This nice and subtle happiness of reading, this joy not chilled by age, this polite and unpunished vice, this selfish, serene life-long intoxication.

Logan Pearsall Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2702 / 72
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: A-Ma-Tưa
heo sự điều tra của tôi thì nhà tôi mê Chúa từ những ngày làm thân nội trú tại một tu viện nọ. Các dì phước đã cầm tay kẻ ngoại đạo Trần thị Phượng, dắt nó đến trước hình Chúa đóng đinh chịu tội cho nhân loại trên cây thánh giá và giới thiệu với Chúa. Nhà tôi thú thật rằng Chúa đẹp trai hơn Phật, nhà thờ lại sạch sẽ, tiếng đàn “cọc” nghe quyến rũ gấp bội tiếng mõ lốc cốc nên nhà tôi, sau vài đêm suy nghĩ, đã tập làm dấu và học kinh. Rồi, đi lễ nhà thờ mỗi sáng chủ nhật là cái “mốt” của con gái nhà giàu ngoại đạo, nhà tôi đã cuốn theo “mốt” đó. Để dần dần biến thành kẻ công giáo “a ma tưa” ngoan đạo ra phết.
Tôi gọi nhà tôi là chiên “a ma tưa” của Chúa bởi lẽ nàng không theo một “cua” giáo lý nào và cũng chẳng hề được một cụ cố đạo đỡ đầu đặt cho cái tên thánh rồi rửa ráy tội lỗi. Tuy vậy, nhà tôi vẫn cứ thờ phụng Chúa, vẫn cứ làm theo lời Chúa dạy. Thỉnh thoảng nàng mới quên Chúa. Ấy là lúc nàng “yêu” tôi hay gây gổ với tôi. Trước ngày hai đứa chúng tôi lấy nhau, nhà tôi giao du rất thân mật mí lỵ vài ni cô tu tại gia, học cùng lớp. Mấy ni cô này, con nhà giầu. Mặc dù đã cạo trọc đầu, nguyện làm con yêu của Phật Thích Ca, nhưng lại ngại ăn đậu phụ, tương tầu. Ăn cơm chay do chính mình nấu nướng. Cơm chay của con nhà giàu còn tốn và công phu hơn cơm mặn ở La Cave, Ramuntcho! Nhà tôi cũng theo mấy ni cô tới chùa. Có lẽ, Chúa đã phạt nàng. Hình phạt đó là bắt nàng lấy tôi, kẻ lãng tử “lấy trăng gió làm nhà, nước mây làm bạn” và chê cả Chúa lẫn Phật.
Khi Trần thị Phượng đã là vợ của Nguyễn văn Lương tự Lương Khoán, nàng không năng “tiếu ngạo” chùa chiền thăm các ông sư nữa. Song ngày rằm, mồng một, nàng vẫn mua hoa, nấu chè, bắt tôi thắp hương cúng ông bà và ông thần tài. Và ngày giỗ mẹ, nàng xì xụp lạy. Rồi đốt vàng, đốt tiền! Nàng mua tiền của nhà băng... Âm phủ gửi xuống tuyền đài cho má tiêu xài. Tôi không dám cười. Sợ nhà tôi tác-giăng nổi giận. Nhà tôi thản nhiên như không. Thứ bảy cúng giỗ mẹ theo nghi thức nhà chùa, sáng chủ nhật đi lễ nhà thờ. Tôi phải đưa nàng đi lễ. Ôi, Chúa Ki tô, ước gì nỗi khổ của con Ngài thấu được, con chắc ngài đã cấm những kẻ công giáo “a ma tưa” tới nhà thờ. Sáng chủ nhật, đối với con quý như vàng bạc. Con có cái thú duy nhất là kéo dài giấc ngủ buổi sáng. Nếu đêm thứ bảy con “yêu” nhà con kỹ, con cần phải ngủ gỡ. Khốn nỗi, nhà con lại dựng đầu con dậy, bắt con dẫn nàng đi lên... nhà thờ Đức Bà. Ở Phú Nhuận thiếu gì nhà thờ? Thưa Chúa, nhà thà Đức Bà mới sang trọng, lịch sự và, nhà con tưởng Chúa chỉ thích ở nhà thờ Đức Bà mặc dù, Chúa ở khắp mọi nơi, Chúa ở với mọi người. Chúa lại dạy “Con lạc đà có thể chui qua lỗ kim chứ bọn nhà giàu khó mà về nước Thiên đường”. Con tự hỏi, tại sao bọn nhà giầu không làm cho nghèo đi và nhà thờ Đức Bà cứ sang hơn nhà thờ ngoại ô Phú Nhuận?
Dĩ nhiên, nếu tôi là con chiên của Chứa, tôi cứ phải sợ vợ hơn Chúa. “Nhất vợ nhì trời”. Và “Cứ sao vợ lại hơn trời nhỉ, Vợ chỉ hơn trời có cái trai” mờ lỵ. Tôi đi lăng nhăng tán gái hay đánh phé cả đêm, Chúa sẽ tha thứ tội lỗi dùm tôi. Cùng lắm, Chúa bắt tôi về nước Diêm vương. Chứ vợ tôi thì sẽ nổi cơn tam bành lục tặc, đay nghiến tôi hàng tháng. Điều chắc nhất là tôi bị ăn cơm chay.
Vậy thì, kính Chúa cao cả nhất liên hành tinh và liên lục địa, con xin kể cho Chúa nghe câu chuyện dẫn vợ đi lễ nhà thờ của con. Thoạt kỳ thủy, tôi lấy cái cớ sợ Chúa phạt vì thuở bé hay nói câu “Đức Chúa Giê xu nằm trong hang đá...” nên “để từ từ em hãy bắt anh gặp Chúa em vi vút vài nhời với Chúa trước đi”. Nhà tôi nghe bùi tai. Và nàng vô nhà thờ một mình. Còn tôi, tôi phú lỉnh sang cái quán bánh mì Bưu Điện, thẩy năm tiền bắt một khúc bánh mì ba tê đớp rất khoái khẩu. Gặm hết mẩu bánh mì, đứng hút thuốc nhìn đồng hồ xem cái kim dài nó bò ra sao. Mà nhà tôi vẫn chưa ra khỏi nhà thờ. Lễ gì lâu vậy? Tôi lẩm bẩm trách ông cố đạo nào đó đã giảng bài dài dòng văn tự. Nửa tiếng sau, nhà tôi mới lễ xong. Tôi mừng quá, Mắt sáng lên.
Nhà tôi hỏi:
- Anh đợi em lâu không?
- Mới có vài phút. Sao cầu Chúa nhanh thế? Em cầu những gì?
Nhà tôi khoe:
- Em cầu cả Đức Mẹ nữa. Em cầu nhiều thứ lắm, anh ạ!
Tôi mới hỏi:
- Liệu... chắc ăn không?
Nhà tôi đần mặt ra:
- Chắc ắn gì hả, anh?
Tôi đáp:
- Ăn cái giải mà Đức Mẹ và Chúa sẽ ban cho em ấy mà.
Nhà tôi cười duyên:
- Anh chả hiểu gì sốt cả, chả hiểu gì hết trọi...
Tôi cướp lời nàng:
- Ừa, anh chỉ biết... chọi!
Nhà tôi không biết tôi có máu hài hước trong tim. Bèn giảng nghĩa:
- Chúa không cho ăn giải đâu.
Tôi lại cướp lời:
- Dù là cái... dải rút!
Nhà tôi gật đầu:
- Dạ, Chúa có mặc quần đâu mà có dải rút. Thuở ấy loài người chưa mặc quần, chỉ quần sà rông thôi, anh ạ! Chúa và Đức Mẹ sẽ ban phước lành cho chúng ta.
Tôi ra cái điều cảm động:
- Sướng ghê, tháng sau anh sẽ được tăng lương.
Và tôi vội đưa vợ tới hẻm Casino để nàng đớp bún ốc. Tôi xực thêm tô búng thang. Tôi nghĩ, lúc nàng nhai ốc sần sật, có thể, nàng đã tạm quên Chúa. Nhưng thuở ban đầu giao duyên với Chúa không thể kéo dài. Nhà tôi than thở:
- Người ta đi lễ có chồng mà em đi lễ lủi thủi một mình.
- Anh không biết làm dấu, không biết đọc kinh làm sao anh dám vô nhà thờ.
Nhà tôi nói:
- Em sẽ dạy cho anh làm dấu, đọc kinh.
Chết tôi rồi! Tôi lại phải học. Thuở nhỏ vì ngại học mà lớn lên phải mần công chức lương khoán. Bây giờ bị học kinh, làm dấu thì quả là, Chúa ơi, ngài đã hại con rồi. Nhà tôi hất đầu:
- Anh chiều em không?
Tôi học đòi “ga lăng”:
- Không chiều em thì còn chiều ai trên cái cõi đời này.
Nhà tôi trách yêu:
- Anh nói văn chương tiểu thuyết đi, đừng giở giọng phóng sự thời đại.
Tôi vồ lấy cơ hội:
- Em muốn anh viết tiểu thuyết ư? Nhất em đấy nhé!
Nhà tôi bĩu môi:
- Đừng hòng. Em chỉ muốn anh học làm dấu và học kinh.
Vậy thì tôi phải học làm dấu. “Nhân danh Cha” chỉ ngón trỏ lên trán, “và con” chỉ vai bên trái, “và thánh thần” chỉ vai phải, “a men” chỉ vào ngực. Cái sự làm dấu dễ dàng thế mà tôi học hộc máu mồm mới thuộc đấy. Sau đó, tôi làm quen với các ông thánh Phê rô, Phao lồ. Thuộc vài đường “thao diễn cơ bản” là tôi bèn được vô nhà thờ, anh dũng như một người tân tòng. Thú thật, tôi là vua liều. Vậy nhưng đã uống thêm năm gói thuồc liều “min uy ni tê” véo đùi bảy cái cho mặt khỏi đỏ mới dám biểu diễn làm dấu trước Chúa và con chiên của Chúa. Tôi đã ngồi trên ghế gỗ luyện tập bắp thịt... mông, khoanh tay ngoan ngoãn luyện tập hai cánh tay để sau này biết nâng của đời, lẩm nhẩm kinh kệ luyện tập bắp thịt... mép. Và quỳ. Chao ôi, tội lỗi loài người đông quá. Đến nỗi con chiên nào cũng bị quỳ. Hồi còn đi học thầy bắt quỳ tôi còn phú lỉnh. Thà khiên về mấy trái trứng thối. Ai ngờ, ngót ba chục tuổi, tưởng đã có quyền bắt con cái quỳ, lại còn bị quỳ. Đúng là Chúa đầy uy lực nhất liên hành tinh và liên lục địa. Vì Chúa đã bắt được tôi quỳ. Nói cho đúng, vợ tôi đã bắt được tôi quỳ. Mới hay “nhất vợ nhì trời”.
Tại sao nhất vợ nhì Trời? Tổ tiên đã dạy rằng “Vợ chỉ hơn trời có cái trai”, Lạy Chúa con đã chiều vợ con mà quỳ trên sàn gỗ không lót “đệm mút thông hơi”. Vậy Chúa hãy ban thật nhiều phước lành cho vợ con. Hôm nào Chúa hóa phép để cục đá mà vợ con vấp té biến thành cục kim cương thì con nguyện sẽ thờ phụng Chúa suốt đời, Chúa nhé! Hay là Chúa bảo linh mục Trần Đức Huynh hay linh mục Nguyễn Quang Lâm phát chẩn cho gia đình con một triệu đi. Hay là Chúa bảo Tòa Tổng giám mục chia cho con một miếng đất cũng đẹp chán.
Tôi theo nhà tôi đi lễ được vài kỳ thì đâm ra chán. Thay vì im lặng hay đọc kinh, tôi đã đọc những lời than thân, trách phận. Và oán Chứa nữa. Nhà tôi không biết chuyện. Một hôm, ra khỏi nhà thờ nhà tôi khoe vung vít:
- Anh ạ, Đức Mẹ đã cứu giúp em. Anh biết Đức Mẹ cứu giúp em việc gì không?
- Không.
- Em cầu xin cho con cái mạnh khỏe, Đức Mẹ đã ra ơn.
- Thì Đức Mẹ hằng cứu giúp mờ lỵ.
- Em phải tạ ơn Đức Mẹ.
Nhà tôi bắt tôi dẫn tới đường Nguyễn Trung Trực. Nàng đứng trước cái tủ kính của tiệm chuyên khắc chữ mạ vàng trên đá. Nàng kéo tôi vô và mặc cả mua tấm đá nhỏ bằng nửa viên gạch hoa. Đó là tấm đá “Tạ ơn Đức Mẹ”. Giá bán ba trăm rưởi. Cái khoản tiền tiêu chủ nhật trong túi tôi vỏn vẹn năm bò. Miếng đá đã nuốt mất ba bò rưởi. Còn có bò rưởi, dung dăng sau nổi đây?
Khi tôi dở ví, lôi tấm giấy năm trăm ra để được thối lại trăm rưởi, cổ họng tôi khô vì tiếc tiền, tay tôi “run như run thần tử thấy long nhan”. Ôi, Chúa Kitô, ước gì nỗi đau khổ của con Ngài đã chứng kiến! Tôi cầm miếng đá “Tạ ơn Đức Mẹ”, cảm thấy nặng hơn ông già khuân tảng đá trong sách “Quốc văn giáo khoa thư” lớp dự bị. Tôi choáng váng mặt mày, bảo nhà tôi:
- Em ạ, anh nhức đầu quá.
Nhà tôi mở bóp, lấy ve dầu Nhị Thiên Đường đưa cho tôi:
- Anh thoa đi!
Tôi bèn thoa dầu vào thái dương. Rồi nói:
- Thôi mình về em nhé!
Trên đường về Phú Nhuận, nhà tôi bắt ghé qua nhà thờ Đức Bà để tạ ơn Đức Mẹ. Tôi nhìn ba bức tường ở căn có tượng Đức Mẹ, thiên hạ tạ ơn kỹ ghê. Tường đã gắn kín những miếng đá to, nhỏ “Tạ ơn, Merci”. Không còn chỗ gắn miếng đá, gắn tấm lòng “Tạ ơn Đức Mẹ” của nhà tôi. Tôi tự hỏi, người ta sẽ gắn miếng đá “Tạ ơn Đức Mẹ” của nhà tôi ở đâu. Chẳng biết nó có bị chuyển ra đường Nguyễn Trung Trực để lại được đọc thơ Tản Đà “Nước trôi ra bể, bể mưa về nguồn”? Lạy Chúa, kẻ ngoại đạo Nguyễn văn Lương, bút hiệu Lương Khoán này rất kính phục Chúa nhưng rất bất bình những môn đệ của Chúa, những kẻ đã bầy ra nhiều lễ nghi lỉnh kỉnh khiến loài người vì tiếc tiền mà xa Chúa. Chẳng hạn cái sự vô đạo phải đóng một khoản tiền nhỏ Chúa đâu có dạy thế. Các ông thánh viết về Chúa cũng đâu có nói chuyện này. Mới đây, các ông cố đạo xuống đường hoan hô, đả đảo, xua con chiên múa gậy gộc quả thật, không làm sáng danh Chúa. Xin Chúa đừng cho các ông cố-đạo-chính-khách lên Thiên đường, Chúa nhé!
Nhà tôi tái diễn cái trò “Tạ ơn Đức Mẹ” hoài hủy. Một lần, tức không chịu nổi, tôi cáu kỉnh:
- Em tạ ơn luôn luôn là em ích kỷ?
Nhà tôi “xì nẹc”:
- Anh nói em ích kỷ?
Tôi cũng “xì nẹc”:
- Nhân loại có hàng triệu triệu người đau khổ, bất hạnh. Người nào, người ấy đều mong Đức Mẹ ban phước. Em đã được ban phước rồi thì để đến lượt người khác. Em cầu hoài, tạ ơn hoài, Đức mẹ “nể” em, ban ơn cho mình em, những kẻ nghèo nàn không tiền mua đá “Tạ ơn Đức Mẹ” sẽ thiệt thòi. Em vừa ích kỷ vừa mắc tội hối lộ thần thánh!
Nhà tôi giậm chân thình thịch:
- Anh miệt thị tôn giáo của em, hả?
Tôi đổ dầu vào lửa:
- Tôn giáo của em là tôn giáo nào? Em thờ cả Chúa lẫn Phật. Ừ, em thờ cả Chúa lẫn Phật, vì thế Chúa và Phật “ghen” nhau, không phù hộ gì cho anh hết trơn.
Nhà tôi rỉa rói:
- Anh là đồ vô thần, anh riễu cợt Chúa, Phật. Cho anh hay, chết đi, anh sẽ về địa ngục. Quỷ sứ sẽ đóng đinh mười ngón tay anh. Anh phải nằm bàn chông, leo cầu vồng, rớt xuống là chó ngao xé xác anh. Mấy kiếp sau anh mới được làm người.
Tôi giở giọng cù nhầy:
- Đã có Mô-ha-mét bênh vực anh.
Nhà tôi giận tái mặt:
- Mô-ha-mét là thằng cha bán vải ở chợ Cũ, hả!
Tôi tấn công:
- À, em nhục mạ đấng tối cao của anh. Tôi theo Hồi giáo.
Nhà tôi nghiến răng ken két:
- Vậy à? Tốt tốt. Từ nay yêu cầu anh đừng xài đũa nữa. Anh bốc cơm mà ăn.
Tôi gồng mình ăn thua đủ với nhà tôi:
- Này, anh báo động cho em hay, ngoài Mô-ha-mét, anh còn đức Bab nặng ký lô lắm.
Nhà tôi hỏi:
- Anh nói gì bắp?
Tôi giả vờ quan trọng:
- Chết em rồi nhé! Em bảo đức Bab là bắp luộc.
Nhà tôi kiêu hãnh:
- Em không sợ ai, đã có Chúa phò trợ em. Mà đức Bab là ai?
- Giáo chủ đạo Ba Ha’i.
- Đạo chi?
- Bà Hai!
- Bà Hai?
Nhà tôi lăn kềnh trên giường rên rỉ:
- Anh theo đạo bà hai, đạo của những thằng đàn ông bỏ bê vợ lớn tằng tịu với vợ bé, hả?
Tơi cười hả hê:
- Em lầm bự rồi, em ơi! Bà Hai là tôn giáo hoàn cầu, đâu phải đạo của những thằng lấy vợ hai.
Nhà tôi vùng dậy:
- Nhiều đạo quá xá. Đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, đạo Chúa, đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, đạo Dừa, đạo Nước, đạo Liếm vân vân, chưa đủ sao mà còn nhập cảng thêm đạo Bà Hai? Càng nhiều đạo, dân tình càng ngu dốt. Dẹp bớt đi, chỉ để bốn đạo thôi.
Tôi hài hước... đen:
- Đúng vậy, thật thế, quả nhiên, em ạ! Người ta ăn cơm để mà sống, chứ cóc thể ăn... bánh Thánh để mà sống. Anh nguyện sẽ cho Mô-ha-mét và Bab của anh leo cây. Anh chỉ theo một cái đạo thôi.
Tôi “bông nhông” xuống giường, đe nghiến nhà tôi, toan biểu diễn một đường ngoan đạo: thì bị đẩy ra.
- Anh theo đạo nào?
Nguyễn văn Lương, bút hiệu Lương Khoán, nham nhở:
- Đạo vợ!
- Vợ lớn hay vợ bé?
- Vợ... nói chung.
- Vậy là anh đã có vợ bé, hả?
- Đừng nghi oan cho anh. Anh ghê tởm những thằng lấy vợ bé khi vợ lớn của chúng nó còn sống nhăn răng. Cái cuộc chia sẻ tình yêu này bần tiện, nhơ nhuốc vô cùng. Em đã biết, anh mới là mầm non văn nghệ thôi nhưng máu anh ngập đầy chất nghệ sĩ. Vì ông via anh kéo nhị và đánh đàn chầu văn tuyệt cú mèo. Ngoài tình anh yêu em, anh cóc yếu tổ quốc, mà lại đi tỏ tình cùng cây cỏ và người đẹp trong mơ. Anh sẽ là nghệ sĩ cỡ nặng. Ít ra, anh cũng sẽ được nhà phê bình văn học Minh Huy Nguyễn Đình Tuyến đưa anh vào văn học sử. Em yên chí lớn đi, ông Nguyễn Đình Tuyến mà nắm tay anh đẩy anh vào cái buồng ngủ trong văn học sử, anh sẽ nằm hoài ở trỏng, em gõ cửa loạn cào cào, anh cũng không ra nổi. Bị nhốt vào văn học sủ rồi.
Để tôi nói một hơi ba hoa con chích chòe, nhà tôi lên tiếng:
- Em chẳng thèm bầy đặt ghen tuông đâu. Anh cứ việc lấy vợ bé nhưng hậu quả anh đừng trút xuống đầu vợ con anh. Anh lấy cả tá vợ bé, anh lăng nhăng với đào, em cóc cần. Chỉ van lạy anh bỏ cái mộng trở thành nghệ sĩ.
Tôi hậm hực:
- Tại sao anh không thể trở thành nghệ sĩ? À, cô khinh tôi bất tài vô tướng, hả? Khối thằng chia “véc bờ” cắc ké là “véc bờ a voa” chưa đủ “mốt”, đủ “tăng”, đi xem xi-nê-ma tên tài tử không biết đọc, vậy mà chúng nó đang làm văn học nghệ thuật cho cả nước đó.
Nhà tôi hét to:
- Mặc xác chúng nó. Tôi không muốn anh làm văn học nghệ thuật. Tôi lấy anh vì yêu anh, yêu Nguyễn văn Lương bình thường. Tôi mê một người chồng bình thường cho dù tầm thường cũng được, tôi không ham lấy một người chồng phi thường.
Tôi phẫn nộ:
- Có bắt tôi làm con giun, con dế à?
Nhà tôi bình tĩnh:
- Vâng, anh ạ, anh yêu dấu của em ạ, anh hãy là con giun thôi và đừng là con dế. Nhất là dế mèn. Vì dế mèn nó sẽ đi phiêu lưu. Anh là con giun thì mãi mãi anh là của em.
Tôi cáu sườn:
- Phải, thằng này biết lắm, biết quá rồi. Cô sợ tôi không đủ khả năng viết những pho văn chương nặng ngàn ký, sợ tôi không có óc sáng tạo dệt nên những áng thơ khều mặt trời. Mà chỉ viết được những cuốn sách nhi đồng, những truyện dài giản dị, mộc mạc cóc chở một tí tư tưởng, một tí triết thuyết hiện sinh nào, nên cô mới giăng dây kẽm gai cản đường đi vào nghệ thuật của tôi. Cô muốn tôi làm con giun để cô uống thuốc xổ, thuốc cam tích tán tiêu diệt một đại văn hào tương lai giải Nobel văn chương Ma ní, giải văn chương toàn quốc, giải truyện ngắn Tiếng Chuông.
Nhà tôi cười rủ rượi. Nàng bảo:
- Thiếu một thằng bé đánh thanh la. Chứ không, anh đã biến thành gã sơn đông bán thuốc cao đơn huờn tán.
Tôi dang rộng tay như một kẻ đau tủi đứng giữa cánh đồng trống trải, ngước mặt nhìn trời mà phân trần cùng Thượng đế:
- Than ôi, nàng biết tôi từng làm nghề sơn đông bán thuốc, và nàng hạ nhục tôi.
Nhà tôi biến sắc:
- Em rỡn anh mà...
Tôi lắc đầu:
- Rỡn gì? Cô đã đâm lưỡi dao găm vào cái dĩ vãng đói rách của tôi. Thuở tôi chưa gặp cô, tôi lêu bêu như chó mất chủ sống vất vưởng, lạc loài. Nguyễn văn Lương, “pô vơ rơ” Lương, mày khổ hơn thằng David Copperfield, khổ hơn thằng Petit Chose, mày phải giữ xe đạp hội chợ, đi kèm học tư gia, theo đoàn cải lương lưu diễn, theo lũ sơn đông bán thuốc...
Nhà tôi cầm lấy tay tôi. Tôi ngạo nghễ hất ra:
- Chúa đã ban cho tôi cái phước lành này chăng?
Nhà tôi đổi giọng:
- Anh mắng gì em cũng được nhưng xin anh đừng nói động đến Chúa.
Tôi thét một tiếng hãi hùng:
- Tôi cóc sợ Chúa.
Nhà tôi lây cơn điên của tôi:
- Thì anh dám làm gì Chúa nào?
Tôi quét đôi mắt cú vọ khắp tường. A, đây rồi, tấm ảnh Chúa Giê xu đây rồi. Bấy giờ, tôi không còn là Nguyễn văn Lương nữa. Mà là một tên Do Thái đã đóng đinh vào hình Chúa trên cây thánh giá. Tên Do Thái khốn nạn Nguyễn văn Lương, trong cơn điên đã, vồ lấy cái gạt tàn thuốc lá, ném bốp vào hình Chúa Giê xu lồng trong khung kính. Mảnh kính tan tành. Tiếng vỡ của thủy tinh nghe rờn rợn. Nghe tỉnh cơn điên. Bỏ mẹ rồi, tôi đã phiêu lưu quá xa vào tội lỗi. Tội lỗi đối với người vợ yêu dấu của tôi. Tôi không dám ngó nhà tôi nữa. Chỉ còn nghe tiếng nức nở nghẹn ngào. Nhà tôi đã nằm vật vã trên giường.
Giữa lúc cùng khốn đó thì ông cố vấn hạnh phúc Đặng Minh Công lù đù vác xác tới. Ông cố vấn hạnh phúc ngắm cảnh hoàng hôn nơi chiến địa, hét inh lên:
- Lại cắn nhau rồi!
Theo thói quen, tôi át giọng phủ đầu:
- Ông im cái mồm ông lại, ông cóc biết chi cả, chỉ bênh nhằng.
Ông cố vấn hạnh phúc tái mặt và lên giọng thầy đời:
- Lương, mày là thằng khốn nạn. Mày chỉ biết bắt nạt vợ mày thôi à. Mày đã làm gì vợ mày?
- Làm chồng!
- Làm thằng chồng vũ phu, vô nhân đạo. Tại sao mày đánh đập vợ mày?
- Tôi yêu cầu ông đừng phát ngôn bừa bãi. Tôi xác định là tôi cóc đánh đập vợ tôi.
- Sao nó khóc?
- À, bà ấy thách tôi đánh chúa Giê xu.
-... Và mày đập Chúa?
- Chỉ đập tấm kính lồng hình Chúa.
Im lặng. Sự im lặng ngột ngạt như đêm 1 tháng 11 vừa đi qua. Ông cố vấn hạnh phúc nhẹ nhàng:
- Đừng tái diễn nữa. Mày phải biết rằng vì đụng đến tôn giáo mà Tổng thống Ngô Đình Diệm lên xe ô-tô bương về nghĩa địa Phú Nhuận.
Tôi cãi:
- Ông tưởng cụ Diệm tiêu sự nghiệp cứu quốc vì mấy ông sư à?
Ông cố vấn xua tay:
- Tao cóc tưởng gì cả. Tao muốn mày đóng cái mồm mày lại.
Rồi ông cố vấn hạnh phúc dìu tôi ra khỏi nhà. Ông dẫn tôi lên Sàigòn, vô một tiệm bán hình, tượng và bàn thờ Chúa. Ông cố vấn bỏ tiền mua cái bàn thờ bằng thạch cao, cây thánh giá rất đẹp, hình Mẹ Maria và hình Chúa... Ông bắt tôi bê về, dặn dò:
- Xin lỗi nó đi.
Tôi đã khệ nệ bê những thánh vật đó về. Nhà tôi nằm im. Tôi quét dọn kính vỡ rồi cởi trần đóng bàn thờ, treo hình Chúa. Hình như nhà tôi đã nhìn trộm tôi làm việc. Tôi loay hoay đóng đinh, búa nện vào ngón tay đau buốt. Mà chỉ bể vữa tường. Nhà tôi nói trống không:
- Phải đóng bằng đinh cước.
Tôi mỉm cười, nghĩ thầm “Chúa đã giúp làm vợ ta hết giận ta”. Rồi hỏi:
- Đinh cước hả, cưng!
- Dạ.
- Nhà mình có đinh cước không?
- Để em đi mua.
Nhà tôi lau mặt, chạy ra ngõ mua đinh cước. Sau cùng, nhà tôi có một bàn thờ Chúa “bô” nhất xóm. Nhà tôi hỏi:
- Tự ý anh mua bàn thờ à?
- Tự ý anh. Anh hối hận. Anh nghe thấy Chúa trách anh, hứa tha thứ anh.
Tôi ôm lấy nhà tôi:
- Em ạ, kể từ nay; anh không dám nhạo báng Chúa. Anh nguyện là kẻ phục vụ em trên con đường về Chúa.
Tôi đã giữ lời hứa. Bởi vì bây giờ, ngoài nhà tôi, còn đứa con gái về phe với mẹ. Chúa không thể chinh phục nổi tôi. Tình thương vợ yêu con đã chinh phục tôi. Tôi vẫn cho rằng vợ con tôi là nhất.
Nhà Tôi Nhà Tôi - Duyên Anh Nhà Tôi