An ordinary man can... surround himself with two thousand books... and thenceforward have at least one place in the world in which it is possible to be happy.

Augustine Birrell

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đê Quy
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 111
ường nhỏ Hoa Dung, tim đập chân run
Lòng vòng nhầm đường
Bại quân của Tào Tháo chạy trốn ngược dòng Trường Giang, ban đầu định quay lại Giang Lăng nhưng đoạn đường đó càng đi càng đáng sợ, toàn bộ thủy quân đã bị diệt sạch, đường sông cũng bị địch khống chế, nếu đội thuyền của Chu Du ồ ạt truy kích, e rằng chẳng thoát được. Khi chạy đến vùng Ba Khâu, Tào Tháo hạ lệnh lên bờ, đốt hết thuyền chiến rồi rút tiếp về phía bắc bằng đường bộ. Ông đưa ra quyết định này vì nghĩ đến sự an toàn, không ngờ lại đẩy toàn quân vào tình cảnh nguy hiểm hơn...
Chớp mắt đã đến tiết đại hàn, khí trời vô cùng giá lạnh, âm u. Từ Ba Khâu đến Giang Lăng, Giang Bắc toàn những đầm lầy, rừng rậm, chẳng có ngọn gió đông nam nào, chỉ có cái lạnh se sắt bao trùm khắp nơi như muốn đóng băng con người. Đầm lầy hẻo lánh phủ đầy cành khô, lá rữa, cỏ dại cùng với bùn nhão, bị khí lạnh đóng thành một lớp băng, tựa như bãi lở loét khiến người ta ghê sợ, hễ giẫm lên là bị thụt xuống, mãi không rút chân ra được. Rừng cây trơ trụi cao hơn đầu người chạy ngút tầm mắt, những tảng đá xù xì giống như yêu ma, toát lên vẻ quái dị.
Mấy ngày liền tiết trời âm u, gần như không có một tia nắng nào, thi thoảng có những bông tuyết lẻ tẻ bay qua, đám mây dày che kín bầu không, đứng im không trôi như thể sắp rơi xuống. Còn có lớp sương mù cả ngày không tan như tấm lưới bủa giăng đầm lầy, rừng cây, ao hồ, bùn đất, không phân biệt được phương hướng, đến chim thú cũng không nhìn rõ.
Tào Tháo luẩn quẩn trong cái đầm mênh mông này đã mấy ngày, chớ nói là ra khỏi cánh rừng, đường tới Giang Lăng cũng chẳng tìm được, bại quân di chuyển như bầy nhặng mất đầu, đâm lung tung vẫn không thoát khỏi chỗ này. Văn Sính cũng không biết làm sao, theo lời ông ta, nơi đây chính là đầm Vân Mộng, thuộc địa bàn của Sở Vương thời Xuân Thu. Tào Tháo nhớ trong bài Tử Hư phú của Tư Mã Tương Như có đoạn tả nơi này, “Chu sa, đá xanh, đất đỏ, đá vôi, đá vàng, quặng sắt, ngọc bích, vàng bạc, muôn màu muôn sắc, lấp lánh chói lòa, rực rỡ như rồng”. Lạc vào cõi này mới biết sự khác nhau giữa thi văn và hiện thực. Đầm Vân Mộng rộng chín trăm dặm, đông đến Giang Hạ, tây qua Giang Lăng, bắc tới An Lục, nam xuống Trường Giang, đầm lầy chằng chịt, người gốc Kinh Châu cũng không dám tùy tiện đến đây vào mùa này.
Chu Du sắp đuổi kịp chưa, bảy bộ quân khi nào mới tới cứu viện, binh mã tản mát hiện đang ở đâu, Tào Tháo không dám nghĩ đến những chuyện đó, trước mắt vấn đề nguy hiểm nhất là bệnh tật và thiếu lương. Từ khi bắt đầu giao chiến, bệnh dịch đã là một vấn đề lớn, nay binh lính thua trận chạy trốn, lại lòng vòng trong chỗ rừng rậm, đầm lầy ẩm ướt và giá lạnh này, người nhiễm bệnh càng nhiều. Giờ chỗ ông tập hợp được hai vạn tàn binh bại tướng, trong đó người nhiễm bệnh đã lên đến gần một nửa, ngày nào cũng có binh sĩ bỏ mạng nơi hoang vu. Chuyện lương thực lại càng nghiêm trọng, quân Tào bỏ lại gần như toàn bộ lương thảo cho địch khi chạy khỏi Ô Lâm, khẩu phần binh sĩ mang theo bên người chỉ đủ cầm cự bốn năm ngày, giữa mùa đông lại không kiếm được quả dại, họ buộc phải giết ngựa.
Tào Tháo ngồi trên một phiến đá xanh lớn, ngây người nhìn binh sĩ thịt ngựa - Diêm Nhu tốn bao tâm sức thuần dưỡng ngựa tốt ở U Châu, thế mà không dùng trên chiến trường lại nhét hết vào bụng, thật phí phạm. Nhưng, không ăn thịt ngựa thì ăn cái gì đây? Chẳng lẽ ăn thịt người? Dù chưa bàn về nhân luân thì binh sĩ đều mang bệnh dịch, có dám ăn không? Hôm nay coi như ấm bụng, nhưng ngày mai biết ăn gì?
— Phụ thân, mời người nếm thử.
Tào Phi cầm một miếng thịt ngựa mới nướng chín chạy lại chỗ ông. Vị đại công tử hôm nay không còn vẻ cao quý như mọi khi nữa, mà cũng xông vào tranh giành với binh sĩ, chiếc áo khoác lông cừu trắng tinh trên người đã biến thành màu đất.
Thịt ngựa khó ăn, lại không ướp gia vị, vừa khô vừa chát, còn có mùi ngái. Tào Tháo nhai trệu trạo, có cảm giác ghê cổ, nhưng không nôn ra được thứ gì.
— Thừa tướng, mau uống chút nước.
Một người trẻ tuổi, dáng vẻ cao lớn đưa túi nước cho Tào Tháo. Người đó tên Đậu Phụ, là cháu của Đại tướng quân Đậu Vũ triều trước, thân thế có chút ly kỳ, lưu lạc ở Kinh Châu làm tiểu lại, mới được Tào Tháo phong quan trước đó không lâu. Mấy ngày nay luôn theo sát Tào Tháo, cùng Tào Phi hầu hạ việc ăn uống.
Tào Tháo nhận túi nước, không khỏi ngạc nhiên:
— Ồ? Sao lại có nước nóng?
Đậu Phụ thành thật nói:
— Tại hạ mới nấu.
Trong lúc chạy trốn, quân Tào cũng không kịp đem theo nồi, bếp, làm sao đun được nước nóng? Tào Tháo không giải thích được, Đậu Phụ cởi túi nải nhỏ đeo sau lưng, bên trong đựng một chiếc nón sắt cháy đen - thì ra anh ta cọ sạch nón chiến để nấu nước.
Tào Tháo cảm động bảo:
— Ngươi thật chu đáo, đợi ra khỏi cánh rừng này, lão phu nhất định sẽ trọng dụng!
Ông uống vài ngụm nước nóng, cả người ấm hẳn lên, lúc này nhai tiếp thịt ngựa mới thấy có chút mùi vị, chợt nghe có người hô to:
— Gió! Có gió lớn!
Ngay sau đó, binh sĩ xung quanh reo hò, vui hơn thắng trận. Trời nổi gió chẳng có gì lạ, quan trọng là phải xem gió nổi vào lúc nào. Tào quân bị khốn trong đầm Vân Mộng mấy ngày nay, bầu trời luôn âm u, không có ngọn gió nào, cũng không có ánh mặt trời nên không phân biệt được đông tây nam bắc, nay trời nổi gió lớn chẳng khác nào đưa tới một cánh quân cứu viện, dẫn họ thoát khỏi hiểm cảnh. Tào Tháo ném miếng thịt đang ăn dở, lấy một cành khô làm gậy, đi ngược chiều gió:
— Đông bắc! Hướng này là đông bắc, chắc chắn có thể đến được Giang Lăng!
Cơn gió ập đến vần vũ, khiến quần áo của mọi người bay phần phật. Nhưng trên dưới quân Tào đều rất phấn chấn, cha con Tào Tháo đi trước dẫn đường, bọn Tuân Du, Hoàn Giai, Ôn Khôi dìu nhau theo sau, binh sĩ dường cũng nhanh nhẹn hơn, tất cả cùng đi về phía đông bắc. Thế nhưng mới đi được một đoạn, chợt nghe trên đầu có tiếng sấm nổ, gió dần ngừng thổi, những hạt mưa nhỏ lất phất rơi xuống. Binh lính mới đầu đứng ngẩn người ra, tiếp đến sụt sịt, ai nấy đều khóc.
Tia hy vọng vừa dấy lên trong lòng Tào Tháo lại bị dập tắt, ông đứng lặng giữa trời mưa, tâm trạng rơi xuống vực thẳm: gió đã ngừng thổi, mưa lạnh lại trút, lương thực đã hết, ngựa cũng sắp bị thịt sạch, lẽ nào trời muốn diệt ta?
Đúng lúc ấy, có kẻ quệt nước mắt, nói lớn:
— Bên kia hình như có người!
Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu Tào Tháo là binh mã của Chu Du đuổi tới, lúc này đám bại quân của ông không còn sức chiến đấu, gặp quân địch chỉ có chịu chết. Nhưng Tào Tháo cũng cảm thấy có chút an ủi, bởi vì bỏ mạng dưới lưỡi đao của quân địch còn oanh liệt hơn chết đói trong rừng. Tào Thuấn, Hàn Hạo, Đặng Triển đều rút binh khí bảo vệ xung quanh Tào Tháo, ngay cả Sử Hoán đang bị trọng thương, chốc chốc lại ngất lịm cũng chống đao đứng lên.
Mưa rơi khiến sương mù tan dần, rừng cây âm u hiện rõ, những cành cây bên mé phải lay động, phát ra tiếng xào xạc, rõ ràng đội quân đang đến không chỉ có hai ba trăm người. Chúng nhân nín thở nhìn về phía đó, không biết là đợi một trận sống mái hay sự giải thoát cuối cùng.
Rất lâu sau, một người cưỡi ngựa xuất hiện trước quân Tào, người này tuổi ngoài năm mươi tuổi, quần áo rách tả tơi nhưng vẫn sạch sẽ, đầu đội mũ cao. Tào Tháo kinh ngạc thốt lên:
— Khoái Dị Độ! Ngươi sao lại ở đây?
Khoái Việt còn ngạc nhiên hơn:
— Thừa tướng! Ngài còn chưa tới Giang Lăng sao?
Ông ta ghì ngựa, nói lớn:
— Mọi người mau qua đây! Thừa tướng đang ở đây!
Lát sau, một đám người lúc nhúc chui ra từ sâu trong cánh rừng, có các liêu thuộc Kinh Châu như Vương Xán, Phó Tốn, tướng quân Trương Hi, Sái Mạo bệnh nặng nằm trên xe cũng được đẩy tới, lại có cả hơn ngàn binh sĩ. Đội quân này binh khí, áo giáp chỉnh tề, lưng đeo túi lương khô lồng phồng, thậm chí còn có mấy xe lương thảo và quân trướng.
Thì ra vào đêm Chu Du phóng hỏa, các thuộc liêu Kinh Châu như Khoái Việt ở lại doanh trung quân, nghe nói bộ trại đại loạn, nhìn đằng xa lại thấy bờ sông lửa cháy ngút trời, tưởng rằng Tào Tháo đã rút lui, bèn chuẩn bị chạy ra từ bắc môn thì gặp hơn một ngàn quân của Trương Hi ở hậu doanh. Phần lớn bọn họ đều thông thuộc địa hình Kinh Châu, tự nguyện dẫn đường cho Trương Hi, không đi men theo đường sông mà đi về hướng bắc, xông vào núi, trốn theo đường nhỏ. Con đường đó tuyệt đối bí mật, nhưng lại ngoằn ngoèo, quanh co, khiến họ bị tụt lại phía sau, cho nên mới tình cờ gặp bại quân của Tào Tháo bị lạc trong đầm Vân Mộng.
Khoái Việt nghe Tào Tháo kể lại hiểm cảnh, không nhịn được bật cười:
— Thừa tướng chớ lo, thuộc hạ nắm rõ đường đi lối lại chỗ này, thường cùng các sĩ nhân Kinh, Sở ngao du đầm Vân Mộng. Từ đây phải đi về hướng bắc...
— Đâu là hướng bắc? - Vị đại Thừa tướng đang sốt ruột vì không tìm ra hướng bắc.
— Chính là từ phía ngài đi tới.
Tào Tháo dở khóc dở cười: thì ra ta luôn đi ngược đường.
Khoái Việt chỉ tay nói:
— Đi tiếp về phía sau lội qua một cái đầm có cổ đạo hẹp, nhưng dẫn thẳng đến huyện Hoa Dung. Do niên đại đã lâu, con đường bị bùn lầy bao phủ, nhưng thuộc hạ vẫn nhận ra được. Kỳ thực, thời tiết bây giờ không tốt, nếu đổi lại là mùa xuân hay vào giữa hè, phong cảnh rất hợp với việc câu cá và săn bắt. Có dịp thuộc hạ sẽ dẫn ngài quay lại...
Tào Tháo lắc đầu quầy quậy: đời này tuyệt không bao giờ trở lại.
Tào Phi cũng mừng rỡ nói:
— Khoái đại nhân, đã gặp được ngài thì chớ vội lên đường. Binh lính của chúng tôi không còn cái ăn, ngài có lương thực, hãy chia cho mọi người trước, dựng lều trướng nghỉ một giấc, lấy lại tinh thần rồi đi tiếp.
— Lương thực, lều trướng đều có cả, có điều chúng ta không thể chậm trễ được. - Khoái Việt tỏ vẻ nghiêm trọng, - Hôm qua ta nhận được tin báo của xích hầu, mé đông có quân của Lưu Bị qua lại.
— Sao cơ? Quân của Lưu Bị?
Tào Tháo sửng sốt.
— Trên đường đi thuộc hạ nghe người dân truyền tai nhau, lúc Lưu Bị hợp binh với Chu Du đã giữ lại hai ngàn tinh binh. Vào đêm Chu Du phóng hỏa, hắn dẫn cánh quân này vượt sông Hán Thủy, muốn đánh úp quân ta bằng đường bộ, hẳn là lúc này đã đến đầm Vân Mộng. Bọn thuộc hạ đi ngày đi đêm, đang cố ra khỏi đây.
Tào Tháo liệu trước mình sẽ bị quân địch truy kích, nhưng không ngờ Lưu Bị còn nhanh chân hơn Chu Du. Ông thầm chửi tên giặc tai to ngư ông đắc lợi, xảo trá vô cùng, giờ bại quân không có khả năng chống lại, đụng phải bọn chúng thì không ổn. Ông lập tức lên tiếng:
— Việc này không nên chậm trễ, lên đường ngay lập tức, phát cho binh sĩ ít lương khô, vừa đi vừa ăn!
Vậy là quân Tào lại tiếp tục cuộc chạy trốn hối hả, may mà lần này có Khoái Việt nắm rõ địa hình dẫn đường nên đi thuận lợi hơn rất nhiều. Tào Tháo những ngày qua cũng mệt mỏi, Tào Phi và Đậu Phụ dìu ông tới cỗ xe kéo mà Sái Mạo đang nằm, sai binh sĩ đẩy cả hai người họ.
Sái Mạo từ hôm vô tình chứng kiến Tào Tháo hại chết Hứa Du, trong lòng vẫn hốt hoảng bất an, mặc dù trên đường không thiếu đồ ăn, nước uống, nhưng đi xuyên qua rừng rậm cũng hít phải chướng khí, cho nên sắc mặt tái nhợt, hai mắt hõm sâu. Tào Tháo nhìn bộ dạng của ông ta, liền an ủi:
— Hãy cố chịu đựng, đợi về đến Giang Lăng hãy dưỡng bệnh cho tốt.
Sái Mạo rất hối hận vì không kịp thời nhắc nhở Tào Tháo chuyện có gió đông nam, trong lòng đầy tự trách:
— Ngài giao phó thủy quân cho mạt tướng... Mạt tướng không thể lưu tâm, thật hổ thẹn.
Ông ta nói vậy, nhưng vẫn nằm nghiêng sang phía khác, từ đầu đến cuối không dám nhìn thẳng vào Tào Tháo, chỉ sợ đụng phải ánh mắt của ông sẽ lại nhớ đến cảnh tượng hãi hùng kia.
Tào Tháo vỗ vỗ ngực ông ta, thở dài:
— Ông đột ngột đổ bệnh, không thể làm hết chức trách là lẽ thường. Không sao, chúng ta là lão bằng hữu cơ mà.
Ông nào biết tâm bệnh của Sái Mạo còn nặng hơn thân bệnh, ông ta sợ nhất ba từ “lão bằng hữu”. Nghe xong lời này, ông ta run bần bật, miệng phát ra tiếng rên đau khổ. Tào Tháo không biết làm sao, còn nói tiếp:
— Thằng nhãi Tôn Quyền và giặc tai to bất quá là nhất thời đắc thế, muốn đánh bại lão phu không dễ thế đâu! Đợi ta về Giang Lăng, tập hợp bại quân, lại điều bảy đội quân của bọn Vu Cấm nữa, chắc chắn có thể chuyển bại thành thắng!
Nói đến đây, đội quân đi đầu đột nhiên dừng lại.
— Chuyện gì vậy?
Tào Tháo nhảy xuống xe. Hàn Hạo quay lại bẩm tấu:
— Phía trước có một cái đầm.
Tào Tháo lách qua đám binh sĩ đi lên phía trước, tự mình xem thử. Giữa rừng cây rậm rịt có một đầm nước đen sì, vài tên lính nhảy xuống dưới, bùn ngập đến tận eo, rất khó nhấc chân. Tào Tháo không khỏi nhíu mày:
— Không có đường nào khác sao?
Khoái Việt cũng không có cách nào khác:
— Đây là con đường ngắn nhất, chỉ cần lội qua cái đầm này, đi tiếp về phía tây là tới được cổ đạo. Đường khác cũng có, nhưng phải đi vòng về phía đông bắc, e là mất thêm hơn nửa ngày đường.
Quân Tào không thể để lỡ nửa ngày đường, quân của Lưu Bị đang ở rất gần, nếu lại dây dưa mất nửa ngày để người ta đuổi kịp thì phiền to. Thế nhưng, muốn đưa tất cả binh sĩ qua chỗ này cũng phải mất cả một hai canh giờ, lúc này chậm một khắc cũng nguy hiểm, biết làm sao đây? Tướng lĩnh và đại đội binh mã phía sau đã theo kịp, Tào Tháo nhìn những tàn binh già yếu đang mang trọng bệnh liền nảy ra một chủ ý.
Ông đi tới trước mặt những binh sĩ đau ốm, than dài sườn sượt:
— Trước mặt có đầm lầy, đằng sau có truy binh, phải nhanh chóng vượt qua chỗ này mới có thể thoát nạn, nhưng nhỡ quân địch đuổi kịp thì ứng phó thế nào? Các ngươi đều mang bệnh, không còn khả năng tác chiến. Theo ý ta, các ngươi mỗi người ôm một bó cỏ xuống dưới đắp đường, lão phu lệnh cho những binh sĩ còn sức đánh trận ở phía sau phòng bị, nếu địch xông tới có thể chống đỡ tạm thời. Các ngươi không phải đánh trận, chỉ cần lo lấp đường. Các ngươi thấy sao?
Những binh sĩ đó đưa mắt nhìn nhau - cách này cũng được, mặc dù đau yếu nhưng họ vẫn đủ sức vác bó cỏ, huống chi Thừa tướng đích thân lên tiếng. Nói là thương lượng, nhưng họ có thể không đồng ý hay sao? Chúng nhân nói là làm, hơn trăm người bệnh tật lếch thếch ra gom cỏ khô, nhưng Tào Tháo không khiến họ phí sức, dù sao ngựa chiến đã bị giết quá nửa nên ông chia chỗ cỏ Trương Hi mang theo cho họ, lại lấy thêm những cành lá khô héo, mỗi người vác một bó lớn xuống đầm lấp đường.
Tào Tháo nhìn bọn họ lục tục xuống đầm, lẳng lặng đi tới chỗ Hàn Hạo, Tào Thuần:
— Còn bao nhiêu ngựa đưa hết lại phía này, sai hổ báo kỵ lên lưng ngựa, đợi hiệu lệnh của ta.
Dứt lời ông lại quay lại chỗ Sái Mạo, ngồi xếp bằng nhìn binh sĩ lấp đường. Không lâu sau, Hàn Hạo và Tào Thuần đã tập hợp toàn bộ ngựa chiến, hổ báo kỵ sĩ đều lên yên ngựa, nhưng không ai hiểu rõ Tào Tháo đang nghĩ gì. Tào Tháo cũng không nói nhiều, nhìn chằm chằm những binh sĩ đau ốm ở dưới đầm. Những người này cơ thể còn yếu, chật vật mãi mới đi được một bước, ban đầu họ đắp gần bờ, sau tản dần ra, cả người dính đầy bùn đen.
Tào Tháo đột nhiên bật dậy, ra lệnh cho hổ báo kỵ:
— Phóng qua!
Hàn Hạo và Tào Thuần đều giật nảy mình, không hiểu ông có ý gì.
— Phóng qua! - Tào Tháo quát lại một lần nữa.
Lần này hai tướng hiểu ra, hai mắt trân trân, toát lên vẻ hoảng sợ, không dám tin vào tai mình.
Tào Tháo cao giọng quát:
— Kẻ nào làm trái quân lệnh chém ngay tại chỗ! Phóng qua!
Hàn Hạo ruột gan sôi lên, đầu óc trống rỗng, nhắm chặt hai mắt lại, quất một roi thật mạnh vào thân ngựa, lao về phía đầm lầy, Tào Thuần theo ngay phía sau. Hổ báo kỵ đều cảm thấy kinh sợ, thế nhưng các tướng đều đã phóng qua, họ có thể không làm theo ư? Phút chốc mấy trăm quân kỵ phi ngựa giày xéo những binh lính kia, chỉ nghe thấy tiếng kêu thảm thương - người chết ngã xuống lấp lên bùn lầy, tạo thành một lối đi.
Bọn Khoái Việt, Tuân Du, Đậu Phụ đều sợ ngây người, nhìn Tào Tháo với ánh mắt khác thường. Nhưng Tào Tháo dường trút được gánh nặng, ông ngồi xệt xuống xe, chậm rãi xua tay:
— Đừng nhìn ta như thế. Lão phu bị ép vào chỗ bất đắc dĩ, nếu để Lưu Bị đuổi kịp, số người phải chết chỉ có hơn trăm người đó thôi sao? Mau qua thôi...
Lời này vừa dứt, ông chợt nghe sau lưng có tiếng kêu thảm - Sái Mạo giật mình, ngã lãn từ trên xe xuống đất.
— Đức Khuê, ông làm sao vậy?
Tào Tháo vội ôm lấy ông ta. Sái Mạo trợn mắt nhìn Tào Tháo với vẻ sợ hãi, thở rít từng cơn, như muốn rút sạch lồng ngực. Tiếng thở nặng nề như bò, chẳng giống con người chút nào. Tào Tháo có dự cảm không ổn, đỡ lấy vai ông ta:
— Đức Khuê, ông phải gắng gượng lên!
Sái Mạo không nghe được gì, vẫn trừng mắt há miệng, cổ họng phát ra tiếng “ặc ặc” kỳ lạ, chân tay co quắp.
— Ông không thể đi được, lão bằng hữu!
Tào Tháo chưa nói dứt lời, Sái Mạo lại ú ớ, đoạn đầu rũ xuống bất động. Tào Tháo đau lòng, khẽ vuốt mắt ông ta. Những bằng hữu thuở nhỏ, xa cách hơn ba mươi năm, mới gặp lại vài tháng đã sinh ly tử biệt. Tào Tháo không hề biết rằng lão bằng hữu ấy bị chính ông dọa chết.
Chúng nhân thẫn thờ trước một loạt biến cố xảy ra, lúc lâu sau, Khoái Việt gạt lệ nói:
— Thừa tướng chớ nên quá đau buồn, chúng ta mau lên đường thôi. Phải sớm đưa thi thể Đức Khuê về Tương Dương, an táng chu đáo.
Kỳ thực, Khoái Việt còn đau buồn hơn Tào Tháo, cộng sự nửa đời người qua đời, ông ta có thể không đau lòng sao? Nhưng lúc này chỉ có thể nói như vậy.
Binh sĩ đưa xác Sái Mạo lên xe, chúng nhân đều mang tâm trạng nặng trĩu, và lại càng trùng xuống khi đi qua đoạn đường trải xác người. Tào Tháo đang mải nhớ lại những chuyện thuở nhỏ của ông và Sái Mạo, nên không biết mình bước qua từ lúc nào. Còn những người khác không được dễ dàng như vậy, có người rón rén, có kẻ run rẩy, đám văn nhân như Vương Xán, Nguyễn Vũ, Ứng Sướng ngân ngấn nước mắt phải nhờ người dìu qua. Ngay đến Tào Phi cũng run sợ, rụt lại phía sau, mãi sau mới dám đặt chân đi qua, chỉ sợ có người chưa chết hẳn kéo xuống dưới bùn. Tào Phi đi được nửa đường, chợt thấy Giả Hủ chống gậy vượt qua mình, ung dung như bước trên đường lớn ở Hứa Đô.
— Giả đại nhân, ngài thật vững tâm!
Tào Phi không khỏi than thở. Giả Hủ thở dài:
— Ây dà! Công tử không biết đấy thôi... Đây là con đường mà chúng ta nhìn thấy, còn những con đường không nhìn thấy thì sao? Trong đường đời của chúng ta, đường phú quý, đường vinh hiển, đường sĩ đồ, có con đường nào không trải đầy xác người...
Ông ta nói được nửa câu, nghĩ mình không nên nhiều lời nữa, lại cúi đầu rảo bước thật nhanh.
Cuối cùng quân Tào đã vượt qua hiểm địa, đi vào cổ đạo Hoa Dung, đến khi trời lặn về tây mới dựng tạm doanh trại. Hành quân trong đầm Vân Mộng có một điểm tốt là đến tối có thể yên tâm nghỉ ngơi, dù có quân địch, bọn chúng cũng không thể hành quân vào ban đêm được. Nhưng nghĩ lại chuyện lấy thây người lấp đường, có ai ngủ được đây? Mới tờ mờ sáng, quân Tào đã lại lên đường đi tiếp, nửa ngày sau thì ra khỏi đầm Vân Mộng.
Ra đến đường lớn phẳng phiu, quân Tào coi như thoát nạn. Ở đây dù sao cũng thuộc địa bàn khống chế của Tào Tháo, binh lực của Lưu Bị lại có hạn, sẽ chẳng dám hành động khinh suất giữa đồng bằng rộng rãi. Nhưng quân Tào chưa đi được bao xa, lại nghe phía sau có tiếng động lạ, quay đầu lại nhìn, cánh rừng bọn họ vừa đi qua đang bốc khói nghi ngút!
Chúng nhân ai nấy đều kinh hoàng, chỉ cần chậm chút nữa là tất thảy đều chôn thân giữa rừng lửa, cho đến lúc này họ mới chịu hiểu việc Tào Tháo lấy người lấp đường để tiết kiệm thời gian là cách quyền biến bất đắc dĩ. Tào Tháo nhìn đám cháy, cười nhạt:
— Lưu Bị thực xứng là đối thủ của ta, chỉ có điều hành động hơi chậm, đáng lẽ không tìm được ta thì nên sớm phóng hỏa. Giờ mới ra tay thì đã quá muộn! Hãy chờ xem, ta sẽ điều bảy cánh quân đến bắt ngươi trước!
Sau hơn nửa tháng lăn lộn, Tào quân cuối cùng cũng thoát khỏi hang cọp, nhưng không thể lơ là, vẫn phải mau chóng chạy đến Giang Lăng tập hợp binh mã, nên họ không vào huyện Hoa Dung mà đi tiếp về phía tây. Không lâu sau, lại thấy trước mặt bụi đất mù mịt, một tiểu đội binh mã xông tới. Chúng nhân đều tỏ vẻ sợ hãi, nhưng Tào Tháo nói:
— Chu Du vừa mới đắc thắng, sẽ không dám tới đây, hẳn là người mình.
Quả nhiên, tiểu đội mấy trăm người đó tới gần thì nhận ra tướng dẫn đầu là Trương Liêu và Hứa Chử. Trương Liêu là một trong những thống lĩnh của bảy cánh quân, vốn đồn trú gần Tương Dương, còn Hứa Chử phụng lệnh hộ tống bọn Tào Xung về huyện Tiều, hai người họ biết quân Tào bại trận, đều mang thân binh đi tiếp ứng, tình cờ gặp nhau. Hai tướng trông thấy Tào Tháo bèn nhảy xuống thi lễ:
— Chúng mạt tướng lo quá! Chúa công không sao, thật may thật may!
Hai đại hán ấy than thở. Tâm trạng Tào Tháo vẫn còn tốt:
— Thắng bại là chuyện thường của nhà binh, không cần quá để ý. Đợi ta điều binh mã quyết chiến với hai tên giặc Tôn, Lưu!
Trương Liêu và Hứa Chử đều là kẻ hiếu chiến, bình thường nghe đến đánh trận sẽ hừng hực khí thế, nhưng lúc này lại ỉu xìu.
— Có chuyện gì?
Tào Tháo cảm thấy kỳ lạ. Hứa Chử bẩm báo:
— Chúa công, bệnh của Thương Thư công tử...
— Xung nhi làm sao hả?
— Bệnh của công tử chuyển nặng, Lư Hồng bắt đại đệ tử của Hoa Đà là Lý Đương Chi ở Duyện Châu tới thăm bệnh, hắn cũng đành bó tay... có điều, Lý Đương Chi nói sư phụ hắn để lại một bộ y thư là Thanh nang thư, hình như đem vào trong ngục. Nếu tìm được bộ y thư đó, nói không chừng có cách cứu chữa... Ngài chớ lo quá, ngàn vạn lần chớ lo quá!
Tào Tháo im lặng hồi lâu, ông có thể không lo lắng được sao?
Trương Liêu cũng nói:
— Mạt tướng cũng... cũng có chuyện bẩm tấu.
— Không cần nói nữa, - Tào Tháo tạm đặt chuyện của nhi tử sang một bên, nói dứt khoát, - Ngươi đi trước điều bảy bộ binh mã ở Tương Dương tới Giang Lăng, ta phải đánh tiếp với hai tên Tôn, Lưu.
Trương Liêu chau mày lắc đầu:
— Chúng ta không thể đánh nữa, đã xảy ra chuyện!
Tào Tháo ngây người ra một lúc, cố lấy tinh thần hỏi:
— Làm sao?
— Mấy ngày trước, Tôn Quyền dẫn mười vạn đại quân vượt sông đánh Hợp Phì, các tướng cũ của Viên Thuật là Ngô Lan, Lôi Bạc, Mai Cán nhân đó làm phản, đã phá được huyện Lục An. Đúng lúc này, Thứ sử Dương Châu là Lưu Phức bệnh chết, chiến sự Hoài Nam rơi vào hỗn loạn. Hộ quân Triệu Nghiễm điều bảy bộ binh mã đi dẹp loạn, chỉ phái mình mạt tướng tiếp ứng cho ngài. Hợp Phì bị khốn, lại thiếu cứu binh, bọn mạt tướng... bọn mạt tướng không còn binh để điều phái...
Họa vô đơn chí
Thất bại trong trận Xích Bích gây ảnh hưởng vượt xa dự liệu của Tào Tháo, nó không chỉ dừng lại ở những tổn thất trên chiến trường, mà còn tác động rất lớn đến toàn cục. Phía Kinh Châu bị địch vây khốn, Tôn Quyền thừa cơ dẫn mười vạn đại quân đánh úp Giang Bắc, bao vây Hợp Phì, chưa xét con số “mười vạn đại quân” là thực hay giả, Hợp Phì có thất thủ hay không, ít nhất việc này cũng đã gây ra hệ quả vô cùng xấu.
Bọn Ngô Lan, Lôi Bạc, Mai Cán ở hai quận Lư Giang, Cửu Giang trước đây là thuộc hạ của Viên Thuật, chiếm vùng Giang Hoài tác oai tác quái, từ lâu có quan hệ mật thiết với Tôn thị, chẳng qua bị dồn vào thế buộc phải quy thuận Tào Tháo, cho nên bề ngoài tỏ ra cung kính chứ không thật tâm quy phục. Nay Tào Tháo bại trận, Tôn Quyền tấn công Hợp Phì, Thứ sử Dương Châu Lưu Phức lại qua đời, bọn chúng dậu đổ bìm leo, lập tức triệu tập bộ hạ cũ, đánh chiếm sáu huyện như huyện Đê, Lục An, Tiềm Sơn, phản quân đã lên đến sáu vạn người.
Tào Tháo muốn điều tập bảy đạo quân đánh lại Chu Du, nhưng giờ không thể làm vậy, cũng không thể phái quân cứu viện Hợp Phì. Giữa lúc này, ông chỉ có thể giao toàn bộ ngựa chiến cũng như quân nhu cho đội quân của Trương Hi chưa bị tổn thất, lệnh cho Trương Hi dẫn hơn một ngàn binh mã cấp tốc đến Hợp Phì. Ban đầu ông định điều Thái thú Nhữ Nam là Lý Thông đi cứu viện, song lại biết tin ông ta sau khi trừ được thổ phỉ Trương Xích đã ngã bệnh, tạm thời không thể lĩnh binh. Bởi vậy ông đành phải phái Trương Hi qua Nhữ Nam trước, dẫn ba ngàn binh mã dưới trướng Lý Thông đi giải vây.
Đi tiếp hai ngày, Tào Tháo đến được Giang Lăng, nhưng cũng chỉ ở lại vài ngày rồi lại lên đường lên phía bắc. Ông hiểu rõ, Hoài Nam xảy ra chuyện, Chu Du và Lưu Bị sẽ không đời nào chịu dừng tay, chắc chắn bọn họ muốn nhân dịp này tiến đánh Kinh Châu, đám tàn binh bại tướng trong tay ông không còn sức chiến đấu, phải tìm một chỗ yên ổn nghỉ ngơi. Hiện Hoài Nam có kẻ địch, Kinh Châu cũng có kẻ địch, ông không thể ở nguyên một chiến trường nào, mà phải chọn một vị trí thích hợp ở giữa để quan sát và tiện điều phái quân cứu viện. Địa điểm tốt nhất chính là cố hương huyện Tiều.
Tào Tháo lệnh cho Tào Nhân, Tào Hồng tiếp tục đồn trú Giang Lăng và Di Lăng, lại phái Mãn Sủng giữ Đương Dương, Nhạc Tiến giữ Tương Dương, điều Từ Hoảng xuống phía nam, một mặt ngăn địch, mặt khác tận lực tập hợp những đội quân tản mát, còn ông dẫn bại quân đã mỏi mệt vô cùng về cố hương.
Tháng tư năm Kiến An thứ mười bốn (năm 209 sau Công nguyên), bại quân của Tào Tháo về đến huyện Tiều, nhưng Tào Tháo vừa xuống ngựa thì nghe được tin dữ: nhi tử mà ông yêu quý nhất là Tào Xung bệnh đã ngấm vào gan ruột, không còn cách nào chữa được.
Phía Hứa Đô đã tìm ra Thanh nang thư của Hoa Đà, có điều nó không còn là một cuốn sách nguyên vẹn mà chỉ là một đám tro tàn. Lý do Hoa Đà xin về quê khi đang cùng Tào Tháo ở Kinh Châu chính là vì bộ sách này. Thiên hạ đều biết Hoa Đà ở đất Bái và Trương Cơ ở Nam Dương là hai đại thần y đương thời, thế nhưng Trương Cơ có cuốn Thương hàn tạp bệnh luận, còn Hoa Đà vẫn chưa viết được cuốn sách nào. Khi Kinh Châu quy thuận, hai người có dịp gặp mặt giao lưu, Hoa Đà không muốn thua kém Trương Cơ, vì vậy dối xưng thê tử đổ bệnh để trở về hoàn thành trứ tác, muốn đàm đạo với Trương Cơ, nào ngờ lại vì thế mà dẫn tới họa sát thân. Hoa Đà ở trong ngục đoán trước bản thân khó thoát khỏi cái chết, liền đem cuốn Thanh nang thư mới viết xong giao cho một tên ngục tốt, bảo hắn nghiên cứu kỹ sách ấy có thể cứu được người. Nhưng sau khi Hoa Đà chết, tên ngục tốt đó lại đốt ngay cuốn sách, Lư Hồng và Triệu Đạt tra ra chuyện này, hỏi rõ nguyên do. Hắn trả lời cũng có lý: “Dù có được y thuật giỏi như Hoa Đà thì vẫn phải chết oan trong ngục, giữ lại phỏng có ích gì?”
Lý Đương Chi dốc hết tâm sức nhưng cũng vô ích, Tào Xung đã không uống nổi chén thuốc, đành quỳ sụp xuống trước mặt Tào Tháo, khấu đầu thỉnh tội.
— Đồ lang băm! - Tào Tháo chỉ vào mặt ông ta chửi lớn, - Chữa tiếp cho ta! Nếu không chữa được, ta đoạt mạng cả nhà ngươi!
Lý Đương Chi vốn là người hiền lành, nhát gan, sư phụ của ông ta lại bị Tào Tháo giết hại, ông ta thực sự bị ép đến chữa trị cho Tào Xung. Khi gặp Tào Tháo, ông ta sợ run người, không nói được một câu gãy góc:
— Thừa, Thừa tướng chớ nói là giết tại hạ, cả nhà tại hạ, dù ngài giết, giết cả họ tại hạ... tại hạ cũng...
— Ta không quan tâm! Ngươi phải chữa khỏi cho con ta, bằng không ta lột da ngươi!
Dứt lời, Tào Tháo không thèm đếm xỉa đến Lý Đương Chi, ông lại gần giường, chăm chú nhìn nhi tử - Mấy tháng trước, Tào Xung còn chạy nhảy hoạt bát, biết làm đủ điều và biết lấy lòng Tào Tháo. Thế mà giờ cậu bé mê man bất động, toàn thân nóng hầm hập, lại dấp dính, sinh mạng vô cùng yếu ớt.
Tào Tháo khẽ đặt tay lên trán nhi tử, khẽ gọi:
— Xung nhi! Thương Thư! Con mở mắt ra nhìn phụ thân, nói chuyện với ta, con nghe thấy không? Có nghe thấy không? Mẫu thân con còn đang ở Nghiệp Thành đợi con trở về đấy. Con tỉnh lại đi... Ông trời ơi! Vì sao lại trêu đùa Tào mỗ như vậy!
Tào Tháo chợt nhớ tới Tào Ngang đã chết thảm trong trận Uyển Thành năm xưa, ông cảm thấy ông trời dường cố ý trêu đùa ông, hai lần cướp đi những đứa con mà ông yêu quý nhất. Nỗi đau một lần mất con còn chưa đủ, ông trời còn muốn bắt ông phải chịu thêm một lần nữa vào chính lúc ông đang suy sụp nhất, khiến ông như đứt từng khúc ruột, tan nát cõi lòng.
Các thân quyến như Tào Phi, Tào Thực, Hạ Hầu Thượng, Tào Du đều trực cạnh giường, thấy ông quá đau lòng, vội cất lời khuyên nhủ:
— Thừa tướng chớ bi thương quá, kẻo hại đến quý thể...
Nhưng Tào Tháo nghe xong lại nổi giận đùng đùng:
— Ta bi thương? Ta bi thương gì chứ? Xung nhi đã chết đâu, các ngươi mong nó chết hả?
Câu này khiến mấy người họ ngây ra như tượng gỗ. Tào Tháo chỉ tay vào Tào Thực:
— Ngươi chăm sóc đệ đệ mình thế nào? Có phải ngươi hại nó không, nói mau!
Tào Thực giật nảy mình, quỳ sụp xuống:
— Nhi tử nào dám làm chuyện không bằng cầm thú ấy?
— Có gì không dám? Con người trên đời vì quyền lực có chuyện gì không làm được? Xung nhi mà chết, ngươi chớ mong được yên ổn! - Tào Tháo bỗng nhiên đổi hướng, chỉ vào Tào Phi, - Còn ngươi nữa! Xung nhi chết, ngươi vui lắm phải không?
Tào Phi chợt thấy toàn thân mềm nhũn, quỳ sụp xuống dập đầu lia lịa:
— Nhi tử không dám...
Hạ Hầu Thượng, Tào Du thấy vậy cũng quỳ cả xuống, giải vây cho hai công tử:
— Đều do chúng thuộc hạ chăm sóc không chu đáo, không liên quan đến hai công tử. Xin Thừa tướng bớt giận.
Tào Tháo há có thể nguôi giận? Ông chắp tay sau lưng, hằm hằm đi tới đi lui trong phòng:
— Tất cả các ngươi đều hận con ta không chết, muốn hại chết nó hả! Ta không tha cho các ngươi đâu, còn cả thằng nhãi Tôn Quyền, giặc tai to Lưu Bị!... - Ông quá đỗi bi hận, cho nên tâm tư trở nên rối loạn, - Chúng đều là hung thủ hại chết con ta! Tháo ta sẽ không chịu buông tay, Tháo ta sẽ không chịu thất bại!
Ông giậm chân gào thét ầm ĩ, bỗng người lệch sang một bên, gục xuống giường, hai tay ôm đầu không ngừng rên rỉ - bệnh đau đầu hơn một năm qua không phát tác, giờ lại trở lại. Tào Tháo cảm thấy đầu đau như búa bổ, trời đất quay cuồng, vội nhắm mắt lại, không còn sức gào thét nữa. Chúng nhân thấy vậy thì vô cùng kinh hãi, Lý Đương Chi lết lên phía trước, lắp bắp nói:
— Tại hạ, tại hạ kê đơn thuốc, có thể chữa cơn đau đầu, có, có thể...
— Ây dà, nói nhiều thế, còn không mau kê thuốc!
Tào Du cuống lên giậm chân. Lý Đương Chi run rẩy kê đơn, đưa cho Hạ Hầu Thượng đi sắc trước, rồi lại bạo gan xoa bóp đầu của Tào Tháo. Không lâu sau, thuốc sắc xong, Tào Phi thổi nguội bớt, bón từng thìa cho phụ thân. Lúc sau Tào Tháo mới thở đều hơi hơn, uống non nửa bát thuốc, ông từ từ mở mắt, nói giọng khó nhọc:
— Ta không nên trách tội các ngươi. Các ngươi phải chịu ấm ức rồi.
Cơn đau đột nhiên ập đến, khiến thái độ của ông cũng có phần dịu bớt, suy nghĩ rành mạch hơn. Tào Thực lại nói:
— Chúng nhi tử nhận ơn dưỡng dục của phụ thân, sao dám nói ấm ức? Phụ thân an tâm dưỡng bệnh, chớ lo nghĩ nhiều.
Tào Tháo khẽ gật đầu, nhìn lại Lý Đương Chi:
— Ngươi cũng biết chữa bệnh đau đầu của lão phu?
— Tại hạ học nghệ không tinh, chỉ biết kê đơn sắc thuốc, chứ không thạo thuật châm cứu.
Lý Đương Chi nói không sai. Xét về sự am hiểu dược tính, dược lý, ông ta không kém gì sư phụ mình, nhưng nói về châm cứu thì hoàn toàn không biết.
Tào Tháo thở dài:
— Vậy ngươi chữa được cho con ta không?
— Bệnh của công tử là do cơ thể suy nhược kết hợp với bệnh thương hàn, tại hạ tài lực kém cỏi, muốn chữa được bệnh này, e là chỉ có sư phụ của tại hạ, hoặc là... Hoặc là tới Nam Dương mời Trương Trọng Cảnh, chưa biết chừng có thể chữa được.
Tào Tháo lắc đầu - Hoa Đà bị ông giết hại, trận Xích Bích thất bại, bốn quận Giang Nam nằm ngoài kiểm soát của ông, làm sao mời được Trương Cơ về? Dù cho ông lén phái người tìm được, liệu người ta có chịu tới thăm bệnh không? Tào Tháo giờ hối hận thì đã không kịp:
— Ta đáng lẽ không nên giết Hoa Đà, nếu ông ta còn sống, há lại không chữa được bệnh của Xung nhi? - Lời này còn chưa dứt, mắt ông đã chan chứa ánh lệ.
Tào Phi, Tào Thực buồn bã, Lý Đương Chi nghe ông chịu nhận sai về cái chết của sư phụ mình, lại rấm rứt khóc. Tào Tháo vỗ vỗ vai ông ta:
— Sống chết có số, ngươi có sức nào thì cố sức ấy, lão phu không cưỡng ép. Ngươi chữa bệnh, còn lão phu đi cầu trời đất, quỷ thần, mong Xung nhi vượt qua kiếp nạn này.
Tào Tháo xưa nay không tin vào mệnh trời, thế mà lúc này vì nhi tử lại muốn đi cầu khấn, đúng là đã không còn cách nào.
— Từ nay về sau, bệnh đau đầu của lão phu cũng do ngươi chữa trị.
Lý Đương Chi nghe vậy lại run bần bật:
— Tại hạ chỉ biết điều thuốc, cách này hiệu quả rất chậm, e là không thể đẩy lui bệnh như cách châm cứu của sư phụ.
Ông ta lo lắng là đương nhiên, Hoa Đà bản lĩnh lớn như vậy còn bị Tào Tháo oán ghét, dựa vào y thuật của ông ta không đáng chết một trăm lần sao?
Tào Tháo độ lượng nói:
— Không sao, cứ chữa từ từ, lão phu không trách tội.
Đúng là “Chu sa không đủ, đất đỏ lên ngôi”, ông đã đánh mất cả hai đại thần y, chỉ còn lại Lý Đương Chi tinh thông dược lý, chẳng lẽ còn không biết quý trọng?
Ông mới nói đến đây, rèm cửa bỗng vén sang một bên, Lâu Khuê vẻ mặt nôn nóng bước vào - ông ta nhận lệnh đưa linh cữu của Vương Tuấn về Nhữ Nam, nào ngờ chỉ qua mấy tháng mà phát sinh nhiều biến cố như vậy. Lâu Khuê không tài nào hiểu được, nhất là khi ông ta nghe tin Hứa Du ở trong quân ngã xuống sông chết đuối, chết không minh bạch, hai người có tình đồng môn há có thể không quan tâm? Ông ta muốn tìm Tào Tháo hỏi cho rõ ràng, nhưng lại thấy ông gục bên giường, đành nuốt lại những lời muốn nói, chỉ hỏi:
— Sao ngài cũng đổ bệnh vậy?
Tào Tháo cúi mắt không dám nhìn ông ta:
— Bệnh cũ, không đáng lo.
Lâu Khuê nhìn cảnh này không biết mở miệng thế nào:
— Năm đó ta và ngài, còn có Tử Văn, Tử Viễn, kết giao thân thiết. Ta vừa thu xếp xong việc quy táng Tử Văn, thì Tử Viễn lại đột ngột qua đời khiến người ta sửng sốt, ngài càng phải bảo trọng.
Tào Tháo nghe Lâu Khuê nói câu “Tử Viễn lại đột ngột qua đời khiến người ta sửng sốt” thì không khỏi chột dạ - ông tất nhiên không sợ Lâu Khuê, có điều mọi sự đều không nằm ngoài chữ lý, ông giết Hứa Du do có men rượu và bất mãn dồn nén đã lâu, làm sao có thể nói những lời này với Lâu Khuê? Nhắc tới Vương Tuấn, ông lại càng bất an. Năm xưa Tào Tháo bãi quan, khi Vương Tuấn tới thăm, khuyên ông xuất sĩ một lần nữa đã từng căn dặn:
— Hứa Tử Viễn tham lam mà hám lợi, Lâu Tử Bá quật cường thẳng tính, nếu có ngày chọc giận huynh, mong huynh nể tình bằng hữu năm xưa mà dung thứ cho họ. - Nhưng vào lúc quan trọng, sao ông lại quên hết? Làm sao xứng với Vương Tuấn ở dưới cửu tuyền đây?
Lâu Khuê nhận ra mặt ông biến sắc, lại không dám nhìn thẳng vào mình, trong lòng đoán định tám chín phần, thở dài một tiếng, lắc đầu bỏ đi.
Tào Tháo lại càng cảm thấy nhức đầu, bưng bát thuốc uống dở, uống hết một hơi. Trong lòng thầm nghĩ: “Ta tự làm tự chịu, giờ chịu khổ trách được ai? Đành nhẫn nhịn thôi.”
Du thuyết Chu Du
Cầu thần cầu quỷ cũng vô ích, Lý Đương Chi đã ngày đêm dốc sức, nhưng cuối cùng Tào Xung vẫn chết yểu. Dự cảm đáng sợ của Tào Tháo mấy tháng trước thành sự thật, cơ thể nhỏ bé, yếu ớt ấy nằm im trong cỗ quan tài như được số phận an bài từ trước. Tào Xung mất khi mới chỉ mười ba tuổi.
Người đã chết không thể làm gì được nữa, Tào Tháo cố nén đau thương để xử lý chiến sự vẫn đang rối như tơ vò, trận chiến đáng hận này chưa kết thúc. Đội quân tiên phong của Chu Du và Lưu Bị đã đến Giang Lăng, khai chiến với Tào Nhân, Tào Hồng; trong khi đó, đại quân của Tôn Quyền vẫn vây khốn Hợp Phì; cuộc phản loạn do bộ hạ cũ của Viên Thuật cầm đầu lại lan rộng. Tào Tháo điều Tang Bá dẫn bộ quân Thanh Châu xuống phía nam trợ chiến, mặt khác nhận mệnh Hạ Hầu Uyên làm Lĩnh Quân Tướng quân, thay ông dẫn số binh sĩ có thể gắng gượng đánh trận đi dẹp loạn Lư Giang, việc còn lại mà ông có thể làm được lúc này chỉ là chờ đợi.
Trận Xích Bích tổn hại mấy vạn quân, đặc biệt là quân Kinh Châu mới quy thuận gần như chết sạch, còn những binh lính phương bắc may mắn thoát nạn, hoặc là chạy về Tương Dương, hoặc là chạy về Đương Dương, cũng có kẻ trốn thẳng tới huyện Tiều, phần lớn phân tán tản mát, mất tổ chức. Muốn tập hợp số tàn binh bại tướng đó, bổ sung quân nhu, lập lại đội ngũ thì cần mất một khoảng thời gian, việc này Tào Tháo cũng buộc phải nhẫn nại chờ đợi.
Có lẽ ông trời cố tình trêu đùa, đúng lúc này có một lão hiền sĩ mà Tào Tháo trưng vời nhiều năm, rất muốn nhìn thấy tôn nhan một lần nhưng đều không được, nay lại chủ động tìm đến, đó là Trương Phạm, người Hà Nội.
Trương Phạm, tự Công Nghi, xuất thân nhà công hầu thế gia, tổ phụ là Trương Hâm từng nhận chức Tư đồ, phụ thân là Trương Diễn cũng từng giữ chức hiệu úy triều trước, bị hoạn quan hãm hại mà chết. Trương Phạm không giống tổ phụ và phụ thân, gần bảy mươi tuổi nhưng vẫn không ra làm quan, có tiếng là người điềm tĩnh lạc đạo, thích hành thiện bố thí, nhất là hồi trẻ ông từng từ chối kết thân với Viên thị, khiến Tào Tháo càng coi trọng hơn. Tào Tháo muốn triệu kiến Trương Phạm gần mười năm nay, song trước giờ chưa được thỏa nguyện. Lúc Tào Tháo đoạt lại Hà Nội, Trương Phạm cố tình lánh nạn ở Dương Châu; đến lúc bình định Hà Bắc, Tào Tháo lại trưng vời lần nữa thì Trương Phạm đổ bệnh trên đường lên phương bắc, lưu lại Quảng Lăng, sai đệ đệ là Trương Thừa thay mình đi bái kiến Tào Tháo.
Trương Phạm tuổi cao, phải dưỡng bệnh hơn một năm mới có thể sửa soạn lên đường đến Hứa Đô, đúng lúc ấy con cháu trong nhà lại bị sơn tặc bắt giữ. Ông đích thân tới tận sào huyệt của chúng thương thuyết và cầu xin, cuối cùng cũng đòi được người. Những tưởng yên tâm khởi hành, nào ngờ trên đường qua Dương Châu lại gặp phải quân phản loạn, nhưng lần này lão nhân gia không chút do dự, quyết định tới thẳng đất Bái gặp Tào Tháo bất chấp nguy hiểm. Trải qua bao khó khăn, biến cố, cuối cùng Trương Phạm và Tào Tháo cũng gặp được nhau, đúng là chuyên lạ giữa thời loạn.
Tào Tháo lập tức phong Trương Phạm làm Nghị lang, tham mưu việc quân cùng với Thừa tướng, thế nhưng với Tào Tháo mà nói, lần hội kiến này có đôi chút mỉa mai. Ông vốn tưởng bản thân có thể công thành danh toại, oai phong lẫm liệt, ngạo nghễ tiếp đón lão tiên sinh với tư thái của chúa cứu thế, ngờ đâu Trương Phạm đến giữa lúc ông chật vật nhất, thảm thương nhất. Ông thân là Thừa tướng đương triều đáng lẽ phải chăm lo cho vị nhân sĩ chốn hương dã này, nhưng sự việc đảo lộn, thành ra lão ngài uyên bác này lại chạy tới an ủi kẻ bại trận.
— Theo truyền thuyết, thời Đường Nghiêu nước lũ lan tràn, đều nhờ Đại Vũ trị thủy cứu dân thoát khỏi bể khổ, từ đó mở ra cơ nghiệp của nhà Hạ. Để quy hoạch địa vực, khảo hạch ruộng đất, Đại Vũ dựa theo thổ nhưỡng chia thiên hạ thành chín châu...
Trương Phạm nghiêng người tựa lên mép kỉ án, ngắm nghía cây trượng trong tay. Ông thân gầy như que củi, mình mặc trường sam vải thô, mặt đầy nếp nhăn, chòm râu dài trắng như tuyết, nói năng từ tốn, toát lên phong thái của bậc trí giả minh triết. Đứng bên Trương Phạm là một văn sĩ tuổi ngoài ba mươi, chính là Tưởng Cán - Tưởng Tử Dực danh nức Giang Hoài, nghe nói Trương Phạm muốn đến đất Bái, liền theo hầu lão nhân gia.
Trương Phạm chậm rãi nói, Tưởng Cán kính cẩn lắng nghe, nhưng Tào Tháo cụp mắt có vẻ lơ đãng. Ông hổn hển tựa vào cạnh khác của kỉ án, nghe Trương Phạm giảng giải, có điều trong lòng vẫn nghĩ đến chiến sự và đứa con trai mới qua đời nhiều hơn. Không biết từ khi nào ông lại liên hệ hai chuyện này với nhau, như thể chính thất bại trong trận Xích Bích đã dẫn đến cái chết của Tào Xung. Ông chìm trong ước muốn mau chóng được báo thù, không thể tự thoát ra được, lại thêm bệnh đau đầu tái phát càng khiến ông ngày đêm bị giày vò, tinh thần hốt hoảng. Trương Phạm thấy rõ nhất cử nhất động của vị Thừa tướng sa sút tinh thần này, nhưng không thèm để ý, nói tiếp:
— Trong chín châu ấy, Dương Châu kém nhất vì ẩm thấp nóng nực, đất đai lầy lội, bị xếp vào loại hạ hạ đẳng. Xưa, Cao Tổ và Hạng Vũ tranh đoạt thiên hạ, Hạng Vũ thua trận Cai Hạ, nói là không còn mặt mũi nào về gặp phụ lão Giang Đông, bèn tự vẫn bên bờ sông. Cố nhiên, ông ta giết chết Nghĩa Đế, binh lính tử đệ đều chết sạch, nên có thẹn với bách tính Giang Đông, nhưng còn vì lý do ở đó không có nhiều thực lực. Cổ nhân nói, Ngô, Việt tranh bá, Hạp Lư, Câu Tiễn anh hùng nhường nào, bất quá là cuộc chiến của mấy ngàn binh mã, còn xa mới bằng việc xưng bá Trung Nguyên, suy cho cùng bọn họ chỉ là hào kiệt một đời. Nước Sở khi ấy cũng được coi là nước lớn, thời Xuân Thu kinh đô đặt tại đất Dĩnh, đầu thời Hán dời về Hạ Bì, sau kinh đô nước Ngô lại dựng ở Quảng Lăng, thảy đều thuộc một dải Giang Bắc. Khi Hoài Nam Vương Lưu An tiến đánh nước Nam Hải, vượt đại giang chưa gặp quân dịch, số người mắc bệnh mà chết đã chiếm quá nửa. Cũng do thời tiết nóng ẩm, đất đai bạc màu, Sơn Việt hoành hành, việc trồng trọt cày cuốc của bách tính càng không thu hoạch được là bao. Bấy giờ Giang Đông là nơi không có khả năng bị tranh giành nhất thiên hạ, cũng chưa từng nghe có ai đánh trận trên sông...
Tào Tháo nghe đến đây, ngẩng phắt đầu lên. Ông cho rằng lão tiên sinh này toàn nói những đạo lý sâu xa, huyễn hoặc, đến khi ông ta dần dần quay về chủ đề chính, luận chuyện Giang Đông, ông mới cảm thấy lời ông ta nói có thể liên quan mật thiết tới thất bại của mình.
Trương Phạm nhận ra ánh mắt Tào Tháo nhìn mình đã thay đổi, bèn vui vẻ mỉm cười, lại nói:
— Đến khi Vương Mãng soán ngôi nhà Hán, Trung Nguyên hỗn loạn, không ít bách tính kéo về Giang Đông lánh nạn, mới bắt đầu mở rộng việc khai hoang. Tới thời Hiếu Cảnh Đế, Thái thú Lư Giang là Vương Cảnh sửa lại đập Thược Bi, dẫn nước tưới cho trăm vạn mẫu ruộng. Thời Hiếu Thuận hoàng dế, Thái thú Cối Kê là Mã Trăn cho đào hồ Lợi Kính, lại khai khẩn được hơn chín mươi vạn mẫu ruộng nữa. Từ đó chia ra Ngô quận từ địa hạt của quận Cối Kê, đất Giang Đông mới dần dần hưng thịnh. Xét kỹ, chuyện này mới chỉ xảy ra mấy chục năm gần đây.
Cấu ấy nói trúng khúc mắc đã lâu không cởi bỏ được trong lòng Tào Tháo:
— Đúng như tiên sinh nói, trước giờ ta vẫn không hiểu, Giang Đông không trù phú, hùng mạnh, sao Tôn Quyền dám chống lại hơn mười vạn đại quân của ta đang áp sát Giang Biểu.
— Điều lão hủ muốn nói với Thừa tướng chính là đây. - Trương Phạm thở dài, - Mấy năm trước xuôi nam lánh nạn, tôi từng qua Giang Đông, tận mắt thấy được đạo cai trị của Tôn thị. Tuy rằng Tôn Sách dựng nghiệp nhờ vào binh nhung, nhưng sau khi có được Giang Đông ông ta biết trọng đãi kẻ sĩ, chăm lo chính sự, di dời dần Giang Hoài về đây, lại đoạt đất của người Sơn Việt để khai hoang. Kể từ khi nối nghiệp huynh trưởng, Tôn Quyền lại càng biết học theo Trung Nguyên thực thi chính sách đồn điền, tích trữ kho phủ để chuẩn bị chinh chiến. Bọn Trương Chiêu, Trương Hoành là người có uy vọng ở Giang Đông, nhân sĩ thanh cao không ai không đi theo; còn đám Trình Phổ, Hoàng Cái là người dám moi gan xé mật, một lòng trung thành; Chu Công Cẩn có thể xem là hào kiệt trong số những người văn võ song toàn. Họ trên thì có một chủ nhân anh hùng sáng suốt, dưới lại có những bề tôi trung thành dũng cảm, ruộng nương ngày một nhiều, của cải ngày một đầy. Giang Đông hôm nay sớm đã không còn là vùng đất hoang năm xưa!
Nếu như trước đó có người nói lời này, Tào Tháo chắc chắn sẽ mắng hắn thậm tệ, nhưng giờ ông buộc phải chấp nhận. Ông đã đánh giá quá thấp thế lực của Giang Đông, trong ấn tượng của ông Giang Đông vẫn là nơi đất đai bạc màu, ẩm thấp nóng nực chứ không hề biết rằng người ta đã dốc sức xây dựng nó thành một diện mạo khác hẳn trước kia. Giang Đông có được thực lực như thế, đương nhiên phải quyết tâm tranh đấu. Tào Tháo hiểu ra phần nào, nhưng ông không muốn chấp nhận kết cục thất bại, điềm nhiên nói:
— Dù cho Giang Đông lớn mạnh, lão phu nắm giữ hầu hết các châu quận ở phương bắc, chúng tướng Quan Tây nghe uy danh mà quy thuận, quận Liêu Đông và người Tiên Ti nườm nượp triều kiến, Lưu Chương ở Tây Thục cũng phải sai sứ tiến cống, lấy cả thiên hạ rộng lớn đối chọi với Giang Đông không lẽ lại không thắng được ư?
Trương Phạm không phản bác, ngược lại nói:
— Thừa tướng từ khi đánh hạ Hà Bắc đến nay năm nào cũng chinh chiến. Ba năm trước ngài bình định Thanh Châu, hai năm trước viễn chinh tái ngoại, vừa hồi quân đã lao vào luyện tập thủy chiến, năm ngoái đoạt được Kinh, Tương liền mưu tính Giang Đông, tướng sĩ ba quân khó tránh khỏi mệt mỏi, cho nên mới dẫn tới bệnh ác. Cổ nhân có câu “nỏ mạnh hết đà không thể xuyên thủng mảnh lụa”, người trị lý đất nước cũng nên cho dân, quân được nghỉ ngơi mới gọi là “thiện vi quốc giả, ngự dân như phụ mẫu chi ái tử.”(*)
Tào Tháo cũng hiểu những đạo lý này, nhưng nghe không lọt chút nào, hiện giờ trong đầu ông chứa đầy sự kích động và thù hận. Đến nước này, ông gây chiến không chỉ vì chuyện thống nhất thiên hạ, mà quan trọng hơn là muốn vãn hồi danh tiếng và uy vọng của mình: Tào Mạnh Đức luôn đúng, luôn bất bại, sao có thể thua chứ? Sao có kẻ dám không phục? Ông đột nhiên đứng bật dậy, vừa day cái đầu âm ỉ đau, vừa đi tới đi lui.
Trương Phạm biết Tào Tháo nôn nóng, nhưng vẫn tiếp tục khuyên can:
— Lão hủ khẩn cầu Thừa tướng lấy thiên hạ làm trọng, nghỉ ngơi dưỡng sức, tạo phúc cho quan lại cùng dân chúng, việc quân nhung không thể nóng lòng cầu thành được.
Có thể miêu tả tâm trạng của Tào Tháo bằng một chữ “gấp”, làm sao ông chịu nghe lời này? Ông chỉ nói:
— Tiên sinh chỉ giáo rất phải, có điều thiên hạ chưa yên, lúc này nghỉ ngơi thì tới ngày nào thiên hạ mới thống nhất? Ta phải triệu tập binh mã khởi binh lần nữa. Trận Xích Bích còn có bại quân, nếu tập hợp tàn quân đồng thời chiêu mộ tân binh, thì vẫn có thể gom được mấy vạn người, ta không tin không đánh đổ được Giang Đông nhỏ bé! Tôn Quyền chẳng phải đang ở Hợp Phì sao, lão phu phải dẫn binh đến đọ sức, nếu thắng trận sẽ xuôi sông Hoài tiến đánh Giang Đông!
Trương Phạm và Tưởng Cán đưa mắt nhìn nhau, không biết làm sao. Tào Tháo rơi vào vòng luẩn quẩn lạm binh hiếu chiến, có phần bất chấp lý lẽ.
— Tử Dực! - Tào Tháo chợt quay mũi dùi vào Tưởng Cán.
— Dạ.
Tưởng Cán ngày trước cũng muốn bước vào đường sĩ đồ, phát dương giáo hóa, phò tá thánh quân, thế nhưng lại sống vào thời loạn nên nản lòng thoái chí, giờ chỉ muốn làm một người an nhàn, đóng cửa đọc sách. Kỳ thực, hắn không được xem là thuộc hạ của Tào Tháo, nhưng nghe tiếng gọi nghiêm nghị ấy hắn vẫn bất giác khom người thưa.
— Nghe nói ngươi và Chu Du trước đây từng quen biết nhau, có thật không?
Tim Tưởng Cán sắp nhảy bật ra ngoài, không rõ Tào Tháo hỏi vậy rốt cuộc có ý gì, lại không dám dối gạt, đành thật thà bẩm báo:
— Năm xưa tại hạ du học Giang Hoài từng kết bạn với Công Cẩn.
— Tốt lắm, ta muốn cử ngươi đi thăm hắn, khuyên hắn đầu hàng.
Sao cơ? Tưởng Cán ngỡ mình nghe nhầm: ông thắng đi khuyến người ta đầu hàng còn được, đằng này ông thua, dựa vào đâu mà đòi người ta quy hàng?
Tào Tháo nghiêm túc bảo:
— Ngươi lấy thân phận bạn bè đến thăm hắn, nói đạo lý cho hắn hiểu, dùng tình cảm khiến hắn cảm động, khuyên hắn chớ làm chuyện vô ích nữa. Chỉ dựa vào đất Giang Đông nhỏ bé mà chống lại Trung Nguyên, sớm muộn cũng thất bại thôi. Lão phu thấy hắn là một nhân tài, không nỡ để hắn không được thỏa nguyện công danh, hắn chỉ cần bằng lòng quy thuận phương bắc, sau này phong hầu nhất định không thiếu phần hắn. Tôn Quyền ỷ vào tài cầm quân của Chu Du, nếu Chu Du chịu hàng, Giang Đông tất sẽ dâng đất. Đến lúc đó, tên giặc tai to thế đơn lực mỏng, một trận là có thể dẹp yên!
Tưởng Cán có phần khó xử, chuyện này không cần nghĩ cũng biết, đi chỉ tổ chuốc nhục vào thân. Hắn vội vàng quỳ sụp xuống đất:
— Tại hạ vô năng, e là không thể đảm đương trọng trách này.
Tào Tháo không chút châm chước:
— Chuyện ta này thành hay bại lão phu cũng không trách tội, nhà ngươi đi đi.
— Không phải tại hạ ngại khó, mà vì quá hiểu con người Công Cẩn, hắn nhất định không chịu quỳ gối trước kẻ địch. Thỉnh cầu Thừa tướng thu hồi mệnh lệnh!
— Ngươi không chịu phụng lệnh? - Đôi mắt của Tào Tháo hằn lên những tia đỏ.
Tưởng Cán khiếp sợ, biết rõ mình còn không tuân lệnh họa sẽ giáng xuống đầu, vội thưa:
— Tại hạ đi! Nhưng...
— Đi thì tốt! - Tào Tháo phất tay áo, không thèm nghe hắn nói tiếp, - Ta đoán Chu Du là kẻ thức thời, tự biết cân nhắc nặng nhẹ. Thiên hạ thống nhất, chiến loạn tự tan, cũng là vì bách tính muôn dân. Thế nhưng, lão phu cũng không thể khinh suất, giờ ta đi tuần quân doanh, kể từ ngày mai điều tập binh mã tiếp tục luyện binh, nhất định phải liều mạng với Giang Đông tới cùng!
Dứt lời bỏ lại hai vị khách, ngẩng đầu sải bước ra khỏi đại sảnh. Tưởng Cán nhận nhiệm vụ tội vạ này, thở dài thườn thượt, ngồi bệt xuống đất, mãi không lấy lại tinh thần. Trương Phạm lấy ống tay áo che miệng cười khà khà.
— Lão tiền bối, ngài còn cười được sao?
Trương Phạm vịn vào cây trượng, từ từ đứng lên:
— Thánh nhân nói “Lục thập nhĩ thuận”. Ta đã ngần này tuổi, còn chuyện gì mà không nhìn thấu? Xưa nay thành bại, lợi hại chẳng qua là nhất thời, há phải quá để tâm?
Dứt lời liền đưa tay kéo Tưởng Cán. Tưởng Cán mượn lực đứng lên lắc đầu, than rằng:
— Trước kia vãn sinh từng ở Hứa Đô, lúc ấy Tào Mạnh Đức cũng miễn cưỡng được coi là chính trực hiển minh, sao giờ mới thua một trận đã thành vậy rồi?
Trương Phạm chống gậy chậm rãi bước xuống thềm:
— Từ trận Quan Độ đến nay, ngài ấy đều thuận buồm xuôi gió, không gặp thất bại nào nên không còn kiên nhẫn như đi trên băng mỏng hồi mới gây dựng Hứa Đô. Theo ta thì sống nghịch ta thì chết, theo đuổi thiên mệnh, vì lợi mà đánh mất lý trí, coi thường anh hùng trong thiên hạ. Không chịu nghe lời hay, không thích nghe lời hữu ích, thế nên cả triều đình to lớn chỉ có mình ngài ấy gánh vác, đương nhiên phải nếm trải quả đắng.
— Việc này, vãn sinh nên làm thế nào?
Tưởng Cán đuổi theo níu tay lão nhân gia. Trương Phạm cười khà khà bảo:
— Chỉ cần đi thôi, chuyện không thành cũng không phải là do không có tài cán, coi như đi gặp mặt bạn cũ cũng tốt.
Tưởng Cán không thấy thoải mái hơn:
— Xem thái độ của ngài ấy hôm nay, vạn nhất Chu Du không hàng, ngài ấy trút giận lên vãn sinh thì sao?
— Không đâu. - Trương Phạm lắc đầu, - Tào Mạnh Đức không phải kẻ tầm thường, ngài ấy chẳng qua đang đi vào ngõ cụt, nhất thời chưa tìm được đường ra, sớm muộn gì ngài ấy cũng sẽ tỉnh ngộ. Nếu thực là kẻ lạm binh hiếu chiến, ngài ấy sẽ không đi được tới bước sát nhập các châu như hiện nay.
— Ý ngài là... tuy ngài ấy nhất thời thất bại, nhưng sẽ có ngày thống nhất được thiên hạ?
— Việc đó lão hủ không dám nói chắc. - Trương Phạm thu lại nụ cười, ngẩng đầu nhìn trời xanh, - Người trần chỉ biết tận lực hành sự, đâu biết được thiên mệnh. Với tài của mình, Tào Tháo có thể sánh ngang danh tướng thời xưa, thế nhưng cổ nhân nào biết chuyện người đời nay? Làm sao đoán được chuyện Giang Đông trỗi dậy? Khi Tần Thủy Hoàng, Thế Tổ nhất thống thiên hạ chưa từng coi Giang Nam là mối lo. Tào Tháo khinh mạn dẫn đến bại trận, nhưng cũng có chỗ đáng để thông cảm, bởi ngài ấy dù sao cũng là người đầu tiên bị cản lại ở Trường Giang. Ôi chao! Trường Giang mênh mông vây khốn hào kiệt, tự cổ có triều đại nào không bị diệt vong, thử hỏi ngàn năm sau còn có bao nhiêu anh hùng nhìn Trường Giang mà dằn lòng than thở?
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8