A friend is someone who knows all about you and still loves you.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Công Tác “Columbus”…
hời gian trôi qua, thấm thoát đã lại tới tháng Tám, cái tháng của Sài Gòn nắng thật nhiều. Tôi lại được chuyển về số 62 đường Trần Hưng Đạo.
Đây là một phòng rất rộng, có hai buồng, với đầy đủ tiện nghi của một khu có nhiều người ngoại quốc ở. Như vậy mới tạo vẻ bình thường, khi có những người Mỹ thường xuyên ra vào phòng của tôi.
Thời gian này, vừa tiếp tục đào tạo huấn luyện tôi, vừa chuẩn bị kế hoạch công tác tung ra Hà Nội.
Công tác trực tiếp ra Hà Nội:
Bí danh công tác: COLUMBUS Bí danh từ khi tôi vào ngành: X20. Thời hạn: 25 ngày (công tác ngắn hạn). Nội dung:
Chính:
1. Tài liệu X cho Z5 (Hoàng Đình Thọ). 2. Tài liệu M cho … (theo quy ước). 3. Mang 3 tâm thư bằng máu của linh mục Hoàng Quỳnh cho các linh mục A, B, C. 4. Tuyển mộ huấn luyện.
Phụ:
Theo dõi với khả năng và điều kiện tối đa những hiện tượng:
- 6 Cầu Gỗ, 1 Đường Thành, 27 Hàng Đường.
- MIG 15, 19
- Về chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự, tư tưởng chung của quần chúng, cán bộ, bộ đội v.v…
Vỏ bọc:
- Học sinh lớp 10 Phổ Thông Vĩnh Linh, đau tim ra Hà Nội
- Chữa bệnh.
- Buôn lậu.
- Mang thư của sư bà Đàm Hướng chùa Phước Hải về sư Tuệ Chiếu với Thẩm Hoàng Tín.
- Theo dõi sư đoàn 308, phòng thủ Thủ Đô Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm sư trưởng.
Giai đoạn chuẩn bị:
- Một kế hoạch nghiên cứu tỉ mỉ thấu đáo, phòng hờ mọi tình huống, suốt hơn một năm trường cho tới tháng 4/1962. - Hết thực tập lại nghiên cứu. Brown, Dale, Phan và tôi thường xuyên làm việc, theo phương châm: Càng học tập, nghiên cứu kỹ lưỡng trong “giai đoạn chuẩn bị” thì đường vào đất địch càng rộng, càng bằng phẳng.
Chi tiết toàn bộ công tác:
Bí danh X20 (ngay khi là nhân viên chính thức của Cục họ đã đặt bì danh cho tôi là X20, và bây giờ, trong công tác COLUMBUS, vẫn duy trì bí danh đó).
Nhiệm vụ chính:
1- Tài liệu X cho Z5 Hoàng Đình Thọ.
Vì là đích danh, nên tôi đã được cầm tấm hình bán thân (4×6) của ông Thọ một tuần lễ, thỉnh thoảng lấy ra xem cho quen mặt và ghi dần vào tiềm thức của tôi.
Theo tin tức của Cục cho: Lúc đó, Hoàng Đình Thọ là bác sĩ Nội Khoa bệnh viện Phủ Doãn cũ (bây giờ đổi lại là Việt Đức).
Khi về tới Hà Nội, có giấy giới thiệu để khám bệnh tim. Tìm thời cơ thuận tiện để trao “tài liệu X” cho Thọ.
Mật khẩu: “Nhờ bác sĩ chữa bệnh tim nhịp đập một trăm hai mươi”. Đúng 12 chữ.
Trả lời: “Tôi chỉ chữa tim nhịp đập một trăm ba mươi”. Đúng 10 chữ.
Tài liệu X: bọc ny lông đen, dầy 2 ly, dài 4 phân rưỡi, rộng 2 phân. Kín, không thấm nước. Tôi không được phép biết gì về tài liệu này.
Nếu Hoàng Đình Thọ không còn làm ở bệnh viện Việt Đức. Hủy tài liệu ngay.
2- Tài liệu M theo quy ước.
Giờ và ngày quy định:
Từ 8 giờ đến 10 giờ sáng (2 tiếng). Ngày 16 và 18 (phòng hờ nếu trục trặc ngày16 thì ngày18).
Địa điểm: Trên cầu Thê Húc (cầu bằng gỗ) của đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm.
Tôi quần xanh, áo trắng xắn tay, đi dép Thái Lan, đội mũ xanh công nhân. Tay cầm tờ báo Quân Đội Nhân Dân.
Đối tượng: (Bất cứ ai) mặc quần ka-ki xám, áo nâu, dép Bình Trị Thiên (dép râu). Tay cầm 3 quyển vở học trò.
- Khi tôi nhìn thấy bất cứ ai vào giờ ấy, ngày ấy, trên cầu Thê Húc. Chờ người ấy nhìn thấy, tôi đang cầm tờ báo gấp đôi, bây giờ tôi gấp thành tám.
- Người ấy trả lời bằng cách: Chuyển 3 quyển vở từ tay này sang tay kia. (Luôn luôn ở cách xa ít nhất 10 mét). Sau đó, tôi cứ đi, chính tôi phải chủ động tìm một địa điểm thuận tiện như công viên chẳng hạn. Tìm ghế đá, hoặc chỗ ngồi nào đó để đối tượng, từ xa 50 mét trở lên, có thể dễ dàng quan sát được tôi.
Tôi sẽ ngồi bình thường ở một cái ghế xi măng nào đó. Mở báo xem, che trên hai đùi, rồi (tùy cơ ứng biến) chờ đối tượng nhìn thấy. Gãi khuỷu tay, tuy gãi nhưng một ngón tay chỉ thẳng vào chỗ bỏ tài liệu. “Gãi” là dấu hiệu đã bỏ tài liệu, bây giờ là chỉ chỗ.
Khi thấy đối tượng “gãi đầu”, tức là đối tượng đã nhìn thấy. Chừng 5, 10 phút sau, với một thái độ bình thường, tự nhiên đứng dậy đi (nếu có đuôi, dẫn đuôi đi). Nhưng phải kín đáo, dùng phương pháp nghiệp vụ quan sát, kiểm tra khi đối tượng lại lấy tài liệu. Chỗ để tài liệu tùy theo cái kẹt hay cái góc nào mà người ta vô tình không thể nhìn thấy nhưng phải tạo thuận tiện cho người ấy.
Tài liệu M:
Bọc ny lông nâu, dầy 3 ly, dài 4 phân, rộng 3 phân; kín, không thấm nước. Cũng như tài liệu X, tôi không được phép biết gì về tài liệu này.
Về mục tài liệu M này, tôi phải nhắc đi nhắc lại. Học thuộc lòng những mật khẩu, và những quy ước phải thực tập nhiều lần. Bây giờ đã 23 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ.
Tôi nhớ thời gian này, những lúc tâm sự hoặc đi chơi với Phan (theo đúng nguyên tắc, tôi không bao giờ được đi với Phan ngoài phố, vì Phan đã bị lộ, là một cán bộ của cơ quan tình báo miền Nam, tôi mà đi với Phan thì cũng gần như bị lộ). Lúc đó, tôi là một thanh niên mới vào nghề, làm sao tôi có ý thức quán thấu mọi mặt, vậy lỗi này do Phan). Phan nói, trong cơ quan hiện nay, đang hình thành hai phe:
a) Gồm Cục Trưởng và đa số: Quan niệm tình báo theo lối cổ, bào thủ, rập theo nguyên tắc cứng ngắc. Thí dụ: Sai một người đi chợ mua một ký táo chẳng hạn. Phải dặn: Lấy xe đạp đi, lúc đi phải đi sát lề phía phải đường đi, phải đi từ từ, chú ý xe cộ ở ngã ba, ngã tư, khi quẹo, nhớ phải giơ tay làm hiệu. Khi đến chợ, khóa xe thế nào, gửi ở đâu, vào chợ thì mua loại táo nào, mặc cả ra sao, cách thức chọn táo; cũng như trên đường vể v.v…
b) Gồm Cục Phó và một số ít người, trong đó có Phan là người điển hình. Quan niệm, tình báo phải sống động linh hoạt, khích lệ cho nhân viên có óc sáng tạo, bén nhậy trong mọi tình huống. Cũng là sai một người ra chợ mua một ký táo, chỉ cần dặn: Nhớ mua, mặc cả táo ngon, đi đường phải cẩn thận. Nhưng, với khả năng khôn khéo sẵn có của anh, tôi tin rằng anh sẽ mua được táo ngon và rẻ.
Theo tôi nghe và nhận định: Tuy tôi chẳng phải là loại người ba phải, tôi thấy cả hai quan niệm trên đều có cái ưu và khuyết. Vậy cần trộn lẫn, rồi nhặt những cái ưu ra dùng, không cần biết của phe nào cả. Đó cũng chỉ là ý nghĩ của tôi, chứ không dám phát biểu với Phan. Tôi chỉ hỏi: Vậy hiện nay, kết quả phe nào có ưu thế? Phan nói: Thực tế bây giờ đánh giá bằng những kết quả của công tác; theo lối cổ điển thì thành công nhiều hay ngược lại, từ đấy phe này sẽ phải theo phe kia.
Do quan niệm trên, Phan nhiều lần giảng dậy cho tôi rất phiến diện, hời hợt. Vì thế, nhiều vấn đề tôi cần sáng tỏ, rõ ràng thì lại phải yêu cầu.
Chẳng bù với Ngọc Cẩn, hoặc sau này là Hoàng Công An, lại quá ư chi tiết, nhàm chán, đôi khi thành lẩn thẩn. Riêng Brown và Dale, thì tôi hiểu là của CIA, tui tôi chưa hiểu lắm, vì trình độ Anh văn của tôi. Nhưng qua một số hiện tượng, phong cách, thái độ của họ, tôi thừa nhận họ có nhiều cái đúng. Nghĩa là, cái nào họ cần chi tiết, thì rất tỉ mỉ từng ngóc ngách một, đoạn nào không cần thiết thì họ cũng phiến diện, khái quát.
Trong thời gian học tập và chuẩn bị công tác này, tôi được cung cấp một radio transitor với cả ống nghe. Tôi được toàn quyền nghe đài miền Bắc, và có rất nhiều sách báo của miền Bắc gồm đủ loại: tuần báo, nguyệt san, nhật báo, sách vở v.v… Mục đích là để tôi quen sự sinh hoạt, cũng như ngôn từ của Cộng Sản miền Bắc.
Vào khoảng tháng 9/1961, một hôm Phan dẫn một người đeo kính trắng đến giới thiệu là ông Hoàng Công An. Vì Phan có một số công tác đặc biệt không ở Sài Gòn, nên ông An sẽ thay Phan phụ trách tôi. Ông An là người miền Trung.
Qua sự huấn luyện và học tập, và kinh nghiệm từ số 2 Jean Jacques Rousseau, tôi đã hiểu đầy đủ về sự tò mò tìm hiểu những điều mình không cần biết, một nguyên tắc ngay trong cuộc sống, thường thường đã là không tốt rồi và bất lợi rồi. Vì vậy, ngay những người đến giảng dạy huấn luyện cho tôi gần 2 năm trời, tôi chẳng, hoặc không cần biết tên thật của họ, chức vụ của họ. Họ ở đâu đến, xong họ đi đâu, tôi không biết.
3) Mang 3 tâm thư của linh mục Hoàng Quỳnh.
Đây là một vấn đề phức tạp và nghiêm trọng. Nó có liên quan ảnh hưởng đến toàn bộ Thiên Chúa Giáo miền Bắc. Có lẽ vì vậy mà Cục đưa Hoàng Công An, một tu sĩ gần thành linh mục, đến phụ trách tôi.
Nội dung: Tôi sẽ mang tâm thư của cha Hoàng Quỳnh cho:
- Linh mục A ở nhà thờ X (Hà Nội).
- Linh mục B ở nhà thờ Y (Hà Nội).
- Linh mục C cũng ở nhà thờ Y (Hà Nội).
Tôi đã được xem 3 bản giấy đánh máy, nói rõ về thân thế đặc tính của từng linh mục trên, kèm theo 3 tấm hình bán thân (4×6).
a) Linh mục A.
Đã có bằng tiến sĩ ở Pháp. Tháo vát, cương quyết, tinh thần chống Cộng Sản rất cao. Có nhiều thành tích và uy tín với giáo dân. Lời hẹn ước xưa với cha Quỳnh. Do tình trạng thiếu linh mục nên linh mục A còn phải phụ trách thêm Phúc Xá Thượng và Phúc Xá Hạ nữa.
Yêu cầu của cấp trên nói rõ:
Sau khi Cha A xem xong thư của Cha Quỳnh, đồng ý tự nguyện hoạt động cho thế giới tự do, điều đó là thành công nhất. Khi đó, tôi sẽ nằm luôn tại nhà xứ trong một nơi an toàn, theo sự sắp xếp của Cha A. Hàng ngày, chính tôi sẽ huấn luyện cho người những nét chính yếu, cơ bản về hoạt đống tình báo. Trong vòng 10 ngày, phải xác minh được tinh thần, năng khiếu, hoàn cảnh, điều kiện của người. Giao mật khẩu và mật vật là nửa đồng bạc 1 đồng miền Bắc xé đôi: một nửa giao cho người, một nửa tôi sẽ mang về miền Nam. Sau này, bất cứ thời gian nào đó, hoặc nơi chốn nào, có một người nào đó, đến gặp Cha, nói đúng mật khẩu và đưa mật vật, người đó chính là đại diện của Sài Gòn, và sẽ cung cấp những nhu cầu cần thiết cũng như nhiệm vụ cho Cha.
Nếu vì một lý do nào đó, Cha vẫn có tinh thần chống Cộng Sản, nhưng lại không đồng ý hoạt động trực tiếp cho Sài Gòn, yêu cầu Cha giới thiệu người tin cẩn, thân tín nhất, có khả năng và tinh thần. Lúc đó, tôi sẽ trực tiếp gặp riêng, rồi tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của người đó, sẽ quyết định nơi huấn luyện. Nếu không có điều kiện thuận lợi, yêu cầu Cha giúp đỡ rồi cũng bí mật nằm im 10 ngày để huấn luyện.
Tuyển mộ nhân viên: Không phân biệt tuổi tác, thành phần, nữ hay nam, nếu là người của chính quyền địch thì càng tốt. Tìm hiểu kỹ thân thế, quan hệ họ hàng, hoàn cảnh, điều kiện sống của người nhân viên mới đó. Cân nhắc xác đáng, phù hợp để cho họ hai địa chỉ ở Pháp và Campuchia để liên lạc.
Địa chỉ ở Pháp: Paul Lạng, 14 rue du Four, Paris 6è, France. Cung cấp cho nhân viên đó rõ thực tế: Paul Lạng, 42 tuổi. Pháp lai có vợ là Marie Nguyễn cũng là Pháp lai. Trước năm 1954 ở Sài gòn. Đầu năm 1954 cùng vợ và 5 con gái về Pháp trên chuyến tàu Espérance. Hiện y đang làm chủ một hiệu giặt ủi máy lớn ở cùng địa chỉ.
Địa chỉ ở Kamphuchea (tên và địa chỉ đánh máy thiếu)… Phnom Penh, 28 tuổi là nhân viên làm trong maternité. Vợ là người miền Nam, quốc tịch Kampuchea, có đứa con trai 4 tuổi.
Lý do phải tương đối hợp lý về quan hệ họ hàng cũng như quan hệ xã hội để nhân viên mới đó giao thiệp thư từ với 2 địa chỉ nói trên: có thể là anh em chú bác bạn bè v.v…. thỉnh thoảng vẫn thư từ thăm hỏi sức khoẻ của nhau từ trước. Có thư từ giao thiêp một thời gian sau đó lẫn vào những lá thư sẽ có những câu hỏi an ninh thí dụ như:
1) Anh dạo này có khoẻ không? – Trả lời vẫn khoẻ, là bị theo dõi. Trả lời ốm bịnh là vẫn bình thường, không ai theo dõi cả.
2) Anh có ước mong có tiền để mua một chiếc xe đạp mới không? – Trả lời không thích tự do.
3) Anh có thích nhạc Phạm Duy không? – Không thích là bị theo dõi. Thích nghe là tự do.
4) Anh thích ăn thịt gà không? – Trả lời thích là bị theo dõi. Không thích là tự do.
5) Người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, sống có thoải mái không? Thoải mái là bị theo dõi. Không thoải mái là tự do.
Ngoài ra, còn hai quy định nữa trong những thư viết cho hai địa chỉ trên để báo cho Sài Gòn biết là mình đang bị công an cưỡng bức ngồi viết thư:
1) Đầu lá thư viết ngày tháng, nếu không để chữ “Ngày” là bị theo dõi. Thí dụ: 20-10-1963: bị theo dõi. Ngày 20-10-1963: không bị theo dõi.
2) Tuy có viết ngày hay không, mà dưới niên hiệu năm không có “dấu chấm” là bị theo dõi. Có “dấu chấm” là tự do. Thí dụ: 20-10-1963: bị theo dõi; 20-10-1963.: tự do.
Bắt nhân viên đó học thuộc lòng. Cần nhớ nguyên tắc 5 câu hỏi trên là: Hợp lý: bị theo dõi. Không hợp lý: tự do.
Bởi vì, nếu không có ai để ý theo dõi, hoặc ngồi trong phòng: công an dí súng bắt viết báo cho Sài Gòn, thì viết ngược cũng không thành vấn đề.
Quy ước có hàng nghìn kiểu, chỉ có trời biết, nhưng với điều kiện phải nhớ, không được lẫn lộn.
b) Linh mục B.
Là một người rất trầm tĩnh, ít nói. Làm việc hết khả năng, dù gặp trở ngại cũng tìm mọi cách để hoàn thành công việc. Có óc tổ chức. Còn nặng về tôn giáo hơn xã hội. Theo Cục cho biết cha B vẫn ở trong nhà thờ Y.
c) Linh mục C.
Cũng ở nhà thờ Y, Hà Nội. Cha năm nay đã già. Tuy vậy, tinh thần của ông rất cao. Ông rất có uy tín với giáo dân Hà Nội, cũng nhưn hàng giáo phẩm Việt Nam.
Theo ý của Cục:
- Cần nhất là linh mục A. Nếu vì lý do nào đó mà người không còn ở nhà thờ X; hoặc lý do nào khác mà người từ chối thì hãy tới linh mục B.
Nếu vì lý do nào đó mà không thể được linh mục B, thì mới tới linh mục C.
Theo Hoàng Công An cho biết. Ba linh mục trên, không những cùng hàng giáo phẩm thờ Chúa, chăn chiên như linh mục Hoàng Quỳnh, mà còn là những người thân, những đồng chí đã có nhiều hẹn ước khi cha Hoàng Quỳnh từ giã theo đàn chiên di cư vào Nam. Tuy vậy, đã 8 năm rồi, dưới chế độ Cộng Sản tàn bạo, chẳng hiểu tinh thần của các người bây giờ thế nào. Hơn nữa, sức khoẻ cũng là một vấn để đối với ba linh mục kể trên.
Riêng tôi, tôi đã suy nghĩ nhiều: Tôi thấy và hiểu rằng công tác này quá nặng nề và nghiêm trọng, đòi hỏi phải một người có khà năng 10 mà tôi chỉ có 2, nghĩa là không có trâu thì phải bắt nghé đi cầy. Vì thế, tôi đã mạnh dạn nói ý này với An.
An nói:
- Trên Cục đã nghiên cứu về vấn, đề này rất kỹ, nhất là về tôn giáo. Không phải ai cũng giao được công tác này, bởi vì, nếu thất bại, Cộng Sản sẽ lấy đó để hạ uy tín của công giáo và tăng cường kìm kẹp giáo dân cũng như các hàng giáo phẩm hơn nữa. Không những thế, công tác còn đòi hỏi rất nhiều mặt, nhất là địa bàn hoạt động lại là thủ đô của Cộng Sản. Bình yên tâm, Cục đã cân nhắc, tìm tòi nhiều, cuối cùng mới quyết định Bình đấy chứ.
Dù An nói sao, tôi vẫn tự nghĩ thầm. Những người đầy đủ khả năng thì không ai dám đi, vì đầy nguy hiểm, chết chóc trước mắt. Vì thế, trong số những người liều bất tử, dù không đủ yêu cầu thì cũng đành chọn vậy.
Tuy trong lòng tôi đầy vơi nghĩ suy như vậy. Nhưng nhìn lại, thế của tôi đã ngồi lên lưng cọp rồi. Quan điểm của tôi là đã trót ngồi lên lưng ông Ba Mươi, phải thúc gót thêm cho ông phóng mạnh, rồi muốn ra sao thì ra.
Một hôm, Hoàng Công An đến nói với tôi:
Theo ý cha Hoàng Quỳnh, trước khi người viết thư, người yêu cầu được gặp chính người lãnh sứ mạng đặc biệt đó ra Hà Nội. Cục đã chấp nhận. Vậy, sáng mai, 9 giờ tôi đến, chúng ta cùng đi.
Tôi hỏi đi đâu, có xa không?
An nói:
- Ở xứ Bình An, bên Bình Xuyên.
Tôi nhớ lại ngày xưa, ngày tôi còn là cậu bé, cha Hoàng Quỳnh là trưởng đoàn võ: Đinh Bộ Lĩnh mà tôi là một võ sinh tí hon theo đoàn đi các nơi biểu diễn những bài song kiếm hoặc Mai Hoa Quyền trêm một võ đài. Chắc giờ đây tôi có nói ra thì cha mới nhớ được, vì tôi lúc này đã lớn rồi. Bởi thế, tôi đã định, nếu khi gặp, cha không nhận ra thì tôi cũng không nhắc lại.
Hôm sau An đến, chúng tôi cùng đi xe tới xứ Bình An. Tôi và An ngồi chờ cha ờ phòng khách. Một lát sau, cha ra. Ôi, mới hơn 10 năm trời mà khi tôi nhìn thấy người, tôi rất ngỡ ngàng. Da mặt người đã nhăn nheo, tóc người đã điểm sương. Chỉ còn dáng dấp quen thuộc, nhanh nhẹn của người thì vẫn như ngày nào.
Hơn một giờ chuyện trò, Cha thường nhìn tôi, nói: “Dũng cảm nhỉ!”. Lúc tiễn An và tôi ra cổng, cha nói:
- Cha rất cảm phục con. Trước ngày con đi, cha muốn ăn cơm với con một bữa, để thỏa lòng cha, gọi là trách nhiệm của một người tiễn đưa một tráng sĩ mang tinh thần oanh liệt của Phạm Hồng Thái, con có đồng ý không?
Tôi không dám trả lời và nhìn sang An. An nói:
- Con xin lĩnh ý cha. Con về xin ý kiến, rồi sẽ điện đến cha ngay.
Trên đường về, An nói:
- Chưa chắc cấp trên đã đồng ý, vì Bình còn nhiều việc lắm.
Tôi biết uy tín của cha Quỳnh không phải là nhỏ. Người đã làm cho Hồ Chí Minh bẽ mặt một lần, khi người còn là Phó Chủ Tịch Mặt Trận “Liên Tôn Diệt Cộng” hiển hách năm nào ở ngoài Bắc, mà sư Tuệ Chiếu là Chủ Tịch; cái thời cáo Hồ còn bịp bợm ve vãn, mua chuộc, quỳ gối trước Đức cha Lê Hữu Từ xin chịu rửa tội nhập đạo.
4. Tuyển mộ huấn luyện:
Nếu do lòng nhiệt tình và ý thức dân tộc nên các cha đồng ý, tối sẽ huấn luyện. Nếu không, xin các cha giới thiệu những người tin cẩn và thân tín, lúc đó, chính tôi sẽ tuyển mộ và huấn luyện họ. Đối với tôi, điều này không khó khăn gì lắm. Ban đầu, chỉ cần nói những nét cơ bản về nghiệp vụ. Điều khó khăn là tìm biết được khả năng và bản tính của mỗi người, phát hiện ngay được cái ưu, cái khuyết của họ.
Tuy tôi cũng đã được học tập gần 2 năm, Dale, Brown và An vẫn nhấn mạnh:
- Bản tính con người ta vô cùng phức tạp, có rất nhiều vấn đề khác biệt. Nhưng nói chung, con người gồm ba loại:
a)Loại bộp chộp, ruột để ngoài da. Vui, buồn hay có vấn đề gì, chung quanh ai cũng biết. Loại ngưòi này ta ít phải quan tâm.
b)Loại thâm trầm, ít nói. Họ ghét hay họ yêu mình, họ đồng ý hay không đồng ý việc mình làm, thái độ của họ không thay đổi. Loại người này, khi sống gần, ta phải luôn luôn cảnh giác, giữ ý và coi chừng. Nếu họ bắt đầu có hành động hay thái độ gì không bình thường, ta đã chuẩn bị đối phó. Nhưng họ không nguy hiểm bằng loại thứ ba.
c)Loại người này, họ vẫn cười nói với mình, đôi khi lại tỏ ra thắm thiết thân mật hơn, ta có khó khăn gì họ sẵn sàng giúp đỡ, chia xẻ. Khi họ chiếm được lòng tin của ta, bất ngờ cho một mũi dao vào tim ta. Loại này thường làm mất cảm giác của ta. Gây cho ta sự chủ quan rồi hại ta v.v…
Tóm lại: Để có thể phân loại được bản tính của đối tượng, ta phải có sự nhận xét tinh tế và bén nhậy. Dù đối tượng nói gì, nấp dưới bất cứ hình thức nào, ta vẫn phải nhìn rõ bản chất, nghĩa là con người thực của họ. v.v… Người đi tuyển mộ phải biết.
Bản tính con người khó thay đổi. Vì vậy, trong giai đoạn thử thách, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện cho phép có thể ngắn dài, nếu thấy người mình định tuyển mộ có những khuyết điểm về cơ bản thuộc bản chất, ta phải loại bỏ ngay. Khác với các lãnh vực khác còn có thể sửa chữa được, bản chất thì không.
Một người có tính huênh hoang, có thể đã bị đời đập cho méo mặt vì cái tính huyên hoang, khoác lác này, cũng chỉ chừa được ít ngày, rồi sau đó, đâu lại hoàn đấy.
Một người có tính tự ái cao, thì suốt đời cũng không thể bỏ được tính đó. Chính vì tính tự ái này, họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội thăng tiến, lỡ lầm nhiều chuyện tình cảm, để phải ân hận lâu dài.
Ông bà ta đã chẳng từng nói: “Cái nết đánh chết không chừa”. Phương tây cũng có những câu chuyện về “Ông vua và chiếc tai Lừa”, hoặc “Con mèo và ông quan đại thần”… Ông cha đã dậy con cháu là chúng ta: Giang sơn dễ đổi, bản tính khó chừa!
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen