Anyone who says they have only one life to live must not know how to read a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Biên tập: Phan Đức
Upload bìa: Ddoan Le
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 20
Cập nhật: 2021-09-04 23:15:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5, Óc Trầm Mặc
« Nếu bạn nói, hãy nói điều gì hay hơn sự làm thinh. » A. ARNOUX
1. Trong mấy năm thuyết giáo, Chúa Giê xu làm vô số phép lạ, sống đời chí thánh, mỗi lời người buông ra là khuôn vàng thước ngọc, tự thái, phong độ tỏ ra vừa thông minh vừa khả ái, nên quanh người quần chúng tấp nập như sóng cồn. Lúc người bị bắt, Cai Pha là thầy cả thượng phẩm đứng lên giữa đại hội chất vấn Người: « Sao ông không trả lời gì hết? Thế nào, những lời các kẻ ấy nói chống ông? Song Người thinh lặng, không đáp gì hết ».1 Quân gian ác còng Chúa Giê xu, tống giao cho quan trấn thủ Phi-La-Tồ. Ông nầy dùng cường quyền, cả tiếng hỏi chúa Giê-xu: « Sao Ông không trả lời gì hết? Ông không thấy tất cả những gì người ta cáo Ông không! Chúa Giê xu không đáp nửa lời » 2. Rồi chúa Giê xu lại bị nộp cho Herode. Ông nầy từ lâu biết danh Đức Cứu Thế, khao khát nghe người nói chuyện. Ông lung tung đặt câu hỏi. Đức Cứu Tinh, giữa muôn vạn tiếng la ó, nguyền rủa, vu cáo, mỉa mai, trêu chọc của bọn ác nhân Thầy cả, thông lại, biệt phái, luôn thinh lặng, thinh lặng cách huyền bí. Thưa bạn! Sau khi rời bỏ ngưỡng cửa học đường, vấn thân vào cuộc đời đầy nước mắt, mỗi khi có chút giờ nhàn rỗi đọc lại mấy trang lệ sử chép cuộc tử nạn của Thủy Tổ Công Giáo, tôi rất cảm động. Đọc đến chỗ chép Người làm thinh khi thiên hạ đua nhau cáo người, tôi thấy lòng bồi hồi, bâng khuâng. Đừng nói chi uy quyền vạn năng của Thượng Đế mà Người là Ngôi hai, xét về mặt phàm tục, đứng địa vị con người, dĩ nhiên Người tự biện hộ, nhờ kẻ khác biện hộ. Bọn phàm nhân chúng ta thì làm vậy và không làm vậy chúng ta cho là ngu. Bởi hay làm vậy và thích làm vậy, nên thưa bạn, chúng ta chỉ là những con số vô danh. Còn Chúa Giê-xu vì không « làm vậy » như chúng ta nên nêu một phần nào người chỉ giảng đạo mấy năm, mà để lại một sự nghiệp Cứu thế vô tiền khoáng hậu, hiểu theo nghĩa hoàn toàn của tiếng. Sự nghiệp ấy mang một tiềm lực, nói đúng hơn một thần lực, khả dĩ truyền tục cho đến mạt thế.
Ôi! quí báu làm sao óc Trầm mặc.
2. Làm sao ta dễ thinh lặng trong tâm hồn, ở cửa miệng, nơi cử chỉ và phong độ của ta?
a) Muốn có một ngoại thân trầm tĩnh, trước tiên phải có một nội tâm thinh lặng. Không cần chủ trương diệt dục, hiểu theo nghĩa Phật giáo vì bao lâu còn là người thì tôi với bạn còn sự hoạt động của trí tuệ, ý chí, cảm quan. Nhưng lúc nào ta cũng đặt giữa con người bên trong ta một thế quân bình. Đừng cho một lực lượng nội tâm nào, nhứt là lòng tham vọng, chi phối ta đến đỗi ta mất tự chủ. Vẫn hăng say hoạt động cho lý tưởng; song lòng không tham vọng gì hết. Tạo cho hồn chữ nhàn. Xao xuyến, để lòng bôn ba trong quá lo tảo lo tần, mà không hướng thượng sau cùng trên tử sàng cũng tay trắng. Tác giả quyển « Gương Giê Xu » viết chi lý: « Khoa học cao cả nhứt, ích lợi nhứt là hiểu biết xác thực và khinh rẻ chính mình ». Tôi và bạn đây còn sẽ làm bạn cùng trùng dế, huống hồ những vật mình ham muốn ở cõi tạm. Mà trước tác giả Gương Giê Xu, Thánh linh đã cho biết rồi: « Tất cả đều phù vân ». Bụng háo lợi cũng như lòng háo danh coi ta như chó săn, xô ta lăn mình trong bất cứ phương thế nào kể cả ô nhục, kể cả cái chết, kể cả sự hy sinh một mối tình đẹp nhứt trên đời là tình mẫu tử. Làm một miếng mồi, hay một đồ chơi cho tham vọng như vậy mà mong gì được an tâm.
Còn tật ăn thua với người đời nữa. Ta thờ tự ái của ta, ai gát hơn ta một chút dù một lời nói, một cái liếc, ta không bỏ qua, nhứt định ăn thua, trả đũa. Lòng ta sôi cuộn lên như biển bị bão, chồm chồm đòi diễn lộ ra bằng những trợn mắt, trề môi, háy hứ, chưởi bới, cung tay, có khi bằng quả đấm nữa. Bình thường thiên hạ thấy ta tử tế lắm, coi ta hiền, ta môi mép, xử với tha nhân ngọt như đường. Nhưng lúc chạm tự ái, nhứt là trúng con người ta ít học, ta náo động tâm hồn, trường người tới, đem hết mọi dã man của thú tánh ra thi đua thô lỗ với người thô lỗ. Ta là trí thức? Còn tùy, nếu hiểu tri thức là có vừa trí dục vừa đức dục thì còn đỡ đỡ, chớ tri thức mà hiểu thuần học cao, cấp bằng nhiều, thì lúc phẫn nộ cũng mọi rợ như người chưa bán khai.
Tuổi trẻ hay là rơm của lửa ái. Bạn nên coi chừng mặt hồ lòng bạn không còn phẳng nét thanh cao khi có một thuyền tình lướt mái chèo ngang đó.
Còn nhiều thứ tình dục khác có thể làm mất nội an của tâm hồn. Bắt ấn chúng bằng bùa tự chủ.
b) Ta thường già hàm vì cái người ta hay gọi là « ngứa miệng ». Rất ít suy nghĩ, ta cứ hỏi, cứ trả lời, cứ không ai hỏi, có khi không ai thèm nghe mà vẫn thuyết, thuyết thao thao mà không lời nào có giá trị. Nguy hiểm là càng nói, tâm hồn ta ra hơi, nhẹ đi, yếu đuối đi. Ta bị kẻ chung quanh khinh rẻ vì người thường quí nhờ lời nói quí, mà lời nói của ta nhiều quá còn đâu để người phục ta.
Bạn cãi: tôi nói cho bớt thảm sầu. Nhu cầu tự bộc bạch khi cõi lòng u uất, đau khổ, thưa bạn, là dấu hiệu của con người bạc nhược và khờ dại. Than thân tức là chịu đựng không nổi với dày dò của sầu muộn, xin nàng đỡ của kẻ khác hay nói đúng hơn tâm hồn đau khổ như nồi nước sôi bịt kín, cần tìm kẻ giãi bày tâm sự để tự giải thoát. Mà làm vậy là tố cáo sự đầu hàng của mình. Rồi khi đem gan ruột của mình phô bày cho hàng xóm biết liệu ai cũng tri âm hay tri kỷ gì đó cho mình hết không. Nếu có người nghe rồi cười thầm bạn, biết bạn để hại bạn, nộp bạn cho kẻ thù của bạn, thì bạn nghĩ sao? Người nghe bạn không cần gì là quân thù của bạn mà vẫn hại bạn cách đắc lực. Đây! một trong trăm nghìn cách họ gián tiếp và vô ý thức hại bạn. Họ đem tâm sự của bạn, than tiếc « phụ » với bạn cùng một bạn thân khác của họ và người nầy mến họ, mến bạn cũng đi « than phụ » cho bạn nữa. Nguy chưa! mà bạn có muốn người đời làm ơn cho bạn kiểu đó không?
Lắm lúc chúng ta đa ngôn, cả tiếng để chữa lỗi. Có hiệu quả như ý không? Nếu có, thì cũng còn nên đề phòng sự « coi kỳ » nữa. Sợ e thường nói um sùm lúc giận không dạy ai mà chỉ thoả mãn nộ-tính của mình.
Đến điều bí ẩn có liên hoan đến danh dự hay cuộc làm ăn của bạn, của kẻ khác, bạn ủy thác dễ dàng sao. Bạn tin người nghe bạn cẩn ngôn hơn lưỡi bạn đối với lòng bạn à? Chính bạn kia mà còn lộ mật, huống hồ họ khi không thấy cần giữ bí mật bằng bạn. Già hàm để khoe kiến thức, để dạy đời còn khờ nữa. Trong khi nói tia lia với mục đích đó ta tưởng thế nhân mến phục mình mà không ngờ họ cho mình là hạng thích làm « quân sư quạt mo » nếu không phải là « thầy đời ăn cơm nhà ».
Có cần nhấn mạnh già hàm làm mất giờ suy nghĩ, bỏ phế bổn phận và làm « mệt phổi » không?
Nói tia lia lúc sơ giao, nói lăng xăng khi gặp bạn thân có chắc gieo thiện cảm không? Coi chừng người mới gặp ta lần đầu, thấy ta môi mép, bảo ta nhẹ dạ, cạn trí, quỉ quyệt và tình bạn thường xây dựng bằng việc làm của tín nhiệm chớ không phải bằng sự tuyên bố tín nhiệm.
Óc nhiều lương tri ưa ngồi trầm mặc, óc cạn hẹp hay khờ chuộng kẻ môi mép.
Đa ngôn nhiều khi được coi là phương thế tự biện hộ. Mà đó là lầm. Vô tội thật có thời gian làm biện hộ sư cho. Lịch sử là toà án chí công. Càng ráo riết tấn công đối phương để chứng minh mình vô tội càng khiến thiên hạ nghi mình, không bênh vực mình và ghét mình. Cứ làm thinh làm việc và sống thiện.
Mến ai mà cứ nói mến người ấy thường làm cho người ấy ngờ không được mến hay được mến cách thiển cận. Định nghĩa đầy đủ nhứt của tình yêu là yêu bằng lo lắng, bằng hi sinh, bằng giúp thành công.
Chưa thành công mà nói thành công là chuẩn bị thất bại. Đừng nói quân thù làm chướng ngại vật chí, trong công tác viên, trong bạn chi thân coi chừng óc ganh tỵ của bụng ích kỷ.
Lúc bất đắc dĩ phải nói mà thuyết om sòm cũng bất lợi. Lời chỉ giáo ra như mưa bão có chắc kẻ dưới hứng bằng hồ, bằng lu hay bằng ống nhỏ như lỗ kim.
Múa lưỡi như bán cá để tranh đấu cho chân lý thường làm chân lý bị ghét. Con người là vật có lý trí, Aristote bảo đúng, nhưng con người ưa lý phục mà cũng ưa tâm phục. Và tâm phục được thực hiện không phải bằng khua môi giỏi. Có một định luật ngàn đời, tự nhiên là cái gì tĩnh chứa huyền bí, chứa sức mạnh, cái gì động bị am tường và phát sức mạnh. Con người ta khi không cần nói nên bắt lỗ miệng triệt để tuân cứ định luật nầy.
c) Những cử chỉ liếng xáo nhanh lẹ quá làm xao xuyến tâm thần, mất điềm tĩnh ngoại thân. Tránh lối ngó dáo dác, tỏ ra bộ mặt vút vắt. Cái ngó bao giờ cũng diễn lộ sự ngay thẳng và vừa ngó vừa tập trung tinh thần. Mặt luôn giữ sự bình thản: đừng cho những bắp thịt hai bên miệng co quắp lại mà kéo hơi ra để giữ sắc thái lạc quan cho gương mặt. Triệt để kỵ những cử động vô lý, vụt chạc tỏ ra con người thiếu mực thước của tay, của chân.
d) Phong độ của người già giặn là phong độ hòa hoãn. Chẳng những người già giặn coi như thù nghịch các lối ngồi, nằm, đi, đứng mất nết mà còn giữ tư thái lúc nào cũng có vẻ trầm mặc. Không phải ưa chứng « bịnh rùa »; nhưng bạn phải cho « đức chậm » điều khiển con người ngoại thân của bạn, chậm không có nghĩa là lù khù, quàng rờ mà khoan thay, tỏ ra bạn lúc nào cũng dè dặt, đề phòng tai nạn. Đôi khi bạn nên rút ra khỏi cảnh sinh hoạt náo nhiệt hằng ngày, vào một phòng vắng hay đến một con đồi, một bờ sông, một góc rừng, ở đó bạn nhìn lại con người của mình trong dĩ vãng, coi bạn có thả dây cương cho nó mất trầm tĩnh không. Mấy lúc nầy hãy xài những nét nhăn trên trán, gặp vật gì đừng ngó ngang liếc dọc mà nhìn, nhìn chậm, quan sát, cân đo từng tiết điệu của bước đi, cách ngồi, lối đứng.
3. Tóm lại: Người bản lĩnh là người trầm mặc từ tâm hồn, cửa miệng đến cử chỉ và hành vi. Đáng chú ý nhứt là cửa miệng: ngôn phong là thước đo giá trị con người. Kinh thánh bảo hãy đánh lưỡi bảy lần trước khi nói, bạn nên đánh lưỡi bảy lần, nếu thấy không cần, vẫn chưa nói, lo lựa ý, lựa lời làm thinh, chờ đợi nói đúng lúc, hợp nơi hợp người. Nói là cho mà mắc nợ, làm thính là không cho vai mà có lãi. Người ta không sợ kẻ nói mà sợ và phục kẻ biết làm thinh. Biết làm thinh, như có chỗ tôi đã nói với bạn là khi phải nói, nói thao thao bất tuyệt trong mấy giờ đồng hồ liên tiếp mà khi không phải nói, ai cại răng, nửa lời cũng không nói. Người già giặn, hiểu là khôn và dũng là người tin chắc rằng tư tưởng sâu thường phát xuất tự đầu óc trầm mặc, nhận rằng phải siết lưỡi trong tay, lời nói tuông ra mới chừng mực và ai càng giàu chí khí, càng trọng nhân cách càng thinh lặng.
KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC: « RẮN NƯỚC HAY THÓI MÀ NGƯỜI TA ÍT SỢ HƠN RẮN MÁI GẦM LẦM LÌ. »
Người Bản Lĩnh Người Bản Lĩnh - Hoàng Xuân Việt Người Bản Lĩnh