Số lần đọc/download: 0 / 36
Cập nhật: 2021-04-18 17:57:47 +0700
Chương 6
-ÔNG HOÀI, TÔI KHÔNG BIẾT nói sao để diễn tả nỗi sung sướng của tôi. Nói theo một nhân vật tiểu thuyết của Doãn Quốc Sĩ, ông đã đem ánh sáng đến cho chúng tôi.
-Cô đọc nhiều quá nhỉ?
-Với chị em tôi, ra khỏi ốc đảo này, thế giới bên ngoài là tiểu thuyết.
-Cô thích tiểu thuyết?
-Rất mê. Ông lạ sao?
Nàng vội tiếp:
-Tôi đã lạc vào những xã hội tiểu thuyết thơ mộng. Ở đó, cuộc sống êm đềm và có nhiều người tốt.
Tôi nói:
-Và cô tưởng tiểu thuyết là cuộc đời? Nàng khẽ gật đầu:
-Là cuộc đời đầy thi vị, cuộc đời không giống cuộc đời phiền muộn mình đang sống. À, ông Hoài...
-Tôi nghe cô đây.
-Ông bảo cứ tưởng tượng giỏi là viết đưực tiểu thuyết hay, phải không?
-Phải.
-Tôi sẽ tập viết tiểu thuyết.
-Cô sẽ nổi tiếng.
Đôi mắt nàng, bỗng nhiên, sâu thẳm và y hệt giếng nước đương khơi mạch mộng mị:
-Tôi muốn diễn tả một miền đất mới, một thành phố nhỏ trồng toàn hoa lan. Tại sao chưa thấy một thành phố nào trồng toàn cây ngọc lan, ông Hoài nhỉ? Tưởng tượng những hàng ngọc lan bên đường rợp hoa, thành phố sẽ thơm ngát. Hoa rơi xuống đường. Hoa rơi xuống tóc những người phu quét đường. Ngay cả rác thành phố
cũng thơm. Và, ông Hoài ạ, tưởng tượng đôi tình nhân tình tự suốt đêm dưới gốc cây ngọc lan cuối đường hay trong công viên, tôi tin rằng tình yêu của người Việt Nam sẽ thơm, sẽ thơ, sẽ mộng như tình yêu trong ca đao.
Tôi hít hà một ý tưởng man mác:
-Chúng ta sẽ có nhiều con đường thơm và chúng ta sẽ được đi trên những con đường thơm như con đường thơm trong thơ Huy Cận. Mà cô định đặt tên cuốn tiểu thuyết ấy là gì?
Nàng mỉm cười:
-Miền hoa lan.
Miền hoa lan, cái miền mơ ước đó, rồi mọi người phải tìm về ướp tâm hồn mình như những ngày xưa còn bé ướp từng cánh hoa thơm vào sách vở học trò. Chúng ta đã phiêu lưu quá xa vùng trời hiền hòa, thơ mộng cũ để chỉ gặp những đổ vỡ, tan nát. Đổ vỡ, tan nát toàn diện. Miền hoa lan, miền quê hương thần tiên của chúng ta, miền đất mới mà Tường Thanh vừa nói, miền đất cũ mà chúng ta tưởng cằn cỗi đã di cư và có ngày nào, chợt nghe dậy ở hồn mình tiếng thầm tình tự, trong chúng ta, nhiều kẻ muốn trở về.
-Ông Hoài nghĩ gì thế?
-Miền hoa lan của cô,
-À, tôi sẽ đưa những ngưừi tốt về lập nghiệp ở miền hoa lan. Công việc đầu tiên của họ là trồng cây ngọc lan trên hè phố.
-Cô giống ông Noé.
-Ông Noé nào?
-Cô chưa đọc Cựu Ước kinh à?
-Chưa.
-Ông Noé là người tốt trong đám nhân loại sa đoạ. Jéhova tạo nạn hồng thủy để tận diệt thế giới tội lỗi. Nhưng Ngài muốn cứu vớt một số người tốt đề lập một thế giới hoàn hảo. Sợ nạn hồng thủy làm chết oan họ, Jéhova ủy thác ông Noé đóng chiếc thuyền chở họ tị nạn hồng thủy.
-Rốt cuộc, loài người vẫn thế?
-Tồi tệ hơn.
-Tại vì Jéhova không biết định cư những người tị nạn ở miền hoa lan.
-Lỗi do ông Noé. Giá thuở đó có cô, Jéhova đã chọn cô rồi.
Nàng thẹn thùng:
- Ông Hoài...
Và vội bỏ rơi miền hoa lan:
-Tôi xin báo tin vui với ông: Tường Vi đã làm thơ.
-Làm thơ!
-Ông ngạc nhiên?
-Tôi không muốn cô bé buồn.
-Ông yên tâm, Tường Vi chỉ làm thơ ca ngợi tình yêu ở miền hoa lan của tôi.
-Cô Thanh.
-Dạ.
-Tôi đã dò hỏi một vài người có quyền trong tổ chức Terre des hommes, họ hứa sẽ giúp đỡ tôi.
-Giúp Tường Vi?
-Vâng, giúp Tường Vi, nói để cô vui lòng. Thực ra là gỉúp tôi. Cô tưởng tôi đóng kịch do cô đạo diễn à? Đừng tưởng thế, cô Thanh.
-Vở kịch đã hỏng?
-Không còn kịch nữa. Không có nhân vật kịch. Chỉ còn chúng ta, vì tình người của chúng ta.
-Ông lại làm tôi muốn khóc.
-Tôi đành xin lỗi cô.
-Nhưng tôi nghĩ con chim khuyên nhỏ bé của ông không ưa chuyền nhẩy và cũng chẳng thích bay tới chân trời xa lạ mà ông muốn chọn cho nó, ông Hoài ạ!
-Hình như cô Thanh đồng ý với Tường Vi?
-Bây giờ tôi không được làm đạo diễn.
-Cô thông minh lắm.
-Ngưòi thông minh thường gặp oan trái.
-Tôi kính phục cô.
-Ông quá khen.
-Nếu tôi nhớ không sai thì triết lý trong một tiểu thuyết ngắn của Tolstoí là chấp nhận sự đau khổ của mình, không thèm than vãn để người khác được hạnh phúc. Cuối cùng, Chúa soi sáng nỗi đau khổ của kẻ chịu thiệt thòi. Cô Thanh, nỗi đau khổ của cô đã được thắp sáng. Chiếc nụ sắp nở hoa và con bướm giang hồ sẽ trở về với nụ hoa ngày cũ.
-Tôi chỉ mong Chúa soi sáng nỗi đau khổ của Tường Vi. Song tôi nhất định không tin Chúa hay tin quyền lực của Chúa. Tôi luôn luôn tin vào Tình Người. Ông có tin rằng Chúa dẫn dắt ông tới căn nhà lạnh lẽo này không?
-Không.
-Ông có tin rằng mọi nỗi khốn khổ trên thế gian sẽ bị xoá bỏ khi mỗi người thắp sáng tình của mình sưởi ấm người khác không?
-Tin chứ.
-Sự bình an ở trần thế không bao giờ do một đấng thiêng liêng nào ban ơn, giảng phúc cả. Mà chỉ do con người. Tôi trái ý Tường Vi nhưng tôi không cho con bé biết điều đó.
Nàng muốn bỏ lửng câu chuyện xa vời, cười rất duyên, hỏi tôi:
-Ông dùng cà phê nhé? Tôi đáp:
-Cám ơn cô. Tôi muốn ăn sáng với Tường Vi. Hôm nay tôi rảnh, muốn ở đây cả ngày.
Khuôn mặt Tường Thanh tươi hẳn lên:
-Vậy tôi nên nghỉ việc và đi chợ. Chúng ta tạo một bữa tiệc nhỏ, ông Hoài nhé?
Tôi nói:
- Tùy ý cô.
Nàng đứng dậy, nói một câu hết sức bình thản:
- Không thể uốn thẳng một cây tre già, ông Hoài ạ!
Tồi chợt hiểu. Và thương xót Tường Vi vô cùng. Tôi quên khuấy rằng Tường Vi hết là con nít. Nàng đã trở thành thiếu nữ. Terre des hommes không thể tặng người thiếu nữ bất hạnh của tôi một niềm hy vọng. Tôi lên gác thăm nàng. Tường Vi đang ngồi trên xe, ngoài sân thượng. Nắng sớm đẹp lạ lùng. Mầu xanh của lá tươi ngon. Và giọng những con chim khuyên hót, tôi tưởng chừng mới chỉ được nghe ở khung cảnh này. Tường Vi chưa biết tôi tới. Nàng quay lưng về phía cửa. Suối tóc chảy xuống bờ vai. Tại sao tôi không nghĩ rằng Tường Vi ngồi hong tóc? Nghĩ như vậy chẳng thơ mộng gì, có vẻ cóp nhặt hình ảnh tiểu thuyết quá. Tôi nghĩ rằng đương ngồi trên chiếc ghế bóng nhoáng, dạo một khúc nhạc bất hủ của Beethoven. Lúc này, có thể, nàng thích làm Beethoven, dùng âm thanh thay chữ viết, gửi thư cho Élise. Và tôi chính là Élise mộng mị của nàng. Tôi đứng yên ngắm một người vừa nhập thiên thai rồi cảm giác chính mình cũng thoát thực tại đầy móng vuốt ưu phiền. Ôi, móng vuốt thực tại, nhiều khi nó cào nát trái tim ta.
- Tường Vi.
Tôi khẽ gọi tên nàng. Như một thuở rất xa, ngày con sâu buồn chưa đục nõn măng niên thiếu, tôi đã sang nhà cô láng giềng bé nhỏ giữa trưa hè khi nàng thiêm thiếp ngủ trên võng dưới bóng mát của giàn thiên lý, đánh thức cô bé dậy, báo tin bươm bướm về đầy vườn. Tường Vi không buồn quay lại. Nàng nói nhỏ như sợ chim khuyên thôi hót.
-Em biết anh đã đến.
-Thế à?
-Vâng.
-Em đang dạo bản nhạc hay nhất của Beethoven phải không, Tường Vi.
-Đang làm thơ và nhớ anh.
Tôi bước tới, đặt hai tay lên vai nàng:
-Cho anh đọc một bài thơ của em đi. Nàng nũng nịu:
-Khi anh chết, anh sẽ được lên thiên đường và em sẽ buộc thơ em vào bong bóng thả bay lên tặng anh.
Tôi nói:
-Anh đầy tội lỗi, chắc chắn, anh phải xuống địa ngục. Nàng cười:
-Thì em sẽ đốt thơ gửi xuống cho anh.
Tôi đẩy chiếc xe tới một góc sân. Ở chỗ này, chúng tôi có thể nhìn xuống. Địa ngục tại sao không phải là dưới kia, dưới cái đảm nhân gian nhung nhúc những ưu phiền. Thiên đường tại sao không phải là trên này, chỗ hai chúng tôi đang gần nhau, thương yêu nhau.
-Anh bằng lòng chứ?
-Bằng lòng chi đó, em?
-Bằng lòng đọc thơ em.
-Sao không bây giờ? Chúng ta đang ở trên cao, thiên đường là đây, em ạ!
-Vậy anh chờ ngày em chết.
-Đừng nói gở.
-Em chết rồi, đọc thơ em, anh sẽ chẳng cười chê mà còn thương em hơn.
-Em không tin là anh thương em à?
-Tin lắm, anh ạ! Nhưng niềm tin tuyệt đối vẫn chỉ tìm thấy trong cõi chết,
Tôi nói. Nói rất nhiều. Tường Vi không trả lời. Có lẽ, nàng không nghe. Rồi im lặng. Chỉ còn tiếng chim hót, tiếng gió lùa qua giàn hoa giấy. Suối tóc nàng tỏa hương thơm ngát. Tôi cúi xuống hôn tóc nàng. Con thuyền mơ đã lênh đênh trôi trên dòng suối mộng. Chỉ tiếc con thuyền không được êm ả trôi. Nó đã đụng phải tảng đá thực tại. Khiến tôi bàng hoàng. Tự nhiên, tôi oán trách chuỗi ngày tôi đã sống, ước gì được đi lại từ đầu. Thì bước chân thứ nhất giẫm lên trái tim một người con gái sẽ là bước chân vụng về, không toan tính. Hạnh phúc tuyệt đối của tình yêu, tôi nghĩ, phải ở sự khờ dại. Tìm kiếm hạnh phúc trong sự khôn ngoan, chỉ gặp oan trái. Ôi, hạnh phúc tuyệt đối, nó sát kề mình, mình chẳng thèm chìa tay với hái mà cứ thích đóng bè ra khơi tìm nó. Để bị sóng gió ân hận vùi dập.
-Tường Vi.
-Dạ.
-Hôm nay anh ở đây trọn ngày.
-Để an ủi em?
-Không, để ru em ngủ bằng thơ Huy Cận, đề nghe trái sầu trong hồn em rơi rụng.
Tôi bước lên phía trước, quỳ xuống cho đôi mắt vừa tầm nhìn một đôi mắt. Khuôn mặt Tường Vi đẫm lệ. Nàng đã khóc tự bao giờ. Tôi rút khăn thấm nước mắt giùm nàng.
-Em giận anh à?
-Không đâu.
-Thế sao em khóc?
-Em đã khóc nhiều nhưng mãi hôm nay em mới biết khóc. Ngày nào đó, anh thấy em thôi khóc, tin em đi, anh Hoài, ngày ấy, anh không còn em nữa.
-Anh không mong ngày ấy.
-Mà nó cứ đến.
-Ta sẽ ngăn nó.
-Chả ai ngăn nổi nó, kể cả Chúa và quyền uy của Ngài. Chính Chúa cũng phải chết cơ mà, anh Hoài. Nhưng em sung sướng hơn Chúa. Chúa không có tình yêu ngọc ngà như em. Chúa chỉ tìm thấy tình yêu ở loài người khi Ngài đã thành Chúa. Còn em, anh Hoài biết không, em tật nguyền tưởng bị quên lãng mà vẫn tìm được tình yêu ở anh. Như vậy, em hãnh diện hơn Chúa. Nếu Chúa bất hạnh giống em, có ai tìm đến Chúa? Em nghĩ Chúa hiểu điều đó nên Ngài dẫn anh tới em.
-Anh muốn em sung sướng hơn và sung sướng ở cõi sống.
-Em không muốn đi, đứng, chạy, nhẩy. Em sợ ngày con chim khuyên đậu nổi trên cành cây hạnh phúc thì trời xanh thơ mộng của nó đã sụp đổ. Thôi, anh ạ, con chim khuyên bé nhỏ của anh rất cần trời xanh. Và trời xanh chỉ còn với nó khi nó không có chân để đậu. Có chân, cánh nó sẽ gẫy. Hoặc trời xanh sụp đổ thì cánh nó còn cũng như gẫy.
Tôi cầm tay nàng. Những ngón tay đan nhanh thành một lưới tình yêu.
-Trời có ngàn phương, con chim khuyên bé nhỏ của anh biết chứ? Nàng đáp:
-Em chỉ thích một phương. Một phương là thừa rồi, anh nhỉ?
Tôi hiều Tường Vi không muốn làm vuột mất hạnh phúc của mình. Nàng không muốn thức tỉnh khi giấc mơ đang đẹp. Tường Vi không muốn gì nữa. Đôi chân nàng đã tê liệt trong chiêm bao thần thoại. Như thế, nàng đang chạy nhẩy trên cánh đồng mơ ước, đang là đà trên nội cỏ ngàn hoa.
-Em...
-Dạ.
-Em còn mơ ước thêm gì nữa?
-Không anh ạ! Em đã thừa thãi những điều em mong mỏi. Em bằng lòng đứng lại. Đi xa hơn, mỏi chân chết. Em hơi lành lạnh, anh đẩy em vào đi.
Tôi đứng dậy đẩy chiếc xe vào phòng rồi bồng Tường Vi lên giường. Nàng vươn tay bật nút máy thu thanh. Nhạc ùa khắp phòng. Giọng hát Anh Ngọc kể lể "Ngày đó chúng mình". Nàng khép mắt. Tôi không tin nàng mơ "khăn dài ảo cưới" nhưng trong tôi nỗi xót xa đùn lên tê tái như nước chanh vắt xuống vết thương tươi. Trọn ngày hôm đó, tôi làm hương khói ở căn nhà thèm hương khói. Tường Vi đã khiến tôi quên mất thực tại đầy gai góc.
Được trở thành một cần thiết cho người khác cũng đủ sung sướng. Em có nghĩ như anh không?