Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Trương
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ước và núi bao vi khu Nàm Cồ hiện ra ngoài cái tưởng tượng của con người ta. Ngoắt một rừng cây, con mắt khách bộ hành liền đập ngay vào dãy núi xanh biếc, vây quanh một bể nước mênh mông như những cái thành chậu khổng lồ. Nước trắng xóa một màu; ở giữa cái khu trắng xóa ấy, lại nhô lên một hòn núi nhỏ làm cho bất cứ ai, đã nếm cái thi vị phồn hoa, đến đây cũng phải thốt ra một lời ước:
- Giá có một cái nhà ở kia.
Rồi thì liền đó tưởng tượng làm việc. người ta hình dung ngay thấy một con thuyền bơi ra, bơi vô; người ta bỗng thấy mình lâng lâng như đã rũ sạch được hết bụi trần.
Những thác nước ngoằn ngoèo đổ bất tuyệt ở chung quanh, làm bốc lên những đám mù trắng xóa, lửng lơ bay như một cái gì huyền ảo, và đem lại cho cái rộng vô biên một điệu nhạc thiêng liêng nó gợi lên trong lòng người biết bao âm hưởng. Đám mây, vòm trời mà khi ở rừng cây, người ta nhìn chẳng có một cái gì đẹp thì nay đến đây, chúng phụ họa vào với nước, với núi, bỗng lộng lẫy và hùng vĩ lạ thường.
Trong óc khách tha hương, vụt nổi lên một cảm tưởng là nước, núi, trời, mây, không thể bao giờ xa được nhau; xa nhau thì chẳng còn thứ nào có nghĩa. Cái nọ nhận màu của cái kia, cái kia biến tính để trội lên vì cái nọ. Núi hình tượng một cái gì oai hùng, nước một cái gì mềm dẻo, mây một cái gì mơ màng, vòm trời một cái gì phiếu diễu. Tất cả ngần ấy thứ gợi lên ở trong thần trí ta một cái gì cao cả, rồi đổ dồn vào thành một khung cảnh: khung cảnh hữu tình.
Khánh Ngọc thoạt trông thấy reo ngay lên:
- Thật là một phong cảnh Thụy Sĩ, nhưng chỉ thiếu có tuyết. Trời ơi, đẹp vô ngần là đẹp!
Ông Nam Long thấy con vui vẻ, mỉm cười:
- Trông thì cũng rất vui, nhưng giá ba có phép gì đem dời cả khu này về cách Hà Nội ba cây số thì mỗi năm ba sẽ có thể thu lợi được chừng mười vạn đồng. Lúc ấy có lẽ ba trông còn đẹp hơn bây giờ.
- Ba kỳ quá, cái đẹp đâu có phải là thứ dùng để sinh lợi. Cái óc kinh doanh của ba...
-... Chỉ nhìn thấy cái đẹp ở chỗ nào mà có thể biến được ra những thứ đem cất vào tủ sắt.
- Nếu ba có cái phép đảo hải di sơn ấy, con cũng không cho ba làm.
- Thì thôi.
- Ừ, ba phải chiều con thế chứ. À François, anh lấy máy ảnh chụp đi. Tôi đứng ở rìa nước, anh đứng ra tận xa kia thì vừa chụp được cả tôi và cả phong cảnh.
Chụp xong, Khánh Ngọc hỏi Trọng Khang:
- Đã sắp đến Sủi-ón-lừng chưa hở ông?
- Còn độ ba bốn cây nữa. Nhưng không ở gần đường cái. Từ đường cái vào đấy độ hơn một cây.
- Thế thì ta đi trước, để lúc xem xong, đoàn người ngựa đến thì vừa.
- Không thể được. Từ đây đã bắt đầu vào con đường nguy hiểm. Chúng ta tải bao nhiêu là bạc. Nếu vì ham vui chơi mà nhỡ công việc...
- Ồ, có bao nhiêu là lính dõng, bao nhiêu là người mà. Ông cứ đưa tôi đi.
Trọng Khang nhìn ông Nam Long.
- Tôi tưởng đoạn đường này cũng chưa nguy hiểm lắm, có thì từ Khẩu Chẩn trở đi. Ông có thể đưa cháu đi. Tôi với François ở đây là được rồi.
Trọng Khang và Khánh Ngọc thúc ngựa vượt lên. Ông Nam Long nhìn theo con gái với một cảm giác khoan khoái, nhưng Giáp thì thấy có một cái gì nó làm cho se lòng lại; chàng thấy mình không làm vui cho Khánh Ngọc bằng Trọng Khang.
Tuy rằng đôi bên đã đính ước, và ông Nam Long đã hứa sau khi làm xong công việc này trở về, sẽ cho làm lễ cưới, nhưng Giáp cũng cảm thấy mơ hồ, thấy như người sắp gặp phải một tai nạn gì.
Rồi tự nhiên ở đâu, một cái buồn không căn, không cớ đột nhập lòng chàng. Chàng muốn nói với ông Nam Long để xin phóng ngựa đi theo, lấy cớ là để chụp ảnh cho Khánh Ngọc, nhưng chàng chưa kịp nói, thì ông Nam Long đã rút ở túi ra một quyển sổ, rồi cùng chàng bàn tính về công việc.
- Con ngựa của ông chạy nhanh quá.
- Thế có cho ngựa cô đi trước, tôi cho ngựa cô theo.
Đi gần đến con đường rẽ sang Khấu Chẩn, một dãy núi cao vút đã đột ngột hiện ra ở trước mặt. Trọng Khang đưa Khánh Ngọc xuống một con đường rẽ.
Tiếng gầm như thiên binh vạn mã.
- Ồ quái! Nước gầm ở đâu mà tôi không nhìn thấy?
- Cô xuống quá dưới này, rồi sẽ trông thấy.
Hai người đi chừng năm trăm thước đến một ngọn núi, Khánh Ngọc nhìn xuống bỗng rú lên:
- Nước chảy mạnh đến thế cơ à? Nước ở đâu đổ về mà nhiều thế? Nếu người mà lăn xuống đây thì chắc bị cuốn phăng rồi va phải đá, chết ngay lập tức.
- Cô đã hiểu thế nào là nước chảy như thác chưa? Dãy núi này chạy dài không biết bao nhiêu trăm cây số; cái suối kẹp ở chân hai dãy núi kia cũng dài không biết tới đâu mà kể. Đã có một hôm, tôi lần theo con suối này, đi suốt một ngày, nhưng tới chiều, đến ngọn núi đỏ kia, nhìn về vẫn thấy ngọn núi này, tôi đành chịu không đi nữa. Một ngày đi như thế, ra mới được chừng mười cây số. Cô thử tưởng tượng trong một con đường dài như thế, có bao nhiêu thác nước đổ xuống. Một phút kể có hàng bao nhiêu vạn thước vuông. - Nhưng nước ở đâu ra mà nhiều thế?
- Ta ở ngọn núi thấp này không biết, chứ ở những ngọn núi cao mây phủ kia, mưa suốt ngày đêm ấy.
- Thế đây gọi là Sủi-ón-lừng à?
- Không. Tôi đưa cô đến đây để cô được trông thấy nước nhiều đến thế nào. Rồi chốc nữa, lại đằng kia, cô mới hình tượng được rõ tất cả cái lạ lùng, bí mật của Sủi-ón-lửng.
Hai con ngựa sóng cương xuống núi, ngoắt về phía bên trái, dõi theo một dòng suối nhỏ, nước chảy mạnh đến nỗi lúc nào cũng sủi ngầu lên. Đi quanh co một lúc đến một khoảng đất bằng, con suối biến vào trong đất mất. Nước ở đấy lúc nào cũng bắn tóe lên, tiếng reo vang trời.
- A, a, bây giờ tôi mới hiểu tại sao mà người ta gọi là Long ẩm thủy. Cái miệng nó chỉ nhỏ bằng cái nong thế kia, mà sao nó uống được hết nhỉ?
Trọng Khang buộc ngựa của mình vào một bụi cây gần đấy. Con ngựa trông thấy hồ nước réo, sợ hãi, cứ muốn giật ra để chạy. Trọng Khang quất cho một roi, nó mới chịu đứng im.
Chàng buộc ngựa xong, lại đỡ cho Khánh Ngọc xuống. Chung quanh miệng rộng có những phiến đá nhô lên như những cái mặt bàn. Trọng Khang lấy mùi soa phủi một hòn đá mời Khánh Ngọc ngồi. Nàng ngồi trằm ngâm nhìn một lát rồi vụt hỏi:
- Tất cả cái nước này nó tiêu đi đâu nhỉ?
- Nó tiêu đi đâu thì không ai biết cả, nhưng có một điều là nó không trả lại những thứ người ta đã ném xuống. Kìa, cô trông, nước xoáy mạnh đến hõm xuống như một cái phễu thế kia cơ mà. Có một điều thần tình là nếu ném một hòn đá nhỏ cho chúng trúng vào cái xoáy ốc ở giữa kia, thì thế nào hòn đá cũng nảy lên khỏi mặt nước một lần, rồi mới rơi xuống chìm nghỉm. Và nếu là hòn đá bẹt thì có khi nó bật qua khỏi mặt nước lên đến trên đất.
- Sức nước mạnh biết chừng nào, ông nhỉ.
- Thì cô tính ngần kia nước xô vào có một chỗ nhỏ như thế, cô xem đá xanh còn mòn đi, nhẫn bóng như thế kia.
- Nếu chung quanh không là đá thì chắc sức nước đã làm cho lở xuống ầm ầm.
- Hẳn thế.
Trọng Khang nhặt mấy viên đá đưa cho Khánh Ngọc.
Nàng cầm ném xuống thì y như lời Trọng Khang; hòn đá nào cũng nảy lên một lần, rồi mới lại rơi xuống. Nhiều hòn mỏng nảy lên đến hai ba lượt.
Ném hết đá, Khánh Ngọc nhìn khắp chung quanh rồi hỏi:
- À lúc nãy, ông nói đến những án mạng khủng khiếp, thế nào? Ông kể cho tôi nghe.
- Đi lên trên đường kia rồi tôi sẽ nói.
Miệng nói chân quay đi, toan lại dắt ngựa thì Khánh Ngọc đã nắm áo kéo lại:
- Không, ông kể ở đây. Mắt nhìn mà tai nghe thì mới thú. Chứ lên trên kia mất cả cái không khí rùng rợn đi rồi, câu chuyện của ông vì thế mà kém ý nhị đi chăng.
- Từ khi có cái hầm nước này, tính ra kể đã có bao nhiêu người chết rồi. Có khi bọn giặc cỏ bắt cả một làng ném xuống đây. Bao nhiêu vụ thủ oán đã xảy ra ở chỗ này. Muốn giết ai, chỉ việc ném xuống, ấy thế là mất tích. Biết bao nhiêu gia đinh, có người nhà bỗng dưng biến mất, cứ nhớ ngày đi, đem xôi gà đến đây làm giỗ. Biết bao nhiêu trai gái thất vọng cùng trói tay nhau nhảy xuống đây. Kể ra thì nhiều chuyện thê thảm lắm. Nhưng có độc một chuyện là não nùng ai oán hơn cả, bởi vì nó là một chuyện tình, mà hai người lại là hai người trẻ đẹp. Kìa cô trông, đống lá lù lù ở dưới chân núi kia là một người con gái đấy.
- Thế còn mộ người con trai?
Trọng Khang trỏ tay xuống mặt nước đang sủi bọt:
- Dưới này.
- Tại sao họ không cùng chết một chỗ?
- Nếu thế thì nó đã không bi đát. Người con gái ấy, tục truyền là con một ông tù trưởng vùng đây, tên gọi nàng Mười. Người ta nói nàng đẹp như chúa Ngàn, và tài thêu thùa của nàng thì nội vùng đây không có ai hơn. Nàng đã đính hôn với con một ông tù trưởng khác ở Xi-ma-kai tên là chàng Tư. Hai bên cùng trẻ đẹp, nên yêu nhau một cách tha thiết. Không một buổi chiều nào, chàng Tư không từ Xi-ma-kai cưỡi ngựa về dạo qanh thung lũng nàng ở, rồi thổi khen inh ỏi...
- Khen là cái gì?
- Một thứ kèn nghe nó cũng chẳng có gì là du dương. Nhưng một khi con người ta đã yêu nhau... Nàng Mười cứ cơm chiều xong, là ra ngồi dưới gió... để đón lấy những... nỗi lòng của người yêu nhờ ngọn gió đưa lại. Vì mấy năm mất mùa luôn, nên hai bên chưa kịp lấy nhau thì một hôm nàng Mười đi chợ gặp một tên tướng giặc ở miền Pha Long. Sắc đẹp của nàng làm cho tên tướng giặc say mê. Y cho người đến hỏi, cha mẹ nàng không bằng lòng. Biết để dây dưa thì sanh chuyện, hai nhà bàn nhau cho cưới ngay, chẳng lấy một chút sính lễ. Hôm cưới, đùng đùng giặc cỏ kéo về đầy ngàn san dã, vây kín chung quanh. Chàng Tư một ngựa, một dao xông ra đánh, nhưng vì ít không địch được nhiều, nên bị thương, rồi bị bắt. Bọn giặc xông vào trói gô tất cả hai họ lại. Tên tướng giặc hứa với nàng Mười nếu bằng lòng lấy y thì y tha chết cho cả hai họ và cả chàng Tư nữa. Nhưng đã yêu, khi nào nàng bằng lòng. Ấy thế là tên tướng giặc đem buộc chàng Tư vào một cái cần, cho khiêng tới đây. Y đóng cái cần ở bờ này, nhưng đóng một cách để cho chân chàng Tư vừa chấm đến mặt nước. Y bảo nàng Mười:
- Nếu em không bằng lòng lấy tôi thì tôi cho chặt cần.
Chàng Tư bị thương đã mệt rũ, cũng cố ngóc đầu lên nói với người yêu:
- Thà rằng anh chết, chứ em bằng lòng lấy nó thì anh cũng không sống được đâu. Sống thì phải có nhau mới sống được. Em đừng bằng lòng, thà anh chết!
Nghe người yêu khẩn khoản thế, nàng Mười đời nào bằng lòng:
- Mày giết chồng tao thì tao chết theo. Có thế thôi!
Gặng hỏi mấy lần, nàng đều một niềm trả lời như thế, tên tướng giặc hạ lệnh cho chặt gốc cần, nhưng chỉ chặt có một nhát, cái cần ẻo xuống, chàng Tư bị ngập nước nửa mình, rồi bị sức nước xoay tít đi như chong chóng. Nàng Mười thấy thế sợ hãi cuống cuồng, ú ớ nói không thành tiếng... Chàng Tư, lúc ấy, tuy bị vặn đau như dần, nhưng cũng biết nếu mình không chết ngay đi, thì thế nào người yêu cũng vì mình mà ưng thuật, nên tuy bị xoáy như chong chóng, chàng cứ nói nheo nhéo:
- Thà rằng anh chết! Thà rằng anh chết! Em đừng bằng lòng! Sống thì phải có nhau!
Cô thử tưởng tượng cái thảm kịch lúc ấy: một người thất vọng ở dưới xoáy nước kêu lên, một người khắc khoải ở trên bờ nhìn xuống. Chàng Tư vừa nói, vừa tập trung tất cả sức lực còn lại, dún mình lên cao một cái để cố làm cho gẫy cái cần. Mình chàng vừa qua khỏi mặt nước, lại ngã bõm ngay xuống. Lần này thì vì cái cần đã gẫy một nửa, lại bị sức nặng lôi đi, nên nó ngã ngay xuống. Ấy thế là chàng bị chìm nghỉm. Ấy thế là cả chàng cả cái cần bị nước cuốn bật gốc hút phăng đi. Mấy người đứng cạnh sà ra nắm lại, nhưng không kịp!
Khánh Ngọc nghe đến đấy liền òa khóc.
Trọng Khang mỉm cười:
- Cô không muốn nghe nốt chuyện nữa hay sao mà cô khóc?
Cái mỉm cười và câu hỏi ấy làm cho Khánh Ngọc tức giận:
- Không! Tôi không muốn nghe nữa!
Nàng nói xong, đứng phắt dậy, vùng vằng lại tháo cương ngựa, rồi nhảy tót lên, quất cho chạy bay lên phía đường cái. Trọng Khang lặng lẽ trèo lên ngựa, rồi cho đi thủng thẳng theo nàng.
Lên đến đường cái Khánh Ngọc ghìm ngựa lại, đứng đợi Trọng Khang cũng vẫn cứ cho ngựa đi từ từ. Khánh Ngọc hình như còn bực tức cho ngựa quay đi, nhưng được một quãng lại quay lại.
Khi hai người đã gần nhau, vẫn bằng cái mỉm cười ấy Trọng Khang bảo:
- Tôi không ngờ cô dễ xúc động và dễ giận đến như thế?
- Phải, đàn bà chúng tôi thế, chỉ có đàn ông các ông là ghê gớm.
- Chính thế. Đàn ông cần phải ghê gớm. Những người đàn ông nào không ghê gớm chỉ mới đàn ông có một nửa. Người đàn ông nào thật đàn ông thì phải biết dành những xúc cảm ẻo lả cho đàn bà. Ngay bây giờ, nếu cô không bằng lòng tôi thì tôi xin quay đầu ngựa về Pa-kha.
Khánh Ngọc lặng im.
- À, thế nghĩa là cô không bằng lòng tôi?
Khánh Ngọc vẫn lặng im. Trọng Khang quay đầu ngựa. Nhưng chàng mới đi được mươi bước thì Khánh Ngọc đã gọi giật lại:
- Thế ông bỏ tôi một mình ở đây à?
- Đoàn người ngựa cũng sắp đến nơi rồi.
- Ông thật là người vô lễ.
- Ai là người vô lễ trước? Người ta cần phải biết vô lễ với những người vô lễ với mình?
- Thôi... không... mà bây giờ... Ông làm là làm với ba tôi, chứ có phải đâu làm với tôi.
- Dù thế, nhưng một khi cô đã không bằng lòng tôi thì sự làm ăn nó cũng chẳng còn gì là thú nữa. Vả tính tôi không chịu được những cái gì...
- Ông chẳng phải chịu cái gì cả. Thôi, ông đừng nhắc tới nữa, lúc ấy, bộ thần kinh của tôi có rối loạn thật. Tôi xin lỗi ông.
Trọng Khang cúi đầu ngẫm nghĩ một lát:
- Thế bây giờ cô muốn xuống ngựa nghỉ ở đây đợi hay ta đi lại?
- Thôi ngồi nghỉ ở đây.
Trọng Khang buộc ngựa, rồi lại đỡ Khánh Ngọc xuống. Chàng dắt ngựa của nàng lại một bãi cỏ, rồi móc thuốc lá nhồi vào cái "píp". Vừa hút, vừa đứng nhìn ra Sủi-ón-lửng.
Bỗng chàng nghe ở sau lưng có tiếng tách. Chàng quay lại thì đã thấy Khánh Ngọc tươi cười chạy đến.
- Tôi đã chụp đền ông một bức ảnh rồi. Lỗi tại tôi thật. Chốc nữa, ông đừng nói gì với ba tôi và anh François nhé, người ta cười tôi. Lúc đó, lòng tôi thương cảm quá. Thôi, ông bắt tay tôi đi và đừng nghĩ gì đến nữa.
Khánh Ngọc giơ tay. Trọng Khang nắm lấy.
- Ông khí khái mà tôi thì trẻ con.
Trọng Khang cười:
- Một người đã biết mình là trẻ con thì không còn là trẻ con nữa. Thôi, ta lên ngựa. Cụ và ông François đã đến kia rồi.
Trường Đời Trường Đời - Lê Văn Trương Trường Đời