Nguyên tác: Everyman
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Chương 5
B
ên trên cánh cổng qua đó gia đình ông tiến vào phần diện tích ban đầu từ thế kỷ mười chín của cái nghĩa trang cũ kỹ ấy là một vòm cong ghi tên tổ chức xây nó bằng tiếng Hebrew; mỗi đầu của vòm cong khắc một ngôi sao sáu cánh. Hai cột đá của cánh cổng đã vỡ tàn vỡ tệ và nhiều mảnh đã văng ra xa vì thời gian và vì nạn phá hoại của công - và một cánh cổng sắt uốn gắn ổ khóa gỉ sét vốn chẳng cần đẩy cũng vào được nhưng cũng đã sắp long khỏi bản lề và sệ ngập xuống đất đến vài phân. Bia đá của đài tưởng niệm mà họ đi qua - khắc những câu kinh Do Thái, và tên của các gia đình được chôn cất trong nghĩa trang - cũng chẳng chống cự khá hơn với hàng thập kỷ thời gian. Phía trước những dãy bia mộ thẳng đứng san sát là một lăng nhỏ xây bằng gạch trên khu cũ, có cửa ra vào bằng thép uốn hoa văn và hai ô vốn trước đây là cửa sổ - chúng, vào thời những chủ nhân của lăng được mai táng, hẳn đã từng được tô điểm bằng nghệ thuật kính màu - giờ đã bị bít kín bằng những khối bê tông để ngăn đám người vô ý thức phá hoại thêm nữa, vậy nên giờ tòa nhà nhỏ vuông vắn này trông giống một nhà kho bỏ hoang hay một toa lét ngoài trời không còn ai sử dụng hơn là chốn an nghỉ vĩnh hằng xứng tầm với tiếng tăm, sự giàu có, hay địa vị của đám người đã xây dựng nó làm nơi trú ẩn cho những người thân đã chết. Chậm chạp, họ đi qua giữa những tấm bia mộ thẳng đứng chủ yếu khắc tiếng Hebrew nhưng trong vài trường hợp cũng ghi những lời tiếng Yiddish, tiếng Nga, tiếng Đức, thậm chí là tiếng Hung. Hầu hết đều khắc thêm Ngôi sao David, nhưng số còn lại thì được trang trí trau chuốt hơn, với một đôi tay ban phước, một chiếc bình hay chúc đài năm nhánh. [3] Trên mộ của trẻ con và trẻ sơ sinh - có nhiều hơn vài nấm, dù vẫn không bằng số mộ phụ nữ chết khi mới đôi mươi, nhiều khả năng là trong khi sinh nở - thỉnh thoảng họ bắt gặp một tấm bia khắc hình con cừu phía trên hay trang trí bằng hình khắc thân cây bị cưa đi phần ngọn, và khi họ đi hàng một qua những lối mòn quanh co, gập ghềnh, nhỏ hẹp của khu nghĩa trang cũ tiến đến khoảnh đất ở phía Bắc, mới hơn, trông như công viên, nơi tang lễ sẽ được tiến hành, họ có thể - chỉ nội trong cái nghĩa trang Do Thái nhỏ, do người cha đầy ý thức cộng đồng của ông, chủ tiệm trang sức được mến mộ nhất thị trấn Elizabeth, thành lập trên một cánh đồng trên biên giới giữa Elizabeth và Newark này thôi - đếm được bao nhiêu sinh mạng đã lụi tàn trong lần dịch cúm giết chết mười triệu người hồi năm 1918.
Một chín mười tám: chỉ là một năm khủng khiếp giữa vô thiên lủng kinh hoàng niên rắc đầy xác chết sẽ mãi mãi phủ bóng đen lên ký ức về thế kỷ hai mươi.
Ông đứng bên mộ giữa chừng hai chục họ hàng, bên phải là con gái nắm chặt tay ông, đằng sau là hai con trai còn vợ ông ở bên cạnh con gái. Chỉ đơn thuần đứng đó hấp thụ cú sốc là cái chết của một người cha thôi cũng đã là một thử thách đáng kinh ngạc với sức khỏe ông - may mà Howie đã có mặt bên trái ông, một tay choàng chắc ngang eo ông, để ngăn chặn bất cứ gì không hay xảy ra.
Việc mẹ hoặc cha ông sẽ trở thành gì chưa bao giờ khó đoán. Họ là một người mẹ và một người cha từ bản chất. Họ bị nhiễm rất ít ham muốn khác. Nhưng khoảng không vốn bị hình hài họ chiếm hữu giờ đã bị bỏ trống. Sự vững vàng suốt đời của họ đã không còn. Quan tài cha ông, một cái hòm gỗ thông đơn sơ, được đeo dây hạ xuống hố huyệt đào sẵn bên cạnh quan tài của mẹ. Nơi đó người chết này sẽ ở lại lâu hơn số giờ ông dành để bán trang sức, bản thân số giờ bán trang sức ấy vốn đã không phải là con số có thể khinh thường. Cha ông mở tiệm riêng năm 1933, đúng năm ông ra đời, đến 1974 mới nghỉ, tới lúc đó cha ông đã bán nhẫn cưới và nhẫn đính hôn cho ba thế hệ ở Elizabeth. Bằng cách nào ông tập trung đủ vốn vào năm 1933, bằng cách nào ông kiếm được khách hàng vào năm 1933, đó luôn là một bí ẩn với các con ông. Nhưng là vì chúng mà ông bỏ việc đứng quầy đồng hồ ở tiệm Abelson's Irvington trên đại lộ Springfield, nơi ông đã làm việc từ chín giờ sáng tới chín giờ tối các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, chín giờ sáng đến năm giờ chiều thứ Ba và thứ Năm, để mở cửa tiệm nhỏ của chính mình, bốn mét rưỡi chiều rộng, ngay từ ngày đầu tiên cửa sổ đã đề hàng chữ đen cỡ lớn, "Kim cương - Trang sức - Đồng hồ" và bên dưới là dòng chữ nhỏ hơn, "Sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồng hồ để bàn và trang sức cao cấp." Ở tuổi ba mươi hai rốt cuộc ông cũng bắt đầu làm việc sáu, bảy mươi giờ một tuần cho gia đình mình thay vì cho tiệm của Moe Abelson. Để thu hút lực lượng lao động đông đúc của Elizabeth đồng thời tránh làm cho mười nghìn người Công giáo thường xuyên đi lễ nhà thờ của thành phố cảng này cảm thấy xa lạ hoặc e ngại cái tên Do Thái của ông, ông gia hạn trả góp không giới hạn - chỉ cần đảm bảo họ trả trước ít nhất ba mươi hoặc bốn mươi phần trăm. Ông không bao giờ kiểm tra các khoản trả góp của họ; miễn là ông có thể bù đắp được chi phí thì họ có thể trở lại tiệm sau, trả vài đô la mỗi tuần, thậm chí không trả ông cũng chẳng để tâm. Ông không hề phá sản vì nợ trả góp, và lòng tín nhiệm của khách hàng mà sự linh hoạt ấy mang lại còn có giá trị cao hơn thế. Ông trang trí cửa tiệm cho hấp dẫn hơn bằng vài món đồ bạc - bộ đồ trà, khay, đĩa, lò hâm, giá đỡ nến mà ông vẫn bán siêu rẻ - và vào mùa Giáng sinh nào ông cũng vẽ cảnh tuyết và Ông già Noel trên cửa sổ, nhưng ý tưởng thiên tài nhất là đặt tên cho cửa tiệm không phải bằng tên mình mà là Tiệm Trang sức Người Phàm, trên khắp hạt Union, vô số người phàm, những khách hàng trung thành của ông đã biết tới cái tên đó cho đến tận khi ông nhượng lại cửa tiệm cho một nhà bán buôn rồi nghỉ hưu ở tuổi bảy mươi ba. "Mua kim cương với người lao động là chuyện lớn lắm," ông bảo các con, "viên nhỏ mấy cũng vậy. Người vợ có thể đeo nó cho đẹp mà cũng có thể đeo vì đẳng cấp. Và khi cô ấy làm thế, anh chàng đó sẽ không chỉ là thợ sửa nước nữa - anh ta là người đàn ông có vợ đeo kim cương. Vợ anh ta sở hữu một thứ bất khả hủy hoại. Vì ngoài vẻ đẹp, đẳng cấp và giá trị, kim cương còn bất khả hủy hoại. Một mẩu bất khả hủy hoại của trần gian, vậy mà một kẻ chỉ là người phàm tục lại đang đeo nó trên tay!"
Lý do ông bỏ tiệm Abelson vào lúc vẫn đủ may mắn được trả lương trong suốt thời kỳ suy giảm và sau đó là những năm tồi tệ nhất của kỳ Đại Suy thoái, lý do ông dám mở tiệm riêng vào quãng thời gian tồi tệ như vậy, rất đơn giản: với tất cả những ai hỏi ông, thậm chí với cả những người chẳng hỏi, ông đều giải thích: "Tôi phải có cái gì để lại cho hai con trai."