Books are immortal sons deifying their sires.

Plato

 
 
 
 
 
Tác giả: Tạ Duy Anh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7551 / 185
Cập nhật: 2015-12-10 22:49:41 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
hòng chờ tự dưng chật cứng người. Khi bố đưa mẹ từ công viên vào, đã thấy có một cô còn trẻ ngồi sẵn trên giường mẹ, túi đồ vứt ngay dưới chân. Mẹ vui vẻ chấp nhận, chỉ có điều bố thì phải ra ngoài. Sao có lắm người đẻ khó thế nhỉ? Chả lẽ những anh bạn, cô bạn đồng niên với tôi cũng chơi trò láu vặt như tôi. Quả thật trò chơi này khá nguy hiểm. Trước hết cứ phải nằm im. Sau nữa dễ gây chẩn đoán nhầm cho bác sĩ. Chỉ hơn một ngày mẹ đưa tôi vào đây, đã có biết bao sự nhầm lẫn. Thôi thì đủ kiểu: quên kéo, quên gạc bông trong bụng bệnh nhân, cắt phéng của người ta quả thận trong khi chỗ đáng cắt lại để nguyên...Mỗi chuyện tương tự lại gây cho mọi người nỗi hoảng sợ ngấm ngầm. Tôi cảm nhận điều đó từ mẹ qua những cái rùng mình. Để xua đi những hồi hộp, mọi người thi nhau góp chuyện khiến phòng chờ đẻ y như một nơi hội họp để tán gẫu.
- Mọi người có tin không, chỗ tôi có một con đười ươi đấy – bà sản phụ ngồi góc trong cùng lên tiếng.
- Chắc nó sổng ra từ vườn bách thú?
- Nó sổng ra từ một trại điên – bà cả quyết- nó là một con mụ lười chảy thây, lưng cứ đuỗn ra còn mặt thì dày một cục. Suốt ngày nó lê la từ hàng này sang hàng khác, đặt điều bôi xấu khắp lượt. Hễ nhà ai mua sắm cái gì là nó cứ tru lên như hoá dại, mắt trợn ngược, mặt đâm về đằng trước y như con đười ươi ấy.
Mọi người hiểu ra "à" lên một tiếng.
- Loại vô học thì vô lẽ còn có chỗ đáng nể tất. Đằng này đây lại là tiến sĩ học ở Đức về mà ngu không thể đâu cho hết. Mà quái đản lắm nhé. Đi ỉa cũng bắt lái xe đưa đi. Một mình lão đặt tới bốn mươi ba tờ báo, tất nhiên tiền cơ quan, toàn loại báo có hình đàn bà. Lão không đọc mà sờ...báo rồi cười hi hí. Dâm dê số một nhưng chỉ thích sờ thôi. Có lần lão sờ một nhân viên, chị này bả lả bảo: " Em "hói" hết rồi sếp ạ". Lão cúi đầu xuống bảo: "Có như đầu tôi đây không?". Chị kia đáp: "Đầu sếp là cái đinh gì. Em chỉ còn đúng một sợi thôi. Sếp mà làm rụng hết thì em nhổ tóc sếp em thay vào đấy". Lão cười hi hí: "Cô này tiếu lâm lắm nhỉ. Ông cụ nhà tôi cũng mê tiếu lâm lắm. Đầu cụ còn hói hơn cả đầu tôi kia!".. Mọi người bảo trước kia, do thai nhi to quá nên khi mẹ lão đẻ, người ta phải kẹp lão kéo ra, thành thử liệt mất mấy sợi dây thần kinh liêm sỉ.
- Chuyện đó thì cơ quan nào chả có. Nhưng chuyện này tôi tin là "số rách": Ba bố con cùng bồ với một con bé mà suốt năm năm không ai biết...
Bà bác sĩ to béo đứng chắn ngay ở cửa như một nhân viên trật tự.
- Họp chợ à? – Bà nghiêm nghị hỏi - Đến đây đẻ hay là để nói chuyện thiên hạ. Muốn nói chuyện động trời thì phải để tôi kể cho mà nghe. Thôi, ai về chỗ của người ấy và im cả đi nhé.
Bà bác sĩ quay ra để giao ban, mọi người lại to nhỏ nói chuyện. Chỉ có mẹ và cô Giang là im lặng. Cô Giang là người ghép chung giường với mẹ - như tôi đã có lần nhắc tới. Cô nhăn mặt khi ai đó kể một câu chuyện khiến mọi người cười. Đơn giản là do cô khó ở trong người. Trông mặt cô bợt bạt như người vừa trải qua những ngày tháng đau đớn vật vã. Mẹ chủ động bắt chuyện cô.
- Có ai đi cùng với em không?
Cô gật đầu mà không đáp. Mẹ toan thôi thì chính cô lại chắp nối câu chuyện.
- Chị vào đây lâu chưa?
- Qua một ngày đêm rồi cô ạ.
- Em có cảm giác như mình phải mổ mất. Em sắp kiệt sức rồi.
- Cô làm nghề gì?
- Em là phóng viên tỉnh H.
- Ô, tôi biết vài người ở đó- Mẹ kể ra mấy cái tên, cô Giang gật đầu xác nhận nhưng có vẻ không lưu tâm lắm. Mẹ ngập ngừng nói tiếp: Nhà tôi cũng làm báo.
- Thế hả chị? Mắt cô Giang linh hoạt lên một chút nhưng sau đó tắt lạnh ngay.
- Tôi thấy nghề của cô và nhà tôi nguy hiểm lắm.
- Vâng. Chị nói đúng. Nhưng không chỉ có thế...
Bà bác sĩ vào, dắt theo ba bốn sinh viên thực tập. Bà hỏi to:
- Ai tên là Bằng Giang?
- Dạ, em đây ạ - cô phóng viên lên tiếng.
- Cô nằm xuống đi – Bà sờ tay vào bụng cô Giang – cô mới vào lúc sáng sớm?
- Vâng!
- Đã qua bệnh viện tỉnh chưa?
- Em hãi cái bệnh viện ấy lắm.
Bà bác sĩ đặt ống nghe thai, khẽ xoay xoay và hơi ấn xuống rồi áp tai nghe. Sau đó bà đưa cho mấy sinh viên chuyền nhau nghe. Trong khi mỗi người đang nghe thì bà giảng giải. Thai khoẻ thì thế nào, thai yếu thì ra sao, tim thai là gì, thế nào thì nghi thai chết lưu...Cô Giang cứ phải phơi bụng ra để họ sờ nắn. Bụng cô căng mọng, nổi đầy gân xanh như nó được tết bằng những sợi cước.
- Sản phụ thiếu máu trầm trọng – Bà bác sĩ bảo – Cô có thai lần thứ mấy?
- Lần thứ ba. Hai lần trước đều bị sảy.
Bà bác sĩ dặn mấy người tập sự:
- Trường hợp này phải theo dõi thường xuyên. Phải luôn luôn đề phòng sự cố thai nhi bị ngạt, Trong trường hợp ấy cần mổ gấp mới mong cứu được đứa bé.
- Trăm sự nhờ cả ở bác sĩ. Em chỉ cố lấy một đứa thôi.
- Được, cứ yên tâm chờ thêm xem nhé – Bà quay sang mẹ tôi: Có biểu hiện gì mới không?
- Không chị ạ!
Bà bác sĩ bảo các sinh viên:
- Đây là một ca rất lạ. Thai nhi đang đạp mạnh tự dưng im thin thít nhưng mọi chỉ số đều bình thường. Không thể có chuyện lưu thai được nhưng không thể không nghĩ đến điều đó. Trong giới vẫn coi là trường hợp bất qui tắc.
Các sản phụ lần lượt nằm phơi bụng ra để bà bác sĩ thăm thai. Cô Giang tâm trạng có vẻ bất an, đang tìm cách xoay người lại để cùng ngồi một phía với mẹ tôi.
- Chị cũng như em sao thấy chị chả lo lắng gì. Còn em thì...cứ luôn linh cảm tới chuyện kinh khủng.
- Lo lắng thì đẻ có dễ hơn đâu. Thôi thì tất cả trông chờ vào may rủi.
- Chị có tin vào quả báo không?
- Nên tin cô ạ. Nó như một sự nhắc nhở mình sống có nhân có đức. Phúc đức tại mẫu. Sống là phải để phúc cho con.
Cô Giang nhìn ra xa xăm, nói nhỏ như cho ai đó nghe.
- Vậy thì em bị quả báo rồi.
Cô nhạt hẳn đi.
- Sao thế cô? Có chuyện gì khiến cô đau khổ, nếu nói ra được cũng bớt nặng nề nhiều đấy.
Chợt cô gục mặt vào vai mẹ tôi:
- Chị ơi, em vẫn mong có ngày được nói hết với ai đó. Không ngờ người đó lại là chị. Phải là người sống có nhân đức lắm mới dám phó mặc cả nơi số phận. Chị hãy cho em một cơ hội để thú tội nhé.
- Ấy chết! Cô đừng chất cái gánh nặng khủng khiếp ấy lên vai tôi. Thần, Phật sẽ nghe cô. Tôi chỉ dám xin làm chứng thôi.
Nhưng câu chuyện của cô Giang chưa thể bắt đầu. Tiếng kêu la khiến ngay cả mẹ tôi cũng ôm đầu choáng váng. Lạ một điều là quá nửa các bà sản phụ đều lôi chồng ra chửi, tuồng như họ là thủ phạm gây nên nỗi khổ của các bà. Mãi đến gần trưa mới có một khoảng yên tĩnh để cô Giang và mẹ tôi nối lại câu chuyện. Từ đây trở đi là lời kể của cô Giang.
Hồi đó tôi mới ra trường, rất cần có một nơi làm việc. Ai từng sông qua thời ấy đều thấm thía chuyện cơm, áo nó khủng khiếp như thế nào. Nó chỉ kém cái chết một bậc. Có người vì nó mà ra tù vào tội; có người khi kiếm được nó mới té ngửa ra rằng, thà cứ chết đói còn hơn. Là nói sĩ vậy thôi chứ rút cục chẳng ai nhận con đường chết đói cho dù cả đời phải gục mặt xuống vì mất liêm sỉ. Tôi là một người như vậy. Tôi xin vào tờ báo tỉnh H bằng một lá đơn dài, lời lẽ thống thiết lý tưởng. Sau đó tôi được gọi lên gặp tổng biên tập. Từ khi biết tin, tôi hồi hộp tưởng muốn vỡ toang lồng ngực. Suốt cả ngày trước cuộc gặp mặt, tôi bồn chồn đi lại bên chiếc gương, học thuần thục cách cười ỏn ẻn, cách gật đầu chào sao cho vừa lịch sự vừa hơi vụng một chút, cách khép tay vào ngực như e lệ mà lại chính là sự gợi cảm, đủ đoan trang nhưng cũng đầy lơi lả. Đó là nghệ thuật kiếm cơm thượng thặng mà giới trí thức truyền cho nhau khiến người yêu tôi, làm việc cùng với cụ Môn, cụ Thụy - những bậc thầy ăn của đút nhưng thanh danh vẫn sạch sẽ - thuộc làu. Anh bảo tôi đôi khi ngơ ngác nai vàng một chút, ngây thơ một chút, khờ khạo cả tin một chút – "đóng kịch cả ấy mà" – anh bảo thế - lại rất có hiệu quả. Anh đặc biệt dặn tôi rằng, các vị thủ trưởng kị nhất việc một kẻ cấp dưới sắc sảo hơn, có thể biết cái dốt của các vị. Cho nên ngài nói gì cũng cứ phải há hốc mồm ra mà nghe, nói những câu ngớ ngẩn phụ theo, cốt để ngài biết mình học hành kém ngài. Đại loại tôi được thụ giáo bài học xin việc, tức là xin cuộc sống êm ấm một cách kỹ lưỡng, có bài bản, có lớp lang hẳn hoi. Vậy mà khi đến trước chiếc cổng sắt thâm nghiêm, tua tủa mũi tên lao lên trời, tim tôi vẫn như bị ai bóp chặt. Ôi, nó chính là chiếc cổng thiên đường của đời ta.Chỉ cần được ghi tên. Chỉ cần qua mặt thánh Phê- rô Môn mặt phị như bị phù, cặp mắt màu đồng thau, là có thể làm mọi chuyện. Cứ việc ăn rồi ỉa bậy, làm hư đốn người khác như bất kể ai lọt vào trước đó – như sau này tôi nghiệm thấy. Còn khi đó nó thâm nghiêm từ tiếng kêu kèn kẹt mỗi khi mở đóng vào bởi một gã mặt sắt. Tôi cúi rạp chào chiếc cổng, lom khom bước vào khi nó kèn kẹt rít lên.
Tổng biên tập là người đàn ông tầm thước, mặt lưỡi cày, trắng một cách bệnh hoạn. Ông nói giọng khó nghe đến mức tôi phải căng hết khả năng thính giác ra để không bỏ sót những câu quan trọng. Sau một hồi kể lể công lao nào là lặn lội ở cơ sở ra sao, viết bài phản ánh kịp thời thế nào, dựng chân dung người tốt, chấp bút cho cấp trên...để cuối cùng được ngồi ghế tổng biên tập. Khi nói ông cứ hay ngáp vặt, biểu hiện của người thiểu năng trí não. Thỉnh thoảng ông lại cười rung cả bụng, chẳng hiểu ông thích thú cái gì. Cuối cùng ông hỏi: "Giang có bạn trai chưa" nhưng không định nghe tôi trả lời mà bảo: "Thôi được, để sau chuyến đi Hạ Long về tôi sẽ bàn cụ thể đề nghị của cô".
Khi tiễn tôi, ông nói như tiện thể: "Cả cô Giang cũng đi đấy nhé. Thử nhập vai phóng viên xem sao!"
Tôi nghe mà không dám tin ở tai mình. Cấu trúc xã hội dường như không có chỗ cho những hứng cảm kiểu như vậy. Chả lẽ tôi đã ở gần Chúa trời và Ngài vừa ban phước lành cho? Dù sao thì tôi cũng trở ra trong nỗi hân hoan tràn ngập. Tôi lao tọt vào vòng tay người thầy của tôi nói không ra hơi:
- Tất cả đều mỹ mãn anh yêu ạ!
Sau đó ngay trên bàn làm việc của anh chúng tôi sáng tạo thêm ba kiểu làm tình so với Tố Nữ kinh. Anh gạt tất cả các loại công văn giấy tờ xuống đất và lợi dụng khi bọn tôi đang chìm đắm trong nhau, bọn chuột tha lạt xạt khắp phòng. Xong việc rồi mới thấy sợ. Bởi vì vẫn thường có kẻ dán mắt vào cửa – như một thói quen thừa nhận hồi ấy nhân danh tinh thần cảnh giác. Vậy mà hai đứa quên tiệt. Quên luôn cả ăn trưa, ôm nhau ngủ cho đến giờ làm việc buổi chiều.
Ông tổng biên tập chẳng có việc gì thực sự ở Hạ Long ngoài việc thuê một chiếc xuồng cao tốc đưa tôi ra Vịnh. Gió lồng lộng khiến tâm hồn tôi trở nên rộng rãi. Khi đó tôi mới cảm thấy mình bé nhỏ, cần sự che chở biết nhường nào. Và ông đã cho tôi niềm tin ấy, trước hết bởi vẻ mặt đạo mạo. Hơn nữa, cương vị của ông đòi ở ông trước hết sự nghiêm trang, đức độ. Ông là biểu trưng của một nền giáo dục khuôn vàng thước ngọc. Tôi không được cho phép mình nghĩ bất cứ điều gì không tốt về ông. Đó không chỉ là lòng kính trọng mà còn là bổn phận của những người phụng sự lễ phép. Ở đâu ông cũng thể hiện cho tôi thấy ông muốn che chở tôi. Ông nguyên tắc, lịch lãm và vô cùng chu đáo. Ông là quý nhân của tôi do tổ tiên âm phù đưa đến.
Buổi tối quý nhân đưa tôi đi ăn hải sản trong một nhà hàng trang trí như cung điện. Ông dùng rượu vang Pháp - một thứ quý hơn máu hồi đó. Tôi không thấy ngon nhưng vô cùng thích thú. Có lẽ ở Thiên đường cuộc sống cũng chỉ đến thế là cùng. Rượu vang rực lên khiến người ta trở nên đẹp hơn, sang trọng hơn. Và tôi say lúc nào không biết. Tôi bám tay vào quý nhân về phòng nghỉ riêng. Quý nhân đặt tôi lên giường, kéo rèm rồi...bất ngờ gục mặt vào ngực tôi khóc i ỉ như một chú lợn đòi rúc vú mẹ. Trong trạng thái lơ mơ tôi còn âu yếm vuốt tóc quý nhân. Ngay lập tức quý nhân trườn lên người tôi, bàn tay luồn lách như rắn vào mọi ngóc ngách.
- Giời ơi cha! - Tôi bật dậy trong nỗi kinh hoàng với cái ý thức đầy đủ về hành động của quý nhân - Tưởng chỉ có con say, hoá ra cha cũng thế.
Quý nhân cười méo mó, quỳ thụp xuống:
- Nếu không vì cớ gì tại sao tôi lại đưa em đến đây. Khi mới gặp em tôi chợt nghĩ đến một thiên thần hộ mạng. Em là thiên thần hộ mạng của tôi. Bởi vì tôi là kẻ đau khổ nhất trần gian này...
Em há hốc mồm:
- Ô, thế ư? Con lại nghĩ khác!
Nhưng ngay sau đó tôi nhận ra ông ta đang diễn kịch, tôi trở lại vẻ lạnh lùng.
- Đau khổ? Thế là thế nào? Một cuộc sống ngoài cả nỗi ao ước của người khác vẫn còn là đau khổ ư?
- Chính thế! Chính là chỗ mà chỉ mình em biết.
Quý nhân ấp hai tay lên mặt kêu một cách đau đớn – Tôi đã bán sạch: cả liêm sỉ, lương tâm lẫn gia sản để từ một gã nhà quê leo lên cái ghế hiện nay. Tôi phải lấy một người từng là tình nhân của cha nuôi mình.
- Tại sao ông lại dễ dãi chấp nhận điều đó?
- Ồ, em ơi! Ông ấy là bố nuôi nhưng cũng là Diêm Vương trên trần. Ông ấy có thể cắt đứt cuộc đời tôi như cắt một sợi chỉ. Nếu là em thì em chọn đường nào?
- À...tôi hiểu rồi. Chính vì thế mà bây giờ ông lại vớt vát lại bằng việc...
- Không, với em thì khác. Tôi yêu em ngay từ khi đọc lá đơn em viết. Em nên tin vào điều này bởi trong hàng ngàn người chưa biết mặt, sao tôi chỉ gọi một mình em. Khi đó không hiểu có phải do em có thứ văn tuyệt vời trong sáng mà tôi tự nhủ: Người trả lại cho ta sự trong sạch ở kiếp sau đây rồi.
- Ông nghĩ thế thật ư?
- Tôi thề bằng cái này – Ông ta đặt tay lên ngực trái một cách nghiêm trang và vì thế nó vô cùng hài hước – tôi nguyện trung thành với tình yêu mà em ban cho tôi.
Tôi thấy mệt mỏi, hoang mang, khinh bỉ và thương hại. Tôi cảm thấy ông ta vừa là con đỉa vừa là một cái xác bằng giẻ rách túm lại. Trước mặt tôi ông ta vẫn đi bằng đầu gối. Yết hầu to một cách kỳ dị của ông ta trồi lên, trụt xuống. Tôi thấy nước mắt ông ta bò trên mu bàn chân tôi.
- Ông đứng dậy đi. Ông muốn gì ở tôi?
- Tôi muốn, trước hết trao cho em cái này. Ông móc túi lấy ra tờ quyết định gập tư. Ông run run mở ra để tôi nhìn thấy chữ ký và con dấu nhận tôi vào biên chế tại cơ quan ông – Sau đó – Ông ta nói có vẻ khó khăn – tôi muốn em ban cho tôi một cơ hội.
Tôi hờ hững cầm tờ giấy thông hành qua cổng Thiên đường, chiếc bùa hộ mệnh khiến người có nó không còn lo lắng gì về cuộc sống nữa. Nỗi nhục nhã khiến tôi định xé tan nó ra vo lại ném vào mặt ông ta. Nhưng sĩ diện với một kẻ vô liêm sỉ chẳng để làm gì. Vả, tôi xé nó lập tức bão tố, đói khổ, muôn ngàn điều thảm khốc sẽ đổ ập xuống quật cho tôi nát bét. Có thể vì thế mà chính người yêu tôi cũng sẽ bỏ tôi! Không, đây là cơ hội. Không ai được cả mà lại không mất một cái gì. Tôi lên giọng một con áp phe cỡ anh chị:
- Nếu đây là cái giá thì... xin mời!
Ông ta cuống quýt hơn:
- Thật không? Em đã chấp nhận lời van xin của tôi?
- Đừng diễn tuồng nữa. Muốn làm gì thì làm đi!
Để chứng tỏ mình sòng phẳng, tôi nằm ngửa ra, nhắm mắt lại, hoàn toàn buông thả. Ông ta nhanh nhẹn, lọc lõi như một gã đồ tể. Chỉ trong nháy mắt tôi bị cạo trắng, bị phanh đôi ra. Ông ta đào bới, cấu xé, kêu la, thở hồng hộc...trên một cái xác chết là tôi. Khi bất chợt ông ta dính bết xuống, tôi lạnh lùng hỏi:
- Đủ chưa?
- Cám ơn em! Tôi như vừa được sinh lại.
- Tôi hỏi đủ chưa! – Tôi nhắc lại, tự ghê sợ cái giọng của mình.
- Quá đủ. Quá mỹ mãn. Không thể tưởng tượng được.
Tôi ngồi dậy, đi vào toa- lét. Tôi dùng vòi thụt nước xà phòng vào sâu bên trong, khạc nhổ, nôn oẹ cho ra hết những gì liên quan đến ông ta. Xong tôi trở ra, như người xa lạ với tất cả thế giới. Ông ta đã kịp đóng bộ, đang ngồi lim dim tận hưởng. Thấy tôi, ông ta định đưa tay kéo về phía mình. Tôi gạt phắt ra:
- Tôi cảnh cáo ông! Tôi đã trả hết, chính ông thừa nhận. Từ nay ông phải khoác bộ mặt là bậc cha chú tôi. Cái bộ mặt dởm ấy sẽ không dễ chịu với ông đâu. Bởi trước hết ông không xứng, dù chỉ một phần ngàn về mặt phẩm hạnh. Thứ nữa ông sẽ phải làm thằng hề nghiêm trang suốt đời. Nhưng ông không được cởi ra, dù chỉ một giây.
- Sao em nanh nọc thế?
- Ông dạy tôi đấy.
- Nếu tôi cứ cởi ra thì sao – Ông ta cố gắng đĩ thõa, cốt để chống lại cái hàng rào tôi dựng lên.
- Tôi sẽ bóc ông y như ông vừa bóc tôi. Có điều tôi chỉ phải mất nửa giờ để trở lại là tôi. Còn ông thì đừng mơ tới điều đó.
Từ hôm sau, ở cơ quan tôi gọi ông là papa – papa Hữu. (Chả là hồi ấy đang thịnh mốt dùng tiếng Nga mà). Người yêu của tôi cũng thừa nhận ông ấy là papa. Hoá ra papa đóng vai khá hơn tôi tưởng. Thỉnh thoảng trước mặt chồng tôi ( ngay sau đó tụi tôi cưới nhau) tôi lại đòi papa một vài thứ. Papa không thể từ chối mặc dù ức muốn nổ ruột. Cũng có lần, vì công việc tôi một mình vào phòng riêng papa. Papa thèm thuồng nhìn tôi liền bị tôi nhắc khéo: papa Hữu, chồng con sắp đến đây đấy. Vài bận như vậy, papa không chịu được, một lần văng tục:
- Đ.mẹ cái thằng nào nghĩ ra từ papa. Thà em cứ gọi tôi là cún con Hữu, Hữu mặt lưỡi cày tôi còn dễ thở hơn.
- Papa ơi, ở đây chỉ toàn rắn độc thôi đấy. Bất cứ ngóc ngách nào cũng có một con chờ sẵn để đớp trộm. Papa nên giữ gìn thì hơn.
Quả nhiên lão sợ rúm người lại. Có khối kẻ nhòm cái ghế của papa, trong đó có một gã tên là Dũng. Nhưng chuyện không liên quan đến gã nên tôi không kể tới thằng cha chuyên ăn bẩn này.
Mọi việc tưởng đã an bài khi kẻ nào cố sắm cho tốt vai của kẻ đó trên cái sân khấu kín đặc sự giả dối. Nhưng một việc không lường tới đã xảy ra: Tôi phát hiện ra mình có thai. Tôi dằn vặt ghê gớm bởi không biết nó của chồng tôi hay của papa. Cứ nghĩ đến đứa con ra đời mà ngay cả mẹ nó cũng không rõ bố nó là ai, hoặc bố nó không phải là người nâng niu nó hơn vàng, sẽ cúc cung kiếm tiền, kể cả bán kiêm sỉ để nuôi nấng nó...tôi không sao chịu nổi.
Lương tâm tôi bị cào xé. Trong khi đó biết tôi có thai ngay từ tháng cưới đầu tiên, chồng tôi mừng khôn xiết. Chị không thể tưởng tượng anh ấy mừng thế nào đâu. Gia đình bên anh ấy mong anh ấy có con như trời hạn mong mưa. Bố mẹ chồng tôi biết tin đến tận nơi xem thực hư thế nào. Nhìn các cụ lòng tôi càng quặn thắt. Nếu đứa con tôi sau này là của papa, hoàn toàn có thể xảy ra điều này, trước sau họ cũng biết. Chẳng hiểu khi đó cuộc sống của chúng tôi ra sao. Ngoài nỗi lo day dứt, tôi còn rất sợ có thêm một cái mặt lưỡi cày và một nhân cách hèn hạ. Khi đó tôi sẽ căm thù chính con mình đẻ ra. Tôi cố gắng nhớ lại giây phút papa làm điều đó với tôi để may ra có thể loại đi giả thiết đá ng xấu hổ kia. Nhưng tất cả chỉ càng củng cố thêm giả thiết ấy hoàn toàn có căn cứ.
Papa Hữu cũng được thông báo về "tin mừng" của tụi tôi. Ông ta - giờ phải khoác thêm bộ mặt ông ngoại nuôi của đứa trẻ tương lai cứ ồ, à ra vẻ vui mừng.
- Các con thật có phúc, thật có phúc. Công ăn việc làm ổn định, lại sớm có con. Papa sẽ luôn bên cạnh các con.
Không hiểu sao lúc ấy một ý nghĩ gớm ghiếc len vào đầu tôi: "Nếu tôi đẻ ra mà nó là con ông, tôi sẽ bóp chết". Hồi đó tôi đang dính vào vụ án một lão nông dân bị kết tội vu khống chỉ vì không biết nói dối. Cả papa và tôi đều khốn khổ với con trai lão –gã thanh niên xấu trai nhưng quyến rũ một cách bí ẩn và đặc biệt, như sau này tôi muộn mằn nhận ra, gã có một sứ mệnh rất lớn với cuộc đời kinh khủng này khiến có lúc tôi tạm quên đi cái thai. Nhưng nỗi sợ phải đối mặt với con trai lão Khổ - tên lão nông dân kia – không lớn bằng nỗi sợ khi về nhà gặp chồng tôi. Anh ấy như sống ở trên mây. Anh không cho tôi mó vào bất cứ công việc gì. Anh ấy cứ cười nói, ca hát suốt ngày. Mỗi khi tôi nôn ọe, anh ấy đều ngồi bên để động viên bằng những câu bông đùa khiến tôi thêm nẫu ruột. Đêm nào anh ấy cũng thì thầm: "Cái bàn làm việc của anh thế mà hóa hay. Nó còn mát tay hơn cả bà đỡ". Rồi anh ấy nghĩ ra vô số những cái tên để đêm nào cũng có cớ nhắc tới đứa con tương lai. Hôm nay, tên con gái, ngày mai tên con trai. Cái tên ưng ý hôm nay thì ngày mai lại bị loại ra. Cuối cùng anh ấy bảo: "Hay là để papa đặt tên cho con". Tôi co rúm người lại như bị điện giật trong khi anh ấy vẫn đang say sưa với phát kiến:
- Ừ chính người cho chúng ta cuộc sống sẽ đặt tên cho con chúng ta. Ngày mai anh sẽ gặp để nhờ papa.
Suýt nữa thì tôi gào lên "Đừng nhắc đến con người quỷ ấy nữa" nhưng tôi kịp úp mặt vào ngực chồng. Anh ấy tưởng tôi xúc động, nói thêm:
- Em gặp được papa chẳng khác nào gặp được Bồ tát!
Chị có tin không, ngay lúc ấy tôi chỉ muốn cắn lưỡi chết ngay. Cái vòng thòng lọng cứ thít dần lại, mềm mại và êm ái. Chẳng ai có thể cởi bỏ nó hộ tôi trừ phi tôi dám thú nhận hết với chồng để chính anh ấy quyết định hình phạt. Nhưng bi kịch của con người là ở chỗ có những sự thật không bao giờ có cơ hội được làm cho sáng tỏ. Chỉ còn cách duy nhất cho tôi lối thoát là phá bỏ cái thai ấy đi.
Ý nghĩ này thoạt đầu loé lên như một lằn roi vô hình khiến ruột gan tôi bỏng rát. Nhưng mỗi ngày nó một hiện rõ để cuối cùng trở thành chỗ bám víu của kẻ sắp chìm nghỉm là tôi. Không còn đường nào khác. Ngay lập tức tôi quyết định về quê. Ở đó chỉ cần một nắm lá do một bà lang người Mường lấy cho, mọi việc sẽ suôn sẻ như tôi từng giúp một chị vỡ kế hoạch ở cơ quan. Không mấy cái thai chịu quá ba ngày. Ấy thế mà, dù đã tăng liều, suốt bốn ngày tôi uống lá độc, cái thai không hề có phản ứng gì. Sang ngày thứ năm thì tôi lên cơn đau bụng dữ dội. Tôi đã dặn trước người nhà cứ để tôi tự xoay sở lấy. Nhưng khi tôi tỉnh dậy ở bệnh viện tỉnh, người ngồi cạnh là chồng tôi. Nhìn vẻ mặt mừng rỡ của anh, tôi thoáng chột dạ. Anh bảo cơn nguy hiểm đã qua và may mà bác sĩ tiêm thuốc an thai kịp thời. Tôi lại muốn ngất đi. Tôi chỉ muốn nếu chết được luôn may ra mới thoát tội. Nhưng mọi người cứ ra sức ân cần, chu đáo với tôi. Họ không biết rằng cái tôi cần là một cú ngã thật mạnh. Tôi đã thử làm thế nhưng không thành. Mọi việc đã đến chỗ nguy hiểm. Đứa con tôi đang mang trong bụng đã được định đoạt là nó phải chết khi chưa thành người. Đúng hơn nó không được phép thành người. Nó đã ngấm thuốc độc, có để đẻ cũng thành dị dạng. Việc nó bám dai dẳng vào da thịt tôi trở nên không thể chịu đựng nổi. Tôi nguyền rủa nó, cầu mong nó sớm kết thúc số kiếp.
Đúng lúc ấy thì papa vào thăm tôi. Vừa thấy cái mặt lưỡi cày nhọn hoắt, tôi lập tức lên cơn buồn nôn. Tôi tưởng có ai dùng gậy luồn vào cơ thể mình khoắng lộn bậy. Bụng tôi bỏng rát. Sau đó tôi ngất đi kịp ý thức có một khối lầy nhầy vừa trôi khỏi cơ thể mình. Chồng tôi khóc ròng rã một tuần liền.
Cả mẹ tôi và cô Giang cũng lặng đi hồi lâu. Có lẽ không ai đủ can đảm khuấy lên một cái gì đó vui vẻ. Lát sau cô mới nói tiếp:
- Mãi tận ba năm sau em mới có thai chị ạ. Nhưng cả lần ấy và lần tiếp theo, đều cứ đến đúng tuổi cái thai bị em giết là nó sảo ra. Đến lần này, vừa biết mình có thai em liền vào viện nằm bất động suốt năm tháng. Em không dám cho người ta siêu âm vì rất sợ nó không bình thường. Thôi thì thà khi đẻ ra nó thế nào thì thế còn hơn biết mình mang một quái vật trong người
- Cô đừng nói thế - mẹ cau mặt gạt đi - Chửa đẻ khó thì khó thật nhưng nó cũng là việc bình thường của người đàn bà. Tôi đây cũng hiếm muộn mặc dù tôi có làm gì nên tội nên tình đâu.
- Em không sợ sự thật nữa cho dù nó tàn khốc. Bởi vì bất cứ hậu quả tồi tệ nào xảy ra với em,. vẫn chưa là hình phạt nặng nhất mà em đáng phải nhận. Khi mục đích thiêng liêng bị đánh tráo, bị đem ra ngã giá thì nó biến thành con đường của tội ác chị ạ. Đã bao giờ chị tự hỏi tại sao lũ trẻ ăn sung mặc sướng, được nhồi nhét đủ thứ kiến thức, đủ thứ lý tưởng mà vẫn cứ phạm tội một cách khá dễ dàng không? Em tin rằng đó là những đứa trẻ ra đời do bố mẹ nó vụ lợi. Nó đã bị ruồng rẫy từ khi chưa thành người vì thế nó tìm thấy ở hành vi phạm tội như cái cách để báo thù.
- Cô đừng nghĩ nhiều như thế, rất không có lợi cho đứa bé. Có những điều cần trở thành niềm xác tín cô ạ.
- Chị nói đúng. Mỗi người cần tin vào một cái gì đó mà không nên tìm cách phân tích, chứng minh nó - Chợt mặt cô tái nhợt đi: - Em thấy tức ngực quá chị ạ.
- Thế là sắp đẻ đấy. Để tôi gọi bác sĩ.
Lập tức cô phóng viên được đưa sang buồng cấp cứu. Tiếng chân chạy dậm dịch, tiếng người gọi nhau khiến mẹ đi lại không yên. Đầu giờ chiều có một người đàn ông hỏi tìm mẹ tôi. Mặt chú buồn thăm thẳm đến nỗi mẹ tôi không dám nhìn.
- Nhà em gửi lời chào chị,
Mẹ bật khóc thút thít:
- Cầu phúc cho cô,chú...
Không có một đứa bé nào được nhắc đến. Hẳn lại một cô, cậu bạn đồng niên nữa của tôi không muốn làm người. Có thể đó là quyết định sáng suốt.
Thiên Thần Sám Hối Thiên Thần Sám Hối - Tạ Duy Anh Thiên Thần Sám Hối