We have to continue to learn. We have to be open. And we have to be ready to release our knowledge in order to come to a higher understanding of reality.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Cổ Long
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2658 / 37
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 - Lam Y Thiếu Niên
rên chiếc bàn đá, một chiếc bình trà đất nung màu gan gà bóng loáng và hai chén trà chế tạo tinh xảo, hẳn là Lam y thiếu niên đang thưởng thức danh trà.
Cách đó không xa một chiếc lò nhỏ lửa đang cháy rực, bên trên là một chiếc ấm đồng, nước bên trong sôi lên sùng sục nghe rất rõ.
Thấy Nhạc Tiểu Tuấn đã đến, Lam y thiếu niên liền đứng lên cười nói:
- Pha trà đãi khách, tiểu đệ cung hầu ở đây đã lâu!
Nhạc Tiểu Tuấn ôm quyền hỏi ngay:
- Huynh đài có lời mời, không biết có chuyện gì chăng?
Lam y thiếu niên chìa tay vào chiếc ghế đá đối diện nói:
- Phiền đến Nhạc huynh, mời ngồi!
Tuy là ngữ khí lúc này nhất nhất nghe ra khách khí lễ số, nhưng trong ánh mắt vẫn không che giấu ngạo khí cố hữu.
Nhạc Tiểu Tuấn chẳng biết tâm ý đối phương mời mình đến đây làm gì, thế nhưng hắn đã khách khí lễ mạo lẽ nào chàng lại không rộng rãi, khi ấy bước vào đình cười nói:
- Tại hạ còn chưa được lĩnh giáo tôn tính đại danh huynh đài?
Lam y thiếu niên ôm quyền nói:
- Huynh đệ mời Nhạc huynh đến, chuyện báo tính danh không phải là chuyện cần thiết!
Tên tiểu bộc nhanh nhẩu pha trà rồi rót ra đầy hai chén trước mặt bọn họ mời:
- Nhạc công tử, mời dùng trà!
- Đa tạ!
Nhạc Tiểu Tuấn ngước mặt lên nhìn Lam y thiếu niên nói tiếp:
- Nói vậy huynh đài mời tại hạ đến đây tất có chuyện quan trọng?
- Đúng thế!
Lam y thiếu niên đáp gọn rồi chìa tay nói:
- Trước hết mời Nhạc huynh ngồi rồi hãy nói!
Nhạc Tiểu Tuấn không cần khách khí nữa, ngồi vào ghế nói ngay:
- Tại hạ đang lắng nghe đây!
Lam y thiếu niên vẻ thong thả, nâng chén trà lên nói một tiếng “mời”, rồi nhẹ nhấp một ngụm trà mới vào câu chuyện:
- Chẳng hay Nhạc huynh người địa phương nào, lần này đến Trấn Giang làm gì?
Nhạc Tiểu Tuấn hơi bất mãn trong lòng nói:
- Những điều huynh đài hỏi đều là chuyện riêng của tại hạ, tại hạ có cần phải nói không?
Trong ánh mắt Lam y thiếu niên một chút hàn quang hiện lên, lạnh giọng nói:
- Đương nhiên là cần, huynh đệ nghe nói Nhạc huynh đến Trấn Giang có việc, nhưng chẳng ngờ Nhạc huynh chỉ nghĩ lại một đêm là đi ngay, không biết còn muốn đi đâu?
Nhạc Tiểu Tuấn lần này thì phật ý, nhíu mày nói:
- Thật kỳ lạ, tại hạ muốn đi đâu thì có liên quan gì đến huynh đài?
Lam y thiếu niên hừ một tiếng lạnh lùng:
- Huynh đệ mời Nhạc huynh đến đây quyết không có ác ý, mục đích chỉ làm sáng tỏ lai lịch Nhạc huynh mà thôi và đến Giang Nam này có chuyện gì? Huynh đài hảo ý mà khuyên một câu, tốt nhất Nhạc huynh nên thật lòng nói ra là hơn!
Rõ ràng trong câu này đã hàm ẩn ý đe dọa, Nhạc Tiểu Tuấn giận trong lòng, nói:
- Huynh đài đến tính danh cũng không chịu báo ra, vậy mà nhất quyết truy vấn hành tung của tại hạ, chẳng thấy quá lắm sao? Tại hạ không thể nói, cáo từ!
Dứt lời chàng dứng phắt lên ngay.
Lam y thiếu niên cũng đứng lên theo, quát lớn:
- Đứng yên!
- Ồ, huynh đài muốn làm gì đây?
Lam y thiếu niên trong mắt lộ hung quang, giọng lạnh như băng:
- Ngươi còn chưa nói rõ ra, mà tưởng rời khỏi đây được sao?
Nhạc Tiểu Tuấn mặt lộ nét giận, trầm giọng nói:
- Tại hạ và huynh đài bình sinh không quen biết, vậy mà huynh đài một mực bức ép thế này thật ra vì sao chứ?
- Hừ, vì hành tung của ngươi rất khả nghi!
Nhạc Tiểu Tuấn ngớ người, lấp bấp la lên:
- Hành tung tại hạ có gì khả nghi?
Lam y thiếu niên nhếch mép cười nhạt:
- Ngươi trong lòng thừa biết rất rõ!
- Tại hạ thật không hiểu, huynh đài nên nói rõ ra là hơn!
Lam y thiếu niên lần này thì buông tiếng cười lớn:
- Tối hôm qua ngươi chờ ở bến thuyền, xin ngồi nhờ thuyền của biểu muội ta qua sông, thâm tâm ngươi có ý gì hử?
Nhạc Tiểu Tuấn “à” lên một tiếng nói:
- Huynh đài hiểu nhầm, tối qua tại hạ vì đến bến thuyền đã quá khuya nên không còn thuyền qua sông, may gặp thuyền của tiểu thư...
- Thôi, không cần phải nói!
Lam y thiếu niên gắt lên cắt ngang lời chàng, tiếp:
- Hừ, ngươi đã biết rõ lai lịch của biểu muội ta, đây chẳng phải là ngươi đã ngầm có chủ ý?
Nhạc Tiểu Tuấn nhíu dôi mày kiếm kinh ngạc nói:
- Huynh đài sao lại nói lên lời này?
- Chẳng lẽ lời ta không đúng?
Nói rồi bỗng thấy tay gã khoát lên, “soạt” một tiếng, trong tay đã thấy nắm một thanh trường kiếm, ánh thép xanh lè, quát lớn:
- Nếu ngươi không chịu nói thật ra, huynh đệ đành giữ ngươi lại đây!
Nhạc Tiểu Tuấn đôi mày vẫn nhíu chặt:
- Huynh đài muốn động thủ với tại hạ?
Lam y thiếu niên mắt lộ sát cơ, gật đầu đáp ngay:
- Không sai, ngươi đúng là rượu mời không uống, lại muốn uống rượu phạt!
Nhạc Tiểu Tuấn lửa giận tam trượng, gằn giọng:
- Con người huynh đài xem ra khí chất bất tục, sao lại buông lời vô trạng, hành động ngông cuồng?
Lam y thiếu niên thái độ khinh khỉnh nói:
- Đối với hạng tiểu nhân há cần nói lý? Huống gì ta đã tiên lễ hậu binh, xem ra cũng đã tận lễ giang hồ, nghe nói ngươi thân thủ bất phàm, nhanh rút binh khí ra!
- Tại hạ và huynh đài xưa nay không thù, nay không oán, cớ sao huynh đài nhất định bức áp tại hạ?
Lam y thiếu niên thét lớn:
- Hừ, ngươi còn chưa chịu rút binh khí, chớ trách bổn công tử hạ thủ vô tình!
Nói rồi kiếm chĩa thẳng vào mắt Nhạc Tiểu Tuấn, khiến chàng phải thoái lui một bộ, tức giận nói:
- Huynh đài thông minh lanh lợi, tại hạ không nói hết lý được, đành tuân lệnh hầu tiếp vậy!
Nói rồi đưa tay vào thắt lưng lấy thanh nhuyễn kiếm cuộn tròn mà Trúc Thu Lan tặng.
“Keng” một tiếng ngân dài, hàn quang phát ra, thân kiếm nhu nhuyễn phút chốc cương thẳng như ngọn bút.
Lam y thiếu niên ban đầu cứ tự tin là thắng nổi Nhạc Tiểu Tuấn, lúc này vừa nhìn thấy thanh nhuyễn kiếm trong tay đối phương thì không khỏi giật mình thầm kêu lên:
- Tuyệt kiếm!
Nhạc Tiểu Tuấn thần thái trở nên thản nhiên:
- Huynh đài đã muốn động thủ cùng tại hạ, vậy thì xin phát chiêu!
Qua phút kinh động, Lam y thiếu niên trở lại vẻ cương ngạo, nói:
- Nhạc huynh cẩn thận!
Dứt lời, tay rung lên, ngọn kiếm phát chiêu Thanh Long Thám Huyết điểm thẳng vào người Nhạc Tiểu Tuấn.
Nhạc Tiểu Tuấn thấy đối phương công vào một kiếm, cũng liền khởi ngọn nhuyễn kiếm phát chiêu Phù Vân Du Cửu hóa giải chiêu kiếm đối phương.
Chẳng ngờ Lam y thiếu niên là hành gia dụng kiếm, chiêu phát nữa chừng liền hóa chiêu đánh bật thanh kiếm của Nhạc Tiểu Tuấn, ánh thép loáng lên nhanh như lưu tinh hành thủy, trực điểm tới ngực chàng.
Lam y thiếu niên ra chiêu nhanh, biến chiêu càng nhanh hơn, thế kiếm lại càng kỳ ảo thực nếu không tận mắt chứng kiến khó nghĩ một thiếu niên còn trẻ tuổi mà đã dụng kiếm đạt đến trình độ đó.
Nhạc Tiểu Tuấn tuy sở học chẳng phải tầm thường, thế nhưng kinh nghiệm chiến đấu còn non kém, khi ấy chàng nghĩ ra đối phương vốn đã đoán trước chàng sẽ ra chiêu như thế nào.
Lúc này nhìn thấy trước ngực bị hở, ánh kiếm thì loáng nhanh phóng tới, chàng hốt hoảng vội thoái bộ nhượng chiêu.
Nào ngờ, Lam y thiếu niên lão luyện chiến đấu, vừa ra chiêu đã biết đối phương sẽ lui, một kiếm chưa dụng hết, tiếp liền một kiếm nữa, như hình theo bóng đâm tới.
Nhạc Tiểu Tuấn lúc này nhảy thoái lui thân hình còn chưa lập ổn trên đất, thì mũi kiếm của đối phương tiếp liền đã đến trước ngực vô cùng nguy hiểm, chàng chỉ phạt thanh nhuyễn kiếm một cách bản năng đánh bật thanh kiếm đối phương dạt ra ngoài thoát hiểm.
Nghĩ là làm, chỉ nghe “kong” dài một tiếng kèm theo hỏa quang bắn ra, rõ ràng hai thanh kiếm vừa trực tiếp chạm nhau.
Trực tiếp nghênh chiêu, đương nhiên Nhạc Tiểu Tuấn thất thế là vì thân hình còn chưa trầm ổn trên đất, thứ đến thanh kiếm trong tay chàng là loại nhuyễn kiếm, tất nhiên cần dùng nhiều nội lực phát chuyển vào thân kiếm để đối chiêu, do vậy hao tổn công lực không ít.
Sau tiếng thép vang dài đó, chàng chỉ cảm thấy tay ê ẩm, đồng thời thanh nhuyễn kiếm tợ hồ như muốn bay vuột khỏi tay, cả người không làm chủ được lảo đảo thoái về sau liền mấy bước dài.
Lam y thiếu niên cười hắc hắc mấy tiếng cuồng ngạo nói:
- Các hạ tiếp thêm ba chiêu này!
Miệng nói tay vung, kiếm phát ra liền ba chiêu thế như bài sơn đảo hải liên tiếp công tới.
Nhạc Tiểu Tuấn lần này thì thật lòng không thể nhận rõ chiêu thức của đối phương, chỉ thấy tứ phương loang loáng kiếm ảnh, chàng giật mình không dám ra chiêu hóa giải, cũng không dám thoái lui né tránh như vừa rồi.
Chỉ thấy chàng lướt người tới lúc tả lúc hữu, trong nháy mắt tránh được ba kiếm của đối phương.
Chàng thi triển thân pháp kỳ ảo để tránh chiêu, lần này khiến Lam y thiếu niên giật mình kinh hãi, phải buộc miệng la lên:
- Tuyệt! Xem đây!
Kiếm lại ra chiêu Thu Phong Tảo Diệp chém chếch tới hong sườn Nhạc Tiểu Tuấn.
Thế kiếm này xem ra tầm thường không có gì kỳ ảo, thế nhưng trong chiêu kiếm tầm thường này tất có biến hóa khôn lường.
Kiếm như du long bãi vỹ theo sát người Nhạc Tiểu Tuấn, lần này thì cho dù đối phướng có né tả tránh hữu thế nào thì kiếm cũng liền theo sát đến độ, xem ra khó thoát nổi mũi kiếm của gã.
Chẳng ngờ, Nhạc Tiểu Tuấn thấy thế hiểm lại sinh cơ trí, đột nhiên quay phắt người lại, thanh nhuyễn kiếm vẫn đủ kình lực chém cản thanh kiếm của Lam y thiếu niên.
Kong, kong... vang liền mấy tiếng, hai kiếm chạm nhau, hai thân hình cũng theo đó dạt về sau hai phía.
Lam y thiếu niên không ngờ Nhạc Tiểu Tuấn ra chiêu phi kiếm hóa chiêu của gã, bất giác chấn động la lên:
- Các hạ thân thủ quả bất phàm!
Nói rồi tợ hồ như lửa giận càng cao, thét dài một tiếng, kiếm lại phát liền liên hoàn năm chiêu tấn công.
Mỗi thế kiếm của Lam y thiếu niên càng lúc càng uyên thâm hiểm ác, mỗi thế đều là sát thủ.
Nhạc Tiểu Tuấn đương nhiên không thể nhìn ra từng chiêu kiếm của đối phương, nhưng thầm nghĩ đêm nay hắn quyết bức thắng cho được ta, không đấu quyết không được.
Đầu nghĩ thì kiếm của đối phương cũng đã đến trước, chàng liền thi triển thân pháp tuyệt luân nhảy người né tránh, đồng thời ra kiếm hóa chiêu.
Chỉ khi mũi kiếm của Lam y thiếu niên đánh hết, thì nghe liền “keng” một tiếng, thân kiếm của hắn bị hất chệch ra ngoài.
Nếu không tinh mắt nhìn thì tợ hồ như chính thanh kiếm trong tay Nhạc Tiểu Tuấn đánh bật kiếm của hắn nhưng với bản thân Lam y thiếu niên thì thầm hiểu hơn ai hết.
Đến kiếm thứ năm kết thúc, gã ngưng người lại, thâu kiếm thét lớn:
- Kẻ nào?
Gần lương đình nhất có một gốc cổ tùng xanh Quy Mộng, vừa quát dứt tiếng thì cả người Lam y thiếu niên vọt lên, ra kiếm chém xả vào đám lá tùng xanh rậm rịt.
Bây giờ mới thấy từ trong đám lá tùng một nhân ảnh thoáng vọt ra đáp lên nóc mái lương đình lục giác, chân vừa chạm xuống mái ngói liền đề khí tung người nhảy tiếp ra ngoài năm sáu trượng phóng đi...
Lam y thiếu niên đã nhận ra mình bị người ngầm phóng ám khí cản kiếm, tức giận lao người tới chém mấy kiếm, chỉ thấy những đám lá tùng vô tội bay rụng tơi tả.
Khi nhận ra bóng người kia vọt phi chạy, gã liền thét lớn một tiếng, cả người lẫn kiếm phóng truy theo.
Hai bóng người trong đêm tối một trước một sau chạy như bay, chớp mắt đã khuất tầm mắt.
Nhạc Tiểu Tuấn đứng khựng người, không ngờ có người ngầm trong giúp mình, thế nhưng ngươi kia là ai?
Chàng chỉ kịp nhìn người kia từ phía sau, thoáng nhận ra thân vận trường bào màu lục, người này chứng như có ý dẫn dụ Lam y thiếu niên rời khỏi lương đình.
Thực tâm mà nói, bản thân chàng bằng vào bản lĩnh cũng không cần người trợ thủ cũng có thể thoát khỏi kiếm của Lam y thiếu niên, nhưng người ta tự nguyện ngầm trong giúp chàng, cũng không nói gì được.
Nhạc Tiểu Tuấn đứng ngẩn người nhìn theo hai bóng nhân ảnh đến khi khuất hẳn, biết có đuổi theo cũng không còn kịp, chàng thâu thanh nhuyễn kiếm cất vào thắt lưng, đoạn quay lại ôm quyền nói với tên tiểu bộc:
- Công tử ngươi quay trở lại, nhớ chuyển lời là ta cáo từ trước!
Tên tiễu bộc vội cúi người nói:
- Nhạc công tử xin lưu bước, công tử tôi có lẽ sẽ quay lại ngay!
Nhạc Tiểu Tuấn đã bước được mấy bước, quay đầu nói:
- Không cần, ta với công tử ngươi vốn không thù không oán, chỉ là có chút hiểu nhầm, nhưng càng nói càng không thỏa đáng, ta thấy không cần phải tranh chấp lẫn nhau.
Nói rồi chàng quay người đi thẳng.
Chàng đi một mạch thật nhanh, xem ra sắp vào đến Lã Thành.
Nói đến Lã Thành phải biết đây là một nơi danh lam cổ tích, nguyên nhân vật trong thời Tam Quốc là Lã Mông giết chết Quan Công là người họ tộc ở đây. Cho nên thành về sau có tên là Lã Thành, nghe nói trong huyện Đan Dương không hề có người họ Quan cư trú, bởi vì Quan, Lã hai họ vốn có thể cừu thâm hận từ thời Tam Quốc. Do vậy mà một vùng Đan Dương này cũng không có đền thờ Quan Thánh.
Đám cỏ khô này chính là của nông dân vùng phụ cận tích lũy lại cho súc vật ăn mùa đông.
Nhạc Tiểu Tuấn chẳng khó khăn gì cũng đã nhìn thấy một người nằm trong đám cỏ rậm đó, chưa nhìn rõ mặt đối phương, thế nhưng chỉ nhìn chiếc trường bào màu lục cũng đã khiến chàng giật mình khựng người lại.
Người này chẳng ai khác chính là trung niên hán tử hồi trưa ngồi chung bàn với chàng ăn cơm trong quán nhỏ bên ngoài thành Đan Dương, chẳng lẽ chính người này đã ngầm trong ra tay trợ giúp ta sao?
Nhạc Tiểu Tuấn nghĩ nhanh trong đầu rồi bước tới xem xét đối phương chừng như thọ trọng thương, thở hổn hển và không ngớt tiếng rên, chàng ngồi thấp xuống liền lên tiếng hỏi:
- Các hạ bị trọng thương?
Trung niên hán tử nghe có tiếng người liền đưa ánh mắt thất thần ngước nhìn, rồi giọng hữu khí vô lực nói:
- Tại hạ... tại hạ trúng chưởng của tặc tử... kia...
Nhạc Tiểu Tuấn thoáng chấn động trong đầu, bèn hỏi tiếp:
- Huynh đài có phải trúng chưởng dưới tay gã Lam y thiếu niên kia? Nói thế vừa rồi ngầm ra tay trợ giúp tại hạ...
- Không phải trúng thương bởi tay hắn, mà có người... ngầm đánh lén một chưởng...
- À, thì ra là vậy! Các hạ trúng thương ở đâu, hệ trọng lắm không?
Trung niên hán tử trong ánh mắt lộ nét cảm kích nói:
- Đa tạ, tại hạ bị đánh trúng lưng, vừa rồi... cũng đã uống thuốc trị thương, ái... có lẽ cũng chịu nỗi, nhưng... có điều... ái...
Nói cuối câu nghe ra gã ta đã rất mệt.
Nhạc Tiểu Tuấn vội nói:
- Các hạ có lời gì xin cứ nói rõ ra đi!
Trung niên hán tử hít sâu một hồi lấy giọng nói:
- Tại hạ biết công tử là bậc chính nhân quân tử đời này... nên có một chuyện... vô cùng hệ trọng muốn phó thác, chỉ là...
Hễ sắp nói ra, cứ như có điều gì khó nói, nên thấy thần sắc lộ vẻ do dự ngại ngùng.
Nhạc Tiểu Tuấn nói:
- Các hạ có chuyện gì phó thác xin chớ ngại nói ra, chỉ cần tại hạ đủ sức làm nhất định không từ chối.
Trung niên hán tử gật nhẹ đầu nói:
- Tại hạ đương nhiên mười phần tin công tử, có điều... chuyện này vô cùng quan trọng...
- Nhưng thật ra là chuyện gì chứ?
- Là... một phong thư cơ mật...
Cuối cùng thì gã cũng nói ra, rồi gắng sức chống tay nhổm người dậy, đưa mắt nhìn tả hữu cẩn thận, mới thấp giọng nói tiếp:
- Phong mật thư là phó thác công tử trao đến... tận tay vị võ lâm minh chủ Tống đại lão gia, bên trong... quan hệ đến an nguy... của toàn võ lâm Trung Nguyên...
Gã nói một hồi, rồi lại ngừng lại thở hổn hển, một lúc mới nói tiếp được:
- Quan trọng nhất chính là... phong mật thư cần đến tay Tống đại lão gia... trước khi mặt trời lặn đêm nay, nhưng tại hạ giờ thọ thương e rằng không thể đến kịp... tại hạ chết thì không tiếc, chỉ là... chậm trễ nguy đến toàn võ lâm, nên mới xin công tử nhận lời phó thác này.
Nhạc Tiểu Tuấn nghe trung niên hán tử nói rất trịnh trọng, đừng nói là vì vừa rồi ngươi nay ngầm ra tay giúp chàng, cho dù không có chuyện ấy, thì là người có nghĩa khí trượng phu, quyết không khi nào thoái thác.
Chàng gật đầu khẳng khái nói ngay:
- Các hạ nói đến Tống lão gia, có phải chính là võ lâm minh chủ Tống Trấn Sơn?
- Không sai, chính là vị võ lâm minh chủ năm xưa... Tống Trấn Sơn...
Nhạc Tiểu Tuấn vui lên nói:
- Vậy thì hay lắm, tại hạ lần này đi Vũ Tiến chính là yết kiến Tống đại lão gia, các hạ có thư muốn tại hạ đưa đến, thật là thuận tiện!
Trung niên hán tử nghe nói chàng cũng đi đến yết kiến Tống đại lão gia thì mặt lộ vẻ vui mừng, nhưng rồi bỗng ánh mắt ngưng chú chăm nhìn chàng ngạc nhiên hỏi:
- Công tử lần này đến yết kiến Tống đại lão gia có chuyện gì?
Nhạc Tiểu Tuấn không chút do dự nói:
- Tại hạ có một chuyện tư, muốn khẩn cầu Tống đại lão gia một việc.
Võ Lâm Đại Lão là ngoại hiệu của Tống Trấn Sơn được người giang hồ suy tôn, thời thiếu niên dụng võ quá nhân mà thành danh, trung niên thì danh chấn tứ hải ngũ hồ được võ lâm các phái tôn làm Võ lâm Minh chủ, đương nhiên người trong giang hồ có chuyện gì khó xử đều chẳng ngại đường xa nghìn dặm đến yết kiến cầu trợ giúp.
Trung niên hán tử mặt giãn ra, khi ấy nói:
- Vậy thì tốt, có điều chuyện này... vô cùng thiết hệ trọng... cũng là chuyện vô cùng bí mật, công tử cần phải... tận mặt trao cho Tống... Tống đại lão gia mới... mới được...
Nhạc Tiểu Tuấn nghiêm túc nói:
- Huynh đài giao phó một chuyện trọng đại như thế này, tại hạ đương nhiên không dám sơ suất bất cẩn, nhất định giao đích thân Tống đại lão gia.
Trung niên hán tử cảm động nói:
- Đa tạ công tử... Tại hạ cảm kích vô cùng...
- Các hạ hà tất khách khí, không biết phong mật thư kia ở đâu?
- Mật thư chính tại... trong ngực áo tại hạ, xin... Công tử chịu phiền tự tay... lấy cho...
Nói đến đó, lại thấy rên lên rồi thở rất gấp, vừa rồi gượng sức chống tay nhổm dậy xem ra cất lực, đương nhiên khó tự tay lấy thư được.
Nhạc Tiểu Tuấn nghe vậy liền đưa tay thò vào trong ngực áo, phút chốc lấy ra một chiếc túi vải nhỏ.
Trung niên hán tử gật đầu nói:
- Mật thư chính trong túi vải này.
Nhạc Tiểu Tuấn mở miệng túi vải nhìn, quả nhiên thấy một phong thư bên ngoài đề:
Diên trình Tống đại lão gia Trần công thân khải.
Bên dưới thấy có ghi thêm ba chữ nhỏ “tri danh câu”.
Thoạt trông cũng nhận ra ngay là một phong mật thư quan trọng, chàng cẩn thận buộc lại túi vải cất vào người, rồi nói:
- Không biết các hạ còn gì chỉ giáo?
Trung niên hán tử nói:
- Quan trọng nhất... Vẫn là phong thư này đến tay Tống đại lão gia... trước khi trời tối... mới không hỏng đại sự...
- Tại hạ ghi nhớ, nhất định không phụ lòng phó thác của các hạ.
Nói đến đó chàng chợt nhớ ra bèn hỏi:
- Các hạ họ chi?
- Tại hạ họ Từ...
Gã ngưng lời gượng một nụ cười hiếm thấy, rồi nói tiếp:
- Chỉ có điều tại hạ... chỉ là người đưa thư, Tống đại lão gia... e cũng không biết...
Nói đến đó gã ngưng mắt nhìn chăm vào Nhạc Tiểu Tuấn rồi giục:
- Chuyện vô cùng quan trọng và cấp bách... sớm chừng nào hay chừng ấy, tại hạ... chỉ trông mong vào công tử...
Nhạc Tiểu Tuấn biết trung niên hán tử có ý thôi thúc mình nhanh lên đường, chàng liền gật đầu đáp:
- Từ huynh xin yên tâm dưỡng thương, tại hạ xin cáo từ!
Trung niên hán tử vui mừng đến muốn rơi lệ, giọng xúc động mạnh nói:
- Công tử trên đường cẩn thận bảo trọng!
Nhạc Tiểu Tuấn đã đứng lên, nói:
- Tại hạ ghi nhớ!
Sắp đi, còn nghe trung niên hán tử nói tiếp:
- Công tử biết Tống đại lão gia ở đâu chứ?
- Tại hạ tuy lần đầu đến Thường Châu, thế nhưng Tống đại lão gia danh chấn thiên hạ, Tống gia trang ở Thường Châu đương nhiên ai cũng biết, tìm đến quyết không khó.
Trung niên hán tử lắc đầu nói:
- Tống gia trang ngoài thành Đông chỉ là cố trạch của Tống đại lão gia... Tống đại lão gia danh chấn thiên hạ, nên người tìm đến yết kiến rất đông, lão gia vì muốn yên tĩnh... nên đã dời đến ở Mã Tích sơn từ mười năm trước.
Nhạc Tiểu Tuấn nghe vậy thì ngẩn người, bèn hỏi:
- Mã Tích sơn nằm ở đâu?
Trung niên hán tử thở hắt ra một hồi nói:
- Mã Tích sơn nằm trong Thái Hồ, Tống đại lão gia ở trong Thiên Hoa sơn trang dưới chân ngọn Quán Chưởng Phong.
- Tại hạ đã nhớ.
Nói rồi cháng ôm quyền bái biệt trung niên hán tử, rồi quay người sải bước đi thật nhanh.
Nhân vì chuyện trung niên hán tử phó thác vừa hệ trọng với cấp kíp nên chàng ra sức thi triển khinh công băng rừng mà chạy một hồi, mãi đến chiều thì đã đến được Tuyết Yên.
Chàng ngẩng đầu hít dài một hơi, lòng khắp khởi mừng thầm, nghĩ:
- Xem ra không phụ phó thác của người!
Tuyết Yên là một thôn nhỏ bên hồ, cư dân ở đây chỉ chừng vài mươi họ, chủ yếu sống bằng nghề đánh cá và đưa thuyền cho du khách lên Mã Tích sơn.
Nhạc Tiểu Tuấn tìm thuê một chiếc thuyền nhỏ rồi vượt hồ lên Mã Tích sơn.
Giữa sóng nước mênh mông của Thái Hồ bao la vãn khoảng, Mã Tích sơn là một trong ba sơn đảo lớn nhất trong Thái Hồ.
Sơn đạo gồm hai ngọn là Quán Chưởng Phong ở phía Đông và ngọn Tần Túc Phong ở phía Tây. Vì Tống đại lão gia danh chấn thiên hạ chính cư ngụ trong một sơn trang toạ lạc dưới chân ngọn Quán Chưởng Phong, lưng tựa núi, mặt hướng ra hồ, có tên gọi là Thiên Hoa sơn trang.
Lại nói vị Tống Trấn Sơn năm nay niên kỷ đã ngoài thất tuần, thế nhưng chỉ có duy nhất một người con trai nối dõi tên là Văn Tuấn, năm nay cũng chỉ mới hai mươi ba tuổi.
Tống Trấn Sơn vốn xuất thân từ Hoa Sơn kiếm phái, kiếm thuật đương nhiên uyên thâm đạt đến cảnh giới thặng thừa, từng có nhã hiệu Võ Lâm Nhất Kiếm.
Liên quan đến nhân vật thinh danh giang hồ và Thiên Hoa sơn trang của ông ta cũng cần nên biết một đoạn chuyện năm xưa...
Năm ấy, vào rằm tháng chín, chính là ngày đãi khách ngũ tuần của Tống đại lão gia, Chưởng môn của bát đại môn phái và hào sĩ các phương trong giang hồ đều vân tập đến chúc thọ vị võ lâm minh chủ này.
Vào hôm thứ nhất ngày sinh nhật ông ta, có một lão nhân tìm đến cầu kiến.
Bọn gia nhân thấy chủ hiện tại đang bận tiếp khách trong ngày khánh thọ, nên đối với một lão già xem ra tầm thường không thành danh này, chúng lờ đi không báo với Tống Trấn Sơn.
Sáng ngày thứ hai, lễ mừng thọ chính đáng linh đình náo nhiệt, lão nhân kia lại tìm đến cầu kiến, lần này thì gia đinh uyển chuyển từ chối ra mặt.
Lão nhân liền lấy từ trong áo ra một tập sách mỏng bạc màu giao cho gia đinh, nói quý chủ nhân như đã bận mà không chịu cho lão tiếp kiến, vậy ngươi nhanh mang tập sách này trao cho chủ ngươi, nhân lúc này võ lâm anh hùng đều tụ hội ở đây cùng nhau nghiên cứu!
Bọn gia đinh thấy lão nhân nói vẻ trịnh trọng, thì không dám chậm trễ nữa liền mang tập sách mỏng vào bẩm cáo với Tống đại lão gia.
Tống Trấn Sơn tiếp lấy tập sách vừa xem qua đã khựng cả người.
Nguyên là trong tập sách mỏng kia ký tải một trăm chiêu kiếm pháp kỳ lạ mà bình sinh nhân vật như lão thinh danh Võ Lâm Nhất Kiếm cũng chưa từng nhìn thấy bao giờ.
Cuối tập sách thảy còn đề một hàng chữ nhỏ Võ Lâm Nhất Kiếm có thể giải phá được không?
Tống Trấn Sơn hốt hoảng vội bảo gia đinh ra mời lão nhân kia vào, nhưng lúc này lão nhân kia đã biến mất từ lâu rồi.
Tống Trấn Sơn lúng túng đau đầu suy nghĩ, nhưng bản thân lão cũng chỉ có thể hóa giải nổi hai mươi chiêu trong một trăm chiêu kiếm quái dị kia.
Chưởng môn các phái thấy Võ lâm Minh chủ trầm ngâm bất ngữ, chừng như đã xảy ra chuyện gì nghiêm trọng, bèn thăm hỏi.
Tống Trấn Sơn khi ấy mới đem chuyện lão già lần cầu kiến và lưu lại tập sách ký tải trăm chiêu cổ kiếm này, rồi trao qua tập sách cho mọi người cùng xem.
Người luyện võ, hễ bắt gặp kỳ chiêu dị thức thì vô cùng hứng thú, lúc ấy Chưởng môn bát đại môn phái cùng Tống Trấn Sơn chụm đầu nghiên cứu hóa giải, nhưng hai ngày ròng rã cũng chỉ giải nổi tám mươi chiêu, còn lại hai mươi chiêu cuối cùng thì không cách gì giải nổi.
Đến ngày thứ ba, không thấy lão nhân kia quay trở lại, về sau tám mươi chiêu kiếm đã được hóa giải kia trở thành tài sản chung của cả bát đại môn phái tuyển dụng.
Lại nói Tống Trấn Sơn, sáng sớm hôm thứ tư vừa thức dậy, bỗng phát hiện ra tập sách kia như có người giở xem, ông liền nắm coi kỹ.
Lúc này mới càng kinh ngạc chấn động hơn, vì hai mươi chiêu cuối cùng chẳng biết từ bao giờ đã có người dùng bút đỏ chú giải tỉ mỉ, cuối sách lại có thêm một câu:
- Truyền ngươi trăm kiếm, răn mình chớ kiêu!
Một trăm chiêu kiếm này, tám mươi chiêu đầu đã cùng bát đại chưởng môn nhân đồng hưởng, xem như duy nhất sở hữu riêng Tống Trấn Sơn là hai mươi chiêu cuối cùng này.
Thế nhưng, chỉ bằng vào hai mươi chiêu cuối cùng này, thiên hạ cũng không có người nào hóa giải nổi.
Về sau nghe mọi người suy đoán, lão nhân lần ấy đăng môn cầu kiến trong ngày khánh thọ Tống Trấn Sơn có thể là nhân vật đệ nhất kỳ nhân mà ẩn tích giang hồ từ hơn ba mươi năm về trước - Thiên Sơn Dật Tẩu.
Cơ nghiệp dựng lên dưới chân ngọn Quán Chương Phong này của Tống Trấn Sơn có tên là Thiên Hoa sơn trang, chính là để biểu thị ông tôn kính đối với Thiên Hoa và Hoa Sơn, hàm ý quân tử bất vong bổn.
Nhưng đó chỉ là chuyện hai mươi ba năm về trước, nhắc lại chỉ để rõ căn nguyên câu chuyện mà thôi.
Trở lại hiện tại, Nhạc Tiểu Tuấn sau khi đến sơn đảo, chàng nhờ lão ngư phủ chỉ dẫn, liền men theo đường núi đến phía Nam chân ngọn Quán Chương Phong.
Từ xa ngoài mấy mươi trượng cũng đã nhìn thấy rõ một trang viện ẩn khuất trong rừng trúc, chàng chỉnh đốn lại áo quần lần theo con đường độc nhất xuyên qua rừng cây đi đến trước trang viện.
Hai cánh cổng gỗ đen dứng im ỉm, ngước mắt nhìn lên mới thấy bốn chữ Thiên Hoa sơn trang khắc sâu trong phiến đá xanh nét đại tự hùng tráng oai nghi.
Lúc này hoàng hôn đã đổ xuống, Nhạc Tiểu Tuấn không dám chậm trễ liền bước đến định gõ cửa, nhưng đột nhiên từ phía sau lưng có tiếng người vang lên hỏi:
- Công tử tìm ai?
Nhạc Tiểu Tuấn giật mình vội quay người mới nhận ra một lão hán phục trang nông gia, nhưng đôi mắt phát quang nhỉn chăm vào mình.
Chỉ nghĩ đến người này xuất hiện cực nhanh như vậy mà mình không hề nghe tiếng gió, và đôi mắt đầy hàn quang kia cũng biết ngay không phải là một nông phu tầm thường!
Một tráng đinh mà đã thế này thì chủ nhân là người thế nào không nói cũng biết, mới gọi là cường tướng thủ hạ vô nhược binh.
Nhạc Tiểu Tuấn vội chấp tay thi lễ hỏi:
- Tại hạ Nhạc Tiểu Tuấn đến bái kiến Tống đại lão gia.
Lão hán mỉm cười nói:
- Công tử thứ lỗi. Tống lão trang chủ đã nhiều năm nay không tiếp người ngoài!
Tống đại lão gia quả không thẹn tôn danh Võ Lâm Đại Lão, người trên giang hồ chẳng ai là không tôn kính, đến lão tráng đinh cũng biết khiêm tốn hữu lễ.
Nhạc Tiểu Tuấn lại ôm quyền nói:
- Điều này tại hạ biết, tại hạ không quản nghìn dặm bái kiến là vì có tư sự, vả lại hồi chiều trên đường ngoài Lã Thành gặp một trung niên hán tử thân thụ trọng thương, người này phó thác tại hạ mang một mật hàm đến dâng lên Tống đại lão gia. Nghe người này nói thì chuyện vô cùng hệ trọng, trước lúc trời sắp tối, mật hàm cần đến tận tay Tống đại lão gia, cho nên tại hạ mới tức tốc tìm đến cầu kiến, nhưng mong lão hán giúp bẩm báo một tiếng.
Lão tráng đinh nghe thế thì thoáng chút do dự, rồi nói:
- Công tử như đã có cấp sự, vậy chờ đây để tiểu lão vào báo với Tổng quản.
- Đa tạ!
Lão tráng đinh nói rồi quay người lui vào trong ngay, lúc này Nhạc Tiểu Tuấn mới nhận ra một cánh cửa hong nhỏ nằm kề bên hai đại môn mà vừa rồi chàng sơ sót không để ý.
Qua một lúc, lão tráng đinh quay trở lại với một lão nhân thân hình cao lớn như hộ pháp, mắt hổ mày hùm, khí độ oai nghi hiếp nhân tâm.
Vừa nhìn thấy Nhạc Tiểu Tuấn đã nhận ra phong thái thiếu niên này bất tục, lão nhân chấp tay nói:
- Lão hũ Hoắc Vạn Thanh, công tử từ xa đến viếng, lão hũ không kịp nghênh tiếp, thứ lỗi. Giờ mời công tử vào trong dùng trà rồi nói chuyện!
Tiên Cô Bảo Kiếm Tiên Cô Bảo Kiếm - Cổ Long Tiên Cô Bảo Kiếm