To choose a good book, look in an inquisitor’s prohibited list.

John Aikin

 
 
 
 
 
Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1100 / 16
Cập nhật: 2016-06-21 08:45:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
hững phim chiếu ở rạp ciné phần nhiều là những phim kiếm hiệp Tàu, chẳng hạn như Đốt cháy chùa Hồng Liên, Hiệp nữ báo thù, v.v... Là bởi dạo ấy, ở nước ta, sự ham mê những truyện kiếm hiệp đã thành một phong trào, cái không khí nó bao phủ trên bán đảo hình chữ S này đã một thời nặng trĩu cái phong vị thần tiên, ma quái. Đến nỗi, các nhà văn, nhà báo, sợ rằng những tập giấy in nhem nhuốc bán ba xu có thể đè bẹp hết mọi công cuộc xây dựng về văn hóa, đã phải công kích kiếm hiệp, mạt sát những kẻ đầu cơ mưu lợi bằng kiếm hiệp. Chẳng những các nhà văn nhà báo mà thôi, ngay chính những người hằng ngày vẫn chúi mũi đọc kiếm hiệp cũng đã nói nhiều về cái hại của kiếm hiệp và chế giễu sự ham mê kiếm hiệp. Người ta bàn tán, người ta chê cười để rồi sau người ta vẫn say đắm như thường. Sự trái ngược ấy rất đáng cho ai nấy suy nghĩ: muốn sửa đổi một cái gì, ta trước hết phải tìm đến tận cái lẽ sở dĩ nhiên của nó. Tại sao tất cả đều nhận rằng kiếm hiệp là có hại, và đều chê cười những chỗ vô lý của kiếm hiệp, vậy mà tất cả đều cứ thích kiếm hiệp? Nào có gì khó hiểu đâu! Ấy chỉ vì kiếm hiệp đã làm thỏa mãn một nhu cầu cần thiết của tâm hồn ta.
Thằng người, muốn bảo tồn đời sống riêng của nó, cần phải thừa nhận cái đời sống chung, nghĩa là sự kết hợp thành xã hội. Để cho xã hội thành lập được, thằng người đành hy sinh một phần tự do cá nhân của nó, và sự hy sinh bắt buộc ấy chính là cái khổ thứ nhất mà xã hội đã gây ra cho con người. Ngoài ra, còn bao nhiêu điều trái ý, bao nhiêu sự kiềm thúc, bao nhiêu đè nén, bao nhiêu uất phẫn, nó làm cho cuộc sống chung trở nên một khổ hình. Chính lúc này là lúc thằng người nảy ra cái ý muốn thoát ly: trốn khỏi nhân quần đang bách hại nó đủ đường, trốn khỏi thực tại trong đó nó luôn luôn tự thấy mình bị đè nén, bị ngạt thở, và luôn luôn có cái cảm thức về sự yếu hèn, sự bất lực, rất tổn thương cho lòng tự ái của nó. Nó xa lánh tất cả, nó lẩn vào lòng sự tịch mịch của thiên nhiên để một mình sống thảnh thơi với mình. Nhưng, một khi đứng giữa thiên nhiên, đứng giữa những sức mạnh tàn bạo một cách mù lòa, độc ác một cách xinh đẹp và nhìn thấy cái mông mênh đáng sợ của không gian và của thời gian, thằng người càng nhận rõ sự trơ trọi, sự yếu hèn, sự mong manh của nó. Óc nó đâm băn khoăn, lòng nó đâm hoảng hốt, ngờ vực. Tất cả quanh mình nó chẳng đương đe dọa sự an toàn của nó đấy ư? Thế rồi, do sự phản động của bản năng tự tồn, người bắt đầu mơ tưởng một sức mạnh không bờ bến và những khả năng vượt lên trên tất cả những khả năng nó sẵn có. Trình độ trí thức của nó nếu đã cao, người sẽ thực hành cái mộng tưởng vạn năng vạn thắng của nó bằng nhiều cách, chẳng hạn chế ra phi cơ để bay bổng lên không như chim đại bàng, chế ra thủy đĩnh để giỡn đùa với sóng. Ở chỗ nào trình độ trí thức còn thấp kém, người đành chỉ mơ mộng hão những sự đằng vân giá vũ, và bịa đặt ra những truyện thần tiên quái dị để thỏa mãn bằng tưởng tượng sự cần thiết của tâm hồn đầy khát vọng của nó. Đó chính là cái nguyên nhân nó khiến người ta viết tiểu thuyết hoang đường. Đó cũng là một chứng cớ tỏ ra rằng các tiểu thuyết loại kiếm hiệp chỉ thịnh hành ở các dân tộc trình độ tinh thần còn thấp. Lại nữa: ở ngay các dân tộc này, khách hàng siêng năng của kiếm hiệp cũng chỉ thấy trong đám bình dân vô học, trong đám phụ nữ ngồi không, và trong bọn học trò nhỏ tuổi. Riêng phần tôi, bị ngạt thở trong không khí bế tắc, trầm trọng của gia đình, tôi đâm mê ngay những phim kiếm hiệp. Những giờ ngồi ở rạp chiếu bóng tức thời trở nên những giờ vui thú, say sưa nhất cho tôi. Tôi nhìn phim chưa đủ, tôi còn lén mua các truyện ba xu về đọc. Từ đây, sự ngồi chết gí trong gian gác vắng không còn là một bó buộc, một khổ sở cho tôi nữa. Trái lại, tôi chỉ sợ nếu nghe lời mẹ tôi than thở ái ngại cho tôi, thầy tôi bỗng đổi chính sách, bảo tôi xuống nhà dưới hoặc ra vườn mà đùa nghịch thì thực là một tai hại. Cũng may, không một thay đổi nào đã xảy tới. Và tôi, tôi tha hồ đọc, tha hồ ngấu nghiến hết bộ kiếm hiệp này đến bộ kiếm hiệp kia. Thầy tôi lúc nào cũng thấy tôi gí mũi xuống sách, lấy làm mãn nguyện lắm, không phiền nhiễu gì tôi nữa. Điều ngộ nhận ấy khiến tôi nhơn nhơn đắc ý và mỉm miệng cười thầm; cái thú vị của những chuyện tôi đọc lén lút cũng nhờ vậy mà càng tăng thêm gấp bội. Tôi theo dõi từng cử động nhỏ mọn của cậu Liễu Trì, một vai quan trọng của truyện Đốt cháy chùa Hồng Liên. Cậu ta - cũng như tôi - là con nhà giàu có, sang trọng. Tính cậu ta cũng thích đùa nghịch như tính tôi, và ưa giao du rộng, đánh bạn cả với kẻ nghèo khổ, cả với ăn mày, không phân biệt gì hết. Về sau chính ở trong bọn hành khất - cái này, cậu đã gặp một tay phi thường - Thanh Hư đạo nhân và đã được truyền thụ võ nghệ và pháp thuật. Thực ra tôi mừng cho Liễu Trì đã gặp thầy giỏi thì ít mà cảm phục Liễu Trì về chỗ hào hiệp, quảng đại thì nhiều. Ừ, người ta cớ sao cứ phải bỉ thử lẫn nhau, mà các lý do để làm thế phần nhiều lại không chính đáng! Thầy tôi, chưa từng trực tiếp gần gũi lần nào các thằng bạn của tôi, cớ sao đã bảo chúng phần nhiều là đồ mất dạy. Tại chúng hay đùa nghịch quá chăng? Sự đùa nghịch của trẻ con, như tôi đã phân giải, là một cái gì rất tự nhiên. Hay tại chúng không chăm học và khuyến khích tôi chăm học? Nhưng học để làm gì? Mục đích của sự học có phải chỉ là ngồi xa hẳn cuộc đời để ngốn cho nhiều sách hay, trái lại, chính là lăn xả vào giữa sự sống để nhận xét, để hiểu biết các hiện tượng quanh ta, nó làm cho ta ngày càng thích hợp với sự sống hơn? Tôi còn nhớ một lần chú tôi đã trỏ một đôi vịt và hỏi thầy tôi: "Đố bác biết con nào là con cái, và con nào là con đực?" Thầy tôi chịu. Chú tôi cười ha hả: "Xem thế đủ rõ bác chỉ là cái tủ sách biết đi!". Phải rồi, những người đã hiểu sự học theo cái nghĩa thầy tôi đã hiểu đều chỉ là những cái tủ sách biết đi. À thôi, thầy tôi sở dĩ đã quả quyết rằng các thằng bạn của tôi toàn là đồ mất dạy, có lẽ tại chúng nó là con nhà nghèo, áo quần lam lũ, lại không được cắp sách đến trường như tôi. Có lẽ thế! Tôi chẳng vẫn thấy thiên hạ tỏ ý khinh bỉ những người nào kém đồng loại về đồng tiền phân bạc, tấm áo manh quần, và gọi chung những người không may ấy là phường hạ lưu bần tiện đấy ư! Hạ lưu, bần tiện với mất dạy chắc hẳn là ba danh từ cùng một nghĩa! Khốn nỗi, hơn nhau ở tấm áo manh quần, hơn nhau ở đồng tiền phân bạc, phải đâu đã là hơn nhau thực. Ví dụ như tôi: nếu ngay từ bé, tôi đã rách rưới, đói khát, đã phải đi ở chăn trâu cho người ta vì nỗi cha mẹ tôi nghèo, tôi có phải là đồ mất dạy đáng khinh chăng? Ấy là chưa nói tôi có thể thông minh, ngay thẳng, tài giỏi, chí khí gấp nghìn lần những nhãi ranh khác con nhà giàu, chưa nứt mắt đã quen thói khinh bạc và chửi u già thằng nhỏ như chó ăn vã mắm!
Tôi càng nghĩ càng yêu Liễu Trì và càng muốn học đòi làm như Liễu Trì. Nhờ sức tưởng tượng rất mạnh của tuổi trẻ, tôi nhiều lúc mê man đến nỗi nhầm hẳn tôi với người trong truyện. Những lúc ấy, tôi hiện hoàn toàn trước mắt tôi là một vị thiếu niên hiệp sĩ có sức địch muôn người, có thuật di sơn đảo hải và luôn luôn muốn tuốt gươm trừng trị kẻ gian tà để cứu nguy cho người lương thiện. Giận thay! Tôi chẳng có một mống gian tà nào để chém cho bõ ghét, cũng như chẳng có một thiện nhân nào cầu đến tôi ra tay. Tôi lại chưa từng đánh nhau với một đám đông và chưa từng thử nhảy lên nóc nhà tìm thích khách bao giờ! Thực chán quá! Làm cách nào được nhỉ? Phải làm một cách nào, chứ chân tay tôi đã ngứa ngáy bứt rứt quá. Tôi không sao ngồi yên được nữa... Nhất là những lúc cả nhà vắng vẻ, thầy tôi đi làm còn lâu mới về như lúc này! A, tôi nghĩ ra rồi... Có thế chứ!... Suýt nữa thì quên to!... Người ta, muốn thành một kiếm khách giang hồ, trước hết phải luyện tập võ nghệ cho thực tinh thông đã. Tôi chưa từng luyện tập để thành hiệp sĩ nên chưa một việc phi thường nào xảy đến cho tôi có dịp thi thố tài năng đấy chứ gì!...
Tôi đứng phắt dậy, chạy bổ nhào xuống thang gác. Tôi vào bếp tìm dao rựa và một thanh củi gỗ, đoạn lúi húi tự chế lấy cho tôi một cây gươm, mà tưởng tượng tôi thấy sắc hơn dao cạo. Có gươm rồi, tôi đảo vào phòng mẹ tôi để mượn trộm cái khăn châle, nền xanh lá cây, hoa đỏ, vàng và trắng. Tôi bước nhảng từng ba bậc thang một để lên gác. Tôi quấn cái châle của me tôi lên đầu, tôi xỏ hai bít tất và lồng hai ống quần vào trong cổ bít tất. Tôi đến trước tủ gương. Ồ, thế này thì quả thực là một Liễu Trì thứ hai rồi!
Tôi sướng quá. Tôi cố lấy dáng đứng rõ oai, và thình lình, tôi thét một tiếng, dữ dội đến mức chính tôi cũng phải sởn tóc gáy. Mắt tôi hoa lên, quanh mình tôi, bọn lâu la chực đòi tiền mãi lộ không biết từ gậm giường, xó tủ nào hiện ra đông thế! "Phản tặc, hãy trông bửu kiếm của ta!" - Tôi vừa quát vừa vung tít thanh gươm và xông bừa vào giữa đám giặc. Tôi đánh rất hăng, đường kiếm của tôi tơi bời như mưa tuyết trong khi hai chân tôi cứ nhảy thoăn thoắt từ mặt sàn lên ghế, rồi lại từ ghế sang giường.
Con sen chợt lên, nó cười nhăn nhở:
- Ông mãnh làm gì mà như con khỉ của bọn khách bán thuốc cao vậy?
Tôi tức và thẹn đến nóng bừng cả mặt:
- Quân chó chết không biết tiểu anh hùng họ Liễu là ai à?
Tiếng quát vừa dứt, thanh gươm của tôi liền giáng xuống mông nó đánh đét một cái. Con bé kêu chu chéo:
- À, ông đi vắng, cậu ở nhà cậu nghịch. Tôi nói, cậu không nghe, lại còn đánh tôi phỏng?
Nó chạy xuống nhà dưới. Lúc mẹ tôi về, nó khóc và thuật lại việc tôi đã tinh nghịch và đã đánh vào mông nó. Mẹ tôi rũ ra cười. Và câu chuyện, kết cục, bị xí xóa, không đến tai thầy tôi.
Các bạn đừng tưởng bước "phiêu lưu" thứ nhất, nó đã làm tôi suýt phải một trận đòn đau ấy, đã mở mắt cho tôi! Một nghìn lần không. Chứng điên kiếm hiệp ở tôi đã trầm trọng quá! Trận đòn có thể xảy ra không đủ cho tôi mất hết nhuệ khí. Cái cười khoan dung pha lẫn chút ít chế giễu của mẹ tôi lại rất tổn hại đến lòng tự ái của tôi. Người ta có thể đánh tôi. Người ta có thể làm tôi đau khổ. Nhưng coi thường tôi ư?... Đời nào tôi chịu để ai coi thường!
Tôi tức lắm! Làm một hiệp sĩ trong nhà chỉ để được vung gươm chém xả mông con sen, và chỉ để mua cười cho tôi thế này thì tôi đến thẹn mà chết mất! Tôi phải mở rộng sự thí nghiệm của tôi hơn nữa. Tôi phải thí nghiệm rõ nhiều. Tôi cần cho con bé khốn kiếp, nhất là cho mẹ tôi thấy rõ tôi là ai.
Một hôm, rình thầy mẹ tôi đi làm rồi, tôi liền nai nịt gọn ghẽ và và xách gươm mở toang cổng thành tiến ra (cái cổng sắt nhà tôi đã biến ra cái cổng xây bằng đá ong của một tòa thành cổ rồi đấy!). Tôi đến thẳng cây bàng lớn, mọc cách nhà tôi chừng ba mươi thước, và mai phục ở đấy. Sự chờ đợi của tôi không lâu, tuy rất hồi hộp. Kẻ thù của tôi đã hiện đến. Nó hiện đến trong cái hình thù một bác thợ nề hiền lành và lơ đãng. Có lẽ vì thế mà tôi càng thêm hăng hái chăng? Tôi vung kiếm nhảy xổ ra:
- Nghịch tặc! Mau hạ mã lai hàng, kẻo nhọc ta hươi kiếm a... a!...
Tôi vừa nói vừa chém túi bụi. Bác thợ nề, thoạt tiên sửng sốt, nhưng sau, bị mấy vết thương nặng, bác liền đâm khùng:
- Ô hay! Con nhà ranh nào mà lại quái gở đến thế này được?...
Hắn giật bửu kiếm của tôi và bẻ gãy làm mấy đoạn. Hắn bồi luôn cho tôi mấy tát nảy đom đóm. Vẫn chưa hả giận, hắn vồ lấy hai tay tôi, định còn lên gối cho tôi mấy chiếc. Tôi hết hồn, vội kêu van:
- Cháu lạy ông, cháu trót dại...
Lời van vỉ có lẽ không còn mảy may chút hơi võ hiệp nào nữa nên kẻ thù của tôi nguôi giận:
- Khôn hồn thì xéo mau! Lần này ông tha chứ lần sau thì phải biết!
Tôi chẳng cần biết cái phải biết ấy có nghĩa gì; tôi hãy làm một mạch về nhà đã. Và lần kinh nghiệm thứ hai này khiến tôi khỏi hẳn cái bệnh anh hùng. Tôi tự hứa sẽ chẳng bao giờ còn xách gươm đi thử tài nghệ một cách nguy hiểm như vậy nữa. Nhưng, cũng từ buổi chiều đáng ghi nhớ suốt đời ấy, tôi không hiểu sao, càng đọc kiếm hiệp một cách say đắm hơn.
Tội Nhân Hay Nạn Nhân Tội Nhân Hay Nạn Nhân - Lan Khai Tội Nhân Hay Nạn Nhân