Những ai dám làm, sẽ thắng.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Khaled Hosseini
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 117
Cập nhật: 2021-02-23 22:41:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ăm
MÙA XUÂN NĂM 2003
Nữ y tá tên Amra Ademovic đã cảnh báo Idris và Timur. Cô kéo họ sang bên và nói, “Nếu các anh tỏ thái độ gì, dù chỉ một chút thôi, con bé sẽ hoảng, và tôi sẽ tống các anh ra ngoài.”
Họ đang đứng cuối một hành lang dài tù mù trong khu bệnh nhân nam của bệnh viện Wazir Akbar Khan. Amra nói người thân duy nhất còn lại của con bé - hay người duy nhất tới thăm - là cậu nó, và nếu để nó nằm ở khu bệnh nhân nữ thì ông cậu sẽ không được phép vào thăm. Vì thế, nhân viên đã sắp xếp cho nó một chỗ tại khu bệnh nhân nam, không phải trong một căn phòng - để con bé ở chung phòng với những người đàn ông không phải thân thích, bị xem là sai trái - mà là ở đây, cuối hành lang, một lãnh địa chẳng thuộc về đàn ông lẫn đàn bà.
“Tôi tưởng Taliban đã rút khỏi đây rồi,” Timur lên tiếng.
“Điên rồ thật nhỉ?” Amra nói, rồi khẽ cười vẻ bối rối. Trong tuần lễ Idris trở lại Kabul, anh thấy giọng điệu vờ giận dữ để chọc vui rất phổ biến trong số nhân viên cứu trợ ngoại quốc, những người phải thích nghi với những bất tiện và đặc trưng của văn hóa Afghanistan. Anh hơi mất lòng bởi cái quyền giễu vui và tỏ vẻ chiếu cố ấy, dù người địa phương có vẻ chẳng để tâm, hay nếu có để tâm thì cũng chẳng coi đó là sự sỉ nhục, thành ra anh nghĩ có lẽ mình cũng không nên thế.
“Nhưng chúng để chị ở đây. Chị đến rồi đi,” Timur nói.
Amra nhướng một bên mày. “Tôi không tính. Tôi đâu phải người Afghanistan. Nên tôi không hẳn là phụ nữ. Anh không biết điều này à?”
Timur, không hề thấy mình bị mắng, liền toét miệng cười. “Amra. Ba Lan à?”
“Bosnia. Không tỏ thái độ. Đây là bệnh viện, không phải sở thú. Các anh hứa đi.”
Timur đáp, “Tôi hứa.”
Idris liếc nhìn nữ y tá, lo rằng lời trêu chọc có phần vô ý và khiếm nhã này khéo lại làm cô giận, nhưng xem ra Timur đã thoát được. Idris vừa khó chịu vừa ghen tị với người em họ vì khả năng này. Anh lúc nào cũng thấy Timur thô kệch, thiếu trí tưởng tượng và khí chất. Anh biết Timur không chung thủy với vợ và gian lận thuế. Ở Mỹ, Timur sở hữu một công ty thế chấp bất động sản, nhưng Idris gần như chắc chắn cậu ta ngập vào lừa đảo thế chấp đến thắt lưng rồi. Nhưng Timur vô cùng cởi mở, những thiếu sót của cậu ta luôn được bỏ qua nhờ khiếu hài hước, thái độ hết sức thân thiện, và vẻ ngây thơ đáng mến dễ gây cảm tình với người tiếp xúc. Ngoại hình ưa nhìn cũng góp phần thu hút - thân hình vạm vỡ, đôi mắt xanh lục, nụ cười lúm đồng tiền. Timur, Idris nghĩ, là người đàn ông trưởng thành hưởng đặc quyền của một đứa trẻ.
“Tốt,” Amra nói. “Được rồi.” Cô vén tấm ga giường được treo lên trần nhà làm rèm tạm và để họ vào.
Bé gái - Roshi, như Amra gọi, là tên tắt của “Roshana” - độ chín, mười tuổi. Nó đang ngồi trên chiếc giường khung thép, lưng dựa vào tường, đầu gối co sát ngực. Idris cụp ngay mắt xuống. Anh nén tiếng thảng thốt trước khi nó buột ra khỏi miệng. Có thể đoán được, sự kiềm chế này vượt quá giới hạn của Timur. Cậu ta tặc lưỡi, luôn miệng “Ôi! Ôi! Ôi” bằng giọng thì thầm rành rõ, đau đớn. Idris liếc sang Timur và không ngạc nhiên khi thấy cậu ta rưng rưng nước mắt rất màu mè.
Con bé co rúm lại và kêu ư ử.
“Được rồi, xong, chúng ta đi thôi,” Amra xẵng giọng.
Ra đến bên ngoài, trên những bậc thềm nứt vỡ, nữ y tá rút một bao Marlboro đỏ ra khỏi túi ngực bộ quần áo y tế màu xanh nhạt. Timur, nước mắt đã bốc hơi nhanh như khi xuất hiện, lấy một điếu thuốc và châm lửa cho cả hai. Idris cảm thấy nôn nao, chếnh choáng. Miệng anh khô khốc. Anh sợ mình nôn ra thì bẽ mặt, khiến Amra càng tin vào cách nhìn của cô về anh, về họ - những kiều dân giàu có, ngơ ngác - hồi hương để trố mắt trước cảnh tan hoang mà phiến quân để lại.
Idris nghĩ Amra sẽ mắng họ, ít nhất là Timur, nhưng thái độ của cô giống tán tỉnh hơn là trách cứ. Đó là tác động của Timur lên phụ nữ.
“Vậy,” cô nói vẻ trêu ghẹo, “anh có gì bào chữa cho mình không, Timur?”
Ở Mỹ, Timur là “Tim”. Cậu ta đã đổi tên sau vụ 11/9 và bô bô rằng từ đó việc kinh doanh gần như tăng trưởng gấp đôi. Bỏ đi hai chữ cái ấy, cậu ta nói với Idris, mang lại nhiều điều cho sự nghiệp của cậu ta hơn là một tấm bằng đại học - nếu cậu ta có học đại học, mà thực ra là không; trách nhiệm trò giỏi của nhà Bashiri đã có Idris đảm nhiệm. Nhưng từ ngày về Kabul, Idris nghe thấy cậu ta tự giới thiệu là Timur mà thôi. Một sự hai lòng đủ vô hại, thậm chí là cần thiết. Nhưng nó khiến ta áy náy.
“Xin lỗi về chuyện xảy ra trong đó,” Timur nói.
“Có khi tôi phải phạt anh.”
“Bớt nóng đi mà, lương y.”
Amra quay sang nhìn Idris. “Xem nào. Anh ta là cao bồi. Còn anh, anh trầm lặng, nhạy cảm. Anh là - người ta gọi thế nào nhỉ - người nội tâm à?”
“Anh ấy là bác sĩ,” Timur nói.
“À. Vậy chắc anh sốc lắm nhỉ. Cái bệnh viện này ấy.”
“Chuyện gì xảy ra với con bé vậy?” Idris nói. “Với Roshi. Ai làm thế với nó?”
Mặt Amra đanh lại. Khi nói, giọng cô vang cao quyết tâm của một bà mẹ. “Tôi đấu tranh vì con bé. Tôi đấu tranh với chính phủ, tệ quan liêu trong bệnh viện, tay bác sĩ phẫu thuật thần kinh khốn nạn. Từng bước một, tôi đấu tranh vì con bé. Và tôi không dừng lại đâu. Nó chẳng có ai cả.”
Idris nói, “Tôi tưởng còn có một ông cậu.”
“Anh ta cũng chẳng ra gì nốt.” Cô vẩy tàn thuốc lá. “Ừm. Sao các anh lại về đây?”
Timur vào đề. Những gì cậu ta nói đại thể là gần đúng. Rằng cả hai là anh em họ, rằng gia đình họ đã sơ tán sau khi lực lượng Xô viết tràn vào, rằng họ đã ở Pakistan một năm trước khi định cư tại California vào đầu thập niên tám mươi. Rằng đây là lần đầu tiên cả hai trở lại sau hai mươi năm. Nhưng rồi cậu ta thêm rằng họ trở lại để “tái kết nối”, để “giáo dục” bản thân, “làm chứng nhân” cho những hậu quả của ngần ấy năm chiến tranh và tàn phá. Họ muốn về Mỹ, cậu ta nói, để nâng cao nhận thức và gây quỹ, những mong “đền đáp”.
“Chúng tôi muốn đền đáp,” cậu ta thốt ra câu nói nhàm tai đó với giọng điệu chân thành đến nỗi khiến Idris cũng phải ngượng ngùng.
Tất nhiên Timur không chia sẻ lý do thực sự họ quay về Kabul: để lấy lại tài sản từng thuộc về những người cha của họ, ngôi nhà nơi cả cậu ta lẫn Idris đã sống trong mười bốn năm đầu đời. Giá trị tài sản đang tăng chóng mặt vì hiện có hàng ngàn nhân viên cứu trợ ngoại quốc đổ về Kabul và cần nơi cư trú. Ban sáng họ đã ở đó, ngôi nhà xưa, giờ là chốn ngụ cư cho một nhóm tạp nham các chiến binh Liên minh phương Bắc bộ dạng mỏi mệt. Lúc rời đi, họ gặp một người đàn ông trung niên sống cách ba nhà phía bên kia đường, một bác sĩ phẫu thuật tạo hình người Hy Lạp tên là Markos Varvaris. Ông mời họ đến dùng cơm trưa và đề nghị đưa họ đi thăm bệnh viện Wazir Akbar Khan, nơi đặt văn phòng của tổ chức phi chính phủ mà ông đang công tác. Ông cũng mời họ tối đến dự tiệc. Họ chỉ biết về đứa bé gái ngay khi vừa tới bệnh viện - tình cờ nghe thấy hai hộ lý nói về nó trên bậc thềm trước - sau đó Timur hích khuỷu tay vào người Idris và bảo, Chúng ta đi xem thế nào đi, ông anh.
Amra xem chừng chán ngấy câu chuyện của Timur. Cô quăng điếu thuốc đi và thắt chặt sợi dây chun đang buộc mái tóc quăn vàng thành một búi. “Ừm. Tối nay gặp các anh ở bữa tiệc nhé?”
Chính cha của Timur, tức chú của Idris, đã sai họ về Kabul. Ngôi nhà của gia đình Bashiri đã đổi chủ vài lần trong hai thập kỷ chiến tranh vừa qua. Tái lập quyền sở hữu sẽ tốn thời gian và tiền bạc. Hàng ngàn trường hợp tranh chấp tài sản đã dồn đống ở tòa án của đất nước này. Cha của Timur bảo họ rằng họ phải lợi dụng bộ máy quan liêu của Afghanistan, vốn mang tiếng là chậm chạp lề mề để “xoay xở” - một uyển ngữ cho câu “chạy đúng cửa”.
“Đúng nghề của em rồi,” Timur nói như thể cần phải nói ra vậy.
Cha của Idris đã mất cách đây chín năm sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư. Ông qua đời tại nhà, với vợ, hai cô con gái và Idris bên giường bệnh. Ngày ông mất, người người nườm nượp kéo đến nhà - cô dì, chú bác, anh em họ, bạn bè, người quen - ngồi trên đi văng, ghế ăn, và khi hết ghế thì ngồi bệt xuống sàn nhà, bậc cầu thang. Phụ nữ tập trung trong phòng ăn và bếp. Họ pha hết bình trà này đến bình trà khác. Idris, với tư cách là con trai duy nhất, phải ký mọi loại giấy tờ - giấy tờ của bác sĩ pháp y, người đến để tuyên bố cha anh đã từ trần; giấy tờ của những thanh niên lịch sự tới từ nhà tang lễ, những người mang cáng đến để đưa xác ông cụ đi.
Timur không hề rời anh một bước. Cậu ta giúp Idris trả lời điện thoại. Cậu ta tiếp đón bao lượt người đến viếng. Cậu ta đặt cơm và thịt cừu từ quán Kabob Nhà Abe, một quán ăn Afghanistan trong vùng do Abdullah, bạn của Timur quản lý, người mà Timur gọi đùa là chú Abe. Timur đỗ xe vào bãi cho những vị khách lớn tuổi khi trời đổ mưa. Cậu ta gọi cho một người bạn ở đài truyền hình Afghanistan địa phương. Không giống Idris, Timur có quan hệ rộng trong cộng đồng người Afghanistan; cậu ta từng nói với Idris rằng mình có trên ba trăm cái tên và số điện thoại liên lạc trong di động. Cậu ta thu xếp để đăng cáo phó lên truyền hình Afghanistan ngay đêm hôm đó.
Đầu buổi tối, Timur chở Idris tới nhà tang lễ ở Hayward. Lúc ấy, trời mưa tầm tã, dòng xe cộ nhích chậm rề trên những làn đường hướng về phía Bắc của xa lộ liên tiểu bang 680.
“Cha anh, bác ấy quả là ưu tú, anh à. Bác ấy rất cổ điển,” Timur khều khào nói khi đi trên lối ra khỏi xa lộ xuống đường Mission. Cậu ta cứ gạt nước mắt bằng lòng bàn tay còn lại.
Idris buồn bã gật đầu. Cả cuộc đời này anh không thể khóc trước mặt người khác, ở những sự kiện mà ta phải rơi nước mắt như tang lễ. Anh coi đó là một khiếm khuyết nhỏ, như chứng mù màu. Tuy nhiên, anh vẫn mơ hồ cảm thấy - và, anh biết, một cách phi lý - rằng mình khó chịu với Timur vì cái trò chơi trội ở nhà bằng màn chạy đôn chạy đáo và khóc lóc màu mè. Như thể người qua đời là cha cậu ta vậy.
Họ được đưa tới một căn phòng tĩnh lặng, thưa thớt ánh đèn với những món đồ đạc màu trầm nặng nề. Một người đàn ông vận áo khoác đen và có mái tóc chẻ đôi tiếp họ. Ở ông tỏa ra mùi cà phê đắt tiền. Với giọng chuyên nghiệp, ông chia buồn với Idris, rồi đưa cho anh tờ khai Thủ tục và Giấy phép Mai táng. Ông hỏi gia đình muốn có bao nhiêu bản chứng tử. Khi mọi đơn từ được ký xong, ông tế nhị đặt trước mặt Idris cuốn Danh sách giá chung.
Giám đốc nhà tang lễ hắng giọng. “Tất nhiên giá này không áp dụng nếu cha anh là hội viên của thánh đường Hồi giáo Afghanistan trên đường Mission. Chúng tôi là đối tác của họ. Họ sẽ thanh toán khoản đất, các loại dịch vụ. Anh sẽ không mất đồng nào.”
“Tôi không biết cha tôi có hay không,” Idris đáp, xem lướt qua cuốn tài liệu. Cha anh từng theo đạo, anh biết, nhưng là đạo tại tâm. Ông hiếm khi đi cầu kinh vào thứ Sáu hằng tuần.
“Tôi cho anh chút thời gian nhé? Anh có thể gọi đến thánh đường.”
“Dạ thôi khỏi,” Timur nói. “Ông ấy không phải thành viên đâu.”
“Anh chắc chứ?”
“Vâng. Tôi nhớ là có nói chuyện này rồi.”
“Tôi hiểu,” giám đốc nhà tang lễ đáp.
Ra ngoài, họ chia nhau một điếu thuốc lá bên chiếc SUV. Trời đã tạnh mưa.
“Làm tiền trắng trợn,” Idris nói.
Timur đạp vào một vũng nước mưa tối thẫm. “Một ngành kinh doanh bền vững, dẫu là kinh doanh cái chết, anh công nhận đi. Lúc nào cũng có cầu. Khỉ thật, nó đánh bại việc bán xe rồi.”
Hồi đó, Timur là đồng sở hữu một bãi bán xe cũ. Một nơi làm ăn thất bát, khá thê thảm, cho đến khi Timur và một người bạn nhúng tay vào. Chưa đầy hai năm, cậu ta đã biến nó thành một cơ sở kinh doanh có lãi. Một đứa tự lực, cha Idris thích nói vậy về đứa cháu trai. Idris, trong khi đó, lại đang kiếm những đồng lương còm khi đang hoàn thành năm thứ hai chương trình bác sĩ nội trú chuyên ngành Nội khoa ở UC Davis*. Vợ anh, người vợ mới cưới một năm của anh, Nahil, vừa làm thư ký ở một công ty luật hết ba mươi tiếng một tuần, vừa dùi mài sách vở để thi vào trường luật.
Đại học Davis thuộc Đại học California.
“Là anh vay chú,” Idris nói. “Chú hiểu mà, Timur. Anh sẽ trả lại cho chú.”
“Khỏi lo đi anh. Anh nói gì thì cũng thế thôi.”
Đó không phải lần đầu tiên hay cuối cùng Timur hết lòng vì Idris. Khi Idris kết hôn, Timur đã tặng anh một chiếc Ford Explorer mới toanh làm quà cưới. Timur đã đứng ra bảo lãnh khoản vay khi Idris và Nahil mua một căn hộ nhỏ ở thành phố Davis. Trong gia đình, cậu ta là ông chú mà đứa cháu nào cũng quý nhất. Nếu có lúc Idris phải gọi một cuộc điện thoại, anh gần như chắc chắn sẽ gọi cho Timur.
Ấy vậy mà.
Idris phát hiện ra, chẳng hạn thế, ai trong gia đình cũng biết về việc bảo lãnh khoản vay. Timur đã kể cho họ. Và ở đám cưới, Timur đã yêu cầu ca sĩ ngừng hát, cất lời thông báo, và chìa khóa chiếc Explorer được trang trọng trao cho Idris và Nahil - trên một chiếc khay, không kém - trước các quan khách chăm chú. Máy ảnh lóe sáng. Đó là điều Idris lo ngại, sự khoa trương, phô phang, đánh bóng trơ trẽn, kiểu cách màu mè. Idris không muốn nghĩ vậy về em họ mình, người chẳng khác gì em trai anh, nhưng dường như với anh, Timur là kẻ khoe khoang, và sự hào phóng của cậu ta, Idris ngờ rằng, là mảnh ghép có chủ đích của một tính cách được tạo dựng phức tạp.
Một đêm, Idris và Nahil đã cãi nhau vặt trong lúc trải tấm ga mới giặt lên giường.
Ai mà chả muốn được yêu quý, cô nói. Anh không thế à?
Đồng ý, nhưng anh sẽ không trả tiền để mua cái đặc quyền ấy đâu.
Cô bảo rằng anh thật bất công, và vô ơn nữa, sau tất cả những gì mà Timur đã làm cho họ.
Em không hiểu vấn đề rồi, Nahil. Ý anh là phô trương những chuyện tốt đẹp mình làm thì thật thô thiển. Cứ âm thầm làm bằng tấm lòng cao thượng mới đáng nói. Như vậy tử tế hơn nhiều là trưng ra cho cả thiên hạ biết.
Ừm, Nahil đáp, giũ mạnh tấm ga trải giường, được yêu quý quả thật hiệu quả hơn nhiều, ông xã à.
“Anh, em nhớ chỗ này,” Timur nói, ngước nhìn ngôi nhà. “Nhắc lại cho em tên người chủ đi?”
“Họ Wahdati thì phải,” Idris đáp. “Anh quên mất tên rồi.” Anh nghĩ về bao lần họ từng chơi bên ngoài cánh cổng trước này, trên con phố này thuở nhỏ, vậy mà giờ đây, nhiều thập kỷ sau, họ mới bước qua cổng lần đầu tiên.
“Lạy Chúa và Đường lối của Ngài,” Timur lẩm bẩm.
Đó là một căn nhà hai tầng bình thường mà ở khu Idris sống tại San Jose, những người trong Hiệp hội Chủ nhà sẽ khó chịu vì nó. Nhưng với tiêu chuẩn của Kabul, đó là một tài sản xa xỉ, với những bức tường cao, cổng kim loại và lối vào rộng rãi. Khi anh và Timur được một nhân viên bảo vệ có vũ trang dẫn vào trong, Idris nhận thấy, như nhiều thứ anh đã thấy ở Kabul, ngôi nhà phảng phất một vẻ huy hoàng quá vãng bên dưới sự tàn phá đã giáng xuống nó - trong đó có dư thừa bằng chứng: những lỗ đạn và vết nứt ngoằn ngoèo trên bức tường bám đầy muội than, lớp gạch trơ ra bên dưới những mảng vữa tróc lở, bụi cây chết khô nơi lối vào, đám cây trụi lá trong vườn, bãi cỏ úa vàng. Khoảng hiên nhìn ra sân sau bị san bằng quá nửa. Nhưng cũng như nhiều thứ ở Kabul, ta thấy dấu hiệu của một cuộc tái sinh chậm rãi, ngập ngừng. Người ta đã bắt tay vào sơn lại nhà cửa, trồng những bụi hồng trong vườn, khoảng tường rào vườn phía Đông trước bị đánh sập, nay được dựng lại, dẫu hơi vụng về. Một chiếc thang dựa vào phía nhà trông ra phố, khiến Idris nghĩ rằng mái nhà đang được sửa dở chừng. Việc tu sửa nửa khoảng hiên bị san bằng có vẻ cũng đã được khởi sự.
Họ gặp Markos trong sảnh. Ông có mái tóc hoa râm lưa thưa và đôi mắt màu xanh dương nhạt. Ông vận bộ trang phục Afghanistan màu xám và quàng kaffiyeh* kẻ ô đen trắng quanh cổ nom rất thanh lịch. Ông dẫn họ vào một căn phòng ồn ã nồng nặc khói thuốc.
Khăn vấn đầu truyền thống của đàn ông Trung Đông.
“Tôi có trà và bia rượu. Hay có lẽ các cậu thích thứ gì đó mạnh hơn?”
“Ông chỉ cần chỉ chỗ thôi, còn cứ để tôi tự phục vụ,” Timur nói.
“Ồ, tôi thích cậu rồi đấy. Kia, bên cạnh dàn âm thanh. Nhân tiện, đá sạch đấy. Làm từ nước đóng chai.”
“Thượng đế phù hộ ông.”
Timur rất thoải mái trong những buổi tụ họp như thế này, và Idris không khỏi ngưỡng mộ em họ vì phong thái tự nhiên, cách pha trò dễ dàng, và sức hút tỏa ra từ chính con người cậu ta. Anh theo chân Timur tới quầy bar, ở đó Timur rót đồ uống cho họ từ một chai lóng lánh sắc đỏ ruby.
Khoảng hai mươi vị khách ngồi trên nệm quanh phòng. Sàn nhà trải thảm Afghanistan màu đỏ đun. Lối bài trí nhẹ nhàng, trang nhã khiến Idris chợt nghĩ đến phong cách “thời trang du nhập”. Đĩa nhạc của Nina Simone vang lên nhè nhẹ. Ai nấy đều uống rượu, hầu như ai cũng hút thuốc, râm ran nói chuyện về cuộc chiến mới nổ ra ở Iraq, rằng việc ấy có ảnh hưởng thế nào đến người Afghanistan. Chiếc ti vi trong góc đang phát kênh CNN, để chế độ tắt tiếng. Baghdad về đêm, quằn quại trong chiến thuật Chấn động và Kinh hoàng*, cứ liên tục phát những tia sáng xanh nhấp nháy.
Shock and Awe: học thuyết quân sự do Harlan K. Ullman và James P. Wade viết năm 1996 và được Mỹ áp dụng vào cuộc chiến lật đổ chính quyền Saddam Hussein (Iraq) năm 2003.
Vodka đá trong tay, họ có thêm Markos và hai người Đức trẻ tuổi nom nghiêm nghị làm việc cho Chương trình Lương thực Thế giới nhập hội. Idris thấy họ, như nhiều nhân viên cứu trợ anh từng gặp ở Kabul, có phần lấn át, hiểu biết thế sự, không thể nào gây ấn tượng.
Anh nói với Markos, “Ngôi nhà đẹp quá.”
“Vậy nói với chủ nhà đi.” Markos sang bên kia phòng rồi quay trở lại với một ông cụ gầy gò. Cụ có mái tóc muối tiêu dày dặn chải ngược ra sau. Hàm râu cắt sát, má hõm lại vì miệng gần như móm. Cụ mặc bộ com lê quá khổ sờn cũ màu ô liu trông như phong cách thập niên bốn mươi. Markos mỉm cười với ông cụ, rạng ngời vẻ yêu mến.
“Nabi jan*?” Timur kêu lên, và Idris bỗng nhớ ra theo.
Dùng sau tên người, tỏ ý thân mật.
Ông cụ rụt rè cười đáp lại. “Bỏ quá cho tôi, trước đây chúng ta đã từng gặp nhau chưa?”
“Cháu là Timur Bashiri,” Timur nói bằng tiếng Farsi. “Xưa nhà cháu sống cách nhà cụ mấy nhà ạ!”
“Trời ơi,” ông cụ thốt lên. “Timur jan? Còn cháu hẳn là Idris jan?”
Idris gật đầu, cười đáp lại.
Nabi ôm cả hai anh em. Cụ thơm lên má họ, vẫn cười tươi, và ngỡ ngàng nhìn họ. Idris nhớ Nabi từng đẩy chủ của mình, ngài Wahdati trên xe đẩy khắp phố. Đôi khi cụ dừng xe trên vỉa hè, và hai người họ nhìn anh cùng Timur chơi bóng đá với lũ trẻ hàng xóm.
“Nabi jan sống ở nhà này từ năm 1947,” Markos nói, khoác vai Nabi.
“Vậy tức là hiện nay cụ sở hữu ngôi nhà này ạ?” Timur hỏi.
Nabi mỉm cười trước vẻ mặt ngạc nhiên của Timur. “Tôi nấu ăn cho ông Wahdati ở đây từ năm 1947 tới 2000, năm ông ấy mất. Ông ấy đã tốt bụng để lại căn nhà này cho tôi, phải.”
“Ngài ấy cho cụ,” Timur sửng sốt nói.
Nabi gật đầu. “Phải.”
“Cụ hẳn là một tay bếp cừ lắm!”
“Còn cháu, nói khí không phải, theo tôi nhớ thì là đứa gây rối chẳng vừa đâu.”
Timur cười khùng khục. “Cháu có bao giờ để ý đến phép tắc gì đâu. Việc đó cháu để cho anh họ cháu đây ạ.”
Markos, xoay xoay ly rượu, nói với Idris, “Nila Wahdati, vợ của người chủ trước, bà ấy là nhà thơ. Hóa ra cũng có tiếng tăm nhất định. Các cậu đã từng nghe tới chưa?”
Idris lắc đầu. “Tôi chỉ biết rằng khi tôi ra đời thì bà ấy đã rời khỏi đất nước này rồi.”
“Bà ấy sống ở Paris cùng con gái,” một trong những người Đức, Thomas, lên tiếng. “Bà ấy mất năm 1974. Tự sát, tôi đoán thế. Bà ấy có vấn đề với rượu, hay ít nhất, đó là những gì tôi đọc được. Cách đây khoảng một hai năm có người cho tôi xem bản dịch tiếng Đức một tác phẩm đầu tay của bà ấy và tôi nghĩ là nó khá hay, thật thế. Gợi cảm ngỡ ngàng, theo như tôi nhớ.”
Idris gật đầu, lại cảm thấy đôi chút thiếu sót, lần này là bởi một người nước ngoài lên lớp cho anh về một nghệ sĩ Afghanistan. Cách vài bước chân, anh nghe thấy Timur đang mải chuyện trò sôi nổi với Nabi về giá thuê nhà. Bằng tiếng Farsi, tất nhiên.
“Cụ có biết cụ có thể cho thuê một nơi như thế này với giá bao nhiêu không?” cậu ta hỏi ông cụ.
“Có,” Nabi đáp, gật đầu cười. “Tôi biết giá thuê nhà ở thành phố mà.”
“Cụ có thể chặt đẹp họ!”
“Ừm…”
“Thế mà cụ lại để họ ở đây miễn phí.”
“Họ đến để giúp đỡ đất nước chúng ta, Timur jan à. Họ bỏ nhà mà đến đây. Tôi mà ‘chặt đẹp’ họ như cháu nói thì e không phải đạo lắm.”
Timur bật ra một tiếng rên rỉ, đoạn uống nốt chỗ rượu, “Ừm, hoặc là cụ ghét tiền, người bạn lớn của cháu ạ, hoặc cụ là người tốt hơn cháu ngàn vạn lần.”
Amra bước vào phòng, mặc áo trùm hông màu ngọc xanh dương lên chiếc quần jean bạc phếch. “Nabi jan!” cô kêu lên. Nabi có vẻ hơi giật mình khi cô thơm lên má cụ và choàng một tay ôm cụ. “Tôi quý ông cụ này,” cô nói với nhóm người. “Và tôi thích làm cụ bối rối.” Rồi cô nhắc lại bằng tiếng Farsi cho Nabi nghe. Cụ vừa ngật đầu tới lui vừa cười, hơi đỏ mặt.
“Làm cả tôi bối rối nữa đi,” Timur nói.
Amra vỗ vào ngực cậu ta. “Người này phiền chết đi được.” Cô và Markos thơm nhau theo phong cách Afghanistan, ba lần lên má, với mấy người Đức cũng vậy.
Markos khoác eo cô. “Amra Ademovic. Người phụ nữ làm việc năng nổ nhất Kabul. Đừng có dại mà đối đầu với cô ấy. Ngoài ra, tửu lượng của cô ấy còn cao gấp mấy lần người khác đấy.”
“Vậy thử xem thế nào,” Timur nói, với lấy chiếc ly trên quầy bar đằng sau cậu ta.
Ông cụ, Nabi, xin cáo lui.
Trong khoảng một tiếng đồng hồ tiếp theo, Idris hòa nhập với mọi người, hay cũng cố hòa nhập. Chai rượu càng vơi, cuộc nói chuyện càng rôm rả. Idris nghe thấy tiếng Đức, tiếng Pháp, cả thứ ngôn ngữ hẳn là tiếng Hy Lạp. Anh uống thêm một ly vodka, rồi đến một lon bia âm ấm. Giữa một nhóm người, anh lấy can đảm đan cài một câu chuyện cười về Mullah Omar* mà anh từng được nghe bằng tiếng Farsi ở California. Nhưng câu chuyện cười được dịch sang tiếng Anh không xuôi tai lắm, còn cách kể chuyện của anh thì khô cứng. Thất bại ê chề. Anh ra chỗ khác, nghe lỏm thấy người ta nói chuyện về một quán rượu Ireland sắp mở ở Kabul. Phần lớn mọi người đều cho rằng nó sẽ không trụ được lâu.
Tức Mullah Mohammed Omar, lãnh tụ tinh thần của Taliban.
Anh đi quanh phòng, lon bia ấm trong tay. Anh chưa bao giờ cảm thấy thoải mái trong những buổi tụ họp như thế này. Anh cố vùi đầu vào xem lối bài trí của ngôi nhà. Có những tấm áp phích hình tượng Phật ở Bamiyan, một trận đấu Buzkashi*, một tấm hình bến cảng trên một hòn đảo Hy Lạp mang tên Tinos. Anh chưa bao giờ nghe nói đến Tinos. Anh thấy một bức ảnh lồng khung treo trong sảnh, màu đen trắng, hơi nhòe mờ, như thể được chụp bằng máy ảnh tự chế. Trong ảnh là một cô gái trẻ có mái tóc đen dài, lưng quay về phía ống kính. Cô ở ngoài bãi biển, ngồi trên một tảng đá, hướng về phía đại dương. Góc dưới bên trái của tấm ảnh trông như bị cháy.
Trò chơi phổ biến ở khu vực Trung Á. Người chơi cưỡi ngựa vượt qua các đối thủ để giành lấy xác con dê đã bị chặt đầu, rồi tìm cách ném cái xác ấy vào một vòng tròn được vẽ trên đất.
Bữa tối có đùi cừu tẩm hương thảo và nhồi những nhánh tỏi nhỏ. Có xa lát phô mai dê và mì ống rưới xốt pesto. Idris tự lấy cho mình một ít xa lát, rồi cuối cùng chui vào góc phòng bày đồ ăn. Anh thấy Timur ngồi với hai phụ nữ Hà Lan trẻ đẹp. Tán tỉnh, Idris nghĩ. Tiếng cười nổ ra, và một cô chạm vào đầu gối Timur.
Idris mang đồ uống ra ngoài hiên và ngồi trên một băng ghế gỗ. Trời lúc này tối đen, chỉ có đôi bóng đèn lủng lẳng trên trần chiếu sáng khoảng hiên. Từ đây, anh có thể thấy hình dáng tổng thể của một vật nom như ngôi nhà nhỏ tít cuối vườn, và bên phải khu vườn, là bóng một chiếc ô tô - to, dài, cũ kỹ - nhìn đường cong thì có vẻ là xe kiểu Mỹ. Đời 40, có lẽ là đầu 50 - Idris nhìn không ra - với cả, anh có bao giờ rành xe cộ đâu. Anh chắc chắn là Timur biết. Cậu ta sẽ tuôn ra một tràng về mẫu mã, đời xe, kích cỡ động cơ, tất cả các lựa chọn. Trông chiếc xe như ngự trên bốn bánh xẹp lép. Một con chó nhà hàng xóm cất tiếng sủa ăng ẳng. Trong nhà, ai đó cho đĩa Leonard Cohen vào máy hát.
“Êm ả và tinh tế quá.”
Amra ngồi xuống bên anh, đá lanh canh trong ly. Bàn chân cô để trần.
“Chàng Cao bồi em họ anh, anh ta đúng là sinh khí của bữa tiệc.”
“Tôi không ngạc nhiên đâu.”
“Anh ta đẹp trai thật. Anh ta có gia đình chưa?”
“Ba con rồi.”
“Tệ quá. Thế thì tôi phải cư xử phải phép mới được.”
“Tôi chắc là cậu ta nghe thấy điều này thì thất vọng lắm.”
“Tôi có nguyên tắc mà,” cô nói. “Anh không quý anh ta lắm.”
Idris bảo cô, khá thành thực, rằng Timur chẳng khác gì em trai anh.
“Nhưng anh ta làm anh ngượng còn gì.”
Đúng. Timur có làm anh ngượng. Cậu ta cư xử như một gã người Mỹ gốc Afghanistan xấu xí điển hình, Idris nghĩ. Giăng nước mắt khắp thành phố bị chiến tranh tàn phá này như thể cậu ta thuộc về nơi đây, nồng nhiệt vỗ lưng người dân địa phương và gọi họ là anh chị, chú bác, ồn ào cho người ăn xin tiền từ cái thứ mà cậu ta gọi là gói Bakhsheesh*, đùa với những phụ nữ lớn tuổi mà cậu ta gọi là mẹ và thuyết phục họ kể chuyện cho cậu ta ghi hình trong khi cậu ta đeo vẻ mặt não nề, giả vờ mình là một trong số họ, như thể cậu ta đã ở đây suốt, như thể cậu ta không nâng tạ ở phòng tập Gold ở San Jose, căng sức tập cơ ngực và bụng, trong khi những người dân này bị đánh bom, giết hại, cưỡng hiếp. Đúng là giả nhân giả nghĩa và đáng ghê tởm. Và Idris sửng sốt khi dường như không ai nhìn thấu hành động của cậu ta.
Hối lộ.
“Những gì cậu ta nói với cô không đúng đâu,” Idris lên tiếng. “Chúng tôi về đây để đòi lại ngôi nhà thuộc về cha chú tôi. Thế thôi. Không còn gì khác.”
Amra khịt mũi cười. “Tôi biết thừa ấy chứ. Anh tưởng tôi ngốc chắc? Tôi đã làm việc với các tư lệnh và quân Taliban ở đất nước này rồi. Tôi đã chứng kiến mọi thứ. Không gì có thể khiến tôi sốc nữa. Chẳng gì, chẳng ai lừa được tôi đâu.”
“Tôi cho là vậy.”
“Anh trung thực đấy,” cô nói. “Ít nhất thì anh cũng trung thực.”
“Tôi chỉ nghĩ rằng những người dân này, mọi chuyện mà họ đã trải qua, chúng tôi nên tôn trọng. Nói đến ‘chúng tôi’, ý tôi là Timur và tôi. Những kẻ may mắn, những kẻ không ở đây khi nơi này bị đánh bom tan nát. Chúng tôi không giống những người dân ấy. Chúng tôi không nên giả vờ là mình giống họ. Những câu chuyện họ kể, chúng tôi không có quyền nghe… Tôi đang lảm nhảm mất rồi.”
“Lảm nhảm?”
“Tôi nói không rõ nghĩa.”
“Không, tôi hiểu mà,” cô nói. “Anh nhắc đến những câu chuyện của họ, đó là món quà họ tặng anh đấy.”
“Quà. Phải.”
Họ nhấm nháp thêm chút rượu. Họ tâm tình thêm một lúc, với Idris thì đây là cuộc trò chuyện chân thành đầu tiên anh có từ khi về Kabul, không có vẻ chế giễu nhẹ nhàng, không có nỗi trách cứ mơ hồ nào mà anh cảm thấy từ người dân địa phương, các viên chức chính phủ, những người trong các tổ chức cứu trợ. Anh hỏi thăm về công việc của cô, và cô kể anh nghe mình đã phục vụ ở Kosovo với Liên Hiệp Quốc, ở Rwanda sau vụ diệt chủng, cả Colombia, Burundi nữa. Cô từng giúp đỡ những trẻ em hành nghề bán dâm ở Campuchia. Đến giờ cô đã ở Kabul được một năm, lần thứ ba, lần này là với một tổ chức phi chính phủ nhỏ, làm việc tại bệnh viện và điều hành một phòng khám lưu động vào các ngày thứ Hai. Kết hôn hai lần, ly dị hai lần, không con cái. Idris thấy thật khó đoán tuổi của Amra, dù có thể trông cô trẻ hơn bề ngoài. Có một sắc đẹp lấp lánh tàn phai, một vẻ gợi cảm xù xì, bên dưới hàm răng vàng và đám bọng mắt mỏi mệt. Tầm bốn, có lẽ là năm năm nữa, Idris nghĩ, vẻ đẹp phai mờ đó cũng sẽ biến mất.
Rồi cô nói, “Anh có muốn biết chuyện gì đã xảy ra với Roshi không?”
“Cô không phải kể đâu,” anh nói.
“Anh nghĩ tôi say à?”
“Thế cô có không?”
“Hơi hơi,” cô đáp. “Nhưng anh là một tay trung thực.” Cô vỗ nhẹ vào vai anh, phảng phất vẻ trêu đùa. “Anh xin được biết vì những lý do chính đáng. Với những người Afghanistan khác như anh, những người Afghanistan đến từ phương Tây, thì lại - nói thế nào nhỉ? - chõ mắt nhìn.”
“Trố mắt nhìn.”
“Phải.”
“Như nhìn một cảnh khiêu dâm.”
“Nhưng có lẽ anh là tay tử tế.”
“Nếu cô kể tôi nghe,” anh nói, “tôi sẽ xem đó là một món quà.”
Thế là cô kể anh nghe.
Roshi sống cùng cha mẹ, hai chị gái và một cậu em nhỏ tại ngôi làng nằm ở một phần ba quãng đường từ Kabul đến Bagram. Một ngày thứ Sáu tháng trước, bác con bé, tức anh trai cha nó, đến chơi. Gần một năm qua, cha nó và ông bác kia mâu thuẫn với nhau về ngôi nhà mà Roshi sống cùng gia đình, ngôi nhà mà ông bác cho rằng thuộc về mình một cách hợp pháp, với tư cách con trưởng, nhưng cha họ lại để lại cho người con thứ vốn được thiên vị hơn. Cái ngày ông ta đến, dẫu vậy, mọi chuyện đều ổn cả.
“Ông ta nói là muốn chấm dứt tranh chấp.”
Để chuẩn bị, mẹ Roshi đã mổ hai con gà, nấu một nồi cơm trộn nho khô to đùng, ra chợ mua những quả lựu tươi rói. Khi ông bác đến, ông ta và cha Roshi thơm và ôm nhau. Cha Roshi ôm siết anh trai mình, nhấc bổng chân ông ta khỏi thảm. Mẹ Roshi khóc nhẹ nhõm. Cả nhà ngồi xuống dùng bữa. Ai cũng ăn thêm hai, ba lượt. Họ tráng miệng bằng mấy quả lựu. Sau đó nhâm nhi trà xanh và nhấm nháp những viên kẹo bơ nhỏ. Rồi ông bác xin phép đi vệ sinh.
Khi trở lại, ông ta cầm theo một chiếc rìu.
“Loại để đốn cây ấy,” Amra nói.
Người đầu tiên chịu nạn là cha Roshi. “Roshi kể với tôi là cha nó thậm chí không hề biết chuyện gì xảy ra. Ông ấy không nhìn thấy gì cả.”
Một nhát duy nhất bổ vào gáy. Đầu ông ấy gần như lìa khỏi cổ. Tiếp đến là mẹ Roshi. Roshi thấy mẹ mình cố chống cự, nhưng sau vài nhát rìu vung vào mặt và ngực thì mẹ nó câm bặt. Đến lúc ấy lũ trẻ hét lên bỏ chạy. Ông bác đuổi theo chúng. Roshi thấy một người chị tìm cách chạy ra hành lang, nhưng ông ta đã túm tóc chị nó mà vật xuống đất. Một người chị khác thoát được ra ngoài hành lang. Bác nó đuổi theo, và Roshi nghe thấy ông ta đạp cửa phòng ngủ, những tiếng thét, rồi đến bầu im lặng.
“Thế là Roshi, con bé quyết định trốn cùng thằng em. Chúng chạy khỏi nhà, chúng chạy ra cổng trước nhưng cổng khóa. Chính ông bác đã làm thế, tất nhiên rồi.”
Chúng chạy ra sân, vì hoảng loạn và tuyệt vọng, có lẽ quên mất rằng ngoài sân chẳng hề có cánh cổng nào, không lối thoát, những bức tường quá cao không trèo qua nổi. Khi ông bác lao khỏi nhà đến chỗ chúng, Roshi thấy thằng em năm tuổi gieo mình vào tandoor mà chỉ mới một tiếng trước đó, mẹ chúng đã nướng bánh mì. Roshi nghe thấy tiếng em trai thét trong lửa khi con bé vấp ngã. Nó lật mình đúng lúc để thấy bầu trời xanh và chiếc rìu bổ xuống. Và rồi không còn gì nữa.
Amra dừng lại. Trong nhà, Leonard Cohen đang hát một phiên bản sân khấu của ca khúc “Who By Fire”.
Dẫu cho có thể nói được, việc mà vào giây phút này Idris không làm nổi, anh cũng không biết nói gì cho phải. Anh có thể đã nói gì đó, một lời phẫn nộ bất lực chẳng hạn, nếu đó là việc mà Taliban hay al-Qaeda, hay một tay tư lệnh du kích Hồi giáo vĩ cuồng gây ra. Nhưng không thể đổ lỗi cho Hekmatyar* hay Mullah Omar, hay Bin Laden, hay Bush và cuộc chiến chống khủng bố của ông ta. Cái lý do đơn giản, thường tình ẩn sau vụ thảm sát này khiến nó trở nên khủng khiếp hơn, và đau lòng hơn. Từ vô nghĩa nảy ra trong óc anh, và Idris liền xua nó đi. Đó là những gì người ta vẫn hay nói. Một hành vi bạo lực vô nghĩa. Một vụ giết người vô nghĩa. Như thể ta có thể phạm tội giết người có ý nghĩa không bằng.
Thủ lĩnh Taliban bấy giờ.
Anh nghĩ đến con bé, Roshi, lúc ở bệnh viện, cuộn tròn sát tường, ngón chân co quắp, nét mặt ngây dại. Vết nứt trên đỉnh cái đầu cạo trọc lốc, đống mô não óng ánh to bằng nắm tay lòi ra từ đó, nằm trên đầu nó như nút thắt chiếc khăn turban của người theo đạo Sikh.
“Chính miệng con bé kể cho cô nghe à?” cuối cùng anh hỏi.
Amra gật đầu nặng nề. “Con bé nhớ rõ rành rành. Từng chi tiết một. Nó có thể kể anh nghe từng chi tiết một. Ước gì con bé có thể quên đi vì nó cứ gặp ác mộng suốt.”
“Thằng cu, chuyện gì xảy ra với nó?”
“Quá nhiều vết bỏng.”
“Còn ông bác?”
Amra nhún vai.
“Họ bảo là phải cẩn thận,” cô nói. “Trong công việc của tôi, họ bảo là phải cẩn thận, phải chuyên nghiệp. Dính dáng vào chả hay ho gì đâu. Nhưng Roshi và tôi…”
Tiếng nhạc bỗng dưng tắt ngấm. Lại mất điện. Trong giây khắc tất cả tối đen, chỉ còn ánh trăng. Idris nghe thấy tiếng người càu nhàu trong nhà. Những ngọn đèn pin halogen nhanh chóng được bật lên.
“Tôi đấu tranh vì con bé,” Amra nói. Cô chẳng hề ngước lên. “Tôi không dừng lại đâu.”
Hôm sau, Timur đi cùng mấy người Đức tới thị trấn Istalif, vốn nổi tiếng với nghề làm gốm đất sét. “Anh cũng đi đi.”
“Anh ở nhà đọc sách thôi,” Idris nói.
“Anh có thể đọc ở San Jose mà ông anh.”
“Anh cần nghỉ ngơi. Có lẽ tối qua anh uống nhiều quá.”
Sau khi mấy người Đức đón Timur đi, Idris nằm trên giường một lát, nhìn chằm chằm vào tấm áp phích quảng cáo hồi thập niên sáu mươi bạc phếch treo trên tường, một nhóm bốn du khách tóc vàng tươi cười đi bộ ven hồ Band-e-Amir, di tích từ thuở ấu thơ của anh ở Kabul trước chiến tranh, trước khi bị chia cắt. Đầu buổi chiều, anh đi dạo. Trưa anh ăn kabob ở một quán nhỏ. Khó lòng mà thoải mái ăn uống được trong khi bao khuôn mặt trẻ con nhem nhuốc kia dòm qua cửa kính, nhìn anh ăn. Thật không thể chịu nổi. Idris tự thú với bản thân rằng ở điểm này, Timur giỏi hơn anh. Timur biến nó thành trò chơi. Như một hạ sĩ quan huấn luyện, cậu ta huýt sáo khiến lũ trẻ ăn xin xếp hàng, rồi rút vài tờ bạc từ gói Bakhsheesh. Khi đưa tiền, từng tờ một, cậu ta dập gót chân và chào kiểu quân đội. Lũ trẻ thích thế. Chúng chào lại. Chúng gọi cậu ta là Kaka. Có lúc chúng còn trèo lên chân cậu ta.
Sau bữa trưa, Idris bắt taxi và bảo tài xế đưa mình đến bệnh viện.
“Nhưng tạt qua chợ trước đã,” anh nói.
Mang theo chiếc hộp, anh đi dọc hành lang, qua những bức tường loang lổ graffiti, những căn phòng treo rèm nylon thay cửa, một ông già chân đất lệt sệt bị băng một bên mắt, những bệnh nhân nằm trong căn phòng nóng bức ngột ngạt thiếu bóng đèn. Mùi cơ thể chua loét vương khắp mọi nơi. Đến cuối hành lang, anh dừng lại bên tấm rèm trước khi kéo ra. Anh cảm thấy tim mình thắt lại khi thấy con bé ngồi trên mép giường. Amra đang quỳ trước nó, giúp nó đánh hàm răng nhỏ xíu.
Có một người đàn ông ngồi bên kia giường, gầy gò, da cháy nắng, với bộ râu bờm xờm và mái tóc sẫm màu bù xù. Thấy Idris bước vào, người đàn ông vội vã đứng lên, áp lòng bàn tay lên ngực và cúi chào. Idris lại một lần nữa ngỡ ngàng khi thấy dân địa phương có thể dễ dàng nhận ra anh là một người Tây phương gốc Afghanistan, rằng hơi tiền bạc và quyền lực có thể mang lại cho anh một thứ đặc quyền ảo ở thành phố này. Người đàn ông giới thiệu với Idris rằng mình là cậu của Roshi.
“Anh quay lại rồi,” Amra nói, đoạn nhúng bàn chải vào thau nước.
“Tôi hy vọng mọi chuyển ổn cả.”
“Sao lại không chứ,” cô đáp.
Idris hắng giọng. “Salaam* Roshi.”
Xin chào (tiếng Farsi).
Con bé quay sang Amra hỏi ý. Nó cất tiếng thì thầm ngập ngừng, the thé, “Salaam.”
“Chú có quà cho cháu này.” Idris đặt cái hộp xuống rồi mở ra. Mắt Roshi sáng bừng lên khi Idris lấy ra một chiếc ti vi nhỏ và đầu video. Anh cho con bé xem bốn băng video phim anh vừa mua. Phần lớn những cuốn băng ở cửa hàng là phim Ấn Độ, không thì cũng là phim hành động, võ thuật với Lý Liên Kiệt, Jean-Claude Van Damme, tất cả phim của Steven Seagal. Nhưng anh lại tìm được Người ngoài hành tinh, Chú heo chăn cừu, Câu chuyện đồ chơi và Người khổng lồ sắt. Anh đã xem hết mấy phim này ở nhà cùng các con.
Amra và Roshi trao đổi bằng tiếng Farsi xem con bé muốn xem phim nào. Roshi chọn Người khổng lồ sắt.
“Cháu sẽ thích phim này lắm đấy,” Idris nói. Anh thấy thật khó nhìn thẳng vào con bé. Ánh mắt của anh cứ lướt tới đống bầy nhầy trên đầu nó, mớ mô não óng ánh, những đường tĩnh mạch và mao mạch chằng chịt.
Chẳng có cái ổ điện nào ở cuối hành lang, thành thử Amra phải mất một lúc để tìm thêm dây nối, nhưng khi Idris cắm phích cắm vào ổ, miệng Roshi dãn rộng thành một nụ cười. Trong nụ cười ấy, Idris thấy những gì mình biết về cuộc đời ít ỏi biết chừng nào, sự tàn khốc, dã man, hung bạo vô biên của nó, ngay cả khi anh đã ở tuổi ba nhăm.
Khi Amra cáo lui đi thăm những bệnh nhân khác, Idris đến ngồi cạnh Roshi và cùng xem phim với con bé. Ông cậu ngồi lặng lẽ trong phòng, không hiểu đang nghĩ gì. Xem được nửa chừng thì mất điện. Roshi bật khóc, ông cậu bèn ngả người khỏi ghế và thô bạo nắm tay cháu gái. Ông ta thì thầm nhanh vài lời cục cằn bằng tiếng Pashto, thứ ngôn ngữ mà Idris không hiểu. Roshi nhăn nhó cố vùng ra. Idris nhìn bàn tay nhỏ của con bé, lọt thỏm trong bàn tay nắm lại chặt cứng, trắng bệch cả đốt ngón tay của cậu nó.
Idris khoác áo vào. “Mai chú quay lại nhé Roshi, rồi ta sẽ xem phim khác nếu cháu thích. Cháu có muốn thế không?”
Roshi co tròn lại bên dưới tấm chăn. Idris nhìn ông cậu, hình dung xem Timur sẽ làm gì với người đàn ông này - Timur, cái người không giống anh, không có khả năng cưỡng lại thứ cảm xúc dễ đến này. Để em ở lại riêng với ông ta mươi phút, cậu ta sẽ nói thế.
Ông cậu theo anh ra ngoài. Đến cầu thang, ông ta khiến Idris sững sờ khi nói ra điều này, “Tôi mới là nạn nhân thực sự, Sahib ạ.” Chắc hẳn ông ta đã thấy vẻ mặt Idris bởi ông ta vội sửa lại lời mình nói, “Tất nhiên con bé là nạn nhân. Nhưng ý tôi là, tôi cũng là nạn nhân. Anh thấy đấy, tất nhiên, anh là người Afghanistan mà. Nhưng những người nước ngoài này, họ không hiểu.”
“Tôi phải đi đây,” Idris nói.
“Tôi là mazdoor, dân lao động chân tay. Mỗi ngày tôi kiếm được một đô la, ngày nào may thì được hai đô, Sahib ạ. Và tôi phải nuôi năm đứa con. Một đứa thì bị mù. Giờ thì thế này nữa đây.” Ông ta thở dài. “Có những lúc tôi thầm nghĩ - xin trời xá tội - tôi tự nhủ là, có lẽ đấng Allah nên để Roshi… ừm, anh hiểu mà. Có lẽ thế tốt hơn. Bởi vì, tôi hỏi anh nhé, Sahib, ai còn muốn cưới con bé nữa đây? Nó sẽ chẳng bao giờ tìm được chồng. Thế thì ai sẽ chăm sóc nó? Tôi phải làm thôi. Tôi sẽ phải làm việc đó mãi mãi.”
Idris biết mình đã bị dồn vào chân tường. Anh thò tay tìm ví.
“Anh cho bao nhiêu cũng được, Sahib à. Không phải cho tôi, tất nhiên. Mà là cho Roshi.”
Idris đưa cho ông ta hai tờ tiền. Ông cậu chớp chớp mắt, ngước lên khỏi chỗ tiền. Ông ta lắp bắp, “Hai…” rồi ngậm chặt miệng lại như sợ đánh động Idris rằng anh đã phạm sai lầm.
“Mua cho con bé một đôi giày tử tế nhé,” Idris nói, rồi đi xuống cầu thang.
“Đấng Allah phù hộ anh, Sahib,” ông cậu nói với theo sau lưng anh. “Anh là người tốt. Anh là người tử tế và tốt bụng.”
Hôm sau, và cả hôm sau nữa, Idris đều tới thăm. Chẳng mấy chốc, việc đó đã trở thành thói quen, và anh ở bên Roshi mỗi ngày. Anh bắt đầu biết tên các hộ lý, những nam y tá làm việc ở tầng một, bác tạp vụ, những nhân viên bảo vệ dáng vẻ mệt mỏi, ốm đói ở cổng bệnh viện. Anh giữ kín những chuyến thăm hết mức có thể. Trong những cuộc gọi về Mỹ, anh không kể với Nahil về Roshi. Anh cũng không cho Timur biết mình đi đâu, tại sao anh không cùng cậu ta đến Paghman hay gặp mặt một quan chức Bộ Nội vụ. Nhưng rốt cuộc Timur vẫn phát hiện ra.
“Tốt,” cậu ta nói. “Việc anh làm thật tử tế.” Cậu ta ngừng lại trước khi nói thêm, “Nhưng cũng nên hành xử cẩn thận vào.”
“Ý chú bảo anh đừng đến thăm nữa chứ gì?”
“Một tuần nữa là ta đi rồi, ông anh. Đừng để con bé thân thiết với anh quá.”
Idris gật đầu. Anh tự hỏi chẳng lẽ Timur không thấy hơi ghen tị với mối quan hệ của anh với Roshi, thậm chí còn bực bội vì anh, Idris, đã cướp đi cơ hội ngoạn mục được đóng vai anh hùng của cậu ta. Timur, hiện ra từ một tòa nhà đang bốc cháy trong một cảnh quay chậm, bế theo đứa trẻ. Đám đông vỡ òa trong tiếng hò reo. Idris quyết không để Timur đem Roshi ra làm trò theo cách đó.
Nhưng nói gì thì nói, Timur vẫn đúng. Một tuần nữa là họ về nhà rồi, và Roshi đã bắt đầu gọi anh là Kaka Idris. Nếu anh đến muộn, anh thấy con bé lo lắng. Nó vòng tay ôm quanh bụng anh, vẻ nhẹ nhõm ngập tràn trên khuôn mặt. Những chuyến thăm của anh là điều con bé mong chờ nhất, nó nói với anh thế. Đôi khi nó còn nắm chặt tay anh bằng cả hai tay khi họ xem phim. Khi không ở bên con bé, anh thường nghĩ tới đám lông tay vàng hoe của nó, cặp mắt hẹp màu hạt dẻ, bàn chân xinh xắn, đôi má bầu bĩnh, cái cách con bé khum tay quanh cằm khi anh đọc cho nó nghe một cuốn truyện thiếu nhi anh mua ở một hiệu sách gần trường trung học của người Pháp. Có đôi lần, anh cho phép bản thân thoáng tưởng tượng nếu đem con bé về Mỹ thì sẽ như thế nào, nó sẽ hòa nhập ra sao với hai đứa con của anh ở nhà, Zabi và Lemar. Năm ngoái, anh và Nahil đã tính chuyện sinh thêm đứa thứ ba.
“Giờ sao đây?” Amra hỏi vào ngay trước hôm anh phải rời đi như đã định.
Lúc đầu ngày, Roshi đã tặng Idris một bức tranh, nguệch ngoạc bằng nét chì trên tờ giấy kẻ ô của bệnh viện là hai hình người que đang xem ti vi. Anh chỉ vào người có mái tóc dài. Cháu đây à?
Còn kia là chú, Kaka Idris.
Cháu để tóc dài à? Hồi trước ấy?
Tối nào chị cháu cũng chải tóc cho cháu. Chị ấy biết cách không làm cháu đau.
Chị cháu hẳn là một cô chị ra dáng đấy nhỉ.
Khi nào tóc cháu dài ra, chú có thể chải cho cháu mà.
Chú thấy được đấy.
Đừng đi, Kaka. Đừng bỏ đi.
“Con bé đáng yêu quá,” anh nói với Amra. Thật vậy. Ngoan ngoãn, nhũn nhặn nữa. Lòng gợn tội lỗi, anh nghĩ về Zabi và Lemar ở San Jose, những đứa trẻ đã từ lâu tỏ vẻ không thích mấy cái tên Afghanistan của chúng, những đứa trẻ đang nhanh chóng biến thành đám bạo chúa tí hon, thành những đứa trẻ Mỹ ngỗ ngược mà anh và Nahil đã thề không bao giờ nuôi lớn chúng thành ra như vậy.
“Con bé là người sống sót,” Amra nói.
“Phải.”
Amra dựa lưng vào tường. Hai người hộ lý vội vã đẩy băng ca qua họ. Nằm trên đó là một cậu bé đầu quấn băng đẫm máu và có một thứ trông như vết thương hở trên đùi.
“Những người Afghanistan khác đến từ Mỹ, hay châu Âu,” Amra nói, “họ đến chụp ảnh con bé. Họ quay video. Họ hứa hẹn đủ điều. Rồi họ về nhà cho gia đình họ xem. Cứ như nó là con vật trong sở thú vậy. Tôi để họ làm vậy bởi tôi nghĩ có thể họ sẽ ra tay giúp đỡ. Nhưng họ lại quên bẵng đi. Tôi không hề nhận được tin gì từ họ. Thế nên tôi hỏi lại, giờ sao đây?”
“Cuộc phẫu thuật mà con bé cần?” anh nói. “Tôi muốn hiện thực hóa điều đó.”
Cô nhìn anh vẻ do dự.
“Nhóm chúng tôi có khoa Phẫu thuật thần kinh. Tôi sẽ nói chuyện với trưởng khoa. Chúng tôi sẽ sắp xếp để đưa con bé bay đến California tiến hành phẫu thuật.”
“Tốt, ngoại trừ vấn đề tiền nong.”
“Chúng tôi sẽ xin kinh phí. Trường hợp tệ nhất thì tôi sẽ đứng ra chi trả.”
“Cạn ví đấy.”
Anh cười. “‘Cạn túi’ mới chuẩn, nhưng mà đúng thế thật.”
“Chúng ta phải xin phép cậu nó đã.”
“Nếu ông ta còn xuất hiện trở lại.” Chẳng thấy mặt mũi hay nghe tin gì của ông cậu từ cái ngày Idris cho ông ta hai trăm đô la.
Amra mỉm cười với anh. Anh chưa bao giờ làm bất cứ việc gì như thế này cả. Việc nhanh chóng đưa ra cam kết mà không suy nghĩ nhiều này mang lại cho anh thứ cảm giác hồ hởi, lâng lâng, thậm chí ngây ngất. Anh cảm thấy tràn trề nhiệt huyết. Điều đó suýt khiến anh không thở nổi. Trước sự ngỡ ngàng của chính mình, anh rưng rưng nước mắt.
“Hvala,” cô nói. “Cảm ơn anh.” Cô kiễng chân hôn lên má anh.
“Xử xong cô nàng Hà Lan rồi.” Timur nói. “Ở bữa tiệc thì phải?”
Idris ngẩng đầu lên khỏi cửa sổ. Nãy giờ anh cứ mải ngắm những đỉnh núi nâu nhạt của dãy Hindu Kush nằm ken nhau san sát tít xa bên dưới. Anh quay sang nhìn Timur ngồi ở ghế cạnh lối đi.
“Cô nàng tóc nâu. Nốc nửa liều Viagra là có thể vui vẻ với nàng một mạch tới khi có chuông cầu nguyện buổi sáng.”
“Trời ạ. Chú có bao giờ trưởng thành không đấy?” Idris nói, khó chịu với việc Timur lại đè lên vai anh gánh nặng khi phải biết đến chuyện vụng trộm, trăng hoa, những trò mèo đáng ghê tởm của cậu ta.
Timur cười mỉa. “Nhớ đi, anh họ, chuyện xảy ra ở Kabul*…”
Nói lái từ câu What happens in Vegas stays in Vegas (Chuyện xảy ra ở Vegas sẽ được giữ kín ở Vegas).
“Thôi đừng có nói hết câu.”
Timur bật cười.
Đâu đó ở cuối máy bay, một bữa tiệc nho nhỏ đang diễn ra. Người thì hát bằng tiếng Pashto, người thì gõ gõ vào chiếc đĩa nhựa như thể đó là tamboura* vậy.
Một loại đàn của người Trung Đông gồm 4 dây, cán dài, thùng đàn dạng bầu.
“Em thật không thể tin nổi là chúng ta lại tình cờ gặp cụ Nabi,” Timur lẩm bẩm. “Trời ạ.”
Idris lần tìm viên thuốc ngủ cất trong túi áo ngực rồi nuốt khan.
“Vậy là tháng sau em sẽ quay lại,” Timur nói, đoạn khoanh tay trước ngực, nhắm mắt lại. “Chắc sau đấy cũng phải làm thêm vài ba chuyến nữa, nhưng chúng ta sẽ ổn thôi.”
“Chú tin gã Farooq ấy à?”
“Tin thế quái nào được. Thế nên em mới quay lại.”
Farooq là tay luật sư mà Timur thuê. Chuyên môn của gã là giúp những người Afghanistan sống xa xứ đòi lại quyền sở hữu những bất động sản đã mất tại Kabul. Timur cứ lải nhải về đống giấy tờ mà Farooq sẽ nộp, ông thẩm phán mà cậu ta hy vọng sẽ xử vụ này, ông anh họ cách hai đời của vợ Farooq. Idris lại tì thái dương vào cửa sổ, đợi viên thuốc phát huy tác dụng.
“Anh Idris?” Timur khẽ gọi.
“Ơi.”
“Những gì chúng ta chứng kiến ở đó thật kinh khủng phải không?”
Chú giàu lòng thấu cảm không ngờ đấy, em họ. “Ừ,” Idris đáp.
“Mỗi một dặm vuông có cả ngàn thảm kịch, trời ạ.”
Chẳng mấy chốc, đầu Idris đã bắt đầu u u, mắt mờ đi. Trong lúc thiếp ngủ, anh nghĩ về buổi chia tay với Roshi, anh nắm ngón tay con bé, nói rằng hai chú cháu sẽ gặp lại nhau, con bé vùi mặt vào bụng anh khẽ thổn thức, gần như không thành tiếng.
Trên đường từ sân bay San Francisco về nhà, Idris thích thú nhớ lại tình hình giao thông hỗn loạn ở Kabul. Giờ đây thật lạ lùng khi lái chiếc Lexus dọc theo những làn đường dẫn lên phía Nam của quốc lộ 101 trật tự, không ổ gà ổ voi, những biển báo xa lộ lúc nào cũng hữu ích, ai nấy đều lịch sự, bật tín hiệu đàng hoàng, đi lại nhường nhịn hết sức. Anh mỉm cười nhớ lại tất cả những người lái taxi trẻ tuổi liều lĩnh mà anh và Timur đã giao phó mạng sống của mình cho họ ở Kabul.
Ngồi trên ghế phụ, Nahil hỏi han không ngớt. Kabul có an toàn không? Đồ ăn thế nào? Anh có ốm mệt gì không? Anh có chụp ảnh quay video mọi thứ không? Anh cố hết sức trả lời. Anh miêu tả những ngôi trường bị đánh bom, đám người sống nhờ trong những khu nhà không mái, những người ăn xin, bùn đất, điện đóm thất thường, nhưng nghe cứ như tả một khúc nhạc vậy. Anh không thể thổi hồn vào nó. Những chi tiết thu hút, sống động của Kabul - phòng tập thể hình giữa đống đổ nát, chẳng hạn thế, hay một bức vẽ Schwarzenegger trên cửa sổ. Những chi tiết như vậy giờ bay hết khỏi đầu anh, và anh thấy những lời miêu tả của mình nghe sao chung chung, tẻ nhạt, như trong những bài phóng sự thông thường của hãng AP.
Nơi ghế sau, lũ nhóc chiều lòng anh mà lắng nghe một chút, hay ít nhất cũng ra vẻ thế. Idris có thể cảm thấy sự chán nản của chúng. Rồi Zabi, tám tuổi, đòi Nahil mở phim cho nó xem. Lemar, lớn hơn hai tuổi, cố nghe thêm chút nữa, nhưng chẳng mấy chốc Idris đã nghe thấy tiếng xe chạy vun vút phát ra từ máy chơi game Nintendo DS của nó.
“Mấy đứa làm sao thế?” Nahil mắng chúng. “Cha các con mới từ Kabul về. Các con không tò mò à? Không có gì hỏi cha à?”
“Không sao đâu mà,” Idris nói. “Kệ chúng nó đi.” Nhưng đúng là anh không vui với sự thờ ơ của chúng, việc chúng vô ý không biết rằng mình đã may mắn đến thế nào khi được anh ban cho một cuộc sống đầy ưu ái. Anh cảm thấy một khe nứt đột ngột xuất hiện giữa chính mình và gia đình, kể cả Nahil, phần lớn câu hỏi của cô về chuyến đi đều xoay quanh quán xá và việc thiếu đường ống nước trong nhà. Giờ anh nhìn họ với ánh mắt buộc tội như những người dân địa phương hẳn đã nhìn anh khi anh lần đầu trở về Kabul.
“Anh đói ngấu rồi,” anh nói.
“Anh thích ăn gì?” Nahil hỏi. “Sushi, đồ Ý? Có một quán mới mở ở Oakridge đấy.”
“Ăn đồ Afghanistan đi,” anh đáp.
Họ tới quán Kabob Nhà Abe ở phía Đông San Jose, gần chợ trời Berryessa cũ. Chủ quán, Abdullah, là một người đàn ông tóc muối tiêu ngoài sáu mươi tuổi, với bộ ria mép cong cong và đôi bàn tay nom rắn rỏi. Vợ chồng ông là bệnh nhân của Idris. Abdullah vẫy tay từ sau quầy thanh toán khi Idris và vợ con bước vào quán. Kabob Nhà Abe là một quán ăn gia đình nhỏ. Chỉ có tám bàn - thường được phủ bằng lớp khăn trải bàn vinyl dinh dính - thực đơn ép nhựa, những tấm áp phích về Afghanistan trên tường, máy bán soda cũ, một tay “thương buôn”, nằm trong góc. Abdullah đón khách, thanh toán, dọn bàn. Vợ ông, Sultana, làm việc ở phía sau; bà chính là người nấu những món ăn kỳ diệu. Idris thấy bà đang ở trong bếp, lom khom bên thứ gì đó, tóc búi cao trong chun lưới, mắt nheo lại vì hơi nước. Bà và Abdullah kết hôn ở Pakistan hồi cuối thập niên bảy mươi, họ từng kể với Idris thế, sau khi cộng sản tiếp quản quê nhà. Họ được cấp quyền tị nạn tại Mỹ vào năm 1982, năm mà con gái họ, Pari, chào đời.
Lúc này cô chính là người ghi thực đơn cho họ. Pari rất thân thiện và nhã nhặn, cô được thừa hưởng làn da sáng cùng ánh mắt lấp lánh kiên nghị giàu cảm xúc từ mẹ. Cô cũng sở hữu cơ thể bất cân đối kỳ lạ, phía trên mảnh mai duyên dáng nhưng từ thắt lưng trở xuống lại nở nang với bờ hông đầy đặn, đùi lớn, mắt cá chân to. Cô đang mặc một chiếc váy rộng quen thuộc.
Idris và Nahil gọi thịt cừu với cơm gạo lứt và bolani*. Lũ trẻ gọi chapli kabob*, món giống nhân thịt trong hamburger nhất mà chúng tìm thấy trên thực đơn. Khi họ đợi đồ ăn, Zabi kể với Idris rằng đội bóng đá của nó đã lọt vào chung kết. Nó chơi ở cánh phải. Trận đấu sẽ diễn ra vào Chủ nhật. Lemar nói nó có biểu diễn ghita vào thứ Bảy.
Bánh mì dẹt nhân rau.
Bò băm nướng.
“Con định chơi bài gì?” Idris uể oải hỏi, ngấm dần cảm giác lệch múi giờ.
“Paint It Black ạ.”
“Hay quá.”
“Không biết con có tập đủ không nữa,” Nahil nói, giọng nhuốm vẻ trách cứ thận trọng.
Lemar bỏ tờ giấy ăn mà nó đang cuộn xuống. “Mẹ! Mẹ đùa ạ? Mẹ có thấy ngày nào con cũng tập không? Con tập nhiều lắm đấy ạ.”
Cả nhà ăn được nửa chừng thì Abdullah đến chào hỏi, lau tay vào chiếc tạp dề buộc quanh thắt lưng. Ông hỏi họ có thấy đồ ăn vừa miệng không, có cần phục vụ thêm gì không.
Idris kể với ông rằng anh và Timur vừa từ Kabul về.
“Timur jan định làm gì?” Abdullah hỏi.
“Làm mấy trò vớ vẩn như mọi khi ấy.”
Abdullah toét miệng cười. Idris biết ông quý Timur đến mức nào.
“Còn việc kinh doanh kabob của bác thì sao ạ?”
Abdullah thở dài. “Bác sĩ Bashiri à, nếu tôi có muốn nguyền rủa ai thì tôi sẽ nói, ‘Cầu trời ban cho anh một quán ăn.’”
Cả nhà cười chút đỉnh với Abdullah.
Lát sau, khi họ rời khỏi quán và leo lên chiếc SUV, Lemar hỏi, “Cha ơi, có phải ai ông ấy cũng cho ăn miễn phí không ạ?”
“Tất nhiên là không rồi,” Idris đáp.
“Thế tại sao ông ấy lại không lấy tiền của cha ạ?”
“Vì chúng ta là người Afghanistan, và vì cha là bác sĩ của ông ấy,” Idris nói, điều này chỉ đúng một phần. Lý do chủ yếu, anh nghi ngờ, là bởi anh là anh họ của Timur, và nhiều năm trước chính Timur đã cho Abdullah vay tiền mở quán.
Về đến nhà, ban đầu Idris ngạc nhiên khi thấy những tấm thảm trong sảnh và phòng gia đình đều đã được cuộn lên, đinh và ván gỗ trên cầu thang lộ trơ trọi. Rồi anh nhớ ra họ đang tân trang nhà cửa, thay thảm bằng gỗ cứng - những tấm ván rộng bằng gỗ anh đào với cái màu mà nhà thầu gọi là ấm đồng. Cửa tủ bếp được đánh bóng, và có một khoảng trống nơi chiếc lò vi sóng cũ từng nằm. Nahil bảo anh rằng thứ Hai cô định làm nửa ngày để thu xếp gặp những công nhân lát sàn và Jason vào buổi sáng.
“Jason?” Rồi anh nhớ ra, Jason Speer, gã lắp đặt phòng chiếu phim tại gia.
“Anh ta đến đo đạc ấy mà. Anh ta đã bán giảm giá loa và máy chiếu cho nhà mình rồi. Thứ Tư tới anh ta sẽ cho ba người đến lắp đặt.”
Idris gật đầu. Phòng chiếu phim tại gia từng là ý tưởng của anh, thứ mà anh luôn muốn có. Thế nhưng giờ nó lại làm anh bối rối. Anh cảm thấy xa rời với tất cả, Jason Speer, tủ bếp mới và sàn ấm đồng, những đôi giày cao cổ giá 160 đô la của lũ trẻ, ga giường thêu len nổi trong phòng ngủ, thứ năng lượng mà anh và Nahil đã có để theo đuổi những việc này. Kết quả của những tham vọng ấy giờ khiến anh thấy mình như một kẻ phù phiếm. Chúng chỉ gọi nhắc anh về sự khác biệt khủng khiếp giữa cuộc sống của anh và những gì anh chứng kiến ở Kabul.
“Sao thế anh yêu?”
“Lệch múi giờ ấy mà,” Idris đáp. “Anh phải chợp mắt thôi.”
Vào thứ Bảy, anh trụ được qua buổi biểu diễn ghita, đến Chủ nhật thì cầm cự được qua phần lớn trận bóng đá. Trong hiệp hai, anh phải lẻn ra bãi đỗ xe, ngủ khoảng nửa tiếng. Anh cảm thấy nhẹ nhõm khi Zabi không phát hiện ra chuyện đó. Tối Chủ nhật, có mấy người hàng xóm ghé qua dùng bữa. Họ chuyền nhau những bức ảnh Idris chụp trong chuyến đi và lịch sự ngồi hết cả tiếng đồng hồ xem cuốn băng về Kabul mà Nahil cứ khăng khăng bật cho họ xem dù Idris không muốn. Suốt bữa ăn, họ hỏi han Idris về chuyến đi, góc nhìn của anh về tình hình ở Afghanistan. Anh nhấm nháp mojito và trả lời ngắn gọn.
“Tôi không thể tưởng tượng được nơi đó như thế nào,” Cynthia nói. Cynthia là huấn luyện viên Pilates ở phòng tập thể dục nơi Nahil đang theo tập.
“Kabul là…” Idris tìm kiếm từ ngữ phù hợp. “Nơi cứ mỗi dặm vuông lại có cả ngàn thảm kịch.”
“Hẳn là sốc văn hóa lắm, đến đó ấy.”
“Đúng thế.” Idris không nói rằng cú sốc văn hóa thực sự là quay về kia.
Cuối cùng, cuộc nói chuyện cũng chuyển sang chủ đề hàng loạt những vụ ăn cắp thư từ gần đây ở khu dân cư này.
Nằm trên giường, Idris nói, “Em có nghĩ chúng ta phải có tất cả những thứ này không?”
“‘Tất cả những thứ này’ là sao?” Anh thấy cô trong gương, đang đánh răng bên bồn.
“Tất cả những thứ này. Cái này.”
“Không, không nhất thiết, nếu đó là điều anh muốn nói,” cô đáp. Cô nhổ vào bồn, súc miệng ùng ục.
“Em không nghĩ thế là quá nhiều sao, cả cái đám này?”
“Chúng ta đã làm việc chăm chỉ, Idris à. Hãy nhớ đến những bài thi đại học, trường y, trường luật, những năm làm bác sĩ nội trú. Không ai cho không chúng ta thứ gì cả. Chúng ta chẳng có gì phải xin lỗi hết.”
“Với cái giá của phòng chiếu phim tại gia, chúng ta có thể xây một ngôi trường ở Afghanistan đấy.”
Cô vào phòng ngủ rồi ngồi xuống giường tháo kính áp tròng. Cô có khuôn mặt nhìn nghiêng đẹp nhất trần đời. Anh yêu cái cách vầng trán cô gần như không dốc xuống khi đến sống mũi, xương gò má sắc sảo, cần cổ thanh thoát.
“Thế thì làm cả hai đi,” cô quay sang anh, chớp chớp mắt để thuốc nhỏ mắt ngấm vào. “Em không hiểu sao anh lại không thể.”
Vài năm trước, Idris phát hiện ra Nahil đang hỗ trợ một đứa trẻ người Colombia tên là Miguel. Cô không nói gì với anh, và bởi cô lo hết việc thư từ và tay hòm chìa khóa nên Idris không hay biết gì hàng năm trời cho đến một ngày anh thấy cô đọc thư Miguel gửi. Lá thư được một bà xơ dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang. Có cả ảnh một thằng bé cao cao rắn rỏi, đứng bên ngoài một túp lều rơm, ôm quả bóng đá, đằng sau nó không có gì ngoài mấy con bò nom gầy guộc và những ngọn đồi xanh. Nahil đã bắt đầu hỗ trợ Miguel từ hồi còn học trường luật. Mười một năm qua, những tấm séc của Nahil cứ âm thầm gửi đến Miguel, đổi lại là những bức ảnh cùng thư cảm ơn của thằng bé được một bà xơ dịch sang.
Cô tháo nhẫn ra. “Vấn đề là gì? Anh cảm thấy áy náy vì là người sống sót à?”
“Chỉ là giờ anh nhìn mọi việc hơi khác thôi.”
“Tốt. Thế thì dùng nó vào việc có ích đi. Nhưng đừng suy nghĩ thái quá nữa.”
Cảm giác lệch múi giờ khiến anh không ngủ nổi. Anh đọc sách một lúc, xem một đoạn phim West Wing phát lại dưới nhà, cuối cùng ngồi trước máy tính trong phòng dành cho khách mà Nahil đã biến thành phòng làm việc. Anh thấy e-mail Amra gửi. Cô hy vọng anh về nhà an toàn và gia đình anh đều mạnh khỏe. Trời đang mưa “thịnh nộ” ở Kabul, cô viết, và đường phố ngập bùn tới mắt cá chân. Mưa gây ra ngập lụt, và khoảng hai trăm gia đình ở Shomali, phía Bắc Kabul đã phải sơ tán bằng trực thăng. An ninh được thắt chặt do Kabul đang ủng hộ cuộc chiến tại Iraq do chính quyền Bush tiến hành và dự đoán sẽ có những cuộc trả đũa từ phía al-Qaeda. Dòng cuối cô viết Anh đã nói chuyện với sếp anh chưa?
Bên dưới e-mail của Amra là thư của Roshi mà Amra dịch sang. Nội dung như sau:
Salaam, Kaka Idris,
Inshallah, chú đã về Mỹ an toàn. Cháu chắc là gia đình chú vui lắm khi gặp lại chú. Ngày nào cháu cũng nghĩ về chú. Ngày nào cháu cũng xem những bộ phim mà chú đã mua cho cháu. Cháu thích hết thảy. Cháu buồn vì chú không ở đây xem cùng cháu. Cháu khỏe và Amra jan chăm sóc cháu rất tốt. Xin hãy chuyển lời Salaam đến gia đình chú hộ cháu nhé. Inshallah, chú cháu mình sẽ sớm gặp lại nhau ở California.
Trân trọng,
Roshana
Anh trả lời thư Amra, cảm ơn cô, bảo rằng anh rất tiếc khi nghe tin về trận lụt. Anh hy vọng mưa sẽ chóng ngớt. Anh bảo cô là sẽ bàn chuyện Roshi với sếp trong tuần này. Bên dưới anh viết:
Salaam, Roshi jan,
Cảm ơn cháu vì đã hỏi thăm chú. Chú rất vui khi nhận được tin cháu. Chú cũng nghĩ đến cháu nhiều lắm. Chú đã kể cho gia đình chú nghe tất cả về cháu và người nhà chú rất háo hức được gặp cháu, nhất là các con trai chú, Zabi jan và Lemar jan, chúng nó hỏi rất nhiều về cháu. Tất cả đều mong cháu đến.
Thương mến,
Kaka Idris
Anh tắt máy rồi đi ngủ.
Thứ Hai, ngồn ngộn tin nhắn điện thoại đón chào anh khi anh vào văn phòng. Phiếu xin tái cấp thuốc tràn khỏi giỏ, đợi anh đặt bút phê. Anh có hơn một trăm sáu mươi e-mail phải kiểm tra, còn hộp thư thoại thì đầy ắp. Anh xem lịch làm việc trên máy tính và hết hồn khi thấy cả tuần bị quá tải lịch hẹn - hay nêm cối, như các bác sĩ vẫn gọi. Tệ hơn, chiều nay anh sẽ phải gặp bà Rasmussen đáng sợ, một người phụ nữ đặc biệt khó chịu, lúc nào cũng chực gây gổ, với những triệu chứng mơ hồ hàng năm trời không đáp ứng với bất cứ hình thức điều trị nào. Nghĩ đến việc phải đối mặt với sự túng quẫn thù địch của bà ta, anh thấy vã mồ hôi. Và cuối cùng, có một thư thoại từ sếp của anh, Joan Schaeffer, thông báo rằng bệnh nhân mà anh chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi ngay trước khi anh đi Kabul hóa ra lại bị suy tim sung huyết. Ca này sẽ được bình duyệt vào tuần tới, một cuộc họp hằng tháng qua video được tất cả các khoa theo dõi, trong đó những sai lầm mà các bác sĩ phạm phải được đem ra minh họa để rút kinh nghiệm. Các bác sĩ được giấu tên, nhưng chẳng ăn thua lắm, Idris biết. Ít nhất nửa số người trong phòng cũng biết ai là thủ phạm.
Anh bắt đầu cảm thấy đau đầu.
Sáng hôm ấy, anh chậm tiến độ một cách khổ sở. Một bệnh nhân hen suyễn đến mà không hẹn trước cần điều trị hô hấp và theo dõi sát sao lưu lượng đỉnh* và độ bão hòa ô xy. Một vị giám đốc trung niên mà ba năm rồi Idris mới gặp lại đến khám do nhồi máu cơ tim thành trước tiến triển nặng. Giờ trưa qua được quá nửa, Idris mới được đi ăn. Trong phòng họp nơi các bác sĩ dùng bữa, anh vừa mệt mỏi ăn một chiếc sandwich gà tây khô khốc, vừa cố gắng chép các ghi chú. Anh trả lời những câu hỏi giống hệt nhau của các đồng nghiệp. Kabul có an toàn không? Người Afghanistan nghĩ gì về sự hiện diện của Mỹ? Anh trả lời thật ngắn gọn, kiệm lời, tâm trí còn mải nghĩ đến bà Rasmussen, chỗ thư thoại cần trả lời, đống phiếu xin tái cấp thuốc chưa được phê, ba cái hẹn nêm cối chiều nay, buổi bình duyệt sắp tới, đám thợ lo việc khoan, cưa, đóng đinh ở nhà. Nói chuyện về Afghanistan - và anh ngỡ ngàng khi điều đó lại xảy ra nhanh và ngấm ngầm đến vậy - bỗng dưng có cảm giác như bàn về một bộ phim sướt mướt mới xem gần đây mà hiệu ứng của nó đã bắt đầu phai nhạt dần.
Lưu lượng khí thở ra khỏi phổi tối đa.
Tuần này đúng là một trong những tuần khắc nghiệt nhất trong sự nghiệp của anh. Dù đã định từ trước, nhưng anh không đào đâu ra thời gian nói chuyện với Joan Schaeffer về Roshi. Tâm trạng bức bối đeo bám anh cả tuần. Anh cắm cảu với lũ trẻ ở nhà, khó chịu với đám thợ tấp nập ra vào và tất cả những tiếng ồn. Nhịp ngủ của anh vẫn chưa trở lại bình thường. Anh nhận được thêm hai e-mail nữa của Amra, cập nhật thêm về tình hình ở Kabul. Bệnh viện phụ sản Rabia Balkhi đã mở cửa trở lại. Nội các của ông Karzai sẽ cho phép các mạng lưới truyền hình cáp phát sóng chương trình, thách thức những người Hồi giáo bảo thủ vẫn luôn phản đối điều này. Ở phần tái bút cuối e-mail thứ hai, cô nói rằng Roshi đã trở nên thu mình từ khi anh đi, và hỏi lại liệu anh đã nói chuyện với sếp chưa. Anh rời khỏi bàn phím. Lát sau anh quay lại, xấu hổ vì lời nhắn của Amra đã chọc tức anh như thế nào, anh đã nổi điên ra sao, vì trong giây khắc, anh đã trả lời cô, bằng chữ hoa, TÔI SẼ NÓI CHUYỆN. VÀO LÚC THÍCH HỢP.
“Tôi hy vọng là anh ổn cả.”
Joan Schaeffer ngồi sau bàn làm việc, tay đan trên đùi. Bà là một phụ nữ tràn trề năng lượng hứng khởi, với khuôn mặt đầy đặn và mái tóc bạc khô ráp. Bà nheo mắt nhìn anh qua cặp kính đọc sách hẹp vắt vẻo trên sống mũi. “Anh hiểu mục đích của việc đó không phải để bài bác anh mà.”
“Vâng, tất nhiên rồi,” Idris nói. “Tôi hiểu.”
“Cũng đừng dằn vặt mình. Chuyện đó có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta. Suy tim sung huyết và viêm phổi trên phim chụp X-quang, đôi khi cũng khó nói lắm.”
“Cảm ơn chị, Joan.” Anh đứng lên toan đi, rồi lại ngập ngừng nơi ngưỡng cửa. “À. Có chuyện này tôi định bàn với chị.”
“Được. Được. Ngồi đi.”
Anh lại ngồi xuống. Anh kể cho bà nghe về Roshi, miêu tả vết thương, tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất ở bệnh viện Wazir Akbar Khan. Anh giãi bày với bà về cam kết của mình với Amra và Roshi. Nói ra những lời này, anh cảm thấy lời hứa ấy đè nặng lên mình theo cách mà hồi còn ở Kabul anh không cảm thấy, khi đứng trong hành lang với Amra, khi cô thơm lên má anh. Anh lo lắng phát hiện ra rằng cảm giác này giống như nỗi hối hận của người mua sau khi mua phải món hàng không ưng ý vậy.
“Trời ơi, Idris,” Joan thốt lên, lắc đầu, “tôi tuyên dương anh. Nhưng đáng sợ quá. Đứa trẻ tội nghiệp. Tôi không thể tưởng tượng nổi.”
“Tôi biết,” anh nói. Anh ướm hỏi khoa có thể sẵn sàng chi trả cho cuộc phẫu thuật của con bé không. “Hoặc các cuộc phẫu thuật. Ý tôi là, nó không chỉ điều trị một lần là xong đâu.”
Joan thở dài. “Giá mà được vậy. Nhưng thật lòng mà nói, tôi không chắc ban giám đốc sẽ tán thành đâu, Idris à. Năm năm qua chúng ta thu không bù chi. Còn cả những vấn đề pháp lý nữa, những vấn đề rất phức tạp.”
Bà đợi anh, có lẽ chuẩn bị tinh thần trước lời phản đối của anh, nhưng không có gì.
“Tôi hiểu,” anh đáp.
“Anh có thể tìm một tổ chức nhân đạo chuyên phụ trách những việc này, không phải sao? Sẽ mất công một chút, nhưng…”
“Tôi sẽ tìm hiểu xem sao. Cảm ơn chị, Joan.” Anh lại đứng lên, ngạc nhiên khi thấy nhẹ nhõm hơn, gần như thanh thản trước câu trả lời của bà.
Mất thêm một tháng nữa mới lắp đặt xong phòng chiếu phim tại gia, nhưng nó đúng là một kiệt tác. Hình ảnh phát ra từ máy chiếu gắn trên trần nhà thật sắc nét, những chuyển động trên màn hình 102 inch mượt mà đáng kinh ngạc. Âm thanh nổi 7.1, bộ điều chỉnh âm sắc, và tiêu âm trầm lắp đặt ở bốn góc phòng khiến âm thanh nghe rất đã tai. Cả nhà xem Cướp biển vùng Caribe, lũ trẻ phấn khích vì công nghệ, ngồi hai bên anh, nhồm nhoàm ăn bỏng ngô từ xô bỏng chung đặt trên đùi anh. Trước khi cảnh chiến đấu cuối lê thê kết thúc thì chúng đã lăn ra ngủ rồi.
“Anh đưa các con về giường,” Idris bảo với Nahil.
Anh nhấc một đứa lên, rồi đến đứa kia. Lũ trẻ đang tuổi lớn, cơ thể chắc nịch của chúng đang dài ra với tốc độ đáng báo động. Khi đưa từng đứa lên giường, anh bắt đầu nhận thấy thứ nỗi đau mà chẳng bao lâu nữa lũ trẻ sẽ mang lại cho anh. Một năm nữa, cùng lắm là hai, anh sẽ bị thay thế. Lũ trẻ sẽ mải mê với những thứ khác, những người khác, xấu hổ khi anh và Nahil ở bên. Anh khao khát nhớ về thuở chúng còn nhỏ bé, yếu đuối, hoàn toàn phụ thuộc vào anh. Anh nhớ Zabi hồi nhỏ từng sợ mấy cái lỗ cống biết chừng nào, cứ sải từng bước rộng, lóng ngóng vòng quanh chúng. Lemar, một lần khi xem một bộ phim cũ, thì từng hỏi Idris rằng liệu anh có sống cái hồi thế giới còn chìm trong đen trắng không. Ký ức ấy khiến anh mỉm cười. Anh thơm lên má các con.
Anh ngồi xuống trong bóng tối, ngắm Lemar ngủ. Giờ anh nhận ra anh từng đánh giá lũ trẻ một cách vội vàng và bất công. Anh cũng đánh giá bản thân quá khắt khe. Anh không phải tội phạm. Tất cả mọi thứ anh sở hữu đều do anh kiếm được. Thập niên chín mươi, khi phân nửa đám trai anh biết đều ra ngoài hội hè hoặc theo đuổi phụ nữ thì anh vùi đầu vào học, lê xác qua hành lang bệnh viện lúc hai giờ sáng, không biết đến nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ nghê. Anh đã dành những năm tháng tuổi hai mươi cho y học. Anh đã trả nợ rồi. Sao anh phải cảm thấy dằn vặt chứ? Đây là gia đình anh. Đây là cuộc sống của anh.
Trong tháng vừa qua, Roshi đã trở thành một khái niệm mơ hồ với anh, như một nhân vật trong vở kịch. Mối quan hệ giữa họ lỏng lẻo dần. Sự thân thiết bất ngờ mà anh từng sa vào ở cái bệnh viện đó, gấp gáp và nhiệt thành đến thế, đã mờ phai thành dấu ấn nhạt nhòa. Trải nghiệm ấy đã mất đi sức mạnh. Anh nhận ra sự quyết tâm mãnh liệt từng bao trùm anh thực chất chỉ là ảo giác, ảo tưởng. Anh đã bị say bởi một thứ như thuốc phiện. Cảm giác khoảng cách giữa anh và con bé giờ đây thật mênh mông vô hạn. Cảm giác bất định, không thể nào vượt qua, và lời hứa của anh với nó thật hồ đồ, một sai lầm vội vã, một sự hiểu nhầm tai hại về sức mạnh năng lực, ý chí và cá tính của anh. Một thứ tốt nhất là nên quên đi. Anh không có khả năng làm việc đó. Đơn giản đến thế đấy. Trong hai tuần qua, anh đã nhận được thêm ba e-mail từ Amra. Anh đọc bức đầu tiên và không hồi đáp. Anh xóa hai bức tiếp theo mà không thèm đọc.
Có khoảng mười hai, mười ba người xếp hàng trong hiệu sách. Trải dài từ sân khấu dựng tạm tới quầy báo. Một phụ nữ dáng cao, mặt bè chuyền những mẩu giấy nhớ màu vàng cho những người trong hàng để viết tên và bất cứ thông điệp cá nhân nào mà họ muốn được đề tặng trong cuốn sách. Một nữ nhân viên bán hàng đứng đầu hàng giúp mọi người lật trang đầu.
Idris đứng gần đầu hàng, cầm một cuốn trong tay. Người phụ nữ đứng trước anh, quãng năm mươi tuổi, tóc vàng tém ngắn, quay sang hỏi, “Cậu đã đọc chưa?”
“Chưa ạ,” anh đáp.
“Chúng tôi sẽ đọc cuốn này cho câu lạc bộ sách tháng sau. Lần này đến lượt tôi chọn.”
“À.”
Bà ta nhíu mày áp lòng bàn tay vào ngực. “Tôi hy vọng mọi người đều đọc. Đây là một câu chuyện cảm động. Truyền cảm hứng vô cùng. Tôi cá là người ta sẽ chuyển thể thành phim đấy.”
Quả đúng vậy, những lời bà ta nói ấy. Anh chưa đọc cuốn này và không chắc là mình sẽ đọc. Anh không nghĩ mình đủ can đảm ghé thăm lại chính bản thân trên từng trang sách. Nhưng những người khác sẽ đọc. Và khi họ đọc, anh sẽ bị phơi bày. Người ta sẽ biết. Nahil, các con anh, đồng nghiệp của anh. Nghĩ đến đấy, anh cảm thấy nôn nao.
Anh lại mở sách ra, lướt qua phần lời cảm ơn, tiểu sử của đồng tác giả, người thực sự viết cuốn sách này. Anh nhìn lại bức ảnh trên tay gấp. Không có dấu vết gì của vết thương. Nếu cô gái ấy có mang một vết sẹo, mà ắt hẳn phải có, thì mái tóc đen dài lượn sóng đã che khuất nó. Roshi mặc sơ mi đính những hạt cườm vàng, đeo vòng cổ mang dấu đấng Allah và khuyên tai ngọc lưu ly. Cô dựa vào thân cây, nhìn thẳng vào ống kính, mỉm cười. Anh nhớ về những hình người que mà cô từng vẽ anh. Đừng đi. Đừng bỏ đi, Kaka. Anh không tìm thấy ở cô gái trẻ này dù chỉ là một nét phảng phất của sinh vật nhỏ bé run rẩy mà anh từng thấy sau tấm rèm sáu năm trước.
Idris liếc nhìn trang đề tặng.
Dành tặng hai thiên thần trong cuộc đời con: mẹ Amra và Kaka Timur. Hai người là ân nhân của con. Con nợ hai người mọi thứ.
Dòng chữ nhập nhòe. Người phụ nữ tóc vàng ngắn đã được ký tặng. Bà ta bước sang bên, và Idris, tim đập loạn, bước lên phía trước. Roshi ngước lên. Cô quàng một tấm khăn Afghanistan trên chiếc áo dài tay màu vàng bí ngô và đeo khuyên tai bạc hình bầu dục. Mắt cô đen hơn anh nhớ, cơ thể nở nang với những đường cong nữ tính. Cô nhìn anh không chớp mắt, và dù không tỏ rõ một dấu hiệu nào cho thấy cô nhận ra anh, và dù nụ cười của cô lịch sự, vẫn có vẻ gì đó giễu nhại và xa cách trên nét mặt cô, trêu đùa, tinh quái, ngạo nghễ. Thái độ đó hạ gục anh, và đột nhiên tất cả những câu từ anh đã soạn sẵn - thậm chí còn viết ra, lẩm nhẩm trong đầu suốt trên đường đến đây - bay biến sạch. Anh không thốt nổi một lời. Anh chỉ đứng đó, gần như đờ đẫn.
Nhân viên bán hàng hắng giọng. “Thưa anh, phiền anh đưa sách cho tôi, tôi sẽ lật trang đầu để cô Roshi ký tặng ạ.”
Cuốn sách. Idris nhìn xuống, thấy nó bị nắm chặt trong tay mình. Anh không tới đây để xin chữ ký, tất nhiên. Như vậy thì thật đáng giận - đáng giận đến ghê tởm - sau tất thảy mọi thứ. Nhưng anh vẫn thấy mình chìa cuốn sách ra, nhân viên bán hàng chuyên nghiệp lật giở đúng trang, Roshi lia bút bên dưới tên sách. Anh còn vài giây để nói đôi lời, không phải để giảm nhẹ cái tội không thể bào chữa, mà bởi anh nghĩ mình nợ cô điều đó. Nhưng khi cô nhân viên trả lại anh cuốn sách, anh vẫn không thể cất tiếng. Anh ước giá như có được dù chỉ một chút can đảm của Timur. Anh lại nhìn Roshi. Cô đã lướt qua anh tới người tiếp theo trong hàng.
“Tôi…” anh mở lời.
“Chúng tôi phải phục vụ tiếp những người trong hàng ạ,” cô nhân viên nói.
Anh cúi đầu rời khỏi hàng.
Anh để xe ở bãi đỗ phía sau hiệu sách. Quãng đường tới xe dường như là quãng đường dài nhất trong cuộc đời anh. Anh mở cửa xe, ngập ngừng trước khi chui vào. Tay vẫn chưa ngừng run rẩy, anh lại giở sách ra. Dòng chữ nguệch ngoạc bên dưới không phải chữ ký. Cô đã viết cho anh hai câu, bằng tiếng Anh.
Anh gập sách vào, mắt cũng nhắm lại. Anh nghĩ mình nên cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng một phần trong anh lại khao khát thứ khác. Có lẽ nếu cô nhăn nhó với anh, thốt ra điều gì đó ấu trĩ, chất đầy sự khinh ghét và thù hận. Một cơn bùng nổ của nỗi ai oán. Có lẽ như vậy lại tốt hơn. Thế vào đó là sự phủ nhận sạch sẽ, đầy ngoại giao. Và cả lời nhắn này nữa. Đừng lo. Chú không có trong sách đâu. Một cử chỉ nghĩa hiệp. Có lẽ, chính xác hơn, một cử chỉ nhân đạo. Anh nên cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng đau đớn quá. Anh cảm nhận được cú đòn ấy, như một lưỡi rìu bổ vào đầu.
Có một băng ghế gần đó, bên dưới cây du. Anh bước tới bỏ cuốn sách lại. Rồi anh quay về ngồi sau tay lái. Và phải mất một lúc sau anh mới tin tưởng bản thân mà xoay chìa, lái đi.
Và Rồi Núi Vọng Và Rồi Núi Vọng - Khaled Hosseini Và Rồi Núi Vọng