Nguyên tác: La Chartreuse De Parme
Số lần đọc/download: 1948 / 26
Cập nhật: 2017-04-21 14:46:11 +0700
Chương 3
R
ồi Fabrice gặp những chị bán căng tin đi theo quân đội và lòng biết ơn vô hạn của anh đối với chị quản ngục thành B xui anh gợi chuyện với họ. Anh hướng vào một chị, hỏi trung đoàn 4, cái trung đoàn của anh ấy, hiện ở đâu.
— Chú đừng có vội vã đến như vậy thì tốt hơn, chú lính nhỏ của tôi ạ! Chị bán căng tin nói xúc động vì gương mặt trắng và đôi mắt đẹp của Fabrice, cổ tay chú chưa đủ khỏe để đánh đỡ những nhát gươm ngày hôm nay đâu. Nếu chú có một khẩu súng thì chẳng nói làm gì, chú có thể nhả đạn ra như bất cứ đứa nào.
Lời khuyên ấy không làm vừa lòng Fabrice; nhưng thúc ngựa thế nào, anh cũng không đi nhanh hơn chị bán căng tin được. Từng lúc, tiếng đại bác nghe như nhích lại gần hơn và không cho họ nghe tiếng nói của nhau, Fabrice phấn khởi và sung sướng quá đã bắt chuyện lại. Mỗi lời nói của chị bán căng tin càng làm cho anh nhận rõ hạnh phúc của mình, càng tăng niềm vui sướng. Rốt cuộc, anh nói hết với người phụ nữ có vẻ tốt bụng đó, chỉ chừa tên thật của anh và việc vượt ngục mà thôi. Chị rất ngạc nhiên và không hiểu gì hết về những điều anh lính trẻ xinh trai ấy kể lể.
Cuối cùng, với vẻ đắc thắng, chị hét:
— Ta đã biết tỏng rồi. Anh là một thanh niên tư sản mê mụ vợ của một đại úy nào đó trong trung đoàn 4 kỵ binh. Nhân tình của anh đã tặng anh bộ quân phục anh đang mặc, và anh chạy theo ả. Thật rõ ràng, rõ như có Chúa trên cao kia vậy, rõ là anh chưa hề làm lính. Tuy vậy vì anh là một chàng trai biết điều cho nên trung đoàn của anh ra trận, anh cũng phải có mặt, để khỏi mang tiếng là một tên khiếp nhược”.
Fabrice ừ tất, đó là cách duy nhất để nhận những lời khuyên bổ ích. ”Ta mù tịt về cách làm của người Pháp, chàng tự nhủ, cho nên nếu không có người hướng dẫn thì ta sẽ bị ném vào tù lần nữa, và mất ngựa như chơi!”.
Chị bán căng tin càng trở nên thân thiết hơn với Fabrice. Chị nói:
— Trước hết chú nhỏ phải nhận là chú chưa đến hăm mốt tuổi. Dù cho có tính tận cùng năm tháng, bất quá chú cũng chỉ đến mười bảy thôi”.
— Đúng như vậy và Fabrice ngoan ngoãn xin chịu.
— Như vậy, chú cũng chưa phải là tân binh nữa! Anh đem xương cho người ta giần chỉ vì đôi mắt đẹp của bà đại úy kia mà thôi. Chao, bà ta cũng dễ tính đấy nhỉ! Nếu chú còn một ít cái thứ vàng vàng mà bà ấy trao thì việc đầu tiên cần làm là phải mua một con ngựa khác. Hãy xem con ngựa khổ của chú kia nó vểnh tai khi nghe tiếng đại bác nổ hơi gan. Ngựa này là ngựa nhà quê, nó sẽ làm chết chú khi ra trận. Làn khói trắng chú thấy đằng xa kia, ở trên cao, là những loạt súng trường đó, chú nhỏ ạ. Chú phải soạn sửa mà run đi, run ra trò khi nghe đạn rú. Tôi khuyên chú hãy ăn chút đỉnh gì khi còn có thì giờ.
Fabrice nghe theo lời khuyên ấy và đưa ra một đồng Napoléon, bảo chị hàng tính mà lấy.
— Trông chú mà thương hại! chị ta kêu - Một chú nhỏ tội nghiệp đến tiêu tiền cũng không biết cách! Chú đáng cho ta cầm luôn đồng vàng của chú rồi xua con Cocotte của ta sải nước kiệu lớn, con ngựa khổ kia đuổi cóc gì kịp! Ta bỏ chạy thì chứ làm gì nào, hở ngốc? Phải biết rằng khi thằng cục đổ gầm thì không bao giờ nên đưa vàng ra. Đây! Chị nói tiếp - đây mười tám Francs năm mươi cinquante, vì bữa ăn của chú phải trả một francs năm mươi. Bây giờ thì chúng tôi sắp có ngựa để bán lại đấy, nếu con vật bé nhỏ, chú trả mười Francs, và không bao giờ được ngã giá ngoài hai mươi Francs, dù gặp ngựa của bốn công tử Aymon[33] cũng thế”.
Fabrice ăn điểm tâm xong, chị bán hàng căng tin vẫn không ngớt mồm nói chuyện. Một người đàn bà vượt dòng lên đường ngắt lời chị:
— Ê này! Người đó hét lên gọi chị. - Này Margot, đoàn 6 khinh binh của chị đóng ở bên phải đó.
— Ta phải rời chú, chú nhỏ ạ, chị hàng căng tin nói. Nói cho đúng, trông chú mà thương hại! Ta lại mến chú, mẹ kiếp! Chú chả biết cái gì ra cái gì, chúng sẽ thịt chú mất, đúng như Chúa trời là Chúa trời vậy! Đi đến đoàn 6 khinh binh với ta thôi, đi đi.
— Tôi cũng thấy là tôi ngu lắm, chẳng biết gì. Fabrice nói. - Nhưng tôi muốn chiến đấu và nhất định tôi phải đi đến đó, đến chỗ có làn khói trắng ấy.
— Coi con ngựa của chú nó vẫy tai kia kìa. Đến đó thì dù nó yếu đuối bao nhiêu, chú cũng không khiến được nó, nó sẽ phi nước đại, và nó đưa chú đến đâu thì chỉ có trời biết mà thôi. Chú có chịu nghe lời tôi không đã? Này, khi chú đến giữa bọn lính nhỏ, chú nhặt ngay một khẩu súng và một túi dết, đến đứng bên cạnh những chú lính đó, rồi chú làm như họ, y như họ. Nhưng mà, lạy Chúa! Tôi đánh cuộc là đến cả xé một vỏ đạn chú cũng không biết cách làm nữa.
Fabrixd rất tự ái, nhưng cũng phải thú nhận với người bạn gái mới mẻ kia là chị ta đoán đúng.
— Tội nghiệp thằng oắt! Hắn sẽ bị giết ngay. Đúng như vậy thôi, không phải chờ năm lần, bảy lượt gì đâu. Chị lấy giọng kẻ cả phán. Nhất thiết chú phải đi với tôi.
— Nhưng tôi muốn chiến đấu.
— Chú cũng sẽ được chiến đấu. Chao ôi! Đoàn 6 khinh binh là một đơn vị lừng danh đấy, mà hôm nay thì ai lại không có phần!
— Thế nhưng đã sắp đến trung đoàn của chị chưa?
— Mười lăm phút nữa là cùng.
Fabrice tự bảo mình được chị bạn đôn hậu này đỡ đầu thì chẳng lo gì người ta cho mình là gián điệp do việc mình ngu dốt chẳng biết gì, và mình sẽ được chiến đấu. Lúc bấy giờ, tiếng đại bác gầm thét gấp bội, phát này liền với phát kia, “như một chuỗi hạt”, Fabrice nói.
— Người ta bắt đầu phân biệt được những loạt súng bộ binh, chị bán căng tin nói và quất con ngựa một roi, con ngựa nhỏ đang có vẻ hăng lên vì nghe tiếng súng.
Chị rẽ bên phải, đi vào một con đường nhánh đâm ngang qua đồng cỏ. Bùn sâu đến ba tấc, chiếc xe chở nhỏ suýt nằm lại đó. Fabrice bắt bánh xe. Ngựa anh qụy hai lần. Rồi thì con đường bớt đẫm nước và chỉ như một lối mòn trên cỏ. Đi chưa đầy năm trăm bước, con ngựa của Fabrice bỗng nhiên dừng hẳn lại. Một xác chết nằm ngang lối đi, khiến cho cả con ngựa lẫn người cười kinh tởm.
Mặt Fabrice bình thường xanh trắng thì nay trở nên xanh lục. Chị bán căng tin, sau khi nhìn xác chết, nói như tự nói với mình:
— Ngữ này không ở sư đoàn ta.
Xong, ngẩng nhìn chàng anh hùng của chúng ta, chị bật cười:
— Ha! ha! chú nhỏ ơi! Chị hét - Coi ngon chưa kìa!
Fabrice thấy người lạnh như giá. Điều đập vào đầu óc anh mạnh nhất là hai bàn chân dơ bẩn quá chừng của cái xác chết đã bị tước giầy và tước hết mọi thứ, chỉ còn cái quần xấu xí loang lổ vết máu. Chị hàng nói:
— Xuống đi, xuống ngựa đi. Chú phải làm quen với những cái này. Ồ! Nó bị ở đầu.
Một viên đạn rúc vào bên cạnh mũi, thoát ra ở thái dương bên kia, đã khiến cho mặt nó méo mó một cách gớm guốc và một con mắt cứ mở thao láo.
— Xuống ngựa đi chứ. Chú bạn nhỏ! Và bắt tay hắn một cái xem hắn có bắt lại không nào.
Không ngần ngại mặc dù như sắp trút linh hồn. Fabrice nhảy xuống ngựa, cầm tay xác chết lắc mạnh. Rồi anh đứng sững sờ như chết, anh cảm thấy không còn đủ sức lên ngựa lại. Điều làm anh ghê rợn nhất là con mắt mở thao láo đó.
Anh cay đắng nghĩ: “Chị căng tin sẽ cho mình là một đứa hèn nhát”. Nhưng anh cảm thấy anh vẫn không thể cử động được, cử động sẽ ngã luôn. Giây phút thật kinh khủng Fabrice xuýt ngất đi thực sự. Chị căng tin nhận thấy thế bèn lẹ làng nhảy khỏi xe và không nói gì, đưa vào cho anh một cốc rượu mạnh mà anh cầm uống cạn một hơi. Anh lại lên ngựa và tiếp tục đi, không nói một tiếng. Thỉnh thoảng chị căng tin liếc mắt trông anh. Cuối cùng chị nói:
— Đến ngày mai chú hãy đánh nhau. Hôm nay chú phải ở cạnh chị mới được. Chú đã thấy là chú cần phải học nghề lính rồi mà.
— Trái lại tôi muốn được chiến đấu ngay!
Fabrice kêu lên như vậy với vẻ mặt u uất, mà chị căng tin coi như một dấu hiệu tốt. Tiếng đại bác nhặt hơn và hình như dịch lại gần. Nó bắt đầu tạo nên như là cái phần trầm liên tục trong một cuộc hòa tấu, tiếng này tiếp liền tiếng kia không có khoảng cách nào và trên phần trầm tấu liên miên nghe như tiếng suối xa ấy, người ta phân biệt tiếng súng trường bắn từng loạt.
Đến lúc ấy, con đường luồn vào một lùm cây rừng. Chị bán hàng căng tin thấy ba bốn người lính cánh mình chạy hết sức nhanh về phía chị. Nhanh nhẹn, chị nhảy xuống và chạy trốn ở cách đường mười lăm hai mươi bước, nấp vào hố một gấc cây lớn mới đào. “Nào, ta thử xem ta có phải là đứa hèn nhát hay không chứ!" Fabrice tự nhủ. Anh dừng lại bên chiếc xe chị căng tin bỏ trống và rút gươm chờ. Bọn lính không để ý tới anh, cứ chạy dọc theo khu rừng, về phía bên trái con đường.
Chị căng tin trở về xe, vừa thở vừa nói một cách bình tĩnh:
— Lính bên mình đấy… Nếu con ngựa của anh tế được thì anh hãy chạy lên phía trước, đi hết khu rừng thử xem có ai trên đồng bằng không.
Không đợi bảo lần thứ hai, Fabrice bẻ một cành cây, tuốt hết lá, dang thẳng cánh quất ngựa. Con ngựa khổ tế lên một đoạn rồi trở lại với nước kiệu nhỏ quen thuộc. Chị hàng cho ngựa mình phi lên và thét bảo Fabrice.
— Thôi, dừng lại chứ, dừng lại!
Lát sau cả hai ra khỏi khu rừng. Đến mép đồng họ nghe tiếng ồn ào dữ dội, đại bác, súng trường nổ tứ phía, bên phải, bên trái, đằng sau. Lùm cây họ vừa ra khỏi mọc trên một mô đất cao hai ba thước, cho nên họ nhìn thấy khá rõ một góc chiến trường. Tuy nhiên không có ai cả trên đồng cỏ tiếp giáp khu rừng. Một hàng dài cây liễu dày và rậm rạp viền cánh đồng cỏ về phía bên kia, cách chỗ họ khoảng một nghìn bước. Một lần khói trẳng lơ lửng trên hàng cây liễu, thỉnh thoảng lại cuốn lên trời. Chị căng tin lúng túng:
— Đố mà biết trung đoàn nào ở chỗ nào! Không nên vượt thẳng qua đồng cỏ. Nhân thể chú em này - Chị nói với Fabrice - nếu chú gặp một lính địch, chú hãy thích nó với mũi gươm, chớ chém sả đấy nhé!
Lúc đó chị hàng trông thấy bốn tên lính chúng ta đã nói đến, chúng từ khu rừng chui ra đồng, về phía trái con đường. Một tên cưỡi ngựa.
— Chú em trúng tủ rồi đấy, chị nói với Fabrice.
— Ê! này này! - Chị hét lên bảo tên cưỡi ngựa - hãy đến đây uống một cút rượu đã.
Bọn lính đến gần.
— Đoàn 6 khinh binh ở đâu?
— Đằng kia kìa, đi chừng năm phút thì tới, ở trước con sông đào dọc hàng liễu. Đại tá Macon vừa tử trận ở đó.
— Anh có muốn bán con ngựa kia năm Francs không?
— Năm Francs! Mẹ non đùa khá đấy, mẹ non ạ. Năm francs một con ngựa sĩ quan mà chỉ mười lăm phút nữa thôi, đây sẽ bán năm đồng Napoléon!
— Đưa đây một đồng Napoléon - Chị nói với Fabrice. Rồi lại bên tên lính cưỡi ngựa, chị bảo:
— Xuống ngay! Đồng Napoléon của anh đây.
Người lính xuống ngựa, Fabrice vui vẻ lên yên. Chị căng tin mở cái túi kỵ binh nhỏ trên lưng con ngựa cũ. Chị thét bảo bọn lính: - Giúp ta một tay đi chứ, các chú kia! Thấy một phụ nữ vất vả, các chú cứ điềm nhiên đứng ngó như vậy à? Cái túi kỵ binh vừa chạm lưng, thì con ngựa mới tậu lồng lên, khiến Fabrice, vốn là tay cưỡi ngựa cừ khôi, phải dùng hết sức mình mới ghìm nó được.
— Dấu hiệu tốt đó! Chị căng tin nói - anh ta chưa quen với cái túi đồ, nó cù anh ta.
Anh lính bán ngựa kêu:
— Một con ngựa nhà tướng đó! Đáng giá mười đồng Napoléon như chơi.
— Hai mươi francs đây này! Fabrice nói. Anh vui mừng khôn xiết khi cảm thấy có một con ngựa hăng dưới đùi mình.
Lúc bấy giờ, có một viên đạn đại bác bắn trúng hàng liễu, trúng theo chiều dọc, và Fabrice được nhìn thấy quang cảnh lạ mắt những cành con bay ra bốn hướng như vừa bị lưỡi hái quét qua. Người lính nói: “Ái chà! Thằng cục tiến đến gần đó!” Và hắn cầm tiền. Bấy giờ khoảng hai giờ.
Fabrice hãy còn ngây ngất với cảnh lạ vừa được xem, thì có một đoàn tướng kéo theo vài mươi kỵ binh phi ngựa qua góc cánh đồng cỏ rộng có Fabrice đứng ngoài biên. Ngựa chàng hí lên, lồng hai ba bận và giật giật mạnh dây cương. Fabrice nói: “Đã vậy thì, nào!“.
Con ngựa được buông cương phi vun vút lên, nhập vào đoàn tùy tùng của các vị tướng. Fabrice đếm được bốn cái mũ có viền. Mười lăm phút sau, nhờ anh kỵ binh đi bên chàng nói mấy tiếng, Fabrice biết là một trong các vị tướng đó là thống chế Ney[34] nổi tiếng. Chàng cảm thấy tràn trề hạnh phúc, tuy nhiên chàng không đoán ra tướng nào là thống chế Ney chàng có thể đánh đổi bất cứ thứ gì để biết điều đó, nhưng chàng nhớ là không nên lên tiếng.
Đoàn người ngựa dừng lại để đi qua một hào rộng đầy nước do cơn mưa hôm qua. Dọc hào có hàng cây to, đến hào là hết cánh đồng cỏ về phía trái, cánh đồng cỏ mà Fabrice vừa tới là mua được ngựa. Hầu hết đoàn kỵ binh xuống ngựa. Bờ cao rất dốc và trơn, nước trong hào thì ở cách dưới mặt đất hơn một mét. Fabrice vui sướng quá sinh đãng trí và nghĩ đến thống chế Ney, đến vinh quang nhiều hơn con ngựa, con ngựa thì lại háo hức, thích chạy nhảy, cho nên con ngựa đã nhảy ào xuống hào, làm nước bắn tung tóe lên rất cao. Một vị tướng bị ướt từ đầu đến chân la hét và văng tục: “Mẹ kiếp con lợn chết vằm kia!” Fabrice cảm thấy nhục hết sức vì lời mắng đó. Anh tự hỏi: “Mình có thể đòi đấu đền danh dự không nhỉ?” Trong khi chờ đợi, để chứng tỏ mình không đến nỗi quá vụng về như thế, anh chàng định cho ngựa leo lên bờ hào đối diện, nhưng bờ dốc quá và cao dễ đến thước rưỡi, hai thước, đành phải bỏ ý định ấy. Thế là anh cho ngựa lội ngược dòng, nước ngập gần đến đầu ngựa, và cuối cùng tìm được một bến uống nước của súc vật. Nhờ dốc ở đấy dịu đi, anh dễ dàng leo lên phía đồng cỏ ở bên kia rãnh nước. Là người đầu tiên lên bờ, anh kiêu hãnh cho ngựa đi bước kiệu dọc theo bờ hào, ở dưới thì bọn kỵ binh đang loay hoay bởi vì ở nhiều quãng nước sâu đến hơn thước rưỡi. Hai ba con ngựa đâm sợ, muốn bơi, gây nên cảnh bì bõm khủng khiếp. Một viên đội nhìn thấy cách xử trí của chú oắt con ít có vẻ lính tráng đó. Y kêu to:
— Đi ngược dòng thôi! Có bến nước ở phía trái đấy!
Lần lượt họ sang bờ được hết.
Trước đây lúc lên được bờ này, Fabrice thấy chỉ có các tướng ở đấy mà thôi. Tiếng đại bác nổ càng dày hơn. Khó khăn lắm anh mới nghe được tiếng nói của vị tướng bị anh tắm nước thét vào tai:
— Mày bắt con ngựa đó ở đâu vậy?
Fabrice cuống quá, trả lời bằng tiếng Ý;
— L'ho Cômeprato poco fa. (Tôi vừa mới mua tức thời).
— Mày nói gì? Vị tướng hét.
Nhưng Fabrice không trả lời được vì tiếng ồn ào bây giờ tăng lên dữ dội quá. Chúng ta phải thừa nhận rằng lúc đó người anh hùng của chúng ta chẳng mấy anh hùng. Tuy vậy, trong tâm trạng anh, lòng khiếp sợ chỉ đứng hàng thứ hai mà thôi, trước hết anh bực bội vì tiếng động làm đau tai nhức óc. Đoàn người ngựa lại phi nước đại, họ vượt qua một cánh đồng lớn vừa cày xong, rải rác nhiều xác người.
Bọn lính kỵ vui mừng hét lên: “Lũ áo đỏ! Lũ áo đỏ!”.
Lúc đầu Fabrice không hiểu. Cuối cùng anh để ý thấy quả nhiên hầu hết những xác đó mặc áo quần đỏ. Một điều khiến anh rùng mình kinh tởm, nhiều người trong số áo đỏ bất hạnh đó hãy còn sống, họ kêu la, ý hẳn để cầu cứu mà không ai dừng lại cứu giúp họ cả, vốn rất từ tâm, anh hết sức khó nhọc giữ cho con ngựa không giẫm lên một tên áo đỏ nào. Đoàn người ngựa dừng lại trong khi Fabrice cứ phi lên, mắt đăm đăm nhìn một thương binh khốn khổ, chứ không quan tâm mấy đến bổn phận quân nhân của mình.
— Mày có đứng lại không oắt con? Viên đội kỵ binh thét. Lúc ấy Fabrice mới nhận thấy mình đã vượt lên trước các vị tướng hai mươi bước về phía bên phải, ngay hướng họ đang nhìn qua ống nhòm. Khi lui ngựa lại đứng sau các kỵ binh khác, anh thấy vị tướng to nhất đám đang nói chuyện với một vị khác cũng là tướng cách oai vệ, có thể nói gần như quở trách, ông ta văng tục. Fabrice không thể cưỡng được tính tò mò và bất chấp lời khuyên giữ mồm giữ miệng của chị bạn quản ngục, anh luyện một câu rất Pháp, rất đúng văn phạm, để nói với người kỵ binh bên cạnh:
— Vị tướng chỉ trích vị bên cạnh mình là ai vậy?
— Dào ôi! Đó là thống chế.
— Thống chế nào?
— Thống chế Ney, ngốc ạ! Ô hay! Lâu nay chú mày đánh đấm ở đâu vậy?
Fabrice không nghĩ đến việc giận dỗi người mắng mình, mặc dù tính anh rất tự ái. Như chìm đắm trong sự thán phục ngây thơ của tuổi nhỏ, anh ngắm nhìn vị vương tước Moskova lừng danh, người dũng cảm trong những kẻ dũng cảm ấy.
Đột nhiên cả đoàn phi ngựa đi. Lát sau Fabrice nhìn thấy ở cách hai mươi bước về phía trước, một đám đất cày được xáo lật lên một cách kỳ lạ. Rãnh này xăm xắp nước và đất ẩm ướt trên đầu luống nay lên tơi tả thành những mảnh nhỏ ở độ cao quãng một thước hay hơn. Fabrice nhận nhìn lướt qua điều lạ đó rồi lại nghĩ về vị thống chế quang vinh. Bỗng anh nghe một tiếng đanh gọn ở bên mình, đó là tiếng hai kỵ binh ngã ngựa vì trúng đạn đại bác. Khi anh nhìn họ, thì họ đã bị đoàn bỏ lại sau cách vài mươi bước. Điều khiến anh kinh tởm là một con ngựa máu me đang giãy giụa trên đất cày, chân vướng vào chính ruột mình, nó muốn chạy theo các con khác, máu nó chảy trên bùn.
“Chao ôi! Thế là mình ra trận rồi đây. Anh tự bảo - Ta đã thấy lửa đạn thực sự! Anh đắc ý lặp lại - Bây giờ ta mới đúng là một quân nhân”. Lúc ấy, đoàn người ngựa phi nước đại và vị anh hùng của chúng ta hiểu là chính đạn đại bác đã làm cho đất bay vung tứ phía. Anh hoài công nhìn về phía đạn Pháp bắn tới, anh chỉ thấy làn khói trắng của khẩu đội bốc lên ở khoảng cách rất xa giữa tiếng rền đều đều và liên miên của đại bác, anh nghe thấy như có tiếng súng bắn gần hơn nhiều. Anh chịu, chẳng hiểu gì cả.Lúc bấy giờ, các tướng và đoàn tùy tùng đì xuống một con đường nhỏ đầy nước, thấp hơn mặt đồng một thước rưỡi.
Thống chế dừng lại và một lần nữa, đưa ống nhòm lên mắt. Lần này Fabrice được ngắm ông tha hồ. Anh thấy ông ta tóc vàng, rất vàng, da mặt đỏ. “Ở Ý không có gương mặt kiểu ấy” anh tự bảo. Rồi rầu rầu, anh nghĩ thêm: “Như mình, da xanh trắng quá và tóc hung hung, chẳng bao giờ mình được như thế”. Đối với anh, những lời ấy có nghĩa là: Chẳng bao giờ mình được là một anh hùng! Anh nhìn bọn lính kỵ tất cả đều có râu mép vàng, trừ một người.
Fabrice nhìn bọn lính kỵ, thì bọn lính kỵ cũng nhìn anh. Anh thấy xấu hổ và muốn khỏi thẹn, anh quay đầu về phía quân địch. Đó là những hàng dài những người mặc áo đỏ, tuy nhiên điều đó không lạ, cái lạ là trông họ quá bé nhỏ. Những dây dài đó, vốn là những trung đoàn hoặc sư đoàn, trông không cao hơn những hàng rào. Một hàng kỵ binh đó cho ngựa đi nước kiệu để dịch lại gần con đường thấp mà thống chế và đoàn tùy tùng vừa men theo từng bước, chân ngựa giâm giấp trong bùn. Khói che không cho thấy gì về hướng đó đang đi tới, một đôi khi cho thấy có những người từ trong làn khói phi ngựa hiện ra.
Thình lình Fabrice thấy từ phía địch bốn người phi ngựa như bay tới. “Ái chà! Chúng ta bị tấn công rồi!” anh tự bảo. Rồi thấy có hai trong bốn người đó nói chuyện với thống chế. Một tướng trong đoàn của thống chế cùng với hai kỵ binh tùy tùng và bốn người vừa mới đến phi ngựa về phía địch. Qua khỏi một kênh nhỏ, Fabrice thấy mình đi cạnh một viên đội có vẻ dễ nói. Anh nghĩ thầm: “Mình phải chuyện trò với anh này, như thế có lẽ chúng sẽ hết ngắm nhìn mình”. Anh nghĩ ngợi lâu lắm, cuối cùng mới lên tiếng:
— Thưa ông, lần này là lần đầu tiên tôi dự trận, nhưng đây có phải là một trận đánh thật sự không?
— Hơi hơi như thế. Nhưng anh, anh là ai chứ?
— Tôi là em vợ một đại úy.
— Đại úy ấy tên gì?
Người anh hùng của chúng ta bí quá, anh không dự kiến câu hỏi đó. May thay, thống chế và đoàn người ngựa lại phi đi. “Mình phải nói cái tên nào cho đúng tên là người Pháp đây nhỉ?” anh tự hỏi. Mãi anh mới nhớ cái người chủ khách sạn anh trọ ở Paris, anh cho ngựa chạy lại gần ngựa viên đội và lấy hết gân cổ hét: “Đại úy Meunier!"
Viên đội nghe không rõ vì tiếng pháo rền vang, đáp: “À! Đại úy Teulier à? Thế thì ông ấy hy sinh rồi”. “Hay lắm! Fabrice thầm nói. Đại úy Teulier, mình phải làm mặt rầu rĩ mới xong!” Anh kêu “Ối! Trời ơi!” Và anh làm ra mặt thiểu não.
Đoàn đã ra khỏi con đường thấp và đang đi qua một đám ruộng cỏ hẹp, họ phi cháy đất vì đạn đại bác lại bay tới, thống chế định đi tới một sư đoàn kỵ binh. Đoàn người ngựa đi giữa những xác chết và những người bị thương. Nhưng cảnh tượng này đã không gây xúc động mạnh cho Fabrice như trước nữa, anh có việc khác phải suy nghĩ.
Trong khi đoàn dừng lại, Fabrice nhìn thấy cỗ xe nhỏ của một chị bán căng tin, lòng trìu mến đối với nghiệp phường đáng kính đó át tất cả, anh phóng ngựa đuổi theo.
— Trở lại đây, con bò kia! Viên đội hét.
“Hắn làm gì được ta ở đây chứ?” Fabrice nghĩ thầm và cứ phi ngựa đến chỗ chị bán hàng. Vừa thúc ngựa, anh vừa có ít nhiều hy vọng chị này là chị tốt bụng lúc ban sáng. Nhưng ngựa và xe thì giống nhau lắm, mà chủ xe thì khác, chị này, anh thấy có vẻ là một người ác. Khi đến tiếp xúc với chị, Fabrice nghe chị nói: “Tiếc là hắn đẹp trai quá đi chứ!”. Một cảnh tượng ghê rợn đang chờ đón anh lính mới, người ta cưa chân cho một anh lính giáp kỵ, một thanh niên cao lớn, đẹp đẽ. Fabrice nhắm mắt lại và uống liền bốn cốc rượu mạnh.
— Cái anh còi này tợn gớm! Chị bán hàng kêu.
Rượu mạnh khiến Fabrice sáng ý. “Ta phải mua chuộc cảm tình của những anh bạn kỵ binh trong đoàn mớí được!"
Anh bảo chị bán hàng:
— Chị để nốt cho tôi chỗ rượu còn lại.
— Nhưng anh có biết rằng cái chỗ còn lại đó đáng giá mười francs một ngày như hôm nay không?
Khi Fabrice phi ngựa trở về với đoàn, viên đội nói:
— À! Anh mang chất cay về cho bọn tớ đấy à? Ra anh đào ngũ vì thế! Đưa xem!
Chai rượu chuyền tay. Anh lính cuối cùng dốc chai uống xong, tung nó lên trời và thét: “Cảm ơn anh bạn!”
Cả bọn nhìn anh ân cần. Những cái nhìn đó như cất gánh nặng nghìn cân trên ngực Fabrice, tim anh thuộc loại tinh chế, cần có cảm tình của xung quanh. Thế là những bạn đồng ngũ không ác cảm với anh nữa, giữa họ với anh đã có mối liên lạc! Fabrice thở phào khoan khoái, rồi giọng tự nhiên thoải mái, anh hỏi viên đội:
— Đại úy Teulier đã chết, vậy thì tôi có thể gặp chị tôi ở đây? Nói rõ được Teulier hay cho Meunier, Fabrice tưởng mình là một Machiavel nhỏ[35].
— Điều đó tối nay anh sẽ biết, viên đội đáp.
Đoàn người ngựa lại đi, để đến một số sư đoàn kỵ binh. Fabrice thấy mình đã say hẳn. Anh uống quá nhiều, nên hơi lảo đảo trên yên ngựa. Rất đúng lúc, anh nhớ lại một câu người đánh xe của mẹ anh thường nói: Khi mình đã quá chén thì mình phải nhìn thẳng giữa hai tai ngựa và cứ thấy người bên cạnh làm gì thì làm nấy.
Thống chế dừng lại khá lâu ở nhiều binh đoàn lính kỵ và ra lệnh cho họ tấn công. Nhưng trong khoảng một hay hai tiếng đồng hồ gì đó, Fabrice chẳng hay biết gì về những sự việc xảy ra quanh mình. Anh thấy quá mệt mỏi, mỗi khi con ngựa nhảy một cái thì anh rơi phịch xuống yên như một cục chì.
Thình lình anh nghe tiếng viên đội thét bảo lính:
— Tụi bay không thấy Hoàng đế sao, hử đồ lợn?
Tức khắc đoàn tùy tùng hét xé tai: “Hoàng đế vạn tuế!” Ai cũng đoán tất Fabrice phải chống con mắt mà nhìn. Nhưng anh chỉ thấy mấy vị tướng phi ngựa, cũng có một đoàn lính hộ vệ đi theo. Những bờm dài lòng thòng mà bọn long kỵ binh đeo trên mũ không để cho anh nhận thấy các gương mặt. “Thế là ta không được chiêm ngưỡng hoàng đế trên chiến trường, do những cốc rượu mạnh chết tiệt kia!”. Ý nghĩ ấy làm anh tỉnh hẳn người lại.
Đoàn lại đi xuống một con đường đầy nước, ngựa muốn uống nước. Fabrice hỏi người đi bên cạnh:
— Hoàng đế có đi qua đây thật sao?
— Ấy! Sao không thật! Người mặc áo không thêu đó. Làm sao mà anh lại không trông thấy nhỉ? Người đồng đội ân cần trả lời. Fabrice rất muốn chạy theo đoàn hộ giá hoàng đế và nhập bọn với họ. Được thực sự chiến đấu đằng sau vị anh hùng đó thì hạnh phúc biết bao nhiêu! Anh sang Pháp cũng chỉ với mục đích kia”. Ta có toàn quyền làm việc đó - Anh tự nhủ. Bởi vì ta không có lý do gì để làm cái việc ta làm hiện nay ngoài ý muốn của con ngựa ta nó cứ việc phi lên để đi theo các vị tướng ấy”. Nhưng Fabrice quyết định ở lại vì những kỵ binh, bạn đồng đội mới của anh đối với anh có vẻ tử tế, anh bắt đầu cho mình là bạn thiết cốt của những người lính phóng ngựa bên cạnh anh từ mấy tiếng đồng hồ nay. Anh thấy giữa họ và anh có cái tình bạn cao quý như giữa các nhân vật của Tasse và Arioste[36]. Nếu anh gia nhập đoàn hộ vệ hoàng đế, thì phải có một phen làm quen lại, cũng có lẽ họ không ưa anh, vì họ là long kỵ binh, còn anh mặc quân phục khinh kỵ binh như tất cả những ai hộ vệ thống chế. Cái cách bạn đồng đội nhìn anh bây giờ đây khiến cho anh cảm thấy vô cùng hạnh phúc, có gì khó nhất trên đời mà có thể làm cho các bạn, Fabrice cũng làm ngay! Tâm trí anh đang bay lượn trên mây. Anh thấy gì cũng thay đổi kể từ khi anh có bạn hữu. Có những câu hỏi cháy bỏng trong lòng, nhưng “ta còn hãy say rượu, ta phải nhớ lời dặn dò của chị quản lao”. Đi ra khỏi con đường trũng, anh nhận thấy đoàn hộ vệ không đi theo thống chế nữa. Vị tướng mà họ hộ vệ lúc này người cao lớn, mảnh mai, gương mặt không tình cảm, mắt dữ tợn.
Vị tướng ấy chẳng ai khác là bá tước A, tức trung úy Robert của ngày 15 tháng 5 năm 1796 xưa. Giá ông ta được thấy Fabrice Del Dongo, thì ông ta vui sướng biết chừng nào!
Đã từ lâu Fabrice không thấy đạn đại bác bắn tung đất lên thành từng mảnh đen nhỏ nữa. Đoàn đi đến phía sau một trung đoàn lính giáp kỵ, anh nghe rõ tiếng đạn súng trường đập vào áo giáp và nhìn thấy nhiều người ngã ngựa.
Mặt trời xuống rất thấp và sắp lặn khi đoàn người ngựa ra khỏi con đường trũng và leo lên một dốc nhỏ cao hơn thước để đi vào một đám đất cày ải. Fabrice nghe một tiếng lạ bên cạnh mình, anh quay đầu thấy bọn người đã ngã cùng với ngựa của họ.
Cả vị tướng cũng ngã nhưng ông đã đứng lên, mình đầy máu me. Fabrice nhìn mấy kỵ binh nằm dưới đất mà hãy còn giãy đành đạch mấy cái, người thứ tư hét: “Kéo tao ra với chứ!”.
Viên đội cùng hai ba người xuống ngựa để giúp vị tướng, ông ta tựa lên vai viên sĩ quan phụ tá, gắng bước mấy bước. Ông cố lánh xa con ngựa vì nó nằm giãy giụa dưới đất và đá chân một cách điên cuồng.
Viên đội tiến lại gần Fabrice. Lúc bấy giờ vị anh hùng của chúng ta nghe có tiếng nói ở đằng sau, gần sát bên tai: “Chỉ có con ngựa này còn phi lên được”.
Fabrice cảm thấy người ta nắm chân mình, họ nhấc chân anh đồng thời luồn tay qua nách mà nâng người anh lên, họ đưa anh lướt qua trên mông ngựa, rồi thả anh rơi ngã ngồi dưới đất.
Viên phụ tá nắm cương ngựa của Fabrice, nhờ có viên đội giúp, vị tướng lên ngựa và phóng đi ngay. Sáu kỵ binh còn lại cũng vội vã phi theo. Fabrice điên tiết đứng lên rồi vừa chạy đuổi theo họ vừa hét: Ladri! Ladri (trộm, trộm). Giữa chiến trường mà đuổi theo kẻ trộm thì cũng thật buồn cười.
Vị tướng, bá tước A, cùng với đoàn hộ vệ trong chốc lát đã khuất sau một rặng liễu. Giận sôi máu, Fabrice cũng đến bên rặng liễu ấy, và gặp ngay một con kênh đào sâu mà anh vượt qua. Đến bờ bên kia, anh lại trông thấy vị tướng và đoàn hộ vệ nhưng cách rất xa, anh chửi toáng lên. Họ lại đi khuất sau cây cối nữa: “Quân ăn trộm! Quân ăn trộm” anh hét lên lần này bằng tiếng Pháp. Thất vọng vì bị phản phúc kia hơn là vì mất ngựa, anh ngồi phịch xuống bên hố, mệt mỏi, đói lả đi. Giá con ngựa đẹp của anh bị quân địch lấy thì anh có nghĩ đến làm gì! Nhưng bị phản, bị lừa bởi chính viên đội mà anh yêu quý và những kỵ binh mà anh coi như anh em, điều đó làm anh đau xé gan ruột. Không thể nào khuây khỏa trước nỗi phản phúc nhục nhã đó, anh tựa lưng vào một gốc liễu, khóc như mưa như gió. Anh rứt rời và hủy bỏ từng cái những mơ ước về tình bạn hào hiệp và cao quý, như tình bạn giữa các anh hùng trong “Jérusalem giải phóng”. Chết có sao đâu nếu quanh ta có những con người dũng cảm và trìu mến, những người bạn chiến đấu cao thượng họ siết chặt tay ta khi ta hắt ra hơi thở cuối cùng. Nhưng mà làm sao giữ được lòng nhiệt thành khi bị vây giữa những tên vô lại xấu xa như thế! Fabrice cũng cường điệu như bất cứ ai đương phẫn uất.
Xúc động một hồi, anh nhận thấy đạn đại bác bắt đầu bay đến tận nơi hàng cây anh ngồi nghĩ ngợi. Anh đứng lên, tìm hướng đi. Anh nhìn những đám ruộng cỏ chạy dọc theo con kênh đào lớn và hàng liễu rậm rạp, và như nhận ra cảnh quen. Có một binh đoàn lính bộ đang vượt qua hào để đi vào đồng cỏ, ở cách một phần tư dặm trước mặt anh. Fabrice nghĩ thầm: “chút nữa thì mình ngủ quên! Phải đừng để cho bị bắt làm tù binh”. Anh rảo bước rất nhanh. Đi tới được một đoạn, anh hết lo ngại, anh đã nhận ra quân phục, những trung đoàn mà anh lo sẽ chặn lối anh là những trung đoàn lính Pháp. Anh đi chệch về bên phải để gặp họ.
Sau cơn đau tinh thần vì bị lừa, bị cướp trâng tráo như vậy thì có một cơn đau khác mỗi lúc càng nhói thêm! Anh đói quá sức. Anh mừng rỡ biết bao sau khi đã đi, nói cho đúng đã chạy được mười phút thì thấy binh đoàn lính bộ ấy, họ cũng đi rất nhanh, đóng lại như để chiếm vị trí. Mấy phút sau, anh đã đứng giữa những người lính đầu tiên.
— Các bạn ạ, các bạn có thể bán cho tôi một mẩu bánh không?
— Ái chà! Lại có đứa coi chúng ta là những anh hàng bánh mì!
Câu nói ác đó và tiếng cười của cả bọn làm cho Fabrice khổ tâm quá. Chao ôi! Chiến tranh không phải là sự hứng khởi chung cao quý của những tâm hồn say đắm vinh quang hay sao? Nghe những tuyên ngôn của Napoléon, anh đã tưởng tượng ra như vậy! Anh ngồi xuống, đúng hơn, anh buông người ngã ngồi lên cỏ, mặt trở nên xanh nhợt. Anh lính đối đáp với anh đã dừng lại ở cách mươi bước, để lấy khăn tay lau ổ súng, hắn thấy vậy bèn đi đến bên anh và vứt cho anh một mẩu bánh, rồi thấy anh không nhặt, anh ta bẻ một miếng khác đút vào mồm anh. Fabrice mở mắt ra, ăn bánh, mà không đủ sức nói gì. Cuối cùng, khi anh đưa mắt tìm anh lính để trả tiền bánh, thì chỉ thấy có mỗi một mình anh, những người lính gần nhất bây giờ cũng đã ở cách xa trăm bước và đang đi. Anh đứng lên như cái máy và đi theo họ. Anh đi vào một khu rừng. Anh mệt lả người, đưa mắt tìm một chỗ thuận tiện để ngồi nghỉ. Nhưng anh vui sướng biết bao khi nhận ra con ngựa, rồi cái xe, cuối cùng là chị bán hàng căng tin lúc ban sáng! Chị chạy lại và đâm hoảng khi thấy vẻ mặt Fabrice.
— Đi tí nữa, chú em ạ! Chú bị thương ư? Còn con ngựa quý của chú đâu? Chị nói như vậy và dắt anh lại xe rồi đỡ cho anh lên xe. Vừa lên xong, người anh hùng của chúng ta lả ra mà ngủ, ngủ say sưa.