There is always, always, always something to be thankful for.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Franz Kafka
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: sach123
Upload bìa: sach123
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2689 / 107
Cập nhật: 2019-05-14 10:20:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ất cả đều quá vụn vặt, quá xa với việc chính. Mọi sự cứ tiếp tục diễn ra như vậy cho đến hết trung học phổ thông, mà thực tế nhiều lúc con chỉ trườn qua được bằng bệnh chóng mặt. Rồi tất cả khựng lại. Giờ con được giải phóng. Thực ra mặc những áp lực học hành ở trường phổ thông, con vẫn chỉ luôn quan tâm tới chính bản thân mình thôi, tương tự như bây giờ, khi con được giải phóng. Nghĩa là con không hề có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp thực sự, vì con biết: Con dửng dưng với tất cả những gì không phải việc chính, cũng như con dửng dưng với tất cả những gì được học ở trường, bởi vì rốt cuộc mục đích của việc học chẳng qua chỉ là làm sao tìm được một nghề cho con nhiều cơ hội nhất để tiếp tục sự dửng dưng này mà không làm tổn thương lắm đến lòng kiêu ngạo của mình. Vì vậy môn Luật là lựa chọn khả dĩ hơn cả. Vài nỗ lực ngược lại củalòng kiêu ngạo và niềm hi vọng vô nghĩa, như mười bốn ngày học Hóa hay nửa năm học Đức học, chỉ củng cố thêm sự xác tín sẵn có. Vậy là con học Luật [21]. Có nghĩa là cứ vài tháng trước kì thi, đầu óc con lại bị dần mủn ra như mùn cưa vì căng thẳng thần kinh quá độ, như thể con bị nhai nát bởi hàng nghìn cái miệng. Nhưng theo một nghĩa nào đó, nó lại làm con thấy ngon miệng, cũng như trong trường học phổ thông trước đây và trong nghề công chức sau này, bởi vì nó cực kì thích đáng với tâm thế của con. Điều chắc chắn là ở đây con đã luôn có khả năng kì lạ nhìn trước mọi việc; ngay từ bé con đã có đủ những dự cảm rõ ràng về việc học đại học và việc chọn nghề nghiệp sau này. Từ đây con đã không còn chờ đợi được cứu rỗi nữa, con đã bỏ qua sự cứu rỗi từ lâu.
[21] Franz Kafka theo học ngành Luật từ 1901 đến 1906 tại Đại học Đức (Karls-Universität), Praha. - ND.
Nhưng con đã gần như không có dự cảm gì về ý nghĩa và cơ hội của một cuộc hôn nhân có thể có đối với mình. Cú khiếp hãi lớn nhất trong cuộc đời con từ trước đến nay đã ập đến một cách hoàn toàn không chờ đợi. Đứa trẻ dần dần phát triển, những chuyện như thế không hẳn quá khó thấy, đây đó luôn có cớ để phải nghĩ về nó. Nhưng nó lại không nhận ra rằng, điều đó đòi hỏi một sự thử thách dai dẳng, quyết định, và thậm chí là khốc liệt nhất. Trên thực tế, những nỗ lực kết hôn là nỗ lực vĩ đại nhất và đầy kì vọng nhất để con thoát ra khỏi bố, nhưng rồi, tất nhiên, cũng vĩ đại tương đương là sự thất bại của nó.
Bởi vì trong việc này con đã thất bại toàn phần, nên con sợ rằng mình sẽ không thể giải thích cho bố hiểu được những nỗ lực kết hôn của con. Có điều, thành công của bức thư này lại hoàn toàn phụ thuộc vào điều đó, bởi vì, một mặt, tất cả những nguồn lực tích cực của con đã dồn lại trong những nỗ lực kết hôn này, mặt khác, những nguồn lực tiêu cực cũng tụ lại trong giận giữ: sự yếu đuối, sự thiếu tự tin, cảm giác tội lỗi - những tính cách mà con đã miêu tả như là một phần kết quả giáo dục của bố, và chúng làm thành rào chắn vô hình ngăn con với hôn nhân. Việc giải thích còn khó khăn hơn nữa bởi vì con đã nghĩ đi nghĩ lại hết ngày này đến đêm nọ, nghĩ nát óc rồi lại chôn vùi tất cả, đến nỗi giờ đây cứ nghĩ đến con lại thấy rối mù cả lên. Có điều con cũng được an ủi phần nào, vì con nghĩ bố đã hiểu lầm toàn bộ sự việc, nên muốn sửa đổi đôi chút, có lẽ sẽ không quá khó.
Đầu tiên bố nhìn thất bại trong những nỗ lực kết hôn của con như là tiếp nối của một chuỗi thất bại xưa nay. Xét về bản chất sự việc, con không có gì để phản đối bố, với giả định rằng, bố chấp nhận những lời giải thích nguyên nhân của sự thất bại mà con đã trình bày. Quả thật, nó là sự tiếp nối của chuỗi thất bại đã nói, chỉ có điều bố đã đánh giá quá thấp ý nghĩa của việc này, và đánh giá thấp theo cách, mỗi khi ta nói với nhau về việc này thì như thể ta đang nói về hai việc hoàn toàn khác nhau. Con dám cả quyết rằng, trong suốt cuộc đời mình, bố chưa bao giờ trải qua một việc gì hệ trọng như việc kết hôn của con. Như thế không phải con muốn nói rằng, bố đã không trải qua việc gì hệ trọng, mà ngược lại, cuộc đời bố giàu trải nghiệm hơn, nhiều lo lắng hơn, và căng thẳng hơn hẳn cuộc đời con. Nhưng chính vì thế mà ở bố đã không thể xảy ra điều gì tương tự. Cũng giống như người này phải leo lên năm bậc thang thấp, còn người kia chỉ phải leo lên một bậc thang thôi, nhưng lại cao như cả năm bậc thang kia cộng lại. Người thứ nhất sẽ không chỉ vượt qua năm bậc thang, mà sẽ còn vượt qua tiếp một trăm bậc, một nghìn bậc, và y sẽ có một cuộc đời thành tựu, một cuộc đời đầy nỗ lực vượt khó, nhưng không có một bậc thang nào trong số các bậc thang mà y vượt qua lại có được ý nghĩa như bậc thang duy nhất với người thứ hai, bậc thang đầu tiên, bậc thang dựng đứng, bậc thang không thể bước lên được với tất cả sức lực của y. Và y cũng không thể bước lên, và tất nhiên, càng không thể vượt qua.
Kết hôn, xây dựng một gia đình, đón nhận những đứa con được sinh ra, nuôi dưỡng chúng lớn lên trong cái thế giới đầy bất trắc này, hoặc thậm chí chỉ bảo dăm câu ba điều cho chúng, theo con là thành tựu lớn nhất [22] mà một người có thể đạt được trong cuộc đời. Việc nhiều người có vẻ đạt được nó một cách dễ dàng không phải là một bằng chứng chống lại, bởi vì, thứ nhất, không có nhiều người đạt được nó thực sự, và, thứ hai, họ không “hành động” để đạt được điều không thực sự đó, mà đơn giản là nó “xảy ra” với họ. Mặc dù vậy, mặc dù nó không phải là thành tựu lớn nhất theo nghĩa đã nói, nhưng nó vẫn rất lớn, rất đáng tự hào (nhất là con không hề có ý tách bạch giữa “hành động” và “xảy ra”). Mà rốt cuộc, vấn đề hoàn toàn không phải là cái thành tựu lớn nhất này, mà chỉ là một chút xích lại gần nhau giữa người với người, thật xa xôi mà cũng thật tử tế. Người ta không nhất thiết phải đi vào tâm mặt trời, nhưng người ta muốn có một chỗ nhỏ bé sạch sẽ trên mặt đất, nơi mà ánh mặt trời thỉnh thoảng rọi xuống để họ có thể được sưởi ấm phần nào.
[22] Nguyên văn: Das Äußerste: thành tựu bên ngoài lớn nhất. Như đã lưu ý trong một chú thích ở trên, Kafka phân biệt giữa “cái bên ngoài” (das Äußere) và “cái bên trong” (das Innere). Ví dụ, những thành tựu bên ngoài bao gồm: nghề nghiệp, công danh, hôn nhân... Kafka cho rằng, hôn nhân là thành tựu bên ngoài lớn nhất của đời người. -ND.
Con đã chuẩn bị cho việc này như thế nào? Tệ nhất đến mức có thể. Và điều này cũng có nguyên nhân từtrước. Bề ngoài bố không can thiệp gì nhiều vào những việc chuẩn bị cụ thểhay sắp đặt các điều kiện cơ bản cho hôn nhân của con. Mà có muốn làm khác cũng không được, bởi việc này phụ thuộc vào tập quán chung của tầng lớp, dân tộc và thời đại. Mặc dù vậy, ở đây bố cũng có can thiệp, tuy không nhiều, bởi nếu muốn làm vậy thì giữa hai bố con phải có sự tin tưởng đủ lớn, mà điều này thì lại luôn thiếu ở những thời điểm quyết định. Ngoài ra bố cũng không thích điều đó, bởi nhu cầu của chúng ta quá khác nhau. Cái con thích thì bố lại không có cảm giác gì, và nguợc lại. Cái với bố là tự nhiên thì với con lại gây cắn rứt. Cái với bố là vô hại thì lại có thể là nắp quan tài với con.
Con còn nhớ, có lần con đi dạo tối cùng bố và mẹ, ở đoạn quảng trường Josef, gần ngân hàng Länderbank bây giờ, và con bắt đầu nói về những chuyện hay ho [23]. Con nói lớn giọng một cách ngu xuẩn, nói với thái độ tự phụ, kiêu căng, trầm tĩnh (điều này không đúng), lạnh lùng (điều này là thật) và lắp bắp, như mỗi khi con nói chuyện với bố. Con trách bố mẹ đã không chỉ dạy con về chuyện đó, đến nỗi để đám bạn học của con nghĩ rằng, con sắp gặp họa lớn đến nơi (ở đây con đã nói dối không biết ngượng, nói theo cách của con, để tự lên gân mình, bởi vì do bản tính sợ hãi, con đâu có hình dung gì rõ rệt về “họa lớn”, mà cùng lắm cũng chỉ đến mức như những tội lỗi trên giường ngủ [24] thường thấy ở đám thiếu niên thành thị). Cuối cùng con bóng gió rằng, cũng may là bây giờ con đã biết tất cả, con không cần lời khuyên nào nữa, tất cả đã ổn. Chắc chắn con đã nói chuyện đó chủ yếu là vì con thấy có hứng thú, ít nhất là mình cũng dám nói một chút về nó, sau nữa là vì tò mò, và rốt cuộc cũng còn vì con muốn trả thù bố mẹ theo một cách nào đấy, vì một chuyện gì đấy. Bố đã nhìn nhận vấn đề hết sức đơn giản, đúng với bản thể của bố. Bố chỉ nói đại khái, bố có thể cho con một lời khuyên, để con biết cách làm chuyện đó mà không gặp nguy hiểm. Có thể chính con đã muốn gợi ra một câu trả lời như vậy, vì nó hợp với sự rậm rật của một đứa trẻ được ních đầy thịt cá và đủ loại thức ăn ngon, cả ngày không vận động, lúc nào cũng chỉ nghĩ về bản thân mình. Mặc dù vậy con đã tỏ ra cực kì xấu hổ, hay là con nghĩ rằng, mình cần tỏ ra xấu hổ như thế để không phải nói với bố về chuyện đó nữa. Như vậy là con đã cưỡng lại ý muốn của mình. Con đã chấm dứt cuộc trò chuyện với thái độ láo lếu cao ngạo.
[23] Kafka đã lưu ý ở đoạn trước rằng trong bức thư này, sẽ có những chi tiết trong mối quan hệ cha con mà ông phải “im không nói ra”. Có lẽ đó là những chi tiết thuộc loại nhạy cảm, khó nói ra trước mặt cả hai người. Đoạn văn dưới đây đề cậpđến một sự việc thuộc loại khó nói như Kafka đã dùng nhiều từ bóng gió để miêu tả. Vì vậy tôi in nghiêng một số chữ để độc giảtiện theo dõi. - ND.
[24] Nguyên văn: die Bettsünden, chỉ những giấc mộng huê tình ở tuổi dậy thì. - ND.
Thật không dễ để đánh giá câu trả lời ngày đó của bố. Một mặt nó có chút gì đó rất bộc trực, bộc trực đến độ khinh thị, gần giống như ở thời cổ sơ, nhưng mặt khác, xét về bản chất của lời giáo huấn này, nó lại mang tính phủi trách nhiệm trong hoàn cảnh hiện đại. Con không nhớ hồi đó con bao nhiêu tuổi, nhưng chắc là không quá mười sáu. Đối với một thiếu niên như vậy, đó hẳn là một câu trả lời quá đỗilạ lùng. Và vì đây thực ra là bài học trực tiếp đầu tiên, bài học tổng quát về ứng xử trong cuộc đời mà bố dạy cho con, nên nó cũng nói lên khoảng cách giữa hai người. Nhưng ý nghĩa thực sự của bài học đó là gì? Hồi đó con cũng đã có cảm nhận về nó, nhưng phải rất lâu sau con mới dần ý thức được. Nó là thế này: Điều mà bố khuyên con chính là điều bẩn thỉu nhất có thể có, nhưng không phải theo quan điểm của con hồi đó, mà chính xác là theo quan điểm của bố. Việc bố muốn con không mang những thứ bẩn thỉu thân thể về nhà chỉ là phụ. Cái chính còn nhiều hơn thế. Đó là bố nằm ngoài lời khuyên của mình, bố, người đàn ông của hôn nhân, bố trong sạch, đức hạnh, bố đứng trên những thứ đó. Điều này càng trở nên nhức nhối hơn với con hồi đó, có lẽ vì nó làm con thấy hôn nhân thật trơ trẽn, và con không thể nghĩ hôn nhân của bố mẹ mình lại cũng có thể trơ trẽn như vậy, nhất là khi tất cả hiểu biết về hôn nhân của con hồi đó đều chỉ giới hạn trong kinh nghiệm về hôn nhân của bố mẹ. Bằng cách đó, bố càng trở nên trong sạch hơn, siêu vượt hơn. Việc bố có thể áp dụng lời khuyên ấy cho chính cuộc hôn nhân của mình là điều con không thể tưởng tượng được. Nghĩa là bố không còn lấm chút bụi bẩn nào. Và bằng mấy lời thẳng thắn, bố đẩy con xuống đống ô uế đó, như thể con được sinh ra để làm vậy. Nếu thế giới chỉ có bố và con, một hình dung rất gần với tình cảnh của con, thì sự trong sạch của thế giới ấy sẽ kết thúc với bố, và với con, dưới sức nặng lời khuyên của bố, là khởi đầu của sự ô uế. Xét về bản chất sự việc thì không thể hiểu được tại sao bố lại kết án con như vậy. Có lẽ chỉ những lỗi lầm cũ của bố và sự khinh miệt con sâu xa trong bố mới giải thích được. Và thế là con lại quay về cố thủ trong nội tâm sâu nhất của mình, và cố thủ thật chắc.
Ở đây có thể nhận ra rõ nhất sự vô tội của hai ta. A cho B một lời khuyên thẳng thắn, một lời khuyên dựa trên quan điểm sống của A, tuy không phải là một lời khuyên đẹp đẽ lắm, nhưng vẫn là một lời khuyên có ích cho việc giữ gìn sức khỏe vốn còn phổ biến ngay trong cuộc sống ở thành phố hôm nay. Lời khuyên này không thuyết phục B lắm về phương diện đạo đức, nhưng theo thời gian, tại sao y không thể vượt qua được những tổn hại do lời khuyên ấy gây ra? Mặt khác, y cùng không bắt buộc phải nghe theo, và dù thế nào thì một lời khuyên cũng không thể là cái cớ khiến tương lai của y sụp đổ. Mặc dù vậy, vẫn có gì đó đã xảy ra theo hướng này. Đơn giản chỉ vì A là bố, còn B là con.
Con có thể đặc biệt nhìn rõ sự vô tộitừ hai phía này, bởi vì sau hai mươinăm và dưới những hoàn cảnh khác hẳn, giữa hai ta lại có một va chạm tương tự. Việc này thật ghê rợn, nhưng xét trên phưong diện tự nó và cho nó, thì nó lại ít gây hại hơn, bởi vì với một người đã ở tuổi ba mươi sáu như con, nó còn có thể gây hại ở chỗ nào được nữa? Con muốn nói tới cuộc trao đổi ngắn vào một trong những ngày gay cấn sau khi con thông báo ý định kết hôn lần cuối cùng. Bố nói với con, đại khái: “Có lẽ con bé ấy đã diện một cái áo hàng chợ nào đó, mà việc này thì đám con gái Do Thái ở Praha rất thạo, thế là tất nhiên anh quyết định cưới nó. Mà phải cưới thật nhanh, nội trong một tuần, ngay ngày mai, ngay hôm nay. Tôi không thể hiểu được anh. Anh đã là người trưởng thành, anh sống ở thành phố, vậy mà anh không nghĩ ra được đám nào hay ho hơn là đi cưới bất kì một con bé nào đó hay sao? Không còn cách gì khác hơn hay sao? Nếu anh thấy sợ thì để đó tôi, chính tôi sẽ trực tiếp đi cùng anh.” Bố còn nói cụ thể hơn và rõ ràng hơn, nhưng con không còn nhớ được những chi tiết cụ thể nữa, có lẽ con đã bị hoa mắt phần nào, và con gần như chỉ còn để ý nhiều hơn đến mẹ, để ý đến cách mẹ - dĩ nhiên là hoàn toàn đồng ý với bố - đi lui đi tới, lấy cái gì đó trên bàn và đi ra khỏi phòng.
Chưa bao giờ bố lại sỉ nhục con bằng lời nói nặng nề đến thế, và chưa bao giờ bố miệt thị con thẳng thừng hơn thế. Trước đây hai mươi năm, khi bố nói điều tương tự với con, con vẫn còn có thể nhận thấy trong mắt bố chút tôn trọng với một cậu bé thành thị trưởng thành sớm, nhờ lời khuyên của bố có thể đi thẳng vào đời mà không phải đi đường vòng. Nhưng hôm nay, sự quan tâm đó chỉ làm tăng thêm sự miệt thị, bởi vì cậu bé bắt đầu khởi động ngày đó đã dậm chân tại chỗ, và nay nó vẫn không học thêm được chút kinh nghiệm gì trong mắt bố, mà chỉ thêm hai mươi năm thảm hại. Quyết định chọn một cô gái của con không có nghĩa lý gì với bố hết. Bố đã luôn kìm giữ (một cách vô thức) năng lực quyết định của con và giờ đây bố nghĩ (một cách vô thức) rằng, bố biết đánh giá nó. Bố không biết gì về những nỗ lực giải thoát của con theo hướng khác, vì vậy bố cũng không hề biết những suy nghĩ nào đã dẫn con tới dự định hôn nhân này, bố buộc phải tìm cách phỏng đoán nó, và, dựa trên toàn bộ định kiến của bố với con, bố đã đưa ra một lời khuyên thuộc loại kinh tởm nhất, thô bỉ nhất, ngớ ngẩn nhất. Và, cũng theo cách như vậy, bố đã không hề ngần ngừ một giây khi ném thẳng lời khuyên ấy vào mặt con. Thế nhưng nỗi nhục bố gây ra cho con theo cách đó lại vẫn chẳng thấm vào đâu so với nỗi nhục mà theo bố là cuộc hôn nhân của con sẽ gây ra cho thanh danh của bố.
Tất nhiên bây giờ bố có thể đáp trả con dựa trên kinh nghiệm từ những dự định hôn nhân trước đây của con. Và bố cũng làm đúng như vậy: Bố không thể coi trọng quyết định của con khi mà con đã hai lần hủy hôn rồi lại đính hôn với Felice [25], khi mà con đã lôi bố mẹ tới Berlin một cách vô ích v.v... Tất cả đều đúng, nhưng tại sao lại thế?
[25] Felice Bauer: vị hôn thê đầu tiên của Kafka. Trong nguyên bản, Kafka viết tắt tên của Felice là “F.” - ND.
Ý tưởng cơ bản của hai dự định hôn nhân đều rất rõ ràng: Tạo lập một gia đình mới, trở nên độc lập. Ý tưởng đó hẳn cũng làm bố vừa ý, chỉ có điều khi triển khai trên thực tế, nó lại diễn ra như một trò trẻ con, khi mà người này vừa giữ, thậm chí ghì chặt tay người kia, vừa nói: “Nào đi đi, đi đi, sao cậu còn chưa chịu đi?". Và trong trường hợp của chúng ta, nó lại càng trở nên phức tạp, bởi vì từ lâu bố luôn thực sự muốn con “đi đi”, trong khi cũng từ hồi nào, bố đã luôn giữ con, mà nói đúng hơn là kìm giữ con bằng sức nặng bản thể của bố. Nhưng bố không hề biết điều đó.
Tuy rằng cả hai cô gái đều là gặp gỡ tình cờ, nhưng đều được lựa chọn vô cùng kĩ càng. Và đây lại là một dấu hiệu nữa của sự hiểu lầm toàn diện của bố, đến nỗi bố có thể nghĩ rằng, con, kẻ sợ hãi, lưỡng lự, lấm lét đã hộc tốc đưa ra quyết định kết hôn, chỉ vì đắm đuối một cái áo hàng chợ nào đó chẳng hạn. Đúng ra cả hai cuộc hôn nhân đều đã có thể trở thành hai cuộc hôn nhân chín chắn, hiểu theo nghĩa rằng, con đã dùng toàn bộ sức lực để lập kế hoạch cho chúng, ngày cũng như đêm, nhiều năm ròng cho cuộc hôn nhân thứ nhất, và nhiều tháng ròng cho cuộc hôn nhân thứ hai.
Không cô gái nào trong hai người làm con thất vọng, chỉ có con làm cả hai thất vọng. Hôm nay con vẫn đánh giá họ y như ngày nào, khi con muốn cưới họ.
Cũng không phải trong dự định hôn nhân lần sau, con đã coi nhẹ kinh nghiệm của thất bại lần đầu. Nghĩa là con không hề nhẹ dạ. Hai trường hợp vốn khác hẳn nhau, chính những kinh nghiệm lần trước đã cho con hi vọng vào lần sau, bởi lần này có nhiều hứa hẹn hơn hẳn. Thôi, con không muốn nói tới những chi tiết cụ thể ở đây.
Vậy tại sao con không kết hôn? Đã đành trong việc này cũng như trong mọi việc khác luôn có những trở ngại, nhưng chẳng phải sống là luôn sẵn sàng đón nhận những trở ngại đó sao? Nhưng đáng tiếc là trở ngại căn bản nhất, không phụ thuộc vào các trường hợp cụ thể, là có lẽ về phương diện tinh thần, con không có khả năng kết hôn. Điều này được thể hiện ra ở điểm, kể từ lúc quyết định kết hôn, con đã không thể ngủ được, đầu nóng hầm hập suốt ngày đêm, đó không phải là cuộc sống nữa, con chao đảo trong tuyệt vọng. Nguyên nhân thật sự không phải do lo lắng, thực ra đã có vô số lo lắng do bản chất cù lần và chấp nhặt của con, nhưng chúng không đóng vai trò quyết định, chúng chỉ như những con giun hoàn tất nốt việc ăn xác chết, nhưng ra đòn quyết định với con lại là cái khác. Đó là áp lực chung của sự sợ hãi, của sự yếu đuối, của sự tự ti.
Con xin cố gắng giải thích rõ hơn: Xét trong mối quan hệ của con với bố, có hai thứ dường như đối nghịch nhau đã va chạm mạnh trong nỗ lực hôn nhân này, mạnh hơn ở bất kì nơi nào khác. Hôn nhân chắc chắn là tiền đề cho sự tự giải thoát và sự độc lập rõ ràng nhất. Con sẽ có một gia đình, cái theo con là cái cao nhất mà người ta có thể đạt được, con sẽ bình đẳng với bố, tất cả những nỗi nhục nhã và đè nén cũ (mà luôn mới) sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Đó hẳn sẽ là một chuyện cổ tích, nhưng chính thế nó đã ẩn chứa điều đáng ngờ trong đó. Muốn thế là muốn nhiều quá, nhiều đến mức không thể đạt được. Ví như một kẻ bị cầm tù, y không chỉ muốn vượt ngục (điều mà y có thể đạt được), mà y còn muốn, phải, muốn cùng lúc sửa sang nhà tù thành một lâu đài khoái lạc cho riêng mình. Nếu y vượt ngục, y không thể sửa sang; còn nếu y sửa sang, y không thể vượt ngục. Nếu con muốn độc lập khỏi mối quan hệ đặc biệt khó khăn với bố, con phải làm sao để không còn quan hệ với bố nữa; hôn nhân tuy là cái lớn nhất, khả dĩ mang tới sự độc lập danh giá nhất, nhưng đồng thời nó lại đứng trong quan hệ gần gũi nhất với bố. Bởi vậy, muốn thoát khỏi đây thì chỉ có là điên rồ, và mỗi thử nghiệm đều sẽ bị trừng phạt.
Nhưng chính mối quan hệ gắn bó này lại phần nào thúc giục con kết hôn. Con tưởng tượng, giữa hai ta sẽ hình thành sự bình đẳng danh giá, mà bố sẽ là người biết đánh giá nó hơn ai hết, và điều này sẽ thật đẹp đẽ, bởi vì con sẽ trở thành đứa con tự chủ, hiếu thảo, vô tội, kiêu hãnh; còn bố sẽ là một người cha không bị ức chế, không còn tính bạo chúa, đầy cảm thông và hài lòng. Nhưng để đạt được mục đích đó thì ta phải trở lại từ đầu, phải làm tất cả những gì đã diễn ra không được diễn ra nữa. Nghĩa là, phải làm cho hai ta bị xóa sạch.
Bao lâu mà hai ta vẫn còn như hai ta bây giờ, thì hôn nhân sẽ là cái bị khóa kín trước con, bởi nó thuộc lãnh địa riêng của bố. Đôi khi con hình dung ra một tấm bản đồ địa cầu và bố nằm dang rộng trên đó. Và con có cảm giác rằng, cuộc đời con chỉ được dành cho những vùng đất không bị bố che lấp, hoặc nằm ngoài tầm với của bố. Và, tương xứng với hình dung của con về tầm vóc khổng lồ của bố, những vùng đất như vậy không có nhiều; đó là những vùng cằn cỗi, chẳng mấy hứa hẹn, và nhất là hôn nhân thì không có chỗ ở đó.
Chính sự so sánh này đã chứng minh con không hề muốn nói rằng, bố đã đuổi con ra khỏi hôn nhân như bố đã từng đuổi con ra khỏi cửa hàng bằng tấm gương của mình. Ngược lại thì mới đúng, dù giữa hai trường hợp có những điểm tương đồng nhất định. Con luôn thấy nhiều điểm mẫu mực trong hôn nhân của bố mẹ, mẫu mực về chung thủy, về giúp đỡ lẫn nhau, về số con, ngay cả khi các con đã trưởng thành và ngày một quấy rối nhiều hơn, thì hôn nhân của bố mẹ, xét về phương diện mẫu mực, vẫn không hề bị tác động. Có lẽ con đã xây dựng một khái niệm cao về hôn nhân dựa trên tấm gương hôn nhân của bố mẹ. Nhưng việc con khao khát hôn nhân đến phát cuồng lại có lí do khác. Nó nằm trong mối quan hệ giữa bố với các con, vốn là nội dung của toàn bộ bức thư này.
Thư Gửi Bố Thư Gửi Bố - Franz Kafka Thư Gửi Bố