If you have never said "Excuse me" to a parking meter or bashed your shins on a fireplug, you are probably wasting too much valuable reading time.

Sherri Chasin Calvo

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Lân
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1419 / 23
Cập nhật: 2017-06-01 11:35:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 - Nguyễn Trường Tộ Với Việc Cải Lương Phong Tục
ột nước sở dĩ văn minh không phải chỉ là nhờ vào kiến văn của một dúm người học thức, mà còn nhờ ở thuần phong, mỹ tục của cả quốc dân. Phong tục đồi bại, dân gian tất gian tham, vô hạnh; dù có người sáng suốt muốn dẫn đường chỉ lối cho họ cũng khó khăn lắm. Vậy muốn cho dân mạnh bước trên con người văn minh, việc cần kíp là phải cải lương phong tục.
Người mình vốn có nhiều tệ tập lưu truyền. Ông Nguyễn Trường Tộ đã nhìn rõ và muốn tìm phương bổ cứu.
Trước hết ông nhận thấy người nước ta có tính ích kỷ, chỉ vụ lợi cho mình chứ không biết gì đến nhân, nghĩa: ‘’nhiều người giàu có phong lưu, mà ăn mày đứng trước cửa kêu van nửa ngày không cho được một đồng kẽm, người làng có thiếu thuế đến vay một quan tiền cũng từ chối; thế mà đến chỗ ăn chơi thì đổi nghìn vàng lấy một trận cười, vào sòng bạc thì một tiếng mở có đến trăm vạn. Những hạng người lòng sắt dạ thú ấy nhiều lắm, không sao kể xiết được’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ ba).
Ông lại nghiệm thấy người mình biếng nhác, chỉ ưa an nhàn vô sự; bọn học thức thì suốt ngày ngân nga chè chén, tìm lạc thú trong câu văn hay, trong chén rượu nồng, còn việc nước việc đời để cả ngoài tai, mà lại dám tự phụ là thần tiên, là nho nhã. Bọn thường dân thì đổ xô nhau vào chốn bạc bài nghiện ngập, vào nơi xướng ca, đĩ thõa, chỉ muốn ăn dưng ngồi rồi mà tận hưởng những thú đê tiện. Họ không biết rằng: ‘’những người chỉ biết ăn chơi, không dính dáng gì vào khoảng trời đất, tức là những người ở ngoài vòng tạo hóa, vậy biết gọi là hạng người gì? Chính những người ngu dại, điếc mù mà nhà binh còn dùng được vào công việc, huống chi những người lành đã chịu trời đất phú tính cho làm người, đã ở trong vòng trời thanh bóng tỏ, đã sống trong quyền phép phong tục, mà nhất thiết việc dân việc nước đều không nhúng tay đến, không giúp sức vào thì sao cho trọn phận sự của con người, sao báo đáp được Quốc Âm’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ hai).
Sống một cuộc đời nhà rỗi, bọn người ấy lại gieo vào đám ngu dân những mối dị đoan làm cho tinh thần người ta thêm rối loạn, trí não người ta thêm mờ ám.
Tục lệ các làng thô lậu, nên bọn cường hào lại càng dễ nạt nộ dân đen, vì học chỉ là một bọn gà què ăn quẩn cối xay, hễ thấy bở là họ đúc khoét, hễ thấy lợi là họ chấm dứt, chứ không nghĩ gì đến ích quốc lợi dân. Thí dụ như việc mở mang nông chính, ông Nguyễn Trường Tộ thấy nhiều nơi chỉ đắp một con đê nhỏ là cầy cấy được, mà người ta bỏ hoang. Hỏi tại sao, thì ‘’người trả lời: Đắp đê động địa mạch, e hương hào, hương lão mang bệnh; kẻ thì nói: Đắp lại, bịt mất dòng nước chảy của làng trên, không khỏi họ kiện cáo; người lại nói: Đắp thế động đến các tổ mộ của các quan trong làng, hoặc các quan ở làng bên cạnh’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ tư).
Ông Nguyễn Trường Tộ lấy làm đau đớn mà nhìn thấy trong dân gian những mối tệ đoan như thế. Chó nên ông yêu cầu Triều Đình cải lương phong tục, nhưng ông không xin nhà vua ban ra những điều huấn dụ khô khan như dưới triều Lê Thánh Tôn hoặc triều Minh Mệnh; ông xin sửa đổi phong tục bằng những phương pháp thiết thực hơn.
Đối với bọn phú hào ích kỷ, ông xin nhà nước đánh thuế nặng vào các nhà giàu: ‘’nhân dân dùng tiền tài để sinh ra tội lỗi, cũng y như bọn trẻ con múa gươm đến nỗi bị thương ở cổ họng; vậy cướp cái gươm ấy đi, có gì là không đáng!’’ Ông lại xin đánh thuế các xa xỉ phẩm như tơ lụa của Tàu: ‘’các hàng Tàu, nếu vật giá là mười quan, thì xin đánh thêm năm quan, vì đã có tiền mặc áo tốt, thì phải nộp thêm ít nhiều về việc quốc dụng’’; như chè Tàu: ‘’những người uống chè Tàu toàn là những người phú quý, phong lưu, ở nước ta vẫn có chè Nam uống vào cũng giải khát và mát mẻ, thế mà họ có thừa tiền làm ra bộ phong lưu hư phí, đã mất thì giờ lại hại công việc nếu cứ để cho họ hoang phí vô ích, đã hao tổn tinh thần lại còn làm giàu cho người Trung Hoa, chi bằng thu vào quốc khố cho nhiều, để gìn giữ sản nghiệp cho họ; vả chăng họ đã thiếu mất nghĩa vụ, thì nhà nước nên ép họ trả thuế; để đặt một cái nghĩa vụ cho họ, cũng là một lẽ nên làm’’.
Muốn trừ bớt bọn người nhân cư vùi thân vào những nơi xấu xa hư hỏng, ông xin nhà nước đánh thuế thật nặng vào.
Cờ bạc: Bất cứ ở đâu hoặc lúc nào, hễ có người ưng đánh bạc thì xin đặt ra từng sống; mỗi sòng phải nộp hàng năm một nghìn, hoặc hai, hoặc ba nghìn quan, tùy theo từng hạng. Nếu có ai đi đánh riêng chỗ khác, thì cứ cho chủ đã chịu thuế hoặc người khác bắt mà giải nộp, sẽ có tiền thưởng, rồi lại tịch biên gia sản của những người đánh bạc đó, lấy một nửa sung công, vì những người đánh bạc quên hết cha mẹ, vợ con, chỉ chăm vào một bề đổ bác, vậy thì chẳng thà lấy tiền của họ thu vào quốc khố, để giúp các người bà con làng xóm của họ, chẳng hơn vất ra cho bọn côn quang du thủ du thực hay sao?
Rượu: Rượu không thể uống no bụng được, lại hao tổn lúa gạo rất nhiều, chính là một điều hại lớn. Ở Âu Tây cấm rượu rất nghiêm mà cũng không được, nên chỉ nhờ cách đánh thuế nặng, người ta mới chịu chừa bớt đấy thôi. Nay xin đánh thuế các lò rượu ở hương thôn, mỗi năm một trăm quan, ở thành thị mỗi năm ba, bốn, năm trăm quan, tùy theo từng hạng; như thế chắc giá rượu tất phải cao lên, mà người uống rượu sẽ phải bớt dần.
Thuốc lá: Hút thuốc là không ích lợi gì cho sự dưỡng sinh, mà tích tiểu thành đại, tổn hại rất nhiều, chẳng qua là người ta làm bộ phong lưu đấy thôi. Nay xin định cho mỗi chợ chỉ được một hàng bán thuốc lá mà thôi, ngoài ra ai muốn bán đều phải mua lại của nhà hàng ấy; mỗi năm xin đánh thuế nhà hàng chính một trăm hay là năm chục quan.
Thuốc phiện: Còn nha phiến xin đánh thuế nặng gấp năm sáu lúc trước, kẻo sợ nó lan rộng ra, sinh đại hại cho nhân dân. Nếu trong quan lại, có người nghiện ngập, thì xin bắt phải chừa đi đã, rồi mới bổ dụng.
Ông xin đánh thuế cả các cuộc du hí: ‘’Ai lập ra một cuộc ca xướng phải chịu mỗi ngày mười quan trở xuống; còn những người trong phường trò cũng phải chịu thuế đồng niên là năm mươi quan, nhà nước sẽ cấp bằng cho để đi làm trò suốt đời’’.
Đến các tệ tục ở hương thôn, ông Nguyễn Trường Tộ xin nhà nước thẳng tay cấm tiệt, để bọn cường hào không có dịp cá lớn nuốt cá bé nữa.
Ông lại lưu tâm đến việc cải thiện bọn côn quang, vô lại. Theo ý ông, bọn ấy ở hàng xóm không những làm khổ lương dân mà lại còn là một gương xấu cho người khác bắt chước. Chi bằng bắt hết bọn ấy đưa lên các chỗ rừng núi xa xôi để chặt cây mở đường, khai khẩn đất ruộng, đến khi nào công cuộc thành hiệu sẽ cho họ hưởng quyền lợi; như thế đã trừ được cho các thôn xã bọn sâu mọt, lại còn khiến cho những người lêu lổng có cách mà cải tà quy chính nữa. Ở điều thứ bảy trong tế cấp bát điều, ông có kể rõ hai mươi sự ích lợi về việc ấy.
Ông lại muốn nhà nước bắt bọn du đãng học nghề, bọn tù phạm tập luyện gân cốt, chứ đứng để họ ngồi không: ‘’vì ngồi không chính là cỗi rễ của vạn điều tội ác’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ bẩy).
Xét qua những điều cải cách trên đây, ta thấy những phương pháp của ông Nguyễn Trường Tộ đề nghị, tuy không được thập phần hoàn hảo, nhưng cũng đủ tỏ tấm lòng ưu thời tha thiết của ông.
Hiện nay, những lời vàng ngọc của ông vẫn còn lâm ly trên tập điều trần.
Nguyễn Trường Tộ Nguyễn Trường Tộ - Nguyễn Lân Nguyễn Trường Tộ