Số lần đọc/download: 1109 / 17
Cập nhật: 2016-06-17 12:51:57 +0700
Chương 4: Đời Sống Tình Nghĩa
Đ
iểm đặc biệt nổi bật lên trong đời sống của người Việt Nam là sự tôn trọng tình nghĩa.[6]
Cái tình nghĩa giữa vợ chồng, cha con, anh em họ hàng bên nội, bên ngoại, ai nấy đều đã nhận ra ở thôn quê nó đậm đà thắm thiết hơn ở tỉnh rất nhiều. Vì nó không bị nhiễm ảnh hưởng của lối sống Tây Phương. Trong sách Văn Minh Việt Nam phần II.
Nếp sống tình cảm đã nói rõ, và có kể cả đến cái phức tạp tình cảm nó làm cho người quen hiểu, quen nói hợp lý phải bối rối.
Những sự oán ghét nhau vì thương mến hành hạ nhau vì muốn cho nhau hay, đay nghiến nhau, vì muốn bắn lời qua kẻ khác; người bị mắng mỏ chửi bới hiểu ý và hội ý còn lấy làm hả hê. Thêm những chuyện các bà già đương tử tế hẳn hoi thì đùng đùng giở mặt giận dữ, cho đến hết sức là khó chiều, những chuyện người ta đương thân với nhau đến độ con chấy cắn đôi mà chỉ vì một người lầm trong cách đối xử với một người nào khác mà sinh ra không nhìn mặt nhau nữa. Tất cả là những phức tạp tình cảm không dùng tinh thần hợp lý để phanh phui ra được. Mỗi con người Việt Nam là một cái phức tạp ấy, không phải chỉ riêng đối với trong gia đình như đã nói, mà còn đối với xã hội nữa.
Người ta mua bán làm ăn, chơi bời, kiện tụng, học hành thi cử cũng như ma chay cưới xin, khao vọng... đều với cái phức tạp tình cảm ấy. Mua bán. Sự mua bán được rẻ hơn hay bị đắt hơn, được những điều kiện dễ dàng hơn hay bị khó khăn hơn, đều do chỗ ngườita nhận hay không nhận mình trong cái mối bòng bong về tình cảm ấy.
Thường thì giờ mua bán ít hơn là thì giờ nói chuyện hỏi thăm về việc nhà việc cửa của nhau. Cái chợ ở thôn quê không chút gì giống với cái siêu thị hiện tại. Cả cái cửa hàng thời cổ cũng không có bố trí gì như những nhà hàng tân thời. Và người chủ gọi là có duyên bán hàng cũng có những nét đặc biệt về tình và nghĩa.
LÀM ĂN: Sự đãi ngộ kẻ ăn người làm có đáng quý đáng mến hay không mới là cần. Lương hướng, cũng như giờ làm, cũng như sự gắng sức làm đã chỉ tùy theo sự đãi ngộ ấy.
Có kẻ với người này thì tận tâm tận lực, mà với người khác thì không, có khi không làm nữa. Có kẻ với người này thì đem hết cả đồ đạc vật liệu của nhà đến làm như việc của mình, mà với người khác thì thuê tiền cũng không làm.
Những mánh khoé lừa bịp làm eo làm sách bắt bí chủ, làm hại chủ để gây thành chuyện hai bên tìm cách xiết họng nhau, đó là món hàng mới nhập cảng, còn thực gốc cũ là người ta đã có thể làm năm, có người làm cả đời cho nhau nữa.
CHƠI BỜI: Sự chơi bạn không vì lợi mà vì tình. Những chuyện đặt về nhắn lời gởi lời (gửi lời thì nói, gửi gói thì mở) hay nhờ mang thư mang quà cho nhau, là những chuyện mà đời bây giờ không quan niệm. Nhưng có những người đã ra sống ở ngoại quốc, quen nếp sống của người quá rồi, mà hễ gặp người đồng hương thì vẫn lại cái thói quen cũ dở ra.
Chỗ đến chơi bời ăn uống cũng phải là những chỗ quen. Các món chơi bời ăn uống cũng phải là những món quen giọng. Cho đến những câu chuyện cười đùa cũng phải được hợp giọng nhau mới thú.
Từ một cô đào hát với khách làng chơi “còn như vào trước ra sau ai cho kén chọn vàng thau tự mình”) mà khi quan viên sẽ đi xa không còn hy vọng gì gặp nữa, cô đào chẳng có bao nhiêu tiền cũng cố mua thêm quà bánh tặng nhau gọi là lưu lại chút tình với nhau.
KIỆN TỤNG. Cho đến người ta nhận tội thay cho nhau, dấu giếm dùm nhau, cả làm tất cả những việc phi pháp biết là nguy hiểm để gánh đỡ cho nhau, cũng khiến cho ai nấy tỏ ra là khó hiểu.
Đại để cái phức tạp là như thế.
Do vì lương tâm con người đã được đào luyện từ lâu đời theo cái hướng mà người ta nhận là hay, là phải thì nói cứ phải như thế. “Một mặt người là mười mặt của.” Không bao giờ người ta chịu vì quyền lợi mà bỏ tình nghĩa.
Kẻ chỉ biết có quyền lợi là kẻ tiểu nhân. Kẻ đặt tình nghĩa trên quyền lợi mới là người quân tử.
Người ta có ý nghĩ trái với thường tình như thế là vì từ lâu rồi người ta cho tiền là bạc, có hàm nghĩa là bạc đen, nó nô lệ hóa con người cho không tự làm chủ được mình khi đối xử với nhau, nó làm cho con người hoa mắt giành giật nhau quyền lợi không hơn gì một đàn chó giành giật nhau những khúc xương, lại còn đem những mưu mẹo thủ đoạn lừa dối rất hại cho tâm tư để tổn thương đến âm đức. Cho nên, trong cùng một hệ thống tư tưởng về phúc, cái tư tưởng đặt tình nghĩa trên quyền lợi đã rất chiêu ứng ở con người Việt Nam. Và cũng ở trong một hệ thống tư tưởng về sự sống để sửa soạn cho cái chết, nghĩa là để được chết với một nụ cười, không ân hận trong lòng, không làm điều gì ác độc, ích kỷ, hại nhân, khiến con cháu được nở mày nở mặt, người ta đã hết sức thành thật với mình để nhìn rõ tiền bạc không đem theo được đi lúc hai tay buông xuôi, mà chỉ có cái tình lưu giữ giữa kẻ sống, người chết mới là điều đáng kể.
Tôi đã có một tiêu ngữ đặt trên đầu sách Nếp sống tình cảm của người Việt Nam: cái gì làm cho con người trở thành con người! - Không phải cái mặt mà là cái lòng người ta ăn ở với nhau.
Bởi lẽ giá trị thực của một con người so với một con người là ở cái lòng đè nén được những ham muốn vật chất, tiêu diệt được những mưu mẹo đen tối đảo điên để đạt những ham muốn ấy. Và về phương diện tích cực là làm được cái gì cho con người tiến bộ để người trở nên người thực là người. Còn bao nhiêu tiền của để mua lấy cơm áo, nhà lầu, xe hơi, chỗ ngồi danh vọng hão... tất cả chỉ là những gì bám ở vòng ngoài thân xác của con người. Đó là của trời.
Của trời trời lại lấy đi.
Giương hai mắt ếch làm chi được trời!
Thành ra cái lòng của con người, đầu mối của tình và nghĩa, mới là thực và đáng kể lể thực để phân định những giá trị người, và ở ngay thời đại của chúng ta, một thời đại mà ai nấy nhìn nhận mọi giá trị tinh thần đương bị đảo lộn, muốn xã hội có trở lại tất cả những vẻ đẹp của một xã hội của loài người, thì vẫn lại phải dùng tình nghĩa làm cái thức tiêu chuẩn để định lại các giá trị người.
Đây là điều mà các xã hội máy móc tây phương hiện cảm thấy mình đương thiếu thốn mà rất nhiều người có thiện chí của họ đương muốn vươn về nhưng trong cả quá trình diễn tiến xã hội máy móc với những ngày giờ vội vàng quy định cuộc sống của họ, thực đã hết sức khó cho họ để làm cùng một công việc ấy như người Đông phương, nhất là Việt Nam.
Đời sống Âu tây là đời sống tiểu gia đình, có khi còn cá nhân thật ích kỷ nữa. Chế độ hưu bổng, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ lao động nghiệp đoàn, đã vừa nẩy ra do đòi hỏi của cuộc sống cá nhân ấy, lại vừa trở lại cho phép đẩy lối sống cá nhân ấy cho thật xa hơn. Cho đến độ, ít nhiều gì bây giờ người Âu tây trước mọi vấn đề cũng có những phản ứng rất tự nhiên của kẻ sống cá nhân ích kỷ. Sự mời mọc nhau ăn uống, sự cách biệt và tôn trọng lề thói sống riêng ngay giữa vợ với chồng, sự vội vã lo việc riêng của mình, sự hạn chế trong việc giúp đỡ nhau khi túng thiếu, tất cả không khí sống ấy đã tạo mỗi cá nhân thành một bộ phận máy cứ phải quay theo chiều đã quy định mà không hy vọng gì cưỡng lại nổi.
Còn xã hội của ta thì khác hẳn. Mặc dầu đã có khá nhiều người bị hóa đi phần nào vì ảnh hưởng của tây phương, nhưng cả xã hội chưa tổ chức được như họ, và vẫn còn hết sức đông đảo người thấy không thú cái lối sống máy móc ấy, và những đông đảo người này trước mọi vấn đề sinh sống vẫn có những phản ứng tự nhiên do tình và nghĩa chủ động.
Sở dĩ như vậy là vì từ nhỏ đến lớn và từ rất lâu đời người Việt Nam đã quen sống thành một cái nếp sống của tình và nghĩa, không dễ gì một vài ảnh hưởng ngoại lai đã làm thay đổi hết được.
TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG
Trong những truyện cổ của Trung Hoa cũng như của Ấn Độ mà nước Việt Nam nằm giữa, chịu ảnh hưởng của hai luồng sóng văn minh vĩ đại ấy, ta thấy Trung Hoa có những truyện như Ngô Khởi sát thê cầu tướng, hay Lưu Bị coi nhẹ mạng sống của Cam Mi phu nhân cho đến A đẩu được Triệu Tử Long xung đột vòng vây đem được ra, Lưu Bị đã ném xuống đất mà nói: “Vì mày mà ta suýt mất một viên thượng tướng”. Hình ảnh người đàn bà đã rất nên mờ nhạt, nếu không muốn nói hẳn là đã bị coi rẻ như một vật sở hữu của người đàn ông. Còn người đàn bà dùng sắc đẹp lung lạc và làm nghiêng ngửa xã tắc như Bao Tự, Đắc Kỷ để người đời mai mỉa. Có lẽ có tình nghĩa với nhau hơn cả lại là Hạng Võ và Ngu Cơ. Còn Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài là cái tình yêu giữa trai và gái chưa phải là cái nghĩa vợ chồng.
Thực ít thấy có một truyện nào làm nổi được lên cái tình nghĩa vợ chồng như truyện Phạm Công Cúc Hoa. Cả trong những truyện cổ của Ấn Độ cũng vậy. Ta chỉ mới gặp truyện công chúa Savitri nhất định ôm xác chồng đi theo thần chết Yama đến cùng trời đất để kêu xin. Nhưng chồng, đối lại cái tình nghĩa ấy đã không có gì xứng đáng để so nổi với Phạm Công cả.
Cái truyền thống người vợ hiền trong tâm thức của dân tộc như thế và trong thực tế nhan nhản ra với truyện các cụ Tú Xương, Tam Nguyên, Phan Bội Châu là cái truyền thống về đạo vợ nghĩa chồng, nó nói lên thực rõ cái việc người ta đã không vì quyền lợi vật chất nào mà hy sinh tất cả cho nhau (Cả ngày giờ, sức khoẻ, tiền bạc, tuổi xuân) và không phải chỉ hy sinh cho nhau mà còn hy sinh cho dòng họ của nhau nữa. (Như trường hợp của bà mẹ ông Tán Cao).
Ta thấy có những cảnh người đàn bà thờ chồng nuôi con, phải may gặp dòng họ chết non đến ba bốn đời đàn bà góa ở vậy nuôi con, cháu và chắt chỉ để cho nhà chồng không tắt dòng hương khói, lại cả những cảnh làm lẻ, hay chấp nhận cho chồng lấy vợ lẻ vì cần có con cái nối dòng ta càng thấy đáng thương người đàn bà biết bao nhiêu.
TÌNH NGHĨA CHA CON
Tình nghĩa cha con không phải là đạo hiếu, mà là nguyên nhân của đạo hiếu. Nó song phương nẩy ra do tiếng gọi của giòng máu và sự sống chung mà không phải như đạo hiếu là bổn phận đơn phương của con cái đối với cha mẹ. Nó tự nhiên nẩy ra mà không có tính cách nhân tạo gò bó của nhà luân lý.
Nho giáo Trung Hoa có 24 trường hợp hiếu thảo được coi là gương mẫu cho mọi người noi theo.
1) Vua Thuấn: thuở hàn vi mẹ chết sớm, có mẹ ghẻ khắc nghiệt, cha là Cổ Tầu thì ương gàn, còn em Tượng thì điêu ngoa. Vậy mà chú bé Thuấn vẫn chiều đãi được tất cả cho vui vẻ cả nhà. Em Tượng ton hót cho cha Cổ Tầu ghét Thuấn, Thuấn chỉ biết ra ruộng mà khóc ngấm khóc ngầm. Tiếng hiếu thảo bay đến vua Nghiêu nên được vua vời đếnnhường ngôi.
2) Vua Hán văn Đế: tên Hàng là con thứ ba của vua Cao Tổ do bà Thứ Phi Bạc sinh ra. Anh là Huệ đế sớm thác, không con nối. Bầy tôi rước về tôn lên ngôi tức là vua Thái Tôn. Bà Bạch Thị vì đó được lên làm Hoàng Thái Hậu. Khi lên ngôi chí tôn rồi Hán Văn Đế phụng dưỡng mẹ rất chu đáo. Khi bà mẹ bị bịnh suốt ba năm, vua mắt không nhắm, áo không cởi đai, suốt ngày đêm hầu hạ bên giường. Thuốc đưa đến, đích thân vua nếm trước rồi mới dâng mẹ. Tiếng nhân hiếu đồn khắp thiên hạ.
3) Tăng Tử Du: tức Tăng Sâm ở đời Châu mạt, là học trò đức KhổngTử. Thầy nuôi cha là Tăng Tích rất chu đáo, bữa thường phải có rượu thịt, khi dọn dẹp nếu cha hỏi còn dư chăng, ắt thầy thưa rằng có, mặc dầu không có gì cho mình. Nhà nghèo, thầy phải vào núi kiếm củi. Ở nhà có khách đến, mẹ không có cách xoay sở ra cơm rượu mà trông con mải thấy không về, bèn cắn ngón tay mình cho động lòng con, Tăng Sâm đương trong rừng thấy đau ở trái tim vội về mới hay cớ sự.
4) Mẫn Tử Khiên: tức Mẫn Tổn đời Châu, học trò đức KhổngTử, sớm mất mẹ, cha cưới mẹ ghẻ sinh được hai em cho mặc áo ấm, còn mình thì cho mặc rách rưới lạnh lẽo. Khi cha dạo Mẫn Tổn theo chân đầy xe nhưng rét lạnh quá nên xẩy rơi tay. Cha nhìn biết rõ sự thể quyết bỏ vợ. Mẫn Tổn quỳ xin “Mẹ còn chịu một thân đơn, mẹ đi luống để cơ hàn cả ba.” Khi nghe được việc ấy bà mẹ ghẻ cũng trở nên nhân từ hơn.
5) Tử Lộ: tức Trọng Do đời Châu, người nước Lỗ học trò Đức Khổng Tử. Nhà nghèo ông ăn rau lê, rau hoắc qua ngày rồi đội gạo đi xa hàng trăm dặm để bán lấy tiền nuôi cha mẹ. Khi cha mẹ qua đời ông qua chơi nước Sở ở phía Nam. Vua Sở dùng làm quan lớn có xe trăm cỗ, lúa muôn chung, trải thảm mà ngồi bầy vạc mà ăn. Tử lộ than rằng dầu muốn ăn rau lê rau hoắc và vì cha mẹ đội gạo như cũ cũng không được nữa.
6) Diễm Tử: đời Châu thờ cha mẹ rất hiếu. Cha mẹ già đau mắt ước ao hằng ngày được uống sữa hươu, Ong tìm cách bắt một con hươu lột da để mặc, rồi trà trộn vào đàn hươu để lấy sữa về dâng cha mẹ. Có lần bị bọn đi săn vây bắt ông cởi áo da hươu và kể lại sự tình.
7) Lão Lai: Đời Châu, người nước Sở, ngoài bẩy mươi cha mẹ còn sống vẫn làm ra vẻ mình còn trẻ để vui lòng cha mẹ. Ông mặc năm mầu áo sặc sỡ, làm trò trẻ nít múa hát giỡn chơi ngoài sân, rồi khi lấy nước lại giả vờ té và khóc.
8) Đổng Vĩnh: ở đời Hán, nhà nghèo, khi cha mẹ chết không có gì để làm ma, phải tự bán mình cho một nhà giầu gần nhà lấy tiền để chôn cất. Tới chừng đi làm công Đồng Vĩnh đi đến nửa đường ngồi nghỉ dưới cây hoè, gặp người con gái xin kết làm chồng vợ để cùng đi đến chủ nhà. Chủ nhà sai dệt lụa. Hai người dệt một tháng xong. Nợ trả hết, hai người cùng về, đến chỗ vắng nàng từ biệt và biến mất mới hay là tiên do trời sai xuống giúp.
9) Quách Cự: tức Vân Cử đời Hán nhà nghèo có con ba tuổi. Mẹ già thường nhịn ăn cho cháu. Cự bàn với vợ: nhà đã không có dư ăn, phần dành cho mẹ già lại bị cháu chia sớt. Sao chẳng chôn đứa con nầy?Vợ chẳng dám trái ý bèn cùng nhau đào lỗ chôn con thì bắt được một hũ vàng.
10) Khương thị: đời Hán thờ mẹ rất hiếu. Mẹ già thích uống nước sông. Vọ ra sông múc gánh về mà dâng. Mẹ càng ưa cá gỏi, vợ chồng làm mà dâng lên, lại mời các bà già lối xóm cùng ăn cho vui. Vì đó bên nhà có suối nước tuôn lên nước ngọt như nước sông và hàng ngày có cặp cá chép cho vợ chồng bắt mà dâng mẹ.
11) Thái Thuận: tự Quản Trọng ở cuối đời Tây Hán, tuổi nhỏ mồ côi cha, thờ mẹ rất hiếu. Thuở ấy gặp loạn Vương Mãng lại mất mùa, Thái Thuận đi nhặt trái dâu về cho mẹ ăn, lại lựa trái đen để riêng và trái đỏ để riêng. Giặc Xích Mi trông thấy hỏi thì trả lời: “Trái đen thì ngọt để dành cho mẹ, còn trái đỏ thì chua để dành cho mình ăn. Giặc khen và cho gạo với đùi trâu đem về cho mẹ.
12) Đinh Lan: đời Hán cha mẹ chết chưa được phụng dưỡng. Khi lớn nghĩ đến đức cù lao mà xót xa nên nhớ lại hình dung để tạc tượng gỗ thờ, bữa thường dâng cơm canh như lúc còn sống. Mấy mươi năm như thế. Người vợ có ý bực thử lấy kim châm ngón tay pho tượng thì thấy chẩy máu. Đến bữa chồng dâng cơm canh vào thì thấy tượng chẩy nước mắt. Hỏi ra biết rõ đầu đuôi, chàng liền bỏ vợ.
13) Lục Tích: tự Công Quỹ đời Hậu Hán là trẻ nhỏ có thiên tư, khi theo cha đến quận Cửu giang mà ra mắt thái thú Viên Thuật, Thuật lấy quít ra cho ăn, Tích lấy hai trái dấu trong tay áo. Khi ra về chào chủ nhà, Tích đánh rơi hai quả quít. Thuật cười mà nói lời trêu chọc. Thì Tích trả lời “Mẹ tôi rất thích ăn quít nên tôi lấy về cho mẹ tôi”.
14) Giang Cách: tự Thứ Ông đời Hậu Hán, cha chết sớrn một mình nuôi mẹ, gặp thời tao loạn cõng mẹ tránh đi. Giặc muốn bắt thì khóc xin. Giặc tha cho. Khi dời qua đất Hạ Bì nghèo túng nhưng chịu khó làm ăn để cung cấp cho mẹ đủ mọi thứ cần dùng.
15) Hoàng Hương: tự Văn Khương đời Hậu Hán năm chín tuổi mất mẹ, nhớ mến thiết tha cả làng đều khen là chí hiếu. Còn cha, Khương đã kính thờ không lỗi đạo. Mùa hạ trời nóng thì Khương quạt mát gối đệm, mùa đông rét mướt thì chui vô lấy mình ủ ấm cho cha nằm.
16) Vương Thôi: tự Vĩ Nguyên người quận Doanh Lăng đời Ngụy, thờ cha mẹ rất hiếu. Thưở ấy nhà Ngụy mất, nhà Tấn lên thay, cha bị Văn Đế nhà Tấn giết, ông Thôi khóc bên mồ cha, vẩy nước mắt mà cây trắc bên mồ hết héo thề suốt đời không ngồi day mặt phía tây để tỏ ý chẳng chịu làm tôi. Khi mẹ chết, vì tính mẹ lúc sinh thời hay sợ sấm, mỗi khi có mưa gió sấm sét, ông Thôi lại chạy ra ôm lay mộ khóc mà khấn rằng: “có Thôi ở đây”.
17) Ngô Mãnh: đời Tấn, năm tám tuổi nhà nghèo, giường không có mùng, mùa hè nhiều muỗi. Mãnh cởi trần mình nằm cho muỗi đốt không xua đuổi sợ nó đến đốt cha.
18) Vương Tường: tự Hưu Trưng đời Tấn sớm mất mẹ. Mẹ kế họ Châu khắc nghiệt thường xúc xiểrn cho cha ghét. Bà lại muốn ăn cá tươi trong khi mùa đông nước sông đóng thành băng cả. Tường cởi áo nằm trên đống băng cho hơi nóng tan băng ra để bắt cá về dâng mẹ.
19) Dương Hương: Đời Tấn năm mười bốn tuổi theo cha ra ruộng gặt lúa. Cha bị cọp bắt. Hương tay không, chỉ biết cha mà chẳng biết có mình, nhẩy lên chặn cổ cọp. Cọp nghiến răng mà đi. Nhờ vậy cứu được cha.
20) Ngô Mạnh Tông: tự Cung Võ, tuổi trẻ mất cha, mẹ già bị bịnh nặng, muốn ăn canh măng mà mùa đông măng không mọc. Tông không có cách gì kiếm được đến bên bụi tre mà khóc. Giây lát đất nẻ mọc ra măng để cho Tông cắt về nấu canh dâng mẹ. Ăn xong hết bịnh.
21) Sưu Kiềm Lâu: đời Nam Tế làm huyện Lịnh Sàn Lăng. Khi tới nhậm chức chưa đầy một tuần xẩy ông thấy trái tim động mồ hỏi chẩy, liền bỏ chức quan về, thấy cha bị bịnh đã hai ngày. Thầy thuốc nói muốn biết bịnh bớt hay nặng lên thì hãy nếm phân, nếu đắng thì tốt. Ông Kiềm Lâu nếm thấy ngọt, lòng lo lắng, đến đêm dập đầu lễ sao Bắc Đẩu, xin đem mình thế cho cha. Sau đó ông chiêm bao thấy một người cầm thẻ vàng đề chữ “sắc cho bình an”. Sáng mai cha hết bịnh.
22) Đường Thị: là dâu họ Thôi, có bà cố nội nhà chồng già mà rụng hết răng. Mỗi ngày chải đầu rửa mặt xong, Đường Thị lại lên thềm cho bà chồng bú. Nhờ vậy bà chồng khương kiện như xưa. Một ngày kia trở bịnh ngặt, bà gọi cả nhà lớn nhỏ đến bên giường trối trăng: “không lấy gì đền được ơn cho cháu dâu của ta. Mong rằng cháu dâu của mày sẽ được như cháu dâu của ta vậy”.
23) Châu Thọ Xương: đờiTống năm bảy tuổi mẹ bị mẹ già ghen ghét phải lìa con đi xa. Năm mươi năm sau, vua Thần Tông dụng ông làm quan sang. Ông bỏ chức vô đất Tần thề chẳng tìm thấy mẹ thì không về nữa. Đến Đồng Châu thì gặp mẹ đã tám mươi tuổi.
24) Hoàng Đình Kiên: đời Tống tự Tăng Trực hiệuSan Cốc làm quan Thái Sử triều Nguyên Hựu. Mặc dù sang cả ông hầu mẹ rất chu đáo. Mỗi buổi chiều ông đích thân đi rửa đồ tiều tiện cho mẹ như một kẻ gia nô.
Ta thấy đạo hiếu mà Nho giáo suy tôn đến như vậy là cùng cực. Tính cách gàn dở cổ lỗ, làm cho người không quen với nếp sống tầu ấy phải ngơ ngác buồn cười.
Trong lịch sử của ta không chép nhiều trường hợp hiếu kính thật đặc biệt để làm thử cuộc so sánh. Chỉ có Chử Đồng Tử, hai cha con chia nhau một cái khố. Và có con vua Hùng Vương ngày Tết dâng bánh dầy hình tròn và bánh chưng hình vuông tượng hình trời đất để nói ơn cha mẹ rộng như tựa trời đất. Ngoài ra có Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt, bảo con Nguyễn Trãi về lo việc phục thù đừng đi theo khóc lóc vô ích. Và gần đây có vua Tự Đức ngự đi bắn gặp phải mưa nước lụt không kịp về sớm trước ngày có kỵ. Đức Từ Dụ nóng ruột cho Nguyễn Tri Phương đi rước. Đến chiều tối thuyền ngự mới về tới. Trời mưa to ngài vội lên kiệu trần thẳng sang cung lạy xin chịu tội. Ngài đặt cây roi mây lên trên kỷ rồi nằm xuống xin chịu đòn, Đức Từ Dụ quay ra hất roi đi và ban: (Thôi tha cho). Bấy giờ ngài mới dám đứng lên.
Nho giáo đưa 24 gương hiếu kính ra với dụng ý tôn quyền cha để tôn quyền vua, lấy cái lý rằng người con biết hiếu kính với cha mẹ trong nhà thì mới có đức độ của con người, để nếu làm vua thì người ấy có thể lấy cái đức của bản thân nêu gương cho thần dân song trong vòng đức trị, nếu làm quan thì “người ấy biết ơn thờ vua, còn nếu làm dân thì người ấy cũng là người dân tốt biết kỷ cương”. Thật là giàn dị.
Nhưng khi thể chế chính trị chuyển sang pháp trị và nhất là trong những thời loạn thì lý do tồn tại của đạo hiếu này đã giảm bớt phần hiệu lực. Những trường hợp bất khả kháng đã khiến người ta chỉ giữ lấy tinh thần của đạo hiếu trong lòng mà thôi.
Bởi vậy mà phải nói đến tình nghĩa.
Đã nói tình nghĩa thì lại không cần kể đến công ơn vì những đáp đền công ơn bằng hiện vật đã không đáp đền được tình nghĩa. Mà phải tình nghĩa mới đáp đền được tình nghĩa.
TÌNH ANH EM HỌ HÀNG
Một bát máu đào hơn một ao nước lã, không lựa là kể đến anh chị em ruột là khúc ruột trên, khúc ruột dưới, là chân với tay, để cho thấy người ta đã coi nhau thân thiết đến mức nào.
Vì sao vậy?
— Vì người ta tất cả là một tập thể yếu đuối, từ lâu đời ở trong vòng đe dọa nếu chẳng cố kết lấy nhau thì tất cả sẽ cùng bị nguy hại. Người ta đã không rời nhau ra trong việc phải đã đành, đến cả trong việc trái người ta cũng tìm lý lẽ và tìm cách để binh vực nhau. Mà cả đến những việc trái mười mươi hết cách đi, người ta cũng vẫn tìm cách nói để đỡ đòn cho nhau.
Những trẻ nhỏ từ chín mười tuổi đã phải đi dự việc làng việc họ, không phải để ăn cho nhà đỡ tốn một bữa, mà cốt yếu là để đi nghe người ta bàn cãi và đi học lấy lời ăn tiếng nói của người lớn, cũng như đi để biết các việc trong hàng trong họ ai bắt bức hiếp ai, ai trái ai phải, ai cãi chầy cãi cối. Những trẻ ấy phần nhiều đến 17, 18 tuổi đã ăn nói rất chững chạc và lễ phép đến các cụ cũng phải nể nang và không ai bắt bẻ vào đâu được.
Mỗi một họ ở trong làng là một đơn vị toàn vẹn, không những chỉ bảo vệ quyền lợi vật chất cho nhau, mà còn bảo vệ danh dự chung của nhau nữa. Họ này có người đàn em xuất sắc thì chỉ rình cho họ kia có điều gì sơ hở là cho đàn em ra nói chuyện, vừa để tỏ rằng người lớn chúng tôi không thèm nói, vừa để nếu lỡ đàn em có đuối lý thì các đàn anh cũng dễ có cách xin lỗi và hòa giải.
Những cuộc đấu lý công khai giữa đình chung như thế, đã dần dần gây ý thức họ hàng cho mọi người trong họ để tự nhiên ai cũng phải có một thái độ và một lập trường chung khi đã được nhìn nhận là họ hàng với nhau.
Ý thức họ hàng ấy đã đến độ là mọi việc riêng của từng nhà trong họ, như ma chay, cưới xin, khao vọng người ta ai nấy cũng có bổn phận trông nom vào cho người ngoài khỏi chê cười. Ý thức ấy mặc nhiên đến cái độ có thể át hẳn những quyết định riêng của cá nhân và bó buộc cá nhân phải theo quyết định và tục lệ cũng như lập trường chung.
Một cái họ gây dựng nổi cho đến mức là một họ đàn anh trong làng để ai nấy hãnh diện trong họ có người giữ những vai vế quan trọng, lấn át được những người của họ khác cùng nắm giữ được nhiều lợi quyền cho ai nấy được nhờ, thì cũng phải tốn nhiều ngày giờ công phu và tâm tư nữa.
Cho nên khi có một người trong hàng con cháu chịu khó ăn học thi đỗ làm quan thì cả cái họ ấy lấy làm sung sướng. “Một người làm quan cả họ được nhờ” không phải là nhờ về tiền bạc, công ăn việc làm, hay những gì cụ thể dễ trông thấy. Thường nhờ đây chỉ là nhờ cái hơi cái tiếng mà thôi.
Người làm quan có khi cai trị tận đâu ấy, ít khi về đến làng. Có khi người ấy, đã tân tiến rồi không thích những truyện vụn vặt như tranh xôi tranh thịt trong làng, nhưng bà con họ hàng của người ấy thì lại bảo hoàng hơn vua để đòi hỏi hạch sách các thứ, hết sức là hống hách. Họ không cho phép kẻ nào nói lời xúc phạm hoặc xử sự thiếu lễ độ và thiếu những dấu hiệu chứng tỏ lòng tôn kính đối với ông quan và dòng họ của ông quan ấy. Nội dung việc khó tính hạch sách này vì ông quan thì ít mà vì họ thì nhiều hơn, nhưng trên danh nghĩa cho ai cũng thấy thì lại là sự công bằng phải chăng. Ở trường hợp ông quan ấy không để mặc họ, để làm hài lòng họ, hoặc có những lời nói cử chỉ gì làm hư hỏng mất nước cờ của họ, thì họ sẽ giận hờn đến khó chịu. Nhưng bên trong thì bằng mặt chẳng bằng lòng, mà bên ngoài thì vẫn ra chiều không có gì mất hòa mâu thuẫn cả. Cái phức tạp tình cảm là như thế.
Phần những người đàn bà con gái trong họ, cũng không kém về tình cảm như vậy. Những khi có chuyện rắc rối về dâu con, bên ngoại, bên nội, bề gái, bề trai, người ta đều thấy các bà con trong họ lấn lướt người chủ chốt để nắm lấy quyền đối xử, cùng lèo lái câu chuyện theo hướng thù địch mà họ quan niệm. Nhiều những việc nhỏ nhặt không đáng gì cả mà rồi không ngờ trở thành to và đổ vỡ không hàn gắn được, phần lớn cũng là tự nơi bà con trong họ này. Nguy hiểm một điều là chỉ đương sự mới thấy tùy trường hợp phải nể nang trong những lời ăn tiếng nói thì lại bị lấn át đi: còn người trong họ không trực tiếp chịu ảnh hưởng và trách nhiệm thì lại tha hồ nói để gây thêm khó khăn ra.
Thành thử cá nhân bị hút vào sốngtheo tập thể. Nếu cá nhân không chịu như thế thì sẽ có hết sức nhiều điều tiếng thị phi xẩy ra.
Những người đàn bà con gái trong họ này bởi cũng không có nhiều công việc bận rộn và thì giờ làm ăn cũng chẳng có gì phải vội vàng, nên các việc bé dễ bị xé ra to để cho nó cứ lan dần ra khắp cả mọi nơi; mọi người lúc nào cũng thấy nói đến.
Trong cuộc sống nông nghiệp bề ngoài thấy là hết sức giản dị mà ngờ đâu bên trong lại phức tạp đến thế. Đã có không biết bao nhiêu chuyện người ta cãi cọ nhau, không phải vì ghét mà là vì yêu. Đã có không biết bao nhiêu việc người ta hờn giận nhau mỉa mai bóng gió nhau, không phải vì giận mà là vì thương. Cứ nhìn những phát hiện mà xác định theo hiện tượng luận, lấy tư tưởng làm thực tướng, thì sẽ rất có thể sai lầm hết. Cuối cùng trong những khi giỗ ngày tết, những dịp ma tang tóc hay những nguy cơ chung thì thấy họ lại chẳng còn có vẻ gì giận dữ nhau, bởi cuối cùng bao giờ mỗi người của họ cũng lại tính đến một giọt máu đào hơn một ao nước lã.
Trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương Đào Duy Anh đã viết:
“Gia tộc Việt Nam xưa nay có hai bậc, một là nhà hay tiểu gia đình gồm vợ chồng cha mẹ và con cái; hai là đại gia đình gồm chung đàn ông đàn bà cùng một ông tổ sinh ra... gia tộc phụ hệ ấy thường gọi là họ nội gồm một chi trưởng và một chi thứ: lấy một người làm bản vị thì ở trên người có cha mẹ, trên cha mẹ có ông bà nội gọi là tổ phụ mẫu, trên ông bà có cụ gọi là tàng tổ phụ mẫu, trên cụ có kỵ gọi là cao tổ phụ mẫu rồi đến cao cao tổ, cho đến thủy tổ. Ở dưới thì có con dưới con có cháu hoặc tôn, dưới cháu có chắt hoặc tàng tôn, dưới chắt có chút hoặc huyền tôn còn ở dưới nữa gọi chung là viễn tôn. Tự cao tổ đến viễn tôn là cửu tộc. Đồng hạng với mình là anh chị em ruột. Anh em trai của cha mình là bác chú hoặc bá phụ và thúc phụ. Chị em gái của cha là cô hoặc cô mẫu. Con bác và chú đối với mình là anh em thúc bá hoặc bằng huynh đệ và tòng tỷ muội. Con của họ đối với mình là anh chị em con cô con cậu hay biểu huynh đệ và biểu tỷ muội. Họ ngoại thì gồm có những thân thích theo phụ hệ của mẹ mình. Cha mẹ của mẹ gọi là ông ngoại bà ngoại. Anh em trai của mẹ gọi là cậu, chị em gải của mẹ gọi gì. Anh em chị em con cô con cậu cùng anh chị em con dì đầu gọi là biểu huynh đệ và biểu tỷ muội... cũng y như trung hoa vậy”.
Nhưng có một đặc điểm không giống với Trung Hoa, ta cần phải nói đến: ấy là phép xưng hô.
PHÉP XƯNG HÔ:
A) Khi tự xưng mình không phải bất cứ với người nào cũng dùng tiếng “tôi” cả:
— Với cha mẹ thì xưng là con
— Với chú bác, cô, dì, cậu mợ thì xưng là cháu
— Với anh chị thì xưng là em hay tôi
— Với em trai em gái thì xưng là anh hay tôi
— Với cháu mà mình là chú bác, cậu mợ, cô dì thì xưng là chú bác, cậu mợ hay cô dì.
— Với người ngoài thì tùy theo, để cho người ta hiểu mức quí trọng của mình đối với họ coi họ như bà con trong tộc hệ thì cũng tự xưng mình tùy trường hợp như trên.
— Sơ thì là ông và tôi, bà và tôi, anh chị và tôi.
— Thân và trọng vọng thì là chú bác cô dì đối với cháu, ông bà hay cụ đối với con, anh chị đối với em, các em, đối với anh hay chị, các cháu đối với chú hay cô.
Riêng một tiếng “tôi” để tự xưng mà tùy trường hợp đã biến dạng như thế cho người nghe gặp bất cứ những biến dạng nào cũng vừa nhận ra đó chỉ là tôi, mà còn vừa nhận ra cái việc người đối thoại đã đặt mình vào đúng địa vị trong thân tộc chưa, hoặc nếu mình là người ngoài, thì mình sẽ nhận ra người đối thoại đã coỉ mình ở mức độ nào.
B) Nhưng còn cách tự xưng khi gọi thay cho con nữa lúc mình đã đứng tuổi và đã có vợ con:
— Với cha mẹ, người con thưa ông bà, nhưng xưng con.
— Với ông bà người cháu thưa cụ, nhưng xưng cháu
— Với chú bác cậu mợ, cô dì, người cháu thưa ông bà, nhưng xưng cháu
— Với anh chị em thưa bác nhưng xưng em hay tôi.
— Với các em người anh thưa chú thím nhưng xưng anh hay tôi.
— Với con đẻ và con dâu con rể của mình, người cha gọi anh chị và xưng tôi quan cách thì xưng ta.
— Với các cháu mà mình là chú, thì người chú gọi anh chị và xưng chú hay thím.
— Với các cháu mà mình là bác thì mình gọi em hoặc cô chú và xưng bác.
C) Khi nói về một người khác cũng lại rất uyển chuyển để tùy trường hợp tự xưng mình trực tiếp hay gián tiếp thay con.
— Nói về vợ chồng mình với cha mẹ mình thì thưa thầy đẻ hay thầy mẹ, nhà con... sao đó, hoặc thưa ông bà, nhà con... sao đó, hoặc thưa ông bà, bố cháu hay mẹ cháu... sao đó.
— Nói về vợ chồng mình với chú bác cô dì mình thì thưa ông bà, nhà cháu hay bố cháu mẹ cháu... sao đó.
— Nói về vợ chồng mình với anh chị thì thưa anh chị, nhà em, nhà tôi, hay thưa các bác, nhà em nhà tôi... sao đó.
— Nói về vợ chồng mình với các em thì gọi cô chú cậu mợ, anh hay chị... sao đó.
— Nói về vợ chồng mình với các cháu mà mình là chú bác thì gọi anh hay chị, bác trai hay bác gái... sao đó.
— Nói về vợ chồng mình với các cháu mà mình là hàng ông chú, bà bác, thì gọi các cháu hoặc nếu đã lớn thì anh chị, ông bà cháu... sao đó.
D) Nói về con mình với người ngang hàng mình hay trên mình đều phải chỉ là cháu, thưa ông bà, cậu mợ, cụ..., cháu...sao đó.
— Nói về con mình với người dưới mình thì gọi anh chị và chỉ con là em: mấy khi anh chị đến chơi, em vừa đi vắng.
E) Nói về cha mẹ mình với người ngang hàng thì thưa chú bác, ông tôi hay bà tôi... sao đó
— Nói về cha mẹ mình với người trên mình thì thưa ông bà, ông con hay bà con hoặc ông cháu, bà cháu... sao đó.
— Nói về cha mẹ mình với người dưới mình thì gọi anh hay chị vào thăm ông hay bà… sao đó.
Tuyệt đối không được dùng tiếng “ông ấy” “bà ấy” vì là khinh miệt và lại tự tỏ ra vô lễ bất hiếu.
F) Khi nói về, anh chị em mình cũng vậy, tuyệt đối không dùng tiếng “anh ấy chị ấy” “cô ấy chú ấy” vì nó đuểnh đoảng thiếu thân tình và thiếu lễ độ. Khi đã dùng tiếng ấy là đã có chuyện giận dỗi nhau cãi cọ nhau rồi.
Xem qua cách xưng hô phức tạp đến như thế, cùng với các cách nhận định rạch ròi tinh tế đến như thế, ta đủ thấy giá trị của nền văn minh Việt Nam.
Đây là phép lịch sự để người ta biểu lộ những thân tình họ hàng trong lễ nghĩa.
Nếu ta lại xem sự để tang của những người trong họ, theo Thọ Mai gia lễ, thì lại càng thấy tình họ hàng thiêng liêng lắm, mà cái họ chín thế hệ người cho rằng có sa sẩy đi, và cho rằng có người không con bù với người đông con, thì ít ra một họ cũng đông tới vài trăm người.
Vài trăm người ấy, họ giỗ tết, ma chay, cưới xin khao vọng, khi vui khi buồn có nhau, trong một ngôi nhà thờ chung ở trong làng, ta thấy cái tình đoàn kết nó keo sơn đến bực nào.