Số lần đọc/download: 1385 / 7
Cập nhật: 2017-05-25 16:43:32 +0700
Chương 6 - Giữa Biển Khơi
M
ãi đến lúc chiếc tàu chiến mang biển số FA951 chở trên 100 tù binh rời cảng Hải Phòng, mọi người mới biết là bọn giặc Pháp đưa tù binh đi đầy ra Côn Đảo. Hành trình con tàu này, theo bọn lính cho biết là còn rẽ vào cảng Đà Nẵng và vào cảng Sài Gòn để tiếp thêm xăng dầu, lương thực, thực phẩm và nhận thêm tù binh. Bọn chúng sợ để tù binh ở đất liền dễ bị Việt Minh cho quân đến phá vây giải phóng tù binh hoặc sợ tù binh nổi loạn cướp ngục và chạy trốn. Chúng phải giữ khối tù binh này, trước hết là để tuyên truyền chiến thắng của chúng, bằng những bằng chứng tù binh cụ thể người thật việc thật. Sau nữa là để làm binh vận, dụ dỗ, ép buộc bọn nhát gan đầu hàng, khai báo các cơ sở và bí mật quân sự của ta, một số là cái lưỡi tuyên truyền địch vận, kêu gọi Việt Minh cộng sản về hàng "Quốc gia". Tiếp sau nữa là để bổ sung vào lực lượng quân đội của chúng khi cần thiết, chí ít cũng để làm loại lao công phục vụ mặt trận như làm đường, bốc vác vận tải, đào hầm hố, làm công sự hoặc cho đi trước làm bia đỡ đạn cho chúng đi càn hoặc phòng ngự trận địa. Cuối cùng số tù binh còn để mặc cả với đối phương khi hai bên có những cuộc đình chiến hoặc thương lượng, làm con tin, trao đổi tù binh để chuộc lại những sỹ quan và binh lính Pháp này khi cần thiết - mà cuộc chiến tranh nào từ xưa tới nay cũng đều xảy ra như vậy.
Vì thế những nhà chiến lược của quân viễn chinh Pháp đã phải điều tù binh ra đầy mãi Côn Đảo, Phú Quốc và các quần đảo xung quanh. Họ còn dự định đưa tù binh sang đầy biệt xứ mãi đảo Guyame một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ. Nơi có những nhà ngục cấm cố khét tiếng tàn bạo khốc liệt nhất từ trước tới nay trong cái thuộc địa của đế quốc Pháp, như các nhà ngục của đảo Cayen, Xanh Lô Răng...v.v.
Những tù binh được xích tay vào nhau thành từng sâu 10 người một, rồi lại bị xích vào móc cáp hoặc xích tầu mỗi khi được lên boong. Khi tầu còn ở bến, tất cả đều bị cùm chân và khoá tay ở dưới hầm tầu, nơi người ta chở hàng hoá, xúc vật. Chỉ đến khi tàu đã ra khơi thật xa bờ, bọn lính mới cho tù binh lên boong để thở hít không khí trong lành và chịu đựng nắng nóng và sóng gió biển. Nhưng đến đêm, lúc trời mát thì họ lại bị cùm và nhốt dưới hầm tàu, chật ních và ngột ngạt. Trong ngày đầu hầu hết tù binh đều bị say sóng, nôn oẹ và ỉa đái ra đầy boong, đầy hầm tàu, mùi nồng nặc chua loét, làm cho họ đã mệt vì say sóng lại bị mệt thêm vì ô uế hôi thối. Họ cứ nằm lịm người đi, chồng chất lên nhau ngổn ngang như một đống xúc vật bị chết thiu chết thối.
Mãi đến ngày thứ hai ngày thứ ba, số người bị say sóng mới dần dần giảm đi. Các tù binh đã đi lại được trên tàu, họ đã ăn uống được và cười được, họ kể chuyện và cả ca hát nữa, để động viên nhau giữ vững tinh thần, sống mà ra đến đảo, sống mà chịu đựng để hy vọng có ngày còn được trở về quê hương xứ sở. Có người cầu Chúa và cầu Trời khấn Phật phù hộ độ trì cho con tàu được thuận buồm xuôi gió, sóng yên bể lặng, không gặp phải giông tố dập vùi, không bị đắm tàu để khỏi phải làm mồi cho cá.
Đen cũng bị say sóng, nhất là sức anh lại yếu hơn nhiều người, nhưng anh cố gắng chịu đựng không kêu ca phàn nàn, không la hét rên rỉ và chịu nằm yên bất động để giữ gìn sức lực bớt bị tiêu hao khi không cần thiết, để tăng thêm nghị lực chịu đựng. Anh cố gắng im lặng không muốn xuất đầu lộ diện, đề phòng bị lộ mặt, rủi quanh đây có tai vách mạch rừng, trong đám tù binh và binh lính có đứa nào nhận ra anh là "Kẻ tử tù trọng án" mới được trà trộn trả về đây lúc nhốn nháo chuẩn bị chuyển tù, rồi báo cho tên Bội và cơ quan an ninh phòng nhì của Pháp biết thì rất nguy hiểm, có thể bị bắt lại hoặc xử bắn ngay tại chỗ, không những mình bị hy sinh mà cả viên sỹ quan trẻ tuổi kia cũng có thể bị liên quan nữa. Vì thế anh hết sức tránh những đám đông ồn ào, những cuộc tranh cãi hoặc trò chuyện cười đùa đông người ầm ĩ.
Tuy nhiên sang ngày thứ ba, khi sức khoẻ đã bình phục khá hơn, nếu cứ nằm ủ rũ mãi thì cũng buồn và càng làm cho tinh thần thêm căng thẳng, mệt mỏi và chán nản, nên khi thấy nhiều người xung quanh cũng rầu rĩ như đám ma, thì anh đã lên tiếng tham gia nói chuyện để lôi kéo mọi người để xua tan những nỗi đau buồn uỷ mị và tuyệt vọng đi. Vốn tính hay châm biếm và đả kích đối phương; Đen liền kích động một tên sỹ quan và mấy tên lính ngồi quanh đó bằng câu nói bâng quơ:
- Con tầu này vững trãi và chắc chắn lắm, đúng là tàu chiến có khác, trang bị ngập răng, giữa trời nước mênh mông thế này mà vẫn còn sợ cánh tù binh chạy trốn, nên họ mới khoá tay khoá chân cánh mình kỹ thế này đấy; quân lính đông thế kia, súng ống nhiều như vậy mà họ vẫn còn sợ cánh mình, quả là mấy ông nhát thật đấy!
- Ôi dào, chẳng sợ đếch gì các anh đâu - một tên lính hưởng ứng câu nói của Đen, làm anh phấn khởi tự nhủ, thế là có kẻ tham chiến rồi, dừng một lát, nhìn vào mặt Đen, tên lính lại nói tiếp - Nhưng mà cẩn tắc vô áy náy, biết đâu lại có ông nhảy xuống biển làm mồi cho cá mập thì sao, cho nên cứ khoá chặt tất cả lại là yên trí nhất!
Đen lại tấn công tiếp:
- Tàu rộng chắc chắn thật đấy, nhưng chở nặng như thế này, chỉ cần gặp cơn bão gió cấp 5 cấp 6 cũng có thể bị chìm, hoặc chỉ cần một hai quả đạn pháo của Việt Minh trong bờ bắn trúng là đắm ngay. Vậy cánh tù binh khoá từng sâu, từng đàn như thế này thì làm sao mà bơi nổi, chắc chắn sẽ chết chìm hàng loạt mà thôi. Cái cảnh đi ra khơi thì sợ sóng, mà phải đi gần bờ thế này thì cũng dễ ăn đạn pháo lắm đây!
Quả nhiên, đúng như Đen dự đoán, bọn lính phản ứng nhao nhao lên:
- Ê, các anh có chết chìm hàng loạt chúng tôi cũng cóc cần. Đã được lệnh phải xích phải khoá thì cứ xích cứ khoá. Ai ra lệnh người ấy chịu trách nhiệm. Chúng tôi chẳng phải là người ra lệnh mà lo!
- Này, các anh có bị chết hàng loạt thì càng quấn vào nhau càng nặng, càng dễ chìm xuống đáy biển, khỏi bị cá ăn thịt hoặc bị nổi trôi lềnh bềnh cho quạ rỉa chứ sao!
- Bọn tù binh chúng tôi bị trói vào nhau nên được chết chìm, còn bọn các ông không được trói nên chỉ được chết nổi, chắc chắn làm mồi cho quạ rỉa rồi.
- Ôi, cái tàu này mà bị bão hay bị đạn pháo bắn đắm thì dù có bị xích hay không cũng đều phải xuống gặp con vua thủy tề cả, có đúng không nào?
- ừ đúng đấy, chẳng cứ các anh tù binh bị chết chìm mà cả bọn lính chúng tôi cũng chẳng chết nổi đâu, xem đây này nào súng ống, nào đạn dược, nào dao găm, lựu đạn, lại còn quân phục, giầy đinh cao cổ, xắc cốt nữa, chẳng nhẹ nhàng gì hơn!
- Súng ống đạn dược thì kể làm gì, tàu đắm thì vứt mẹ nó đi, cởi hết cả quần áo ra mà bơi chứ chịu à?
Đen đã đạt được điều mong muốn, phá tan sự im lặng nặng nề của mấy toán tù binh ngồi ở một góc tàu phía trên boong. Lập tức đề tài này được cả tù binh và binh lính kể cả sỹ quan và thuỷ thủ trên tàu đều bàn tán sôi nổi:
- Phải đấy, cứ bị trói bị xích thế này thì nếu chẳng may mà tàu đắm thì sẽ bị chết chìm hết.
- Sẽ có máy bay đến cứu!
- Liệu có kịp điện báo cho máy bay đến cứu không?
- Máy bay có đến kịp thì cũng chẳng cẩu hàng chục người lên một lúc được, mà chờ được máy bay đến thì cũng chết chìm cả rồi.
- Hồi bé mình ở nhà chỉ có hai thằng, mình với một thằng bạn, khi bị ngã xuống cầu ao, mặc dầu mình biết bơi mà không bơi được vì thằng kia nó cứ bám lấy mình kéo xuống, xuýt nữa chết đuối nếu không có người lớn đến vớt.
- Mình đã đi vớt người chết đuối, đã không vớt được, tý nữa lại bị chết đuối theo, vì cô gái bị đuối cứ ôm chặt lấy mình làm mình không thể bơi được. Lúc cả hai bị chìm xuống đến đáy sông, sắp chết đuối mới sực nhớ lời thầy dậy, mình mới vung tay đấm một cái thật mạnh vào thái dương làm cho cô ta choáng ngất đi, mới buông rời mình ra, mình mới nhoi lên mặt nước thở được, rồi lặn xuống túm lấy tóc cô ta mà kéo mới bơi vào bờ được.
- Thế mà cả sâu hàng chục người như thế này thì chết ngay từ phút đầu tiên.
Cuộc bàn tán sôi nổi chẳng mấy chốc tự dưng biến thành cuộc biểu tình đấu tranh của tù binh đòi cởi trói mở khoá mở xích trong lúc tàu ở ngoài khơi.
- Yêu cầu cởi xích cho tù binh được tự do.
- Giữa trời nước mênh mông thế này tù binh không thể trốn thoát được, đề nghị các ông hãy cởi xiềng xích cho anh em để đề phòng tai hoạ tàu bị đắm, bị cháy hay bị đạn, để bảo đảm cho an toàn tính mệnh cho anh em.
- Nếu anh em tù binh chúng tôi bị chết, chắc hẳn các ông cũng không thể được yên thân, chúng tôi mong các ông hãy chiếu cố tới điều hợp tình hợp lý có lợi cho cả đôi bên đó...
-...!
Cuộc đấu tranh của tù binh được cả anh em sỹ quan và binh lính đồng tình ủng hộ. Phần vì sợ tù binh nổi loạn trên tàu, phần vì lo trách nhiệm nên cuối cùng tên đại uý HenRi chỉ huy trên tàu cũng phải nhượng bộ, trừ khi tàu vào cảng hoặc đậu lại ở cảng thì tù binh vẫn bị xích như cũ, còn khi nào tàu đi ngoài khơi thì các tù binh được cởi trói. Mọi người đều phấn khởi reo hò ầm ĩ náo nhiệt cả trên tàu. Họ múa hát, ngâm thơ, đóng kịch, chơi đàn, liên hoan văn nghệ suốt đêm để mừng tự do, tháo khỏi xiềng xích, dù chỉ trong một vài giờ một vài ngày.
Mọi người đều chúc mừng Đen, vì họ cho rằng anh là người đã có sáng kiến khơi mào và lãnh đạo khôn khéo cuộc đấu tranh đó. Không cần la hét rùm beng mà lại thắng lợi. Nhưng chính Đen cũng không ngờ kết quả của câu chuyện châm biếm đả kích ấy lại dẫn đến thắng lợi to như vậy. Anh phải vội vàng trốn lủi vào đám đông để dấu mặt không được xuất đầu lộ diện, việc cảnh giác lúc này càng làm cho anh thận trọng hơn. Càng ít người biết mặt biết tên anh càng tốt. Trong khi mọi người đang vui mừng phấn khởi vì thắng lợi của cuộc đấu tranh thì anh lại phải im hơi lặng tiếng, bằng cách giả vờ bị ốm để được nằm im trong một xó tối, để ngủ và để suy nghĩ một kế hoạch táo bạo hơn. Thắng lợi của việc cởi xiềng xích, chính là tiền đề của một ý định, chạy trốn ngay giữa biển khơi, nơi bọn địch chủ quan sơ hở nhất. Liệu Đen có nghĩ ra được một phương án nào cho riêng anh không, hỡi cái đầu thông minh và táo bạo?
* * *
Hoang đảo
Anh tỉnh dậy bỗng thấy mình nằm trên hoang đảo, không hiểu lý do nào đã đưa anh đến đây. Cái lạnh của bãi cát đã làm anh tỉnh giấc; chân tay anh mệt mỏi rã rời. Anh lại thiếp đi, rồi lại tỉnh dậy, anh cứ mơ mơ màng màng như vẫn thấy mình đang bơi, đang dập dềnh theo những đợt sóng biển như nhô lên lại chìm xuống, lại nhô lên, lại chìm xuống. Rồi mệt mỏi quá anh không bơi được nữa, anh cứ nằm yên, cố gắng để không bị chìm xuống, và mặc cho sóng đưa đến đâu thì đưa.
Anh cứ nằm yên trên cát, để cho trí nhớ anh hồi tỉnh dần dần, từng đoạn, từng đoạn, từng đoạn cứ tách rời nhau và nát vụn, như những đoạn phim bị gẫy từng khúc một, phải đến một lúc khá lâu sau, anh mới chắp nối nó lại được.
Từ khi tàu cập bến Đà Nẵng nhận thêm tù binh Trung Bộ thì bọn chỉ huy trên tàu lại áp dụng hình thức quản lý chặt chẽ hơn, nhất là từ khi tàu cập bến Sài Gòn nhận thêm tù binh Nam Bộ, thì hầu như chúng lại bắt cùm bắt xiềng xích trói buộc suốt ngày, mỗi ngày chỉ thả ra lúc ăn cơm và người nào xin đi đại tiểu tiện mới được mở khoá.
Tuy nhiên khi số tù binh Nam Bộ lên, Đen đã được nghe kể và biết thêm về Côn Đảo, như được học một bài học về địa lý và bài học về lịch sử đấu tranh bất khuất của những người tù Côn Đảo, nhất là những tù chính trị trong mấy chục năm qua, của cái nhà tù khét tiếng tàn ác nhất xứ Đông Dương này, mà nghe nói cũng chẳng kém gì ngục Bát ty và ngục Cay-en trên đất Pháp và thuộc địa Guy-am của Pháp nữa. Những cái tên: Đầu Mom, Cầu Ma Thiên Lãnh, Bãi Đá, Thị Trấn... đã giúp Đen hình dung ra địa hình của đảo lớn. Những hòn Bà, hòn Bảy cạnh, hòn Tài lớn, hòn Bông tang và nhiều hòn đảo hoang, đảo nhỏ giúp Đen hình dung ra những địa hình xung quanh đảo lớn. Anh còn được biết cự ly từ Côn Đảo đến mũi Cà Mau, từ Mũi Cà Mau đến Phú Quốc là bao nhiêu, và theo hướng gió nào thì sẽ đưa bè mảng và thuyền buồm vào đến đất liền, đến mũi Cà Mau, và ngược lại gió nào thì sẽ đưa thuyền trôi đi Malayxia hoặc trôi đến SuMatra thuộc Inđônêxia nữa.
Những chuyện về hang cọp về khám cấm cố và những đòn tra tấn nói lên tội ác của bọn chúa đảo, cai ngục, và những chuyện đấu tranh, chuyện tuyệt thực, chuyện vượt biển... nói lên những gương anh hùng bất khuất của các chiến sỹ tiền bối cách mạng và những lãnh tụ của Đảng và Nhà nước hiện nay. Những chuyện đó đã an ủi động viên Đen thêm tinh thần chịu đựng và khuyến khích những suy nghĩ, ước vọng của Đen, kích động những hành động của anh trong việc tìm cách trốn chạy khỏi ngục tù này càng sớm lúc nào hay lúc ấy.
Con tàu đã đi vào gần đến Côn Đảo, mọi người trên khoang, dưới hầm tầu kể cả thuỷ thủ và tù binh cũng đều nhốn nháo cả lên, vui mừng và lo buồn chen lẫn vào nhau. Bọn lính tráng thì thấy mình sắp thoát nợ vì cái đám tù binh cứng đầu cứng cổ này, còn tù binh thì cũng thấy mình thoát nạn vì con tàu bập bềnh làm họ say sóng và cứ lao đao suốt thời gian đi tàu. Nhưng lại rơi vào một tai hoạ khác, tù đầy trên đảo, xa đất liền, biệt vô âm tín với làng xóm quê hương không biết đến bao giờ, hay bị chết gục ở đây, gửi nắm xương tàn trên đất đảo giữa biển khơi mênh mông?.
Lúc đó vào buổi chiều, trời đã gần tối, con tàu đã đi vào Vịnh, len lỏi qua các hòn đảo nhỏ để đi vào cảng chính. Trong bóng tối mờ mờ Đen đã nhìn thấy một hòn đảo sắp tới gần, có lẽ là gần lắm, cách tầu chỉ khoảng vài trăm mét là cùng, lúc đó anh ước lượng như thế, có lẽ do ảo tưởng tự do hoặc do chưa quen địa hình ngoài biển nên anh đã phán đoán cự ly sai số tới hàng chục lần như vậy. Rồi một ý định táo bạo đã nảy ra. Anh kêu đau bụng và xin tên lính gác tháo xích cho đi ngoài. Tên lính quát lên:
- Cố nhịn vào bờ mà đi.
- ối đau quá, không thể nhịn được, nhanh lên không bĩnh cả ra quần, đầy cả sàn bây giờ đây này!
Đen còn dùng mồm giả tiếng đánh rắm và kêu thối. Mấy tù binh bên cạnh cũng tự dưng kêu thối theo và yêu cầu tên lính cho Đen đi ngoài.
- Có cho nó đi nhanh không kẻo nó ỉa ra bây giờ, eo ôi rắm thối lắm rồi.
- Mau lên!
Thế là tên lính gác đành phải chạy đến tên đội lấy chìa khoá đến mở khoá cho Đen, và dẫn anh về phía nhà tiêu ở cuối tàu. Trong khi đi Đen đã nhìn thấy một đoạn dây nhỏ, anh vội nhặt lấy thủ vào người, đó là đoạn dây vải buộc cái bao hàng, anh cầm như để đi chùi sau khi đại tiện. Tên lính gác đưa Đen vào buồng xí rồi đứng gác bên ngoài chờ. Đen phải ngồi mãi trong nhà xí vừa dặn vừa dùng mồm giả làm tiếng phèn phẹt đi té de, để tên lính khỏi nghi. Đen cứ ngồi dặn, tên lính cứ chờ, sốt ruột liền hỏi vào:
- Gì mà lâu thế?
- Dạ, đau quá, chưa xong ạ!
- Mẹ kiếp, ăn bậy bạ gì mà đi lắm thế?
Gió thổi mạnh làm tên lính đi lủi vào phía trong khoang để tránh gió. Nhanh như cắt Đen vọt ra ngoài, nhẹ như một con mèo, lủi về phía sau, rồi dùng dây vắt qua một thanh lan can, Đen đã ngồi trong nhà xí chuẩn bị dây, rồi đu người tuồn xuống nước phía mạn gần đuôi tàu, tránh xa chân vịt một đoạn an toàn, rồi kéo dây xuống nước. Đen nhằm hướng hòn đảo nhỏ mờ mờ phía Tây thân tàu bơi đi. Lúc đó trời đã tối nên không ai nhìn thấy, lại ở phía đuôi tàu, sóng cuộn lên từng vệt sóng trắng, Đen đã hoà vào trong đám sóng bọt đó nên nếu có ai nhìn cũng khó phát hiện ra.
Đen cắm đầu cắm cổ bơi, được một đoạn khá xa, mới nghe thấy bọn lính trên tàu la hét và tiếng súng bắn xuống nước. Nhưng chúng chỉ bắn vu vơ xung quanh tàu một lúc rồi thôi. Chắc hẳn bọn lính trên tàu cho rằng Đen đã ngã xuống biển và chết chìm rồi.
Khi chiếc tàu đã đi xa, những ánh đèn trên tàu đã khuất sau một hòn đảo, Đen mới bơi chậm lại để nghỉ, anh bắt đầu bơi theo kiểu bơi đường dài, mà trước đây anh đã tập và đã từng đi thi bơi hồi còn học sinh. Thong thả, nhịp nhàng, thở hít căng lồng ngực và bơi đều tay, đều chân. Anh tin vào khả năng bơi của mình và cứ mải miết bơi, nhằm hướng hòn đảo lù lù trước mặt mà lao tới. Những ngôi sao đã mọc đầy trời, một ngôi sao sáng nhất đang lấp ló trên đỉnh đảo nhỏ, Đen hướng vào ngôi sao đó mà bơi, ngôi sao dẫn đường cho anh giữa biển đêm mênh mông này.
Nhưng Đen cứ bơi, bơi mãi mà vẫn không đến nơi, đã mấy lần anh dừng lại để đứng mà không thấy đất, thực chất là để nghỉ một tý. Người Đen đã mệt mỏi rã rời, lúc nãy anh bơi mải miết quá, toát cả mồ hôi, người nóng bừng bừng, mà sao lúc này chẳng còn tý mồ hôi nào nữa, người anh đã bị lạnh, rét run lên. Anh vẫn bơi, nhưng tốc độ cứ chậm dần, chậm dần. Bóng đảo đã đen chùm trước mặt anh, ngôi sao sáng nhất đã bị đảo che lấp; anh cứ nhìn hướng bóng đen mà bơi vào.
Đã đến lúc mệt quá không thể bơi được nữa, anh đành nằm ngửa để nghỉ. Nhìn bầu trời đầy sao như hoa mà sao những hy vọng của anh tưởng chừng như đang chìm nghỉm xuống đáy biển hoặc đang tan ra và vụt lao biến đi như những mảnh sao băng?
Anh lại miệt mài bơi, chậm chạp và lì lợm. Vừa đói vừa khát, vừa rét vừa mệt bã cả người ra rồi, không chắc mình có thể bơi được đến bờ, không ngờ đoạn đường này lại xa như vậy, phải đến vài ba cây số, thế mà mình lại cứ tưởng là gần. Lúc này anh mới nhận thấy ân hận vì quyết định liều lĩnh của mình. Giá như cứ yên trí ở trên tàu, đi theo đoàn tù binh cùng mọi người, sẽ phải chịu đựng, nhưng còn có cơ sống và hy vọng trở về, bao nhiêu oán hờn chưa trả, bao nhiêu tủi nhục chưa nguôi, bao nhiêu ân tình chưa đền đáp, mà mình đã phải chịu chết một cách âm thầm nhục nhã như thế này ư? Hỡi ôi hà bá, hãy đón nhận tấm thân xơ xác này và hãy đón nhận linh hồn oan trái này.
Giữa lúc Đen cảm giác như đang bị chìm dần xuống đáy biển, thì có một con sóng bùng lên gần đó và nghe thấy cả tiếng cá quẫy, hình như có một con cá nhảy vọt lên mặt nước, rồi một gợn sóng cao hẳn đuổi theo như những mũi tên. Làm cho Đen bỗng rùng mình hoảng hốt thốt lên:
- Cá mập!
Và tự nhiên như có một sức mạnh lạ kỳ, anh vội bơi lao đi vun vút, và vun vút. Cái cảm giác ghê sợ lúc này còn mạnh hơn thần chết. Thế mà từ tối đến giờ không bao giờ anh nghĩ đến những nguy hiểm ở dưới nước này, đến bây giờ mới thấy rợn người. Những thuỷ thủ và binh lính trên tàu cũng thấy bàn tán đến cá mập; nhưng anh cũng như các tù binh đều cho là chúng nói như vậy để đe doạ cánh tù binh khỏi trốn mà thôi. Đến lúc này anh mới thấy là họ nói có lý. Con cá bắt mồi lúc này cũng có thể là cá mập, hoặc không phải, nhưng anh cứ có cảm giác lo sợ là cá mập. Nỗi sợ hãi càng làm cho anh tăng sức mạnh và bơi đi với mọi cố gắng cuối cùng của mình. Tiếng cá quẫy và đuổi nhau phía đằng sau càng làm cho anh bơi nhanh hơn, anh cắm đầu cắm cổ bơi, dù rằng bơi cũng chẳng được nhanh hơn bao nhiêu, nhưng đó là sức lực cuối cùng của anh và anh có cảm giác rằng anh bơi nhanh như những mũi tên bắn.
Và thật may mắn, những con cá đuổi mồi và sự sợ hãi cá mập lại cứu thoát anh không bị chết chìm giữa biển khơi, mà đã đưa anh bơi đến một bãi cát. Khi cái chân đã chạm đất, anh mới bừng tỉnh ngừng bơi đứng lên và mới biết rằng đáng lẽ anh đã có thể lội bằng hai chân từ lâu rồi, nước chỉ còn ngập đến nửa người mà thôi. Anh bỗng hét lên một tiếng bởi sung sướng vì thoát nạn, rồi chạy thật nhanh lên bờ, anh mệt quá ngã gục xuống bãi cát và ngất đi không biết gì nữa.
Sáng hôm sau khi mặt trời đã lên cao, hun nóng bãi cát và cát cũng hun nóng người anh, anh mới tỉnh dậy và nhận thấy mình vẫn còn sống.
Anh bò lên đỉnh hòn đảo nhỏ này để quan sát và xác định phương hướng. Qua những hòn, những mỏm lô nhô trên đảo, đối chiếu với những điều anh nghe được của những tù nhân trên tàu kể, anh xác định đây là một hòn nhỏ phía đông hòn Bảy cạnh. Hòn Bảy cạnh có rừng cây rậm rạp, còn trên hòn đảo hoang bé nhỏ này chẳng có gì cả ngoài cát và đá. Tuy nhiên anh cũng mò mẫm suốt hòn đảo bé tí này và may mắn cho anh, trên một phiến đá lớn có một khe trũng dài bằng một nửa cây sào bổ đôi, ở đó còn đọng lại một ít nước lẫn đầy rêu bẩn và cứt chim. Đen nằm bò ra để liếm, may quá nước ngọt, chắc hẳn trời mới mưa hôm qua hoặc hôm nay nên nước mưa mới còn dính lại đây. Thế là anh đã khát và tỉnh táo hẳn lên. Anh tiếp tục lần mò, khảo sát hoang đảo này. Khá nhiều chim hải âu bay lượn ở đây. Có chim là phải có tổ, mùa này còn đang là mùa chim làm tổ, sẽ phải có trứng hoặc chim non. Quả nhiên sau một hồi mò mẫm tìm kiếm, anh đã tìm được mấy ổ trứng, anh mút liền hàng chục quả trứng chim to như trứng gà con so. Anh còn bắt được cả chim non, nhưng không có lửa nên không biết làm gì được cả, đành phải bỏ lại tổ mà không bắt nữa.
Việc đi lại trên đảo hoang phải hết sức thận trọng, vì ở trên các hòn đảo lớn đều có thể nhìn thấy anh, nếu họ nhìn bằng ống nhòm, do đó ý thức quân sự đã bắt buộc anh phải đi lại bí mật, không được đàng hoàng tự nhiên mà phải đi thấp đi khom có lúc phải lăn lê bò toài như đi trinh sát đồn địch vậy.
Hòn Bảy cạnh là hòn đảo còn sự sống. Anh đã được nghe tù binh và cả thuỷ thủ kể lại rằng ở đó đã có nhiều người tù, toán tù sống trốn tránh ở đó hàng tháng, hàng năm trời, họ đã từng chặt cây xẻ gỗ đóng thuyền để vượt biển. Nghe nói gần đây đã có một anh du kích Sơn Tây đã trốn được ra đó, rồi kết bè chuối lấy quần áo làm buồm lựa theo gió vượt được 120ki-lô-mét từ Côn Đảo về đến mũi Cà Mau, dành lại được tự do! Chẳng biết người du kích đó có về được Cà Mau, đến nơi đến chốn thật không, nhưng chuyện vượt biển của anh đã kích động tinh thần và hành động của Đen. Máu anh hùng cá nhân lại nổi lên "Thà chết làm mồi cho cá biển còn hơn làm nô lệ ở trại tù Côn Đảo".
Sau khi lại sức, ngay trưa hôm đó Đen quyết định bơi sang hòn Bảy cạnh. Từ hòn đảo hoang này sang Bảy cạnh không có gì vất vả lắm đối với Đen, vì anh đã được ăn, uống đầy đủ và lại sức, hơn nữa lại bơi ban ngày và khoảng cách ngắn hơn đoạn hôm qua từ tàu vào đảo hoang. Anh chỉ bơi chừng hơn một giờ đồng hồ là đã đổ bộ lên hòn Bảy cạnh được. Vừa bơi vừa tính toán kế hoạch quân sự như một mũi tấn công chiếm đảo, nên làm tinh thần anh phấn chấn hẳn lên. Cuộc đổ bộ của anh đã nhanh gọn an toàn, không gặp một cuộc kháng cự nào trên đảo, cũng không gặp một cuộc xung đột nào với cá mập hoặc thú dữ. Sau khi lên bờ, nghỉ ngơi lấy lại sức, anh bắt đầu một cuộc thám hiểm thăm dò đảo và tìm nguồn sống.
Nước, đối với đảo có rừng cây thì không có gì phải lo. Vấn đề là thức ăn, hoa quả, củ rừng liệu có không, còn không và lấy gì mà đào bới? Sự quyết tâm của con người bao giờ cũng được đền bù và trời phật bao giờ cũng phù hộ cho những người có tinh thần chịu đựng bền bỉ dẻo dai. Vào giờ phút tưởng chừng như thất vọng hoàn toàn, và trời gần tối, thì Đen phát hiện được một cái lều cũ ở trên một gò đất trong rừng sâu. Sự tìm thấy di tích của sự sống cũng đã làm anh mừng cuống lên rồi. Cái lều hoang này chỉ mấy cành cây gác vào nhau và che đậy bằng những tàu lá chuối và cỏ đã khô và sụp đổ từ lâu, có lẽ hàng mấy tháng hoặc hàng năm trời nay rồi. Anh cũng đã tìm thấy một vài dụng cụ thô sơ cầm tay trong đó có một con dao cùn đã bị mẻ như răng cưa, một lưỡi cưa tay được làm bằng vành đai thùng, vài cái ống bương đựng nước. Những tài sản này đối với anh dẫu sao lúc này cũng đã làm quý lắm rồi. Anh vội vàng sửa sang lại lều để che mưa nắng. Trước mắt là cho giấc ngủ đêm nay, anh chặt thêm cây làm sàn để nằm, hứng một ống nước của một dòng chảy từ một gốc cây rỉ ra do người trước để lại. Mấy quả trứng chim vẫn còn đủ cho anh sống qua ngày hôm nay. Anh quyết định nghỉ ngơi để nằm suy nghĩ và lấy sức cho ngày mai. Nhưng muỗi và vắt đã không để cho anh được ngủ yên. Anh phải dùng cành cây để xua muỗi và cứ phải xoa khắp người để dứt những con vắt đã cắn no máu của anh, có con bằng hạt đỗ, có con bằng hạt ngô, tròn căng đầy máu.
Cuối cùng không thể nào ngủ được với bọn muỗi và vắt đói này, anh phải chống gậy giữa đêm lần mò từ trên đỉnh núi xuống mép biển, dắt theo con dao cùn và sách một ống nước. Cứ đi trong rừng, mò mẫm từng bước một, hướng theo mép biển mà xuống, thà cứ đi, cử động thân thể còn hơn là nằm hoặc ngồi yên cho muỗi đốt và vắt cắn. Đến mãi gần sáng anh mới mò xuống được mép nước. Anh chọn một hòn đá và nằm lăn ra ngủ. Mặc dù sóng biển ầm ào suốt đêm, nhưng những làn gió biển đã xua những đàn muỗi cho anh, và hòn đá đầy nước mặn đã ngăn không cho vắt đến cắn anh, sóng biển lại rì rầm ru anh ngủ, anh ngủ say như chết cho đến khi mặt trời mọc rất cao gần giữa đỉnh đầu mà anh chưa dậy được.
* * *
Vượt biển
Anh tỉnh giấc bởi nghe thấy những âm thanh lạ, không phải tiếng sóng biển rì ầm, mà là tiếng ca nô hay tiếng tàu chiến đang gần đây. Linh tính báo động, làm anh giật mình nhổm dậy, anh thận trọng bò lên mỏm đá quan sát. Một chiếc ca nô đang đi tuần quanh đảo, đang đến gần anh. Chúng đã phát hiện ra anh và đến bắt anh chăng? Anh còn nhìn thấy lố nhố mấy thằng Tây và thằng lính ta ngồi trên ca nô, súng ống lăm lăm trong tay, thằng chỉ huy cầm ống nhòm quan sát và chỉ chỉ chỏ chỏ chỗ này lại chỗ kia luôn tay.
Anh nhìn lại phía sau mình, không còn lối thoát nữa rồi, nếu anh chạy vào rừng phải qua bãi cát và bọn lính tuần dưới ca nô sẽ trông thấy, chúng sẽ bắn hoặc bao vây để bắt. Thôi thì cũng đành phải liều, cứ nằm ở đây, chưa chắc chúng đã nhìn thấy, trừ khi có máy bay ở trên nhìn xuống. Anh chỉ hơi tụt đầu xuống và lật mình lăn một vòng xuống phía đá thấp hơn và nằm im không động đậy.
Chiếc ca nô ngày càng đi đến gần, dưới chân hòn đá, làm cho tim anh hồi hộp chờ đợi, chúng sẽ tắt máy và đổ bộ lên bờ? Nhưng không, chiếc ca nô chỉ đi lướt qua hòn đá anh nằm rồi tiếp tục đi xa dần, vòng quanh theo đảo. Lúc này anh mới thấy hú vía và trút một hơi thở dài khoan khoái. Anh quyết định nhanh chóng vào rừng ẩn náu, khi vào đến rừng anh mới thấy đói, nhìn xung quanh toàn cây cao, rừng già không có quả gì có thể ăn được, cũng chẳng có lá gì ăn được, ở gần đó có bãi chuối rừng, hoa chuối và cả củ chuối đều chát xít và đắng không thể ăn được, anh đành chặt ít nõn chuối ăn tạm; anh quyết định trở lại đảo chim để lấy trứng ăn, nhưng khi chạy xuống bãi biển mới sực nhớ rằng bọn ca nô có thể vòng lại. Thế là anh đành phải quay lên. Bỗng anh trông thấy khe đá có những con cá đuổi nhau, anh liền lội xuống lần mò, và thật may mắn, cái nghề bắt cua bắt cá của trẻ con chăn trâu năm nào, nay lại có tác dụng cứu sống anh; anh bắt được mấy con tép nhỏ và cả mấy con cua con nữa. Anh cho tất cả vào miệng nhai, ăn cua sống thì anh không lạ gì, bọn trẻ chăn trâu trước đây đã từng ăn và anh còn uống cả nước cua khi bị tù ở trại Kim Bôi về nữa, nên anh cảm thấy mát lòng mát dạ, riêng còn cá thì anh chưa ăn sống bao giờ, anh cứ thử ăn xem. Trời ơi, cá biển ăn sống thật là bùi và chẳng tanh một chút nào cả. Thế là anh đã tìm ra nguồn sống ở đây rồi, chắc hẳn các chiến sỹ tiền bối hồi xưa, các tù nhân chính trị và những người tù vượt ngục cũng ăn sống nuốt tươi như mình thế này chăng? Chắc chẳng còn con đường nào khác, khi không có lửa, mà đốt lửa ở gần sát trại tù thế này thì cũng khó mà thoát được, ban đêm sẽ nhìn thấy ánh lửa, ban ngày sẽ nhìn thấy khói, trước sau chúng cũng lùng sục đến, thì không thể ở yên đây được.
Đen trèo lên đỉnh đồi và trèo lên một ngọn cây cao để quan sát địa hình xung quanh. Từ hòn Bảy cạnh nhìn về hướng Tây Bắc thấy rõ những trại tù, khu phố và đường xá của Côn Đảo. Những chiếc xe chở đá đi lại bụi đỏ mù mịt, những bến cảng quân sự, bến cá, có cả một số thuyền đánh cá của dân ra vào nữa. Nhìn về hướng Nam, có thể thấy nhiều tàu thuyền đi lại trên hải phận quốc tế và thuyền dân đánh cá cách Côn Đảo không xa lắm, trong khoảng vài chục cây số trở ra; xung quanh các hòn đảo là vùng quân sự cấm hoặc có thể là dân sợ bọn lính Tây và lính nguỵ đến cướp bóc nên không dám vào gần.
Như vậy là chỉ có Côn Đảo là cô đơn là tù đầy là giặc dã, là mất tự do, là cuộc sống bị kìm kẹp. Còn xa khơi kia là nơi có tự do, có cuộc sống thanh bình, của dân chài lưới các nước Campuchia, Mã lai, Xanhgapo, Nam Dương, Philíppin... và có cả dân chài lưới Việt Nam cũng phải bỏ bờ biển của mình để đi kiếm sống ở ngoài xa khơi kia nữa.
Thế là Đen đã tìm ra được một nguồn vui, suốt ngày anh trèo lên cây cao, lên đài quan sát của anh để quan sát và ngắm biển. Anh mang theo cả cua cá sống và nước lên đài quan sát để ở đó suốt ngày đêm, anh lấy dây rừng tết thành một cái võng trên cây cao và do đó anh có thể ăn ngủ ngay trên đài quan sát của mình. Chính tại đó anh đã phát hiện ra quy luật tuần tiễu quanh đảo của bọn lính trên đảo và thấy rằng nếu có thuyền hoặc mảng ra khơi phải đi vào giữa hai đợt tuần tra của chúng. Cũng từ trên đồi quan sát này Đen xác định được rằng, nếu trốn theo hướng về đất liền, theo gió đông Nam thì thuận đường, thuận gió nhưng lại dễ bị bắt, vì đường dài và chúng dễ quan sát, tàu bè, máy bay đều có thể phát hiện và đuổi kịp. Còn đi về hướng Nam, theo gió Bắc hoặc đông Bắc thì có thể ra hải phận quốc tế một cách dễ dàng và từ đó chắc hẳn từ trước tới nay chưa có ai đi theo hướng này, do đó đây cũng là một hướng sơ hở mà bọn địch ít chú ý. Vì thế nên khi có gió Đông Bắc thì hầu như bọn chúng lơ là tuần tra canh gác hơn thì phải.
Sau khi kiểm tra tính toán lại nhận định và kế hoạch. Đen quyết định hành động. Anh đã chặt làm sẵn ba cái mảng bằng bè chuối ở ba đầu mom khác nhau, mỗi chiếc bè chỉ cần ba cây chuối dài, chỉ đủ sức chứa một người ở dưới nước lập lờ, khi cần người có thể lặn chìm dưới mảng để ẩn nấp, để bọn địch từ trên máy bay hay tàu chiến không nhìn thấy người mà chỉ nhìn thấy bè không. Anh còn tết tàu dừa nước thành buồm căng gió và bơi chèo nữa. Trên mỗi bè chuối đều có sẵn một ít cua cá làm lương thực và mấy ống nước ngọt được nút chặt. Phải mất ba ngày, anh mới chuẩn bị được đầy đủ, sau khi kiểm tra cẩn thận và đầy đủ xong, anh lại trèo lên quan sát nằm ngủ và chờ thời cơ, chờ gió.
* * *
Thời cơ đã ủng hộ Đen, ngay đêm đó một cơn gió mùa Đông Bắc đã tràn đến. Đen vội vàng rời bỏ đài quan sát xuống đầu mom gần nhất và quyết định lên đường. Anh âm thầm từ biệt hòn Bảy cạnh, nơi đã cứu mạng anh gần một tuần lễ sống ở đây. Thuận buồm xuôi gió, đúng như tính toán của Đen. Anh chỉ việc căng "buồm" lên rồi ngồi cầm lái, mặc cho gió thổi đi đến đâu thì đến. Lúc ra khơi vào nửa đêm. Sao tua dua đã mọc ở đỉnh đầu, anh hy vọng với gió này chỉ đến sáng là đã vượt ra tới vùng hải phận quốc tế. Anh sẽ phải đón bắt một chiếc tàu hay một con thuyền nào đầu tiên gặp anh và phải ra cấp cứu SOS đối với họ, và xin họ cứu vớt mình. Cái chính là làm sao để họ không đem trả lại cho trại tù Côn Đảo hoặc nhà cầm quyền Pháp ở Sài Gòn. Anh đã xác định lại, qua những sách vở đã học và qua những câu chuyện của tù binh và binh lính thuỷ thủ trên tàu chiến FA951, vùng biển này không có cá mập, hôm bơi vào đảo hoang chẳng qua vì anh thần hồn nát thần tính mà thôi. Ngoài khơi ở đây thường chỉ có cá heo hay ăn nổi, giống này chỉ đùa giỡn chứ không ăn thịt người. Giống ăn thịt người duy nhất ở vùng biển Đông Nam á này là cá sấu, nhưng chúng chỉ ở ven bờ và những sông hồ luồng lạch nhất là dọc sông Mê Kông và biển hồ ở Cao Miên. Vì vậy anh yên tâm ngồi trên bè mà thả hồn theo sóng nước mây trời. Vũ khí duy nhất của anh là con dao cùn tìm thấy ở hòn Bảy cạnh, khi cần anh còn cây sào gỗ chắc chắn và dài. ấy là rủi nếu có chuyện gì xảy ra trên biển. Bọn hải tặc nếu có thì chúng cũng chẳng thèm đụng tới anh làm gì. Nhưng dẫu sao thì cũng phải tránh bọn chúng, nếu không dễ toi mạng như chơi. Nghe nói chúng giết người như ngoé, chẳng còn thương sót ai cả.
Gió càng ngày càng to dần, làm cho chiếc bè chuối càng đi nhanh hơn, chẳng mấy chốc Đen đã không nhìn thấy hòn Bảy cạnh trong đêm nữa. Mảng đi càng nhanh Đen càng mừng vui, vì chóng đi xa khỏi cái nơi tù ngục luôn luôn đe doạ bắt bớ anh, anh sẽ càng chóng đi đến chân trời tự do thoát khỏi cảnh chết chóc đê hèn, ước mơ bao ngày nay của anh. Gió càng to, bè càng đi nhanh anh càng chóng được về với quê hương xứ sở, càng chóng được về với đội ngũ chiến đấu, với đồng đội, mà hàng tháng trời nay anh đã xa cách. Không hiểu các đồng đội của anh, có biết anh bị bắt và đang bị đi đầy ở tận Côn Đảo hay không? Chắc hẳn là không, vì anh đã bị thương nằm lại ở chân đồn địch và nằm lẫn trong đám xác chết của cả ta và địch, thì làm sao họ biết được? Chắc hẳn họ cho là mình đã chết rồi và người ta sẽ làm một cái giấy báo tử gửi về địa phương, hoặc cùng lắm cũng báo cáo lên trên là mất tích! - Mà ở quê hương mình đã bị giặc chiếm đóng cả rồi thì làm sao mà gửi giấy báo tử về được, gửi cho ai? Thôi, thà cứ như thế lại hay, cứ biệt vô âm tín, gia đình bố mẹ lại càng không phải lo nghĩ, và bọn địch chiếm đóng cũng không biết tin tức gì, càng đỡ gây rối cho gia đình mình hơn.
Đen cứ ngồi mải mê suy nghĩ, lòng anh lâng lâng nhẹ nhõm và vui thích, ước mơ, giá mình còn sống trở về, sau này độc lập, mình sẽ viết lại những cuộc phiêu lưu kỳ lạ này thì thú vị biết bao. Trời càng về sáng, gió càng mạnh hơn, một cơn gió mạnh bỗng "rắc" một cái, cái cột buồm khẳng khiu của anh bị gẫy, anh phải vội vàng ôm lấy cái cánh buồm làm bằng tầu lá dừa nước, một tý nữa thì bay mất. Anh phải loay hoay mãi mới buộc lại được cánh buồm thấp lè tè dướt sát mặt nước vậy, vì cột buồm thấp và lại bị thủng tàu dừa, nên tốc độ bè chạy chậm hẳn đi, làm anh lo lắng bè chạy không kịp đến hải phận quốc tế trước khi trời sáng.
Nhưng đến khi sáng rõ nhìn về hướng Bắc, Đen bỗng thấy vui mừng, vì anh đã đi cách xa Côn Đảo khá xa rồi, anh đã vào vùng Hải phận quốc tế từ lâu, cự ly an toàn đã được bảo đảm, bọn địch không ngờ tới và cũng khó lòng đuổi được anh nữa, nếu có phát hiện ra. Nhưng lúc nhìn lại hướng Nam thì Đen lại băn khoăn, sao chẳng thấy một con tàu hay cái thuyền buồm đánh cá nào cả. Anh bỗng giật mình. Thôi chết rồi, đến bây giờ anh mới nghĩ ra. Vì có gió mùa Đông Bắc, thì sẽ có biển động, nên các tầu thuyền đã không ra ngoài khơi đánh cá nữa, các tàu biển đang ở ngoài khơi đều phải nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn, trừ những tàu thật lớn mới có thể đi trong gió này được. Thế mà mình thì lại đi ra khơi, trong khi các tàu thuyền phải chạy trốn vào bờ. Trời ơi, sao mình dốt thế, ngu thế, không nghĩ ra cái điều tầm thường này nhỉ. Anh càng tự nguyền rủa mình bao nhiêu thì nỗi lo lắng càng ngày càng xâm chiếm lòng anh nặng nề hơn.
Gió mỗi lúc một to hơn, sóng biển ngày càng dữ, biển động rồi, có lẽ Chúa đang trừng phạt cho sự ngu ngốc dốt nát và liều lĩnh của mình đấy chăng? Có lẽ đây là lần cuối cùng của cuộc đời hay sao? Hỡi ôi, cầu Chúa hãy ban phước lành cho con! Đen kiểm tra lại các mối dây và buộc thêm cho bè chuối được chắc chắn khỏi bị vỡ. Cánh buồm đã rách tan, anh vứt xuống nước cho nhẹ không còn tác dụng gì nữa. Cũng may mấy ống nước vẫn còn, anh uống nước lấy hơi sức và buộc chặt những ống nước vào lưng mình. Sau đó anh lại buộc cả mình vào bè chuối, nằm trên bè, để sóng gió khỏi hất tung người ra khỏi bè. Rồi anh cứ bám lấy bè chuối mà vật lộn với sóng nước. Có lần sóng tung người và bè lên cao hàng chục thước rồi lại dìm xuống thật sâu, chui qua gầm sóng, rồi lại chồi lên.
Cứ thế Đen chống chọi với sóng nước với gió bão giữa biển khơi suốt một ngày trời. Cũng may chiếc bè chuối của anh đóng khá chắc chắn, và nhỏ nên không bị gẫy không bị tung ra, và anh cũng đã buộc chặt người vào bè nên không bị rơi xuống biển.
Đến buổi chiều hôm ấy thì hết gió bão, chỉ còn gió Bắc hiu hiu thổi, sóng yên bể lặng, chiếc bè chuối vẫn còn, còn nhưng xác sơ cả hai đầu, nó không đủ sức nổi hẳn lên nữa mà chỉ chìm lập lờ dưới mặt nước. Còn Đen như người chết đuối nằm nửa chìm nửa nổi trên bè. Toàn thân vẫn trói chặt vào bè như người bị hành hình thả trôi trên biển. Chiếc bè dập dềnh trôi, lúc ngược lúc xuôi theo chiều gió đang đổi chiều giữa biển khơi mênh mông, không có một bóng con tàu, chiếc thuyền nào cả.