chương 5: Z. 28 Sa Bẫy
K
iều Nga đánh diêm châm thuốc lá. Từ nãy đến giờ, mới 30 phút mà nàng châm thuốc lá gần hết nửa bao quẹt, và điếu thuốc còn nguyên. Dường như ngón tay ngứa ngáy nên nàng đánh diêm, chứ không phải nàng thích hút thuốc. Nàng vẫn có cử chỉ bần thần lạ lùng này khi dặt chân vào văn phòng sở Mật vụ và diện kiến ông tổng giám đốc.
Sau nhiều năm hoạt động điệp báo, nàng không còn là nhân viên tập sự, dễ xúc động cũng như dễ mất tinh thần nữa. Tuy nhiên, trước mặt ông Hoàng, nàng cảm thấy bé nhỏ như cô nữ sinh ngây thơ, tóc bím, dận xăng-đan thấp, mặc áo dài trắng ngắn ngang đầu gối, môi má trinh nguyên chưa ngửi mùi son phấn đài các.
Đang nghỉ ngơi trong khách sạn, Kiều Nga nhận được điện thoại của sở, ra lệnh tới trình diện tức khắc. Sau công tác ở Huế, đóng vai mỹ nhân khờ khạo để thử lửa Văn Bình, nàng được triệu về Sài gòn. Ở Sài gòn chưa đầy một ngày, nàng đã phải đến sở.
Dụi điếu thuốc cháy dở vào đĩa đựng tàn trước mặt, Kiều Nga liếc nhìn bí thư trưởng Nguyên Hương.
Nguyên Hương quả là con người nhan sắc tuyệt vời. Kiều Nga cảm thấy tâm thần xúc động mạnh mẽ. Đột nhiên, nàng yêu Nguyên Hương tha thiết, và muốn vùng dậy, ôm ghì nàng, hôn lấy hôn để.
Nguyên Hương ngẫng đầu lên, chạm nhỡn tuyến soi mói của Kiều Nga.
Kiều Nga bủn rủn tay chân, vội vàng quay ra chỗ khác. Nguyên Hương cũng giả vờ bận việc, cúi xuống đống hồ sơ. Hơn ai hết, nàng đã hiểu tại sao Kiều Nga ngượng nghịu.
Vi Kiều Nga mắc bệnh đồng tính luyến ái. Kiều Nga mắc bệnh yêu đàn bà, mặc dầu là đàn bà.
Cửa phòng ông Hoàng dạt sang bên. Nguyên Hương đứng dậy:
- Mời chị.
Kiều Nga bừng tĩnh mộng.
Như cái máy, nàng bước vào trụ sở bí mật nhất Đông nam á, nơi ông Hoàng làm việc ngày đêm.
Thấy ông Hoàng ngồi yên lặng sau bàn giấy đầy ắp hồ sơ và điện thoại, Kiều Nga tái mặt. Ông Hoàng chỉ ghế bành, giọng khô khan:
- Mời cô.
Rồi không đợi nàng trả lời, ông Hoàng nói tiếp:
- Như cô đã biết trước ngày ra Huế, tôi có ý định gửi cô sang Nam vang từ lâu. Giờ dây mới có cơ hội.
Mặt Kiều Nga hồng hào trở lại. Hai tiếng Nam vang như liều thuốc bổ hảo hạng đối với nàng. Vì Nam vang là thành phố quen thuộc. Vì Nam vang là nơi nàng sinh sống một thời gian dài. Vì Nam vang là nơi nàng còn lại nhiều bạn thân thiết.
Gạt tàn điếu xì gà Ha-van bất hủ, ông tổng giám đốc tiếp:
- Lần này, công tác của cô rất giản dị, còn giản dị hơn lần ở Huế nhiều, cô sẽ không bỡ ngỡ vì đã quen đất Cao. Cô lại có nhiệm vụ tiếp xúc một người mà cô biết mặt, biết tên, biết tính tình từ trước. Đó là Văn Bình, Z. 28.
Kiều Nga khựng người, mặt bắt đầu đỏ gay. Nàng lắp bắp:
- Thưa...
Ông Hoàng gạt phắt:
- Tôi hiểu cô định nói gì rồi, song công việc là công việc. Phi cô không ai làm nỗi. Trong ban XX của Sở, chưa nhân viên nào am tường tình hình Cao Miên. Tệ hơn nữa, chưa nhân viên nào đặt chân tới Nam vang. Cô là nữ nhân viên duy nhất quen Nam vang như nơi chôn rau, cắt rốn. Vả lại, cô chỉ lưu lại xứ Chùa Tháp một thời gian ngắn. Bổn phận của cô là gặp Văn Bình để nhận tài liệu.
Sau đó, cô phải về ngay. Lát nữa, chuyến phi cơ thương mãi thường lệ Air-Vietnam đi Vọng các, và dừng lại ở Nam vang. Tôi đã lo liệu thủ tục và giấy tờ đầy đủ cho cô. Trong 48 giờ đồng hồ nữa, cô sẽ có mặt tại Sài gòn.
Cửa điện lại mở.
Cuộc tiếp xúc với ông tổng giám đốc chấm dức.
***
Trong khi ấy, ở Nam vang, cuộc tiếp xúc của Văn Bình với chiến dịch Xúc xắc chứa đầy bí mật mới thật sự bắt đầu.
Chàng nín hơi thở trong mền để theo những diễn biến toát bồ hôi lạnh. Người đàn bà khêu gợi mặc áo ngủ ni-lông hồng lách sang bên cho một nhân viên Công an bước vào.
Hắn trẻ măng như cậu thanh niên trung học, làn da trắng xanh của ngưòi không quen với bầu không khí dầy dạn mưa nắng của vận động trường.
Thiêu phụ ỏn ẻn mời:
- Xin thiếu úy tự tiện.
Đáng lẽ bước vào lục soát, hắn lại đứng chôn chân sau cánh cửa đóng kín, mặt đỏ bừng, đôi mắt láo liên, dán chặt vào kho tàng vô giá lồ lộ sau làn áo mỏng dính của người đàn bà núi lửa.
Đột nhiên, nàng đổi giọng:
- Ông ngắm xong chưa?
Hắn bàng hoàng đáp vội:
- Thưa...
Thiếu phụ quắc mắt:
- Tôi mời ông vào phòng để tìm gian phi, không phải để ông thỏa mãn con mắt. Tên cướp nguy hiểm ấy chỉ có trong trí tưởng tượng của ông mà thôi. Yêu cầu ông ra ngay.
- Thưa...
- Khuya rồi, tôi không có thời giờ tiếp ông nữa. Ông đừng bắt tôi phải có thái độ bặt nhã.
Nàng mỡ toang cửa, xô gã thanh niên si tình ra ngoài, rồi đóng lại đánh sầm.
Nằm trong giường, Văn Bình thở phào. Hú vía! Chàng đã nghi oan cho thiếu phụ. Nàng phải là diễn viên sân khấu đại tài.
Dáng điệu chậm rãi, nàng tắt đèn, chờ cho tiếng giầy khuất sau hành lang mới rụt rè ngồi xuống đệm. Mùi da thịt thơm ngào ngạt làm Văn Bình ngây dại.
Quên hết mọi việc, chàng nắm cánh tay tròn trĩnh của nàng:
- Cô ngả lưng một lát cho khỏe.
Thiếu phụ không đáp, tần ngần nhìn Văn Bình trong bóng tối. Đánh bạo, Văn Bình kéo nàng xuống.
Bỗng dưng, chàng được hưởng một đêm thần tiên.
***
Trời đã sáng lóe khi chàng thức dậy, cảnh ồn ào trong bin-đinh phụ họa với âm thanh chói tai dưới đường, và từ xưởng máy kế cận, cùng thức dậy với chàng.
Nhìn sang bên, Văn Bình không thấy nàng ở đâu, mà chỉ thấy chỗ trũng trên tấm nệm trắng muốt, còn thơm mùi da thịt quyến rũ. Thân thể chàng nhẹ lâng lâng như vừa được tắm nước nóng bỏng và xoa nắn.
Chàng ngồi dậy, cất tiếng thân mật:
- Huyền Phượng!
Tên nàng là Huyền Phượng. Sau khi toán công an rời bin-đinh được 5 phút, chàng đã biết tên nàng. Đến phút thứ 6, chàng đã hôn nàng đắm đuối vào đôi môi đỏ mọng.
Thế rồi...
Sau thời khắc hoan lạc, nàng tỉ tê tâm sự vời chàng. Vì thời cuộc - đúng hơn, vì cuộc đời ngang trái - nàng lên đất Cao lập nghiệp. Trước đây, nàng là vũ nữ ăn khách ở Sài gòn. Duyên trời run rủi, nàng gặp một sinh viên Y khoa. Hai người yêu nhau tha thiết, và chàng hứa hẹn sau ngày tốt nghiệp sẽ cưới nàng làm vợ.
Chàng giữ đúng lời hứa, song gia đình chàng phản đối kịch liệt. Không thể thuyết phục cha mẹ, cũng không thể tự ý thành hôn với nàng, chàng bèn rũ nàng sang thế giới bên kia để được tha hồ yêu nhau, mãi mãi yêu nhau, không bị ai ngăn cản.
Một đêm kia, sau cuộc truy hoan ngất ngư chàng pha thuốc ngủ vào rượu, và hai người cùng uống. Từ phút ấy, nàng không biết gì nữa.
Ba ngày sau, nàng tỉnh dậy trong bệnh viện. Và chàng đã chết. Nàng không thể chết theo chàng vì lẽ giản dị nàng còn mẹ già, và con dại, đứa con mới đẻ của chàng.
Huyền Phượng đành bỏ xứ lên đất Chùa Tháp, hành nghề vũ nữ. Gặp Văn Bình nàng có cảm tình ngay. Nàng thề không yêu ai nữa, song không hiểu sao nàng đã mất hết nghi lực trước Văn Bình.
Đang lê giép dừa từ bếp ra, Huyền Phượng nghe Văn bình gọi, vội đứng lại, giọng âu yếm:
- Anh dậy rồi ư?
Văn Bình cười nụ:
- Hừ, nếu còn ngủ thì gọi em sao được. Mấy giờ rồi em?
Chàng gọi nàng bằng em như thể đã quen nàng từ nhiều năm trước. Nàng nhìn cổ tay:
- Mới 10 giờ, anh ngủ nữa đi.
Văn Bình chép miệng:
- Trời, 10 giờ mà còn khuyên anh ngủ nữa. Sống vói em độ một tuần, anh sẽ biến thành ông vua ngủ.
- Thì anh ở lại Nam vang với em.
Nàng đặt tách cà phê đen đang nóng hổi trên bàn đêm. Văn Bình níu áo ngủ của nàng, rồi vít cổ nàng xuống, hôn lọan xạ vào má, vào cổ vào tóc. Ngoan ngoãn, nàng xà vào lòng chàng, để đón cái hôn cháy bỏng vào môi. Mắt nàng lim dim, ngón tay búp măng run run như đang lướt trên phím đàn dương cầm.
Mùi cà phê rang chín tới, pha với nước thật sôi đúng phương pháp, tỏa ra một hương thơm đặc biệt, thích hợp với bầu không khí thoải mái buổi sáng. Văn Bình sực nhớ tới hàng ngàn ly cà phê nóng đặc nhắp chung với những người đàn bà gặp gỡ trong quãng đời trôi nổi.
Chàng se sẽ thở dài:
- Không được, em ạ. Anh là con chim giang hồ... nay đây, mai đó, không ở nơi nào nhất định. Vả lại, anh đang còn công việc, một công việc, quan trọng.
Mắt nàng đăm đăm nhìn vào khoảng không:
- Thật ra, em cũng không nên giữ anh lại. Con em hiện ở trong trường, nhưng chủ nhật sẽ về nhà. Em đã hứa với nó là không yêu người đàn ông nào nữa, ngoài cha nó. Em giữ tròn lời hửa vừa chẵn 10 hăm. Trời ơi, em sợ...
Huyền Phượng nín lặng. Văn Bình đã nhìn rõ gan ruột nàng. Chàng nhìn cà phê bốc khói, giọng buồn rầu:
- Muộn rồi, để anh về...
Huyền Phượng choàng dậy:
- Lát nữa, hãy về. Nhân viên công an đang lảng vảng bên ngoài. Em quen mặt họ hết, để em giả vờ xuống đường mua báo.
Văn Bình mừng rơn:
- Cám ơn em. Nếu không gặp em, anh đã nằm trong xà lim công an. Anh có cảm tưởng là Trời sui em tới cứu anh.
- Em không phải là người báng đạo, nhưng thú thật, em không tin ở Trời nữa. Trời có mắt, tất không xô đẩy em vào cuộc sống cô đơn này trong 10 năm nay. Sự đau khổ đã biến em thành vô thần và vô tư lự. Em không dám nghĩ đến tương lai mà chỉ sống với hiện tại.
Gặp anh sau 10 năm sầu thảm là hạnh phúc tột đỉnh đối vói em. Em chỉ hy vọng được sống gần anh một thời gian ngắn. Em không dám hỏi rõ về đời anh, sợ thất vọng. Nhìn gương mặt, đôi mắt anh, em đã đoán biết công việc anh làm, song công việc là công việc, em không bao giờ muốn dính dáng. Em rất kín miệng, anh có thể yên tâm. Nhưng thôi, em hẹn mua báo cho anh mà tán gẫu mãi.
Huyền Phượng đi rồi, chàng mới vào phòng tắm. Nước lạnh mơn man da thịt làm chàng thoãi mái. Chàng suýt reo lên khi thấy áo quần của
chàng đã được ủi phẳng nếp, và treo trên giá.
Mặc đồ xong, chàng lại nằm dài trên giường, mắt nhắm nghiền, kiểm điểm lại những xiệc xảy ra.
15 phút sau, Huyền Phượng xách bọc đồ nặng chĩu, mở cửa vào. Nàng ngồi xuống bên chàng, mở gói lấy chai huýt-ky và bịch thuốc Salem. Huýt-ky và thuốc Salem là tri kỷ thượng thặng của chàng. Nhìn nàng khui rượu, Văn Bình tái mặt.
Có lẻ nàng đã biết chàng! Vì trên đời chỉ cỏ Z. 28 mới điểm tâm bằng rượu huýt-ky nguyên chất!
Nàng rót một ly đầy ắp cho chàng:
- Mời anh.
Chết rồi! Nàng mời chàng uống "sếch", không pha sô-đa, cũng không bỏ đá. Thói quen bất dịch của chàng từ nhiều năm nay mỗi khi từ trên giường nhảy xuống đất buổi sáng là uống huýt-ky sếch.
Nàng ngây người ngắm chàng. Chột dạ, chàng hỏi:
- Anh mọc sừng trên đầu ư?
Huyền Phượng xua tay:
- Không phải. Anh quen quá... em trông ngờ ngợ.
Chàng đảnh trống lãng:
- Dĩ nhiên... vì anh là chúa đảng của vũ trường. Anh cũng thấy em hơi quen.
Nàng lắc dầu:
- Nói cho đúng, em quen hàng ngàn người đàn ông. Nhưng đối với anh, em có cảm nghĩ là lạ. À. em nhớ ra rồi...
Trong phần mười tích tắc đồng hồ, chàng cũng nhớ ra nàng. Thời gian qua, những nét thanh xuân trên mặt nàng đã nhường cho vẻ đẹp đoan trang, tuy nhiên đường cong khêu gợi ở vai, mông, bụng và ngực vẫn còn nguyên, dường như Huyền Phượng là nàng tiên, không bị ngày tháng chi phối.
Văn Bình gặp nàng cách đây hơn 10 năm. Hồi ấy, nàng còn là cô gái đôi tám, mới bước chân vào nghề vũ nữ, song tiếng tăm nổi dậy như sóng cồn. Chàng vừa ở Âu châu về, gia nhập tổ chức của ông Hoàng.
Như thường lệ, chàng la cà đến các tiệm nhảy giữa hai công tác hiểm nghèo. Chân ướt, chân ráo tới Sài gòn, chàng chỉ kịp trình diện ông Hoàng, rồi vứt hành trang trong khách sạn, nhảy lên xích-lô, vù vào Chợ lớn.
Cuộc gặp gỡ diễn ra một cách tầm thường, cũng tầm thường như mọi vũ nữ gặp khách chơi trên khắp thế giới. Mặc dầu đêm ấy có cuộc đánh lộn kịch liệt, Văn Bình đóng vai hiệp sĩ cứu người đẹp cô thế, cuộc gặp gỡ cũng sẽ chìm vào quên lãng, nếu...
Nếu nàng không là hoa khôi.
Nếu chàng không là một thanh niên khôi ngô, mà thân hình, điệu bộ làm phái yếu chết mê, chết mệt...
Và nếu không có người chết.
Tấn thảm kịch bắt đầu bằng một tai nạn xưa như trái đất, tranh dành vũ nữ.
Huyền Phượng đã hẹn nhảy với một khách quen người Việt thì một gã Tây lai khổng lồ, mặt đầy thẹo, súng lục cồm cộm ở giây lưng, vụt tới giằng lại.
Sức yếu, người khách Việt không dám phản đối. Gã khổng lồ xô người khách ngã xuống đống bàn ghế, rồi nắm tay Huyền Phượng, giọng lè nhè:
- Nhảy với anh đi, cưng.
Nàng gở tay hắn ra, mặt lạnh như tiền:
- Xin lỗi ông.
Lệ thường, vũ nữ phải chiều chuộng kẻ có sức mạnh. Song Huyền Phượng lại là người đàn bà độc lập, đôi khi bướng bỉnh. Nàng không chịu được sự đàn áp trắng trợn. Nàng lại có lý do xác đáng để từ chối: trước đó một tuần, gã Tây lai đã lợi dựng võ lực và quyền thế để cưỡng bức một vũ nữ, bạn thân của nàng.
Bị dằn mặt, gã khổng lồ sừng sộ:
- Muốn gây sự phải không?
Huyền Phượng quay lại phân vua với khách:
- Các ông can thiệp giùm em...
Hắn vung tay, đánh nàng ngã chúi vào tường. Một bọn thanh niên ngang tàng xô ghế định nhảy vào, song gã khổng lồ lại ngang tàng hơn. Hắn tiến lại gần đàn dương cầm, ra lệnh cho nhạc sĩ ngừng tấu nhạc rồi quát to:
- Mở mắt ra.
Bàn tay hộ pháp chặt xuống. Cây đàn dương cầm bằng gỗ quý vỡ nát trong chớp mắt.
Miếng đòn karaté của hắn nhắm hai mục đích: thứ nhất, phá phách đồ đạc đắt tiền, thứ hai, làm cho mọi người khiếp đảm. Và hắn đã thành công,
Toàn thể đều xanh mặt.
Trừ Văn Bình.
Tuy còn trẻ, chàng đã là kiện tướng trong làng điệp báo quốc tế, từng dọc ngang ở phương Tây, hạ đo ván nhiều võ sĩ hữu danh. Mục đích của chàng là đến tìm vui, sau một thời gian xa nhà dài đằng đẵng, chứ không phải gây sự. Vả lại, ẩu đả trong tiệm nhảy để mua chuộc cảm tình người đẹp là chuyện quá nhàm, chàng không muốn dính dáng. Ông Hoàng lại dặn chàng nên thận trọng, không nên xuất đầu lộ diện hơi sớm.
Song máu giang hồ đã sôi sùng sục trong người chàng. Chàng phải ống cạn ly huýt-ky đầy ắp cho khỏi run mà ngón tay chàng vẫn run.
Gã hộ pháp tiến lại góc tường, dựng Huyền Phượng dậy, tát trái thật mạnh. Nàng thét lên một tiếng kinh hồn, rồi gục xuống đất.
Văn Bình vội chạy tới, dùng thuật kuatsu của nhu đạo để hồi sinh cho nàng. Nàng mở mắt, và khi thấy chàng òa lên khóc.
Không để ý tới gã Tây lai, Văn Bình vực Huyền Phượng ra xe. Nhưng hắn đã chặn chàng lại, kèm theo lời đe dọa thô bỉ:
- À, mày định làm tàng...
Hắn đấm luôn vào mặt chàng. Nhanh mắt, chàng tránh thoát. Trái thôi sơn thứ hai vèo tới. Nhớ lời ông Hoàng, chàng chỉ né đòn mà không đánh trả.
Nhưng gã hộ pháp không chịu buông tha chàng. Đấm hụt hai lần, hắn lồng lộn như con thú bị đạn. Vớ luôn chai sâm banh, hắn bổ vào đầu chàng. Miễn cưỡng chàng phải đáp lễ.
Lừa hắn xán lại, chàng vận dụng nhu đạo, quật hắn té ngã. Hắn cũng là tay giỏi võ Nhật Môn phá được thế tấn công của chàng, và dùng khuỷu tay chọc vào tim chàng trong một thế cực hiểm, có thể làm chàng mất mạng như chơi.
Thấy hắn dùng độc thủ, chàng không nhận nhượng nữa. Thừa cơ hắn vô ý, chàng đâm ngón tay vào huyệt gần vú. Thật ra chàng chỉ cốt đánh hắn trọng thương. Không ngờ miếng đòn chớp nhoáng này đã giết hắn. Hắn nằm ngửa trên nền nhà ướt át, chỉ thở hắt được một tiếng rồi tắt thở.
Ngay khi ấy, cảnh sát ập vào.
Văn Bình vội thoát ra ngoài bằng cửa hậu. Nội đêm ấy, chàng lên phi cơ, đi Âu châu.
Một tháng sau, chàng mới gửi thư về xin ông Hoàng nghỉ dài hạn. Trên thực tế, chàng chưa hề làm việc, vì chàng mới hồi huơng chưa đưọc 24 tiếng đồng hồ thì phải xuất ngoại. Nhận được thư chàng, ông Hoàng trả lời ngay. Song ông không hỏi lý do của cuộc xuất ngoại vội vã. Có lẽ ông biết nhưng không nói.
5 năm sau, chàng mới trở về.
Vùi đầu vào công tác, chàng quên bẵng quá khứ, quên bẵng Huyền Phượng. Đột nhiên, nàng hiện ra bằng xương, bằng thịt.
Nàng reo lên như bắt được của:
- Ồ, tưởng ai té ra anh. Hơn 10 năm rồi, chóng thật.
Văn Bình chép miệng:
- Phải, đã hơn 10 năm rồi.
Hai người cùng ngồi xuống đi-văng. Huyền Phượng ôm ghì lấy chàng, thỏ thẻ:
- Nhờ anh, em còn sống đến ngày nay.
Văn Bình cười:
- Bây giờ đến lượt anh nhờ em.
- Ơn của anh nặng hơn nhiều. Đêm ấy, cảnh sát lục soát khắp nơi không tìm ra anh. Từ đó, em để ý tìm anh mà không gặp. Anh trốn đi đâu, tài thật.
- Anh sang Pháp.
- Thảo nào! Giá anh ở lại cũng chẳng sao.
- Sợ phiền, em ạ.
- Không đâu. Em được mời ra cảnh sát cuộc lấy cung. Em khai là không quen anh. Mà sự thật là em không quen anh. Tự dưng anh vào can thiệp để cứu em, thế thôi. Nhiều ông khách cũng khai như em. Hơn nữa, không ai khai đúng về tướng mạo của anh cả. Vì anh cứu em sống nên toàn thể không muốn anh liên lụy.
Chợt nhớ ra, Huyền Phượng cười như nắc nẻ rồi tiếp:
- Để em kể anh nghe. Vui lắm, anh ạ. Thoạt đầu, trong khi mất tinh thần, em khai đúng không sai một li. Khai anh đẹp trai nhất thế giới. Nhưng ngày hôm sau, sợ anh bị bắt, em phải khai lại. Em nói rất hay nên nhân viên cảnh sát tin như thật. Rốt cuộc, họ đinh ninh anh là một người gần 50, da dẻ đen xì, mắt một mí, cận thị, thân thể gầy nhom...
- Còn gã Tây lai là ai?
- Nhân viên mật thám Pháp. Hắn chết đáng đời. Tiệm nhảy nào cũng bị hắn ức hiếp. Chị em ở Sài gòn góp một món tiền lớn, đưa cho em,
nhờ em mua quà tặng anh, Em mua rồi mà 10 năm nay chưa có dịp trao tận tay anh.
- Quà đâu?
Huyền Phượng mở tủ lấy ra một cái hộp nhung đen. Bên trong lá cái đồng hồ vàng, nạm kim cương óng ánh. Nàng đưa cho chàng, giọng âu yếm:
- Em sắm đồng hồ đàn bà để anh tặng chị ấy.
Văn Bình lắc đầu:
- Anh tặng lại em.
- Em không lấy. Nói đúng, em không có quyền lấy.
- Anh cho em quyền. Vì mang đồng hồ này về Sái gòn, anh không biết tặng ai. Không giấu em, anh quen rất nhiều. Nhiều người cũng yêu anh, nhưng nghề anh vốn vậy, anh cũng như em, không đám nghĩ đến tương lai nên không dám hẹn hò lâu dài.
- Nghĩa là anh vẫn sống độc thân.
- Vâng.
- Gặp anh, em sung sướng hơn chết đi sống lại. Em phải mừng anh một bữa rượu thật say mới được.
- Sẵn sàng. Rượu thì bao nhiêu anh cũng không từ chối.
Huyền Phượng bóc gói Salem mời chàng:
- Vì anh, em đã mang loại thuốc bạc hà này. Sau ngày anh đi, đêm nào em cũng thức đến gần sáng. Hồi ấy, em đã hứa hôn với cha đứa nhỏ, là sinh viên truờng Thuốc. Không hiểu sao, em lại nhớ anh. Nhớ phát điên, anh ạ...
Có lẽ vì anh khác thiên hạ. Nếu lấy chồng, em chọn cha đứa nhỏ. Nhưng nếu tìm người yêu, tìm hoàng tử để tôn thờ, em lại chọn anh.
- Em nói hay quá!
- Thật đấy. Đêm nào cũng hút thành ra nghiện thuốc lá Salem. 10 năm qua, em hút mỗi đêm một gói. Em có linh tính sớm muộn sẽ gặp anh lại. Bây giờ...
Huyền Phượng òa khóc.
Văn Bình để yên cho nàng, khóc. Vì chàng biết nàng khóc vì sung sướng.
Chàng rót thêm ly rượu, rồi dựa lưng vào đi-văng, đọc báo. Chàng không ngạc nhiên khi thấy 3 vụ ám sát hồi đêm được đăng trên trang nhất dưới những tiêu đề đậm nét.
Chàng nhẩm đọc:
"3 vụ ám sát táo bạo trong vòng 3 giờ đồng hồ - Hung thủ tẩu thoát trong đường tơ kẽ tóc - Cuộc điều tra tiến hành ráo riết".
Bài tường thuật đầy đủ nhất, và được tiểu thuyết hóa nhất là của phóng viên Eu Chin, đại để như sau:
"Châu thành Nam vang vừa trải qua một đêm hãi hùng nhất lịch sử: 3 người bị ám sát, vũ nữ Chiêu Lai, bồi phòng Tim Dong và công an viên Phan Sit. cả ba đều xa gần dính líu tới 2 vụ ám sát bí mật xảy ra cách đây nửa tháng, mà nạn nhân là ngưòi Việt, Trần Phương và Đoàn Lượng.
"Sau khi giết công an viên Phan Sit, thủ phạm suýt sa lưới nhà chức trách. Quá nửa đêm, cơ quan an ninh được mật báo một cuộc ẩu đả xảy ra tại nhà riêng của cảnh sát viên Phan Sit trên đường vithei Khemarak. Nhân viên an ninh ập tới thì hung thủ đã vọt sang tòa nhà kế cận và tẫu thoát.
"Hung thủ mặc âu phục màu nhạt, đội mũ nỉ đậm, đi giầy đế cao su cỡ 42. Hắn cao trên 1 thước 70, cân nặng ít nhất 70 kilô. Nhà chức trách đã in được dấu giầy, vá cả dấu tay hung thủ.
"Riêng trong phòng Tim Dong, hung thủ đã để dấu tay bừa bãi, trên bàn, nắm cửa... Điều này chứng tỏ hung thủ lục lọi để lấy tiền bạc, hoặc tìm kiếm một vật gì. Bồi phòng Tim Dong và cảnh sát viên Phan Sit không giấu tiền bạc, nên có lẽ cuộc lục lọi nhằm một mục đích khác...
"Điều làm dư luận ngạc nhiên là hơn một trăm nhân viên an ninh bủa vây tứ phía mà hung thủ vẫn cao bay xa chay. Nhà chức trách đoán hung thủ còn ẩn núp trong khu vực. Hiện vòng vây được thắt chặt lại. Sát nhân là đại họa cho dân chúng vương quốc. Được tin thêm, chúng tôi sẽ loan tiếp".
Văn Bình buông tờ báo, vẻ mặt mơ màng. Huyền Phượng đang mân mê cái đồng hồ tay kỷ niệm, vội ngẫng đầu:
- Họ nói đúng không?
Chàng đáp:
- Đúng phần nào.
- Vậy anh là hung thủ.
- Không.
Nàng thở phào:
- Em cũng linh tính anh không phải là hung thủ. Những việc xảy ra 10 năm trước còn rõ mồn một trong trí em. Cho nên em cho rằng trong vụ náy có nhiều bí mật. Anh kể em nghe được không?
- Nếu em là người lạ, anh cũng không giấu diếm, huống hồ... Huống hồ, chúng mình quen nhau từ xưa. Anh mới lên đây chưa đầy một ngày. Nghĩa là anh không liên quan đến vụ giết Trân Phương và Đoàn Lượng. Anh lên đây để tìm hung thủ.
- Vậy anh là...
- Phải. Anh là nhân viên an ninh của chính phủ Sài gòn. Trần Phương và Đoàn Lượng là đồng nghiệp của anh. Ai giết họ, anh chưa biết. Anh tiếp xúc với Tim Dong và Phan Sit, là những người biết mặt Phương, Lượng, thì họ dần mặt anh. Họ giết một loạt 3 người để cảnh cáo. Và họ còn gài bẫy cho công an Miên bắt anh về tội sát nhân nữa.
- Họ là ai?
- Anh chưa biết.
Huyền Phượng lặng thinh.
Văn Bình đứng dậy, ra cửa sổ nhìn xuống đường. Rồi chàng bảo Huyền Phượng:
- Anh phải đi, em ạ.
Nàng giẫy nẩy:
- Khổ quá, họ đang gác đông đặc bên dưới.
- Nhưng anh phải đi một lát.
- Vậy anh bỏ vét tông lại, mặc sơ mi trần cũng được.
Chàng cũng nghĩ như nàng. Sau một vài phút hóa trang, thay đổi y phục và điệu bộ, chàng hy vọng phỉnh phờ được nhân viên công an Nam vang.
Chợt nhớ ra, nàng hỏi:
- Bao giờ anh về?
Chàng tần ngần một phút rồi đáp:
- Anh lấy phòng trong hai khách sạn, nhưng, công an đã biết, anh không quay về được nữa. Vì anh tin rằng họ đã biết để dấu tay bừa bãi là anh. Nếu em cho phép, anh sẽ nghỉ lại đây.
Mặt nàng tươi như hoa nở. Nàng hôn má chàng:
- Anh ở cả đời, em cũng cho phép. À, bao giờ anh về?
- Xế trưa.
- Vậy, anh dùng cơm với em. Em làm bếp không đến nỗi vụng. Vả lại, em chờ cái hân hạnh được mời cơm anh từ 10 năm nay.
Văn Bình hôn Huyền Phượng rồi xuống cầu thang. Tới tầng dưới, chàng vòng hành lang, định dùng cầu thang cấp cứu, song phải đổi ý định vì chạm trán hai nhân viên cảnh sát.
Chàng giơ tay chào thân mật. Một người chào lại, nhưng không quên hỏi giấy căn cước, kèm theo nụ cười cáo lỗi. Chàng rút căn cước giả trao cho hắn, dáng điệu thản nhiên.
Giá đây là căn cước được chế tạo vụng về, chàng cũng thản nhiên, huống hồ là công trình của ban Kỹ thuật. Trừ phi là chuyên viên căn cước, ngồi trong văn phòng với đầy đủ dụng cụ kiểm soát tối tân mới biết được giả...
Một cảnh sát viên hỏi bằng tiếng Miên:
- Ông tên gì?
Căn cước Phạm Hùng, thương gia, đã được chàng xé vụn trong phòng tắm của Huyền Phượng. Đây là căn cước của Đỗ Chính, một người bằng xương bằng thịt đang sống hẳn hoi ở Nam vang.
Chàng đáp ngay:
- Đỗ Chính.
- Làm nghề gì?
- Giám đốc địa ốc cuộc.
- Địa chỉ?
- Nhà riêng, 896 đường Monivong.
- Văn phòng?
Văn Bình quên số nhà của công ty địa ốc. Tuy nhiên, chàng không thể ngập ngừng, sợ bị ngờ vực:
- Lầu ba, 212 Phsar Dék.
Chàng nói liều là đường Phsar Dék vi đã lái xe qua nhiều lần. Vả lại, nhân viên XX Trần Phương bị thiệt mạng trên dường Phsar Dék. Chàng không ngờ là tránh vỏ dưa để đạp phải vỏ dừa, vì người cảnh sát thứ hai đon đả bắt tay chàng, giọng thân mật:
- Ồ, ông ở Phsar Dék mà tôi không biết. Tôi cũng ở đường này. À, phải rồi số 212 là cái bin-đinh mới cất màu xanh.
Thế mới nguy!
Chưa bao giờ chàng nhìn thấy tòa nhà màu xanh ở đưòng Phsar Dék. Có thể người cảnh sát gài bẫy, song cũng có thể hắn mau miệng, thói quen của người dân nhiệt đới.
Vì vậy, chàng không gật và cũng không lắc đầu, mà chỉ nhoẻn miệng cuời, mắt dán váo bộ râu mép lẳng lơ mới gọt tỉa của người cảnh sát,
đánh trống lảng một cách khôn ngoan:
- Chà, bộ râu mép của ông đẹp ghê! Tôi là con gái thì chết mê, chết mệt...
Người cảnh sảt phá lên cười ròn rã:
- Chuyên nghề bán nhà, cho thuê nhà có khác, nói thật khéo!
Bước ra tới đường. Văn Bình vươn vai hít một hơi dài. Không khí trong bin-đinh làm chàng tức ngực.
Nhìn tứ phía không thấy ai khả nghi, chàng vẫy tắc-xi. Một đoạn trong bài báo của phóng viên Eu Chin hiện lại trong trí chàng:...Bản báo phỏng viên Eu Chin đã đến phỏng vẫn bác sĩ Oay, phụ trách giải phẩu thi thể nạn nhân Trần Phương. Theo lời nhà luật y giầu kinh nghiệm này thì trong tạng phủ nạn nhân còn sót một chất ma túy cực mạnh, chắc do nạn nhân chích vào cho khỏi nghiền. Chi tiết này xác nhận giả thuyết theo đó Trần Phương là một gã buôn lậu, nghiện ngập...
Văn Bình lẩm bẩm một mình:
- Bác sĩ Oay, phóng viên Eu Chin...
Mọi người liên quan đến nội vụ đều bị đối phương loại trừ. Bác sĩ Oay và phóng viên Eu Chin có thể đã bị ghi vào sổ đen. Chàng phải hành động cấp tốc, nếu không...
Bác sĩ Oay ngụ trong một tòa nhà đồ sộ, gần cuối đường Bat Chan Reachea.
Văn Bình vào một tiệm ăn sang trọng để gọi điện thoại. Một giọng nói êm ái, và trong trẻo nổi lên ở đầu giây:
- Alô, dưỡng đường Oay, tôi xin nghe.
Đàn bà... chắc là đàn bà đẹp... Nàng nói tiếng Pháp thảnh thót như người đẹp Ba lê.
Chàng đáp lại, cũng bằng tiếng Pháp lịch sự:
- Bác sĩ có mặt trong văn phòng không, thưa cô?
- Thưa có. Quý ông cần gì?
- Tôi muốn gặp riêng bác sĩ Oay.
- Đáng tiếc. Nếu là việc riêng, xin mời ông lại tư thất, số..
- Không, đây là công vụ...
- Thưa, bác sĩ đang bận thăm mạch cho bệnh nhân. Đề nghị 12 giờ ông lại.
- Phiền cô trình với bác sĩ rằng chúng tôi đại diện nhà chức trách tới gặp bác sĩ.
- Nhà chức trách? Quý ông ở sở Công an à?
- Vâng. Chúng tôi tới gặp bác sĩ về một chuyện tối cần.
- Vậy, xin ông chờ ở giây nói một phút. Tôi xin chuyễn ngay cho bác sĩ.
Văn Bình đợi không lâu. Người dân Cao Miên thường sợ Công an như sợ cọp, dầu là nhân vật có địa vị xã hội, như bác sĩ Oay.
Tiếng nói của bác sĩ Oay nhỏ nhẹ và từ tốn:
- Thưa, tôi đây, chào ông. Ông cần tôi nữa ư? Hiện tôi đang bận.
"Ông cần tôi nữa ư?", câu nói này chứng tỏ Công an vừa liên lạc hoặc vẫn liên lạc thường xuyên với bác sĩ Oay. Nghĩa là bác sĩ Oay đã quen mặt, hoặc quen giọng nhân viên Công an cao cấp. Văn Bình bèn nói:
- Chào bác sĩ. Công việc gấp lắm, chúng tôi không thể chờ được. Chúng tôi chỉ xin bác sĩ một phút, vâng một phút thôi.
Bác sĩ Oay ngần ngừ một vài giây, rồi hỏi:
- Ông ở đâu?
- Thưa, Phản gián.
- Phản gián, lạ nhỉ! Vâng, xin mời ông đến.
Văn Bình gác ống nói vào giá, nhìn gương sửa lại nơ cà-vạt, trước khi ra xe.
Tới dưỡng đường Oay là một hành động mạo hiểm. Vì bác sĩ Oay có thể hỏi lại công an sau khi chấm dứt điện đàm, và chàng sẽ đút đầu vào giây thòng lọng. Tuy nhiên, chàng cần gặp để kiểm điểm một vài chi tiết quan trọng.
Chàng dặn xe chạy qua dưỡng đường một quãng rồi đậu lại. Không thấy xe công an, chàng nhún vai trả tiền, bách bộ tới tòa nhà quét vôi trắng toát sực nức mùi thuốc sát trùng.
Cô gái trả lời điện thoại đứng dậy chào chàng. Nàng là người Miên, nước da bánh mật, rắn rỏi, khả ái và bạo dạn. Với dáng điệu hoàn toàn Tây phương, nàng khoát tay mời chàng.
Chàng chỉ cửa kính đóng im ỉm:
- Phía này à cô?
Cô gái nói một hơi:
- Không. Cửa bên trái. Xin ông tự tiện đẩy cửa vào, rẽ sang phải. Đi được 20 bước, ông sẽ thấy một căn phòng ngăn toàn kính, đề số 2.
- Số 2?
- Vâng, đó là phòng bác sĩ.
Văn Bình nghiêng mình xô cửa. Phía trong là hành lang dài thắp đèn ống sáng trưng.
Nhanh như cắt, chàng rút dao. Phật, một tiếng nhẹ, giây điện thoại nối liền văn phòng bác sĩ Oay tới phòng cô gái Miên, đứt làm hai.
Hai bên hành lang là 6 căn phòng xinh xắn.. Đến phòng số 2, chàng gõ nhẹ vào mặt kính dầy. Bên trong, có tiếng bác sĩ Oay:
- Cứ vào.
Trước mặt Văn Bình là một ông già, bạc nửa đầu, trán hói, gương mặt hiền từ, phúc hậu, súng sinh áo bờ-lu trắng toát còn nguyên nếp hồ, ngồi sau cái bàn vẹt-ni bóng loáng.
Bác sĩ Oay đứng dậy:
- Mời ông ngồi.
Văn Bình thi lễ:
- Xin phép bác sĩ.
Bác sĩ Oay chìa hộp thuốc lá 555:
- Ông sài thuốc. Ông là nhân viên....
Văn Bình tiếp lời:
- Phản gián.
- Thảo nào... thảo nào tôi chưa được hân hạnh quen ông.. Xin ông tha lỗi.
- Thưa, sứ Phản gián yêu cầu tôi tới gặp bác sĩ về một chuyện khá quan trọng.
- Chuyện gì, thưa ông?
- Chúng tôi muốn biết thêm một vài chi tiết về vụ giải phẫu tử thi Trần Phương và Đoàn Lượng.
Bác sĩ Oay thở phào:
- Ồ, từ hai tuần nay bên Công an cứ hỏi đi hỏi lại vụ này. Tôi đã ghi chép đầy đủ trong biên bản. Ngoài ra, không còn chi tiết nào nữa.
- Thưa những chi tiết mà chúng tôi cần không được ghi trong biên bản...
Bác sĩ Oay mở ngăn kéo, lấy ra tập hồ sơ. Sau khi đeo mục kính, ông lúi húi đọc rồi lẩm bẩm:
- Lạ nhỉ!
Văn Bình gõ ngón tay trên bàn:
- Thưa, nạn nhân Trần Phương bị tiêm chất ma túy gì?
Bác sĩ Oay nhún vai:
- Khổ quá, tôi đã nói tới chục lần rồi. Nạn nhân bị chích mọt-phin.
- Sau khi chết?
Bác sĩ Oay mở rộng mắt sửng sốt:
- Vâng. Kết quả giải phẫu cho biết đích xác nạn nhân bị giết chết rồi người ta mới chích ma túy vào người. Song Công an lại muốn tôi tuyên bố với báo chí rằng nạn nhân là kẻ nghiện ngập, dùng ma túy thường xuyên. À, tại sao...
Văn Bình vừa phăng ra một điều quan trọng: Công an Nam vang dính líu vào vụ Trần Phương. Dĩ nhiên, chàng cũng vừa tỏ ra hớ hênh. Song chàng đặt ngay một câu hỏi khác, cốt không cho bác sĩ Oay có thời giờ suy nghĩ để ngờ vực nữa:
- Thưa, bác. sĩ phân chất cái mù soa hồng thấy gì?
Bác sĩ Oay lại giật mình:
- Tôi cũng ghi trong biên bản đầy đủ.
- Vâng, tôi đã đọc đoạn này. Song muốn đích thân hỏi lại bác sĩ.
- Chẳng có gì. Ngoại trừ mùi hoa nhài. Đúng hơn, mùi nước hoa nhài. Loại nước hoa quý phái.
Văn Bình định hỏi thêm thì điện thoại kêu reng. Chết rồi! Chàng cắt lầm giây điện thoại anh-tét-phôn, còn giây điện thoại liên lạc bên ngoài vẫn còn nguvên.
Cầm nghe, bác sĩ Oay đột nhiên biến sắc, giọng nói cắt quãng:
- Vâng, tôi đây! Chào ông cảnh sát trưởng. Có thân chủ mới nữa à? Không ư? May quá, tôi đang bận tíu tít. Sao? Về vụ Trần Phương à? Vâng, tôi vẫn nhớ lời ông dặn, tuy nhiên bên Phản gián lại nghĩ khác... Vâng, bên Phản gián, ông phó giảm đốc Phản gián Tha Ngưon đang ở trong văn phòng tôi. Ông muốn nói chuyện với ông Tha Ngươn ư? Mời ông...
Bác sĩ Oay chuồi ống nói cho Văn Bình. Song chàng đã lạnh lùng gác xuống.
Như đọc được tư tưởng của chàng, viên y sĩ già đứng dậy. Song Văn Bình xua tay:
- Vô ích. Từ sở Cảnh sát tới đây, sớm nhất phải mất 10 phút. Bác sĩ nên ngồi xuống thì hơn. Đồng thời, cũng xin bác sĩ để tay lên bàn hút thuốc như thường lệ. Tôi biết bác sĩ định lấy súng trong ngăn kéo. Nhưng thưa bác sĩ, bàn tay của tôi lẹ hơn nhiều.
Bảc sĩ Oay dựa lưng vào ghế bành, trán lấm tấm bồ hôi. Giọng thương hại, Văn Bình an ủi:
- Bác sĩ đừng lo, tôi sẽ không làm thương tổn tính mạng của bác sĩ. Mục đích của tôi là tìm hiểu một vài chi tiết. Cám ơn bác sĩ đã tận tình giúp đỡ.
Hoàn hồn, bảc sĩ Oay hỏi chàng:
- Vậy ông là...
Văn Bình cười;
- Là bạn của ông cảnh sát trưởng.
Chàng vung tay, quạt vào vai bác sĩ Oay. Viên luật y già ngất luôn trên ghế. Văn Bình cần bác sĩ Oay ngủ say 10 phút để có thể thoát thân khỏi dưỡng đường.
Ra phòng ngoài, chàng mĩm cười chào cô gái nước da bảnh mật xinh xắn. Song nàng không chào lại. Nhìn ống điện thoại, chàng hiểu liền. Chàng tới sát nàng, giọng tỉnh khô:
- Lần sau, còn nghe trộm giây nói thì chết đòn.
Mặt tái mét, thiếu nữ nói không ra hơi:
- Vâââng...
Văn Bình nâng mặt nàng lên. Nàng nhìn chàng, mắt chớp lia lịa.
Chàng cúi xuống hôn vào môi nàng. Nàng rùng mình như bi điện giật.
Rồi Văn Bình nhún vai mở cửa.
Bên ngoài, trời nắng như thiêu. Tiếng kèn xe hơi cảnh sát rú vang ở đầu đường. Văn Bình châm điếu Salem, ném que diêm xuống vỉa hè, lấy đế giầy dí cho tắt lửa (chàng thận trọng vì không muốn dưỡng đường khả ái của bác sĩ Oay biến thành mồi ngon cho bà Hỏa), trước khi ung dung đi ngược về phía xe cảnh sát.
Hai chiếc díp phóng như tên bắn qua mặt chàng. Rồi tiếng xe thắng ken két.
Khi ấy Văn Bình đã trèo lên tắc-xi. Chàng thay xe hai lần trên lộ trình tới một nhà hàng,cuối đường Phsar Dék.
Văn Bình khoan thai đẩy cửa kính. Không khí được điều hòa mát rợi, hắt vào da thịt nóng rẫy của chàng, khiến chàng có cảm giác như vừa ở phòng tắm bước ra.
Quầy giải khát chiếm góc trái căn phòng lớn, kền và nhom sáng loáng. Đồ rót cà phê, đồ quay trái cây, và pha cốc tay cũng mạ kền mới tinh. Sau quầy là hai cô gái mặc đồ chẽn ni lông, bó cứng bộ ngực hung hăng như muốn gây sự với khách, lông mày nhổ tuột, vẽ hai vệt chì tênh hênh.
Chàng hôn gửi cô gái ngồi trong có vẻ kháu khỉnh và ngoan ngoãn - rồi bước vào bàn trong cùng, kéo ghế. Tuy trời nắng chang chang, bên trong nhà hàng vẫn tranh tối, tranh sáng, với dãy đèn gắn vào tường tỏa vùng sáng êm dịu, mát mẻ, và nhửng cây đèn lồng Nhật bản bằng giấy sặc sỡ, treo lơ lửng trên sàn gỗ tròn, đánh xi bóng như gương, mà trai gái ôm nhau nhảy han đêm.
Một thiếu nữ bồi bàn (lạ thật, ở đâu Văn Bình cũng thấy đàn bà) lang xăng chạy lại. Văn Bình ngoắt tay gọi một ly huýt-ky. Lệ thường, chàng kêu cả chai, nhưng vì cô gái khá đẹp nên chàng còm-măng từng ly một để rửa mắt cho thỏa thích.
Đến ly thứ năm, cô gái nguýt chàng một cái dài ngoằng. Văn Bình cười tình, đẩy cái ly không ra mép bàn, gọi ly rượu thứ sáu. Cô gái uốn mông như rắn lại quầy rượu, Văn Bình ung dung vào phòng điện thoại dành cho khách.
Chàng gọi cho Eu Chin.
Trong vòng 2 phút, phóng viên Eu Chin đã cất tiếng ở đầu giây. Văn Bình giả dạng nhân viên Công an, mời Eu Chin tới sở để cung cấp một tin tức quan trọng.
Eu Chin mừng cuống cuồng:
- Tin gì?
Văn Bình đáp, giọng lửng lơ:
- Rất quan trọng. Không tiện nói trong điện thoại,
Quán rượu ở gần tòa báo của Eu Chin nên Văn Bình thong thả trả tiền và bách bộ tới. Chàng mừng thầm vì Eu Chin gác điện thoại, không hỏi thêm chi tiết. Nam vang là một thủ đô nhỏ xíu, làm nghề phóng viên như Eu Chin phải quen hết viên chức cao cấp. Có Lẽ trong quá khứ - và có lẽ cũng vì thói quen của nghề làm báo - Eu Chia đã nghe những giọng nói lạ hoắc, nên lần này hắn không ngờ vực.
Một thanh niên trạc 25 tuổi, vai lủng lẳng máy ảnh, sơ mi bỏ ngoài quân sặc sỡ, từ tòa báo hấp tấp bước ra.
Hắn trèo lên chiếc Rờnô 4 mã lực sơn xanh đã cũ đậu bên kìa đường.
Văn Bình tiến lại. Xe vừa rồ máy, chàng mở cửa, giọng khô khan:
- Ông Eu Chin?
Eu Chin nhìn chàng bằng cặp mắt ngờ vực:
- Vâng, chính tôi.
Văn Bình trèo lên xe. Eu Chin cản lại:
- Ông là ai?
Văn Bình cười nhạt:
- Là người vừa gọi điện thoại cho ông.
- Ông ở sở Công an.
- Phải.
- Hừ, ông định lừa tôi. Ông nên nhớ rằng đây là trước cửa tòa báo.
- Nếu tôi lừa ông, không dại gì chận ông trước cửa tòa bào. Tôi có tin tức quan trọng cần cho ông biết, ông không đi thì thôi, để tôi tiếp xúc với báo khác.
Văn Bình đã đánh trúng yếu điểm của gã phóng viên chuyên nghiệp. Hắn ngần ngừ một giây rồi nói:
- Được, mời ông lên.
Xe hơi chạy từ từ. Văn Bình nhận thấy hắn vẫn gài số một và lái sát lề. Nghĩa là hắn đang thủ thế với chàng.
Chàng bèn ra lệnh:
- Quẹo tay mặt. Vithei Bassac.
Eu Chin từ chối:
- Ông muốn đi đâu?
- Đi đâu cũng được. Tôi cần nói chuyện ở nơi yên tĩnh.
- Vậy mời ông nói trên xe. Ông là ai?
- Biết nhiều không lợi cho ông.
- Thì thôi. Tôi đậu xe ông xuống.
- Không nên hấp tấp, ông Eu Chin ạ. Ông nên nghe lời tôi thì hơn.
- Tôi đang bận việc tíu tít trong tòa soạn, không có thời giờ ngồi tán gẫu với người lạ trong xe. Nếu có chuyện quan trọng, ông cứ nói. Không có thì chúng ta chia tay. Nếu ông cố tình làm khó dễ, tôi sẽ nhờ cảnh sát can thiệp.
- Can thiệp như thế nào?
- Ông thấy người cảnh sát ở ngã tư không? Tôi bóp kèn loạn xị lên là y tới. Số xe của tôi, cả Nam vang đều biết.
Văn Bình rút trong túi ra cái quẹt máy bằng kền, xoè bàn tay ra, và hỏi:
- Ông biết vật gì không?
Eu Chin trố mắt:
- Con nít cũng biết là cái bật lửa. Loại Zippo, chạy bằng xăng.
Văn Bình nghiêm giọng:
- Tôi biếu ông ngay tức khắc 5 ngàn đô la nếu ông bóp bẹp được cái quẹt máy Zippo này trong lòng bàn tay. 5 ngàn đô la đổi sang tiền riel không phải là ít, hẳn ông đã biết.
Eu Chin lắc đầu quầy quậy:
- Tôi là nhà báo, không phải là võ sĩ. Vả lại, tìm khắp đất Miên này cũng chưa có ai giỏi nội công bóp bẹp được quẹt máy, nhất là loại Zippo nổi tiếng cứng.
Văn Bình hất cái bật lửa trên tay, giọng bình thản:
- Anh nhìn lại xem.
Cái quẹt máy Zippo bị bẹp dí trong hai ngón tay của chàng. Nếu không thấy chàng vận nội công người ngoài có thể tưởng rằng cái quẹt máy vừa lãnh một nhát búa tạ. Tuy vậy, mặt chàng vẫn không biến sắc. Không một giọt bồ hôi nào đổ trên trán chàng.
Eu Chin líu lưỡi, nói không ra lời nữa. Cuộc biểu diễu võ thuật tuyệt luân của Văn Bình làm hắn run sợ, hàm răng đập vào nhau cầm cập như người ở trần dưới trời tuyết lạnh Bắc Cực.
Văn Bình ném cái quẹt máy mỏng dính vào đùi Eu Chin:
- Anh còn muốn kêu cứu cảnh sát nữa không? Tôi chỉ cần ngoặc hai ngón tay là cuống họng anh nát ngướu.
Eu Chin lắp bắp:
- Tôi không... dám.
- À, anh bắt đầu biết điều rồi. Nếu anh ngoan ngoãn, tôi sẽ không đụng tới lông chân. Bằng không, sau khi giết anh, tôi sẽ quăng xác xuống sông Tông lê sáp. Dạo này nước lên, hàng tháng người ta mới tìm ra xác. Khi ấy chỉ còn bộ xương. Cá Tông lê sáp rất thèm thịt người.
- Vâng, tôi xin nghe.
- Tại sao anh viết ẩu lên báo rằng anh chứng kiến tận mắt vụ Đoàn Lượng bị xe hơi cán chết trên khemarak Phoumin?
- Thật đấy.
- Thật như thế nào?
- Đoàn Lượng bị xe hơi cán chết.
- Nhưng anh không có mặt tại chỗ.
- Vâng. Tôi thêu dệt thêm cho bài tường thuật được sống động.
- Ai bảo anh viết ẩu?
- Cảnh sát viên Phan Sit.
- Ai giết Đoàn Lượng?
- Tôi không biết.
Văn Bình phe phẩy cái mù soa hồng:
- Mù soa này của ai?
Eu Chin chớp mắt nhè nhẹ:
- Trong túi của Trần Phương...
- Hà, hà, anh không thành Ihật.
- Ông nghi oan cho tôi.
Văn Bình sẵng giọng:
- Đừng đóng kịch nữa, mất thời giờ vô ích. Tắt máy ghi âm trong xe đi, rồi xuất trình giấy tờ.
Nghe chàng nói, Eu Chin run như rẽ, mặt tái mét như tràm đổ. Hắn xoay xở nhanh nhẹn song vẫn bị Văn Bình khám phá. Lúc bắt đầu câu chuyện, hắn giả vờ hỉ mũi để che lấp tiếng động của máy ghi âm vừa mở. Văn Bình đã quen với loại máy ghi âm nhỏ xíu, tối tân, gắn trong xe hơi, bình thuờng là máy thu thanh.
Eu Chin còn trù trừ thì Văn Bình đã nhanh nhẹn bấm cái nút thứ nhì trong máy, được dùng để bắt làn sóng trung bình. Rồi chàng cau mặt:
- Anh là nhân viên mới vào nghề, không phỉnh gạt đưọc người giầu kinh nghiệm như tôi. Anh làm ở cơ quan nào? Đưa chứng minh thư tôi coi.
Tay lẩy bẩy, gã phóng viên Miên rút ra một tấm thẻ bọc lát-tích hình vuông, đỏ choé triện son. Văn Bình cười nhạt:
- Hừ, anh là nhân viên chìm của cục An ninh. Ai đưa tin tức thất thiệt về các vụ ám sát cho anh đăng báo?
Giọng Eu Chin nghe lí nhí:
- Thưa, cục An ninh.
- Ai đưa?
- Đại tá Sibath.
- Tại sao lại loan tin thất thiệt?
- Đại tá không cho tôi biết lý do.
- Còn cái mù soa hồng?
- Tôi chỉ nghe nói đó là ám hiệu được dùng để lên sòng bạc của Tư Mạnh.
- Tư Mạnh là ai?
- Chủ nhân tiệm nhảy Dạ Lạc.
- Thôi được. Lái xe tới vithei Preah Ang Ynkanthor.
- Xin ông tha cho tôi.
- Dĩ nhiên tôi không thèm giết bọn rơm rác như anh. Nhưng anh phải triệt để tuân theo mệnh lệnh của tôi: ấy là hoàn toàn ngậm miệng, không được báo cáo cho đại tá Sibath biết về cuộc trò chuyện này. Nhớ chưa?
- Nhớ.
- Nếu anh phản phé, tôi sẽ bóp cổ anh bẹp dí như cái quẹt máy Zippo. Vợ con anh sẽ chung số phận của anh.
Xe hơi vụt qua khách sạn Thần Tiên, nơi vũ nữ Chiêu Lai bị ám sát. Văn Bình ra lệnh cho Eu Chin đậu sát lề. Chàng thản nhiên mở cửa xe, bước xuống.
Đợi Eu Chin khuất sau ngã tư, chàng đi lộn lại khách sạn. Chàng cần gặp Bạch Liêu, bạn gái của Chiêu Lai. Chàng biết chắc khách sạn đang được nhân viên An ninh canh gác, song chàng không thể trì hoãn vì Bạch Liên là cái khâu quan trọng của nội vụ, đối phương sẵn sàng loại trừ để bảo vệ bí mật.
Khách sạn Thần Tiên là một bin-đinh 6 tầng cổ xưa cho khách thuê tháng. Một Ấn kiều mặt đen như trôn chảo, dựa lưng vào tường, đang hút thuốc lá rê.
Trước đường cũng như hành lang khách sạn đều vắng ngắt. Văn Bình vượt qua ghế ngồi của người Ấn gác gian, ung dung lên lầu. Ở tầng nhì, chàng phải vất vả mới không đụng phải đống đồ chơi la liệt của toán trẻ nghịch ngợm la hét om sòm bên những cái sọt đựng giấy bẩn, vỏ đu đủ và vỏ chuối thâm sì.
Phòng Bạch Liên ở lầu tư.
Vừa ló mặt khỏi cầu thang, Văn Bình đã chạm trán một công an viên cao lớn, mặc đồng phục, tay đặt trên khẩu súng bóng loáng. Tiến thoái lưỡng nan, chàng đành đứng lại, lục túi lấy thuốc lá.
Gã công an nhìn chàng bằng cặp mắt soi mói. Hắn cao hơn chàng nửa đầu, vai đầy thịt, cổ tròn xoe, mặt gan góc, mũi lỏng lẻo của người thông thạo quyền Anh, dáng điệu tự tín và kiêu ngạo.
Văn Bình bước qua mặt hắn. Cuối hành lang, chàng thấy đường rẽ bên tay trái, dẫn đến câu tiêu và cầu thang cấp cứu trôn ốc.
Ngoài cửa cầu tiêu, treo lủng lẳng một tấm cạt-tông dầy, viết chữ đỏ nguệch ngoạc: Cấm vào, đang sửa chữa.
Chàng mở cửa; bên trong gạch vôi ngổn ngang. Tiếng lộp cộp bắt chàng ngoảnh lại: gã hộ pháp đã tiến tới sau lưng chàng.
Chàng mỉm cười chào song hắn không thèm để ý tới cử chỉ ngoại giao của chàng. Tay chống nạnh, bắn cất tiếng:
- Ông là ai?
Văn Bình hỏi lại:
- Ông là ai?
Hắn gắt um:
- Tôi là nhân viên An ninh. Ông lên đây làm gì?
Văn Bình nhún vai:
- Gặp người quen. Bộ đây là cấm địa hay sao?
- Cấm địa. Yêu cầu anh trình giấy. Hắn đã gọi chàng bằng anh. Nghĩa là hắn ngờ vực chàng. Chẳng nói, chẳng rằng, Văn Bình quay nửa vòng, sống bàn tay quật vào cổ đối phuơng, như lưỡi dao phay.
Tuy nặng cân, gã công an lại xoay chuyễn nhẹ như bấc. Hắn nghiêng mình tránh đòn, đồng thời móc ngọn cước bằng chân trái vào cằm Văn Bình. Miếng võ sĩ kiến này chứng tỏ hắn là võ sĩ nhu đạo đai đen. Cao Miên là xứ khan hiếm đai đen, võ sĩ đai đen không thể là nhân viên công an tầm thưòng. Chắc hắn là sĩ quan an ninh cao cấp, cải trang làm cảnh sát.
Nghĩa là cơ quan An ninh đã biết chàng tới phòng vũ nữ Bạch Liên.
Ngọn cước của gã hộ pháp vèo tới, Văn Bình bước tréo một bộ, dùng cườm tay chận lại và hất hắn ngã xuống.
Dầu bị đánh đau, hắn còn tỉnh láo, Hắn ngồi dậy, rút súng, sửa soạn lấy cò. Cái đá kinh khủng của Văn Bình làm hắn ngã vập vào tường. Chàng lôi hắn sềnh sệch vào cầu tiêu. Xong xuôi, chàng bật lửa châm thuốc Salem.
Quay ra. chàng đang đóng cửa thì một trái đấm như trời giáng rơi đúng cằm chàng.Nếu không dày cóng tập luyện, quả thôi sơn này có thể đánh rụng răng, hàng tháng phải húp cháo lỏng. Song cằm Văn Bình đã được trui luyện, trái đấm của vô địch hạng nặng quyền Anh cũng khó làm chàng đo ván. Chàng chĩ toé đom đóm mắt, suýt mất quân bình, rồi đứng thẳng lại như cũ.
Té ra ngoài hành lang còn một công an viên bí mật khác mà Văn Bình không thấy.
Về bề cao, hắn nhàng nhàng như chàng sếu vườn Lê Diệp của sở Mật vụ, bắp thịt cũng xăn tròn và cứng đét, khổ mặt xương xuơng, mắt đỏ lửa, chứng tỏ nội công điêu luyện.
Văn Bình chưa kịp phản công thì gã Công an đã hô to bằng tiếng Miên, bắt chàng giơ tay lên khỏi đầu, và quay mặt vào tường. Tư thế khôn ngoan của hắn - khẩu súng nằm gọn trong tay, ngón trỏ kề sẵn vào cò, người hơi nghiêng - không cho phép Văn Bình trổ tài mọn đoạt khí giới thần tốc.
Văn Bình đành ngoan ngoãn vâng lời. Tuy nhiên, đối phương đã phạm phải một lỗi lầm kỹ thuật không thể tha thứ.
Hắn tiến sát lưng chàng, dí miệng súng lạnh ngắt vào xương sống rồi vỗ áo chàng lục soát khí giới. Cơ hội chuyễn thắng của Văn Bình đã tới. Bàn tay trái của đối phương đang nắn bóp bao vải đeo súng thì Văn Bình đã bước tréo sang bên.
Phập. Sống bàn tay Văn Bình hạ xuống như nhát dao chẻ củi. Khẩu súng rơi xuống đống vôi khô. Đối phương bị Văn Bình dùng thế cùi trỏ tuyệt xảo hất đánh bịch vào la va bô.
Đầu hắn đụng vào chậu xứ kêu lên một tiếng khô khan. Rồi hắn ngã sóng vượt trên nền đất bẩn thỉu. Văn Bình bồi thêm một atémi êm ái vào yết hầu. Dầu khỏe như voi, hắn cũng phải nằm chịu trận nửa tiếng đồng hồ. Trong 30 phút dài giằng dặc này chàng đã hoàn thành công tác.
Văn Bình nhặt khẫu súng, rút xạc giơ ra, xả hết dạn, đoạn ném tất cả váo thùng đựng nước treo tòn ten sát trần nhà.
Đoạn chàng lục túi nạn nhân, Iấy huy hiệu công an bằng nhom được lau chùi bóng loáng.
Một phút sau, chàng đóng cửa, không quên khóa chặt, rồi thong thả huýt gió tiến tới phòng vũ nữ Bạch Liên.
Cửa phòng đóng im ỉm.
Nhưng chỉ 20 giây đồng hồ sau, Văn Bình đã vào lọt bên trong. Chàng không thấy ai, tuy nhiên chàng biết Bạch Liên ở nhà vì nghe tiếng nước chảy ồ ồ trong buồng tắm.
Căn phòng không lấy gì làm rộng nhưng được trang trí thích hợp nên có vẽ khoáng đãng. Bức tranh sơn dầu - trái đu đủ chín bổ đôi phô bầy bộ ruột đỏ ối - tạo cho không khí một sự ấm áp quyến rũ. Bộ xa-lông thấp lè tè bằng gỗ lợp nhung nhiều mầu sặc sỡ ăn nhịp với màu xám nhạt, xanh nhạt và hồng nhạt trên tường.
Từ góc phòng vẳng lại âm thanh dịu dàng của đĩa hát Tây phương đang quay từ từ trên chiếc pích kớp tự động 4 tốc độ.
Văn Bình đứng trước tấm gương gần cửa, sửa lại nếp áo, vuốt lại mớ tóc thiếu ngoan ngoãn, đoạn chọn cái ghế xây lưng ra buồng tắm, thản nhiên ngồi xuống, rút Salem hút.
Năm phút sau, chàng nghe cửa kẹt mở, và tiếng giép dừa kéo lệt sệt. Bạch Liên đẹp như hoa khôi Phù tang trong chiếc kimônô rộng sặc sỡ.
Chợt thấy chàng, Bạch Liên đưa bàn tay lên miệng:
- Ông là ai?
Văn Bình rút tấm lắc nhân viên Công an ném lên mặt bàn kêu leng keng. Nhận ra, Bạch Liên sa sầm:
- Khổ quá lại đến lượt ông. Có lẽ tôi phải chết vì các ông mất thôi. Một lần nữa, tôi xín nhắc lại là không biết gì hết. Không biết gi hết. Nào, yêu cầu các ông để tôi yên.
Văn Bình thở khói thuốc lá rồi nhoẻn miệng cười. Nụ cười của chàng tỏa ra một sức hấp dẫn lạ lùng. Tuy nhiên, Bạch Liên vẫn chưa chịu hạ giọng:
- Vâng, xin các ông để tôi yên. Trước phòng tôi, các ông đã đặt một hộ pháp, cấm đoán mọi người lui tới, biến tôi thành nữ phạm nhân. Nếu muốn, các ông bắt tôi đi. Tôi ở tù có lẽ sướng hơn tự do đấy.
Văn Bình lại cười. Chột dạ, Bạch Liên ngồi xuống ghế bành đối diện, e lệ khép tà áo kimônô vừa hé mở. Trong thoáng mắt, Văn Bình biết nàng không mặc đồ lót.
- Xin lỗi cô vì đã quấy rầy nhiều lần. Chúng tôi hy vọng đây là lần cuối.
Giọng Bạch Liên ôn hòa hẳn:
- Ông cần thêm điều gì nữa?
Văn Bình nhìn vào giữa đôi mắt đen láy và ươn ướt:
- Không. Tôi chỉ yêu cầu cô nói rõ một vài chi tiết về vụ cô Chiêu Lai bị ám sát.
Da mặt Bạch Liên bỗng tái nhợt. Nàng mất hẳn bình tĩnh:
- Thưa ông, tôi đã khai hết rồi. Suốt ngày nay, tôi nói nhiều đến nỗi khản giọng. Thật ra, tôi cũng chẳng biết chuyện gì đặc biệt.
Văn Bình vô tình nắm tay nàng:
- Cô đừng sợ. Tôi sẽ cố gắng giúp cô. Giờ đây, tôi muốn cô cho biết những bí mật về chiếc mù soa hồng.
- Thưa...
- Tôi biết rồi. Mù soa này được dùng làm ám hiệu lên sòng bạc của Tư Mạnh. Tư Mạnh là ai?
- Là tình nhân của Chiêu Lai. Tư Mạnh điều khiển một cơ sở buôn lậu to lớn ở Cao Miên, gia tài hàng trăm triệu.
- Sòng bạc của Tư Mạnh ở đâu?
- Trên lầu vũ trường Dạ Lạc.
- Lên sòng bằng cách nào?
- Phải trình mù soa hồng cho bọn vệ sĩ. Nếu không sẽ bị hành hung hoặc giết bỏ. Sau đó, được đưa lên sòng bằng cửa riêng.
- Cửa này ở đâu?
- Cầu thang bên trái, sau quầy rượu... Lên tới lầu một, quẹo...
Đột nhiên, Bạch Liên mím miệng, ngưng bặt. Mắt nàng mở rộng như đang đứng trước một quang cảnh đầy sợ hãi. Thái độ đổi khác bất thần của nàng không lọt khỏi sự quan sát tinh tế của Văn Bình. Nghĩa là nàng đã đoán biết chàng không phải nhân viên công an thật thụ.
Nàng lắp bắp:
- Ông... ông là...
Văn Bình vỗ về, giọng ngọt như đường phèn:
- Cô yên tâm. Tôi là bạn thân của cô Chiêu Lai, và là bạn thân của cô.
- Em sợ lắm... Ông về đi.
- Tôi sẽ bảo vệ cho cô. Không ai dám đụng tới cô đâu.
- Em van ông... ông đừng ở lại đây nữa.
- Cô sợ ai?
- Không. Em không sợ ai cả.
- Cô đừng giấu tôi nữa. Sibath... đại tá Sibath bắt cô nín lặng phải không? Cô hãy giúp tôi tìm ra sự thật về vụ này. Vong linh của cô Chiêu Lai dưới suối vàng sẽ được thỏa nguvện. Nào, cô sửa soạn đi, tôi chờ cô. Cô chỉ nên mang theo một vài bộ đồ nhẹ. Tôi sẽ đưa cô tới một nơi trú ngụ an toàn. Nếu cô muốn, tôi sẽ đưa cô ra ngoại quốc một thời gian. Về phí tổn, tôi sẽ lo liệu chu đáo.
Như cái máy, Bạch Liên quay lại tủ áo. Bàn tay lóng cóng của nàng quờ quạng trong tủ, làm đồ đạc rơi lung tung. Văn Bình phải mở va li xếp quần áo giùm cho nàng.
Trong cơn sợ hãi ghê gớm. Bạch Liên quên bẵng sự hiện diện của người đàn ông lạ trong phòng. Nàng run run cởi áo kimônô, quăng xuống sàn nhà, rồi luồn bộ xiêm y tây phương vào người.
Tuy vội vã, Văn Bình vẫn có đủ thời giờ chiêm ngưỡng thân hình đều đặn và trơn bóng của người thiếu phụ Miên. Mặc gần xong quần áo, nàng mới bắt gặp luồn nhỡn tuyến bốc lửa của chàng.
Da mặt trắng bệch của nàng dần dần ửng đỏ.
Nàng cúi đầu xuống, tay mân mê tà áo.
Văn Bình xách va-li, mở cửa, nhường cho nàng ra trước.
Sự việc xảy ra nhanh như chớp xẹt.
Một khối sắt đen sì giáng vào đỉnh đầu Văn Bình. Chàng vội xoay bộ để né đòn, nhưng bá súng - bá một khẩu súng côn 12 - vẫn chạm vai chàng, khiến chàng bủn rủn chân tay.
Chàng nghe tiếng kêu thất thanh của Bạch Liên:
- Chết tôi rồi!
Một bóng nguời từ hành lang vụt tới, vung nắm tay to tướng vào mặt Bạch Liên. Nàng ngã chúi vào ghế xa-lông.
Văn Bình quạt atémi để chế ngự gã khổng lồ cầm súng. Nhưng một bóng đen thứ ba đã kết liễu cuộc giao phong bằng ngọn roi chì bọc cao su. Nhát roi được xử dụng một cách tinh vi rơi đúng gáy Văn Bình.
Vô ích, Văn Bình muốn vùng dậy chống trả song toàn thể chàng đã rã rời.
Một vòng tròn đen sì lớn dần, lớn dần trước mắt chàng. Trong khoảnh khắc, căn phòng đều nhuộm màu đen gớm ghiếc. Vạn vật đều nhuộm màu đen gớm ghiếc.
Văn Bình sóng soài trên tấm thảm cói.