Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Nikolay Nosov
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: yen an
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 738 / 7
Cập nhật: 2018-04-29 14:51:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
hẳng biết Siskin thế nào, còn tôi thì đã quyết bắt tay vào việc ngay. Cái chính, theo tôi, là thời gian biểu. Tôi nhất định sẽ đi ngủ sớm hơn, khoảng 10 giờ tối, như lời cô Olga Nikolaevna nói. Như thế tôi sẽ dậy sớm hơn và trước khi đi học sẽ ôn bài. Sau khi ở trường về tôi sẽ đá bóng độ một hay hai tiếng đồng hồ, và khi đầu óc tỉnh táo sảng khoái thì làm bài tập về nhà. Sau khi xong bài tập rồi, tôi sẽ thoải mái muốn làm gì thì làm: đi chơi với bọn bạn, đọc truyện cho đến lúc lại phải đi ngủ.
Như thế, có nghĩa là nghĩ gì làm nấy, tôi đi đá bóng trước khi về làm bài tập ở nhà. Tôi quyết sẽ không đá bóng quá một tiếng rưỡi, nhiều nhất là hai tiếng thôi, thế nhưng, vừa mới bước ra sân bóng thì tất cả mọi quyết định đó đã bay vèo khỏi đầu óc tôi mất rồi, và tôi chỉ sực nhớ đến quyết tâm của mình khi chiều đã muộn. Một lần nữa tôi ngồi vào bàn học bài muộn tới mức đầu óc đã không còn suy nghĩ được gì rạch ròi nữa, và lại tự hứa với bản thân mình ngày mai sẽ không đá bóng lâu quá thế nữa.
Nhưng sang ngày hôm sau mọi chuyện vẫn đâu đóng đấy. Trong khi đá bóng, tôi luôn tự nhủ: “Nào, thắng thêm một quả nữa thôi thì mình về”, thế nhưng không hiểu sao khi bên tôi đã làm bàn rồi, thì tôi lại muốn chơi thêm một tí, thêm bàn nữa đã. Cứ thế kéo mãi cho đến tận chiều. Khi đó, tôi lại tự hỏi mình: “Hượm đã! Có điều gì đó không ổn nhỉ!” và bắt đầu suy nghĩ xem vì sao tôi không thực hiện được quyết định của mình. Tôi nghĩ, nghĩ mãi và cuối cùng tôi thấy một sự hoàn toàn rõ ràng, đó là do tôi không có một tí ý chí nào hết. Tức là tôi cũng có ý chí, nhưng mà không đủ mạnh, nhưng mà yếu quá. Nếu như tôi cần phải làm cái gì đó thì mãi tôi vẫn không thể buộc mình phải làm. Đấy, ví dụ như tôi ngồi xuống đọc cuốn truyện hay chẳng hạn, là tôi cứ thế mà đọc mãi, đọc mãi, không thể dừng lại được. Tôi phải làm bài tập, hay đã đến giờ đi ngủ, nhưng tôi không thể bắt tay vào làm bài tập, cũng không thể tắt đèn đi ngủ. Tôi không thể rời cuốn sách ra được, có thể thôi. Mẹ tôi nhắc tôi đi ngủ, bố tôi bảo tôi vào giường, nhưng tôi chẳng nghe lời một ai, cứ thế đọc và đọc, cho đến khi người lớn phải tắt hết đèn đóm đi để tôi chẳng còn trông thấy gì mà đọc nữa. Và chuyện tương tự đang xảy ra với bóng đá. Tôi không đủ sức mạnh ý chí để chấm dứt trò chơi, có thế thôi!
Khi nghĩ ra đến đó, thậm chí tôi còn tự thấy ngạc nhiên. Tôi vẫn hình dung bản thân mình là một người có ý chí rất mạnh và tính cách rất cứng rắn, thế mà thực tế lại là một người chẳng có tí ý chí nào, và tính cách cũng yếu mềm, như thằng Siskin mà thôi. Vậy là tôi đi đến quyết định phải rèn ý chí. Nhưng cần phải làm những gì nhỉ? Để rèn ý chí, tôi sẽ chỉ làm những việc mình không thích thôi, và không làm những việc mình thích. Không thích tập thể dục buổi sáng - vậy thì sáng tôi sẽ tập thể dục. Muốn đi đá bóng - vậy tôi sẽ không đi. Thích đọc sách hay - tức là tôi sẽ không đọc. Tôi muốn bắt đầu rèn ý chí ngay lập tức, ngay ngày hôm nay. Hôm nay mẹ tôi nướng bánh tuyệt ngon, thứ bánh tôi thích nhất ấy, để uống với nước chè. Mẹ chia cho tôi phần bánh ngon nhất, ngay giữa. Nhưng tôi đã quyết rồi, và bởi vì tôi muốn ăn bánh nướng, cho nên tôi sẽ không ăn. Tôi uống chè với bánh mì, và miếng bánh nướng ngon lành thế là còn lại trên đĩa.
- Sao con không ăn bánh nướng thế? - mẹ hỏi.
- Bánh nướng phần con sẽ để đấy đến chiều ngày kia, mẹ ạ - đúng hai ngày, - tôi nói. Buổi chiều ngày kia con mới ăn.
- Sao lại phải thế con? - mẹ nói
- Dạ con đã hứa. Nếu như trước thời hạn đó con không ăn bánh nướng, tức là con có ý chí đủ mạnh.
- Thế nếu anh ăn thì sao? – Lika hỏi.
- Nếu anh ăn thì có nghĩa là yếu đuối. Làm như em không tự hiểu được ấy!
- Em nghĩ là anh chẳng chịu nổi đâu.
- Để rồi xem.
Sáng ngủ dậy – tôi rất lười tập thể dục, nhưng dù sao đi chăng nữa thì tôi cũng đã tập, rồi vào nhà tắm dội nước lạnh lên người, bởi vì tôi cũng không thích dội nước lạnh lên người. Rồi tôi ăn sáng và đi học. Miếng bánh nướng ngon lành nằm lại trên đĩa. Khi tôi đi học về, nó vẫn nằm đấy, mẹ đã dùng cái nắp lọ đường đậy lên để nó không bị khô đi. Tôi mở ra nhìn: nó vẫn tươi nguyên, thậm chí chưa hề suy suyển. Tôi những muốn chén ngay lập tức, nhưng tôi đã đấu tranh với bản thân mình và từ bỏ ý định.
Hôm đó tôi định không đi đá bóng nữa, mà ngồi nghỉ ngơi khoảng một giờ, một giờ rưỡi trước khi bắt tay vào làm bài tập ở nhà. Và thế là tôi bắt đầu nghỉ ngơi sau bữa ăn trưa. Nhưng mà nghỉ thế nào chứ? Chắc chắn không phải là ngồi không rồi. Nghỉ ngơi – đó có thể là một trò chơi hay một công việc thú vị nào đấy. “Làm gì bây giờ nhỉ, - tôi nghĩ. Chơi trò gì nhỉ?”. Rồi tôi quyết định ra sân chơi bóng đá với lũ bạn
Vừa mới kịp có ý nghĩ đó xong thì đôi chân đã tự mang tôi ra ngoài phố, còn miếng bánh nướng thì nằm lại trên đĩa.
Tôi đi dọc theo phố, và chợt nghĩ: “Ấy, dừng lại đã. Mình đang làm gì thế này? Nếu như mình muốn đi đá bóng, tức là không được đi. Chẳng lẽ mình rèn luyện ý chí như thế hay sao?”. Tôi đã muốn quay lại nhà, nhưng rồi tặc lưỡi: “Thôi, mình ra đó xem bọn nó đá thôi vậy, mình thì không đá”. Tới nơi, tôi thấy cuộc chơi đang lúc sôi nổi nhất. Vừa thấy tôi đến, Siskin gào:
- Cậu lượn ở những đâu thế? Bọn mình đã thua tới mười bàn rồi đấy! Vào nhanh lên giúp bọn mình nào!
Đến lúc này thì tôi chẳng hiểu mình vào cuộc chơi như thế nào nữa.
Tôi lại về nhà muộn, cay đắng nghĩ:
“Trời ơi, tôi là con người mới yếu đuối làm sao! Từ sáng mọi việc đã diễn ra tốt đẹp thế mà chỉ vì cái trò đá bóng đó tôi làm hỏng tất cả rồi!”
Tôi thấy cái bánh vẫn nằm trên đĩa, bèn cầm lấy và xơi gọn.
“Đằng nào mình cũng là người yếu đuối rồi!”
Lika về, nhìn thấy ngay cái đĩa rỗng không.
- Anh không chịu được, đúng không?
- Thế nào là “không chịu được”!
- Anh ăn bánh rồi mà?
- Việc gì đến em nào. Ăn, ừ thì ăn. Anh có ăn bánh của em đâu!
- Việc gì anh phải cáu? Em có nói gì đâu. Anh chịu đựng được thế cũng là khá lâu rồi. Ý chí khá mạnh đấy chứ. Em thì chẳng có ý chí gì cả.
- Tại sao em lại không có ý chí gì chứ?
- Tự em cũng không biết tại sao. Giá mà sáng mai anh vẫn chưa ăn miếng bánh đó, thì chắc là em ăn mất của anh thôi.
- Thế có nghĩa là theo em anh có ý chí mạnh hay sao?
- Tất nhiên, có.
Tôi cảm thấy được an ủi đôi phần, và thêm quyết tâm đến mai tiếp tục tu dưỡng ý chí, dù ngày hôm nay không được như ý. Tôi không biết quyết định tu dưỡng sẽ đi đến đâu, nếu như thời tiết cứ đẹp như thế này mãi. May sao, trời đổ mưa từ sáng, và sân bóng, đúng như lời Siskin nói, ướt sũng sĩnh, và không thể đá bóng được nữa. Một khi đã không còn đá bóng được thì tôi cũng không muốn đá bóng lắm. Con người mới phức tạp làm sao chứ! Có thể xảy ra chuyện thế này này: mình thì phải ngồi nhà, còn bọn bạn đang dốc sức đuổi theo quả bóng, vậy là cứ ngồi, ngồi và nghĩ bụng: “Trời ơi, mình mới đáng thương làm sao chứ, buồn làm sao! Mọi người được đi chơi còn mình phải ngồi nhà!”. Thế nhưng nếu mình ngồi nhà mà biết tất cả bọn cũng phải ngồi nhà thì lại chẳng hề nghĩ ngợi buồn chán gì cả.
Lần này cũng thế. Mưa mùa thu ngoài trời cũng không nặng hạt lắm, tôi ngồi nhà bình thản học bài. Và mọi bài tập đều được giải rất trơn tru, cho đến khi tôi bắt tay vào bài số học. Tôi cho rằng chẳng đáng phải nghĩ nát óc một mình, tốt hơn cả là đến nhà một đứa nào đó trong bọn bạn nhờ chúng nó làm bài giúp.
Tôi sắp xếp mọi thứ rất nhanh và đến nhà Alik Sorokin. Trong tổ tôi nó giỏi số học nhất. Nó bao giờ cũng được năm môn số học.
Đến nhà nó, tôi thấy nó chơi cờ một mình.
- A hay quá, cậu đến thật đúng lúc! - Nó nói. Chơi cờ nào.
- Tớ không đến để chơi cờ đâu, - tôi nói. Cậu giúp tớ giải bài số học nhé.
- Được mà, tớ giúp cậu ngay đây. Nhưng cậu biết sao không? Còn vô khối thời gian để làm bài số học. Tớ sẽ giảng cho cậu vài câu là hết. Trước tiên cứ chơi cờ đã. Cậu cũng nên học chơi cờ, vì chơi cờ giúp phát triển khả năng toán học.
- Cậu nói thật đấy chứ? – tôi hỏi.
- Tớ nói thật đấy! Cậu thử nghĩ mà xem, vì sao tớ học giỏi số học nào? Đó là vì tớ chơi cờ đấy.
- Thôi được, nếu cậu đã nói thế, - Tôi đồng ý.
Chúng tôi bày bàn cờ và bắt đầu chơi. Thế nhưng tôi nhận thấy hoàn toàn không thể chơi cờ một cách bình thường với cậu này được. Nó không thể chơi một cách bình tĩnh, và nếu như tôi đi sai một nước nào đó thì chẳng hiểu sao nó cáu kỉnh và quát mắng tôi.
- Ai lại chơi như thế kia chứ. Cậu đi thế nào thế? Chẳng lẽ có thể chơi như thế hay sao? Phù, đi kiểu gì thế này?
- Tại sao không đi thế được? – Tôi hỏi.
- Là vì tớ sẽ ăn mất tốt của cậu.
- Thì cứ ăn đi, - tôi nói. Ăn đi cho khỏe, nhưng xin đừng hét lên thế nữa!
- Làm sao không hét được khi cậu đi ngớ ngẩn thế!
- Thì tốt hơn cho cậu mà, - tôi nói. - cậu sẽ chóng thắng hơn chứ sao.
- Tớ muốn thắng một người thông minh cơ, chứ không muốn chơi với một thằng ngu ngốc như cậu.
- Thế theo cậu thì tớ không thông minh à?
- Ừ, không được thông minh lắm.
Nó cứ thế hạ thấp tôi qua từng nước đi cho đến khi thắng, và nói:
- Chơi ván nữa nào.
Nhưng tới đây thì tôi đã thấy cáu lắm rồi, và tự nhiên nảy ra ý muốn thắng nó để nó đừng quá kiêu ngạo.
- Chơi nào, - tôi nói. Nhưng với một điều kiện là cậu không được la hét, còn nếu cậu la hét nữa thì tớ sẽ về nhà đấy.
Chúng tôi tiếp tục chơi. Nó không la hét gì nữa, nhưng chơi im lặng thì nó cũng không biết cách, và vì thế nó nói liến láu như con vẹt, và chọc cười tôi.
- À há, người ta đi như thế cơ đấy! À há, ừ hứ! Người ta thông minh đến thế rồi cơ đấy! Làm ơn đi nào!
Nghe thật chướng tai.
Tôi thua ván thứ hai, và thua thêm bao nhiêu ván nữa không nhớ nổi. Rồi chúng tôi cũng ngồi vào bàn học số học, và cá tính đáng ghét của nó lại bộc lộ. Nó không thể giảng giải cho tôi một cách bình tĩnh.
- Đơn giản thế mà cậu cũng không hiểu à! Điều đó thì đến bọn trẻ con cũng hiểu mới phải chứ! Có gì không hiểu ở đấy chứ! Ôi, cái cậu này! Số trừ và số bị trừ cậu cũng không phân biệt được sao! Mình đã học từ lớp ba rồi mà. Cậu rơi từ cung trăng xuống đấy à?
- Nếu cậu không thể giảng giải một cách dễ hiểu được thì tớ đi nhờ đứa khác vậy, - tôi nói.
- Tớ nói rất dễ hiểu đấy chứ, mà cậu vẫn không hiểu à.
- Đơn giản đâu nào, - tôi nói. - Cậu hãy giảng giải những điều cần thiết thôi, tớ từ cung trăng hay từ đâu đến thì việc gì đến cậu nào.
- Thôi được rồi, cậu đừng cáu. Tớ sẽ giảng giải dễ hiểu.
Thế nhưng nó không biết cách giảng giải dễ hiểu. Tôi vật lên vật xuống với nó mấy bài tập đến tận chiều tối, mà cuối cùng vẫn lơ mơ chẳng hiểu gì mấy. Nhưng cái đáng chán nhất là tôi không thắng được nó một ván cờ nào. Giá như nó đừng lên mặt quá, thì tôi cũng không thấy tự ái mấy. Giờ đây tôi cảm thấy mình nhất định phải thắng được thằng này, và thế là ngày nào thôi cũng đến nhà nó để học số học, và chúng tôi chơi cờ với nhau hàng giờ liền, hết ván này sang ván khác.
Dần dà tôi cũng học được cách chơi cờ, và đôi lúc cũng thắng được nó một hai ván. Tất nhiên, cũng hiếm khi tôi thắng nó, nhưng mỗi lần thắng nó thì tôi hài lòng ghê gớm. Thứ nhất, từ khi bắt đầu có ván thua thì nó bỏ hẳn cái thói nói liến thoắng như con vẹt, thứ hai, nó bắt đầu cuống một cách khủng khiếp: lúc thì nhấp nhổm nhảy lên, lúc ngồi xuống vò đầu bứt tai.
Nhìn nó những lúc như thế thật buồn cười. Tôi chẳng hạn, chắc là tôi sẽ không cuống đến thế nếu bị thua, và chẳng mừng vui cái nỗi gì khi thấy bạn mình thua. Nhưng Alik thì khác hẳn: Nó không thể kiềm chế niềm vui của mình khi thắng, và khi thua thì như muốn rứt tung cả tóc mình vì buồn bực.
Để có thể chơi giỏi cờ nhanh hơn, ở nhà tôi rủ Lika cùng chơi, và khi có bố ở nhà tôi chơi cả với bố. Một lần, bố sực nhớ ra bố có một cuốn sách dạy đánh cờ đâu đó trong nhà, nếu tôi thực sự muốn chơi cờ giỏi, tôi cần đọc kỹ cuốn sách đó. Tôi lập tức tìm quyển sách và thấy nó trong cái làn đựng những cuốn sách cũ bỏ đi. Đầu tiên tôi cứ tưởng không hiểu được sách nói gì, thế nhưng khi bắt tay vào đọc, tôi mới thấy các bài viết rất đơn giản dễ hiểu. Sách nói, khi chơi cờ, cũng giống như cầm quân, cần phải cố gắng triển khai tấn công, và đưa các con cờ của mình lên phía trước, xuyên qua phòng tuyến đối phương và tấn công quân vua. Sách cũng nói cách bắt đầu một ván cờ, cách chuẩn bị cho cuộc tấn công, phòng thủ và nhiều điều bổ ích khác.
Tôi bỏ ra hai ngày đọc kỹ quyển sách, và sang ngày thứ ba đến nhà Alik chơi cờ, tôi thắng nó liên tiếp hết ván này đến ván khác. Alik không thể hiểu được chuyện gì xảy ra. Tình thế bây giờ thay đổi hoàn toàn. Mấy hôm sau nữa thì tôi đã chơi giỏi đến mức nó không còn cơ hội, dù chỉ là tình cờ, thắng tôi được một vài ván an ủi.
Vì mải chơi cờ nên chúng tôi chẳng còn mấy thời gian học số học, và Alik khi giảng cho tôi cũng vội vội vàng vàng. Tôi nhận thấy dù mình học chơi cờ nhanh đến thế nhưng khả năng toán học của tôi cũng chả được cải thiện mấy. Môn số học đối với tôi vẫn xương xẩu như trước. Vì thế tôi quyết định thôi không chơi cờ nữa, một phần vì tôi cũng chán rồi. Chơi với thằng Alik tôi không thấy thích thú gì nữa, vì nó toàn thua. Tôi nói với nó sẽ không chơi cờ nữa.
- Sao! – Alik nói. - Cậu muốn bỏ cờ á? Nhưng cậu có năng khiếu chơi cờ tốt thế kia mà. Nếu tiếp tục chơi thế nào cậu cũng thành một kỳ thủ giỏi đấy.
- Tớ chẳng có tí năng khiếu nào hết! – tôi nói. Tớ thắng cậu không phải nhờ suy nghĩ gì đâu. Tất cả những nước đi đó tớ học được từ một quyển sách.
- Sách nào cơ?
- Có quyển sách dạy chơi cờ. Nếu cậu muốn thì tớ cho cậu xem, và cậu cũng sẽ chơi giỏi không kém gì tớ. - Tôi nói.
Alik muốn được đọc quyển sách ngay lập tức nên chúng tôi cùng về nhà tôi. Tôi đưa cho nó quyển sách dạy đánh cờ, và nó cầm sách cắm đầu chạy về nhà để đọc ngay lập tức.
Còn tôi quyết không chơi cờ một chút nào nữa cho đến khi môn số học chưa khá hơn.
Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường - Nikolay Nosov Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường