Số lần đọc/download: 127 / 14
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:27 +0700
IV - Thượng Nghị Sĩ Thứ 101 [64]
H
arold Hatter bị cảm. Vào cái hôm ấm áp gần Niagara giá lạnh. Tuy vậy, các buổi gặp gỡ về công việc vào buổi sáng của chúng tôi vẫn diễn ra vào giờ giấc thường lệ. Ông Bạc tỉ vẫn làm việc dù có sốt cao đến mấy đi nữa. Lão nửa nằm nửa ngồi trên đi văng, mặc pyjama và áo choàng, râu ria không cạo, tóc bù xù, mắt đỏ ngầu, giọng mũi khọt khẹt, còn tôi ngồi bên cạnh với cuốn sổ trong tay và chờ lão nói. Cứ xét theo vẻ mặt của lão, thì câu chuyện hôm nay quan trọng đây.
- Tôn ông, hôm nay chúng ta phải cân nhắc cho kĩ một chiến dịch rất đắt và tinh tế. Hãy cất giấy đi, giờ chưa cần đến.
Lão thốt ra những lời trên đây bằng giọng khàn, nhỏ, xen với tiếng ho. Đến tôi cũng không đứng vững nữa. Thôi được, cóc cần. Tôi sẽ thoát cúm chẳng có hề gì.
- Tôi đã nghĩ tên gọi cho cái việc hay ho, nhiều hứa hẹn kia rồi “Cú xạc”! Ta sẽ bàn về Baker.
Hatter kéo gối cao lên, tựa lưng vào nó. Lão thôi chảy nước mắt cúm. Màu đỏ dưới mi mắt như biến đâu mất. Cặp mắt lão trẻ ra, trở nên trong như băng. Đấy, sức mạnh của ý chí là như thế. Ông chủ của tôi lúc này động viên hết tinh lực trong mình ra.
- Này, anh hãy kể hết tội thằng Baker này ra, - lão ra lệnh bằng giọng nói nhỏ đang rít lên.
- Tội nào nhỉ, ông Harold? Tôi không thù hằn gì Baker. Hắn không lừa đảo tôi bao giờ, cũng chẳng cuỗm tiền. Chúng ta luôn sống tâm đầu ý hợp với hắn. Cả bây giờ cũng đang kết bạn với hắn. Thằng cha cứng lắm. Biết giữ mồm giữ miệng.
Hatter khua cái lưỡi tưa phồng, vặn đầu vẻ chỉ trích..
- Tôi muốn nói những tội khác cơ. Những tội có thể làm hắn mất danh hiệu thượng nghị sĩ thứ một trăm linh một. Hiểu chưa?
Tôi giơ tay lên khỏi đầu, cười.
- Hiểu rồi... Cả ngày cũng không đủ để kể hết những việc làm tội lỗi của hắn.
- Hãy kể những cái nặng cân nhất, đắt nhất ấy.
- Kể thẳng thừng? Có sao kể vậy? Không thương tiếc?
- Không cần phải lót rơm cho hắn. Mông, bẹn hắn cứng như sắt ấy. Cứ ném hắn hết đà.
- Tôi cũng không biết, bắt đầu từ đâu? Những việc làm bẩn thỉu của Baker thì nhiều lắm... Vì tiền mà hắn thu xếp được những giao kèo với Nhà nước có lợi cho các hãng chế tạo máy bay “North American Aviation”, Northrop”.
Hatter gật đầu và gập ngón tay.
- Vì ăn nhiều của đút mà hắn hỗ trợ cho các công ty công nghiệp, các nhà băng, các tay lốp-bít giầu có.
- Cái thứ số học ấy tôi không vừa ý. Phải cụ thể: ở đâu, khi nào, cho ai, bao nhiêu, vì cái gì!
- Cuối mỗi tuần hắn hay đến Las Vegas để moi tiền từ các bẫy đã chăng sẵn. Hắn chung món với các nhà kinh doanh Edward Lê-vin-xơn và Clíp Johnson, chủ các nhà đánh bạc ở trong nước và ở một vài nước Mỹ La tinh. Hắn kiếm cổ phần bằng cách giúp bọn làm ăn chung moi được giấy phép mở các casino ở Cộng hòa Dominican, trên đảo Curasao.
- Thế! – Hatter gập một ngón tay nữa.
- Hắn đã mở bên bờ Đại Tây Dương thơ mộng một motel xa xỉ đến hoa mắt dành riêng cho giới thượng lưu, chủ yếu là các thượng, hạ nghị sĩ bạn hắn.
Hắn xây mất một triệu hai trăm nghìn đôla. Mà lương hàng năm của hắn là mười chín nghìn đôla.
- Thế, tiếp tục! - lão gập thêm một ngón tay nữa.
- Cái phòng làm việc của Baker với cái biển khiêm tốn “F-80”, ngay cạnh nhà mái tròn mà Lincol đã tuyên thệ, có nhiều nghị sĩ đặt chân tới... Gọi tên họ?
- Không cần. Tiếp tục!
- Baker mời khách cô nhắc, Whisky, martini, những tập toàn tờ một trăm đôla và những lời khuyên nhủ phải bỏ phiếu cho dự luật nào, bác bỏ dự luật nào.
Hatter chìa ngón tay cái.
- Còn một cái nữa là đủ.
- Cả khi tiêu khiển, một vài nghị sĩ cũng ở trong tầm kiểm soát của Baker. Cách nơi làm việc của thượng nghị viện không xa, qua một con đường, hắn đã trang bị nên một cái tổ ấm cho những kẻ thích các cảm giác mạnh dưới cái tên: “Câu lạc bộ Quorum” [65]. Chỉ những người thuộc dòng tôn quý mới được vào đây: chính khách, nhà kinh doanh, tướng lĩnh, đô đốc, đại sứ, nghị sĩ, lobbyst cấp cao, các tiểu thư quý phái đắt tiền, vóc người cân đối, có bộ mặt “hoa hậu nước Mỹ năm nay”. Tiếp và bố trí khách chính là thiên thần xác thịt kiều diễm, khôn khéo Carol Taylor, thư kí riêng của Baker, vợ của một nhân viên phái bộ quân sự ở Tây Đức - ngài Romet. Cuộc hẹn hò với các thanh nữ rất tốn của khách... với lại, trong các phòng thanh vắng của “Câu lạc bộ Quorum” người ta không tính đếm đôla. Nhưng cuộc nhảy trong bóng tối được tổ chức, thoát y vũ thì dưới ánh đèn sáng trưng. Người ta uống whisky, cô nhắc, tắm trong bồn ngập sâm banh.
- Cái món này được đấy. Hoàn toàn đủ để đưa Baker và một vài nghị sĩ ra ngồi trước những cặp mắt đáng sợ của ủy ban phụ trách các việc hành chính của hạ nghị viện. Anh sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị chiến dịch tinh tế này, Serge ạ. Từ ngày mai trên tờ báo của mình, anh sẽ vung lưỡi tầm sét vào Baker và lũ khách hàng của hắn. Tóm lại, anh sẽ mở chiến dịch vạch trần tệ hối lộ trên đồi Capitol.
- Tôi à?! Vạch trần? Trên tờ báo của mình? ấy chết, ông Harold! Nếu vạch Baker, tôi buộc phải vạch cả tôi, cả ông.
- Tôi không nói hẳn là “vạch trần”. Tôi chỉ diễn đạt rất cẩn thận: “Mở chiến dịch vạch trần”. Chỉ mở thôi! Cho những kẻ tắm sâm banh và thúc đẩy các dự luật có lợi cho các công ty thù địch với ta hiểu là trong tay ta có những chứng cớ nguy hiểm đối với bọn chúng. Thế thôi. Số là các vị ở “Câu lạc bộ Quorum” này đâm ra khó tính lần vừa rồi. Họ khăng khăng không chịu bác dự luật tai hại cho chúng ta bãi bỏ việc giảm thuế cho các lòng đất đá hao cạn. Các vị quân tử trong "Ford Motor" và “General Dynamics” đã giao kèo được phiếu của bọn kia trước chúng ta. Cái gì có lãi cho Hatter thì khuynh bại cho các đối thủ đáng kính của Hatter. Tôi không muốn làm thằng ngốc, lại còn ngồi bên cái máng vỡ. Cho nên tôi tóm cổ các vị đường bệ mà kêu lên: “Bắt lấy thằng ăn trộm!”. Phương tiện này dĩ nhiên là kẻ cướp quá, một trò không có quy tắc nào cả, nhưng biết làm gì bây giờ. Tôi đã bị dồn đến chân tường. Buộc lòng phải song phi một cú vào chỗ hiểm của các tay tri kỉ của mình. Cái đó tôi đặt tên là một “Cú xạc”.
Diễn từ dài, nói bằng giọng thầm căng thẳng, khàn khàn đã làm Hatter mệt lử. Lão ngã người ra gối, nghỉ rất lâu, mắt nhắm và mồm mím chặt. Còn tôi lúc đó nghĩ xem có thể cho phép mình nói gì với ông Bạc tỉ.
Lão nhìn tôi. Như vậy có nghĩa là đã đến lượt tôi nói.
- Ông cho rằng, - tôi nói, - các vị trong “Câu lạc bộ Quorum” sợ bị vạch mặt và vội vã dồn phiếu cho ông?
- Tôi chắc vậy. Bọn chúng thích đớp đôla, còn đối với trò chơi mạo hiểm lớn thì không dám; chúng có hơi nhát gan.
- Ông Harold, con dao của ông có hai lưỡi. Nếu đối phương còn kiên gan, lấy được can đảm thì sự vạch trần kia lại chĩa vào ta. Tôi lo rằng nhỡ đâu ta lại đào mồ cho mình.
- Cụ thể, anh sợ cái gì và sợ ai?
- Sợ những bộ răng cá mập của bọn khách “Câu lạc bộ Quorum”.
- Chuyện vặt. Ta sẽ vô hiệu hóa chúng. Cá mập là loài không theo tập đoàn. Chỉ cần bắn trúng hay phóng xiên vào một con, khi ấy đồng bọn nó ngửi và trông thấy máu, thì lập tức chúng sẽ lao vào con bị thương và xâu xé thành từng mảnh.
- Ấy đấy, tôi nói cái đó đấy. Nếu chúng làm ta chảy máu thì chúng ta đi đứt. Chúng sẽ gặm ta.
- Đấy chính là yếu tố mạo hiểm của trò này. Hoặc là ta, hoặc là chúng. Ta phải làm cho Baker chảy máu. Lũ cá mập sẽ gặm hắn.
- Tôi còn một nghi ngờ, có lẽ là nghi ngờ chính. Chúng ta phải tính đến Phó Tổng thống. Baker là con nòi, là môn đệ của lão ta. Đã hai mươi năm kết bạn với nhau. Cả nước Mỹ đều biết lời nói của Phó Tổng thống: “Baker là người cuối cùng tôi đàm luận buổi chiều và là người đầu tiên tôi gặp buổi sáng”. Làm sao lão lại để cho người ta vùi dập đứa con cưng của lão!
- Đúng rồi, lão không để thế đâu. Không đời nào. Lão sẽ cứu hắn ra khỏi tai họa. Nhưng đương nhiên là phải mất tiền. Lão buộc phải ấn nút cái đa số của Đảng Dân chủ ở thượng nghị viện và gạt dự luật bãi bỏ việc giảm thuế.
- Ông tin là lão sẽ làm thế chứ, ông Harold?
- Như tin ở chính mình vậy. Tôi biết rõ lão ta. Lão sẽ không chịu nổi chuyện bê bối trước dư luận. Nhất là lúc này, khi cuộc bầu cử đã kề bên. Lão muốn làm Phó Tổng thống một nhiệm kì nữa.
- Thế nhỡ lão giở chứng?
- Tôi thích mạo hiểm. Mỗi bạc triệu của tôi đều kiếm được trong trò chơi mạo hiểm lớn. Đó là cái môi trường của tôi: được ăn cả, ngã về không. Không mạo hiểm thì tôi không phải là người. Hết mạo hiểm thì cũng hết sống.
- Một câu hỏi nữa có được không, hở ông?
- Thì cứ nói. Với anh thì cái gì cũng được.
- Chả lẽ không thể thu xếp chuyện cái dự luật mà không dùng đến răng cá mập? Chả lẽ Phó Tổng thống lại không nghênh tiếp ông.
- Không được! Các vị ở “Câu lạc bộ Quorum” khó tính quá.
- Thế lão làm sao mà cứu được Baker khỏi tai họa?
- Lão buộc lòng phải ấn mọi nút, mọi đòn bẩy. Hành động dưới ảnh hưởng của một người bạn là một chuyện, còn dưới áp lực của dư luận trước sự việc bê bối thì lại là chuyện khác. Nói chung, tôi tin là chiến dịch vạch trần của anh sẽ đem lại thành quả ngay lập tức, ngay vòng đầu. Sự việc sẽ không đi đến việc vạch trần hoàn toàn. Không ai để cho nó đi đến chỗ ấy: cả các ngài đã sinh sự, cả Baker, cả Phó Tổng thống, tôi đều không muốn. Trước tiên là tôi.
- Vâng, ông đặt lên vai tôi một nhiệm vụ khó khăn. Vừa vạch trần lại vừa không vạch trần! Đi trên lưỡi dao mà không bị đứt chân. Nuốt lửa mà không bị bỏng mồm.
Hatter phá lên cười. Lần này lão thành công thật sự.
- Anh sẽ đảm đương được thôi mà. Tôi yên tâm với anh.
- Thế khi nào ông cho lệnh bắt đầu chiến dịch?
- Càng sớm càng tốt. Nghiêm túc nhé. Phi nước đại ngay. Sao cho các vị dân biểu kia không dám nghi ngờ là chúng ta nói nhảm. Hãy quật thẳng cánh vào mồm đối phương, quật hết sức, làm nó vật ra đất và hãy dẫm lên trên. Nhưng hãy chừa cái bụng. Lục phủ ngũ tạng phải còn nguyên. Chỉ có thế. Hôm nay thì ngần ấy đủ rồi. Hãy làm việc mình đi, tôi còn ốm. Tôi định chợp mắt một lát. Cả đêm không nhắm mắt rồi.
o O o
Báo Texas Sun do Hatter mua qua những người mạo tên với giá vài chục triệu đôla và sang toàn quyền cho tôi, như nhiều người nghĩ. Ông Bạc tỉ không thèm hạ mình đến mức bảo ban tôi hàng ngày. Chỉ thỉnh thoảng lão mới huấn thị cho tôi về những vấn đề lớn nhất. Tôi được tương đối tự do. Thứ tự do của con gấu trắng không phải bị nhốt trong cái cũi sắt, mà được nhốt ngoài trời trong vườn bách thú, trong bể có đảo đá và chuồng ngủ đông, được ngăn chung quanh bằng rào thép. Bầu trời ở trên đầu không bị chăng chấn song. Có thể tắm thỏa thích như khi ở giữa thiên nhiên. Có thể sưởi nắng. Nghỉ mát trong động. Không phải đi kiếm mồi, đã sẵn người mang tới. Còn ước gì nữa!
Tổng biên tập tờ Texas Sun không nhất thiết ngày nào cũng phải có mặt ở tòa soạn và dạy các cộng tác viên của mình cái gì phải viết, cái gì không đụng đến, cái gì in ở trang nhất, cái gì ở trang hai mươi. Mọi người ở tòa soạn đều biết, cái gì có thể làm và cái gì không được làm, đường lối nào phải theo. Cái máy đã được hiệu chỉnh từ lâu và cứ thế chạy đều đặn. Không ai trong số hai trăm cộng tác viên thoát được ra khỏi cái khuôn khổ đã vạch sẵn bởi Tổng biên tập Serge Brooks theo chỉ thị của Hatter, nếu như anh ta có mưu toan muốn độc lập. Không được tự tiện chi hết. Đương nhiên, có thể viết mọi cái, cho đến cả bài công kích chính sách của Nhà Trắng và khen ngợi Ca-xtơ-rô. Nhưng chỉ những gì được trưởng ban, chủ bút chấp hành, các uỷ viên biên tập và cuối cùng là Tổng biên tập thông qua thì mới được in.
Khi tôi vắng mặt, mọi công việc thường kì và bộ máy của tòa soạn do Mike Gordon, chủ bút chấp hành, uỷ viên biên tập, người phó thứ nhất của tôi, chỉ đạo. Đó là một tay rất khá. Tôi lôi anh ta lên từ dưới đám kí giả lèm nhèm và nâng đỡ anh ta. Anh ta thật toàn tài: anh ta đọc những bài xã luận ngay ở chỗ sắp chữ, phỏng vấn những nhân vật cấp cao, dọn ra những bài tiểu phẩm tức cười, lanh lợi, chuyên trách mục “Kinh doanh và đời sống”, kiên quyết rút gọn xuống bốn năm lần những bài viết lê thê của các phóng viên, am hiểu sâu sắc các vấn đề tài chính. Phẩm chất nghề nghiệp của anh ta được hỗ trợ bằng những phẩm cách tinh thần. Mike ít nói dối gấp trăm lần kẻ khác. Thích nhậu nhẹt trong đám bè bạn. Ăn nói hoạt bát. Không đặt điều này nọ. Không ngồi rình trộm. Không thù những ai dám cãi lại anh ta. Không dòm dõi Tổng biên tập, không kê kích mỗi lời nói của Tổng biên tập, mà cũng không tự tiện. Một con ngựa thồ lí tưởng, một người ruột để ngoài da.
Có khi tôi không đến tòa soạn hàng hai ba tuần do thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt của Mike. Vắng mặt tôi, tờ Texas Sun ra vẫn hệt như khi tôi ngồi từ sáng đến chiều ở đấy, vẫn với khuynh hướng chính trị như thế. Người phó của tôi vẫn cảm thấy trên gáy mình bàn tay của Tổng biên tập, sở thích, ý chí của người đó, khi tôi ở bên kia đại dương, ở Paris hay Cairo. Về phần mình, tôi lại cảm thấy cái dây cương mà Hatter chằng vào tôi.
Gordon đã hơn năm mươi. Ba mươi năm nay anh ta làm kí giả. Phần lớn quãng đời làm báo của mình, anh ta viết những bài báo nửa có tính cách vạch mặt chống lại các trùm kinh doanh Mỹ và in chúng ở những tờ báo tả, có khuynh hướng tự do, nửa tự do, có ấn bản nhỏ mọn. Anh ta thông cảm với các chiến sĩ đấu tranh vì dân quyền, vì công bằng, bình đẳng. Đã tham gia các cuộc tuần hành trước Nhà Trắng. Đã là người ủng hộ việc cấm thử vũ khí hạt nhân, ủng hộ việc không tấn công Cu Ba, ủng hộ hòa bình. Đã kí bản “Kiến nghị của các trí thức” nổi tiếng gửi Tổng thống Eisenhower.
Thế rồi anh ta rơi vào tay ủy ban điều tra. Ra khỏi đó với cái “vết chàm”. Các tờ báo có xu hướng tự do ngừng đăng bài của anh ta. Không một tòa soạn nào nhận anh ta vào làm dù chỉ với chân sửa bài. Mike phải làm ăn lối cửa sau. Anh ta viết rất tốt cho những kẻ viết tồi. Anh trở thành anh nhà báo không tòa soạn, không tên tuổi, không bộ mặt. Một nhà báo ma. Tôi lấy anh ta vào Texas Sun giữa lúc ấy. Bấy giờ anh ta đã khá đói ăn, đã lênh phênh và hiểu rằng cái roi cao bồi không thể gây chấn thương được những cái gáy bọc giáp của Rokefeller, Đuy-pơn, Hugh, Ford, Hatter, Getti và các đàn em của bọn chúng. Anh ta đã mất ý chí tranh đấu. Anh ta muốn sống và làm việc như đa số những người Mỹ, không muốn công kích lũ quyền thế ở trần gian này. Anh ta trở nên nhân nhượng, lặng lẽ, chấp hành và hết sức có kỉ luật, ngoan ngoãn. Anh ta bắt đầu làm kí giả hạng dưới ở Texas Sun. Trong vòng vài năm chầm chậm, vất vả vượt qua các cửa ải cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của tôi, anh ta đã trở thành ông chủ số hai của tòa soạn và là một kí giả lương cao sang nhất. Anh ta viết cẩn thận, dè chừng, thông minh và chỉ viết những gì nó vừa ý ông Bạc tỉ. Lên cương vị lãnh đạo, anh ta không cho phép mình ngơi tay. Anh cố gắng hơn những người khác. Trung thành hơn những người khác. Không bao giờ phê phán chính phủ. Không nhìn thấy những vết rạn nào trong lối sống Mỹ. Anh tránh cho xa những đoạn biểu tình, dù đó là đoạn biểu tình chống Cu Ba và thân Mỹ nhất. Không gặp gỡ với cánh tả, cánh tự do. Nói chung, anh ta đã hoàn toàn chuộc lại quá khứ, trở thành người Mỹ một trăm phần trăm.
Đó chính là Mike Gordon, người mà tôi trao cho tám trang đánh máy, sửa chữa kĩ càng về Baker. Không dài thêm câu nào.
- Đem sắp chữ! – tôi nói cương quyết, vẻ sai khiến.
- Xin tuân lệnh ông.
Anh ta cầm lấy bài báo và ra khỏi phòng làm việc của tôi, phòng làm việc riêng duy nhất trong cả tòa soạn. Tất cả các cộng tác viên đều ngồi trong một phòng lớn, kê những bàn chung rất dài và những bàn cho các trưởng ban. Mọi người đều trông thấy nhau và bày ra trước con mắt cấp trên. Ai không có mặt, ai làm việc, còn ai bê trễ thì trông thấy rõ ngay. Quy cách này không phải do tôi thiết lập. Tờ New York Time vẫn còn duy trì nguyên tắc đó và kéo theo tất cả các báo ở Mỹ.
Phía trên của phòng làm việc của tôi được làm bằng kính. Thông thường nó được chăng rèm. Bây giờ nó hở. Tôi trông rõ Mike ngồi sau bàn của mình và để cả tâm trí vào việc đọc bài báo của tôi vừa đưa. Anh ta ở cách tôi khá xa, quãng ba mươi foot, nhưng tôi thấy rõ mặt anh ta, đỏ hồng lên. Kì thật, cái gì làm anh ta đỏ bừng mặt lên thế? Vui sướng vì những lời công kích một kẻ gian xảo cỡ bự chăng? Hay là sợ cho kẻ kia, cho anh ta và cho cả tòa soạn Texas Sun.
Anh ta đọc đến hết, nghĩ ngợi, lấy tay lau cái trán to nhiều vế cả nhăn và lại đọc lại. Mike đã quen không ngạc nhiên trước mọi cái, đã bạc đầu trong làng báo, đã học được thái độ điềm tĩnh, vậy mà cũng sửng sốt. Anh ta không biết có nên tin hay không những gì đang đọc thấy.
Anh ta chạy lại chỗ tôi. Tôi nghiêm nghị đón anh ta:
- Có chuyện gì thế, Mike? Anh đã đưa bài đi sắp chữ rồi chứ?
- Chưa, thưa ông. Ông thấy không, tôi...
- Sao anh lại chậm trễ?
- Tôi cảm thấy...
- Anh cảm thấy cái gì, Mike?
- Tôi băn khoăn, thưa ông...
- Đừng có ngắc họng nữa. Cái gì làm ông băn khoăn? Nội dung? Hình thức? Sự thiếu chứng cớ? Giọng quá gay gắt?
- Xin lỗi ông, nhưng tôi phải...
- Anh nói đi, khỉ gió thật! Tôi hết kiên nhẫn rồi đấy!
Tôi mường tượng hẳn anh ta bây giờ căm ghét tôi lắm vì tiếng quát, vì sự bỏ qua những lo lắng, bối rối của anh ta. Không thể làm khác được, Mike thân mến ạ! Có thể, nhưng không được làm. Cả anh lẫn cả tòa soạn phải thấy tôi luôn luôn cương quyết, luôn luôn có ý chí, luôn luôn quyền hành trên mọi cộng tác viên. Tôi thực hiện một mệnh lệnh không văn bản của Hatter. Lão tin tôi, giữ tôi gần lão hơn cả, nhưng vẫn theo dõi tôi không mệt mỏi, sợ tôi đâm mềm yếu, sợ tôi thả lỏng những thói tự tiện.
- Có chuyện gì?
- Thưa ông, tôi muốn nói..., bài báo không có chữ kí của ông. Thường ông không làm thế.
- Đúng, không có chữ kí. Thì đã sao? Anh muốn tôi kí bài báo phỏng?
- Vâng, thưa ông.
- Tại sao anh lại nảy ra cái mong muốn như vậy?
- Một bài báo hay thì lại càng trở nên hay hơn. Tên ông gắn thêm sức mạnh chính trị cho những ưu điểm văn học của bài báo.
- Chỉ có thế thôi. Anh không có lí do nào khác?
Anh ta im. Nghĩ ngợi. Tội nghiệp. Trong lòng anh ta như có lửa đốt! Anh ta có những lí do khác, tôi biết. Anh ta sợ dính bàn tay đã lăn dấu ở FBI vào vụ Baker. Anh ta run sợ cho cái thân xác đã lằn tím của mình. Anh ta thấy trước được sự trừng phạt vì đã cả gan công kích thượng nghị sĩ thứ một trăm linh một. Tôi hiểu anh, Mike ạ, nhưng không giúp anh gì được. Tôi không có quyền.
- Không, thưa ông, tôi không có lí do nào khác, - viên phó của tôi trả lời. Trên khuôn mặt trắng bệch của anh ta, khuôn mặt của kẻ chịu cực hình, có những giọt mồ hôi lạnh toát đang lăn xuống.
Một lần nữa anh ta lại phải đem đánh đổi và phải phản lại bản thân, phản lại những tín điều mới mà anh ta hết sức trung thành!
- Cám ơn anh Mike, về lời khuyên của anh. Tôi buộc lòng phải khước từ nó. Tôi lấy làm tiếc. Bài báo sẽ ra không có chữ kí của tôi, xem như của tòa soạn.
- Vâng, thưa ông! Ông hãy chiếu cố viết ngay tại đây cái góc này, xem phải đăng trang nào, loại chữ nào.
Anh ta muốn lấy được dù chỉ một vết tích nào đó từ tay tôi.
- Ở trang đầu. Kiểu chữ truyền cảm nhất, - tôi nói. Mike chán nản nhìn tôi. Mọi phương tiện bảo vệ và phòng xa thế là hết. Anh ta chỉ còn một phương tiện cuối cùng: nói rằng anh ta chống lại bài báo. Anh ta đã không nói.
- Đưa bài báo của ông vào số nào, thưa ông? – Mike hỏi và vô hình trung nhấn mạnh vào chữ “của ông”.
- Số ngày mai.
- Thế thì, phải bỏ hết những gì ta đã chuẩn bị cho trang nhất.
- Anh cứ việc bỏ.
Anh chàng Mike cẩn thận, phòng xa đã không moi được gì ở tôi. Anh ta rời phòng tôi với bộ mặt ủ rũ. Có cái gì đó làm anh ta không thích chiến dịch này, anh ta cảm thấy trong đó một sức công phá nổ chậm nguy hiểm không chỉ đối với viên thượng nghị sĩ thứ một trăm linh một, mà còn đối với cả những ai vạch mặt hắn.
Quả thực, bài báo có sức công phá nguy hiểm. Tôi không biết nó sẽ nổ ở đâu, khi nào và bao nhiêu mảnh vụn cắm vào tôi. Tôi đặt mìn mà có thể chính mình bị phanh thây vì nó. Tôi không nói thẳng ra với Mike Gordon. Chắc là cả Hatter cũng không ngỏ hết nước đi trong canh bạc lớn này. Lão cho rằng trong kinh doanh, nhất là kinh doanh chính trị, thì chỉ có những kẻ thất cơ lỡ vận và những thằng ngốc mới bày tỏ mọi sự.
o O o
Bài báo chỉ vừa mới được đăng mà từ khắp nơi đã đổ lên đầu Tổng biên tập những chất vấn, phản đối, kiến nghị, những bức thư với lời lẽ hăm dọa “đưa ra trước pháp luật”, “dạy cho bài học”, “đòi có thái độ nghiêm chỉnh”, “bắt phải tôn trọng cái tên của công dân Mỹ đúng đắn, chính trực, trung thành về mọi phương diện và là một chính khách”.
Điện thoại của tôi không lúc nào ngớt réo. Các thượng nghị sĩ đáng tôn kính từ Washington hằm hằm hỏi: “Tại sao ông lại cho in một sự vu khống? Trên cơ sở nào? Sự kiện ở đâu? Các ông không có sự kiện nào để dẫn chứng”.
Các hạ nghị sĩ đòi phải in những lời bác bỏ tràng giang đại hải của họ đối với những lời buộc tội chống Baker.
Người ta gọi điện từ các bộ, từ ban thư kí của Phó Tổng thống. Từ Cục điều tra liên bang. Ai cũng xôn xao.
Thế cái gì sẽ xảy ra với nước Mỹ, nếu như tôi công bố toàn bộ sự thật về Hatter và những sự việc của hắn.
Không thể tưởng được đại kinh doanh ở nước ta mà lại không có Hatter khác trên một cực, Baker và đồng bọn trên cực kia. ở đó, tất cả những kẻ cuốn vào hệ thống khổng lồ của các hãng công nghiệp quân sự đều ăn hối lộ. Chủ các công ty làm ra súng ống hốt hàng trăm triệu, hàng tỉ bạc lợi nhuận. Chúng không tiếc hai trăm, ba trăm, năm trăm nghìn thí cho viên thượng nghị sĩ thứ một trăm linh một để hắn dễ dàng đưa qua ủy ban này, ủy ban nọ của Quốc hội các giao kèo quân sự. Hatter và các nhà công nghiệp quân sự khác không tiếc phần trăm số của thí cho các tướng ở Lầu Năm góc để kí những giao kèo trăm triệu bạc. Hòn đất ném đi, hòn chí ném lại.
Baker và các nhân vật cỡ bự hơn hắn, những chân kiềng của nền đại chính trị, những cư dân thường xuyên và tạm thời của Capitol và Nhà Trắng, như những atlan[66] thần thoại, ghé vai ra đỡ cây cầu vàng nối Lầu Năm góc và bộ máy quân sự của nó với các công ty sản xuất vũ khí hạt nhân, tên lửa và vũ khí thường. Không thể hình dung nổi tổ hợp công nghiệp quân sự mà không có những tướng lãnh, những Hatter, những Baker. ở đâu có xí nghiệp gieo cái chết, ở đó có đội đưa đám. ở đâu có xác chết, ở đó có quạ đen.
Cuối cùng đến lượt Baker chĩa khẩu côn vào ngực tôi. Hắn không thèm hạ cố đến tận tòa soạn của tôi. Hắn rình rập ở tiệm ăn “Sóng tình”, nơi tôi ăn chiều. Hắn ngồi vào bàn tôi. Không chào hỏi. Chỉ khoan xoáy vào tôi bằng con mắt sắc nhọn của hắn và im lặng.
Ở Texas, người ta giết nhau ở ngoài phố, trong rạp hát, trong tiệm ăn, trong nhà băng, trong bar, ở cửa hàng bách hoá, ở trường đại học. Mỗi một người Texas có thể mua theo kiểu kí gửi súng ngắn, cácbin, súng trường, tiểu liên, trung liên và thậm chí cả súng không giật. ở Texas, người ta khử nhau vì những sự mích lòng còn nhỏ gấp trăm lần cái mà tôi đã gây cho Baker khi kể về hắn cái phần nhỏ xíu trong những gì tôi biết và những gì Hatter cho phép.
Tôi đợi phát súng, tuy nhiên vẫn nói bình thản, gần như vui vẻ:
- Xin chào! Anh không nhận ra tôi à?
- Bỏ cái trò xuẩn ấy đi! Thế này là thế nào? – hắn ném tờ báo Texas Sun ra bàn. – Giải thích đi!
- Người ta bắt tôi làm, - tôi nói.
- Ai? Tại sao?
- Chả lẽ anh lại không biết những trò thế này! Anh làm điều gì đó, ở đâu đó không vừa lòng các ông tối cao.
- Tôi không làm điều gì xấu cả.
- Có làm! Cứ nghĩ cho kĩ đi.
- Anh muốn nói cái gì?
- Cái mà anh muốn nói!
- Tôi không hiểu những lời nói bóng ngu ngốc của anh.
- Còn tôi lại không hiểu sự ngây thơ cực kì thông minh của anh.
Mặt Baker to, dài. Tai cũng to. Trán to, vát về phía trên. Đầu cắt ngắn như đầu lão Phó Tổng thống. Sao chúng giống nhau lắm vậy! Cũng một kiểu comple. Cũng một cách nói, mộc mạc kiểu Texas, có phần hơi sỗ sàng. Cũng một sự tự thỏa mãn như thế. Cũng một nghị lực sùng sục như mạch nước phun. Cũng một sự khinh bỉ không che đậy lắm đối với trí thức. Cũng một sự hấp tấp như sợ muộn đi đâu đó. Chẳng có gì là lạ. Baker đã nhiều năm ngắm nghía thần tượng của mình, bắt chước mọi tính nết của lão. Baker rất sung sướng khi người ta nói với hắn là trông hắn giống thủ lĩnh phe đa số ở thượng nghị viện.
- Đây là bàn tay của ai? – thượng nghị sĩ thứ một trăm linh một đập tay vào tờ báo. – Ai trả tiền cho anh cú này?
- Sao, anh định đem tiền ra chuộc lại đấy hẳn? Muốn kí hợp đồng hẳn? Tôi sẽ không khước từ đâu nếu có một số điều kiện.
- Anh muốn gì?
- Không đoán ra à?
- Bao nhiêu?
- Ơ hay, ông bạn?! Ông coi tôi là hạng gì?
- Anh muốn gì? Cứ nói toạc ra!
- Không muốn cái đầu anh là được rồi! Muốn sự giúp đỡ của các bạn anh ở thượng nghị viện. Không phải tôi lo cho mình đâu. Lo cho ông bạn tôi mà anh biết rõ. Lợi ích của ông ấy đang bị đe dọa. Tôi muốn nói đến cái dự luật bãi bỏ...
Hắn cắt lời tôi. Hắn nói dõng dạc:
- Một tuần nữa nguy cơ sẽ bị loại trừ. Thời hạn như thế là vừa ý chứ?
- Một tuần nữa cũng được. Nhưng không được muộn thêm ngày nào.
- Sau đó anh sẽ chấm dứt săn tôi?
- Không chậm trễ! Ngay sau khi dự luật bãi bỏ việc giảm thuế được đình lại.
- Được rồi. Chúng tôi sẽ làm.
Câu chuyện chóng vánh này ở vào trong khoảng thời gian giữa món thứ nhất và món thứ hai đã được cái máy ghi âm bí mật của tôi ghi lại. Hatter ưa cái kiểu báo cáo như thế của thuộc hạ.
Sau bữa ăn, tôi ngồi vào ôtô và đi đến dinh cơ của Hatter.
Sau khi nghe cuộn băng, lão tỏ ra hài lòng.
- Chúng ta làm ăn khá lắm. Một công việc nhẹ nhàng, sạch sẽ. Ta sẽ đợi phần thắng.
o O o
Ngày hôm sau trong cuộc họp tác chiến thường lệ vào buổi sáng, Hatter ra lệnh chấm dứt chiến dịch chống Baker và cho in thư của các nghị sĩ bác bỏ mọi lời buộc tội chống người bạn và là kẻ tòng phạm của chúng. Tôi không chút ngạc nhiên. Tôi đợi điều đó ngay từ lúc mở chiến dịch. Nhưng trong lời nói của Hatter, có những điều mà tôi chưa hoàn toàn được thích ứng trước.
- Hãy đăng lời bác bỏ kèm một chú thích ngắn, rõ ràng của tòa soạn. Nào là thật khó mà không đồng ý với các bậc đầy tôn kính, các chính khách đáng trọng. Nào là chúng tôi thành thật xin lỗi ông Baker. Biên tập viên đã in tài liệu thiếu xác thực ấy sẽ bị sa thải.
Tôi chờ Hatter ngay phút này sẽ cười cái câu đùa của mình. Nhưng không, Hatter rất nghiêm túc.
- Có lẽ anh chưa hiểu hết những gì tôi nói?
- Vâng, tôi chưa hiểu hết.
- Tôi nói là thải cái anh biên tập đã đưa tòa soạn vào chỗ sai lầm.
- Tôi biên tập tờ báo, thưa ông Harold. Tôi cho đưa ra bài báo về Baker. Nghĩa là, phải sa thải tôi?
- Anh không kí bài báo. Nó là của tòa soạn. Ai đem nó đi sắp chữ?
- Mike Gordon.
- Thế thì cho hắn bay mẹ nó đi.
- Nhưng anh ta làm theo lệnh tôi.
- Lệnh viết à?
- Không, lệnh mồm.
- Có người làm chứng?
- Chỉ có hai người thôi.
- Thế thì hay lắm. Cứ sa thải hắn là phi tang.
- Ông Harold, thế không có cách nào khác để làm vừa ông Baker và bè lũ hắn sao?
- Chúng đòi cái đầu biên tập viên và tôi đã hứa.
- Tôi xin ông, ông Harold, hãy thương Mike. Tay này khá lắm. Mọi công việc từ, nháp đến thảo bài anh ta đều gánh. Anh ta đã làm được nhiều việc cho tờ báo ta. Và còn sẽ làm.
- Tôi đã hứa.
- Anh ta hoàn toàn không sinh kế. Nhà mua trả dần. Ôtô cũng mua chịu. Tuổi già đã ở ngay trước mắt. Nếu chúng ta tống anh ta ra khỏi tòa soạn thì từ khắp mọi phía, nhân viên các hãng cho chịu sẽ bâu lấy anh ta. Anh ta sẽ mất nhà cửa.
- Tôi lấy làm tiếc, nhưng không thể vi phạm lời hứa. Đó là chuyện danh dự.
- Ông Harold, ông có thể làm được. Ông phải làm, Baker không đáng hưởng thái độ danh dự. Xin ông đừng bóp chết người mà ta cần.
- Serge, tôi lấy làm lạ về sự kì kèo của anh. Có chuyện gì thế? Anh say đắm... cái thằng Mike ấy? Anh thương? Anh cảm tình với những nguyên tắc của hắn?
- Đã từ lâu Mike chẳng có nguyên tắc gì hết. Nguyên tắc đã bay hơi hết rồi. Anh ta đã trở thành con ngựa dễ bảo, gắng gỏi. Sợ roi vọt và tiếng quát. Sung sướng với thức ăn ngon. Không đá hậu và không cắn. Liếm tay những người cho ăn uống. Để cho anh ta yên, ông Harold ạ. Nếu anh ta thành kẻ tử vì đạo thì cơn nguy hiểm cho chúng ta hơn. Hai trăm cộng tác viên tòa soạn biết rõ anh ta trung thành với tờ báo như thế nào, họ sẽ không đồng tình với hành động của ta. Họ sẽ nghĩ rằng sớm hay muộn, họ sẽ cùng chung cảnh ngộ.
- Tôi cóc cần bọn họ. Bọn họ muốn nghĩ gì thì nghĩ. Tôi không sợ.
- Chúng ta phải làm việc với họ, ông Harold.
- Không phải là ta, mà bọn họ phải thích ứng với ta. Không, Serge ạ, tôi vẫn giữ lời mình.
Mọi phương tiện được phép để thuyết phục Hatter ngang ngạnh đã cạn. Chỉ còn một phương tiện cấm nữa thôi. Sau một lúc lâu, tôi nói:
- Ông Harold, ông không còn tin tôi nữa sao?
- Anh thì dính dáng gì ở đây? Tôi sa thải Mike Gordon chứ có sa thải anh đâu. Những người như hắn thì có hàng nghìn. Không có hắn ta cũng chẳng chết.
- Ông hãy hiểu tôi, ông Harold! Hai trăm con người mà ngay trước mắt họ, ta vô cớ trị Mike Gordon, sẽ không làm việc cho ông hết sức mình như trước kia nữa. Những kẻ mếch lòng thì rất đoàn kết và thù dai.
- Chuyện vặt! Việc ta trị Mike sẽ làm họ sợ, bắt họ phải làm việc có hiệu suất hơn, luôn phải dè chừng cái roi, dè chừng đồng nghiệp: hắn có đi báo những lỗi lầm của mình không? Tôi đi guốc trong bụng các anh viên chức. Bụng họ phẳng như đường đua ôtô ở Xon Xi-ti.
Chả lẽ lại không cứu được Mike khỏi tai họa hay sao? Cái chết của anh ta sẽ đè lên lương tâm tôi.
Nói gì với Hatter đây? Tác động thế nào đây? Phải có phương tiện mạnh nhất, cương quyết nhất. Nó ở đâu? Trời ơi, sao tôi lại ngu muội, bất lực thế này! Sự nhanh trí đâu mất rồi? Mánh lới xưa kia đâu cả rồi?
Và ngay lập tức khi cơn tuyệt vọng vừa qua đi, trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ may mắn. Tôi nói:
- Vậy là, ông Harold, ông đã quyết định giữ lời hứa với những kẻ bảo trợ Baker?
- Ừ. Và tôi sẽ giữ nó, bấp chấp mọi âm mưu của anh, – Hatter bật cười và xoa má tôi.
- Được. Cứ cho là như vậy. Thế ông làm thế để làm gì?
- Để làm gì nghĩa là thế nào?
- Chỉ để giữ lời hứa thôi ư? Không phải! Vì nguyên tắc? Không phải! Thương Baker? Không phải! Hay ông sợ? Cũng không phải nốt!
Hatter im lặng. Lão nhìn tôi chờ đợi, vẻ tò mò, và không phải là không có lo ngại. Lão cảm thấy tôi đang men tới bí mật của lão.
- Ông hi vọng rằng Baker sẽ thoát khỏi chuyện này mà vẫn sạch sẽ và khô ráo. Ông hi vọng ở sự hợp tác có lợi nếu không phải với Baker, thì với những kẻ bảo trợ cấp cao của hắn. Những hi vọng hão huyền, ông Harold ạ. Ông đặt cược vào con ngựa còm. Mọi quân bài của Baker đã bị dập. Cả các thượng nghị sĩ, cả các hạ nghị sĩ, cả các chú bác tốt bụng ở Nhà Trắng cũng sẽ không giúp được hắn nữa. Hắn đã nhiễm bệnh dịch. Tôi thấy lạ là sao ông lại không hiểu điều đó! Baker rơi vào nanh vuốt các nhà báo, đã trở thành chuyện giật gân số một. Người ta sẽ hành hắn không thương tiếc. Hành hắn và những kẻ giúp hắn tổ chức cái việc kia và cả những kẻ bảo trợ hắn bây giờ. Tôi biết là một số tờ báo đang chuẩn bị bài chống hắn. Các nghị sĩ đối lập đang sắp tấn công Baker ở nơi hắn đã cố thử, - trên đồi Capitol.
Hatter đổi sắc mặt. Vẻ ngang ngạnh và tự phụ biến đi đằng nào mất.
- Những tờ báo nào? Những thượng nghị sĩ nào?
- Chỉ nội nhật nay mai tôi sẽ trình ông tin tức đầy đủ về vấn đề này. Đời Baker thế là tàn rồi.
- Cái đấy làm thay đổi hẳn sự việc. Sao anh lại không trình bày ngay với tôi những lí lẽ của mình?
- Tôi không nghĩ là ông đi quá xa đến thế. Tôi tưởng ông sẽ coi trọng lời khuyên của tôi.
Hatter phừng mặt lên. Lão xua tay.
- Lời khuyên với chả lời răn!... Anh lại ỷ mình rồi. Tôi coi trọng anh, nhưng ơn trời, tôi còn có cái đầu của tôi đây.
- Vâng, vâng! Ambrose Bierec [67] rất có lí khi cười các lời khuyên và các cố vấn. Ông ta nói: hỏi ý kiến nghĩa là tìm sự tán thưởng của người khác đối với quyết định đã thông qua của chính mình!
- Anh chìa cái nọc của mình ra một cách vô tác dụng đấy. Ta hãy nói năng bình tĩnh đã nào. Có lẽ tôi sẽ thua cuộc nếu đứng về phía Baker. Nhưng tôi cũng chẳng được gì nếu không thực hiện lời hứa.
- Ông được chứ lại!
- Được thế nào?
- Bao giờ ủy ban sẽ thảo luận đề nghị bỏ ưu đãi về thuế cho các công ty dầu lửa?
- Ngày mai.
- Thế ông hứa bao giờ sẽ in thư của các nghị sĩ về vụ Baker?
- Trong số ra ngày mai.
- Được lắm, ta sẽ in nó vào ngày mai. Không kèm lời bình luận nào. Chỉ nên có một chú thích ranh ma: “chúng tôi khó lòng mà không tin các bậc đáng tôn kính trên đồi Capitol. Cứ để cho lương tâm họ đảm bảo cho bức thư này”. Không lên án cũng không tán thành. Những kẻ bảo trợ Baker sẽ không có cơ sở nghi ngờ rằng chúng ta định gài mìn vào hoạt động của họ. Họ sẽ bình thản gạt dư luận bỏ những ưu đãi về thuế má cho các khu vực dầu lửa hao cạn của ông.
- Tôi đã hứa in lời bác bỏ và trừng phạt những kẻ có lỗi.
- Ông cứ hứa thêm lần nữa. Không ngày mai thì ngày kia. Ông hãy kéo sợi dây thun cho đến khi các tờ báo khác lên tiếng chống Baker. Lúc đó chúng ta lại cho khởi động bộ máy của mình. Ta sẽ bảo các vị trên đồi Capitol đại loại thế này: “Thưa các ngài, khi đăng lời bác bỏ của các ngài, chúng tôi đã trông cậy vào lương tâm các ngài, thế mà các ngài... Các ngài bảo vệ cho ai mới được chứ! Hãy trông kẻ mà các ngài gọi là chính trực và xứng đáng! Một kẻ ăn hối lộ! Kẻ đã bán các bí mật quốc gia! Kẻ kiếm lời trên các giao kèo quân sự! Kẻ tổ chức nhà chứa ở giữa Washington! Kẻ có một tá nhân tình! Kẻ đã san sẻ các cô gái nhẹ dạ cho các bạn của hắn ở nghị viện? v.v... và v.v..... Ta sẽ nói lại những gì mà các báo khác sẽ in ra.
- Anh tin rằng họ sẽ in ra chứ?
- Vâng, tôi tin. Chỉ nay mai bầy cá mập sẽ xô đến con bị thương và xé xác nó ra.
- Chà, nếu thế thì... Tôi chấp nhận kế hoạch của anh. Cứ để cho cái anh chàng này...
- Cho Mike Gordon! – tôi nhắc.
- Cứ để cho hắn làm việc. Anh bảo hắn là tay cừ hả?
- Còn rất cừ nữa là khác.
- Thế nào cũng cho tôi xem mặt hắn nhé. Hôm nay thế là xong. Đủ rồi! Anh làm tôi mệt phờ, – Hatter lấy tay vuốt thái dương và trán, duỗi tay và vươn vai làm xương kêu răng rắc. – Mệt như thể cả tuần đào đất ấy.
Ngay hôm ấy, tôi đưa bức thư của các nghị sĩ đi sắp chữ. Đồng thời tôi chăm lo sao cho tòa soạn có một số tờ báo không ủng hộ Baker nhận được thêm những tài liệu còn chưa đăng về hoạt động bí mật của Baker ở Capitol và ở ngoài phạm vi ấy. Tôi gõ máy chữ chỉ một phần nhỏ của cái mà tôi biết.
Phó chủ tịch công đoàn ngành thợ nồi hơi Meius Borse hào phóng tạ ơn cho Baker vì gã này đã giúp Borse xoay xở ở thủ đô được khoản tiền vay của liên bang là hai triệu bốn trăm nghìn đôla để xây nơi ở cho các thợ nồi hơi đã già cả ở Pascagoon trên sông Mississippi. Ông chủ công đoàn đã nhượng rẻ cho Baker cổ phần hãng “Magate Garvanty Insurance Corparation of Miluoki”. Những cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán giá ba mươi sáu nghìn đôla, nhưng lão đã bán cho viên thư kí phe đa số của thượng nghị viện có bốn nghìn sáu.
Các chủ sòng bạc ở Las Vegas sẽ cho Baker một phần lời lãi của chúng để đổi lấy những công lao của hắn đối với chúng ở Capitol.
Baker đã là tùy tùng và là con đỡ đầu của chính Bobby Ker, “ông vua không vương miện của thượng viện”, và dưới cái ô chắc chắn của lão, được sự dung túng của lão mà tiến hành những việc bẩn thỉu của hắn. Khi Ker đã về chầu trời, Baker trở thành thần dân của đế chế Murchison, một ông Bạc tỉ nữa, hoạt động trên lãnh thổ Texas.
Baker mua bằng tiền người khác một dinh thự đắt tiền cho cô thư kí mĩ miều của mình là Nen-xi Ca-rôn Tai-lơ và bày biện những đồ cổ trong đó.
Baker tạo điều kiện cho hãng của Ma-thiu Mác-lô-xki, nhà kinh doanh và đại sứ ở Ireland, kí giao kèo với chính phủ về việc xây dựng một sân vận động ở Washington trị giá hai mươi hai triệu đôla. Reynold, nhân viên bảo hiểm, kẻ tin cẩn của hãng xây dựng vừa nhận được giao kèo có lợi, đã trao cho hắn món lệ phí đầu tiên năm mươi tờ giấy bạc một trăm đôla mới tinh, bỏ trong phong bì. Cũng chính Reynold, thể theo ý nguyện của người bạn hàng cao cấp của mình, đã mua với giá 580 đôla máy ghi âm cơ học Stereo và chuyển nó đến công sở của thủ lĩnh phe đa số thượng nghị viện dưới dạng món quà của Baker.
Mùa hạ năm ngoái, Baker long trọng khánh thành “Đu quay”, giá hơn một triệu đôla. Đó là tên một motel bên bờ đại dương ngay cạnh sườn Washington, cách thủ đô 140 dặm, ở thành phố Ocean City, bang Maryland. “Đu quay” theo dự tính của Baker, phải làm chóng mặt các nghị sĩ, các trùm tư bản, các đại sứ và nhân viên tình báo có thế lực. Trong các phòng thanh vắng của motel có thể thỏa thuận về một giao kèo chế tạo đại bác hoặc máy điện tử tự động, máy bay hoặc tàu ngầm kiểu mới. Có thể nhậu và nhắm bao nhiêu tùy cái dạ. Có thể tiêu khiển với gái nhảy. Có thể chung chăn gối với cô ta. Ông chủ “Đu quay” thu tiền của các nhà kinh doanh và thết các thượng và hạ nghị sĩ.
“Đu quay” đã bắt đầu đung đưa ngày 22 tháng Sáu năm 1962. Phần tinh hoa của xã hội Washington, tất cả giới quý phái, tất cả những kẻ lắm tiền và chuyên làm đại chính trị ở Capitol đã đến đây. Các nghị sĩ chúc mừng Baker có thêm một cơ ngơi mới. Các chủ nhà băng và chủ nhà máy thán phục các ổ thượng lưu ấy. Các ông chủ của các cơ quan tiết kiệm và cho vay công khai ghen tị tay triệu phú mới. Đầu sỏ các công đoàn ngạc nhiên làm sao Baker đã làm giàu nhanh đến thế. Bà đầm nổi tiếng nước Mỹ Pơ-dơ Mesta, nàng tiên vô địch của các buổi hội hè đình đám thượng lưu đã thán phục cái gu của “Lindon con”. Phó Tổng thống Lindon Johnson, khách danh dự của “Đu quay”, ngồi chủ toạ bàn yến tiệc.
“Lindon con” đang phát đạt là hiện thân sinh động của lối sống Mỹ. Baker lọt lên đồi Capitol thuở còn nông nổi, cục mịch. Từ một cậu thiếu niên mười bốn tuổi đã có thể nặn nên một Lincoln thứ hai, một Edisson nữa, một Ford thứ ba, một Al Capone già, một kẻ ăn hối lộ lớn hay một kẻ khoắng tiền tầm thường.
Sau khi đã soi ngắm kĩ các ông thầy của mình, các người cha đỡ đầu, các bậc đàn anh, các thủ quân của nền đại kinh doanh, Baker cũng muốn trở nên giống như họ. Các vị có chức quyền trong chính phủ đều lấy tiền mặt và hiện vật: tủ lạnh, ôtô, thảm phương đông, áo lông thuỷ thát hay lông cáo Bắc Cực. Baker ghen với các ông chủ phát đạt. Hắn ghen, cảm tạ cái trường học tốt và học, học nữa, học mãi, không tiếc thời gian và nghị lực.
Đầu tiên hắn làm thông tín viên, hắn lui tới mọi văn phòng, mọi ngõ ngách tăm tối của thượng và hạ nghị viện. Ngày nào hắn cũng nhìn thấy các công việc quốc gia được tiến hành như thế nào: thượng nghị sĩ này căm ghét một nhóm khác, một toán hạ nghị sĩ ủng hộ cho những bạc tỉ của triều đại Rockefeller, toán khác bỏa vệ cho các đế chế dầu lửa của các ông vua California, toán thứ ba lại canh giữ cho lợi ích của đế chế Texas của Hatter, toán thứ tư giành cho được đặc quyền cho họ nhà tỉ phú Đuy-pơn, toán thứ năm và thứ sáu đứng đằng sau các tỉ phú Paul Getti và Hô-vát Hugh. Dưới mái tròn của Capitol, người ta mua và bán các giao kèo, các dự luật. Các cương vị béo bở trong các công ty, các bộ, các ủy ban, trong ngành cảnh sát, trong tòa án tối cao. Các phiếu có lợi cho một nhóm và có hại cho nhóm khác. Các cổ phần. Các bí mật của thị trường chứng khoán. Các bí mật quốc gia. Các bí mật sản xuất. Các bí mật về đời tư của các thượng và hạ nghị sĩ. Các kế hoạch leo thang chiến tranh của Lầu Năm góc ở Việt Nam.
Ngôi sao chiếu mệnh của Baker loé sáng từ chính cái ngày mà hắn kết số phận hắn với số phận của Lindon Johnson. Cậu bé chân loong toong mau chóng trở thành phụ tá không chính thức sắc sảo, khôn khéo của thủ lĩnh phe đa số ở Quốc hội. Đến lúc đó, Baker đã thông hiểu: một con mắt của mỗi nghị sĩ nhìn đi đâu, còn con mắt kia nhìn đi đâu, ông ta thích cái gì và ghét cái gì, ông ta cứng rắn ủng hộ ai và kịch liệt đả phá ai mỗi khi bỏ phiếu và cả khi muốn né mình vào hành lang đầy khói thuốc. Hắn biết tất cả nghị sĩ thuộc phái tả, phái hữu, phái trung tâm và phái dao động. Hắn ghi nhớ hết những gì nghe được ở văn phòng các thượng nghị sĩ quan trọng, ở chỗ hút thuốc, ở nhà vệ sinh, ở quán cà phê, ở thư viện của Quốc hội. Hắn luôn luôn và ở mọi nơi không ngừng chất chứa bão hòa các tin tức, tư liệu. Hắn nghiên cứu tính nết, đặc điểm của các thượng nghị sĩ, các sở thích của họ. Tất cả những gì khai thác được hắn vãi ra trước Johnson. Có một tay chân có khiếu như thế, Johnson luôn biết chính xác các vị đảng dân chủ và cộng hòa đang giữ những lập trường nào về những vấn đề quan trọng nhất mà các nghị sĩ phải quyết định, họ định bỏ phiếu ra sao. Lão trong nháy mắt tính ngay được số phiếu “thuận” và “chống”, và nếu như chưa đủ phiếu, thì lão tác động tương xứng đến phái trung tâm đang dao động, khi thì ném ra lời đe dọa, lúc lại ném ra lời hứa hẹn; đối với phái đối lập, khi thì “bẻ tay”, lúc lại tẩy não các vị nào hết sức kiên gan. Hiếm khi dự luật mà Johnson muốn lại không thu đủ số phiếu cần thiết.
Vào cuối những năm bốn mươi, Johnson quyết định nhảy từ hạ viện lên thượng viện. Và lần này lão cũng trông cậy vào sự giúp đỡ quý báu của Baker. Lão cho hắn làm thư kí chính thức của phe đảng dân chủ ở thượng viện và thả hắn ra vũ đài lớn trước bầu cử. Viên thư kí tất bật từ bờ đại dương sang bờ đại dương, từ San Francisco đến New York, từ Los Angeles đến Boston. Hắn gặp gỡ các ứng cử viên, các vua thép, vua than, vua dầu lửa, vua vũ khí, vua bánh mì, vua sữa, vua điện tử. Nhận những lời góp ý và tiền. Phân phát những lời góp ý và đôla. Cổ động và chi cho các chiến dịch vận động bầu cử khi thì ở bang này, khi thì ở bang khác. Lúc đó người ta bèn gọi hắn là “Lindon con”.
Tiền của các tỉ phú Texas và California, Baker chỉ trao cho những thượng nghị sĩ tương lai nào có thể phục vụ Hugh, Getti, Hatter. Những kẻ đã tuyển mộ được thì không bao giờ nói lên sự thật. Chỉ có Frank Moss, ứng cử viên bang Utah, người mà Baker chưa mộ được, là nói hở sự thật. Baker đã không biết tìm chìa khóa để vào lòng ông ta. Hắn quá vội. Không hề rao trước, hắn chìa cho Frank Moss mười nghìn đôla để đổi lấy chữ kí ông ta dưới lời tuyên bố đã chuẩn bị sẵn: tôi, thượng nghị sĩ bang Utah, Frank Moss đáng kính, đã nghiên cứu “vấn đề giảm 27,5 phần trăm thuế đánh vào các nhà công nghiệp dầu lửa vì lòng đất hao cạn và đi đến kết luận là việc giảm này cần giữ nguyên hiệu lực”. Thượng nghị sĩ tương lai, tuy rất cần tiền chi cho chiến dịch tuyển cử, đã lấy được can đảm từ chối món hối lộ.
Năm 1955, Johnson ngoi lên hàng thủ lĩnh phe đa số ở thượng viện. “Lin đơn con” trở thành thư kí phe đa số thượng viện. Từ lúc ấy, cậu bé loong toong trước kia được gọi là “thượng nghị sĩ thứ một trăm linh một”. Hắn ta không tự hào với danh hiệu mới cho lắm. Hắn coi nó là không chính xác. Hắn là nghị sĩ thứ hai, sau Johnson. Người ta không bầu hắn, nhưng điều đó có nghĩa lí gì. Điều quan trọng là hắn làm cái gì. Hắn nặn ra đại chính trị, đồng thời với nặn tiền. Tiền cho mình. Năm năm ngồi trên cùng một cỗ xe với Johnson, hắn đã dựng nên một cơ nghiệp vài trăm nghìn đôla và đang trên nửa đường đi đến những trăm nghìn khác.
Năm 1971 Johnson vào Nhà Trắng, Thành Phó Tổng thống. Baker không bị lẻ loi trong cảnh không chủ. Hắn lập tức trú chân trong văn phòng thượng nghị sĩ hùng mạnh Bobby. X. Ker, triệu phú từ Oklahoma, chủ của “Ker-Macgee on Industries Incorporation”. Tình giao hữu với ông chủ mới đem lại cho hắn hơn hai triệu đôla. Tay cha căng chú kiết ngày xưa gốc ở Picket, Nam Caroline đã trở thành chủ hãng luật, chủ hai motel sang trọng của công ty California “Serve-70”, và còn, còn là chủ của những thứ khác nữa.
Cửa của bất kì bộ nào, bất kì nhà băng nào, cửa của Nhà Trắng mở toang trước Baker giàu có, rạng rỡ, đầy thế lực. Nơi nào hắn cũng là thành viên ban quản trị, người góp cổ phần, giám đốc có lợi và được mời chào. Nào ai biết hắn sẽ còn lọt vào đâu nữa, sẽ còn thăng cao đến đâu nữa, nếu như ông Bạc tỉ không nảy ra ý nghĩ kê xác hắn dưới chân để bước qua bãi lầy nguy hiểm.
Còn vài lời nữa, và tôi sẽ chấm hết vụ Baker. Hắn đã mang ơn Johnson, người bảo trợ nhiều năm, đã lưu luyến với lão đến mức đặt cho đứa con đầu lòng cái tên Lindon Ben Johnson – Baker. Chính Johnson cũng biết đáp lại. Lão từng nói về hắn bằng những lời sau đây: “Đó là một người thực sự phụng sự đất nước, và tôi coi ông ấy là một trong những người bạn tin cậy nhất, chung thuỷ nhất và am hiểu nhất”.
Cú ngã của “Lindon con”, việc hắn biến khỏi vũ đài chính trị không làm Hatter tốn kém lắm. Chiến dịch mạo hiểm “Cú xạc” đã thành công hoàn toàn.
Dự luật nguy hiểm đối với Hatter bãi bỏ việc giảm thuế cho những “vùng mỏ dầu hao cạn” đã bị tắc ở quảng đường giữa Nhà Trắng và Capitol. Bàn tay mạnh mẽ của ai đó hay một tá bàn tay hùng mạnh nào đó đã chặn ngang, giữ dự luật đó lại, không cho nó ló ra trước thượng viện để thảo luận. Nhưng Hatter không hoan hỉ. Lão biết đó chỉ là thắng lợi tạm thời, hay đúng hơn, thắng lợi một nửa. Đối phương cho là bầu không khí chưa thuận tiện và ngừng tấn công lão, đợi thời đợi thế. Hatter đã nói thế với Mark Trán to. Lão ra lệnh không xếp vũ khí lại mà luôn sẵn sàng giáng trả những cuộc tấn công mới.
Tôi khôn ngoan hoãn lại một thời gian việc gặp Bill. Sau khi chúng tôi đã cho Baker phơi áo, tôi mới thôi không tránh viên trạng sư Chicago nữa. Trong chuyến đi thủ đô thường kì của gã, tôi gọi điện đến văn phòng Washington của gã và hẹn gặp ở quán "Cà phê Tổng thống”. Frank Bill đến ngay. Ngồi vào bàn và không rời cái nhìn nghiêm khắc, dò hỏi khỏi tôi, gã chờ xem tôi nói gì. Tôi nói với gã những gì mà Hatter cho phép.
- Ông Frank, dĩ nhiên là ông lo lắng theo dõi vụ Baker. Tôi không nhầm chứ?
- Vâng, tôi đã theo dõi. Và còn tiếp tục theo dõi.
- Và ông đã thấy lạ là tại sao tôi không báo trước cho ông. Ông bạn thân mến ơi, ông lo lắng và giận hão tôi đấy. Tôi không báo là bởi vì lợi ích các ông không hề bị đe dọa gì cả. ở tờ báo Texas Sun, tôi không hề công kích lấy một lời nào hãng luật của Frank Bill. Tôi có cả tá những sự kiện điếng người chứng minh là các ông đã đưa qua thượng viện các dự luật có lợi cho các ông khi nào, như thế nào và mất bao nhiêu, thế nhưng... Các hãng khác thì tôi không thương đâu, nhưng hãng ông thì tôi giữ cho đấy. Tôi hi vọng rằng ông sẽ đánh giá được điều đó.
- Tôi không thích cái giọng ông, Serge ạ. Tôi không quen làm các việc theo cái thói nhẹ cân như thế.
- Tiếc thật, nhưng tôi cũng không định thích ứng với cái thói nặng cân của ông. Buộc lòng ông phải tính đến phong cách của tôi. Còn một lời cảnh cáo nữa, Frank ạ. Tôi không chịu được cái lối bức chế từ phía ông. Tôi liên minh với ông trên cơ sở tự nguyện. Và tôi muốn hợp tác với ông theo ý mình. Tôi rõ hơn chuyện khi nào, vào lúc nào trong tình huống nào thì chia sẻ với ông một cách an toàn ít nhiều những bí mật của Hatter. Những điều kiện khác đối với tôi là không chấp nhận được.
Đoạn độc thoại của tôi, đúng như dự kiến, có tác động ngay lập tức. Bill nói:
- Ông phồng mang bạnh cổ vô ích đấy, Serge ạ. Tôi có định bức chế ông cái gì đâu. Chẳng qua tôi nói thẳng cái thái độ của mình ra.
- Nghĩa là, tôi lầm tưởng. Thế thì xin lỗi ông. Ta đi uống chứ?