Số lần đọc/download: 71739 / 131
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Phần Ba - Những Suy Niệm Lịch Sử
T
hế giới của Kim Dung, nhìn từ chiến trường Việt Nam
Đọc Kim Dung, những người trực tiếp nhận chịu hậu quả của cuộc chiến tranh lạnh giữa cộng sản và tư bản không thể không liên tưởng: Phe tà trong truyện Kim Dung đúng là những người cộng sản, còn phe chính gồm tất cả những người không phải cộng sản, văn hoa hơn, những người thuộc phe tự do.
Sự liên tưởng có lý do của nó.
Trước hết là nguồn gốc. Dù Minh Giáo hay Triều Dương Thần Giáo đều được tổ chức và phát triển tại Trung Hoa, nhưng uyên nguyên vẫn từ ngoại lai. Tía Sam Long Vương không phải là người Trung Hoa, Thánh Hỏa Lệnh viết bằng chữ ngoại quốc. Sự điều hành Minh Giáo, tuy giữ được vẻ độc lập địa phương nhưng vẫn có sự khống chế quốc tế. Không như vậy thì tại sao Dương Giáo Chủ lúc lâm chung đã long trọng di chúc: Người nào tìm lại được thánh lệnh sẽ đương nhiên thành giáo chủ Minh Giáo.
Trong lúc đó, hầu hết danh môn chính phái đều chỉ là những kết tập cục bộ. Mỗi phái vì cùng một nguồn gốc võ học, tụ hợp nhau thành một nhóm người có tổ chức. Trên hết có chưởng môn, truyền lưu theo võ công, giữ bí quyết tuyệt học của môn phái. Sau đó theo trình độ phân chia địa vị huynh đệ. Vì vậy, tuy cùng là chính phái, và địa bàn hoạt động gần nhau, Thiếu Lâm vẫn không thể đồng hóa được Võ Đang. Đôi khi vì quyền lợi nhất thời có một liên lập. Chẳng hạn Hoa Sơn, Hành Sơn, Thái Sơn, Hằng Sơn, Tung Sơn hợp nhau thành Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Liên minh trong những trường hợp như vậy thật mong manh và càng về sau khi bị thử thách càng tỏ ra hữu danh vô thực. Thành thử khác hẳn với Ma Giáo thống nhất hành động và tổ chức từ quốc tế, các môn phái phe chính chỉ là những thế lực địa phương, được thành lập hay tan rã từ những thực tại cá biệt, cấp thời.
Nguyên nhân thứ nhất đưa đến nguyên nhân thứ nhì. Đó là cách tổ chức điều hành. Ma Giáo cũng như Triêu Dương Thần Giáo của Nhậm Ngã Hành có một tổ chức quy củ, kỷ luật nghiêm minh, và vô cùng hiệu quả. Trên hết có Thánh Giáo Chủ. Bộ máy tuyên truyền tinh vi, cùng với uy quyền tuyệt đối đã biến con người điều khiển thành một thứ thần thánh cho đám đông. Lời của Thánh Giáo Chủ là lời vàng ngọc. Buổi sáng thức dậy, nhìn về phương đông, Thánh Giáo Chủ là mặt trời. Buổi trưa nóng bức, đọc được tư tưởng Thánh Giáo Chủ tâm càng sảng khoái. Giáo chúng nhờ nghe lời Thánh Giáo Chủ mà được mùa. Người chèo thuyền nhờ nghe lời Thánh Giáo Chủ mà vượt được sông dài bể cả. Thánh Giáo Chủ vạn năng... Uy tín ngụy tạo đó, dù sao cũng tạo được uy quyền tuyệt đối, và ổn định tổ chức một cách chặt chẽ. Một tiếng lệnh truyền, một tiếng dạ. Dù uy quyền có được tạo bằng những xảo thuật khống chế ( như Nhậm Ngã Hành bắt buộc giáo chúng trung thành với mình bằng cách buộc uống Tam Thi Não Thần Đan ), hay nhân đạo hơn, bằng một niềm tin tạo theo nguyên tắc Pavlov, hiệu quả nhất thời, và trật tự tuyệt đối của ma giáo thật sự đã quyến rủ được các chưởng môn chính phái. Tả Lãnh Thiền Nhạc Bất Quần lao tâm khổ tứ, hy sinh cả gia đình chỉ vì ao ước được hàng hàng lớp lớp phủ phục cúi đầu tung hô Văn Thành Võ Đức, muôn năm trường trị, thống nhất giang hồ. Trong lúc đó, tổ chức của danh môn chính phái thiếu sự chặt chẽ thống nhất. Trừ Thiếu Lâm, vừa là một võ đường vừa là một tu viện, còn các môn phái khác lủng củng manh nha ngay trong nội bộ kẻ lãnh đạo thiếu hào quang và uy quyền. Những quyển sau cùng của bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ làm nổi bật rõ hơn lúc nào hết tình trạng đó của chính phái. Trong phái Hoa Sơn, có sự tranh chấp sâu xa giữa kiếm tông và khí tông. Trong phái Hành Sơn vẫn có những đố kỵ âm ỉ giữa Mạc Đại Tiên Sinh và Lưu Chính Phong. Trong phái Thái Sơn, các sư thúc, sư bá xem thường uy tín chưởng môn, làm trò cười cho võ lâm trên Phong Thiền Đài... Cuối cùng, sự kiện Kim Dung cho các cao thủ chính phái tự giết nhau trong động tối, mang ý nghĩa bi đát là tổ chức lỏng lẻo, sự liên kết giả tạo của chính phái đôi lúc hoàn toàn vô hiệu trước cơn nguy chung, cuối cùng sa vào vực thẳm của chia rẽ và đố kỵ.
Nguyên nhân thứ ba đưa đến sự liên tưởng đó là cách nhìn về con người của chính phái và tà giáo. Công nhận ma giáo có một niềm tin sâu xa về mục tiêu của hành động. Niềm tin đó khiến họ không sợ sệt, hèn nhát đến độ phải van xin Tuyệt Duyệt Sư Thái tha cho được sống. Niềm tin đó đã khiến tất cả giáo chúng minh giáo, dù bị thương, cũng gượng ngồi dậy đưa tay theo dáng lửa, đọc đoạn kinh tử biệt hào hùng. Chính phái vẫn thường gọi đó là cuồng tín, có người còn nghi ngờ giáo chúng bị thuốc cho say trước khi chiến đấu. hành động của chưởng môn Nga My, như trong đoạn trích trên kia, biểu lộ sự nghi ngờ đó. Niềm tin sắt đá ở chí hướng, cọng thêm thái độ dứt khoát chối bỏ truyền thống và công lệ, đã khiến ma giáo luôn luôn bạo hành, quá khích, tàn nhẫn. Con người đối với ma giáo, chỉ là một công cụ. Trong viễn tượng xây đắp một tương lai huy hoàng cho con người, kẻ lãnh đạo ma giáo xem đám đông như một phương tiện vô tri, dễ dàng nhào nặn, kiềm tỏa, sách động, sử dụng.
Trong lúc đó, trừ một vài tên ngụy quân tử, tất cả phe chính nhìn nhận con người như một giá trị tối thượng, không thể nhân danh bất cứ điều gì để chà đạp. Nhưng, cùng với sự thượng tôn con người, chính phái đôi lúc đã làm ngơ trước bất công, và luôn luôn hô hào bảo vệ một thứ trật tự công lý giả tạo dành riêng cho một tầng lớp thiểu số đặc quyền. Ít khi thấy các bậc chân tu cao thủ Thiếu Lâm có thái độ tích cực rõ ràng trước một thảm trạng bất công. Cho nên đôi lúc, chính phái thật giống với hình ảnh phái hữu khuynh của thành phần trí thức thành thị, tư bản mại bản, cùng các giới chức tôn giáo truyền thống lâu đời. Tư bản mại bản thì cần sự ổn định của thị trường để bảo đảm vốn và khuếch trương lời. Trí thức thành thị thì nhờ nhõi vào sự trợ cấp của tư bản để hoạt động văn hóa. Còn chức sắc tôn giáo thì lợi dụng chính quyền như một phương cách hữu hiệu phát triển giáo hội. Tất cả các giới trên cố gắng tuyên dương thứ trật tự có sẵn, dù trật tự xây bằng bạo lực bất công, làm ngơ trước tất cả những vấn nạn cấp thiết về luông tâm. Hô hào bảo vệ truyền thống, nhân danh an ninh xã hội, họ đôi lúc a tòng với cường quyền, và lên án tất cả các khuynh hướng cấp tiến, cách mạng tả khuynh. Người đọc có thể tìm thấy nhiều nguyên nhân nữa, rải rác đây đó trong các tác phẩm Kim Dung. Có nhiều chi tiết hình như tác giả lấy thẳng từ những biến cố chính trị nóng hổi. Sự suy tôn cá nhân, trước là Đông Phương Bất Bại, sau đến Nhậm Ngã Hành, có lẽ tác giả lấy từ phong trào cách mạng văn hóa ở Trung Hoa ( từ những huyền thoại thần thánh từ Mao chủ tịch vĩ đại ra rả truyền thanh trên khắp nẻo Hoa lục, để bảo đảm cho sự cải tạo táo bạo, nhổ bật tất cả cội rễ truyền thống của một dân tộc lâu đời nệ cổ, thành kiến ).
Nhưng riêng đối với độc giả Việt Nam, sự liên tưởng bắt nguồn từ những suy niệm lịch sử của chính dân tộc Việt nhất là thời hiện đại.
Phải đi xa hơn một chút để dài dòng giải thích một hiện tượng xã hội phổ quát.
Trước hết, chúng ta thấy động cơ chính thức đẩy tất cả tập hợp chính trị, các đảng phái, phong trào hoạt động chống đối dưới thời Pháp thuộc, trong những năm đầu thế kỷ hai mươi, không phải là một hệ thống cách mạng tư tưởng qui mô ( như hệ tư tưởng Mác-xít, hệ thống tư tưởng xã hội ). Trước một tình hình đất nước thực tế, một xã hội nheo nhóc vì thực dân khai thác bóc lột, một tinh thần quốc gia tan rã, băng hoại, mục tiêu cấp thiết của mọi sinh hoạt chính trị Việt Nam đầu thế kỷ vẫn là giải phóng dân tộc. Phương tiện đường lối có thể khác, nhưng mục tiêu luôn luôn như vậy. Phong trào Cần Vương tin tưởng hơi nhiều vào giá trị thế lực sĩ phu, tự tin có thể giải phóng đất nước bằng chính bàn tay nhà nho. Sức tàn Đông phương đã không thể giữ cho Phan Phùng trọn tin, và phong trào thất bại đắng cay. Phong trào Đông Du tin ở sự canh tân từ căn bản văn hóa, trong khi phong trào Duy Tân chú ý nhiều hơn đến mặt kinh tế và xã hội. Những tân trào đó, do các nhà nho khoa bảng chủ trương, đều nhắm mục đích âu hóa, với phương pháp và chất liệu tự lực. Phan Bội Châu hay Phan Chu Trinh, dù sao vẫn còn tin ở câu sĩ khả bách vi. Kết quả ra sao, chúng ta đã thấy. Cho nên lớp trẻ của thế hệ 1930 không quan niệm giải phóng theo cung cách ôn hòa thung dung của đông phương. Phải cần đến bạo động. Để đối phó với bản chất bạo hành của chế độ thực dân và văn minh cơ khí, những nhà cách mạng trẻ tuổi không thấy lối nào khác hơn là bạo hành. Khủng bố, ám sát, khởi nghĩa võ trang, trong các hoạt động của Quốc Dân đảng báo hiệu sự chuyển hướng hành động đó.
Cho đến lúc tình hình thế giới biến chuyển, thế chiến thứ nhì làm giảm sức mạnh các thế lực thực dân đế quốc và làm vươn dậy phong trào giải phóng quốc gia, thì một lần nữa, mục tiêu cũ làm nô nức những người cách mạng trẻ. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, kẻ trí thức tư sản ban đầu chỉ tin ở sự cách mạng văn hóa và xã hội, cuối cùng cũng lăn mình vào hành động. Nhưng bây giờ, do sự gần gũi về địa dư và do những biến chuyển của tình hình thế giới, các đảng phái quốc gia tìm cách dựa vào thế lực Trung Hoa. Nhiều nhóm nhận tiền tài trợ của người Tàu để hoạt động giải phóng dân tộc, đặt hầu hết mọi cơ sở cách mạng tại Tàu. Lúc quân Lữ Hán qua tiếp quản phần trên vĩ tuyến 16, nhiều nhà lãnh đạo theo chân về nước trong tư cách sĩ quan quân đội Trung Hoa, và định dựa thế đội quân ô hợp đó để tạo uy thế chính trị.
Cả đến đảng cộng sản Việt Nam, trong những năm thành hình và phát triển, cũng hành động với mục tiêu gần gũi cụ thể nhất: giải phóng đất nước, đập tan chế độ thực dân bóc lột. Nỗi băn khoăn của Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu bơ vơ lưu lạc ở Âu châu, là tìm một thế lực mới, cấp tiến, chịu nhìn xuống thân phận các nước nhược tiểu đang bị đô hộ. Trong các cuộc hội họp chung cùng với những người cộng sản Âu châu, ông không chú ý đến những tranh luận về lý thuyết, về biện chứng, mà chỉ nhìn lực lượng cộng sản như một thế lực hữu hiệu khả dĩ giải phóng được dân tộc. Bắt đầu từ niềm tin đó, Nguyễn Ái Quốc mới tham gia thực sự vào những kế hoạch quốc tế xây dựng cơ sở cho phong trào cộng sản Đông Nam Á bị trị, gần như hầu hết các đảng phái Việt Nam đều cùng nghĩ tới mục tiêu gần nhất: giải phóng quê hương, tranh đấu giành độc lập. Tất cả chủ thuyết tư tưởng, nếu có, chỉ là những cái vỏ bên ngoài để biện minh cho đường lối đi đến mục tiêu ấy.
Nhưng từ khi hy vọng đi đến độc lập càng gần, thì sự phân hóa trong các thế lực chính trị càng trầm trọng. Các nhà viết sử cực đoan và giàu lòng tự ái quốc gia vẫn thường để tất cả tội lỗi lên đầu thực dân. Theo họ, sở dĩ có sự phân ly chia rẽ, không phải do lỗi của người Việt mà do sự quỉ quyệt khôn khéo của thực dân Pháp với chánh sách chia để trị. Sự phân hóa, khi thực dân cuốn gói về Tây rồi, than ôi, vẫn còn đó. Phải công bình nhận rằng sự chia rẽ phân hóa có sẵn trong bản chất, trong cơ cấu tổ chức xã hội của người Việt. Nó là hậu quả tất nhiên của một trình tự tổ chức xã hội, của những điều kiện, hoàn cảnh nào đó...
o O o
Sự phân hóa giữa các chính phái trong Tiếu Ngạo Giang Hồ lần lượt xuất hiện trên trang ba các nhật báo mấy năm về trước, trong lúc trang nhất ghi nhận sự lủng củng trong nội bộ đảng phái quốc gia, sự tranh chấp giữa Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang, sự rạn nứt trong hàng ngũ công giáo.
Nhịp thở của đời sống dân tộc Việt Nam vô tình hòa điệu với biến chuyển trong tiểu thuyết Kim Dung. Những cái mặt nạ rơi, những thần tượng vỡ, để lộ nguyên hình một vài tên con buôn chính trị, trong khi Nhạc Bất Quần cũng dần dần lộ chân tướng tên ngụy quân tử. Và giống như tâm trạng Lệnh Hồ Xung, xót xa không biết tin ai bây giờ, dân Việt sững sờ bơ vơ, không hiểu tương lai đi về đâu.
Chính đó là nguyên nhân tạo nên nỗi đam mê Tiếu Ngạo Giang Hồ trong giới độc giả nhật báo vài năm về trước.
Cho nên nhân sự đam mê nầy, chúng tôi muốn lần lượt tìm hiểu nguyên nhân sự phân hóa của hàng ngũ quốc gia, như Kim Dung đã nêu sự phân hóa trong Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Kim Dung bi quan, cho các cao thủ võ lâm chính phái giết nhau trong động tối. Còn chúng ta, dù sao cũng còn đủ thì giờ tìm một lối đi, sau khi thẳng thắn nhận định thực tại Việt nam.
Thực tại rõ rệt trước hết là nạn kỳ thị địa phương. Căn nguyên là lòng đố kỵ ganh ghét về quyền lợi. Từ khi triều Nguyễn được thiết lập đóng đô ở Thuận Hóa, tự nhiên đặc quyền một số người lâu nay liên hệ huyết thống với vua Lê chúa Trịnh bị bãi bỏ. Dân miền trung và hạ lưu sông Hồng tự an ủi bằng cái nhìn khinh thị ném về những di dân tha phương cầu thực. Sự phân chia sâu xa trong suốt thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, bây giờ thêm sâu xa do sự thất thế của đám cận thần tiền triều. Đây là khởi điểm của kỳ thị nam bắc. Vương triều Nguyễn ngày càng bền vững. Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp tuy có ảnh hưởng đến vận nước, nhưng riêng vương triều, vẫn chắc chắn giữ được một số đặc quyền do thực dân hứa duy trì. Suốt trong hơn trăm năm đó, một tầng lớp ưu đãi thành hình, ăn trên ngồi trốc thiên hạ. Hầu hết những chỗ ngồi tốt trong quan nha đều do người Huế nắm giữ. Đám di dân, trước kia bị người sông Hồng ganh ghét, thực ra không mấy người được ơn mưa móc của tân triều. Dân các tỉnh phía nam Hài Vân quan không khi nào có cơ hội chen chân vào đám thế lực. Trước sau gì rồi cũng phải lo lót cho các ôn các mệ để sống yên thân:
Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay co
Bình Định hay lo
Thừa Thiên ních hết.
Thân phận dân các tỉnh miền nam trung phần vào cuối thế kỷ 19 không hơn gì đám di dân đang cực khổ chống chõi với chướng khí muỗi mòng rắn rít miền rạch rừng mới khai phá cực nam. Điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn cơ hội tiến thân, chịu đựng sự bóc lột của cả thực dân lẫn phong kiến, những nghiệt ngã đó dân miền cực nam và miền nam trung phần phải chịu chung, thành ra trong những năm kế tiếp hiệp định Genève nhiều bác taxi Sài Gòn còn phân chia nước Việt theo lối ganh ghét quyền lợi. Họ gọi người nước Bắc kỳ gồm người bắc và người Huế. Còn đồng bào mình, tức người nước Nam kỳ, gồm dân chúng từ Hải Vân trở vào. Lối phân chia dốt nát như vậy, ngây thơ tự nhiên, nhất định không phải là kết quả tuyên truyền của chính phủ Nguyễn văn Thinh. Nhất định không. Ở cửa miệng những người suốt đời chỉ lo sinh kế, bất chấp sự đổi thay của thời cuộc, chỉ có những sự thật thành hình theo tập tục thành kiến lâu đời. Cho nên ta phải chấp nhận sự hiện hữu của một mối phân ly thứ nhì, phân ly giữa những di dân ưu tiên ưu đãi và những di dân bị quên lãng trong nghèo khó. Trong thời kháng chiến, ở vùng cộng sản kiểm soát, nhờ kỷ thuật vận động quần chúng, những phân ly đó tạm thời phai mờ. Nhưng ở vùng Pháp kiểm soát, do sự thỏa hiệp trở lại giữa thực dân ( bây giờ mặc thêm cái áo lòe loẹt chống cộng bảo vệ tự do ) và vương triều Nguyễn, các tầng lớp ưu thế vẫn giữ ưu thế. Ở trung cũng vẫn người Huế nắm hầu hết các vai trò chính yếu trong chính quyền, nhưng ở nam, nhóm ưu thế đất kinh phải chia bớt quyền lợi cho nhóm thân hào điền chủ địa phương. Các đốc phủ sứ trở thành một uy tín mới, mặc dù đám di dân cùng khổ không tìm thấy gì gần gũi giữa các thổ hào và mình. Dù sao theo họ, có một người lãnh đạo miền nam vẫn hơn. Thật ra không phải lớp đốc phủ sứ mới có uy tín từ sau 1945. Sau hòa ước 1884, miền nam đã thành nhượng địa của Pháp nên ảnh hưởng nam triều không còn gì nữa. Bọn tay sai của thực dân, đứng ra tổ chức bộ máy hành chánh hạ tầng, đã được thực dân trả ơn bằng cách cho chiếm hữu ruộng đất các di dân dốt nát không hiểu luật lệ. Tầng lớp đại địa chủ thành hình, giàu tiền của và giàu thế lực. Rồi do thứ công lý của Lão Tặc Thiên, càng ngày họ càng giàu thêm, uy thế lớn, dám thách thức cả quyền uy triều đình. Trên mọi vấn đề, người miền nam đều muốn có có quyền độc lập. Sự kiện Bảo Đại, trong vòng hào quang của tuổi trẻ và trí thức cấp tiến, khi hồi loan đã phải nghe theo lời khuyến cáo của thực dân, buộc lòng cưỡng lại truyền thống, lấy một cô gái con điền chủ giàu có miền nam làm hoàng hậu, đủ thấy uy thế mới của tầng lớp nầy. Sự kiện những trí thức trẻ miền nam, trong những năm tranh chấp gay go về chuyển ngữ chính thức cho quốc gia, dám hô hào lấy chữ Pháp làm quốc ngữ và thẳng tay che bai chữ Hán chữ Nôm, đủ thấy nội lực của thế lực mới nầy mạnh bao nhiêu.
Như vậy, cho đến những năm trước hiệp định Genève, do ảnh hưởng xã hội lịch sử văn hóa, hai thế lực chính trị mạnh nhất ở vùng không cộng sản là thế lực hoàng triều và thế lực điền chủ miền nam.
Những biến chuyển bất thuận lợi ở miền bắc về phương diện quân sự, cùng với chiến thắng của Mao Trạch Đông ở Hoa lục, đã khiến đám lưu dân kiêu hãnh thời trước sống trong không khí lo âu, kém thế. Ai nấy đều nơm nớp không hiểu số phận mình ra sao. Theo ông Đoàn Thêm, lúc bấy giờ, cả những người lãnh đạo như Nguyễn Hữu Trí cũng không hiểu rõ mình phải làm gỉ. Họ có cảm tưởng như sắp bị bỏ rơi, và mỗi khi có một thủ tướng mới ( hầu hết đều thuộc hai thế lực trung hoặc nam ) những người quốc gia miền bắc thao thức nhìn về kinh đô trong tư thế kẻ yếu. Trong những năm xao động thời tiền Genève, thế lực chính trị của nhóm lưu dân miền bắc coi như không có gì.
Nhưng khi hiệp định Genève được ký kết, phong trào di cư ố ạt thành hình, lôi kéo sự chú ý của toàn thế giới, thì một sớm một chiều, đám lưu dân bây giờ thành di dân, tự nhiên có thế lực chính trị mạnh mẽ khác thường.
Trong bài Kỳ Thị Địa Phương, đăng trên Bách Khoa số 310 và 311, ông Tạ Chí Đai Trường giải thích sự vươn dậy của thế lực di dân là kết quả của một vận động tuyên truyền qui mô trong cuộc chiến tranh lạnh thời bấy giờ:
Thủ tướng, rồi tổng thống Ngô Đình Diệm, xuất thân từ hàng ngũ quan lại, tưởng đám dân chúng di cư đồng tôn giáo đã mang đến miền nam đủ sự thực để bắt người khác phải theo rồi. Chính quyền tuyên truyền ồ ạt về thành quả di cư như là chiến thắng chính trị, không phải chỉ ở riêng Việt Nam mà là chiến thắng chính trị đầu tiên của cả thế giới tự do trên chủ nghĩa cộng sản, vốn được coi là độc chiếm về công cuộc vận động quần chúng. Sự thổi phồng quá đáng nầy tạo cho đám người còn bông lông chật vật hôm qua, nay trở thành một thứ kiêu dân vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Chính quyền về sau giật mình, muốn lấy lại một ít quyền bính nơi các vị lãnh đạo tinh thần, mà thực ra là nắm quyền thế tục, thì vấp phải phản ứng mạnh mẽ của họ. Chiến tranh phát động lại, càng nâng cao thế lực của tập thể chống cộng nầy. Sự đề cao và vuốt ve ưu đãi đã tạo cho số người di cư năm 1954 có hành động lấn át dân địa phương một cách thản nhiên. Củng cố chính quyền xong, nhà Ngô tưởng có thể gỡ lần lại những lỗi lầm của mình để thu hút quần chúng miền nam gần mình hơn. Họ đưa một ông đốc phủ sứ lên địa vị phó tổng thống, một người dòng dõi Trương Vĩnh Ký làm chủ tịch quốc hội, chiếm địa vị số hai số ba của chính thể. Nhưng không những họ Ngô đã sửa sai lầm vì cứ tưởng dân chúng là một số thế gia vọng tộc, vốn gần như không dính líu gì đến dân chúng, mà họ còn không lường được những biến cố hồi 1954-1956 đã ảnh hưởng sâu xa đến chừng nào trên vùng đất họ cầm quyền. Thắng lợi chính trị lôi kéo theo những ưu thế về quyền lợi, quyền và tiền, thái độ bất động đưa tới những thua thiệt khác. Những ưu thế về quyền lợi, trước hết, phải kể đến ưu thế kinh tế. Số tiền viện trợ khổng lồ của Hoa Kỳ đủ bảo đảm cho những di dân khỏi lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người địa phương. Do đó, ngay cả những làng di cư nghèo, trong cuộc sống chung với người miền nam hằng mười mấy năm trời, đến nay vẫn là những hải đảo không cần hòa chung vào cộng đồng miền nam. Tiền viện trợ giúp họ vốn gây cơ sở, thêm vào đó sự cần cù chăm chỉ, họ tự dựng một nếp sống mới vững vàng. Chế độ mới, sau những tranh chấp với các giáo phái và thế lực tay sai thực dân cũ, càng tin tưởng hơn ở hậu thuẫn của dân di cư. Cùng với phong trào tố cộng tuyên truyền cho chính nghĩa quốc gia, con em lớp dân di cư lần lượt giữ vai trò then chốt trong bộ máy hành chánh. Chỉ trong vòng mấy năm, họ chiếm số lớn ưu thế kinh tế.
Tiếp đến là ưu thế văn hóa. Sự băn khoăn của người làm văn nghệ miền nam trước Genève, bắt nguồn từ mâu thuẫn trong thái độ của họ trước thời cuộc. Vào bưng biền kháng chiến chống thực dân, nối tiếp hào khí Nguyễn Trung Trực, đối với người miền nam vẫn còn là một huyền thoại tuyệt vời. Những cải cách sắt máu của cộng sản chỉ mới áp dụng ở trung và bắc. Người cộng sản miền nam vì vậy vẫn còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hào hùng thần thoại:
Lột sắt đường tàu.
Rèn thêm đao kiếm.
Áo vải chân không đi tìm giặc đánh.
Ba năm rồi không trở lại quê hương.
trong lòng người thành thị. Tuy vậy, do nhiều lý do, những người làm văn nghệ vẫn ở lại miền Pháp chiếm đóng, và quá đủ...............
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia. Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xưa bàn độc, nghĩ lại thêm buồn. Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu ngọt gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
( Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc )
Một số người có thể lầm lẫn, nhưng khi nhiều người cùng nghĩ như vậy, thì sự kiện đó đáng quan tâm. Sự liên kết giữa thực dân và các giáo sĩ thiên chúa nằm trong chính sách chung của giáo hội. Đã từng thu thập nhiều kinh nghiệm trong việc chi phối quyền thế tục, chắc chắn giáo hội đã quyết định lợi dụng thế lực thực dân để truyền đạo. Ngược lại, thực dân cũng lợi dụng tôn giáo như là một chiêu bài hay tệ hơn nữa, như một cơ quan trinh sát cảnh sát.
Bernard Newman trong Background to Vietnam đồng ý như vậy khi viết: Đường phố chính ở Sài Gòn ( đường Tự Do ) nối liền bến tàu và Vương Cung Thánh Đường, điều đó thật có ý nghĩa. Trước tiên, chính công giáo và các doanh thương đã đưa Pháp vào Đông Dương.
Sự đe dọa sinh mạng từ phía đám đông đã khiến thiểu số theo đạo công giáo phải phản ứng tự vệ, liên kết chặt chẽ hơn với thực dân. Rồi theo phản ứng hổ tương, sự phẫn nộ của đa số tăng hơn, tạo một hố chia rẽ không cách nào cứu vãn. Thêm vào đó, để bảo đảm sự trung thành của con chiên, buộc họ đặt quyền lợi tôn giáo lên trên liên hệ dân tộc, các vị giáo sĩ tìm cách tách rời họ khỏi cộng đồng Việt Nam. Phải gột cho sạch các tàn tích cũ. Tập tục thờ cúng tổ tiên tuy không phản lại giáo lý, nhưng có những nguy hiểm cấp thời. Có thể nó lôi các tân tòng trở về đời sống bình thường, bằng những kỷ niệm những thói quen xã hội. Vì vậy, tuy biết sẽ gây phản ứng mạnh, các giáo sĩ vẫn nhất quyết bãi bỏ tập tục nầy. Rồi những thói quen, tập tục mới thành hình, lớp tuổi thành niên ban đầu có thể bỡ ngỡ, nhưng lớp sau giữ những hoạt động cộng đồng thiêng liêng như những kỷ niệm đẹp nhất ấu thời:
Nô en xưa anh nhớ
Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau hàng dâu.
Em chờ anh đi lễ.
Chung dâng lời nguyện cầu.
( Thơ Nhất Tuấn )
Chỉ cần vài thế hệ, những tập tục lâu đời ăn sâu vào tâm tưởng người Việt hoàn toàn biến mất, và thói quen mới lại thành tập tục. Tất cả những cố gắng nêu trên đã khiến người công giáo hoàn toàn xa lạ với xứ sở. Sự đố kỵ do cuộc xâm lăng đã tách rời họ khỏi đám đông đồng bào. Bây giờ, với một nếp sống tinh thần dị biệt, họ càng trở nên xa lạ hơn, gần như người ngoại quốc trên đất Việt.
Khi cuộc xâm lăng hoàn thành, giáo dân được ưu đãi. Trước kia họ bị bách hại khinh thị. Giờ đây, họ ở vào thế mạnh. Thực dân đền ơn họ. Họ được dễ dàng trong việc buôn bán. Con cái họ, vốn quen với nếp sinh hoạt tây phương, lại được các vị thừa sai giới thiệu, trở thành cán bộ nòng cốt cho cuộc bình định khai thác. Trong khi đó, thế hệ nhà nho suy vi đến độ tội nghiệp:
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa nầy có sướng không.
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân tú cử ngỏng đầu rồng.
Trên vai những người thuộc thế hệ cũ ( nho gia, phật tử ), ngoài mặc cảm thua sút xót xa, còn đè nặng nỗi oán thù đối với những giáo dân hãnh tiến.
Sự kỳ thị tôn giáo, bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử và xã hội tích lũy lâu đời, tất nhiên phải trầm trọng vô cùng.
Sau hiệp định Genève, thế lực công giáo còn bền vững hơn dưới thời thực dân. Do những động lực bây giờ chưa thể tìm xét hết, Ngô Đình Diệm tin rằng chỉ người công giáo mới là những cán bộ chống cộng trung kiên. Để hữu hiệu hóa guồng máy chính trị vốn ù lì uể oải, tổng thống chỉ tin cẩn những người công giáo, giao cho họ những chức vụ chính yếu.
Càng về sau, sự can thiệp của giáo hội lên chính quyền càng trở nên lộ liễu. Ở các địa phương, kẻ có thực quyền nhất là các linh mục. Các vị nầy ngang nhiên dùng công xa, can thiệp vào tất cả mọi sinh hoạt hành chánh cũng như chuyên môn. Đưa người nầy lên, đưa người kia xuống. Đã có những vị ty sở trưởng yếu bóng vía và tha thiết hơi nhiều đến cái ghế, vội vã, rắp ranh đi rửa tội.
Đạo công giáo, trong quá trình phát triển ở Việt Nam, quả đã bất chấp sự hiện hữu của các tôn giáo khác. Cho nên cuộc đảo chính 1-11-1963 mang mầu sắc tranh đấu tôn giáo và được Phật tử ủng hộ không có gì đáng ngạc nhiên. Vụ ngộ sát ở đài phát thanh Huế chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn bát nước đầy.
Nói chung lại, trong những ngày trước cuộc đảo chính 1963, tình trạng phân hóa của xã hội Việt Nam đã đến cùng tột. Phân hóa kỳ thị địa phương giữa ba thế lực chính: thế lực miền trung, thế lực bắc Việt di cư, thế lực thân hào miền nam.
Phân hóa do kỳ thị tôn giáo: giữa người công giáo đang nắm ưu quyền trên mọi mặt và những người không công giáo ( nhiều nhất là Phật tử ) trong thế yếu, tự xem mình là một lực lượng thuần túy dân tộc ái quốc.
Động lực chính của kỳ thị phân hóa, nói ra thêm thẹn, là sự cạnh tranh về quyền lợi.
Ngô triều đổ, những đoàn thể đã từng là niềm hãnh diện cho chế độ như thanh niên cộng hòa, phụ nữ liên đới, phong trào cách mạng quốc gia, một sớm một chiều tan vào bóng tối. Kể cũng không có gì lạ, vì cũng một hình hài èo uột đó một thời đã nghiêm chỉnh chào lá cờ tam tài cất cao giọng hùng hồn: Maréchal, nous voilà, devant-toi... rồi tung hô đức quốc trưởng vạn vạn tuế, Ngô chí sĩ muôn năm, trước khi mặc đồng phục thanh niên cộng hòa. Chỉ việc mở vài hạt nút, xếp trở lại xó tủ, một phong trào tự nhiên xẹp lép.
Lực lượng Phật tử miền trung, từng giữ vai trò quan trọng trong cuộc vận động lật đổ Ngô triều, tưởng như vậy là thế lực công giáo đã tàn. Phong trào cứu quốc thành hình, sách động học sinh, sinh viên xuống đường đòi tận diệt cần lao. Nhưng những tướng lãnh trẻ, tự đội lên đầu vương miện cách mạng, tuy say men chiến thắng vẫn còn đủ tỉnh táo. Họ biết các thế lực cũ vẫn còn nguyên, chỉ tạm yên lặng để quan sát thời thế. Cho nên trong khi hội đồng quân nhân cách mạng vuốt ve tự ái của Phật tử, họ vẫn không dám động đến công giáo, tưởng có thể hoãn binh bằng cách đẻ ra một chính phủ chuyên viên. Đối với những biến cố lịch sử tiếp theo, bây giờ còn quá sớm để biết những động cơ chính, hay phân lượng ảnh hưởng giá trị. Những đổi thay liên tiếp càng tạo cơ hội cho bao nhiêu mâu thuẫn kỳ thị bộc phát một cách bi thảm kỳ quặc. Phật tử và giáo dân vác gậy gộc dao búa chém giết nhau giữa phố xá thanh thiên bạch nhật. Nạn nhân đều được quốc táng, được phong thánh tử đạo. Cùng một tôn giáo, có hai tổ chức giáo hội đều tự xưng là THỐNG NHẤT ( đó là chưa kể thứ giáo hội THUẦN TÚY đã mồ yên mả đẹp ), bỡi vì tuy cùng nhất ở đạo, họ không nhất ở nguồn gốc và quyền lợi. Công giáo cấp tiến dám gọi cộng sản là người anh em của tôi, trong khi công giáo di cư tránh né lạn mình đu đưa để suy diễn theo ý mình Thông Điệp Hòa Bình của Đức Giáo Hoàng. Cùng lúc đó, nạn kỳ thị nam bắc vẫn sâu sắc. Sự thành lập Viện Đại Học Cần Thơ và Nhóm Liên Trường có thể xem là biểu lộ của bất mãn địa phương, trước uy thế của nhóm bắc di cư và công giáo.
Đứng trước tình trạng đó, nhà lãnh đạo nào cũng phân vân. Không biết phải giải quyết thế nào bây giờ. Làm sao củng cố uy quyền lãnh đạo trong thế phân hóa nầy?
Tướng Nguyễn Khánh giải quyết bằng cách chơi trò đu dây giữa các thế lực. Phải nhận ông chơi lanh vô cùng, thành thạo trò hí lộng vậy mà cuối cùng vẫn phải mang gói đất lên máy bay một đi không trở lại.
Các thủ tướng dân sự hoặc mềm dẻo, hoặc gân guốc, cuối cùng vẫn bị quật ngã. Khát vọng chung của các nhà lãnh đạo Việt Nam là tái lập uy quyền. Như Tả Lãnh Thiền của Kim Dung bị huyễn diệu của trật tự ma giáo quyến rủ, các nhà lãnh đạo quyết tìm cho ra một thứ Tịch Tà Kiếm Phổ.
Kiếm phổ nầy của Kim Dung, là một bí học tuyệt diệu của người lãnh đạo. Nhưng muốn học thì phải tự hoạn như Đông Phương Bất Bại, Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần.
Nhà lãnh đạo của Việt Nam có dám tự hoạn không, nghĩa là có dám cắt bỏ tình người như cộng sản, để sử dụng con người trọn vẹn như những bộ máy vô tri không?
Nguyễn Mộng Giác
Qui Nhơn, tháng 3-1971.