Until I feared I would lose it, I never loved to read. One does not love breathing.

Harper Lee

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: tongkimlinh
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5230 / 83
Cập nhật: 2015-08-19 10:44:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - Gia Đình Chúng Tôi Trong Thời Kỳ Sôi Động 1927-1931
ại một đám cưới nữa. Lần này tôi được trang sức bằng áo gấm và ngực đeo khánh vàng (tất nhiên là vàng giả), cùng ngồi trên xe kéo để đi đón dâu, song không cần đi vòng queo nữa, vì nhà gái ở tận ấp Thái Hà, khá xa, trên con đường đi Hà Đông. Người em thứ ba đã cưới vợ rồi, thì hai ông anh nghĩ sao đây?
Anh Cả đâu chịu lạc hậu mãi. Lại một cuộc hôn nhân do mối manh, không có gì gọi là tự do luyến ái cả. Anh kể lại, đi xem mặt chỉ thoáng một lát, chưa trông thấy rõ mặt, chỉ thấy người cũng tròn trặn, phúc hậu, thì cũng bằng lòng rồi. Một điều kỳ cục là mấy ông sau này hăng hái bênh vực tự do luyến ái lại toàn là lấy vợ do gia đình xếp đặt cả. Có lẽ vì thế họ vẫn hằng mơ tưởng một cuộc tình lãng mạn thực sự.
Hôm đó, đoàn xe khá dài, riễu phố khá lâu, mãi tới quá trưa mới về tới nhà. Trong ký ức tôi, chị Cả là một phụ nữ hiền lành, ít nói. Chồng đi dạy học xa, chị chỉ sống loanh quanh trong nhà. Tôi biết lờ mờ là chị sống trong chịu đựng, vì những xung đột có khi vì những so bì rất nhỏ mọn, giữa mấy thế hệ.
Hơn năm sau, vì đẻ khó, chị đã từ trần ba ngày sau khi sanh ra một cháu gái. Thiếu mẹ, đứa bé cũng theo mẹ luôn ba tháng sau đó. Bà mẹ chị, theo lời chị tôi kể, đã khóc con rồi khóc cháu rất thảm thiết, khóc hết nước mắt, vì chị là con một.
Sau đám tang của thầy tôi, đây lại là hai đám tang nữa. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi không khỏi cảm thấy ngậm ngùi. Chị Cả, như là một cái bóng đau thương vụt qua rất nhanh trong đời sống gia đình.
Anh Cả cùng một lúc, đã mất cả người vợ và đứa con. Một hôm, ngẫu nhiên trong một cuốn sách để trên bàn của anh, giở trang đầu, tôi đọc một câu viết tiếng Pháp.
Me plonger dans létude comme dans une mer doubli.
dịch nghĩa
Trầm mình trong học hành như trong một bể lãng quên.
Từ đó, anh đã vùi đầu học hành để thi lấy bằng Tú Tài Tây. Vì cố gắng, anh đã thi đỗ, vài năm sau anh vào làm trong sở Bưu chánh Hà Nội. Đời sống được sung túc hơn. Dù thế nào, cũng cần quên đi quá khứ. Lại nhờ mối manh, anh đã tục huyền. Anh đi xem mặt ở cửa hàng sách. Cô gái tuy hơi nhỏ, thấp nhưng cũng xinh xắn dễ coi, hai người đều bằng lòng.
Chị Cả hai này, tôi thấy có vẻ vui tính, hay nói hơn chị Cả trước. Và lần này, anh Cả tôi đã gặp may mắn hơn, gia đình con cái đầy đàn đến nỗi tôi không nhớ nổi tên của mỗi cháu, trừ mấy cháu lớn. Cuộc hôn nhân này mỹ mãn và dài lâu. Vậy thì còn anh Hai ra sao? Dạo đó, anh đổi vào Sàigòn làm việc và kết hôn ở đó. Chị Cẩm người cũng thấp nhỏ và hiền lành sau sanh một cháu gái.
Nhiều khi tôi thấy ái ngại cho anh, những lúc trở giời, đổi sang lạnh hay nóng. Lúc ở căn nhà đường Giám, anh thường hay lên cơn suyễn, ho sù sụ và tức thở, chảy cả nước mắt, nước mũi, mặt có khi đỏ gay, khi trắng bệch. Lúc đó, anh phải đốt một thứ xì gà thuốc để hít lấy hơi, dần dần mới hạ được cơn. Có lúc anh phải tự tiêm một ống thuốc, hay nhờ anh Sáu (Vinh) tiêm hộ. Về sau, anh lại trở vào Nam, vì ở đó khí hậu ấm hơn, cơn bệnh giảm bớt.
Anh Cẩm hơi khác chúng tôi ở chỗ cao lớn hơn một chút, mặt vuông. Anh thuộc hạng người dễ dãi, điềm đạm, không nói nhiều. Vì anh hay xa nhà, tôi lại còn quá nhỏ, nên anh em ít trò truyện với nhau. Nhưng tôi biết, anh cũng thích viết, và có khiếu về viết, như sau này trong báo Ngày Nay họa ảnh. Hoàn cảnh đã khiến anh trở thành một nhà báo, nhà văn... lâm thời, trong một thời gian ngắn ngủi mà thôi.
Con người có đời sống quy củ hơn cả trong gia đình, phải kể anh Long (Hoàng Đạo), ít ra dưới con mắt tôi. Một chàng trai khôi ngô, trắng trẻo, học giỏi, tính cách bình dị. Cũng như đa số anh em, anh không màng công danh, lợi lộc. Từ trường Luật ra, anh không xin làm quan như một số bạn học. Thời đó, nếu muốn một chân tri huyện, tri phủ, chắc cũng không khó gì lắm, chỉ cần quen thuộc với vài mánh khoé trong quan trường. Trong anh em chúng tôi, không ai thích làm quan, và cũng không thích quan. Chúng tôi không thích quan liêu, quyền qúy, cũng như trọc phú chỉ biết trục lợi, không thích tnều đình phong kiến và những kẻ cộng tác với bọn thực dân.
Anh Long không khỏi chịu ảnh hưởng của luồng tư tưởng ái quốc. Tôi không rõ anh có gia nhập hay có liên hệ với tổ chức cách mệnh nào, nhưng chắc chắn là đã bị đương cục thực dân nghi ngờ nên đã bị đổi đi tận Đà Nẵng, miền Trung, làm tham tá lục sự. Một năm sau, anh lại đổi về Hà Nội giữ việc tham tá ở toà án. Buổi tối hay ngày nghỉ, anh thường hay đọc sách, nghiên cứu về xã hội, chính trị nhiều hơn là về văn chương. Người sống bình thường nhất và thầm lặng hơn cả trong gia đình, là người con gái duy nhất - chị Thế. Truyền thống trọng nam khinh nữ vẫn còn trong thời kỳ này. Trong lúc gia đình gặp khó khăn, chị không được đi học nữa và về nhà giúp mẹ trong việc buôn bán. Phận con gái thường thường là thế, không có gì lạ, cũng phải chịu đựng thôi. Thế nào rồi cũng đi lấy chồng, sinh con đẻ cái. Chị cần cù, đảm đương mọi việc trong gia đình, đã giúp đỡ không ít để các anh em yên tâm học hành, làm việc. ít khi thấy chị than phiền hay gắt gỏng điều gì. Nhưng đối với các anh em lớn nhỏ, bao giờ chị cũng chân thành, quan tâm, dù ở trong cảnh huống gia đình khó khăn, thiếu thốn. ở căn nhà phố Giám, tôi cũng không nhớ rõ anh Sáu (Vinh) học gì hay làm gì. Chỉ nhớ, một hôm, anh đứng ở phòng khách dưới nhà, đương nhồi thuốc lào vào điếu, sửa soạn hút một hơi thì mẹ tôi ở trên gác xuống.
Tôi và bà nội ngồi ở trong, lúc đầu không nghe rõ hai người nói gì, nhưng sau dần dần thấy mẹ tôi to tiếng hơn:
- Lâu nay không biết mày làm gì? Nhà đương túng bấn mà sao không mang được một đồng về?
Có lẽ vì anh bỏ trường rồi chưa làm việc gì. So với các anh lớn có thể anh không làm cho mẹ vừa lòng lắm. Hai mẹ con cãi cọ một lúc, rồi không biết tại sao cả hai đều khóc. Ngạc nhiên, chúng tôi chạy ra ngoài.
- Con xin lỗi mẹ, con sẽ đi làm
Anh vừa nói vừa gạt nước mắt, trông cũng đáng thương. Chắc anh nghĩ rằng mình cũng chưa làm gì để giúp mẹ.
- ừ, thì, mẹ cũng tha lỗi cho con. Nếu muốn đi học, thì dù thiếu thốn, cả nhà cũng sẽ giúp.
Bà tôi đứng bên cũng phải rơi nước mắt. Lúc đó, mới thấy anh châm thuốc lào để hút.
Anh Sáu cao hơn các anh em, cũng mắt sâu và ngang, lông mi dài, mặt trông hao hao giống như Tây lai... đẹp trai nhất nhà, mà cũng tài hoa nhất nhà - không phải là tài năng của anh cao nhất, mà là về âm nhạc, thể dục anh rất có khiếu, đánh quần vợt giỏi, bóng bàn cũng giỏi, và chơi cờ tướng cũng cao. Người thông minh, học giỏi, mọi anh em trong gia đình Nguyễn Tường được người ta khen là học giỏi - nhưng chỉ học hai năm, anh đã đỗ bằng Thành Chung. Có người tặng thơ như sau:
Gửi lời mừng bác Nguyễn Tường Vinh.
Đúng bác thần đồng bọn học sinh
Năm trước vừa đến kỳ tốt nghiệp
Năm sau liền đỗ bậc Chung Thành.
Văn hay pbúc ấm nhờ tiên tổ,
Cũng bởi công phu gắng học hành.
Điều lạ hơn cả, anh không phải là gạo suốt ngày đọc sách. Gần đến ngày thi, ban tối, anh đốt cái đèn Hoa Kỳ con trong màn để tránh muỗi, học đến quá nửa đêm.
Anh Sáu vốn là đa sầu đa cảm, dễ rung động trước đau khổ, bất công của đời người, điều này ảnh hưởng tới việc sáng tác của anh về sau.
Đa sầu đa cảm, cũng là tính nết chung của anh em, vì vậy mới thích viết văn, nhưng cùng lúc chúng tôi có những điểm chung nữa là hay suy nghĩ và ưa đưa những điều suy nghĩ sang hành động... Những tính nết chung này sẽ quyết định tương lai của chúng tôi.
Hồi đó, vì sinh sau đẻ muộn, mới mười mấy tuổi, nên tôi bị coi là một chú bé không hiểu gì về cuộc đời, ngoài việc cắp sách đến trường. Có lẽ vì trong nhà thiếu một người cha, nên chẳng có ai quản giáo tôi cả, thành thử tôi gần như hoàn toàn tự động tự giác. May mà tôi cũng thuộc vào hạng trò ngoan, học thì cũng khá, nhất là về tiếng Pháp, còn được giải thưởng danh dự toàn trường Hàng Vôi, ra nhà Hát Lớn lãnh thưởng - một chồng sách cao phải khó nhọc lắm mới vác được xuống bục.
Không rõ tại sao, qua việc đọc những tác phẩm thời ấy, tôi cũng thấy ngứa tay, và viết bừa ra mấy truyện ngắn khi còn 11 -12 tuổi. Cố nhiên, đặt đầu đề rất kêu, theo mốt lúc đó như Một kiếp người và Bóng chiều trên mặt biển, nhưng không hoàn tất được vì hết vốn và bận thi... phải quăng bản thảo vào một ngăn kéo. Không ngờ, một hôm mấy anh lôi ngăn kéo, tò mò lấy ra xem. Ai cũng cười lăn cười lộn, chỉ có anh Long là gật gù tấm tắc. Sau đó, anh cho biết là anh tán thưởng nhất một đoạn tôi viết về đi chơi cô đầu, trong đó có câu:
- Nào, em xăng-tê với quan nào!
Xăng-tê dịch âm từ chữ Pháp santé sang, có nghĩa là mời rượu, chúc sức khỏe, một tiếng người ta hay dùng, và tôi đã học mót từ một cuốn truyện nào đó, và đi cô đầu, thì khách nào cũng được phong làm quan tuốt. Chữ nhà xăng-tê lúc đó còn có nghĩa là nhà tù... có nghĩa là ở đó bị hỏi thăm sức khỏe...
Sau 1925, là một giai đoạn rung động mạnh trong xã hội Việt nam, và cũng rung động đến cả tầng lớp học sinh nhỏ. Không nên nghĩ là học trò chỉ biết đọc sách, làm bài hay đá cầu. Những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp, về những truyền đơn bí mật như tờ Hồn Nước, in bằng thạch mà chúng tôi truyền nhau đọc, những cuộc bãi công, biểu tình, cái tên Nam Đồng thư xã v.v... đều ít nhiều khơi dậy lòng yêu nước của những tâm hồn trẻ thơ.
Vụ ám sát tên Bazin, một người Pháp chuyên mộ phu đi các đồn điền cao su và đất Tân Thế Giới - Caledonia, Tahiti xa xăm, làm giầu trên mồ hôi và máu của bao nhiêu dân Việt cùng khổ, cũng chấn động cả Việt nam lúc đó. Hành động này tất nhiên phải từ một tổ chức bí mật mà ra. Hai tiếng hội kín thần mật rất có sức hấp dẫn đối với những đứa trẻ. Và một bàu không khí đặc biệt hình như đè nặng trên thành phố Hà Nội. Một hôm, cùng đi với một bạn học, trên bờ hồ Hoàn Kiếm, anh chỉ cho tôi một toà nhà hai tầng bờ bên kia, tại phố hàng Trống. Trên cửa, một bảng lớn ghi tên Hanoi Hôtel - Khách sạn Hànội.
- Hiệu ăn cơm Tây mà, có gì lạ? tôi hỏi.
Trông thì cũng chẳng khác gì những tiệm cơm khác. Anh bạn nhìn tôi một cách thần bí, rối ghé vào tai tôi:
- Của... của Việt nam Quốc Dân đảng đó!
Tôi ngạc nhiên. Việt nam Quốc Dân đảng? Đây là cơ sở liên lạc của một tổ chức cách mệnh? Nhưng sao lại ở ngay gần bóp Cảnh sát Hàng Trống? Một bóp lớn, nhiều cảnh sát, mật thám ra vào. Có lẽ càng gần cảnh sát, người ta càng không chú ý chăng?
Sau đó, không bao lâu, Hanoi-Hôtel đã đóng cửa. Năm 1929, tôi thi vào trường Bưởi - tên chính thức là Trung Học Bảo Hộ. Chỉ có mỗi con đường này thôi, vì nếu không thi đỗ tất phải theo học tại những trường tư thục, như Thăng Long, Gia Long, vừa tốn tiền vừa không dễ thi lấy được bầng Thành Chung. Còn trường Albert Sarraut - trường trung học cao cấp, thì rất khó xin vào, tiền học rất cao, thường chỉ có người Pháp hay một số ít gia đình giàu có đặc biệt mới có con em vào học. Trường Albert Sanaut là một trường hỗn hợp cả học sinh trai và gái. Ngoài ra, thời đó còn có những trường riêng cho nữ sinh như trường hàng Bài hay trường Félix Faure ở gần Cột Cờ.
Nói đến Cột Cờ, ở Hà Nội ai cũng biết, đây là một cái đài cao độ mười lăm mét, là chỗ cầm cờ tam tài, biểu hiệu cho nền thống trị Đại Pháp. Nó khiến cho người ta suy nghĩ tại sao ở đất nước mình lại không thấy có một lá cờ Việt nam nào, mà toàn cờ của Tây? Cột Cờ còn được người ta chú ý là vì, ngay bên cạnh, có bãi đá bóng gọi là sân Mangin... Người Hà Nội thích xem đá bóng tròn, thường thường người xem đứng chật ních khi có những trận nẩy lửa. Trong những khán giả tích cực ấy cũng có tôi. Găng nhất là những trận đấu giữa một đội banh người Việt với đội người Pháp - thường là đội của nhà binh- rất gay go, vì những tiếng reo hò của khán giả người Việt rất đông làm át cả phía người Pháp, bất kể thua hay thắng. Đây có phải là một lối trả thù dân tộc không? Trường Bưởi gồm mấy toà nhà ba tầng, quét vôi màu vàng, nằm ngay bên cạnh Hồ Tây, và một bên là đường xe điện chạy lên Bưởi. Từ đường Quan Thánh đi lên, một bên là phủ Toàn Quyền, vởi đằng sau là vườn Bách thú (tên gọi hồi ấy). Một chòi lính canh sơn màu tam tài đứng ngay cạnh lối vào vườn. ở đây có những lối đi rộng, hai bên trồng cây um tùm. Giữa vườn, trên một gò nhỏ, có chuồng hổ, chuồng khỉ, và chim. Chỗ này hấp dẫn được một số du khách, cũng là một nơi hẹn hò tốt của những đôi nam nữ.
Nếu rẽ sang bên Hồ Tây, thì qua đền Quan Thánh, sẽ bước vào con đường lịch sử: đường Cổ Ngư, nằm giữa hai mặt hồ Trúc Bạch và hồ Tây. Con đường nên thơ này không rõ có từ bao giờ, nhưng hồi đó nó đã là một chỗ dạo chơi của người Hà Nội, nhất là về mùa hè nóng nực, là một nơi để bơi lội. Chiều tối nhiều cánh buồm phất phơ trên mặt nước mênh mang mãi tới rặng cây Nghi Tàm xa xa - một cảnh tượng êm đềm. Người thi vào trường Bưởi rất đông, nhưng năm đó chỉ chọn lấy 130 người. Hy vọng mỏng manh, gia đình khuyến khích thì tôi đi thi xem sao, không ngờ lại may mắn trúng tủ tôi đỗ với số 28, nhờ ở bài Pháp văn.
Để đón tiếp ngày vào trường, ở nhà may cho một cái áo dài trắng và một áo the mới. Dạo đó, chưa có mốt mặc quần áo tây. Thành ra, học trò nào cũng súng sính như những ông đồ nho, trông đạo mạo như ông cụ non.
Ngày khai trường, học trò mới qua cổng lớn tụ tập ở sân trường, giữa những gốc bàng và gốc sấu cao. Người đầu tiên chúng tôi gặp là một ông giáo sư Pháp cao lênh khênh, cưỡi một cái xe đạp không tương xứng với thân hình. Nhưng ông này xem có vê thân thiện, mỉm cười trước những học trò còn ngơ ngác. Sau này mới biết tên là Foulon, giáo viên địa dư và lịch sử.
Một ông khác mập hơn, vẻ mặt nghiêm khắc hơn, tới bắt chúng tôi xếp hàng và đứng im để đợi viên hiệu trưởng tới huấn thị. Chúng tôi đã nghe đồn ông Autigeon có tiếng là nghiêm khắc khó sơi, nên hồi hộp đứng chờ.
Một lát, một người mập, to ngang, mặt tròn từ trong bước ra thềm. Mọi người đều rãm rắp bỏ mũ. Hiệu trưởng đưa mắt gườm gườm ngang trên đám học trò mới rồi cất giọng nói ồm ồm không chút cảm tình, về kỷ luật, về những điều phải tuân thủ. Không biết những bạn khác nghĩ ra sao, chứ riêng tôi thấy khó chịu và cả không khí chung quanh nặng nề khó thở. Một bàu không khí thực dân... tôi nghĩ. Tôi liên tưởng đến những truyền đơn, báo bí mật và những tiếng đồn về các hội kín chống Pháp. Trong đầu óc tôi, Autigeon, tuy chỉ là một ông đốc trường, nhưng cũng là một nhân vật tiêu biểu đáng ghét. Từ ngày ấy, đối với nhà trường, tự nhiên tôi đã không có thiện cảm.
Cũng như mấy anh lớn trước đây, tôi đến trọ ở nhà một ông cụ trong làng Bưởi. ở đây, thường thường được ăn cá tươi do ông bắt được bằng đinh ba, ban đêm - vì chính ông lại là người coi cá ở hồ này. ở đây, một bạn học năm thứ ba có đến tìm tôi và đưa một tờ truyền đơn ký tên là thanh niên ái quốc rủ tôi vào một tiểu tổ lúc đó thành lập ngay trong trường. Tôi tỏ ý tán thành. Anh hẹn sẽ liên lạc sau này khi có công việc cần làm. Nhưng sau, tình hình khẩn trương. Mật thám đã chú ý khắp nơi, và mọi tiếp xúc đều phải tạm ngừng. Không bao lâu sau, là cuộc khủng bố lớn đối với Việt nam Quốc Dân đảng. Từ đó, tôi không gặp lại người bạn ấy, và nghe nói có mấy người lớp trên bỏ học.
Về thành tích học hành, thực ra tôi không đến nỗi kém quá, nhưng tôi cũng không là một học trò ngoan. Cùng lớp, tôi nhớ có anh Đinh Gia Trinh, một học trò giỏi, viết bài tiếng Việt cũng rất hay. Thầy giáo dạy tiếng Pháp ông Ch..., lại trông như một ông đồ nho trong bộ áo the dài, và khăn xếp, đeo kính trắng: ông vẫn ưa tôi về Pháp văn. Song một lần, không hiểu tại sao, tôi lại giở chứng, muốn châm chọc một chút. Đầu đề bài luận ông ra là viết bức thư cho ông bố ở xa.
Trong bài viết, ngoài hỏi thăm ông bố ra, tôi thêm câu chắc thầy được dạo cảnh sông Hương núi Ngự tuyệt vời rất thích thú, và câu sau này trong tái bút.
Thầy không phải lo cho các con, vì chúng con khi rỗi thường vẫn dạo chơi bên bờ hồ Hoàn Kiếm, nhìn người qua lại, trong đó có những thiếu nữ mặc quần trong như thủy tinh... (nguyên văn tiếng Pháp: des jéunes filles aux pantalons transtparents comme de verre)
Đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại tinh nghịch và bạt mạng như vậy, không nghĩ đến ảnh hưởng. Tức thì, chấm bài xong, ông giáo mang bài tôi ra đọc trong lớp như một gương xấu, phạt tôi một ngày, chủ nhật phải về trường ôn tập, và phê một câu trên bài Anh lớn gan thực (vous avez du cran!). May mà ông cũng còn thương, chưa đưa lên ông giám thị! Nhưng bài đó, chắc cũng được nhiều người bàn tán.
Chính trong những ngày đó, anh Tam từ Pháp trở về với cái bằng Cử nhân Vật lý học. Một nghệ sĩ mà lại đi học môn khoa học chán ngắt này? Đáng lẽ, anh nên học khoa Văn chương, như Nguyễn Mạnh Tường chẳng hạn. Nhưng nghĩ cho cùng, tốt nghiệp môn gì thì cũng vậy thôi. Tôi nghĩ điểm chính là anh đã tốt nghiệp tại Đại Học xã hội Pháp, đã được nhìn thấy tận mắt một nền văn minh tiền tiến và dân chủ, đã hiểu thấu thế nào là tự do, bình đẳng, bác ái - khẩu hiệu mà bọn thực dân Pháp dù không muốn, cũng phải đưa ra, ngay trong các nước thuộc địa. Khẩu hiệu này thực là khôi hài, đối với dân các nước bị trị.
Qua sự tiếp xúc với nền văn hoá, nghệ thuật của nước Pháp, với bộ óc nhạy cảm, anh học được nhiều kinh nghiệm và nẩy ra quyết tâm làm thế nào để cải cách xã hội Việt nam. Người du học ở Pháp về không phải là ít, nhưng có hoài bão lớn và có quyết tâm hành động, cũng không bao nhiêu. Không phải ngẫu nhiên mà sau này Nguyễn Tường Tam đã trở thành Nhất Linh.
Đường Giám. Một ngày tháng 2 năm 1930. Đầu xuân, trời hơi lạnh. Buổi tối, độ chín mười giờ. ánh sáng vàng khè của mấy ngọn đèn điện lù mù chiếu trên đường phố vắng tanh. Bên kia đường, dẫy tường gạch, đằng sau là Văn Miếu tối om om. Bà, mẹ tôi đã đi ngủ. Nhớ lại, còn ngồi trên gác đọc sách có anh Tam, anh Sáu và tôi. Anh Cả đi làm ca đêm vắng nhà. Chung quanh im lặng. Bỗng, đột ngột, vẳng từ xa đến mấy tiếng nổ, xem ra lớn hơn tiếng súng thường. Tiếng gì đây, mọi người sửng sốt. Súng? Bom, tạc đạn? Trong thời kỳ bất thường này, chúng tôi nghĩ ngay đến một cuộc nổi dậy. Anh Tam chạy ra phía cửa sổ, hé mở cánh cửa nghe ngóng. Vài tiếng nổ thêm, lác đác. Trong thâm tâm, chúng tôi hy vọng đây sẽ là một cuộc tấn công lớn của cách mệnh, đều khát vọng cuộc khởi nghĩa sẽ đưa tới chấm dứt sự thống trị hung tàn của thực dân, giành được độc lập tự do cho dân tộc. Tiếng nổ hình như vọng tới từ trên, phía bờ sông. Nhưng rất nhanh, im lặng lại trở lại. Chung quanh có tiếng xì xào. Có người chạy ra ngoài đường để quan sát. Nhưng qua độ mươi lăm phút, đã thấy tiếng ồn ào khắp nơi. Rồi đến những tiếng quát tháo chung quanh, tiếng gót giầy nặng chình chịch từ phố bên tới. Vội vàng, chúng tôi đóng cửa sổ lại. Qua khe cửa, thấy một tốp lính cao lớn -chắc là Lê dương (légion - lính đánh thuê) chạy rầm rập vào phố, dừng lại, xem xét chung quanh, rồi cắt lính cầm lưỡi lê gác đầu và cuối đường. Anh em chúng tôi chờ một thời gian, không thấy có động tĩnh gì khác, lại đặt mình xuống giường. Không ai nói với ai một câu nào, nhưng đều biết là suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Có lẽ ai cũng đã cảm thấy thất vọng sâu xa.
Buổi sáng sớm, anh Thụy mới về đến nhà. Anh nói là trên đường phố vắng ngắt, vì vừa mới giải nghiêm. May anh có tấm căn cước nhà Bưu chánh cấp cho, nên cũng thuận lợi trên đường.
Hôm sau, nới biết là mấy nhà cách mệnh đã ném tạc đạn vào bóp cảnh sát Hàng Đậu, định chiếm một số vũ khí, nhưng đã không thành công, và hai, ba người đã bị bắt. Mặc dầu thất bại, nhưng tấm gương anh hùng ấy vẫn luôn luôn in mãi trong trí óc anh em chúng tôi. Rồi sau, biết tin cuộc khởi nghĩa Yên Bái oanh liệt đã bị bọn thực dân đàn áp một cách tàn bạo, dã man. Bao nhiêu án tử hình, khổ sai đè lên đầu những người Việt bất khuất. Và bao nhiêu biểu tình, bãi công khác của thợ thuyền, nông dân cũng đã bị đàn áp. Bọn đế quốc thực dân với sự hợp lực của bọn tay sai người Việt đã tàn sát, hành hạ những phần tử đi tiên phong cho hạnh phúc của dân tộc, trong giai đoạn tàn khốc 1929-1932.
Không ai có thể quên những điều trên, và cũng không có quyền quên. Những tấm gương quật cường và hy sinh cao cả của bao anh hùng liệt sĩ đã ảnh hưởng mạnh tới toàn dân, đặc biệt tới lớp trẻ giàu lòng nhiệt tình, và kích thích tất cả đứng lên chống mọi khó khăn, vì dân, vì nước.
Tinh thần này không những sẽ phản ảnh trong các cuộc cách mệnh sau này, mà còn sẽ phản ảnh về các lĩnh vực văn hoá, xã hội. Nếu không có tinh thần này, thì nói riêng, cũng sẽ không có Nhất Linh, Phong Hóa, Tự lực văn đoàn. Không có một tâm hồn cao thượng, vị tha, thì sẽ không có những tác phẩm có giá trị chân chính, và nếu có chằng qua là để cho người ta đọc sách mua vui một vài trống canh mà thôi.
Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua - Nguyễn Tường Bách Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua