Số lần đọc/download: 0 / 48
Cập nhật: 2020-12-23 17:01:13 +0700
Chương 6 - Truyện Thứ Năm - Gián Điệp Mặt Ma...
N
hắc đến đại tá Orét Pinto, người ta không thể không nhắc đến thành tích phản gián của ông trong Đại chiến thứ hai, điển hình là vụ điệp viên King Kong đội lốt anh hùng kháng chiến Hòa lan. Nhiệm vụ của ông là tóm bắt điệp viên địch trà trộn trên vùng đất của đồng minh. Nhưng ông còn nổi danh trong những hoạt động khác mà ít người biết: huấn luyện, điều khiển điệp viên đồng minh thả xuống vùng địch tạm chiếm.
Câu chuyện "Gián điệp mặt ma" sau đây tôi kể lại những ba chìm bẩy nổi của một điệp viên đồng minh tên là Jan Riebeek. Chàng thanh niên Hòa lan này khôi ngô như tài tử xi-nê nhưng lại tình nguyện sửa mặt thành méo mó để bí mật hồi hương, tổ chức lại những cơ sở điệp báo đồng minh đã bị Đức phá nát. Chàng đã thành công vẻ vang. Để rồi một đêm kia chàng biến mất, lưu lại trong lòng đại tá Pinto, con người có trái tim thép, một nỗi u hoài vô tận...
I.
Trăng sáng lờ mờ. Làng mạc, đồng ruộng, tất cả đều nhuộm một mầu ảm đạm, sáng không ra sáng, tối không ra tối. Nếu không có con sông uốn khúc loang loáng trong sương một đêm tháng 5 năm 1943 ấy, thì thật khó tìm đúng địa điểm thả dù. Gió lại thổi như điên, đông tây nam bắc hướng nào cũng có gió, chiếc phi cơ nhẹ loạng choạng như chiếc lá trong không gian mênh mông trước khi hạ thấp, rồi... a-lê hấp... chào các cậu, mình về quê đây. Giang Ri-bích, chàng trai yêu nước nồng nhiệt thót xuống lãnh thổ Hòa-lan đang bị quân đội Đức quốc xã dày xéo bên dưới...
Giang mệt ứ hơi muốn chết. Chàng tập nhảy đã thuần thục, song không dè nhẩy giả và nhảy thật khác nhau đến thế. Cũng may được nhảy liền, chứ loăng quăng trên trời một lát nữa thì ruột gan chàng sẽ lộn lạo, chàng sẽ nôn ọe hết. Chàng loay hoay giây lâu chiếc dù ác ôn mới chịu tuân lệnh, ngoan ngoãn rớt thành đống tròn trên đất. Đất ruộng mới cầy, mầu nâu sẫm chạy dài đến tận chân trời. Mầu đất ăn nhịp với màu vải dù đen.
Giang bỗng hết mệt. Dường như luống cầy e ấp một mùi gì đặc biệt. Làn gió trên ruộng cũng chứa tỏa một mùi gì đặc biệt. Đúng rồi... mùi quê cha đất tổ. Giang vươn vai thở đầy lồng ngực, lúicúi đào lỗ chôn dù, đoạn ngồi rụp xuống, quan sát tứ phía. Quang cảnh im lặng, và hoang vắng khác thường, tuy vậy chàng không cảm thấy cô đơn. Sau khi nhận định phương hướng, chàng bước ra đại lộ. Trước mặt chàng là con đường quen thuộc vào tỉnh lỵ U-tờ-rết (Utrecht) nơi chàng sống từ nhỏ đến lớn. Chàng đã quen thuộc từng hẻm nhỏ lót đá, từng vỉa hè lồi lõm, từng đống gạch lởm chởm, ẩn hiện trong bóng đêm.
Sau nhiều ngày tháng ly hương vì chiến cuộc. Giang đã trở về. Chàng đi nép sát những hàng rào cây leo um tùm. Trăng chiếu không rõ lắm, nhưng chàng vẫn sợ. Biết đâu một tên lính Đức khệnh khạng đi qua. Biết đâu bọn tay sai chó săn đang rình rập trong tối, chờ chàng ló đầu là dí súng bắt chàng giơ tay, tống lên xe bít bùng.
Chàng ngần ngừ một phút, trước khi dừng lại. Đúng là con đường kiệt này. Con đường nhỏ xíu, gồ ghề mà chàng đã bước qua hàng vạn, hàng triệu lần. Chàng gõ nhẹ đế giầy xuống mặt đường. Hai bên đường, mọi người đã ngủ say. Có thể họ còn thức nhưng họ không dám mở đèn và mở cửa sổ. Chàng nghe tiếng coong coong từ dưới chân vẳng lên. Nhanh nhẹn chàng quỳ gối, rút trong cái xắc vải đeo lủng lẳng sau lưng ra cái dùi nhọn. Chàng mắm môi cậy cái nắp cống tròn bằng sắt, kéo sang bên, và nhìn xuống lỗ sâu đen ngòm. Dáng điệu chậm rãi, chàng đặt chân xuống bậc thang sắt phía dưới. Chàng từ từ đậy nắp cống. Ánh sáng ngọn đèn bấm nhỏ như cây bút chiếu một vệt thẳng dài.
Đây là cái cống ngầm. Nó cũng rất quen thuộc với Giang. Chàng bỗng hồi tưởng lại tuổi hoa niên, nhiều lần xưa kia chàng cũng mò mẫm dưới cống như vậy. Giày chàng lội nước lõm bõm. Chàng không để ý tới mùi hôi thối và bầy chuột chạy lạch bạch chung quanh. Chàng còn bận nghĩ đến vị trí của nắp cống ăn thông lên căn nhà của cậu chàng bên trên.
Tuổi trẻ của Giang khác hẳn với tuổi trẻ của những đứa bạn cùng xóm. Giang mồ côi cả cha lẫn mẹ từ tấm bé. Cậu ruột của Giang đã già, ông mang Giang về nuôi, và cậu đối xử rất tốt, tốt đến nỗi Giang tưởng cậu là cha đẻ. Cho đến khi thành niên, chàng chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà của cậu được dùng làm lữ quán.
Những kỷ niệm của thời thơ ấu đột nhiên nhòa nhạt, nhường chỗ cho một niềm vắng lặng ghê rợn. U-tờ-rết đã bị địch chiếm. Trên đầu Giang,quân đội Đức quốc xã đóng đầy nghẹt. Từ năm 1940, các sư đoàn chiến xa dũng mãnh của Đức quốc xã rầm rộ kéo qua Hòa lan như vào chỗ không người. Hòa lan thất trận, và lữ quán của ông cậu bị trưng dụng, bộ tham mưu địa phương đóng ở đó. Trừ một số nhân viên lữ quán, không người Hòa lan nào được bén mảng tới, ngôi nhà này canh gác cẩn mật, bên trong các ông bự quốc xã ăn ngủ phè phỡn.
Dưới cống ngầm, Giang vừa ra khỏi chỗ ướt. Nền cống mỗi lúc một lên cao, chàng chạm giầy vào mặt đất khô ráo. Đi được một quẵng ngắn nữa thì bề ngang cống thắt hẹp lại, đồng thời mặt trần hạ thấp. Giang hất cao ngọn đèn, và mỉm cười đắc thắng. Chàng vừa nhận ra những thanh gỗ đen nhằng nhịt, nắp mở lên hầm chứa rượu của lữ quán.
Đồng hồ lân tinh trên cườm tay Giang chỉ đúng 10 giờ rưỡi. Đây là 10 giờ rưỡi đêm chủ nhật. Chuyến đi của chàng được tính toán sát nút; mỗi đêm chủ nhật sau 10 rưỡi, cậu chàng có thói quen xuống hầm rượu để kiểm soát thực phẩm hàng tuần.
Giang chắc chắc sẽ gặp ông cậu. Người già thường sống đều đặn như đồng hồ quả lắc gõ giờ, ít khi thay đổi thói quen. Từ lúc chàng lên đường đến giờ, mọi việc đã xảy ra đều đặn, đúng với dự tính. Giang tin tưởng sẽ không bị trục trặc.
Ngoại trừ vấn đề thuyết phục ông cậu. Phải tìm cách nào tỏ cho ông cậu biết mình là thằng Giang, thằng cháu cưng của ông cậu. Vì trong 2 năm sống trên đất Anh, Giang đã thay đổi. Gần như hoàn toàn.
Giang tắt đèn bấm, nghe lắng động tĩnh hồi lâu trước khi xô tấm thạp gỗ, lặng lẽ trèo ỉên. Gian phòng bên trên được dùng làm kho chứa đồ hộp và rau đậu. Chàng tìm một góc kín đáo, ẩn mình chờ đợi.
Chẳng bao lâu, chàng nghe tiếng chân của ông cậu dận trên cầu thang. Lối đi của ông thật độc đáo, ông vừa bước vừa lê, chân trái nặng hơn chân phải, ông bật đèn vàng trên trần chiếu tỏa khắp phòng. Giang đứng thẳng dậy, bàn tay nắm chặt khẩu Beretta nhỏ xíu. Dầu sao chàng vẫn phải đề phòng. Đành rằng người đang xuống hầm là ông cậu. nhưng biết đâu đấy, biết đâu một tên Đức ác ôn nào đó đang bám theo ông. Ông sắp đi qua góc Giang núp, Giang cất tiếng kêu nho nhỏ:
- Cậu Cát, cậu Cát (Karl)..
Ông cậu đứng lại, mặt ngơ ngác và kinh hoàng. Giang bước ra:
- Giang đây, cháu Giang đây.
Ông cậu nhìn họng súng đen ngòm của Giang, vẻ sợ hãi vẫnchưa giảm bớt. Giang vội nói:
- Giang đây mà... cậu đừng quan tâm đến khẩu súng của cháu. Đừng... đừng nói lớn. Cũng đừng có thái độ gì cả. Cháu về với cậu đây.
Bàn tay ông cậu run bần bật. Ông liếc nhìn cầu thang, không rõ ông sợ người lạ nghe tiếng hay là ông nảy ra ý định bỏ chạy, đoạn ông ngó sững khẩu súng. Dần dà ông lấy lại bình tĩnh. Nghề chủ nhân khách sạn thường luyện được đức tính điềm đạm trước những biến chuyển bất ngờ. Ông hỏi Giang:
- Cậu là Giang. Nhưng là cái gì...Giang?
Giang buông thõng bàn tay cầm súng. Vai chàng rung rung như thể chàng sắp òa khóc vì cảm động. Chàng đáp nhanh:
- Giang Ri-bích, cháu là Giang Ri-bich của cậu đây. Cậu chưa nhận ra cháu ư?
Ông già vẫn nhìn chàng không chớp mắt. Ông vẫn còn hoài nghi. Hoài nghi là phải, vì khuôn mặt người thanh niên đang đứng trước mặt ông không có nét gì giống khuôn mặt thẳng Giang cháu ông ngày nọ, thằng Giang mà ông nuôi nấng thương yêu từ thưở còn nằm nôi.
Tuy nhiên...tuy nhiên... nỗi thắc mắc chỉ thoáng nhẹ qua rồi tan biến. Vì giọng nói, cử chỉ có cái gì gần giống với ông... Nhất là mã người to lớn, và bờ vai vuông, khỏe... đúng rồi... đó là những đặc điểm của gia đình ông. Ông chỉ còn chưa hiểu tại sao cháu ông lại xấu xí đến thế. Cái mũi xẹp lép không khác mũi võ sĩ đã thượng đài hàng trăm lần. Xẹp lép chưa đủ, nó còn vẹo qua bên, trông thật mất cảm tình. Cái miệng còn làm mất cảm tình hơn nữa, miệng gì mà méo xẹo, bên cao bên thấp, mấy cái răng cải mả khấp khểnhlòi hẳn ra ngoài, eo ơi, răng ma-cà-rồng có lẽ còn đẹp hơn.
Ông bèn hỏi:
- Cháu Giang phải không? Cháu làm gì mà mặt mũi cháu khác xưa như vậy?
Giang đáp:
- Thưa cậu... vì cháu mổ. Mổ để thay đổi khuôn mặt....
II.
Chuyến đi và khuôn mặt thay đổi của Giang Ri-bích, bắt nguồn từ một chỉ thị của thủ tướng Anh Sớt-sin gửi tình báo đồng minh. Chỉ thị này rất ngắn ngủi, song rất rõ ràng và quyết liệt: "....gia tăng tối đa công tác tình báo, phá hoại và du kích chiến trong các vùng bị địch chiếm ở Âu châu...".
Từ đầu mùa đông năm 1942, đạo quân thứ năm của đồng minh đẩy mạnh hoạt động ở hậu địch. Mỗi đêm, hàng chục điện đài bí mật chuyển tin tức quan trọng về Luân đôn.
Trung tâm của phong trào kháng chiến là Luân đôn. Sĩ quan, binh lính, viên chức, tư nhân các quốc gia bị Đức chiếm đóng lũ lượt kéo nhau qua Anh quốc, nơi bộ tổng tư lệnh đồng minh đặt văn phòng tuyển mộ giới thiệu, để lựa chọn những phần tử hội tụ điều kiện cần thiết cho công tác hậu địch. Những phần tử này được đưa đi huấn luyện. Sau đó, họ hồi hương lén lút bằng tầu ngầm hoặc bằng thả dù.
Trong đó có Giang Ri-bích....
Hồi ấy, khác với tổ chức kháng chiến ở những quốc gia kế cận, tổ chức kháng chiến ở Hòa lan đang bị suy sụp trầm trọng. Đức quốc xã đã gài được nội tuyến trong guồng máy lãnh đạo ở Hòa lan, kết quả là đồng minh bị thảm bại. Suốt gần 2 năm dòng dã, Phản gián quốc xã gián tiếp kiểm soát một phần lực lượng kháng chiến. Các thủ lãnh lần lượt bị loại trừ.
Cán bộ hành động bị xô vào chỗ chết. Phản gián Đức nắm được những bí mật về truyền tin điện đài giữa kháng chiến địa phương và Luân đôn. Điệp viên đồng minh nhảy dù xuống lần lượt bị đón bắt, tra tấn tàn bạo, và bị hạ sát sau khi mật vụ Đức moi móc tin tức. 51 người được Đồng minh phải tới Hòa lan thì 47 người thiệt mạng, 4 người còn lại sống dở chết dở trong các trại tập trung quốc xã.
Trước tình trạng một mất một còn ấy, đồng minh triệu thỉnh đại tá Orét Pinto, một thủ lãnh phản gián lão thành từng đạt nhiều thành tích trong nền tình báo Pháp-Anh. Vừa được bổ nhiệm giám đốc Phản gián Hòa lan (lưu vong), Pinto đã lưu ý đến Giang Ri-bích.
Giang gõ cửa văn phòng đại tá Pinto lần thứ nhất vào tháng 11-1942. Hồ sơ của chàng không có điều nào khả nghi: chiến tranh xẩy ra, chàng đang là sinh viên đại học, thân thể cường tráng, cộng với tinh thần yêu nước thành thật và hăng say, trốn khỏi Hòa lan trong đường tơ kẽ tóc. Riêng việc trốn khỏi màng lưới trùng điệp của mật vụ quốc xã đã chứng tỏ Giang rất thích hợp với công tác điệp báo.
Tuổi trên tứ tuần, mái tóc muối tiêu, cặp mắt xanh thẳm như có tài đọc thấu lòng ngưởi, đại tá Pinto nổi tiếng về khoa tổ chức tình báo và thẩm vấn phản gián. Ông có cảm tình ngay với Giang tuy vậy, ông không muốn kết nạp chàng vì hai lý do: thứ nhất, chàng quá đẹp trai, đẹp trai hơi hơi thì còn chấp nhận được, chứ quá đẹp trai thì bất lợi hoàn toàn, phụ nữ thường dễ mềm lòng trước đàn ông khôi ngô, ngược lại đàn ông khôi ngô hay lụy vì tình; thứ hai, Giang có thân hình quá khỏe mạnh, Đức quốc xã rất cần người khỏe mạnh để xung vào đạo quân lao động cưỡng bách. Giang chỉ lang thang ra đường là bị tóm giữ ngay tức khắc.
Pinto ngần ngại song không nỡ từ chối. Linh tínhnghề nghiệp cho ông thấy Giang có thể trở thành một điệp viên đắc lực. Chàng hội đủ điều kiện: Ái quốc, thông minh, học thức, cường tráng. Chàng lại nằng nặc đòi trở về nước hoạt động với bất cứ giá nào.
Đột ngột, Pinto nêu câu hỏi:
- Giang, tại sao anh cứ muốn hồi hương? Tôi cần nói thật với anh là trong số những người được cử về Hòa lan chỉ có một số rất ít sống sót, còn phần đông bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, giết chết...
Nét mặt không biến đổi, chàng điềm tĩnh đáp:
- Tôi biết, nhưng tôi sẵn sàng tình nguyện. Vì tôi nghĩ có thể giúp nước một cách hữu hiệu.
Ngừng một phút, chàng tiếp:
- Một cách hữu hiệu hơn nhiều người khác.
Pinto cũng không biến đổi nét mặt:
- Chẳng hạn việc gì?
Giang nói:
- Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không còn ai thân thích. Do đó, liên hệ gia đình của tôi rất nhẹ. Tôi bị bắt, hay bị chết, chẳng làm ai buồn. Mật vụ địch cũng không hy vọng bắt cha mẹ, vợ con tôi để dụ tôi ra hàng...Trên đời này tôi chỉ còn lại một người thân độc nhất, ông cậu tôi. Hiện ông cậu Iàm chủ một lữ quán tại U-tờ-rết. Từ nhỏ đến lớn, tôi sống tại U-tờ-rết, một thời gian sau khi bọn quốc xã xâm lược Hòa lan, đến chiếm ngụ lữ quán của ông cậu, tôi vẫn ở lại đó, không đi đâu cả. Lữ quán này đông nghẹt sĩ quan cấp Đức. Nó là kho tin tức quân sự. Nếu ông gài được một người bên trong lữ quán thì...
Đại tá Pinto ngắt lời Giang:
- Anh tình nguyện trở về lữ quán của cậu?
Giang gật đầu. Pinto xua tay:
- Đề nghị của anh không ổn. Chắc khác nào anh dẫn thân đến chỗ chết. Mọi người ở U-tờ-rết đều quen biết anh. Bọn mật vụ sẽ không để anh yên. Và anh dư hiểu mật vụ sẽ làm gì anh sau khi anh bị bắt..
Giang đáp, giọng từ tốn và lễ độ:
- Thưa, tôi đã nghĩ nhiều về việc này. Thiết tưởng có nhiều cách thay đổi con người. Đặc biệt là thay đổi diện mạo. Theo chỗ tôi biết, sở tình báo đồng minh có một bộ phận thay đổi diện mạo bằng giải phẫu thẩm mỹ.
Pinto giật mình:
- Anh là một thanh niên khôi ngô, không lẽ sửa anh khôi ngô thêm. Nhưng cũng không lẽ sửa anh xấu đi.
- Thưa tôi muốn thay đổi cho hết vẻ khôi ngô.
- Trời.... anh đừng quên sửa xấu thì dễ, chứ sau này sửa đền lại như cũ rất khó. Nghĩa là suốt đời anh sẽ.....
- Thưa, tôi không mong gì hơn. Đối với tôi, phụng sự tổ quốc là điều trên hết, còn xấu hay đẹp chỉ là phụ. Vả lại, giờ phút này hàng trăm, hàng ngàn người hy sinh cả mạng sống của họ nữa thì sao. So sánh với họ, sự thay đổi diện mạo của tôi chẳng có ý nghĩa gì cả
Pinto chấp thuận. Mấy ngày sau, Giang bắt đầu tham dự cuộc huấn luyện tại một cơ quan mà giới tình báo đồng minh gọi là SOE 1, cơ quan đặc vụ. Giang trở thành chuyên viên phim ảnh vi-ti, nổ mìn, gài bom, mật mã và điện đài. Chàng học tỉ mỉ về tổ chức quân sự địch. Chàng còn học phương pháp giết
người. Giết bằng khí giới là chuyện thường. Phải học giết bằng hai tay không.
Trường SOE báo cáo với Pinto rằng Giang tỏ vẻ nôn nóng, và mặc dầu các huấn luyện viên đốt cháy giai đoạn, Giang vẫn than phiền là chương trình huấn luyện chậm như rùa bò. Chàng muốn thanh toán thật nhanh. Chàng xin được học thêm giờ, và đòi được vào ngay bệnh viện để sửa mặt. Pinto gửi công văn cho ban giám đốc trường, hỏi ý kiến. Ban giám đốc phúc trình là Giang học rất sáng dạ, các huấn luyện viên đều bằng lòng. Ban giám đốc nói thêm là trong tương lai họ hy vọng Pinto tuyển chọn thật nhiều khóa sinh hội đủ điều kiện như Giang.
Tốt nghiệp xong, Giang quay về Luân để mổ mặt. Chàng gọi điện thoại đến thăm Pinto. Cuộc sống điệp báo đã trui luyện lòng ông, ông tưởng không bao giờ còn biết xúc động nữa. Vậy mà ông xúc động trước bộ mặt mới của Giang. Những vết thẹo trên mặt chàng trai khôi ngô ngày nọ đã kéo da song những mảng đỏ vẫn còn. Sự đổi mầu này làm mặt Giang trở nên gớm ghiếc, tuy nhiên cũng chưa gớm ghiếc bằng hình thù của mũi, má và miệng. Cái mũi gần như là trái cà chua bẹp trong khi hai má phồng lên, cái miệng chữ V để lộ cả răng và nướu, nhất là cặp môi thâm sì.
Pinto còn bàng hoàng thì Giang đã hỏi:
- Ông thấy tôi ra sao? Cừ không? Ông có tin là bọn Đức nhận được mặt tôi nữa không?
Dĩ nhiên là không. Giang phá lên cười. Chàng cười mà không khác mếu. Nhớ lại cái miệng đa tình, làn môi luôn luôn đỏ, cái má lúm đồng tiền, và sổng mũi cao, đều của Giang, Pinto cảm thấy trái tim đau nhói. Nhưng Giang vẫn vui như Tết, chàng nhanh nhẩu báo tin cho Pinto biết là để cải trang thêm hữu hiệu, chàng đã độn cao thêm đế giầy trái, khiến chàng bước khập khiễng. May ra bọn quốc xã tưởng chàng tàn tật, và miễn công tác lao động cưỡng bách.
Sau đó một tuần, Giang được một oanh tạc cơ Anh quốc thả xuống vùng đồng ruộng gần thị trấn U-tờ-rết. Đại tá Pinto nóng ruột nghe ngóng tin tức của Giang. Rồi ban điện đài của tình báo Anh tiếp nhận được mật điện "hiệp ước đã được ký kết". Điều này có nghĩa là Giang đã móc nối được với ông cậu và bắt đầu làm việc trong lữ quán, ngay trước mũi bọn sĩ quan quốc xã.
Pinto thở phào một cách khoan khoái. Ông vẫn sợngười cậu già của Giang không chịu nhìn nhận gã thanh niên mặt mũi xấu như ma lem kia là đứa cháu ruột. Giang Ri-bích hoạt động bén nhậy và đắc lực ngay từ buổi đầu. Chàng làm việc trong nhà bếp của khách sạn. Dần dà, với sự thỏa thuận của ông cậu, Giang được làm bồi trong phòng ăn, rồi hầu rượu.
Hầu rượu là phần việc tốt nhất vì các sỹ quan cao cấp thường bàn bạc chung quanh ly rượu. Chỉ cần để ý, tai thính và trí nhớ vượt mức trung bình là có thể biết được nhiều tin tức quan trọng. Sở dĩ Giang được làm bồi rượu vì anh bồi rượu chính thức bị xung vào lực lượng lao động.
Nhờ Giang, tình báo đồng minh thiết lập được một trạm nghe vô giá ngay tại trung tâm tổng hành doanh quốc xã Hòa lan. Giang dóng tai và ghi hết vào óc. Chàng vốn thông minh nên nghe đến đâu nhớ đến đó, không hề quên một chi tiết nhỏ nhặt. Chàng đạt được nhiều thành công bên quầy rượu. Mặt chàng quá xấu nên các sĩ quan không thèm nhìn khi chàng rót rượu. Chàng lại vâng dạ luôn miệng nên được coi là gia nhân ngoan ngoãn.
Giang liên lạc bằng điện đài với Luân đôn, tuy nhiên, chàng không có điện đài riêng. Mỗi cần liên lạc, chàng phải tìm đến nơi ẩn náu của 2 nhân viên kháng chiến cách thị trấn U-tờ-rết một quãng đường. Pinto không muốn Giang quen biết rộng hoặc tiếp xúc thêm với tổ chức kháng chiến địa phương vì sợ bị bại lộ. Thu hẹp các đầu mối liên lạc. Giang có thể hoạt động mạnh mẽ mà ít lo bị phản bội.
Những ngày được nghỉ việc tại khách sạn, Giang xin phép về vùng quê. Lấy cớ đi mua lương thực cho câu lạc bộ sĩ quan, chàng vẽ họa đồ những địa điểm tập trung binh sĩ và cơ sở quân sự. Chàng được di chuyển tự do trong vùng, chàng lại nghe lỏm được nhiều mẩu chuyện trong khách sạn nên chẳng bao lâu Luân đôn đã nắm vững được hình địch. Gần như phân nửa tin tức quân sự về Hòa lan là do Giang cung cấp.
Đại tá Pinto tỏ ra mãn nguyện về tinh thần và khả năng phục vụ của Giang. Bởi vậy, ông đã hoàn toàn sửng sốt khi một người đến gặp ông tại văn phòng trong buổi chiều mùa hạ năm ấy.
III.
Ông đang chúi đầu vào đống hồ sơ dầy cộm thì thư ký riêng báo tin có một viên chức cảnh sát Anh ngỏ ý xin gặp. Tên viên chức này là Jenkins, thẩm sát viên. Pinto chỉ nghe nói đến tên Jenkins chứ chưa hề gặp mặt. Ông đoán rằng Jenkins gõ cửa văn phòng ông để ấn vào tay ông một đống giấy phạt vi phạm luật lệ giao thông. Nhân viên thuộc cấp của ông đều là người Hòa lan, họ không am tường luật lệ giao thông Anh quốc, họ lại thói quen lái ẩu, bất chấp đèn hiệu ở cácngã tư. À... cũng có thể là Jenkins đến cảnh cáo về vụ thuộc cấp của ông không tuân hành nghiêm chỉnh những chỉ thị về phòng thủ thụ động. Hàng đêm phi cơ địch bay đến bắn phá, đèn đuốc trong thành phố phải được che kín, nhưng theo chỗ ồng biết thì nhân viên trong ban vô tuyến điện của ông có vẻ đãng trí...
Ông sửa soạn nụ cười ngoại giao thật tươi để đón chào đón thẩm sát viên Jenkins. Người Anh vốncứng nhắc về nguyên tắc, luật là luật, không có bên trọng bên khinh như ở Hòa lan.
Khi bước vào Jenkins mang theo bộ mặt lạnh lùng như đá. Chậc, có chuyện quan trọng đây...Phạt là cùng, có gì mà phải nghiêm trang.. Jenkins chào Pinto rồi chưa kịp ngồi đã mở cặp da xách tay, lấy ra một tấm hình. Trong tấm hình lớn là một thanh niên khôi ngô, mặc com-lê chỉnh tề. Sơ-mi trắng tinh, cà-vạt đúng mổt. Bên dưới có hàng chữ viết tay bay bướm "suốt đời với em...G...".
Thẩm sát viên Jenkins hỏi:
- Đại tá biết người trong hình không?
Dĩ nhiên Pinto phải biết. Bộ mã khôi ngô của thanhniên trong hình là cộng sự viên của ông. Đó là Giang Ri-bích. Không phải Giang ở U-tờ-rết làm nghề bồi rượu cho tướng tá quốc xã, mà là Giang đẹp trai, Giang có số đào hoa, đàn bà con gái say mê như điếu đổ, Giang trước ngày tình nguyện mổ mặt, thay đổi sống mũi, gò má, và miệng...
Pinto đáp:
- Có lẽ... biết.
Rồi hỏi lại Jenkins:
- Có chuyện gì không, ông bạn?
Thẩm sát viên Jenkins bèn thuật tự sự cho Pinto nghe. Cách đó mấy ngày, bọn trẻ chơi đùa trên đống gạch vụn ở một khu vực Luân đôn bị bom đạn địch làm đổ nát đã khám phá ra bàn chân một thiếu phụ trẻ bị chôn vội trong một cái hồ bơi cạn. Cảnh sát được trình báo đã đến nơi chở nạn nhân vào nhà xác. Cuộc giải phẫu của luật y cho thấy mặc dầu thi thể bị rửa nát và bị vùi quá lâu đã có bằng chứng chắc chắn là nạn nhân bị bóp cổ đến chết.
Theo cuộc điều tra, nạn nhân vốn là chiêu đãi viên tại một quán rượu gần nơi xảy ra vụ oanh tạc. Sau ngày nạn nhân đột nhiên biệt tích, chủ nhân căn phòng mà nàng thuê đã cho người khác thuê lại, còn áo quần, đồ đạc của nàng thì được cất giữ tử tế trong kho. Cảnh sát lục tấm hình của Giang Ri-bích. Bạn bè của nạn nhân đều khai Giang là người yêu, đồng thời nạn nhân cũng đã viết trong nhật ký về những liên hệ thắm thiết giữa nàng và Giang, nàng còn than thở về tính ghen tuông quá độ, ghen tuông đến gần như điên rồ của Giang.
Thẩm sát viên Jenkins giải thích thêm:
- Nàng có thân hình khá xinh đẹp, song lẳng lơ, điếm đàng một tí, dường như nàng còn làm thêm nghề... phụ nữa nên Giang Ri-bích mới ghen tuông. Và tôi sợ Giang đã dính líu vào thảm vụ sát.
Ngừng một phút, Jenkins nói tiếp:
- Hẳn đại tá ngạc nhiên tại sao tôi lại biết đến đây. Tôi được các sĩ quan Hòa lan giới thiệu. Họ nói là Giang làm việc dưới quyền đại tá.
Pinto thừ người giờ lâu. Ông sực nhớ đến thái độ nôn nóng quá độ của Giang, muốn tốt nghiệp khóa điệp báo thật nhanh, giải phẫu thẩm mỹ thật nhanh và hồi hương cũng thật nhanh. Giang nôn nóng vì sợ bạii lộ. Khỏi cần điều tra ông đã có linh tính Giang liên hệ xa gần đến vụ cô gái chiêu đãi viên bị chẹn cổ chết.
Ông bèn giải thích là Giang đã được phái về Hòa lan, hoạt động cho đồng minh trong vùng địch. Ông nhấn mạnh rằng triệu hồi Giang là việc rất khó.
Thẩm sát viên Jenkins đáp, giọng bình thản, như thể đã biết trước phản ứng của Pinto:
- Trong hoàn cảnh ấy, tôi đành phải yêu cầu triệu hồi Giang Ri-bích bằng đường lối khác.
Pinto tìm kế hoãn binh:
- Với tư cách riêng, tôi mạn phép bàn là hiện nay chưa rõ Giang hoàn toàn vô can hay phạm tội sát nhân. Nhưng muốn là gì nữa thì sự trở về Luân đôn của Giang cũng không thể làm cô gái chiêu đãi viên sống lại. Tôi không thể tiết lộ các chi tiết, nhưng đối với ông tôi không ngần ngại nói thẳng rằng đồng minh đang bị tổn thất nặng nề tại Hòa lan. Mỗi nhân viên của đồng minh ở đó là một lực lượng vô giá. Và xin ông hiểu rằng Giang Ri-bích đang thi hành một sứ mạng quan trọng, vô cùng quan trọng.
Jenkins vẫn không hề lay chuyển:
- Đại tá cảm phiền, đại tá có công việc của đại tá, tôi có công việc của tôi. Tôi sẽ vận động triệu hồi Giang Ri-bích.
Viên thẩm sát đứng dậy và cáo từ. Pinto không tỏ ra lo lắng nhiều vì ông biết chắc thượng cấp sẽ hỏi ý kiến của ông trước khi ra quyết định. Và khi ấy, ông sẽ đưa ra những lý lẽ xác đáng để ngăn chặn.
Từ Hòa lan, Giang vẫn điện về đều đặn, Giang đoạt hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có lần chàng dám chuốc rượu cho một sĩ quan Đức say bí tỉ rồi mở tép da lấy tài liệu quân sự ra chụp.Pinto được tin vội sai nhân viên giao liên đặc biệt đến U-tờ-rết nhận cuốn phim.
Vì Giang cần chuyển nhiều bức điện nên Pinto ra lệnh cho hai chuyên viên điện đài của kháng chiến đến hợp tác thường trực với chàng. Hai người này trở thành nông gia tiếp tế rau và đồ trái cây cho câu lạc bộ sĩ quan khách sạn để tiện gặp Giang. Một trong hai người này là Orion. Theo lệnh Luân đôn. Orion mời Giang đến một trang trại hẻo lánh ở ngoại ô. Tại đó, Giang được tiếp xúc với hai nhân viên của Pinto vừa từ Luân đôn tới.
Họ nhảy dù xuống U-tờ-rết với một điệp vụ đặc biệt. Giang có bổn phận giúp họ. Không quân Đức vừa áp dụng một chiến thuật oanh tạc mới. Hồi đó, các vụ ném bom đêm ở Luân đôn đã giảm cường độ. Đột nhiên phi cơ Đức thả xuống một loại bom kỳ lạ. Loại bom này được gắn theo bộ phận nổ chậm, nếu không ai đụng tới nó sẽ tự động nổ đúng một tuần sau khi rớt xuống đất. Chuyên viên tháo gỡ ngòi nổ đều bị đều bị nổ chết banh xác. Đặc điểm của ngòi nổ là không thể chạm tay. Do đó, loại bom nổ chậm của Đức trở thành mối nguy ngày một gia tăng, đối với sinh mạng người dân Luân đôn, đồng thời cũng làm tinh thần họ bị suy sút trầm trọng 2. Tuy nhiên, vấn đề hóa giải bom nổ chậm có thể được thực hiện nếu các cơ sở quốc phòng đồng minh có ngòi nổ dưới tay để nghiên cứu. Dịp đã đến trên lãnh thổ Hòa lan. Một oanh tạc cơ Đức chở bom nổ chậm qua Luân đôn để thả bị trúng đạn cao xạ phải lết về Hòa lan, đáp xuống một trường bay gần U-tờ-rết. Luân đôn bèn hạ lịnh cho các nhân viên đồng minh phải đánh cắp cho kỳ được những ngòi nổ chưa dùng.
Công tác này chẳng dễ gì. Thứ nhất phải đột nhập vào phi trường được canh phòng cực kỳ cẩn mật. Thứ hai, phải đánh cắp ngòi nổ. Thứ ba, phải mang ngòi nổ an toàn về Luân đôn.
Hai chuyên viên về bom được phái đến U-tờ-rết. Căn cứ vào kinh nghiệm của những toán tháo ngòi nổ đã bị tử thương, họ chỉ nhìn bề dài, bề ngang của thùng đựng, và mã số ghi bên ngoài là biết được ngòi nổ loại nào. Giang Ri-bích sẽ hoạt động chung với họ trong vụ đánh cắp ngòi nổ.
Đêm ấy, Giang thảo luận kế hoạch với hai chuyên viên Anh. Gần sáng, chàng mới về đến khách sạn. Hôm sau, chàng lảng vảng đến gần phi trường để dò xét. Trước đây chàng đã vẽ họa đồ phi trường, và biết rõ hệ thống an ninh. Trong khi ấy, hai chuyên viên Anh ẩn náu trong vựa lúa ở ngoại ô thành phố, xa tầm mắt của mật vụ quốc xã.
Giang kiếm cớ có hẹn với bạn gái để rời khách sạn thật sớm. Chàng hẹn hai chuyên viên Anh tại một con đường nhỏ. Cả hai chui vào trong xe ngựa chở đầy phân bón. Chiếc xe chạy cà rịch cà tàng trên những con đường băng qua cánh đồng vắng vẻ và đầy ổ gà. Rồi đậu trước một giẫy lều tranh bỏ trống, trước kia dùng để chứa rơm rạ trong mùa gặt. Xa xa là hàng rào dây kẽm gai cao ngất bao bọc xung quanh phi trường.
Hai chuyên viên bò khỏi xe, nằm dán mình trên cỏ chờ đợi. Họ kiểm điểm lại giờ giấc trên đồng hồ lân tinh đeo ở cườm tay. Trước mặt họ, trên phi đạo lấp loáng ánh đèn để họ có thể nhìn thấy những oanh tạc cơ đen sì. Tiếng máy nổ rầm rầm. Phi công Đức đang chuẩn bị cất cánh để ném bom Luân đôn. Giang hồi hộp khi nhận ra những chiếc thùng vuông xếp thành hàng dài gần phi đạo. Đó là những thùng đựng ngòi nổ.
Những oanh tạc cơ cuối cùng đã rời sân bay, vụt lên không gian đen sì như mực tàu. Quang cảnh đêm tối hoàn toàn thích hợp với công việc mà Giang được lệnh tiến hành. Im lặng trở lại. Ba người nằm trên cỏ không còn nghe thấy tiếng gì ngoại trừ tiếng côn trùng rỉ rả.
Đột nhiên Giang chồm dậy. Từ xa có tiếng động cơ. Tiếng kêu the thé của oanh tạc cơ đồng minh. Qua ánh sáng lờ mờ, Giang thoáng thấy một phi đội lướt đến ở cao độ thấp. Thấp gần đụng ngọn cây. Rồi... ầm ầm... ầm ầm... mặt đất rung chuyển dữ dội, những trái bom đua nhau rớt xuống mục phiêu, lửa bốc đỏ ối, bùn, cát và cỏ vụn bay tứ tán phủ đầy người Giang, bịt cứng lỗ tai chàng, che kín mắt chàng.
Sau loạt bom miểng đển bom xăng đặc. Đám cháy lan rộng khắp nơi, phi trường sáng rực như ban ngày giữa những tiếng nổ long trời lở đất. Cả ba người lao đầu về phía trước, như lực sĩ thế vận chạy nước rút gần đến mức ăn thua. Cuộc oanh kích làm hàng ngũ phòng vệ của quân đội Đức hỗn loạn. Những bóng đen binh sĩ chạy lăng xăng trên sân bay, in cắt trên nền trời đỏ.
Trong chớp mắt, Giang đến vòng rào phi trường. Chàng thủ sẵn trong tay cặp kềm cắt dây kẽm gai. Hàng rào bị chàng bấm đứt một khoảng rộng, cả ba người lọt vào căn cứ. Họ khom lưng chạy như bay đến nơi đặt các thùng chứa ngòi nổ.
Hai chuyên viên vội vã tìm thùng chứa ngòi nổ chậm. Các đám lửa do bom na-pan gây ra vừa làm hệ thống an ninh của địch rời rạc, lại vừa chiếu đủ sáng hầu các chuyên viên đọc rõ những hàng chữ viết trên vỏ thùng gỗ.
Giang nghe tiếng còi hiệu nhỏ. Một chuyên gia đang loay hoay khiêng đống thùng ở trên đặt xuống đất. Thùng chứa ngòi nổ chậm hiện ra. Giang cúi xuống, lấy hết sức lực, đỡ cái thùng nặng chĩu lên vai. Đôi vai chàng nổi tiếng từ xưa là đôi vai lực sĩ. Tuy vậy chàng cũng cảm thấy toàn thân chùn xuống. Nếu không có tinh thần vêu nước mãnh liệt, và không có hai bạn đồng hành kèm bên thì chàng đã vứt lại. Vì cái thùng quá nặng. Nặng đến nỗi chàng thở không ra hơi, bước đi loạng choạng chỉ muốn ngã...
Nhưng rốt cuộc chàng vẫn ra khỏi trường bay và phóng vùn vụt qua ruộng đến giẫy nhà lều khuất trong bóng đêm mù mịt. Phi đội đồng minh lượn vòng cuối trên sân bay địch, tiếng đại liên réo liên hồi, những chuỗi bom đen sì lại tiếp tục rót xuống.
Giang bới đống phân trên xe ngựa, nhét cái thùng ngòi nổ, và lấp lại như cũ. Chàng đánh ngựa vòng theo một lối khác. Chàng chọn con ngựa khỏe mạnh, thế mà cái thùng ngòi nổ đã làm nó thở phì phò, bọt trắng đầy mũi.
Trước lúc rạng đông, Giang chui xuống hầm khách sạn, con đường chàng đã dùng lần đầu khi từ Luân đôn về quê nhà. Nhà bếp chưa có ai. Nhưng chàng vừa thay quần áo xong thì nhân viên nhà bếp đã lũ lượt tới. Công việc hầu hạ các sĩ quan địch lại bắt đầu, bình thường, đều đặn như những ngày khác đã qua....
Cùng khi ấy, trên con đường đồng quạnh quẽ dưới ánh mặt trời hửng sáng, chiếc xe ngựa ọc ạch chở hai chuyên viên ngòi nổ Anh quốc đang tiếp tục cuộc hành trình. Nếu không gặp trở ngại bất thần, họ có thể trèo lên chiếc phi cơ đồng minh từ Luân đôn hạ cánh xuống bốc họ chập tối hôm ấy.
Trên thực tế, họ đã trở về căn cứ xuất phát an toàn, cả hai đều không ngớt lời ca ngợi Giang với đại tá Pinto. Và sự thành công lớn lao này đã làm Pinto quên bẵng thẩm sát viên Jenkins.
Pinto quên chứ Jenkins không quên. Mấy ngày sau Jenkins lại đến văn phòng, tuy nhiên với vẻ mặt không còn nghiêm trọng như trước. Jenkins nói:
- Chào đại tá, đại tá thắng rồi đấy. Thượng cấp không chấp thuận triệu hồi anh chàng Giang Ri-bích hoạt động dưới quyền đại tá. Nhưng đại tá ơi, đó mới chỉ là khúc dạo đầu. Tương lai còn dài, tôi rất kiên nhẫn. Tôi tin sớm muộn sẽ gặp y.
Đại tá Pinto vẫn mong Jenkins gặp Giang càng muộn càng tốt. Hoặc chẳng bao giờ gặp thì tốt hơn. Vả lại Giang còn bận lút đầu lút cổ. Mal kia, khi quân đội đồng minh đổ bộ lên lục địa để giải phóng Hòa lan, Giang còn bận nhiều nữa, và Jenkins đừng hòng bắt ông triệu hồi Giang.
Hồi đó là đầu năm 1944, và cuộc đổ bộ lịch sử lên miền bắc nước Pháp chỉ diễn ra vào giữa năm. Các cửa biển nước Anh đều nghẹt cứng tàu bè và quân cụ. Binh sĩ Mỹ, Úc, Ấn, Phi và Gia nã đại tấp nập đến Anh. Quân đội đồng minh đến nhiều đến nỗi người ta có cảm tưởng là hòn đảo Anh quốc sửa soạn chìm lỉm xuống biển vì sức nặng bất thường.
Pinto tăng cường liên lạc vô tuyến với Giang và hệ thống tình báo kháng chiến trên lục địa Âu châu...
Đột ngột, Giang Ri-bích biệt tích....
IV.
Thời gian lạnh lùng trôi qua. Giang vẫn biệt tích. Đại tá Pinto bỗng nghĩ là thẩm sát viên Jenkins đoán đúng. Đúng là Giang giết cô gái quán rượu, đến nay đánh hơi thấy cuộc đổ bộ của đồng minh, Giang sợ gặp lại thượng cấp, sợ phải về Luân đôn đối chất nên vù một mạch, thay họ đổi tên để tránh ra tòa. Nhưng dẫu Giang bỏ trốn,chàng cũng đã đền tội phần nào, khỏi cần phải xét xử nữa. Chàng đã thay bộ mặt đẹp trai quyến rũ bằng bộ mặt khủng long, trẻ nít ban đêm nhìn thấy phải khóc thét mà ngất xỉu. Chàng còn tận tụy cho kháng chiến, và hơn một lần chàng đã hy sinh mạng sống trong các điệp vụ hiểm nghèo. Chàng còn sống là do Trời chưa bắt chết, nếu là kẻ khác thì không biết đã chết đến lầnthứ mấy rồi nữa.
Chàng đi đâu? Đại tá Pinto không dám suy luận thêm. Vì ông chợt nghĩ đến một giả thuyết khác. Giả thuyết bị sa lưới địch. Mật vụ Đức không đến nỗi bết bát. Địch đã phá tan tổ chức tình báo đồng minh. Chính Pinto đã mất biết bao tâm cơ mới tái tạo được hệ thống cũ. Giang Ri-bích lại hoạt động táo bạo, mật vụ Đức chờ đến bây giờ mới thộp cổ chàng kể ra cũng hơi muộn..
Pinto gửi một bức điện riêng cho hai cộng sự viên của Giang phụ trách truyền tin ởU-tờ -rết. Họ phúc đáp lại là họ cũng băn khoăn không kém gì ông. Cũng như ông họ hoàn toàn mù tịt. Họ đã đích thân lại khách sạn tìm gặp Giang nhưng không thấy.
Pinto nghĩ rằng ông cậu có thể biết phần nào hành tung của Giang. Nhưng thời gian quá cấp bách, bộ binh đồng minh chuẩn bị đổ bộ vào lục địa đang tập trung đông đảo dọc bờ biển đợi lệnh xuống tàu, Pinto cũng đang chuấn bị tháp tùng tổng hành doanh lực lượng viễn chinh đồng minh. Ông bèn đánh điện lần chót cho hai cộng tác viên của Giang ở U-tờ-rết. Cả hai đều không biết chủ nhân khách sạn là ông cậu của Giang. Pinto ra lệnh cho họ giáp mặt ông cậu. Ngay sáng hôm sau, họ chở rau đậu đến khách sạn.
Ông cậu chỉ lắc đầu một cách buồn bã. Ông chẳng nghe tăm hơi gì hết. Giang ra đi đêm ấy rồi không trở về nữa. Giang không dặn lại và cũng không để lại giấy tờ gì.
Cuộc đổ bộ khổng lồ được tiến hành. Pinto đặt chân lên đất Pháp với những toán quân đầu tiên. Công việc tình báo và phản gián quá bề bộn, ông không còn phút nào rảnh rỗi để nhớ đến Giang, tuy nhiên, hình bóng chàng trai mũi tẹt, miệng méo lại hiện ra trước mắt ông vì lực lượng viễn chinh đã tái chiếm nước Pháp và tiến nhanh lên phía bắc, sắp giải phóng Hòa lan, nơi Giang hoạt động.
Mùa đông 1944, những trận đánh đẫm máu diễn ra, quân đội đồng minh bị chặn lại. Phòng tuyến quốc xã bị chọc thủng đầu năm 1945, và đến tháng tư, U-tờ-rết được hoàn toàn giải phóng. Khách sạn của cậu Giang được trưng dụng làm tổng hành doanh của quân đội Gia nã đại.
Đại tá Pinto ghé qua khách sạn tìm ông cậu. Ông cậu thuật lại câu chuyện từ đầu, nhấn mạnh tới cuộc gặp gỡ khác thường dưới hầm rượu. Thoạt tiên ông không tin người thanh niên xấu xí này là cháu ruột ông. Nhưng sau đó hai người bàn bạc về chuyện gia đinh, và tới khi Giang vén quần cho ông xem xét vết thẹo ở chân, kết quả của tai nạn thời ấu thơ của Giang, ông mới hết hoài nghi.
Ông cậu đoán Giang hoạt động cho kháng chiến, song Giang không giải thích tại sao lại đi đêm luôn và ông cậu cũng không hỏi. Dầu vậy, ông vẫn rất thắc mắc tại sao Giang bỏ đi một mạch, không một lời từ biệt. Ông cậu đoán Giang bị mật vụ quốc xã tóm giữ. Có lần một sĩ quan cao cấp quốc xã hỏi ông cậu "thằng bồi mặt ma đâu rồi?.. ". Kể xong, ông cậu thờ thẫn, nước mắt đầm đìa hai gò răn reo.
Thế rồi chiến tranh chẩm dứt.
Khi ấy đại tá Pinto đang ở thị trấn Hin-vơ-sum (Hilversum-Hòa lan). Ông vừa bắt liên lạc với một đơn vị kháng chiến bí mật đắc lực. Thành tích lỗi lạc của đơn vị này là trong khi hầu hết bị mật vụ địch lừa bắt thì họ vẫn tiếp tục hoạt động. Sau bao phen vào sinh ra tử, họ được tái ngộ với cấp chỉ huy Pinto. Mừng đoàn tụ, họ không quên khui rượu, và đặc biệt là khui két la-ve ngon nhất của Hòa lan mà họ đã cất từ lâu, chờ ngày giải phóng.
Vừa cụng ly liên hoan, họ vừa nhắc nhở đến những ngày, những đêm trốn chui, trốn nhủi, luôn luôn bị địch bám sát. Một thủ lãnh kháng chiến nhìn nhận với Pinto là nội tình kháng chiến bị dao động mạnh mẽ sau khi mật vụ Đức quốc xã thâm nhập vào hàng ngũ và phá rối lung tung. Sự dao động này dẫn đến một số lầm lẫn đáng tiếc. Một điệp viên địch trà trộn vào trong màng lười tình báo kháng chiến Hin-vơ-sum. Hắn bị lột mặt nạ và tẩu thoát được về thị trấn kế cận U-tờ-rết.
Vị thủ lãnh nói tiếp, giọng rầu rầu:
- Chúng tôi bắt buộc phải thộp cổ tên phản quốc, nếu không hắn sẽ bán toàn thể anh em kháng chiến địa phương cho mật vụ địch. Bởi vậy, ngay đêm ấy tôi hạ lệnh giết hắn. Đảm nhận việc hành quyết là một thanh niên lạ không quen mặt tên phản quốc, và tên phản quốc cũng không quen mặt y. Thanh niên này là phần tử tốt, có tinh thần phục vụ và hy sinh cao độ, song còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm. Tôi kêu y đến, miêu tả tướng mạo tên phản quốc rất dễ nhận và dễ nhớ. Hắn vốn là cựu võ sĩ, thượng đài nhiều lần nên mặt bị nhồi nát, mũi gẫy xương lá mía bẹp dí, miệng méo xệch...trông không thương nổi, đàn bà con gái yếu bóng vía gặp ngoài đường ban đêm là có thể la hét, té xỉu...
Đại tá Pinto toát bồ hôi. ông đã khám phá ra sựthật, trời ơi...một sự thật não nề. Ông bèn đỡ lời:
- Rồi sau đó, chàng thanh niên này hăm hở đến U-tờ rết, chạm trán với gã đàn ông mũi bẹp dí, miệng méo xệch, chẳng nói chẳng rằng đẹt luôn mấy phát...
Viên thủ lãnh giật mình:
- Vâng, tại sao đại tá biết?
Pinto thở dài:
- Biết. Tôi biết.
- Vâng, đêm ấy, nhân viên của tôi đã giết lộn người khác. Đáng là cái mũi bẹp dí, miệng méo xệch, nhưng không phải là tên phản quốc chính hiệu.
- Còn tên phản quốc chính hiệu?
- Sau đó, chúng tôi mới thịt được hắn.
Pinto lại thở dài:
- Chiến tranh là thế. Trong bất cứ cuộc chiến nào cũng có sự lầm lẫn. Cũng có người bị giết oan.
Viên thủ lãnh hỏi:
- Đại tá cũng quen người bị giết oan kia ư?
Pinto nín lặng, ông chợt nghĩ đến anh hùng kháng chiến Giang Ri-bích đang nằm dưới đất, da thịt rữa nát. Ông chợt nghĩ đến cô gái điếm đàng cũng đang nằm dưới đất, da thịt rữa nát. Ông chợt nghĩ đến thẩm sát viên tận tụy Jenkins, cố moi móc ánh sáng trong vụ bóp cổ giết người.
Ông tự nhủ là sẽ đến gặp Jenkins sau khi trở về Luân đôn.
1 SOE, viết tắt của chữ Special Operations Executive.
2 Hiện nay, bom gắn ngòi nổ chậm không còn là võ khí tân kỳ như cách đây 30 năm nữa.