Số lần đọc/download: 2425 / 30
Cập nhật: 2015-01-22 11:20:21 +0700
Chương 6 - Chúng Tôi Mở Các Gói Đồ Đạc
Ông hàng xóm tặng tôi mấy bộ cánh cửa là người chơi đẹp! Ông ta đến cùng với vợ, mang theo thùng sâm banh, không phải sâm banh “Dorato” {Loại sâm banh màu hồng, 9-10% độ cồn}, mà là loại sâm banh thực sự, sâm banh ra sâm banh. Đời tôi chưa uống thứ này bao giờ.
Tôi cùng Tosia đốt lò sưởi. Ula tới – vì chỉ có cô ấy đóng gói đồ đạc giúp tôi nên biết cái gì ở đâu. Ngày mai Manka sẽ chở con Borys đến! Tôi có một khu vườn xinh xắn – nghĩa là một mảnh đất đẹp. Sắp sang xuân rồi! Tôi sẽ ăn kiêng, cai thuốc lá, tôi sẽ trồng những loại cây nhà Ula trồng! Chúng tôi sẽ mở sâm banh – lạnh và ngon tuyệt!
Chúng tôi mở các gói đồ đạc. Trong gói đầu tiên có cuốn từ điển. Cuốn bị dính bã chè ở giữa. Ula đã gói cả sách của anh ta? Tôi mở cái gói, miệng đắng ngăn ngắt. Những vết thâm nâu. Bã chè dính chặt. Đầu sách có lời đề tặng: “Tặng cháu Judyta vì đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Em và Lenin”, khỉ thật, đây là cuốn sách của tôi từ thời thơ ấu xã hội chủ nghĩa – bã chè bẩn dính trong cuốn sách của tôi, tôi ghét con chó!
o O o
Nửa đêm tôi thức dậy, cho thêm củi vào lò sưởi. Tôi tìm túi ngủ và cái chăn bông thứ hai. Tôi mặc bộ thể thao ra ngoài pijama. Lạy Chúa, không, đừng có giống như cái lối của cô ả Jola! Phải hoàn toàn khác cơ!
Kể từ mai tôi sẽ cai thuốc!
o O o
Quả là tôi mừng hết chỗ nói! Tôi mừng, nhưng hơi buồn. Tosia đang ở trường, tôi thử cắm máy tính, nhưng không biết cắm mấy cái phích điện cách nào. Tôi không thể làm việc được. Sẽ không có ai yêu cầu tôi để cho yên. Ô tô không nổ máy được. Thay vào đó tôi hút thuốc. Tôi không có một chút ý chí nào chứ đừng nói gì đến ý chí mạnh mẽ. Tôi không có điện thoại. Tôi cực kỳ cô đơn và nơi nào cũng xa. Không khép được cửa chính. Vì gỗ vênh. Đêm tôi phải chặn cái cào dưới ổ khóa. Thợ sửa cửa lẽ ra đã phải đến, nhưng không thấy đến. Đã biết trước mà, một gã đàn ông.
Ngày mai tôi phải có mặt ở tòa soạn. Nhưng con Borys sẽ về, nó sẽ canh nhà. Tôi không thể gọi điện cho cả bố lẫn mẹ. Cũng may nhà Ula ở ngay bên kia hàng rào.
o O o
Tối Manka đến, con Borys như phát cuồng, ngay lập tức phát hiện thấy lỗ thủng dưới cửa, nó chạy ra ngoài. Tôi tóm được nó gần đường xe lửa. Thiếu chút nữa tôi gãy chân vì cái hố bên đường ray. Liệu ý tưởng làm nhà ở đây có phải là hay không nhỉ?
Manka mang đến cho tôi một cái hộp buộc nơ đỏ – quà tặng tân gia. Tôi hỏi, có ăn được không – trong nhà chẳng còn gì, vì cái xe phải gió có nổ máy được đâu. Đúng là chẳng phải ý tưởng hay khi dựng nhà ở đây. Nhưng sẽ không ai biết chuyện này đâu. Tôi sẽ tự lo liệu được. Tôi mở chiếc hộp – bên trong có một con mèo! Mèo sống! bé độ bằng nửa bàn tay tôi! Đúng, mình chỉ còn thiếu mỗi con mèo! Tosia rồi sẽ mừng phát điên lên cho mà xem.
Con mèo con lập tức lao vào bếp, tè ra sàn. Và kêu! Con Borys theo vào và liếm lông nó. Tosia đi học về, mừng lắm! Con mèo con dễ thương, tuyệt vời!
o O o
Con mèo Mietek quá sướng. Sau vài ngày được chăm sóc nó lớn nhanh như thổi. Tosia cho nó uống sữa bằng xi lanh, mặc dù nó đã có thể tự ăn thức ăn trong hộp. Một con mèo tam thể tuyệt đẹp. Ula giúp tôi mở hết các gói đồ. Tuyệt vời. Trần nhà của tôi bằng gỗ. Tôi cảm thấy đang ở nhà rồi. Đây là ý tưởng hay nhất của đời tôi. Con Mietek bám riết con Borys. Chúng đuổi nhau khắp nhà. Mietek trốn dưới gầm cái tủ đựng bát đĩa, cốc chén trong bếp và bị mắc kẹt trong đó. Con Borys ở dưới đất nhảy tót lên ghế bành. Không thể lôi con Mietek ra được, tôi phải gọi Krzys và Ula giúp sức. Khi chúng tôi đẩy tủ, sáu cái cả đĩa lẫn cốc rơi xuống. Vỡ bốn. Có lẽ là điềm lành.
Chúng tôi uống cạn chai sâm banh tiếp theo. Buổi tối, Agnieszka đến. Cô em đã giải quyết xong vụ điện thoại – họ sẽ kéo cho tôi một đường dây đặc biệt! Tôi sẽ có điện thoại của riêng mình và có thể buôn chuyện hàng giờ đồng hồ với tất cả mọi người ở xa. Tất nhiên bố mẹ tôi sẽ gọi điện khuyên bảo tôi. Tôi sẽ không cảm thấy mình quá cô đơn! Lạy Chúa, con đang tận mắt thấy Ngài vứt bỏ cái xác suất đáng buồn của con!
o O o
Tôi chống cái cào bên dưới ổ khóa rồi đến tòa soạn. Đường không đến nỗi xa, chưa tới một tiếng đồng hồ. Đi xe lửa nội đô rất thoải mái. Có thể đọc sách báo. Rồi tôi khắc quen thôi.
Tại tòa soạn, ông tổng biên tập nói chuyện với tôi. Tay phe phẩy cuốn Playboy, ông hỏi tôi đã biết hay chưa, có một cái âm hạch to gấp hai lần rưỡi bình thường. Tôi không biết. Tôi hỏi, của cái gì. Nếu là của cái mà tôi đang liên tưởng trong đầu thì không có gì là lạ khi có rất ít cặp vợ chồng thành công – xét về con số thống kê.
Nhưng ông ta có nghe tôi đâu, lao bổ vào phòng làm việc. Tôi hy vọng ông ta sẽ không nghĩ đến chuyện duyệt qua đống thư. Tôi hy vọng ông ta sẽ bận bịu với cái âm hạch trời cho kia.
Tôi cầm tệp thư bạn đọc của tôi, tôi đi mua hàng, tôi lên xe lửa nội đô. Tôi ghé qua nhà Manka lấy cái đĩa của con Borys, vì cô ấy quên mang đến. Xe lửa đông nghẹt. Tôi đứng. Khỉ thật, hóa ra chẳng phải là gần. Thế nhưng tôi tự nhủ, đây là phương tiện giao thông tôi thích. Trước mắt tôi là một tấm biển khiến tôi thấy vui vui, viết đại loại thế này: “Hành khách không có vé sẽ bị phạt. Hành khách không có vé chuyển tàu xem như không có vé có giá trị.” Bảng quy định của Ban giám đốc Tổng cục Đường sắt cũng làm tôi vui thích, viết rằng: chuyên chở vật liệu dễ cháy nổ và có mùi hôi thối sẽ bị phạt.
Tới ga thứ hai, có hai gã thuộc số đối tượng nêu đích danh trong hàng chữ trên lên tàu. Tôi thấy bình tâm, ngành đường sắt chỉ dọa tôi thôi. Thực ra chúng tự chuyên chở mình thì đúng hơn. Hai gã say bước khật khưỡng, mồm phun ra toàn những chuyện sex siếc. Hai gã hôi thối và dễ cháy cũng đi trót lọt một ga, tới cửa hàng bán rượu gần nhất đang mở cửa, tuy nhiên cũng kịp kể cho nhau nghe xong một câu chuyện về những người tôi không quen biết, nói rất to và rõ. Cuộc nói chuyện ngắn gọn:
- Ông *************** hả?!
- Làm gì có. Đây nói thật đó.
- Còn mụ ấy?
- Mụ tống tôi ra ngoài cửa như không.
- Thế còn k…a
Kinh khủng! Mấy gã bốc mùi xuống rồi tàu chỉ còn lại mùi hôi của thứ rượu đã qua tiêu hóa. Còn tôi biết được ý nghĩa mới của những từ không lấy gì lịch sự: ***************… có nghĩa là phi lý, dối trá, còn k…a – là người đàn bà không phải ai cũng cho (cách đây không lâu vẫn còn ngược lại).
Thế giới này mới nực cười làm sao.
o O o
Manka đang ngây ngất. Có một hội tụ tập ở nhà cô ấy, cả anh chàng của cô nàng nữa – nom cũng được, dễ thương.
Một đứa bé khoảng lên sáu lấm lét theo dõi những người lớn. Nó đang chui dưới gầm bàn. Và kéo cái đuôi con mèo. Tôi chỉ định ghé lấy cái đĩa của con Borys, nhưng Manka bảo tôi hẵng cứ ngồi xuống đã, một khi cô em đã yêu cầu thì hô hô. Rồi đứa bé tinh nghịch bị cộc đầu kêu toáng lên. Bà mẹ lôi đứa con ra khỏi gầm bàn và nghiêm khắc nhìn Manka. Cô ta cứ việc nhìn như thế đến vô cùng tận, vì Manka đang mải ngắm anh chàng của cô. Hắn cũng không rời mắt khỏi cô nàng. Biết làm sao, lại một thành viên nữa của nữ giới chúng ta mất giá.
Nhưng sau đó là một thảm họa. Đứa bé giật lấy cái cốc từ tay mẹ, hét toáng lên: “Con muốn uống Cola!” và trước khi mẹ nó kịp phản ứng, nó tu luôn một ngụm, rồi phun bắn cả cái mồm rượu vào mẹ nó, vào người nó và cái bàn bày la liệt đủ thứ, sau đó bị lôi vào nhà tắm rửa ráy và súc miệng, nó cố cưỡng lại. Xong xuôi đi ra, nó hỏi:
- Con cú mèo chết đã ở đây phải không?
Manka giật bắn người, sực tỉnh. Ai nấy chết điếng, nhìn tôi. Họ đang nhắc đến con chim cú mèo của tôi ở vườn bách thú! Tôi tái mặt.
- Chị ngốc quá, – Manka quát tôi. – Quá là ngu ngốc! Chẳng lẽ em phải nói với chị là nó chết rồi hay sao? Ngay từ đầu em đã biết không thể cứu nó được nữa rồi, mà chị thì chưa có nhà cửa gì cả, chị ngốc lắm, em phải đưa cái của nợ đó vào vườn Bách thú thật đấy! Nhưng không chữa được! Đồ ngu ngốc, chị chỉ mê tín là giỏi thôi!
Khách khứa ngơ ngác. Đứa bé ngơ ngác. Tôi cứ nghĩ có những ranh giới có thể vượt qua được. Tôi không cảm thấy mình là một kẻ ngu lâu. Tôi nhìn thấy Manka ứa nước mắt, chính Manka người đã không cứu nổi con chim cú mèo. Thế nhưng cô ấy đã làm được nhiều hơn thế. Ức là thứ tình cảm cuối cùng tôi có thể cảm thấy.
Tôi đi chuyến xe lửa cuối trở về nhà. Tosia và con gái của Ula đang ngồi ăn xúp bên lò sưởi. Con Mietek nhảy nhót giữa tấm thảm, cào cây dương xỉ. Tôi mang cây dương xỉ vào bếp, đặt trên bệ ô cửa sổ mà đằng nào bây giờ tôi cũng không thể mở rộng được nữa. Con Borys thậm chí không thèm ngóc đầu khi nhìn thấy tôi. Tôi xắn tay rửa bát đĩa.
Dù sao tôi cũng tin vào những điềm báo.
o O o
Trên đường đến tòa soạn tôi gặp một người quen. Chị này vốn không ưa tôi.
- Cậu có nghe nói Jola đã sinh con rồi không?
- Thế à? – Tôi ra bộ ngạc nhiên. – Với ai vậy?
Chị ta nhìn tôi như một con đần.
- Sao lại thế?
Con mẹ hay sinh sự này tưởng có thể làm tôi suy sụp. Còn bây giờ đang phải tự thanh minh.
- Cậu biết đấy… với ông chồng…
- Ê, ê, – tôi phẩy tay, – họ tính thế từ lâu rồi còn gì. Mình cứ tưởng thế giới có gì mới chứ. Một thằng nhóc kháu khỉnh, – tôi bồi thêm một cách ranh ma, – tóc sáng, mắt đen, hay lắm! Cậu biết không, nặng bốn cân mốt, một con bò đực thật sự đấy! – Mặt tôi tươi roi rói.
Tôi sẽ không để cho con mẹ bụng dạ độc địa này chơi xỏ mình và hả lòng hả dạ, để tôi phải khổ tâm đâu. Tôi sẽ xóa sạch cái vẻ đồng cảm giả tạo trong mắt cô ta. Và đương nhiên là tôi đã đúng. Vẻ đồng cảm dần chuyển sang cáu tiết. Đừng hòng khiến tôi gục ngã nhé!
- Mình tưởng các cậu là một đôi hạnh phúc, – cô ta nói chua chát.
- Rất hạnh phúc cho nên bây giờ bọn mình mới chúc mừng nhau – tôi nói dối trắng trợn, nhưng trong bụng hình dung cô ả Jola đang mắc bệnh đậu mùa.
Tôi mỉm cười.
- Thế mà trước mình chẳng nghĩ là cậu chịu đựng được. – Giọng cô nàng người quen không ưa tôi ngân lên âm sắc thất vọng. – Mình không nghĩ cảm xúc của cậu bây giờ lại cạn kiệt rồi.
Không có gì bằng sự trợ giúp của một người đàn bà khác.
Và thử nghĩ xem, mới cách đây không lâu mình cũng ngạc nhiên vì Manka! Do yêu cầu của công việc, khi thì Manka làm việc chung với đàn ông, khi thì làm việc với đàn bà. Cô nàng bảo, thuyết phục đàn ông dễ hơn. Một phụ nữ làm sao ở riết nơi công sở từ tám giờ sáng đến sáu giờ chiều chứ. Thế thì chăm sóc bản thân vào lúc nào được? Cô ta phải kiếm đủ cớ để chuồn ra ngoài trong giờ làm việc, nhất là khi ở sở làm chẳng có việc gì đặc biệt quan trọng. Phải đi tắm nắng hoặc dầm chân đâu đó. Nếu cùng trực là một anh chàng thì chả có chuyện gì, chỉ việc bảo: “Em đi tắm nắng, độ nửa giờ nữa sẽ về.” Đàn ông không hiểu thuật ngữ tắm nắng, nhưng họ biết tôn trọng. Phụ nữ thì hiểu, nhưng không tôn trọng. Đừng hòng có chuyện cô kia đi mà mình lại không đi. Cô ta sẵn tiền hơn à?
Cho nên khi trực với một phụ nữ thì Manka bày trò khác. Loanh quanh mãi trong trạm thú y, có mỗi cô nàng với cô đồng nghiệp. Cuối cùng Manka bảo:
- Mình phải đi kiếm ít dồi nhồi tấm mạch đây.
Nói “mình phải” nghe có vẻ thật miễn cưỡng. Tôi chẳng muốn đi, nhưng vì hết sạch thứ ăn rồi, suy luận thêm một tí: tôi chỉ nhờ cậy mỗi món dồi nhồi tấm mạch, không có nó thì tôi và cả nhà tôi chết đói mất. Một tầng ý nghĩa nữa: cậu biết không, nếu mà đi mua thì đã khác, nhưng giờ tiền nong chẳng rủng rỉnh tí nào, nên hẳn cậu không phản đối để tôi đi một lát chứ. Nói chữ “mua” người ta lại liên tưởng không cần thiết, chẳng hạn: Cuối tháng mà vẫn còn tiền kia ư? Thế là sẽ đi đến kết luận rằng, nếu có tiền thì cậu cũng có thể bố trí được thời gian chứ sao, tốt nhất là sau giờ làm nhé.
Vậy nên một khi Manka đã phải đi kiếm món dồi nhồi tấm mạch thì đương nhiên, cô bạn đồng nghiệp kia hẳn phải nhìn với ánh mắt thông cảm và nói: “Cậu đi đi”. Manka ngồi vào chiếc xe mới tinh của mình và phóng thẳng ra bãi tắm nắng. Thỉnh thoảng, cô nàng đỏ lựng lên lúc quay về. Vì ai mà chả biết bãi tắm nắng có lúc làm cho da rám nắng, có lúc lại khiến da đỏ lựng lên, chẳng hiểu tại sao.
Tôi hỏi Manka, sao cô bạn lại không nhận ra Manka vừa đi tắm nắng về cơ chứ, nhìn là biết ngay mà.
- Ờ, ờ, – Manka nói, – hồi đi cái xe cũ thì em bảo ắc quy chết, em phải đẩy xe, cho nên người mới đỏ tía lên như thế.
Manka quả là thông minh, thậm chí nếu cô có diện một bộ đồ đẹp đã khiến cô bạn phát ghen, thì ý nghĩ cô đã phải đẩy ô tô trong bộ đồ đó sẽ khiến cô bạn đắc ý, một sự đắc ý được che đậy dưới cái giọng cảm thông, ve vuốt: “Ôi, khủng khiếp quá.”
Và cô ta sẽ hình dung Manka mình đẫm mồ hôi gò lưng đẩy xe, và ngay cả thứ nước lăn khử mùi lịch lãm nhất, đảm bảo thơm hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chốc chốc cũng phải chuyển hóa và thải ra chất microganulki để rồi bị ôxy hóa, v.v… hẳn chưa hề được chuẩn bị cho tình huống đẩy ô tô. Thêm nữa, cô ta có chiếc xe ngon lành hơn, chẳng khi nào phải đẩy. Thành ra chuyện quần áo chẳng còn quan trọng nữa, đó là chưa kể đến vụ phải đi kiếm món dồi nhồi tấm mạch.
Trước đây là vậy. Bây giờ Manka đã có xe mới, không bị hỏng. Vẫn ra bãi tắm nắng. Tôi hỏi:
- Thế bây giờ em nói thế nào khi quay về mà người đỏ rực như củ cải đường?
- Ồ, – Manka đáp, mặt mày tươi hơn hớn, – em sẽ bảo em bị đụng xe. Chị có biết bây giờ cô ta thích em đến thế nào không? Hết sức thông cảm, cô ta hỏi: sao cậu về sớm thế?
Vì thế, có lẽ tôi nên cho cô người quen không ưa tôi được mừng thầm, bằng cách òa khóc và than thở, cô ta hẳn sẽ khoan khoái lắm, vì không phải chồng của cô ta cho Jola một đứa con. Tôi đúng là kém thông minh. Giờ đây, thay vì có người bạn đầy cảm thông, tôi có thêm một kẻ thù. Tôi phải sống bên Manka lâu hơn mới phải – có lẽ sẽ học được thêm nhiều điều.