Số lần đọc/download: 1675 / 33
Cập nhật: 2014-12-04 16:40:22 +0700
Chương 6/17
M
ột ngôi nhà màu trắng gần biển. Ðấy là một chi tiết tôi cần nhớ trong buổi chạng vạng đi tìm nhà cô bé. Em hẹn tôi bảy giờ, nhưng sáu giờ tôi đã có mặt ở khu dân cư gần bờ biển. Tôi đã quên nhiều câu tục ngữ hay ho mà tôi học thuộc lòng ở các trường trung tiểu học. Nhưng một câu tục ngữ tôi không thể quên được, đó là câu “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Người ta nói trong các bữa tiệc nên đến trễ một chút để góp vui, chứ không phải để ăn. Tôi vốn là người khiêm nhường, không thích mình là nhân vật quan trọng. Tôi chỉ muốn mình là kẻ tầm thường, có mặt trong bữa ngay từ phút đầu để chọn một chỗ ngồi tốt và không hụt gắp món ăn đầu tiên do chủ nhân khoản đãi.
Ði loanh quanh một hồi dọc theo bờ biển, tôi chẳng thấy ngôi nhà nào màu trắng. Tất cả đều nhà tranh vách phên có màu nâu bạc, cũ kỹ. Ðó là nhà của Những ngư phủ. Tôi bắt đầu nghi ngờ chi tiết “gần biển” mà cô bé đã nói:
Dời bờ biển đi ngược lên một con đường dẫn về trung tâm phố. Hai bên đường có những cây dừa cao vút và ngôi nhà sang trọng. đây là khu người giàu cư ngu. Minh đã dẫn tôi đến khu này một lần. Em cho tôi biết những ngôi nhà ở đây là chủ những ghe chài, chủ những ruộng đất rộng lớn hay những thương gia giàu có gốc gác nơi đây, nhưng lập nghiệp ở phương xa.
Tất cả những ngôi nhà sang trọng này đều quét vôi trắng, họ không quét vôi vàng hay xanh, có lẽ vì sợ nắng và gió biển làm phai màu rất nhanh. Như vậy chi tiết “màu trắng” cô bé đã nói chẳng giúp ích gì cho tôi.
Không biết tên cô bé, tôi chẳng thể mạnh dạn bước vào nhà nào để hỏi thăm. Tôi đành đi bộ lòng vòng ngước mắt nhìn các balcon, hy vọng có cô bé đứng đợi ở một balcon nào đó như lời em đã nói: Một vòng... Một vòng. Lại một vòng. Chân đã mỏi, bụng đã đói, nhướng mắt tôi vẫn chẳng thấy bóng dáng cô bé đâu. Không lẽ cô bé này đã hứa “lèo” và cho tôi “leo cây”.
Tôi nôn nóng và nhìn đồng hồ. Kim chỉ giờ đã ngoài số 7 và kim chỉ phút đã nằm ở số 15. Như thế, bữa tiệc đã bắt đầu. Như thế, tôi bị bắt buộc phải làm người quan trọng đến trễ. Lạy chúa, xin Ngài hãy cho thực khách của cô bé đều bị “đau răng” để họ không thể ăn quá mau và món ăn đầu tiên được dọn ra chỉ là một món tầm thường mà thôi. Hãy dành những món ăn quan trọng cho một người quan trọng như con.
Mắt tôi chợt sáng lên khi thấy chiếc khăn quàng màu đỏ tung bay trên một balcon. Ðó là chiếc khăn quàng của cô bé. Nó đã được cột vào một cánh cửa sổ từ lâu, nhưng tôi không chú ý vì chỉ mải đi tìm cô bé. Vậy đây chắc chắn là ngôi nhà của em, tôi nghĩ vậy và đi đến gõ cửa. Một người đàn ông mặc complet màu nâu lịch sự ra mở cửa. Tưởng ông là ba cô bé nên tôi vội cúi chào rất lễ phép để lấy điểm. Người đàn ông hỏi:
- Cậu hỏi ai?
Hai tay đưa gói quà để làm bằng cớ, tôi nói:
- Thưa ông, tôi đến mừng sinh nhật cô bé.
- Cậu là bạn của cô hai?
Bố khỉ! Vậy tôi đã lầm lớn rồi. Người đàn ông này không phải là ba cô bé, vì có ông bố nào gọi con là “cô hai” một cách trịnh trọng bao giờ đâu. Như vậy tôi đã mất công rất lễ phép để lấy điểm “số không”. Chẳng biết cô bé có phải là “cô hai” không, tôi cũng gật đầu nói đại.
- Vâng, tôi là bạn rất thân của cô bé.
- Vậy mời cậu vào nhà.
Tôi đi theo người đàn ông vào phòng khách có bàn ghế bằng gỗ cẩm lai đánh vẹc ni bóng láng. Ông mời tôi ngồi đợi để ông đi gọi cô bé. Tôi lo lắng lẩm bẩm khấn vái: Lạy chúa cho con vào đúng nhà của cô bé, nếu không xin Ngài hãy ban cho con phép “tàng hình’. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy cô bé đi ra. Em mang tạp đề làm bếp màu trắng và hai tay dính đầy bột.
- Em cứ tưởng ông không tìm thấy nhà.
Tôi nhún vai.
- Em có ở trên mây tôi cũng tìm ra. Nhưng em hứa “lèo“ quá, em nói đúng đợi ở ban công làm tôi ngước nhìn dài cổ.
Cô bé cười.
- Em xin lỗi ông vì bận làm bánh. Em đã nhờ chiếc khăn quàng thay em đứng đợi ông.
Tôi trao hộp quà mừng sinh nhật cô bé. Em cầm lấy, nói cám ơn và mời tôi lên phòng tiệc ở trên lầu. Căn phòng được cô bé trình bày cho ngày sinh nhật rất giản dị, nhưng đủ chứng tỏ em là người có khiếu thẩm mỹ. Trên bốn bức tường màu trắng có chiếc đồng hồ hình tổ chim bằng gỗ đen bóng, lòng thòng hai sợi xích lên giây. Có một Poster lớn màu hồng nhạt in bóng đen một đôi tình nhân choàng vai nhau, đứng trên bờ biển nhìn mặt nước mênh mông và bầu trời cao rộng đầy mây.
Ở góc nhà có chiếc máy hát đĩa stéréo và một kệ dĩa nhạc. Chiếc bàn lớn và bốn ghế mây được kê gần cửa sổ ngó ra balcon. Trên bàn có gạt tàn thuốc bằng thủy tinh trong suốt và bình hoa màu rượu chát cắm đầy hoa marguerite. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Mừng sinh nhật em sao không cắm hoa hồng?
- Em chỉ Thích hoa marguerite. Em không thích hoa hồng vì đã có quá nhiều người thích nó, trong số đó cũng có ông pphải không?
- Phải. Tôi rất thích hoa hồng vì nó có nhiều gai nhọn.
- Ông thích những gai nhọn?
- Hoa hồng nếu không có gai trông ngu đần kinh khủng, vì nó giống như người đàn bà đẹp rực rỡ mà không thông minh.
- Những cái gai là óc thông minh?
- Phải. Óc thông minh của một người thường làm người khác đau đớn.
Cô bé cười.
- May quá. Người em chẳng có “cái gai” nào. Ông ngồi đợi em một lát nhé. Em phải xuống bếp làm cho xong cái bánh. Ông cứ tự nhiên mở nhạc nghe.
Cô bé đi xuống lầu. Tôi tò mò đến kệ để đĩa nhạc xem cô bé thích những ca sĩ nào. Tất cả những dĩa nhạc 45 vòng đều là nhạc Pháp. Tôi thấy tên những ca sĩ: Francoise Hardy, Mireille Mathieu, F. Gall, Sheila, Marie Laforet... và một nam ca sĩ duy nhất charles Aznavour. Nhạc Anh, Mỹ đều là đĩa 33 vòng có: Rolling Stones, Beatles, Donny Osmond, carpenters, Lobo... và một số đĩa nhạc khiêu vũ, dĩ nhiên phải có bản nhạc trời đánh Somewhere My Love.
Tôi lấy một đĩa nhạc của Bee Gees bỏ vào máy và cho kim chạy ngay vào bản nhạc ưa thích. I Started A Joke. Tôi đã khởi chơi một trò đùa, có thật vậy không, khi tôi quen cô bé này?
Tôi kéo ghế ngồi và quẹt diêm châm một điếu thuốc. Những lúc gần cô bé chẳng khi nào tôi thắc mắc về lý lịch của em. Nhìn em cười, nghe em nói, tôi đã vui lây niềm vui của em và quên hết mọi chuyện. Niềm vui đó chỉ lóe lên trong khoảnh khắc, nhưng rực rỡ, chói lòa như ngọn pháo bông, khiến tôi chẳng còn chú ý đến bóng tối có trước và sau niềm vui.
Bây giờ ngồi một mình trong căn phòng của em, nhưng thiếu vắng bóng em, tôi cảm thấy cô bé đã biến mất như cơn gió thoảng chỉ còn để một cảm giác gây gây lạnh trên khuôn mặt tôi. Không thể để cô bé biến mất một cách dễ dàng như vậy. Tối nay, tôi nhất quyết hỏi rõ lai lịch của em, để có thể níu giữ em dù chỉ bằng những sợi tơ mong manh. Tôi chẳng dại đùa với tình yêu khi biết rằng lòng mình đang thật sự yêu thương cô bé này.
Có một thiếu nữ đi vào phòng. Tôi vội đứng dậy chào. Không biết người này là chị hay dì của cô bé nên tôi lúng túng nói:
- Chào cô.
- Tôi rất hân hạnh được biết cậu là bạn của con tôi.
Bố khỉ! Vậy là tôi lại lầm lớn rồi. Người thiếu nữ này …Không, người đàn bà này chính là mẹ của cô bé. Tôi đã để mất dịp may tỏ ra lễ phép để lấy điểm. Tôi e thẹn nói:
- Xin lỗi bà, tôi không biết bà là mẹ của cô bé.
- Không sao, cậu cứ ngồi chơi tự nhiên.
Người đàn bà kéo ghế ngồi đối diện với tôi. Trông bà trẻ đến nỗi tôi không thể tin được nếu nói bà đã trên tuổi tôi. Có lẽ nhờ trang điểm, nhờ mái tóc cắt ngắn, nhờ chiếc áo sơ mi màu hồng phấn nên trông bà như một thiếu nữ trong căn phòng có ánh điện màu vàng dịu. Người đàn bà nói:
- Nó chẳng cho tôi biết cậu đến, nên tôi cứ lo bữa tiệc sinh nhật của nó sẽ buồn thảm vì chỉ có nó và tôi.
Sự tự nhiên của người đàn bà gíup tôi hết bối rối, tôi mạnh dạn hỏi:
- Cô bé không có bạn bè hay chị em đến dự tiệc sao bà?
- Không. Nó chỉ có một mình ở chốn này. Bà ngoại nó mới được em tôi đem xe đưa vào Sàigòn ngày hôm qua để chữa bệnh. Ở nhà, ngoài hai mẹ con, chỉ còn một người giúp việc. Ông quản lý cậu vừa gặp lúc nãy cũng vừa mới chào tôi ra về.
- Vậy bà ở đây chắc buồn lắm?
- Có nó là tôi vui rồi. Tôi chỉ lo cho nó. Tuổi trẻ mà nô đùa với cái bóng của mình mới buồn thảm. Tôi đã giới thiệu nó với con của các bà bạn gần đây, nhưng nó không chịu làm quen với ai. Cậu cũng ở gần đây chứ?
Tôi kể sơ lai lịch của tôi và nói rõ cho bà biết tôi đã quen cô bé trong dịp nào. Sau cùng tôi hỏi:
- Xin lỗi bà, bà có thể cho tôi biết tên cô bé được không?
Người đàn bà tròn mắt ngạc nhiên.
- Cậu quen nó đã lâu mà chưa biết tên nó?
- Dạ. Chưa, vì cô bé không chịu nói:
- Nếu nó đã muốn giấu, tôi cũng không nói: Tôi sợ nó giận hờn vì không thích ai đụng chạm đến chuyện riêng của nó. Cậu thông cảm nhé.
- Thưa bà, có phhải cô bé du học ở Bỉ? về nghỉ hè.
- Gia đình tôi về Việt Nam hơn hai năm rồi.
- Bà cũng sống ở Bỉ?
Mặt người đàn bà đột nhiên có vẻ buồn, bà cúi nhìn chiếc khăn trải bàn và dùng tay vẽ theo những ô vuông in trên tấm khăn.
- Chẳng giấu gì cậu. Khi tôi du học ở Bỉ, tôi đã lập gia đình với một kỹ sư ở bên đó và chúng tôi chỉ sinh được một người con là nó. Cách đây ba năm, nhà tôi đã mất trong một tai nạn xe hơi. Ở Bỉ buồn quá nên mẹ con tôi trở về Việt Nam.
- Tôi xin lỗi đã quá tò mò. Tôi không ngờ đã có chuyện thương tâm xảy ra cho gia đình bà.
- Tôi nghĩ cậu là một người hiểu biết nên tôi muốn nói rõ một vài chuyện để mong cậu hiểu nó hơn. Nó đã phải chịu đựng đau buồn nhiều hơn tôi vì nó đã có mặt trong chiếc xe do nhà tôi lái, khi bị xe khác đụng vào. Cũng may, chúa cũng thương tôi nên trong lần ấy vì đi đường xa mệt nhọc, nó đã nằm ngủ ở ghế sau và chỉ bị nội thương. Còn nhà tôi chết ngay tại chỗ vì bị volant đập vào ngực. Tuy may mắn thoát chết, nhưng cái chết có lẽ đến bây giờ vẫn chưa rời khỏi đầu óc nó vì hình ảnh hãi hùng của nhà tôi trên vũng máu và chứng bệnh ngặt nghèo nó còn mang trong người, mặc dù các bác sĩ Âu tây đã hết sức chữa trị.
Chiếc đĩa hát quay hết vòng. Chiếc máy tự động tắt. Căn phòng đột nhiên im sững như đôi mắt người đàn bà mở lớn. Có lẽ bà chẳng còn thấy gì trước mắt. Khi kỷ niệm hiện rõ, người ta đã nhìn nó bằng trái tim e ấp. Tôi cũng ngồi im không dám quẹt diêm châm một điếu thuốc dù rất thèm. Tôi e ngại sẽ làm những kỷ niệm của người đàn bà tan biến vì ánh sáng của một que diêm.
Người đàn bà khẽ chớp mắt... Kỷ niệm cũng qua đi như một chớp mắt. Những hình ảnh trong hiện tại lại hiện ra trong đôi mắt đen thẳm của bà.
- Tôi tin khi con tôi chọn cậu làm bạn, nó đã nghĩ rằng cậu là người hiểu nó. Nó còn quá nhỏ để phải chịu đựng nỗi buồn một mình. Vì một lý do riêng, tôi đã bất lực không thể chia sẻ nỗi đau buồn của nó. Tôi thầm mong cậu sẽ giúp nó thay tôi. Cậu hứa với tôi chứ?
Không đợi tôi trả lời, người đàn bà kéo ghế đứng dậy.
- Ðó là một gánh nặng, tôi muốn cậu có thì giờ suy nghĩ trước khi trả lời. Bây giờ tôi phải đi giúp nó dọn tiệc. Cậu hãy nhớ hôm nay là ngày sinh nhật của nó. Cậu đừng làm nó khóc vì những chuyện tôi đã kể cho cậu nghe.
Tôi rất sợ những lời hứa khi chưa biết chắc mình có thể hoàn thành được không. Chia sẻ một nỗi buồn là một gánh nặng? Không, nó là một gánh nhẹ, nhẹ đến nỗi người ta không biết cất giở nó lên khi nào cho đúng lúc.
- Sao ông ngồi buồn quá vậy. Mở nhạc nghe đi chứ. Em có bản nhạc ông ưa thích mà.
Cô bé đến kệ lục tìm một đĩa nhạc rồi bỏ vào máy. Tôi nhìn em và bắt gặp lại niềm vui, nhưng niềm vui lần này không còn rực rỡ như ngọn pháo bông mà như ánh sao băng, vì tôi đã hiểu trong niềm vui kia có ẩn chứa một nỗi buồn quá lớn.
Chiếc váy đầm ngắn màu xanh lá cây làm cô bé tươi mát như một tàng cây sau cơn mưa. Nghe những nốt nhạc đầu vang lên, tôi nhận ra bản nhạc bị bắt buộc phải ưa thích. Somewhere My love. Người yêu tôi nơi đâu? Tại sao tôi còn bị bắt buộc phảai hỏi như vậy khi cô bé đang đứng rõ ràng trước mắt tôi?
- Ông nhảy với em bản nhạc này nghe?
Tôi lắc đầu
- Valse, tôi chịu thua.
Cô bé cười, bước lui vài bước, đợi tiếng trống nhịp đánh xuống em bắt đầu bước nhảy. Valse, điệu vũ quí phái này tôi đã mất công luyện tập nhiều lần, nhưng vẫn nhảy “gỗ” như thường. Có lẽ chẳng bao giờ tôi tập được dáng vẻ quí phái với tướng “cốt đột” của mình. Cô bé quay người theo điệu nhạc mềm mại như một dải lụa. Em khiêu vũ như một vũ công trình diễn trong vở nhạc kịch. Bước nhảy của em không bước theo điệu nhạc mà đang diễn tả điệu nhạc.
Ngọn đèn trên tường chiếu rõ bóng cô bé xuống nền gạch hoa. Chiếc bóng nhảy múa với em, đùa giỡn với em như một người bạn thân. Có ai gần gũi và hiểu mình hơn chiếc bóng của mình? Nhưng có mấy ai không cảm thấy ngậm ngùi khi suốt đời cứ phải nô đùa với bóng?
Bản nhạc dứt vào lúc cô bé quay người một vòng... Chiếc váy của em xòe rộng, em khẽ gật đầu cúi chào. Tôi chưa kịp vỗ tay tán thưởng đã nghe có tiếng vỗ tay và tiếng kêu:
- Si belle.
Cô bé ngước nhìn và chạy vội đến ôm chầm lấy người mẹ. Ðã có mặt trong phòng từ lúc nào. Phía sau bà có người giúp việc hai tay bưng những gói quà to lớn, gói trong giấy hoa và thắt nơ đỏ. Người dàn bà lấy từng gói quà trao cho cô bé.
- Ðây là quà của Bà ngoại, của Bà nội, của Bác cho con. Còn đây là quà của má.
Cô bé nói cám ơn rồi ôm những gói quà đến đặt trên nắp máy hát, bên gói quà của tôi. Em trở Lại dẫn tôi đến giới thiệu với người mẹ.
- Thưa má. Ðây là ông …bạn con.
Người đàn bà mỉm cười.
- Ông bạn con tên gì?
Cô bé nhìn tôi hỏi:
- Này ông, ông tên gì?
Tôi cười đáp
- Cái tên quan trọng lắm không. Nếu quan trrọng em có thể gọi tôi bằng bất cứ tên gì em thích.
- Taureau.
- Tên đó không dở lắm đâu, vì rất hợp với tuổi tôi.
Cô bé quay nói với mẹ.
- Ông ấy “trả đũa” con đó má. Vì con đã không cho ông ấy biết tên con.
Người đàn bà cười.
- Cái tên chắc không quan trọng bằng bữa tiệc. Thôi chúng ta bắt đầu.
Tiếng nút chai champagne bật nổ. Ngắn, gọn như tiếng một phát súng. Bọt trào lên trắng xóa như sóng biển khi đập vào ghềnh. Người đàn bà rót rượu vào ba chiếc ly thủy tinh trong suốt chân cao rồi bỏ chai rượu vào seau nước đá. Bà nâng ly của bà cụng vào ly cô bé.
- Mừng con đã có một người bạn vào năm mười bảy tuổi. Một người bạn là một niềm vui lớn lao.
- Cám ơn má.
Nhìn hai mẹ con nhấp rượu, tôi đã đỏ bừng mặt vì lời nói của người đàn bà. Tôi có xứng đáng là niềm vui lớn lao của người khác?
Cô bé đặt chiếc ly xuống bàn, em nhìn tôi chờ đợi một lời chúc! chúa ơi, tôi biết chúc cái quái gì đây? Vào dịp Tết vì cần tiền lì xì nên đã phải cố gắng học thuộc lòng vài câu chúc như: Vạn sự như ý. Bách niên giai lão. Phát tài phát lộc. đầu năm sinh con trai cuối năm sinh con gái. Nhưng những câu chúc đó nói ra lúc này thì thật chẳng giống ai.
Quýnh quá, tôi nâng ly rượu lên cụng đại vào ly cô bé rồi “giương mắt ếch” nhìn em chờ đợi “xuất khẩu thành câu chúc”. Cô bé nhìn tôi mỉm cười.
- Cám ơn lời chúc của ông. Em đã hiểu những gì mà ông muốn nói:
Chúa ơi, mắt tôi mà cũng nói được sao? Vậy tôi đúng là thằng “lắm miệng” vì trên mặt tôi đã có ba cái miệng. Kể ra kết bạn với một người thông minh cũng thú. Mình chẳng mất công nói một lời nào, mà người ta vẫn hiểu được mình đã nói rất nhiều. Nhờ những hớp rượu champagne, tôi đã lấy lại sự tự nhiên và mạnh dạn “trò chuyện” với con gà quay phết bơ vàng ngậy, nằm trong đĩa sứ lớn mà người giúp việc mới bưng lên đặt ở bàn. Người mẹ và cô bé dường như đều đau răng nên nhai rất khó khăn và chậm chạp. Tôi phải cực khổ lắm mới giúp họ thanh toán hết con gà để khỏi mang tội “phí của Trời”
Theo phép lịch sự của phương Tây, trong khi nhai không được nói chuyện. Ðể khỏi nói chuyện mất thì giờ, tôi đã nhai luôn miệng. Hết món thứ nhất đến món thứ hai là tôm hùm nướng. Món thứ ba là bồ câu tiềm thuốc bắc. Tôi đã phải lắc đầu than thầm khi nhìn thấy món thứ tư là súp măng tây nấu với cua biển... Chúa đã thật bất công khi tạo ra tôi chỉ có một dạ dày mà thôi!
Người giúp việc dọn bàn rồi bưng lên chiếc bánh sinh nhật. Tôi không ngăn được tiếng kêu.
- Ồ! chiếc bánh đẹp quá.
Người mẹ có vẻ hãnh diện, bà nói:
- Chính tay con nhỏ làm đó.
Cô bé cười.
- Không phảin chính em sáng tác đâu. Em đã copy kiểu bánh của nhỏ bạn ở Ðà Lạt.
Chiếc bánh giống y chang một ngôi nhà xinh xắn. Cô bé đã lấy dây tây chẻ đôi ra, sắp làm ngói trên mái nhà có cả ống khói. Em tô kem chocolat ở hai bên hông nhà và đằng sau. Phía trước, em tô kem màu hồng rồi phớt nhẹ lên những trái dâu và mấy kẽ tường một lớp kem màu xanh giả làm rêu. Lối đi vào nhà được xếp bằng một lớp nho khô có trét kem vàng ở trên, nên nổi bật giữa bãi cỏ xanh và những bồn hoa nhiều màu sắc. Trên một bụi cây trong vườn, cô bé có làm ba tổ chim bằng ba cục kẹo nhỏ xíu. Tất cả những thứ đó được đặt trên một cái bánh khác hình vuông lớn hơn có phủ kem màu hột gà và chạy hàng chữ Happy Birthday bằng kem màu đỏ.
Mười bảy ngọn nến nhỏ, đủ màu gắn chung quanh chiếc bánh. Tôi quẹt diêm cho cô bé châm một ngọn nến rồi em mồi những ngọn nến khác. Cô bé nói với người mẹ.
- Con mời má nhảy commencer với con một bản
Người đàn bà lắc đầu.
- Con hãy để cho người bạn có vinh dự đó.
Cô bé quay sang tôi hỏi:
- Ông thích nhảy điệu gì?
Tôi nói đùa.
- Nhảy mọi.
Cô bé nhíu mày suy nghĩ.
- Ðiệu gì lạ vậy ông?
Tôi cười.
- Thì nhảy giống như mọi da đỏ nhảy lửa vậy.
Cô bé lắc đầu.
- Em chịy thua điệu nhảy đó. Thôi ông nhảy Tango nghe.
- Xong rồi. Nhưng em đừng cười nhé. Tôi nhảy còn “gỗ” lắm.
Cô bé bỏ một đĩa nhạc vào máy. Bản La cumpasita trứ danh vang lên. Tôi đưa tay mời em và chúng tôi bước đi theo tiếng nhạc. Cô bé nhảy rất mềm mại. Hình như đôi chân em bay bổng khi tôi dìu em đi.
Khiêu vũ cũng như uống rượu, càng nhảy người ta càng thấy men nhạc thấm từ từ vào người và có cảm giác lâng lâng. Khi bản La cumpasita chấm dứt, tôi giữ chặt tay cô bé chẳng muốn rời để đợi bản nhạc khác vang lên. Thật may, đó là bản Love Story.
Ðiệu slow mới chính là điệu tôi mong ước. Tôi chẳng phải là người sùng bái nghệ thuật khiêu vũ. Khi tham dự "boum" tôi chỉ mong được nhảy với các nàng điệu Slow để "gỡ gạc" đôi chút, mặc cho bạn bè chê là "phản nghệ thuật". Phản thế quái nào được khi mà tôi chủ trương "nghệ thuật vị nhân sinh".
Tôi ghét nhảy slow theo kiểu xã giao ông bà già, tay cứ phải giang ra mỏi đừ, để giữ một khoảng cách bảo vệ thuần phong mỹ tục. Tôi cầm hai tay cô bé đặt lên cổ mình rồi ôm sát em vào người bắt đầu nhảy. Chẳng phải bước đi làm gì cho mỏi chân, tôi đứng yên tại chỗ và nhẹ nhón gót theo điệu nhạc. Cô bé gục đầu vào mặt tôi và chúa ơi sao đầu em nặng quá chừng. Tôi có cảm tưởng trái đất đã đè lên ngực mình và tôi không thở nổi.
Tôi mong bản nhạc dài vô tận, nhưng Francis Lai đã sáng tác bản nhạc Love Story ngắn ngủn. Ôi nếu ông ta chịu khó nặn óc, kéo dài bản đó ra nhiều tiếng nữa, chắc tôi sẽ không tiếc lời ngợi ca ông là nhạc sĩ vĩ đại nhất trần gian. Tôi định giữ cô bé nhảy thêm một bản nhạc nữa, nhưng em nói:
- Nến sắp tắt rồi. Ðể em thổi chúng lấy hên.
Chúng tôi đi đến bàn ăn. Cô bé chụm môi thổi một hơi dài cho những ngọn nến tắt đồng loạt. Người mẹ đưa cho em một con dao sáng loáng, em cầm lấy và ấn lưỡi dao lên chiếc bánh hình ngôi nhà. Tôi vội đưa tay bịt mắt kêu lên.
- Ôi!
- Sao vậy ông?
- Tôi không có can đảm nhìn người ta tàn phá một cái gì quá đẹp.
- Chắc ông cũng không có can đảm ăn một cái gì quá đẹp phải không?
Tôi buông tay thở dài.
- Ăn, không hiểu sao tại sao tôi lại có thừa can đảm.
Người mẹ và cô bé bật cười. Em ấn mạnh lưỡi dao xẻ ngôi nhà rồi chia làm bốn phần. Em dùng dao và muỗng xúc từng phần bánh bỏ vào ba chiếc đĩa nhỏ trên bàn. Bên cạnh ba chiếc đĩa đã có sẵn ba tách cà phê đen. Phần bánh của tôi to nhất vì có thêm cái ống khói. Bánh được em tẩm rượu Rhum thơm ngát nên tôi ăn hết một phần mà vẫn thấy không ớn.
Cô bé xúc cho tôi một phần bánh nữa, trong khi người mẹ chỉ ăn hai miếng bánh nhỏ rồi khuấy cà phê uống. Có lẽ bà sợ ăn đồ ngọt nhiều sẽ bị mập. Uống xong nửa tách cà phê, bà nhìn tôi nói:
- Tôi xin lỗi đi nghỉ trước. Cậu cứ tự nhiên tiếp tục chung vui với em. Nếu quá khuya sợ không về được, cậu cứ ở lại. Nhà có sẵn một phòng dành riêng cho khách. Tôi xem như cậu đã hứa giúp tôi.
Người đàn bà kéo ghế đứng dậy. Tôi định nói với bà vài lời nhưng nghĩ chưa phải lúc. Hãy đợi một dịp khác. Một dịp khác? cô bé đến ôm người mẹ và bà cúi hôn trán em.
- Bonne nuit.
- Bonne nuit, Maman.
Tôi đứng dậy nói:
- Chào bà.
Người đàn bà vừa bước ra khỏi phòng, cô bé quay sang hỏi tôi.
- Má em nói ông hứa giúp chuyện gì vậy?
Không muốn cho cô bé biết chuyện riêng mẹ em đã nói với tôi, câu chuyện mà ngay bà cũng muốn giấu, nên tôi nói:
- Má em nhờ tôi thay bà tiếp tục chung vui với em trong đêm nay.
- Vậy hãy giúp em mở những gói quà sinh nhật xem chúng có những gì?
Tôi giúp cô bé bưng những gói quà để trên bàn rồi ngồi uống một ngụm cà phê thơm ngon. Cô bé lần mở chiếc nơ đỏ và lớp giấy hoa bọc ngoài một gói quà to nhất. Qua mặt nylon trong suốt của nắp chiếc hộp, tôi nhìn thấy một con búp bê tóc vàng mặc quần áo màu trắng đang nằm nhắm mắt. Nhìn ngắm con búp bê một lúc, cô bé ngẩng đầu hỏi tôi.
- Ông thấy đẹp không?
- Ðẹp lắm.
- Tại sao?
- Cô nhỏ nằm ngủ trông như một thiên thần.
- Không nằm ngủ đâu, cô nhỏ này đã chết.
- Chết?
- Phải. Ông không thấy chiếc hộp giống quan tài sao?
Tôi cầm lấp hộp quà định dựng đứng lên cho con búp bê mở mắt, nhưng cô bé đã giật lấy và đẩy chiếc hộp ra xa.
- Ông hãy để cho người chết nằm yên. Người chết mà phải mở mắt trông tội nghiệp lắm.
Bài cãi về chết chóc buồn thảm chẳng có ích lợi gì. Vả lại, nói về chuyện chết chóc chắc cô bé biết rành hơn tôi nhiều, nên tôi hối thúc em mở tiếp những gói quà khác cho qua chuyện.
Những gói quà khác gồm một đĩa nhạc của charles A navour, một quyển truyện bằng tranh Lucky Lucke, một tấm bảng đồng có hình nổi cô gái cầm hoa và chữ Vierge. Cầm hộp quà của tôi trên tay, cô bé nói:
- Em mong không có con "dông" ở trong này.
Tôi cười.
- Tôi chẳng dại gì đem tặng em một "thiên đàng" của tôi.
Cô bé lần mở chiếc hộp. Em ngồi im sững nhìn những mảnh kính màu vàng vỡ vụn bên trong.
- Tại sao ông tặng em món quà này?
Tôi nói:
- Buổi sáng nay khi thức dậy, tôi chợt nhớ đến lời em nói "Phải có một cái gì đổ vỡ trong bất cứ cuộc chơi nào, cuộc chơi mới có ý nghĩa". Tôi đã trở lại động cát cố tìm hai mảnh kính đã vỡ cho em, vì tôi muốn ngay đến cái đổ vỡ cũng không bị mất mát.
Cô bé chớp mắt và giọt lệ lăn trên má em. Chúa ơi, như vậy tôi đã phụ lòng tin của người mẹ. Bà đã dặn tôi "cậu hãy nhớ hôm nay là ngày sinh nhật của nó. Cậu đừng làm cho nó khóc". Vậy mà... tôi đứng dậy đến đứng sau lưng cô bé và đặt hai tay lên vai em.
- Tôi xin lỗi. Tôi không ngờ món quà của tôi đã làm em buồn trong một ngày vui.
Cô bé cũng đứng dậy. Em dụi đầu vào ngực tôi.
- Em phải cám ơn ông mới đúng. Món quà của ông là món quà có ý nghĩa nhất trong ngày vui của em. Cái đổ vỡ đã không mất mát. Cái chết cũng là một sự đổ vỡ. Ông đã giúp em hết sợ hãi cái chết.
Tôi cảm thấy đôi vai cô bé run lên. Tôi ôm chặt em và khẽ nói:
- Ðừng khóc nhỏ, tiệc vui chưa tàn mà.
Cô bé nói trong tiếng nấc.
- Trong một đời người, em tin người ta chỉ thật sự khóc được một lần. Những lần trước người ta tập khóc còn những lần sau người ta khóc vì thói quen. Ðêm nay, em đã thật sự khóc một lần duy nhất đó.
Cúc cu. Cúc cu. Con chim gỗ từ chiếc đồng hồ treo trên tường nhô đầu ra khỏi tổ kêu vang.
Tôi nhìn lên mắt kính đồng hồ thấy đúng 11 giờ. Theo thời khóa biểu mới nhất của tôi, giờ này tôi phải đi ngủ. Mặc dù đã có lời bị chú: được quyền thay đổi cho hợp tình thế. Nhưng đêm nay, không hiểu vì ma xui quỉ khiến mà tự dưng tôi muốn tuân theo thời khóa biểu.
Tôi vuốt tóc cô bé và nói:
- Thôi chào em tôi về.
Cô bé ngẩng mặt nhìn tôi.
- Khuya rồi. Ông hãy ở lại.
- Tôi muốn đi một mình trên bờ biển đêm nay.
- Trời tối, ông không sợ bị ngã?
Tôi mỉm cười.
- Tôi rất mong được ngã một mình như em nói:
Cô bé cười.
- Chúc ông ngã một mình êm ái!