Nguyên tác: Tistou Les Pouces Verts
Số lần đọc/download: 149 / 5
Cập nhật: 2019-12-06 09:01:52 +0700
Chương 6 - Ở Đâu Tix-Tu Học Bài Làm Vườn Và Bất Ngờ Phát Hiện Ra Mình Có Đôi Ngón Tay Cái Xanh
T
ix-tu đội cái mũ rơm để đi học bài làm vườn.
Ông bố cho rằng bắt đầu hệ thống giáo dục mới bằng bài học đó là hợp lô-gích. Một bài học làm vườn thực ra là một bài học về đất, mặt đất trên đó chúng ta đặt chân, chất đất sản xuất ra rau quả mà chúng ta ăn, cây cỏ mà chúng ta dùng nuôi súc vật cho đến lúc súc vật đủ lớn để chúng ta ăn thịt...
Ông tuyên bố:
- Đất là cội nguồn của tất cả!
“Miễn mình không buồn ngủ”. Tix-tu tự nhủ trong lúc đi ra vườn.
Được báo trước, bác làm vườn Râu-mép-dài đang chờ em trong nhà kính trồng cây.
Bác Râu-mép-dài là một ông già đơn độc, ít ba hoa không phải lúc nào cũng dễ mến. Râu mép bác dài đến mức cứ tưởng một khu rừng rậm rạp màu tuyết trắng mọc dưới hai lỗ mũi.
Nên miêu tả bộ râu mép của bác làm vườn ra sao với bạn đây? Chỉ biết rằng đó là một kỳ quan thực sự của tạo hoá. Những ngày gió nhẹ, khi bác vác xẻng đi làm, ngắm bác thật thú, cứ như từ hai lỗ mũi phọt ra hai tia lửa lớn trắng xoá lem lém cháy lên phía tai.
Tix-tu rất thích bác làm vườn nhưng hơi sợ.
- Xin chào bác Râu-mép-dài. - Tix-tu cất mũ nói.
- À cháu, - Bác đáp - được, để xem cháu có khả năng gì. Đất mùn và bình trồng hoa đây. Cháu bỏ đất vào bình, thọc ngón tay cái vào giữa thành một lỗ rồi xếp bình dọc tường. Sau đó, bác cháu ta sẽ đem những hạt thích hợp bỏ vào các lỗ.
Những nhà kính trồng hoa của bố Tix-tu đều đẹp đẽ, xứng đáng với toàn bộ cơ ngơi của ông. Dưới những mái kính nhấp nhánh, nhờ một máy phát nhiệt khổng lồ, bác làm vườn giữ không khí trong nhà vừa ẩm vừa ấm, giữ mùa đông mà trong nhà, cây trinh nữ nở hoa tươi rói; những cây cọ nhập khẩu từ Châu Phi lên cao vút; bác trồng huệ để lấy vẻ đẹp, trồng nhài để lấy hương thơm, trồng cả lan, chẳng thơm chẳng đẹp nhưng hiếm, tuy đặc tính này là vô bổ đối với hoa.
Bác Râu-mép-dài là ông chủ duy nhất trong phần này của cơ ngơi bố Tix-tu. Chủ nhật mẹ em dẫn các bà bạn của mẹ đến tham quan, thì bác làm vườn chưng một cái tạp dề mới ngồi ở cửa, đáng yêu và hay chuyện như một con sáo.
Bà khách nào định sờ hoa hay chỉ ngửi thôi, bác cũng nhảy bổ đến:
- Ấy chết, bà làm rụng, làm ngạt hoa bây giờ!
Trong khi thực hiện nhiệm vụ do bác làm vườn giao, Tix-tu bỗng sửng sốt: việc này không khiến em buồn ngủ. Ngược lại, em còn thích thú. Em thấy đất mùn có mùi dễ chịu. Một bình rỗng, một xẻng đất nhỏ, một lỗ nhỏ do ngón tay cái thọc, thế là xong. Em sang bình tiếp theo. Rồi các bình được xếp dọc tường.
Trong lúc Tix-tu chăm chú làm, bác làm vườn chậm rãi đi dạo quanh vườn. Tix-tu khám phá ra vì sao hôm nay bác trò chuyện với con người ít thế; bác nói chuyện với hoa.
Bạn dễ hiểu rằng đi chào từng bông hồng, từng bông cẩm chướng trong các bụi hoa lớn thì còn đâu hơi sức để chiều về “chúc ông ngủ ngon”, hay “chúc bà ăn ngon”, hay nữa “xin cứ tự nhiên” khi có người hắt hơi trước mặt bạn, nghĩa là tất cả những cử chỉ và lời nói khiến người ta nói về bạn: “anh ấy (hay chị ấy) lịch sự thật!”.
Bác Râu-mép-dài đi từ bông hoa này đến bông hoa khác vẻ áy náy vì sức khoẻ từng bông.
- Chà, tay hồng chè, lúc nào cũng bé bỏng; anh định để dành nụ để khi không ai chú ý thì xoè ra hứ? Còn anh bìm bìm, ảnh tưởng mình là chúa núi rừng, nên định vượt giàn của tôi nghển cao hơn? Ra thế đấy!
Rồi bác quay lại gọi Tix-tu:
- Sao, hôm nay xong không?
- Xin bác đừng lo, chỉ còn ba bình phải bỏ đất vào nữa thôi.
Tix-tu hối hả làm nốt công việc rồi đi đến với bác Râu-mép-dài ở đầu kia vườn...
- Thưa, cháu đã làm xong.
- Tốt, để xem nào.
Hai thầy trò chậm rãi bước, bởi vì bác Râu-mép-dài lúc trầm trồ khen ngợi một bông thược dược khổng lồ có sắc tươi hơn hớn, lúc khích lệ một bông hoa bướm mau trở nên xanh... Bỗng nhiên, hai người đứng sững lại, kinh ngạc.
- Xem kìa, xem kìa, bác có mơ đâu. - Bác Râu-mép-dài vừa dụi mắt vừa nói - Cháu cũng thấy như bác đấy chứ?
- Thưa có.
Cách chỗ hai người đứng mấy bước, tất cả những cái bình mà Tix-tu bỏ đầy đất mới năm phút đã nở đầy hoa.
Xin bạn hiểu cho rằng đây không phải là kiểu nở hoa e lệ, vài cái nụ nhợt nhạt ngập ngừng nhú ra. Không, bình nào cũng đầy hoa thu hải đường lộng lẫy, và bấy nhiêu bình tạo nên một luống hoa sum sê, đỏ chói.
- Thật không tin nổi! - Bác Râu-mép-dài thốt lên - Ít nhất cũng phải hai tháng gieo tưới hoa thu hải đường mới nở được dường kia!
Chuyện thần kỳ, lúc đầu người ta thừa nhận nó rồi sau đó tìm cách giải thích.
Tix-tu hỏi:
- Thưa bác, chúng ta chưa gieo hạt, sao lại có hoa nở?
- Bí ẩn... bí ẩn... - Bác Râu-mép-dài đáp.
Bỗng nhiên bác nắm lấy hai bàn tay nhỏ của Tix-tu trong hai bàn tay xù xì của mình.
- Để xem hai ngón tay cái của cháu!
Bác chăm chú xem xét hai ngón tay cái của cậu học sinh, lật ngửa lật sấp, trong bóng râm rồi ngoài ánh sáng.
- Con ạ, - Bác nói sau khi ngẫm nghĩ kỹ - con có một điều phi thường đáng kinh ngạc. Hai ngón tay cái của con màu xanh lá cây.
- Xanh lá cây ạ? - Tix-tu sửng sốt thốt lên - Cháu chỉ thấy chúng hồng thôi, bây giờ còn bẩn nữa. Chúng có xanh đâu.
- Hiển nhiên con không thể thấy. - Bác Râu-mép-dài tiếp - Một ngón tay cái xanh, chẳng nom thấy được. Màu đó ẩn dưới da; người ta gọi đó là tài năng thầm kín. Chỉ các chuyên gia mới phát hiện ra. Ta là chuyên gia và khẳng định rằng con có hai ngón tay cái xanh.
- Ngón tay cái xanh dùng làm gì ạ?
- Cái đó tuyệt lắm, cái tài do trời phú. Con nhìn xem, đâu đâu cũng thấy có hạt. Không chỉ trong đất, mà còn trên nóc nhà, trên thành cửa sổ, trên đường, trên sân thượng, trên tường. Hàng nghìn, hàng tỉ hạt chẳng dùng làm gì cả. Chúng cứ nằm trơ đó chờ một ngọn gió đưa chúng đến một cánh đồng hay một mảnh vườn. Thường thường chúng nằm chết dí giữa sỏi đá, không sao tự hoá thành hoa. Nhưng ngón tay cái xanh chạm vào thì dù đang ở đâu, hạt cũng hoá thành hoa tức khắc. Mới lại con có bằng chứng ngay trước mặt đấy. Hai ngón tay cái của con đã phát hiện ra trong đất những hạt thu hải đường và con đã thấy kết quả. Con hãy biết là ta ghen với con. Ngón tay cái xanh sẽ có ích trong nghề làm vườn của ta.
Tix-tu có vẻ không sung sướng vì phát hiện đó. Em thì thầm:
- Thiên hạ lại sẽ bảo cháu không giống mọi người.
- Tốt hơn là chẳng hé cho ai biết. - Bác Râu-mép-dài nói - Gợi lên ghen tuông và tò mò phỏng có ích gì? Những cái tài ẩn giấu bao giờ cũng dễ đem lại buồn phiền cho chúng ta. Con có hai ngón tay cái xanh, thế là rõ. Nhưng con hãy giữ kín, chỉ con và ta biết thôi.
Trong quyển sổ ghi nhận xét mà bố Tix-tu trao cho bác, cũng như các thầy giáo khác, bác làm vườn Râu-mép-dài ghi và ký tên dưới mỗi bài học. Bác ghi giản dị:
“Cậu bé này tỏ ra có năng khiếu đối với nghề làm vườn”.