Số lần đọc/download: 3210 / 268
Cập nhật: 2017-08-31 09:26:33 +0700
Chương 4: Những Hình Thức Tôn Giáo Có Trong Tất Cả Các Niềm Tin Của Đám Đông
N
hư chúng ta đã thấy, đám đông không hề suy nghĩ, họ tiếp nhận hoặc vứt bỏ các ý tưởng một cách nhanh chóng, không dung thứ tranh luận và mâu thuẫn. Đám đông bị tê liệt lý trí bởi những tác động vào nó và sau đó chúng làm cho nó chỉ muốn nhanh chóng chuyển qua hành động. Chúng tôi cũng đã chỉ ra rằng, đám đông dưới những tác động thích hợp sẵn sàng hy sinh cho một ý tưởng mà người ta đã làm cho nó tin vào. Chúng tôi cuối cùng cũng đã xác định rằng, đám đông chỉ biết đến những tình cảm quá khích và mãnh liệt. Ở họ sự yêu mến nhanh chóng trở thành sự tôn sùng, sự ác cảm vừa mới này sinh đã lập tức biến thành sự căm thù. Những đặc điểm chung này làm cho ta mường tượng ra được hình thức của các niềm tin của họ.
Việc nghiên cứu sâu các niềm tin của đám đông, không những trong thời đại các tôn giáo mà cả trong thời đại của các cuộc nổi dậy chính trị lớn ví dụ như đã xảy ra trong thế kỷ vừa qua, cho thấy, các niềm tin đó luôn có những hình thức đặc biệt, không có gì có thể đúng hơn khi gọi chúng là những niềm tin mang tình cảm tôn giáo.
Những tình cảm này có những đặc trưng rất đơn giản: tôn sùng một đấng được cho là cao cả, khiếp sợ trước quyền lực bên trên, tuân thủ một cách mù quáng mệnh lệnh của quyền lực đó, không có khả năng đánh giá những giáo lý của nó, cố gắng truyền bá sâu rộng những giáo lý đó, có xu hướng coi tất cả những ai không chấp nhận giáo lý đó là kẻ thù. Những tình cảm như vậy có thể là dành cho một ông thánh vô hình nào đó, cho một hình tượng bằng đá, cho một anh hùng hoặc cho một ý tưởng chính trị - chừng nào nó thể hiện những đặc trưng như trên, thì nó luôn là những tình cảm kiểu tôn giáo. Cái siêu nhiên và cái phi thường là những cái luôn nhận thấy ở mọi nơi trong đó. Đám đông lúc này đội lốt một tín ngưỡng hoặc một lãnh tụ bách chiến bách thắng, làm cho họ say mê, với cùng một quyền lực huyền bí.
Không chỉ ai cầu nguyện trước Chúa mới là người sùng đạo, người sùng cũng là người mà ngay cả khi, bằng tất cả sức lực của trí tuệ, tất cả sức mạnh của ý chí, tất cả sự nóng bỏng của niềm tin chỉ để phục vụ cho một quyền lực hoặc một con người, với mục đích để cho nó trở thành kẻ dẫn lối mọi suy nghĩ và hành động của mình.
Tình cảm kiểu tôn giáo thường gắn liền với tính không khoan dung và sự cuồng tín. Nó không thể thiếu đựợc ở tất cả những ai tưởng như mình đã nắm giữ được bí mật của hạnh phúc dưới trần gian và trên thiên đường. Hai tính chất đó tìm thấy ở trong tất cả các nhóm người họp lại với nhau khi họ tán dương một niềm tin nào đó. Người Jacobin trong những ngày kinh hoàng cũng là những người rất sùng đạo như những người công giáo ở tòa dị giáo, và sự điên loạn tàn bạo của họ cũng có cùng một nguồn gốc.
Những đức tin của đàm đông mang tính chất của một sự tuân thủ mù quáng, một sự không khoan dung tàn bạo và một nhu cầu truyền bá gắn liền với thứ tình cảm kiểu tôn giáo, như vậy ta có thể nói rằng, tất cả những đức tin của họ có hình thức tôn giáo. Người anh hùng mà đám đông hân hoan chào đón trong thực tế là đức chúa trời của họ. Napoleon là một người như vậy trong suốt 15 năm liền, chẳng có thánh thần nào lại có được một sự sùng bái nhiệt thành như vậy; và cũng chẳng có ai dễ dàng đưa họ vào chỗ chết đến như thế. Những anh hùng thần thánh và những thánh thần thiên chúa giáo không bao giờ thực hiện sự thống trị toàn diện lên các tâm hồn. (chừa lại cái chết cho họ tự quyết định!)
Tất cả những người lập nên các giáo lý và học thuyết chính trị, họ làm như vậy chỉ với lý do rằng, họ đã hiểu cách truyền vào đám đông cái tình cảm tôn giáo cuồng nhiệt, nó làm cho con người cảm thấy hạnh phúc trong sự sùng bái, và thúc dục con người hiến dâng cuộc sống cho thần tượng của mình. Nó là như vậy ở tất cả các thời đại. Trong quyển sách xinh xắn cuả mình về xứ Gallien thuộc đế chế La mã, Fustel de Coulanges đã đặc biệt chỉ ra rằng, đế chế La mã tồn tại được hoàn toàn không phải do sức mạnh bản thân mà là do sự ngưỡng mộ theo kiểu tôn giáo được ngấm vào trong nó. "Trong lịch sử hình như không có trường hợp nào", ông ta đã có lý, "một chính quyền bị nhân dân căm ghét, lại tồn tại được đến những năm thế kỷ... Không thể nào hiểu nổi, chỉ có 30 quân đoàn lại có thể bắt hàng trăm triệu con người thuần phục." Họ khuất phục chỉ bởi vì, Hoàng đế là tượng trưng cho La mã, được tất cả tôn thờ như thánh. Ngay ở một chốn thâm sơn cùng cốc cũng thấy có bàn thờ vua. "Bất cứ lúc nào người ta cũng nhìn thấy từ đầu nọ đến đầu kia của đế chế, trong tất cả các tâm hồn, một tôn giáo đang hình thành, mà đức chúa của nó chính là nhà vua. Một vài năm trước công nguyên toàn xứ Galien, bao gồm sáu mươi thành phố, đã chung nhau dựng lên cho Augustus một ngôi đền ở Lion... Những cha đạo của đền được chọn từ khắp các thành phố của Galien, là những bậc đáng kính đầu tiên của đất nước... Người ta không thể cho rằng tất cả những cái đó là do sự kính sợ hoặc thần phục một cách nô lệ mà thành. Cả một dân tộc không thể đều là nô lệ, mà nô lệ những ba trăm năm. Không chỉ các triều thần thán phục đức Vua, mà là Rom; và không chỉ Rom, cả Galien, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Á châu."
Những cái đó không chỉ là những quan niệm mê tín dị đoan của một thời đại khác, là những cái đã xua đuổi lý trí một cách triệt để. Trong cuộc chiến vĩnh cửu với lý trí chưa bao giờ tình cảm bị chiến bại. Cho dù đám đông không còn muốn nghe những lời của thánh thần và tôn giáo nữa, là những thứ đã thống trị họ trong một thời gian dài, nhưng chưa bao giờ người ta lại thấy họ dựng lên nhiều tượng đài và nơi thờ cúng như trong suốt thế kỷ qua. Phong trào nông dân, nổi tiếng với tên gọi Boulangismus, đã chững minh cho thấy, bản năng tôn giáo của đám đông dễ có khả năng đổi mới như thế nào. Ngày đó không có một quán làng nào là không thấy có treo ảnh của người anh hùng. Người ta gán cho ông ta một sức mạnh có thể xóa tan mọi sự bất công, mọi thứ tội lỗi, và hàng ngàn con người đã hiến dâng cho ông ta mạng sống của họ. Vị trí nào sẽ dành cho ông ta trong lịch sử, nếu như tính cách của ông ta cũng theo kịp những huyền thoại về ông ta!
Tôn giáo không có thánh thần: Chủ nghĩa vô thần
Cũng là một điều nhỏ và hơi thừa khi nhắc lại, đám đông cần có một tôn giáo. Bởi tất cả các học thuyết chính trị, tôn giáo, xã hội tìm thấy được ở đám đông sự tiếp thụ chỉ với điều kiện, rằng chúng phải mang một hình thức tôn giáo, trong đó không tồn tại bất kỳ một sự tranh luận nào. Nếu một khi có thể vận động được đám đông tiếp nhận chủ nghĩa vô thần, thì sau đó chủ nghĩa này sẽ hoàn toàn trở thành sự sục sôi không khoan nhượng của một tình cảm mang tính tôn giáo, và chẳng bao lâu sẽ trở thành sự sùng bái thể hiện ở những hình thức bên ngoài của nó. Một thí dụ kỳ quặc về điều này cho chúng ta, đó là sự phát triển của một nhóm nhỏ theo chủ nghĩa thực chứng. Nó giống như bất kỳ một người nào theo chủ nghĩa hư vô, mà câu chuyện của nó chúng ta đã được Dostojewskij, một con người cực kỳ sâu sắc kể lại, đã đập tan những hình tượng thánh thần và thiêng liêng trên bàn thờ nơi thờ phụng, dập tắt những ngọn nến và không một chút lưỡng lự thay thế những thứ đã bị đập nát đó bởi những tác phẩm của một triết gia vô thần; sau đó nó thắp lại những ngọn nến đã tắt một cách hoàn toàn thành kính. Đối tượng của niềm tin tôn giáo trước đó của nó đã hoàn toàn trở thành một đối tượng khác, thế nhưng liệu ta có thể quả quyết rằng, tình cảm tôn giáo của nó cũng đã thay đổi?
Tôi nhắc lại một lần nữa: những sự kiện lịch sử nào đó, và cụ thể là những sự kiện quan trọng nhất, ta chỉ có thể hiểu được nó, nến như ta chú ý đền hình thức mà các niềm tin của đám đông tiếp nhận. Nhiều hiện tượng xã hội cần phải để cho các nhà tâm lý học nghiên cứu hơn là để cho các nhà khoa học tự nhiên. Nhà sử học Taine của chúng ta đã nghiên cứu về cách mạng như là một nhà khoa học tự nhiên làm và đã nhiều lần không phát hiện ra được diễn biến thực sự của các sự kiện. Ông ta quan đã sát sự việc một cách tuyệt vời, nhưng bởi vì không biết đầy đủ về tâm lý học đám đông, cho nên, là một tác giả lừng danh ông ta cũng không thể nào giải thích nổi các nguyên nhân của chúng. Bởi vì các sự kiện đẫm máu, tàn bạo và hỗn loạn đã làm ông ta sửng sốt, bởi vậy, dường như đối với ông ta những anh hùng trong các thiên sử ca lớn chỉ là một bầy người hoang dã động kinh, bán mình một cách không kiểm chế cho bản năng. Những hành động bạo lực của cách mạng, những sự chém giết, các nhu cầu khuếch trương, sự tuyên chiến với tất cả các vua chúa của nó chỉ có thể giải thích được, nếu người ta hiểu ra, rằng tất cả chỉ để phục vụ cho sự củng cố một niềm tin tôn giáo mới. Phong trào cải cánh tôn giáo, đêm thảm sát ở đền Bartholomeus, các cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo, tòa dị giáo, sự kiện của những ngày khủng khiếp... tất cả đều là những hiện tượng cùng loại dưới tác động của tình cảm tôn giáo, nó cần thiết để hủy diệt tất cả, bằng lửa và bằng gươm đao, những gì cản trở sự truyền bá một niềm tin mới. Cách thức của tòa dị giáo là cách thức của những con người có niềm tin chân thật nhất; họ chẳng phải là những tín đồ nếu như họ đã làm khác đi.
Những cuộc cách mạng, giống như tôi đã kể, chỉ có thể xảy ra, nếu tâm hồn đám đông truyền cho chúng sức sống. Những kẻ bạo quyền độc đoán nhất cũng không thể tạo ra chúng. Những nhà sử học, những người đã chỉ cho chúng ta thấy cái đêm thảm sát ở đền Bartholomeus là tác phẩm của một ông vua, họ đều đã có quá ít hiểu biết về tâm lý học đám đông cũng như về tâm lý của các vị vua. Những sự biểu lộ kiểu như vậy chỉ có thể bắt nguồn từ tâm hồn đám đông. Quyền lực vô biên của một kẻ thống trị tùy tiện nhất cũng chỉ đủ để thúc đẩy hoặc ngăn cản chút ít cái thời điểm xảy ra. Không, không phải các ông vua đã gây ra vụ tàn sát ở đền Bartholomeus, gây ra những cuộc chiến tranh tôn giáo, và không phải Robespierre, Danton hoặc Saint-Just là những nguyên tác của sự kiện "những ngày khủng khiếp". Đằng sau những sự kiện như vậy người ta lại luôn tìm thấy cái tâm hồn đám đông.