Love appears in moments, how long can I hold a moment, as my moment fades, I yearn to catch sight or sound of you, to feel the surging of my heart erupt into joyous sounds of laughter.

Chris Watson

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 163 / 84
Cập nhật: 2020-06-12 14:03:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 - Ngày Đầu Trúng Số
ai tuần lễ sau…
— Bốn trăm mười tám nghìn, bảy trăm sáu mươi nhăm.
Phúc vừa lẩm bẩm khẽ đọc những con số mà anh đã thuộc lòng tức là số vé của anh, vừa điềm nhiên bóc tờ Đông Phương nhật báo.
Anh rất lấy làm kinh ngạc, khi thấy trên mặt tờ báo mở rộng, tất cả sáu con số ấy, đứng theo cái trật tự ấy, dưới dòng chữ ghê gớm này: Trúng độc đắc mười vạn! Hốt nhiên anh thấy như hoa mắt, như ù tai… Anh tự hỏi: “Có lẽ nào? Có lẽ nào lại thế được? ” Y như một người đứng trước một sự quái gở nó đã xảy ra, khi tưởng rằng chẳng có đời nào nó lại xảy ra được. Tức thì anh đứng lên, đem tờ báo theo định lên gác để lấy trong tủ ra cái vé số của anh, rồi đối chiếu xem mình có nhớ nhầm hay không.
Giữa lúc sắp lên gác, anh gặp vợ anh, nên vội vàng làm cho nét mặt thản nhiên như không. Vợ anh trông thấy tờ báo, liền hỏi không sốt sắng mấy:
— A, có báo rồi đấy hả? Thế có trúng số không? Nghe đâu hôm nay có cuộc xổ số thì phải! Cậu xem xong, tôi mượn một lát nhé! Tôi cũng có mua một vé.
Anh rất mừng, tuy anh không hiểu vì sao, rằng vợ không để ý kỹ đến cái tinh thần khác thường của mình, rồi thản nhiên đáp sau một cái tặc lưỡi.
— Mình thì có đời nào lại trúng số được!
Nói xong, anh thấy hối hận vô cùng. Anh biết rằng mình nói thế có lẽ là phụ cái lòng Giời phù hộ cho mình, vì anh có trúng số thật không, điều ấy chỉ còn đợi đem vé số ra kiểm lại, thì là chắc chắn. Mà anh đã chắc chắn chín phần mười rồi! Nếu có còn nghi hoặc, ấy là ghi hoặc cho phải phép cái hạnh phúc đột ngột mà thôi, chứ xưa nay, thiên kinh vạn quyển cũng vậy, nếu đọc qua là anh nhớ như chôn trong ruột, huống hồ nay chỉ có sáu con chữ số, mà lại là chữ số anh đọc nhẩm luôn mồm những lúc nhàn rỗi hy vọng vẩn vơ nữa! Ấy thế mà anh cũng lo. Anh lo nói phụ thần tài như thế, thì dễ thường những con số ấy nó sẽ thay đổi đi chăng? Tuy biết lo thế là lẩn thẩn, Phúc cũng cứ lo.
Anh mở tủ, mở hộp, tìm vé số mãi mới thấy, chân tay run bắn lên như người bắt đầu hành động một tội ác. Đến lúc thấy sáu con số trên cái vé, ở cả hai khung hai bên, đều đúng với con số trên báo, anh mới dám tin hoàn toàn. Anh nhịn thở để mong trấn tĩnh cái linh hồn của anh lúc ấy nó lao đao xao xuyến như một trận bão, anh nhìn trước nhìn sau, lo sợ có ai nhìn thấy mình chăng, rồi lại anh cất cái tính mệnh của anh vào hộp, bỏ hộp vào tủ, khóa tủ hai vòng. Cuối cùng anh dấu cái chìa khóa tủ vào một chỗ rất kín đáo, dám chắc không ai sờ mó tới.
Thế rồi… anh ngồi đờ mặt ra.
Óc anh lúc ấy rối loạn quá, anh không biết biết nghĩ gì nữa, cũng chẳng biết làm gì nữa. Mà dầu muốn thế nào cũng chẳng được, cả thân thể anh cứ run lên lật bật, tựa hồ như anh vừa giết người vậy.
Bỗng một ý nghĩ đáng kinh hoàng đến với cái trí não rối loạn của anh như một tia nắng lọt vào phòng tối. Hay nhà báo đã in nhầm? Anh lại nhìn vào nhật trình[37] và thấy con số ấy đều to bằng những ngón tay cái, anh mới thật là yên tâm. Tuy nhiên anh cũng định cứ xuống cửa mua một tờ báo khác nữa xem cho kỹ lưỡng. Anh nhớ đến chuyện “thằng ngọng bắt được cái đanh” ngày xưa.
Anh xuống thang bằng những bước rụt rè, chắc chắn, tay nắm vào bao lơn rất chặt chẽ, chỉ sợ ngã chết. Nhớ khi xưa, lên xuống cũng cái thang ấy bằng những bước từng ba bực một, anh lại rợn cả người, rồi tự nhủ, thận trọng thiên kim[38].
— Này mợ, cho tôi xin ba xu.
Thấy trẻ con đang rao báo như rươi, anh ra bậu cửa gọi:
— Đông Pháp! Đông Pháp!
— Có báo rồi, còn mua báo khác làm gì nữa!
— Cứ đưa tiền đây. Có một tin hệ trọng mà không thấy Đông Phương nó đăng gì cả.
Vợ anh cố nhiên là lườm anh, rồi mới đưa ra mấy xu, và giật ngay tờ Đông Phương ở tay anh, hình như có thế mới đỡ thiệt vậy. Mở tờ Đông Pháp, anh cũng lại thấy dòng số quý hóa này: 418765.
Sướng đến hóa điên, bây giờ thì chắc chắn lắm rồi, anh vui vẻ, thổn thức gọi vợ để khoe:
— Này mợ này!
Nhưng vợ anh cứ cúi gầm mặt trên tờ báo trải rộng dưới chiếu, hỏi lại bằng giọng khó chịu:
— Gớm, lại cái gì nữa thế?
Thế là anh tức khắc muốn chém chết ngay con vợ lăng loàn, đồ khốn nạn, đồ vô giáo dục, đồ ngu có mắt cũng như mù ấy! Anh nén giận, quay đi, nghĩ bụng: “Nó chẳng đặng hưởng cái sung sướng của mình tí nào. Và anh lại mừng nữa, cho rằng nếu buột mồm khoe vợ ngay là thất sách lắm.
Anh lại ung dung lên gác, nằm kềnh cái đã. “Mười vạn! Mười vạn tức là một trăm nghìn… một trăm nghìn đồng bạc! Thế đã là nhiều hay chưa? Số người có được món tiền ấy, ở nước ta độ là bao nhiêu, chắc là ít lắm? Anh tự hỏi thế rồi lại giật mình, chỉ sợ số người ấy quả là nhiều lắm.
Phúc ngồi lên, kiếm một mảnh giấy và cái bút chì… “Nào thử tính kỹ xem nào! Cứ cho là mỗi cái nhà, cả lớn lẫn nhỏ đổ đồng là năm nghìn bạc một… mười vạn tức là con số một và năm con số không, chia ra với dòng số một năm và ba con số không. Xem được bao nhiêu nào?… Hai mươi… Có lẽ nào? Hai trăm chứ? Ồ không, hai mươi thôi, phải chỉ đúng hai mươi thôi!
Anh thở dài, thất vọng một cách rất thành thực. Thế này là nghĩa lý gì? Mười vạn thì tậu được hai chục nóc nhà là cùng chứ đếch gì? Mà khi người ta có hai chục nóc nhà thì đã đáng gì gọi là giàu? Bất quá cái nhà tậu năm nghìn thì cho thuê mỗi tháng chỉ ba chục bạc chứ bao nhiêu? Vậy chỉ thu mỗi cái một năm ba trăm sáu, và tổng cộng cả hai chục cái cho thuê thì được bảy trăm nghìn hai chứ bao nhiêu! Chết chửa, thì ra thiên hạ nó ngu nó nhân bần khí đoản[39] thật đấy! Cả cơ nghiệp có mười vạn, mỗi năm niên bổng là bảy nghìn hai, thế thôi, thiên hạ nó đã cho là giàu to rồi. Đấy mà xem rồi chúng nó sẽ kêu la ầm lên, nếu mình không đem cái của hoạch phát ấy mà vứt bớt đi, thí hồ thí cháo cho chúng! Thì chúng sẽ dài mồm ra mà chửi mình là ích kỷ, là đểu, là chó! Chỉ chúng nó đi vay, đi xin, mới là người!
Phúc giận lắm. Anh rất lấy làm căm tức những sự ấy, dẫu là hãy còn vào lúc mới lo những sự ấy sẽ xẩy ra mà thôi. Anh cho rằng dẫu là trúng số đi nữa, dẫu là không phải vì bồ hôi nước mắt mà tự nhiên được hưởng mười vạn đi nữa, thì thiên hạ cũng không có quyền được nói gì vào đấy. Anh trúng số, thế là lòng giời muốn cho anh giàu là anh rất đáng hưởng phú quý hơn nhiều người khác, chỉ có thế thôi.
Anh lại nằm dài ra, để tay lên trán nghĩ ngợi, lo sợ… “Chứ lại gì! Ông đây, ông mà lại không đáng sung sướng hơn chúng mày à? Ông, ông chưa hề làm một điều gì là tội ác, là ác. Còn chúng mày, sở dĩ mà giàu, là vì tham lam, lường gạt, ăn cắp, bất nhân! Chúng mày có bất nhân chúng mày mới giàu! Vậy thì đừng có tưởng ông trúng số là chó ngáp phải ruồi, mà là không xứng đáng! Trái lại, về nhân phẩm, về học thức, có đứa chúng mày chỉ đáng xách dép cho ông thôi, ấy là chưa kể từ lúc ông còn hàn vi nữa! Vả lại, hai chục nóc nhà khốn nạn, có thể gọi được là giàu? Gọi là giàu thì phải thế nào kia chứ, thì phải bằng ba đời con cháu phá của cũng chẳng hết, thì phải có những gì khả dĩ gọi là phú gia địch quốc mới được chứ? Ta mà đã là giàu? Giàu giàu giàu giàu…?”
Anh bĩu mồm vì nhớ rằng chính anh đã mục kích một vài người xưa kia đã có vài chục nóc nhà, mà bây giờ cũng lại chỉ là người tự tri, biết phận mình, dẫu mới hai bàn tay không. Anh mừng rằng anh chỉ trúng số mười vạn mà cũng đã hiểu cái gì là lo xa chứ không ngông rởm, vì rằng mườn vạn, thế cũng chưa gọi là có sự gì bảo đảm cho tương lai đâu, nhỡ ra thì lại có thể khổ sở, đói khát lắm được. Thêm nữa, tuy anh sẽ có hai chục nóc nhà, nhưng mà trong thiên hạ cái số nghiệp chủ có vài chục nóc nhà thì lại hằng hà sa số, nhiều lắm, nhiều lắm, và số người giàu hơn thế lại cũng nhiều lắm, cho dẫu là ở xã hội Việt Nam. Như vậy thì anh trông lên cũng chưa bằng ai, và có thể bị nhiều người cậy của bắt nạt anh được lắm, chứ anh chưa phải là trung tâm điểm của vũ trụ đâu! Có mười vạn thế chỉ là thường lắm, xoàng lắm, khổ lắm.
Cuối cùng, muốn được yên trí bằng mình hãy còn nghèo, anh cười nhạt kết luận: “Chứ gì! đến cái lúc nó xuống, thì ốm một trận, hoặc vợ ốm, con chết hoặc tai nạn, hoặc kiện tụng, hoặc buôn thua bán lỗ, hoặc bị lừa, chỉ vài ba cái chẳng ra gì nó xảy đến, thì là tay không lại hoàn tay không ngay cho mà xem! Đừng bặng nhặng vội!
Dẫu rằng những ý kiến của anh lúc ấy toàn là khổ sở, và chán phèo như thế cả, nhưng tự trong thâm tâm, Phúc cũng không chối được rằng mình không vui, không sướng. Anh chỉ nhận ra rằng sở dĩ anh đã nghĩ ra đến thế, là vì anh khôn khoan, thâm trầm, biết nghĩ xa xôi, không rực của không có thói khả ố của bọn giàu lòi khoe của, cậy tiền, lố lăng, nhặng xị, thế mà thôi. Chứ anh có thể yên trí ngay từ bây giờ, rằng anh đã thế này rồi, thì anh sẽ giữ được giàu có mãi mãi, cái lo sợ vu vơ kia chẳng qua là cái nghĩ phòng xa của con người lỗi lạc. Chứ như anh, có khi nào mà lại nghèo khổ được như mọi người! Nếu thế, đã chẳng hoạnh phát đến trúng số độc đắc… ắt hẳn cái số phận anh phải là một thứ số phận quý hóa ghê gớm, ắt là mồ mả tổ tiên kết phát chi đây, hoặc là vì anh bụng dạ cao thượng hơn đời thì là hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân, thế thôi. Người phu lục lộ, giữa lúc anh còn hàn vi, đã dám đoán rằng tướng mạo anh là tướng mạo của người giàu có bạc vạn, như vậy thì hẳn số anh đã giàu thì giàu bền, chẳng còn sợ cái sự hoạnh tán nữa.
Phúc kéo điếu, hút một hơi thuốc lào thật cực kỳ dài. Anh kéo dài quá, nên sặc ho, ho mãi. Anh ôm ngực thấy sợ hãi điều gì, sợ hãi lắm, đã muốn định bỏ ngay thuốc lào từ đấy, kẻo mà ho lao thì chí nguy.
Rồi anh nghĩ đến sự đi lãnh cái vé số ấy. Anh bỗng thấy một mối lo sợ, phân vân. Anh sẽ một mình đi lãnh số tiền mười vạn ấy chăng? Không phải nghĩ ngợ xa xôi gì nữa cũng biết, cái việc ấy thì không thể được rồi. Nếu anh chỉ đi một mình thì người ta sẽ cướp cái vé số của anh, hoặc không phát tiền cho anh, biết đâu! Phải, biết đâu ở cái thời buổi chẳng ra gì này, sự gì mà không có thể xảy ra được? Hoặc dẫu chẳng xảy ra sự khó khăn gì trong việc lĩnh tiền mười vạn, nhưng còn khi đã mang số tiền mười vạn ấy đi ra? Ồ, không! Anh không có thể dại dột thế được! Thế thì ngu ngốc lắm! Những quân kẻ cướp có súng lục ngày nay chẳng thiếu gì. Người ta phải đã hoàn toàn mất trí khôn mới có thể khinh suất như thế được. Vậy thì phải đi lĩnh với ông thân sinh và vợ anh mới xong.
Phúc thở dài vì biết rằng sẽ không thể nào giấu được xã hội và gia đình việc mình trúng số độc đắc. Nếu cố giấu giếm có gì nguy hiểm vào thân… Anh rất tiếc sự ấy, giả dụ anh có thể cứ lĩnh tiền, cứ tậu nhà, cứ hành động mãi trong bóng tối mà không ai biết là anh đã giàu thì còn khoái biết mấy? Nhưng mà … Thôi! Đời bây giờ có cái báo chí rầm rĩ và tọc mạch rồi, đã chẳng giấu được thì thà cứ khoe luôn ngay đi để cho nó ầm ĩ một thể.
Nhưng Phúc lại nghĩ: “Hay là ta cố giấu được ngày nào hay ngày ấy? Dẫu là trong một vài bữa mà thôi? Để xem bụng dạ thiên hạ đối với ta như thế nào?” Nghĩ thế xong, Phúc mới lại chợt nhớ ra rằng chẳng cần bưng bít để thử lòng thiên hạ là chi nữa, thì sự đời xưa nay ra sao, vốn dĩ nó đã đủ rành rành ra đấy!
Thế nào? Anh mà lại vẫn chưa rõ rằng chính vợ anh cũng vẫn nhờn anh, còn bố mẹ anh mà khinh bỉ anh, điều ấy đã cố nhiên? Anh mà lại chưa hiểu rằng anh ruột của anh, ông phán, xưa nay vẫn kính trọng anh gần bằng con chó? Anh mà lại dám tưởng rằng không ai khinh anh xưa nay?
Phúc cười nhạt, cay đắng, thấy mình quả thật là cũng đáng gọi là đồ mất trí khôn. Phải những sự thực xưa nay vẫn đã hiển nhiên, nếu mãi đến nay anh mới biết, ấy là bởi xưa kia anh vẫn mù. Vậy thì chỉ còn cần làm thế nào cho người ta mau mau biết sợ mình là hơn, và sớm phút nào hay phút ấy.
Phúc xuống thang.
Anh ngồi chễm chệ giữa sập, kéo cái điếu khảm vẫn để bầy trên tủ chè khảm xuống để cạnh đầu gối. Anh nghĩ không biết nên báo cái tin mừng dữ dội ấy với bố mẹ như thế nào cho khỏi xảy ra sự gì nguy hiểm: Một tin mừng như thế đủ cho bố mẹ anh sướng đến chết ngất đi. Rồi anh khoái chí lại kéo một mồi thuốc lào.
Ông bố lúc ấy vừa đi ra. Ông vừa thay lồng cho con chim sơn ca xong nên hai tay ông còn ướt át dưới hai cánh tay áo vén lên. Ông nhìn con ông, ngạc nhiên lắm, vì xưa nay, chỗ ấy vốn không phải chỗ ngồi của chính ông nữa, và cái điếu khảm thì là để tiếp những bậc thượng khách. Nhưng con ông hỏi ngay ông thế này:
— Thầy ơi, đẻ con đâu, thầy gọi ra đây đi!
— Có chuyện gì thế?
— Có cái này hay lắm, thầy cứ gọi đi.
Tuy chưa hiểu rõ là chuyện gì, ông cụ cũng đoán chắc hẳn con ông sắp nói chỉ có thể là tin mừng mà thôi. Ông bèn quay sang gọi to:
— Thằng nhỏ, mời cụ ra cậu hai bảo gì ấy nhé!
Rồi ông cụ ngồi ngay xuống một cái ghế kê gần sập thấp hơn sập nữa, không hiểu rằng sẽ có một đại sự, cụ bà bước ra đủng đỉnh như cái chĩnh trôi sông, cụ cũng ngạc nhiên về chỗ ngồi vắt vẻo của con, và cũng im lặng ngồi xuống ghế, y như cụ ông mà thôi. Thấy mãi ông con cũng không nói gì, hai cụ chỉ đành đưa mắt nhìn nhau, chứ vẫn chưa dám hỏi!
Phúc tự nghĩ: “Lạ thật! Sao chưa chi ta đã hưởng ngay sự kính trọng của bố mẹ thế này? Thần Tài có oai đến thế hay sao? Hay là vì miệng ta vừa mới có gang có thép? Đấy, thì nào ta đã kịp nói gì đâu? Lạ thật?” Rồi thì, chỉ vì muốn thí nghiệm, cái thứ oai linh vô hình mà có thế lực vạn năng của kim tiền mới ban cho anh, Phúc lại nói một cách xấc lấc:
— Này thầy, thầy thử trông xem con ngồi chỗ này có xứng đáng không?
Ông bố, mãi đến lúc ấy, cũng chỉ đáp bằng hai con mắt ngơ ngác thôi. Ông cụ già lỗi thời này tuy đã đoán rằng con mình hẳn nhờ một nguyên cớ gì to tát nên mới dám có thái độ và ngôn ngữ khác thường ấy, nhưng ông không hề nghĩ đến sự trúng số, vì ông cũng chẳng biết rằng hôm nay chính là một ngày mở sổ xố. Cũng như đa số các cụ phán cỗ đã hưu trí khác, ông không hiểu nổi một cái tin quốc tế, cho nên chỉ dăm thì mười họa mới ngó đến tờ nhật trình. Vả lại xưa thấy nói trúng số độc đắc toàn là những người Nam Kỳ và Cao Miên, ông cụ tin vững ngay rằng đó là một sự đùa nhả của Nhà nước, bịa đặt ra thế để lừa bịp lũ dân ngu Bắc Kỳ, chứ không dễ ai lại trúng được số mười vạn cả, mặc dầu ông cụ vẫn là viên chức trung thành lắm.
Thấy mình có lẽ đã quá đáng lắm, Phúc bèn đi dần đến sự tuyên bố việc trúng số của mình.
— Người ta vẫn bảo: Làm quan có giọng, làm dáng có hình, vậy thì thầy đẻ trông con liệu chừng có dáng hưởng sự giàu sang hay không?
Bà mẹ không chịu nổi nữa, nói mát:
— Đúng lắm, con ạ, con sắp to nhất nhà rồi!
Vừa đến lúc đã toan đứng lên, mà thấy mẹ nói thế Phúc lại cứ ngồi nguyên chỗ cũ và tiếp:
— Vâng, đẻ nói thế thì đúng lắm.
Phát cáu, ông bố đứng ngay lên, sừng sộ:
— Cái gì? Hở? Mày to nhất nhà đấy à?
Phúc điềm nhiên hỏi:
— Có phải thế không? Đối với bố mẹ thời bây giờ, và đối với cái luân lý của xã hội kim thời, thì đứa nào kiếm ra nhiều tiền hơn cả, ấy là nó to nhất nhà.
Ông bố hỏi một cách phẫn uất:
— Ừ, cho dẫu có thế đi nữa, thì như mày, mày đã làm những mà bảo là “kiếm ra nhiều tiền hơn cả”? Ừ, thế mày đã nuôi được bố mẹ mày bữa nào chưa, hay xưa nay vẫn báo hại cơm cha áo mẹ mãi? Mấy hôm thấy ông đơ mặt không thèm nói, mày lại làm già à? Ông sẽ đánh dập xác mày ra bây giờ đấy!
Phúc mỉm cười:
— Vâng! Vẫn biết từ trước đến nay, con chỉ ăn hại bố mẹ mà thôi. Con biết thế là con bất hiếu lắm, tuy rằng là con, mà ăn của bố mẹ, khi bố mẹ vẫn có đủ cho ăn, thì cũng thế gian thường tình lắm. Nhưng mà thầy đẻ đừng lo nữa; Từ hôm nay mà đi, thì con sẽ là đại hiếu chi tử, có thể hiến thầy đẻ một cuộc dưỡng lão rất an nhàn, ô tô, nhà lầu, đủ các thứ. Đẻ sẽ tha hồ đánh tổ tôm, thầy có thể lấy vợ lẽ bao nhiêu cũng được.
Đến đây, ông bố không dám nói gì nữa. Còn bà mẹ, có lẽ tưởng rằng nhà mình đã đến lúc đổ đốn, hoặc con bà trong những khi đi lang thang các phố xá, đã trót phóng uế vào gốc cây đa, cây đề nào đó chăng, nên đã bị “các ngài hành” để bây giờ về nhà hóa điên hóa dại như thế, cho nên bà lo sợ vô cùng và thất thanh hỏi:
— Phúc ơi, con … con có làm sao không?
Ông bố cũng run sợ hỏi:
— Mày nói thật hay nói đùa thế, hử Phúc?
Phúc cười, bỏ sập đứng lên:
— Chết nỗi! Con lại dám nói đùa như thế à?
Ông bố và bà mẹ lại càng không tin, chỉ biết đưa mắt lo sợ nhìn nhau thôi. Phúc giơ tay lên dõng dạc:
— Con xin nói để thầy đẻ biết rằng nhà ta hôm nay gặp đại phúc, nghĩa là con trúng số!
Bố mẹ anh đều thở dài, nhưng mà là cái thở dài sung sướng của người lúc trước vẫn nhịn thở vì kinh hãi.
Rồi cả hai cùng hỏi:
— Thế à! Vậy trúng số bao nhiêu?
— Cũng chả mấy! Trúng cái số độc đắc, nghĩa là mười vạn.
Sự xúc động mạnh đến nỗi ông bố và bà mẹ cứ ngẩn cả người ra, hình như vẫn còn chưa tin, dẫu rằng hai cụ đã hết sức vững lòng tin. Và có lẽ vì đã hối hận về những cách cư xử với đứa con thứ mà xưa nay các cụ cũng vẫn cho là hết hy vọng, gàn dở, vô tích sự, ăn hại ấy, cho nên cả hai cụ đều mắc cỡ, đương ở cảnh không biết liệu ăn làm sao, nói làm sao bây giờ. Hai cụ cứ lúng túng nhìn nhau mãi. Riêng về phần Phúc, anh mừng rằng anh đã thành công trong sự khôn khéo báo cái tin mừng vô cùng nguy hiểm mà không đến nỗi làm cho bố mẹ sung sướng đến chết ngất.
Muốn ngăn cho cái phản động lực của sự báo hỉ khỏi phương hại đến cái khang cường của bố mẹ già yếu, anh đã dùng đến cách bá đạo, là báo tin mừng sau những lời bất chính mỉa mai. Anh vẫn không nhận rằng ở sự nói năng vừa rồi, dẫu sao, cũng là vẫn có chút tính chất báo thù bố mẹ.
Hồi lâu, ông bố mới gượng ngịu ấp úng:
— Thật là không còn cái gì đáng mừng hơn cho nhà này! Quả vậy, cái đại phúc của gia đình nhà ta bây giờ mà có là do ở lòng giời ân thưởng riêng cho con mà nên. Thật thế, xưa nay vốn con hiền lành, ngoan ngoãn biết thương bố mẹ, không lêu lổng chơi bời như phần đông thiếu niên, chỉ chăm chỉ học hành, sách vở, tưởng chừng không đi làm, không kinh doanh như thế, thì chẳng bao giờ đủ ăn được, thế mà rồi cũng lại giàu! Giời, Phật không cho, có khi nào lại thế được? Đấy, có phải hiếu thảo thì chẳng khi nào lại bị hoàng thiên phụ lòng hay không?
Bà mẹ được khuyến khích, cũng hưởng ứng:
— Chứ gì nữa, còn thằng phán anh mày, thì có họa là đến chết cũng không khá được. Gớm, rõ thật là đủ trăm nghìn tật xấu, bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ, làm nên mà như thế, thà cứ ngu si cho xong! Đeo cái danh ông phán to bao nhiêu, bố mẹ càng giả nợ đẫy bấy nhiêu, càng khổ bấy nhiêu… Ấy, may mà có anh gỡ lại không thì thật nhà này đổ đốn. Xưa nay là tôi vẫn biết lắm chứ! Tôi vẫn thường nói: “Thằng hai nhà ta đấy ạ? Nó chỉ phải cái chẳng may không có việc gì làm đấy thôi… Chứ nó tốt, bụng dạ nó hiếu thảo, rồi nó phải khá.
Nhưng cụ ông chẳng bằng lòng những lời lẽ hình như có ý buộc tội mình. Cụ bèn hạch lại:
— Bà nói lẩn thẩn thế mà bà nghe được đấy!
Đương cao hứng bỗng bị cắt dứt như thế, bà cụ đờ người ra, miệng tròn như chữ o. Ông cụ chẳng để phải hỏi, tức khắc hằn học tiếp:
— Bà lại đi bà nói: Xưa nay là tôi vẫn biết lắm chứ! Bà làm như chỉ có một mình bà biết!
Vốn xưa nay vẫn biết cái quyền của vị hiền phụ chính danh là không bao giờ lại chịu để cho chồng cãi lại bất cứ điều gì, lại sợ chồng đổ lỗi cho mình thì chết, bà cụ nổi xung ngay lên:
— Ừ đấy nói thế thì sao? Lại không đúng ư? Chứ lại chả một mình tôi biết mà thôi ư.
Cũng chẳng kém, lại cũng rất sợ đổ lỗi cho mình, cụ ông cũng đáo để ứng chiến:
— Bà cứ việc nói đi, buộc tội tôi đi đổ vấy cho người khác đi. Bà ấy à? Con quý, con hiếu tử của bà, chỉ có thằng phán, vì nó là ông phán cho nên bà yêu nó một cách hằn học như chó ghẻ giữ con, như là con riêng của bà! Ấy, quả thật nói không thí ngọn đèn tắt, đã có quỷ thần hai vai chứng giám, chứ tôi vẫn phải van lạy bà để khuyên răn bà rằng: Không nên đứa yêu đứa ghét thế, vì con nào chả là con! Bà cứ hỏi ngay bà xem có phải tôi vẫn nói thế không?
Bà mẹ nhọn mồm lên mà rằng:
— Ừ, ừ. Rõ điêu khẩu chưa! Phải, tôi chả ghét bỏ thằng Phúc thì còn ai ghét bỏ nữa! Cho nên khi tôi bảo ông lo ba chục cho thằng Phúc nó chạy việc, thì ông gân cổ lên, ông sỉ nhục mẹ con tôi, nhất định để số tiền ấy cho thằng phán nhà ông giả nợ tây đen[40] kia. Thôi thôi, không phải bới chuyện, không phải thêu dệt, không phải ăn không nói có!
Thấy trong nhà có tiếng to, vợ Phúc hớt hải chạy vào, thì vừa gặp lúc ai cũng nén giận, lặng im.
Trông thấy tấn hài kịch ấy lại sắp có thêm một vai trò chính bây giờ đây này, Phúc cười nhạt, và đến lúc đã thấy cái cần phải can bố mẹ đi kẻo bị vợ mình khinh cho:
— Thôi, thầy đẻ nên nhịn nhau đi, con nhờ. Dẫu sao thì đó cũng là chuyện cũ, chẳng hay hớm gì mà còn nhắc đến. Dẫu thầy hay đẻ xưa kia có ghét bỏ con thật đi nữa, thì đã làm sao? Hay là thầy đẻ xưa nay vẫn thương yêu con thật đi nữa, thì có gì là lạ đâu mà phải kể?
Đến đấy thôi, Phúc ngừng, anh ta đã muốn nói nốt cho gãy nghĩa, nhưng bỗng một ác ý nảy ra trong óc anh làm cho anh thôi đi. Vừa muốn an tâm bố mẹ xong, anh bỗng lại thấy cái hứng thú muốn làm cho bố mẹ sợ hãi anh hơn nữa. Anh chua chát nghĩ thầm rồi nói cả những ý nghĩ ấy:
— Vả lại, xưa kia dẫu con có bất hiếu, bất mục, đáng ghét, đáng từ đi nữa, thì bây giờ cũng thôi. Khi đứa con trúng số mười vạn cố nhiên là bất thình lình cả bố lẫn mẹ nó cũng đều thấy nó biến hình ra là đại quý tử. Vậy thì nói làm quái gì!
Ông bố cãi:
— Tự nhiên bà ấy lại gây sự!
Bà mẹ cãi nghe còn có lý hơn nữa:
— Ông ấy nói vô lý lắm, không ai chịu được.
Phúc nói nghiến cả bố lẫn mẹ bằng cách bảo người vợ vừa chạy vào đứng đấy:
— Này cô ả! Tôi đây, tôi vừa trúng số độc đắc đấy, là đã có trong tay mười vạn bạc rồi đây, vậy cô có khinh bỉ tôi hay thương yêu tôi thì nói lại đi!
Đáng lẽ đáp, vợ anh chỉ ngơ ngác mãi, trong năm phút, để rồi hỏi lại:
— Ô! Thật thế đấy à?
Ông bố mắng ngay nàng dâu:
— Sao mà ngu thế? Người ta nói đùa đấy à? Thế mà cũng đòi biết chữ, cũng đòi đọc báo!
— Nào nhà con có cho con xem vé số đâu!
Cụ phán ông khoanh tay đi đi, lại lại, hốt nhiên tự thấy mình là can hệ[41]. Cụ nghĩ ngợi một lúc rồi giơ một ngón tay lên, ra lệnh cho tất cả:
— Bí mật! Bí mật! Nghe ra chưa? Nhất là gia nhân đầy tớ, cấm kỵ cho chúng biết được! Chí kỳ bao giờ đi lĩnh tiền về xong đâu đấy thì thôi!
Không ngờ mà cụ phán bà, vào lúc này, lại có cái thông minh rất đàn ông, có lẽ chỉ vì vụ thích phản đối cụ ông mà thôi:
— Việc gì phải lĩnh tiền về! Mười vạn bạc, thì phải gửi nhà băng, chứ tủ đâu mà đựng!
Cụ phán ông bĩu môi:
— Có mười vạn bạc mà lại sợ không có tủ mà đựng!
— Nhưng mà để tiền ở nhà làm gì? Để gọi cướp nó đến nó giết à? Sao mà ông xuẩn đến thế?
Phúc xua tay:
— Thôi, hãy cãi nhau ít chứ! Bí mật gì mà lại có thứ bí mật ầm ĩ thế nữa! Để tôi lên lấy vé cho cả nhà xem đây.
Phúc lên gác lấy vé, và lúc xuống thang, anh vô ý để cho một chiếc guốc lăn xuống các bậc gỗ kêu lạch cạnh. Cả ba người ở dưới cùng vội thất thanh:
— Chết nỗi! Có hề gì không!
Anh nhớ ngay: mấy hôm trước, tưởng gẫy chân mà chẳng thấy ai hỏi han gì cả. Bây giờ, anh cười thầm…
Rồi bố anh, vợ anh đều nhìn vào vé số, lại nhìn vào danh sách trên báo. Cả bà mẹ, tuy chẳng biết một chữ nào, cũng châu đầu vào, len lách xem. Rồi ông cụ nói khẽ một cách hơi to rằng:
— Phải đóng cửa hàng ngay mới được!
Thấy không ai nói gì, cụ thêm:
— Và có lẽ nên thuê lính cảnh sát canh nhà cho nữa!
Ý kiến bị ba người trong gia đình cho là quá đáng, vì mỗi người lần lượt phê bình như thế này:
— Thưa thầy, con tưởng chẳng nên để lộ quá đến thế!
— Ông này nông nổi lắm mà lại tưởng mình khôn!
— Thuê đội sếp gác nhà, quá đáng, thiên hạ cười cho.
Cụ phán ông gân cổ lên hăng hái thuyết lý:
— Tôi nhất định thế đấy, ai không nghe cũng mặc! Tôi chỉ cần nghĩ đến cái tính mệnh của con tôi mà thôi, còn nông nổi hay thiên hạ đàm tiếu gì, âu là tôi cũng xin vâng! Chứ tại gì? Mà sao lại sợ lộ quá! Thà lộ hẳn cho ai cũng biết, chả hơn kia mà chưa chắc kín hẳn, mà lại nguy hiểm à? Vả lại… giấu mãi sao được thiên hạ!
Sau một hồi nghĩ ngợi, Phúc cũng gật gù.
— Thầy nói có lẽ phải đó! Việc giữ cái vé số ấy cho đến lúc lĩnh được tiền, hoặc là chuyển tiền sang Nhà băng, lại hệ trọng hơn cả việc giữ tiền nữa, nếu mình muốn đem tiền về nhà, có phải thế không? Nhất là việc làm cho từ thiên hạ đến Nhà nước công nhận rằng mình trúng số lại hệ trọng hơn, vì về sau, khi ai cũng biết rõ cái tin ấy rồi, thì chẳng có sự gì phải lo lắm.
Sung sướng như một nịnh thần được bạo chúa nghe theo một ý kiến, cụ phán ông chẳng kịp kìm cương được sự lễ phép nó tốc hành ra ngôn ngữ:
— Vậy! Tôi nói thế là chí lý lắm, vậy xin cậu để cho tôi được toàn quyền đi làm ngay mọi việc cần làm nhé!
— Phải lắm, thế hay thầy đi đi cho con.
— Dạ vâng.
— Thầy đi báo ngay sở Cẩm Hàng Trống…
— Nhịa!
— Xong rồi thì là… Thầy đi… thầy đi báo tin luôn cho nhà báo Đông Phương nữa.
— Nhịa!
— Phải đấy, cứ việc cho cả bàn dân thiên hạ biết luôn ngay đi!
Vợ Phúc khẽ thưa:
— Thưa cậu cho phép tôi hỏi, như thế thì có nguy hiểm gì chăng?
Bà mẹ chồng cũng can đảm tán thành nàng dâu:
— Mợ hai lo xa thế kể cũng có lý đấy chứ?
Phúc đáp:
— Không! Chính ra thế tốt, tránh được nhiều điều nguy hiểm.
Cụ phán ông vừa chít khăn, mặc áo, vừa gọi to:
— Thằng nhỏ đâu? Vú già đâu? Chúng bây ra đây!
Khi đầy tớ từ trong bếp chạy ra, cụ truyền:
— Lên cửa! Đóng cửa hàng ngay bây giờ!
Trước bốn con mắt giương to, vì không hiểu, cụ cắt nghĩa một cách hách dịch:
— Sắp có quan Tây lại ngay đây chơi bây giờ, chúng mày hiểu chưa. Đóng cửa xong chúng mày phải ngồi ngoài hàng, cấm không được chúi vào bếp, mà cũng cấm lẻn ra phố nhẩy láo, nghe chưa? Hai đứa đầy tớ sợ hãi đi ra và vô cớ, cũng bị cụ chủ nhà lườm theo, chưa chi chúng đã bị tình nghi có thể là nội công cho quân trộm cướp. Cụ phán lại khẽ dặn cả nhà:
— Phải để ý lắm lắm tới chúng mới được! Nếu thấy có mặt kẻ lạ lảng vảng bên ngoài hay nhấm nháy gì chúng thì phải bảo tôi ngay, để điệu chúng đi Xăng Tan[42].
Không ai kịp nghĩ chín hơn nữa chỉ tán thành sự đề phòng ghê gớm ấy bằng gật đầu và im lặng. Phúc, sau khi ngẫm nghĩ một điều khác, bèn bảo bố:
— Thầy hãy chờ vài phút để tôi viết thơ, rồi thầy đem đến nhà báo cho long trọng.
— Nhịa, vâng!
— Thế còn đến Sở Cẩm, thì thầy báo tin và xin thuê cảnh binh bằng nói miệng thôi.
— Nhịa, vâng. Ngoài ấy tôi quen, ông chánh cẩm là sếp cũ!
Cụ phán bà hỏi chi ly ra để mong khỏi phải sợ đội sếp:
— Nhưng có được không? Viện lý gì để thuê gác được?
Cụ ông tức khắc cự ngay lại:
— Sao mà bà lẩn thẩn thế? Xổ số là do nhà nước mở ra, mình trúng số tức là có bổn phận báo tin cho Nhà nước biết, chứ gì nữa! Nhà nước có thể đến gác nhà mình, một là bảo hộ tính mệnh và tài sản lương dân, hai là để trị an chứ sao? Theo ý tôi ấy ạ, chính mình không xin quan chánh Cẩm cũng phải cho lính đến gác nữa, và chắc là sẽ như thế. Nếu không người ta tự xưng là chính phủ bảo hộ để làm gì?
Không tức vì bị cự nự nữa, cụ phán bà phải im, yên tâm về chỗ không phải sợ đội sếp. Vừa lúc ấy, Phúc cũng đã thảo xong mấy dòng để gửi cho nhật báo Đông Phương. Anh đọc lẩm nhẩm lại lần nữa:
“Kính gửi ông chủ báo!
Tôi Nguyễn Văn Phúc, người vẫn gửi bài giúp cho quý báo, chắc ngài nhớ lắm vì tôi vừa được ngài chửi cho một trận cách đây không lâu. Đó là một lối khuyến khích và trả ơn khá lịch sự. Nay báo tin để ngài biết rằng về kỳ xổ số này, vé trúng độc đắc mười vạn, may sao tôi được hưởng. Vậy xin thông tin ngài biết, vì tôi cho rằng sự này cũng có thể hữu ích cho ngài về việc quý báo thông tin cho quốc dân. Nhân tiện tôi muốn rằng ngài cho đem biên lai đến thu tiền, hạn báo ngài gửi biếu không, tôi không muốn nhận.
Nay kính thư,
Nguyễn Văn Phúc”
— Đấy, thầy đưa cho chúng nó… nghĩa là vứt vào mặt cái thằng nào là thằng chủ nhiệm ấy!
Tuy ngạc nhiên lắm đấy, người bố cũng chỉ gật đầu:
— Nhịa, thế cậu có dặn gì luôn thể nữa không?
Phúc nghĩ không thấy còn gì đáng ra lệnh nữa. Và anh thấy rằng đã đến lúc trị tội người bố không xứng đáng ấy, người bố mà xưa kia anh oán và không dám khinh cũng như không thèm oán nữa? Trông thấy cái thái độ khúm núm ấy, anh lộn ruột, khó chịu cực điểm, có thể vì vậy mà cư xử như với người ngoài:
— Thưa thầy, thầy đi ngay! Và con xin dặn một lần đầu nhưng mà cả lần cuối cùng, rằng từ hôm nay trở đi, thì phải ăn ở thế nào cho bố ra bố con ra con, chứ cái lối dạ dạ vâng vâng ấy, là không thể chịu được.
Chẳng ngờ vì sợi hãi quá, ông bố lại gật đầu.
— Nhịa!
Rồi cụ hấp tấp đi, cố làm ra vất vả, kính cẩn và có lẽ ước thầm đáng tội lập công với con bằng dáng điệu ấy.
Trong nhà lúc ấy còn lại năm người: hai người chủ thỉnh thoảng đưa mắt ra dò xét ý tứ hai đứa đầy tớ, và hai đứa đầy tớ thì thỉnh thoảng - vì chúng chưa hiểu gì cả, cũng lấm lét nhìn trộm chủ! Thành thử, càng có vẻ gian, và càng làm cho chủ phải mỗi phút một nghi chúng thêm. Trong lúc ấy, Phúc trầm ngâm xếp đặt trong trí cái việc hệ trọng là việc đi lĩnh tiền. Chỉ vì anh không hiểu rằng có gửi tiền được ngay ở kho bạc không, hay phải lấy ra rồi đem sang Nhà băng gửi sau hay có thể chỉ nói với Sở kho bạc chuyển hộ chứ mình không phải lĩnh ra để rồi đem gửi sau mới được. Thật thế, anh biết sao được mà lại không bối rối. Trong cả bàn dân thiên hạ có ai lại thạo được cái việc đi lĩnh tiền trúng số độc đắc đâu! Vì vậy, anh chẳng thẹn cho cái kém thông minh của anh chút nào cả.
Còn bà mẹ và cô vợ thì lúc ấy khoanh tay ngồi yên. Chắc hai người lúc ấy cũng chưa được nghĩ tới cái sung sướng hưởng lấy cái phú quý nó thình lình mới đến, vì trên hai cái mặt, đôi bộ lông mày còn nhíu lại để trợ lực cho những nét mặt lo sợ. Có lẽ cả hai đều đương hối hận về thái độ xưa kia của mình đối với Phúc, đứa con ăn hại, thằng chồng gàn… Bây giờ thì cái lối nhỏ ấy trong óc hai người đã trở nên những tội mạn thượng. Nhất là sau khi thấy cụ phán ông bị mắng, người mẹ, người vợ càng hiểu rõ rằng từ nay ắt phải rất thận trọng trong sự thay đổi thái độ, phải làm thế nào cho cái khinh bỉ ngày trước với các quý trọng bây giờ có một cái cầu nó nối liền một cách kín đáo, cũng như mầu xám là cần cho sự dịu dàng của việc dung hợp trắng và đen, ấy thế mới khó, vì nhỡ ra thì có thể chỉ sai một ly mà đi một dặm. Quý trọng, ừ thì quý trọng, nhưng phải ra sao cho khỏi mang tiếng là nịnh thần? Vừa phải thôi ư, thì làm thế nào cho khỏi bị buộc là vẫn khinh nhờn như trước? Đó là sự đàn bà gánh vác khó lắm thay!
Đến đây cô Đức đi chơi đâu về.
Thấy nhà đóng cửa hàng sớm thế cô giật mình, cái mặt trát phấn bự ra mà ta cũng có thể biết rằng nó đã tái xanh đấy.
Thấy mẹ, anh, chị, đều ngồi với nhau, sự ấy, quả thật xưa nay cô chưa từng thấy. Cô sợ hãi hỏi đầy tớ:
— Chết nỗi! Có sự gì xẩy ra thế, nhỏ, u già?
Thằng nhỏ khẽ đáp:
— Dạ, con thấy cụ ông bảo sắp có các quan Tây đến đây, và có lẽ ông đi gọi đội sếp đăng báo đấy ạ.
— Cái gì? Chết! Cái gì thế?
— Con cũng vẫn không biết!
Cô Đức chạy xộc vào thất thanh hỏi:
— Giời ơi! Đẻ ơi, anh ơi, có tai họa gì thế này!
Bà mẹ giẫy nẩy lên, xua tay, xỉa xói:
— Phỉ thui! Vả vào mồm ấy, làm gì mà ngậu lên thế!
Chợt nghĩ rằng mình đã là vợ một người vừa trúng số mười vạn thì đó là một dịp rất tốt để ra oai, báo thù cô em chồng đã có với mình nhiều điều xích mích mà xưa kia mình vẫn phải chịu lép vế, vợ Phúc cong cớn:
— Rõ cái cô này mới đoảng, chỉ ăn càn nói rở!
Phúc cười, lấy tay vẫy em bông lơn:
— Em gái quý của anh ơi, vào đây, không có gì đâu.
— Em không trông thấy thầy đâu, lại thấy đóng cửa hàng sớm thế, em sợ quá đi mất!
— Ừ, thế là ngoan, có hiếu đấy! Nhưng mà… Ngồi xuống đây đã… Có tin vui lắm…
Bà mẹ xua tay:
— Nói khe khẽ chứ!
Phúc nói thầm vào tai em:
— Đây này, nếu có cái gì đáng gọi là tai họa, thì ấy là việc anh trúng số độc đắc đấy!
Không còn sự vui vẻ nào của nhân loại mà lại hiện ra cái mặt cô Đức một cách đầy đủ như thế. Cái nhan sắc của cô bình nhật là phải chăng, thế mà vì sự mừng rỡ trong lòng, lúc ấy trông cô đẹp hẳn, lộng lẫy như một cái động thạch nhũ mà lại bỗng được có ánh sáng hội chợ chiếu tưng bừng. Tuy vậy cô cũng hỏi mẹ:
— Thật thế a, hở đẻ!
Phúc cười và xua tạy:
— À, thôi, nói dối đấy.
— Thật, hay là trúng số độ mười vạn đồng xu đấy?
Bà mẹ gắt:
— Thôi đừng hỏi nữa!
— Giời ơi, thế thì “kẻng”[43] quá đi mất!
Rồi, quay lại với Phúc, cô cười ngây thơ, và điểm xuyết cái vui ấy bằng cách khẽ thụi vào vai người anh mà cô vẫn lần khần xưa nay.
Muốn trêu em, Phúc nghiêm mặt:
— Đừng láo!
Cô em trước thì còn ngạc nhiên, sau thì sợ, sợ quá đi mất.
Phúc trêu già hơn nữa:
— Tao vẫn nhớ cái đứa nào vốn hỗn láo với tao, khinh tao, coi tao gần bằng con chó vì tao gàn dở, ăn hại, vô nghề nghiệp.
Nói thế xong Phúc hả hê lắm, vì lời lẽ ấy, trước là đùa mà sau là thật, duy có khác là đoạn sau nói với em nhưng mà là để cho mẹ nghe. Thành thử, nhân thế mà anh nhớ chuyện cũ, và, vì vậy, mặt anh nghiêm nghị thật chứ không còn là giả vờ nữa. Và sự ấy đẻ ra một cái bất ngờ là: Cô Đức bỗng có cặp thu ba lóng lánh vì nước mắt rơm rớm chạy quanh. Thương tình, Phúc khẽ vỗ vai em, thân yêu:
— Thôi nín đi, ấy là anh nói đùa đấy. Nín đi chóng ngoan, anh yêu chứ anh thù làm gì! Thù ai mà làm gì!
Nói xong, Phúc đưa mắt nhìn trộm mẹ và vợ, và biết rằng lời lẽ ấy mà té ra một giải thoát phúc đức cho hai tấm linh hồn băn khoăn, đau khổ, tha cho người ấy được trút bỏ từ trên vai xuống hàng nghìn tấn trọng lực hối hận, mẹ anh và vợ anh, cả hai vừa khẽ thở dài, mặt mũi đã bắt đầu tươi lên.
Cô Đức khẩn khoản khẽ nói rất đứng đắn:
— Anh, em lạy anh, em biết em có lỗi với anh nhiều lắm, anh thương hại mà tha thứ cho.
— Được rồi, đã bảo là nói đùa mà!
Phúc khoan khoái nghĩ ngợi mãi… Thật là kim tiền quả có thế lực vạn năng! Thật là miệng anh có gang có thép!
Thì mới chiều hôm qua chứ đâu, hai tiếng “đừng láo” mà xưa kia anh đem ra mắng cô em hỗn, trong một phút giận thật là giận, đã bị cô em nhắc lại để chế diễu, làm anh khó chịu đau đớn, trong khi cô em lại được một lúc mua vui không tốn tiền, vì Đức đã đặt tên cho Phúc là “cái anh đừng láo”.
Bây giờ, chỉ đùa mà nhắc lại, Phúc đã làm cho cái người được cười thú nhất phải lo sợ, khổ sở, kinh hoàng, hơn cả anh khi xưa. Đến cả câu “anh thù em làm gì, thù ai làm gì” thì thường lắm, có phải thế không, vậy mà cũng đủ cho mẹ anh và vợ anh quan tâm đặc biệt, khỏi phải lo lắng, được hưởng hạnh phúc. Anh nhớ ngay đến một ý kiến ngông nghêng lúc chỉ mới mơ mộng trúng số - vào bữa đi hát “che tàn” - để mà “cười một tiếng thì hàng vạn người được sung sướng cau mặt một cái thì phải có đứa tự tử…” thì anh lại thấy nó đã thực hiện rành rành, và từ đấy, mới lại định sẽ ghi chép cái giá trị lời nói của anh, gọi là để rồi khảo cứu sự đời cho vui. Gớm thật, ấy là anh, chưa lĩnh mười vạn vào tay, chưa được cho thế nhân mục kích một việc tiêu tiền nào của mình, chưa sinh phúc hoặc gây họa cho ai đó!
Nhưng cô Đức muốn hưởng ngay một cách rất trẻ con vào cái số tiền mười vạn ấy tức khắc. Cô nũng nịu:
— Anh ơi, thế anh phát tài thế mà anh không cho ăn nem đi ư? Bảo nó đi mua về nhé, có phải không chị?
Phúc thờ ơ đáp sau cái cười rộ:
— Ừ, thì anh cho em ăn nem chứ sao, tuy là hiện bây giờ, lúc này, anh hãy còn nghèo, rất nghèo, và mai kia mới thật là giàu.
Ngay lập tức, bà mẹ cởi hào bao lấy ra một đồng bạc, số tiền đối với bà thì có giá trị rất lớn, vì ngoài những sự chi tiết thiết dụng, thì phải có người họ hàng nào chết, bà mới chịu dễ dàng đưa ra để phúng nghĩa là tiêu mà không gắt mắng đầy tớ.
— Này, thì đây, để cho ông anh nuông cô em gái quí!
Bà mẹ dễ dãi, vui vẻ nói thế, duy có vợ Phúc là lãnh đạm, không cau mặt là giỏi! Vì chị ta bắt đầu thấy ở Đức cái khởi điểm của sự cầu lợi, bòn rút, có thể nguy hiểm cho số tiền kếch xù kia.
Đức vồ lấy tờ giấy bạc, gần nhẩy lên mà gọi:
— U già! Vào lấy tráp, liễn, cốc đi mua nem, mau lên! Một chục nem chua, một chục chả nhân cua bể nhé! Lấy nhiều rau, nhiều dấm vào! Mau y như hôm nào ông phán về ấy!
Nghe nhắc đến anh, Phúc kém vui, Anh nghĩ thầm: “À, tí nữa quên nó, cái thằng anh khốn nạn ấy! Được rồi! Rồi mà xem! Ai thì ta không thèm thù hằn chứ cái mã ấy, có lẽ không thù cũng không xong đâu. Được lắm, ta phải trị tội cái đầu óc khốn nạn, cái bụng dạ tiểu nhân, cái tư cách bất hiếu chi tử ấy mới được!”
Bỗng thấy có tiếng máy xe hơi nổ ngoài đường. Một tiếng hầm “két” một cái rồi ba người mặc quần áo tây chững chạc ngấp nghé vào nhà, sau khi một anh đưa cho đứa ở một vật gì đó. Thằng nhỏ đem vào một cái danh thiếp… Thì ra đó là ông chủ nhiệm Trần Học Hải của nhật báo Đông Phương.
Phúc bảo:
— Mày mời các ông ấy cứ vào.
Thấy vậy mẹ, vợ, em đã đứng cả lên.
Phúc xua tay:
— Được, không hề gì, đẻ cứ ngồi, bọn nhà báo mà tôi quen lắm đấy mà.
Vào đến nơi, Trần Học Hải nói hết sức kiểu cách:
— Thưa ngài, tôi xin lỗi ngài đến phiền ngài thế này, và rất cảm tạ ngài vì được ngài tiếp. Nhận được thư của ngài, chúng tôi vội vàng đến ngay. Chẳng nói thì ngài cũng hiểu ngay: vì phận sự thông tin, phải chụp ảnh, và xin phỏng vấn một bài nữa.
Ông ta quay lại, dang tay về hai người đứng sau:
— Dạ, đây là ông Bất Tuyệt, đặc phái viên bản báo và đây người thợ ảnh.
Phúc đứng thẳng người lên bắt tay, cũng không mời họ ngồi vào bộ ghế sa lông.
Anh hất hàm cho đứa ở:
— Mày kéo ghế mời các ông ngồi!
Chờ họ an vị, Phúc mỉm cười hỏi ông chủ báo!
— Hân hạnh lắm, thật là rồng đến nhà tôm. Vì rằng nếu để lấy tin, phỏng vấn hay chụp ảnh, thì hai ông đến cũng đủ rồi, vậy mà chính quý báo chủ nhiệm cũng thân chinh đến, thì tôi còn biết lấy gì mà đáp lại cái thịnh tình ấy.
Trần Học Hải vốn đang mang sẵn vào cả sự ngượng nghịu vì cái thư quỵt tiền tháng trước, lúc ấy cũng chỉ tỏ vẻ ngượng thêm có một tí tẹo nữa thôi, và gượng cười, kính cẩn đáp:
— Dạ, đó là bổn phận chúng tôi mà thôi ạ, vì tin này là hệ trọng lắm lắm.
Thấy người nhà mình ai cũng sợi hãi gì đó, Phúc vội cứu chữa:
— Nhân tiện thì tôi cũng xin giới thiệu các ngài đây là mẹ tôi, đây vợ tôi, và em gái tôi.
— Mẹ cứ ngồi đây, em nữa, cứ tự nhiên, vì ít khi được cái may tiếp kiến các nhà báo, thì bây giờ, nên để ý mà học lấy cái tài ăn nói của các nhà ngôn luận.
Trần Học Hải vội nói ngay:
— Dạ, thế thì may cho chúng tôi lắm! Bẩm xin cụ và các bà cho chúng tôi chụp ảnh đăng báo nhân thể ạ.
— Vâng, nếu có cần cho sự thông tin.
— Dạ, bẩm cần lắm ạ. Để chúng tôi xin chụp riêng ngài một cái, rồi lại chụp cái nữa trong có ngài ngồi với người nhà. Một cái tin, một bài phỏng vấn…
Ông đặc phái viên Bất Tuyệt hấp tấp cũng nói:
— Bẩm, về cái tin này, ngài đã nói cho các báo hàng ngày cũng biết cả rồi hay chưa?
— Tôi mới kịp báo cho Đông Phương thôi.
Bất Tuyệt yêu cầu một cách chẳng khôn khéo mấy:
— Dạ, như vậy thì xin ngài chớ cho biết vội, và nếu vậy, thì là ngài giúp ích cho chúng tôi nhiều lắm
Phúc ngạc nhiên hỏi:
— Sao vậy?
Bất Tuyệt cũng thật thà đáp.
— Vì rằng như thế thì ngày mai chỉ có Đông Phương nhật báo chúng tôi là thông cái tin này trước nhất cho quốc dân.
Ông chủ nhiệm lườm người phái viên trẻ tuổi và ngu ngốc ấy, và vội vàng cứu chữa bằng một cách cắt nghĩa.
— Cái đó cũng tiện cả cho ngài, vì đồng thời họ biết cả một lúc thì họ sẽ xô nhau tới đây lấy tin chụp ảnh, phỏng vấn, ngài sẽ bị phiền nhiễu. Vậy mai ngài hãy cho tất cả các nhật báo khác biết tin là hơn.
— Vâng, thế cũng được.
— Xin ngài ngồi ngay ngắn lên để chụp ảnh.
Vợ Phúc bảo:
— Cậu nên đội cái khăn vào cho đứng đắn.
Cô Đức cũng vui vẻ dặn:
— Anh nên cười cho cái ảnh nó tươi nhé?
Nói rồi cô chạy vào phía trong lấy gương, phấn son, tô điểm lại cái mặt, sửa soạn chụp ảnh, và làm cho người chị dâu cũng phải chạy vào bắt chước em. Hai chị em trang điểm cho nhau, cười rúc ra rúc rích làm cho bà mẹ ngồi ngượng cả mặt.
— Cho tôi tý phấn nữa, mặt tôi trông như mặt bị giời đánh!
— Ấy… ấy chị hãy giữ hộ em chỗ độn khăn này?
Ngồi trước máy ảnh, Phúc điềm nhiên chỉ cứ để nguyên cái áo trắng dài thôi. Khăn anh cũng chẳng buồn đội. Anh như nghĩ đến cái tên “cậu áo trắng dài” mà bọn ma cà bông đặt cho anh. Trước anh ghét cái tên ấy lắm. Bây giờ anh lại lấy nó làm thích nữa. Anh biết rằng lúc ấy anh ngồi tuy là trước một cái máy ảnh nhỏ thật đấy, nhưng mà chính là ngồi cho hàng vạn, hàng triệu người trong thiên hạ họ xem cái bộ mặt “mày ngang mũi dọc” của anh ra sao. Anh nghĩ thầm thế này: “Đừng coi thường cái thằng lạc đạo vong bần[44] chỉ mặc có cái áo trắng dài… ấy thế mà nó là người giầu bạc vạn đấy!” Cho nên lúc người thợ ảnh kêu: “Xin ông đừng động đậy nữa”, thì chẳng những đã không cười như cô em dặn bảo, anh lại hơi cau mày lại một chút, hơi vênh mặt lên một tý nữa, ý chừng muốn nói vào mặt cái thiên hạ sẽ cúi đầu nhìn anh trên tờ báo rằng: “Chúng mày nên bắt đầu liệu hồn đi thì vừa, nếu chúng mày xưa kia đã trót khinh thường ông”!
Mồi thuốc magnésium bén lửa cháy bùng một cái làm cho cả căn nhà sáng lòa một ánh sáng điện quang, nó tắt ngay và để lại một ít khói xanh. Bà mẹ giật mình, ngơ ngác. Vợ và em Phúc cũng chạy ra hỏi:
— Cái gì thế nhỉ? Cháy điện chỗ nào đấy à?
Phúc hổ thẹn mắng át đi:
— Nhà quê thế! Người ta đốt thuốc chụp ảnh mà cũng không biết nữa!
Trần Học Hải lại giục:
— Nào còn hai bà nữa, thế hai bà xong chưa?
Giữa lúc ấy u già bưng nem về.
Người đầy tớ ngu ngốc này toan để xềnh xệch ngay ra cái bàn đấy, và mở luôn cái nắp liễn mùi thơm ngon đưa ra ngào ngạt. Phúc gắt:
— Đem vào trong kia, đi! Sao mà vô ý thế!
Anh đã lại thấy hình như bọn nhà báo có thể đoán biết rằng vì anh trúng số mà nhà anh mới dám mua nem ăn nữa, và nếu thế thật, thì xấu hổ quá đi mất! Tức khắc anh lại chữa ngay:
— Đã có máu đau bụng, tối nào cũng ngốn mãi dấm, có phen thì cũng bỏ đời! Thôi ngồi xuống đi!
Anh ta phải giục vợ và em ngồi chụp ảnh, là vì sợ hai người này nhỡ ra cãi lại việc chỉ trích của anh, nó tuy là bịa đặt nhưng nó chỉ có danh giá thêm mà thôi.
Cố nhiên chị Phúc, cô Đức đã bày lại bàn, ghế, lọ hoa, một cách hý hửng, láu táu… Chụp ảnh đăng báo… Phải biết! Đó là một thứ danh giá ghê gớm kia mà, kể trong đám phụ nữ, chỉ có hai người được hưởng mà thôi! Còn như chụp ảnh đăng báo vì đi ngắm hoa trong các cuộc chợ phiên thì cái ấy xoàng lắm nhé! Vợ và em gái một ông trúng số mười vạn, hỏi còn có kẻ nào dám nhìn mà bĩu mồm?
Khi chụp xong cái ảnh thứ hai, ông chủ nhiệm Đông Phương nhật báo đưa mắt cho đặc phái viên Bất Tuyệt láu táu hỏi:
— Thưa ngài, thế thì ngài dùng số tiền ấy làm gì?
Phúc ngạc nhiên hỏi lại:
— Sao ông lại hỏi lẩn thẩn thế nhỉ?
Ông chủ nhiệm vội đỡ lời cho phái viên:
— À, vì đó chính là phỏng vấn đấy ạ. Chúng tôi cần phải biết có số tiền ngài định bỏ vào những việc xã hội, những việc từ thiện, là bao nhiêu… Còn như về nhân phẩm, học thức, chí hướng của ngài thì không cần hỏi nữa, những bài báo của ngài đủ giới thiệu ngài với quốc dân nhiều lắm.
Phúc giật mình. Anh đã bắt đầu hối hận về những bài báo dại dột của anh, viết trong lúc đáng gọi là “nhàn cư vi bất thiện” mà thôi. Anh bèn đứng lên, dõng dạc:
— Thôi, tôi xin lỗi các ngài nhé! Để mai, kia, các ngài quay lại phỏng vấn cũng chưa muộn gì. Tôi, tôi chưa có một ý kiến nào cả, không thể đáp được.
Ba người kia thở dài nhìn nhau nhưng không dám nài ép gì nữa, đưa mắt ra hiệu cho nhau cùng cáo lui. Phúc tiễn họ ra đến tận cửa, và nói dọa cho họ sợ:
— Có lẽ tôi sẽ dùng cả số tiền mười vạn ấy để làm cái việc bồi bổ và truyền bá quốc văn, nghĩa là lập nhà in, và mở báo!
Lúc quay vào, tức cảnh sinh tình, anh nghêu ngao ngâm một đoạn trong cái bài Thế tục phú của Trần Văn nghĩa đời xưa: “… Khi đắc thế thì đất nặn nên bụt, nghe hơi khá thì xăm xăm chen gót tới, đến ngỡ đàn ruồi!
“Nhỡ sa cơ thì rồng cũng như giun, xem chiều hèn thì thênh thênh vẫy tay ra, nhạt như nước ốc!
“Chẳng biết ăn cây nào rào cây ấy, thấy bở thì đào. Chẳng biết được lòng ta xót lòng người, cứ mềm thì đục.
“Khó giữa chợ nào ai thèm hỏi? Chẳng mua thù bán giận cũng thờ ơ. Giàu trên non lắm kẻ đi tìm, không ép dầu nài thương mà sạo sục…”
Cánh cửa bị đẩy toang ra. Phúc nhìn ra, thấy ông bố đã về, có hai người lính cảnh sát đứng sau lưng, ông cụ quay lại nói gì đó, rồi vào mặt mày hí hửng:
— Không phải thuê! Quan chánh Cẩm phái lại gác đấy, chứ không mất tiền thuê!
Cụ tìm tráp trầu, lấy một miếng nhai bỏm bẻm, rồi đưa cho thằng nhỏ:
— Đem ra mời các ông ấy xơi, rồi đưa cả gói thuốc cho các ông ấy. Xong đâu đấy cài cửa kỹ.
Đoạn cụ kể sự tình ở Sở Cẩm ra sao, những nhân viên hỏi thăm cụ ra sao, quan chánh bắt tay và chúc mừng cụ ra sao, v.v…
Nhưng cô Đức sốt ruột kêu ầm lên:
— Anh ơi anh, ăn nem đi chứ!
Cả nhà ngồi vào bàn, ăn uống chuyện trò rất vui vẻ. Người ta bắt đầu bàn nhau nên bảo anh Phúc dùng số tiền mười vạn ấy ra làm sao. Bà mẹ muốn con tậu nhà tất cả, nhưng ông bố không hoan nghênh ý kiến ấy lắm. Vợ Phúc không nói nửa lời, định lúc nào đi nằm với chồng mới nói nhỏ to. Cô Đức, tuy chỉ muốn xin anh một cái vốn riêng thôi, mà cũng không dám nói, chỉ vì có chị dâu ở đấy. Và cô nịnh anh khéo như thế này:
— Thầy đẻ không nên bàn. Tiền là tiền của anh con, phải để tùy ý anh con, chẳng gì anh con cũng là một người tử tế, đứng đắn, con chắc anh con đã có tiền thì phải biết dùng tiền hơn tất cả mọi người khác.
Phúc vẫn không nói gì. Tự nhiên anh đã có cái vẻ mặt lầm lầm, cái thái độ xứng đáng của các tư bản. Anh ăn qua loa mấy miếng rồi đứng lên. Cả nhà nài ép mãi, anh chỉ lắc đầu, kêu không ngon rồi anh bỏ tấm vé số vào túi, định bụng lên cất trên tủ riêng. Anh lên gác, được vợ lên theo ngay để buông màn, trải chăn cho.
Phúc nằm dài xuống giường.
Nhưng anh biết trước rằng đêm nay, anh sẽ không ngủ được.
Trúng Số Độc Đắc Trúng Số Độc Đắc - Vũ Trọng Phụng Trúng Số Độc Đắc