Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Văn Bổn
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Gió
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4411 / 93
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
au lễ cúng Giàng, dân sóc Po và gia đình Lâm Huỳnh rỗi hơn. Họ tổ chức một buổi săn heo rừng, nai trên cánh rừng phía Tây sóc, nơi có nhiều dấu heo rừng nhai hột cầy, đào bới các loại khoai.
Sáng sớm, ông già Bách hô hào dân sóc hơn hai chục người, tay cầm dao, xà búp, rựa quéo, gậy gộc dàn hàng ngang hình cánh cung ở đầu bìa rừng. Nhiều người mang theo cồng, chiêng để khua heo rừng, đề phòng báo, cọp.
Ở cuối cánh rừng họ giăng một giường lưới bện bằng dây gấm nhúng dầu chai, rất chắc. Ngay chỗ phễu giường lưới, Suman và ông già Bách cầm xà búp gọi là ngồi hờ. Vị trí này rất quan trọng trong phường săn, cũng rất nguy hiểm. Con thú bị dồn vào đường cùng, đánh trả rất tàn bạo. Có khi, cọp báo cũng bị phường săn đuổi gom đến miệng lưới.
Lâm Kỳ được bám theo phường săn, háo hức dậy từ sớm, nai nịt gọn gang, tay cầm xà búp nhọn, lấp lánh trêu chị Lâm Huỳnh không được cả bố mẹ và Suman cho đi. “Nguy hiểm lắm, con gái yếu ớt như Lâm Huỳnh không được đi”. – Suman cương quyết bảo thế. Lâm Huỳnh bực tức vùng vằng, đành chịu. Cả ông Kỳ Ngoại cũng bị ông Bách không cho đi. “Anh phải ở nhà coi chừng sóc, trẻ con”. Ông già Kỳ Ngoại đành phải nghe, cười “tôi quá già rồi hả? Ở nhà làm vú em thôi”. Mẹ Lâm Huỳnh cũng cười, bảo nhỏ: “Cứ tưởng còn trai trẻ lắm đấy, thất thập cổ lai hy rồi ông ơi”.
Tiếng phèng la, tiếng cồng, tiếng la thét của vài chục con người vang rền cả khu rừng. Họ khua cây, đập phèng la, kêu rú khi trông thấy bóng một con heo rừng lủi nhanh phía trước. Vài chàng trai hăng hái lao theo, bỗng bị con heo rừng độc chiếc giương đôi nanh dài, nhọn chĩa về phía họ, vội vàng kêu la, trèo lên cây trong tiếng cười thích thú của người bên cạnh.
Hàng người gom cánh cung, la hét dữ tợn. Tiếng thú chạy sột soạt phía trước. Khỉ, vọc, chồn hoảng sợ leo lên tận ngọn cây cao, nhìn xuống.
Gần trưa phường săn đã gom sát miệng lưới. Suman và ông già Bách nhìn chừng nhau, ra hiệu khi có bóng vài con thú thập thò ở miệng lưới, tay hườm sẵn ngọn xà búp.
Chợt ông già Bách kêu lớn về phía Suman:
- Heo rừng. Heo độc chiếc.
Nghe tiếng “heo độc chiếc”, Suman đã biết nguy hiểm thế nào rồi. Con heo độc chiếc gần tạ, lớp dầu chai bết áo khắp thân, hai cái nanh uống cong nhu ngà voi, nhọn sắc. Nó lừ lừ tiến về miệng lưới, chẳng tỏ vẻ sợ hãi. Ngập ngừng trước miệng lưới một chút, nó đưa đôi mắt trắng dã liếc nhìn cái miệng lưới, liếc quanh miệng lưới, mũi hít hít đánh hơi người. Khi tiếng phèng la, tiếng còng chiêng đuổi tới, nó phải hộc ta một tiếng, tung chân lên cao, định vọt qua miệng lưới sang cánh rừng rậm phía bên kia. Chẳng người cái miệng lưới giãn ra rồi lập tức khép lại. Nó vùng vẫy, táp xàm xạp, mắt trợn trừng. Hai chiếc nanh nhọn chém mạnh vào giường lưới. Chậm, có thể lưới sẽ bị nó phá tung mất. Biết ông già Bách đang lựa thế để xông vào con heo rừng. Nguy hiểm lắm lập tức Suman gầm một tiếng to, để tui. Thế là Suman tung người lên cao như thế hổ vồ mồi, lao ngọn xà búp ngay yết hầu con heo rừng. Nó hộc to một tiếng, dùng đôi nanh nhọn đánh bạt ngọn xà búp của Suman. Lỡ đà, Suman nhoài người rất nhanh, lấy thế lao vào lần hai. Lần này con heo rừng bị bất ngờ, có lẽ vì nó chưa từng gặp đối thủ nào nhanh nhạy, liều lĩnh đến thế? Ngọn xà búp chọc thẳng vào giữa yết hầu nó. Nó hộc to một tiếng, vẫn dũng cảm dùng đôi nanh cứng như thép đánh vào lưỡi búp xà, bật những âm thanh khủng khiếp. Rắc một cái cây búp xà trong tay Suman gẫy đôi. Đang đà cả người Suman lao thẳng vào thân con heo rừng đang bị trọng thương. Heo rừng độc chiếc, cọp mà bị đổ máu, thì sự trả thù của chúng càng nguy hiểm vô cùng. Suman nhoài người tránh đôi nanh ác nghiệt kia, nhưng đã muộn. Một chiếc nanh nhọn sắc của con heo rừng đâm thủng lòng bàn tay trái của Suman…
Ông già Bách gào to một tiếng, múa xà búp lao vào. Ngọn xà búp của ông đâm sâu vào yết hầu của con heo rừng. Đối với heo rừng lăn chai chỉ có hai chỗ có thể đâm thủng được, đó là yết hầu và nách non. Ngoài ra các chỗ khác tên ngạnh sắc lao vào, gãy ngạnh sắc. Lưỡi mác đâm vào chỉ gãi ngứa chúng thôi. Móng vuốt như cọp cũng chỉ cào bên ngoài.
Suman và con heo rừng quần nhau thành một đống, khiến ông già Bách khó khăn lắm mới lựa lúc đâm thêm hai ngọn xà búp nữa: một ngọn nhằm nách non bên phải, một nhằm yết hầu.
Cả heo rừng và Suman đều yếu dần.
Phường thợ săn đã tập trung đầy đủ tại miệng hờ, la thét, vung dao, mác thông lao và cứu Suman và ông già Bách. Hai chàng trai lực lưỡng ôm lấy lưng Suman, kéo mạnh, tay trái của Suman mới rút khỏi nanh heo rừng, máu phun có vòi.
Ông già Bách cũng bị thương ở đùi, bàn tay trái. Phường săn buồn bã cuốn lưới, im lặng khiêng Suman và ông già Bách lủi rừng trở về sóc. Con heo rừng lăn chai độc chiếc được bốn chàn trai khiêng đi.
Ông Kỳ Ngoại, bà vợ và Lâm Huỳnh vội vàng chạy ra bìa rừng. Trông thấy cảnh khiêng cõng ấy, bà mẹ Lâm Huỳn ngất xỉu. Lâm Huỳnh đỡ mẹ ngồi xuống gốc cây già, lau nước mắt khi thấy cảnh Suman lê bước, ngực và hai bà tay đỏ máu, dính bết dầu chai và lông heo rừng. Ông già Bách cũng thất thểu bước sau Suman, được hai chàng trai trẻ kèm hai bên.
Khi mẹ tỉnh lại rồi, Lâm Huỳnh lao vào Suman đang sốt mê man, tựa lưng vào gốc cây giáng hương già trước sân nhà. Lâm Kỳ từ bìa rừng chạy nhào về, mặt tái xanh, tay huơ huơ một cành lá thuốc, mấy củ ngải độc.
- Sau giờ em mới về?- Lâm Huỳnh giận em, quát hỏi, bàn tay vẫn xoa bóp cánh tay bị thương của Suman.
- Đừng giận em, lá thuốc củ ngải đây. Chị nhai lá thuốc này, nhai bảy lá đắp lên vết thương cho anh Suman. Còn củ ngải này chị phải hỏi cách điều trị ở ông già Bách. Bác ấy sai em lủi rừng tìm kiếm mãi mới được đủ thứ cho chị đó.
- Sao lại cho chị? – Lâm Huỳnh giận, cũng phải bật cười.
Lâm Huỳnh cho bảy lá thuốc vào miệng nhai nhuyễn, đắp vào lòng bàn tay cho Suman. Chất nước lá cây thuốc nóng, rát bỏng khiến Suman rên rỉ, bàn tay trái run bắn. Lâm Huỳnh phải cố giữ chặt cánh tay trái của Suman, miệng luôn thì thầm:
- Ráng chịu đựng, Suman, cho mau khỏi. Trời, cái nanh ác nghiệt của con heo rừng, đâm thủng xuyên bàn tay của người ta.
Suman mở mắt, dùng bàn tay phải bóp mạnh vào cánh tay của Lâm Huỳnh khiến Lâm Huỳnh kêu đau, rưng rưng, Suman thều thào:
- Không sao đâu, Lâm Huỳnh đừng lo lắng nhiều. Suman đã nhiều lần đánh nhau với cọp dữ, voi một ngà. Lần này vì thương ông già Bách tuôi cao mà không đề phòng. Với lại heo rừng độc chiếc là hung dữ lắm.
- Heo rừng độc chiếc là sao anh Suman? Sao lại hung dữ thế?
Suman nhắm mắt nghỉ lấy sức một hơi mới nói:
- Khi tách bầy, xa mẹ, heo rừng này đi kiếm sống một mình, độc chiếm một cánh rừng làm giang sơn. Quanh năm làm bạn với núi rừng, trăng đêm, mưa bão chống chọi với các loài thứ dữ khác. Chúng tìm các bóng cây dầu chai, lăn đi lăn lại cho da áo một lớp dầu chai dày như bọc thép, đạn bắn vào dội ra, dao, xà búp đâm vào quẹo lưỡi, mới kiếm một chỗ kín tập võ. Một trái cám trên cao rớt xuống, nghe hơi gió, nó quay lại dùng nanh tang bay trái cám. Đánh nhau với cọp dữ nó tung người lên cao dùng nanh đâm lủng ruột cọp dữ. Cọp lao vào móc họng nó, nó cứ để cọp tha hồ bấu móng vuốt vào cổ, như bấu vào sắt thép. Nếu chưa giỏi võ như thế, nó vẫn chưa dám đi độc chiếc, cát cứ một cánh rừng…Vậy đó, trước đây, Suman cũng từng đánh nhau với heo rừng độc chiếc nhưng mấy con trước kém võ con này, da còn mỏng hơn da con này, không can đảm bằng con này. Lát nữa, Lâm Huỳnh tới chỗ họ làm thịt con heo này coi, có nhiều vết thương không? Chắc chắn là nó từng đánh nhau quyết tử với cọp, với báo mới kinh nghiệm, mới gan dạ như thế….
- Sợ lắm. Lâm Huỳnh mặc kệ các vết thương trong đời nó. Lâm Huỳnh chỉ lo điều trị vết thương của Suman thôi. Cụ Bách bảo coi chừng, đừng để chất nọc độc của nó rút cong mấy ngón tay của Suman, sẽ tàn phế đó. Còn các vết thương của cụ Bách nhẹ thôi. Cụ bảo thế: “thằng Suman chịu đạn thay ông. Năm nay là năm số ông chịu nhiều tai nạn, nhiều chuyện buồn. Cũng may ông trời cho gia đình cháu tới đây, có bè có bạn, tối lửa tắt đèn, sớm tối có nhau…”
Trong hàng chục ngày đêm sau đó, Lâm Huỳnh, Lâm Kỳ, ông già Kỳ Ngoại và vợ đều tập trung vào chăm sóc, thuốc men cho Suman và ông già Bách. Đêm khuya, bên cạnh Suman, Lâm Huỳnh lui cui sắc thuốc, giã ngải bó, bôi lòng bàn tay trái của Suman. Cô luôn xoa bóp, nắn các ngón tay bàn tay trái của Suman, thấy triệu chứng bị co rút, cô hốt hoảng chạy tìm ông già Bách. Ông Bách, ông Kỳ Ngoại lại đến săm soi, bảo Suman co bóp năm ngón tay bàn tay trái.
- Không sao đâu.- Ông già Bách bảo nhưng lại băn khoăn bảo Lâm Kỳ và hai thanh niên sóc Po đến làng Tri Ân tìm xin mật gấu.
Lâm Huỳnh đòi đi cho nhanh nhưng ông già Bách lắc đầu:
- Cháu phải ở nhà chăm sóc cho Suman. Cháu không sợ các ngón tay của nó sẽ bất ngờ làm độc và rồi..- Ông co quắp năm ngón tay của ông lại, khiến Lâm Huỳnh bỏ ý định tự mình tìm thuốc cho Suman.
Đêm thứ tư, thứ năm Suman lại lên cơn sốt. Sốt, lạnh bất thuờng. Suman run bần bật. Lâm Huỳnh hoảng sợ, nổi lửa hơ ấm Suman, lấy tất cả áo quần của cô, của mẹ, của bố đắp lên người Suman. Vẫn run bần bật, run đến bắn tung cả chén nước xuống đất. Suman bảo:
- Lạnh lắm, lạnh đông đặc ruột gan. Lâm Huỳnh nằm đè lên người Suman, mau lên.
Thấy hay má Lâm Huỳnh đỏ rần, lúng túng, Suman quát, mắt đỏ vằn:
- Mau lên, tôi chết bây giờ. Lạnh lắm. Nằm lên, sợ cái gì?
Lâm Huỳnh ngó dáo dác chung quanh mới nhắm mắt nằm đè lên đống quần áo phủ kín Suman. Suman vẫn không sao kiềm được cơn run bần bật, hất văng cả Lâm Huỳnh xuống đất. Lâm Huỳnh sợ quá bật khóc, kêu Lâm Kỳ. Nhưng Lâm Kỳ đâu có nhà.
Ông già Bách biết được chạy đến, bắt mạch, xem xét mặt, mắt Suman. Lát lâu sau ông bảo:
- Lại bị sốt rét rừng. Cực quá, sức yếu là sốt rét rừng vật.
Ông lại vào rừng tìm lá thuốc trị bệnh sốt rét rừng. Hôm sau, cơn sốt rét đã cắt cữ.
Mấy ngày này cả sóc Po đều lo lắng cho bệnh tình của Suman. Kẻ lên rừng hái lá thuốc. Người xuống sông Nhỏ tìm bắt cá, hái rau. Kẻ đánh bẫy gà rừng, bẫy kỳ nhông..cho Suman mau lại sức. Đối với họ, Suman và ông già Bách như Thần hộ mệnh cho dân sóc. Thú dữ, đói, bão tố, lũ lụt, cướp..họ đều dựa vào sức mạnh huỳnh bí của Suman và ông già Bách.
Đến ngày thứ bảy, Lâm Kỳ và hai thanh niên sóc trở về, có cả ông già Đồng Nai nữa. Ông già Đồng Nai lật đật coi mạch cho Suman, lật bàn tay bị thương của Suman nắn bóp, ngắm nghía, vạch coi tỉ mỉ mắt bệnh nhân, cười: “không sao, tai qua nạn khỏi. Phải bồi dưỡng sức, luyện tập nội công, kiêng cữ nhiều thứ.” Nó mạnh khoẻ trở lại mà nội lực không thâm hậu như xưa, võ công mất luôn, coi như dẹp- ông phủi tay qua trán nhìn mọi người.
Sauk hi rảo một vòng quanh thung lũng, sóc Po trở về, ông miệng nói tay làm, quần xắn tận gối như đây là làng của ông, sóc của ông vậy.
Mấy cái lều đặt cửa trái khoáy, ông bắt phải xoay lại cho đúng hướng, làm ăn mới phát đạt. Vuốt ve hai con trâu, ông gật đầu ưng ý. Ông chỉ tay một vòng khắp thung lũng, bảo phải đắp bờ bậc thang giữ nước, mới cày cấy tốt, giữ phân cho các vát ruộng. Riêng các lều trại của người dân sóc Po, ông không dám có ý kiến, tôn trọng phong tục riêng của họ. Nhưng với ông già Bách thì ông thẳng thắn góp ý mọi điều. Ông biết ông già Bách cũng là dân tứ chiếng, không phải hậu duệ nhiều đời của bộ tộc Po.
Đêm đêm, bên đống lửa rừng ba ông già ngồi bên nhau, ngắm trăng, nhìn dòng sông Nhỏ lơ lửng bên trên tầng cây, tâm sự rất nhiều điều thầm kín. Có lúc, ông không kiềm chế được đã để hớ công việc của thằng cháu Tứ Hải bấy lâu nay. Ông già Bách và ông Kỳ Ngoại lờ mờ hiểu rằng: muốn cắm sâu và lâu dài tại chốn này, ông và Tứ Hải đã phải mốc nối, giao du với nhiều bộ tộc, nhiều làng xa xôi, có khi cả biên giới các nước láng giềng. Nếu chỉ cắm cúi xuống một cái làng bé nhỏ, một thung lũng cỏn con và một cánh rừng lẻ loi, đơn độc này có ngày thế lực mạnh khác sẽ kéo đến chiếm lấy.
Trước khi ra về ông bảo Suman phải luyện tập trở lại, tĩnh dưỡng tinh thần và khôi phục nhanh chóng nội lực như xưa. Ông cười ha hả, vỗ vai Suman, ngâm nga câu ca dao cổ: “Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng”.
Những đêm trăng trên đồi cao, Suman, Lâm Kỳ và vài thanh niên sóc Po cùng nhau luyện tập nhiều thế võ bí truyền của người sóc Po, của dân Đồng Nai. Lâm Kỳ cắn răn luyện tập đến ngất xỉu và đã tiến bộ trông thấy. Cùng Suman, Lâm Kỳ có thể vận khí nhảy chuyền trên các cành cây cao, vung kiếm loang loáng ánh trăng, cành cây rơi rơi trong ánh trăng..Các chàng trai sóc Po có vẻ tối dạ hơn Lâm Kỳ, được cái khí chất, nội lực thâm hậu hơn.
Bố mẹ Lâm Kỳ nhiều lần rình xem con trai luyện võ vui mừng và lo lắng: “khó mà giữ thằng nhỏ này bên mình như ý muốn. Đôi cánh của nó ngày nay đã giang rộng như cánh đại bang, hồng hoàng. Mai này, nó có thể bảo vệ sóc, làng, bảo vệ chị nó. Chỗ dừng chân của nó mai này có thể không phải là cánh rừng nhỏ bé này, không phải là thung lũng cỏn con này…”
Một buổi sáng, Lâm Huỳnh hớt hải chạy vào báo cùng bố mẹ:
- Thằng Lâm Kỳ có xin phép bố mẹ không? Nó đi cùng Suman rồi.
Bà mẹ hoảng hốt nhìn chồng chằm chằm, da mặt tái mét. Ông Kỳ Ngoại trấn an vợ:
- Nó tập đi rừng thôi, chẳng việc gì đâu: nó bảo giờ nó như con heo rừng độc chiếc, tự sống được.
Bà vợ nghi ông chồng có đồng ý cho thằng con trai ra đi. Lâm Huỳnh an ủi mẹ:
- Không sao đâu mẹ. Đi với anh Suman khỏi lo.
- Mày thì chuyện gì cũng Suman, một Suman, hai Suman. Cái gì cũng khỏi lo. Một khỏi lo, hai khỏi lo.
- Mẹ - Lâm Huỳnh kêu nhỏ, lau nước mắt vòng quanh khoé.
Ngày hôm đó và cả đêm sau nữa, bà mẹ không sao chợp mắt được. Bà cảm thấy bứt rứt, nghẹt thở. Lâm Huỳnh phải cạo gió, xoa bóp cho bà thâu đêm. Đến xế chiều ngày thứ tư, vài người sóc Po la lớn ngoài cửa rừng:
- Về rồi kìa, có cả thịt rừng, hay quá.
Bà vội vàng bước ra sân, vừa lúc Suman và Lâm Kỳ khiêng con nai gần tạ, quẳng xuống giữa sân.
Trông thấy bà mẹ Lâm Kỳ đứng đó xanh xao, Suman vội vàng bước đến thưa:
- Lỗi ở tôi, tôi rủ nó đi rừng, muốn tập luyện cho nó vững vàng.
Dù sao bà mẹ cũng không nỡ trách mắng Suman được. Giận thì giận thương thì vẫn cứ thương. Lâm Kỳ vội vàng chạy đến ôm chầm lấy tấm thân gày héo của mẹ, giọng ồ ề của chàng trai đang thì vỡ tiếng, nhổ giò, ngực nở nang, vai nổi nhiều cục thịt bóng lộn như cánh phản, lông mày hơi xếch, miệng rộng. Trời, nó lớn đến thế này rồi sao? Nhớ ngày nào bà phải gánh nó trong chiếc thúng, quang gánh trên vai chạy loạn, lẩn trốn lệnh truy nã của quan làng ngoài kia…Ngày ấy, cay cực quá, bà ao ước: giá nó biết chạy, biết chống lại bọn ác kia, biết tự chạy trốn lấy một mình…
Quanh đống lửa rừng, Suman, Lâm Kỳ cùng các thanh niên sóc Po nhai thịt nai nướng, chuyền nhau rượu cần dưới ánh trăng. Các cô gái cỡ Lâm Kỳ cũng kéo đến nhảy múa quanh đống lửa. Giọng hát của họ khào khào như tiếng ó ma lai trên rừng sâu, nhưng gợi nhớ làm sao. Suman cười khà khà kể tiếp:
- Tôi với Lâm Kỳ đang tìm một gốc dầu chai, theo dấu một con heo rừng độc chiếc. Cánh rừng ấy là giang sơn của nó. Tôi để ý mấy mùa trăng rồi. Thình thoảng, trông thấy nhiều vũng dầu chai tung toé..Đang lom khom cúi nhìn dấu chai trên gốc cây, bỗng nghe “hộc” một tiếng, con heo rừng dềnh dàng lao thẳng đôi nanh vào tôi. Vừa nhảy tránh được đôi nanh nham hiểm, chưa kịp nhoài người lại lựa thế đánh trả, lại bị nó tấn công từ trên cao úp xuống. Nguy hiểm quá. Bỗng nghe đánh sực một cái, mũi mác thông của Lâm Kỳ đâm suốt nách non con heo rừng. Bất chấp, nó lao vào Lâm Kỳ. Trong giây phút đầy nguy hiểm ấy tôi lại bị chuột rút, cái bàn tay trái bị thương trước đây lại nói tận tim. May quá chẳng ngờ võ và nội lực của Lâm Kỳ đã phát triển rất cao: Lâm Kỳ rút nhanh lưỡi mác búng chân tung người lên cao tránh đôi nanh của heo rừng, từ trên cao đâm xuống thế rất mạnh…Lần này, con heo rừng bỏ lại một vũng máu, lủi vô rừng…Lâm Kỳ toan đuổi theo, tôi ngăn lại: “Nó say máu rồi, chớ có đuổi theo”.
Thế là hai an hem tiếp tục lủi rừng. Đến trưa ngày hôm sau, khi hai an hem đang nằm ngủ trên chạc ba cây bằng lăng, bỗng Lâm Kỳ bất thần nhoài người phóng lao nhanh như chớp. Con nai này nè, không kịp tránh mũi lao của Lâm Kỳ…
Các chàng trai, cô gái sóc Po thích thú ngắm Lâm Kỳ, vui như mở cờ trong bụng: thế là từ nay sóc Po có thêm một dũng sĩ tài giỏi chỉ kém Suman. Họ lại có thêm một chỗ dựa đáng tin tưởng. Cũng vài cô gái nhỏ tuổi hơn Lâm Kỳ, nhìn Lâm Kỳ với đôi mắt nồng nàn như bếp lửa vừa nhóm.
Sau đó ông già Bách bảo Suman:
- Đừng khen nó sớm quá, dễ hư.
Ông Kỳ Ngoại dặn thêm:
- Phải chú ý dạy nó cách sống cho tốt. Không có cái tâm cái tính thuần hậu giỏi võ cách mấy cũng bằng thừa, lại có hại.
Suman gật đầu, nghĩ đến chàng trai Tứ Hải được các người già, trai trẻ cả sóc Po, làng Tri Ân mến phục, tin tưởng.
Nhiều đêm trăng, nhiều ngày dài vào mùa nắng, mùa mưa, Suman dẫn Lâm Kỳ và vài chàng trai thân tín bảo rằng đi rừng kiếm cái ăn, nhưng thật ra là để dọ xét tình hình vòng ngoài, xem xem có động tịnh gì không, để báo động cho cả sóc và làng Tri Ân. Thấy những dấu chân lạ, vết khắc lạ trên cây, Suman, các chàng trai xem rất kỹ, chỉ cách nhìn dấu vết lạ cho Lâm Kỳ. Họ còn chỉ Lâm Kỳ cách kiếm ăn của từng loại thú, thú dữ, thú hiền, cách đánh bẫy các loại thú, chim muông.
Một lần, đang lần theo dấu vết lạ, bỗng Suman hí mũi liên tục, bảo Lâm Kỳ:
- Nghe nghe có mùi gì lạ không?
Lâm Kỳ hít mũi theo hướng gió một lúc bảo:
- Có mùi khét đầu hướng gió
Vừa lúc đó có tiếng kêu ồm ồm cách đó hơn chục cây số, Lâm Kỳ nghe tiếng kêu lạ ấy, nghe nhoi nhói trong tim bảo:
- Hình như tiếng thú hiền kêu cứu.
Các chàng trai sóc Po cũng xác nhận thế.
Suman quả quyết:
- Tiếng kêu cứu, bị nạn rồi. Đi cứu thôi, hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly.
Cả đoàn lủi rừng, men theo tiếng kêu cứu mỗi lúc mỗi thê thiết hơn. Đến một trảng trống, Suman dừng chân chỉ mọi người xem: giữa trảng trống khô héo, ba con voi to lớn đang thò ba chiếc vòi xuống một vũng bùn đặc quánh tìm cách khiêng con voi con bằng con bê lên. Con voi con đầy bùn, quơ cao chiếc vòi kêu cứu. Ba con voi lớn loay hoay mãi, bùn bám khắp vòi đầu, tai vẫn không sao lôi con voi con lên khỏi vũng bùn sâu.
Lâm Kỳ bảo nhỏ:
- Cứu con voi con chứ anh Suman? Chậm, nó chết mất. Có khi voi mẹ, voi bố nó oán mình vô tình, không yên với chúng đâu.
- Phải cứu, đừng gọi voi là nó, kêu là ông Tượng. Các người ở đây chờ tôi, khi nào tôi ra hiệu, hãy ra đó.
Nói xong, Suman chắp hai tay lại, lâm râm khấn vái gì đó bằng thứ tiếng sóc Po nghe như tiếng chim rừng cãi lộn nhau, mới lần bước ra chỗ voi con bị nạn. Vừa đi, Suman vừa nói to: “Tôi cứu ông Tượng nhỏ đây, không sợ”.
Ba con voi lớn, có lẽ là voi mẹ, voi bố và voi cùng bầy đàn lâu đời dàn ngang huơ ba cái vòi đẫm bùn về phía Suman, đồng thời kêu to ba tiếng khẩn cầu. Phía sau chúng là voi con vẫn nằm im dưới hố sâu.
Suman chắp hai tay phía trước ngực, nói một tràng tiếng sóc Po, mới quay lại ra hiệu cho Lâm Kỳ và các chàng trai cùng đi.
Lâm Kỳ hăm hở đi trước, đến gần ba con voi lớn, bắt chước Suman, Lâm Kỳ chắp hai tay trước ngực, nói:
Chúng tôi đi cứu ông Tượng nhỏ đây. Ráng đợi nhé.
Lâm Kỳ nhìn thấy mấy giọt nước mắt to tướng lăn dài trên má voi con, có lẽ là voi mẹ.
Suman bảo mọi người dùng cành cây, xà búp, khơi thành cái rãnh, bề ngang bằng bề ngang con voi, chiều sâu giáp mí voi con đang nằm im, hai mắt nhắm nghiền, thở thoi thóp. Mất gần ba tiếng đồng hồ, dưới cái nắng như đổ lửa, cái rãnh vẫn còn cách chỗ voi con hơn hai thước. Voi con giật mình mở mắt nhìn Lâm Kỳ như cám ơn và giục: “ Lẹ lên anh, em mệt lắm rồi, bị nạn từ nửa đêm đến giờ, đói mệt”. Lâm Kỳ gật đầu, bảo nó: “Ráng đợi chút nữa. Anh cũng mệt muốn đứt hơi đây. Đêm hôm sao không cẩn thận?”. Ba voi lớn thấy các chàng trai mệt mỏi, mồ hôi, mồ kê đẫm đầu cổ, tóc tai, bèn ra hiệu cho nhau dùng ba chiếc voi dài, to luồn xuống cái rãnh, phụ múc bùn đất phun ra xa.
Gần hai tiếng đồng hồ nữa, cái rãnh đã chạm lưng voi chon đang thoi thóp, cái bụng phình ra, hóp vô liên tục. Đôi mắt tròn, đỏ độc của voi con nhìn mắt Lâm Kỳ. Vẫn hai giọt nước mắt to tướng lăn dài trên lớp bùn đặc quánh.
Suman vào rừng gần đấy, dùng dao cắt hành chục sợi mây, dây gùi già, bện lại thành dây chão, bảo Lâm Kỳ lần xuống luồn dây qua bụng voi con. Lâm Kỳ làm theo, bảo voi con: “Bình tĩnh ông Tượng nhỏ. Sắp thoát nạn rồi đó”. Voi con thở phì phò, chớp mắt chờ đợi mặc cho Lâm Kỳ luồn nhiều vòng dây mây, dây gùi qua bụng, buộc thành mối choàng qua nách non.
Suman trao đầu các mối dây cho ba voi lớn, bảo:
- Có hiệu thì cùng kéo con lên, sức chúng tôi không kéo nổi đâu.
Các chàng trai sóc Po, Suman, Lâm Kỳ dạng chân chèo phía trước ba chiếc vòi của ba voi lớn, Suman la lớn, “kéo nào”.
Ba chiếc vòi của ba voi lớn quay nhiều vòng vào dây mây, dây gùi, lùi lại phía sau. Sợi dây căng thẳng đến phát sợ: có chịu nổi không?
Suman lại ra lệnh: “kéo, kéo mạnh”.
Voi con trườn sền sệt trên lớp bùn quánh, chồm người vào lòng rãnh, nhích được hơn thước trong tiếng reo hò của Lâm Kỳ, tiếng “téc” vui mừng của ba voi lớn.
Bây giờ, theo hiệu lệnh của Suman và Lâm Kỳ, ba voi lớn kéo voi nhỏ chạy te te ra khỏi lòng rãnh mới dừng lại. Lập tức, ba chiếc vòi xúm lại hút sạch bùn, nước đen khắp thân thể voi con, xốc cho voi con đứng dậy. Voi con run bần bật, lảo đảo một lúc mới tin rằng mình đã được con người cứu sống. Voi mẹ ra hiệu bằng tiếng kêu trầm trầm, âm vang. Lập tức, voi con giơ cao chiếc vòi về phía Lâm Kỳ, Suman và các chàng trai sóc Po kêu mấy tiếng, có lẽ lời cám ơn cứu mạng.
Lâm Kỳ cảm động quá suýt rơi nước mắt, bước đến vuốt ve voi con. Voi con dùng vòi hút lớp bùn, mồ hôi khắp chân, tay, đầu cổ Lâm Kỳ.
Thế rồi, ba voi lớn xâu ba chiếc vòi thành cái võng, voi con nằm trên đấy, chào giã từ Suman, Lâm Kỳ và các chàng trai sóc Po. Suman và các chàng trai sóc Po hình như đã quen cảnh “hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly” thế này nhưng Lâm Kỳ thì bùi ngùi, luyến tiếc trông theo ba thớt voi lớn khiêng voi con trên ba chiếc vòi xâu lại, chỉ còn thiếu tiếng ru của mẹ nữa thôi. Lâm Kỳ nghĩ thế.
Đêm trăng ấy, dân sóc cùng gia đình Lâm Huỳnh đang vui dưới cánh rừng thoáng đãng, đẹp mắt, nghe Suman kể chuyện Lâm Kỳ, Suman và các chàng trai sóc Po cứu mẹ con, bố voi con, được voi bố, voi mẹ, voi con lạy tạ ơn, tự dưng ông già Bách quỳ sụp xuống dưới chân Lâm Kỳ, hai tay chắp trước ngực, rồi quay bốn hướng núi rừng, xá xá thành khẩn. Lâm Kỳ nhảy dựng lên tại chỗ kêu oai oái:
- Ông làm cái gì kỳ cục vậy?
Ông Kỳ Ngoại hoảng hồn, lât đật chạy lại, hai tay đỡ ông già Bách đứng dậy, nói:
- Ông làm cái gì kỳ cục vậy? Nó là con cháu của ông, của sóc Po kia mà?
Ông già Bách vẫn cúi lạy bốn phương trời bốn lay, mới đứng dậy. Dân sóc Po cũng kinh ngạc không kém, nhìn Lâm Kỳ chằm chằm. Bà mẹ Lâm Kỳ gần như ngất xỉu trước thái độ thần bí của ông già Bách. Lâm Huỳnh vội vàng lấy nước cho bà uống, an ủi bà: “mẹ kìa, không sao đâu, mỗi chút mẹ lại ngất xỉu thế này, sống sao thấu giữa núi rừng này hả mẹ?” bà mẹ uống chút nước, thì thầm vào tai con gái:
- Mẹ sợ lắm. Thần linh, muông thú, bùa ngải độc, cạm bẫy khắp nơi. Mẹ sợ Lâm Kỳ nó bị cuốn vào núi rừng huyền bí này, phiền lắm đó con…- Ngập ngừng giây lâu, bà nói tiếp, chỉ đủ cho con gái nghe- Mẹ sợ họ tôn Lâm Kỳ làm Thủ lĩnh vùng rừng núi này mất. Mẹ nghe ông già Bách và Suman nhiều lần bảo: “ Thằng Lâm Kỳ có số làm Thủ lĩnh bộ tộc sóc Po, sóc Pan, cả làng Tri Ân”.
Ông già Bách ngồi giữa. Vòng trong, vòng ngoài, dưới ánh trăng thượng huyền, dân sóc và cả gia đình Lâm Kỳ nghe ông già Bách trịnh trọng kể:
-…. Bốn mà rẫy trước có hơn chục ông Tượng từ trên thượng huyền kéo về đây sinh sống. Thuở ấy, bị hạn hán, lúa trên rẫy không mọc được. Khoai củ, trái cây, lá tre, rừng cũng khô héo. Thần lửa nổi giận đốt cả một cánh rừng. Mười ông bà Tượng chạy về sóc Po mình nương thân. Lúc ấy có ba tên buôn vai, muối đổi hạt ươi, mật gấu nhung nai đang ở tạm trong sóc. Trông thấy mười ông Tượng run rẩy, gầy cồm nẩy lòng khinh khi. Một đêm bọn buôn vải, muối lén lấy cắp cây ná thần của sóc bắn tên độc giết chết một ông Tượng….Giàng ơi, chín ông bà Tượng còn lại xông vào sóc po chà nát lều lán, gạo, lúa, đập bể ống tre chứa nước. Ba tên thương buôn khôn ranh chạy mất, bám kè theo sông Đạ Đồng về xuôi. Còn lại dân sóc po chẳng biết minh oan làm sao. Liên tiếp bảy ngày bảy đêm, chín ông, bà Tượng cứ xông vào sóc để báo thù ông Tượng đã bị giết bằng tên tẩm thuốc độc. Thuở ấy, Suman đang đi tìm cánh rừng khác tạm lánh cái hạn, nạn cháy rừng, không có ở sóc…Có ba cô gái, ba thằng con trai bị chín ông bà Tượng chà nát để trả thù. Trong số chín ông, bà Tượng ấy, có một bà đang bụng chửa trả thù hung hãn nhất.
Mấy mùa rẫy qua, cac ông bà Tượng đi đâu không biết. Nhưng thỉnh thoảng tôi đi rừng vẫn lo sợ nhìn thấy dấu chân, phân của các ông, các bà. Thế nào, các ông, các bà cũng đến để trả mối thù xưa… Giàng ơi, phúc đức quá, nay nhờ có Lâm Kỳ có tấm lòng nhân hậu, ra tay cùng sóc Po cứu ông Tượng con và các ông bà Tượng khác đã khắc nhớ mối thù năm xưa, đã cám ơn Lâm Kỳ, hứa bỏ hết oán thù xưa. Vì thế mà tôi thay mặt dân sóc quỳ dưới chân Lâm Kỳ cám ơn tấm lòng từ bi của Lâm Kỳ…Từ nay, ta không còn nơm nớp lo sợ sự trả thù của các ông, các bà Tượng ấy nữa..
Thật hết sức bất ngờ, cả sóc Po bỗng quỳ rạp dưới chân Lâm Kỳ, ông Kỳ Ngoại, bà mẹ Lâm Kỳ và cả Lâm Huỳnh.
Bà mẹ Lâm Kỳ, ông Kỳ Ngoại và Lâm Huỳnh vội vàng chạy đến đỡ từng người sóc Po đứng dậy. Lâm Huỳnh mếu máo vì xúc động bảo Suman:
- Suman nói cho mọi người đừng làm thế, gia đình chúng tôi mắc tội đấy, nói đi.
Suman đành phải giải thích một lúc lâu, dân sóc Po mới chịu đứng dậy, tiếp tục vui vẻ cùng nhau. Lâm Huỳnh âm thầm chú ý, từ lúc đó mọi người có thái độ khác hẳn với Lâm Kỳ, bố, mẹ và cả Lâm Huỳnh nữa. Đôi mắt họ nhìn Lâm Kỳ vẻ đắm đuối như cái nhìn của người sông Hồng khi vào chùa chiền, của Phật vậy. Cô đâm sợ, nhớ lời nói của mẹ. Mẹ sợ quá, họ sẽ dẫn Lâm Kỳ chúng ta đi tới đâu, theo con đường nào hở con?
Ông Kỳ Ngoại cũng bối rối không kém. Nhưng tuyệt nhiên ông không dám tỏ lời phản đối thái độ của ông già Bách, của Suman và của dân sóc Po. Không nên động đức tin của họ- ông tự dặn mình thế.
Riêng Lâm Kỳ chú chẳng để ý đến thái độ khang khác của mọi người đối với chú. Chú cũng chẳng để tâm đến tuổi tác, sức vóc cao lớn của mình. Ban đêm, chú vẫn thích nằm ngủ cạnh mẹ, cạnh chị và bố như ngày nào. Có lần, khi hai chị em nằm ngắm trăng soi qua kẽ lá rừng, chú cười khúc khích bảo chị:
- Em thích cuộc sống này lắm chị. Em thấy thoải mái như con chim rừng, cứ muốn cất cánh bay, giang cánh lượn gió trên trời cao kia. Chị có thích thế này không?
Thấy Lâm Huỳnh ngạc nhiên nhìn mình, chú trở người, lại cười:
- Chị nhìn gì thế? Chị nghĩ gì thế? Anh Suman hở chĩ? Em thích anh Suman lắm..Chị biết không? Mấy tháng nay khi đi rừng anh Suman thường nói về chị lắm đó. Anh Suman lén tập mặc áo như chúng ta như người làn Tri Ân, người sông Hồng đó. Có lần em hỏi tại sao trước đây anh bảo mặc áo ngứa ngáy, khó chịu, bị rang buộc. Anh Suman nói: “ trước khác, giờ khác. Trước chưa có chị Lâm Huỳnh, giờ có chị Lâm Huỳnh của em…”
Nhìn đôi má đỏ lựng của Lâm Huỳnh, Lâm Kỳ cười thích thú, trêu chị:
- Chị lại đỏ mặt kìa? Em biết rồi. Trước đây chị có đỏ mặt bao giờ đâu, bởi vì trước không có Suman, giờ có Suman phải không chị?
Lâm Huỳnh cấu nhẹ vai em, bảo nhỏ:
- Nói bậy hoài, mẹ biết được bị đòn nứt đít đó
- Chị khỏi sợ. Mẹ biết hết, bố biết hết.
- Biết gì?
- Biết gì thì chị biết, hỏi em làm gì?
- Thằng quỷ
- Vâng, thằng quỷ. Thằng quỷ nhưng Thánh lắm đấy
- Đừng nói bậy em, sao em tự cho mình là Thánh?
- Lỡ miệng thôi, làm gì mà chị sợ dữ vậy? Em có làm Thánh đâu kia chứ?
Và Lâm Kỳ cười hệch hạc, ngửa mặt nhìn trăng, bâng quơ:
- Nhớ cái đêm em với anh Suman nằm trên chạc ba cây cẩm lai cổ thụ buồn cười không chịu được…
- Chuyện gì?
- Đêm khuya, sương rơi lộp độp, gió thổi mạnh, anh Suman ư ử học hát mấy câu ca dao hay lắm, mùi lắm. Anh Suman rang uốn lưỡi cho giọng nói đúng tiếng chị em mình, hát nghêu ngao: “Trai khôn tìm vợ chợ đông, Gái khôn tìm chồng giữa chốn non cao”.
- Học của anh chàng Tứ Hải đấy. Hôm ở làng Tri Ân, chị nghe anh chàng Tứ Hải ngâm nga câu hát ấy giữa các cô gái Tri Ân…Rồi anh Suman của em còn hát gì nữa?
- Còn, nhiều lắm..Hát suốt đêm..”Rồng nằm ngoài Huế, Ngựa tế Đồng Nai. Nước sông sâu sao lại chảy hoài? Thương người xa xứ lạc loài tới đây. Tới đây thì ở lại đây. Bao giờ cạn nước Đồng Nai thì về…” Chị thấy có hay không? Có mùi không?
Lâm Huỳnh bâng khuâng nhìn trăng chui ra từ một đám mây, không trả lời…..
Thuở Hồng Hoang Thuở Hồng Hoang - Hoàng Văn Bổn