Số lần đọc/download: 2452 / 63
Cập nhật: 2016-06-20 20:53:54 +0700
Chương 6
T
ôi không hiểu người ta rẽ vào cách mạng từ ngã ba Ông Tạ, ngã năm Chuồng Chó hay ngã tư Chú Ía. Riêng tôi, tôi xồng xộc nhảy vô cách mạng từ ngã sáu Đói Rách. “Đêm giã từ Hà nội”, tôi tưởng tôi sẽ định cư cuộc đời học hành ấm ớ của mình ở đồn điền cao su nào đó tại miền Nam. Ai ngờ gặp gỡ thằng đầu bự Đồng Văn Khải, rồi gặp gỡ Đặng Xuân Côn, “trót nghe theo lời u mê”, tôi tạm cư ở Nhà Hát Tây, văn nghệ văn gừng cắc ké. Bấy giờ, phong trào thi văn đoàn còn nằm rũ, chưa dựng cột buồm, chứ không, tôi đã lập thi văn đoàn Bí Tất hoặc thi văn đoàn Áo Thun, chủ trương một nền văn nghệ bi quan cận kiến đối lập với văn nghệ lạc quan viễn kiến của Nguyễn Đức Quỳnh. Văn nghệ văn gừng của tôi táo bón hơi lâu, nhờ thuốc xổ của thi sĩ Văn Nghĩa – nhà thơ bị đào đá – và nhờ em Ngọc Anh xùy mạnh mẽ, nó đã khai thông. Tôi có bao nhiêu “tác phẩm” tặng đào, nhớ không rõ vì đào gom luôn bản thảo. Tôi có bao nhiêu “tác phẩm” bán đứt cả quyền ký tên cho Trần Văn Thông, nhớ không rõ vì cơm cháo đã tiêu hết trọi. Đi theo tôi làm cách mạng, có truyện ngắn “Đình công” đăng trên tuần báo Thợ Thuyền và bài thơ “Nắng lửa” đăng trên tuần báo Nhân Loại. Tôi đã là nhân viên chấm công của Phủ đặc ủy di cư, đã “khước từ” Cán bộ sơ cấp thanh niên. Cứ kể ra, cuộc đời tôi đã có tí ti sóng gió. Bị bà mợ xử ức, bị xã hội bỏ rơi, tôi đi làm … cách mạng! Cách mạng của tôi bảo đảm cơm no. Bữa cơm cách mạng no nê căng rốn và ngon lành thứ nhất xảy ra tại Bù Đăng, trong tiệm cơm giữa đường Sài gòn – Ban mê thuột. Bữa cơm khiến tôi quên Bình Xuyên của Bảy Viễn đã bị quân đội của thủ tướng Ngô Đình Diệm đánh chạy tóe khói vô Rừng Sát, khiến tôi quên tướng Cao Đài ly khai Trịnh Minh Thế đem thuộc hạ về Sài gòn đầu hàng chính phủ Việt Nam cộng hòa, khiến tôi quên Kim Chung, Đại Thế Giới bị dẹp tiệm và Bình Khang được giải phóng.
6g chiều, ba nhà cách mạng, Nguyễn Văn Truyền, Đồng Văn Khải và tôi đến Ban mê thuột. Ra đón chúng tôi là đàn anh Nguyễn Văn Luyện. Vị đàn anh này dẫn chúng tôi vào chiến khu. Vượt qua ba con suối cạn, đi ngót một giờ đường mòn, chúng tôi đụng độ chiến khu. Và, chiến khu của tôi mang tên Trại định cư Hưng Đạo. Hưng Đạo không phải là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đâu. Mà hưng đạo Phật. Vậy thì trại định cư Hưng Đạo gồm toàn dân di cư theo Phật giáo. Trưởng trại là Đại đức Thích Độ Lượng. Chiến khu cách mạng chống lung tung của tôi có vẻ … kỳ quá xá. Tôi leo lên cái nhà sàn, nửa trong của hai gia đình khác, nửa ngoài của gia đình cách mạng chúng tôi. Bữa cơm tối khá linh đình. Có con gà luộc chặt miếng lớn rắc lá cam thái nhỏ như sợi chỉ trông ngoạn mục lắm. Thêm đĩa sào lòng gà với mướp và bát canh miến nấu bằng nước luộc gà. Tôi đã nghĩ mình sẽ làm cách mạng suốt đời, với những bữa ăn giống bữa ăn này. Mâm cơm gồm các nhà cách mạng Nguyễn Văn Mạo, Phạm Văn Sơn, Đoàn Trọng Thu, Nguyễn Văn Truyền, Đồng Văn Khải, hai vị đàn anh Nguyễn Văn Luyện, Trần Tiến và tôi. Gia đình riêng của đàn anh Nguyễn Văn Luyện gồm bà mẹ già, bà vợ, ba đứa con và cô Khiết, một thứ Cô Giang, Cô Bắc hôm nay. Những người này đã cơm nước xong xuôi trước khi chúng tôi tới.
Như sinh hoạt của các gia đình di cư, chúng tôi đi ngủ sớm. Đêm ấy, tôi đẫy giấc trên nhà sàn.
° ° °
Không một ai nói gì với tôi về cách mạng cả. Tôi rất muốn biết cách mạng của tôi thuộc loại cách mạng nào và tôi sẽ lãnh sứ mạng chống lung tung ra sao. Nhưng tất cả im lặng. Hình như đàn anh đã chỉ thị bảo vệ bí mật cơ sở. Tôi không dám hỏi. Tuy nhiên, chúng tôi thân nhau sớm sủa và được đàn anh Luyện giới thiệu với bà con trong trại là họ hàng gần cả. Nghĩ dưỡng sức vài ngày, Khải và tôi bắt đầu công tác cách mạng. Nghĩa là chúng tôi vào rừng hạ cây khiêng về dựng một cái nhà sàn riêng biệt, gần con suối và xa hẳn trại Hưng Đạo. Chúng tôi cưa cây vừa vừa, chặt cành rồi vác bề làm cột kèo … Các chiến sĩ “cựu trào” đã thực hiện quá nửa công tác kiến trúc cái sườn nhà. Khải và tôi cưa cây, chặt cành, vác cây ngót một tháng đủ để tay chai, vai chai thì sang “khâu” cắt tranh lợp nhà. Cưa, dao, liềm, búa, cuốc, xẻng của cách mạng chống lung tung do Mỹ viện trợ! Chúng tôi ăn gạo Mỹ, phó mát Mỹ, dầu Mỹ. Chúng tôi uống sữa bột Mỹ, mặc quần áo cứu trợ của Mỹ. Cuộc đời tôi đã rẽ đúng vào khúc mà tôi tiên đoán. Thay vì đi cạo mủ cao su đồn điền, tôi đi “chém tre đẵn gỗ trên ngàn”. Cu ly hay cách mạng đều giống nhau ở chỗ gian khổ. Cái gian khổ của cu ly thì có lương còm cà phê, thuốc lá, nhậu nhẹt lai rai. Cái gian khổ của cách mạng thì có … tương lai huy hoàng của dân tộc. Tôi vốn là thằng học trò hoang đàng, nay bước vào kỷ luật cách mạng thì cám cảnh lắm lắm. “Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai”. Tôi muốn bỏ rừng về xuôi. Khổ nỗi không còn đồng tiền nào dính túi. Vả nữa, tôi tò mò, đợi xem cách mạng nó hứa hẹn gì với mình.
Đọc Đôi bạn và Đoạn tuyệt của Nhất Linh, tôi thấy anh chàng Dũng đi làm cách mạng phơi phới, phiêu bồng quá. Còn tôi, tôi vất vả chân lấm tay bùn. Sau bữa cơm “chào mừng vô chiến khu”, các chiến sĩ cách mạng chống lung tung ăn cơm với rau dền dại nấu phó mát Mỹ. Cuối tuần, thực đơn thêm tôm khô giã nhỏ đúc trứng. Chúng tôi thiếu chất thịt, chất mỡ, chất đường. Sữa bột viện trợ Mỹ không đường uống chán ngấy. Và uống là nhuận tràng lia chia. Con đường mòn gần “cơ sở” cách mạng, tôi đặt tên là đường Hoa Thịnh Đốn. Bởi vì, chúng tôi đã “khước tù chủ nghĩa tư bản” trên con đường này. Bao tử cách mạng không chấp nhận tư tưởng đế quốc. Sữa bột Mỹ vừa vào là ra liền. Ra không mệt. Biện chứng pháp gọi là té re êm ái. Nếu đầu óc tôi chưa biết “chống Mỹ cứu nước” thì bao tử tôi đã chống Mỹ xâm lược, chống thực dân mới đầu độc con người bằng sữa bột quá “đát” phế thải.
Bằng rau dền dại dân tộc kết hợp phó mát vàng khè viện trợ Mỹ cộng với gạo hạt tròn, tôi đã phục vụ cách mạng chống lung tung của tôi. Những ngày đi cắt tranh thật gian khổ. Buổi sáng, chính quyền Ban mê thuột gửi chú lính Ra đê lái chiếc cam nhông chở “quân phản loạn” đến khu rừng tranh xa tít tắp. Có hôm, xe hư phải ngủ giữa đường rừng. Có hôm xe đang leo dốc cao, chết máy, tụt từ từ. Chưa đến nỗi “mồ hôi lạnh” xuống dốc không phanh. Cây xấu hổ – trinh nữ mẹ gì – bám đầy gốc cỏ tranh. Tay thiếu găng đeo, xước xát chảy máu. Tôi đã hy sinh nhiều giọt máu cho cách mạng. Chiều lạnh, nhúng tay xuống nước suối độc, buốt không tả nổi. Gai trinh nữ hay gai cách mạng? Nhờ một đêm ngủ rừng, tôi có cảm giác sợ hãi thiên nhiên và hiểu được sự huyền bí trong im lặng.
Cắt tranh đủ lợp nhà, tôi phải vào rừng sâu, khu rừng ẩm thấp chặt nứa về đan sàn và làm vách. Vắt đã hút của tôi hơi nhiều máu. Tôi vác hai chục cây nứa chạy phăng phăng qua cầu khỉ. Tôi không ngờ mình “lao động tiến bộ” thế. Nhờ cách mạng chống lung tung rèn luyện, 19 năm sau tôi có thể phấn đấu để tồn tại khi bị cách mạng vô sản đầy đọa. Tôi là nạn nhân của đủ loại cách mạng, kể luôn cách mạnh lạc quyên xổ số.
Khi “cơ sở” mới hoàn tất, chúng tôi bỏ “cơ sở” cũ. Đêm đầu tiên ở “cơ sở” mới, đàn anh Luyện dạy chúng tôi bắt chước hổ gầm. Chúng tôi ra xa bờ suối, chụm hai bàn tay vô miệng, hướng về trại Hưng Đạo, thay phiên nhau … gầm! Sáng sau, cả trại sợ hãi vì chúa sơn lâm đã lảng vảng khu nhà sàn của chúng tôi. Đàn anh Luyện xác nhận cọp đã đánh hơi người. Đàn anh giải thích với đàn em:
- Để thiên hạ không dám bén mảng quanh “cơ sở cách mạng”!
Tôi phục và ớn thủ đoạn cách mạng chống lung tung. Ổn định “cơ sở” xong xuôi, chúng tôi có phiên họp quan trọng. Đàn anh nói:
- Các chú đã trải qua thời gian thử thách. Chỗ này là Lam Sơn. Cách mạng sẽ khởi nghĩa từ đây. Và cũng từ đây, chúng ta tự lực cánh sinh, vừa canh tác vừa trau dồi lý thuyết cách mạng. Cách mạng của chúng ta có chủ nghĩa chỉ đạo. Chủ nghĩa của chúng ta là chủ nghĩa Duy Dân. Chủ nghĩa Duy Dân cao siêu nên muốn hiểu thấu đáo, các chú cần có ý niệm về triết học. Vậy, trước hết, các chú phải học triết học nhập môn.
Tôi đã biết cách mạng của tôi là Duy Dân, có chủ nghĩa cao siêu dẫn đường chỉ lối. Thằng cu Đồng Văn Khải dám nói cách mạng Duy Dân là cách mạng chống lung tung.
- Đường vào Duy Dân chủ nghĩa khó khăn. Vì nó là triết học, là học thuyết trên tất cả học thuyết thời đại này. Các chú chịu khó học, trí tuệ các chú sẽ thăng hoa. Và không cần cử nhân, tiến sĩ, kiến thức các chú sẽ sâu rộng. Các chú sẽ lãnh đạo dân tộc, sẽ là bộ trưởng tương lại, nếu thích địa hạt chính trị; sẽ là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc, nếu thích địa hạt văn nghệ …
Tôi nghe sướng tai quá. Chủ nghĩa Duy Dân đã gãi đúng chỗ ngứa văn nghệ của tôi.
- Hôm nay, chú Khải và chú Long có thể biết rõ anh em. Như anh Trần Tiến, giáo sư Pháp văn trung học tư thục Phan Sào Nam, Sài gòn. Trường Phan Sào Nam là nghĩa thục của chúng ta. Anh Tiến khước từ thụ phong linh mục ở Bùi Chu, anh mê thơ của lãnh tụ Lý Đông A của chúng ta và anh gia nhập Duy Dân. An em Duy Dân ta rải rác khắp nơi, toàn là tinh hoa cả. Viết văn, viết báo lừng danh có Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Thái Lăng Nghiêm … Cảm tình viên của Duy Dân có nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, thượng tọa Thích Tâm Châu.
Tôi ngẩn ngơ nghe đàn anh nói. Các “đồng chí” của tôi vĩ đại ghê.
- Nơi đây, chúng ta có thi sĩ Đoàn Trọng Thu và thi sĩ Nguyễn Văn Mạo, bút hiệu Hải Phương.
Hai ngọn núi trước mặt tôi. Vậy mà ngót ba tháng trời gần gũi, tôi không hề biết. Có những thứ tinh hoa không chịu phát tiết ra ngoài. Dưới mắt tôi, Đoàn Trọng Thu hiền lành nhưng thích lên mặt thầy đời và tinh hoa của chàng là … hôi nách kinh khủng. “Thối tai, hôi nách đổ quách ra đường”. Còn Nguyễn Văn Mạo gàn bát sách, ưa xổ nho và quê mùa hết chỗ chê. Tôi đã tặng chàng các biệt danh Đồ Mạo, Phó Mạo và một biệt danh tục tĩu phải nói ngược. Nhờ phiên họp … nhập môn Duy Dân, tôi xoắn lấy hai thi sĩ cách mạng chính gốc. Rồi tôi hiểu rõ hơn cuộc đời ái tình và sự nghiệp của hai chàng.
Thi sĩ Hải Phương, tác giả bài thơ Thăng Long trường ca bất hủ đã đăng báo mới đây và chương trình Tao Đàn của Đinh Hùng khen nức nở, ngâm đi ngâm lại. Chàng đã sáng tác mấy chục bài thơ tình lãng mạn cách mạng. Khi tài năng Nguyễn Văn Mạo đã được lôi ra ngoài ánh sáng và khi bớt “chém tre đẵn gỗ trên ngàn”, chàng thường sảng khoái ngâm vang thơ chàng khiến tôi thuộc một đoạn:
Em có bao giờ nhớ đến ta
Ra đi không một chén quan hà
Ra đi cho bước chân rời rã
Ôm bóng em trong bóng nguyệt tà 1
Thi sĩ Đoàn Trọng Thu thì đã có cả một tập thơ xã hội. Thuở học trò, chàng từ Bùi Chu lên Hà nội trọ học ở nhà người đồng hương. Chàng mê con gái ông chủ nhà trọ. Nàng mê chàng. Sau, nàng bỏ chàng mê một người trên chân chàng là nhà văn, giáo sư Nguyễn Sĩ Tế, rồi lấy giáo sư Tế. Đoàn Trọng Thu thất tình, bỏ học, đi làm thơ rồi đi làm cách mạng. Một vài đoạn thơ của chàng:
Em héo tuổi hoa giữa phố phường
Giữa khi cuộc sống phải lên hương
Mà không ấp áp lòng tin tưởng
Em ạ nhớ còn anh mến thương
…
Em đã mơ gì em ơi
Lúa chín hai mùa no ấm
Chồng giết giặc về em vui
…
Ai khổ suốt đời chuyện áo cơm
Đau thương không nhắc nhớ căm hờn
Cháy nhà mất đất đau ngùn ngụt
Nguyện dựng lại đời tươi sáng hơn
Đoàn Trọng Thu thích lên mặt thầy đời mà bớt vênh váo chuyện thi ca. Nguyễn Văn Mạo thì đắc ý Thăng Long trường ca và coi như mình đã tới. Tôi phục cả hai. Nhưng tôi thân Đoàn Trọng Thu hơn. Hai thi sĩ này giống hai con chim cùng hót hay, cùng đậu chung một cành và, dù là cành cây cách mạng, vẫn không chịu nhau về tài làm thơ. Tôi đưa thơ của tôi cho thi sĩ Nguyễn Văn Mạo coi, chàng khuyên tôi nên học chữ Nho và chàng sẽ dạy tôi. Chàng bảo giỏi chữ Nho sẽ giầu từ ngữ. Tôi nói điều đó với Đoàn Trọng Thu, thi sĩ bị đào đá cười:
- Thi sĩ là người chế ra chữ nghĩa mới, cần gì phải thuổng chữ nghĩa của Tậu
- Chế cách nào?
- Có hai cách.
- Cách thứ nhất?
- Dùng những chữ thật bạo, thật lạ cho thơ của mình. Thoạt đầu nghe chướng tai lắm, sau được công nhận là hay. Đó là của riêng mình, là sáng tạo.
- Cách thứ hai?
- Dùng những chữ dân gian mà thi sĩ khác chê. Bỏ những chữ tầm thường nhất vào thơ đúng chỗ cũng là chế chữ nghĩa mới cho thi ca đấy.
- Thí dụ?
- Chữ với chẳng hạn. Chữ này ấm ớ quá, “hèn” quá. Thế mà Nguyễn Bính dùng nó tuyệt diệu. Chữ với của Nguyễn Bính tình tự dân tộc nhất.
Xóm giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em ăn giập miếng trầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng chung một lối vội vàng chi anh
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau
Chữ luồn có chi tân kỳ. Luồn lọt, luồn cúi, chui luồn. Thế mà Xuân Diệu ném chữ luồn vào chỗ tài tình, xứng đáng bực thầy.
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Rét mướt chui luồn vào gió thì số một. Đó, thí dụ về chữ của thơ. Chữ làm rực rỡ nghĩa. Nghĩa làm chói sáng thơ. Thơ còn cần hình ảnh. Hình ảnh là hơi thở của thơ, là mạng sống của thơ. Thiếu hình ảnh, thơ chết. Một bài thơ chở chất một tâm sự nào đấy, chưa cần biết. Chỉ biết rằng, muốn tâm sự ấy gây xao xuyến cho người đọc, bài thơ phải có chữ mới, hình ảnh mới. Và âm nhạc, dĩ nhiên.
Thi sĩ Đoàn Trọng Thu là tay lý luận thi ca. Tôi thấy tôi bé nhỏ quá. Cách mạng đã hấp dẫn tôi, không phải vì chủ nghĩa Duy Dân, vì lãnh tụ Lý Đông A mà vì thi sĩ Đoàn Trọng Thu hôi nách. Tôi chưa là đồng chí của Thu. Theo đàn anh Nguyễn Văn Luyện, chúng tôi còn phải học tập chủ nghĩa Duy Dân, còn phải thử thách thêm một giai đoạn nữa rồi mới được tuyên thệ để trở thành đảng viên của Duy Dân đảng. Vậy tôi học tập chủ nghĩa Duy Dân ra sao?
Mỗi buổi sáng, đàn anh Trần Tiến đưa tôi vào triết học … nhập môn. Đàn anh cầm cuốn Triết học nhập môn của Foulquier vừa dịch vừa giảng giải. Tôi đụng độ danh từ triết học muốn nhức đầu. Nội cái định nghĩa triết học là gì đã khiến tôi chán nản. Tôi khoái nghe Đoàn Trọng Thu lý luận thi ca hơn là nghe đàn anh dẫn tôi trên “nẻo về của ý”. Nhưng mà tôi vẫn cứ bị học triết học. Học và không nhớ mình đã học cái gì! Sáng học, chiều canh tác. Qua phần triết học nhập môn, chúng tôi học chủ nghĩa Duy Dân. Bắt đầu chép Chu tri lục, tác phẩm của lãnh tụ Lý Đông A. Tôi chép như cái máy, chẳng hiểu nổi ngôn ngữ của lãnh tụ. Chép xong lại phải gói kỹ bằng bao ni lông đem chôn dấu, khi nào học thì đào lên, học xong đem chôn. Bí mật! Tôi được sống thời hội kín. Rồi tôi chép Huyết hoa và thơ của Lý Đông A. Lãnh tụ Lý Đông A viết tùy bút thật hay, chữ nghĩa thật lạ. Thơ của ông chính khí dạt dào. Tôi mê thơ Lý Đông A, mê văn Lý Đông A. Còn Chu tri lục, tôi chán ngấy. Đọc thơ văn Lý Đông A, tôi thấy ông nhắc nhở hoài thứ nắng mà ông gọi là nắng Viêm, rồi phương Viêm. Tham vọng của ông, ông mơ ước tạo dựng một nước Đại Việt hùng cường, uy danh của thời Lý thời Trần. Do đó ông lấy tên Lý Đông A. Duy Dân tính niên biểu bằng quốc lịch, căn cứ từ Hùng Vương dựng nước. Riêng điều này, Duy Dân đã dân tộc hơn hết và làm rạng nghĩa tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà nam đế cư”. Chủ nghĩa Duy Dân do chính người Việt Nam sáng tạo. Chủ nghĩa ấy mưu cầu độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc cho nòi giống Bách Việt gồm các nước, căn cứ theo một bài hát của Duy Dân: Đứng lên, Việt, Thái, Mèo, Miên, Lào, Mường, Mã lai, Pa, Pu, Chàm, Ngái lầy, Phi líp pin. Tôi không biết các nước Pa, Pu, Ngái lầy nằm ở chỗ nào của nước Đại Việt xưa tính từ Động Đình Hồ trở xuống. Rõ rệt nhất, Lý Đông A đã muốn kết hợp các nước Đông Nam Á châu thành một liên bang để chống sự xâm lược của nòi giống Hán. Theo sử Duy Dân, Đông Nam Á có ba nòi giống đáng kể: nòi Hán (Trung Hoa), nòi Bách Việt và nòi Di (Nhật Bản, Cao ly). Nòi Hán là kẻ thù truyền kiếp của nòi Bách Việt và thường xuyên nuôi mộng thôn tính nòi Bách Việt. Nòi Bách Việt nhờ có Đại Cồ Việt đương đầu mà tồn tại. Nhưng mãi mãi cần thiết kết hợp thành một liên bang đề phòng nòi Hán tràn xuống. Sử quan của Duy Dân về huyền sử Việt Nam thật sáng tạo. Quan niệm sử ấy biến mọi chuyện hoang đường thành niềm kiêu hãnh rực rỡ của giống nòi. Thí dụ huyền sử “Phù Đổng thiên vương đánh giặc Ân”. Huyền sử này chứng minh người Việt đã biết dùng đồ sắt (roi sắt, ngựa sắt) trong khi Âu châu còn chìm ngập trong vũng lầy man rợ. Nó chứng minh thêm rằng, người Việt khi cần biểu lộ sức mạnh thì mạnh như Rồng (cậu bé Phù Đổng vươn vai lớn lên, một mình dẹp tan giặc) và khi sứ mạng đã hoàn tất thì thoát tục, tìm chỗ ẩn danh như Tiên (Phù Đổng bay lên núi), không thèm ở lại làm chủ tịch hay tổ chức bầu cử gian lận làm tổng thống. Cũng không thèm ai suy tôn mình “vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”. Rồng Tiên đã mai một. Cái nhân sinh quan nguyên thủy Việt Nam mất rồi. Bây giờ, Rồng Tiên hóa thành liu điu!
Tôi mê tùy bút Lý Đông A, mê thơ Lý Đông A, mê sử quan và triết lý kinh tế bình sản của Duy Dân, nhưng Duy Dân dân tộc cực đoan và quá khích cực đoan. Duy Dân chống cộng sản Nga, chống tư bản Mỹ, chống Trung Hoa, hẳn nhiên, chống tay sai của thực dân, đế quốc cũ và mới, chống luôn các Giáo hội, nhất là Giáo hội Vatican mà Duy Dân gọi là cộng sản đen. Duy Dân chỉ chấp nhận Phật giáo vì Phật giáo ở Việt Nam ràng buộc mật thiết với dân tộc Việt Nam. Với Duy Dân, chỉ có Tổ Quốc, không có Giáo Hội dù Giáo Hội khiêm tốn đứng sau Tổ Quốc. Nếu lãnh tụ Lý Đông A lập thuyết vào đầu thế kỷ thứ 19, chủ nghĩa Duy Dân đã cứu rỗi dân tộc thoát cảnh đô hộ của thực dân Pháp và cảnh thao túng của đế quốc Mỹ, đế quốc Nha. Không một tiểu nhược quốc nào còn được phép theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và quá khích ở cái thế hôm nay. Hóa cho nên Duy Dân đã, hình như, lạc hậu, trong cuộc chơi đánh đu tư tưởng của nhân loại ở cuối thế kỷ thứ 20. 2
Đồng Văn Khải nói láo mà đúng. Cách mạng của tôi chống lung tung thật. Bài báo bí mật tôi đọc ở “chiến khu” có câu: “Một chén thuốc độc cho Bảo Đại, một giải lụa cho Ngô Đình Diệm, một con dao găm cho Hồ Chí Minh”. Duy Dân 1955 không còn Lý Đông A nữa (ông đã bị Việt Minh giết trong cuộc tàn sát Duy Dân trên đồi Nga My năm 1946) và họ đã “tam âm triều điển” cho ba tay sai của ba đế quốc thực dân Pháp, Mỹ, Nga. Thế thì tôi đã ăn gạo Mỹ viện trợ qua trung gian cấp phát Ngô Đình Diệm để làm cách mạng chống cả Pháp, Mỹ, Nga lẫn … Vatican! Hồi đó, tôi không có ý nghĩ trào lộng này. Được nghe kể về cuộc đời bôn ba của ông Lý, tôi rất kính trọng ông. Cái sở học trùm thiên hạ của ông, tôi nghĩ, ông Lý là người Việt Nam xuất chúng. Ông thiếu mỗi chữ thời. Bây giờ, tôi vẫn kính trọng Lý Đông A và chủ nghĩa Duy Dân. Những kẻ tiếp nối sự nghiệp Lý Đông A, đàn anh của tôi, đã không được gần gũi ông Lý nên không hiểu nổi tư tưởng của ông nên, hầu hết, bị tẩu hỏa nhập ma, biến thành các lãnh tụ gàn và biến học thuyết Duy Dân thành triết lý “bất chiến tự nhiên thành”, triết lý cách mạng nằm há miệng dưới gốc cây sung, tiêu cực, thụ động, ngờ vực … Và máu lãnh tụ duy ngã độc tôn ngập ứ. Và thủ thuật cấy hy vọng hão huyền vào tâm hồn đàn em để đàn em tình nguyện làm âm binh bu quanh phù thủy, suy tôn phù thủy và làm guốc cho phù thủy lê mòn vẹt cũng thừa thãi.
- Duy Dân hiện nay có bốn hệ phái, đàn anh Luyện nói. Hệ phái tổng lý (Chánh tổng và Lý trưởng) ngu dốt, không hiểu Chu tri lục, chỉ có công chứa chấp và phục dịch ông Lý, nay vào Nam cũng nhận mình là lãnh tụ Duy Dân, thừa lệnh ông Lý. Đó là lão Nhân già và Thản già. Hệ phái phản đảng đã bị kết án xử tử, bán anh em cho Ngô Đình Nhu là tên Việt gian Lê Quang Luật. Hệ phái Nhân già, hệ phái Thản già, hệ phái Lê Quang Luật là đồ giả mạo. Chỉ có hệ phái của chúng ta là Duy Dân chính thống do anh Đình lãnh đạo.
Duy Dân, như thế, đã phân hóa từ 1955. Như Việt Nam quốc dân đảng. Như Đại Việt. Trở lại tôi, kẻ lạc đường vào Duy Dân … Tôi bằng lòng sáng học chủ nghĩa Duy Dân, chiều cuốc đất canh tác, chủ nhật nghỉ, sinh hoạt cá nhân tự do. Tôi thường rủ Đoàn Trọng Thu đến khúc suối vắng, nằm trên bờ cỏ nghe suối reo và gạ chuyện văn nghệ.
- Ông đã đọc thơ của tôi, ông thấy thế nào?
- Ông đừng buồn nhé!
- Cam đoan không buồn.
- Thơ của ông rỗng tuếch!
Tôi đau nhói. Đoàn Trọng Thu tiếp:
- Vì ông lười tìm chữ mới, hình ảnh lạ. Nếu ông điêu luyện, ông sẽ thành sáo như thơ Phó Mạo. Thơ của Phó Mạo ước lệ và hay vay mượn chữ và hình ảnh của thi sĩ khác.
Tôi hỏi:
- Còn văn của tôi?
Thu đáp:
- Văn ông hút hơi.
- Có triển vọng dài hơi chăng?
- Có chứ. Tôi khuyên ông nên làm thơ trước đã. Ông chịu khó tìm chữ mới, hình ảnh mới. Làm thơ thật nhiều, càng nhiều càng tốt. Thơ hay hoặc không hay không thành vấn đề. Vấn đề là làm thơ nhiều.
- Tại sao?
- Để ông giầu chữ, giầu hình ảnh, giầu nhạc điệu. Đến khi ông viết văn, văn ông nhiều chữ, nhiều hình ảnh, nhiều nhạc điệu. Nhà văn phải coi thơ của mình như một trương mục để dành chữ nghĩa. Ông thích trở thành nhà văn hay nhà thơ?
- Cả hai.
- Một thôi.
- Nhà văn.
- Nhà văn cần sống nhiều, đọc nhiều. Sống nhiều hơn đọc nhiều. Nếu sống nhiều và đọc nhiều thì quá tốt. Ông sẽ đừng từ chối bất cứ cơ hội nào dẫn ông phiêu lưu vào cuộc sống, dẫu những cuộc phiêu lưu gập ghềnh tai họa. Đã chấm dứt một giai đoạn nằm bàn đèn thuốc phiện nghĩ đề tài viết tiểu thuyết. Bến bờ ấy đã xa hút. Hôm nay là giai đoạn dấn thân tích cực của nhà văn. Hôm nay nhà văn phải chứng kiến cảnh tượng phẫn nộ để phản kháng. Tiểu thuyết là gì? Là phản kháng hiện hữu. Không chấp nhận thiên đường hiện tại, mơ ước triệu triệu thiên đường mới là phản kháng đấy.
- Ai dạy ông thế?
- Tôi đọc và tôi suy tư.
- Ông nói tiếp đi.
- Nhà văn phải dám nổi loạn. Bản chất của nhà văn là nổi loạn. Nhà văn không chấp nhận hiện hữu, không chấp nhận luôn cả mình. Nhà văn phản kháng chính mình. Thường trực.
- Phản kháng cả cách mạng?
- Chứ sao!
- Tại sao ông đi làm cách mạng?
- Tôi rong chơi thôi. Tôi lên rừng hong vết thương đời. Vết thương lành, tôi bỏ rừng. Nghệ sĩ từ chối bất cứ cái gì ràng buộc mình. Thi sĩ thần phục một chủ nghĩa, y sẽ giống con ngựa kéo xe bị bịt mắt.
Đoàn Trọng Thu mỉa mai:
- Thời đại chúng ta không còn cách mạng nữa. Cách mạng mà thiên hạ lạm dụng chỉ là sự tranh chấp quyền bính thống trị, thứ cách mạng bệ rạc.
Tôi ngạc nhiên:
- Tại sao ông dám nói với tôi như thế?
- Vì tôi đọc từ mắt ông ý nghĩ bỏ rừng. Thi sĩ là nhà tiên tri.
- Ông tiên tri thêm gì về tôi?
- Có thể viết văn được. Nghe đây nhà cách mạng bất đắc dĩ: ông đừng bỏ rừng sớm. Bỏ sớm là dại. Bởi không có lần thứ hai nữa. Ông đang sống đấy, tận hưởng cuộc sống đi! Bốn mươi tuổi hãy viết tiểu thuyết. Cái hôm nay, ông viết vội, sẽ chỉ là bút ký, phóng sự tầm thường. Để nó thấm vào máu, nó gạn lọc qua thời gian, lúc ấy nó là tiểu thuyết. Tiểu thuyết không bao giờ là sự thật nguyên khối. Chỉ là hình như. Nếu nhà văn không xuyên qua cuộc sống đích thực của y, cái hình như của y vất đi.
- Thí dụ cụ thể đi!
- Thí dụ ông viết về cái chiến khu này bằng hình thức hồi ký, ông phải viết toàn sự thật. Và chỉ có những ai ở chiến khu này mới biết rõ và xác nhận ông viết đúng hay viết bố láo. Những người cũng đi làm cách mạng, cũng mang tâm trạng và tâm sự như ông không nhìn thấy họ. Nhưng nếu ông viết bằng hình thức tiểu thuyết và nếu ông viết có nghệ thuật, chiến khu này không ở Ban mê thuột, ở nơi nào đó mà những kẻ đi làm cách mạng đọc xong thì ngẩn ngơ “hình như mình đã có lần ở đây, hình như nó viết về mình, nó viết giống mình”. Tiểu thuyết là cõi, là vũ trụ bao la và quyền uy của nó vô cùng. Không có khẳng định hay phủ định trong tiểu thuyết. Tất cả đều hình như. Nhà văn miêu tả một nhân vật xấu biểu tượng trong tiểu thuyết, tất cả những kẻ xấu ngoài đời đều nghĩ hình như nhà văn lột tâm hồn mình. Cũng vậy, nếu nhà văn miêu tả một nhân vật tốt biểu tượng.
- Tiểu thuyết không phải là hoàn toàn tưởng tượng?
- Có người phát biểu: Viết truyện tưởng tượng mà người đọc tin rằng truyện thật là đạt tới đích nghệ thuật viết tiểu thuyết. Có thể đúng, nếu chỉ là truyện giải buồn ở thời đại phẳng phiu. Ở thời đại bão táp cuốn xoáy thân phận con người, tiểu thuyết không thể gào thét cô đơn, đạp tung phẫn nộ bằng tưởng tượng. Chất liệu cấu tạo nó đòi hỏi nhà văn phải kinh qua thời đại, phải ngậm hơi thở của thời đại, phải chia sẻ đớn đau và mơ ước của con người trong thời đại khốn quẫn ấy. Người ta gọi là kinh nghiệm sống. Bằng kinh nghiệm sống cộng với tưởng tượng, nhà văn sẽ làm nên tiểu thuyết nghệ thuật. Tôi có một thí dụ nhỏ cho ông: nhà văn miền Nam Dương Hà viết một tiểu thuyết thời chiến, nhan đề Những bức thư tình. Vì không sống ở Hà nội, chưa bao giờ biết Hà nội dù biết qua bài học địa dư, ông ta cho nhân vật phóng xe jeep tốc độ 100 cây số giờ mà hơn 1 giờ phóng xe từ ngoại ô nhân vật của ông ta mới vào trung tâm thành phố! Có lẽ, Dương Hà nghĩ rằng ngoại ô Hà Nội là Nam Định, Thái Bình chăng?
- Tại sao ông không viết tiểu thuyết?
- Vì đã có Tản Đà, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Xuân Huy, Thâm Tâm viết văn xuôi không hay và không biết viết tiểu thuyết. Thi sĩ khó viết nổi tiểu thuyết hay. Văn sĩ khó làm nổi thơ hay.
Tôi có thêm “sư phụ” Đoàn Trọng Thu, nhà lý luận văn nghệ sắc bén. Với tôi thôi. Đàn anh Nguyễn Văn Luyện đã cấy tương lai vào tâm hồn tôi: “Các chú sẽ lãnh đạo dân tộc, sẽ là bộ trưởng tương lai, nếu thích địa hạt chính trị; sẽ là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc, nếu thích địa hạt văn nghệ”… Tôi thích trở thành nhà văn. Chủ nghĩa Duy Dân có công giúp tôi gặp Đoàn Trọng Thu. Tôi cần nán lại thời gian học hỏi văn nghệ, nếm thêm mùi cách mạng và tìm cách xoay vé xe đò về Sài gòn.
° ° °
Vài sinh viên Sài gòn lên thăm “chiến khu”. Họ nói về cuộc xuống đường của tuổi trẻ săn đuổi Văn Tiến Dũng, đốt phá hai khách sạn Majestic và Galliéni. Họ mang theo vài số tuần báo Người Việt, vài số nhật báo Dân Chủ có đăng bài của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh ngợi ca sự phẫn nộ của kẻ sĩ hôm nay. Tôi ngưỡng mộ sinh viên Duy Dân lắm. Lại có phiên họp quan trọng xảy ra. Đàn anh vẽ kế hoạch đánh chiếm Ban mê thuột. Lúc này, quân đội Pháp còn đồn trú ở đây và Ban mê thuột vẫn là hoàng triều cương thổ. Tôi không hiểu quân đâu mà đánh chiếm Ban mê thuột. Thì cứ nghe. Khi nhóm sinh viên rời “chiến khu”, thêm vị đàn anh nữa lên. Vị đàn anh này tên là Nguyễn Văn Tâm, sinh viên sĩ quan Thủ Đức đào ngũ tháng 7-1954, viết báo, kể rằng đã làm thư ký tòa soạn cho Người Việt, rất thân Vũ Ngọc Các, Trần Việt Hoài, Doãn Quốc Sĩ, Lữ Hồ … Đàn anh Tâm thấp, tóc hớt kiểu “giật mìn”, nói nhiều, gần như ba hoa. Đàn anh bảo đàn anh viết xã luận cho Người Việt ký bút hiệu Minh Đạo.
Một buổi chiều, chúng tôi đang lên luống trồng khoai thì có một thanh niên lạ mặt tới hỏi thăm đường ra thị xã. Thanh niên mời chúng tôi hút thuốc, chuyện trò khá lâu. Sáng hôm sau, hai đàn anh Trần Tiến và Nguyễn Văn Tâm khăn gói quả mướp rời “chiến khu” đáp xe đò sớm về Sài gòn. Đàn anh sợ “mật vụ” đánh hơi theo dõi. Không khí “chiến khu” căng thẳng. Kế hoạch đánh chiếm Ban mê thuột … hỏng! Đàn anh Luyện chỉ thị chúng tôi ngưng canh tác, phân tán mỏng ban ngày, vừa làm tình báo vừa đề phòng bị bắt cả cụm.
Đoàn Trọng Thu hỏi tôi:
- Ông sợ không?
Tôi đáp:
- Hơi rét.
- Sợ con mẹ gì. Nằm trong rọ, nó muốn nhúm lúc nào thì nhúm. Cứ đánh giá mình quá cao. Đàn anh chưa chi vất đàn em chạy trước. Lý tưởng cách mạng đấy. Lãnh tụ đấy. Cứ thản nhiên mà sống. Cần mở mắt to.
- Ông có gì bất mãn?
- Tôi rong chơi. Khí hậu ở đây tốt, tôi lợi dung “chiến khu” chữa bệnh lao phổi. Ông đã thấy, tôi chỉ làm việc thật nhẹ.
- Còn tôi, tôi tị nạn … dạ dầy!
- Không ôm mộng bộ trưởng à?
- Cái này to quá, tay tôi ôm không xuể.
- Còn nhà văn lỗi lạc?
- Nhà văn thôi. Tôi nhờ ông dạy.
- Không có thầy giáo nào dạy ông làm nhà văn cả. Tôi gợi hứng cho ông. Tôi xui ông suy nghĩ. Duy Dân có tay văn nghệ nào cự phách đâu? Kiến thức văn nghệ của tôi hữu hạn. Tôi đã nói hết rồi. Tôi nhắc lại, ông cần từng trải đường đời, hưởng nhiều cay đắng, bốn mươi tuổi ông nhìn lại ông, ông sẽ có chất liệu đã gạn lọc qua thời gian mà viết. Bấy giờ, cái ông tưởng quên thì ông lại nhớ, nhớ chính xác và nó giúp văn ông thiết tha, đằm thắm. Tôi khuyên ông đừng bao giờ làm mầm non văn nghệ, đừng bao giờ có đàn anh nổi tiếng đỡ đầu, cất nhắc.
- Cám ơn ông. Tôi đã đọc hết tập thơ của ông, ông đã nghĩ nên xuất bản chưa?
- Chưa.
- Tại sao?
- Toàn là bài tập.
- Hay lắm chứ.
- Bài tập. Tôi sẽ xé bỏ và, có thể, chẳng thèm làm thơ nữa.
Đoàn Trọng Thu quả là tay khinh bạc. Cuộc đời rất hiếm thi sĩ không thèm in thơ.
Được rong chơi, tôi rong chơi khắp trại. Tôi lên trụ sở của đại đức Độ Lượng. Đại đức đã gặp tôi vài lần ở “cơ sở” cũ, rất cảm tình với tôi. Đại đức cứ gạ tôi làm bí thư cho ông, theo ông đi họp hành đây đó. Trót đóng kịch cách mạng, tôi không thể làm vui lòng đại đức. Giá tôi theo đại đức Thích Độ Lượng, dẫu khó lên Niết Bàn nhưng, chắc chắn, tôi không bị xuống Âm Phủ leo qua cầu vồng Sở Công An, đề lao Gia Định, khám Chí Hòa, trại tập trung Sa Ác, Rừng Lá. Và nếu có căn tu, tôi đã thành thượng tọa làm thầy vô số tướng lãnh, bộ trưởng, nghị sĩ, dân biểu … Hoặc vụng tu, tôi cũng thành sư văn nghệ như Phạm Thiên Thư, cũng được gọi là thầy, cũng mang pháp danh Thích Đủ Thứ.
Nhân đại đức Độ Lượng hỏi tôi cần giúp đỡ gì không, tôi xin đại đức cái vé xe đò khứ hồi Ban mê thuột – Sài gòn, Sài gòn – Ban mê thuột và vài trăm đồng. Đại đức cho ngay. Tôi mót về Sài gòn một chuyến. Từ ngày lên rừng, tôi chưa viết cho Đặng Xuân Côn bức thư nào. Chẳng hiểu vắng tôi nó ra sao. Tôi vẫn cay em gái Ngọc Anh, vẫn nhớ em từng đêm. Chỉ vì bài thơ thổ tả đăng Nhân Loại, bài báo khỉ gió đăng Thợ Thuyền mà tiếc văn thơ tặng em đến nỗi mất em thì đau quá. Than ôi, vì văn nghệ ta có em, vì văn nghệ ta đá em! Đá em, ta hết những chiều tan học đón em về, ta hết những lần hẹn hò thơ mộng, ta hết hôn em. Giá không mắc cái hệ lụy cơm áo, tôi sẽ tiếp tục nằm Nhà Hát Tây làm thơ tặng em luôn bản thảo, nằn nỉ xin lỗi em là em cho hôn dài dài. Rốt cuộc, “đói đầu gối phải bò”, tôi không thể bò thăm em, đành bò … đi theo Duy Dân. May mắn, tôi gặp thi sĩ Đoàn Trọng Thu. Cũng đỡ. Thi sĩ họ Đoàn khích lệ tôi làm thơ vung vít, làm thơ không lấy hay, làm thơ lấy nhiều để quen xử dụng chữ nghĩa, hình ảnh cho tiểu thuyết của tôi mai này.
Vậy thì tôi đã làm thơ. Tôi làm thơ không dám đưa cho thi sĩ Phó Mạo và thi sĩ Hôi Nách xem. Nguyễn Bính có chị Trúc. Tôi có chị Nguyệt. Tôi rên rỉ với chị Nguyệt trong thơ. Bài thơ cách mạng đầu tiên của tôi nhan đề Cuối mùa, tôi còn nhớ vài đoạn. Xin chép ra đây và xin được coi như cái chìa khóa mở kho cười vô tận:
Em về thăm lại đất Sài gòn
Ánh mắt mờ trong loạn phấn son
Con gái thời nay là thế cả
Nhung hương dễ biến đổi tâm hồn
Lâu rồi chị nhỉ, ngót hai năm
Em vẫn nghèo và sống tối tăm
Chị bận giang hồ nơi vạn dặm
Nhớ nhiều nhưng chỉ biết âm thầm
Một dạo làm quen với núi rừng
Mài gươm đợi buổi gió lên hương
Đi là quên hết còn vương vấn
Hình ảnh người em trót mến thương
Nào có bao giờ em dám quên
Chuỗi ngày thơ mộng nhẹ êm êm
Bên nhau tâm sự rời tâm sự
Để khóc tình đời trắng mấy đêm
…
Cuối mùa chị ạ, cuối mùa mơ
Ai đốt giùm em câu đợi chờ
Thu cả ngàn phương mưa nắng gió
Về đây chôn chặt một đời thơ
Bài thơ cách mạng xạo của tôi có mấy “xì tờ rốp” trách móc em Ngọc Anh rất … quan trọng thì tôi lại quên béng. Nghĩa là tôi không yêu em, tôi chưa yêu em, tôi chẳng yêu. Tôi xạo từ câu đầu. Chửa về Sài gòn đã dóc tổ về thăm Sài gòn. Câu ba thuổng ý Nguyễn Bính. Câu tám càng xạo, cuốc đất và học Chu tri lục lại bảo mài gươm. Nói tóm, tôi xạo. Tất cả thi sĩ làm thơ nhớ người yêu, trách người yêu, giận người yêu đều xạo. Mới làm mấy bài thơ cóc nhái, ễnh ương, thằn lằn, cắc ké đã “một đời thơ”. Còn điểm vớt vát sự xạo là dưới bài thơ tôi đã không thèm ghi câu … chính khí: Chiến khu, đêm thương tổ quốc và người yêu. Tôi có chiến khu đàng hoàng. Chiến khu trong rừng Ban mê thuột. Chiến khu cạnh vườn cam của vua Bảo Đại. Tôi không mướn chiến khu. Thật ra, tôi sợ ghi câu trên dưới bài thơ. Vì độc giả sẽ đòi hỏi tiếng khỉ cười trong thơ chiến khu của tôi! Loại thơ nhớ nhung giả vờ nay tôi có một bó, đêm về tặng em cứ gọi là em khóc sướt mướt. Gặp em, em vẫn yêu nồng nàn rồi chúng “đệ tử” ăn nên làm ra, có nhà cửa đàng hoàng, tôi sẽ “a đi ơ” cách mạng, tôi ở lại Sài gòn. Nếu em lạnh nhạt, chúng “đệ tử” đói rách lêu bêu, tôi sẽ tiếp tục cách mạng. Tôi xin cái vé xe đò khứ hồi là đã sẵn âm mưu.
Tôi cho thi sĩ Đoàn Trọng Thu biết tôi sắp về xuôi.
Chàng chúc tôi thượng lộ bình an. Xin phép đàn anh Luyện, đàn anh hỏi:
- Chú về Sài gòn có mục đích gì?
- Nghỉ học, nghỉ canh tác, em về giải quyết vài việc riêng.
- Mấy ngày?
- Tuần lễ.
- Được.
Đàn anh dẫn riêng tôi vào rừng tâm sự:
- Tôi thấy chú xuất sắc nhất trong anh em, không phải ở riêng chốn này, mà ở khắp nơi.
- Cám ơn anh.
- Chú sẽ lãnh đạo Đảng. Tôi nhìn mắt chú …
Tôi rét. Thi sĩ Đoàn Trọng Thu đã “đọc từ mắt” tôi “ý nghĩ bỏ rừng”.
- … tôi thấy áng lên một sự thông minh tuyệt vời. Trong thông minh, mắt chú còn toát ra vẻ tinh nghịch, trào lộng, khinh mạn. Nụ cười của chú ngạo nghễ. Chú là mẫu lãnh tụ lý tưởng. Chú ở với chúng tôi vài năm chúng tôi sẽ dạy chú đọc và viết giỏi hai sinh ngữ, sẽ dạy chú tinh thông triết Đông, triết Tây rồi chú thẩm thấu Duy Dân chủ nghĩa.
- Vâng.
- Về Sài gòn lên lần này, chú sẽ tuyên thệ gia nhập Đảng.
- Vâng.
- Mua vé xe đò chưa?
- Rồi.
Tôi đưa cái vé khứ hồi, đàn anh tin tôi liền.
- Cần tiền tiêu vặt không?
- Em đã có. Thưa anh …
- Chú muốn gì?
- Em có được phép kết nạp bạn em và dẫn nó lên rừng không?
- Tại sao không?
Thế là tôi yên tâm về Sài gòn.
--------------------------------
1 Thi sĩ Phó Mạo hiện đang sống ở Mỹ. Sự nghiệp thi ca của chàng tắc nghẽn ở Ban Mê Thuột. Chàng sẽ ngạc nhiên thấy có kẻ ái mộ thơ của chàng mà chàng đã quên.
2 Sau ngày 1-11-1963, nhà xuất bản Sông Đáy của Duy Dân đã vội vàng cho xuất bản Chu tri lục của Lý Đông A. Đến nay, cơ sở Nhân Xã lại xuất bản thêm văn thơ của Lý Đông A tại Hoa Kỳ. Tôi hoàn toàn thất vọng vì huyền thoại Lý Đông A và Duy Dân đã bị phơi ra dưới nắng chiều.