You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Asne Seierstad
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Bookseller Of Kabul
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2033 / 51
Cập nhật: 2015-11-23 23:45:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chuyến Đi Giao Dịch
uổi sáng vẫn còn lạnh giá. Vầng mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên lên ngọn núi. Trong cái quang cảnh lầm bụi, màu nâu đang ngả sang xám ấy, những sườn núi dốc đứng trơ toàn đá, những tảng đá lúc nào cũng có thể rơi xuống gây lở núi tàn phá, vãi xuống toàn sỏi và đất sét rin rít dưới móng chân ngựa. Mọc nhô lên giữa các tảng đá, những cây cúc gai cào sướt chân bọn buôn lậu, đám người lưu vong và các chiến binh chạy trốn. Một mối đan chéo các con đường mòn chạy mất hút vào sau những đống sỏi và đá.
Đấy chính là con đường buôn lậu giữa Afganistan và Pakistan. Buôn lậu đủ thứ và bất kể thứ gì, từ vũ khí, thuốc phiện, thuốc lá cho đến những hộp Coca. Những con đường mòn này đã có từ nhiều thế kỷ. Bọn taliban và bọn chiến binh A rập Al Qaida đã sử dụng những con đường này khi chúng hiểu rằng cuộc chiến đấu ở Afganistan đã thất bại và rút lui về các tỉnh theo chế độ bộ lạc của Pakistan. Đấy là những con đường mòn chúng sử dụng khi bọn chúng trở lại đánh nhau với lính Mỹ - cái bọn ngoại đạo đang chiếm đóng một phần đất thánh Hồi giáo. Trong các băng nhóm ở biên giới, cả nhà cầm quyền Afganistan lẫn nhà cầm quyền Pakistan chẳng kiểm soát được chút gì. Mỗi bộ lạc pachtoun kiểm soát một khu vực của mình ở hai phía biên giới. Cái khoảng trống quyền lực ấy, phi lý là vậy, song đã ăn sâu trong luật pháp Pakistan. ở Pakistan, nhà cầm quyền có thể thực thi quyền lực trên các con lộ tráng nhựa và trong phạm vi hai mươi mét mỗi bên đường. Vượt quá hai mươi mét ấy, trị vì luật pháp của các bộ lạc.
Buổi sáng hôm ấy, ông hàng sách Sultan Khan đi qua trước mặt đám lính biên phòng. Cách đấy không đầy một trăm mét là cảnh sát Pakistan. Khi người, ngựa và lừa đóng yên nặng trĩu còn đứng xa con lộ một khoảng cách nhất định, thì đám cảnh sát nọ chẳng làm gì được họ.
Ngược lại, nếu nhà cầm quyền không thể kiểm sát được dòng người ấy, thì nhiều người đi đường lại bị chặn lại "buộc phải đóng thuế" bởi những người có vũ trang, thường là những người dân làng bình thường. Sultan đã đề phòng. Sonya đã khâu chỗ tiền của ông vào dưới ống tay áo, tài sản của ông đựng trong một bao đường bẩn thỉu. Ông mặc bộ shalwar kamiz cũ nhất của mình.
Cũng như đối với phần đông người Afganistan, ông không được phép vượt qua biên giới Pakistan. Việc ông có một gia đình, một ngôi nhà và công việc của ông ở bên ấy, con gái ông đi học bên ấy, chẳng làm thay đổi chút nào tình hình - ông không được nghênh tiếp. Chịu sức ép của cộng đồng quốc tế, Pakistan đã đóng cửa biên giới, nhằm ngăn bọn khủng bố và du kích taliban chạy trốn vào nước này. Biện pháp vô dụng, vì bọn khủng bố và binh lính không có thói quen trình diện ở đồn biên phòng tay cầm hộ chiếu. Chúng đi cùng những con đường mòn Sultan vẫn dùng khi ông sang giao dịch bên ấy. Như vậy đấy, mỗi ngày có hàng nghìn người từ Afganistan đổ sang Pakistan.
Các con ngựa nhọc nhằn leo núi. Sultan, cao lớn và kềnh càng, cưỡi ngựa không có yên. Dẫu đã khoát bộ quần áo cũ nhất, trông ông vẫn có vẻ ăn mặc đàng hoàng, chòm râu vẫn cắt gọn như bất cứ lúc nào, chiếc mũ dấu đội ngay ngắn trên đầu. Ngay cả khi hoảng hốt kìm chặt cương ngựa, trông ông vẫn có vẻ một con người phong nhã đi dạo chơi vùng núi để ngắm cảnh. Nhưng cách ngồi lưng ngựa của ông không vững, chỉ cần một bước hụt chân là có thể ngã ngay xuống vực. Về phần nó, con ngựa lặng lẽ bước đi trên những con đường đã quen, chẳng quan tâm gì đến người đang ngồi trên lưng. Sultan quấn chặt cái túi đường quý giá vào tay. Trong túi chứa những cuốn sách ông định in lậu cho hiệu sách của ông và bản phác thảo cái văn kiện ông hy vọng sẽ là bản hợp đồng của đời ông.
Phía sau ông là những người Afganistan đang muốn đi vào cái đất nước đã đóng cửa này. Những người phụ nữ cưỡi ngựa, đi thăm họ hàng, những cậu sinh viên trở lại trường đại học Peshawar sau khi đã dự lễ aùd cùng gia đình, cũng có thể có đôi người đi làm công việc giao dịch. Sultan chẳng có gì phải lo lắng. Ông nghĩ đến bản hợp đồng của mình, chăm chú vào dây cương và nguyền rủa nhà cầm quyền Pakistan. Trước hết là một ngày đi xe hơi từ Kaboul đến biên giới, sau đó là một đêm nghỉ lại bẩn thỉu ở biên giới, rồi trọn một ngày cưỡi ngựa, đi bộ và đi xe mui trần. Đi theo đường chính, từ biên giới đến Peshawar chỉ mất một tiếng đồng hồ. Sultan cảm thấy mất phẩm giá khi phải nhập cảnh lậu vào Pakistan, bị coi là hạng người hạ đẳng. Ông cho rằng sau tất cả những gì người Pakistan đã làm cho chế độ taleb - giúp đỡ tài chính, vũ khí, ủng hộ về chính trị - họ đã tỏ ra giả dối khi đột ngột quay sang làm tay sai cho Hoa Kỳ và đóng cửa biên giới đối với người Afganistan.
Ngoài A Rập Xê-út và Các Tiểu Vương Quốc A Rập Thống nhất, Pakistan là nước duy nhất công nhận chế độ taleb. Nhà cầm quyền Pakistan mong muốn người pachtoun giữ quyền kiểm soát Afganistan bởi vì đấy là một tộc người sống ở cả hai phía biên giới và chịu ảnh hưởng thật sự của Pakistan. Bọn taliban, hầu hết là người pachtoun, là tộc người quan trọng nhất ở Afganistan và chiếm gần bốn mươi phần trăm dân số. Về phía Bắc, người tadjik đông hơn. Khoảng một trong bốn người Afganistan là người tadjik. Liên minh Phương Bắc đã chiến đấu một cách cay đắng chống lại taliban và được sự ủng hộ của người Mỹ sau ngày 11 tháng Chín, gồm trước hết là người tadjik, tộc người mà người Pakistan ngờ vực. Từ khi taliban sụp đổ, người tadjik đã có được rất nhiều quyền lực trong chính phủ, nhiều người Pakistan cho rằng như vậy là họ bị kẻ thù bao vây bốn phía, ấn Độ phía đông và Afganistan phía tây.
Tuy nhiên, đối với phần đông người Afganistan những thù hằn chủng tộc rất hiếm. Các xung đột nảy sinh chủ yếu từ những cuộc tranh dành quyền lực giữa các thống lãnh chiến tranh khác nhau lôi kéo được nhóm tộc người của mình vào cuộc chiến chống lại một nhóm tộc người khác. Người tadjik sợ người pachtoun có quá nhiều quyền lực và sẽ tàn sát họ khi xảy ra một cuộc chiến tranh mới. Người pachtoun sợ người tadjik cũng vì những lý do đó. ở vùng bắc của đất nước, quan hệ giữa người ouzbek và người hazaras cũng hệt như thế. Vả chăng, những cuộc đánh nhau giữa các thống lãnh chiến tranh trong cùng một tộc người cũng thường xảy ra.
Sultan chẳng mấy để ý đến chuyện dòng máu nào chảy trong huyết quản của mình và của người khác. Mẹ là người pachtoun, bố là người tadjik, cũng giống như nhiều người Afganistan khác, ông là một thứ hỗn hợp thật tốt. Về phương diện hành chính, ông là người tadjik, vì quan hệ tộc người truyền theo dòng bố. Ông nói các thứ tiếng của cả hai nhóm, tiếng pachtoun và tiếng dari - thổ ngữ Ba Tư do người tadjik nói. Đối với Sultan, đã đến lúc người Afganistan để cho chiến tranh lùi vào quá khứ và cùng nhau đoàn kết để xây dựng đất lại nước. Ông mong ước Afganistan có thể khắc phục được quảng đường đã để lỡ so với các nước láng giềng, nhưng hy vọng của ông xem ra rất mong manh. Sultan lấy làm thất vọng về đồng bào của mình. Trong khi ông làm việc cật lực để phát triển công cuộc kinh doanh của ông, ông buồn vì những người tiêu phí tất cả tài sản để đi sang Mecca.
Vài ngày trước hôm lên đường sang Pakistan, ông có một cuộc trò chuyện với người em họ Wahid, chủ một cửa hàng nhỏ buôn bán phụ tùng ô tô, công việc mới bắt đầu có đà đôi chút. Wahid kể với ông rằng anh ta đã dành dụm đủ tiền để đáp máy bay sang Mecca.
- Cậu tin rằng việc đó sẽ giúp cậu cầu nguyện được sao? Sultan hỏi anh ta, giọng chế riễu. Trong Kinh Coran có dạy rằng chúng ta phải làm việc, phải tự giải quyết lấy các vấn đề của mình, phải đổ mồ hôi, gian khó. Mà chúng ta, người những Afganistan, chúng ta lại lười biếng, chúng ta chỉ thích cầu xin được giúp đỡ, của phương Tây hay của Allah.
- Nhưng trong kinh Coran cũng có dạy rằng chúng ta phải vinh danh Thượng Đế, Wahid cãi lại.
- Đấng tiên tri Mahomet chắc là sẽ phải khóc nếu ngài nghe được tất cả những lời cầu xin, tất cả những tiếng kêu gào và tất cả những lời cầu nguyện nhân danh Ngài đó. Nếu ta muốn khôi phục đất nước, thì cứ dập đầu xuống đất mãi cũng chẳng được gì. Tất cả những gì chúng ta biết là khấn vái, cầu kinh và đánh nhau. Nhưng những lời cầu nguyện chẳng có giá trị gì sất nếu người ta không chịu làm việc. Chúng ta không thể chờ đợi ân huệ của Thượng Đế! Sultan đã hét lên như vậy, trong khi nói quá hăng. Chúng ta mò mẫm đi tìm một con người thần thánh trong khi cái có thể giúp chúng ta là một cái bệ thổi lò!
Ông biết rằng ông đã khiêu khích người em họ của mình, nhưng đối với Sultan lao động là điều quan trọng nhất. Đấy là điều ông cố gắng khắc sâu vào tâm trí các con ông, đấy là nguyên tắc chỉ đạo cuộc đời ông. Đấy là lý do vì sao ông đã bắt các con ông ngừng đến trường và để cho chúng làm việc trong các cửa hàng của ông, để chúng giúp ông xây dựng một đế chế.
- Nhưng đi đến Mecca là một trong năm cột trụ của đạo Hồi, người em họ ông phản đối. Muốn trở thành một người Hồi giáo tốt, phải tin Thượng Đế, cầu nguyện, nhịn ăn, bố thí và đi đến Mecca[11].
- Cũng có thể là chúng ta đi đến Mecca, Sultan kết luận. Nhưng lúc ấy chúng ta phải xứng đáng với điều đó, chúng ta phải đến đó để cám ơn, chứ không phải để cầu xin.
Lúc này, hẳn Wahid đang trên đường đi đến Mecca, với đôi găng tay trắng của người hành hương, Sultan nghĩ thầm. Ông cười khẩy và lau mồ hôi trên trán. Mặt trời đứng bóng. Cuối cùng con đường mòn đã bắt đầu đổ dốc. Trên một lối đi của súc vật trong một thung lũng nhỏ, những chiếc xe mui trần đang đứng chờ. Những chiếc taxi của Khyber Pass[12]. Đưa những vị khách không mời mà đến vào đất nước này, ông chủ của chúng thu được khá tiền.
Ngày xưa một con đường tơ lụa đã đi qua đây, con đường buôn bán giữa các nền văn minh lớn thời bấy giờ, Trung Hoa và La Mã. Tơ lụa được chuyển sang phương tây còn vàng, bạc và len thì chở sang phương đông.
Trong hơn một nghìn năm, những kẻ không được ưa thích đã đi qua KhyberPass. Người Ba Tư, người Hy Lạp, người Nguyên Mông, người Mông Cổ, người Afganistan và người Anh đã tìm cách chinh phục ấn Độ bằng cách đưa quân đội của họ đi qua đây. Vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, Darius, vua Ba Tư, chiếm phần lớn Afganistan và băng qua Khyber Pass tiếp tục tiến đến tận sông Indus. Hai trăm năm sau, các vị tướng của Alexandre Đại Đế dẫn các đoàn quân của mình qua Khyber Pass, ở chỗ hẹp nhất của nó chỉ một con lạc đà chất nặng hay hai con ngựa bước song song có thể đi qua. Gengis Khan đã tàn phá một phần con đường tơ lụa, trong khi những du khách hòa bình hơn, như Marco Polo, thì chỉ đi theo vết những đoàn người đổ về phương đông. Từ thời Darius cho đến lúc người Anh đi qua đây, các đoàn quân xâm lược luôn vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của các bộ lạc pachtoun sống ở các vùng lân cận. Từ khi người Anh rút đi vào năm 1947, các nhóm người đó lại kiểm soát lối đi này và vùng đất đến tận Peshawar. Mạnh nhất là nhóm Afridis, với những chiến binh đáng sợ.
Vũ khí vẫn là thứ ta nhìn thấy ngay sau khi vượt qua biên giới. Dọc theo con đường chính về phía đất Pakistan, đều đặn hiện những chữ Khyber Rifles, khắc trên đá hay viết trên các tấm biển bẩn thỉu giữa quang cảnh trần trụi. Khyber Rifles là tên một loại súng, mà cũng là tên của đội cảnh binh tộc người thiểu số đảm bảo an ninh vùng này. Tộc người này có những thứ quan trọng phải được bảo vệ. Ngôi làng nằm ngay phía bên kia biên giới nổi tiếng vì cái chợ buôn lậu của nó, tại đó haschich[13] và vũ khí được bán với giá rẻ. ở đây không ai hỏi giấy phép mang vũ khí, nhưng đi vào lãnh thổ Pakistan với vũ khí trên người thì có nguy cơ bị phạt tù nhiều năm.
Giữa những ngôi nhà bằng đất, nổi lên những lâu đài tráng lệ, được xây bằng tiền bất chính. Những thành trì nhỏ bằng đá và những ngôi nhà truyền thống pachtoun, chung quanh có tường đất cao vây bọc, rải rác trên sườn núi. Thỉnh thoảng nhô lên vài bức tường bê tông, được gọi là những chiếc răng rồng, do người Anh xây dựng hồi thế chiến thứ hai để phòng một cuộc tấn công của các xe tăng Đức vào ấn Độ. Nhiều vụ bắt cóc người ngoại quốc đã xảy ra trong những vùng tộc người thiểu số khó kiểm soát này và nhà cầm quyền Pakistan đã có những biện pháp nghiêm ngặt. Ngay trên con đường chính đi Peshawar, có quân đội Pakistan tuần tra, người ngoại quốc cũng không được phép lái xe mà không có hộ tống. Những người hộ tống lăm lăm súng đã lên đạn cho đến tận Peshawar. Không có giấy tờ đầy đủ, người ngoại quốc không được phép rời Peshawar đi về phía biên giới Afganistan.
Sau khi đã chạy xe hai tiếng đồng hồ trên những con đường hẹp, một bên là núi, bên kia là vực, Sultan còn phải đi ngựa tiếp vài giờ nữa trước khi đến được đồng bằng và nhìn thấy Peshawar. Ông bắt một chiếc taxi để đi về thành phố, đến đường số 103 Hayatabad.
Đêm đã xuống lúc Sharifa nghe tiếng gõ cửa. Vậy là cuối cùng ông ấy đã đến. Bà chạy xuống thang gác để đón ông. Ông mệt và người bám đầy bụi bẩn. Ông trao cho bà cái túi đường để bà mang lên cất cho ông.
- Ông đi đường có tốt không?
- Phong cảnh thật đẹp. Cảnh mặt trời lặn thì tuyệt vời.
Trong khi ông tắm rửa, bà chuẩn bị bữa ăn và bày chén đĩa lên mặt khăn trải trên tấm nệm, ngay trên nền nhà giữa những chiếc gối mềm. Sultan từ trong phòng tắm bước ra sạch sẽ, quần áo vừa là, ông nhìn chỗ bát đĩa bà đã bày, vẻ không bằng lòng.
- Tôi không thích bát đĩa bằng thủy tinh, trông chúng thật tầm thường, cứ như bà vừa mua ở một tiệm bách hóa tầng dưới.
Sharifa dọn ngay chúng đi và đi tìm bát đĩa bằng sứ.
- Tôi thích thế này hơn, thế này ăn ngon miệng hơn.
Ông kể những tin tức mới nhất ở Kaboul, bà thì kể chuyện ở Hayatabad. Họ không gặp nhau đã nhiều tháng. Họ nói chuyện con cái, họ hàng và dự tính kế hoạch những ngày tới. Mỗi lần sang Pakistan, Sultan phải đi thăm viếng những người họ hàng còn chưa trở về Afganistan. Trước hết là những người có thành viên trong gia đình đã mất kể từ lần trước, rồi đến những người bà con gần nhất, trước khi thăm những người xa nhất trong dòng họ có thể đến được, tùy theo thời gian ông có được. Sultan than phiền về việc ông phải đi thăm những người chị em, anh em rể, ông nhạc bà nhạc của các bà chị em, anh chị em họ của Sharifa. Không thể giữ bí mật về việc ông đã đến đây, trong thành phố này mọi người đều tỏ tường mọi chuyện. Vả chăng các cuộc thăm viếng xã giao đó là tất cả những gì còn lại trong cuộc hôn nhân của Sharifa. Việc ông tỏ ra thân tình với những người họ hàng của bà và coi bà như là vợ ông khi ông đến thăm họ, đấy là tất cả những gì bà còn có thể đòi hỏi ở ông.
Lịch thăm viếng đã được sắp xếp xong, Sharifa còn phải kể cho ông nghe những tin tức mới nhất ở tầng dưới - những chuyện ngông cuồng của Saliqa nữa
- Bà có biết rằng nó là một con điếm? Sultan kêu lên, ông nằm dài như một hoàng đế La Mã. Nó là thế đấy!
Sharifa phản đối, thậm chí Saliqa nào có gặp riêng cậu con trai kia.
- Đây là chuyện tâm địa con người, chuyện tâm địa! Sultan trả lời. Nếu hôm nay Saliqa còn chưa làm điếm, thì nay mai nó dễ dàng trở thành điếm. Nó đã chọn cậu con trai chẳng được việc gì kia, chẳng bao giờ tìm được việc làm, làm sao nó có thể có đủ tiền để mua những gì nó muốn, đồ trang sức và quần áo đẹp? Khi một cái nồi đun đã không có nắp, thì bất cứ thứ gì cũng có thể rơi tõm vào đó. Rác rưởi, đất cát, bụi bặm, sâu bọ, lá khô. Gia đình Saliqa đã sống như thế đó, như một cái nồi không có vung. Một lô rác rưởi đã rơi vào đó. Cha nó thì đi vắng và ngay khi ông ta có mặt cũng chẳng bao giờ thấy ông ta ở nhà. Bây giờ, ông ta đã ở bên Bỉ đến ba năm rồi mà không cách gì xin được giấy tờ để cho gia đình sang bên đó với ông ta, Sultan cười khẩy. Chính ông ấy cũng là một kẻ tầm thường. Vừa mới lẫm chẫm biết đi Saliqa đã tìm một cậu con trai để lấy làm chồng. Tình cờ mà nó đã rơi đúng vào cái thằng Nadim nghèo khốn và chẳng được việc gì đó. Nhưng trước đấy nó đã tìm cách dụ dỗ thằng Mansur, bà có nhớ không?
Lúc này, ông hàng sách cũng bị những chuyện ngồi lê đôi mách chi phối.
- Mẹ nó cũng dính dấp vào chuyện này, Sharifa nhớ lại. Lúc nào bà ấy cũng hỏi xem đã đến lúc tìm vợ cho nó chưa. Bao giờ tôi cũng trả lời là còn quá sớm, nó còn phải đi học đã. Điều tôi lo nhất cho Mansur, là nó lấy phải một người vợ tự phụ và chẳng được việc gì cả như Saliqa. Khi Yunus, em trai ông đến Peshawar, bà ấy cũng đã hỏi cậu ta như vậy, nhưng cả cậu ấy cũng không muốn một đứa con gái dễ dãi như Saliqa.
Họ bàn luận tường tận về tội lỗi của Saliqa. Nhưng họ còn bao nhiêu họ hàng để mà nói xấu nữa.
- Bà chị họ của bà thế nào?
Sultan cười phá lên.
Một trong những người chị gái họ của Sharifa đã để cả đời để chăm sóc bố mẹ mình. Khi họ chết, bà đã bốn mươi lăm tuổi và những người anh em trai của bà đã gả bà cho một ông góa đang cần tìm một người mẹ cho các con của ông. Sultan chẳng bao giờ chán câu chuyện đó.
- Bà ấy hoàn toàn thay đổi sau khi lấy chồng. Bà ấy đã trở thành đàn bà, ông vẫn chế riễu. Nhưng bà ấy chẳng bao giờ có con, như vậy là bà ấy đã hết đứt căn bệnh hằng tháng của bà trước khi lấy chồng. Nghĩa là: chẳng đêm nào nghỉ!
- Có thể là vậy đấy, Sharifa đánh liều. Ông có nhớ trước khi lấy chồng bà ấy gầy đét như thế nào không, bây giờ thì bà ấy đã hoàn toàn thay đổi, chắc chắn là đêm nào bà ấy cũng ướt đẫm cả thôi.
Sharifa đặt một bàn tay lên miệng và phá lên cười. Đôi vợ chồng dường như đã lấy lại được sự thân mật ngày trước, cả hai họ nằm dài dưới đất, vặn mình trên những tấm khăn ở hai bên mâm cơm.
- Bà có nhớ bà cô của bà mà bà đã nhìn qua ổ khóa không? Cuối cùng bà ấy đã khòm cả người xuống, ông chồng muốn làm chuyện đó đằng sau mà, Sultan cười.
Chuyện này lại gợi lên chuyện nọ. Như những đứa trẻ, Sultan và Sharifa cười rúc rích khi nhắc lại những chuyện tình dục trong gia đình mình.
Trên bề mặt, Afganistan có vẻ vô tính. Đàn bà giấu mình dưới những tấm burkha và dưới tấm burkha của họ quần áo to và rộng. Họ mặc quần dài bên dưới áo trong và, ngay cả đằng sau những bức tường trong nhà, áo hở cổ rất hiếm. Đàn ông và đàn bà không cùng họ hàng không được ở chung trong một phòng. Họ không được nói chuyện với nhau, cũng không được ăn uống cùng nhau. ở nông thôn, ngay cả trong các đám cưới, đàn ông và đàn bà mỗi bên phải nhảy múa riêng.
Nhưng bên dưới cái bề mặt ấy, lại hết sức sôi sục. Bất chấp tội chết, người Afganistan cũng có những người tình nam và nữ. Trong các thành phố, vẫn có gái điếm mà các cậu con trai và đám đàn ông tìm đến trong khi chờ lấy được một người vợ.
Tình dục có vị trí của nó trong các huyền thoại và các truyện kể. Sultan say mê các truyện do nhà thơ Rũmi viết cách đây đã tám trăm năm trong tác phẩm Mesvini của ông. Trong cuốn sách đó ông đã sử dụng chuyện tính dục để minh họa cho ý tưởng về những gì không nên bắt chước người khác một cách mù quáng. Sultan kể cho Sharifa:
- Một bà góa nọ có một con lừa mà bà ta rất yêu. Nó dắt bà ta khắp nơi bà phải đi và bao giờ cũng tuân theo lệnh bà. Rồi nó có hơi yếu sức và chóng mệt hơn trước. Lại biếng ăn nữa. Bà góa không hiểu vì sao và một đêm nọ bà ra xem thử nó có ngủ không. Trong nhà kho, bà thấy cô đầy tớ gái của bà đang nằm dài trong rơm, bên dưới con lừa. Đêm nào cũng lại thấy cảnh ấy, người đàn bà góa lấy làm tò mò và bà tự bảo ta cũng muốn thử một cái xem sao. Bà cho cô gái đi công chuyện mấy ngày và tự mình nằm dài trong rơm bên dưới con lừa. Khi người đầy tớ gái trở về, thì thấy bà góa đã chết. Thì ra bà góa đã không luồn một trái bầu vào cái ấy của con lừa để làm cho nó ngắn bớt đi trước khi hiến mình cho nó. Chỉ cái phần còn lại cũng đã quá đủ rồi.
Sau khi đã cười thỏa thuê, Sultan ngồi dậy, sửa lại quần áo và đi mở hộp thư điện tử của ông. Nhiều trường đại học bên Mỹ yêu cầu ông gửi cho họ các tạp chí những năm bảy mươi, tên các nhà sưu tập bản thảo cổ, nhà in ở Lahore gửi cho ông một bảng dự toán in bưu ảnh sau khi giá giấy đã tăng. Bưu ảnh là nguồn thu nhập chính của Sultan, ông bán một đô la ba tấm, bằng cái giá ông phải trả để in sáu mươi tấm. Mọi việc bây giờ rất trôi chảy, khi bọn taliban không còn ở đấy nữa và ông có thể bán bất cứ thứ gì ông muốn.
Ngày hôm sau ông đọc thư từ, đi đến các hiệu sách, đến bưu điện, nhận và gửi các bưu kiện và thực hiện các cuộc thăm viếng xã giao chẳng bao giờ hết của ông. Trước tiên là đến chia buồn với một người chị em họ có chồng mới chết vì ung thư, rồi một cuộc thăm viếng thú vị một người anh em họ chuyên bán bánh pizza bên Đức có việc đi qua Pakistan. Người anh em họ này, tên là Saùd, trước là kỹ sư hàng không ở Ariana Air, cái hãng ngày trước là niềm tự hào của Afganistan. Bây giờ, ông ta tính chuyện trở về với gia đình và quay lại làm việc ở Ariana. Trước đây ông mong dầu sao cũng dành dụm được tiền. Nghề giao bánh pizza bên Đức nói chung có khá hơn nghề kỹ sư hàng không ở Afganistan. Hơn nữa, ông cũng chưa giải quyết được vấn đề ông sẽ khó tránh khỏi ngay khi trở về: ông có vợ và các con ở Peshawar, ở bên Đức ông lại có một người vợ thứ hai. Nếu ông trở về Kaboul, họ sẽ phải cùng sống dưới một mái nhà, là điều Saùd rất lo ngại. Bà vợ cả của ông làm ngơ về chuyện bà hai, bà chưa bao giờ nhìn thấy mặt bà ấy và chồng bà vẫn gửi tiền về cho bà đúng như ông phải làm. Chuyện gì sẽ xảy ra khi họ sống chung với nhau?
Những ngày ở Peshawar này rất mệt nhọc. Một người bà con bị đuổi ra khỏi ngôi nhà đang thuê, một người khác muốn được giúp đỡ để dựng một cơ sở kinh doanh, một người thứ ba xin vay tiền. Rất ít khi Sultan cho tiền người thân. Do ông khá thành đạt, người ta thường nhờ ông giúp đỡ trong những dịp thăm viếng xã giao như thế này, nhưng, nói chung, ông từ chối, thường cho rằng đấy là những người lười biếng và họ phải tập tự xoay xở lấy hay ít ra cũng phải chứng tỏ họ có khả năng trước khi nhận được đồng tiền và, theo Sultan, ít người được như vậy.
Khi vợ chồng đi thăm viếng, Sharifa cố giữ sao cho cuộc nói chuyện không bị tắc tị. Bà kể chuyện, gây cười. Sultan thường chỉ im lặng nghe, đôi khi nhắc đến chuyện những người không chịu lao động hay chuyện công việc của ông; nhưng, khi, bằng một tiếng, ông báo đã đến lúc đứng lên, thì vợ chồng liền ra về, Shabnam theo sau. Họ đi im lặng trên các đường phố Hayatabad phủ đầy bồ hóng và bước qua các đống rác, trong khi hai buồng phổi hít đầy không khí ô uế của các con hẻm.
Một buổi tối, Sharifa ăn mặc đặc biệt cẩn thận trước khi đi thăm những người họ hàng xa. Những người họ hàng lúc thường thậm chí không hề có tên trong danh sách gặp gỡ của vợ chồng bà, dầu họ sống cách đấy chỉ vài mét. Sharifa bước đi khéo léo trên đôi guốc cao kều, trong khi Sultan và Shabnam tay nắm tay, uể oải bước theo sau.
Họ được đón tiếp nồng nhiệt. Chủ nhà mời hoa quả khô và nhiều loại hạt khác nhau, kẹo caramen và trà. Trước tiên họ nói những câu xã giao và bàn những tin tức mới nhất. Đám con cái lắng nghe bố mẹ chúng nói chuyện. Shabnam cắn hạt đào lạc và buồn chán. Một trong những đứa con gọi mãi không thấy xuất hiện, đó là Belqisa, mười ba tuổi. Cô bé lánh mặt là đúng, bởi vì tối nay quả là người ta bàn về chuyện cô.
Sharifa đã đến nhiều lần cũng vì chuyện này, lần này có Sultan miễn cưỡng đi cùng bà để chứng tỏ việc xin cưới là nghiêm túc. Họ đến đây nhân danh Yunus, cậu em trai út của Sultan. Cách đây hai năm cậu ta đã chọn Belqisa, khi cậu lưu vong sang Pakistan, bấy giờ cô ấy còn là một đứa bé. Cậu đã nhờ Sharifa chuyển lời cầu hôn của cậu. Bản thân cậu chưa bao giờ nói chuyện với cô gái.
Họ vẫn nhận được đúng nguyên câu trả lời ấy: "Nó còn bé quá." Ngược lại, bố mẹ cô sẵn lòng gả cho Yunus cô chị, Shirin, hai mươi tuổi, nhưng cậu lại không đồng ý, còn lâu cô ta mới đẹp bằng Belqisa và cậu thấy cô ta bằng lòng quá dễ dàng. Khi cậu đến thăm họ, cô ta cứ quấn quýt lấy cậu. Ngoài ra, một hôm lén để người khác không nhìn thấy cậu đã cầm tay cô ta rất lâu. Yunus cho rằng việc cô để cho cậu làm như vậy là dấu hiệu không hay và chứng tỏ cô không phải là cô gái đàng hoàng.
Tuy nhiên bố mẹ cô vẫn không từ bỏ hy vọng của họ về chuyện cô chị, vì Yunus là một đám tốt. Khi Shirin được những người khác đến hỏi, họ đi tìm Sultan đề nghị lần cuối cùng gả cô cho Yunus, nhưng Yunus không muốn, cậu đã dòm ngó Belqisa và chỉ muốn cô ta thôi.
Mặc những từ chối liên tiếp, Sharifa không ngừng trở đi trở lại xin cưới Belqisa. Đấy không phải là tỏ ra thất lễ, mà trái lại là dấu hiệu xin cưới nghiêm túc. Một tục lệ lâu đời bảo rằng người mẹ của cậu con trai đi hỏi vợ phải đến nhà cô gái mình nhắm nhiều lần cho đến khi đế giày chỉ còn mỏng bằng cái vỏ củ tỏi. Vì mẹ của Yunus, bà cụ Bibi Gul, đang ở Kaboul, nên bà chị dâu của cậu là Sharifa phải đảm nhận trách nhiệm này. Bà ca ngợi Yunus, khen cậu nói tiếng Anh trôi chảy, khen công việc của cậu ở hiệu sách của Sultan, nhấn mạnh rằng cô gái sẽ chẳng phải thiếu bất cứ thứ gì; nhưng Yunus đã sắp ba mươi tuổi.... "Quá già so với Belqisa", bố mẹ cô bảo.
Bà mẹ Belqisa chú ý đến một chàng trai khác trong gia đình Khan, đó là Mansur, con trai của Sultan, mười sáu tuổi. "Nếu là Mansur, chúng tôi xin đồng ý ngay". Bây giờ đến lượt Sharifa chẳng hứng thú gì. Mansur chỉ hơn Belqisa có vài tuổi và chưa bao giờ để mắt đến cô. Sharifa cho rằng cưới vợ cho con trai mình là còn quá sớm. Nó phải đi học, và nhìn ra thế giới nữa.
- Với lại, cô gái không phải mười ba tuổi đâu, về sau Sharifa đã tâm sự với các bà bạn của bà như vậy. Tôi tin rằng cô ta ít ra cũng đã mười lăm.
Belqisa bước vào phòng, để Sultan cũng nhìn thấy được cô. Cô cao lớn và mảnh mai và có vẻ lớn hơn mười ba tuổi. Cô mặc bộ áo váy màu xanh đậm, lúng túng và khép nép ngồi xuống bên mẹ. Belqisa biết rõ những người khách đến đây làm gì và cảm thấy không thoải mái.
- Nó khóc, nó không đồng ý đâu, hai cô chị của cô nói với Sultan và Sharifa trước mặt Belqisa, còn cô bé thì cúi mặt xuống.
Sharifa chỉ cười. Cô dâu không ưng là dấu hiệu tốt, điều đó chứng tỏ tâm hồn cô ta trong sạch.
Chỉ có mấy phút, rồi Belqisa đứng dậy và bỏ đi. Mẹ cô xin được thứ lỗi cho cô, ngày mai cô phải kiểm tra môn toán. Dẫu gì đi nữa cô dâu cũng phải coi như không có mặt khi diễn ra các cuộc mặc cả. Trước tiên hai bên thăm dò trận địa, rồi họ đề cập đến các vấn đề tài chính, bố mẹ cô dâu sẽ nhận được bao nhiêu, lễ cưới, áo cưới, hoa tốn bao nhiêu. Mọi khoản đều do gia đình nhà trai chịu. Việc Sultan đến làm tăng thêm trọng lượng cho các cuộc bàn thảo vì chính ông người nắm tiền nong.
Kết thúc cuộc thăm viếng, chưa có gì được quyết định cả và họ lặng lẽ ra về trong buổi chiều tháng ba êm dịu đó. Các đường phố đều im ắng.
- Tôi không thích gia đình này, Sultan tuyên bố. Họ háu của lắm.
Định kiến của ông đặc biệt nhằm vào người mẹ của Belqisa. Bà là vợ thứ hai của ông bố. Vì bà vợ cả chẳng sinh đẻ được, ông đã tái hôn và bà vợ mới ăn ở tệ với bà cả cho đến nỗi bà này cuối cùng không chịu nổi và đã bỏ về ở với người em trai của mình. Có nhiều tiếng đồn xấu về bà mẹ Belqisa, người ta bảo bà hà tiện, hay ghen và thiếu độ lượng. Người con gái đầu của bà đã lấy một người bà con của Sultan, anh ta đã kể rằng suốt đám cưới thật đúng là một cơn ác mộng, bà ta kêu trách lúc thì thức ăn không đủ lúc thì nhà trang trí không xứng.
- Trái táo không bao giờ rụng xa cây táo. Mẹ nào con ấy thôi, Sultan khẳng định.
Trước khi nói thêm rằng nếu quả Yunus muốn lấy cô ta, thì ông sẽ gắng hết sức.
- ối dào, tôi chắc chắn cuối cùng họ sẽ bằng lòng thôi. Gia đình chúng ta quá tốt để cho người ta có thể từ chối.
Trách nhiệm gia đình đã hoàn tất, cuối cùng Sultan đã có thể lo cho mục đích đầu tiên của ông khi đến Pakistan. Là in sách. Giai đoạn thứ hai của cuộc du hành, một buổi sáng ông lên đường rất sớm đi Lahore, thành phố của những người thợ in, những người đóng sách và những người làm nghề xuất bản.
Trong một chiếc va li nhỏ, ông xếp sáu cuốn sách, một cuốn lịch và một bộ đồ thay. Cũng như mọi lần đi đường, tiền bạc của ông được khâu dưới ống tay áo. Ngày báo hiệu sẽ nóng. Bến xe Peshawar đông nghịt khách, các công ty xe buýt thi nhau gào tướng lên. Islamabad! Karachi! Lahore! Cạnh mỗi chiếc xe buýt lại có một người đứng gào. Xe buýt không chạy theo giờ cố định, mà khi đã đầy người. Trước lúc xuất phát, nhiều người đến bán hoa quả khô, những túi hình sừng đựng hạt hướng dương, bánh bích quy và khoanh khoai tây rán, báo và tạp chí. Những người ăn xin lặng lẽ chìa bàn tay qua các tấm cửa kính mở.
Sultan không để ý đến họ. Ông tuân theo lời khuyên của Đấng Tiên Tri Mahomet về chuyện bố thí và hiểu như sau: trước hết, phải lo cho chính thân mình đã, rồi đến gia đình gần gũi của mình, rồi đến những người họ hàng khác, rồi hàng xóm, và cuối cùng đến người nghèo khó không quen biết. ở Kaboul, có khi ông đã cho một người hành khất vài đồng afgani để tránh xa hắn cho xong, nhưng những người hành khất Pakistan thì đứng quá xa trong danh sách của ông. Pakistan cứ mà lo cho những người hành khất của họ đi đã.
Ông bị chèn vào giữa những hành khách khác trên ghế sau của xe buýt, với chiếc va li đặt dưới chân. Trong đó, trên một tờ giấy, là bản dự án lớn nhất của đời ông. Ông muốn in những cuốn sách giáo khoa mới của Afganistan. Đất nước hầu như không có chút tài liệu giáo khoa nào trong cái mùa xuân các trường học mở cửa lại đó. Những cuốn sách do chế độ moudjahed và taleb xuất bản không thể dùng được nữa, trẻ con lớp dự bị học vần chữ cái theo cách như sau: "D như trong Djlihah, mục đích của chúng ta trên cuộc đời này, I như trong Israel, kẻ thù của chúng ta, K như trong Kalachnikov, chúng ta sẽ thắng, M như trong Moudjahidin, những người anh hùng của chúng ta, S như trong..." Ngay cả trong các sách toán, chiến tranh cũng đóng một vai trò trung tâm. Học sinh nam - bọn taliban không làm sách cho con gái - không đếm bằng trái táo và bánh ga tô, mà bằng đạn và tiểu liên kalachnikov. Các bài tập có thể theo cách như sau: "Thằng bé Omar có một khẩu kalachnikov với ba băng đạn. Trong mỗi băng có hai mươi viên đạn. Nó đã bắn hết hai phần ba số đạn và giết chết sáu mươi tên ngoại đạo. Hỏi mỗi viên đạn nó giết được mấy tên ngoại đạo."
Các sách giáo khoa thời cộng sản cũng không dùng được, các tính toán đều nhằm toàn vào chuyện chia đất đai và truyền bá tư tưởng bình quân. Cờ đỏ và nông dân nông trường tập thể vui tươi có nhiệm vụ qui tụ đám trẻ con vào chủ nghĩa cộng sản.
Sultan muốn quay lại với các sách thời Zaher Shad, vị vua đã trị vì suốt bốn mươi năm tương đối yên bình cho đến khi bị lật đổ vào năm 1973. Ông đã tìm lại được những cuốn sách cũ ông có thể in lại, những cuốn sách toán trong đó một cộng với một là hai và sách lịch sử không có bất cứ nội dung hệ tư tưởng nào ngoài một ít lòng yêu nước trong trắng.
Chính UNESCO sẽ tài trợ cho các sách giáo khoa mới của đất nước. Là một trong những người làm xuất bản lớn nhất ở Kaboul, Sultan đã gặp các đại diện của tổ chức này và, sau khi di Lahore về, ông sẽ trình cho họ một đề nghị. Trên một tờ giấy nằm trong túi áo vét, ông đã ghi rõ số trang và khổ in một trăm mười ba cuốn sách giáo khoa. Ngân sách lên đến hai triệu đô la. ở Lahore ông sẽ xác định xem nhà in nào có thể nhận in với giá cạnh tranh tốt nhất. Sau đó, ông sẽ trở về Kaboul chiến đấu để có được cái hợp đồng bằng vàng nọ. Lấy làm thỏa mãn, Sultan tính nhẩm số phần trăm ông có thể trích ra được từ món hai triệu ấy. Ông tự hứa sẽ không quá tham lam. Trong khi những cánh đồng và đồng bằng chạy dài hai bên con đường chính nối Kaboul với Calcutta, ông nghĩ nếu đạt được bản hợp đồng này, thì trong khoảng thời gian giữa lúc tái bản sách cũ và in những cuốn sách mới, ông sẽ có được việc làm bảo đảm suốt nhiều năm. Càng gần đến Lahore, trời càng nóng. Trong chiếc áo vét làm bằng len bua ở vùng cao Afganistan, Sultan toát mồ hôi. Ông vuốt bàn tay lên đầu chỉ còn vài sợi tóc, và lau mặt bằng một chiếc mù soa.
Ngoài tờ giấy ghi một trăm mười ba cuốn sách giáo khoa, Sultan còn mang theo những tác phẩm ông định in riêng cho ông. Thị trường sách đọc bằng tiếng Anh rất rộn rã từ khi đám nhà báo, đám nhân viên của các tổ chức cứu trợ nhân đạo đổ đến Afganistan. Sultan không mua sách ở các nhà xuất bản ngoại quốc, ông tự in lấy.
Pakistan là thiên đường của nghề xuất bản lậu. ở đây chẳng có kiểm soát nào hết và hầu như chẳng hề có chuyện tôn trọng quyền tác giả và quyền tái bản. Sultan bán giá hai mươi đến ba mươi đô la những bản sách ông in giá một đô la. Ông đã in nhiều lần cuốn sách bán chạy nhất Cái bóng của bọn taliban của Ahmeh Rashid. Cuốn sách ưa thích của lính ngoại quốc là My hidden war, ký sự của một phóng viên Nga về cuộc chiếm đóng tai họa Afganistan từ năm 1979 đến năm 1989. Thực tế thời kỳ đó hoàn toàn khác với bây giờ, khi các lực lượng giữ gìn hòa bình tuần tra Kaboul và thỉnh thoảng dừng lại ở hiệu sách của Sultan mua các tấm bưu thiếp và các cuốn sách cũ về chiến tranh.
Xe buýt đã đến bến Lahore. Cái nóng đổ ập lên người ông. Bến xe đông nghịt người. Là kinh đô văn hóa và nghệ thuật của Pakistan, Lahore là một thành phố sôi nổi, bị ô nhiểm và khiến người ta hoang mang. Nằm giữa một đồng bằng, chẳng có chướng ngại phòng thủ tự nhiên nào, nó đã bị đánh chiếm, tàn phá và khôi phục, nhưng trong thời gian giữa các cuộc tàn phá và tái thiết, các lãnh chúa thường mời các nhà thơ và các nhà văn lớn nhất đến trú ngụ ở đây. Lahore trở thành thành phố của nghệ thuật và sách, dầu các lâu đài họ được mời đến ở không ngừng bị san bằng.
Sultan mê các chợ sách ở Lahore, ở đấy ông tiến hành nhiều cuộc giao dịch tuyệt vời. Ông ít khi xúc động đến vậy như lúc đứng trước những bản sách quý giữa một phiên chợ lầm bụi và tậu được chúng chỉ bằng giá một mẩu bánh mì. Có tới tám đến chín nghìn đầu sách, Sultan coi mình là người đứng đầu bộ sưu tập các sách về Afganistan lớn nhất thế giới. Ông quan tâm đến mọi thứ, đến lịch sử và các huyền thoại xưa, các tiểu thuyết và các tiểu sử, các công trình phân tích chính trị mới đây, cũng như các bộ bách khoa và sách tra cứu. Khuôn mặt ông sáng bừng lên mỗi khi ông nhìn thấy một cuốn sách ông chưa có hay ông không biết là từng có.
Tuy nhiên hôm nay ông không có thì giờ rảo qua các chợ. Ông thức dậy từ sáng sớm, thay bộ đồ sạch, xén chòm râu và đội chiếc mũ đấu. Ông đang đứng trước một sứ mệnh thiêng liêng: in những cuốn sách giáo khoa cho trẻ em Afganistan. Ông đi đến nhà in quen thuộc của ông, ở đấy ông gặp Talha. Anh chàng trai trẻ này là một người thợ in thuộc thế hệ thứ ba, nhưng anh ta chỉ tỏ ra quan tâm vừa phải đến dự án của Sultan, đơn giản là vì nó quá to tát. Anh mời Sultan một cốc trà pha sữa đậm, lau mồm và ra vẻ lo lắng.
- Tôi cũng rất muốn tham gia một phần, nhưng đến những một trăm mười ba đầu sách! Phải mất một năm mới in xong.
Thời hạn Sultan đề nghị là hai tháng. Trong tiếng máy vang ầm ầm qua những bức tường mỏng của căn phòng, ông cố thuyết phục Talha gác lại các công việc khác.
- Không thể được, Talha trả lời.
Quả Sultan là một khách hàng quan trọng và in sách giáo khoa cho trẻ em Afganistan chắc chắn là một sứ mệnh thiêng liêng, nhưng anh ta còn có những việc khác phải làm. Tuy nhiên anh ta vẫn làm một bảng dự toán và tính sách có thể in với giá cạnh tranh bốn trăm đồng một bản. Giá cả tùy thuộc chất lượng giấy, màu và kiểu đóng. Talha tính giá cho mỗi loại và mỗi khổ sách và lập một bảng kê dài. Sultan nheo mắt. Ông tính nhẩm bằng đồng ru pi, đô la, ngày và tuần. Ông đã nói hơi quá về thời hạn để giục Talha làm nhanh và gác các sách của bạn hàng khác lại.
- Hai tháng, nhớ đấy nhé. Nếu anh không làm đúng thời hạn, anh sẽ làm tôi phá sản đấy, hiểu không?
Những thương thảo đầu tiên ấy đã xong, bây giờ ông nhắc đến các cuốn sách mới của hiệu sách Sultan. Một lần nữa, họ lại bàn cãi về giá cả, chất lượng và thời hạn. Các tác phẩm Sultan mang đến được in trực tiếp theo bản gốc. Các trang được gỡ rời ra rồi chụp lại. Những người thợ in áp chúng trên những miếng kim loại lớn. Nếu là in các bưu ảnh hay các bìa sách có màu, họ đổ lên tấm kim loại một hỗn hợp kẽm trước khi đem phơi ra ánh sáng để mặt trời làm cho các màu hiện lên. Khi một trang in có nhiều màu, các tấm kim loại được lần lượt phơi ra hết tấm này đến tấm khác. Sau đó, tấm kim loại được đặt dưới một máy ép. Tất cả qui trình đó được làm trên những chiếc máy cổ bán tự động. Một người thợ đưa giấy vào máy, một người khác quỳ ở đầu bên kia và đỡ lấy tờ giấy ra. ở cuối xưởng oang oang tiếng ra đi ô tường thuật một trận đấu cricket giữa Pakistan và Sri Lanka. Trên tường những tấm ảnh vĩnh cửu in hình Mecca và trên trần một chiếc đèn dầu hỏa chứa đầy xác ruồi. Từng dòng a xít màu chảy trên nền nhà và đổ vào các cống.
Sau khi đi vòng quanh xưởng, Sultan và Talha ngồi lại để thảo luận về bìa sách. Sultan đã chọn các mẫu từ các tấm bưu ảnh của ông và các bản quy tắc ngữ pháp có những đường viền mà ông thấy đẹp, và họ dàn trang. Trong năm phút, họ đã có được sáu bìa sách.
Trong một góc nhiều người đàn ông đang ngồi uống trà, đấy là những người Pakistan làm nghề xuất bản và nghề in, tất cả đều đang làm ăn trên chợ đen giống như Sultan. Họ chào nhau, nhắc đến những tin tức mới nhất ở Afganistan, bên đó Hamid Karzaù đang lưỡng lự giữa nhiều thống lãnh chiến tranh, trong khi các nhóm lính Al-Qaida tấn công miền đông của đất nước. Các lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ đến giúp người Afganistan và đánh mìn các hang động trên biên giới Pakistan. Một trong những người ngồi trên tấm thảm lấy làm tiếc rằng taliban đã bị đánh đuổi khỏi Afganistan.
- Chúng tôi rất cần có taliban cầm quyền ở đây, tại Pakistan, để mà dọn dẹp mọi thứ.
- Anh có thể nói như thế là vì anh chưa phải chịu đựng ách thống trị của chúng. Pakistan sẽ sụp đổ nếu taliban nắm được chính quyền, đừng có mà nghĩ lung tung, Sultan nổi giận. Hãy hình dung: tất cả các áp-phích quảng cáo đều biến mất hết, chỉ riêng mỗi con đường này thôi đã có đến hàng nghìn. Các sách có hình minh họa đều bị đốt, cũng như các tư liệu điện ảnh và âm nhạc của Pakistan, nhạc cụ bị đập phá. Anh sẽ không bao giờ được nghe nữa nhạc, không bao giờ được nhảy múa. Tất cả các quán cà phê tự động đều bị đóng cửa, màn hình thì đen kịt và tivi bị tịch thu, ra đi ô chỉ phát các chương trình tôn giáo. Con gái không được đến trường, phụ nữ bị đuổi việc và phải ở nhà. Lúc đó Pakistan sẽ trở thành cái gì đây? Sẽ mất hàng trăm nghìn việc làm và sẽ suy thoái nghiêm trọng. Và những người mất việc sẽ ra sao bởi vì Pakistan không còn là một đất nước hiện đại? Có thể họ sẽ trở thành chiến binh chăng? Sultan hăng lên hỏi.
Người kia nhún vai.
- Đồng ý, đồng ý, có thể không phải là tất cả đám taliban, chỉ vài người thôi.
Chính Talha đã ủng hộ taliban khi in lại các bài văn đả kích của họ. Suốt hai năm, anh ta cũng đã bảo đảm việc in hai trong số các sách giáo khoa về đạo Hồi của họ. Trong một thời gian, anh đã giúp họ lập nhà in của chính họ ở Kaboul. Anh mua hạ giá được một nhà in từ ý nhập sang và bán rẻ lại cho taliban. Anh cũng cung cấp cho họ giấy và các phương tiện kỹ thuật. Cũng như phần đông người Pakistan, anh cảm thấy yên ổn hơn khi nước láng giềng do người pachtoun cai trị.
- Anh chẳng có gì phải ngại ngùng cả, anh có thể in sách cho quỷ sứ, Sultan trêu anh ta, bây giờ ông đã vui sau khi đã bày tỏ mạnh mẽ sự khinh bỉ của ông đối với bọn taliban.
Talha có lúng túng đôi chút nhưng vẫn giữ vững lập trường của mình.
- Taliban không mâu thuẫn với nền văn hóa của chúng ta. Họ tuân thủ kinh Coran, Đấng Tiên Tri và các truyền thống của chúng ta. Tôi không bao giờ in bất cứ cái gì chống lại đạo Hồi.
- Như cái gì chẳng hạn? Sultan hỏi, vừa cười.
- Chẳng hạn Các vần thơ quỷ sứ hay một cái gì đó của Shalman Rushdie. Cầu Allah phái một người nào đó đến nhà hắn ta.
Nhắc đến Các vần thơ quỷ sứ, cuốn sách chưa ai trong số họ được đọc, khiến cho câu chuyện thêm rôm rả.
- Hắn phải bị giết đi. Nhưng lần nào hắn cũng thoát. Tất cả những người in sách của hắn hay giúp đỡ hắn cũng phải bị giết chết, Talha bảo. Có cho tôi tất cả vàng trên thế gian này, tôi cũng sẽ không in sách của hắn. Hắn đã bôi nhọ đạo Hồi.
- Hắn xúc phạm và chửi bới chúng ta quá thể, hắn đã đâm chúng ta bằng những con dao găm bén nhọn. Thế nào rồi hắn cũng phải đền mạng, một người nói tiếp.
Sultan đồng tình:
- Hắn cố hủy hoại tâm hồn chúng ta và phải ngăn chặn hắn lại trước khi hắn lôi kéo được những người khác. Ngay những người cộng sản cũng không cố tình làm hại chúng ta đến mức ấy, dẫu sao họ cũng có sự tôn trọng nhất định và không bôi nhọ tôn giáo của chúng ta. Và tất cả cái thứ rác rưởi đó lại từ mồm một kẻ tự xưng là Hồi giáo!
Mọi người im lặng, cứ như họ không sao ngoi lên được khỏi cái bóng tối mà Rushdie đã ném họ vào đó.
- Thế nào rồi cũng tóm được hắn, Inch Allah, nếu Allah muốn thế, Talha kết luận.
Những ngày tiếp sau, Sultan đi vòng tất cả các nhà in ở Lahore ông có thể đến, trong các sân sau, các tầng hầm và các lối đi. Để đảm bảo có được nhiều sách, ông phải rãi chúng ra khoảng chục nhà in. Ông giải thích dự án, nhận được những đề nghị, ghi chép và cân nhắc. Khi có đề xuất đáng chú ý, đôi mắt ông hơi nheo lại và môi trên của ông hơi nhếch lên và, rất nhanh, ông tính nhẩm ra món lãi. Sau hai tuần, ông đã đặt in hết tất cả các sách giáo khoa. Ông hứa sẽ báo tin cho các nhà in.
Cuối cùng, ông có thể trở về Kaboul. Lần này ông không phải khốn khổ cưỡi ngựa để đi qua biên giới. Chỉ khi đi vào Pakistan người Afganistan mới gặp khó khăn, đi theo chiều ngược lại chẳng hề có kiểm soát hộ chiếu nào hết và ông hàng sách có thể tự do rời khỏi đất nước này.
Sultan đi một chếc xe buýt cũ lọc cọc trên những con đường mòn từ Jalalabad về Kaboul. Một bên đường, những tảng đá lớn cứ muốn rơi xuống vực. ở một chỗ, thấy hai chiếc xe ca lộn ngược và chiếc cam nhông chuồi ra khỏi mặt đường. Người ta mang đi những thi thể. Trong số đó, có hai cậu bé. Ông đọc một lời cầu nguyện cho linh hồn chúng và một nữa cho chính ông.
Không chỉ có các tai nạn và các vụ đổ núi thường xuyên khiến cho con đường này rất nguy hiểm, nó cũng nổi tiếng vì là con đường có nhiều hoạt động bất hợp pháp nhất Afganistan. ở đây, các nhà báo ngoại quốc, các nhân viên tổ chức nhân đạo và cả người Afganistan đã phải trả mạng sống của họ khi gặp bọn cướp. Ngay sau khi taliban sụp đổ, bốn nhà báo đã bị giết hại; họ bị tra tấn trước khi bị bắn một phát đạn vào đầu. Người lái xe sống sót vì đã khai là theo đạo Hồi. Rồi một chiếc xe ca Afganistan bị chặn lại, tất cả những người đã cạo râu đều bị cắt tai và mũi. Bằng cách ấy bọn cướp chứng tỏ chúng mong muốn đất nước này phải có một chế độ như thế nào.
Sultan đọc một lời cầu nguyện ở chỗ các nhà báo đã bị sát hại. Để cho an toàn, ông đã giữ bộ râu và mặc quần áo truyền thống, chỉ chiếc khăn quấn đầu được thay bằng một chiếc mũ đấu nhỏ hình tròn.
Kaboul đã gần. Hẳn là Sonya đã giận ông lắm, ông mỉm cười tự nhủ. Ông đã hứa sẽ trở về trong một tuần. Đúng là ông đã giải thích cho cô không thể đi Peshawar và Lahore chỉ một tuần, nhưng cô nào có chịu nghe.
- Vậy thì em sẽ không uống sữa đâu, cô dọa.
Sultan cười thầm. Ông vui vì sắp được gặp lại cô. Cô không thích uống sữa, nhưng vì cô còn cho Lafita bú, Sultan ép cô mỗi buổi sáng phải uống một ly. Cái ly sữa đó đã trở thành phương tiện gây sức ép của Sonya.
Cô cảm thấy nhớ Sultan vô cùng khi ông vắng nhà. Các thành viên khác trong gia đình tỏ ra khó chịu hơn khi vắng ông. Lúc đó cô mất đi cương vị tối cao trong nhà và chỉ còn là một cô gái đã tình cờ rơi vào gia đình họ. Những người khác nắm lấy quyền hành và làm bất cứ việc gì họ muốn. Họ gọi cô là "cô nhà quê", chê cô "ngu như lừa", song dẫu sao cũng không đi xa hơn nữa, vì cô sẽ mách lại với Sultan, và họ không muốn hứng chịu sấm sét của ông.
Sultan cũng nhớ Sonya. Như chưa bao giờ ông thấy nhớ Sharifa đến thế. Đôi khi ông tự bảo Sonya quá trẻ đối với ông, cô như một đứa con, mà ông phải chăm sóc, bắt phải uống sữa, làm cho ngạc nhiên khi tặng cô những món quà nhỏ.
Ông nghĩ đến sự khác nhau giữa hai người vợ. Khi ông sống với Sharifa, chính bà lo liệu tất cả, bà nhớ các cuộc hẹn, bà tổ chức, chuẩn bị mọi thứ. Sharifa bao giờ cũng nghĩ trước hết đến Sultan, đến cái ông cần hay ông muốn. Sonya sẵn sàng làm những gì người ta đòi hỏi cô nhưng rất ít khi tự mình nghĩ ra trước. Dẫu sao cũng có một điều ông không thể chấp nhận: sự khác biệt hoàn toàn về nhịp độ giữa họ. Sultan dậy từ năm giờ để làm lễ cầu kinh fajr, lễ cầu kinh duy nhất ông tuân thủ. Trong khi Sharifa bao giờ cũng thức dậy cùng ông để đun nước, pha trà và chuẩn bị quần áo sạch, thì Sonya, như một đứa bé, không thể nào kéo cô ra khỏi giường.
Có lúc Sultan tự nhủ chính ông quá già đối với cô, ông không xứng với cô, nhưng bao giờ cuối cùng ông cũng nghĩ cô sẽ không thể nào tìm được một người chồng tốt hơn ông. Không bao giờ cô sẽ có được một mức sống như cô đang có hôm nay nếu cô cưới một ai đó bằng tuổi cô, anh ta sẽ nghèo, bởi vì tất cả bọn con trai trong làng cô đều nghèo. Chúng ta sẽ còn có cùng nhau mươi, hai mươi năm nữa, ông nghĩ, sự thỏa mãn hiện lên trên khuôn mặt ông thành một thoáng mỉm cười. Ông cảm thấy may mắn và hạnh phúc. Sultan cười một mình. Người ông hơi rung lên. Ông đang đến gần Microyan và người đàn bà-trẻ con ngon lành nọ.
Em có muốn anh phải buồn không?
Buổi tiệc đã tàn. Nền nhà rải đầy xương cừu và xương gà. Cơm dính trên thảm giữa những vết nước sốt trộn ớt và những vũng nước sữa chua trắng. Những mẩu bánh mì và vỏ cam rải ra lung tung khiến người ta nghĩ chắc chúng đã được ném vãi ra vào cuối bữa ăn.
Ba người đàn ông và một người đàn bà ngồi trên những chiếc gối đặt dọc theo tường và ở góc nhà cạnh cửa ra vào hai người đàn bà ngồi nép vào nhau, họ không tham dự bữa ăn và dưới những chiếc khăn quàng cái nhìn của họ cố định một chỗ, không bao giờ tiếp xúc với bất cứ ai.
Bốn người ngồi dọc tường chậm rãi nhấm trà, trầm ngâm, như đang mệt mỏi. Mọi người đã đồng ý về phần chủ yếu và các quyết định đã xong. Wakil sẽ lấy Shakila và Rasul lấy Bulbula. Chỉ còn phải xác định giá cả các cô dâu và các ngày cưới.
Quanh ấm trà và kẹo hạnh ngào đường, người ta rao giá Shakila là một trăm đô la, còn Bulbula thì cho không. Wakil đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết, ông lấy tờ bạc trong rúi ra và đưa cho Sultan, ông này cầm lấy món tiền của cô em gái một cách ngạo nghễ, gần như chẳng thèm quan tâm, món tiền có được chẳng phải là lạ lùng gì. Về phần mình, Rasul nhẹ nhõm, lẽ ra ông phải mất nhiều năm để gom góp đủ số tiền cần thiết cho cô dâu và lễ cưới. Sultan bằng lòng vừa phải cho các cô em gái của mình: quá kén chọn, các cô đã để lỡ nhiều đám tốt và mất nhiều năm. Mười lăm năm trước, các cô đã có thể có được các ông chồng trẻ và giàu.
- Các cô đã quá làm cao mà.
Không phải Sultan mà là người phụ nữ trong ghế ngồi danh dự, Bibi Gul, mẹ ông, đã quyết định số phận của họ. Bây giờ, bà lấy làm hài lòng, bà ngồi trên nền nhà hai chân xếp bằng, người lắc lư. Hai bàn tay đặt nặng trên đầu gối, bà cười, vui vẻ. Hình như bà không nghe mọi người trò chuyện nữa. Chính bà đã được gả chồng lúc mười một tuổi, lấy một người đàn ông lớn hơn bà hai mươi tuổi. Bà đã bị đem cho trong khuôn khổ một giao ước hôn nhân giữa hai gia đình. Bố mẹ bà đã hỏi một trong các cô con gái của người láng giềng cho người anh trai bà nhưng gia đình ấy đã đặt điều kiện phải lấy được Bibi Gul cho người con trai cả của họ, độc thân, anh ta đã nhìn thấy bà ở sân sau.
Một cuộc hôn nhân dài, ba cuộc chiến tranh, năm lần đảo chính và về sau mười ba lần sinh nở, cuối cùng người đàn bà góa đã bỏ quên hai người con gái gần cuối của mình. Bà đã giữ hai cô lại rất lâu, cả hai cô đều đã quá ba mươi và không còn có giá trị thật sự trên thị trường hôn nhân. Những người chồng tương lai của họ đã quá cũ mòn. Người đàn ông tối nay rời căn nhà với tư cách là chồng Shakila là một người góa vợ đã năm mươi tuổi, cha của mười đứa con. Người chồng chưa cưới của Bulbula cũng góa vợ nhưng không có con.
Nếu nhiều người thấy Bibi Gul đã không công bằng với các cô con gái của bà, thì bà lại có những lý do để giữ các cô lại lâu như vậy. Bà mô tả một trong hai cô, Bulbula, là đầu óc kém cỏi và hầu như vô dụng. Điều đó, Bibi Gul nói to, chẳng hề lúng túng chút nào, ngay khi có mặt cô con gái bà. Bulbula có một bàn tay bị liệt, khó cử động và một bàn chân khiến cô đi khập khiểng.
- Nó không bao giờ có thể chăm lo được cho một gia đình lớn, mẹ cô ta bảo vậy.
Sáu tuổi, Bulbula đột ngột ngã ốm. Cô khỏi bệnh, nhưng từ đó cử động khó khăn. Anh trai cô khẳng định đó là bệnh viêm tủy xám, thầy thuốc thì chẳng hiểu ra sao cả, còn Bibi Gul thì nghĩ đó là do u sầu. Điều duy nhất bà biết là Bulbula đã mắc bệnh do nỗi buồn của cô khi thấy bố bị bỏ tù. Ông ấy bị bắt và bị kết tội đã ăn cắp trong nhà kho nơi ông làm việc. Bibi Gul khẳng định ông vô tội. Vài tháng sau ông được thả ra, nhưng Bulbula không bao giờ hồi phục được sức khoẻ hoàn toàn nữa.
- Nó đã chịu án cái án của cha nó, bà mẹ bảo.
Bulbula không bao giờ trở lại nhà trường, bởi vì, theo lời bố mẹ cô, căn bệnh cũng đã ảnh hưởng đến não cô và đầu óc cô chẳng được sáng sủa. Suốt tuổi thơ, Bulbula chỉ bám váy mẹ. Quả là căn bệnh bí hiểm đó đã miễn cho cô bao nhiêu nhiệm vụ, nhưng như thế thì cũng như là cô đã đánh mất cuộc đời. Chẳng ai chú ý đến Bulbula, chẳng ai chơi với cô, chẳng ai nhờ cô việc gì.
Nhiều người biết phải nói với Bulbula chuyện gì. Người đàn bà ba mươi tuổi đó đã khoác một bộ áo giáp lười biếng, cứ như là cô ta kéo lê mình qua cuộc đời hay bên ngoài cuộc đời. Đôi mắt cô to và trống rỗng và suốt ngày miệng há ra, môi dưới trễ xuống, lúc nào cũng ngái ngủ. Trong trường hợp khá nhất, cô theo dõi câu chuyện của những người khác, nhưng cả lúc này nữa, cũng chẳng hề hăng hái. Bibi Gul nghĩ rằng suốt cuộc đời còn lại Bulbula sẽ chỉ lang thang trong căn nhà và ngủ cạnh bà, nhưng một sự kiện đã khiến bà thay đổi ý kiến.
Một hôm Bibi Gul, đi thăm một người chị trong làng, dắt theo Bulbula và gọi một chiếc taxi. Bà vẫn có thói quen đi bộ đến đó, nhưng những năm gần đây bà đã trở nên nặng nề đến mức hai đầu gối rã ra và bà không còn đủ can đảm đi được vài kilômét đến làng. Cái đói hồi tuổi thơ, nghèo khó và lao động trong những năm còn trẻ đi làm dâu đã làm phát triển ở bà thói bị ám ảnh vì thức ăn - bà không thể ngừng ăn trước khi tất cả bát đĩa đã sạch trơn.
Người lái xe dừng lại để rước cái burkha to sù và cô con gái của bà ta là một người anh em họ xa, anh chàng Rasul hiền lành, đã mất vợ khi bà ấy sinh đẻ.
- Anh có tìm được cô vợ mới nào chưa? Bibi Gul hỏi.
- Chưa.
- Tiếc quá. Inch Allah - nếu Allah muốn, nay mai anh sẽ tìm được một cô, Bibil Gul bảo, trước khi kể những tin tức mới nhất trong gia đình mình, các con trai, con gái và các cháu bà.
Rasul đã hiểu được ngụ ý của bà. Vài tuần sau, người chị của ông đến hỏi Bulbula. Bibi Gul nghĩ rằng dần dần rồi Bulbula sẽ đủ khả năng làm vợ Rasul. Bà nhận lời không hề do dự, một điều hết sức khác thường. Đồng ý gả ngay con gái có nghĩa là nó "chẳng ra gì", tống được nó đi là may. Chờ đợi và do dự làm tăng giá cô gái, gia đình người con trai phải đi lại nhiều lần, van nài, thuyết phục và quà cáp. Trong trường hợp Bulbula, chẳng phải vận động gì nhiều và được miễn quà cáp.
Trong khi Bulbula nhìn vào khoảng trống không, cứ như cuộc nói chuyện không liên quan gì đến mình, thì cô em gái Shakila của cô lại chong ta lắng nghe. Họ hết sức khác nhau. Shakila linh hoạt và ồn ào, cô là trung tâm chú ý trong gia đình. Cô ham sống, đã đẹp và béo ra, đúng theo tiêu chuẩn Afganistan.
Suốt mười lăm năm qua, từ tuổi trưởng thành rực rỡ của Shakila cho đến ngày hôm nay khi cô ngồi trong một góc phòng sau lò sưởi và lặng lẽ lắng nghe mẹ và anh trai thương lượng cuộc mua bán, những người cầu hôn đã chen nhau đến hỏi cô làm vợ.
Shakila đã phát biểu những đòi hỏi chặt chẽ về người cầu hôn. Khi mẹ họ đến gặp bà, Bibi Gul không như thường lệ hỏi xem họ có giàu không.
- Bà có cho phép nó được tiếp tục đi học không?
- Không, người ta trả lời dứt khoát, và thế là chẳng còn có chuyện cưới xin gì nữa.
Shakila muốn được đến trường và học tập, nhưng chẳng người cầu hôn nào thấy cưới một người vợ có học, hay cự nự thì lợi ích cái nỗi gì. Nhiều khi, chính họ cũng mù chữ. Shakila học hành đến nơi đến chốn và trở thành giáo viên toán học và sinh học. Khi có những bà mẹ khác đến xin hỏi cô Shakila xinh đẹp cho con trai của họ, Bibi Gul hỏi:
- Nó có được phép tiếp tục làm việc không?
Không, họ không muốn. Và cô thành độc thân.
Shakila có được chân giáo viên đầu tiên của mình vào thời kỳ chiến tranh chống Liên Xô đang ác liệt. Buổi sáng nào cũng vậy, cô chạy lon ton, giày cao gót và váy ngắn, đúng theo mốt những năm tám mươi, đến tận làng Deh Khudadaùd, ở cửa ngõ Kaboul. Chẳng có đạn cũng chẳng có lựu đạn, cái duy nhất bùng nổ trong lòng Shakila là tình yêu của cô.
Buồn thay, Mamoud đã có vợ, một cuộc hôn nhân được sắp đặt và không hạnh phúc. Anh ta lớn hơn cô vài tuổi và là cha của ba đứa con. Giữa hai người đồng nghiệp, cú sét đánh nổ ra tức thời. Họ giấu diếm tình cảm của mình và trốn trong những chỗ không ai có thể nhìn thấy được họ, hay gọi điện thoại cho nhau để thầm thì những lời yêu đương. Họ không bao giờ gặp nhau ở đâu khác ngoài nhà trường. Trong một lần hò hẹn bí mật, họ lập một kế hoạch để có thể lấy được nhau. Mahmoud sẽ lấy Shakila làm vợ hai.
Tuy nhiên, Mamoud quả là không thể đến gặp bố mẹ Shakila và xin hỏi cô. Anh phải xin mẹ hay chị anh đến hỏi thay anh.
- Họ không bao giờ đồng ý đâu.,
- Và bố mẹ em không bao giờ nhận lời, Shakila thở dài.
Mahmoud cho rằng chỉ có Shakila biết cách thuyết phục mẹ anh đến gặp gia đình Khan để xin cưới cô. Anh đề nghị cô giả điên và tuyệt vọng và dọa sẽ tự vẫn nếu không lấy được anh. Cô phải quỳ phục xuống chân bố mẹ và nói rằng tình yêu dày vò cô, lúc đó bố mẹ cô sẽ đồng ý. Để cứu sống cuộc đời họ.
Tuy nhiên Shakila không đủ can đảm kêu thét và Mahmoud không dám yêu cầu những người phụ nữ trong gia đình mình đến nhà cô. Shakila hoài công nói với mẹ tình cảm của mình, nhưng bao giờ Bibi Gul cũng tưởng là cô nói đùa. Dẫu sao bà đã chọn cách coi là chuyện đùa việc Shakila muốn lấy một người đồng nghiệp đã có ba con.
Suốt bốn năm, Mahmoud và Shakila tiếp tục gặp nhau ở trường và mơ mộng; cho đến khi Mahmoud được thăng chức và phải chuyển trường. Anh không thể từ chối việc thăng cấp ấy và từ đó họ chỉ còn liên lạc điện thoại với nhau. Shakila vô cùng đau khổ và nhớ người yêu, nhưng không ai có thể nhận ra điều đó. Yêu một người mình không thể nào lấy được là điều đáng hổ thẹn.
Rồi đến nội chiến, nhà trường đóng cửa và Shakila lưu vong sang Pakistan. Sau bốn năm chiến tranh, bọn taliban đến và tên lửa đã im tiếng và hòa bình trở lại ở Kaboul, ngôi trường nơi cô làm việc không được mở lại. Trường học dành cho con gái vẫn đóng cửa và, cũng như tất cả phụ nữ Kaboul, trong vài ngày Shakila mất hết khả năng tìm được một chỗ làm khác. Cùng với cô, hai phần ba giáo viên ở Kaboul đã biến mất. Nhiều trường học dành cho con trai cũng phải đóng cửa vì ở đó cũng dùng phụ nữ. Việc thiếu các giáo viên nam giới có trình độ khiến chúng không thể mở cửa được.
Năm tháng trôi qua. Những dấu hiệu nhỏ nhoi của Mahmoud đã hoàn toàn biến mất vì đường dây điện thoại bị cắt trong nội chiến. Shakila ở nhà cùng với những người phụ nữ trong gia đình. Cô không thể làm việc, cô không thể ra đường một mình, cô phải trùm khăn kín người. Khi cô ba mươi tuổi, những người cầu hôn không đến nữa.
Một hôm, khi bọn taliban đã nhốt Shakila trong cái nhà tù gia đình này suốt gần năm năm, người chị gái của Wakil, một người anh em họ xa đến gặp Bibi Gul xin hỏi cô.
- Vợ cậu ấy đã chết đột ngột. Bọn trẻ con cần có một người mẹ. Cậu ấy tốt nết, cậu ấy có một ít tiền. Cậu ấy chưa bao giờ đi lính, cậu ấy chưa bao giờ làm điều gì bất hợp pháp, cậu ấy đứng đắn và khoẻ mạnh, bà chị của Wakil kể, trước khi nói tiếp thì thào. Đột ngột vợ cậu ấy phát điên và chết. Cô ấy nói nhảm và không nhận ra ai trong nhà nữa. Thật kinh khủng đối với bọn trẻ...
Phải tìm gấp một người vợ mới cho người bố của mười đứa con đó. Bây giờ, những đứa lớn chăm những đứa bé, nhưng nhà cửa tanh bành cả ra. Bibi Gul trả lời rằng bà sẽ suy nghĩ và sẽ hỏi han bạn bè và họ hàng để tìm hiểu về người đàn ông đó. Bà kết luận rằng anh ta chăm làm và đứng đắn.
Vả chăng không nên để lâu quá nếu Shakila muốn có những đứa con của chính mình.
- Việc nó phải rời ngôi nhà này đã được in khắc trên trán nó rồi, Bibi Gul kể cho những người muốn nghe chuyện bà.
Vì bọn taliban cấm phụ nữ làm việc bất kể thế nào, nên bà không hỏi họ có để cho Shakila làm việc không.
Bà yêu cầu Wakil phải tự đến. Nói chung, hôn nhân là do bố mẹ hai bên thỏa thuận, nhưng vì người đàn ông này đã gần ngũ tuần, Bibi Gul muốn nhìn thấy mặt anh ta. Wakil làm nghề lái xe tải và luôn đi xa. Nên anh ta lại phái người chị đến, rồi người anh trai, và lại người chị, mà chẳng lúc nào có được thời gian để tự mình đến, và việc hứa hôn cứ kéo dài mãi.
Rồi tới ngày 11 tháng Chín, và Sultan lại đưa các chị em và con cái của ông sang Pakistan, tránh bom mà ông đoán trước thế nào cũng sắp đổ xuống đây. Lúc đó Wakil đến.
- Chúng ta sẽ nói lại chuyện này khi mọi việc trở lại bình thường, Sultan tuyên bố.
Hai tháng sau, khi bọn taliban rời Kaboul, Wakil trở về. Các trường học vẫn chưa mở cửa và Bibi Gul không nghĩ đến chuyện hỏi anh ta có để cho Shakila làm việc không.
Từ trong góc cạnh lò sưởi, hai người đàn ông chào từ biệt và vội vã trong bóng tối. Chỉ còn lại hai người phụ nữ mà người ta đã gả chồng. Họ vẫn nhìn chăm chăm vào một chỗ. Họ cũng không nhìn những người đàn ông khi các ông từ biệt ra về. Bulbula khó nhọc đứng dậy và thở dài, thời khắc của cô còn chưa thật sự đến. Rasul có thể sẽ phải mất nhiều năm mới có được đủ tiền để tổ chức một lễ cưới. Chuyện đó dường như cô cũng mặc kệ. Cô vứt vài mẩu củi vào lò sưởi. Không ai quấy rầy cô vì những câu hỏi, cô chỉ ngồi đó thế thôi, như mọi lần, rồi cô lê bước rời căn phòng, đi rửa bát đĩa và làm những công việc nội trợ cô được phân.
Shakila đỏ mặt lên khi tất cả những người chị em dồn vào cô.
- Chỉ còn ba tuần! Phải nhanh lên chứ.
- Tôi chẳng bao giờ sẵn sàng, cô than thở, dù vải may áo cưới đã được chọn và chỉ còn việc đưa cho thợ.
Còn phải lo toàn bộ đồ đoàn, vải vóc trong nhà, khăn trải bàn. Wakil góa vợ, anh đã có gần đủ mọi thứ, nhưng dầu sao cô dâu cũng phải mang về cái gì mới.
Shakila chỉ bằng lòng một nửa.
- Anh ấy nhỏ người. Tôi thích những người đàn ông cao lớn, cô tâm sự với các cô chị em. Anh ấy hói và giá anh ấy trẻ hơn vài tuổi, cô cằn nhằn. Và biết đâu anh ấy tỏ ra bạo ngược, không tốt, không cho tôi bước chân ra khỏi nhà.
Các cô chị em im lặng và nghĩ đến những điều đáng buồn đó.
- Cứ hình dung anh ấy sẽ không cho tôi đi đây đi đó, sẽ đánh đập tôi.
Shakila và những người chị em gái của cô mỗi lúc càng bi quan về cuộc hôn nhân này; Bibi Gul bắt các cô phải câm miệng.
- Đấy là một người chồng tốt đối với mày, Shakila, bà khẳng định.
Hai ngày sau cuộc đính hôn, Mariam, em gái của Shakila, mở tiệc tiếp khách nhân danh các cô dâu. Mariam hai mươi chín tuổi và đã lấy chồng lần thứ hai. Người chồng trước của cô đã bị giết trong nội chiến. Cô sắp sinh đứa con thứ năm.
Mariam đã bày bộ đồ ăn trên chiếc khăn dài đặt trên nền phòng khách. Shakila và Wakil ngồi ở đầu mút. Cuối cùng, bây giờ họ mới ngồi cùng nhau không có mặt Sultan và Bibi Gul. Khi những người lớn tuổi hơn trong gia đình còn nhìn thấy họ, họ không được phép tiếp xúc gần nhau, nhưng lúc này, chỉ có các cô em gái, họ nói chuyện với nhau khe khẽ và chẳng mấy để ý đến những người khác, do tò mò đang cố nghe xem họ nói gì.
Giọng nói không đặc biệt thân mật. Phần lớn thời gian, Shakila vừa nói vừa nhìn lên khoảng không. Phong tục đòi hỏi cô không được có tiếp xúc nào bằng mắt với vị hôn phu của mình trước lễ cưới, còn anh thì cứ nhìn cô suốt.
- Anh nhớ em. Anh gần như không thể chờ đợi đến mười lăm ngày trước khi em là của anh.
Shakila đỏ mặt những vẫn giữ cái nhìn cố định.
- Đêm anh không ngủ được, anh đi nằm mà cứ nghĩ đến em - Không có phản ứng gì về phía Shakila - Nào, em nghĩ sao?
Shakila vẫn chỉ ăn.
- Hãy hình dung, khi chúng ta đã cưới nhau, anh đi làm về và em đã chuẩn bị bữa tối cho anh. Lúc nào em cũng ở nhà để chờ anh, Wakil mơ mộng, anh sẽ không bao giờ còn cô đơn nữa.
Shakila vẫn câm lặng trước khi lấy hết can đảm để hỏi xem cô có quyền được tiếp tục làm việc sau khi cưới không. Anh bảo có, nhưng cô không tin, anh có thể thay đổi ý kiến khi đã cưới. Anh đảm bảo với cô rằng nếu làm việc khiến cô cảm thấy hạnh phúc, thì cô có thể làm. Ngoài việc chăm nom cho các con anh và ngôi nhà của anh.
Anh gỡ chiếc mũ chụp, chiếc mũ màu hạt dẻ của những người theo Ahmad Shad Massoud, vị thống lãnh đã bị ám sát của Liên minh phương Bắc.
- Bây giờ trông anh thật xấu, Shakila trâng tráo nhận xét. Anh chẳng có tóc.
Đến lượt Wakil thấy lúng túng. Anh không đáp lại lời xúc phạm của người vợ tương lai mà kéo câu chuyện sang một đề tài chắc chân hơn. Shakila đã bỏ một ngày đi rảo các cửa hàng Kaboul để sắm đồ cưới và quà cho tất cả họ hàng, của cô cũng như của Wakil. Wakil sẽ là người phân phối các quà đó, coi như là động tác của gia đình đã gả cô gái. Anh trả tiền, cô mua. Bát đĩa, khăn ăn, khăn trải giường, khăn tay và vải may áo dài cho Wakil và Rasul. Cô đã hứa với Rasul, chồng chưa cưới của Bulbula, rằng anh ta có thể chọn màu. Cô kể những thứ cô mua và Wakil hỏi màu vải.
- Một tấm màu hạt dẻ và một tấm màu xanh.
- Tấm nào của anh?
- Em không biết, phải để cho Rasul chọn đã.
- Sao?! Wakil kêu lên. Sao lại thế? Anh phải chọn trước chứ, anh là chồng em cơ mà!
- Đồng ý, Shakila trả lời. Anh có thể chọn trước. Nhưng cả hai tấm vải đều đẹp, cô nói thêm vừa nhìn ra trước mặt.
Wakil đốt một điếu thuốc.
- Em không thích khói, Shakila bảo. Em không thích những người đàn ông hút thuốc, cho nên nếu anh hút thuốc, em cũng không thích anh. Shakila cao giọng và mọi người đã nghe thấy lời nói xúc phạm của cô.
- Anh đã bắt đầu thì bây giờ khó mà dừng lại, Wakil lúng túng phản đối.
- Nghe mùi khó chịu lắm, Shakila nói tiếp.
- Em phải lễ độ.
Shakila im lặng.
- Em phải mặc áo choàng. Bổn phận của đàn bà là phải mặc burkha. Em cứ làm như em thích nhưng nếu em không muốn mặc burkha thì em sẽ làm anh buồn. Em có mong cho anh buồn không?
Wakil gần như đe dọa.
- Nhưng nếu Kaboul thay đổi và phụ nữ mặc theo kiểu tân thời, thì em cũng làm như họ.
- Em không nên mặc quần áo tân thời. Em có mong anh buồn không?
Shakila không trả lời.
Wakil lấy những tấm ảnh chứng minh thư trong ví ra, ông nhìn rất lâu trước khi trao một chiếc cho Shakila.
- Chiếc này, của em đây, hãy giữ nó ở gần trái tim em.
Thản nhiên Shakila cầm lấy tấm ảnh một cách miễn cưỡng.
Wakil phải ra về. Đã sắp đến giờ giới nghiêm. Anh hỏi cô cần bao nhiêu tiền nữa cho các thứ còn phải mua. Cô trả lời. Anh đếm, ước lượng số tiền, đưa cho cô mấy tờ giấy bạc, bỏ mấy tờ khác vào ví.
- Đã đủ chưa?
Shakila gật đầu. Họ chia tay nhau. Wakil ra về, Shakila nằm dài trên những chiếc gối màu đỏ. Cô thở dài nhẹ nhõm và ăn mấy miếng thịt cừu. Cô đã thành công trong cuộc trắc nghiệm của anh ta, cô phải tỏ ra lạnh lùng và không khêu gợi cho đến khi họ cưới nhau. Đấy là một dấu hiệu lễ độ đối với gia đình cô, sắp mất cô.
- Chị có thích anh ấy không?
- ừ.
- Chị có yêu không?
- Hừm.
- "Hừm" nghĩa là sao?
- Nghĩa là "hừm". Chẳng có cũng chẳng không. Giá anh ta trẻ hơn và đẹp trai hơn, cô nhíu mũi lại.
Cô giống như một đứa bé thất vọng, được một con búp bê bằng vải rách thay vì một con biết nói mà nó mong ước.
- Bây giờ, chị chỉ buồn. Chị tiếc. Chị buồn vì sắp phải xa gia đình. Và nếu anh ấy không cho chị trở về thăm nhà, nếu anh ấy không để cho chị làm việc thì bây giờ chị còn biết làm gì. Và nếu anh ta nhốt kín chị lại.
Trên nền đất ngọn nến cháy tí tách. Lần nữa, các cô lại có những ý nghĩ u ám. Cũng là hay khi có chúng trước đi.
Ông Hàng Sách Ở Kabul Ông Hàng Sách Ở Kabul - Asne Seierstad Ông Hàng Sách Ở Kabul