Nguyên tác: The Cold Moon
Số lần đọc/download: 3331 / 106
Cập nhật: 2021-02-07 13:19:09 +0700
Chương 5
T
hi thể của Teddy Adams đã được đưa đi, cả những thân nhân đau buồn nữa.
Lon Sellitto vừa rời khỏi hiện trường để đến chỗ Rhyme. Hiện trường đã được chính thức giải phóng. Ron Pulaski, Nancy Simpson và Frank Rettig đang dỡ dải băng vàng.
Vẫn đau nhói bởi vẻ hy vọng đến tuyệt vọng của cô cháu gái Adams, Amelia Sachs đi xung quanh hiện trường lần nữa với sự kiên trì thậm chí hơn mức bình thường. Cô kiểm tra các cửa ra vào khác và các lối có thể ra vào, cũng như lộ trình bỏ trốn mà đối tượng có thể đã sử dụng. Nhưng cô không tìm thấy gì thêm. Bao lâu rồi cô chưa gặp một tội ác phức tạp mà lại cung cấp ít chứng cứ như thế này.
Sau khi đóng gói xong các thiết bị, tâm trí Sachs quay sang với vụ Benjamin Creeley và cô gọi cho vợ ông ta, Suzanne, để bảo bà ta là hai người đàn ông đã đột nhập ngôi nhà ở Westchester của họ.
"Tôi không biết việc đó. Cô có biết chúng lấy cắp những gì không?"
Sachs đã gặp người phụ nữ ấy vài lần. Bà ta rất gầy – vì bà ta đi bộ hàng ngày – và có mái tóc bạc cắt ngắn, gương mặt đẹp. "Có vẻ không mất mát nhiều." Cô quyết định không nói tới cậu bé hàng xóm, cô nghĩ cô đã làm cậu ta hoảng sợ mà khai báo thành thật rồi.
Sachs hỏi liệu ai đó đã đốt cái gì trong lò sưởi chăng, và Suzanne trả lời rằng gần đây không ai đến đấy cả.
"Theo cô đã có chuyện gì?"
"Tôi không biết. Nhưng nó khiến việc tự tử xem ra đáng ngờ vực hơn. Ồ, với lại, bà cần có khóa mới cho cái cửa hậu."
"Hôm nay tôi sẽ gọi người lắp… Cảm ơn cô. Nó rất có ý nghĩa khi cô tin tôi. Rằng Ben không tự tử."
Sau cú điện thoại, Sachs điền một tờ đơn đề nghị phân tích chỗ tro, bùn và các chứng cứ khác tại ngôi nhà của gia đình Creeley, đóng gói các chứng cứ này riêng rẽ với các chứng cứ trong vụ Thợ Đồng Hồ. Rồi cô điền những thẻ quản lý vật chứng và giúp đỡ Simpson, Rettig đóng gói các thứ xếp lên chiếc xe thùng. Phải hai người mới cuộn được thanh kim loại nặng vào nilon và xếp lên gọn gàng.
Đúng lúc Sachs vung tay đẩy sập cánh cửa xe lại, cô ngẩng nhìn sang bên kia phố. Cái giá lạnh đã xua hầu hết những người đứng xem đi, nhưng cô chú ý tới một người đàn ông đứng đọc tờ Bưu điện trước một tòa nhà cũ đang được khôi phục lại trên phố Cedar, gần Chase Plaza.
Không bình thường, Sachs tự nhủ. Chả có ai đứng ở góc phố mà đọc báo với thời tiết như thế này. Nếu người ta lo lắng về thị trường chứng khoán hay hiếu kỳ về một thảm họa vừa xảy ra, người ta cũng chỉ giở lướt xem nhanh chóng, xem mình đã mất bao nhiêu tiền hay chiếc xe buýt của nhà thờ đã rơi xuống đến đâu dưới vực rồi tiếp tục bước đi.
Chứ người ta không đứng trên con phố hun hút gió mà đọc những câu chuyện lượm lặt ở Trang Sáu (1).
Sachs không thể quan sát người đàn ông một cách rõ ràng – anh ta bị che khuất bởi tờ báo và một đống đổ nát từ cái công trường xây dựng. Nhưng một thứ đang hiện ra rất rõ: đôi giày cao cổ của anh ta. Chúng có đế khía rãnh làm tăng độ bám, là loại đế hẳn đã để lại những dấu vết đặc biệt mà cô tìm thấy ở đầu con hẻm.
Sachs cân nhắc. Hầu hết các sĩ quan khác đã rời khỏi hiện trường. Simpson và Rettig có vũ khí, tuy nhiên không được huấn luyện về chiến thuật và kẻ bị tình nghi thì đứng bên kia một hàng rào kim loại cao gần một mét dựng lên cho lễ diễu hành sắp tới. Anh ta sẽ dễ dàng trốn thoát nếu cô tiến đến gần từ vị trí hiện tại. Cô phải tiếp cận anh ta một cách khôn khéo.
Sachs bước tới chỗ Pulaski, thì thầm: "Có một kẻ ở đằng sau anh. Tôi muốn nói chuyện với gã. Gã đàn ông đang đọc báo đó".
"Đối tượng à?", Pulaski hỏi.
"Không biết. Có thể. Chúng ta sẽ làm như thế này nhé. Tôi sẽ lên chiếc RRV với nhóm khám nghiệm hiện trường. Họ sẽ thả tôi xuống ở góc phố, phía Đông. Anh có lái được xe số sàn không?"
"Được."
Sachs đưa cho Pulaski chìa khóa chiếc Camaro màu đỏ tươi của cô. "Anh lái xe dọc phố Cedar theo hướng Tây về phía Broadway, chừng mười mấy mét. Phanh gấp, ra khỏi xe, nhảy qua dãy hàng rào, quay lại theo lối này nhé."
"Để lùa gã."
"Phải. Nếu đúng gã này chỉ đứng đấy đọc báo, chúng ta sẽ hỏi han một tí, kiểm tra chứng minh thư, rồi trở về với công việc. Nếu không, tôi nghĩ rằng gã sẽ xoay người và chạy thẳng vào vòng tay tôi. Anh tiến đến đằng sau, yểm trợ cho tôi nhé."
"Đã rõ."
Sachs làm bộ nhìn xung quanh hiện trường lần cuối cùng, rồi trèo lên chiếc RRV to tướng màu nâu. Cô nhoài về phía trước. "Chúng ta có một vấn đề."
Nancy Simpson và Frank Rettig ngoảnh nhìn Sachs. Simpson kéo khóa chiếc áo khoác xuống, đặt bàn tay vào báng khẩu súng lục.
"Không, không cần thế. Tôi sẽ nói với các bạn vấn đề là gì." Sachs giải thích tình hình rồi bảo Simpson, người đang lái xe. "Đi theo hướng Đông nhé. Đến chỗ đèn xanh đỏ thì rẽ trái. Chỉ chạy chậm lại thôi. Tôi sẽ nhảy ra ngoài."
Pulaski trèo lên chiếc Camaro, nổ máy và không kìm được việc dồi ga để phát ra một tiếng kêu eo éo gợi tình từ bộ ống xả Tubi.
Rettig hỏi: "Chị không muốn chúng tôi dừng xe à?".
"Không. Chỉ chạy chậm lại thôi. Tôi muốn kẻ kia chắc chắn là tôi đang đi khỏi."
"Được rồi", Simpson nói. "Tôi sẽ thực hiện đúng như vậy."
Chiếc RRV chạy theo hướng Đông. Qua gương bên thành xe, Sachs trông thấy Pulaski bắt đầu tiến về phía trước – cẩn thận, cô bảo thầm anh, nó là một động cơ quái vật và côn thì chặt như khóa Velcr (2). Nhưng anh đã kiềm chế được con ngựa bất kham đó và cho lăn bánh về phía trước êm ả, theo hướng ngược lại với chiếc xe thùng.
Đến ngã tư phố Cedar và Nassau, chiếc RRV rẽ và Sachs mở cửa xe. "Cứ chạy. Đừng giảm tốc độ."
Simpson giữ cho chiếc xe chạy đều đều một cách điêu luyện. "Chúc may mắn." Nữ cảnh sát khám nghiệm hiện trường nói to.
Sachs nhảy ra ngoài.
Họ! Hơi nhanh hơn chút so với dự định. Sachs loạng choạng nhưng lấy lại được thăng bằng và cảm ơn Cơ quan Vệ sinh đã rắc rất nhiều muối lên mặt đường đóng băng. Cô bắt đầu di chuyển trên vỉa hè, tiến đến đằng sau người đàn ông. Anh ta không trông thấy cô.
Cách một tòa nhà, rồi cách nửa tòa nhà. Sachs kéo khóa áo khoác xuống và nắm chặt khẩu Glock đeo ở thắt lưng. Cách kẻ bị tình nghi khoảng mười lăm mét. Pulaski đột ngộ ngoặt xe vào lề đường, trèo ra và – không để kẻ bị tình nghi chú ý – dễ dàng nhảy phốc qua dãy hàng rào. Họ đã kẹp anh ta giữa một bên là dãy hàng rào và một bên là tòa nhà đang được khôi phục lại.
Một kế hoạch hay.
Trừ một lỗi virus trong hệ thống.
Bên kia đường, từ chỗ Sachs, có hai nhân viên bảo vệ vũ trang, gác phía trước tòa văn phòng HUD (3). Họ đã giúp đỡ việc khám nghiệm hiện trường và một người nhìn thấy Sachs. Anh ta vừa vẫy tay vừa gọi cô: "Thám tử, cô quên gì à?".
Như cứt. Gã đàn ông xoay người và nhìn thấy Sachs.
Hắn ta buông tờ báo, nhảy qua dãy hàng rào, và guồng chân chạy nhanh hết mức có thể xuôi xuống đoạn giữa phố về phía Broadway, va trúng Pulaski ở bên kia. Chàng cảnh sát trẻ cố gắng nhảy lên, tóm được bàn chân hắn ta và ngã mạnh xuống đường. Sachs dừng lại nhưng thấy Pulaski không đau lắm nên tiếp tục đuổi theo kẻ bị tình nghi. Pulaski lăn người đứng dậy, họ cùng đuổi theo hắn ta bấy giờ đã cách họ gần mười mét và càng lúc càng bỏ xa hơn.
Sachs chộp lấy thiết bị thu phát vô tuyến, ấn nút truyền. "Thám tử 5885", cô hổn hển. "Đang chạy đuổi theo một đối tượng của vụ án mạng gần phố Cedar. Đối tượng đang chạy dọc phố Cedar theo hướng Tây, hẵng khoan, giờ theo hướng Nam về phía Broadway. Cần hỗ trợ."
"5885, Roger đây. Đang hướng dẫn cho các đơn vị đến địa điểm của cô."
Một vài cảnh sát tuần tra đi xe có trang bị bộ đàm để liên lạc trả lời rằng họ đang ở gần và sẵn sàng cắt đường trốn thoát của đối tượng.
Khi Sachs và Pulaski chạy tới công viên Battery, gã đàn ông đột ngột dừng lại, loạng choạng. Hắn ta liếc nhìn sang bên tay phải – đường tàu điện ngầm.
Đừng, đừng lên tàu, cô tự nhủ. Có quá nhiều người đứng ngồi san sát nhau.
Đừng lên tàu…
Gã đàn ông lao xuống các bậc thang sau khi ngoái nhìn lại lần nữa.
Sachs dừng chạy, gọi Pulaski: "Bám theo hắn". Một hơi thở sâu. "Nếu hắn bắn, hãy quan sát xung quanh thật cẩn thận. Để hắn thoát chứ đừng bắn nếu có bất kỳ sự nghi ngờ nào."
Với gương mặt lo lắng, chàng cảnh sát trẻ gật đầu. Sachs biết anh chưa bao giờ tham gia vào một cuộc đọ súng. Anh gọi: "Chị ở đâu…"
"Đi nào!" Sachs hét.
Chàng cảnh sát trẻ hít một hơi thở và lại bắt đầu guồng chân. Sachs chạy tới lối vào đường tàu điện ngầm, nhìn Pulaski nhảy xuống cứ ba bậc cầu thang liền. Rồi cô sang bên kia phố, đi túc tắc qua nửa khối phố về phía Nam. Cô rút khẩu súng ngắn, bước đến đằng sau một quầy báo.
Nhẩm đếm ngược… bốn… ba… hai…
Một.
Sachs bước ra, rẽ tới cửa thoát đường tàu điện ngầm, vừa đúng lúc kẻ bị tình nghi chạy lao lên. Cô chĩa súng vào hắn ta. "Không được cử động."
Người qua đường kêu thét và nằm rạp xuống đất. Tuy nhiên, phản ứng của kẻ bị tình nghi chỉ đơn giản là chán ngán, có lẽ bởi mưu mẹo của hắn ta không mang lại tác dụng gì. Sachs đã nghĩ hắn ta hẳn sẽ xuất hiện theo lối này. Cô đã đi đến kết luận rằng sự ngạc nhiên trong mắt hắn ta khi trông thấy tàu điện ngầm chỉ là vờ vịt. Nó nói với cô là hắn ta có lẽ sẽ di chuyển dọc nhà ga – một động tác giả. Hắn thờ ơ giơ tay lên.
"Ngồi bệt, cúi mặt xuống."
"Nào. Tôi…"
"Im!" Sachs quát.
Hắn liếc nhìn khẩu súng ngắn rồi tuân theo. Mệt đứt hơi vì chạy, các khớp rất đau đớn, cô khuỵu một đầu gối xuống giữa lưng hắn ta để cho hắn một cú tát. Hắn nhăn mặt. Sachs chẳng buồn quan tâm. Cô đang giận dữ.
"Họ tóm được một đối tượng. Tại hiện trường."
Lincoln Rhyme và người đàn ông thông báo tin tức thú vị này đang ngồi trong phòng thí nghiệm của anh. Dennis Baker, trạc bốn mươi tuổi, rắn chắc, đẹp trai, một trung úy giám sát bộ phận Các vụ trọng án – bộ phận do Sellitto phụ trách – đã nhận mệnh lệnh từ Tòa Thị chính là ngăn chặn tội ác của Thợ Đồng Hồ lại càng sớm càng tốt. Anh ta là một trong những người "yêu cầu" Sellitto phải đưa được Rhyme và Sellitto tham gia vào cuộc điều tra.
Rhyme nhướn một bên mày. Đối tượng? Bọn tội phạm hay quay lại hiện trường, vì nhiều lý do khác nhau. Và Rhyme phân vân không biết liệu Sachs đã thực sự tóm cổ kẻ sát nhân chưa.
Baker lại quay sang với chiếc điện thoại di động, lắng nghe và gật đầu. Viên trung úy – vẻ bề ngoài giống diễn viên George Clooney đến kỳ lạ – với phẩm chất tập trung và không biết đùa khiến anh ta là một nhà quản lý tuyệt vời trong ngành cảnh sát nhưng là một bạn nhậu nhạt nhẽo.
"Để hợp tác với anh, anh ta là một tay được đấy!" Sellitto nói về Baker như thế ngay trước khi anh ta từ Sở Cảnh sát New York tới.
"Tốt, nhưng liệu anh ta có can thiệp vào việc của tôi?" Rhyme hỏi viên thám tử lôi thôi lếch thếch.
"Chẳng đến mức anh nhận ra đâu."
"Nghĩa là thế nào?"
"Anh ta muốn giắt lưng một chiến thắng lớn và anh ta nghĩ anh có thể đưa tới chiến thắng ấy. Anh ta sẽ giành cho anh tất cả nhân lực vật lực, và tất cả sự ủng hộ, mà anh cần."
Như thế thì tốt, vì họ đang thiếu người. Có một thám tử nữa của Sở Cảnh sát New York hay làm việc với họ, chuyển đến từ miền Nam, Roland Bell. Viên thám tử này có cung cách dễ dàng, rất khác Rhyme, nhưng cũng có bản chất thận trọng không kém. Bell đang đi nghỉ cùng hai con trai tại North Carolina, thăm bạn gái anh ta là một quận trưởng cảnh sát ở đó.
Họ cũng hay làm việc với một nhân viên mật vụ của FBI nổi tiếng về chống khủng bố và các hoạt động đặc tình, Fred Dellray. Những vụ giết người loại này thông thường không thuộc trách nhiệm liên bang nhưng Dellray vẫn hay giúp đỡ Sellitto và Rhyme, cung cấp các nguồn thông tin của FBI mà không phải qua các thủ tục luôn luôn phiền hà. Tuy nhiên FBI đang tối mắt tối mũi với mấy vụ điều tra lừa đảo lớn kiểu công ty Enron. Dellray bị kẹt vào một trong những vụ ấy.
Bởi vậy, sự hiện diện của Baker – chưa kể tới ảnh hưởng của anh ta ở Tòa nhà Lớn – thật là trời cho. Sellitto bấy giờ đã kết thúc cuộc điện thoại và thông báo rằng Sachs đang phỏng vấn kẻ bị tình nghi, nhưng anh ta không hợp tác cho lắm.
Sellitto ngồi bên cạnh Mel Cooper, kỹ thuật viên giám định có vóc dáng mảnh khảnh kiểu một vũ công mà Rhyme nằng nặc được trưng dụng. Cooper phải chịu đựng chính vì sự xuất sắc của mình với tư cách một kỹ thuật viên giám định hiện trường. Rhyme gọi anh ta bất cứ lúc nào để giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong những vụ anh đảm nhận. Sáng hôm ấy, anh ta hơi chần chừ khi Rhyme gọi đến phòng thí nghiệm ở Queens, anh ta giải thích rằng đã có kế hoạch đưa bạn gái và mẹ đi Florida vào dịp cuối tuần.
Câu trả lời của Rhyme là: "Nếu anh mau mau tới đây thì sẽ kịp về đi nghỉ cuối tuần, không thì anh có thể bị gay go to với mẹ và bạn gái anh. Anh nói sao?".
"Tôi sẽ có mặt sau nửa tiếng nữa." Bây giờ thì Cooper đang ngồi bên cạnh chiếc bàn khám nghiệm trong phòng, chờ đợi các chứng cứ. Đeo đôi găng tay cao su, anh ta đút cho Jackson ít bích quy, chú chó nằm cuộn tròn dưới chân anh ta.
Rhyme càu nhàu: "Nếu có chút nhiễm bẩn nào vì lông chó, tôi sẽ không hài lòng đâu."
"Nó dễ thương phết." Cooper vừa nói vừa thay găng.
Nhà hình sự học cáu kỉnh ầm ừ. "Dễ thương" không phải một từ được sử dụng trong từ điển của Lincoln Rhyme.
Điện thoại của Sellitto lại đổ chuông, ông ta nhận cuộc gọi, rồi ngắt máy. "Về nạn nhân ở cầu tàu, lực lượng Tuần tra Bờ biển và các thợ lặn của chúng ta chưa tìm thấy cái xác nào cả. Vẫn đang kiểm tra các báo cáo về người mất tích."
Đúng lúc nhóm Khám nghiệm hiện trường tới và Thom giúp đỡ một sĩ quan mang các chứng cứ mà Sachs thu được từ hiện trường vào.
Về thời gian…
Baker và Cooper lôi vào một thanh kim loại nặng bọc nilon.
Vũ khí kẻ sát nhân sử dụng trong vụ án mạng ở con hẻm.
Người sĩ quan khám nghiệm hiện trường nộp các thẻ quản lý vật chứng để Cooper ký vào. Anh ta chào tạm biệt nhưng Rhyme không nhận ra sự có mặt của anh ta. Nhà hình sự học đang nhìn các chứng cứ. Anh sống vì khoảnh khắc này. Sau tai nạn về tủy sống, niềm đam mê của anh – thực sự là một trạng thái nghiện – đối với môn thể thao một-chọi-một với các đối tượng vẫn tiếp tục chẳng giảm sút, và chứng cứ thu được từ các vụ phạm tội là sân chơi cho môn thể thao này.
Rhyme cảm thấy niềm hân hoan hăm hở về những gì sắp sửa xảy ra.
Và tội lỗi nữa.
Vì trong anh sẽ chẳng ngập tràn tâm trạng phấn chấn này nếu không phải bởi vì sự mất mát của ai đó: nạn nhân trên cầu tàu và Theodore Adams, gia đình và bạn bè họ. Ôi, tất nhiên, anh cảm thấy đồng cảm với nỗi buồn rầu của họ. Nhưng anh có thể gói ý thức về bi kịch lại và cất đâu đấy. Một số người bảo anh lạnh lùng, vô tình và anh cũng nghĩ vậy. Nhưng những ai xuất sắc ở một lĩnh vực nào đấy hay như thế, vì nhiều nét tính cách khác nhau ngẫu nhiên tụ hội trong họ. Trí tuệ sắc sảo cùng tính thiếu kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng của Rhyme ngẫu nhiên trùng với sự xa cách tình cảm, đó là thuộc tính cần thiết của những nhà hình sự học giỏi nhất.
Anh đang nheo mắt, nhìn chằm chằm những chiếc hộp thì Ron Pulaski tới. Rhyme gặp anh lần đầu tiên khi chàng trai trẻ mới vào ngành. Mặc dù một năm trước – và Pulaski là người đàn ông của gia đình, ông bố của hai đứa con – Rhyme vẫn không thể thôi nghĩ về anh như một "tân binh". Một số biệt hiệu bạn không thể lay chuyển được.
Rhyme thông báo: "Tôi biết Amelia đang tạm bắt giữ ai đó nhưng phòng trường hợp đấy không phải là đối tượng, tôi không muốn mất thời gian". Anh quay sang Pulaski. "Cho tôi biết tình hình nào. Hiện trường thứ nhất, cầu tàu."
"Được", Pulaski bắt đầu với vẻ bứt rứt. "Vị trí cầu tàu khoảng chừng ở phố Hai mươi hai trên sông Hudson. Nó nhô ra sông mười sáu mét, cách mặt nước năm mét rưỡi. Kẻ giết người…"
"Nghĩa là họ tìm thấy cái xác rồi?"
"Tôi không nghĩ thế."
"Thế thì anh muốn nói kẻ dường như đã giết người?"
"Phải ạ. Kẻ dường như đã giết người xuất hiện tại đầu phía ngoài sông của cầu tàu, tức là, đầu phía Tây, trong khoảng từ sáu giờ tối hôm qua đến sáu giờ sáng hôm nay. Trong khoảng thời gian này bến tàu đóng."
Chứng cứ quá ít ỏi: chỉ có cái móng tay, chắc hẳn của một người đàn ông, chỗ máu mà Mel Cooper đã thử và xác định là máu người, nhóm AB, tức là cả hai kháng nguyên – protein – A và B đều có trong huyết tương của nạn nhân, và không có cả hai kháng thể chống A, B. Ngoài ra còn có một loại protein khác nữa, Rh. Sự kết hợp của hai kháng nguyên AB và Rh dương tính khiến nạn nhân có nhóm máu hiếm hàng thứ ba, chỉ ở độ 3,5 phần trăm dân số. Các xét nghiệm tiếp theo khẳng định nạn nhân là đàn ông.
Ngoài ra, họ cũng kết luận rằng người này có lẽ đã đứng tuổi và gặp vấn đề về động mạch vành, vì ông ta đang sử dụng một thứ thuốc chống đông máu – một thứ thuốc làm tan những cục máu đông. Không phát hiện được dấu hiệu của việc sử dụng các thứ thuốc khác hay các bệnh nhiễm trùng, bệnh trong máu.
Không có dấu vân tay, dấu chân hay bất cứ dấu vết nào khác tại hiện trường, không có vết bánh xe gần đó trừ các vết bánh xe của nhân viên công ty.
Sachs đã thu lấy một đoạn hàng rào mắt cáo và Cooper xem xét các mép cắt, thấy rằng đối tượng sử dụng một thứ xem chừng là một dụng cụ cắt dây kẽm đúng tiêu chuẩn để cắt dây hàng rào. Nhóm khám nghiệm có thể ghép những vết cắt này với những vết cắt được tạo ra bởi một loại dụng cụ nào đấy nhưng chẳng thể nào lần ngược lại nguồn gốc của thứ dụng cụ ấy chỉ nhờ vào những vết cắt.
Rhyme kiểm tra các bức ảnh chụp hiện trường, đặc biệt hình dáng những vết máu chảy trên cầu tàu. Anh phỏng đoán nạn nhân đã bám ở mép cầu tàu, khoảng ngang ngực, những ngón tay tuyệt vọng bấu chặt khe hở giữa hai tấm ván. Dấu móng tay cho thấy rốt cuộc anh ta đã tuột tay. Rhyme phân vân không biết nạn nhân có thể treo mình được bao lâu.
Anh chậm rãi gật đầu. "Hãy nói về hiện trường tiếp theo."
Pulaski trả lời: "Được ạ, án mạng xảy ra trong một con hẻm ở phố Cedar, gần Broadway. Đây là một con hẻm cụt. Nó rộng 4,6 mét, dài 32,7 mét rải sỏi".
Rhyme nhớ lại là cái xác cách đầu hẻm chừng 4,6 mét.
"Nạn nhân chết lúc mấy giờ?"
"Ít nhất tám tiếng trước khi được phát hiện, theo ý kiến của bác sĩ khám nghiệm. Cái xác đã đóng băng nên phải mất khá lâu mới khẳng định được chắc chắn."
"Amelia nói với tôi về hoạt động giao hàng và các cửa thoát hiểm trong con hẻm. Có ai hỏi xem buổi tối họ đóng cửa lúc mấy giờ không?"
"Ba trong số những tòa nhà đó là cơ sở thương mại. Hai tòa nhà đóng các cửa phục vụ khách hàng lúc tám giờ ba mươi và một tòa nhà đóng lúc mười giờ. Tòa nhà thứ tư là cơ quan của chính quyền bang, đóng cửa lúc sáu giờ. Có chuyến thu rác khuya lúc mười giờ."
"Cái xác được phát hiện lúc nào?"
"Khoảng bảy giờ sáng."
"Được rồi, nạn nhân trong con hẻm đã chết ít nhất tám tiếng, cánh cửa cuối cùng đóng lúc mười giờ và có chuyến thu rác khuya lúc đó. Như thế thì án mạng xảy ra, xem nào, giữa mười giờ mười lăm và mười một giờ đêm. Tình hình các xe đỗ xung quanh đấy?"
"Tôi đã lấy biển đăng ký của tất cả các xe đỗ trong vòng bán kính hai khối phố." Pulaski giơ lên một cuốn sổ to tướng.
"Cái chết tiệt gì thế?"
"Ồ, tôi đã ghi chép về tất cả các xe. Tôi nghĩ nó có thể hữu ích. Anh biết đấy, đại loại là đỗ ở đâu, có đặc điểm nào đáng nghi ngờ không."
"Mất thời gian. Chúng ta chỉ cần những con số đuôi để xác định tên và địa chỉ thôi." Rhyme nói. "Để kiểm tra chéo giữa Cơ quan Quản lý xe gắn máy với Trung tâm thông tin Tội phạm Quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác. Chúng ta quan tâm quái gì là ai phải sửa chữ thân xe, ai có những chiếc lốp mòn hay một cái ống dẫn nước nứt vứt dưới ghế sau chứ… Nào, cậu thực hiện chưa?"
"Gì ạ?"
"Xử lý những con số đuôi ấy?"
"Chưa."
Cooper vào mạng nhưng không tìm thấy ai trong số các chủ xe có đăng ký từng gặp vấn đề với pháp luật. Theo hướng dẫn của Rhyme, anh ta cũng kiểm tra xem có vé phạt nào được phát ra trong khu vực xung quanh thời gian diễn ra án mạng không. Không có vé phạt nào cả.
"Mel, kiểm tra tên nạn nhân. Từng có lệnh bắt giữ không? Có thông tin gì nữa về anh ta không?"
Không có lệnh bắt giữ cấp bang đối với Theodore Adams, và Pulaski thuật lại lời em gái anh ta nói rằng anh ta xem chừng không có kẻ thù hay những vấn đề trong đời sống riêng tư có thể dẫn tới việc bị giết.
"Vậy tại sao lại là những nạn nhân này?", Rhyme đặt câu hỏi. "Những sự lựa chọn ngẫu nhiên chăng?... Tôi biết Dellray đang bận bịu nhưng chuyện này quan trọng. Hãy gọi cho anh ta và đề nghị anh ta kiểm tra họ tên Adams. Thử xem FBI có thông tin gì về anh ta không."
Sellitto gọi cho văn phòng FBI và gặp được Dellray, anh ta đang trong tâm trạng tồi tệ vì "cái bãi lầy phát ngấy lên", tức vụ lừa đảo tài chính mà anh ta phải đảm nhận. Tuy nhiên, anh ta vẫn cố gắng kiểm tra cơ sở dữ liệu của FBI và hồ sơ các vụ án đang thụ lý. Nhưng kết quả là không có thông tin gì về Theodore Adams.
"Thôi được rồi", Rhyme tuyên bố. "Cho tới lúc chúng ta tìm thấy cái gì đó, hãy cứ cho rằng họ là những nạn nhân ngẫu nhiên của một gã tâm thần." Anh nheo mắt nhìn các bức ảnh. "Những cái đồng hồ ở chỗ quái nào nhỉ?"
Một cú gọi tới đội tháo bom cho biết chúng đã được loại bỏ khỏi mọi mối đe dọa về độc tố hóa hay sinh học và đang trên đường đến tay Rhyme.
Số tiền mặt trong chiếc kẹp tiền bằng vàng mỹ ký có vẻ vừa được rút ra từ một máy ATM. Những tờ tiền sạch sẽ nhưng Cooper tìm thấy các dấu vân tay rất rõ ràng trên chiếc kẹp. Bất hạnh thay, khi anh ta cho chúng chạy qua Hệ thống hợp nhất nhận diện dấu vân tay tự động của FBI, chúng chẳng khớp với dấu vân tay nào. Vài dấu vân tay trên số tiền mặt trong túi áo Adams cũng vậy, và căn cứ theo số sê-ri thì những tờ tiền ấy không bị Kho bạc đánh dấu vì khả năng dính dáng đến hoạt động rửa tiền hay các loại tội phạm khác.
"Còn chỗ cát?" Rhyme hỏi.
"Nhận xét chung thì đó là loại cát được sử dụng cho các sân chơi chứ không phải cát công trường. Tôi sẽ kiểm tra những dấu hiệu khác nữa." Cooper nói to, không ngẩng đầu khỏi kính hiển vi.
Và không có cát ở cầu tàu, Rhyme nhớ lại lời Sachs. Bởi, như cô phỏng đoán, đối tượng đã lên kế hoạch quay lại con hẻm chăng? Hay đơn giản bởi ở cầu tàu thì chẳng cần cát, ở đấy những cơn gió bạo liệt từ sông Hudson sẽ quét sạch hiện trường?
"Còn cái máy ép?" Rhyme hỏi.
"Cái gì ạ?"
"Cái thanh kim loại đã ép cổ nạn nhân ấy. Nó có lỗ giống như lỗ kim." Rhyme từng nghiên cứu về các loại vật liệu xây dựng trong thành phố, vì một cách phổ biến để giải quyết xác nạn nhân là vứt vào các công trường. Cooper và Sellitto nâng thanh kim loại – nó nặng ba mươi bảy ki-lô – đặt lên chiếc bàn khám nghiệm. Thanh kim loại dài một trăm tám mươi ba centimét, rộng 2,5 centimét, dày 7,5 centimét, mỗi đầu khoan một cái lỗ. "Loại này phần lớn được sử dụng trong đóng tàu, các thiết bị hạng nặng, cần cẩu, ăng ten, cầu bắc qua sông."
"Nó là thứ vũ khí giết người nặng nhất tôi từng thấy", Cooper nói.
"Nặng hơn cả chiếc Suburban?" Lincoln Rhyme hỏi. Anh luôn luôn đặt sự chính xác lên hàng đầu. Anh muốn ám chỉ vụ người vợ cán ông chồng trăng hoa của mình bằng chiếc SUV rất lớn ngay giữa đại lộ Ba mấy tháng trước.
"Ôi, đó… trái tim dối lừa." Cooper hát với giọng nam cao the thé. Rồi anh ta thử dấu vân tay nhưng không tìm thấy gì. Anh ta thử lần lượt những mảnh kim loại bào ra từ cái ống. "Có lẽ là sắt. Tôi thấy hiện tượng oxy hóa đây này." Một phép thử hóa học kết luận đúng là sắt.
"Không dấu vết nhận diện à?"
"Không."
Rhyme nhăn mặt. "Thật là một vấn đề. Phải có đến năm mươi chỗ có loại thanh sắt này ở khu vực tàu điện ngầm… Hẵng hượm. Amelia nói tới một công trường gần đấy…"
"Ồ", Pulaski đáp. "Tôi đã kiểm tra theo yêu cầu của chị ấy, họ không sử dụng bất cứ loại thanh sắt nào như vậy. Tôi quên chưa nói."
"Cậu quên!" Rhyme lẩm bẩm. "Này, tôi biết thành phố đang tiến hành thi công lớn trên cầu Queensboro. Hãy thử tìm kiếm ở đó xem." Rhyme nói với Pulaski. "Hãy gọi cho đội thi công trên Queensboro và hỏi thăm xem họ có đang sử dụng các thanh kim loại không, nếu có thì có bị mất thanh nào không."
Chàng cảnh sát trẻ gật đầu, rút điện thoại di động.
Cooper xem xét mẫu phân tích cát. "Được rồi, có một thứ ở đây này. Thallium sulfate."
"Là cái gì?" Sellitto hỏi.
"Thuốc diệt chuột." Rhyme trả lời. "Nó bị cấm sử dụng ở Mỹ nhưng thỉnh thoảng anh cũng tìm được trong những cộng đồng người nhập cư hay trong những tòa nhà nơi người nhập cư làm việc. Độ đậm đặc thế nào?"
"Rất cao… và hoàn toàn không có ở mẫu đất đối chứng cũng như ở phần cát còn lại Sachs lấy về. Điều đó nghĩa là nó có khả năng từ một nơi mà đối tượng đã qua lại."
"Có thể hắn đang lên kế hoạch sử dụng nó để giết người." Pulaski nêu ý kiến, trong lúc giữ điện thoại chờ.
Rhyme lắc đầu.
"Ít khả năng. Không dễ dàng gì kiếm được và cần sử dụng liều cao cho người. Nhưng nó có thể dẫn chúng ta tới chỗ hắn. Hãy tìm hiểu xem trong thành phố gần đây có trường hợp tịch thu thuốc độc hay kêu ca gì ở cơ quan môi trường không."
Cooper gọi điện đi các nơi.
"Hãy kiểm tra mẫu băng dính nhựa." Rhyme yêu cầu.
Người kỹ thuật viên xem xét những đoạn băng dính hình chữ nhật xám bóng đã được sử dụng để trói tay chân và bịt mồm nạn nhân. Anh ta thông báo rằng nó thuộc loại thông thường, có bán tại hàng nghìn cửa hiệu thuốc, tạp hóa, vật liệu sửa chữa nhà cửa trên toàn quốc. Việc xét nghiệm chất kết dính hầu như không bộc lộ dấu hiệu nào, trừ vài hạt muối làm tan tuyết, phù hợp với các mẫu Sachs thu xung quanh hiện trường, và chỗ cát Thợ Đồng Hồ đã rải nhằm xóa sạch dấu vết.
Thất vọng vì những đoạn băng dính nhựa không giúp ích thêm được gì, Rhyme quay sang với các bức ảnh Sachs chụp thi thể Adams. Rồi anh cho xe lăn đến gần chiếc bàn khám nghiệm hơn và ngó vào màn hình.
"Hãy nhìn những mép băng dính này."
"Thú vị đấy." Cooper nói, chuyển ánh mắt từ bức ảnh kỹ thuật số sang miếng băng dính thật.
Điều gây ấn tượng mạnh mẽ cho hai người là những đoạn băng dính được cắt một cách cực kỳ chính xác và quấn rất cẩn thận. Thông thường nó chỉ được xé ra khỏi cuộn, đôi khi được kẻ tấn công rút ra bằng răng (hành động này hay để lại nước bọt đầy ADN), và quấn cẩu thả quanh bàn tay, mắt cá chân và mồm nạn nhân. Nhưng những đoạn băng dính của Thợ Đồng Hồ được cắt một cách hoàn hảo bằng một vật sắc. Chiều dài mỗi đoạn y hệt nhau.
Ron Pulaski cúp máy, đoạn thông báo: "Họ không sử dụng loại thanh sắt có khoan lỗ như thế ở công trình đang làm trên cầu".
Được, Rhyme cũng chẳng chờ đợi những câu trả lời dễ dàng.
"Còn sợi dây thừng anh ta giữ?"
Cooper xem xét nó, kiểm tra cơ sở dữ liệu. Anh ta lắc đầu. "Loại thông thường."
Rhyme gật đầu với mấy tấm bảng trắng vẫn trống trơn dựng trong góc phòng thí nghiệm. "Bắt đầu lập các bảng chứng cứ của chúng ta nào. Cậu, Ron, cậu viết đẹp lắm hả?"
"Đẹp vừa phải thôi."
"Chúng ta chẳng cần gì hơn. Hãy viết đi."
Khi giải quyết các vụ án, Rhyme lập bảng về tất cả các chứng cứ họ tìm thấy. Đối với anh, chúng giống như những quả cầu pha lê. Anh sẽ đăm đăm nhìn những từ ngữ, những bức ảnh và sơ đồ, để cố gắng hiểu đối tượng có thể là ai, hắn đang trốn tránh ở chỗ nào, hắn dự định sẽ thực hiện tội ác tiếp theo ở đâu. Đăm đăm nhìn những tấm bảng ghi chép các tang chứng là sự tiếp cận gần nhất của Rhyme đến phép thiền.
"Chúng ta sẽ sử dụng tên hắn làm cái tít, bởi hắn đã quá lịch thiệp cho chúng ta biết hắn muốn được gọi như thế nào."
Trong lúc Pulaski viết những điều Rhyme đọc, Cooper cầm lên cái ống đựng một mẫu vật bé tí có vẻ là đất. Anh ta kiểm tra nó dưới kính hiển vi, bắt đầu ở mức phóng đại bốn lần vật kính (nguyên tắc thứ nhất khi sử dụng các kính quang học là bắt đầu ở mức phóng đại thấp, nếu bạn ngay lập tức để ở mức phóng đại cao cuối cùng bạn sẽ quan sát được những hình ảnh trừu tượng thú vị về mặt mỹ thuật nhưng vô dụng về mặt giám định).
"Trông giống loại đất cơ bản. Tôi sẽ xem trong nó còn có cái gì." Cooper chuẩn bị mẫu để đưa vào máy tách hỗn hợp các chất/quang phổ kế, một dụng cụ lớn tách và xác định các chất trong vật chứng.
Khi đã có kết quả, Cooper nhìn màn hình máy vi tính và thông báo: "Tốt, chúng ta có chút dầu, nitrogen, urea, chloride… và protein. Để tôi chạy bản mô tả sơ lược." Lát sau, các thông tin bổ sung hiện lên kín màn hình máy vi tính. "Protein cá."
"Vậy có thể đối tượng làm việc tại một nhà hàng chuyên phục vụ các món cá." Pulaski hăng hái nói. "Hoặc một quầy bán cá ở Chinatown (4). Hoặc, hượm nào, có thể là bàn tính tiền cá trong một cửa hiệu thực phẩm."
Rhyme hỏi: "Ron này, cậu từng nghe một diễn giả nói 'Trước khi bắt đầu, tôi muốn nói đôi điều' bao giờ chưa?".
"Ừm. Tôi nghĩ là tôi đã từng nghe."
"Như thế là hơi kỳ quặc bởi khi anh ta nói vậy là anh ta đã bắt đầu rồi, đúng không?"
Pulaski nhướn một bên mày.
"Ý tôi là trong việc phân tích các chứng cứ, cậu hành động trước khi cậu bắt đầu."
"Như thế nghĩa là thế nào?"
"Hãy tìm hiểu xem chứng cứ đến từ đâu. Này nhé, Sachs đã thu chỗ đất dính protein cá ấy ở đâu?"
Pulaski nhìn cái nhãn chứng cứ. "Ồ."
"Ồ là ở đâu?"
"Trong túi áo khoác nạn nhân."
"Vậy chứng cứ nói với chúng ta về ai nào?"
"Nạn nhân, không phải đối tượng."
"Chính xác! Sẽ hữu ích chăng khi biết rằng nó nằm trong túi áo khoác anh ta, không phải bên trên túi? Nhưng điểm quan trọng là đừng có quá nhanh nhẹn mù quáng cử quân đến gặp mọi nhà buôn cá của thành phố. Cậu thấy thoải mái với lý thuyết đó chứ, Ron?"
"Thực sự thoải mái."
"Tôi rất hài lòng. Hãy viết mẫu đất mang mùi cá bên dưới mục mô tả sơ lược nạn nhân và chúng ta sẽ thảo luận về nó nhé? Bao giờ thì nhân viên khám nghiệm y tế gửi báo cáo cho chúng ta?"
Cooper trả lời: "Phải mất một chút thời gian. Khoảng thời gian nghỉ lễ Giáng sinh."
Sellitto hát: "Ấy là mùa để giết chóc…"
Pulaski cau mày. Rhyme giải thích cho anh: "Những khoảng thời gian nhiều người chết nhất trong năm là những đợt nóng nực và những dịp nghỉ lễ. Hãy nhớ, Ron, stress không giết người, mà là người giết người, nhưng stress khiến họ hành động như vậy!"
"Có sợi vải ở đây, màu nâu." Cooper thông báo. Anh ta liếc nhìn lời ghi chú đính kèm cái túi. "Đế giày sau của nạn nhân và dây đồng hồ đeo tay."
"Sợi vải loại gì?"
Cooper xem xét kỹ càng những sợi vải và cho chạy qua cơ sở dữ liệu về sợi vải của FBI. "Trông giống như kiểu sử dụng trong ô tô."
"Việc hắn có một chiếc ô tô là hoàn toàn hiểu được, cậu không thể vác một thanh sắt nặng ba mươi bảy ki-lô đi trên tàu điện ngầm. Vậy gã Thợ Đồng Hồ của chúng ta đã đỗ xe phía trước con hẻm và kéo lê nạn nhân đến nơi hắn đặt anh ta nằm. Chúng ta có thể nói gì về chiếc xe?"
Hóa ra chẳng nhiều nhặn lắm. Những sợi vải là từ loại thảm được sử dụng trong hơn bốn mươi mẫu xe con, xe tải và SUV. Về vết bánh xe, phần hẻm đối tượng đỗ xe bị rải muối khiến lốp xe không tiếp xúc hẳn xuống lớp sỏi nên không để lại dấu vết.
"Một số 0 to tướng ở mục phương tiện vận chuyển. Được, hãy xem xét bức thư tình của hắn."
Cooper rút tờ giấy trắng ra khỏi chiếc phong bì nhựa.
Vầng Trăng Lạnh tròn vành vạnh trên bầu trời,
chiếu ánh sáng lên thi thể này dưới mặt đất,
cho biết thời điểm cái chết đến
và kết thúc cuộc hành trình bắt đầu từ khi chào đời.
THỢ ĐỒNG HỒ
"Chính nó à?" Rhyme hỏi.
"Chính nó cái gì ạ?" Pulaski hỏi lại, như thể anh ta vừa lơ đễnh đi đâu.
"Trăng tròn. Rõ ràng rồi. Đúng hôm nay."
Pulaski giở qua tờ Thời báo New York của Rhyme. "Vâng. Trăng tròn."
"Hắn muốn nói gì khi viết hoa từ Trăng Lạnh?", Dennis Baker thắc mắc.
Cooper tìm kiếm trên Internet. "Đây, đó là một tháng trong âm lịch… Chúng ta theo dương lịch, dựa vào mặt trời. Âm lịch đánh dấu thời gian theo từng tuần trăng. Tên các tháng mô tả vòng đời của chúng ta lúc sinh ra tới lúc chết đi. Tên các tháng được đặt theo từng mốc thời gian trong năm. Tháng Trăng Dâu (5) là vào mùa xuân, tháng Trăng Cơm Mới (6) và Trăng Săn Bắt (7) là vào mùa thu. Trăng Lạnh là tháng Mười Hai, tháng của sự ngủ đông và cái chết."
Như Rhyme đã lưu ý lúc trước, những sát thủ liên hệ đến các chủ đề mặt trăng hay thiên văn có xu hướng là những sát thủ giết người hàng loạt. Theo một số tài liệu thì người ta thực tế bị thúc đẩy phạm tội bởi mặt trăng, nhưng Rhyme tin tưởng rằng đó đơn giản vì ảnh hưởng của những gợi ý từ phim ảnh chẳng hạn – ví dụ báo cáo về các trường hợp bắt cóc ngoại kiều tăng lên ngay sau khi tác phẩm 'Những cuộc chạm trán ngang sức ngang tài hạng ba' (8) của Steven Spielberg công chiếu.
"Chạy cái tên Thợ Đồng Hồ qua cơ sở dữ liệu đi, cùng với từ Trăng Lạnh. Ồ, và các tháng âm lịch khác nữa."
Sau mười phút tìm kiếm với Chương trình bắt giữ tội phạm bạo lực của FBI và Trung tâm thông tin tội phạm quốc gia, cũng như cơ sở dữ liệu bang, họ không thu được kết quả gì.
Rhyme yêu cầu Cooper tìm hiểu xuất xứ bài thơ nhưng anh ta chẳng tìm thấy bài thơ nào thậm chí là từa tựa vậy trên hàng chục website thơ. Người kỹ thuật viên còn gọi cho cả một giáo sư văn chương ở Đại học Tổng hợp New York thi thoảng vẫn giúp đỡ họ. Ông ta chưa bao giờ nghe về nó. Và bài thơ hoặc quá ít tiếng tăm nên không xuất hiện trên bất cứ website nào hoặc nhiều khả năng hơn nó là tác phẩm của chính Thợ Đồng Hồ.
Cooper nói: "Về bản thân tờ ghi chú, nó là loại giấy thông thường in ra tù một máy in vi tính. Mực LaserJet Hewlett-Packard, không có gì đặc biệt".
Rhyme lắc đầu, nản lòng vì chẳng nắm được manh mối nào. Nếu thực tế Thợ Đồng Hồ đúng là sát thủ hành động mang tính chất chu kỳ thì ngay bây giờ hắn phải có mặt ở đâu đó, đang kiểm tra – hay thậm chí đang sát hại – nạn nhân tiếp theo của mình.
Một lát sau, Amelia Sellitto tới, cởi bỏ chiếc áo khoác ngắn. Cô được giới thiệu với Dennis Baker, anh ta nói rất vui vì cô tham gia giải quyết vụ án. Sự nổi tiếng của cô đã đi trước cô, viên cảnh sát chưa đeo nhẫn cưới nói thêm, mỉm cười hơi có ý tán tỉnh. Sachs đáp lại bằng cái bắt tay nghề nghiệp, mạnh mẽ. Tất cả là công việc trong ngày của một phụ nữ thuộc lực lượng cảnh sát.
Rhyme thông báo ngắn gọn cho cô những gì họ đã tìm hiểu được từ các chứng cứ.
"Không nhiều!" Sachs lẩm bẩm. "Hắn giỏi đấy."
"Câu chuyện về kẻ bị tình nghi thế nào?", Baker hỏi.
Sachs hất đầu về phía cửa ra vào. "Một phút nữa anh ta sẽ có mặt. Anh ta bỏ chạy khi chúng tôi cố gắng tóm anh ta nhưng tôi không nghĩ anh ta là gã đàn ông của chúng ta. Tôi đã kiểm tra anh ta. Có vợ, làm môi giới chứng khoán, chưa chuyển chỗ làm trong năm năm qua, chưa bao giờ phải nhận lệnh bắt giữ. Tôi thậm chí không nghĩ anh ta vác nổi nó." Cô hất đầu về phía thanh sắt.
Có tiếng gõ cửa.
Đằng sau Sachs, hai sĩ quan mặc đồng phục đưa một người đàn ông trông không vui vẻ gì bị còng tay vào. Ari Cobb trạc ba mươi lăm tuổi, dễ coi theo kiểu một doanh nhân thuộc loại thường thường. Người đàn ông vóc dáng mảnh khảnh mặc chiếc áo khoác đẹp, có lẽ hàng casmia tuy bị vấy những vết giống như bùn quánh ngoài phố, chắc hẳn là do cuộc bắt giữ.
"Câu chuyện thế nào?" Sellitto cộc cằn hỏi Cobb.
"Như tôi đã nói với cô ta." Một cái hất đầu lạnh nhạt về phía Sachs. "Tối qua trong lúc đi bộ đến đường tàu điện ngầm ở phố Cedar tôi đánh rơi tiền. Nó kia kìa." Cobb hất đầu về phía những tờ tiền giấy và cái kẹp tiền. "Sáng nay tôi phát hiện ra chuyện đó và quay lại tìm. Tôi nhìn thấy cảnh sát. Tôi không biết, tôi chỉ không muốn bị liên quan. Tôi làm nghề môi giới chứng khoán. Tôi có các khách hàng rất nhạy cảm với dư luận. Nó có thể ảnh hưởng xấu tới công việc của tôi." Đến lúc ấy người đàn ông xem chừng mới nhìn thấy Rhyme phải ngồi xe lăn. Anh ta chớp mắt một cái, rồi sự sửng sốt qua đi và nét mặt lại phẫn nộ.
Kiểm tra quần áo Cobb thì không thấy có cát mịn, máu hay bất cứ dấu vết nào liên hệ anh ta với những vụ án mạng. Giống như Sachs, Rhyme không tin tưởng rằng đây là Thợ Đồng Hồ, nhưng vì những vụ án mạng đó quá nghiêm trọng anh sẽ phải cẩn thận.
"Hãy lấy dấu vân tay của anh ta", Rhyme yêu cầu.
Cooper thực hiện và xác định được dấu vân tay ở cái kẹp tiền là của Cobb. Kiểm tra theo cơ sở dữ liệu Cơ quan Quản lý xe gắn máy thì Cobb không sở hữu chiếc ô tô nào, và một cú điện thoại gọi tới công ty cung cấp thẻ tín dụng anh ta đang dùng cho biết gần đây anh ta cũng không thuê chiếc ô tô nào bằng thẻ của mình.
"Anh đánh rơi tiền lúc nào?", Sellitto hỏi.
Cobb trình bày rằng tối hôm trước anh ta rời khỏi văn phòng lúc khoảng bảy giờ ba mươi. Anh ta ngồi uống chút ít với các bạn, rồi tạm biệt họ lúc khoảng chín giờ và đi bộ đến đường tàu điện ngầm. Anh ta nhớ đã rút thẻ tàu điện ngầm từ túi áo khoác ra khi đang đi bộ dọc phố Cedar, có lẽ anh ta mất cái kẹp tiền lúc ấy. Anh ta tiếp tục đi đến ga tàu điện ngầm và trở về nhà ở khu Upper East Side, lúc khoảng chín giờ bốn mươi lăm. Vợ anh ta đi công tác nên anh ta đến một quán bar gần đấy ăn tối một mình. Anh ta trở về nhà lúc khoảng mười một giờ.
Sellitto gọi mấy cú điện thoại kiểm tra câu chuyện Cobb kể. Nhân viên bảo vệ ban đêm của văn phòng anh ta khẳng định anh ta rời khỏi văn phòng lúc bảy giờ ba mươi, giấy biên nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng cho biết anh ta đã có mặt tại một quán bar cuối phố Water lúc khoảng chín giờ, và người gác cửa tòa nhà anh ta ở cũng như một người hàng xóm khẳng định anh ta trở về căn hộ đúng thời gian anh ta khai báo. Xem chừng anh ta chẳng thể bắt cóc hai nạn nhân, giết một người trên cầu tàu, và sắp xếp cái chết cho Theodore Adams trong con hẻm, tất cả chỉ từ chín giờ mười lăm đến mười một giờ.
Sellitto nói: "Chúng tôi đây đang điều tra về một tội ác rất nghiêm trọng. Nó xảy ra gần nơi anh đã có mặt tối qua. Anh có chú ý thấy bất cứ điều gì có thể giúp đỡ chúng tôi chăng?".
"Không, không gì cả. Tôi xin thề tôi sẽ giúp đỡ các ông nếu tôi có thể."
"Anh biết đấy, kẻ sát nhân có thể lại chuẩn bị hành động."
"Tôi rất tiếc." Cobb nói, nghe cũng chẳng có vẻ lấy làm tiếc cho lắm. "Nhưng tôi hoảng sợ. Và đó không phải tội ác."
Sellitto liếc nhìn hai cảnh sát canh anh ta.
"Đưa anh ta ra ngoài một lúc."
Sau khi anh ta đi khỏi, Baker lẩm bẩm: "Mất thời gian."
Sachs lắc đầu. "Anh ta biết cái gì đó. Tôi có linh cảm như vậy."
Rhyme chần chừ nơi Sachs khi lời cô động đến những yếu tố mà anh – với chút chiếu cố – vẫn gọi là khía cạnh "con người" của nghề nghiệp cảnh sát: nhân chứng, tâm lý học, và lạy trời, linh cảm.
"Được" Anh nói. "Nhưng chúng ta làm gì với linh cảm của em?"
Tuy nhiên, người đáp không phải Sachs mà là Lon Sellitto. Ông ta nói: "Có một ý kiến đấy." Ông ta mở áo khoác, để lộ chiếc sơ mi nhàu nát không thể tưởng tượng nổi và lục tìm điện thoại di động.
--------------------------------
1 Mục chuyện lượm lặt của tờ Bưu điện New York.
2 Velcro: Một nhãn hiệu của loại khóa hay dùng cho giày thể thao, xăng đan, quần áo… gồm hai bản có độ nhám khác nhau, khi ép lại sẽ dính chặt vào nhau.
3 HUD: (viết tắt của Housing and Urban Development) Cơ quan Phát triển Nhà ở và Đô thị.
4 Chinatown: Khu phố của người Trung Quốc ở New York.
5 Trăng Dâu: Strawberry Moon.
6 Trăng Cơm Mới: Harvest Moon.
7 Trăng Săn Bắt: Hunter Moon.
8 Những cuộc chạm trán ngang sức ngang tài hạng ba: Close Encounters of the Third Kind.