Số lần đọc/download: 1818 / 31
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:35 +0700
Nhật Ký Buồn 05
B
ất hạnh liên tục đổ xuống đầu hai anh em chúng tôi như cơn mưa rào bỗng từ đâu ập đến. Vào một ngày nọ, khi vừa đi học về đến nhà, tôi thấy Eun Soo mặt mày tái mét đang ngồi khóc một mình. Tôi định hỏi em tại sao lại ngồi đó mà khóc thì đột nhiên tôi thấy em bắt đầu nôn ói.
“Bố đã cho em uống cái gì đó lạ lắm, làm em cứ buồn nôn liên tục”.
Thực ra lúc nãy khi vừa bước chân vào nhà tôi đã ngửi thấy có một mùi gì đó rất lạ xộc vào mũi. Hóa ra bố đã cho em Eun Soo uống thuốc trừ sâu và đó là mùi của chai thuốc trừ sâu vẫn đang còn mở nắp nằm cạnh đó. “Bố chết đi! Nếu muốn chết thì bố cứ chết đi!” - Tôi đã hét ầm lên như thế. Và không biết có phải do khí phách “ngút trời” của tôi lúc đó hay không mà ông bố lúc nào cũng say rượu của tôi chẳng nói một câu nào mà chỉ quay lại chằm chằm nhìn tôi không chớp mắt. Thực sự lúc đó tôi đã rất lấy làm ngạc nhiên vì hôm nay ông ấy không hề có ý định chạy đến đánh tôi như mọi lần. Ông ấy chỉ sòng sọc nhìn tôi bằng hai con mắt đỏ au, mà kì lạ là hai con mắt đó lại như đang chế giễu khiêu khích tôi vậy. Lúc thì giống như ông ấy đang muốn tươi cười vui vẻ với tôi, lúc thì giống như ông ấy đang phải chịu đựng một cái gì đó đau đớn khủng khiếp lắm. Mà chẳng biết lúc nào ông ấy sẽ thay đổi tâm trạng cũng như lại đuổi đánh anh em chúng tôi, nên tôi vội nắm lấy tay Eun Soo và bỏ chạy. Chúng tôi trốn vào một cái chuồng gia súc bỏ hoang ở gần lối vào cổng làng và ở đó suốt đêm. Sáng hôm sau ngay khi chúng tôi vừa quay trở về nhà thì được tin người mà tôi vẫn gọi là bố ấy, đã chết cứng đờ từ lúc nào. Và chai thuốc trừ sâu mà ông ấy đã uống cũng nằm lăn lóc bên cạnh.
5.
Đêm hôm đó, sau khi từ trại giam trở về, nói thế nào nhỉ vì thực sự là đêm hôm đó tôi đã không tài nào chợp mắt được. Tôi đã gặp anh ta ở trong một căn phòng bé tí tẹo như thế cũng như đã nhìn thấy hết bộ dạng bi thảm của anh. Rồi sau khi anh rời đi, tôi đã đưa cô ra ga tàu điện ngầm và sau đó quyết định rẽ vào trung tâm thành phố mua sắm mấy thứ cần thiết dùng cho lễ Giáng sinh năm nay. Lúc lái ô tô vào bãi đỗ xe của cửa hàng bách hóa, tự dưng tôi nghĩ đến hình ảnh đôi tay bị còng của anh ta - hình ảnh ấy xuất hiện một cách đột ngột giống như kiểu tôi đã uống một thứ thuốc gì đó vào buổi sáng nhưng đến tận tối nó mới phát huy tác dụng. Bãi đỗ xe có vẻ hơi lành lạnh nên theo phản xạ tự nhiên tôi vội lục tìm đôi găng tay ở trong cái túi đang đeo trên vai. Tôi lại nghĩ đến khuôn mặt của anh ta với đôi tai đỏ sẫm do bị lạnh, rồi cả những vết lằn đỏ nơi cổ tay do đeo còng quá lâu, cả đôi môi khô nứt nẻ mà mỗi khi anh định mở miệng ra nói gì đó thì anh đã phải cố mím môi lại mới nói được. Khi anh nói bản thân mình không còn ý chí và cũng chẳng có hi vọng sống gì nữa, thì hông hiểu sao đến cả sự bất an trong giọng nói của anh cũng đem đến cho tôi một cảm giác gì đó hết sức gần gũi. Chính xác là những câu nói kiểu ấy hình như từ lâu đã vô cùng trở nên quen thuộc đối với tôi. Vì sao à? Vì đó chính là những câu nói mà tôi đã từng nói với tất cả mọi người trong gia đình mình. Chính tôi đã hét ầm ĩ vào tai tất cả bọn họ mấy câu tương tự như: Mặc tôi, mặc kệ tôi, cứ để yên cho tôi chết đi.
Cửa hàng bách hóa hôm nay đông nghịt người. Già trẻ trai gái với đủ mọi lứa tuổi tầng lớp, trên tay ai ai cũng nặng trĩu những gói hàng, và họ như đang vội vã chất những món đồ mình vừa mua được lên xe để còn nhanh chóng ra về. Đúng là Giáng sinh đang đến rất gần. “Khi con tự căm ghét chính bản thân mình thì Chúa sẽ đến bên con. Chúa sẽ bảo con hãy yêu thương chính bản thân mình, sẽ cho con biết con là người được quý trọng như thế nào...” Tôi nhớ lại những câu nói nghe như năn nỉ của cô Mônica. Tôi nuốt ực một ngụm nước bọt trong miệng. Dường như tôi không muốn công nhận rằng đối tượng phải nghe câu nói đó không phải chỉ có một mình anh ta. Nếu lúc này cô có mặt ở đây - ở trong cái khu bách hóa này, không chừng cô sẽ bảo: “Không phải Chúa đến đây để bảo cháu đi tiêu tiền cũng như đi mua sắm như thế này đâu nhá”. Tự dưng tôi nghĩ đến việc ngày bé tôi đã chăm chỉ đi nhà thờ. Lúc đó tôi là một cô bé vô cùng ngoan hiền và dịu dàng. Tôi mặc cái váy có những dải ruy băng mà mẹ mua cho, tôi chăm chỉ lễ phép làm tất cả mọi việc lặt vặt mà các thầy cô sai bảo, và tôi cũng chẳng bỏ bất kỳ một buổi học nào ở trường. Tôi đọc thuộc làu làu sách Kinh Thánh rồi còn được cử đi thi đại hội giáo lý và nhận cả giải thưởng nữa. Nhưng rồi cái ngày ấy đã đến... Sau cái ngày ấy, ánh thái dương chiếu rọi cuộc sống của tôi hình như đã lặn đi đâu mất, những sắc màu lung linh chói chang đẹp đẽ xung quanh nó cũng không còn nữa. Dù là buổi sáng hay buổi tối, ban ngày hay ban đêm với tôi lúc nào cũng chỉ là sự u tối. Nhưng có một điều tự tôi cũng lấy làm lạ, đó là tại sao sau khi đi gặp anh ta ở trại giam về và rồi ở trong cái bãi đậu xe của khu bách hóa tổng hợp rực rỡ ánh đèn này, tôi lại nhớ đến cái ngày đen tối đó. Dù sau cái ngày ấy tôi cũng đã đỗ đại học (dẫu không phải là đỗ vào một trường đại học danh tiếng), rồi thậm chí tiếp đó tôi còn tham gia thi hát ở đại hội ca nhạc toàn quốc và đoạt giải cũng như tôi đã được đi khắp cả nước để hát và biểu diễn. Tôi đã vô tư sang Pháp du học với tâm lý thoải mái chẳng phải lo một đồng tiền học nào, rồi tôi trở về nước và nghiễm nhiên trở thành giảng viên giảng dạy tại một trường đại học. Tôi có tư cách để trở thành giáo viên đi dạy người khác hay không? Thực ra bí mật ấy chỉ có tôi và mọi người trong gia đình tôi biết, nhưng nói thẳng ra, bây giờ ngoại trừ việc tôi hơi nhiều tuổi thì dù có ai nói rằng tất cả những danh vị mà tôi có được đều là giả dối đi chăng nữa, tôi vẫn là một người có đầy đủ mọi điều kiện mà nhiều người đàn ông mơ ước muốn cưới làm vợ. Vâng, tối thiểu trong mắt người khác tôi cũng là một người như vậy đấy. Đúng là lừa được họ thật chẳng khó khăn gì!
Tôi lái xe và bắt đầu đi xuống đường. Con đường chật cứng toàn xe là xe. Những ánh đèn Noel lấp lánh hai bên đường làm cho tôi có cảm giác đó như là những bông hoa có ánh vàng đang nở trên những cành cây đã rụng hết lá. Sau bảy năm ở Pháp trở về, tôi thấy Hàn Quốc thay đổi nhiều quá. Có vẻ như càng ngày càng rực rỡ hơn, giàu có hơn và đông đúc chật chội hơn.
Vừa về đến nhà, tôi lập tức mở máy vi tính lên và kiểm tra tên tuổi cũng như những thông tin liên quan đến anh ta trên mạng. “Jeong Yoon Soo” - vừa đánh tên anh ta vào phần tìm kiếm là lập tức một loạt các bài báo hiện ra trước mắt tôi. Xem kỹ ngày tháng trên các bài báo đó, tôi nhận thấy đó là khoảng một năm sáu tháng về trước - lúc tôi vẫn đang còn ở Paris. Anh ta là thủ phạm giết hại cả hai mẹ con sống ở phường Imun-dong. Vụ việc đó được tóm lược thế này: Anh ta và đồng bọn đã giết hại một người phụ nữ họ Park mà trước đó từng có quen biết, không chỉ dừng lại ở đó chúng còn cưỡng đoạt và giết hại cả cô con gái mới có mười bảy tuổi của bà ta, cũng như giết luôn cả người giúp việc lúc ấy vừa mới đi chợ về.
“Cưỡng hiếp rồi giết hại một cô gái mới có mười bảy tuổi” - Tôi nín thở khi đọc đến câu ấy. Tự nhiên tôi cảm thấy trong miệng mình có vị gì đó tanh tanh giống như là lợi tôi đang bị chảy máu. Sau này trong vòng một tháng liên tục tôi phải đi cùng cô đến thăm con người ấy sao? Tôi cảm thấy như tôi đã xúc phạm bản thân mình, khi tôi đem so sánh anh ta giống tôi ở cái điểm lúc nào cũng thích la hét ầm ĩ rồi bảo với mọi người xung quanh là cứ để yên cho mình chết đi. Tự dưng tôi muốn hét lên thật to, rằng: Với những tội phạm đang muốn chết như anh ta, tại sao chính phủ Đại Hàn dân quốc này lại không ra lệnh xử tử cho chết ngay đi. Cho anh ta sống đến tận bây giờ mà anh ta không biết cảm ơn thì chớ, lại còn cao giọng bảo là cứ cho mình được chết nhanh đi. Thế mà tôi lại phải đi tìm gặp loại người rác rưởi ấy. Tự dưng tôi nghĩ có lẽ mình nên đi chữa trị thần kinh ở bệnh viện, còn hơn là đi gặp loại người ấy. Nghĩ đến đây tôi thấy ác cảm với những việc cô Mônica đã làm cho anh ta. Như việc cô mang quần áo ấm cho anh ta, hay mua bánh đem đến cho anh ta ăn rồi lại còn nỉ non “con là một người vô cùng ấm áp” hay “dù con có tội gì đi nữa thì đó cũng không phải là bản chất con người của con”. Tôi đứng dậy đi vào bếp và rót một cốc Whisky thật lớn rồi uống cạn một hơi. Lồng ngực tôi bấy giờ có vẻ như đã bớt khó chịu đi đôi chút. Nhưng không hiểu sao có một cái gì đó lại kéo tôi đến ngồi trước máy vi tính. Cưỡng hiếp một cô gái mới có mười bảy tuổi... Tôi lẩm nhẩm đi lẩm nhẩm lại cái câu ấy. Cứ như là tiếng kêu cứu của cô gái ấy đang vang vọng vào tai tôi vậy. Và tôi cảm nhận được cả sự sợ hãi cũng như nỗi ô nhục của cô gái ấy rõ mồn một giống như là tôi đang được xem một bộ phim truyền hình trực tiếp.
“Tiếp đó anh ta và đồng bọn đã ăn trộm hết tiền và số nữ trang có giá trị của người bị hại rồi trốn chạy khỏi sự truy đuổi của cảnh sát. Một kẻ trong nhóm đã ra đầu thú còn anh ta thì chạy vào một nhà dân gần đó và bắt một người khác làm con tin. Khi cảnh sát nổ súng, họ đã bắn trúng vào một chân của anh ta”. Một bài báo khác đã đăng nội dung như thế.
Vụ giết người càng đọc càng thấy dã man ác độc, vì tiền mà sát hại đến cả người vẫn thường giúp đỡ mình thường ngày, lại còn cưỡng hiếp rồi giết chết một cô gái mới có mười bảy tuổi, đến cả người giúp việc nghèo vô tội mà anh ta cũng không tha. “Jeong Yoon Soo - kẻ giết người máu lạnh chưa từng một lần ăn năn hối lỗi về những việc mình đã làm” - có cả một bài tường thuật dài và tường tận về vụ giết người đó, cũng như có nguyên một trang báo xã hội chỉ dành để nói về sự kiện có thể gọi là chấn động cả nước này... Tôi lướt nhanh chuột qua một loạt các bài báo đó.
Tôi đọc một bài báo có đăng kèm bức ảnh chụp lúc anh ta bắt một người dân vô tội làm con tin. Đó là bức ảnh anh ta đang dùng cánh tay ghì chặt lấy cổ một người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi và trông có vẻ giàu có. Lúc nhìn thoáng qua, tôi thấy các đường nét trên khuôn mặt anh ta trông vẫn thế nhưng khi quan sát kỹ tôi đã phát hiện ra một số điểm hơi khang khác. Trong ảnh anh ta không đeo cái kính có gọng đen giống như hôm tôi gặp, tóc anh ta lúc đó cũng cắt ngắn hơn bây giờ. Khi cảnh sát thương lượng với anh ta về việc trao trả con tin, họ đã cử một nhà sư thường hay qua lại thăm hỏi các tù nhân trong trại giam đến nói chuyện và khuyên giải anh ta. Có một đoạn phỏng vấn nhà sư đó ở một trang báo khác cũng được đăng tải đầy đủ và chi tiết.
“Tôi định tiến lại gần anh ta và nói với anh ta tôi là nhà sư Pháp Luân. Tôi đã hỏi anh ta là người phụ nữ ấy có tội tình gì? Nếu muốn giết thì hãy giết tôi đây này và hãy thả người phụ nữ ấy ra. Lúc đó anh ta bảo tôi là nếu thích thì cứ vào đây, anh ta còn hỏi tôi là ai, là cái gì mà dám cao giọng nói với anh ta như thế! Khi tôi nói tôi nhà sư Pháp Luân thì anh ta bảo: “À, hôm nay tao đã gặp đúng người cần gặp rồi đây. Nhà sư, linh mục, và cả Đức Cha... vì chúng mày mà tao thành ra như thế này đây. Vào đây, nếu mày cũng muốn chết thì cứ thử vào đây! Tao giết luôn cả mày rồi cùng chết luôn thể!” Thực sự lúc nghe anh ta nói những câu ấy tôi thấy đau lòng lắm, thậm chí tôi suýt rơi nước mắt nữa. Tôi cũng đã định đi tới chỗ anh ta nhưng cảnh sát đã ngăn tôi lại”.
Mới cách đây có mấy phút chính tôi đã cho rằng anh ta chỉ là loại rác rưởi bỏ đi, thế mà bây giờ khi đọc đến mấy câu nói ấy, tôi lại thấy thích thú đến nỗi tự cười một mình. Chai Whisky để bên cạnh đã cạn hơn nửa. Dù anh ta có là loại rác rưởi bỏ đi nhưng rõ ràng mấy câu nói của anh ta đã làm cho tôi cảm thấy hả hê sung sướng lắm. Tôi như muốn nói to cho anh ta biết là tôi cũng có suy nghĩ giống y hệt anh đấy. Trên đời này cái điều mà có đến chết tôi cũng không bao giờ có thể tha thứ được, đó là việc mọi người trong gia đình tôi lúc nào cũng giả vờ làm ngơ cũng như bàng quan không biết đến dù chỉ là một phần triệu nỗi thống khổ của tôi. Mẹ tôi lúc nào cũng nói dối mọi người xung quanh rằng: “Chắc con bé lại mơ phải ác mộng ấy mà”. Còn bố tôi và các anh trai tôi thì lúc nào cũng không chịu hiểu thêm dù chỉ là một chút xíu thôi về tôi. Cả Đức Cha và các bà Sơ - những người mà cứ lúc nào nghe tôi thú tội hoặc tâm sự về nỗi thống khổ mà mình đã từng phải trải qua, họ đều khuyên tôi rằng hãy-tha-thứ... Rồi cả những vị thần, những vị thánh nữa, họ cũng đã luôn ngoảnh mặt làm ngơ trước những lời cầu nguyện chân thành của tôi. Nói cách khác là “nhờ” có tất cả bọn họ mà tôi lúc nào cũng phải dối lòng mình, thậm chí phải cố tha thứ cho những kẻ mà không bao giờ tôi muốn tha thứ. Lúc ấy chỉ có duy nhất một người đã không nói với tôi bất kỳ một câu nào, người đó chính là cô Mônica. Tôi nhấn chuột tiếp vào một bài báo khác. Sau khi bị bắt và bị áp giải đến bệnh viện để kiểm tra tâm thần, anh ta đã trả lời những câu hỏi của các nhà báo như sau:
“Tao hận là tao đã không thể giết thêm được vài kẻ nữa. Những kẻ chỉ biết ngồi chơi mà lại được ăn sung mặc sướng kia, tao hận là tao đã không thể giết thêm được bọn mày”.
Các nhà báo nói rằng chính những kẻ lắm tiền nhiều của nhưng lại chỉ thích ăn chơi trác táng tiêu tiền một cách hoang phí, rồi cả sự phân biệt đối xử giàu nghèo trong xã hội chúng ta nữa, chính là nguyên nhân dẫn đến hành động giết người dã man ấy của anh ta. Nhưng một số nhà phê bình khác lại nói sự đố kỵ ghen ghét cũng như lối sống lệch lạc của một bộ phận thanh thiếu niên lêu lổng như anh ta, mới là nguyên nhân sâu xa. Tuy nhiên, công nhận việc anh ta dám cả gan nói thẳng rằng anh ta chỉ hận là không thể giết chết thêm được vài kẻ lắm tiền nhiều của nữa thì sự liều lĩnh không ai bằng đó của anh ta cũng đáng làm cho tất cả mọi người có mặt ở đó lúc ấy bị sốc nặng. Những nhà chuyên môn hay những học giả chuyên nghiên cứu về các vấn đề xã hội bình luận rằng, việc anh phải nhận phán xét của toà án cho mức án cao nhất là tử hình, chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả những kẻ phạm tội mất hết lương tri. Tôi rót hết số rượu Whisky còn lại trong chai vào cốc. Và tôi tưởng tượng rằng anh ta đang cầm dao uy hiếp tôi. Anh ta định giết tôi, định cưỡng hiếp tôi cũng như bắt tôi làm con tin - một cảm giác hơi rờn rợn vừa lướt qua những ngón tay đang nắm chặt lấy cốc rượu của tôi. Nhưng không, có lẽ tôi sẽ cướp ngay con dao trên tay anh ta rồi quay lại giết chết anh ta cũng nên. Sau cái ngày đen tối ấy tôi cứ tưởng là mình sẽ không bao giờ nghĩ đến những tình huống kiểu như thế này nữa nhưng hóa ra là không phải, và hóa ra đến giờ tôi mới ngộ ra rằng thực ra lúc nào tôi cũng nghĩ đến nó... Thế nên nói theo cách của những người có chút hiểu biết về các vấn đề xã hội và pháp luật thì, tôi sẽ cướp con dao từ tay anh ta, và sau đó... mà khoan đã, nếu bây giờ tôi giết người thì đương nhiên tôi sẽ phải nhận phán quyết của tòa án và phải đối mặt với án tử hình, thế nên tốt nhất là tôi không nên giết người làm gì - chắc hẳn trong đầu tôi sẽ có những suy nghĩ đại loại như thế. Chắc chắn là bằng một cách thức nào đó, tôi sẽ cướp lấy con dao từ tay anh ta và quay lại giết chết anh ta. Tôi thề rằng tôi sẽ giết chết con người đó bằng cách mà tôi cho là tàn nhẫn và đau đớn nhất. Tôi của ngày xưa chắc chắn là không có gan to như thế nhưng tôi của ngày nay bất kỳ việc gì cũng dám làm. Tại sao à, vì tôi của ngày xưa là một con bé ngây thơ ngốc nghếch chẳng biết gì, nhưng tôi của bây giờ thì khác. Với tôi, bây giờ việc giết chết một người cũng chẳng có gì gọi là to tát cả.
Có tiếng chuông điện thoại reo. Là cô Mônica. Cô hỏi tôi đã về đến nhà chưa và bảo tôi là sáng mai lại đi cùng cô đến chỗ trại giam ấy. Tôi lặng yên không trả lời. Tôi định hỏi ngược lại cô là có nhất thiết phải đi gặp kẻ đã cưỡng hiếp rồi giết hại một cô bé mới có mười bảy tuổi như thế không. À, hay là cô không biết anh ta đã mắc tội gì nhỉ.
“Yoo Jeong à, cháu hãy hứa với cô một điều”. “Lại gì nữa đây?”
Tôi hỏi ngược lại cô với một thái độ khó chịu. Tôi uống cạn ly rượu, không biết có phải do uống quá vội hay không mà hơi rượu xộc thẳng lên mũi và suýt làm cho tôi bị nấc. Nếu đầu dây bên kia không phải là cô Mônica thì chắc tôi đã giận dữ mà thét lên rằng: “Ờ, thích thì cô cứ một mình trở thành thánh nữ đi, một mình đi lên thiên đường đi”, hay chí ít tôi sẽ có những câu nói hoặc một vài hành động mất tự chủ khác.
“Cháu đang uống rượu đấy à?”. Cô hỏi. “Đâu có”. Tôi đáp.
“Ừ... tốt. Cháu đã hứa là trong vòng một tháng sẽ cùng cô đi đến nơi đó rồi đấy nhé, nên nếu cháu có muốn chết thì cũng đừng chết vào khoảng thời gian ấy. Cháu hãy hứa đi. Cô đã phải khó khăn lắm mới nhờ được cậu của cháu. Cháu hãy vì cô một lần được không?”
Tôi muốn nói là tôi không muốn cũng như không thể đi cùng với cô đến chỗ đó nữa. Và rằng dù sao thì việc đi đến khoa thần kinh của bệnh viện điều trị và nghỉ dưỡng theo lời của cậu vẫn còn tốt hơn là đi đến cái trại giam quái quỷ đó. Thế nhưng... trong lời nói của cô hình như lúc nào cũng có một cái gì đó rất sâu sắc, rất chân thật cứ như là nó được xuất phát từ đáy lòng cô vậy. Chính xác là những câu nói của cô như có một cái gì đó làm cho tôi trở nên thánh thiện hơn, đẹp đẽ hơn, và đó có lẽ cũng là tình yêu mà cô dành cho tôi chăng. Nếu đó không phải là tình yêu thì nó là cái gì nhỉ, chẳng lẽ nó lại là nỗi lòng à không, là nỗi buồn của cô - người đã từng ôm tôi mà khóc chăng? Vì nỗi buồn khi không chứa đựng sự giả dối thì lúc nào nó cũng chân thật, cũng thiêng liêng và huyền bí. Nó vừa là điều riêng tư của một cá nhân nhưng nó cũng vừa là chìa khóa vạn năng mở được mọi cánh cửa tâm hồn của người khác. Tôi có cảm giác vì tôi mà cô đã phải cầu nguyện rất nhiều. Có lẽ cô lo tôi lại tự tử chăng, à không, có lẽ cô lo tôi sẽ lại muốn tìm đến cái chết chăng. Mấy ngày gần đây, hôm nào cô cũng gọi điện thoại đều đặn vào tất cả các buổi sáng và buổi tối cho tôi. Nhưng chính lúc tôi biết rằng đang có một ai đó luôn chân thành cầu nguyện mong cho tôi có mặt trên thế gian này, cũng là lúc trong lòng tôi trào dâng lên một nỗi đau khó tả. Nó đau đớn nhức nhối như kiểu người ta đang xát rất nhiều muối vào lưng mấy con cá trước khi nó sắp bị thối. Việc tôi vẫn còn lưu luyến và chưa thể rời bỏ thế gian này cũng như những hành động tự sát thất bại gần đây của tôi, nói chính xác hơn thì lý do mà tôi chưa thể dùng đến phương pháp gây chết người nhanh nhất trong tất cả các phương pháp tự sát mà tôi từng biết đó là gieo mình từ căn hộ tầng thứ mười lăm xuống đất, có lẽ là do tôi nghĩ đến cô. Điều này tôi chưa từng nói hay tâm sự với bất cứ ai nhưng tôi biết vì cô mà tôi không tự tử theo cái cách đó. Tôi định bắt bẻ cô thêm mấy câu nữa nhưng lại không thể nói được vì tôi đang phải cố nín thở để khỏi bị nấc. Mãi một lúc sau tôi mới nói tiếp được.
“Được rồi... cháu hứa, dù có muốn chết thì trước khi chết cháu cũng sẽ thực hiện xong lời hứa với cô. Được chưa?”
“Ừ, được rồi, từng tháng rồi lại từng tháng trôi qua... và cuối cùng tất cả chúng ta ai ai cũng sẽ chết, cô cũng chết, cháu cũng chết...”
Tôi chẳng muốn nói gì thêm nữa. Đến giờ tôi mới để ý là tôi chưa từng một lần nào nghĩ đến việc cô tôi sẽ chết. Nếu cô chết thì... mà cô cũng hơn bảy mươi tuổi rồi, tôi đúng là có vấn đề khi chưa bao giờ nghĩ đến việc đó. Nhưng chắc chắn một điều là tôi sẽ không thể chịu đựng được nếu như cô tôi chết. Cô mà biến mất thì có khác gì người duy nhất mong tôi có mặt trên thế gian này cũng biến mất. Nói cách khác thì hy vọng cuối cùng - cái điều duy nhất níu giữ tôi lại trên thế gian này cũng tan biến. Cô mà chết cũng có nghĩa là cái lý do đang níu giữ để tôi không nhảy từ tầng mười lăm xuống đất cũng sẽ biến mất. Chính cô là người đầu tiên chạy lại ôm tôi vào lòng, rồi vỗ về an ủi tôi khi tôi tự sát lần đầu tiên hồi tôi học cấp ba. “Ôi đứa cháu gái tội nghiệp này, đứa cháu đáng thương này”. Cô đã vừa khóc vừa ôm tôi vào lòng và nói như thế. Tuy nhiên, nghĩ thì nghĩ thế thôi chứ thực tế nếu có nhìn thấy cô chết thật có lẽ chưa chắc tôi đã khóc nổi.
“Hãy cầu nguyện cho cháu... để cháu không còn muốn chết nữa đi cô”.
Tôi nói.
“Ừ, lúc nào cô cũng cầu nguyện cho cháu. Vào các buổi sáng và cả buổi tối nữa. Cô cũng già rồi, Yoo Jeong à, thế nên cháu đừng có làm cho trái tim cô phải đau thêm một lần nữa, được không cháu? Bây giờ cháu cũng đừng tha thứ cho ai nữa. Đừng vì ai hay vì cái gì, cháu hãy vì chính bản thân cháu mà làm như vậy đi”.
Đây là lần đầu tiên cô Mônica nói đến từ “tha thứ”. Và hình như cô cũng cảm nhận được là tôi đang căng thẳng nên cô có vẻ do dự một lúc rồi mới nói tiếp.
“Cháu đừng lấy sự việc đen tối của ngày xưa ra làm chủ đề chính cho câu chuyện của cuộc đời cháu nữa. Cháu hãy vất bỏ hết những chuyện u uất của ngày xưa đi, vất hết những chuyện không vui đang chiếm giữ trái tim cháu đi. Nghe cô, cháu hãy mạnh mẽ lên, hãy vất bỏ nó đi. Mười lăm năm đã qua rồi cháu ạ và tất cả mọi việc đang diễn ra bây giờ đều thuộc về trách nhiệm của bản thân cháu. Vì cháu cũng đã ba mươi tuổi rồi còn gì...”
Cô tôi nói cái câu “vì cháu cũng đã ba mươi tuổi rồi còn gì” nghe cứ như là đang nói với một đứa cháu gái mới có mười lăm tuổi. Tôi chỉ lặng yên lắng nghe mà không nói một câu nào.
Những người chưa từng ăn bánh mì trong nỗi buồn,
Những người chưa từng thức thâu đêm và khát vọng về một ngày mai đến mức rơi nước mắt.
Những người đó - họ sẽ không bao giờ biết được cái gọi là sức mạnh vĩ đại!
Johann Wolfgang Goethe