Số lần đọc/download: 1175 / 27
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:03 +0700
Ái Ân Ta Có Bấy Nhiêu Ngần
N
hững năm 1940 tôi mới trên dưới mười tuổi, Bản Kiều thứ nhất tôi được đọc trong đời là bản Kiều của chị tôi – bản Kiều bìa đỏ, bán ở những tiệm hàng xén ngoài chợ. Kỷ niệm xưa nhất của tôi về Kiều là tôi thắc mắc về nhân vật Sở Khanh.
Tôi thường nghe loáng thoáng người lớn nói chuyện với nhau:
- Thằng ấy là thằng sở khanh…
Hoặc nói đến ai đó bằng giọng khinh bạc:
- Đồ sở khanh…
Tuy chưa biết nhân vật Sở Khanh làm những hành động gì để bị người đời khinh bỉ đến như thế, tôi cũng biết Sở KHanh là người xấu, đáng khinh. Vì vậy tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao trong Kiều lại có tên tự nhận nó là Sở Khanh? Tôi tự bảo: “Nếu nó xưng tên nó là Sở Khanh thì người ta biết nó là thằng đểu giả rồi. Nó còn lừa ai được nữa?”
Năm 1947 tôi đi kháng chiến ở vùng Bắc Ninh – Bắc Giang. Vùng này có cái tên gọi khá hay là Bắc Bắc. Nói là đi kháng chiến cho oai, thực ra tôi đi làm liên lạc viên, quanh năm đi chân đất mang thư đi giao cho cơ quan tôi – ban VB: Ban tình báo đặc biệt Gia Lâm. Có lần tôi sống với một anh trong cơ quan rất thích đọc Kiều. Anh có quyển Kiều mang theo trong ba-lô. Thấy tôi mượn đọc một chiều, anh hỏi tôi:
- Chú thích nhân vật nào trong Kiều nhất?
Tôi trả lời ngay boong:
- Em thích Thúc Sinh.
Anh ngạc nhiên:
- Thúc Sinh là thằng con nhà buôn, ăn chơi, hèn nhát. Nó có cái gì mà chú thích nó?
Tôi không trả lời được.
Năm mươi năm sau…
Năm nay mái tóc không xanh nữa
Tôi đã đau thương đã nợ nần…
Năm nay tôi biết tại sao năm mươi năm xưa tôi thích Thúc Sinh. Nhưng tôi không phân tích, không giải thích tại sao. Tôi dành việc đó để các bạn làm, nếu các bạn muốn.
Em có nhớ chăng, em có tiếc…
Tôi thấy cuộc tình Thúc Kỳ Tâm – Vương Thúy Kiều là cuộc tình đẹp nhất trong ba cuộc tình của Thúy Kiều. Tương đối thôi, nhưng là tương đối đẹp nhất.
Cuộc tình Thúy Kiều – Kim Trọng bị sứt mẻ, tiếc hận, cay cú, sai lầm nhiều hơn là ái ân. Hai nữa cuộc tình thứ nhất này của Thúy Kiều là cuộc tình ngây thơ, lãng mạng của tuổi dậy thì. Đây là thứ tình mà những năm 1960, 1970 ở Sề goòng chúng ta gọi là “tình nữ sinh, tình học trò”. Thứ tình này thường nhiều mộng mơ, thư tình mực tím, hoa cúc sân trường, cao tay lắm là hẹn hò nhau ngọn đèn cư xá, ly chanh đường, nắm tay, hôn má nhau trong bóng tối rạp xi-nê đồng hạng đồng lõa…
Cuộc tình Thúy Kiều – Từ Hải là tình oan nghiệt, tình oan khiên, tình hận, tình giết nhau, tình làm nhau chết đứng.
Công tử Hà Đông đặc biệt không ưa thứ tình yêu khốc hại này.
Chỉ còn và vưỡn còn tình Vương Thúy Kiều – Thúc Kỳ Tâm. Vưỡn biết đoạn cuối cuộc tình chẳng ra cái thống chế gì cả. Em yêu ơi… anh đã không đi mí em đến những nơi cuối bãi, đầu ghềnh, sơn cùng, thủy tận như em muốn… Nhưng mà em cũng thấy anh có yêu em chứ? Anh cũng yêu em…
Công tử Hà Đông xúc động vì tình yêu của Công tử Vô Tích. Chàng bèn tưởng tượng chàng là Công tử Vô Tích và chàng mần thơ thay bạn, nói với người yêu ngà ngọc – những nàng Kiều Thơm Hơn Múi Mít trên cõi đời này.
Ái ân ta có bấy nhiêu ngần…
Mày ai trrăng ấy mới in ngần
Phấn thừa, hương cũ xót trăm phần
Nhìn trăng nhớ nét mày em đẹp
Thơ Kiều tuyệt diệu những câu thần…
Lầu xanh lãng tử mê hồ điệp
Phật các ni cô đắm ái ân.
Trên lầu Ngưng Bích trao hồng thiếp
Dưới gác Quan Âm khóa ái ân.
Từng gian díu lắm, từng quen nết
Đàn khi gió gác, rượu trăng sân.
Bốc rời tiền ấy tiêu không mệt
Đêm đông, ngày hạ cũng là xuân.
Chàm xanh một nhúng tay xanh hết
Búa rìu ta có tiếc gì thân.
Phong lôi dù nổi, tình không tuyệt
Ba cây chập lại một cành xuân.
Mộc già một bức tay tiên viết
Sắc tài vàng ấy đáng nghìn cân.
Lá ngô vàng thuở chen cành biếc
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi chiếc
Nửa soi gối lẻ, nửa quan san.
Ba sao sáng nửa vầng trăng khuyết
Phật đài khấn chửa cạn lời vân
Hoa tình bỗng nổi gai oan nghiệt
Biết đâu là quả, biết đâu nhân!
Những tưởng xa nhau là tạm biệt
Ai ngờ vĩnh quyết lúc đưa chân.
Tìm em chín suối sai đồng thiếp
Gặp tiên hồ dễ được hai lần.
Tầm xuân đến thác tơ chưa hết
Nhớ thương trọn kiếp chẳng nguôi dần.
Anh về Vô Tích hồn tê liệt
Sống mòn ở đấy kiếp tù nhân.
Em ơi…
Phấn thừa, hương cũ đau khôn xiết
Mày em trắng ấy vẫn in ngần.
Những tưởng chôn nhau là vĩnh quyết
Ai ngờ địa ngục thấy tình nhân.
Đèn lòa, mắt quáng, ai trên tiệc?
Tóc rối, da chì, kẻ dưới sân?
Ngán nó lòng gang mà miệng thép
Thương em ngọc diệp chịu phong trần.
Tiệc rượu gia hình đau nó kẹp
Cung cầm tuyệt vọng tội em đàn.
Này yêu, này mến, duyên hay nghiệp?
Nào nhớ, nào thương, khóc với than!
Tâm hương thiêu mãi oan không hết
Quan Âm nào cứu được tình nhân.
Đoạn trường càng khóc càng oan nghiệt
Cát lầm ngọc trắng thiệt đời xuân.
Vàng phai, đá nát đành ly biệt
Núi mòn, sông cạn vẫn tình quân.
Em trốn đi em, trời đất khép
Dâu biển tình ta cũng hợp tan.
Liệu mà xa chạy, cao bay tuyệt
Ái ân ta có bấy nhiêu ngần…
Những tưởng xa nhau là vĩnh quyết
Ai ngờ gươm giáo thấy dung nhan.
Oan gia quen gặp nhau đường hẹp
Ai biết ai quì ở dưới sân?
Mười năm sương gió em càng đẹp
Nửa kiếp chua ngoa nó chẳng đần.
Sâm Thương chẳng vẹn, ta cùng tiếc
Tại ai há dám phụ tình quân.
Thương chồng, tha vợ cho tròn kiếp
Thêm trăm cuốn gấm, bạc nghìn cân.
Ít nhiều cũng một phen oanh liệt
Oan thì trả oán, ái đền ân…
Nửa vui, nửa tiếc, mừng chen khiếp
Lửa ái ân xưa vẫn chửa tàn.
Hồn anh trọn kiếp mê hồ điệp
Thịt xương rung mãi ngón em đàn.
Em có nhớ chăng, em có tiếc
Những mùa yêu cũ đã tiêu tan?
Ôi những chiều vàng, đêm ngọc biết
Còn nhớ ngày em tắm dưới màn.
Em ơi…
Phấn thừa, hương cũ đau khôn xiết
Mày em trắng mới vẫn in ngần!
Em yêu anh nhất, thơ còn viết
Sợ vợ hay không, mặc chúng bàn.
Quên em? Nào có bao giờ?
Em ơi…
Em có nghe những tiếng gọi xé trời?
Không những anh chỉ gọi em vì anh nhớ thương em, anh tiếc em… anh còn gọi em thay cho tất cả những Thúc Kỳ Tâm trên cõi đời này…
Cuộc tình Thúc Kỳ Tâm – Vương Thúy Kiều có nhiều hợp tan nhất…
Những ba lần hợp, ba lần tan.
Lần thứ nhất gặp nhau ở lầu Ngưng Bích, tan khi Thúc Kỳ Tâm về Vô Tích thăm Hoạn Thư.
Lần thứ hai gặp nhau trong bữa tiệc gia hình – nhìn nhau mà đứt ruột, yêu mà lệ rớt, thương mà máu rây. Những oái oăm tàn ác, dã man, vô nhân đạo của cái gọi là Cuộc Đời: Những người yêu thương nhau không được sống chung mí nhau, những người thù ghét nhau cứ phải sống chung mí nhau – Lần thứ hai tan hàng ở Quan Âm Các.
Lần hợp thứ ba trong pháp đình tòa án quân sự cách mạng. Chánh án Phu nhân xét xử bất chấp mọi thứ pháp luật trên cõi đời này. Đây cũng là lần tan thứ ba và lần này là lần hợp tan cuối cùng.
Lần tan thứ nhất Thúc Kỳ Tâm yên chí sẽ trở lại mí em như hổng có chuyện gì xảy ra cả. Thúc Kỳ Tâm tin chuyện này chắc hơn bắp rang, chắc hơn cua gạch. Nhưng cái gì càng tin chắc lắm thì càng dễ lép…
Thúc Ông ngu đần thấy cái xác cháy đen trong đống tro tàn, yên chí ngay đó là con dâu yêu quí, hí hửng đem về tẩm liệm, làm ma, đem chôn, khóc than ra rít. Khi về đến tổ ấm thấy “linh sàng, bài vị thấy nàng ở trên”, Công tử Vô Tích lăn đùng ngã ngửa cũng phải thôi. Thằng đàn ông nào ở vào cảnh ngộ này lại không lăn đùng, ngã ngửa. Công tử bèn khấn vái nàng và lần chia tay kẻ ở trần thế, người xuống suối vàng này là lần Công tử cũng chắc hơn bắp rang là sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy mặt nàng…
Khi nàng đã chết cháy, khi nàng đã được người ta đào sâu, chôn chặt thì… còn mong gặp lại nàng ở kiếp này là điên. Thúc Kỳ Tâm yên chí kiếp sau sẽ gặp lại Thúy Kiều, nhưng chỉ khoảng một niên sau – khi nỗi đau mất Thúy Kiều đã phai nhạt, Công tử Vô Tích trở về với vợ lớn con quan. Làm sao cậu có thể ngờ cô vợ ác ôn của cậu đã bắt Thúy Kiều về làm người ở?
Đây là lần tan hợp Kỳ Tâm – Thúy Kiều thứ hai. Chia tay nhau ở Quan Âm Các, một lần nữa Thúc Kỳ Tâm chẳng mơ màng gì đến chuyện gặp lại Thúy Kiều lần thứ ba.
Nhưng hai lần chưa hết. Định mệnh còn an bài cho cặp tình nhân đau khổ này tan hợp lần nữa. Lần thứ ba, nàng trở thành lệnh bà. Chàng rúm ró, xanh xám quì mọp cạnh cô vợ ghen tuông nay trở thành chính danh thủ phạm dưới sân tòa án Quân sự Mặt trận…
Cho họ hợp tan lần thứ ba để làm chi vậy? Chẳng để làm gì sốt. Định mệnh thường hết sức ác ôn côn đồ với những người yêu nhua. Định mệnh thường tỏ ra hết sức dễ dãi trong việc dàn xếp cho những người thù ghét nhau sống chung mí nhau nhưng định mệnh lại hết sức khắt khe, ác độc trong việc ngăn cản không cho những người yêu nhau được sống chung vợ chồng. Đã không cho sống với nhau thì chớ, định mệnh còn ác độc dàng trời khi lâu lâu lại dàn xếp cho người ta gặp nhau, nhìn thấy mặt nhau, đôi khi còn cho người ta ngửi cả thấy mùi da, mùi tóc của nhau.
Trong ngục Chí Hòa thành Hồ Xã hội Chủ Nghĩa, những đêm tù tôi tưởng tượng, tôi hóa thân làm Thúc Kỳ Tâm. Trước tòa khi nàng hỏi:
- Em… em người tình cũ của anh ở Lâm Tri đây, anh còn nhớ em không?
Khi nàng nói:
- Vì tình xưa, nghĩa cũ của đôi ta… chẳng gì đôi ta cũng đã yêu thương nhau một thời… chúng ta không sống được mí nhau đến ngày tóc nhuộm, răng giả không phải là lỗi tại em…
Tôi sẽ run, sẽ quị đầu gối – Công tử Hà Đông là bạn đồng môn học cùng thầy, cùng trường, cùng ngồi một bàn với Công tử Vô Tích – tôi sợ thấy mồ nhưng tôi vưỡn thấy nàng sao quá đẹp, quá quyền rũ. Những người đàn bà đa tình, lẳng lơ cũng chẳng có mòn thường trẻ lâu, đẹp lâu, tình lâu, quyền rũ lâu hơn những người đàn bà sơn son để thờ. Không dám hở môi ra đâu nhưng trong tim tôi, tôi thầm hỏi, thầm nói với nàng:
- Làm sao anh có thể quên em được? Không những anh không quên, anh còn nhớ ra rít. Anh chết đi, sống lại không biết bao nhiêu lần từ ngày anh mất em. Anh mới là người có quyền hỏi em có nhớ những ngày ái ân của đôi ta ngày xưa không chứ? Tại sao em lại hỏi anh…
Đây là bài thơ tôi mần để trả lời nàng trước tòa án:
Thúc Kỳ Tâm
trả lời Thúy Kiều trước tòa
Nàng rằng: “Nghĩa trọng nghìn non
Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?
Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân?”
Tiếc hoa anh ngậm ngùi xuân
Thân này dễ được mấy lần gặp tiên?
Từ ta tàn cuộc tình duyên
Tơ tình anh đứt ruột, lửa phìan anh cháy gan.
Mày em trăng vẫn in ngần
Phấn thừa, hương cũ bội phần xót xa.
Nhớ em trong ngọc, trắng ngà
Có bao giờ tưởng em là cố nhân.
Cố nhân nhẹ bước thanh vân
Nguyệt cầm có vẳng cung đàn Lâm Tri?
Nhớ từ Ngưng Bích nhớ đi
Từ Quan Âm Các nhớ về, em ơi.
Nhớ em kiếp kiếp, đời đời
Tấc son vật đổi, sao dời vẫn son.
Dẫu rằng sông cạn, đá mòn
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ.
Quên em? Nào có bao giờ
Sao em lại hỏi hững hờ: “Nhớ không?”