Điều tôi quan tâm không phải là bạn đã thắng hay thua, mà là bạn có sẵn sàng đón nhận thất bại hay không.

Abraham Lincohn

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
y Lan ở lớp học ngoài phố về.
My Lan ngạc nhiên, trông chỗ khe cửa nhà lờ mờ ánh đèn. My Lan giật mình. Hay là Tứ? Không còn nhà nào trong lối đi còn đèn. Ở cái nơi quen đi ngủ từ tối đất, vào giờ này đèn điện chung một dây cả ngõ không còn. Ai biết chỗ thắp đèn dầu lên trong nhà mình?
My Lan nhìn ghé lên trên phên vách. Thoạt bóng người, biết đấy là Thư.
My Lan đỡ lo. Khi biết là Thư, My Lan lại vui.
My Lan mở cửa, kêu:
– Chị Thư! Mới về đấy à? Cháu Lâm đâu?
– Cháu ở đằng kia.
– Sao không cho nó về? Dạo này, chị có hay đánh nó không?
Câu hỏi vô tình khiến Thư đâm bực. Nó làm như mình lúc nào cũng đánh con. Những lúc phải cầm đến cái roi, chị đau từng khúc ruột. Chị thương con. Chị chỉ có một mình nó. Nhưng mà nó hư, không biết làm thế nào, mẹ cứ vừa đánh con vừa khóc.
Trong ánh đèn tù mù, mặt Thư cau lại, ngẩng lên. Cặp môi rũ nét, nước mắt ứa ra. Gì thế? Chợ Giời hồi này hết thời, không còn ăn thua nữa. Cái chợ Giời, chỉ kiếm được khi nhốn nháo. Bây giờ, chợ Giời dọn về Chùa Vua, như cái chợ bình thường, từng gian, từng khu, có mậu dịch, có trật tự đeo băng đỏ huýt còi, có giờ có buổi. Chạy hàng xách, buôn nước bọt, hàng lậu, kẻ cắp hết đất. Thư vốn hiền, chẳng qua phải lăn lộn, để giựt lấy cái sống, thật cũng không biết làm gì khác.
My Lan hăng hái nói:
– Thư ơi! Vui lên, chị ạ. Cũng khó thật, nhưng lúc này chỉ khó với cái đứa không đặt nổi chiếc đòn gánh lên vai thôi.
Thư thoáng nghĩ: “Nó nói như cán bộ”. Nghĩ thế, tự dưng Thư hỏi, lo lắng, giật giọng:
– Đi đâu về khuya thế?
My Lan không chú ý tiếng Thư gay gắt. My Lan lại hớn hở và không trả lời thẳng câu hỏi của Thư, My Lan nói:
– Anh Trử hẹn sẽ đưa em đến khu đoàn thanh niên. Anh Trử dạy bình dân ở ngõ này ấy.
Thư sửng sốt hỏi:
– Đi công tác à?
My Lan buộc lại nút khăn vuông, mỉm cười, không trả lời.
Câu Thư hỏi lại đẩy Thư đến một thế khó. Muốn nói thật một câu mà không biết nói thế nào. Và vẻ hớn hở của My Lan khác nỗi bồn chồn, khi Thư nghe My Lan cứ ríu rít chuyện về khu thanh niên, về công tác, về việc làm... về cán bộ... Những cái mới lạ chưa nghe My Lan nói bao giờ.
Thư ngắt lời, đột ngột:
– Này này... Trử là em tôi...
My Lan, bỗng tròn ơ miệng. Cái điều phảng phất đã thấy, mà lại, dường như chưa hề nghĩ ra. Thảo nào. Anh Trử cứ thắc mắc về cái ảnh. Trời ơi, chị Thư là chị anh Trử... My Lan nghĩ đến Trử, thiết tha. My Lan bước lại trước mặt Thư, giơ hai tay, sắp ôm chầm cả hai vai Thư.
– Chị ơi!
Nhưng, một thoáng lạnh ngắt, toát từ đôi mắt Thư, làm châng hẫng hai bàn tay My Lan. Con mắt quắc lên hằn học, tức tối.
My Lan chợt hiểu. My Lan nhớ lại từ lúc nãy. Trong đời con người thường gặp những hắt hủi, My Lan thính với kẻ khinh mình. Con mắt thờ ơ đương nhìn My Lan, My Lan là hạng người không ra gì. Con mắt kia đang nghĩ: “Trử là cán bộ kháng chiến, Trử là em tao. Mày không thể chó liếm mặt người. Tao đến để báo cho mày biết thế đấy”.
Sự ganh ghét lại hay xảy ra ở chính người cùng cảnh ngộ. Nhưng mà nào đã nên thế nào đâu! Làm gì mà ả này phải điên lên, thật dơ. Chị Thư mà thế ư? Chị Thư với My Lan mà... Chị Thư cũng độc ác thế ư? Chị Thư cũng như bà lang thuốc ê, như nhà anh Bốn, như bà bún riêu, như mọi người ở đây. À thì ra... cái nhà chị Thư kia vẫn giữ con người nanh ác. Nó là vợ thằng lính ngụy, sống lẩn như trạch mà vẫn thế...
My Lan muốn văng một câu. Nhưng không nói được. Hai vẻ lạnh lùng sâu thẳm của hai người bỗng đối mặt nhau.
Cái lặng im không phải chỉ đau My Lan, mà đương cũng bàng hoàng cả trong Thư. Sự tức bực và lo nghĩ đến độ nói bật được ra, nhưng Thư lại nhớ lại, lại hối hận, lại ngậm ngùi. Thư càng bồn chồn.
Thư vụt bước ra, chạy lao đi.
My Lan gieo mình xuống giường. Bỗng nhiên, mờ mịt chẳng hiểu từ nãy đầu đuôi ra thế nào cả. My Lan gục vào mấy cái áo rách xếp làm gối, My Lan khóc.
o O o
Hôm ấy, Trử và cả chi đoàn thanh niên cơ quan xuống khu phố đi với những tổ tìm hài cốt chiến sĩ. Mỗi công tác lớn thành phố đều được tổ chức thành chiến dịch, các cơ quan tham gia.
Mười năm trước, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu, những trận đánh của Trung đoàn Thủ Đô, của những đội tự vệ thành ác liệt ròng rã khắp trung tâm thành phố, chợ Đồng Xuân; phố Hàng Bạc, Hàng Bồ, ra các cửa ô, Khâm Thiên, hồ Tây, Đông Dương Học xá, ô Cầu Rền...
Bây giờ vẫn còn nhiều dấu tích, mà người đi đường chăm chú nhận xét có thể thấy. Khoảng tường chi chít lỗ chỗ đen hở gạch. Một đầu móng đắp miếng vôi vá tròn tròn. Đấy là những vết đạn. Đấy là những lỗ tường được đục làm chiến lũy đường thông luôn các nhà.
Cả trong lòng đất cũng có những kỷ vật thiêng liêng. Ấy là nấm mồ vô danh, có đến hàng nghìn người bị giặc Pháp giết rồi đem chôn một hố. Chỗ sau Tòa án bây giờ, một dải đất và một áng cỏ. Và ở nhiều nơi, có khi không ai biết, có khi đồng đội đã chôn vội xác xuống đấy.
Thành phố tổ chức tìm hài cốt chiến sĩ.
Người đi đường thấy cạnh gốc cây nhội bên vỉa hè trước cửa một tổ cắt tóc, một hiệu phở, một cửa hàng bách hóa, gần cửa chợ Hôm, tấp nập, có người đến cắm lên một lá cờ đỏ sao vàng. Các chị mặc áo dài trang trọng, đem hương hoa đến. Khói hương tỏa ngát. Một chiếc mũ sắt và một cái tiểu sành để bên. Mấy người đương nậy gạch vỉa hè rồi bắt đầu đào. Ở chỗ đông vui bây giờ, mười năm trước, có chiến sĩ đã nằm xuống.
Thanh niên cơ quan Trử tham gia các đội tìm hài cốt ở khu Hàng Cỏ.
Ông Ba Gác cũng vừa đi về. Cái xe ba gác được việc lắm. Trên lòng xe còn giắt những vỏ bao hương đỏ và những chân hương cầm đầy hai bên thành.
Ông Ba Gác buông càng xe, nói to với Trử, như kể với cả xóm:
– Chỉ dọc nửa đường Bà Triệu đã đào được mười sáu bộ xương còn tốt nguyên. Xe tôi cứ đưa tiễn ra cả bờ hồ Hoàn Kiếm, tập trung rồi có ô tô đem về nghĩa trang Mai Dịch.
Trử tạt vào nhà Bốn xế lô, đợi giờ đi dạy, học xong rồi mới về cơ quan nhân thể. Mấy hôm không đến đây, Trử không biết Gái bị sa hố mảnh chai ngoài bãi. Trử cũng không biết Gái đã rên rẩm cả chiều hôm ấy. Nhưng Trử cũng không biết niềm vui đã khiến hôm sau Gái đi khám cẩn thận. Vết đau đã thôi tấy, đương khỏi. Niềm vui, niềm tin ảnh hưởng tới bệnh tật lắm. Gái đương như thế.
Vừa thấy Trử, Gái đã cười nói:
– Anh Trử cho nhà tôi nghỉ học hôm nay nhé.
Vẻ tươi cười của Gái làm Trử quên đi cái khó chịu hôm trước Gái nguýt và quét nhà đuổi My Lan.
Trử hỏi:
– Đi họp à?
Gái, vẻ bí mật:
– Không.
– Thế đi đâu?
Gái cười:
– Nhà tôi bằng lòng về quê rồi.
Trử tròn mắt:
– Về quê à?
Bấy lâu, Trử đã hiểu nỗi riêng nhà Bốn xế lô.
Gái kể:
– Có đồng chí cán bộ rất thân với nhà tôi, mới về chơi. Đồng chí còn giữ cái áo bành tô nhà tôi mặc cho lúc trá hình trốn đi, đây này. Bác ấy đưa lại cái áo. Nhà tôi như trẻ con, nước mắt cứ ròng ròng. Bác ấy bảo nhà tôi nên về quê. Anh chị là nông dân mà lại không về làng? Chỉ hỏi có một câu mà chuyển đấy. Tài thật.
Gái còn nói dài dài, nói nhiều tiếng mới, Trử chưa nghe Gái nói thế bao giờ. Những danh từ mà anh cán bộ nói, Gái đã nhớ và nói như thế. Năm trước, người đàn bà khốn khổ này chỉ biết có cái bãi rác và nỗi buồn muộn màng. Bây giờ chị nói: nông thôn ta đổi mới... Chúng ta thi đua sản xuất... hạt thóc củ khoai là mặt trận.
Trử hỏi:
– Thế anh cán bộ ấy bây giờ ở đâu, hả chị?
– Bác ấy công tác trên rừng, về tre gỗ nứa lá. Vợ con vẫn ở nhà quê. Hy sinh thế đấy. Không màng đến công tác thành phố. Này buồn cười, tre gỗ nứa lá cũng là công tác à?
Trử nói:
– Tre gỗ nứa lá để xây dựng mà.
Gái luôn miệng: “Tài nhỉ. Ồ, tài”. Gái đương vui. Trử cũng muốn nhân đương chuyện, nói mấy câu về thái độ Gái đối với My Lan.
Trử lựa nói. Trử hỏi:
– Thế là anh Bốn về quê.
– Bảo về xem tình hình đã. Cần quỉ gì phải xem tình hình. Chủ tịch xã là ông chú họ, thế chứ còn thế nào. Về làng bằng về nhà rồi. Ngày trước bỏ ra đây cũng vì cái lúc trong bóng tối phải đi mà cầu cái sống. Nói thật thì cũng là lúc ấy sợ, có tham sống sợ chết. Nhà em tự ái cứ bảo: cái lúc cải cách ruộng đất có đứa tố mình sợ chết bỏ làng. Đã thế không thèm về nữa. Ương mãi, bây giờ được đồng chí ấy nói cho một câu, mới thủng tai ra. Ấy nhà em vẫn thế, không thích thì vứt, đã thích thì làm chết thôi. Thế là đùng đùng về luôn.
Rồi Gái nói thêm, hả hê:
– Ấy rồi vài hôm nữa, ra rồi lại bắt về ngay cho mà xem. Hấp tấp chẳng kịp cho thu xếp gì đâu. Cứ như ma đuổi. Người đâu mà như lửa.
Đã xẩm tới. Ánh điện ngoài phố hắt lên những đầu nhà, những mô rác, những lùm cây. Đôi chỗ, trong bóng đen bật lên một khe sáng như những con mắt mở thao láo trong đêm. Người đi phía đường xuống ngã tư Vọng trông sang thấy bóng bãi rác in xuống mặt hồ tối đen lốm đốm, lấp lánh như ma trơi ngoài tha ma.
Trử trông ra sau bụi lau, thấy có bóng người đi qua. Cái kẻng vành bánh ô tô lắc lư tung lên tiếng rè rè tới tấp, giục giã. Kẻng gọi học. Trử ngờ ngợ đoán My Lan. Lát sau, lại cái bóng ấy quay lại, Trử đã trông rõ My Lan. My Lan ngại vào. Muốn gặp Trử, My Lan đi loanh quanh ở ngoài.
Nghĩ vậy, Trử nói:
– Thế là vợ chồng chị sắp không ở đây nữa rồi.
Gái thở dài thượt một cái:
– Ngấy đến tận cổ đất này. Toàn quân chốn chúa lộn chồng, cờ gian bạc lận cả thôi.
Được dịp, Trử nói:
– Bây giờ khác rồi.
Gái cãi:
– Thế những như cái con My Lan thì thế nào?
Trử luống cuống vì câu nói phũ của Gái.
– Cô My Lan... My Lan...
Gái tiếp luôn:
– Con ấy chỉ đáng tống đi Ba Sao[1].
Trử lặng người, không nói được. Trử ngồi im.
Lát sau, Trử mới nói:
– Không đến nỗi thế đâu. Cô ấy tiến bộ rồi.
Lại thấy có bóng người qua ngoài rào, Trử đoán vẫn là My Lan.
Cũng đã tới giờ học. Trử đứng dậy.
Gái ngó ra, trông thấy My Lan. Gái lẩm bẩm: “Có lẽ mắc nhau rồi”. Gái bĩu môi, quay vào.
Dưới gốc cây vông, những cành xương xảu giơ lên nền trời nhờ nhờ.
My Lan hỏi:
– Anh Trử có nhớ cái ảnh hôm nọ ở nhà em không?
– Nhớ.
– Chị anh đấy, anh Trử ạ.
– Chị Thư à?
– Vâng.
Rồi My Lan sụt sịt khóc. Nỗi đau đớn hơn tất cả những cơn đau từ ruột gan thấm thía ra. Trử không hiểu ra sao.
o O o
Trử tìm đến nơi chị Thư ở.
My Lan đã nói cho Trử nghe biết nông nỗi đời chị Thư.
Nhưng My Lan không kể lại việc tối hôm trước Thư giận dữ đến bảo “Trử là em tôi”. Trử hỏi sao My Lan biết. My Lan chỉ nói My Lan biết, thế thôi.
Chồng Thư, không hiểu phải Tây bắt theo đi Nam hay bỏ vợ con đi, hay chết rồi, không ai rõ. My Lan cũng không biết mặt. Khi Thư giạt đến cái ngõ này, chỉ thấy có hai mẹ con chơ vơ. Nhưng rồi ai cũng biết đấy là vợ một lính ngụy. Nỗi lo ấy ám ảnh nặng nề. Lo quẩn, rồi sợ quá, không dám gặp ai. Không đi đâu. Cả đến người ngờ ngợ là em mình mà cũng không dám hỏi cho ra, không dám gặp.
Trử đến tìm chị Thư, vừa mong, vừa thương - trong kỷ niệm tuổi thơ vẫn nguyên hình ảnh chuyến đò đêm ra Đồng Quan, hai chị em cùng đi hôm gặp chị lần sau cùng. Trử vào đến một ngõ hẻm phía Chùa Vua.
Phố vắng. Buổi chiều lạnh. Một người đàn bà đứng trong cửa hắt chậu nước ra cống rồi quay vào. Người đi làm về, dắt xe đạp, bước vội vội. Phía ngoài, có tiếng ồn ào. Trử quay lại. Một đám trẻ lăng xăng chạy, reo a a, như xem cái gì chưa tới, mà vướng hai đầu đường, Trử chưa trông thấy.
Những ngõ phố, nhà ở chen chúc, lèn nhau, ngoắt ngoéo. Ngoài phố lớn, lúc nào người xe cũng cuồn cuộn. Nhưng tất cả đọng lại ngoài bờ tường. Trong này, lững lờ như không. Cái ngõ chơ vơ trên bãi rác hay cái ngõ hẻm ở kẹt vào giữa phố đông cũng thế. Lên ba bậc gác, trông quanh chỉ thấy những sân sau, những nhà vệ sinh đen mốc chon chỏn một mái chéo nối đuôi, tưởng không bao giờ hết.
Ông hàng có chiếc xe bán cà phê, bánh mì ba tê, thuốc lá. Tảng sáng, xế chiều, chặp tối, mải miết, lộc cộc, lạch cạch, hấp tấp.
Có người hỏi ác:
– Phải ba tê chuột không đấy?
Ông cười hề hề:
– Muốn làm cũng không làm nổi. Ở cái buồng hoẻn này, trông vào tận gầm phản ấy mà. Không, nói thật, tôi chỉ cắt mỏng lấy đồng lãi thôi. Giỏi cắt mỏng không phải mang tội.
Rồi ông cười hề hề. Có khi hết ba tê, lại xoay ra bán “tào sa”. Nửa đêm, đẩy xe đến ngã năm, cạnh gánh lão cháo gà, xôi gà. Vừa bán buông bát, lại vào ngồi thưỡn hai tay trên đầu gối, thở dài: “Xoay nắp năm lần mà vẫn chưa được mở bát”. Tay sành xóc đĩa nói ý ngồi mãi chưa được bán. Có lúc vặc nhau với người ăn “tào sa” đậu trắng hay đậu xanh. “Khốn khổ, tôi có dối cái gì to tát chứ nói dối một tờ giấy trăm bạc thì làm gì. Có cái đậu xanh đắt phải cho thêm bột, chứ đậu trắng thì nuốt làm sao”. Lúc người ăn vừa đi khỏi, ông tặc lưỡi: “Nói thế chứ, bạc triệu đâu mà chuốc đậu xanh cho các ngài”. Ông cháo gà chỉ chịu chuyện, chốc chốc thở dài, bảo thằng con: “Rửa bát đi. Mai vào hợp tác rồi còn bát đâu mà rửa”.
Cạnh nhà cô nọ - nhìn bộ mặt bự phấn cũng đoán được việc cô làm. Cô không cần ai hết. “Tao buôn lậu đấy. Biết thì bắt. Chẳng biết thì làm gì tao”. Ai gọi đi họp, cô bĩu môi: “Họp không ra gạo, học cũng không ra gạo, thế thì thế nào...”.
Các ả mà nói chuyện với nhau thì không chê được. Không ai biết các cô nói thế nào. Những tiếng lóng từ đời tám hoánh truyền lại, các cô thạo vanh vách.
– Chớ kẹo[2]
– Không được, phải kẹo kẹo[3]
– Tháng trước chỉ trách[4], chỉ thâm[5]. Làm ăn buôn bán đi tong rồi.
Những nhà khách bày cái thúng bán lặt vặt, quả chanh, quả ổi ngày ngày bưng ra bưng vào. Ôi chao, người với người mà ăn ở hàng ngày mới lộn xộn làm sao. Miếng sân rộng một hai sải chân, chỗ rửa bát, hôi hám. Đấy cũng là nơi để ra đứng cãi nhau, quát tháo vang khắp ngõ.
Ngày nào cũng có người ném chậu, ném bát loảng xoảng. Rồi hét: “Mày chết thì ông đi tù... Ông đánh mày chết ông đi ngồi tù...” Nhưng rồi lại im, đâu vào đấy. Có người cười: ném cái thau nhôm, ném cái bát vỡ sẵn đấy. Như diễn viên cãi nhau trên sân khấu ấy mà. Mai lại thế, ngày kia lại thế.
Mỗi nhà có một cái hỏa lò. Thổi nấu như hun chuột. Nhà nào cũng che mành che bạt sùm sụp để ngăn khói. Những cái tủ gương gỗ lát, những tủ chè mặt kính khảm sà cừ, đồng hồ báo thức, đồng hồ quả lắc đổ chuông thánh thót từng mười lăm phút, dạo nọ rước được ở chợ giời về những của mĩ miều ấy, bây giờ đã ám khói cả đến mặt kính mặt gương cũng vàng ợt.
Trử đi suốt vào ngõ. Cái ngõ cụt, không mấy người lạ vào đến. Cho nên, ai đương có ở nhà cũng nhòm ngó ra. Giữa ngõ, một cây vông mọc như nứt từ trong kẽ tường. Những ngõ chen chúc người ở hay có cây vông. Không biết chim tha hạt đến, hay người ta trồng cắm cành. Những cây vông mùa đông xù xì, khẳng khiu như cây khô. Mai kia, chớm hè, hoa vông nở đỏ khé trên ngõ.
Trử ghé nhòm vào một cửa. Một người nằm trên phản, quay mặt vào trong.
Trử nói:
– Cho tôi hỏi thăm.
Người ấy vẫn ngoảnh mặt vào, chỉ nghe tiếng, như quát:
– Ai hỏi gì?
– Tôi hỏi ở ngõ ta có nhà chị Thư.
Một tiếng gắt cụt lủn:
– Không biết.
Người ấy cũng từ từ quay mặt, lé mắt nhìn ra. Trử đương đứng ngơ ngẩn. Chưa biết nên vào trong hỏi nữa hay đi ra. Vừa hay, Trử nhìn thấy, Trử reo:
– Kìa ông Ba Tê. Ông ở đây à?
Ông ấy giật mình. Ông Ba Tê thật. Ông Ba Tê dọn ở bãi rác lên ngõ này. Ông Ba Tê có vẻ sợ. Ông ngồi dậy, ấp úng, gãi đầu:
– À... anh... đồng chí...
– Ông ở đây a?
– Vâng, vâng. Mời anh...
– Ở đây cũng bề bộn lắm nhỉ?
– Cảnh nghèo thì đâu cũng thế. Cái khó chả bó cái khôn mà.
– Ông cho tôi hỏi thăm nhà chị Thư có ở đây không. Chị Thư dạo trước ở đằng bãi rác Vân Hồ với ta...
– Nhà Thư à? Có đấy, có. Cái gian ngoài ở nhà trong cùng.
Thấy anh nói năng dịu dàng và hỏi thăm người khác, không động đến mình, ông Ba Tê đỡ lo.
– Mời anh vào nhà xơi nước.
– Tôi vào xem chị Thư có nhà không đã.
– Việc gì đấy, anh?
– Không ạ.
Ông hỏi nhỏ:
– Lên tận đây bắt đi học à?
Trử cười:
– Ông sợ học văn hóa lắm nhỉ. Ông Ba Tê...
– Không, không.
Ông Ba Tê ra cửa tần ngần nhìn theo Trử. Anh này tìm hỏi cái nhà Thư làm gì. Hay là đi điều tra tông tích vợ con lính ngụy. Hay là cả cái ngõ này cũng sắp có trụ sở, có lớp học, có hát múa. Chẳng kẻo, đã làm tổng vệ sinh, đã đi họp với tổ ngoài phố rồi. Ông Ba Tê ngơ ngác. Thế nào đây?
Trử đi vào trong ngõ, đến căn nhà áp tường trong cùng. Trử gõ cửa. Cạch cạch... Không ai thưa. Mà cánh cửa chỉ khép hờ. Trử khẽ đẩy tấm cửa gỗ đã mọt lướp tướp.
Đấy là một gian kín, không có cửa sổ, chỉ một cửa ra. Trử đương đứng sấp bóng. Phải chớp mắt mấy cái mới dần dần nhận ra xung quanh. Nhưng rồi cũng chỉ thấy độc chiếc chõng hay chiếc giường một kê phía trong, vừa một sải chân bước đến.
Lúc đầu không thấy người. Trử tưởng đấy là cái áo cái quần rơi hay con chó con nằm dưới đất, ngay chân giường. Nhưng rồi trông rõ ra người nằm - một thằng bé. Nó nằm nghiêng mặt ra, hai mắt thao láo, trông thấy người vào mà im lặng. Mặt thằng bé nom quen quen. Đã gặp ở đâu. À thằng Lâm... Khi còn ở bãi rác, đã thấy nó mấy lần. Lại nhớ hôm bọn nó châm pháo nghịch ông thầy bói ở cửa đền Ngọc Sơn.
Rõ ràng nó thức. Tay nó vừa đập muỗi đét một cái. Nhưng không thấy nó đứng dậy. Nó cứ phủ phục bên chân giường. Mặt nó ngẩng lên. Hai con mắt nhìn ra, trắng nhả trong bóng tối mờ mờ.
Trử bước đến tận nơi, cúi xuống.
Trử hỏi:
– Ngủ đấy à?
Chú bé trả lời trống không:
– Thức.
– Sao nằm dưới đất thế?
– Xích rồi.
– Sao lại bị xích ở đây? Ai xích em?
Chú bé cau có, không bằng lòng câu hỏi ngơ ngẩn của Trử.
– Mẹ xích chứ còn ai! Đứa nào mà xích được ông! Ông đánh bỏ mẹ.
– Tại sao mẹ xích?
– Đi chơi nhiều.
Bấy giờ chú bé mới ngồi dậy. Một tay nhấc cái chân giường, rút vòng xích chằng ra rồi ngồi xếp bằng thu lu hai đầu gối. Chú bé nhoẻn miệng cười, nói như khoe:
– Nằm đất cũng hay chứ. Chẳng sao đâu. Đấy, đấy rút chân một cái được ngay.
– Thế tại sao mẹ xích?
Chú bé nói gắt:
– Đã bảo tại đi chơi nhiều mà.
– Rút chân ra được, lại đi chơi được chứ gì!
Chú bé cáu hẳn lên:
– Cổ chân có cái xích thế này bằng con chó đi chơi à?
Trử im. Chú bé ngồi chồm chỗm, mặt gầy hóp, đầu to, như một người già choắt lại.
Trử nghĩ buồn, đời chị chìm nổi ra sao mà bây giờ đến thế này.
– Mẹ đi dâu?
– Mẹ à? Chợ giời thôi.
– Mẹ xích cháu thế này đến bao giờ?
Không ngờ, nghe hỏi thế, chú bé bỗng khóc òa, nức nở:
– Ngày nào cháu cũng phải xích.
– Ra đây, ra đây.
– Không đi được. Đau chân lắm.
Trử vuốt ống chân chú bé. Cái ống chân gầy, nham nháp, không biết là vết lở hay là miếng bùn khô rơi xuống.
– Bao giờ mẹ cháu mới về?
– Đến khuya.
Trử bùi ngùi, mắt rưng rưng.
Trử nói:
– Đi với anh nhé, đi với anh...
Chú bé mở to mắt, nhìn Trử. Rồi lẳng lặng cúi đầu.
Trử xốc chú bé đứng dậy. Nó run rẩy đứng, Trử ghé lưng cho chú bé ôm tay lên vai.
Trử cõng chú bé đi ra ngõ.
Mấy cửa nhà gần đấy, trông thấy anh cán bộ cõng đứa bé. Có người thò đầu nhìn theo. Nhưng không ai nói gì cả. Cảnh lạ ấy cũng chưa gợi được sự chú ý của cái ngõ phố lắm chuyện này.
Một ông đi vào, áo đại cán, mũ bọc vải xám, cắp cái cặp da căng phồng. Đấy là ông phó cạo về nhà. Ông phó cạo đứng làm ở dưới gốc cây me bên kia dãy nhà 24 gian ngày trước, gần cầu Trung Đô. Mảnh vải viết chữ sơn đỏ “Bình Dân cắt tóc hai trăm”, mỗi buổi sáng đến, ông rút trong cặp, treo lên cành me. Cái phên che gió đã gài sẵn vào khe tường, vẫn để đấy. Ghế khách, cọc che dù thì gửi nhà bên cạnh. Bỏ cặp xuống, lôi miếng vải dù ra, treo cái gương lên chiếc đinh đóng vào thân cây, thế là xong phòng làm việc
Dưới đất bừa bãi những tóc. Ông phó cạo đứng làm chỗ ấy từ năm nào, không ai nhớ. Chỉ thấy ông cắt toàn cho trẻ con và người quen. Bây giờ những người cắt tóc ít cầu kỳ, tỉa tót. Có ông khách gia hạn: “Chỉ được năm phút, nhanh nữa càng hay”. Ông phó cạo cũng chưa bao giờ làm theo được ý ông khách nóng ruột. “Lên vành” rồi, ngắm hai bên, rồi lia toanh toách, phải tà tà năm phút trở ra.
Ông phó cạo nói chuyện hợp tác thạo lắm. Ông thông tỏ những vốn chung, hao mòn tài sản, kế toán, quĩ phúc lợi, nghỉ được ăn lương, có lương hưu - sẽ tiến tới thế. Nhưng ông phó vẫn đứng một mình chưa vào. Còn dò la nghe ngóng, xem thế nào...
Lúc ấy, ông Ba Tê gọi theo:
– Anh! Anh cán bộ!
Trử quay đầu lại, rồi dặn với:
– Chị Thư về, ông nói hộ tôi đem cháu Lâm đi.
– Đem nó đi đâu?
Ông phó cạo dừng lại, nhìn theo rồi nói chen:
– Cho nó đi ăn đòn tù “săng tan” chứ còn đi đâu. Việc gì phải cõng. Cứ buộc cái dây lôi nó đi.
Trử tạt vào bãi rác hỏi xem anh Bốn xế lô ở quê ra chưa.
Đã xâm xẩm tối.
Gái đương xách một con gà trống choai. Ở bãi rác, nhà nào cũng nuôi gà, mỗi nhà một kiểu. Có lẽ vì mọi người đều gốc quê, không nuôi con gà con lợn thì tiếc rẻ. Nhà Gái không nuôi gà nhốt ụ đất như nhà bác cả Chù. Buổi sớm, gà được thả ra cho đi kiếm ăn ngoài giậu. Con gà cũng biết thân, sợ lạc, không dám ăn xa. Chặp tối, nó men từ ngoài rãnh vào, tìm ổ nằm ở gầm phản. Sáng rồi, Gái lại xách hai cánh, thả ra.
Bốn xế lô đon đả:
– Có cái duyên tôi với anh thật. Đương mong thì đến. Đi đâu? Ở đây chén cái đã. Rồi tôi báo cáo với anh. Cõng đứa nào thế kia?
Trử đứng sững, hỏi lại:
– Thế nào? Thế nào?
Gái nói:
– Đun ấm nước uống đã chứ. Lấy cái nồi nhôm, được nước làm gà nhân thể, mình ạ.
Bốn xế lô bê hỏa lò ra giữa nhà.
– Công việc thế nào?
– Hỏi han kỹ lưỡng rồi. Về lúc nào nên lúc ấy.
Trử chăm chú vào cái hỏa lò đun nước giữa nhà và những công việc Bốn xế lô đương kể.
Bốn cười:
– Người ta ai chả muốn đẹp mặt. Bây giờ cách mạng đã đến rửa mặt, phấn sáp cho tôi, tôi mới đình huỳnh về chứ, anh! Thế nào cũng mời anh cán bộ biệt động tôi đã cứu năm ấy, thế nào cũng mời anh, các anh phải đưa tôi về tận làng chứ. Có oai không nào?
Lát sau, Trử bảo:
– Anh xem, có cách nào tháo hộ cái khóa ở chân cháu bé...
Bốn mới nhớ và để ý lại chú bé vẫn ngồi sau lưng Trử từ nãy, như cái túi ba lô trễ xuống.
Bốn điềm nhiêm nói:
– Thằng Lâm con nhà chị Thư đây mà. Anh vớ được nó ở đâu? Mặc thây nó. Chị ta vẫn xích nó thế thường.
Trử nói:
– Có gì thì bảo nó, giáo dục nó.
– Thằng này thì có giời bảo.
– Anh mở khóa nó hộ tôi. Tôi đem nó về, tôi bảo nó được.
Bốn nhấc cái khóa lên xem rồi chỉ khoắng một mẩu dây thép vào ổ, khóa đã nhả tách ra một cái.
Cả ông Ba Gác tối ấy cũng sang ăn cơm nhà Bốn xế lô. Lâm ngồi cạnh Trử. Hôm nay Gái trông thằng bé sao không thấy ghét như mọi khi chúng nó đi phá phách ngoài bãi. Chị thấy thương nó. Bởi chị đương nghĩ mai kia, về quê thanh thả, chị sinh nở, rồi chẳng bao lâu chị cũng có thằng con trai. Tự dưng anh Trử đem nó đến, nó ngồi ăn cơm vui vẻ thế này, là điềm tốt, điềm may. Biết đâu.
Ông Ba Gác, lúc đã ngà ngà, càng vui hơn.
Bây giờ anh kiếm em đặng rồi
Cũng giả tỷ như cây kim mà lòn sợi chỉ
Sao em không biết nghĩ biết suy
Em ham nơi quyền quới em không nghĩ gì tới anh.
[1] Ở gần Chi Nê, tỉnh Nam Hà lúc bấy giờ, nơi tập trung những gái hư hỏng của vùng bị tạm chiếm còn lại
[2] Chớ kẹo (Bốn đồng rưỡi).
[3] Kẹo kẹo (Năm đồng rưỡi)
[4] Trách (một đồng) - tiếng lóng của những người buôn bán sau 1954 ở Hà Nội.
[5] Thâm (Ba đồng) - tiếng lóng của những người buôn bán sau 1954 ở Hà Nội.
Những Ngõ Phố Những Ngõ Phố - Tô Hoài Những Ngõ Phố