Số lần đọc/download: 1432 / 7
Cập nhật: 2015-12-15 07:58:43 +0700
Chương 6 - Lan Phương
F
our Stars lại thất bại thêm lần nữa. Ngày mới gặp Dũng, tôi đã thấy mến anh qua giọng hát, qua tư cách và sự đối xử khéo léo của anh với mọi người. Quý mến anh, tôi mong anh trở thành một người bạn thân. Quý mến anh, tôi mong anh nhận lời hoạt động chung với Four stars. Thế mà anh đã từ chối. Buổi trình diễn ở nhà hàng Tiên Cảnh rồi sự sắp đặt để giới thiệu anh, tất cả đã được anh trả lời bằng chuyến đi thăm cô nhi viện Từ Tâm! Lúc đầu, tôi còn cho là anh ỷ tài, anh hợm mình; nhưng bây giờ, tôi đã hiểu, anh có một con đường đi của riêng anh.
Nhưng nếu anh có con đường riêng anh, anh muốn lôi kéo anh Trí theo anh, chẳng lẽ Four Stars chịu thua. Chưa bao giờ tôi thấy anh tôi xuống tinh thần như dạo này. Anh tôi nói:
- Có lẽ tao phải nghe lời chị Lan Hương mất…
Tôi giận run lên:
- … để theo Dũng chứ gì? Bộ anh muốn xoá bỏ cái tên Four Stars mà bấy lâu nay anh em mình đã tốn bao công lao tạo dựng lên sao?
Lời khích động của tôi có hiệu quả ngay. Anh tôi mím môi lại, mắt sáng lên:
- Xoá bỏ tên Four Stars? Không! Không đời nào…
Giọng anh dịu xuống rồi im bặt. Tôi nói:
- Đằng nào thì anh cũng phải chọn lựa. Nhưng em tin là anh không nỡ bỏ Four Stars…
Anh tôi dõi mắt về phía trước;
- Có thể nào mình vừa làm việc này, lại làm cả việc kia được không?
- Anh định bắt cá hai tay?
- …
- Em không tin là anh đủ sức…
- Tao không đủ sức thì cả Four Stars…
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là có một điều kiện giữa hai bên: Dũng gia nhập vào ban nhạc để lập Five Stars, và ban nhạc mới này sẽ vừa hoạt động tên sân khấu nhà hàng, vừa hoạt động trên sân cỏ…
Ý kiến của anh Trí được đưa ra bàn cãi. Cuối cùng, bốn người trong ban cùng đồng ý với nhau về ý kiến đó. Và tất cả đã làm một việc ngoạn mục: cùng tham dự buổi sinh hoạt với Dũng để tỏ cho anh thấy rằng, Four Stars lúc nào cũng quý mến anh, lúc nào cũng cố gắng hoà đồng với anh.
Để rồi cuối cùng, khi anh Trí bày tỏ ý định:
- … Four Stars chúng mình sẽ thành Five Stars, và mình sẽ làm lại từ đầu với số vốn nghệ thuật đảm bảo…
Dũng đã lắc đầu thẳng thắn từ chối ngay:
- Tôi xin thay mặt Nhật thành thật cảm ơn các anh và Lan Phương đã giúp sức chúng tôi trong buổi sinh hoạt vừa qua. Nhưng với đề nghị vừa rồi, tôi tự thấy mình khó thể kham nổi cả hai việc. Vả lại, nếu chỉ là những cuộc sinh hoạt thế này thôi, thì có lẽ tôi đã dễ quyết định. Đằng này, chúng tôi còn đang tiến đến một việc khác, đòi hỏi nhiều cực nhọc và thì giờ hơn…
- Việc gì thế anh Dũng?
- Chừng ít lâu nữa rồi mọi người sẽ biết…
° ° °
Với một người thích làm hơn nói, chúng tôi chỉ còn biết chờ xem Dũng sẽ làm gì? Tôi để ý từng hoạt động của Dũng, hẳn nhiên, anh không hề hay biết. Nhưng cho đến giờ, tôi vẫn chưa hiểu rõ hoạt động sắp tới của anh là gì? Có điều, trong những ngày qua, sao tự dưng trong tôi, hình ảnh buổi sinh hoạt chung với Dũng và Nhật cứ lởn vởn không rời. Lòng tôi như có một cảm kích lạ. Tôi nhớ lại những tiếng vỗ tay sau khi Dũng hát hết bản, sau khi Nhật, Dũng hợp ca vừa dứt… Không có những tiếng bis như khán giả đã dành cho ban chúng tôi, mà là những lời khen trẻ con rất thành thật;
- Anh Dũng ca “chì” quá!
- Anh Nhật hát giống mấy “ông ca sĩ” ghê!
- Cái đàn cũ rích mà coi bộ còn hay ghê chớ!
Hình ảnh ban Four Stars chúng tôi hiện ra tiếp nối, bốn người trong ban với áo quần sang trọng, đúng mode, nhạc cụ trong tay bóng loáng, tất cả rực sáng dưới ánh đèn mầu…
Tại sao những hình ảnh đó không hấp dẫn được Dũng? Tại sao anh chọn sự thân mật với một đám trẻ con trên sân cỏ mà từ chối tên tuổi với đám đông người lớn thưởng ngoạn?
Tôi thấy Dũng có vẻ “cứng đầu” quá! “Cứng đầu” còn hơn tôi nhiều! Nhưng có lẽ vì thế mà đôi khi, tôi thấy mình thật khó hiểu. Tôi giận anh vô cùng, nhất là lúc anh lên tiếng từ chối gia nhập ban nhạc chúng tôi, nhưng giận anh, tôi vẫn không sao oán ghét anh được…
° ° °
Tuấn hỏi tôi:
- Chị đã biết gì chưa?
- Biết gì là biết gì?
- Anh Dũng!
- Sao?
- Luôn anh Nhật nữa!
- Có gì thì mày nói ngay ra đi, cứ úp úp mở mở mãi… Họ lại tổ chức buổi sinh hoạt nữa chứ gì?
Tuấn lắc đầu:
- Nếu là chuyện ấy thì có gì là quan trọng… Em có thằng bạn ở cùng xóm với anh Nhật…
Tôi ngắt lời:
- Thì ăn thua gì?
- Chị để từ từ em nói nào… Thằng bạn em mới kể cho em biết rằng ít hôm nay, có hai thanh niên đi đến nhiều nhà trong xóm để nói chuyện về một ý định của họ…
- Anh Dũng và anh Nhật?
- Thì họ chứ còn ai nữa. Họ đang đi thăm dò dân xóm xem mọi người nghĩ thế nào về dự định mở một lớp tiểu học miễn phí của họ?
- Một lớp tiểu học miễn phí?
Tôi ngạc nhiên vô cùng. Đó là công việc mà hôm nọ, Dũng đã nói là đòi hỏi nhiều cực nhọc và thì giờ? Mở một lớp miễn phí! Tôi tưởng chừng chuyện đó chỉ có thể có với trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày xưa… Dũng và Nhật dám làm công việc khó khăn này?
Tuấn:
- Chị có rảnh không?
- Chứ mày xem tao có bận gì đâu?
- Chị theo em sang phòng anh Dũng, em chỉ cho chị xem cái này…
Tôi ngần ngừ. Tuấn:
- Anh ấy đi học rồi… Vả lại, nhà của mình mà ngại gì?
Rồi không cần đợi tôi đồng ý, Tuấn kéo tay tôi về phía phòng Dũng. Nhà tôi rộng, mỗi người có riêng một phòng. Trong gia đình, nhỏ nhất là con Lan Anh cũng đã mười bốn, ngoài ra, bà bếp rất hiền lành; không bao giờ có chuyện mất mát đồ đạc. Vì thế, cửa phòng thường bỏ trống không khoá. Tuấn đẩy cửa phòng Dũng, chỉ xuống dưới nền:
- Đó, chị xem!
Trên nền nhà, một tấm giấy cứng khổ lớn được chặn bốn góc bằng bốn vật nặng, trên đó, Dũng viết những hàng chữ bằng bút màu. Đó là tấm bích chương quảng cáo:
LỚP MIỄN PHÍ
Dành cho các em lớp ba, lớp nhì, lớp nhất
Do Nhật, Dũng phụ trách, sẽ thu nhận học sinh từ…
Cạnh tấm bích chương là mấy tấm giấy cứng khác và la liệt những cây viết màu, thước, compas…
Tuấn bảo tôi:
- Chị xem, thế này hỏi sao anh ấy không chịu vào ban nhạc với chị và anh Trí!
Tôi không đáp lời Tuấn vì đang mải nghĩ đến việc làm của Dũng. Anh đã bắt đầu một việc khó khăn, tôi còn cho là quan trọng nữa. Mở một lớp miễn phí, tôi biết, anh và Nhật không làm một việc phước thiện, mà hai người bạn này đang hợp sức để gieo rắc tinh thần dân tộc trong tâm hồn của đám trẻ trong xóm. Liệu họ có thành công không? Trước mắt tôi, tôi thấy hiện ra rất nhiều khó khăn, trở ngại… Cái khó khăn gần nhất là việc học tập của Dũng. Tôi biết rõ là anh rất bận… Nếu chẳng may vì ham hoạt động mà cuối năm nay, anh… Tôi không dám nghĩ tiếp nữa… Sao lạ quá… sao tự dưng tôi lo cho Dũng quá…