Bạn chỉ có thể thắng nếu bạn dám đương đầu với thất bại.

Rocky Aoki

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
van Akimốp và ông Phêđốt đi sâu mãi vào rừng taiga. Trên một quãng đường dài khoảng hai mươi cây số, ông già không cho Akimốp nghỉ chân. Ông cụ cứ đi, đi mãi, đi mãi. Đôi bàn trượt tuyết nghiến kèn kẹt, những bông tuyết từ những cành cây bị rung rơi lả tả.
- Chịu khó tý, chú mình ạ. Đi cho nó xa làng xóm đi một chút, rồi nghỉ. Để cho không một thằng đê mạt nào có thể còn nghĩ đến chuyện đuổi kịp được chúng mình, - ông Phêđốt nói trong lúc dừng lại đợi Akimốp còn đang lẹt đẹt vượt dốc để ra khỏi mương xói.
Akimốp lướt đi trong đám hơi. Anh thở hồng hộc, từ hai cánh mũi phập phồng tuôn ra những luồng hơi trắng đục, anh đưa bàn tay đeo găng (chiếc găng cũng ướt mèm) lên lau mặt đang đẫm mồ hôi.
- Đi thôi, bố ạ, cứ đi thôi, con chịu được, - Akimốp đáp lại bằng một giọng khàn khàn vì quá mệt, rồi anh đưa lưỡi liếm liếm đôi môi se khô vì gió.
Một ngày sáng sủa, mặt trời giá rét đang chiếu sáng, nhuộm vàng lên cánh rừng trắng đục. Bầu trời cao tít và xanh ngắt, như là bầu trời tháng tám. Nhưng càng rét tợn: băng trên đầm lầy kêu răng rắc, mặt đất bị băng giá xé nát kêu lan ran. Những con chim gõ kiến không thương tiếc mỏ, truyền lan khắp rừng taiga tiếng gõ đều đặn, vội vã kiếm thêm thức ăn, khi những con mọt gỗ vẫn chưa chết dí vào vỏ cây.
Hai người ngủ lại trong một con mương xói sâu, trên bờ một con sông bốc đầy hơi. Ông Phêđốt tháo đôi bàn trượt tuyết ra khỏi chân, tháo khẩu súng bên lưng xuống, nói bằng một giọng hiền hậu:
- Nào, anh Gavơriukha, vào trong lán mà nghỉ đi. Lão làm cho chú mình mệt quá rồi phỏng. Bây giờ lão sẽ đi nhóm bếp.
Akimốp nhìn quanh: anh chẳng thấy có chiếc lán nào cả. Sự mệt mỏi làm anh loạng choạng, anh muốn được ngả lưng ngay tức khắc, nằm duỗi chân, duỗi tay ra và nhắm nghiền đôi mắt bị lóa đi vì màu trắng chói lòa.
Ông Phêđốt thấy Akimốp có vẻ băn khoăn thì cười và nói:
- Đây này, cung điện của lão đây này... - Ông già nhanh tay dùng hai chiếc trượt hất tuyết sang hai bên và từ phía trong bờ sông hiện ra một khung cửa.
Chiếc lán thì nhỏ thôi nhưng ở đó có đủ tất cả những đồ dùng cần thiết: một bếp xây trong góc lán, một tấm phản để nằm, một chiếc bàn ghép bằng hai mảnh gỗ và hai khúc gỗ dựng để ngồi. Phía trong góc lán và xung quanh tường phủ đầy băng nhũ, giá rét và ẩm ướt lâu ngày khiến cho không khí thoang thoảng mùi mốc.
- Nằm tạm xuống, chú mình, nằm tạm xuống, lão sẽ chuẩn bị mọi thứ xong ngay lập tức bây giờ. Củi và đóm đã dự trữ sẵn từ mùa thu kia đấy, - ông Phêđốt ngồi xổm xuống và nói.
Trong nháy mắt, bếp lửa đã cháy bùng bùng, và chỉ vài phút sau gian lán trở nên ấm áp.
Akimốp quăng chiếc áo lông ngắn lên tấm phản, cởi đôi ủng ra và nằm xuống. Ông Phêđốt ra khỏi lán, có tiếng xoong chảo lạch cạch, tiếng giầy kèn kẹt nghiến vào lớp tuyết đã rắn lại vì quá lạnh. Và tất cả đến đây là chấm dứt. Nhưng giấc ngủ của Akimốp không dài. Ông Phêđốt ra đến sông, múc một xoong nước và trở về, thời gian để làm công việc đó quá lắm là mười lăm phút. Khi cánh cửa kẹt mở, Akimốp ngẩng đầu lên.
- Cứ nghỉ đi anh, trong khi chờ nước sôi! - ông già nói. Nhưng Akimốp đã ngồi bật dậy, tỉnh táo như vừa được tắm bằng thứ nước thần kỳ.
- Cứ như là cháu bị rơi tõm xuống một cái hố nào ấy, - Akimốp nhếch miệng cười, tỏ vẻ rất ngạc nhiên trước những gì vừa xảy đến.
- Người trẻ thì chỉ cần vài phút đồng hồ, chứ người già phải cần đến hàng giờ mới hòng nghỉ ngơi cho lại sức, - ông Phêđốt nói, vẻ thông cảm, rồi ông cụ đặt chiếc xoong lên cái vành tròn của bếp.
Akimốp đứng dậy định giúp ông già chuẩn bị bữa ăn tối.
- Thôi, anh đi ra ngoài kia mang những thức ăn dự trữ vào đây. Trên đinh móc có treo những chiếc bao tải đấy, - ông Phêđốt bảo Akimốp.
Trong thời gian sống ở Narưm, Akimốp đã làm quen được với những đặc điểm trong cách nói giản dị của người địa phương. Anh vội đi ra ngoài và nhìn thấy trên một chiếc đinh gỗ khổng lồ đóng vào tường của lán có treo những bao tải đựng các thức ăn dự trữ
Bầu trời bỗng sẫm lại, và trong rừng taiga bóng tối đập xuống rất nhanh. Chiếc cửa sổ nhỏ bé phía trên tấm phản đã tắt ánh sáng. Ông Phêđốt lấy từ trên giá xuống chiếc lọ đựng dầu và châm đèn. Bóng tối lẩn vào các góc lán. Nếu đọc sách bằng ngọn đèn này thì đau mắt, nhưng nếu dùng ăn cơm thì cũng đủ ánh sáng.
Ông Phêđốt cắt bánh mì ra, xắt cá chiên ướp lạnh thành từng khúc, rắc hạt tiêu lên, bóc hai củ hành, đưa cho Akimốp một củ.
- Này, chú mình ăn đi. Bao giờ đến nơi - lúc ấy sẽ tha hồ mà chén thịt thú rừng tươi, - ông già mời.
- Ông ơi, thế lúc này đã đi cách Parabên xa lắm chưa? - Akimốp hỏi.
- Bọn chúng chả đuổi nổi được nữa! - ông già khoát tay và sau một lúc im lặng, ông nói với vẻ rất là thích trí: - Ít ra thì lão cũng đã bước đầu làm cho bọn chúng bị lừa. Chú mình nhớ lại mà xem, bao nhiêu lần chúng ta đã cắt ngang con đường? Rồi ở quãng rừng bá hương chúng ta đã vòng đi vòng lại năm vòng. Chúng mà có cố tìm cách gỡ được cái vòng ấy ra - thì rồi tự chúng lại sẽ nhầm lẫn mà thôi. Bọn chúng đâu đủ thông minh để làm việc đó! Mà thêm vào đấy từ sáng đến giờ tuyết rơi cũng đã làm mờ dấu vết rồi.
- Cháu chả nhận ra cái gì cả ông ạ, cả đường đi lẫn những đoạn vòng, - Akimốp thú nhận. - Cháu có cảm giác như mình vẫn cứ đi theo một đường thẳng tắp.
Ông già cười thích thú, đưa tay vuốt đám tóc quăn bạc trắng xõa xuống trán. Đối với ông, những lời Akimốp vừa nói có giá trị hơn bất cứ một lời ca ngợi nào.
- Chính sự ngoắt ngoéo là ở đấy! Chú mình cứ tưởng rằng chú mình vẫn đi theo một đường thẳng tắp, trong khi đó thì lão đã quay chú mình như một vụn gỗ trong xoáy nước. Còn tính theo đường chim bay thì từ đây đến Parabên chỉ hai mươi cây số. - Và nhìn chằm chặp vào Akimốp, Phêđốt nói thêm bằng một giọng có vẻ bề trên: - Chú mình là một tay trượt tuyết cừ khôi. Gân cốt của chú mình cứng đấy, lực cũng khá. Bao nhiêu tuổi rồi?
- Cháu đã hết tuổi hai mươi ba ạ.
- Vợ rồi, hay chưa?
- Chưa đâu ạ.
- Thế là phải. Trong cái hoàn cảnh này thì cứ một thân một mình là nhẹ hơn.
- Vâng, nhẹ hơn nhiều chứ ạ.
Akimốp cúi đầu xuống và anh bỗng nhớ tới thành Pêtrôgrát. Khoảng độ ba tháng trước khi anh bị bắt Kxênôphôntốp có giới thiệu anh với em gái của anh ta tên là Kachia. Cô gái đang học trường Bêxtugiép[10] và giúp đỡ người anh trong việc tổ chức các hoạt động bí mật. Kachia rất hợp ý Akimốp. Nhưng Ivan lại rất ít kinh nghiệm trong những quan hệ có tính chất tình cảm Khi anh mới bước vào tuổi thanh niên anh đã bị một lần đen đủi, và cái lần đen đủi ấy đã để lại trong anh một dấu vết khá đậm. Năm mười tám tuổi, anh, con một thợ rừng, đã yêu con gái một chủ xưởng khai thác rừng. Họ sống bên dòng sông Cama. Người con gái mà Akimốp chọn đã đáp lại anh bằng mối tình nồng cháy. Bố mẹ Ivan cũng thấy rõ con mình định chặt một cành cây quá lớn, nhưng thiện cảm của gia đình chủ xưởng giàu có với đứa con trai của họ đã làm cho họ thấy có phần hãnh diện.
Sau khi hai người đã thề thốt sẽ chung thủy với nhau cho đến ngày đầu bạc răng long, Ivan chia tay với người bạn gái để về thủ đô theo học.
Những tháng đầu tiên khi hai người xa nhau, Ivan nhận được thư của người yêu gần như hàng ngày. Sau đó thư có thưa hơn, và giọng thư viết có vẻ lạnh nhạt. Đến mùa xuân thì hầu như chẳng có thư từ nào nữa. Ivan đau khổ, gửi hết thư này đến thư khác, hết bức điện này đến bức điện kia, anh nóng lòng mong đợi vụ nghỉ hè. Trí tưởng tượng của anh thêu dệt nên những bức tranh kinh khủng nhất - người yêu của anh hoặc đã chết bi thảm và đau khổ hoặc đang bệnh tật dày vò. Những người ruột thịt trong gia đình vì thương hại anh nên không dám kể hết đầu đuôi mọi chuyện. Vì không có thư mới, anh đem ra đọc đi đọc lại hàng chục lần những bức thư cũ nát, những bức thư mà trong đó không biết bao nhiêu lần người yêu anh thề thốt sẽ trọn đời chung thủy với anh. Ivan thậm chí không bao giờ có thể nghĩ đến được cái điều mà chính nó đã là nguyên nhân thật sự của việc người yêu anh im lặng.
Một tuần trước kỳ nghỉ hè, khi mà nỗi đau khổ của Akimốp đã đến mức không thể vào chịu nổi, thì mọi chuyện đã hiện rõ ràng: người yêu của Ivan đi lấy chồng, cô ta lấy cậu trung úy của đội phòng vệ tỉnh Pécmơ và hiện đang sống một cách vô cùng bình thản tại nhà ông bố của mình ở đường phố chính của thành phố. Tin đó Ivan đã nhận được một cách thông thường: bạn cùng học ở trường trung học nhưng sau đó ở lại quê nhà đã viết thư kể về việc họ đã vui chơi như thế nào ở đám cưới của «Êlêna Xêlêvécxtôva, con người mà hình như cậu cũng không phải là thờ ơ cho lắm».
Và vào đúng lúc ấy Akimốp vô cùng sửng sốt vì sự phản bội của người yêu, đã vội vàng đi Xibiri, đã đến với bác Likhatsiốp, lúc này đang chuẩn bị cho cuộc đi thăm dò khảo sát thường kỳ sắp tới.
Sống ở Pêtrôgrát, Akimốp gặp rất nhiều cô gái đẹp và thông minh, nhưng bài học mà cuộc sống đã dạy cho anh, anh đã quá chừng thấm thía. Anh bỏ qua mọi sự chú ý của những cô gái cùng học đối với anh. Chỉ một mình Kachia bỗng làm cho tình cảm anh xao động. Và đến lúc này anh vẫn không làm sao quên được hình bóng của cô. Cô có vóc người dong dỏng cao, dáng đi mềm mại, mái tóc sẫm màu, với đôi mắt nâu to tròn, cô nói giọng trầm, du dương, với một âm sắc vô cùng đặc biệt. Những cử chỉ uyển chuyển, chậm rãi, phong thái bàn luận một cách thận trọng về mọi vấn để, nụ cười tin cậy, khiêm tốn mà cô thường dành cho những người nói chuyện với cô, những nét đó làm cho Kachia nổi bật lên trong số những cô gái mà Akimốp từng quen biết.
Lúc đầu Ivan cảm thấy có phần không được tự nhiên trong đám bạn hữu của Kachia, anh thường mất bình tĩnh, nói những điều tầm thường vô vị, không thì lại im lặng, chau mày và môi dưới chề ra. Kachia nhận thấy tất cả những điều ấy, nhưng cô không hề tỏ thái độ gì. Tha thứ cho Ivan những nét lạ lùng trong phong thái của anh, cô càng làm cho anh có cảm tình với cô hơn. Dần dần giữa hai người đã hình thành những quan hệ thật sự là đồng chí khiến cho họ có thể đối xử với nhau một cách giản dị, tin cậy, có thể tâm sự với nhau những suy nghĩ thầm kín nhất về cuộc sống, về con người, về khoa học, về cách mạng. Chắc là Kachia cũng có cảm tình với Ivan. Ít ra thì cô cũng không phải không hề để ý đến anh. Cả anh lẫn cô gái đều tránh không nói thẳng ra những tình cảm của mình, có thể là vì cả hai đều linh cảm thấy rằng họ đang đi đến cái giây phút không thể nào tránh khỏi kia.
Và chắc rằng chẳng bao lâu sau đó, cái điều ấy đã xảy ra nếu như Akimốp không bị bắt. Khi anh ở nơi tạm giam, Kachia không biết vì tự lòng mình hay vì tổ chức giao cho nhiệm vụ, đã chăm sóc đến cuộc sống của anh một cách sốt sắng nhất. Cô mang đến cho anh thức ăn, sách vở, tiền nong, đã khôn khéo chuyển đạt lại cho anh một số tin tức quan trọng của cấp ủy, trong số đó có cả chỉ thị về thái độ ở nơi hỏi cung và ở tòa.
Có một lần qua tay tên cai tù trả lại cho Kachia chiếc túi rỗng, Akimốp đã nhét vào chỗ khe sứt chỉ bên cạnh túi mẩu giấy: «Kachia, người đồng chí yêu dấu! Cảm ơn những sự chăm sóc của em. Tôi nghĩ về em nhiều lắm và rất buồn rất nhớ. Và tất cả, có lẽ vì tôi yêu em».
Akimốp không tin rằng Kachia nhận được mảnh giấy của mình. Những chiếc túi trước khi trả về cho chủ nó bọn cai tù đã xem xét rất cẩn thận, và rất có thể, mảnh giấy của anh đã bị người lau dọn nơi tạm giam quét đi cùng với mọi rác rưởi khác.
«Nhẽ ra mình phải nói điều này với cô ấy sớm hơn kia. Một cô gái tuyệt diệu làm sao! Còn bây giờ thì mọi chuyện thế là hỏng cả... Khi nào ta trở lại Pêtrôgrát, Kachia có thể đã là vợ của một kỹ thuật viên hay một thầy thuốc nào đó rồi. Nếu được một người xứng đáng thì còn là tốt, nhưng có biết bao nhiêu những thằng mất dạy đang rình rập những cô gái như Kachia...»
- Thế nào, chú mình, nghĩ ngợi điều gì vậy? Ăn cá chiên đi, uống nước chè đi rồi đi ngủ, - ông Phêđốt nói vẻ ân cần, ông đẩy mảnh gỗ đặt những khúc cá chiên óng ả, về phía Akimốp.
Akimốp nhai ngon lành những mẩu gân cá giòn tan. Ông già cũng không kém, ông ăn nhanh như một thanh niên, vừa húp nước chè nóng xì xụp rồi lấy bàn tay lau mồ hôi trên khuôn mặt đỏ như đồng vì đi lạnh.
o O o
Đã từ lâu Akimốp muốn hỏi ông Phêđốt một đôi điều, nhưng anh hoàn toàn không hiểu ông già đã biết gì về anh chưa. Sự tò mò không cần thiết có thể đẻ ra những câu hỏi trở lại mà để trả lời những câu hỏi ở hoàn cảnh của anh không phải dễ dàng gì. Akimốp lại đành im lặng, anh mỉm cười nhìn ông lão. «Ông ơi, nếu ông là người thực sự có lòng hào hiệp và ông cứu anh em của ông không phải vì lợi ích riêng thì cầu cho ông được sống thêm trăm tuổi», - Akimốp thầm nghĩ.
Còn về phía ông Phêđốt thì ông già cũng rất sốt ruột vì tò mò muốn biết mọi chuyện về anh, nhưng không dám hỏi vì nhớ kỹ lời dặn nghiêm khắc của người con rể Gôrbiacốp. «Và còn một điều này nữa, bố ạ, - anh ấy nói khi hai bố con chia tay, - bố đừng có hỏi con người ấy bất cứ câu gì. Con có thể dám chắc rằng anh ta sẽ không thể kể tất cả sự thật về mình cho bố nghe, thế mà nói dối thì, đối với một con người chân thực - là lưỡi dao ấn vào cổ họng».
Tối ấy, hai ông con cùng im lặng cho đến giữa bữa cơm. Người trước tiên phá vỡ cái không khí ấy là Akimốp. «Nếu như mình cứ im lặng mãi không nói gì với ông cụ thì rồi ông cụ sẽ bỏ mình mà đi sớm hơn cần thiết», - Akimốp nghĩ, tưởng tượng ra khi mình phải một mình đối mặt với cái biển rừng mênh mông khủng khiếp này. Trong giây lát anh cảm thấy nao nao.
- Ông Phêđốt ơi, - Akimốp mở đầu rồi đi thẳng vào những vấn đề hắc búa, - có phải ông đã ở rừng Narưm này từ khi còn nhỏ phải không?
Ông già đáp lại với vẻ như đã chờ đợi sẵn sàng từ lâu:
- Không phải đâu chú mình ạ, lão sống ở đây hơn ba chục năm nay.
- Ông ở đâu đến đây?
- Con đường của lão nó vòng vèo lắm. Lão từ đảo Xakhalin đến đây. Đày chung thân.
- Từ đảo Xakhalin ư? - Akimốp thốt lên, anh đưa mắt nhìn ông già bằng một cái nhìn mới mẻ, mái tóc quăn, hai má đỏ au, với đôi mắt xám hiền hậu, ông già không thể nào lại có thể cho ta cái ấn tượng về một người tù khổ sai.
- Thế vì sao mà ông lại đến Xakhalin? - Akimốp hỏi, không còn nghĩ gì đến việc phải thận trọng nữa.
- Vì ý của nhà vua muốn vậy, chú mình ạ.
- Thế ông là tù gì, hình sự hay chính trị?
- Chú mình muốn coi là loại gì cũng được. Lão cùng với một người bạn đã cho tiêu tên phản bội. Tên này đã đưa những người đồng chí của mình vào chiếc thòng lọng.
- Thế khi đó các ông định tổ chức một vụ cướp hay sao?
- Bọn lão là những người hiền lành. Chú mình biết không, chả là có một cuộc bãi công mà. Dạo ấy lão đang làm phu khuân vác ở nhà máy đúc đồng của nhà chủ Đêmiđốp. Thật khổ hơn là đi đày! Thế là bọn lão nổi loạn, tất nhiên thôi! Đã bàn định trước với nhau: đâu vào đấy. Chằng thà chết luôn ngay một lúc, còn hơn cứ chết dần chết mòn từng ngày một. Viên quản lý gọi đội vệ binh. Nhưng bọn lão cứ kiên quyết không chịu - có thế thôi. Rất có thể mọi chuyện đã kết thúc yên lành ổn thỏa, nhưng tiếc thay có một thằng đểu đã chui vào đầu não của cuộc bãi công. Tsucbacốp là họ của y. Y đã khai báo toàn bộ những người chủ chốt. Họ bị đưa đi một nơi nào đó, và cả bốn người cùng mất tích. Nhưng dù sao trước khi chết họ vẫn kịp báo lại, cho biết là vì bàn tay nhơ bẩn nào mà họ đã phải nhận cái chết. Và vào cái lúc ấy bọn lão đã quyết định phải hót cái tên đểu giả ấy đi. Mặt đất sẽ sạch sẽ hơn. Bàn định mãi xem ai là người có thể làm việc đó và làm bằng cách nào tốt nhất. Người bạn cùng làm một đội với lão là Philip xung phong, và lão cũng xin cùng đi với anh ấy. Cả hai đều chưa vợ, chưa con, còn về sức khỏe thì, đối với bọn lão, chúa cũng không đến nỗi hẹp hòi. Thế này, nói tóm lại là, bọn lão rình đợi y ở một chỗ và... Nhưng mà y, cái thằng đểu giả vằn vện ấy, lại sống dai đến thế. Y vẫn còn sống, y đã bò được về đến nhà và lại tâu báo. Lão và Philip là trước tiên, rồi sau đó đến những người còn lại mà cũng có dính líu đến vụ này... Thế nhưng rồi cái thằng đểu ấy cũng đã chết, sau này nghe nói rằng mộ của y bị san phẳng liền với mặt đất để cho y khỏi dây bẩn sang những người tử tế đang yên nghỉ dưới mồ.
Mười hai người bị tống đi Xakhalin. Lão và Philip bị mười năm khổ sai và bị đày chung thân. Philip, người bạn cùng dính líu với lão, không sống nổi lấy năm năm. Anh ta cứ khô dần như que củi, anh bị ho ra máu. Còn lão thì chú mình thấy đấy, lão vẫn sống. Hết bệnh này đến tật khác hành hạ... Thế mà không làm gì nổi!
Và lúc này một tia ánh sáng hé ra. Nghe nói: những người bị đày chung thân, có thể đi những nơi xa nữa chứ không chỉ ở Xakhalin này: nơi ấy gọi là Narưm. Những người muốn đi tất nhiên không nhiều lắm, nhưng dù sao thì cũng có, Họ lý luận như thế nào? Xakhalin hay Narưm thì cũng vậy – đều là những chỗ chết cả thôi, chỉ có điều là Xakhalin thì họ đã chán ngấy lắm rồi, nó ngồi lù lù trong ruột gan của từng người, còn Narưm là đất mới và có vẻ như là gần lại với quê hương hơn...
Trong những giây phút ngắn ngồi ngồi nghe câu chuyện mà ông Phêđốt kể, Akimốp đã hình dung được một cách sinh động cuộc sống gian nan của con người đang kể chuyện kia. Và đối với anh giờ đây ông già trở nên vừa gần gũi hơn, vừa quý mến hơn. Và thái độ giữ kẽ thường trực ở anh bỗng biến đâu hết cả. «Không, con người này sẽ không bao giờ khai báo, sẽ không bao giờ lại dẫn bọn cảnh binh đến bắt mình, con người này sẽ bảo vệ mình đến cùng, - Akimốp nghĩ và cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm. - Mà Nga là như thế nào kia chứ?! Thậm chí ở một nơi xa xôi nhất, nơi không người ở, cũng có thể bắt gặp những trường hợp ghê tởm của sự bất công xã hội và sự nô dịch giai cấp! Không, chỉ có cách mạng, một cuộc cách mạng thật sâu sắc, một cuộc cách mạng có tính chất gột rửa, mới có thể đưa nước Nga ra khỏi vũng bùn mà chế độ chuyên chế và bọn tư bản đã dẫn nó vào!»
Ông Phêđốt nhận thấy câu chuyện của mình đã gây được ấn tượng đối với chàng thanh niên trốn tù này. Nhìn thẳng vào mắt Akimốp, ông già mỉm cười và nói:
- Lão làm cho chú mình buồn rồi đấy! Nhưng mà chú mình đừng phiền muộn làm gì! Có cái gì mà con người ta không chịu nổi, có cái nỗi cực khổ nào mà người ta không vượt qua! Đôi khi ngoảnh lại tự nhìn mình và không thể tin được chính mình nữa chớ. Tưởng chừng không phải là mình nữa mà là có một người nào đó đã mang tất cả cái gánh nặng hộ mình... Còn chú mình người đâu vậy, ở Tômxcơ hay ở xa? - bỗng ông già chuyển từ những lời tâm tình sang câu hỏi.
«Thế là bắt đầu rồi đấy», - ý nghĩ chợt lướt qua trong đầu Akimốp, nhưng lúc này anh không còn cảm thấy lo lắng trước sự tò mò của con người già cả này.
- Cháu ở xa kia.
- Thế làm sao chú mình lại hành động quá muộn vậy? Chạy trốn lúc này - là một việc làm có thể chết người đấy. Từ hai bờ sông có thể nhìn ra xa hàng ba vecxta, một ngọn cỏ cũng thấy rõ như trong lòng bàn tay. Và ở trong rừng cũng không trốn nổi - lạnh kinh khủng. Cái thời khó tìm nơi ẩn náu làm sao!
Và bỗng Akimốp muốn kể cho ông già nghe tất cả mọi chuyện thực về mình: ban chấp hành giao cho anh nhiệm vụ phải lần được sang Xtốckhôn, đến với Likhatsiốp sống bên cạnh ông, cứu lấy những tài liệu và những tìm tòi khoa học của nhà bác học, giữ gìn chúng để cho đất nước mà sắp tới đây, trong một tương lai rất gần sẽ trở thành vương quốc của công nhân và nông dân...
Nhưng giây phút cuối cùng Akimốp đã kìm giữ được. «Ta sẽ còn kịp kể. Nếu như còn phải ở lại trong rừng taiga cho đến đầu xuân, mong cho điều đó đừng xảy đến», - Akimốp nghĩ.
- Chẳng may mà thành thế đấy, ông Phêđốt ạ, - Akimốp nói, - cháu cứ làm liều. Giá như không bị truy nã thì cũng có thể cháu đã vượt qua vùng này được rồi đấy.
- Cái đó thì rõ rồi. Trong bão tuyết nếu không liều thì không ra nổi đến sân, còn như nếu rất cần thì đến phải vào rừng taiga cũng vào được, - ông Phêđốt đáp lại với vẻ rất thông cảm.
Sau bữa cơm tối, Akimốp khoác chiếc áo lông bước ra ngoài trời. Về đêm trời dường như bớt lạnh đi. Bầu trời đầy mây, và chỉ tít trên cao mới có những ngôi sao nhấp nháy. Gió vi vu trên những ngọn cây, nhưng ở đây, ở dưới đất này, rất yên tĩnh, những cành cây trĩu xuống dưới sức nặng của tuyết phủ cũng đứng im.
Akimốp ngước nhìn trời, lắng nghe, và nghĩ: «Hôm nay là ngày bao nhiêu rồi nhỉ? Hình như là ngày hai mươi tháng mười một. Và là thứ mấy rồi? Thứ sáu. Không phải, thứ năm thôi. Mà cũng có thể đã là thứ bảy... Giá mà mọi chuyện đều may mắn thì có phải bây giờ mình đã có thể đi bách bộ trên đường phố Xtốckhôn rồi không... Nếu như Prôkhôrốp không bỏ bác ta một mình thì còn là tốt, nếu như bác ta khỏi ốm và tự mình có thể đứng vững được thì còn là tốt... Nếu như ta không phải ngồi lại đây lâu nữa thì còn là tốt... Ừ, tất cả những điều gì tốt đẹp thì đều là tốt... Nhưng biết đâu mọi chuyện lại sẽ không trở thành xấu».
Akimốp không nghe thấy ông Phêđốt đi đến bên anh. Ông già dừng lại cách anh một khoảng không xa và hít tẩu thuốc.
- Tuyết sắp rơi đấy, - ông già ngước mắt nhìn trời rồi nói.
Akimốp giật mình, - tiếng của ông Phêđốt vang lên quá bất ngờ.
- Hôm nay là thứ năm hay thứ sáu, ông nhỉ? - Akimốp hỏi.
- Chú mình làm sao vậy! Quên ngày quên tháng rồi sao? Hết ngày thứ sáu rồi. Mai là thứ bảy. Đến nơi ta sẽ đun nước tắm. Đi mệt mà tắm hơi thì tuyệt.
- Nhưng không thấy tuyết ông Phêđốt ạ.- Akimốp hít một hơi không khí lạnh vào lồng ngực.
- Đến sáng tuyết sẽ rơi dày tới nửa ácsin. Nó sẽ phủ hết dấu vết của ta. - Ông già cười.- Rồi mà xem, viên cảnh sát tha hồ mà lồng lộn mà đánh hơi, rình rập... Thôi, đi ngủ thôi, chú mình ơi. Ở đây sẽ chẳng ai quấy rầy chúng ta nữa cả.
Akimốp ngáp dài rồi vươn vai đến mức những khớp xương kêu răng rắc cả lên.
- Vâng, đi ngủ bây giờ cũng không đến nỗi dở. Thời gian qua cháu chỉ ngủ gọi là thôi: một mắt thì nhắm, còn mắt kia thì phải canh chừng, một tai thì ngủ yên còn một tai đến chiếc lông tơ bay cũng nhận ra...
Akimốp trải chiếc áo lông ra, lấy thêm cỏ khô để vào chỗ gần tường, bên dưới đầu rồi nằm xuống.
Ông Phêđốt nằm ghé xuống cạnh anh và chỉ vừa kịp đặt đầu xuống đụn cỏ khô thơm phức là đã lập tức ngủ ngay. Akimốp buồn ngủ vô cùng, nhưng vẫn không thể nào ngủ ngay cho được. Anh lắng tai nghe ngóng. Tiếng củi khô nổ lách tách trong bếp lửa, tiếng cành cây chạm vào nóc lán. Hình như gió càng mạnh hơn.
Trong giấc ngủ thiu thiu, Akimốp lúc thì nhớ tới Kachia, lúc lại nghĩ về bác Likhatsiốp, rồi có lúc lại hồi tưởng đôi đoạn trong cuộc tranh cãi ở cuộc họp của những người bônsêvích vùng Narưm, mà từ cuộc họp đó anh đã đi thẳng xuống thuyền. Cuối cùng anh đã ngủ.
o O o
Akimốp mở mắt ra thì thấy ngay ông Phêđốt. Ông già đang chuẩn bị bữa ăn sáng và cố gắng nhẹ tay, không khua xoong khua chảo.
- Ông dậy sớm quá, ông Phêđốt!- Akimốp nói, rồi nhảy ùa từ tấm phản xuống nền nhà.
- Chú mình đã dậy rồi cơ đấy! Thế nào, lạ nhà ngủ có ngon không?
- Ngon lắm ạ.
- Mà tuyết rơi như khói tuôn từ ống khói ra kia kìa. Trời tối như bưng. Thế này thì có đến chiều tuyết vẫn còn rơi.
- Thế thì ta sẽ phải đợi ư ông?
- Ăn xong là ta đi thôi.
- Cháu ra vốc tuyết rửa mặt đã.
Akimốp xắn tay áo lên, bước vào cái bão tuyết đang quay cuồng, gầm rít. Anh trở vào lán, mình phủ đầy tuyết, tay áo ướt sũng, mặt cũng nước ròng ròng.
- Ôi, thích quá! Thích quá! – Akimốp nói oang oang, cảm thấy trong người phấn chấn như có thêm sức lực.
Ông Phêđốt đẩy ca trà nóng về phía Akimốp nói:
- Này, sưởi ấm đi, chú Gavơriukha.
Họ bắt đầu ăn. Và lại cũng như hôm qua, trong bữa ăn họ cảm thấy thiếu những câu chuyện thân mật. Họ liếc nhìn nhau và mỗi người theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình. Gavơriukha có biết ai là người giúp anh ta tìm nơi ẩn náu không? Anh ta có biết ai đã cử ta cùng đi với anh ấy vào rừng taiga không? Lúc đầu hình như anh ta có vẻ lo lo ngại ngại thế nào ấy. Có lẽ anh ta sợ, biết đâu, ta lại chả đưa anh ta vào tay quỷ dữ. Thật là anh chàng kỳ quặc! Cái lũ quỷ trong người luôn giắt dao găm ấy từ bé ta đã căm ghét rồi.
Akimốp cũng đang nghĩ những điều tương tự: «Ông già này có biết cô gái đã chỉ cho mình nơi ẩn náu không? Giá như biết được cô ta là ai thì hay biết mấy. Có thể cô ta là con gái của ông già? Mà ông già có biết ai ở đây, ở Parabên này, vẫn liên lạc với Ban chấp hành đảng vùng Narưm không? Người ấy là ai vậy? Mà cũng có thể lại chính là ông già đây, mặc dù ông lão còn chưa thông thạo chữ nghĩa cho lắm, thế nhưng mảnh giấy với những điều chỉ dẫn mà ta đã nhận được lại do một người có trình độ văn hóa viết».
Tuy nhiên không ai dám bắt đầu câu chuyện và đặt ra những câu hỏi đang làm cho cả hai phải bận tâm. Ông Phêđốt vẫn nhớ lời dặn của người con rể: «Đừng có hỏi han gì người ta đấy». Còn Akimốp thì, sau bốn năm hoạt động bí mật, đã nhớ kỹ nguyên tắc: «Bí mật là mẹ thành công. Đừng có vội tin người. Khi tin người thì hãy nghĩ đến sự an toàn cho các đồng chí».
Dù sao thì ngồi đối mặt với nhau mà im lặng cũng là bất tiện. Akimốp đã tìm cách hỏi han ông già về chuyện này chuyện khác, mà cái chính là về rừng taiga.
- Chú mình ạ, rừng ở đây nhiều đến mức có sống tới trăm năm cũng không thể nào đi hết, - ông Phêđốt nói một cách hào hứng. - Và hồ cũng nhiều vô thiên lủng: có những hồ sâu không thể dò tới đáy, nước sẫm lại, mà cũng có những hồ thì trong trẻo, hồ có mạch nước. Rừng ở đây cũng đủ loại. Ngày hôm qua mình đi qua đa số là rừng bạch dương và rừng vân sam, còn hôm nay ta sẽ đi vào những cánh rừng thật sự là rừng: thông, bá hương, và những cây bá hương như thế nào kia chứ, những cái cây làm cho lòng ta cảm thấy rạt rào. Cây mọc rậm rì.
Trong khi nghe ông già nói, Akimốp nghĩ bụng: «Khi nào mình gặp bác, chắc việc đầu tiên thế nào ông cũng sẽ hỏi về những vùng mình đã đi qua. Nếu mình mà kể một cách đại khái thì thế nào cũng bị mắng ngay. «Cái thằng Ivan này vô tích sự thật! Bỏ qua mất cái cơ hội thuận lợi biết là chừng nào! - bác sẽ nói với một thái độ bực dọc. - Đáng ra phải vẽ lấy cái bản đồ, phải liệt kê và vẽ lại». Liệt kê, vẽ lại... Nhưng nói cho đúng thì liệt kê bằng cái gì bây giờ? Và giấy đâu mà viết? Trong chiếc mũ có cất một mẩu bút chì bằng ngón tay út và một mảnh giấy nhàu bằng chừng hai bàn tay - không hơn. Mình đã vớ lấy mang theo vào giây phút cuối cùng - đề phòng khi có việc gì cần cấp thì phải viết...»
- Ông Phêđốt, thế khi đi săn ông thường săn thú hay chim? - Sự tò mò của Akimốp mỗi lúc càng tăng theo đà của câu chuyện.
- Cũng tùy từng lúc thôi. Chẳng hạn như năm ngoái thì viên quản lý của ông lái buôn gọi tất cả bọn thợ săn đến và nói: «Năm nay ông chủ ra lệnh phải kiếm cho ông thật nhiều gà rừng và gà lôi, ông ta sẽ đi về tận Pêtécbua mà cũng có thể còn đi xa nữa, sang các nước hải ngoại, ông ấy nói hình như những người nước ngoài họ thích cái món chim rừng của ta lắm. Còn bây giờ thì lại khác rồi, hoàn toàn ngược lại: hãy cung cấp cho ông chủ thật nhiều những con thú có bộ da lông quý, nhất là giống chồn trắng. Hình như ông ta tự tay mang tất cả những thứ đó tới hội chợ cho bọn người Anh.
- Thế tên lái buôn ấy trả tiền thế nào? Có gian lận không?
- Gớm, làm thế nào mà nó lại không gian lận!... Chẳng bao giờ lại có chuyện như thế. Đầu tiên là tên nhận hàng bớt xén. Nó cũng phải ăn phải uống chứ. Sau đó đến thằng coi kho. Thứ nữa đến viên quản lý. Rồi cuối cùng mới đến ông chủ. Ông ta thì lại lo kiếm lãi...
- Một thằng kéo cày, bẩy thằng ăn chực. - Akimốp cười chua chát.
- Đúng, đúng! - ông Phêđốt cười hể hả rồi đứng, dậy. - Nào, chú Gavơriukha, đã đến giờ lên đường rồi; Thôi mọi sự phó mặc cho ông trời.
Ông già dọn dẹp bát đĩa, xem lại các bếp lửa và chậm rãi mặc quần áo ngoài. Akimốp chăm chăm ngắm nhìn ông lão và ghi nhớ tất cả những việc ông làm. «Chẳng nhẽ ta phải chịu rét cóng trong cái xó rừng này cho đến đầu xuân ư? » - Akimốp nghĩ và cảm thấy trong lòng lo lắng. «Tất cả đều có thể xẩy ra được, Ivan ạ, - Akimốp tự trả lời mình. - Hãy học sống theo cách của người ở rừng taiga, hãy cố mà tích lũy tinh thần chịu đựng, sẽ còn cần đến nó nhiều nữa đấy».
Bão tuyết vẫn không dứt. Cả bầu trời lẫn mặt đất – cả trái đất dày đặc những bông tuyết đang quay cuồng. Những bụi tuyết bay đầy vào mắt, vào hai lỗ mũi, vào tai, và mỗi lần có một cơn gió thổi thì chúng lại quất vào hai bên má. Cây cối nghiêng ngả, kêu lên kèn kẹt. Bầu trời ảm đạm, trắng đục, tựa như sắp tối sập đến nơi...
- Lát nữa sẽ đến rừng bá hương, ở đó sẽ bớt gió và ấm hơn, - ông Phêđốt an ủi Akimốp.
Quả vậy, chưa đến một tiếng đồng hồ sau thì những dải rừng tạp khẳng khiu đã hết và bắt đầu những cánh rừng gồm toàn bá hương. Những cây gỗ lực lưỡng, cành lá xum xuê, cây nọ đan cành với cây kia. Ở đây, dưới vòm lá xanh, cơn bão tuyết hình như chỉ có thể lọt vào từng đợt từng đợt gió giật lên rồi lại lặng đi.
- Gavơriukha, chú mình thấy đấy, rừng che chở cho ta thật tuyệt diệu! Bây giờ thì ta không sợ bất kỳ một loại bão tuyết nào. Ta sẽ đi trong rừng bá hương cho đến tận nơi ta cần tới.
Cũng như hôm qua, ông Phêđốt luôn luôn đi ở phía trước, nhưng hôm nay ông không vội vã, mà chốc chốc lại dừng chân để chuyện trò với Akimốp.
- Dấu chân của chúng ta tuyết đã phủ kín rồi! Bây giờ thì đến quỷ cũng không lần ra nổi! - ông Phêđốt cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu nói ấy và nụ cười mãn nguyện ánh lên trong đôi mắt ông già. Akimốp biết rằng mọi nguy hiểm đã lùi về phía sau. Thái độ bình tĩnh và tự tin ấy là biểu hiện cho sự an toàn. Hôm qua ông lão tỏ ra rất thận trọng và khẩn trương. Có lẽ ông lo rằng mình rất có thể đang bị truy đuổi ở đằng sau và ông cố sức làm sao để có thể đi xa Parabên được bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
o O o
Khi họ tới lều nghỉ chân của ông Phêđốt thì trời đã xâm xẩm tối. Lều nằm ở bìa rừng bá hương nơi cây mọc bên cạnh một cái hồ mà từ mặt hồ đó đây hơi nước bốc lên từ những lỗ chưa đóng băng. Dù túp lều gần như bị tuyết phủ kín, Akimốp cũng xác định được ngay rằng nó khác xa túp lều mà họ đã nghỉ đêm hôm trước: nó được dựng bằng những khúc gỗ to tướng, có một cửa sổ to, trên mái nhô lên một ống khói bằng sắt tựa như ngón tay trỏ.
- Ông Phêđốt ạ, lều của ông như nhà ở trong làng ấy, - Akimốp vừa nói vừa kéo chân ra khỏi đôi ván trượt.
- Lão đã từng ở đây cả vào mùa đông, mùa hè lẫn mùa thu. Chú mình nhìn kia kìa, lão có cả kho thức ăn lại dựng cả nhà tắm nữa đấy. Làm sao con người lại có thể sống thiếu cái đó được?
Bên trong gian lều đã làm cho Akimốp phải ngạc nhiên. Nó rộng rãi, sáng sủa, tường ghép bằng các súc gỗ, màu vàng vàng vì quét nhựa cây nay đã khô. Sàn là những tấm gỗ bá hương bào nhẵn, nóc lều khá cao: đưa tay với không tới. Phản ngủ có hai tầng. Trong một góc lều có chiếc bàn kê gọn gàng.
Akimốp liếc nhìn chiếc bàn, và lần đầu tiên trong những tuần lễ sống ẩn nấp anh có cảm giác muốn ngồi xuống bên chiếc bàn và bày ra trên đó những quyển sách, những tờ giấy và suy nghĩ trên tờ giấy trắng. «Mà có nhiều điều cần viết đấy, - anh nghĩ. - Thứ nhất là cuộc thảo luận ở Narưm về vấn đề chuyển dần chiến tranh đế quốc sang nội chiến. Nhất thiết phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn nữa vấn đề vũ trang cho giai cấp công nhân. Những cách thức tổ chức các đội tự vệ vũ trang, phương pháp luyện tập những đội quân ấy trong hoàn cảnh phải hoạt động bí mật. Nếu như được một đồng chí nào đó trong số những người đã có kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa tháng Chạp ở Mátxcơva[11] viết một cuốn sách giáo khoa về sách lược cách mạng thì tốt quá... Rồi sau đó cần ghi nhớ về những lỗ nước trên băng ở các sông và hồ vùng này... Bác Likhatsiốp chắc chắn sẽ thích thú cái điều này lắm...»
Akimốp bỏ những thứ đeo trên lưng xuống, anh đi đến bên bàn, ngồi xuống khúc gỗ tròn đã được bào nhẵn, và chỉ lúc này mới sực nhớ ra rằng mình chẳng có sách, có giấy, cũng chẳng có một phương tiện nào để mà ghi chép cả.
- Chú mình mệt lắm phải không? - ông Phêđốt vừa hỏi vừa ngồi xuống bên bếp lửa.
- Hôm nay cháu không mệt, còn hôm qua thì cháu phải cố lê chân, - Akimốp thú nhận.
- Thôi bây giờ ta chẳng đi đâu mà vội. Lão sẽ sưởi ấm căn lều rồi sau đó nhóm bếp đun nước tắm.
- Thế thì tốt quá!., Ông Phêđốt ơi, ông chỉ cho cháu xem các thứ đồ dùng của ông ở đâu: xẻng này, rìu này, xô này. Cháu ra nhà tắm đun nước, - Akimốp đề nghị.
- Ừ, mà phải đấy - chú mình đi đi! Trong khi lão chuẩn bị ở trong này thì chú mình cũng làm được công việc gì ở ngoài ấy đấy. Chú mình đi đi!
Họ cùng đi ra. Ông Phêđốt lôi từ trong kho ra một chiếc mai, một chiếc xẻng, một chiếc xô bằng gỗ.
- Này chú Gavơriukha, đầu tiên hãy tạo lấy con đường đi ra nhà tắm và ra hồ cái đã. Kia kìa, ra chỗ cái cây kia mà hót sạch tuyết đi và hãy đục lấy một lỗ qua băng. Còn củi thì ở nhà tắm bao giờ tôi cũng dự trữ sẵn. Vì đôi khi về đến nhà thì mệt lử rồi. - Ông Phêđốt nhìn Akimốp như để đánh giá xem người phụ việc này của mình có được nhanh nhẹn tháo vát không.
- Cháu hiểu cả rồi, ông Phêđốt ạ, - Akimốp nói.
Ông già chỉ vừa kịp khuất vào trong lều là Akimốp đã hăng hái bắt tay ngay vào công việc. Thân thể anh đã từ lâu thèm khát một giòng nước ấm. Anh muốn nhóm bếp đun nước thật nhanh để rồi trèo lên dàn tắm mà sưởi cho hơi nước ngấm vào tận xương.
Đường ra nhà tắm và ra hồ anh làm xong rất nhanh. Nhưng đục băng thì anh làm có phần lâu hơn. Chiếc mai nhẹ quá, cứ trơn tuột đi trong tay. Có một vài lần Akimốp suýt nữa thì thục mai vào bàn chân của chính mình. Anh chưa biết cách dùng mai. Tuy cái đồ dùng ấy rất là đơn giản, nhưng cũng phải biết cách sử dụng. Akimốp dùng nhiều sức, nhấn chiếc mai vào đám băng sâu gần đến tay cầm, nhưng thực ra lại cần ném mai xuống một cách nhẹ nhàng, như chơi vậy, chỉ cần là phải ném nghiêng. Trong khi Akimốp đang loay hoay tìm kiếm cách sử dụng mai thì ông Phêđốt bước đến. Thoáng nhìn qua xem cách thức anh làm ăn, ông già nhếch mép cười:
- Gavơriukha ơi, chú mình phung phí sức rồi đấy. Đưa đây! Làm thế này kia.
Năm phút sau nước đã sóng sánh trong hố băng. Akimốp bắt đầu dùng xô xách nước vào nhà tắm. Trong khi anh đổ đầy chiếc chảo gắn chặt vào bếp và hai chiếc thùng gỗ thì ông Phêđốt đã nhóm xong lò; Khói nhựa cây ùn ùn lùa qua khung cửa nhà tắm mở toang.
- Giá ông khép bớt cửa lại, ông Phêđốt ạ. Cứ như thế này thì khéo đến sáng ông cháu ta cũng không sưởi ấm nổi cái nhà tắm mất, - Akimốp lo lắng.
Nhưng trong những công việc này anh chỉ là một thằng dốt.
- Đừng sợ, chú mình ạ. Khi nào than bắt đầu hồng khi đó ta sẽ khép cửa. Sẽ nóng đấy. Đến ngốt lên ấy! Cứ để cho nó tự bén lửa. Ta vào trong lều ăn chút gì cái đã, còn uống thì sau khi tắm hẵng hay. Lão còn có cả mứt quả nữa kia.
Họ nhai khan những miếng bánh bít cốt giòn tan. Ông Phêđốt giao cho Akimốp trông bếp, còn ông thì đi chuẩn bị đèn dầu. Trong kho của ông có dự trữ dầu cá. Ông dốc dầu đổ vào hai hộp sắt, bấc ông nhúng vào dầu rồi lồng chúng vào hai chiếc cổ đèn. Một chiếc đèn ông đặt trên giá ở trong lều, còn chiếc kia mang theo sang nhà tắm.
Ngày mùa đông trong rừng taiga rất ngắn, bóng tối ập đến rất nhanh và lặng lẽ. Trời bắt đầu tối. Akimốp ngồi bên bếp lửa, vô tư lự, anh lim dim mắt và lắng nghe, tiếng lửa cháy. Anh đã ngồi như thế bao lâu anh cũng không biết nữa. Không khí lạnh bỗng ùa vào trong cửa.
- Nhà tắm đã chuẩn bị xong rồi, chú mình ạ. Thế nào, chú mình có thích tắm hơi không? Lão đã chuẩn bị cả chổi tắm rồi đấy. Lão sẽ cùng chú mình tắm nhé. Sao chú mình lại ngồi trong tối thế này.
Ông già đi châm đèn, cởi áo lông ra, nhưng không bỏ mũ, còn găng tay thì cắp vào nách. Akimốp ngạc nhiên nhìn ông già.
- Tôi không mặc áo lông sang nhà tắm, - ông Phêđốt nói, khi nhận thấy vẻ ngạc nhiên trên nét mặt Akimốp.
Akimốp hơi ngập ngừng: có thể cả anh cũng cởi áo lông chăng? Không có phòng để quần áo ở nhà tắm mà. Áo lông sẽ phải vứt ngay xuống tuyết bên cạnh nhà tắm. Nhưng vì sao ông già lại vẫn cứ đội mũ và lại mang theo cả găng tay thì điều ấy Akimốp chưa thể hiểu được. Đội mũ – điều đó thì còn có thể giải thích được: vì phải chạy chỗ này chỗ kia và ông lão phải giữ cái đầu cho khỏi bị cảm, nhưng còn đôi găng tay? Ông già cần chúng lúc này làm gì?
Akimốp dù sao cũng không dám cởi áo ngoài trước khi sang nhà tắm. Anh khoác chiếc áo lông, đội mũ vào rồi đi theo bước ông Phêđốt.
Ở cửa nhà tắm, mùi đất thó bị nung và mùi lá bạch dương nấu chín bốc lên. Ngọn đèn dầu nhấp nháy, nhưng vẫn cháy đều.
Akimốp vừa cởi quần áo xong thì hơi nóng đã quấn quanh thân thể anh. Mồ hôi mướt ra, tưởng chừng lớp da trên bắt đầu bong ra tựa như chiếc áo sơ mi sờn rách. Ông Phêđốt đẩy một chiếc chậu nước nóng đến bên Akimốp.
- Tắm đi, Gavơriukha, lão đi tăng thêm hơi rồi lại sẽ leo lên sưởi tiếp.
Ông già dội nước ở xô vào người, rồi dùng bình múc nước ở trong thùng gỗ đổ vào mặt lò xây bằng đá. Một tiếng xèo vừa dứt thì ngay lập tức một đám hơi trắng ùn ùn bốc lên trần, lan ra khắp nhà tắm. Akimốp nóng bỏng cả người. Anh ta rụt cổ lại, co rúm người. Ông Phêđốt đội mũ và đeo găng tay vào, ông cầm chiếc chổi bằng cành bạch dương đã được nấu chín trong thùng nước nhỏ và leo lên sàn tắm.
Ông vừa khà khà vừa quất đen đét vào người. Mỗi lẩn ông vung chổi lên thì Akimốp lại bị một đám hơi nóng làm rát cả da thịt. Anh rúc vào một xó, cảm thấy như mình bị ngạt thở. Còn ông Phêđốt thì cứ quất mãi quất mãi vào người. Nhưng này, ông già đã nhảy xuống khỏi sàn tắm, giật phăng chiếc mũ và đôi găng tay đã giữ cho ông khỏi bị bỏng, và mở toang cửa ra, ông chạy ùa vào đống tuyết. Vùng vẫy trong tuyết xong, ông lại nhảy phốc vào nhà tắm, dội thêm nước vào lò xây bằng đá rồi lại leo lên sàn tắm. Lúc này ông già quất vào mình một cách cẩn thận hơn và thưa thưa hơn.
- Thích quá! Chú mình ơi, tuyệt quá đi thôi! Lão đã tống hết những bệnh tật đi rồi! - Ông Phêđốt kêu lên.
Cuối cùng ông vứt chiếc chổi đi, tụt từ trên sàn tắm xuống, đến ngồi bên cạnh một chiếc chậu đặt trong góc nhà tắm.
- Ra mà tắm hơi, Gavơriukha! Nếu chưa đủ hơi thì để lão đổ thêm nước vào mặt lò.
Akimốp cầm lấy chiếc chổi, trèo lên sàn tắm. Hai tai, hai bên má, cổ bị cháy bỏng, mắt cay xè, anh nhắm tít mắt lại, nhưng cùng lúc đó từ đâu đó tận trong xương cốt toát ra toàn thân cảm giác dễ chịu và phấn chấn. Akimốp vung chổi lên, quất vào hai bẽn đùi, vào lưng, vào hai bên sườn mình. Nhưng việc làm đó đối anh vẫn là một việc làm quá sức. Anh tụt từ trên sàn tắm xuống chạy vội đến bên thùng đựng nước lạnh, hai bàn tay khum lại như hình gáo, vục nước trong thùng hất vào mặt.
Khi anh quay mặt lại, thì nhìn thấy ông Phêđốt trong ánh đèn dầu có một hình thù kỳ quặc, ông đứng từ gót chân lên đến cằm không còn là màu trắng nào nữa mà là đen thủi đen thui, tựa hồ như người ta vừa lôi ông từ trong ống khói ra. «Ông già làm sao thế không biết?» - một ý nghĩ lo lắng thoáng qua trong đầu Akimốp.
- Này chú mình ơi, hãy thử dùng cái thứ xà phòng taiga của chúng tôi đây xem sao. Tuyệt vô cùng!
Không đợi cho Akimốp đồng ý, ông Phêđốt đã bốc từ chậu một nắm bùn hồ và xát nó vào lưng Akimốp. Akimốp kéo chậu bùn gần về mình và sau một phút anh cũng lại thành người đen sì như ông già.
Họ ngồi trên chiếc ghế dài, hơ người cho khô. Ông Phêđốt kể rằng ông đã dùng bùn hồ để chữa bệnh tê thấp mà ông đã mắc phải trong những năm đi đày như thế nào. Akimốp vừa nghe vừa suy nghĩ: «Mình sẽ phải tự nghiên cứu toàn bộ những điều ông cụ kể mới được. Để khi ta hiện diện trước đôi mắt trong sáng của bác Likhatsiốp ở Xtốckhôn ta sẽ báo cáo lại với bác ấy mọi việc như nhà nghiên cứu thật sự về những kho báu của rừng taiga vùng Parabên».
- Thôi bây giờ chú tráng người đi và chú sẽ sạch sẽ như thiên thần ấy Gavơriukha ạ. - Ông Phêđốt bưng xô nước đổ xuống người Akimốp rồi lại múc một xô đầy nước nữa, lại đổ tiếp vào người anh.
- Ông cứ để cháu tự tráng lấy, ông Phêđốt. - Akimốp giãy nảy lên.
Họ trở lại căn lều và pha trà uống. Ông Phêđốt mời Akimốp món ăn: quả việt quất ngâm với mật ong hoa.
- Ông Phêđốt, lấy đâu ra được cái thứ mật ong hoa này thế? - Akimốp tò mò hỏi. Từ thuở bé anh chưa bao giờ được nếm thứ mật ong thơm như thế này.
- Ngay gần đây, bên cạnh hồ có một khu rừng cháy. Có lẽ cháy vì bị sét đánh. Bây giờ khu rừng ấy đầy hoa sinh mật. Mùa hè ở đấy suốt ngày tiếng ong vè vè. Lão bắt được hai tổ ong ở trong đất và lão chuyển nó vào hốc cây hoàn diệp liễu. Và chúng chịu! Mùa đông lão rắc rêu lên cho ấm.
- Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! - Akimốp ngạc nhiên.
- Còn đây, chú Gavơriukha, chú hãy nếm thứ cái món thịt này xem! Thế nào, theo ý chú thì đây là thịt con gì? - ông Phêđốt đẩy mảnh gỗ trên để những miếng thịt khô mầu đỏ sẫm về phía Akimốp.
Akimốp nhai thịt, mắt nhìn ông già có cái vẻ khó hiểu ngồi trước mắt mình.
- Thịt con gì ấy ạ? Hừm... Thịt bò! Mà không, khoan đã. Có lẽ là thịt lợn... Mà cũng có thể đây là thịt hươu...
- Thịt gấu đấy, chú mình ạ! Đầu tiên tôi ninh nó trong nồi rồi mới mang ra nắng phơi, sau cho vào chảo rán qua lại bằng mỡ lợn.
- Không thể nào bảo đây là thịt gấu được! Có một lần ở trên sông Kêti cháu đã ăn thịt gấu. Nó hôi như mùi chó ấy.
- Phải ninh nó cho kỹ. Cái mùi hôi sẽ bốc đi.
- Ông Phêđốt, thế ông có hay gặp gấu không ạ?
- Không hay gặp lắm, nhưng lão cũng đã từng săn được.
- Cả thảy độ bao nhiêu con ạ?
- Độ chừng hai chục. Mà cũng có thể hơn.
- Tại hang của chúng ấy ạ.
- Cả tại hang và cả đánh bẫy.
- Ông đi săn một mình à?
- Cũng có khi đi một mình. Cũng có khi thì đi với những người cùng hội. Ở Parabên chúng tôi có một thầy thuốc tên là Gôrbiacốp. Tôi từng đi với anh ta nhiều lần. Chú mình có quen biết gì với anh ấy không?
- Gôrbiacốp? Cháu không quen biết người nào tên như thế.
«Không biết có phải Gavơriukha giả vờ không quen biết gì với Gôrbiacốp, hay anh chàng thực sự là không biết thật. Thế mà anh ấy lại là người đóng vai trò chính trong việc cứu giúp chú mình đấy. Nếu như không có Gôrbiacốp thì con người yêu quý của ta ơi, chú đã chẳng còn thấy được tự do như không bao giờ thấy được đôi tai của mình ấy», - ông Phêđốt nghĩ, nhìn chăm chăm vào Akimốp.
- Hôm qua cháu đã định hỏi ông, ông Phêđốt ạ, hỏi xem vì sao ông lại cứ gọi cháu là Gavơriukha kia chứ? Có người nào đó bảo ông là phải gọi như thế hay sao? - Akimốp vừa húp nước chè vừa hỏi.
- Lão tự gọi vậy đấy chứ. Còn vì sao ấy ư? Có điều là chú mình đừng có giận. Ở Parabên lão có một người cùng hội, anh ta tên là Gavơriukha. Anh ta là một chàng trai không đến nỗi nào, không độc ác, chỉ hiềm một nỗi là ở đây của anh ta không hoàn toàn bình thường, - ông Phêđốt gõ gõ những ngón tay vào trán mình. - Vì thương hại anh ta, đôi khi lão đem anh ta đi săn. Anh chàng nói chung cần mẫn lắm... Bảo gì cũng làm ngay... Thế là lão mới nghĩ ra: nếu lão không gọi chú mình như vậy, mọi người sẽ thấy có gì là lạ. Và, lạy Chúa che chở, họ sẽ để ý, sẽ tò mò. Nhưng lão chỉ gọi là Gavơriukha. Tất cả đều biết tựa như lão với Gavơriukha vẫn có quan hệ bạn hữu với nhau...
- Thế bây giờ cái anh chàng Gavơriukha ấy đâu rồi?
- Lão Êpiphan Crivôrucốp thuê anh ta canh kho chứa cá cho lão ta từ giờ đến đầu xuân. Anh chàng sẽ sống ở phía bên kia sông. Nhưng mà có phải ai cũng biết cái chuyện đó đâu.
«Cái việc bố nghĩ ra tên Gavơriukha thì tốt đấy. Không biết là có ai dạy cho bố những nguyên tắc giữ bí mật không, nhưng tất cả việc đó ông làm rất hợp lý», - Akimốp nghĩ.
- Ông Phêđốt ạ, tên thực của cháu là Ivan. Nhưng nếu như ông vẫn cứ gọi cháu bằng Gavơriukha thì tốt hơn, - Akimốp nói, và một lần nữa anh lại cảm thấy đối với ông già anh có một niềm tin đặc biệt sâu sắc. - Thế còn cô gái đã dặn cháu tạm tránh vào trong lều, ông có biết không? - Akimốp phân vân mãi mới hỏi câu này.
- Con bé Pôlia ấy à? - ông già cười nhếch mép.
- Cô ấy tên là Pôlia ạ?
- Cháu gái của lão đấy. Đứa cháu độc nhất trên đời này của lão đấy.
- Thế cơ đấy! Cháu cảm ơn cô ấy đã không báo cho bọn vệ binh.
- Không ai dạy nó làm cái việc hèn hạ ấy, - ông Phêđốt nói bằng một giọng cương quyết, và nụ cười thoáng qua làm cho ánh mắt nghiêm khắc của ông dịu lại.
o O o
Đêm hôm ấy, sau khi tắm và uống nước chè với mứt quả việt quất ngâm mật ong, hai người ngủ rất say và yên giấc. Thế nhưng ý nghĩ trước tiên chợt đến với Akimốp khi anh trở dậy là một ý nghĩ không vui, một ý nghĩ chán nản: «Ta sẽ làm gì ở đây? Suốt ngày trò chuyện với ông già thì chẳng có chuyện gì và cũng chẳng có sức nào mà nói, còn ngồi mãi thì ta lại không quen...»
Ông Phêđốt tựa hồ như đã đoán được những ý nghĩ chua chát ấy của Akimốp. Mà thực ra chẳng có gì kỳ quặc ở đây. Dù sao thì ông Phêđốt cũng đã gần một phần tư cuộc đời mình sống như một con người bị tù hãm, bị trói chặt trong hoàn cảnh không có lối thoát. Ông dễ dàng có thể hình dung ra cảm giác của một con người cùng một lúc bị rơi vào tình trạng của kẻ trốn tù và bị tù hãm.
- Từ ngày mai trở đi, lão với chú mình sẽ đi săn, Gavơriukha ạ. Lúc này đúng vào mùa săn sóc. Và ta sẽ bắn cả chim. Ta săn cho ta và cho cả bọn lái buôn. Thêm nữa lão sẽ dẫn chú mày đi xem các hồ và các sông ngòi. Ta sẽ bắt cả cá tươi. Nếu như có bão tuyết, ta vẫn có việc của ta: trong kho lão có các vật liệu dự trữ để làm sọt. Thế nào chú mình?
- Còn thế nào nữa ạ! Ông biết đấy, ông Phêđốt ạ. Cháu đã ăn không ngồi rồi no chán ra rồi. Không thể chịu nổi nữa! Thế hôm nay mình sẽ làm gì? - Akimốp chỉ muốn đi làm ngay một việc gì thôi.
- Hôm nay thì công việc đến tận đỉnh đầu ấy, Gavơriukha ạ. Ta sẽ cưa củi, là một. Lều và nhà tắm phải dọn dẹp, là hai. Đặt lưới bắt cá diếc, là ba. Rồi sau đó là tối ập đến, ta đi nằm ngủ. Cũng là cần thiết. Không thể nào sống mà không ngủ được.
Ông Phêđốt nói chậm rãi, từ tốn, đôi mắt sáng, hơi có ánh biếc xanh của ông cười cười. Ông cụ đưa tay vuốt vuốt mái tóc quăn bạc trắng bồng lên sau buổi tắm gội chiều qua.
- Ông Phêđốt ơi, thế ông không biết lối đi thẳng từ đây về Tômxcơ hay Nôvônhicôlaépxcơ ư?
Ông Phêđốt đoán ngay ra là Akimốp suy tính điều gì: lại muốn chạy trốn tiếp. Chạy thẳng từ đây, từ rừng taiga của vùng Parabên này mà đi. Sự nóng lòng đang nung nấu Akimốp đối với ông thật là dễ hiểu, nhưng có lẽ không ai có thể hình dung nổi những khó khăn trong việc thực hiện ý định ấy như ông. Ở đây rừng taiga trải dài hàng trăm vecxta chưa từng có bước chân người đặt tới, rất khắc nghiệt, với những khoảng rừng dây leo mọc chằng chịt không tài nào qua nổi. Lại sắp đến những đợt rét vào cuối tháng Chạp đầu tháng Giêng rồi. Còn bão tuyết nữa chứ? Ở đây đôi khi có những cơn bão tuyết kéo dài và tuyết rơi nhiều đến mức trong làng chỉ còn nhìn thấy những chiếc ống khói mà thôi.
- Chú mình đừng có nghĩ đến chuyện ấy làm gì nữa. Chú hãy cứ thử nghĩ xem. Trên đường đi đến đây, đến hồ này, lão phải làm cái lều nghỉ giữa chừng có phải là thừa không? Chú mình nghĩ đến những chuyện không đâu rồi. - Ông già nói những lời ấy với một thái độ thuyết phục, tựa hồ như ông đã từ lâu suy nghĩ về chúng và đã quyết định một cách dứt khoát như thế rồi.
Akimốp nghĩ: «Lẽ tất nhiên rồi, đi trong rừng taiga mà lại không có bản đồ, không có người đưa đường và những công cụ chuyên môn - thì đó là sự mạo hiểm. Có thể mất đầu như chơi». Nhưng dù sao thì có một niềm hy vọng nào đó vẫn còn ấp ủ trong đầu. Biết đâu lại chẳng gặp được dân bản xứ, mà người ta thường gọi là dân «thiểu số»; dân Ôxchiác, Tunguxơ, Xêncúp. Họ sống ở những triền sông nhánh của Ôbi, đó là sông Vaxiugan, Keti, Tưm. Khi Akimốp đi thám hiểm cùng với giáo sư Likhatsiốp, họ vẫn thường gặp những con người của rừng taiga.
- Thôi đi, anh bạn ơi, trông cậy vào bọn họ thì nguy hiểm lắm, - ông Phêđốt nói để trả lời câu hỏi của Akimốp. - Họ có sống ở một chỗ nào nhất định đâu. Họ lang bạt lắm! Nói thí dụ, hôm nay chú mình ở với họ tại cửa sông Tưm, thế mà chỉ một hai tuần sau đã lại thấy họ ở sông Vaxiugan rồi. Mà thêm vào đó còn điều này nữa Gavơriukha ạ: không có một ai trong số họ đã đi xuyên suốt rừng taiga, họ không biết đường ra thành phố. Họ cần thành phố để làm gì? Họ chỉ về hội chợ ở Parabên, họ mua bán các thứ ở những làng lớn quanh đây... Không, không bao giờ nên tin cậy ở họ cả...
Nhưng Akimốp vẫn còn cố quanh co hỏi ông già một lần nữa:
- Ồng Phêđốt, có phải ở vùng này còn khá nhiều người theo cựu giáo? Chắc họ thì phải thuộc lòng đường đất! - Akimốp nhìn ông già không chớp mắt. Ông lão sẽ nói gì về điểm này kia chứ? Nhỡ ông cụ đã quên khuấy đi cái điều kiện có thể này thì sao? Ông Phêđốt xua hai tay, miệng phun phì phì như một chú mèo, vẻ giận dữ:
- Cái bọn tin vào thần thánh ấy à? Lão biết bọn họ lắm, biết lắm! Lạy Chúa đừng có rơi vào tay họ! Mình có chết rét ở ngoài sân họ cũng chẳng cho vào nhà. May ra mà họ cho được vào nhà tắm thì cũng đã là đáng cảm ơn lắm rồi. - Có lẽ cái «bọn người nhà trời» này ở đâu đó đã có lần đối xử quá tồi tệ với ông già. Ông nói về họ với một thái độ căm giận, trên má ông nổi lên những đốm đỏ, - Gavơriukha ạ, họ sống rất là kín đáo mà. Họ không cho những người bên ngoài biết về cuộc sống của mình. Họ có điều quy định như vậy. Họ là dân sống tăm tối, tàn nhẫn. Hãy tránh xa họ. Còn rừng và đường đi lối lại ở vùng này họ không biết. Họ chỉ biết việc đồng áng: ruộng cày, trâu bò. Họ không đi săn thú rừng, cả chim cũng vậy. Cá thì quả tình là họ có bắt. Và nói chung họ cố gắng sử dụng những đồ dùng tự mình làm ra, những thứ đồ đi mua họ cho là tội lỗi... Chỉ có muối là họ chịu mua thôi. Ừ, cả dầu thắp nữa. Còn về quần áo thì hoàn toàn không mua. Tất cả chỉ là do gia đình tự dệt lấy thôi...
- Thế làm sao mà ông lại biết về cuộc đời của họ như vậy, ông Phêđốt?- Akimốp hỏi và nghĩ thầm: «Như thế nghĩa là cả cách này cũng không được rồi».
- Lão có va chạm chút ít với cái cuộc sống đáng nguyền rủa của bọn ấy. Khi mà lão bị đày đến đấy, đến vùng Narưm này, lão ở vào tình trạng chỉ còn nước chui cổ vào thòng lọng nữa mà thôi. Cần phải có cái để mà ăn uống, nhưng chẳng có ai thuê lão. Chỉ vừa biết lão là kẻ bị đày từ Xakhalin đến thế là họ tống cổ lão ra khỏi cổng ngay. Và lúc ấy lão đi ngược lên dọc theo sông Parabên tìm đến với bọn người theo cựu giáo. Gần một năm trời lão ở cho bọn họ để kiếm cơm. Dĩ nhiên là lão vẫn sống ở nhà riêng. Không bao giờ lão bước chân vào nhà bọn họ. Lão cố gắng làm hết sức mình. Mùa đông. Biết đi đâu cho được? Rừng taiga, tuyết phủ khắp nơi và không tìm đâu ra cho thấy một bóng người. Có lẽ cha xứ của bọn họ ưng lão lắm. Hắn bắt đầu lôi kéo lão vào đạo tin của mình. Lão nghe hắn và vẫn nghĩ theo cách của mình: «Ừ, mày cứ hát mãi đi, cứ ca ngợi cái đạo tin của chúng mày đi, cứ nói láo mãi về cuộc sống của mình và về đức Chúa trời đi. Tao đã thấy hết cả cái thiên đường khổ sai của chúng mày rồi. Có lẽ nó chỉ hơn cái đời khổ sai ở Xakhalin một tý ty thôi. Khi mùa đông sau đến, lão lại chuẩn bị đi kiếm việc. Lão nghĩ, bây giờ thì dù sao ta cũng sẽ có một câu trả lời mới khi có ai thuê ta. «Từ đâu đến?» - người ta sẽ hỏi, - «Trước đây tôi làm cho những người theo cựu giáo». Thế là người ta sẽ chẳng căn vặn gì cho lắm về chuyện làm sao lại không sống nổi ở đấy. Thỉnh thoảng thôi, nhưng vẫn có những người bỏ bọn họ mà đi. Lão nói cho chú biết là bọn họ còn đánh đến chết những kẻ nào phản bội lại đạo tin của chúng kia đấy. Đến lúc ấy, thôi thì hoặc là sống hoặc là chết. Nếu chạy thoát - thì anh là con người hạnh phúc, còn nếu chúng đuổi được - thì đừng có mà van xin. Không thể có bất cứ một sự xót thương nào hết.
Lão thì lão không bị đạo tin của chúng ràng buộc, thế mà lão cũng vẫn cứ phải trốn đi, vào ban đêm, và lại vào cái đêm thời tiết thật khủng khiếp. Bây giờ thì chú mình thấy đấy, do đâu mà lão biết được cuộc sống của cái bọn «người nhà trời» ấy...
Akimốp chăm chú lắng nghe ông già Phêđốt kể, ý nghĩ lại vẫn như mọi lần. «Ông cụ thật là một người từng trải. Từng sống và từng thấy đủ mọi thứ trên đời. Có thể nhờ chính ông cụ đưa mình qua rừng taiga sang Nôvônhicôlaépxcơ hoặc qua những hồ vùng Vaxiugan sang Ômxcơ chăng?»!
Nhưng chỉ một phút sau Akimốp đã nhận được câu trả lời đầy đủ cho cả câu hỏi này, và tất cả những suy tính của anh về cuộc chạy trốn khỏi nơi đây, ra khỏi khu rừng taiga này, đều bị gạt đi như những suy tính hoàn toàn không thực tế.
- Lão còn nhớ, chú Gavơriukha ạ, - ông Phêđốt lại tiếp tục câu chuyện ông vừa kể sau một lúc im lặng, - trong cái đêm lão chạy trốn khỏi «bọn người nhà trời», lão đi một mạch không nghỉ ba mươi vecxta. Không biết vì sao mà lão lại không bốc thành lửa kia chứ lỵ. Đi, đi mãi. Tựa như có một sức mạnh nào đó đẩy phía sau lưng. Mặc dù biết rằng chẳng có ai đuổi mình ở phía sau, mà vẫn cứ cảm thấy lạnh cả người mỗi khi nghĩ tới cái hố của bọn chúng. Bọn chúng bắt bất cứ người nào phạm lỗi thả xuống hố ấy. Hố sâu chừng mười ácsin. Thành hố nhẵn, không thể bấu víu vào chỗ nào được. Nước từ đáy hố dâng dần lên như trong giếng. Chúng thả người xuống bằng cách dòng dây. Một cây sào nằm ngang dưới hố. Ngày hôm ấy phải đi cho tới lều của một người thợ săn tên là Kalixtrát. Ông ta sống một mình với bà già. Họ rất niềm nở với lão. Lão ngủ lại ở nhà họ. Sáng ra, lão nghĩ: «Đi đâu bây giờ? Hay là đi thẳng qua rừng taiga sang Tômxcơ? Ở đấy, bên cạnh thành phố, bọn lái buôn có nhiều chỗ nuôi ong. Họ sẽ mướn mình. Bọn này không chú ý lắm đến cái chứng minh của mình. Họ chỉ cần là làm cho thật lực vào».
Lão mới nghĩ, để ta thử hỏi ý kiến ông Kalixtrát xem. Ông ta biết rừng taiga hơn ai hết ở vùng Narưm này. Lão bảo ông già: hỡi con người đáng yêu, hãy giúp ta, hãy chỉ đường cho ta. Và thế là ông ấy đã kể cho lão nghe cả một câu chuyện dài. Có một người tù giàu có bị đày đến Parabên đã nhờ ông ta đưa đi trốn bằng đường rừng taiga. Thế là họ đi. Đi mãi đi mãi trong rừng. Và họ bị lạc. Và dù muốn hay không muốn họ cũng buộc phải tìm đường ra sông Ôbi. Sau khoảng hai tuần lễ họ lần mò ra đến cửa sông Tsulưm, vùng Môgôtsina, đói, rét, và mệt lử. Ở đây ngay đêm đầu tiên bọn vệ binh đã bắt được người tù trốn, còn Kalixtrát thì vội vàng chạy trốn về. Tất nhiên là người ta có thể bắt cả ông ta nữa chứ, nhưng ở đây không ai biết Kalixtrát, mà người tù hóa ra lại là người hào hiệp, nhất định không chịu nói ai là người đã cầm tay dẫn anh ta đi trong rừng taiga...
Akimốp đã hoàn toàn hiểu ra rằng anh chỉ có một con đường để ra khỏi cái nơi thâm sơn cùng cốc của rừng taiga này, đó là con đường mà Ban chấp hành sẽ nói cho anh biết khi nào thời gian cho phép. Mà không biết cái thời gian ấy đã sắp tới chưa? Cái đồ quỷ bắt! «Cần phải chờ đợi. Không đi đâu mà nóng ruột và không việc gì phải bận tâm với những ý định phiêu lưu mạo hiểm!» - Akimốp tự nhủ.
- Nào, ông Phêđốt, ông bảo cháu cần làm những việc gì trong nhà... Lều của ông rộng gớm... Ông sống với cả gia đình ở đây chứ?
- Lại là cả một câu chuyện dài đấy, Gavơriukha ạ. - Nụ cười nửa miệng làm dịu lại khuôn mặt dạn dày nắng gió dưới mái tóc bồng bềnh của ông già. - Cái lều này là do một lái buôn ở làng Ilinxcôiê dựng lên đấy. Hắn đốc đến đây năm bác nông dân. Trong hai ngày, họ làm xong căn lều này. Còn vì sao hắn dựng căn lều ở đây ư? Nghe đây này. Con gái hắn ta là Anphixa đã phải chữa một bệnh hiểm nghèo bằng bùn hồ.
- Thế rồi sao, cô ta đã khỏi bệnh rồi chứ ạ? - Akimốp hỏi với một thái độ hoài nghi, anh cho rằng cái chuyện ông già Phêđốt nói đây là thuộc loại những câu chuyện bịa đặt của những ông thợ săn.
- Thì đấy, chú mình cứ về Gôlêsikhinô mà xem tận mắt cái bà béo ấy. Không phải là người đàn bà nữa, mà là một bếp lò. Bề ngang to hơn cả chiều cao. - Ông già Phêđốt tự ái về thái độ hoài nghi không giấu giếm của Akimốp, nói với một vẻ thách thức rõ ràng. - Còn nếu như không có điều kiện nhìn thấy người đàn bà ấy thì đây, hãy nhìn vào cái lão mugích này. - Ông Phêđốt chỉ ngón tay vào ngực mình.
- Nếu như không có bùn thì lão đã liệt mất đôi chân từ lâu rồi, đã phải nằm trên giường đệm cho đến giờ phút chết. Thế mà như chú mình thấy đấy, cho đến lúc này lão vẫn cứ còn đi lại được.
- Vâng mà ông còn đi tới đâu nữa ấy chứ! Đến thanh niên cũng chả theo kịp. Lúc nào ông chỉ cho cháu xem cái hồ ấy nhé, ông Phêđốt. Cháu có một người quen biết rất tốt, phải nói là một người trong gia đình, đúng hơn đấy là ông bác về đằng mẹ. Ông ấy là một người am hiểu về những tài nguyên phong phú ở trong đất. Ông ấy đã từng có dịp đi lại cả ở vùng Narưm này. Cháu sẽ kể cho bác cháu nghe về cái hồ của ông. Biết đâu nó lại cần cho khoa học.
Akimốp nhận thấy ông già có vẻ vừa ý lắm. Thậm chí ông còn làm ra vẻ trịnh trọng, ưỡn cái ngực lép kẹp của mình ra.
- Lão sẽ đưa chú mình đi xem tất cả những nơi có dấu hiệu đặc biệt. Chỉ tiếc là tất cả đã bị tuyết vùi lấp mất rồi. Nhưng cũng không sao! Cái gì mà chú mình không nhìn thấy được lão sẽ dùng lời tả lại cho mà nghe... Ta đi thôi, bây giờ cần phải cưa gỗ ra làm củi.
Akimốp làm việc một cách thích thú. Sau khi hất hết đám tuyết phủ trên những khúc gỗ bá hương rất lớn, anh dùng một chiếc gậy thông to dài làm đòn bẩy lăn chúng về phía mái hiên lợp bằng ván gỗ thông nhỏ. Ở đây trên mặt tuyết còn thấy nhô lên những cái chạc gỗ mà ông Phêđốt vẫn thường đặt những khúc gỗ lên đấy để cưa ra làm củi. Trong khi ấy ông già đi dọn tuyết ở khoảng giữa hai cây bá hương định dùng làm chỗ chất củi. Chiếc cưa sắc ăn vào gỗ lem lém. Từng đám mùn cưa tuôn ra rào rào, thoang thoảng mùi nhựa tươi. Mùi thơm của nhựa hòa vào không khí giá lạnh, làm buồn buồn trong lỗ mũi, nhưng thở dễ và thoải mái hơn, cái không khí ấy làm cho Akimốp thêm phấn chấn. Hai tay cầm vào tay cưa, anh kéo nó về phía mình với một sự nỗ lực đặc biệt, hơi ấn xuống một tý rồi anh lại thả cho cưa lướt đi thoải mải, khi ông Phêđốt kéo cưa về phía ông.
Đã khoảng dăm năm nay Akimốp không sờ đến cái cưa, thế mà hóa ra những gì anh đã học được từ thuở nhỏ vẫn không đi đâu mất. Khi còn sống ở gia đình, mùa thu nào Akimốp cũng cùng với bố chuẩn bị củi đun. Mỗi mùa đông nhà Akimốp đốt hết mười xagiên củi thông và bạch dương loại tốt đế sưởi ấm căn nhà cũ kỹ, đã mục nát ở bốn góc nhà của mình.
- Chú mình đưa đẩy cưa khá đấy, - ông Phêđốt khen Akimốp.
- Cháu được bố cháu dạy cho đấy. Bố cháu là người kiểm lâm - người coi rừng, có cái chức vụ như vậy, ông ạ.
- Có chứ, lão biết! Ở Nga cái chức vụ ấy cũng nổi đấy. Để mắt đến những cánh rừng. Có điều ở đây, ở vùng Narưm này, không có nhu cầu về người coi rừng. Có hàng bể rừng. Cả chúa trời, cả quỷ sứ đều chẳng sao đếm nổi.
Nhưng dù vậy qua thử thách thì hóa ra Akimốp không dẻo dai bằng ông già kia đấy! Đến khúc gỗ thứ hai thì hai tay anh đã mỏi nhừ. Anh đè nặng lên cưa, kéo cưa về phía mình một cách khó nhọc. Nhưng Akimốp không muốn thú nhận là mình đã mệt rồi. Anh cứ cố đợi cho đến lúc ông già đề nghị nghỉ. Mà quả thực, ông Phêđốt là người rời tay khỏi cưa trước, có điều ông lại bảo:
- Chú mình nghỉ đi. Làm việc gì cũng phải được luyện rèn.
- Tay cháu nó cứ nằng nặng ở chỗ này này. - Akimốp thú nhận và chỉ vào cẳng tay.
- Thế thì sao nào? Chúng ta chẳng đi đâu mà vội và cũng chẳng việc gì phải làm cố một cách không cần thiết. Ngày giờ còn đó!
Họ làm việc cho đến bữa cơm trưa. Akimốp tuy có hơi mệt mệt nhưng cảm thấy người sảng khoái.
o O o
- Thế nào, Gavơriukha, ta có nên ra sông Ấm mà bắt cá không? - ông Phêđốt nói, sau khi đã dọn dẹp xong bát đĩa.
- Có chứ, ông Phêđốt, cháu sẵn sàng rồi ạ.
- Chắc là chú mình ngồi đến phát chán lên trong cái lán đất khúc sông lấp ở Gôlêsikhinô rồi chứ gì, chắc là buồn chân rồi chứ gì? - ông già cười nửa miệng.
- Chân thì còn chịu được! Mắt cháu phát ngán lên vì cái cảnh vật quá đơn điệu.
- Đúng là như vậy đấy! Xakhalin cũng đã từng làm cho lão ngán biết là dường nào! Lão nhớ là lão cứ nhìn lên trời suốt. Dù sao thì ở đó mình còn thấy được có đám mây bay qua, nó không giống cái đám mây khác, hoặc bỗng nhiên mặt trời lấp lánh. Còn ở dưới đất thì thế nào? Ba phía tường đất vây, và lối ra đi thẳng vào thung lũng hẹp. Từ chỗ ở đến chỗ làm: hai vecxta đường đất. Mỗi ácsin nhìn đều chán cả mắt ra rồi.
Vừa nghe ông già nói, Akimốp vừa ngắm nhìn ông với vẻ băn khoăn. Ông lôi từ trong nhà kho ra một chiếc xe có bàn trượt lớn ngang với chiếc bàn trượt tuyết, ông đặt lên xe một chiếc gầu đan bằng dây thép, cán dài, một chiếc mai và một bao tải không. Ông lấy giây buộc tất cả những thứ đó vào xe trượt.
Chức năng của chiếc xe mà ông già gọi là xe chó kéo, thì Akimốp đã rõ rồi: người ta dùng xe đó để vận chuyển mọi thứ đồ đạc. Xe này có thể chở được toàn bộ đồ đạc trong lều của ông Phêđốt - nó rộng đến như thế, nhưng ông già mang theo chiếc gầu đi làm gì thì điều đó Akimốp còn chưa hiểu được.
Khi hai người đã lên đường, Akimốp không yên tâm vì thấy họ chưa mang theo một thứ lưới nào cả nên đã nói với ông già:
- Thế còn lưới nữa, ông Phêđốt, mình có quên lưới không đấy ông?
- Quên thế nào, mang đi rồi! - ông Phêđốt không ngoái đầu lại, trả lời.
«Mang lúc nào nhỉ? Lưới gì mà lại mắt thường không thấy được ấy?» - Akimốp thầm ngạc nhiên. Anh đi bằng bàn trượt tuyết ở phía sau chiếc xe, mà ông Phêđốt kéo đi bằng một sợi dây. «Có lễ ông già mang theo lưỡi câu đút ở trong túi áo», - Akimốp nghĩ và thấy yên tâm khi nhớ ra là lúc sáng anh có thấy ông già bày một loạt lưỡi câu ra tấm bảng để lựa chọn.
Con sông Ấm hóa ra ở rất gần. Đi bộ có lẽ chưa đến một tiếng đồng hồ thì ông Phêđốt đã kìm dần xe lại và nói:
- Đây, cái sông Ấm nó đây rồi! - và ông đưa tay chỉ sang phía bên.
Akimốp có cảm giác rằng dù cho cái con sông Ấm nó «đây rồi», thì cũng còn phải đi chán mới đến nơi. Bởi vì cái chỉ tay của ông Phêđốt quả là chẳng có gì rõ ràng cả. Nhưng ông già trượt xuống một chỗ đất trũng rồi dừng lại, Akimốp không kìm được đà của hai chiếc bàn trượt và đã vấp vào xe.
- Đến nơi rồi, Gavơriukha, cởi bàn trượt ra thôi, - ông Phêđốt nói.
- Thế sông đâu kia ạ? - Akimốp hỏi, đưa mắt nhìn quanh vùng đất trũng tuyết phủ đầy.
- Kia kìa, nó lượn vòng lách theo các bụi cây.
Chỉ đến lúc này Akimốp mới nhìn thấy một giải đất hẹp và sạch len lách qua các rặng anh đào, thùy liễu, dương liễu.
- Ông Phêđốt, sao con sông này lại gọi là sông Ấm ạ? - Akimốp tò mò hỏi, vì anh nhớ lại ngày bác Likhatsiốp đi thám hiểm theo dọc sông Keti cũng cứ hỏi căn hỏi vặn những người địa phương để xác định nguồn gốc của những tên này tên khác, khi mà những cái tên ấy có gì đó làm ông chú ý.
- Thế còn có cách nào khác để mà gọi nó nữa kia chứ hở chú mình! - ông già kêu lên. - Suốt cả dòng của nó đều là nước nóng, từ đầu nguồn đến cửa sông. Chú mình ngồi xổm xuống đây mà xem này! - ông Phêđốt ngồi xổm xuống đất, hết nhìn sang phải, lại nhìn sang trái.
Akimốp cũng ngay lập tức ngồi xuống bên ông cụ. Qua đám cành cây trơ trụi Akimốp nhìn thấy cả ở bên phải lẫn bên trái mình những làn khói nhẹ bốc lên trên mặt tuyết.
- Hơi bốc lên qua những khe hở. Trời càng lạnh thì càng nhiều hơi bốc lên, - ông già giải thích.
«Cần phải nhớ kỹ hoặc ghi lại tất cả những điều này... Ghi vào một cái bảng gỗ thôi cũng được. Bác Likhatsiốp sẽ cảm ơn...» - Akimốp nghĩ thầm trong óc.
- Mùa đông, Gavơriukha ạ, - ông Phêđốt tiếp tục, - hình như bọn cá ở dưới lớp băng khổ sở lắm... Chật chội quá. Và chúng lao như điên đến những chỗ khe hở.
- Có lẽ là vì nước dưới băng ít dưỡng khí quá, - Akimốp nói to lên suy nghĩ của mình và bắt gặp cái nhìn đầy vẻ ngạc nhiên của ông Phêđốt, anh giải thích điều suy nghĩ của mình một cách đơn giản hơn: - Cá nó thiếu không khí... Nó phải thở mới sống nổi mà.
- Chứ còn thế nào nữa! Chúng có cái mang chỉ là để làm việc ấy thôi mà lỵ, - ông Phêđốt nói rõ thêm và ông lấy chiếc gầu từ trên xe xuống, rồi bước đi trên tuyết qua các bụi rậm đến bên một khe hở.
Akimốp cầm lấy chiếc mai và vội vàng đi theo ông già.
Ông Phêđốt dừng lại ngay bên cạnh khe hở mà ông gặp đầu tiên. Ông giẫm chân cho tuyết ở xung quanh mình dẹp xuống, rồi ông bước lên đứng ở mép bờ sông mới chớm đóng băng và lấy tay nhè nhẹ gạt những mảnh băng nhỏ ra khỏi khoảng nước đang bốc hơi, rồi ông thả chiếc gầu xúc xuống sâu dưới nước. Ngồi xổm xuống, ông cầm cán gầu dê đi dê lại, hai tay chuyền nhau rất nhanh chiếc cán gầu, rồi nhấc gầu lên khỏi mặt nước. Đầy chặt một gầu cá dày. Khi ông Phêđốt nhấc chiếc gầu xúc lên định đổ cá ra đám tuyết đã bị giẫm dẹp xuống thì chiếc cán gầu cong lại vì quá nặng, thậm chí nó còn kêu đánh rắc một cái. Ông già vội vàng lia chiếc gầu.
- Ôi, ôi, bao nhiêu là cá! - Akimốp kêu lên hết sức ngạc nhiên vì những gì đang diễn ra trước mắt mình.
- Cá ở đây thì vô số, Gavơriukha ạ. Nhưng chỉ có điều ta chẳng giết phí chúng làm gì. Lão sẽ đánh lấy độ nửa bao tải - thế là đủ, bao giờ ăn hết ta lại đến đây một lần nữa. Chỉ tội hơi nhỏ, nhưng lại ngon, ngon không thể tả được!
Ông Phêđốt lại hạ gầu xuống khe hở và nhấc lên, lại một gầu xúc đầy cá. Sau đó chiếc gầu biến xuống nước một vài lần nữa và lại được nhấc lên với đầy gầu cá.
Trong khi Akimốp và ông Phêđốt ngồi chậm rãi hút thuốc thì băng giá đã làm xong công việc của mình. Cá rắn lại như đá. Hai người nhặt cá bỏ vào trong bao tải, đưa bao tải lên xe, rồi lên đường về lán.
Trên đường về ông Phêđốt kể cho Akimốp nghe về những nơi hấp dẫn nhất của rừng tai ga xa.
- Này Gavơriukha, đến hôm nay lão sẽ còn đưa chú mình đi đến cái đầm Hôi thối nữa kia... Đến đấy không xa lắm, khoảng chừng bảy tám vecxta thôi... Mà nói cho đúng nó cũng chẳng phải là đầm mà là cái của quỷ gì ấy.
Ông Phêđốt bằng câu chuyện của mình đã gợi trí tò mò của Akimốp. «Chẳng có việc gì làm thì thay vào đó ít nhất ta cũng phải làm quen thật sự với taiga. Thiếu gì chuyện có thể xảy ra, biết đâu một lúc nào đó những điều ta tìm hiểu được lại chẳng trở thành cần thiết đối với ta», - Akimốp nghĩ.
o O o
Sáng ra anh xin ông Phêđốt gác mọi công việc ở lán lại để đi đến cái đầm Hôi thối.
- Thế nào, chú mình muốn ngửi mùi phải không? - ông già cười, nhìn Akimốp với đôi mắt vui vẻ hẳn lên. - Nào ta đi thôi, đi thôi. Rồi chú mình sẽ chạy cuống lên, sẽ gác chân lên cổ mà chạy như người phải bỏng khỏi cái nơi bẩn thỉu ấy cho mà xem.
- Thế nhưng, ông Phêđốt, cái mùi thối ấy từ đâu mà bốc lên kia ạ? Do đâu mà có được? Mọi người họ nói gì về hiện tượng này? - Akimốp hỏi và cảm thấy mình có một sự thích thú đặc biệt trong việc tìm hiểu cái đầm lầy kỳ lạ này.
- Người ta nói đủ chuyện. Vì dốt nát nên còn chuyện gì mà người ta không bịa đặt ra để nói về cái đầm Hôi thối ấy... Nhưng nói cho đúng thì chưa ai đã đi đến tận nơi. Nó hãy còn là điều bí mật...
- Thế nhưng dù sao thì mọi người đã giải thích về nó như thế nào? - Akimốp vẫn chưa chịu thôi.
- Đây này, câu chuyện là như thế này. Người ta kể rằng từ cái thời xa xửa xa xưa nơi đó là biển kia. Và ở biển ấy có những con cá - là những con thú dữ, trông tựa như con ngựa ấy, chỉ có điều nó phải lớn gấp mười lần ngựa. Và nơi đó là nơi ở mà chúng ưa thích nhất. Có một lần không hiểu sao bất thình lình trời nổi cơn dông. Một cơn dông lớn đến mức chỉ nghĩ đến cũng đã phát khiếp lên rồi. Chớp lóe lên, một tiếng sét inh tai, và từ trên trời một tảng đất vô cùng lớn trút xuống. Nó vụn ra thành cát bụi và lấp kín chỗ biển mà các giống vật bẩn thỉu ấy ưa thích. Thế là tất nhiên cái chỗ ấy thối ra. Biển cũng chạy mãi ra xa tít mù tắp. Và từ khi ấy nó cứ thối mãi ra, và không làm sao cho hết thối được... Nhân dân người ta đồn tựa hồ như có một ông già muốn đào xem cái giống vật thối tha ấy nó ra sao, ít ra thì cũng nhìn thấy cái xương của chúng. Đào mãi, đào mãi, và đã chết ngạt. Từ đấy không còn ai muốn làm cái công việc bẩn thỉu ấy nữa.
- Một giả thuyết hay... rất hay. Và nó đặc biệt hay vì trong giả thuyết có cơ sở hiện thực. Sự thối rữa của những cơ thể sống quả có thể phân hủy thành khí, mặc dù tất nhiên những con cá ngựa chỉ là chuyện hoang đường. - Akimốp nói, lại một lần nữa, mà có lẽ là lần thứ một trăm rồi, anh tiếc rằng mình không có giấy để mà ghi chép lấy một vài điều gì đó cho mình sau này và cho bác Likhatsiốp biết. - Thế còn có những cách giải thích như thế nào nữa hả ông? - Akimốp hỏi.
- Không thể nào mà kể hết được tất cả đâu, chú mình ạ. Cái gì thì không biết chứ những thằng nói phét ở trên đời này thì làm gì có ai gieo, ai gặt, chúng nó tự sinh ra thôi. Năm ngoái ở Parabên lão gặp một bà cụ mà lão vẫn quen biết. «Chào ông Phêđốt!» - bà cụ nói. «Chào bà Ôlimpiađa!» - lão nói. Đột nhiên bà ấy hỏi lão: «Hôm chủ nhật ông có đến nhà thờ không?» - «Không, - lão trả lời, - tôi chẳng có thì giờ mà nghĩ đến lễ bái, công việc nó bó buộc». - «Ôi ông Phêđốt, - bà ta nói, - ông không đến thật là phí. Có cha về giảng đạo». - «Thế thì cha đã khoác lác những điều gì nào?» - lão hỏi. - «Những cơn dông đen đặc đang kéo đến nơi mình ở đấy, ông Phêđốt ạ», - bà cụ nói. «Thế thì đã sao nào?» - lão hỏi. «Lúc đầu thì cha trích đọc trong sách thánh, sau thì cha giải thích thêm. Hóa ra là có những con quái vật đầu ngựa đuôi cá từ trên trời rơi xuống nơi mình ở. Trời đầy chúng xuống, cái bọn bẩn thỉu ấy. Vì vậy mà, - cha nói, - ở đầm Hôi thối không bao giờ hết cái mùi rùng rợn ấy. Nếu chúng ta không chịu khó đi lễ để cầu trời thì cái vong hồn chó má nó sẽ đè nát chúng ta như đã đè nát ông già từ Côxtarêvô đến, cái con người muốn đào những cái xương ở đầm lên xem ấy». - «Có phải sau đó cha đã tổ chức quyên góp tiền không?» - lão hỏi bà cụ. «Sao lại không, - bà cụ nói, - nhất định là tổ chức rồi. Nhà thờ đã đến lúc phải tu sửa. Gác chuông đã xiêu vẹo». Thấy không, Gavơriukha, ở đây những chuyện hoang đường như thế cứ truyền tụng từ miệng người này sang miệng người khác đấy...
Ông Phêđốt cười. Akimốp liếc nhìn ông già và anh khẳng định là ông hoàn toàn không tin vào những điều tưởng tượng quá quẩn ấy, anh nói:
- Những cơn dông đen đặc... Trời quẳng những con quái vật từ trên trời xuống... Mùi hôi thối... chó má... Hừm... Phải là người dũng cảm mới không tin vào những chuyện lẩm cẩm ấy!
- Người ta tin đấy, Gavơriukha ạ! Cứ thử hỏi ngay những bác thợ săn: có bao nhiêu người trong số họ đã từng đến đầm Hôi thối? Không phải là nhiều đâu! Còn e sợ kia mà!
- Dù sao thì ta cũng cứ đến, ông Phêđốt ạ!
- Ừ thì đi thôi! - ông Phêđốt lại nhếch miệng cười và kêu lên.
Theo tưởng tượng của Akimốp thì ông già tất nhiên là có rút ngắn đoạn đường đến đầm Hôi thối, khi ông nói từ lán của ông đến đấy chỉ chừng bảy tám vecxta thôi. Họ đi liên tục chừng ba tiếng đồng hồ, đi khá nhanh, thỉnh thoảng lại chuyển sang chạy vì đường đi quãng ấy dốc xuống thoai thoải và bàn trượt chạy băng băng như đi qua những đám tuyết vừa kết rắn lại khi trời ấm.
Khi còn khoảng độ hai ba vecxta nữa thì đến đầm Hôi thối, Akimốp nhận thấy rừng già bắt đầu thưa dần và sau đó thì hoàn toàn không còn nữa. Bây giờ trước mắt anh là một thung lũng mọc đầy những cây thông cằn, và một nửa trong số ấy đã khô xác khô xơ. Chỗ này chỗ kia trên mặt tuyết nhô lên những chiếc rễ cái khổng lồ của những gốc cây cổ thụ nằm chổng ngược lên trời và những đỉnh mô đất tròn phủ đầy những rác rưởi đen ngòm.
- Đấy, nhìn đấy, Gavơriukha. Ở đây là bắt đầu đầm Hôi thối, còn đến đâu nó hết thì có quỷ biết. Đi qua cái đầm này thì tất nhiên là không ai dám liều rồi, còn đi vòng quanh nó thì lão đã thử một lần. Hai ngày trời lão đi quanh mép - thế mà cũng chỉ công toi. Không tài nào đi vòng quanh nổi, lão đành quay trở lại...
Akimốp chăm chú xem xét cảnh vật ở đầm Hôi thối. Nó chẳng có gì là hấp dẫn cả, trông như là một bãi tha ma lâu ngày không có người chăm sóc, nhưng nhìn những chỗ đất lộ ra khắp nơi, nhìn những lằn khói tỏa lên từ ở một nơi nào đó dưới những gốc cây, nhìn những dải nước chưa đóng băng, ta cảm thấy rằng cả cái vùng bình nguyên bị tuyết phủ này đang sống một cuộc sống kín đáo, bí hiểm. «Một điều bí ẩn của thiên nhiên! Giá mà dẫn được bác Likhatsiốp đến đây. Không biết bác sẽ có dự đoán như thế nào về nơi này...» - Akimốp nghĩ.
Họ đi thêm khoảng chừng nửa vecxta nữa thì ông Phêđốt đang đi phía trước bỗng dừng lại.
- Đây, Gavơriukha, hết rồi! chú mình có đi tiếp thì đi một mình, còn lão thì đứng đây thôi. Cái mùi thối này làm lão nhức đầu lắm.
Một cái mùi nồng nặc khó chịu đã lan đến chỗ họ.
- Được rồi, ông đợi cháu tý, ông Phêđốt nhé, - Akimốp nói và vung mạnh hai tay trượt nhanh tới một cây gần nhất.
Ông Phêđốt nhếch mép cười nhìn theo Akimốp vì ông đã biết trước cái gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Akimốp nín thở trượt thật nhanh đến một trong những gốc cây và cúi xuống xem xét. Nhưng sức lực dự trữ của anh chỉ đủ để chịu đựng trong vòng một hai phút. Cái mùi rất nặng lại thêm vị cay cay tê tê làm ta tức thở. Mạch máu hai bên thái dương giật giật, mắt hoa lên, tối sầm, đầu óc quay cuồng. Akimốp nhảy lùi lại khỏi gốc cây và ba chân bốn cẳng chạy trở ra.
- Ngửi thử rồi chứ, Gavơriukha? Thế nào! Khà-khà-khà! - ông Phêđốt cười ngặt nghẽo.
Còn Akimốp thì chạy cho nhanh khỏi cái gốc cây, thậm chí không thèm quay nhìn lại lần nào.
- Thế nào, chú mình thấy thế nào? - ông Phêđốt hỏi, khi Akimốp đã trở ra gần đến nơi.
- Không có khoa học thì không thể nào đoán định được về cái đầm này. Ở đấy khí độc dày đặc. Nhưng vấn đề là ở chỗ khác kia: thứ khí độc ấy là khí gì, nó từ ở đâu bốc lên? Có thể thứ khí này là kết quả của sự thối rữa của thế giới động vật và thực vật từ những thế kỷ trước, mà cũng có thể lại như thế này: trên mặt đất có những chỗ rạn nứt, và bằng những con đường mà không ai biết nổi, thứ khí tự nhiên từ trong lòng đất bốc lên. Có quỷ mà biết được... Cháu chịu không biết được, ông Phêđốt ạ... - Akimốp vung tay lên trước mặt vẻ thất vọng và nhìn vào mắt ông già anh cười ngượng nghịu.
- Đấy, nó là như thế đấy, - ông Phêđốt tặc lưỡi và nhìn Akimốp bằng đôi mắt nghiêm khắc, tiếp tục đứng trong cái dáng vẻ suy nghĩ, rồi ông nói nhỏ: - Ở đây thì mỗi bước chân để lại một điều bí ẩn. Còn một chỗ nữa rất là buồn cười. Chỗ ấy cách lán của ta chừng nửa ngày đường. Ở đấy, trong rừng thông, có một thằng nói dối...
- Thằng nói dối là thế nào kia ạ? - Akimốp chưa hiểu câu chuyện.
- Thì nó là thế này. Chẳng hạn như ta hét: «Này, Gavơriukha, lại đây!». Thì nó trả lời ta: «Cậu lại đây. Tôi đang đợi!»
- Thôi đi, ông Phêđốt ạ, cháu chả tin chuyện ấy đâu. Toàn là chuyện hoang đường cả!
- Đừng có tin. Lão cũng đã từng không tin, cho đến khi cái thằng nói dối ấy nó chưa đánh lừa lão.
- Thế là thế nào cơ ạ? - Akimốp hỏi giọng đã bớt vẻ hoài nghi.
- Bọn lão một nhóm mấy người đi nhặt quả cây bá hương ở gần nơi thằng nói dối ngự trị. Bọn lão có cả lán nghỉ ở đấy. Và thế là có một lần lão về lán nghỉ chậm hơn giờ quy định. Trời đã nhá nhem. Lão thì nhớ đường đất rõ lắm, nhưng thế mà lúc trời tối vẫn cứ lạc. Đi mãi, đi mãi, rồi mới nhận ra mình lạc rồi. Lão mới đứng lại và bắt đầu hét: «Mitrôphan! (Đấy là tên của một người trong số bạn đi nhặt quả của lão.) Anh ở đâu? Trả lời tôi đi!» Và lão nghe thấy: «Ối, chúng tôi ở đây!» Theo tiếng trả lời thì lão thấy rằng mình đã đi cách lán nghỉ khá xa, nhưng biết làm gì, ngủ trên mô đất thì không ngủ được rồi. Lão cứ chiếu thẳng nơi phát ra tiếng nói mà đi. Đi mãi, đi mãi, lão mới nghĩ ta thử hét một lần nữa xem sao. Thế là lão hét. Mitrôphan lại trả lời từ một phía khác hẳn. «Cái đồ chết tiệt, thế có lẽ mình lại đi quá mất rồi», - lão nghĩ và lại đi đúng vào chỗ có tiếng trả lời. Đi mãi, đi mãi, chẳng thấy lán nghỉ đâu cả. Lão lại hét lần nữa. «Thế cậu đi loăng quăng ở đâu mãi thế?» - Mitrôphan gắt gỏng. «Gớm, thôi may quá lán nghỉ ngay đây rồi», - lão nghĩ vậy và tuy đã đói và mệt đến mức lảo đảo cả người, lão vẫn cố giữ hai chân cho vững. Lão đi và vẫn cứ đợi: ta sắp sửa nhìn thấy đống lửa sau đám cây rồi. Lão đi rất nhanh, quần áo đã rách bươm vì vướng phải cành cây, mà vẫn chẳng thấy lán nghỉ đâu. Lão đã thất vọng, lấy hết sức để hét: «Mitrôphan! Thế cuối cùng thì anh ở chỗ nào kia chứ?» Lão lắng nghe: im lặng. Không một tiếng động. Lão hét một lần nữa. Và đây lão lại nghe thấy tiếng Mitrôphan như là từ một đáy giếng nào vọng lên. Rất nhỏ, nhỏ lắm: «Ối! Chúng tôi ở đây. Đang đợi anh đấy!» Tôi hiểu rằng mình không thể nào đi tới lán nghỉ được nữa, mình kiệt sức rồi. Lão quăng bao tải quả bá hương xuống đất, nhóm lên một đống lửa và ngồi xổm mà đợi sáng.
Vừa tảng sáng lão đã lên đường. Ban ngày tìm đường nhanh hơn lão tưởng nhiều. Và hóa ra chỉ một tay với là đến lán. Lão về đến nơi. Lão đánh thức cả bọn dậy và kể cho họ nghe câu chuyện của mình. Họ đưa mắt nhìn nhau, và Mitrôphan nói: «Thế mà chúng tôi có nghe thấy tiếng anh đâu và chẳng nói gì với anh cả». - «Sao lại thế được, - tôi nói. - Vậy thì ai là người đã trả lời tôi suốt cả đêm qua?». Họ ngạc nhiên ra mặt. «Anh nghĩ thế nào thì nghĩ chứ còn chúng tôi từ tối đến giờ chẳng có ai ngồi dậy khỏi giường, chẳng có ai ra khỏi lán lấy một phút một giây cả». Để cho lão tin, những người bạn của lão đã lạy Chúa và làm dấu. Bây giờ thì cả tôi cũng tái mặt đi. «Thế đấy, kỳ quặc thật! Mọi người thì ngủ thin thít, thế mà tôi thì cứ cố mà đi về phía có tiếng họ trả lời. Trong việc này tôi không thể nào nhầm được kia mà, chính tai tôi nghe thấy nhiều lần». Lão thấy rõ những người bạn của lão ỉu xìu hẳn đi. «Này các cậu ơi, - Mitrôphan nói, - chúng mình chuồn khỏi nơi này đi, bây giờ còn chưa muộn. Có lẽ là Chúa của khu rừng taiga đã xuất hiện rồi đấy. Người ta nói là ngài có thể bắt chước bất kỳ một giọng nói nào của người, của súc vật hay của loài chim».
Lão gàn mọi người nhưng cũng không có vẻ gì là kiên quyết, chính lão cũng thấy hãi hãi nghĩ rằng may mà ngài đã không đè chết lão ở cái mô đất ấy. Nói tóm lại là ngay trong ngày hôm ấy, bọn lão đã đi khỏi khu rừng thông ấy. Nhưng dù sao thì trường hợp này đã làm cho lão phải nhớ mãi. «Làm sao lại có thể như thế được? Mình không tin có thần, có quỷ, thế mà ở đây thì có lẽ đành chịu. Không, không thể để thế này được». Lão kể chuyện ấy cho anh y sĩ Gôrbiacốp nhà lão nghe. Anh ta cười và nói: «Bố ơi, chắc là hôm ấy bố uống hơi nhiều đấy». Lão nói: «Tôi không hề uống một giọt nào. Tôi kể cho anh nghe mọi chuyện ấy như kể với một con người am hiểu về khoa học, chứ không phải để anh diễu tôi đâu». Và thế là cả Gôrbiacốp cũng bắt đầu nghĩ ngợi. Anh ta hứa với lão là hễ có dịp nào anh ta phải đi vùng rừng xa, thì sẽ cùng đi với lão đến thung lũng thông để tự anh ta xem xét về việc có cái thằng nói dối nào đấy sống ở vùng này.
Lão đợi Gôrbiacốp chừng hai năm. Cuối cùng thì một trường hợp cần thiết đã đến. Bố con lão nghỉ ở lán được chừng vài ngày thì lão nói với anh ta: «Thế anh có nhớ không, anh đã hứa với tôi rồi, anh hứa là sẽ đến thung lũng thông mà». - «Con nhớ chứ, - anh ta nói, - bố dẫn đường đi». Thế là chúng tôi đi. Anh Gôrbiacốp là một anh chàng đi bộ rất cừ, không biết mỏi. Bọn lão đến nơi. Bắt đầu hét. Tiếng vọng vẫn là tiếng vọng. Hét càng to thì tiếng vọng cũng càng to. Gôrbiacốp bắt đầu đưa lão ra làm trò cười. «Lúc ấy, - anh ta nói, - không phải ma quỷ gì đâu, mà con đã nói là bố quá chén đấy. Cái anh say thì, - anh ta nói, - có đến hàng đàn quỷ anh ta cũng nhét nổi vào một cái chai nữa là». Tất nhiên là tôi xấu hổ quá, nhưng đầu hàng thì tôi không muốn. «Này anh Phêđo, - lão nói, - ta sẽ đợi đêm xuống xem sao. Khi việc xảy ra cũng là vào ban đêm». Anh ta nói: «Vâng, thì đợi». Ý như là bây giờ thì cũng chả kịp trở lại lán nghỉ trước khi trời tối nữa. Thế là ở lại. Dựng vội lên một chiếc lán, đốt một đống lửa, đun một ấm trà. Nhìn ra tối đã ập đến. Anh ta cầm theo khẩu súng đề phòng trường hợp bất trắc và đi thẳng đến bên bờ sông. Một giờ trôi qua, rồi hai giờ, mà vẫn không thấy anh ta trở về. Tôi đã sốt ruột đứng ngồi không yên. Tôi cứ nghĩ, khéo không lại gặp gấu thì khốn. Nó cào cho một cái thế là hết đời anh y sĩ nhà tôi. Bỗng tôi nghe thấy có tiếng chân đi, cành cây khô gẫy răng rắc dưới chân, lá khô lao xao, những chú chim hoảng hốt trong đêm tối bay loạn xạ.
«Gớm, mãi mới tìm được chỗ bố, - anh ta nói. - Tựa hồ như bố từ ở phía bên kia của thung lũng trả lời con».
Những lời anh ta nói làm tôi rất ngạc nhiên.
«Anh Phêđo, từ lúc anh đi đến giờ tôi có nghe thấy tiếng anh lần nào đâu, còn tôi đến há mồm để mà ngáp tôi cũng chưa há lần nào».
«Không thể nào lại như thế được! Con gọi to: «Bố ơi, bố ở đâu đấy?» - Còn bố thì trả lời: «Ối, bố ở đây, Phêđo».
«Tôi thề là tôi vẫn ngồi im thít như người bị ma ám».
«Thật là khó hiểu! Ta thử cùng đi xem!» - chàng y sĩ nóng ruột.
Thế là cùng đi. Hai cha con lão bước sát bên nhau. Khi len lỏi vào đến giữa rừng sâu, anh Gôrbiacốp bắt đầu hét: «Này, ai là người đã trả lời tiếng gọi của tôi đấy? Hãy nói tên mình cho tôi biết!». Hai cha con lão lắng nghe - có tiếng trả lời: «Tôi tên là Ivan!» - «Anh ở với ai, hả Ivan?». Tiếng trả lời: «Tôi sống một mình!». Bọn lão hét: «Đến đây với chúng tôi!». Tiếng trả lời: «Tôi sẽ đến!». Cha con lão đợi mãi, đợi mãi, chẳng thấy ai. Từ đấy cho đến sáng lão với anh Gôrbiacốp không biết làm gì nữa. Và ra về không được việc gì cả. Gôrbiacốp là người hiểu biết như thế mà cũng tắc tị trước điều bí ẩn ấy. Tựa hồ như anh ta mà lại tin vào thần rừng thì chẳng còn ra thế nào: dù sao anh ta cũng đã được học hành không ít, đã chữa bệnh cho bao nhiêu những tù nhân và bà con nông dân. Nhưng không tin cũng lại không xong: tự bản thân anh ta, bằng da bằng thịt của mình đã thể nghiệm tất cả rồi. Đấy, chú Gavơriukha ạ, đấy là những chuyện kỳ diệu ở vùng đất của lão đấy.
Akimốp bị cuốn hút vào câu chuyện của ông Phêđốt đến mức quên cả việc nghĩ về đầm Hôi thối.
- Ông Phêđốt, lúc nào ông đưa cháu đến chỗ ấy đi. Thế nào ông cũng phải đưa cháu đến đấy. Nếu như tất cả đúng như lời ông kể thì đấy là một trường hợp rất hiếm và quý đối với khoa học. Cần phải nghiên cứu và giải thích nó. Còn nếu như đấy là chuyện hoang đường, thì cái đó cũng rất hay. Chúng ta thử xem trí tưởng tượng của ta bảo sao. - Akimốp nháy mắt nhìn ông già.
- Đấy không phải là chuyện hoang đường đâu. Lão mà nói sai thì cứ chặt đầu lão. Còn đưa chú mình đi thì lão sẽ đưa thôi.
- Mà ông đừng có để lâu quá đấy, ông Phêđốt ạ. Cuộc sống của cháu, ông thấy đấy, nó không nhất định. Hôm nay còn ở đây, nhưng đột nhiên có sự gì thay đổi - và thế là chàng trai phóng đi những miền xa tít, mênh mông.
Akimốp vừa mỉm cười, vừa cố ý nói một cách mập mờ và không ấn định. Nhưng ông Phêđốt có vẻ như là hiểu anh lắm.
- Thế chứ còn thế nào nữa! Với cuộc sống của chú mình lúc này thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bây giờ chú mình ở vùng rừng taiga xa tít này, nhưng xem đấy lại sắp về đô thành với bạn bè ngay đấy mà. Rồi từ đấy có thể số phận lại đưa đi xa hơn nữa... - Và cứ như lời của ông Phêđốt thì hóa ra ông già cũng có biết chút gì đó về những dự định của Akimốp, mặc dù trên thực tế thì ông cụ chẳng biết gì, hoàn toàn chẳng biết gì, ngoài một điều duy nhất: Akimốp đang bị bọn vệ binh săn đuổi và cần phải bằng mọi cách bảo vệ anh ta không để cho rơi vào tay chúng.
Trước khi rời khỏi đầm Hôi thối, Akimốp một lần nữa lại đến bên gốc cây. Anh cố nhớ lại mùi của các loại khí mà anh đã từng có lần tiếp xúc trong các phòng thí nghiệm, định bụng sẽ cố gắng xác định xem thứ khí đã tìm được kẽ hở để bốc lên trên mặt đất này thuộc vào loại nào trong số ấy, dù chỉ là trên những dấu hiệu gần giống và chỉ là tương đối thôi.
- Đừng có để chết ngạt đấy, chú mình ạ! Và nhất là đừng có mang thuốc lá đang hút dở mà vào đấy. Ở đây, ở đầm Hôi thối này đã từng có những đám cháy lớn đến nỗi mùi khói thối chỉ một tý ty nữa thì bay về đến tận Parabên và Cargaxcơ kia đấy. Cứ tưởng như ở đây chẳng có gì để gây cháy cả: chỗ nào cũng sũng nước, thế mà lại cháy ghê gớm thế! Có lẽ tia chớp đã gây ra đám cháy và cơn mưa lớn đã dập tắt nó...
Ông Phêđốt đứng sẵn sàng trên bàn trượt tuyết. Akimốp vừa trượt đi, ông già cũng theo luôn. Thấy Akimốp có vẻ bị ý muốn tìm hiểu về đầm Hôi thối hấp dẫn quá mạnh, ông Phêđốt lúc này lại lo lắng cho anh. «Anh chàng này khéo mà húc đầu vào một tia khí rồi hít một hơi - thế là xong. Ta không thể để cho anh chàng đi một mình được, anh chàng nôn nóng lắm. Mà ở đâu có sự nôn nóng thì ở đấy sẽ có sự mù quáng», - ông Phêđốt nghĩ.
Khi Akimốp lại tiến đến bên gốc cây nơi mà như anh nghĩ rằng có mạch khí, ông Phêđốt lặng người đi, ông già sẵn sàng chạy đến cứu anh vào bất cứ lúc nào.
- Úi chà! - cuối cùng Akimốp thở mạnh rồi đứng dậy, nhưng ngay lúc ấy anh lại đưa những ngón tay lên mũi và ngửi ngửi một cách rất chăm chú.
- Vâng, rất có thể là kết quả của sự thối rữa, - anh nhăn mặt, lầm bầm, rồi đút tay vào trong găng da. - Ta đi thôi, ông Phêđốt! Cảm ơn ông. Để rồi phải vẽ lại cái đầm Hôi thối của ông vào bản đồ rồi đưa cho các nhà bác học để họ thử suy nghĩ về sự kỳ quặc này.
- Thế chứ còn thế nào nữa?! Chú mình nói điều nghiêm chỉnh đấy, - ông Phêđốt nói với một vẻ quan trọng, đối với ông, từ «các nhà bác học» khá là hiện thực, không có gì là khó hiểu, vì nó hoàn toàn phù hợp hình ảnh người con rể của ông cụ là Gôrbiacốp.
Trên đường về lán nghỉ, Akimốp thầm xác định lại tất cả mọi cảnh tượng và mọi chi tiết của cuộc đi thăm đầm Hôi thối: địa hình của khu vực, tính chất của các loại cây cối, đặc điểm của mùi khí. Ở chỗ này anh cần đến sự giúp đỡ của ông Phêđốt.
- Ông ơi, ông kể cho cháu nghe xem về phía đông và phía nam đầm Hôi thối giáp với khu vực nào? Ông đã từng đến đấy rồi chứ? Ông biết chứ ạ?
- Ừ, lão đã từng đến đấy!
Ông Phêđốt đi chậm lại chút ít để cho Akimốp đuổi kịp. Khi đi bên nhau thì dễ nói chuyện hơn, mà họ lại đang đi trên một bình nguyên bằng phẳng và cây cối thưa thớt. Rừng bá hương đen sẫm phía trước mặt, và từ đây đến đó không phải là gần gặn gì cho lắm - có thể nói chuyện với nhau thỏa thích.
- Vùng ấy đất cằn lắm, Gavơriukha ạ. Phần nhiều là đất thấp, mặt gồ ghề. Rừng thì đi một bước cho thoải mái cũng không nổi. Nó đứng như bức thành. Ở phía đông có một con sông chảy qua. Nó uốn khúc như là say rượu. Lúc thì nó quặt về bên này, lúc nó lại vắt sang bên kia. Có một đoạn sông chia làm hai nhánh. Đầm Hôi thối nằm đúng giữa hai nhánh sông ấy.
- Ông Phêđốt ơi, ông thử vẽ cho cháu cái chỗ ấy ở trên mặt tuyết vậy để sau này cháu có thể đưa tất cả vào bản đồ được, - Akimốp đề nghị.
Ông Phêđốt bẻ một cành cây khô, ông dừng lại và trên mặt tuyết trắng tinh xuất hiện những nét vạch tuy đơn giản mà khá chính xác.
- Đây, chú mình nhìn đây này. - Trên mặt tuyết xuất hiện những đường vòng tròn và những đường gấp khúc. - Đây là Parabên này. Sông Ôbi chảy ở quãng này. Còn đây là sông nhánh Vaxiugan, lán nghỉ của lão ở chỗ này. Con sông Uđápca ở đây. Mà đây là tôi đặt tên cho nó đấy! Nó ngoằn ngoèo kinh khủng! Đôi chỗ nó còn quay vòng lại cắt ngang chính cả bản thân nó. Cái đầm Hôi thối như thế là nằm ngay bên cạnh con sông Uđápca. Chính là ở đây.
- Thế mặt trời mọc ở chỗ nào, ông Phêđốt? - Akimốp hỏi, cố gắng xác định mọi vị trí cho thật chính xác.
- Nhìn đây này: mặt trời mọc ở đây, buổi trưa thì nó ở chỗ này, còn lặn thì xuống phía đằng kia. Chú mình hiểu chưa?
- Cháu hiểu rồi. - Akimốp xem xét lại một cách kỹ lưỡng cái bản vẽ trên tuyết của ông Phêđốt, ghi nhớ lấy những nét chỉ dẫn chính.
o O o
Sau cái lần nghỉ bắt buộc ấy họ im lặng đi cho đến lán nghỉ. Họ đã đi được nửa đường thì trời tối, nhưng đêm ấy lại sáng trời và yên tĩnh. Ánh trăng rạng rỡ soi tỏ cả rừng taiga, chiếu sáng những bãi cỏ và những khoảng rừng vân sam thưa thớt. Nghiêng người theo mỗi bên chân trượt, ông Phêđốt len lách một cách nhẹ nhàng qua những giải đất hẹp, kéo theo sau mình Akimốp. Tuyết lấp lánh ánh lên một màu xanh trong. Đây đó in hằn những đường chân thú đi ngoằn ngoèo. Akimốp nhìn chúng với một vẻ bàng quan bởi vì anh không phân biệt được đâu là dấu chân thỏ, còn đâu là cáo, đâu là chồn hôi, đâu là sóc và chồn trắng. Thậm chí dấu chân chú gà rừng anh ta cũng tưởng là chân thú. Nhưng ông Phêđốt thì thấy hết, ông còn ước tính ở chỗ nào thì có thể đặt chằng đặt bẫy. «Con thú đã trở dậy rồi, đã ăn hết đồ dự trữ và phải đi săn mồi. Cũng đến lúc ta phải cầm đến cái bẫy rồi», - ông Phêđốt nghĩ.
Akimốp lại có những suy nghĩ của mình. Trong các buổi tối giá rét này ý nghĩ của anh lại bay đến với bác Likhatsiốp ở Xtốckhôn kia. «Chắc là cái tin báo về việc mình đi Narưm đã đến nơi. Mình có thể hình dung ra bác đang chờ đợi mình như thế nào. Đến nơi, việc trước tiên mình sẽ làm là sẽ phân loại toàn bộ các tài liệu mà bác đã thu thập được trong những chuyến đi điều tra ở vùng Xibiri, sẽ thâm nhập vào các vấn đề mà bác đã đặt ra. Bây giờ ta có thể hình dung được một cách dễ dàng hơn ý nghĩa của công việc nghiên cứu, mà bác vẫn tiến hành. Bởi vì muốn nói gì thì nói, vùng Narưm vẫn là một mảnh đất lớn của Xibiri... Mong sao cho bác vẫn được khỏe mạnh mà thôi, ta sẽ kể cho bác nghe rất nhiều chuyện lạ...»
Trời bỗng tối sầm lại. Đang mải mê suy nghĩ, Akimốp không nhận thấy họ đã đi vào khu rừng bá hương từ lúc nào.
- Này, ở đây thì phải chú ý nhìn, Gavơriukha ạ, khéo mà lại chọc mắt phải cành cây đấy, - ông già báo trước cho Akimốp.
- Cháu vẫn nhìn đấy, ông Phêđốt ạ! - Akimốp đáp.
Bây giờ họ đi chậm hơn. Và không phải chỉ vì ở đây trời tối. Mà vì người đã thấm mệt rồi. Họ dậy từ lúc trời còn lâu mới sáng, lại đi suốt cả ngày qua một đoạn đường dài ghê gớm và lại không ăn trưa chỉ nhai bánh mì khô trên dọc đường để cho đỡ đói bụng mà thôi.
Akimốp nằm lăn ra giường không đợi nổi cả bữa ăn tối. Nhưng khi cơm tối đã chuẩn bị xong, ông Phêđốt vẫn cứ đánh thức anh dậy.
- Này, chú mình ơi, ngủ đói sẽ nằm mơ thấy quỷ đấy! Dậy mà ăn một miếng nào! - ông già nói đùa, vừa khua bát khua dĩa.
Akimốp dậy một cách khó nhọc, nhưng nghỉ ngơi được chút ít nên chỉ một phút sau thấy mình tỉnh táo hẳn ra. Ông Phêđốt nhận thấy điều ấy:
- Chú Gavơriukha vui vẻ rồi đấy! Người ta nói, đối với người già sự mệt nhọc tích lại ở trong xương, còn đối với người trẻ thì giấc ngủ như gáo nước sẽ dội đi tất cả.
- Vâng, cháu cứ tưởng như mình chưa ngủ ấy.
- Cũng thiu thiu được chút ít rồi, mà đôi khi thiu thiu ngủ lại cảm thấy ngon lành và bổ ích hơn cả giấc ngủ thực nữa kìa.
- Đúng thế đấy ạ, cháu cũng đã từng nhận ra điều ấy. Đôi khi lại thế này nữa chứ: anh ngồi đọc sách, thế nhưng trước mắt anh mọi thứ nó cứ bồng bềnh. Anh gục đầu xuống, và anh thiu thiu ngủ. Chỉ mười phút, nhiều lắm là đến hai mươi phút thôi, thế mà khi anh mở mắt ra anh cảm thấy đầu óc minh mẫn, sáng suốt hẳn ra... Nhưng ông Phêđốt ơi, vẽ bản đồ lên cái gì được bây giờ nhỉ? Và điều chính nhất là, vẽ bằng cái gì kia chứ? - Akimốp đột nhiên thay đổi hẳn đề tài của câu chuyện.
- Thế chú mình cần dụng cụ gì? - ông Phêđốt hỏi, tay xách chiếc ấm đựng nước đã ám khói dày cộp đang định rót nước vào cốc của mình nhưng dừng lại.
- Cháu cần một tờ giấy to, một chiếc bút chì, một thước kẻ, một compa, một địa bàn. - Akimốp vừa điểm từng thứ vừa nhìn ông già bằng đôi mắt ranh mãnh.
Ông Phêđốt đặt ấm đun nước xuống, đẩy chiếc cốc của mình ra chỗ khác.
- Địa bàn thì có, chú mình ạ. Còn những thứ khác thì phải suy nghĩ xem sao.
- Có nghĩ bao nhiêu thì cũng không thể nghĩ ra giấy và bút chì được đâu; ông ạ. Thế mà tờ bản đồ lại cần đến mức thế này này. - Akimốp đưa ngón tay vạch ngang cổ mình nơi những lông tơ đen đen đã mọc lên rậm rịt.
- Được, thước thì rồi ta sẽ làm lấy được thôi. Có bào rồi. - ông Phêđốt bắt đầu nói tiếp.
- Cháu cần không phải chỉ là một cái thước bình thường đâu ông Phêđốt ạ, cháu cần cái thước có chia phân, ly kia. Nếu không, tỷ lệ của bản đồ sẽ chỉ là tương đối.
- Cái đó không khó gì. Ta sẽ lấy thước đo ở nòng súng chuyển sang cho thật chính xác. Súng của lão cỡ mười hai ly. Ta sẽ tính đổi thành tấc Anh.
- Vậy chứ sao? Nếu cùng lắm thì cách làm ấy cũng tốt đấy. - Akimốp phấn chấn hẳn lên.
- Còn compa thì... Lão sẽ làm cho chú mình một chiếc compa bằng gỗ, ngay ngày mai thôi cũng được, - ông Phêđốt nói.
Akimốp chợt nhận ra là ông già mải chuyện quá quên cả ăn.
- Kìa ông ăn đi chứ, ông Phêđốt! - Akimốp kéo chiếc cốc về phía mình, rót vào đó một thứ nước hãm màu nâu.
- Bữa cơm nó không đi đâu mất mà sợ, Gavơriukha ạ. Lúc nào nó cũng vẫn ở bên ta. Còn về cái công việc của chú mình thì cần phải bàn bạc đấy... Hay là lão về Parabên để tìm kiếm những thứ ấy nhỉ? - Ông Phêđốt nhìn Akimốp bằng con mắt dò hỏi và nói một cách không thật dứt khoát.
«Có lẽ ông già nói phải. Thêm vào đấy có thể còn có những chỉ thị gì mới của ban chấp hành cho mình chăng?» - Akimốp chợt nghĩ và đôi mắt anh ánh lên niềm hy vọng. Nhưng ngay trong giây phút ấy anh lại nhớ đến lời dặn nghiêm khắc của ban chấp hành là phải trốn tránh cho đến khi có lệnh mới. Ban chấp hành đã dặn trước một cách dứt khoát là anh không được tự mình tìm bất cứ cách gì để tiếp tục cuộc chạy trốn. Cùng lúc đó, cả ông Phêđốt cũng đã nhớ lại một đôi điều. «Bố sẽ về nhà lấy thêm bánh mì. Khoảng chừng một tháng sau». Đấy là những lời Gôrbiacốp đã nói với ông.
- Trở về Parabên... Đường xa xôi lắm, ông Phêđốt ạ, - Akimốp nói, vừa đấu tranh với bản thân.
- Không phải là gần gặn, - ông già đồng ý, trong thâm tâm ông nghĩ, sự có mặt của ông trước thời gian quy định sẽ làm cho con rể ông không được vừa lòng và có thể nó sẽ làm phức tạp thêm cho những dự kiến về số phận của anh bạn trốn tù trong tương lai. - Nếu như lão làm cho chú mình một tấm bảng lớn thay vào tờ giấy thì có được không? Nếu như một tấm không đủ thì lão sẽ làm hai ba tấm rồi ghép lại. Lão có hồ dán gỗ mà...
- Bản đồ vẽ trên bảng thì hoàn toàn có thể được. Nhưng vẽ bằng gì kia chứ hả ông Phêđốt?
- Thế chú mình có thể dùng bút lửa mà vẽ không? - ông già hỏi, vẻ sôi nổi hẳn lên vì một sáng kiến mới.
- Vẽ bằng bút lửa ạ? - Akimốp hỏi lại, vẻ phấn chấn.
- Ừ, bằng bút lửa chứ sao. Trong kho của lão có cái dùi đấy.
«Ừ, mà sao ta lại không thể vẽ bản đồ bằng bút lửa nhỉ? Lúc đầu ta hãy vẽ phác bằng than?» - Akimốp nghĩ và nhìn ông già bằng cái nhìn đầy lòng biết ơn.
- Sáng mai lão sẽ kiếm ngay cho chú mình cả tấm bảng và cả dùi. Còn địa bàn thì đây, chú mình cầm lấy.
Ông Phêđốt mở bao đạn đang treo ở tường phía trên tấm phản và rút từ trong đó ra chiếc địa bàn rồi đưa cho Akimốp.
- Vội gì đâu ông Phêđốt ạ. Còn lâu cháu mới vẽ bản đồ. Bao giờ mà cháu với ông len lách đi khắp cả các vùng rừng taiga này thì cháu mới đặt bút vẽ bản đồ. - Akimốp cân thận đặt chiếc địa bàn xuống bàn.
- Cái đó thì rõ rồi, tự chú mình biết làm thế nào thì tốt hơn. Lão thì không biết gì lắm về những công việc này, - ông Phêđốt nói có phần ngượng ngập. Im lặng một lúc, ông nói thêm: - Tuy thế cũng phải nói thật với chú mình rằng lão biết dùng địa bàn đấy. Cái sự khôn ngoan ấy là do một anh bạn cùng bị bắt đã dạy cho lão từ ngày còn ở Xakhalin kia. Lão với anh ta cùng dự định với nhau: sẽ cút thẳng khỏi nơi ấy, nói tóm lại là chạy trốn. Bọn lão định ăn cắp lấy một chiếc thuyền thật tốt rồi hai anh em bơi thuyền về lục địa, về Vlađivôxtốc. Sau đó vào rừng taiga rồi sang Uran, nơi mà dân cư tương đối đông đúc để dễ bề trà trộn. Nhưng trời không ủng hộ. Anh bạn của lão bị chính những người bạn tù đánh chết vì tranh nhau thuốc lá. Anh ta lấy ở đâu ra được thuốc hút ấy. Nhưng anh ta tính keo kiệt, không muốn chia sẻ một thứ gì với ai. Anh đã bị mọi người lấy tấm gỗ ép vào tường. Tất nhiên họ chỉ định dọa anh ta thôi, nhưng làm quá mạnh, không tính toán. Thế là ngày hôm sau anh ta chết.
- Thế cái địa bàn là của anh ta à?
- Của anh ta đấy. Hôm ấy lão đang giữ nó.
Akimốp cầm chiếc địa bàn lên xoay xoay trong tay, anh nheo nheo mắt đọc dòng chữ đã mờ.
- Địa bàn này làm ở nước Anh đấy, ông Phêđốt ạ! Chắc là có một người đi biển nào đó đã dùng nó. Một vật đáng chú ý đây.
- Thế kia đấy! Tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra. Cái anh bạn tù ấy, cầu cho linh hồn anh ta được lên thiên đàng, hình như là thuộc lớp người giàu có. Đâu như bố con anh ta không chịu chia của với nhau, thế là anh ta mới cho bố một nhát búa vào đầu. Đừng có nghe phải chuyện này vào buổi đêm khuya...
«Đành vậy thôi, chú địa bàn nhỏ ngộ nghĩnh và khôn ngoan ơi, chú đã từng phục vụ cho tên giết cha giàu có, bây giờ chú hãy thử giúp đỡ ta, một sinh viên nghèo và một nhà dân chủ xã hội trốn tù này nhé», - Akimốp nghĩ và cười thầm, anh cầm chiếc địa bàn lên, hết đặt vào chỗ này rồi lại để ra chỗ khác.
Sáng hôm sau khi Akimốp tỉnh giấc, ông Phêđốt lôi ra cho anh liền mấy thứ mà anh cần thiết. Có lẽ trong kho của ông già cũng có dự trữ sẵn đôi thứ. Akimốp thích nhất là tấm bảng: nó được làm từ một khúc gỗ bá hương, rộng bằng độ một nửa mặt bàn. Trên đó có thể thừa sức vẽ được một hệ thống sơ đồ rừng taiga xa xôi với hàng bao nhiêu sông ngòi, hồ, đầm và những bờm rừng bá hương của nó. Chiếc dùi cũng thật là tuyệt. Nó khá dài, mũi dùi được nung và rèn cẩn thận, tay cầm khá to bằng gỗ bạch dương khô. Ông Phêđốt còn lôi từ trong kho ra cả một chiếc compa và chiếc thước kẻ, mà có lẽ ông đã quên mất rồi. Chiếc compa, của đáng tội, thuộc loại mà thợ mộc vẫn dùng, trông thô và không thể dùng để đo vẽ sơ đồ được, còn chiếc thước kẻ thì làm cho Akimốp mừng rỡ. Chắc là chiếc thước này được làm từ ngày người ta dựng ngôi nhà này. Nó đã đen sẫm đi vì thời gian. Nhưng giá trị của nó là ở chỗ nó đã sao lại nguyên xi cái thước đo ácsin bằng kim loại có chia thành bốn phần rồi lại chia thành từng vecsóc[12] một.
- Thế này thì tốt quá rồi, tuyệt diệu rồi, - Akimốp vừa xem xét các đồ vật vừa lẩm bẩm, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn ông Phêđốt với vẻ cảm ơn. Buổi sáng hôm ấy vô tình Akimốp lại nhớ đến bác Likhatsiốp.
Trước đây khi kể lại cho đứa cháu trai nghe về những cuộc du lịch của mình, giáo sư Likhatsiốp bao giờ cũng ca ngợi những người nông dân đi theo ông với danh nghĩa là những người làm công bình thường - những người đào bới và chèo thuyền hoặc những người đưa đường. Thái độ của họ đối với những mục đích khoa học của những cuộc du lịch ấy là một thái độ hết sức trân trọng, và nếu như đôi khi có phải làm việc nhiều hơn mức quy định trong hợp đồng thì họ không tiếc thời gian và sức lực.
Ông Phêđốt tất nhiên không thể hiểu được ý nghĩa khoa học của công việc mà cái anh chàng được ông bảo trợ này đã nghĩ ra một cách khá là sơ đẳng, nhưng nghe thấy Akimốp nói rằng có thể tất cả những cái đó hóa ra lại cần thiết cho khoa học, là ông già sẵn sàng làm mọi việc chỉ cốt sao công việc vừa bắt đầu sẽ kết thúc thành công tốt đẹp.
- Bây giờ thì còn lại công việc chính nhất đó là làm quen với taiga, ông Phêđốt ạ, - Akimốp nói.
- Đấy chẳng phải là công việc gì ghê gớm đâu, Gavơriukha ạ. Hôm nay chúng ta bắt đầu đi săn, - ông Phêđốt đáp. - Đây, lão đã chuẩn bị được đôi thứ đây. Ông già chỉ cho Akimốp thấy những chiếc bẫy cung và bẫy sập nằm trong đống đồ vật phía sau lò.
Từ hôm ấy ngày nào hai ông cháu cũng đi vào rừng, ông Phêđốt gọi Akimốp dậy từ rất sớm. Họ ăn sáng rồi đi đôi bàn trượt tuyết vào chân và lên đường, hôm đi về phía này, hôm đi về ngả kia. Akimốp dùng địa bàn để xác định hướng đi, phỏng đoán khoảng cách từ lán đến các con sông, hồ và đầm mà họ gặp trên đường đi, anh hỏi ông Phêđốt về những cái tên mà những người thợ săn đặt cho chúng.
Công việc săn thú lúc này còn chưa lấy gì làm kết quả lắm. Bão tuyết ầm ầm suốt ngày suốt đêm. Chỉ một giờ, hai giờ sau là bẫy đã bị tuyết phủ kín và nó không còn tác dụng gì nữa. Vào lúc thời tiết như thế này thì việc tìm dấu chân thú cũng không phải là đơn giản: nó bị tuyết phủ kín ngay. Nhưng cũng chẳng bao giờ họ trở về lán tay không: vài ba con chồn hôi, chồn trắng, dăm con sóc - không bao giờ lại ít hơn.
Ông Phêđốt không vừa ý với công việc săn bắn như thế, nhưng đối với Akimốp thì kết quả ấy lại được như là một kho báu.
- Có những năm lão đi săn một ngày được tới mười con chồn hôi, ba chục con sóc, - Phêđốt nhớ lại ngày xưa.
- Thế thì hóa ra là cháu là đứa số đen, - Akimốp nói đùa.
- Không phải tại chú mình đâu. Đấy là do rừng bá hương sinh sản kém, trong rừng taiga xa xôi này thức ăn ít lắm. Khi còn chưa có tuyết các thú vật đã rời nơi này sang sông Vaxiugan. Nghe nói dạo này ở các rừng thông vùng Vaxiugan được mùa lắm, - ông Phêđốt giải thích.
o O o
Trong khi đó thì ngày tháng cứ trôi qua. Bận rộn vì công việc săn bắn, xem xét, mà thực tế là việc phỏng tính rừng taiga để vẽ bản đồ, Akimốp không còn cảm thấy mệt mỏi như những ngày vô công rồi nghề ở Gôlêsikhinô bên bờ khúc sông lấp. Để ý xem ông Phêđốt, chẳng mấy chốc anh đã học được cách đặt bẫy. Dần dần Akimốp nắm được mọi điều về rừng taiga. Lúc đầu anh có cảm giác như nó là một đám hỗn độn gồm những cụm rừng và những đầm hồ. Bây giờ trong đầu óc anh những bờm rừng, gồm toàn những dải bá hương đẹp nhất, mỗi ngày càng hiện ra rõ ràng hơn. Những con sông và hồ ở các vực và các thung lũng liên kết với nhau, đan chéo vào nhau thành một hệ thống như càng làm nổi bật lên những đỉnh cao vốn chiếm ưu thế ở rừng taiga và những nét đặc sắc của phong cảnh nơi đây.
Dùng mẩu đất thó đỏ cạy được ở phía dưới lò, Akimốp vẽ phác vào những tấm gỗ, mà ông Phêđốt định để làm đáy thùng và đáy sọt, một hệ thống những cánh rừng taiga xa xôi riêng biệt. Đối với công việc này của Akimốp, ông Phêđốt không những chỉ đơn giản là có thái độ trân trọng, mà thậm chí còn tỏ vẻ tôn kính. Chỉ cần Akimốp cầm lấy mẩu đất thó và tấm gỗ là ông Phêđốt lập tức thay đổi hẳn: ông cụ im thin thít, cất tẩu thuốc vào túi áo và ngồi ghé vào mép phản chăm chú theo dõi Akimốp, không dám cử động.
Một lần vào buổi sáng ông Phêđốt nói:
- Nào chú Gavơriukha, hôm nay ta đi thăm cái thằng lừa dối đi. Đường xá chẳng gần gặn gì đâu. Một ngày chẳng về kịp. Đành phải ngủ lại ở taiga. Thức ăn lão đã chuẩn bị đây rồi. Chú mình nghĩ thế nào?
- Còn phải nghĩ gì nữa kia chứ? Ta đi thôi ông Phêđốt. Thế còn trời đất ra sao, ông có biết không ạ?
- Đã bớt rét rồi. Trời sáng lắm. Có lẽ sẽ ấm lên đấy. Đi thăm thằng lừa dối hôm nay là đúng lúc nhất. Khi gió bão thì đường đi đến đấy rất khó, nên lão vẫn cứ đợi mãi cho khi bão tuyết ngớt và trời đỡ rét. Tuy thế, trong lúc đi rồi vẫn sẽ ướt đầm trong mũ.
- Thế ở đấy ông có lều nghỉ không?
- Lều thì chẳng có đâu, chú mình ạ.
- Thế ta sẽ ngủ ở đâu?
- Rồi ta sẽ có cách, Gavơriukha ạ! - ông Phêđốt xua tay.
Akimốp đưa đôi mắt đầy vẻ lo lắng nhìn ông già, nhưng ông cụ không nhận ra và vẫn tiếp tục bình tĩnh xếp đạn vào trong bao. «Ta cứ tin ở ông cụ, về mặt này ông cụ là người có nhiều kinh nghiệm», - Akimốp quyết định như vậy và cảm thấy yên lòng.
Trời mùa đông mới hửng sáng, họ bắt đầu xỏ chân vào bàn trượt tuyết. Bầu trời vẫn còn đầy sao. Tuyết dưới chân không rít lên ken két như những hôm trời rét buốt mà chỉ sẹt sẹt nhè nhẹ. Sự yên lặng làm cho rừng taiga như tê liệt hẳn đi, cả cây cối cũng im. Họ chưa kịp ra khỏi khu rừng bá hương thì trời bắt đầu sáng ra rất nhanh. Và cái ánh bạc đang bao bọc cánh rừng già kia bỗng ánh lên màu hổ phách, chiếu những giọt nắng tinh nghịch nhảy nhót lên rừng cây. Mặt đất trắng toát, đang im lặng như chết vì giá lạnh bỗng như bừng tỉnh. Những bóng đen chuyển động trên khoảng không gian mênh mông và trắng toát ấy. Những đỉnh ngọn bá hương ánh lên như những ngọn lửa bay vào bầu trời. Trong đời mình Akimốp chưa bao giờ được nhìn thấy một cảnh tượng thần tiên như thế. Anh lặng ngắm thiên nhiên và không hiểu nổi làm sao mà vào một buổi sáng giá lạnh như thế này thiên nhiên lại có thể kiếm ra được những màu sắc rực rỡ ấy để làm cho rừng taiga thầm lặng thay hình đổi dạng chóng như vậy.
Nhưng rồi rừng bá hương đã hết, và họ đi ra một bãi trống dài chừng ba bốn vecxta. Chắc rằng nơi đây dưới lớp tuyết là đầm lầy hoặc đồng cỏ được hình thành nhờ mặt đầm đã khô se lại. Akimốp lúc này không đủ sức để nghĩ xem làm như thế nào mà cái bãi trống này đã hình thành nên giữa một biển rừng, như anh đã thấy, đến cả những con sông cũng không chịu nổi sức ép của chúng, phải nhường bước chúng, thu hẹp dòng lại và cạn dần để cho những hòn đảo và những doi đất mới ra đời.
Thẳng ngay trước mặt anh, phía sau bãi trống, từ đám cây rừng mặt trời đang lên dần, mặt trời đỏ sẫm to bằng hai vòng tay người ôm, với một đường viền vàng rực rỡ túa ra khắp bầu trời những tia sáng như những tua lá của cành bá hương chói chang. Và tuy những tia nắng ấy không sưởi ấm, còn mặt trời thì ta có thể nhìn vào rất lâu mà không phải nheo mắt, nhưng sự xuất hiện của mặt trời trên đỉnh rừng taiga đã khiến cảnh vật đổi khác hẳn đi, làm cho nó gần gũi hơn với con người và đem lại cho ta cái cảm xúc không thể nào nói lên một cách giản đơn được.
«Mùa đông, tuyết lạnh mà lại có một sự lạ kỳ, một hư ảnh kỳ diệu... Một vẻ đẹp chưa từng ai hiểu được, vẻ đẹp ban sơ của tự nhiên...», - những lời ấy vang lên trong tâm trí Akimốp. Chưa bao giờ anh cảm thấy mình xúc động trước vẻ đẹp của thiên nhiên đến thế. Thiên nhiên đối với anh xưa nay chỉ tồn tại như là một đối tượng để nghiên cứu, như một sức mạnh giúp cho con người nghị lực để đấu tranh, một sức mạnh có tác dụng thức tỉnh trí tuệ, đặt ra cho nó những vấn đề mà đôi khi đòi hỏi phải để cả một đời người vào đó mới mong giải quyết nổi...
Tất nhiên không phải lần đầu tiên, ông Phêđốt nhìn thấy những sự thần kỳ như vậy trong thiên nhiên, nhưng ngay cả ông, mặc dầu đã kìm giữ sự ngạc nhiên của mình sau một lúc lâu im lặng cũng phải nói:
- Gavơriukha nhìn kìa, mặt trời hôm nay mới đẹp làm sao! Rất dịu. Và này, chú mình hãy lắng nghe, những con chim thế nào cũng sẽ đáp lại sự dịu dàng đó. - Ông Phêđốt dừng chân và đẩy chiếc mũ bịt kín tai lên, lắng nghe.
Và quả thật có hai chú chim, không biết trong một hốc cây hay từ một hố tuyết nào bay ra vừa hót vang vừa nhảy nhót bay chuyền trên những ngọn cây thưa thớt. Bài ca của chúng cũng ngắn ngủi như đường bay của chúng. Và ngay giây phút đó chúng lại biến đi, chắc là trở về tổ của mình.
- Này, Gavơriukha, có biết lão còn nhận thấy điều gì nữa không! Vào cái buổi sáng ấm áp như thế này những con thú thể nào cũng để lại dấu chân. Thấy không, mặt trời của chúng ta có sức mạnh ghê gớm biết chừng nào! Dựng dậy khỏi chỗ nằm tất cả muôn loài. Hãy sống đi! Và cả bọn mình nữa hình như cũng vui hơn thì phải.
- Vui quá đi ấy chứ, ông Phêđốt ạ! - Akimốp kêu lên, thực sự cảm thấy mình đang có thêm sức lực.
Trong khi đó thì mặt trời mỗi chốc càng lên cao, cao mãi và mỗi lúc màu sắc một thay đổi thêm, mất dần vẻ rực rỡ. Chằng bao lâu sau nó đã treo lơ lửng bên trên đỉnh rừng taiga, vô cùng giá lạnh và xa xôi, nhưng cũng lại cần thiết đối với con người, ngay cả khi không hề sưởi ấm.
- Lúc này ta đang đi về hướng nào, ông Phêđốt? - Akimốp hỏi khi họ tiếp tục lên đường sau một chốc nghi ngơi.
- Ta đi thẳng hướng Tômxcơ.
- Cônpasevô, nếu như ta đi về đấy, chắc sẽ là phía tay trái, - Akimốp xác định.
- Đúng vậy đấy, Gavơriukha ạ! Chỉ có điều ta chẳng cần Cônpasevô làm quái gì.
- Bây giờ chúng ta đang đi theo hướng đông nam, ông Phêđốt ạ, còn khi ta đến đầm Hôi thối thì ta đi theo hướng ngược trở lại, - Akimốp nói tiếp.
- Đó đó! Khi ấy thì chúng ta đi sát đến Vaxiugan, còn bây giờ thì ngược lại, chúng ta mỗi lúc càng đi xa nơi ấy hơn.
- Cháu hiểu rồi, ông Phêđốt ạ. Cả địa bàn cũng chỉ như vậy.
- Ở đây thì lão có thể đi đến bất cứ chỗ nào mà không cần đến địa bàn, Gavơriukha ạ, - ông già khoe khoang một cách dè dặt.
- Cháu đã thấy rồi, ông Phêđốt ạ, rừng taiga thì ông thuộc quá đi rồi. Với một người đưa đường như ông thì có thể ra khỏi rừng taiga mà đi đến bất cứ nơi nào, - Akimốp nói không hề có một ẩn ý nào cả.
Nhưng ông Phêđốt bỗng nhớ lại cuộc nói chuyện với Akimốp về những con đường vượt ra khỏi rừng taiga vùng Parabên để đi đến Nôvônhicôlaépxcơ và Tômxcơ và thầm cho rằng anh chàng này lại bắt đầu nghĩ đến việc chạy trốn.
- Không đâu, chú mình ạ. Ở những khu rừng lạ lão như con chó mù. Lão sẽ chết.
Họ vừa đi vừa nói chuyện. Muốn nhìn rõ mặt Akimốp ông Phêđốt thỉnh thoảng lại quay đầu lại, ông nhìn vào mặt anh ta và thầm đánh giá xem chàng trai thành phố này có đến nỗi quá mệt chưa, và đã đến lúc cần nghỉ chưa.
Từ người Akimốp những làn hơi bay lên, nhưng vẻ mặt anh ta vẫn rất hăng hái và ông già cứ đi liên tục không dừng lại ở đâu cả.
Trời đã bắt đầu tối, khi ông cụ Phêđốt trèo lên một mô đất trơ trụi và dừng lại đợi Akimốp đang đi chậm ở đằng sau. Ông già chỉ tay về phía xa và nói:
- Kìa, nhìn thấy không, Gavơriukha, ở trước mặt ta rừng tựa như đi sâu hút vào trong đất. Một cái lòng chảo đấy, chú mình thấy không?
- Cháu thấy rồi.
- Đấy là thung lũng thông đấy. Thằng lừa dối nó ở đấy. Ta đến gần một tý nữa xem.
Akimốp tất nhiên chẳng tin gì vào cái chuyện có một thằng lừa dối nào vẫn tồn tại dưới dạng một thần rừng nào đấy và thậm chí anh còn cười khẩy, khi nghe ông già nói: «Thằng lừa dối nó ở đấy». Nhưng dù cho anh có thái độ như thế nào đi nữa đối với câu chuyện hoang đường ấy thì thung lũng thông với những điều bí mật của nó vẫn rất hấp dẫn với anh. Ông già lúc này lại đang tiếp tục trượt đi một cách nhẹ nhàng và anh nóng lòng chờ đợi cái giây phút khi ông dừng lại để ngủ đêm.
Thế mà hóa ra đoạn đường đến thung lũng thông cũng không phải là gần. Họ đi trong đêm tối khá lâu. Akimốp phải gắng lắm mới theo kịp bước ông già, mà ông thì chốc chốc lại mất hút vào giữa đám rừng rậm rạp.
- Hết đường rồi, Gavơriukha! Không thể có chỗ nào nghỉ đêm tốt hơn là ở đây, - cuối cùng ông Phêđốt đã khoát tay và nói.
Akimốp quay nhìn xung quanh. Họ đứng ở giữa một khoảng đất trống hình tròn phủ đầy tuyết. Phía tay phải họ là một đám linh sam mới lớn rậm rạp mà phía tay trái lại là một đám bá hương chết khô, chĩa tua tủa những cành khẳng khiu khô khốc.
Ông Phêđốt tháo bọc hành lý từ trên lưng ra đặt xuống mặt tuyết. Akimốp cũng vứt xuống chiếc bao tải với những thức ăn và chiếc xoong suốt dọc đường cứ kêu loảng xoảng ở trên lưng anh.
- Thế này nhé, Gavơriukha: chú lấy bàn trượt tuyết mà gạt hết tuyết ở chỗ này đi, còn lão sẽ đi kiếm củi, - ông Phêđốt phân công.
Akimốp lúc đầu chưa rõ vì sao ông già lại bảo anh dọn tuyết đi.
- Ta sẽ làm đệm ngủ ở đây, Gavơriukha ạ, - ông Phêđốt cười rồi ông bước đến bên một cây bá hương chết khô cao chót vót và bắt đầu chặt. Những mảnh gỗ bay tứ tung dưới lưỡi búa sắc bén loang loáng trong tay ông Phêđốt.
Vài phút sau, ông già ra lệnh cho Akimốp tránh sang một bên. Cây bá hương bị chặt sắp gãy kêu lên răng rắc và, dưới sức nặng của ngọn cây đã cong về một phía, nó rít lên làm rung chuyển các bụi cây và cuốn lên một cơn lốc tuyết rồi đổ ầm xuống khoảng rừng thưa, hất tuyết tung tóe khắp nơi.
Trong khi Akimốp dọn tuyết khoảng rừng thưa thì ông Phêđốt đã chặt được cây bá hương thứ hai cũng ở ngay gần đấy. Gốc hai cây gỗ thì nằm gần nhau, nhưng ngọn của chúng thì tựa như lại cố tình tránh xa nhau. Ông Phêđốt chặt một đống cành khô và bắt đầu đốt lửa. Lửa cháy dọc theo thân cây khô.
Chỗ đất mà Akimốp vừa dọn sạch lại ở đúng giữa hai đống lửa. Ông Phêđốt bẻ được một ôm cành linh sam mềm mại, ném xuống đất và nói:
- Này Gavơriukha, chú mình trải đệm đi làm sao cho thật êm vào. Còn lão sẽ đi nấu nước chè.
Akimốp trải những cành tùng bách ra cho thật đều thật phẳng rồi nằm thử xuống. Những cành cây rung rinh dưới thân thể anh, từ bên phải và bên trái hai luồng không khí ấm áp phả vào. Hai cây bá hương khô cháy nóng rực, đều đặn, phát ra những tiếng lách tách nho nhỏ nhưng không làm bắn ra những tàn than. «Có thể ngủ mà không sợ những tàn than bắn ra làm cho mình bị bỏng», - Akimốp nghĩ.
- Gavơriukha ơi, lại đây uống nước đi rồi ta bắt đầu nói chuyện với thằng lừa dối, - tiếng ông Phêđốt vọng đến.
Akimốp nằm trên đám cành tùng bách và nhìn lên bầu trời. Mặt trăng đầy đặn đang đường bệ bơi đi giữa khoảng không mênh mông nhè nhẹ hắt ánh sáng ra hai bên đường dài được tạo nên bởi những vì sao lấp lánh. «Khi nào đó ta sẽ nhớ lại phút giây này - rừng taiga, những vì sao, đống lửa, mặt đất phủ đầy tuyết trắng, truyền thuyết về thằng lừa dối - ta sẽ không thể tin được vào chính bản thân ta, mọi sự diễn ra thật không bình thường, hoàn toàn không giống với những gì ta mơ ước: thành Pêtrôgrát, những chiến lũy, đông đảo quần chúng diễu hành dưới những ngọn cờ đỏ thắm... - một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Akimốp. - Tuy thế mà ở đây vẫn cứ là rất lạnh, mặc dù trong không trung đã có một cái gì đó có vẻ xuân rồi, lại đành phải ngồi ôm gối bên ngọn lửa mà chờ sáng mất thôi... Và cái thằng lừa dối ấy hoàn toàn chỉ là chuyện tưởng tượng của ông già, chuyện tầm phào của những ông thợ săn đó mà thôi».
- Lại đây, Gavơriukha! Mà chú mình mặc quần áo như thế để nằm thì vô ích. Sẽ bị rét cóng! - tiếng ông Phêđốt lại vọng đến.
Akimốp vùng dậy và cảm thấy gai rét chạy suốt từ gáy xuống đến lưng. «Mặc quần áo để nằm! Ông già còn định khuyên mình làm thế nào nữa, chỉ mặc quần áo lót thôi chắc?» - Akimốp nghĩ và đi đến bên ông già đang tất bật bên đống lửa, cầm thìa gõ vào thành chiếc xoong đang sôi sùng sục tựa hồ như chẳng hề có cả một ngày đi đường liên tục.
- Mùi thơm ngon quá, ông Phêđốt ạ! - Akimốp nuốt nước bọt.
- Chú mình ngồi xuống đây, ngồi lên khúc gỗ này này,- ông già mời.
Akimốp ngồi xuống. Hơi lửa nóng từ ba phía phả vào làm không khí ấm lên. Ông Phêđốt đưa cho Akimốp miếng bánh mì khô và một cái thìa, rồi bắc chiếc xoong với thức ăn xuống, đặt ngay lên mặt tuyết.
- Gavơriukha, ăn đi.
Họ bắt đầu múc thức nấu từ trong xoong ra. Thức ăn tưởng như ngon đến mức không thể so sánh với bất cứ thứ gì được. Lát sau Akimốp bắt đầu thấy nóng. Anh đẩy chiếc mũ ra sau gáy, cởi khuy chiếc áo lông.
- Ngọn lửa như thế này, chú mình ạ, - ông già hất đầu chỉ ra những cây khô đang cháy ngủn ngụt - người ta gọi là ngọn lửa của người Tunguxơ. Dân Tunguxơ là những người ở rừng. Cả mùa hè lẫn mùa đông họ đều sống trong những rừng thông, rừng tùng bách. Những người thợ săn Nga học được ở họ nhiều thứ lắm.
- Nhưng mà ông Phêđốt ạ, chỗ củi này ta có đủ để đốt đến sáng không? - Akimốp hỏi.
- Đến tối mai còn cháy! Đã đến lúc nó cháy thật sự đâu. Bao giờ mà thân cây cháy thành than, lúc ấy mới thật là ấm, ấm đến mức chẳng có giá rét nào địch nổi. Giá rét gớm thật đấy, nhưng lửa cũng giỏi ra trò.
Ăn hết xoong thức nấu, họ bắt đầu uống chè. Dù là vào lúc trời tối và bóng tối bao phủ rừng taiga, ông Phêđốt vẫn tìm ra được một bụi phúc bồn tử trong đám rừng linh sam, ông đem bẻ nhỏ ra và cho vào ấm nấu nước chè. Thứ lá gia vị này làm cho nước chè trở thành tuyệt diệu. Akitnốp hớp một ngụm và ngậm lại trong miệng để tận hưởng cái vị ngon đặc biệt của chè.
- Có mùi vị của mùa hè, ông Phêđốt ạ, - Akimôp chặc lưỡi.
- Ừ hừ, đánh hơi thấy rồi chứ gì! - ông già cười ngất.
Họ uống ca nước chè một cách chậm rãi, sau đó ông Phêđốt múc tuyết vào xoong, cho hết cả thìa lẫn ca vào đấy rồi lại đặt lên bếp lửa.
- Cứ thế là bát đĩa khắc sạch.
o O o
Không nói thêm một lời nào nữa, ông già đi ra khỏi vòng lửa vào bỗng hét rất to:
- Xin chào anh chàng lừa dối!
Akimốp vừa hút thuốc vừa gạt tàn thuốc vào đám tuyết. Nghe tiếng hét của ông Phêđốt, anh vội vàng đứng dậy. Không hiểu vì sao mãi chưa nghe thấy tiếng vọng. Akimốp đã tưởng là nó sẽ chẳng đáp lời. Nhưng một vài giây qua đi, và trong rừng taiga vang lên: «Xi-n chà-o!»
- Xin chào, anh chàng lừa dối! Phêđốt đã đến thăm anh! - ông già lại hét lên một lần nữa, khi tiếng vọng vừa dứt. Lại giống lần trước: im lặng, sự im lặng kéo dài gần một phút đồng hồ rồi lại vang lên tiếng vọng kéo dài:
- Xi-n chà-o... Phêđốt...
- Chú mình có nghe thấy đấy chứ, thằng lừa dối nó đang chào lão đấy. Nó hét: «Chào Phêđốt!» Nó nhớ người quen cũ của nó đấy, chú mình có biết không? - ông Phêđốt cười khẩy, nhưng Akimốp thì chẳng thấy có gì là lạ lùng ở đây cả, bởi vì cái từ «chào» và «Phêđốt» là những tiếng vọng kéo dài mà thôi.
- Được, ông Phêđốt ạ, để cái thằng lừa dối của ông nó nói chào cháu thử xem nào, - Akimốp nói.
- Để lão bảo nó cái đã, - ông già trả lời và, đi ra xa đống lửa hơn một chút, đi vào sau đám rừng tùng bách, ông già lại hét:
- Này, anh chàng lừa dối ơi, có Gavơriukha cùng đến đấy! Hãy chào anh ta đi! Hãy bảo là: «Chào anh!»
Mãi không thấy tiếng vọng trả lời, nhưng rồi tiếng vọng vang đi khắp rừng taiga và lại im lặng, nhưng không phải im lặng kéo dài, mà một chốc sau lại vang lên to hơn lần trước.
- Đấy nó trả lời đấy, Gavơriukha ạ! Chú mình nghe thấy không? - ông Phêđốt nói, và trong giọng nói của ông có cái vẻ như vừa ý lắm: tựa như là, đấy, lão đưa chú mình đến thung lũng tùng bách này chẳng phải là vô ích.
Tất nhiên phải có một óc tưởng tượng ghê gớm mới phân biệt được tiếng vọng lần thứ hai với lần thứ nhất và cho rằng đấy là tiếng vọng của một giọng nói nào khác nữa. Nhưng dù sao thì tiếng vọng trong thung lũng tùng bách này cũng là một thứ tiếng vọng không bình thường. Akimốp đã nhận ra điều đó ngay từ khi ông Phêđốt chặt những cây bá hương khô để đốt đống lửa theo kiểu dân Tunguxơ kia. Những nhát rìu của ông bổ nhẹ liên hồi thì tiếng vọng lại vang lên oang oang và kéo rất dài, cũng như tiếng vọng đáp lại khi ông già hét, nhưng nét đặc biệt của nó là ở chỗ tiếng vọng ấy bị phân ra thành những chùm tiếng, chúng vang vào các xó góc khác nhau của rừng taiga, và tựa hồ như lại bắt đầu vọng lại nhau, gây cho ta cái cảm giác là có rất nhiều tiếng nói. Tất nhiên, trong đêm khuya, và lại ở tâm trạng bồi hồi thì tất cả những cái đó có thể làm cho ngay cả những người đi rừng taiga dày kinh nghiệm bị mất phương hướng và từ đó đẻ ra truyền thuyết tựa như ở thung lũng thông, có cái thằng lừa dối. «Đấy là đặc điểm âm hưởng của nơi này, nó phụ thuộc vào những điều kiện của cấu tạo tự nhiên ở đây chứ không phải là cái gì khác. Hay thật. Mà cũng có thể là một cái gì khác nữa thuộc lĩnh vực vật lý...» - Akimốp nghĩ. Anh quên cả mệt nhọc, đặt chân vào đôi bàn trượt tuyết và đi vào trong khu rừng tối.
- Ô-hô-hô! ô-hô-hô! ô-hô-hô!- anh hét lên.
Tưởng như tiếng vọng ầm ầm làm rung chuyển cả mặt đất, chạy khắp rừng taiga. Nhưng tiếng vọng vang lên kỳ quặc nhất là khi Akimốp hét một câu khá dài:
- Này, anh chàng lừa dối ơi, giá mà quỷ nó bắt anh đi thì hơn, hãy ra đây nói chuyện với tôi nào! Ha! Ha! Ha!
Ở đây thì ngay cả đến người không bao giờ tin vào những sức mạnh của ma quỷ cũng buộc phải suy nghĩ. Tiếng vọng vang rền và bắt đầu một loạt những tiếng vọng và tiếng đáp lại nối tiếp theo, tạo nên rất nhiều âm điệu và sắc điệu khác nhau, đến mức trong một giây nào đấy Akimốp có cảm giác rằng có tiếng gọi cái tên mới của anh vọng ra từ giữa lòng sâu của rừng taiga. Anh nghĩ ra một câu dài hơn thế nữa và lại hét lên. Kết quả cũng như lần trước. Và một lần nữa anh lại có cảm giác rằng trong cái âm rền vang của tiếng vọng, tên anh lại được gọi lên «Gavơriukha! Gavơriukha!»
«Thật là buồn cười, nhưng có thể tin vào điều đó một cách rất đơn giản. Sự tác động của truyền thuyết vào tâm lý», - Akimốp nghĩ trong khi anh quay trở lại bên đống lửa mà ở đó ông Phêđốt đẩy chiếc mũ ra sau gáy đang đứng trong tư thế chăm chú lắng nghe.
- Thế chú mình có nghe thấy không, nó gọi tên chú mình ra đấy, Gavơriukha ạ, - ông già nói với một vẻ hồi hộp, khi Akimốp đến sát bên đống lửa.
«Lại thế nữa đấy! Thế có nghĩa là không phải chỉ một mình ta có cái cảm giác ấy», - Akimốp nghĩ và không trả lời gì vào câu hỏi của ông già chỉ vẫy tay một cái. Nhưng ông già nhìn anh với một thái độ dò hỏi và rất sốt ruột,
- Cái thứ tiếng vọng dị dạng như thế này, ông Phêđốt ạ, khoa học giải thích là do những đặc điểm của cấu tạo mặt đất và tính chất độc đáo của những dòng không khí...
- Lão hiểu rồi, Gavơriukha ạ, - ông Phêđốt gật đầu. - Mặt đất như ở đây thì đúng là không đâu có, toàn thung lũng là thung lũng. Thế nhưng còn về không khí thì lão chẳng thấy có gì đặc biệt!..
- Ôi, giá được đi ngủ thì tốt, - Akimốp ngáp dài, - rồi đến mai ban ngày ban mặt, ta sẽ đi xem xét vùng này, sẽ tìm dấu vết cái thằng lừa dối của ông.
- Thế chứ còn thế nào nữa, cởi áo ngoài ra và đi nằm thôi. Cả lão cũng đã buồn ngủ rồi.
- Ông Phêđốt, ông nói thế mà nghe được! Cởi áo ngoài ra! Có mà sáng ra thì cháu chết cóng, - Akimốp vừa nói vừa cười khẩy.
- Không, không, chú mình ơi, áo lông và ủng thì thế nào cũng phải cởi. Đây, như thế này này.
Ông Phêđốt cởi chiếc áo lông ra và nhún nhảy một chút rồi nằm vào đám lá tùng bách rung rinh chất cao thành một đống. Sau đó ông với đôi ủng ra đặt nó gần bên ngọn lửa. Lúc này ông nằm đầu cách xa đống lửa, đắp chiếc áo lên mình. Đôi chân đi tất len của ông được lửa sưởi cho rất ấm. Ông không cởi mũ mà đẩy nó xuống tận mắt.
- Nằm xuống cạnh đây. Trên đám lá lão có trải chiếc đệm bằng lông chó và lại thêm cả tấm len thô nữa đây. Cái rét chết tiệt nó cứ luồn từ dưới luồn lên. Thôi ta ngủ thôi. Chả ở đây được lâu, nhưng cho đến tối ngày mai thì chắc là cố gắng chịu được.
Akimốp cởi chiếc áo lông và nằm xuống cạnh ông Phêđốt. Anh không dám bỏ ủng ra vì chân anh không đi tất mà chỉ quấn bằng một tấm khăn. Một phút sau Akimốp đã cảm thấy mình rất ấm. Chân và phía trước thì được lửa sưởi, còn lưng thì anh áp sát vào người ông Phêđốt. Chiếc áo lông vừa hơi ngắn lại vừa hẹp, nhưng rồi anh cũng tìm được cách giắt mép nó quanh mình khiến cho gió không còn có thể lùa vào đâu được. Đêm, ba lần ông Phêđốt đánh thức anh dậy để sưởi lửa hai bên cạnh sườn. Sau đó anh lại nằm xuống và lập tức ngủ ngay. Gần sáng thì ngọn lửa theo kiểu dân Tunguxơ đã làm xong công việc của mình: hai thân cây bá hương to lớn biến thành hai đống than hồng nóng rực. Chúng tỏa ra làn hơi ấm đến mức làm tan cả đám tuyết ở xung quanh và bầu không khí bên trên chiếc giường làm bằng lá tùng bách làm cho ta có cảm giác như đang ở trong nhà...
- Thế nào, Gavơriukha, có ngủ được không? Không à? - ông Phêđốt gặng hỏi vừa chuẩn bị bữa ăn sáng.
- Còn ông thế nào ông Phêđốt? Cháu thì dù sao cũng ngủ đủ mức cần thiết.
- Cả lão cũng vậy, lão cũng ngủ được một chút. Ông già thì cần ngủ là bao. Chỉ có lúc trẻ mới ngủ khỏe thôi, chứ Gavơriukha ạ. Còn chú mình thì ngủ như chết ấy. Lão giắt các mép áo lông vào cho chú mình, cứ tưởng rằng chú mình sẽ thức giấc, nhưng chú mình thì cứ nằm im thin thít.
- À thì ra là thế đấy! Ông Phêdốt ạ, ông cứ chăm sóc cháu như đứa trẻ con ấy. Nhưng dù sao thì cũng phải nhận rằng: nếu một mình cháu thì cháu chả bao giờ có thể nghĩ ra được một cách ngủ đêm như thế này. Thế mà cháu không biết, ông để những thứ gì trong bao tải. Chỉ biết rằng các thứ đó không lấy gì làm nặng.
- Kiến thức thì chẳng có gì ghê gớm, nhưng nếu không biết lại có thể chết oan như một con ruồi. Rừng taiga đâu phải là một bà mẹ vợ. Nó chả cho anh ăn bánh bột mì đen rán đâu. Cái tấm da lông chó ở vào trường hợp này lại rất là thích hợp, Gavơriukha ạ. Và cả da lông hươu cũng được. Nhưng thứ ấy thì phải chở trên xe trượt tuyết kia.
Trời tảng sáng họ đã xỏ chân vào đôi bàn trượt tuyết và quyết định sẽ đi đến bên thung lũng. Akimốp muốn được tận mắt nhìn qua cái hình thù của thung lũng ấy. Trên đường đi họ lại cất tiếng gọi thằng lừa dối. Có lẽ về buổi sáng nó ngủ say, nhưng rồi nó cũng trả lời, của đáng tội, lúc đầu có vẻ gượng gạo thế nào ấy, sau dần dần to hơn và vui vẻ hơn.
- Gavơriukha thấy không, cái thằng lừa dối chó chết này nó ngủ trưa ra phết, - ông Phêđốt cười ngất.
- Không sao cả, cháu sẽ đánh thức nó dậy bây giờ, - Akimốp nói đùa và hét thật to: - Này, anh chàng vô công rồi nghề ơi, còn định ngủ gật đến bao giờ nữa thế?!
Gớm, lần này thì cái thằng lừa dối nó đã cho thấy sức lực nó ra sao! Cả rừng taiga ầm ầm vang lên, lúc đầu ở góc này, sau rồi đến góc khác, và cuối cùng thì tiếng vọng đã vang lên ở tận một nơi nào đấy trên đỉnh các ngọn cây tùng bách, đúng vào cái chỗ mà lúc này ông Phêđốt và Akimốp đang đứng.
- Đấy, chú mình thấy chưa, nó gào to ghê gớm! Chú mình ơi, không thể nào mà hét tay đôi với nó được đâu.
- Ông nói điều ấy đúng đấy, ông Phêđốt ạ! - Akimốp cười và nói.
Lát sau họ đã đến bên mép thung lũng. Và ở đây Akimốp hiểu ra rằng thung lũng thông chẳng qua là một dòng chảy cũ của một con sông nào đấy, đã tìm được nơi mới để chuyển lòng. Sự xói mòn về mặt địa chất học thì có vẻ còn tương đối ít. Hai bờ sông phơi ra với những vết sụt lở còn mới và những gốc cây tùng bách bị nhổ bật lên. Đáy của lòng chảo phủ một lớp hơi nước màu xanh nhạt do những nguồn mạch nào đó chưa bị đóng băng bốc lên ở chỗ này chỗ khác.
Ngay từ khi xem xét mặt hồ ở bên cạnh lán nghỉ, rồi sau đó đến sông Ấm và đầm Hôi thối Akimốp đã có một ấn tượng rằng ở đây mặt đất thật sự có cuộc sống hẳn hoi; và trong lòng đất, như ở dưới lớp tuyết mùa xuân đang lẩn quất những sức mạnh huyền bí đầy sinh lực. «Ở đây đất cũng thở và huyết mạch của nó vẫn đập đều» - Akimốp lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại trong khi anh trượt bên mép thung lũng thông và đôi lần anh vượt cả ông già, ông chủ tâm nhường cho anh đi trước.
- Cái thằng lừa dối của ông, ông Phêđốt ạ, chắc là sống quanh quẩn ở đâu đây, trong những chiếc lòng chảo này thôi, - Akimốp cười và đưa tay khoanh một khoảng không gian khá rộng chừng nửa vòng tròn. - Có lẽ là tiếng vọng đầu tiên bị phá vỡ để rồi biến thành bao nhiêu tiếng đáp lại, và trong đó những cánh rừng này không phải là không góp phần. Rõ ràng là chúng đã đóng một vai trò nào đấy.
Những lời cuối cùng này Akimốp không chỉ nói với ông Phêđốt mà còn nói với cả chính mình, tựa như anh suy nghĩ thành lời. Nhưng ông già lắng nghe anh không sót một lời và, khi Akimốp ngừng nói, ông thở dài, trong lòng lấy làm tiếc vì không hiểu hết được những điều anh nói.
- Gavơriukha này, giá như người dân taiga ta đây không đến nỗi quá u mê thì có lẽ họ còn có thể thấy được nhiều hơn thế, - ông Phêđốt nói khi thấy Akimốp đặt chiếc địa bàn xuống một gốc cây, sau khi đã lấy găng tay gạt hết tuyết, và lúc này anh đang nghển chiếc cổ dài của mình ra khỏi chiếc khăn quàng, hết sức chăm chú theo dõi nó.
- Mặt trời ở đây lặn về phía nào, ông Phêđốt? - Akimốp hỏi.
- Đây, phía này là phía mặt trời mọc, còn phía này là phía tây. Buổi trưa mặt trời đứng ở đây. - Ông già dùng cánh tay vẽ lên bầu trời đường đi của vầng dương.
- Ông Phêđốt, địa bàn nhảy loạn xạ. Hôm nay nó đánh lừa cháu lại còn hơn cả cái thằng lừa dối của ông nữa, - Akimốp nói, mắt không rời khỏi chiếc địa bàn.
- Này Gavơriukha, chú mình chỉ nói vớ vẩn thôi! Chiếc địa bàn ấy đáng tin cậy lắm, chưa bao giờ nó lừa dối cả, - ông Phêđốt tỏ vẻ giận dỗi vì Akimốp lại nói như vậy về chiếc địa bàn của ông. - Chú mình đưa đây lão tự xem lấy.
Akimốp mỉm cười nhìn ông già và lùi khỏi gốc cây một chút. Ông Phêđốt đẩy chiếc mũ ra phía sau và chăm chú nhìn vào chiếc địa bàn, không chớp mắt:
- Ừ, mà thật đấy, cái đồ ôn dịch, nó chẳng chịu chỉ cho đúng hướng. Hỏng rồi chắc? - Ông Phêđốt lấy làm buồn phiền đập hai bàn tay vào nhau và lùi khỏi gốc cây, đưa mắt nhìn Akimốp vẻ hết sức bối rối.
Akimốp mấy lần lắc lắc chiếc địa bàn rồi lại đặt nó xuống gốc cây, sau đó anh ngước mắt nhìn lên trời qua các ngón tay, chầm chậm quay người theo hướng đi của mặt trời, thỉnh thoảng ngó nhìn vào địa bàn.
- Cháu hiểu cái điều bí mật ở đây rồi, ông Phêđốt ạ, - Akimốp quay mặt về phía ông già. - Địa bàn của ông không hỏng đâu, nhưng nó chỉ sai vì nó cảm thấy có hơi sắt. Trong khoa học hiện tượng đó gọi là sự dị thường từ tính.
- Sắt à? Gavơriukha ơi, chú không bị điên đấy chứ? Làm gì có sắt nào ở đây? Ở đây toàn là những đầm lầy với những mô đất gồ ghề chết tiệt thôi ấy mà! Bạt ngàn toàn là những mô đất và những đầm lầy như thế cả. Thế mà chú lại bảo sắt... Người ta khai thác sắt ở những quả núi kia chứ. - Ông Phêđốt cười ngất rất lâu, đưa mắt nhìn Akimốp như nhìn một anh chàng kỳ quặc.
- Cũng có thể là không có sắt thật, nhưng chiếc địa bàn không thể bỗng dưng vô cớ mà chỉ lung tung như thế được, - Akimốp ngập ngừng nói, anh có phần hơi ngượng vì sự phản ứng của ông già.
- Mà biết đâu chiếc địa bàn lại chạy theo tia nắng của mặt trời thì sao. Nhìn thấy không, những tia nắng lại bắt đầu nhẩy nhót. Lão có cảm giác là như vậy đấy.
- Ai mà biết được nó ra thế nào, ông Phêđốt ạ, cũng có thể đúng như lời ông nói, - Akimốp đưa hai tay ra phía trước phân bua, nhưng trong thâm tâm anh nghĩ: «Không, đấy không thể là nguyên nhân được! Ông lão ơi, ông nhầm rồi. Nhưng mà thôi ông cứ nghĩ theo ý ông, còn tôi tôi sẽ cứ đánh dấu trên bản đồ là có sự dị thường».
Họ đứng lại thêm một chốc bên gốc cây rồi lại đi tiếp. Akimốp đi có phần chậm hơn ông Phêđốt. Trong lúc còn đi qua những đám rừng tùng bách, anh thỉnh thoảng lại dở địa bàn ra và theo dõi chiếc kim nhảy múa. Nhưng rồi một chốc sau, kim không chỉ lung tung nữa mà lại trở về với nếp bình thường và cái mũi kim có nam châm tựa như dính chặt vào dấu hiệu N.
Họ đi về lán trong ánh trăng giữa đêm khuya. Trên đường đi Akimốp đã vẽ ra trong óc mình một sơ đồ mà anh sẽ phải dùng bút lửa chạm lên tấm bảng. Đôi lúc anh lại nghĩ về chuyện khác, hồi tưởng đến Pêtrôgrát với một nỗi buồn cay đắng, nhớ lại những người bạn cùng làm việc với mình bây giờ đang bị đày đến các làng hẻo lánh từ Narưm đến Iacútxcơ, và tất nhiên, anh nhớ tới bác Likhatsiốp. Bác sống ra sao ở nơi xa lạ, ở thành phố Xtốckhôn? Ông cụ đi khỏi Pêtrôgrát rất đúng lúc. Bác có nghiên cứu được nhiều chưa những kho tài liệu về Xibiri? Ôi giá mà được thấy bác lúc này để hỏi han đôi chút và để kể cho bác nghe những nơi kỳ lạ ở rừng taiga xa xôi này!.. Biết đâu, chẳng bao lâu nữa, có khi là rất chóng thôi, sẽ đến cái ngày mà chế độ cường quyền sụp đổ, sụp đổ chính quyền của bọn tư bản, và ở nước Nga một thời đại mới sẽ bắt đầu... Lênin đã tiên đoán như thế... Mà Người chưa bao giờ lầm trong những lời tiên đoán của mình... Và khi đó biết đâu lại hóa ra: những cuộc du lịch bắt buộc này của những người bônsêvích trên không gian mênh mông của nước Nga sẽ không phải là thừa, hoàn toàn không phải là thừa. Bởi vì không chóng thì chầy thế nào cũng phải đưa tất cả vô số những hồ và sông, những vực và đồi núi, những rừng và bãi trống này vào đời sống kinh tế. Không thể nào lại có thể để cho nước Nga, một nước có những khoảng không gian mênh mông, lại cứ phải bị hạn chế về mặt sức sản xuất. Mọi khả năng của nó là ở tương lai... Nhưng muốn hướng đất đai đi vào con đường mới, trước tiên cần phải hiểu biết nó... phải nghiên cứu, thăm dò kỹ lưỡng...
- Đây rồi, nhà ta đây rồi! Sao lão có vẻ mệt mỏi thế nào ấy, Gavơriukha ạ! - ông Phêđốt nói, cố ghìm đà của hai chiếc bàn trượt.
- Ờ, mà đến nhà rồi thật đấy! - Akimốp kêu lên, cắt đứt dòng suy nghĩ của mình và lấy làm ngạc nhiên sao đoạn đường trở về, lại đi một cách chóng vánh đến thế.
o O o
Nhưng chừng ba ngày sau thì ông Phêđốt nói với Akimốp:
- Gavơriukha ơi, thức ăn dự trữ của ta sắp hết rồi, chừng mai kia là lão phải về lấy thêm đấy. Chú mình sẽ phải sống một mình khoảng dăm hôm.
Cái tin đột ngột ấy làm cho Akimôp phải đứng phắt lên:
- Ông cứ đi đi, ông Phêđốt ạ! Cứ đi đi! Cần phải sống bao nhiêu ngày một mình cháu cũng sống được.
Ông Phêđốt nhận ra trong giọng nói của Akimốp có cái âm điệu mừng vui, và ông nghĩ: «Anh chàng đang trông đợi được giải phóng khỏi sự tù hãm này đấy... Chắc là anh ta đang nghĩ rằng mình sẽ đem đến cho anh một tin tức gì đó đấy... Ôi chú mình ơi, chớ có mà mừng hụt».
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri