People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Tác giả: Leonid Zharikov
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Повесть О Суровом Друге (1937)
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 271 / 6
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 - Tháng Tư
ác đồng chí,
Dũng cảm lên, ta đều bước!
Chí ta thêm mạnh, vững như tường thành.
Ta sẽ giành lấy cho mình
Con đường đấu tranh dẫn tới tự do phía trước.
1
Và thế là tự do đã đến! Tôi với Vaska đã không uổng công đấu tranh: vua đã phải thoái vị, như hắn ta cần thoái vị.
Thật dễ chịu, thoải mái khi được tự do: nghĩ gì nói thế, muốn làm gì thì làm, dù có kêu, dù có nhảy múa, dù có đi bằng đầu giơ cả hai chân lên trời đi chăng nữa, cảnh sát cũng không túm cổ áo, không ở đâu còn cảnh sát nữa, những anh chàng “thân mến” ấy đã tháo chạy tán loạn cả.
Bọn trẻ con phố chúng tôi nghĩ ra một trò chơi mới – trò đánh đổ Nga hoàng. Một đứa nào đó leo lên mái nhà kho để củi hoặc lên hàng rào, còn những đứa khác buộc dây lôi xuống. Rất vui nhé! Có điều không đứa nào chịu làm vua, nhất là sau khi cái Tonka suýt bị chết nghẹt. Nó xung phong làm vua và khoe rằng không ai lôi được nó xuống. Rồi Tonka leo lên chiếc xe cút kít và bíu chặt vào đó đến nỗi mắt trợn ngược vì ngạt thở – và cứ thử lôi được nó, đứa bướng bỉnh như vậy, xuống xem! Bọn trẻ con vứt bỏ dây kệ xác nó, cái con Tonka ấy, nhỡ mà nó bị chết nghẹt thì lại phải vạ.
Tự do! Ngay cả bọn nhà giàu cũng đeo băng đỏ và ngạo mạn đi đi lại lại.
Tự do! Vaska nói là bây giờ không ai có quyền ra lệnh và hét lác. Chỉ được biểu quyết thôi. Nếu cần quyết định điều gì, đầu tiên người ta sẽ hỏi: “Ai tán thành, giơ tay lên!”. Ai không đồng ý có thể giơ tay phản đối. Đó là tự do.
Người ta nói là, đâu như ở Petrograd một Chính phủ lâm thời nào đó đã lên thay thế nhà vua. Còn ở thành phố chúng tôi là Xô-viết đại biểu công nông. Bố tôi được bầu là đại biểu chủ chốt: giờ bố tôi được mọi người gọi là “đồng chí chủ tịch”.
Lão chủ hiệu Tsybulya bố thằng Senka là ủy viên Chính phủ lâm thời của thành phố. Thằng Senka khoác lác là hình như bố nó to hơn bố tôi và có thể muốn bắt ai thì bắt. Thằng Senka thật kỳ quặc! Bố tôi được tất cả công nhân ủng hộ, còn ai theo bố nó chứ? Chả thế mà Vaska đã cười nhạo là ủng hộ lão Tsybulya thì chỉ có thằng thọt Guchkov nào đó, thằng lác Milyukov và cả thằng Rodzyanko – râu như cái xẻng thôi. Mà chúng tôi đã thừa biết bọn cầm đầu loại đó rồi!
Thật là dễ chịu, chỉ có điều là vẫn không có gì để ăn. Bột mì ngoài chợ lên giá đến mức mua nửa cân mà phải trả những một số tiền dài gần một thước! Đã xuất hiện loại tiền mới – “kê-ren-ki”. Loại tiền đó không đếm mà đo bằng thước. Nhưng chúng tôi cả loại tiền này cũng chẳng có.
Tình hình trở nên khó khăn, nhưng không thể chết được. Nhiều người ở phố chúng tôi đã đi các làng đổi đồ đạc lấy bánh ăn. Tôi và mẹ tôi cũng chuẩn bị đi. Buổi tối chúng tôi đổ hết quần áo trong hòm ra. Chúng tôi chọn lấy cái áo của bố, cái áo cưới của mẹ, hai cuộn chỉ (một còn nguyên, một mới dùng). Phải lấy thêm cả cái bàn là gang, hai cái đĩa, kéo và cái khăn vuông. Các thứ đó được xếp vào túi, buộc dải băng và sáng sớm chúng tôi lên đường.
Bố tôi nghiêm nghị ra lệnh cho tôi phải giữ gìn trông nom mẹ dọc đường. Tự tôi cũng đã hiểu điều đó – lạy Chúa, tôi không còn nhỏ nữa.
Vaska đưa tiễn chúng tôi đến tận khe Bogodukhovskaya. Suốt dọc đường cậu mang túi hộ chúng tôi. Mẹ tụt lại tít sau, và chúng tôi ngồi lại đợi bên đường.
Vaska bí mật nói cho tôi biết là sắp tới chú thợ máy Sirotka, chú thợ mỏ Petya ở Pastukhovska và chú Mosya sẽ chở ba toa than lên làm quà cho công nhân Petrograd, rồi sẽ mang súng về.
Tôi không muốn chia tay với Vaska và lại rủ cậu cùng đi. Cậu từ chối, lúc đó tôi mới dùng mưu:
- Chúng mình hãy biểu quyết! Ai tán thành cậu đi với tớ? – tôi hỏi và giơ cao tay.
- Còn ai phản đối? – Vaska cười và cũng giơ tay lên.
- Như thế không đúng. Tớ biểu quyết “đồng ý”.
- Cậu thật kỳ quặc, có lẽ nào tớ lại không muốn đi? – Vaska đáp lại. – Nhưng tớ không thể bỏ bố mẹ tớ ở nhà được. Cậu đừng có đi lâu, mau mau mà về nhé.
- Tớ sẽ về ngay. Hai mẹ con mình chỉ cần kiếm được ít bánh là quay về ngay. Tớ sẽ mang cả cho cậu nữa.
Vaska không đáp. Cậu im lặng một chút rồi nói:
- Sau cậu sẽ kể đi như thế nào cho tớ nhé.
- Được rồi.
- Cẩn thận kẻo lạc đấy nhé!
- Đừng lo.
- Trong khi cậu đi, ở nhà tớ sẽ thanh toán với lão hàng giò – hắn quá đỗi là lên mặt. Chúng lại đang kiếm chuyện chống lại bố cậu đấy.
- Ai kia?
- Đó, đủ loại men-sê-vích và cả cái lão hàng giò Tsybulya ấy. Chúng không muốn phục tùng công nhân. Không sao, sắp tới chú Sirotka sẽ chở súng ở Petrograd về, lúc đó chúng ta sẽ cho lão Tsybulya ấy biết tay. Phải không?
- Ờ, ờ.
- Tớ còn nói cho cậu một điều này nữa, biết là gì không? Sắp tới Lenin sẽ đến.
Lenin! Đã biết bao lần tôi được nghe bố tôi và các chú công nhân nói về Lenin, người ta nói rằng ông là một người rất hiền, rằng tất cả công nhân đều yêu mến ông, nhưng Lenin là ai thì tôi lại không biết. Hỏi Vaska thì thật xấu hổ: cậu sẽ nghĩ tôi hoàn toàn chả biết cái gì cả. Mà còn biết hỏi ai được ngoài Vaska ra?
- Vaska này, Vaska, thế Lenin là ai?
- Lenin à?… Lenin là vị chỉ huy của tất cả công nhân, là người cách mạng chủ chốt nhất. Không ai quan trọng hơn ông ấy được. Chính vua cũng sợ ông ta.
- Thế Lenin từ đâu tới?
- Từ Sibir. Bọn chúng xích ông lại và cho lính áp giải đày ông đến đó.
- Ai đày?
- Tất nhiên là Nga hoàng.
- Vua còn sợ ông ta cơ mà!
Vaska mỉm cười tỏ vẻ coi khinh:
- Cậu nghĩ là chính vua xích ông ta lại sao? Hắn còn sợ lại gần nữa kia. Hắn sai bọn cảnh sát, còn chính hắn lại nép vào một xó và từ đó quát ra: “Xích chặt nữa vào! Khéo nó vùng ra mất!”
Chúng tôi cùng vui vẻ phá lên cười tên vua: hắn cùng một loại nhát gan như thằng Senka.
Mẹ tôi đã đi tới, Vaska giúp bà đeo chiếc túi lên vai.
- Thím Grunya, chúc thím lên đường may mắn. Mau mau về, thím nhé.
Tôi đứng nhìn theo Vaska quay trở về thành phố mãi, rồi không nhịn được tôi bỏ mũ ra, hét lớn:
- Vaska-a-a!
Cậu dừng lại và cũng giơ mũ vẫy lại từ đằng xa. Làm thế nào được, phải chia tay thôi…
Tôi đuổi kịp mẹ tôi đi phía trước, đỡ lấy chiếc túi, rồi chúng tôi đi tiếp. Một niềm vui, mà ngay chính tôi cũng không biết vì cái gì, tràn ngập lòng tôi.
Tôi xốc lại chiếc túi trên vai và lao lên trước gần như chạy: tôi muốn cho mẹ tôi thấy mình khỏe biết chừng nào.
2
Cánh đồng cỏ về tháng Tư đã khô và bắt đầu xanh tươi lại. Dọc dãy núi đá thấp rêu phủ đã thấy nở vàng những bông hoa “dì ghẻ con chồng”, những bông hoa tuyết xanh rờn chen lẫn hoa vi-ô-lét tím nở rực rỡ.
Càng đi xa chúng tôi càng thấy thảo nguyên mênh mông, bát ngát. Bây giờ ở đằng sau cũng như đằng trước, bốn phía trải rộng những cánh đồng hoang vắng, xa lạ.
Đàn chim sếu bay thành hình lưỡi kiếm tít trên nền trời xanh. Thật thú vị khi nghe thấy tiếng thủ thỉ “cru-cru” từ xa của chúng. Tôi nhìn xung quanh – muốn nhanh chóng trông thấy bóng dáng xóm làng.
Tôi chưa từng ở nông thôn bao giờ. Thằng Ilyukha tóc hung vẫn kể là ở đó bánh mì mọc thẳng ngay sau nhà. Thích quá! Và cũng chẳng cần tiền nữa: cứ ra mà nhặt bánh mì trắng và bánh vòng…
Trên đường hiện ra một chiếc xe thắng hai con bò đực. Trên xe có một ông già râu bạc, đội mũ rơm, mặc chiếc áo vải gai, giản dị, có thắt dải băng xanh ở ngực. Đó chính là ông già đã đưa bò để kéo đổ tượng vua.
- Chào ông ạ, – mẹ tôi cúi đầu chào.
Ông già dừng bò lại, nhắc chiếc mũ rơm trên đầu lên.
- Chào con.
- Có làng nào ở gần đây không hả ông?
- Có đấy, cứ đi thẳng, – ông chậm rãi quay lại, vừa nói vừa cầm gậy chỉ về phía cánh đồng cỏ. – Nếu đi thẳng sẽ có làng Nhà thờ trắng, còn nếu đi theo lối này, sau ngôi mộ là ấp Andreevsky, xa nữa là làng của chúng tôi – Shatokhinskoye…
- Chúng con sẽ đi tới đó… Cám ơn ông ạ, – mẹ tôi cám ơn ông già.
- Chúc con mọi sự may mắn, – ông già trả lời, không ngoái lại.
Trong lúc mẹ tôi nói chuyện với ông già, tôi ngồi nghỉ một chút. Sau đó mẹ tôi không cho tôi mang túi nữa, chắc là mẹ thấy tôi đã mệt. Tưởng chừng như trong túi chả có gì nặng ngoài cái bàn là, mà sao vai đau ê ẩm, không nhấc nổi tay lên. Tôi giúp mẹ vác túi lên, rồi chúng tôi lại đi tiếp.
Chúng tôi đi đã được khoảng ba tiếng, nghỉ rồi lại đi mà làng mạc vẫn chưa thấy đâu.
Cuối cùng sau dãy đồi đã thấy thấp thoáng những cánh của cái máy gì đó. Mẹ tôi giải thích đó là những cánh chiếc cối xay gió để xay bột mì.
Chẳng bao lâu chúng tôi đã nhìn thấy chiếc cối xay gió, trông ngoài giống như một chuồng chim sáo đá lớn. Cánh của nó cao hơn nhà. Nếu bíu lấy nó, cánh cối xay gió sẽ nâng ta lên cao, có thể nhìn thấy cả thành phố của chúng tôi.
Chúng tôi đi xuống khe núi, chỗ có làng xóm. Ở đây mọi thứ không giống như ở chỗ chúng tôi: không có ống khói nhà máy, cũng chả có những túp nhà đất sét ám khói. Các ngôi nhà quét vôi trắng, lợp rơm trông như những ông già đội mũ. Không khí trong sạch, thoang thoảng mùi chồi anh đào. Chim sáo đá hót líu lo chung quanh, Ở rìa làng một con bò cái trắng nằm ngang đường hấp háy cặp mi bàng bạc còn ngái ngủ, đang nhai nhai cái gì đó. Những chú quạ đen quàng quạc lượn trên nó. Một con đậu hẳn xuống lưng bò, nhảy nhót từ đầu đến đuôi con bò, liếc mắt nhìn hai mẹ con tôi, rồi bỗng nhiên lấy mỏ rỉa đám lông mao trên lưng con bò. Con vật vẫn nằm yên, nhai nhai. Thật kỳ lạ! Tôi tròn mắt nhìn quanh, tìm xem bánh mì mọc ở đâu. Cánh đồng một màu đen sì – không có lấy một thứ bánh mì nào ở đâu cả.
Chúng tôi lê bước dọc theo những ngôi nhà trắng. Suốt dọc đường vung vãi khắp nơi những mảnh vỏ trứng vẽ sặc sỡ, vì lễ Phục sinh vừa qua cách đây không lâu.
Ở những nhà ven làng chúng tôi không đổi được gì cả. Mọi người chỉ cho chúng tôi một tòa nhà lớn có vẽ những đường viền xanh và mái lợp sắt. Ở đó có ông chủ cối xay Tsybulya. Có lẽ họ hàng gì đó với lão hàng giò Tsybulya ở thành phố thì phải.
Chúng tôi vào đến trong sân thì một người cao lớn diện chiếc áo dài trắng kiểu Ukraina đội mũ lông cừu xám bước ra. Ông ta có hàng ria mép mỏng kéo dài xuống tận cằm trông giống những người Cozak vùng Zaporozhe trong các tranh vẽ.
Có lẽ chúng tôi đã bứt ông ta ra khỏi bữa ăn sáng. Ông ta bỏ tỏm vào mồm một miếng mỡ muối và ăn bánh mì trắng ngay trước mặt chúng tôi.
Mẹ tôi bày ra trước mặt ông ta tất cả tài sản của chúng tôi rồi bắt đầu tán dương:
- Đây là khăn vuông cho vợ ngài hoặc cho con gái ngài, còn đây, chiếc áo vét này để ngài mặc đi làm. Xin mời ngài, chiếc bàn là cho công việc nội trợ trong nhà hay những chiếc đĩa xinh xắn này, tất cả đều còn nguyên lành cả – ngài xem đi.
Ông chủ nhà đứng yên, tay phải chống nạnh, tay kia mân mê hàng ria mép dài, đen sì. Cuối cùng ông ta hỏi:
- Mụ không có dây thép gai à?
- Không có ạ, – mẹ tôi đáp, – dây thép gai để làm gì?
- Để ngăn chặn bọn ăn xin như các mụ ấy. Cái bọn thợ mỏ đáng nguyền rủa nhà mụ cứ quanh quẩn ở đây, không để cho người ta yên. Này thôi, hãy cất những của nợ ấy đi và xéo khỏi đây ngay!
Mẹ tôi sửng sốt và giận dữ nhìn lão chủ nhà.
- Không nghe tao nói gì hả?
- Xin lỗi, chúng tôi đi ngay đây, – mẹ tôi nói vẻ nhận lỗi. Tay tôi tự nhiên nắm chặt lại. Tôi lấy thân mình che cho mẹ.
- Ông làm gì mà hùng hổ thế?… Nếu không cần thì cứ nói thẳng ra…
- Đi thôi con, kệ họ.
Mẹ tôi vội vã thu dọn đồ đạc.
- Để ria mép rồi mà lên mặt…
- Đi đi, cút, – lão chủ cằn nhằn. – Cuốn gói đến tận chỗ Lenin của chúng mày ấy, bọn ăn mày rách rưới.
Ra khỏi làng chúng tôi ngồi nghỉ lại bên đường. Mẹ tôi rút trong túi ra miếng bánh mì lổn nhổn chuẩn bị phòng xa từ ở nhà. Tôi rất muốn ăn, nhưng lại ứa nước mắt vì thương mẹ bị bực mình, muốn tỏ ra với mẹ dù chỉ là một chút xót xa. Và tôi bảo với mẹ là không muốn ăn. Nhưng mẹ tôi chỉ bẻ cho mình một mẩu con, còn đưa tất cả cho tôi. Bà ăn chậm rãi, khum khum bàn tay hứng những mảnh vụn. Cặp mắt to, hiền dịu của bà buồn bã nhìn vào một điểm xa xa.
- Mẹ, mẹ đừng khóc, – tôi nói.
- Không, con trai mẹ, mẹ không khóc, – mẹ tôi buồn rầu trả lời. Nhưng tôi biết: mẹ tôi biết khóc không ra nước mắt.
Mẹ thân yêu, mẹ yêu quý của tôi… Đối với tôi khuôn mặt xanh xao, phờ phạc của mẹ, cái cổ gầy guộc và đôi khuyên tai rỗng quý giá hơn tất cả. Chưa bao giờ mẹ làm ai bực mình, mẹ chưa hề nặng lời với ai, thế mà cái lão có ria mép ấy lại vô cớ mắng mẹ…
Và tôi ngẫm nghĩ: sao lại như thế được? Mọi người đều như nhau, mọi người đều có mắt có mũi có tay có chân, mà sao sống hoàn toàn khác nhau, sao mẹ con tôi thì đói, còn lão kia lại được ăn mỡ muối? Vaska nói là có người nghèo và kẻ giàu. Nhưng sao cái lão này thì giàu, còn chúng tôi lại nghèo đói? Tại sao? Nếu như lão ta không chỉ có hai tay, mà có những bốn tay kia, thì lại là chuyện khác, thế nhưng tất cả mọi thứ lão đều như chúng tôi. Chẳng hạn lão ta khác chú Anisim Ivanovich ở chỗ nào? Khác chăng ở chỗ lão ta có hai chân đi ủng da, còn chú Anisim Ivanovich thì lại cụt cả hai. Không còn hiểu được gì trên đời này nữa…
Nghỉ xong chúng tôi lại lên đường, đi tiếp. Thời tiết đã thay đổi. Những đám mây trắng dồn dày lại, để hở ở một vài nơi những khoang cửa sổ trời xanh ngắt. Một đám mây mù che kín mặt trời. Nhưng những tia nắng vẫn chiếu thấu qua đám mây và rọi xuống đất thành từng chùm nghiêng nghiêng.
Bỗng sấm bất ngờ rền vang khắp bầu trời. Chúng tôi chưa kịp chạy tới khe núi gần đó thì mưa sập xuống. Mẹ lấy tạp dề che cho tôi, còn bà thì chúi đầu xuống dưới túi xách.
Mưa làm chúng tôi ướt như chuột lột. Áo quần dính bết vào người. Chúng tôi bì bõm đôi chân không trên con đường đất lầy lội. Cánh đồng cỏ lấp lánh những giọt nước mưa và thơm ngát mùi ngải cứu. Hơi ấm từ mặt đất bốc lên. Xa xa tận phía chân trời, cầu vồng hiện ra thành nửa vòng tròn lớn, trải dài nửa khoảng trời từ đầu này sang tận đầu kia, óng ánh muôn màu dưới ánh mặt trời.
Khi còn rất nhỏ, tôi vẫn nghĩ là trên trời có Chúa, và cầu vồng là cánh cổng thiên đường, qua đó người ta cho phép những người vô tội vào. Tôi thật kỳ quặc… Mà cũng có thể chẳng kỳ quặc gì chăng? Có thể tôi và Vaska đều nhầm cả chăng? Sao, nếu như Chúa trời treo cầu vồng là để cho mẹ con tôi bước vào thiên đường, nơi bánh mì ăn thỏa thích và thậm chí mọc cả những cây táo có quả bằng vàng nữa?… Nhưng, không, đi đến cửa thiên đường lâu lắm. Thằng Ilyukha nói là phải mất một trăm ngày, có lẽ nào đi nổi một trăm ngày, với chiếc bàn là gang, nếu mới chỉ có một ngày mà vai đã trớt ra rồi?
Chúng tôi đói lả, đói đến thắt cả bụng lại. Giá như… Lenin về sớm sớm một chút. Ông sẽ gọi tất cả những người đói bụng lại mà bảo: ai muốn ăn bao nhiêu, cứ lại mà lấy bánh tùy thích!...
3
Trời về chiều. Hoàng hôn rực hồng sau những dãy đồi xa xa. Mặt trời đã lặn xuống gần sát mặt đất. Những đám mây trắng như tuyết dồn tụ lại trên trời hệt như những dãy núi. Khi mặt trời đã khuất hẳn và cả cánh đồng cỏ chìm trong bóng đêm thì đỉnh núi khổng lồ bằng mây đó vẫn ánh hồng lên, rồi nhạt dần như sắt trên bễ rèn. Sau đó núi cũng mờ đi. Trên bầu trời bừng sáng ngôi sao đầu tiên.
Tôi cảm thấy lo lắng.
- Mẹ, đi nhanh lên mẹ.
- Đừng sợ, con trai mẹ, có mẹ đi với con đây, – mẹ tôi mệt nhọc nói.
- Thế mẹ con ta sẽ nghỉ đêm ở đâu được?
Mẹ không trả lời. Có lẽ chính mẹ cũng không biết sẽ ngủ ở đâu. Cánh đồng cỏ một màu tối đen. Không đâu có một ánh lửa, không một tiếng người, chỉ có ếch nhái kêu ồm ộp đâu đó.
Áo vẫn còn ẩm làm tôi thấy lạnh. Mẹ quàng tay ôm lấy tôi, lấy thân mình sưởi ấm cho tôi. Tôi níu áo mẹ vừa đi vừa sợ hãi nhìn vào đêm tối. Chợt xa xa thấp thoáng có ánh lửa. Quanh đó chập chờn những hình bóng gì đó.
- Đây, có người đây rồi, thế mà con cứ sợ, – mẹ tôi bảo.
Lần sờ đường trong đêm tối để khỏi bước hụt, chúng tôi rẽ về hướng có ánh lửa. Càng tới gần chúng tôi càng phải thận trọng dò dẫm trong cỏ. Bên đống lửa người ta đang đọc cái gì đó: một giọng đàn ông trầm trầm vang lên đều đều.
Khi chúng tôi bước tới, giọng đọc im bặt. Mọi người bên đống lửa quay cả lại phía chúng tôi.
- Xin chào những con người tốt bụng, – mẹ tôi nói, – cho phép mẹ con tôi được sưởi ấm bên đống lửa của các bác.
- Chị ngồi xuống đi, đủ ấm cho tất cả đấy, – người đội mũ cát-két công nhân lấm lem dầu mỡ, chính là người cầm báo – ngồi quay lưng lại phía chúng tôi, mời. Tôi liếc nhìn và thấy dòng chữ đen to: “SỰ THẬT”. Bên đống lửa có năm người: chú công nhân cầm báo và giắt điếu thuốc lá bên tai, một phụ nữ với đứa con còn bú, một chú lính mặc chiếc áo khoác rách và hai người nữa, trông có vẻ là nông dân.
Mẹ tôi hạ cái túi xuống đất, thở phào nhẹ nhõm:
- Tôi mệt đến chết mất, các bác ạ, hết cả hơi.
Chú công nhân lấy điếu thuốc lá trên tai xuống, gí vào đống lửa.
- Mệt đến chết à? – chú hỏi và châm lửa vào đầu điếu thuốc. – Giá chị tìm lấy một chiếc xe tam mã mà đi.
Mẹ tôi mỉm cười:
- Đào đâu ra cái xe tam mã ấy, chúng tôi có phải là bà hoàng đâu.
- Thế thì đã sao nào, nếu chị không phải là bà hoàng? – chú công nhân đáp lại. – Chính phủ lâm thời đã công bố tự do rồi. Thế mà chị lại trói chặt tự do của mình vào trong túi, mang qua các làng để cầu xin, lấy một mẩu bánh vì Chúa. Ê hê, dân ngu tối, tự do của mình mà không hiểu được!
Mọi người quanh đống lửa cười phá lên, nhưng tôi lại không hiểu vì sao. Chú công nhân đã nói đúng về tự do. Tôi đã tận mắt nhìn thấy dòng biểu ngữ: “Tự do, bác ái và bình đẳng!”
Tôi liếc nhìn mẹ và lắng nghe xem chú công nhân còn nói gì nữa.
- Còn tôi định đi xin để được làm bá tước hoặc nam tước, – chú công nhân nói tiếp. – Mai tôi sẽ làm đơn, rồi các bạn xem, tôi sẽ là tổng đốc hoặc sẽ trở thành chúa đất cho mà xem.
Mọi người bên đống lửa lại cười ồ lên và không hiểu sao chính chú công nhân ấy cũng cười, rồi chú lại nói:
- Thế là thế nào? Nếu là tự do và bình đẳng thì nghĩa là tất cả đều như nhau chứ.
- Ai tự do cứ tự do, còn ai đau khổ vẫn cứ khổ đau, – mẹ tôi nói.
- Ai hà, vỡ nhẽ ra rồi đấy! – Chú công nhân chợt thốt lên. – Thế đó, bà chị thân mến ạ. Ừ, tự do, nhưng không phải để cho tôi và chị đâu. Vẫn còn những kẻ kỳ khôi nghĩ là: cứ đánh đổ Nga hoàng, nghĩa là, cuộc đời sẽ ngọt ngào hơn mật. Thế mà, mật lại hóa đắng kia. Bọn men-sê-vích thuyết phục chúng ta: lật đổ Nga hoàng – và thế là làm cách mạng xong. Sẽ được làm ngày tám tiếng, sẽ được ăn toàn bánh mì ngon. Thế nhưng chúng ta đã được những gì? Thất nghiệp, lương hạ, không có gì để chén. Đó, báo “Sự thật” của chúng ta đã viết: quét sạch Nga hoàng mới chỉ là một nửa công việc. Không phải vua là kẻ thù chính. Vua là một thứ đồ chơi trong tay bọn giàu có thôi. Bây giờ kẻ thù lâu dài, hung tợn và tàn ác của công nhân và nông dân chúng ta là giai cấp tư sản. Đó mới chính là kẻ nắm chính quyền và bóp nghẹt người nghèo! – Chú công nhân cuộn tròn tờ báo “Sự thật” nhàu nát lại, đút vào túi. – Không sao, – chú nói tiếp, – rồi Lenin sẽ về nước Nga và Người sẽ nói là cần làm gì.
Không phải tôi hiểu mọi điều chú công nhân nói, nhưng cái chính thì tôi hiểu, và điều đó làm tôi sửng sốt. Làm sao vua lại không phải là kẻ thù? Thế ra tôi và Vaska lại nhầm nữa sao? Chúng tôi đã giận không đúng kẻ đáng giận! Không phải vua là kẻ thù, vua chỉ là một thứ đồ chơi! Thế ai đã lấy mất chân chú Anisim Ivanovich? Ai đã ra lệnh xích bác Mityai lại? Ai đã cùm Lenin lại và đày ông đi Sibir?…
- Đó, chú em ạ, sự việc là như thế đó, – chú công nhân bỗng quay lại tôi. – Sao thế chú mình, cứ đi và đi, trao đổi và đổi chác, mà túi vẫn rỗng tuếch thế?
Một người nào đó bên đống lửa thở dài.
- Có lẽ chú bé muốn chén chứ? – chú công nhân hỏi. – Tôi sẽ thết ngay chú mình một miếng bánh ga-tô vô sản, – rồi chú lấy miếng gỗ mỏng khều trong đống lửa ra một củ khoai tây lùi nóng hổi. – Cầm lấy cháu, nhưng phải thổi mạnh vào, không sẽ bị bỏng đấy.
Mẹ tôi âu yếm kéo tôi lại gần:
- Con tôi mệt lử, muốn ngủ rồi đây. Thôi nằm xuống con. – Mẹ đặt đầu tôi vào lòng mình. – Cháu nó cứ thương tôi mãi. Bản thân lê chân không nổi mà cứ “đưa con mang cho”, “đưa con mang cho”.
- Cháu bao nhiêu tuổi rồi?
- Mới lên mười thôi, bác ạ…
Củ khoai chú công nhân cho tôi rất ngon. Thoạt đầu tôi chuyên nó trong tay, vừa chuyên vừa thổi, sau lấy vạt áo cầm lót, tôi ăn ngay cả vỏ còn đầy tro, vừa ăn vừa xuýt xoa. Củ khoai thơm thơm mùi khói.
- Thế nào, bánh ga-tô ra sao?
- Chẳng thấm gì ạ, – tôi trả lời.
Mọi người cười rộ. Mẹ tôi thốt lên:
- Ái chà, cái đồ quỷ sứ này, mày không biết xấu hổ à? Bác đã đãi nó, đáng lẽ cám ơn thì nó lại còn đòi thêm nữa!
- Không sao, cho cháu nó ăn. Nếu đã biết thương mẹ thì nghĩa là xứng đáng rồi: làm thêm cái bánh tròn nữa, chú em Mitka.
- Cháu không phải là Mitka.
- Thế là gì?
Mẹ vuốt tóc tôi rồi đáp:
- Chúng tôi đặt tên cháu là Lenka.
- À, à, Lenka. Hãy lớn mau lên, cháu Lenka, chúng ta sẽ cùng đi chiến đấu chống bọn tư sản, sẽ cùng đến giúp Lenin. Cháu có nghe đồn Lenin đã trở về nước Nga không?
Mọi người im lặng. Người phụ nữ ôm con hỏi:
- Thế các bác hãy nói xem, có người đồn Lenin từ công nhân mà ra, có đúng không? Người ta còn nói là ông ta đã làm người đuổi ngựa ở mỏ “Italia” nữa. Tôi không biết có đúng hay không, nhưng chỉ nghe thấy nói là ở mỏ có những người vẫn còn nhớ ông ta.
- Ở chiến hào chỗ chúng tôi người ta lại nói khác, – người lính vừa trải rộng chiếc áo khoác rồi nằm vào đó, vừa nói chêm vào. – Lenin chả phải là công nhân gì cả, mà là lính. Đồng hương của tôi cùng một trung đoàn với ông ta mà.
- Đó chỉ là những lời đồn đại thôi, – chú công nhân nói. – Nhân dân mà yêu cái gì là sẽ dựng ngay truyền thuyết về cái đó. Lenin không phải là công nhân, mà cũng chẳng phải là lính… Lenin là cha của tất cả những người lao động trên trái đất, cho dù có bao nhiêu người đi chăng nữa. Về Lenin tôi sẽ kể sự thật mười mươi. Nếu các bạn không tin, tôi có thể đưa tài liệu chứng minh. – Chú công nhân khẽ duỗi cái chân đi giày ra, rồi vén quần lên. – Đây, dẫn chứng đây, nhìn xem.
- Anh đã từng bị cùm rồi cơ à? – người lính hỏi.
- Thế cậu đã nghĩ sao? – chú công nhân cười đáp lại.
Tôi nín thở. Cảm giác mỏi và buồn ngủ tan biến. Thậm chí tôi còn nhổm khỏi lòng mẹ và sợ hãi thương xót nhìn những vòng tím bầm – dấu vết của xiềng xích in hằn trên chân chú công nhân.
Tôi hồi hộp lắng tai nghe chú công nhân kể:
- …Thế đấy, ai đã từng ở nhà tù của Nga hoàng người đó sẽ biết về Lenin, vì Lenin đã trải qua hai mươi năm trong các nhà tù, đã bị đi đày và bị trục xuất. Không phải là một năm, nhớ nhé, cũng chẳng phải ba, mà những hai mươi năm kia đấy. Đấy thế đấy. Họ của Người không phải là Lenin, mà là Ulyanov. Lenin là tên gọi trong Đảng, biết giải thích thế nào được nhỉ, à, để giữ bí mật, sao cho bọn chó săn của Nga hoàng khó tìm thấy. Lenin sinh ra ở vùng Volga, trong một gia đình trí thức. Người anh là Aleksandr Ulyanov, một người cách mạng nổi tiếng, mưu sát Nga hoàng, nhưng thất bại. Aleksandr bị treo cổ theo lệnh vua…
Chú công nhân quay về phía thảo nguyên tối tăm, nghe ngóng cái gì đó. Cỏ sột soạt ở gần đây: có ai đang đi tới. Chúng tôi chờ đợi, chẳng có ai xuất hiện. Bỗng từ trong bóng tối hiện ra một chú bé mặc quần dài vải gai, áo cũng bằng thứ vải đỏ bỏ ngoài quần, tóc không cắt, người gầy guộc. Một người mù lê bước sau em bé, tay đặt lên vai em. Chúng tôi im lặng. Người mù bước lại gần đống lửa và tôi sửng sốt. Đó chính là Anh Nghèo trong truyện cổ tích của Vaska, chính người tôi đã gặp lần cuối cùng ở chợ. Ông cụ già yếu đi và đã bị mù. Cũng như lúc tôi gặp khi ấy, ông cụ đeo trên vai cây đàn băng-đu-ra buộc bằng một sợi dây nhỏ.
Người ăn xin đứng cạnh đống lửa, tay sờ soạng dây đàn, rồi ngước mắt lên bầu trời tối đen, ông cụ bật dây đàn, miệng hát khẽ:
Hây, hây.
Lenin đến gặp Nga hoàng,
Lenin đến bọn giàu sang trị vì
Hỏi “Bay nắm giữ đất đai,
Miếng ăn cướp đoạt chẳng ai bay từ,
Tự do bay chà đạp đến bao giờ?
Phen này ta quyết đánh cho bay tan tành!”
Mọi người bên đống lửa lắng nghe người ăn xin, thậm chí không một ai nhúc nhích. Chỉ có chú bé dẫn đường là thản nhiên dường như không có gì liên quan tới cậu ta cả, chú bé ngồi xuống bên đống lửa, thu đôi chân vào lòng, móc trong túi ra một vốc bánh vụn, ngồi xích lại gần đống lửa, bốc từng dúm trong lòng bàn tay ăn.
Người ăn xin mù búng búng dây đàn băng-đu-ra cũ kỹ, hát:
…Nga hoàng triệu tập quần thần:
“Hỡi những vị tướng cầm quân trung thành
Vì ta, xin hãy nhanh nhanh
Lên yên đánh phá tan tành bần dân
Diệt một – thánh giá thưởng ban
Diệt Lenin – có mề đay sẵn sàng!”
Cả bọn chúa đất giàu sang
Lên yên, phi ngựa lên đàng xá chi…
Bên đống lửa, yên lặng đến mức nghe rõ cả tiếng lửa reo và tiếng than nổ tí tách.
…Lenin kêu gọi mọi người
Hô hào thợ mỏ đồng thời đứng lên,
Tự mình ngồi thẳng yên cương
Tay giương cao ngọn cờ hồng, miệng hô:
“Hây, hây…
Tiến lên đánh bọn cường hào
Đánh cho máu chúng trộn nhào cát đen!...”
Tay bật dây đàn, ông cụ hát kể rằng các trung đoàn tư sản và công nhân đã kéo ra cánh đồng và đã đọ sức với nhau như thế nào. Họ đánh nhau một ngày, rồi hai ngày – vẫn chưa phân thắng bại. Nga hoàng cho gọi thêm nhiều tên nhà giàu nữa tới, mang theo cả đại bác, còn công nhân chỉ toàn cuốc chim. Lenin lúc đó mới kêu gọi những người bị đày ở Sibir, nhưng tay họ đều bị xích chặt. Lenin lại kêu gọi những người nghèo đang ngồi tù, thì họ trả lời: “Song sắt cứng lắm, cha ạ, không thể bẻ gãy được”. Công nhân đánh nhau với tư sản thêm ba ngày nữa. Rất nhiều tên địch đã gục ngã và bị ngựa giày xéo, Lenin đã cắt được đầu Nga hoàng, nhưng bọn tư sản vẫn phi ngựa và phi ngựa từ mọi nơi tới, bao vây Lenin và quân của Người.
Ông cụ mù ngừng hát, rồi đánh mạnh vào dây đàn làm nó rung vang và bật ra những nốt hùng dũng, và lại cất tiếng hát:
Hãy nghe đây, hỡi dân nghèo
Những người thợ mỏ đọa đày khổ đau.
Đứng lên theo bước Lenin
Mưu cầu hạnh phúc cho dù gian nan
Lấy vũ khí, lên ngựa mau
Hăng hái theo Lenin chiến đấu
Mưu cầu hạnh phúc cho dù gian nan
Ông cụ thôi hát, lướt tay trên dây đàn và hấp háy đôi mắt mù lòa, cất tiếng khàn khàn:
- Cầu Chúa phù hộ cho dân làng, cho đội quân công nhân và cho tất cả mọi người, cho những tín đồ Thiên chúa giáo chính thống khỏe mạnh sống lâu… – rồi người mù im lặng, chờ đợi của bố thí.
Mẹ tôi và người phụ nữ ôm con nức nở, người lính trầm ngâm cau có nhìn vào ngọn lửa. Mẹ tôi lấy trong ngực áo ra ba đồng rúp của Nga hoàng bọc trong chiếc khăn tay đưa cho chú bé. Người phụ nữ vừa xỉ mũi và lau mắt, vừa mở bao ra lấy cho chú bé hai bắp ngô.
- Cám ơn bố già, – chú công nhân xúc động nhìn ông già mù. – Bố đã cho nghe một bài hát thật hay. Ngồi xuống đây sưởi cho ấm đi bố.
- Thôi, đường chúng tôi còn dài.
- Bố già đi đâu đêm tối thế?
- Đối với tôi lúc nào cũng là đêm tối, – người ăn xin đáp và hai ông cháu lặng lẽ đi. Chú bé đi trước, người mù theo sau. Không ai nói một lời cho tới khi họ đi khuất.
- Đấy, nhân dân cũng đã hiểu ra cần phải tập hợp lại để chiến đấu: họ đã đặt ra những bài hát, – cuối cùng chú công nhân lên tiếng. – Khô-ông, – chú nói tiếp, vẻ như đang dọa nạt ai đó. – Cách mạng chưa chấm dứt, thưa các ngài! Cách mạng mới chỉ bắt đầu!
Đống lửa đã tàn. Người lính đi đâu đó, rồi mang về một ôm rơm và cành khô. Ngọn lửa lại bùng cháy làm mọi người phải nhích xa ra. Những tia lửa bốc lên trên ngọn lửa, rồi rơi xuống chỗ chúng tôi. Bóng đêm chung quanh trở nên dày đặc hơn.
Mặc dù thật khoan khoái được nằm trong lòng mẹ và tuy người rất mệt, nhưng tôi không thể quên được ông già mù. Ông cụ còn đi đâu vào lúc đêm hôm nữa? Người lính bắt đầu kể chuyện chiến tranh, kể là quân Nga đã không muốn đánh nhau như thế nào, đã ném bỏ vũ khí và ôm lấy những người lính Đức ra sao. Tôi nghe chuyện mà trước mắt vẫn thấy hiện ra ông già mù, và những điều ông cụ đã hát. Nếu như Vaska nghe thấy, cậu ấy sẽ bảo tôi: “Mặc quần áo mau lên. Ta chạy đến giúp Lenin đi”.
4
Bình minh đã ửng hồng, khi mẹ đánh thức tôi dậy. Bên đống lửa đã không còn ai. Tôi và mẹ rũ sạch tro bám vào quần áo, rồi bỏ đi, để lại đống than cháy âm ỉ.
Chúng tôi dừng lại ở ngã ba đường, suy nghĩ: đi đâu bây giờ được?
- Đi đi con, chắc bố đang ngồi đói ở nhà đây!
Mặt trời chưa lên cao chiếu rọi vào sau lưng. Chân tôi lạnh cóng vì phải đi trên con đường đầy bụi, còn băng giá chưa được ánh mặt trời sưởi ấm.
Tôi vội vã bước theo mẹ và ngẫm nghĩ về bố. Ông là chủ tịch đấy, thế mà chả được lợi lộc gì. Chỉ sướng ở chỗ là có thể cho bắt ai thì bắt, còn ăn thì chả kiếm được miếng nào. Giá như tôi là chủ tịch thì việc đầu tiên là tôi sẽ cho lấy hết giò chả của lão Tsybulya… Mau mau về nhà thôi, ở đó chắc chú Sirotka đã từ Petrograd mang súng về. Vaska đang đợi.
Đến trưa chúng tôi tới một làng lớn có Nhà thờ và một tòa nhà hai tầng bằng đá trắng có hàng bạch dương đang nảy lộc bao quanh. Đó là làng của chúa đất Shatokhin.
Nông dân đang cày ruộng bằng bò đực ở ven làng. Quạ bay là là thành từng đàn đen sì sau lưỡi cày.
Mẹ tôi hỏi thăm các bác nông dân xem có thể đổi được gì ở làng này không.
- Chưa chắc, – một bác cau có trả lời. – Chính chúng tôi làm thuê cho chúa đất đây. Bác thử lại chỗ ông ta xem, còn nông dân thì chả có bánh đâu mà đổi.
Đến chiếc cầu con qua suối, thì có một chiếc xe dị dạng với bánh xe bằng cao-su bơm căng có nan hoa đuổi kịp chúng tôi. Cái xe tự chạy không có ngựa kéo. Tôi nhớ ra loại xe như thế này gọi là ô-tô. Trên chiếc ghế cao một người mặc áo khoác da ngồi quay một bánh xe gắn vào một cái gậy. Cạnh bên có một quả lê bằng cao-su mà ông ta bóp bóp làm nó kêu toe toe.
Hoảng hốt, tôi bước tránh sang bên đường và chiếc xe ô-tô lướt qua, làm bùn bắn tóe lên người chúng tôi. Sang bên kia cầu ô-tô phả khói dày đặc, hai lần xì hơi kêu bụp bụp như tiếng súng nổ, rồi chạy bon bon tới nhà lão chúa đất. Tôi còn kịp thấy ở ghế sau một người đội chiếc mũ cao, tròn, màu đen, đi găng trắng và cầm ba-toong.
Chúng tôi đi chầm chậm qua một dãy toàn những nhà tường trắng đã tróc vôi, mái phủ rơm.
Và cả trong làng này chúng tôi cũng không đổi được gì và đã định bỏ đi thì bỗng từ phía nhà chúa đất vọng tới tiếng đàn nhạc. Nông dân tụ tập thành từng đám đông trên đường làng và qua câu chuyện của họ chúng tôi được biết có một ông bộ trưởng nào đó người làng từ Petrograd về nhà chúa đất Shatokhin chơi.
Mẹ tôi suy nghĩ và quyết định lại nhà chúa đất, có thể họ ăn thừa miếng gì, họ sẽ cho chăng.
Chúng tôi rụt rè đi đến gần ngôi nhà có hàng cột.
Trên chiếc sân rộng một cô bé mặc áo mỏng màu hồng đang chơi bóng với hai thằng bé béo tròn. Nhìn quả bóng cao-su màu xanh, đỏ có kẻ sọc trắng và to bằng quả dưa hấu tôi thấy thèm vô cùng. Trong đời tôi chưa bao giờ tôi được thấy một quả bóng nào như vậy!
Mẹ tôi dừng lại bên cạnh cổng đá. Thằng bé mặt đỏ và tròn xoe nhìn thấy chúng tôi và hỏi:
- Cần gì?
- Hãy cho chúng tôi một mẩu bánh vì ơn Chúa, – mẹ tôi khó nhọc nói.
- Chờ đó, – thằng bé nói. Nó lại gần các bạn, thầm thì với chúng, rồi chạy vào nhà.
Nó quay trở lại ngay, rụt rè tới gần chúng tôi.
- Này đây, bánh cho chúng mày, – thằng bé đặt vào tay tôi một cái gì đó bọc giấy. Tôi liếc nhìn và bối rối: trong giấy có miếng gỗ và một mẩu than đá. Thằng bé cười phá lên, rồi nhảy một chân vào phía trong sân.
Tôi liếc nhìn mẹ tôi: nước mắt lăn trên má mẹ.
Người ta cười nhạo chúng tôi như vậy! Phải địa vị tôi, Vaska sẽ làm gì? Nhất định cậu ta sẽ…
Tôi nhặt hòn đá và lao theo thằng bé. Vì vội vàng tôi không nhìn thấy những chai lọ trên đường nên bị cứa đứt chân. Tôi ngồi bệt ngay xuống đất, bịt chặt vết thương, máu chảy qua các kẽ tay. Mẹ tôi chạy lại, nhăn mặt đau xót, vừa quở trách tôi, vừa xé miếng vải ở túi, buộc chặt vết thương cho tôi.
- Người nghèo khóc, còn kẻ giàu lại cười, – chúng tôi nghe thấy một giọng khàn khàn cất lên sau lưng.
Ông già nông dân quen thuộc mà chúng tôi đã gặp ngoài cánh đồng cỏ hôm qua chống gậy đứng ngay cạnh nhà lão chúa đất.
- Cho cậu bé ra xe đi, – ông cụ giận dữ bảo mẹ tôi, rồi lặng lẽ lại chỗ buộc bò, không nói thêm lời nào.
Mẹ dắt tôi lại chỗ xe, đặt tôi lên đống rơm, rồi chúng tôi lên đường. Thật ngạc nhiên, chúng tôi phải đi không lâu lắm. Căn nhà nghèo nàn của ông già cách nhà chúa đất không xa.
Ông Karpo – tên người quen của chúng tôi – và bà Khristya hết lòng tiếp đón chúng tôi. Bà già rửa chân cho tôi ở giếng, lấy vải sạch băng lại, rồi dẫn tôi vào nhà. Bà múc cho tôi một bát canh mì, đưa cho cái thìa gỗ và bảo:
- Ăn đi, cháu…
Có lẽ ngay cả Nga hoàng cũng không có được canh mì ngon như của bà Khristya. Tôi ăn vội phát sặc lên. Chỉ trong nháy mắt tôi đã vét sạch bát canh. Trong người thấy nhẹ nhõm hơn, chân cũng hết đau. Chỉ không sao quên được nỗi căm giận những thằng bé con chúa đất.
Trong lúc mẹ tôi nói chuyện với bà Khristya, tôi bước ra khỏi nhà. Từ sân nhà trông thấy rất rõ tòa nhà sang trọng của tên chúa đất Shatokhin.
Thật là hay nếu như bò lại nhà tên chúa đất và bẻ gãy cây táo trong vườn nhà hắn nhỉ. Và lại càng hay hơn nếu lấy được của bọn trẻ con quả bóng đẹp ấy nhỉ!
Tôi quyết định: trong khi không có ai nhìn thấy, tôi sẽ lẻn vào vườn nhà lão chúa đất. Lòng mong muốn trả thù bọn trẻ con nhà giàu – dù chỉ là một chút gì đó thôi – đã thắng nổi nỗi sợ hãi.
Ở tít sâu trong sân nhà ông Karpo có một kho cũ để lúa. Ngay sau kho đó là vườn nhà lão chúa đất.
Đến gần kho tôi lại ngó quanh xem có ai nhìn theo không, rồi nằm ép sát xuống đất, dùng khuỷu tay và đầu gối bò lết đi.
- Ở đấy không có táo đâu, – một giọng ai đó vang lên phía trên đầu tôi.
Tôi sợ hãi, nằm dán người xuống đất, rồi liếc nhìn lên. Trên mái nhà kho lợp rơm vắt vẻo một chú bé bẩn thỉu, đầu tóc bù xù đang nhìn tôi không có vẻ gì là thù địch cả.
- Thế còn mày cần cái gì? – tôi hỏi, giọng bực bội, không hài lòng.
- Tớ bảo: táo trong vườn nhà ông chúa đất không có đâu mà. Hè mới có cơ.
- Không có mày người ta cũng thừa biết… Mày tên gì?
- Sashko. Còn cậu ở đâu đến đấy?
- Ở Yuzovka… Cậu có muốn chúng mình lấy bóng của bọn tư sản con ấy không?
Trong nháy mắt Sashko đã tụt khỏi mái nhà, rồi chúng tôi thận trọng bò qua dưới hàng rào dây thép gai vào vườn nhà lão chúa đất, nấp vào bụi cây phúc bồn tử.
Qua những cánh cửa sổ mở rộng của nhà chúa đất vọng ra tiếng bát đĩa, tiếng phụ nữ cười đùa và mùi thịt quay thơm không chịu được.
- Nhà chúa đất Shatokhin có ông bộ trưởng lại chơi, họ đang ăn thịt gà đấy, – Sashko nói.
Thật thú vị nếu được nhìn xem ông bộ trưởng người làng từ Peterburg đến ăn thịt gà ra sao nhỉ. Nhưng cũng không nên bỏ lỡ mất quả bóng. Vì vậy tôi đưa mắt lục tìm bọn trẻ con khắp sân.
Vừa thì thầm, chúng tôi vừa bò thêm vài bước nữa, rồi im lặng nấp sau cái thùng gỗ dưới cây táo rậm rạp nhiều cành lá.
- Cậu leo lên cây đi, – Sashko thì thầm vào tai tôi.
- Nằm im, cần lấy quả bóng đã.
Chúng tôi chờ bọn trẻ con với quả bóng mà không thấy chúng xuất hiện.
Từ chỗ chúng tôi đến nhà tên chúa đất cách nhau chả mấy tý. Muốn liếc nhìn vào cửa sổ từ đó vọng ra tiếng ồn ào vui vẻ quá đi mất.
Tôi trèo lên chiếc thùng gỗ, níu lấy một cành cây, rồi leo lên cây táo.
Từ chỗ này nhìn thấy rất rõ người ta đang làm gì bên trong nhà: chiếc đèn chùm sáng ánh lên dưới trần nhà. Trên chiếc bàn dài ánh lên những chai cao bịt bạc ở cổ. Trên bàn còn nhìn thấy rất rõ những ly rượu cao, chân mỏng mảnh, và ở chính giữa, trên chiếc đĩa to, chễm chệ một chú ngỗng quay hệt như hãy còn sống.
Khách khứa ngồi quanh bàn gồm các bà mặc quần áo đủ màu sắc trắng, xanh, hồng – các ông bụng phệ nào đó và nhân vật chính là bộ trưởng người làng, chính người tôi đã thấy trên ô-tô.
Ông ta đang kể về cái gì đó, chốc chốc lại nhắp ly rượu, rồi lấy mảnh vải trắng chấm chấm môi. Mọi người chăm chú nghe, thậm chí ngừng cả ăn.
- …Và thế là chúng tôi lên đường đến Đức Hoàng đế, – giọng ông bộ trưởng vọng tới chỗ chúng tôi. – Các ngài có thể tưởng tượng tôi đã xúc động đến thế nào: vì chúng tôi đến Đức Vua không phải để chúc mừng, mà để đề nghị Người từ bỏ ngai vàng… Tôi còn thấy lúng túng vì tôi đến trước Đức Ngài mà lại mặc áo ngắn, râu chưa cạo… Dù sao đi chăng nữa Ngài cũng vẫn là Đức Vua!… Chúng tôi hồi hộp bước vào trong toa riêng đặc biệt được chiếu sáng bởi một cái gì đó màu xanh dịu. Ở đó đã có ngài Frederik, bộ trưởng triều đình và các tướng lĩnh nào đó… – Ông bộ trưởng người làng lại nốc một hụm rượu nữa, rồi bắt đầu hút điếu xì-gà màu nâu.
Tôi nhớ đó đúng là loại xì-gà lão Hughes vẫn hút. Trong khi ông bộ trưởng đánh diêm hút xì-gà, tất cả mọi người quanh bàn tiệc yên lặng nhìn ông ta. Ông ta rít điếu xì-gà, rồi lại nốc thêm một hớp rượu.
- …Một vài phút sau Đức Vua ra chỗ chúng tôi. Đức ngài mặc quân phục của một trong những trung đoàn lính Kavkaz… Bá tước Lvov, đại diện cho chúng tôi, đọc một bài diễn văn ngắn kết thúc bằng câu: “Đức Vua hãy suy nghĩ, cầu Chúa và hãy ký chiếu thoái vị”. Nghe đến chỗ “cầu Chúa”, Đức Vua nhếch mép cười. Sau đó Ngài sang phòng khác, rồi trở lại mang theo chiếu thoái vị do chính Ngài đã thảo. Bản đó được đánh máy trên một tờ giấy nhỏ. Đức Vua nhìn chúng tôi nói: “Lúc đầu ta dự định truyền ngôi cho con trai ta, nhưng sau nghĩ lại ta nhường ngôi cho em trai Mikhail của ta”.
- Cậu thấy gì ở trên ấy, Lenka? – Sashko thì thào phía dưới.
- Họ nốc, – tôi ở trên cây trả lời xuống.
- Nốc-ao ai?
- Không phải nốc-ao, mà là nốc rượu… nốc rượu ấy. Thôi im đi.
Ông bộ trưởng người làng ngả người, tựa lưng vào ghế bành, trầm ngâm nhìn cốc rượu chưa uống hết, kể tiếp:
- …Trước khi cầm bút đặt chữ ký tôn kính, tôi còn nhớ, Đức Vua nhìn chúng tôi, buồn bã hỏi: “Có thật mọi việc không còn cứu vãn được nữa không, hả các ngài?” Bá tước nhún vai và Đức Vua ký…
Sashko kéo mạnh quần tôi. Tôi nhìn xuống và tim ngừng đập vì vui sướng: quả bóng, chính quả bóng xanh đỏ sọc trắng mà tôi đã nhìn thấy lúc trước, đang lăn trên đất.
Tôi lăn bịch từ trên cây xuống và ép sát xuống đất như một con mèo rình mồi.
Một thằng bé – khoảng 5 tuổi – mặc quần nhung ngắn và áo cũng vậy, chạy từ trong nhà ra theo quả bóng. Nó đuổi kịp quả bóng, chộp lấy, rồi ném trở lại. Còn chính nó thì lại chạy thẳng đến chỗ chúng tôi, vừa chạy vừa cởi quần. Chạy vội tới chỗ cây táo nơi chúng tôi nằm trốn, nó dừng lại và ngồi xuống. Tôi thấy ghét nó đến mức phải quay đi, còn Sashko với lấy cái gậy.
Tôi nhớ tới miếng gỗ bọn chúng đã cho thay mẩu bánh.
- Bắt nó làm tù binh, – tôi thì thào và thằng bé chưa kịp xốc quần lên, chúng tôi đã vây chặt nó từ hai phía:
- Giơ tay lên! – tôi ra lệnh.
Thằng bé thản nhiên giơ tay lên, không chút sợ hãi. Chắc nó nghĩ là chúng tôi chơi đùa với nó.
- Mày là tư sản phải không? – tôi hăm dọa hỏi.
- Tao là cách mạng xã hội. – Thằng bé trả lời.
- Thằng này còn bé, không nỡ đánh, – tôi bảo.
- Thế còn mày là ai? – thằng bé hồn nhiên hỏi.
- Chúng tao là bôn-sê-vích, – tôi trả lời, cố cho thật nghiêm nghị hơn.
- Còn tao là cách mạng xã hội, bố tao cũng là cách mạng xã hội.
Giận sôi lên, tôi nhại lại:
- Xã hội, xã hội – tội chết treo! Xéo ngay khỏi đây, chừng nào còn chưa ăn mấy cái bạt tai.
Tôi chưa nói xong thì Sashko đã bớp vào gáy thằng bé, nó không ngờ đến điều đó và khiếp sợ đến mức không kêu lên được, mà im lặng chạy vào nhà, thỉnh thoảng ngoái lại nhìn. Không đạt được điều dự định, tôi và Sashko bực tức quay lại sân nhà ông Karpo. Thêm vào đó khi bò qua rào thép gai tôi còn bị vướng rách cả quần.
Trong nhà tên chúa đất vẫn ồn ào vui vẻ. Tôi giận dữ nhìn về phía đó và nhớ lại lời chú công nhân bên đống lửa ngoài đồng cỏ: “Không phải Nga hoàng là kẻ thù, mà là bọn tư sản”. Và đúng thế thật: thì ra chúng còn lên mặt hơn cả khi còn có vua.
Không sao, rồi tao sẽ nhắc cho chúng mày nhớ đến miếng gỗ…
5
Chúng tôi nghỉ đêm ở nhà ông Karpo. Tôi ngủ trên chiếc phản không, nhưng tôi lại thấy ấm và thoải mái như ở nhà ấy.
Sáng ra bà Khristya đưa cho mẹ tôi cả một tạp dề lúa mì mà không đòi đổi lấy gì cả. Rồi bà còn dẫn mẹ tôi sang hàng xóm xung quanh đổi được gần hết tất cả đồ đạc trừ cái bàn là. Mẹ tôi đổi được năm cốc kê, mười phun lúa đại mạch, một bó hành, một xô khoai và rất nhiều hạt hướng dương. Túi của chúng tôi nặng hẳn lên một cách dễ chịu.
Thật may mắn, hạnh phúc biết bao! Chúng tôi vừa kiếm được cái ăn, lại vừa không phải về bộ: ông Karpo thắng bò, đưa chúng tôi vào thành phố. Suốt dọc đường tôi nằm trong xe, nhìn lên trời xem những áng mây màu sắc dịu dàng lướt trôi, ngắm những chú sơn ca lấp lánh đôi cánh xinh xinh hót véo von.
Ông Karpo chậm rãi đánh bò đi và nói chuyện với mẹ tôi:
- Hôm qua tôi ra chợ. Có tin đồn là người bôn-sê-vích chủ chốt là Lenin sắp trở về nước Nga đấy. Hình như người ta sẽ chia đất cho nông dân… Tôi định hỏi tên cảnh sát, à nhưng mà bây giờ cảnh sát mới gọi là gì ấy nhỉ? Thấy một tên lính Áo cầm kiếm đang đứng đó, tôi liền hỏi: “Này người công dân!” – “Tao công dân gì với mày hả?” – “Sao lại thế, – tôi bảo nó, – bây giờ tự do rồi mà”. – “Coi đây, ông thì cho một quả vào cái mặt mẹt, mày sẽ biết thế nào là tự do bây giờ”. Thấy chưa, bà chị thân mến, lại bọn địa chủ, lại nô lệ rồi. Thế là dân làng mới cử tôi về thành phố, ở đó có một người, và chỉ có anh ta mới biết được sự thật về Lenin.
- Ông ơi, cháu biết về Lenin cơ, – tôi nói.
Ông Karpo mỉm cười:
- Ai nói cho cháu biết?
- Chú công nhân ạ.
- Nằm xuống con, đừng quấy, để ông và mẹ nói chuyện.
Xe chòng chành, những ngọn đồi chập chờn phủ đầy hoa mùa xuân tươi sáng. Và tôi nằm trong xe như đang nằm trong nôi, ngắm nhìn thảo nguyên. Chả mấy chốc khe Bogodukhovskaya hiện lên ở đằng xa, và sau nó là thành phố ám khói của chúng tôi với những ống khói nhà máy và những đống than hình tháp của hầm mỏ. Tim tôi ngừng đập vì vui sướng: sắp được gặp Vaska rồi.
Chúng tôi vào thành phố theo lối chợ. Mẹ tôi định rẽ qua đó đổi lúa mì lấy bột và hạt hướng dương lấy dầu.
Tới chợ, tôi đụng luôn phải thằng Senka con lão hàng giò. Nó mặc diện như đi dự lễ Phục sinh vậy. Theo sau nó là cả một bọn học sinh và lũ ca-đê.
Thằng Senka nhìn tôi chằm chằm một hồi lâu rồi cười phá lên:
- Ông chủ tịch, các ngài hãy xem kìa, ông chủ tịch đã cưỡi ngựa nòi của mình tới kìa!
Bọn ca-đê nhìn vào những con bò ủ rũ của ông Karpo, cười rộ lên.
Thằng Senka túm lấy vạt áo tôi:
- Thế nào, ông chủ tịch sống ra sao hả?… Mày còn nhớ đã nói bố mày là chính yếu không? Không, bố tao mới là chính! Và tao cũng là chính yếu, hơn hẳn mày! Tao có thể mua cả thành phố. Mày có muốn tao mua mày không? – Nó bỗng hỏi và nháy bọn ca-đê. – Nói đi, mày đáng giá bao nhiêu cùng với cái áo này và cả quần nữa?
- Tao không phải là ngựa, không bán chác gì sất, – tôi cau có nói.
- Dù sao tao vẫn cứ mua, – thằng Senka vẫn kỳ kèo, không chịu buông vạt áo tôi ra. – Nói đi, tao phải trả mày bao nhiêu, tao sẽ trả hết, trả tất cả cho tới một đồng xu!
- Chính tao cũng có thể mua được mày.
Bọn ca-đê lại cười rộ lên, còn thằng Senka thốt kêu:
- Mua đi, trả hai mươi ngàn ra đây! Nào, trả đi nào! A, ha, thằng bụng ỏng, tiền không có. Còn tao có. Đây này, nhìn xem. – Và thằng Senka dốc trong một túi quần, tiếp đến ở túi bên kia, rồi ở ngực áo ra ba tập tiền Nga hoàng thật – đồng ba rúp, mười rúp, năm rúp, thậm chí cả đồng một trăm rúp có hình vua nữa. Nó rút ra một tờ một trăm rồi hỏi tôi:
- Mày có muốn tao xé không?
- Xé đi.
Thằng Senka xé đôi tờ một trăm ra, xếp hai nửa lại rồi lại xé ra, sau nó xếp bốn mảnh lại và lại xé. Nó tung những mảnh vụn lên trời cho bay theo gió.
- Nhìn thấy chưa?
- Rồi.
- Muốn tao xé nữa không?
- Xé đi.
- Xì, mày gớm thật, tốt hơn là tao mua nước hoa đây! Ê, thím ơi!
Một người đàn bà cầm chặt bằng cả hai tay một lọ nước hoa bọc trong khăn tay lại gần nó.
- Bao nhiêu? – thằng con lão hàng giò trịnh trọng hỏi.
- Một trăm rúp.
- Đây! – Thằng Senka nhổ nước bọt vào tay và bắt đầu đếm tiền. Nó cầm lấy lọ nước hoa, mở ra vẩy đầy ngực.
Một mùi thơm ngào ngạt bốc lên.
Thằng Ilyukha lại gần tôi và nói:
- Bố mày không còn là chủ tịch nữa đâu. Hôm qua chúng nó đã lật đổ bố mày rồi. Bố thằng Senka đã lên làm chủ tịch.
Lòng tôi trở nên nặng trĩu lo âu. Tôi quyết định không nói gì với mẹ và sẽ không tin thằng Ilyukha, khi chưa hỏi được Vaska.
Mẹ đã đổi lúa mì và hạt hướng dương được nửa pút bột và một chai dầu.
Ông Karpo cũng cần đi về hướng chúng tôi. Chúng tôi lên xe và lại đi.
Đã tới ngoại ô mà ông Karpo vẫn đi với chúng tôi.
- Thế nghĩa là chị đi về đâu đấy? – ông hỏi mẹ tôi.
- Chúng cháu đến phố kia kìa, nơi có cửa hiệu ấy.
- Hình như tôi cũng đến đây thì phải, tôi còn chưa biết rõ.
- Thế ông cần hỏi ai ạ?
- Người ta nói là ông chủ tịch Ustinov sống ở phố ấy, còn ở nhà nào thì tôi không rõ.
Mẹ tôi cười phá lên.
- Sao ông không nói sớm hơn, hả ông?
- Thế sao?
- Ustinov là nhà con.
Ông già giật bò dừng lại, chăm chú nhìn mẹ tôi vẻ ngờ vực, liếc nhìn tôi.
- Chị là vợ Ustinov à?
- Thật đấy ạ, – mẹ tôi mỉm cười, nhắc lại.
Ông già lắc đầu:
- Sao chị không xưng danh trước? Gớm thật, các bà là chúa bí mật! Đi, đồ lười. – Ông Karpo quát đôi bò và lấy gậy quật một con. Con bò lười biếng chỉ vẫy vẫy đuôi. Xe lắc lư trên những ổ gà.
Ông già và mẹ tôi cười vui vẻ. Cả hai người đều chưa biết bố tôi đã không còn là chủ tịch nữa…
Chúng tôi rẽ vào góc phố. Cái Tonka ngồi trên chiếc ghế dài cạnh nhà thằng Abdulka. Trông thấy tôi, nó nhảy vội xuống, chạy đi gọi bọn trẻ con. Chúng ùa ra, reo lên:
- Lenka đã về!
- Lenka, cậu đi đâu về thế?
Ông Karpo dừng bò cạnh căn nhà nhỏ của chúng tôi. Chúng tôi xuống xe. Mẹ mở cổng cho bò vào trong sân. “Vaska đâu nhỉ?” – tôi nghĩ và đúng lúc đó nhìn thấy cậu gánh đôi thùng nhô ra ở góc phố. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, cười vui sướng.
- Về rồi hả?
- Ờ.
- Ai đi với cậu đấy?
- Ông Karpo, ông ấy hiền lắm, lại nhà tớ đi.
Mặc dù Vaska cố tỏ ra vui vẻ, nhưng qua mắt cậu, tôi hiểu: thằng Ilyukha đã nói đúng sự thật.
- Kể đi, Vaska.
- Có gì mà kể, – Vaska giận dữ đáp lại. – Phải đánh chúng, chứ không phải là kể chuyện. – Vaska đá vào khúc đường ray chồi ở dưới đất lên. – Cậu về nhà đi, tớ đi gánh nước cho mẹ, rồi sẽ lại đằng cậu.
6
Hai mẹ con tôi bắt gặp bố nằm dài trên giường. Bố tôi đang nằm gối đầu lên tay trầm ngâm suy nghĩ.
“Bố đang buồn”, – tôi thoáng nghĩ, nhưng vừa trông thấy chúng tôi, bố tôi đã vui vẻ nhỏm ngay dậy, ôm hôn hai mẹ con, rồi khi ông Karpo bước vào và nghe mẹ kể lại về ông, bố tôi giơ tay mời ông:
- Tốt quá, khách từ làng tới thật đúng lúc. Mời ông cởi áo ra ạ.
Bố tôi mời ông Karpo ngồi xuống ghế, còn chính bố thì ngồi đối diện, ngay trước mặt ông già.
- Thế nào ông, ông đến thăm chúng con có việc gì thế, dân nghèo ở làng sinh sống ra sao ạ? Bọn địa chủ chắc hành hạ dân làng ghê lắm nhỉ? Kể đi ông!
- Đồng chí Ustinov ạ, quả thật là đã đổi trắng thay đen cả. Đã làm xong cách mạng, đã lật đổ vua rồi, thế mà cứ như trong truyện cổ tích về ông lão nông dân và con gấu ấy: địa chủ vẫn hớt phần ngọn, còn nông dân vẫn phần gốc. Anh cho biết, bao giờ sẽ chia đất cho chúng tôi đấy?
- Thế ông chờ đợi cái đó ở ai nào?
- Tôi không biết. Đã có Chính phủ lâm thời, toàn bọn quỷ tha ma bắt.
- Chính phủ lâm thời, ông ạ, cũng vẫn chỉ là bọn chúa đất ấy thôi. Chúng sẽ chẳng cho ông cái gì cả đâu. Tự mình phải giành lấy đất, chia cho nhau và gieo hạt đi.
- Chúng tôi muốn lấy, nhưng họ có cho đâu!
- Các bác phải dùng sức mạnh.
- Nhưng dùng sức mạnh như thế nào kia? Bọn lính gác lại tập trung về. Những thằng lính Áo cầm gươm và súng đứng đó làm người ta không dám lại gần.
- Các bác cứ bẻ gãy gươm đi, còn súng thì đập vào hàng rào ấy. Nếu không cứ đốt ấp trại đi, cho chúng một mồi lửa, mặc cho quân đê tiện ấy chết cháy đi. Ruộng đất phải thuộc về những người chăm lo nó như con đẻ ấy.
- Anh bảo đốt ấy á? Hừm… à ra thế! – ông Karpo tư lự vân vê bộ ria bạc trắng.
Mẹ tôi lụi hụi bên bếp lò. Mẹ đã nhào bột làm bánh pho-mát. Tôi nhanh nhẹn lấy thùng than trong kho ra, rồi vừa nhóm lò vừa lắng nghe câu chuyện giữa bố và ông Karpo.
- Còn một việc nữa là dân làng yêu cầu hỏi xem tin đồn Lenin sẽ về nước có đúng không?
- Có tin đồn như vậy, – bố tôi đáp. – Chúng con không được biết chính xác. Nhưng chúng con đã được đọc những lá thư của Lenin, trong đó đồng chí Lenin có dạy rằng chúng ta không dừng lại ở cuộc cách mạng tháng Hai. Đó mới chỉ là giai đoạn đầu của cách mạng. Mới chỉ là bắt đầu!
Mẹ tôi dọn bánh lên bàn. Vaska đến và chúng tôi vui vẻ ngồi vào bàn. Chỉ có ông Karpo không ăn mà đi ngay.
Tôi ăn no, bụng căng như mặt trống. Thế mà tôi còn ăn thêm ba chiếc nữa và lén bỏ hai chiếc vào túi quần.
Chúng tôi vừa ăn xong thì nghe có tiếng chân rậm rịch ngoài hiên, cửa bật mở toang và chú Sirotka một tay xách chiếc hòm con đi đường bước vào đầu tiên, sau là chú Mosya đang chùi chân ngoài bậc cửa, cuối cùng là chú thợ mỏ Petya ở Pastukhovska, người đầy bụi bậm, tóc rối bù, vui vẻ. Các chú vừa ở Petrograd về và từ trên tàu đến thẳng đây với cha tôi.
Trong nhà huyên náo cả lên! Bố tôi lao ra ôm hôn các chú và họ cũng ôm hôn lại. Họ vỗ vai nhau, cười ha hả. Bố tôi thở gấp, ngồi xuống ghế hỏi:
- Nói luôn đi: có đúng là Lenin đã về nước Nga rồi không?
- Đúng! – chú Sirotka đáp.
- Các anh có nhìn thấy Người không?
- Không những nhìn thấy, mà còn đi đón nữa, – chú Petya hào hứng chêm vào. – Thậm chí tôi còn cùng với những người dân Petrograd công kênh Người trên tay cơ mà.
- Thế thì các anh kể đi nào!
Chú Sirotka cau có ngồi xuống cạnh bố tôi.
- Khoan, đầu tiên anh hãy kể chuyện gì đã xảy ra ở đây đã.
Bố tôi khoát tay.
- Chuyện gì đã xảy ra ư? Bọn tư sản đã chui vào các Xô-viết. Bọn men-sê-vích ủng hộ chúng. Bây giờ thằng từ thiện Tsybulya là ủy viên Chính phủ lâm thời và là chủ tịch Xô-viết men-sê-vích. Về điều này, chúng ta còn phải nói chuyện dài và cuộc chiến đấu còn lâu dài. Vì vậy các anh hãy kể đi đã.
Mẹ tôi dẫn chú Petya ra ngoài hiên, bắt chú cởi áo sơ-mi ra để giặt. Bà tự lấy bình nước giội cho chú. Trong lúc chú rửa ráy, vừa vẩy nước vừa phun phì phì, tôi hỏi chú:
- Chú Petya, chú có thấy vua ở Petrograd không?
- Vua nào? À, cháu hỏi về thằng Nikolai ấy à? Không có nó ở đấy, người ta đã giải nó đi Sibir rồi.
- Còn thanh kiếm vàng của nó, chú có thấy không?
- Kiếm à? Cái gì không nhìn thấy là không nhìn thấy. Có lẽ nó mang đi theo rồi, cái đồ rắn độc ấy, – chú Petya vừa trả lời, vừa đi vào nhà và lau người bằng chiếc khăn sạch.
- Thế-ế! – chú Sirotka trầm ngâm kéo dài giọng. – Còn chúng tôi thì… Như vậy là chúng tôi không biết gì về Lenin cả. Chúng tôi đến Petrograd vào ngày mồng ba, ngày chủ nhật. Chúng tôi hỏi thăm mọi người xem tòa soạn báo “Sự thật” của công nhân ở đâu. Bọn tư sản nhìn chúng tôi hằn học: “Loại ‘Sự thật’ nào, chúng tôi không biết”.
- Sirotka, anh để tôi kể cho, – chú Petya ngắt lời, mắt sáng lên và niềm vui của chú lan cả sang mọi người.
- Hãy khoan đã, đừng quấy rầy, – chú Sirotka cau có ngăn lại.
- Thôi nào, ai nói cũng được, thôi đi các cậu, – bố tôi vừa nói vừa cười. – Hãy kể xem Lenin người như thế nào?
- Giản dị thôi! Dường như một đồng chí hoặc người thân của anh thôi, – chú Petya nói liền một hơi.
Tôi và Vaska ngồi sát vào nhau lắng nghe.
- Anh hỏi Lenin như thế nào ư? – chú Sirotka hỏi lại vẻ trang trọng, mắt nhìn xuống đất, dường như đang suy nghĩ xem nên nói thế nào cho tốt hơn. – Mới thoạt nhìn như là nghiêm khắc, nhìn kỹ lại lại không phải thế. Qua ánh mắt, Người rõ là rất dịu dàng.
- Người đi rõ nhanh, không theo kịp được, – chú Petya lại xen vào, – còn mũ cát-két của Người y như cái của anh Mosya đây này, thậm chí còn giản dị hơn nữa…
Vaska nhìn tôi. Mắt cậu sáng lên ngạc nhiên, vui mừng.
- Thế đấy, – chú Sirotka kể tiếp. – Công nhân thành phố Petrograd đã chỉ cho chúng tôi tòa soạn báo “Sự thật” ở đường bờ sông Moyka, ngay cạnh đại lộ Nevsky. Chúng tôi bước vào tòa soạn. Có hai phòng: một phòng nhỏ, còn phòng kia lớn hơn. Cả hai phòng chật ních người: công nhân, binh lính ngoài chiến hào về, thủy thủ hạm đội Baltic đều tụ họp ở đấy. Chúng tôi lách đến bàn đồng chí thư ký, giải thích đại khái chúng tôi là đại biểu từ vùng Donbass tới. Còn chung quanh mọi người đang chạy ngược chạy xuôi, điện thoại gọi rối rít làm chúng tôi không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Sau đó, chúng tôi nghe nói: hôm nay Lenin sẽ tới. Hôm đó như chúng tôi đã nói, là ngày chủ nhật. Nhà máy nghỉ việc. Làm sao loan báo cho công nhân tin về Lenin được? Nhưng không biết từ đâu tin đồn đã lan đi, công nhân đổ tới thành những đám đông.
Chúng tôi thuê một chiếc xe ngựa phóng tới ga Phần Lan. Trên các đường phố người đông nghịt, kiến cũng không bò qua được. Công nhân mang cờ, đàn nhạc hát vang từ các ngả kéo tới. Đến cầu Liteyny* – ở Petrograd có cái cầu tên như thế – chúng tôi phải bỏ xe ngựa. Người tràn về một phía rất đông, dồn lên trước, còn bọn men-sê-vích và cách mạng xã hội thì cản đường, thuyết phục mọi người đừng đi nữa. Chúng bảo đừng chờ mong điều gì tốt đẹp ở Lenin cả. Người ta đã đuổi hết bọn men-sê-vích đi. Giá như chính phủ có dựng bức tường sắt lên trước, người ta cũng phá sập cả tường đi. Hai mạng sườn chúng tôi cũng được một bữa nên thân, nhưng chúng tôi vẫn lách được đến quảng trường nhà ga. Còn ở đấy thì trời ơi! Toàn người là người – mắt không sao nhìn xuể. Làm sao bây giờ? Tôi mới hỏi bọn mình: “Các cậu có phải là thợ mỏ không?” Họ đã hiểu tôi và chúng tôi bắt đầu tấn công. Chúng tôi lọt được vào ga, từ đó lách đến sân ga. Chúng tôi ngồi xuống đường ray, cùng hút thuốc với công nhân Petrograd. Chúng tôi chờ đợi. Đêm đã xuống, mà tàu vẫn chưa thấy đâu. Người ta bảo đâu như ở một ga nào đó những đoàn đại biểu công nhân đã giữ tàu lại. Rồi cuối cùng có tiếng chuông – tàu về. Tất cả đứng im không nhúc nhích. Trong bầu không khí im lặng đó tàu tiến dần vào ga.
Vaska vươn người ra, nghe nuốt từng lời chú Sirotka.
- …Người bước ra bậc thang, vẻ dứt khoát, hùng dũng trong chiếc áo bành-tô giản dị.
- Bành-tô đã bị mạng một chỗ! – Chú Petya kêu lên, – và mất một chiếc khuy ở đây này, bên trái này này.
- Gượm đã Petya! – Chú Sirotka tiếp. – Tóm lại, Egor ạ, chúng tôi sẽ không kể cho anh nghe công nhân đã công kênh Người trên tay như thế nào và nhân dân đã hô to: “Lenin muôn năm!” ra sao. Tôi chỉ thuật lại một sự việc: trên quảng trường có một số xe bọc sắt. Người bước lên một chiếc, giơ cao tay chờ cho mọi người im. Suốt đời tôi còn nhớ mãi hình ảnh Người như bây giờ tôi vẫn còn nhớ, hình ảnh Người trong chiếc áo khoác giản dị không cài khuy, mũ cát-két thò ra ngoài túi. Người đứng trên xe, nói chuyện và kết thúc bằng câu… Anh có biết Người kết thúc bằng câu gì không? – chú Sirotka hỏi bố tôi, rồi điềm đạm nói rõ ràng, rành mạch: – “Cách mạng xã hội chủ nghĩa muôn năm!”
- Cách mạng xã hội chủ nghĩa, – bố tôi trầm ngâm nhắc lại. – Phải như thế mới được. Chúng ta đang đi tới đó đấy. Nào, bây giờ các anh nói xem các anh đã mang gì về nào. – Bố tôi nghiêm nghị nhìn tôi và Vaska và nói: – Các con ra ngoài phố đi.
7
Chúng tôi đi ra bờ sông. Tôi đã thu thập biết bao chuyện cho Vaska, thế mà bây giờ tất cả bay biến hết. Không còn muốn kể cái gì nữa. Khi chúng tôi đã im lặng ngồi xuống bờ sông, tôi mới vơ cói nhóm đống lửa nhỏ để định kể cho Vaska, dù chỉ là câu chuyện về đống lửa lúc đêm và Anh Nghèo với cây đàn băng-đu-ra thôi mà cũng không kể được. Vaska ngồi bên đống lửa, trầm ngâm suy nghĩ, mắt nhìn vào ngọn lửa mờ nhạt dưới ánh mặt trời. Còn tôi thì nghĩ ngợi: “Ở trên thế gian này có một thành phố lớn là Petrograd. Ở đó có Lenin đứng trên một chiếc xe bọc sắt. Có thể là bác Mityai đã ở Sibir về và bây giờ bác đang đứng cạnh Lenin trên chiếc xe đó”.
- Vaska này, thế Petrograd ấy ở đâu?
Vaska thờ ơ liếc nhìn tôi, mải suy nghĩ điều gì đó của mình, sau mới trả lời:
- Petrograd ở xa kia. Đó-ó, ở kia kìa! – Vaska vung tay chỉ về phía cánh đồng cỏ.
- Sau Pastukhovska ấy à?
- Xa hơn.
- Sau Bogodukhovskaya ư?
- Xa hơn nữa kia.
Vaska ném một nhánh cói khô vào lửa. Ngọn lửa màu xanh nhạt bốc cao, dần chuyển sang màu vàng sáng.
- Lenka này!
- Gì cơ?
- Cậu có yêu bọn nhà giàu không?
- Không.
- Tớ thì căm thù bọn chúng không thể tả được…
Tôi nhớ lại đống lửa khi đêm ở ngoài cánh đồng cỏ và lời chú công nhân về bọn tư sản.
- Cậu biết không, Vaska, chúng mình đã phạm một sai lầm.
- Sai lầm gì?
- Chúng mình đã căm giận kẻ không đáng căm giận… mất thời gian vô ích.
- Cậu nói gì vậy?
- Chúng mình căm ghét vua, nhưng kẻ thù lại không phải là vua.
- Sao lại không phải là vua? Thế thì là ai?
- Chú công nhân bảo chính là bọn tư sản.
- Chúng ta đã lật đổ vua, còn bây giờ bọn nhà giàu lại cướp hết về mình và nhạo báng người nghèo.
- Nhạo báng, đúng thế, Vaska ạ. Thằng Senka tự tâng bốc mình ngoài chợ, vung vãi tiền, tưới đẫm nước hoa cho cả gà, – rồi tôi xúc động kể cho Vaska nghe chuyện thằng con lão Tsybulya đã xé vụn đồng một trăm rúp trước mặt tôi ra sao và nói. – Giá nó đem cho Alyosha Pupok thì tốt hơn.
Vaska chăm chú nghe và tôi thấy nét mặt cậu ta thay đổi. Tôi biết: khi Vaska nghĩ đến bọn nhà giàu là mặt cậu lạnh hẳn đi. Và khi tôi kể, Vaska thậm chí còn quay hẳn lưng lại: rõ ràng là sự khoác lác của thằng Senka đã làm Vaska tức giận.
- Bọn nhà giàu đáng nguyền rủa, ních tiền…
Vaska ngồi im một lúc lâu, rồi thở dài, nhìn ra cánh đồng cỏ và nói vẻ mơ ước:
- Nếu như tớ có nhiều tiền, hẳn một nhà kho tiền chẳng hạn, và cả hầm nhà nữa, tớ sẽ đem phân phát cho những người nghèo. Mỗi người một ngàn – cho tất cả những ai nghèo nàn trên trần gian này – sẽ cho từng người một: ai muốn, lại mà lấy, chỉ cần anh đúng là dân nghèo. Tớ sẽ cho Alyosha Pupok cả một mũ đầy. Cho nó mua lấy chiếc áo, ăn cho no…
- Thế cậu có bớt lại cho mình không, Vaska?
- Gì kia?
- Tiền ấy.
- Để làm gì? Tốt hơn là phân phát cho mọi người nghèo – cho bố cậu, chú Wang Li, mẹ Alyosha. Tớ sẽ cho thằng Ucha một ngàn.
- Còn thằng Ilyukha?
- Tớ sẽ cho khoảng hai rúp…
- Không nên, nó tham lắm.
- Đúng, nó tham thật. Thôi được, cho hai rúp được đấy, cho nó vui thôi mà.
- Nhớ đừng cho thêm nhé.
- Tớ sẽ không cho hơn…
Tôi kể cho Vaska về thằng cu-lắc ở làng, hắn đã đuổi mẹ con tôi ra sao rồi về miếng gỗ bọn con nhà giàu đem cho tôi.
Nghe xong Vaska sa sầm mặt. Có lẽ cậu không bằng lòng chuyện tôi đã để cho bọn trẻ con nhà giàu chế nhạo mình. Sau đó Vaska tự nhiên hào hứng nói:
- Cậu biết không? Chúng mình hãy kết bạn thật tốt để không còn sợ gì trên đời này nữa và để chiến đấu cho công nhân như… Lenin ấy!
- Nào.
- …Để chiến đấu đến lúc chết! Hiểu chưa… như thế này!
Vaska đưa tay vào ngọn lửa và để nguyên trên đó. Cậu nghiến chặt răng, kêu ken két, nhưng không rụt tay lại.
- Cậu làm gì thế Vaska, không nên! – tôi kêu lên, nhưng Vaska vẫn tiếp tục để tay trên ngọn lửa.
Tôi không biết mình phải làm gì nữa. Còn Vaska chậm rãi, dường như không muốn, rút tay ra khỏi ngọn lửa, nói giọng khàn khàn:
- Như thế, để chiến đấu…
- Cậu làm gì vậy? Đưa xem tay nào, Vaska.
- Chả cần xem làm gì cả.
- Sẽ đau đấy.
- Thôi, kệ cho đau, – Vaska giấu tay ra sau lưng.
- Nếu cậu muốn, tớ cũng đốt tay mình nhé, – tôi đề nghị, nhưng lại lo sợ vì sự nông nổi của mình, – để cho nó cháy hoàn toàn, cậu có muốn không?
- Không cần.
- Tớ sẽ đốt cháy, – rồi không đủ sức ghìm lại, tôi cũng cho tay vào lửa.
- Bỏ ra, – Vaska nắm lấy tay tôi. – Chả để làm gì cái việc đó. Cậu chỉ cần dũng cảm lên, không có thằng nào chế giễu cậu. Trên đời này chả có gì đáng sợ. Thế đấy, cậu đừng có sợ. Chẳng hạn cậu có muốn sợ, cũng đừng có sợ! Khi đó cả thằng Senka con nhà hàng giò lẫn tất cả bọn tư sản sẽ run sợ trước cậu như Nga hoàng trước Lenin ấy.
Ngừng một chút Vaska nói thêm:
- Tớ nói ra điều đó vì sắp tới chúng mình sẽ chiến đấu với bọn ca-đê. Bọn chúng lại chiếm ao nước và lật đổ ghế chủ tịch của bố cậu. Chúng ta sẽ tập hợp quân. Cậu sẽ là trung tá chính của tớ. Chỉ cần cậu tự suy nghĩ: cậu sẽ là trung tá như thế nào, nếu như chỉ cần một lúc nào đó – dù chỉ là một chút xíu sợ hãi thôi? Nghĩa là phải dũng cảm như… Lenin ấy.
Người Bạn Kiên Nghị Người Bạn Kiên Nghị - Leonid Zharikov Người Bạn Kiên Nghị