Nguyên tác: L'étoile Du Sud (1884)
Số lần đọc/download: 1911 / 69
Cập nhật: 2018-12-04 06:06:47 +0700
Chương 5 - Lần Đầu Khai Thác Mỏ
N
gay buổi sáng hôm sau, hai người hùn vốn bắt đầu làm việc. Mỏ khai thác của họ nằm gần rìa đồi Kopje và chắc hẳn phải phong phú nếu lý thuyết của Cyprien Méré có căn cứ. Rủi thay, mỏ này từng được khai thác ồ ạt và sâu khoảng năm mươi mấy mét trong lòng đất.
Tuy nhiên, xét trên một số phương diện, đây là một lợi thế, bởi lẽ, nếu ở sâu hơn các mỏ bên cạnh, nó sẽ thụ hưởng, theo quy luật của khu đất, mọi loại đất đá và kết quả là tất thảy kim cương xung quanh sẽ rơi vào đó.
Công việc rất đơn giản. Hai cộng sự bắt đầu bằng cách dùng cuốc chim và cuốc bàn, rất đều đặn, xới một lượng đất nhất định. Rồi sau đó, một trong hai người leo lên miệng hố và anh ta kéo những xô đất được chuyển từ bên dưới lên theo dây cáp sắt.
Đất này được chở bằng xe ba gác đến chòi của Thomas Steel. Ở đó, sau khi được nghiền thô bằng những thanh củi lớn, rồi loại bỏ các loại đá vô giá trị, họ cho sàng qua một cái rây có mắt lưới mười lăm milimét để tách ra những viên đá nhỏ hơn, mà họ kiểm tra cẩn thận trước khi bỏ đi. Sau cùng, đất được sàng lọc qua một sàng lỗ dày để loại bỏ bụi, và cuối cùng nó đã ở trong điều kiện tốt để được chọn lọc.
Khi đất được trút lên bàn nơi hai chàng thợ mỏ ngồi, với một loại dụng cụ cạo được làm từ một miếng thiếc, hai người xem xét vô cùng tỉ mĩ từng nhím một, và rồi họ thải xuống dưới bàn, từ đó nó được vận chuyển ra ngoài và bỏ đi, khi việc xem xét hoàn thành.
Tất cả các thao tác này nhằm mục đích tìm thấy một vài viên kim cương, nếu có, và đôi khi chỉ lớn bằng nửa hạt đậu. Ít nhất hai cộng sự vẫn thấy họ rất may mắn khi vẫn chưa tìm thấy một viên nào mà ngày thì vẫn chưa hết. Họ say sưa lao vào công việc này và phân loại rất tỉ mỉ đất lấy từ mỏ, nhưng trên thực tế, kết quả khá bi quan trong những ngày đầu tiên.
Nhất là Cyprien dường như kém may mắn. Nếu có một viên kim cương nhỏ tìm được trong đất, hầu như Thomas Steel luôn là người nhìn thấy. Viên đầu tiên chàng sung sướng tìm được thì chẳng nặng bao nhiêu, một phần sáu cara bao gồm cả quặng bẩn.
Cara nặng khoảng bốn gơ ranh[9], gần tương đương một phần năm của một gram[10]. Một viên kim cương nước tốt nhất, có nghĩa là rất tinh khiết, trong suốt, không màu, sau khi chế tác, nếu nó nặng một cara, trị giá khoảng hai trăm năm mươi franc. Nhưng nếu kim cương nhỏ hơn có giá trị vô cùng thấp theo tỉ lệ, thì kim cương càng lớn có giá trị tăng lên bội phần. Người ta ước tính, thông thường, giá cả thị trường một viên đá nước đẹp bằng bình phương của trọng lượng nó, được tính bằng cara, nhân với mức giá thời điểm của một cara. Hệ quả là, nếu ta giả sử rằng giá của một cara là hai trăm năm mươi franc, một viên đá mười cara có cùng chất lượng như thế sẽ trị giá gấp trăm lần, tức là hai lăm nghìn franc.
Nhưng loại đá mười cara, thậm chí loại một cara, vô cùng hiếm. Chính vì lý do ấy nên chúng đắt giá đến thế. Và mặt khác, kim cương ở Griqualand hầu như có màu vàng - điều đó làm giảm đáng kể giá trị của chúng trong ngành chế tác nữ trang.
Việc tìm thấy viên đá nặng một phần sáu cara, sau bảy hay tám ngày lao động, quả là một phần thưởng nghèo nàn cho những vất vả nhọc nhằn chàng đã phải trả giá. Có lẽ với tỉ suất ấy, cày xới đất trồng, chăn giữ bầy gia súc hoặc khai phá đường sẽ lợi hơn. Đó chính là điều Cyprien tự nhủ trong lòng. Tuy nhiên, hy vọng tìm thấy một viên kim cương đẹp làm phần thưởng bất ngờ cho công việc vất vả của nhiều tuần thậm chí nhiều tháng đã tiếp thêm sức cho chàng giống như hy vọng đã từng nâng đỡ những người thợ mỏ, ngay cả những anh chàng thiếu tự tin nhất. Về phần Thomas Steel,- ít nhất trông vẻ bề ngoài, anh ta làm việc như cái máy chẳng hề suy tính do đã quen với cường độ.
Hai cộng sự thường ăn trưa cùng nhau, họ bằng lòng với bánh mì kẹp thịt và bia mua từ một quầy bán hàng ăn ngoài trời, nhưng bữa tối họ ăn cơm tháng ở một trong rất nhiều những nhà hàng nơi khách hàng trong vùng thường đến. Buổi tối, sau khi chia tay đường ai nấy đi, Thomas Steel đi đến các quán bi da, còn Cyprien thì ghé về trang trại một hai giờ đồng hồ. Ở đó, chàng kỹ sư trẻ thường thấy khó chịu khi gặp mặt đối thủ của chàng, James Hilton, một anh chàng cao lớn tóc đỏ, da trắng, khuôn mặt lấm tấm những vết người ta hay gọi là tàn nhang. Tay đối thủ kia chắc chắn nhanh chóng chiếm được tình cảm của John Watkins vì hắn uống rượu gin nhiều hơn và hút thuốc hambourg còn nhiều hơn ông ta, điều đó chẳng còn nghi ngờ gì.
Đúng ra là Alice hình như chỉ coi thường sự lịch thiệp quê mùa và những cuộc trò chuyện tầm thường của chàng trai trẻ Hilton mà thôi. Nhưng sự hiện diện của anh ta đối với Cyprien không vì thế mà bớt phần khó chịu. Thế nên, đôi khi, vì không thể chịu đựng nổi, tự cảm thấy khó kiềm chế mình, chàng tạm biệt mọi người và ra đi.
“Anh chàng Pháp không hài lòng đấy! John Watkins vừa nói như vậy vừa nháy mắt với anh bạn của mình. Có vẻ như kim cương không tự tìm đến với anh ta!”
Và James Hilton phá lên cười một cách ngốc nghếch nhất trên đời.
Vào những buổi tối như vậy, Cyprien thường quay về hàn huyên chuyện trò sau bữa tối tại nhà một ông lão trung hậu người Boër ở ngay gần trại, tên Jacobus Vandergaart.
Tên của khu đất Kopje chính là từ họ của ông mà ra, ngày trước chính ông là người quản lý khu đất trong thời kỳ đầu nhượng quyền. Thậm chí, nếu theo lời ông kể, chính vì một vụ tòa án từ chối xét xử thực sự mà ông ấy bị tước quyền sở hữu khu đất ấy về tay John Watkins. Giờ đây ông hoàn toàn bị phá sản, sống trong căn chòi đất cũ kỹ, ông kiếm sống bằng nghề chế tác kim cương mà ông từng làm ở Amsterdam, thành phố quê hương ông.
Quả thật, thường có nhiều thợ mỏ, vì tò mò muốn biết đích xác trọng lượng còn lại của viên đá sau khi cắt, mang chúng đến nhờ ông, hoặc gọt theo lớp kết tinh, hoặc thực hiện nhiều thao tác tỉ mỉ hơn. Nhưng công việc ấy đòi hỏi đôi tay khỏe và thị lực tốt, và ông lão Jacobus Vandergaart, người thợ thiên tài thuở trước, ngày nay thực hiện các yêu cầu này khó khăn hơn.
Cyprien, khi đến nhờ ông đánh một chiếc nhẫn với viên kim cương đầu tiên tìm được, đã nhanh chóng có cảm tình với ông. Chàng thích đến ngồi trong cái xưởng xoàng xĩnh của ông, để chuyện vãn một chút hay đơn giản chỉ để ngồi cùng ông lão, xem ông làm việc ở bàn cắt kim cương. Jacobus Vandergaart, với chòm râu bạc, đầu hói, đội mũ chỏm vải nhung đen, chiếc mũi dài đeo cặp kính đen tròn, có dáng vẻ hoàn toàn giống một nhà giả kim thời thế kỷ mười lăm, giữa bộn bề công cụ kỳ cục và các lọ axit.
Trong một cái bát gỗ, trên chiếc bàn thợ đặt trước cửa sổ, tập trung những viên kim cương thô đôi khi có giá trị lớn, mà người ta giao cho Jacobus Vandergaart. Trong số đó thí dụ ông muốn gọt một viên kết tinh không được hoàn hảo, ông bắt đầu bằng việc quan sát kỹ lưỡng, dưới kính lúp, hướng các khe nứt phân tinh thể thành những lát song song; tiếp theo, với lưỡi kim cương đã đẽo gọt, ông rạch một đường theo hướng như ý muốn rồi đưa lưỡi dao nhỏ bằng thép vào đường rạch ấy, và cắt một nhát dứt điểm.
Viên kim cương đã được gọt một mặt, và thao tác được lặp lại như thế trên các mặt khác.
Trái lại, nếu Jacobus Vandergaart muốn “cắt” đá, hay nói rõ hơn là mài đá theo một hình dạng định sẵn, ông bắt đầu định dạng các mặt giác dự kiến theo như ý muốn bằng cách vạch phấn trên lớp quặng bao ngoài viên đá. Sau đó ông đặt lần lượt từng mặt một tiếp xúc với một viên kim cương thứ hai, và ông để chúng cọ xát kéo dài mặt này lên mặt kia. Hai viên đá mài lẫn nhau, và các mặt giác dần dần hình thành.
Như thế, Jacobus Vandergaart đã tạo cho viên đá quý một trong những hình dạng, được công nhận theo quy ước ngày nay và đều thuộc phạm vi ba loại phân cấp chính như sau: hình “tròn đôi”, hình “tròn đơn” và “hoa hồng”.
Kim cương hình tròn đôi bao gồm sáu mươi tư mặt giác, một mặt trên phẳng ngang và một đáy bầu.
Kim cương hình tròn đơn chỉ bằng phân nửa một viên tròn đôi.
Kim cương hình hoa hồng gồm mặt đáy phẳng và mặt trên dạng vòm có nhiều mặt giác.
Đặc biệt hơn, Jacobus Vandergaart đã phải chế tác một viên “giọt lệ”, nghĩa là một viên kim cương không có cả mặt đáy lẫn mặt trên, hình trái lê nhỏ. Ở Ấn Độ, người ta thường khoan một lỗ trên các viên giọt lệ, về phía điểm vuốt thon, để xỏ dây qua đó.
Đối với các viên hình “ô van”, mà người mài ngọc già thường có nhiều dịp cắt, chúng bằng phân nửa viên hình giọt lệ với mặt trên phẳng ngang và đáy bầu, có nhiều mặt giác ở phía trước.
Kim cương khi đã được cắt xong thì chỉ cần đánh bóng nữa là công việc hoàn tất. Thao tác này được thực hiện nhờ vào một đĩa mài, loại đĩa bằng thép, đường kính khoảng hai mươi tám xăng ti mét, đặt nằm trên bàn, và xoay quanh một trục đứng nhờ tác động của một bánh xe lớn và một tay quay, với tốc độ từ hai đến ba nghìn vòng trên phút. Jacobus Vandergaart mài các mặt của viên đá lên trên đĩa này, vốn được tẩm dầu và rắc đầy bụi kim cương thu lại từ những lần cắt trước, hết mặt này đến mặt khác cho đến khi chúng đạt được độ bóng hoàn hảo. Tay quay này được quay, khi thì bởi một cậu bé dân bộ lạc hottentot do ông thuê theo ngày khi cần thiết, lúc thì bởi một người bạn như Cyprien, người chẳng hề từ chối làm giúp ông chỉ vì thuần túy vui lòng.
Trong khi làm việc, họ chuyện trò. Thông thường, Jacobus Vandergaart, hất kính lên trán, dừng chốc lát để kể một câu chuyện gì đó trong quá khứ. Hẳn nhiên, ông biết mọi thứ về vùng nam Phi nơi ông sinh sống từ bốn mươi năm nay. Và điều làm cuộc trò chuyện với ông thêm lôi cuốn, chính vì nó tái hiện lại truyền thống của đất nước - một truyền thống vẫn còn mới mẻ và sống động.
Trên hết, người thợ mài ngọc già không ngừng kêu ca phàn nàn về lòng ái quốc và chuyện đời tư. Người Anh, theo quan điểm của ông, là những kẻ cưỡng đoạt tàn bạo nhất mà trái đất này dung túng. Tuy nhiên, nên để ông chịu trách nhiệm về quan điểm của mình, có hơi phóng đại một chút - và nên bỏ qua cho ông chuyện đó.
“Chẳng gì bất ngờ, ông ấy vui vẻ lặp đi lặp lại, nếu hợp Chúng Quốc hoa Kỳ tuyên bố độc lập, cũng như Ấn Độ và Úc rồi sẽ sớm làm việc ấy! Còn dân tộc nào muốn tha thứ cho một chế độ chuyên chế như thế!... Ôi! anh Méré này, nếu cả thế giới biết hết những bất công mà người Anh, vốn tự hào đến thế về đồng tiền vàng và sức mạnh hải quân của họ, đã gieo rắc trên địa cầu, có lẽ không còn đủ từ ngữ sỉ vả trong ngôn ngữ nhân loại để chửi vào mặt bọn họ đâu!”
Cyprien không tán thành cũng chẳng phản đối, cứ lắng nghe chẳng hề đáp lại.
“Anh muốn tôi kể anh nghe điều bọn họ đã làm với tôi, người đang ngồi nói chuyện với anh đây không? Jacobus Vandergaart hăng hái nói tiếp. Nghe tôi đây, và anh sẽ nói xem có thể có hai ý kiến về vấn đề ấy không nhé!”
Và vì Cyprien trấn an ông rằng không gì làm anh thích hơn nghe chuyện của ông, ông lão tiếp tục câu chuyện theo đà ấy:
“Tôi sinh năm 1806 tại Amsterdam, trong một chuyến du hành đến đó của bố mẹ tôi. Về sau, tôi quay lại nơi ấy để học nghề, nhưng suốt thời thơ ấu tôi sống ở tỉnh Cap, nơi gia đình tôi sống di cư từ năm mươi năm về trước. Chúng tôi là người hà Lan và rất tự hào về nguồn gốc ấy, lúc nước Anh xâm chiếm thuộc địa - tạm thời, theo lời họ nói! nhưng John Bull không hề buông những gì ông ta đã chiếm được ra, và năm 1815, chúng tôi được trọng thể thông báo thuộc quyền cai quản của hoàng gia Anh, tại Quốc hội châu Âu!
“Thử hỏi anh nhé châu Âu thì có quyền gì xen vào chuyện các tỉnh châu Phi nào!
“Thuộc quyền Anh quốc, nhưng chúng tôi chẳng hề muốn vậy, anh Méré ạ! Từ đó, vì nghĩ rằng lãnh thổ châu Phi khá rộng lớn để cho chúng tôi một tổ quốc thuộc về chúng tôi - chỉ của riêng chúng tôi! - chúng tôi đã bỏ tỉnh thuộc địa Cap đi sâu vào các vùng đất còn hoang sơ quanh khu vực phía Bắc. Người ta gọi chúng tôi là ‘Boër,’ nghĩa là những nông dân, hoặc gọi là‘Voortrekker,’ tức là những người khai khẩn tiên tiến.
“Khi chúng tôi vừa khai hoang những vùng đất mới và đồng thời tạo dựng một cuộc sống độc lập, bằng lao động miệt mài thì chính phủ Anh tuyên bố đất đai đó thuộc về họ - luôn với cái cớ là chúng tôi thuộc quốc tịch Anh!
“Thế nên đã diễn ra cuộc di cư lớn của chúng tôi. Đó là vào năm 1833. Một lần nữa, chúng tôi di cư hàng loạt. Sau khi chất lên cỗ xe bò nào là đồ đạc, công cụ và các loại hạt ngũ cốc của mình, chúng tôi đã đi sâu hơn vào sa mạc.”
“Vào thời đó, lãnh thổ natal hoàn toàn thưa thớt dân. Một kẻ chinh phục khát máu tên gọi Tchaka thực sự là một bạo chúa Attila[11] da đen đối với tộc người Zoulous, đã hủy diệt hơn một triệu con người nơi đây từ năm 1812 đến năm 1828. Người kế vị hắn là Dingaan vẫn trị vì nơi ấy với chính sách khủng bố. Chính tên vua tàn bạo đó đã cho phép chúng tôi định cư trong vùng nơi các thành phố Durban và cảng Natal mọc lên ngày nay.”
“Nhưng chính với ý đồ sâu kín sẽ tấn công chúng tôi khi nhà nước chúng tôi phát triển thịnh vượng nên tên vua xảo quyệt DingVì n đã chấp nhận chúng tôi! Vì vậy, mỗi chúng tôi đều tự trang bị vũ khí cho mình để chống trả, và chỉ nhờ vào những nỗ lực phi thường, và tôi cũng có thể nói, nhờ điều kỳ diệu quý giá trong hơn một trăm trận đánh có cả sự chung sức chiến đấu của vợ và con chúng tôi, chúng tôi đã có thể duy trì quyền sở hữu những vùng đất vốn thấm đẫm mồ hôi và máu của chúng tôi.”
“Thế nhưng, chúng tôi vừa mới chiến thắng tên vua da đen chuyên chế bạo ngược và đánh đổ thế lực của hắn, thì thống đốc tỉnh Cap đã liền gửi đến một chính quyền thuộc địa Anh với nhiệm vụ cai quản vùng đất natal, nhân danh nữ hoàng Anh Quốc!... Anh thấy đấy, chúng tôi vẫn cứ thuộc về người Anh! Đó là vào năm 1842.”
“Những dân di cư khác đồng hương của chúng tôi cũng đã chinh phục Transvaal và xóa bỏ chính quyền của bạo chúa Moselekatze bên dòng orange. Họ cũng đã chứng kiến, chỉ trong một phiên họp nghị sự, quê hương mới chinh phục bằng nhiều khổ đau lại bị cưỡng đoạt!”
“Tôi đã lược bớt nhiều chi tiết. Cuộc đấu tranh ấy kéo dài hai mươi năm. Chúng tôi càng đi xa đến đâu, người Anh càng vươn dài bàn tay tham lam của họ theo đến đó, như theo những nông nô trên lãnh địa của họ, ngay cả khi chúng tôi đã bỏ đất rồi!”
“Cuối cùng, sau vô số những khổ nhọc và chiến đấu đẫm máu, nền độc lập của chúng tôi đã có thể được công nhận ở Tiểu bang tự trị orange. Bản tuyên ngôn hoàng gia được nữ hoàng Victoria ký ngày 8 tháng Tư năm 1854 đã đảm bảo cho chúng tôi quyền tự do sở hữu đất đai của chúng tôi và quyền tự quản hành chính tùy ý chúng tôi. Vậy là chúng tôi chính thức phát triển thành nền Cộng hòa, và ta có thể nói rằng nhà nước của chúng tôi, thành lập dựa trên việc nghiêm cẩn tôn trọng pháp luật, dựa trên sự tự do phát triển năng lực cá nhân và phổ cập giáo dục rộng rãi trong mọi tầng lớp, có thể được xem là mẫu mực cho nhiều quốc gia cứ tự xưng rằng họ văn minh hơn một quốc gia bé nhỏ ở nam Phi!”
“Thành phố Griqualand cũng là một phần trong nhà nước ấy. Chính vì thế mà tôi đến sống, với tư cách chủ trang trại, ở căn nhà mà ta đang ngồi đây lúc này, cùng với cô vợ đáng thương và hai con của tôi! Và thời ấy tôi đã dựng lên bãi rào nuôi súc vật tức là khu nuôi gia súc ngay tại vị trí của mỏ anh hiện khai thác! Mười năm sau đấy, John Watkins đến xứ này và dựng túp lều đầu tiên của ông ta. Khi đó người ta không biết có kim cương ở khu đất ấy, và về phần tôi, từ hơn ba mươi năm rồi, tôi hiếm có dịp làm lại nghề cũ của mình, đến nỗi hầu như không nhớ đến sự tồn tại của những viên đá quý này!”
“Rồi bỗng nhiên, khoảng năm 1867, tin đồn lan truyền rằng đất đai của chúng tôi có chứa kim cương. Một người Boër ở bên bờ hart đã tìm thấy kim cương ngay cả trong phân đà điểu, ngay cả bên trong tường đất sét của trang trại nhà anh ta[12].”
“Ngay lúc ấy chính phủ Anh, vốn trung thành với thể chế cướp đoạt bất chấp mọi hiệp ước và mọi quyền, đã tuyên bố rằng Griqualand thuộc về nước Anh.”
“Nhà nước Cộng hòa chúng tôi phản đối trong vô vọng!... Nhà nước cũng đệ trình mối tranh chấp nhờ một nguyên thủ quốc gia châu Âu làm trọng tài phân xử thật hoài công!... Nước Anh từ chối trọng tài phân xử và chiếm lãnh thổ chúng tôi.”
“Ít nhất chúng ta có thể hy vọng những quyền cá thể sẽ được các vị chúa bất công của chúng ta tôn trọng! Về phần tôi, sau một trận dịch bệnh khủng khiếp năm 1870 đã trở thành góa vợ và không con cái, tôi không còn can đảm để tìm cho mình một quê hương mới, tạo dựng một mái nhà mới - dễ đến cái thứ sáu hay thứ bảy trong đường đời đằng đẵng của tôi đấy! Thế là tôi ở lại Griqualand. Gần như đơn độc nơi xứ này, tôi thờ ơ với cơn sốt kim cương đang lôi cuốn mọi người, tôi tiếp tục trồng trọt vườn rau của mình, làm như mỏ kim cương Du Toit’s Pan không phải được khám phá ngay gần nhà tôi vậy!”
“Thế nhưng, vào một ngày tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy bức tường khu nuôi gia súc, xây bằng đá khô như thường lệ, đã bị phá hủy trong đêm và bị dời ra cách xa hơn ba trăm mét ở giữa đồng bằng. Thay vào chỗ của tôi, John Watkins, được khoảng trăm người nam Phi trợ giúp, đã dựng lên một hàng rào khác, nối liền với hàng rào của hắn ta và quây kín một khoảng dôi đất cát đỏ, trước giờ vẫn thuộc quyền sở hữu của tôi không chối cãi được vào trong khu đất hắn ta.”
“Tôi kêu ca về việc cưỡng đoạt ấy... hắn ta chỉ cười! Tôi dọa thưa kiện... hắn thách tôi đi kiện!”
“Ba ngày sau đó, tôi tìm được lời giải thích cho sự việc mờ ám ấy. Khoảng đất dôi ra đó, trước đây thuộc sở hữu của tôi, là một mỏ kim cương. John Watkins, một khi đã chắc chắn điều này, vội di dời khu hàng rào của tôi; sau đó, hắn đến Kimberley để chính thức đăng ký mỏ dưới tên hắn ta.”
“Tôi đi kiện... Anh chẳng thể biết tốn kém chừng nào để thưa kiện ở xứ sở Anh quốc đâu, anh Méré!... Dần dần, tôi mất hết lần lượt từng con bò, ngựa, cừu!... Tôi bán đến cả đồ đạc trong nhà, đến quần áo cũ để nuôi sống những kẻ hút máu người mà người ta thường gọi là công chứng viên, chưởng lý, quận trưởng, mõ tòa!... Tóm lại, sau một năm chạy xuôi chạy ngược, chờ đợi, hy vọng rồi liên tục thất vọng, lo âu và bức xúc, vấn đề quyền sở hữu cuối cùng được xử phúc thẩm mà không có kháng cáo cũng không thẩm tra...”
“Tôi thua kiện, và thêm nữa, tôi bị khánh kiệt! Một bản án đúng thể thức tuyên bố những cáo buộc của tôi thiếu căn cứ đã bác bỏ đơn kiện của tôi và cho rằng tòa không thể công nhận rõ ràng quyền tương ứng của các bên nhưng việc quan trọng là phải xác định ranh giới cố định giữa hai bên trong tương lai. Thế nên, người ta ấn định vị trí kinh độ thứ hai lăm, phía Đông đường kinh tuyến Greenwich, làm đường phân ranh giữa hai khu đất. Thửa đất phía Tây của đường kinh tuyến này được giao về John Watkins, và thửa phía Đông được giao cho Jacobus Vandergaart.”
“Điều dường như đã gợi ý cho các thẩm phán đưa ra cái quyết định kỳ lạ ấy chính là, quả nhiên trên bản đồ của hạt, kinh độ thứ hai lăm này chạy xuyên qua khu đất có trại nuôi gia súc của tôi.”
“Nhưng hỡi ôi! Phần mỏ lại nằm ở phía Tây. Vì thế nó đương nhiên được giao cho John Watkins!”
“Tuy nhiên, để ghi lại dấu ấn khó phai của dư luận trong vùng về phiên xử bất công, người ta vẫn gọi tên khu mỏ ấy là Vandergaart-Kopje!”
“Vậy đấy, anh Méré, lẽ nào tôi không được quyền nói đám người Anh là bọn người vô lại?” ông lão người Boër nói vậy khi kết thúc câu chuyện vô cùng xác thực của mình.