Nguyên tác: Want To Stay Alive?
Số lần đọc/download: 185 / 15
Cập nhật: 2020-06-07 21:39:53 +0700
Chương 6
C
ác gã trai ở phòng điều tra các vụ giết người lục soát hai căn nhà nhỏ ở mô ten Xin Kính Mời, còn trong lúc đó Lepski phóng xe trở lại sở. Cho còi rú lên, Lepskin phóng như tên lửa trên đại lộ náo nhiệt, hình dung mình là tay đua ô tô vĩ đại, còn phía trước là vòng đua cuối cùng. Gây sợ hãi cho tất cả những chiếc Rolls, Cadillac, Bentley này, khiến chúng tán loạn lên – Lepski thích như thế, hãy để cho bọn nhà giÀu đừng ngủ quên đi. Nghe tiếng còi xe anh, các lái xe của những pháo đài nhẵn bóng ấy hoảng hốt cho xe nép vào vỉa hè. Như người cưỡi ngựa chiến thắng, Lepski bỏ lại sau những kẻ có túi tiền dầy cộm với bộ mặt hum húp như mận chín ấy và những bộ y phục hoàn hảo, và anh ta nhếch mép cười. Một lần nữa quất con ngựa đua của mình, anh ta lao vút qua bên chiếc Rolls trắng bạc, nhận thấy người chủ chiếc xe ấy gần như tê liệt vì khiếp sợ. Quỷ tha ma bắt ngươi đi, Lepski nghĩ một cách thích thú, ta cần giải toả một chút, bù lại chút ít cho công việc bạc bẽo, đơn điệu của cảnh sát.
Về đến sở, Lepski lao vào cổng và phóng như bay tới chỗ đỗ xe. Anh ta tắt còi, dùng mu bàn tay lau khuôn mặt đẫm mồ hôi và nhảy ra khỏi xe. Anh ta chạy qua sân và đã bắt đầu lên các bậc thang thì chợt hiểu ra mình mệt đến thế nào.
Lepski dừng lại, suy nghĩ. Sao lại thế nhỉ? Anh đã không ở nhà năm mươi tám tiếng đồng hồ, không ngủ ở nhà hai đêm và thậm chí không nhớ gì đến vợ mình? Từ lúc họ gặp nhau lần cuối cùng, hoá ra nói chung anh chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ và ngủ ở đâu? Trên chiếc giường gấp ở sở cảnh sát.
Lepski lắc đầu, lên thang. Anh ta vào phòng trực, ở đấy trung sĩ Charlie Tanner đang chờ anh.
— Charlie. Cậu không nảy ra ý nghĩ gọi điện cho vợ tớ à? – Lepski dừng phắt lại trước bàn Tanner, hỏi.
— Quên vợ cậu mà được ư? – Tanner đáp, hơi đượm giọng mỉa mai. Tớ chẳng cần gọi điện cho cô ấy. Chính cô ấy khủng bố tớ. Gọi điện cho cô ấy ngay đi, Tom. Không thì cô ấy chẳng để cho ai liên hệ nổi với chúng ta bằng điện thoại đâu.
— Ờ. – Lepski dùng những ngón tay vuốt tóc. – Nhưng nghe giọng nói chắc cậu hiểu: cô ta sôi sục cả lên chứ gì?
Tanner ngẫm nghĩ câu hỏi, mút đầu chiếc bút bi.
— Tớ không biết cậu nói “sôi sục” nghĩa là thế nào. – Cuối cùng Tanner nói. – Nghe giọng nói tớ hình dung cô ta là con hổ cái bị ong vò vẽ đốt vào mông.
Lepski nhắm mắt, rồi lại mở mắt ra.
— Charlie, cậu là bạn tớ chứ, hả? Hãy gọi điện cho cô ấy, nói rằng tớ bận việc ngập đầu ngập cổ. Làm ơn giúp tớ.
— Ồ không. – Charlie kiên quyết từ chối. – Tớ vẫn còn quý trọng màn nhĩ của tớ chứ.
Lepski phì một tiếng đằng mũi khiến chỉ những người thần kinh vững lắm mới không hoảng sợ.
— Màng nhĩ của cậu thì không đáng lo lắng. Nào, gọi điện đi, đừng có kênh kiệu. Cậu quên tớ đã gọi điện cho vợ cậu và gỡ bí cho cậu thế nào rồi chứ? Hay vẫn còn nhớ?
Tanner ỉu xìu ngay lập tức. Tất nhiên anh ta nhớ câu chuyện ghê gớm khi anh ta chim chuột một cô gái tóc vàng hoe – chao, trái quả mới ngon lành chứ! – Cuộc hôn nhân của anh ta như treo trên sợi tóc, Lepski đã bao che cho Tanner, cứu anh, nói dối vợ anh một cách trâng tráo.
— Nhưng Tom ạ, đấy là doạ dẫm để ép buộc.
— Cậu có thể kiện ra toà. – Lepski gầm lên. – Gọi điện cho Carroll và lựa lời nói cho cô ấy dịu đi. – Đoạn, anh đi lên trên, vào phòng các thám tử.
Mấy phút sau Lepski báo cáo với đại uý Terrell, Beigler ngồi bên cạnh.
— Tốt, Tom, hãy nói chuyện với ông bác sĩ ấy… Wanniki phải không? Nếu gã trai ốm như ông bố nghi ngờ thì chắc đấy là con chim chúng ta đang săn lùng. – Terrell quay về phía Beigler. – Cho người đến nhà Toholo. Ngộ nhỡ ở đấy có thể có ảnh, có khi chúng ta sẽ tình cờ tìm được cả dấu tay cũng nên. – Ông đứng lên. – Tôi đến câu lạc bộ Năm Mươi, ở đấy tôi sẽ nói chuyện với một số người.
Khi trở xuống, Lepski đã toan đi ngang qua phòng trực, nhưng liền đó anh thấy Tanner đang vẫy tay với anh một cách thất vọng, cầm ống điện thoại áp vào tai.
Lepski nhảy tới gần anh ta.
— Ai đấy?
— Vợ anh. – Tanner trả lời, vẻ mặt sợ hãi.
Lepski cảm thấy tức ngực. Ngần ngừ giây lát, anh giật lấy ống điện thoại khỏi tay Tanner.
— Carroll đấy à? Anh vẫn không tìm được một phút để gọi điện, em thân mến. Lúc này anh bận lút đầu lút cổ. Rồi anh sẽ gọi điện lại, được chứ? Anh phải cấp tốc đi ngay đây!
— Lepski!
Tiếng nói của vợ như viên đạn xuyên vào não Lepski. Anh ta nhăn mặt, rồi phục tùng số phận.
— Ờ… ờ… em thế nào, bé của anh? Anh chạy lồng lên như điên, như thế người ta tiêm vào anh… nói chung anh bận lắm, em hiểu chứ?
— Lepski, thôi đừng rên rỉ nữa, nghe em đây.
Lepski tì khuỷu tay xuống bàn Tanner, nới lỏng cà vạt.
— Thì anh đã nói với em rồi… em thứ lỗi, nhưng… từ khi anh đi khỏi nhà, anh chỉ ngủ có bốn tiếng đồng hồ. Anh… quỷ tha ma bắt. Anh bận lắm, em hiểu chứ?
— Nếu em dù chỉ có một giây nghi ngờ rằng trước kia, hiện nay và sau này anh vẫn rất bận việc thì em sẽ ly dị với anh ngay tức khắc. – Carroll báo cho anh ta biết. – Bây giờ thì đừng nói nữa, hãy để em nói.
Những ngón tay Lepski suýt xuyên thủng mặt bàn của Tanner.
— Anh nghe em đây. – Anh ta thở hắt ra.
— Em vừa ở nhà Mehitabel Bessinger.
— Em đã cho bà ta thêm một chai uýt ki nữa của anh phải không?
— Trong đầu anh lúc nào cũng chỉ nghĩ đến rượu. Mehitabel biết rằng Đao phủ là người da đỏ. Bà ấy đã nói với em, còn em đã nói với anh, nhưng anh không thèm nghe. Bà ấy…
— Khoan… em đã cho bà ta chai thứ hai thực ư? Hừ, mẹ kiếp.
— Lepski! Đã bao nhiêu lần em yêu cầu anh đừng nói gì cả kia mà?
Mắt Lepski khiến Tanner sợ hãi đến nỗi anh ta giơ tay về phía tủ thuốc một cách máy móc.
— Ờ, thế cái bếp dầu hoả cũ kỹ thấm đẫm rượu cho em lời tiên đoán gì?
— Không được gọi bà ấy như thế. Không biết xấu hổ à, dù sao cũng là một phụ nữ có tuổi.
Lepski phát ra một âm thanh giống như âm thanh của ô tô khi người ta thử khởi động nó mà ắc qui khô kiệt.
— Cái gì thế? – Ngay cả Carroll đã quen với các loại âm thanh do chồng buột ra, cũng phải sững sờ. – Anh vẫn bình thường chứ, Lepski?
— Anh không biết.
— Đôi khi em thực sự lo cho anh. Cần phải biết tập trung, nếu không thì anh không bao giờ trở thành trung sĩ được.
Lepski lau mồ hôi mặt.
— Ờ ờ… em nói đúng… được… anh đã tập trung rồi đấy.
— Ơn nhờ Chúa. Vậy thế này nhé, Mehitabel nói rằng… hình như anh vẫn nghe đấy chứ?
Lepski tức tối dậm một chân xuống sàn, nhưng lại giậm vào chân kia, và giậm rất mạnh. Anh ta nhảy bật lên, như chơi “nhảy ô ăn quan”, còn Tanner, suốt thời gian đó không rời mắt khỏi Lepski, trợn mắt lên, và sửng sốt, ngả người lên lưng ghế.
— Phải. Anh nghe đây. – Lepski cam kết với vợ, vẫn đứng bằng một chân.
— Bà ấy nói rằng anh cần tìm Đao phủ giữa những kẻ bán cam.
— Trong số những người nào? – Lepski gào lên.
— Đừng gào lên như thế, thế là xấu thói. Em nhắc lại: bà ấy nói rằng anh cần tìm con người đó trong số những người bán cam. Bà ấy nhìn thấy điều đó trong cái tinh thể thần kỳ của mình.
— À, ra vậy. Tức là trong số những người bán cam phải không? – Lepski hít không khí vào mạnh đến nỗi bất cứ cái bơm nào cũng phải tái đi vì ghen tị. – Ừ, đấy cũng là thêm một chỉ dẫn. Người bạn gái của em bắn trúng đích đấy nhỉ? Bây giờ cả chợ nồng nặc mùi cam. Vì lời tiên đoán đó bà ta vớ thêm được một chai uýt ki nữa của anh chứ gì?
— Em thuật lại với anh lời bà ấy. Lần thứ nhất bà ấy nói đúng, nhưng anh không tin. Còn đây là báo cho anh biết đường ngắm thứ hai. Anh hãy động não đi, Lepski.
— Tốt thôi, bé em, anh sẽ động não. Bây giờ anh phải chạy đi cái đây.
— Em cố gắng để anh mau mau được thăng cấp mà.
— Ờ, rõ ràng là thế… ờ… cám ơn. – Anh ta im bặt, rồi hỏi thêm. – Vậy là cái thùng rượu cũ lên men đã nốc hết chai uýt ki thứ hai của anh rồi phải không?
Tiếp đó là một lúc ngừng lâu, rồi cái giọng giá băng của Carroll thốt lên.
— Này, Lepski, đôi khi em có cảm giác rằng não anh bé tí xíu…
Ở đầu kia giây nói có tiếng tuýt tuýt.
Lepski đặt ống điện thoại xuống và nhìn Tanner.
— Charlie, vợ anh không bao giờ nói rằng não anh bé tí xíu chứ?
Tanner ngơ ngác nhìn anh ta.
— Vì lẽ gì kia chứ? Với lại cô ấy cũng không biết cái từ ấy nữa kia.
o O o
Jupiter Lucie đến cái quầy rượu gần nhất làm vại bia, để Poke ở lại trông hàng. Hôm ấy họ bán đắt hàng, chỉ còn lại mấy hòm cam.
Chuck ra khỏi bóng rợp. Hai gã trai nhìn nhau. Cặp mắt đen long lanh của gã da đỏ và cặp mắt nhỏ nhớn nhác của Chuck nhìn khắp xung quanh, rồi Chuck tiến một bước về phía trước.
— Tiền tớ cầm còn sột soạt: năm tờ trăm!
— Cô ấy thế nào? Bình thường chứ?
Chuck gật đầu.
Poke bắt đầu thong thả cân cam.
— Ngày mai cô ấy sẽ có nhiều việc. – Gã nói, lấy một quả cam khỏi cân, chọn một quả khác nhỏ hơn. – Năm giấy đòi.
Chuck hít không khí.
— Năm giấy đòi… năm?
— Hai ngàn rưởi đô. Ở đáy gói cam có mảnh giấy nói rõ hết: ở đâu, như thế nào và cái gì.
Chuck gật đầu. Rồi ném một cái nhìn nhanh về bên phải, bên trái dọc bờ biển, khi biết chắc không có ai theo dõi, hắn dúi cái gì vào tay gã da đỏ.
— Tớ chia đúng đấy: ba trăm năm mươi của cậu, một trăm năm mươi của tớ phải không?
— Phải
Chuck cầm lấy túi cam và đi.
o O o
Đại uý Terrell gặp may: ông vừa vào sân trước của câu lạc bộ Năm Mươi thì thấy Rodney Branzenstein ra khỏi chiếc Rolls của mình.
Branzenstein là một trong những người sáng lập câu lạc bộ. Ông ta chơi bài brít vào hạng nhất, thêm nữa lại là một luật sư hạng nhất.
Hai người đàn ông xiết tay nhau.
— Ông làm gì ở đây, Frank? Nhưng xin đừng nói rằng ông quyết định trở thành hội viên của cái nhà sưu tập những hình người bằng sáp này.
— Như thường lệ, tôi đến thu lượm thông tin. – Terrell đáp.
— Ồ, thế thì ông không tìm ra người nào cung cấp được nhiều thông tin hơn tôi đâu. – Branzenstein mỉm cười. – Ta đi nhấp giọng cái đã.
— Tôi thích nói chuyện trong chiếc ô tô sang trọng của ông hơn. – Terrell gạt đi. Tôi sẵn sàng tranh cãi, nhà sưu tầm những hình người bằng sáp này, như ông gọi, sẽ không phấn khởi vì sự viếng thăm của cảnh sát.
— Có thể ông nói đúng. – Branzenstein đi về xe của mình, mở cửa xe và lên ngồi sau tay lái.
— Xe khá đây: ti vi… điện thoại… máy điều hoà nhiệt độ… xe ra xe. – Terrell bình phẩm khi ngồi xuống bên cạnh Branzenstein.
— Ông hiểu đấy: địa vị bắt buộc. Nói riêng giữa chúng ta, tôi thích chiếc Avis hơn. – Branzenstein thú nhận. – Nhưng làm thế nào được? Qui tắc trò chơi. Nào, ông hạ cố có điều gì vậy, Frank?
Terrell trình bày hết.
— Poke Toholo à? Có, tôi nhớ: một gã đẹp trai, pha ruợu mác tin giỏi nhất thành phố. Nhưng than ôi, bà mẹ già Hansen không muốn kìm giữ đôi tay của mình, và gã trai phải ra đi.
— Tôi cũng nghĩ như vậy. – Terrell nói. – Còn các hội viên khác của câu lạc bộ đối với anh ta ra sao… ngoài Hansen?
Branzenstein nhún vai.
— Chín mươi phần trăm trong bọn họ tin chắc thành thật rằng ai không phải là người da trắng thì đó là con khỉ. Riêng tôi thì tôi thích người da đỏ Seminole. Đối với đa số hội viên câu lạc bộ thì người da đỏ là những con khỉ để sai vặt, không hơn.
— Thế Mrs. Dunc Browler có xung đột với Toholo không?
— Ông hãy tưởng tượng xem, có. – Branzenstein nhớ lại và mắt ông ta thu hẹp lại. – Cố nhiên đấy là một mụ già khốn kiếp đến phiền rầy. Con chó của mụ và bài brít – ngoài ra mụ không quan tâm đến thứ gì trên đời nữa. Tôi nhớ, tôi chơi ở bàn bên cạnh… ấy là khoảng ba tháng trước… có lẽ là lâu hơn một chút… không quan trọng. Nói vắn tắt, Toholo mang đồ uống tới, còn Mrs. B. bảo anh ta đưa con chó của mụ đi dạo. Toholo nói rằng anh ta không thể bỏ quầy rượu được. Tôi nghe thấy hết. Có lẽ Mrs. B. chờ đợi ở anh ta sự vâng lời, tôi không rõ. Nói vắn tắt, mụ gọi anh ta là hòn than đen.
— Tiếp đó ra sao?
— Ba người chơi bài khác ra lệnh cho anh ta đưa con chó ra ngoài dạo chơi và đừng có thiếu lễ độ… anh ta không còn cách nào khác và đành phải đưa con chó đi.
— Những người khác ấy là ai?
— Riddle, McCuen, và Jefferson Lacey.
Terrell sa sầm mặt, suy nghĩ.
— Tuồng như đang hiện rõ một cái gì. – Cuối cùng ông nói. – McCuen, Riddle với cô nhân tình của ông ta, Mrs. Browler đều chết cả rồi. Tôi muốn nói chuyện với Jefferson Lacey.
Branzenstein gật đầu.
— Xin mời. Ông ta có một địa vị hơi đặc biệt trong câu lạc bộ của chúng tôi. Ông ta có một phòng riêng ở câu lạc bộ. Nếu ông muốn, tôi sẽ giới thiệu ông.
— Vâng, như vậy tốt hơn.
Nhưng khi Branzenstein hỏi người gác cửa Mr. Lacey có đây không thì được biết ông ta đi đâu từ nửa giờ trước.
Làm sao Branzenstein và Terrell biết được rằng lúc ấy, Jefferson Lacey, méo mặt đi vì sợ, dính chiếc phong bì đựng năm trăm đô la và đáy điện thoại tự động ở buồng điện thoại tại ga đường sắt Paradise City.
o O o
Khi Meg bước vào phòng ngoài của khách sạn Excelsior nơi các khách du lịch loại thấp hơn một chút dừng lại thì cô coi trời bằng vung.
Tối hôm trước Chuck bảo cô:
— Sáng mai phải lấy năm phong bì ở các buồng điện thoại khác nhau. Tiền sẽ chảy về, bé em ạ. Ở đây em sẽ khám phá ra một điều vĩ đại. Em có biết cái gì không?
Meg ngồi trên giường, nhìn chằm chằm vào tấm thảm cũ kỹ đến thủng lỗ chỗ, không trả lời.
— Này bé, em sao thế, tai nút kín rồi sao?
Giọng nói của anh ta nghe có vẻ hăm doạ. Meg ngẩng đầu lên.
— Khám phá gì? – Cô hỏi bằng giọng thờ ơ.
— Khám phá mà Columbus đã tìm ra hay gọi thế nào nhỉ… em sẽ hiểu rằng em đã lạc vào đường thiên đàng… em đã rút được tấm vé xổ số độc đắc.
— Thế ra anh là tấm vé xổ số độc đắc chăng?
— Ờ, chính vậy. – Gã nhếch mép cười. – Tất cả phụ nữ trên thế giới này đều chỉ nghĩ cách làm thế nào lấy được chiếc vé thầm kín ấy, còn bây giờ thì em đã bắn trúng hồng tâm! Em đã tìm thấy chiếc vé của mình, đó là anh!
— Bây giờ điều đó mang tên như thế ư? Em liều mình, trao cho anh tất cả tiền, vậy mà anh là tấm vé xổ số độc đắc ư? – Cô khẽ thốt lên.
Chuck châm điếu thuốc lá.
— Tai hoạ của em là giữa hai tai của em chẳng có gì cả, một khoảng không gian trống rỗng. Em gặp may là trời cho anh có óc. Sáng mai em sẽ đến năm buồng điện thoại và ở mỗi buồng em sẽ lấy năm trăm đô la. Như vậy tổng số là bao nhiêu nhỉ? Nào,… tính xem!
— Em cần gì? – Meg uể oải đáp, nhún vai. – Em dính líu gì đến đấy?
Tay Chuck vung trên không.
Meg văng đi, ngã vật xuống ngang giường, mặt nóng rực: Chuck giáng cho cô cái tát.
— Thôi được, tôi đợi. – Hắn rít lên một cách dữ tợn. – Cộng đi, nhớ lại những gì đã học ở trường!
— Em không biết và không muốn biết. – Cô trả lời một cách hững hờ và khẽ nhắm mắt lại.
Liền đó một cái tát thứ hai, đầu cô ngật đi.
— Thế là bao nhiêu, bé?
Cô nằm, nhắm nghiền mắt và run lên: rồi sẽ ra sao?
— Ừ được, được, nếu em đần độn như vậy! – Chuck xì một tiếng khinh miệt. – Em làm anh phát chán ngấy lên rồi. Phải thôi: chẳng có ý đồ háo danh nào cả! Ngày mai em sẽ lượm được hai ngàn rưởi đô la! Em có hiểu điều đó không? Hai ngàn rưởi! Rồi sau chúng ta cuốn gói khỏi đây! Với khoản tiền như thế chúng ta chẳng sợ quái gì nữa!
Bất ngờ cô hiểu ý nghĩa lời hắn, một tia hy vọng le lói loé lên.
— Thế còn gã kia? – Meg mở mắt hỏi.
— A ha, như vậy là giữa hai tai em vẫn còn có cái gì. – Chuck lắc đầu như khâm phục. – Em có biết thế nào không? Lần đầu tiên anh nghe em nói những lời thông minh kể từ ngày anh nhặt được em.
Nhặt được?… Meg nhìn cái trần nhà bẩn thỉu. Anh ta nhặt được ta… như nhặt con mèo lạc hay chó lang thang. Mà sao… cô là ai, suy cho kỹ… một con bé lạc loài…
— Này, thôi, đừng ra vẻ mình là cái xác ướp nữa, nghe anh nói đi! – Tiếng Chuck như qua sương mù.
— Gã da đỏ đó là kẻ dở điên dở dại… trong đầu gã thiếu một chiếc đinh ốc. – Chuck nói tiếp. – Anh chưa kể với em, hắn một lần suýt kết liễu đời anh. Ngay lần đầu tiên… em nhớ chứ? Khi anh và gã đi tắm.
Lúc này hắn kể với cô chuyện ấy làm gì? Ta cần quái gì, tin cũ mèm. Về việc gã là kẻ tâm thần, cô nói với Chuck từ lâu rồi.
— Tuy gã dở điên dở dại, – Chuck phát triển ý nghĩ của mình, – nhưng gã vơ tiền nhanh thật, sáng trí lắm. Điều đó hợp ý chúng ta. Vì thế anh dính líu với gã, nhưng hễ có tiền… hai ngàn rưởi đô la… là chúng ta vẫy chào gã.
Đột nhiên Meg nhớ tới ngôi nhà. Cô nhìn thấy rõ mồn một cha và mẹ: họ ngồi trong căn phòng khách nghèo nàn và nhìn màn ảnh ti vi đang sáng. Tấm thân không hình thù của mẹ như cái bao chìm lút trong ghế bành. Cha, như thường lệ, dùng lưỡi đẩy hàm răng giả lên đánh tách một tiếng, không thế không nghe thấy được, hàm răng bị đẩy về chỗ của nó.
— Này bé!
Tiếng Chuck như cái roi quất vào cô và lùa cô lùi trở lại căn phòng tởm lợm với những vết bẩn trên các bức tường, với tiếng ồn ào tràn vào qua khung cửa mở.
— Cái gì?
— Khi chúng ta lấy được hết số tiền. – Chuck nói. – Chúng ta sẽ lên xe của gã và biến mất tăm. Còn gã sẽ tự xoay sở lấy. Hai ngàn rưởi đô la!
Cô nhớ Chuck đã có lần nói với cô:
“Chúng ta bị ràng buộc với gã da đỏ dở điên dở dại, nhưng đấy là một việc đặc biệt. Ừ, giả sử em sẽ đến được Miami. Nhưng Miami có ích lợi gì khi không khéo em sẽ bị mũi dao cắm vào gan hay một viên đạn vào đầu?”
Lúc ấy cô không còn sợ chết, sợ đau, sợ cảnh sát nữa.
Sấm sét gì cô cũng coi khinh.
Ở phòng ngoài của khách sạn Excelsior, khách du lịch chen chúc nhau, kiên nhẫn như cừu, chờ ô tô buýt đến đón họ và chở họ đến một khách sạn bẩn thỉu tiếp theo cũng với cái tên rất kêu.
Meg tới các buồng điện thoại, trong số khách du lịch thậm chí không ai quay đầu về phía cô. Trong ca bin mang số 3 chẳng có ai. Cô hé mở cửa, bước vào trong và thò tay xuống dưới đáy máy điện thoại. Cô sờ thấy chiếc phong bì gắn bằng băng dính. Bằng một động tác đột ngột, cô gỡ chiếc phong bì ra và cho vào xắc. Thậm chí cô không vờ làm ra vẻ định gọi điện. Những biện pháp đề phòng chăng? Bây giờ cô cóc cần gì nữa.
Trong chiếc Buick, cô mở khoá túi đánh rẹt một tiếng và ném phong bì xuống đùi Chuck.
— Ổn chứ?
Cô thấy hắn nhìn về phía khách sạn. Cặp mắt nhỏ của hắn nhớn nhác như con chuột sa bẫy. Hắn sợ… còn cô bây giờ bất cần gì hết.
Hắn xé phong bì, đếm lại tiền, hít hơi nghe rít lên. Hắn sợ phát khiếp, tham lam, khuôn mặt rám nắng nom non nớt… đi với hắn cô có tương lai gì?…
— Bây giờ đến nhà ga. – Chuck đã tự chủ được. – Buồng điện thoại số 8, ở đấy không thể đỗ xe được. Anh sẽ cho em xuống, rồi sẽ lại đón em sau.
Hắn cho xe chạy trên các phố phụ – đại lộ đầy xe cộ. – còn Meg ngồi nhìn qua kính phía trước bụi bậm, nhìn mà chẳng thấy gì. Chuck phải lắc mạnh tay cô, đưa cô ra khỏi trạng thái đờ đẫn: cô chìm đắm vào dĩ vãng, ở đấy yên ổn, và không có nguy hiểm gì rình mò.
Cô vào bên trong nhà ga, len qua đám đông…những buồng điện thoại đây rồi… buồng số 8. Meg sờ thấy chiếc phong bì, gỡ nó khỏi đáy máy điện thoại, cho vào sắc, trở lại lối ra và đứng bên mép hè đường.
Chừng một phút sau, chiếc Buick đỗ cạnh cô, cô lên xe và Chuck dận ga.
— Không có vấn đề gì chứ?
Cô lại nhìn khuôn mặt đẫm mồ hôi, cặp mắt láo liên của hắn.
— Không.
Hắn khẽ huýt sáo.
— Có thể mê muội người đi đấy! Cứ như hoa quả và nấm, tha hồ mà hái.
Cho xe chạy xa nhà ga, hắn tìm được chỗ đỗ và dừng xe lại.
— Đưa đây!
Cô đưa cho hắn chiếc phong bì và trong lúc hắn mở phòng bì, cô đờ đẫn nhìn những chiếc xe đắt tiền lau rửa đến bóng loáng phóng qua. Còn những người ngồi trong xe đều là những kẻ no nê, béo ú: phụ nữ đội những chiếc mũ dớ dẩn, mặt đàn ông thì chằng chịt những đường ven gẫy khúc như đường mạng nhện. Có lẽ đấy là niềm tin vững chắc vào ngày mai chăng? Những chiếc xe khổng lồ, những tấm thân mỡ màng, những bộ mặt đỏ tía và những chiếc mũ điểm hoa?
— Này, thế là chúng mình đắt giá thêm một ngàn đô la nữa đấy. – Chuck nói đùa, ném phong bì vào chiếc găng đánh bốc. – Anh đã nói với em rồi mà… chiếc vé xổ số có đường viền vàng!
Hắn rút trong túi ra mẩu giấy mà Poke nhét vào túi cam.
— Ta bươn tiếp đi… khách sạn Adlon, buồng số 4. – Hắn cho xe hoà vào luồn xe cộ. – Adlon. Một khách sạn chấy rận nhỏ con nào đó, phải không?
— Em không biết.
— Em thì có biết cái gì kia chứ? – Chuck nổi khùng. – Em định bắt anh phải một mình đứng mũi chịu sào chắc?
Mười phút sau Meg ra khỏi khách sạn Adlon và lát sau chiếc Buick tới gần lối vào. Cô lên xe và Chuck hỏi luôn:
— Không có vấn đề chứ?
— Không.
— Gã da đỏ ấy mưu trí thật đấy! – Chuck kêu lên khi lại lái xe vào chỗ đỗ và mở phong bì.
— Một ngàn rưởi. – Gã lầm bầm. – Thêm hai lần nữa là chúng ta chuồn. – Gã nhìn bản danh sách. – Bây giờ đến sân bay. Buồng C. Rồi bến ô tô. Buồng 6.
Chuck cho xe đỗ cách lối vào sân bay không xa.
— Lẹ lên, bé. – Hắn khuyến khích Meg. – Anh chờ ở đây.
Không chần chừ cô vào căn phòng ngoài náo nhiệt của sân bay và đi thẳng đến các buồng điện thoại. Từ buồng C vừa có người đi ra. Người đó nhìn cô và trong mắt người đó cô nhìn thấy sự không tán thành. Bản thân ông ta là người có tuổi, nom khá chỉn chu, bụng phệ. Một con cá mập thật sự, loại người mà cô thù ghét hơn ai hết. Chạm khuỷu tay vào ông ta, cô vào buồng điện thoại, thậm chí không thèm khép cửa lại, cũng không nhìn quanh xem ngộ nhỡ gã béo mập có ý định theo dõi cô hay không.
Cô thọc tay vào dưới máy tự động và cảm thấy kim loại lạnh lẽo. Cô như bị điện giật. Cô sờ lại lần nữa. Không có phong bì! Cô liếc nhanh qua vai nhìn cửa kính. Đúng cả. Buồng C.
— Cô sẽ gọi điện hay chỉ chờ cho qua cơn mưa thôi? – một giọng đàn ông mỉa mai.
Lại một gã bụng phệ nom đứng đắn bảnh bao nữa! Cô ra khỏi buồng điện thoại. Trời ơi! Cô căm ghét biết bao những tay bảnh bao may mắn ấy, những tên biết tuốt tự phụ ấy!
Cô nhanh chóng trở lại chỗ đỗ ô tô và lên chiếc Buick
— Ổn chứ? – Chuck vừa bật động cơ vừa hỏi.
— Không.
— Không… là thế nào?
— Anh nói là “buồng C” mà.
— Đúng… chắc là em không điếc!
— Ở đấy chẳng có gì cả.
— Sao, con chó cái đần độn, cô định đẩy một mình tôi đứng mũi chịu sào chắc?
Cô ném chiếc xắc lên đùi hắn.
— Đây, nhìn đi! Anh tự đi mà kiểm tra. Chẳng có cái cóc khô gì trong buồng C ấy đâu!
Hắn ném trả lại cô cái xắc.
— Hãy đi và kiểm tra lại tất cả các buồng! Có thể do nhầm lẫn người ta nhét phong bì không đúng chỗ.
— Anh tự đi mà kiểm tra.
Hắn nắm tay đấm xuống đùi cô. Cô đau điếng. Cô còng người xuống, hai tay ôm lấy đùi.
— Nào, nhanh lên, đi kiểm tra lại đi. – Hắn gầm lên.
Cô ra khỏi xe, trở lại phòng ngoài của sân bay. Hầu hết các buồng điện thoại đều có người. Cần thận trọng ư? Cô cóc cần để ý đến chuyện ấy!
Cô mở toang cửa buồng thứ nhất, đẩy người gọi điện ra và thọc tay vào dưới máy… Rỗng không. Buồng tiếp theo… Buồng tiếp theo nữa… Mặt tái nhợt, mắt cháy rực, ở cô có cái gì khiến mọi người lẳng lặng chịu đựng sự xâm nhập sỗ sàng ấy.
Chưa đầy năm phút cô đã đi qua khắp các buồng và biết chắc chẳng đâu có phong bì hết. Bây giờ khắp mọi nơi người ta trân mắt nhìn cô.
Ở buồng cuối cùng một người đàn ông đội mũ, răng cắn điếu xì gà. Ông ta đứng sát thành buồng, khi Meg trâng tráo bắt đầu sờ soạng dưới đáy máy.
— Cô mất cái gì chăng, con gà con? – Ông ta hỏi, toét miệng cười.
— Nhưng không phải là mất anh, chú gà trống con ạ. – Cô ngắt lời ông ta, quay ngoắt đi và hối hả trở lại chiếc Buick.
— Chẳng có gì! – Cô tuyên bố, sau khi ngồi vào xe.
— Quái quỷ! Cái trò gì thế này! Em có nghĩ rằng một kẻ khốn kiếp nào đã tìm thấy nó trước em không?
Meg xoa đầu gối thâm tím.
— Em không biết.
— Trí óc em chỉ đủ nghĩ như thế thôi ư? – Chuck nổi khùng. – Năm trăm!
Rời khỏi chỗ đỗ, hắn cho xe chạy về bến ô tô. Suốt dọc đường hắn lẩm bẩm cái gì một mình và chốc chốc lại đấm vào tay lái.
Xe của họ tới gần bến ô tô. Chuck thấy không có chỗ nào đỗ xe. Hắn hãm phanh và mở cửa cho Meg.
— Buồng số 6. Bắt đầu đi. Một phút nữa anh sẽ đánh xe tới.
Trong buồng số 6, một cô gái đang gọi điện và Meg hiểu ngay: sẽ phải chờ thôi. Mặt cô gái như tạc bằng đá. Tóc dài vàng hoe, móng tay dài như vuốt con thú ăn thịt. Diện toàn đồ đắt tiền, cô ta vừa nói chuyện vừa vung tay, trên tay thấy rõ ba chiếc nhẫn kim cương.
Meg đứng không nhúc nhích, và trong trạng thái không nhúc nhích đó, với chiếc áo cổ chui bẩn thỉu, chiếc quần bò lem luốc và mái tóc dài không chải, ở cô có một vẻ gì khiến cô gái không tập trung được. Cuối cùng cô gái treo ống điện thoại, ra khỏi ca bin và đi vòng để khỏi đến gần Meg.
Trong ca bin, mùi nước hoa đắt tiền thơm lừng bao trùm lấy Meg. Phong bì có đấy, Meg lấy và đi ra.
Một gã trai mặc bộ đồ lặn màu vàng và chiếc quần trắng bằng vải mỏng, mái tóc dài xoã đều xuống cổ áo sơ mi, còn chòm râu má vạch thành hai mũi tên gọn gàng chĩa xuống cằm.
— Đi săn kho báu phải không? – Anh ta hỏi.
Vào lúc khác, một gã trai như thế để ý đến cô hẳn sẽ khiến cô thốt lên tiếng kêu thích thú. Còn lúc này…
Mặt như bằng đá, cô bước qua bên cạnh, thoáng ban cho anh ta cái liếc nhìn. Toàn bộ con người anh ta nom tươi tắn, có tiền, lãng mạn, đường hoàng – hỡi ôi, về phần cô, sự giao tiếp với loài người như thế đã bị chặt đứt. Nhưng tại sao? Giá như ở lại với một người như thế… nhưng không thể được, bây giờ suốt đời cô phải theo con đường khác…
Cô trao chiếc phong bì cho Chuck, hắn mở ra và phát hiện thấy ở đó năm tờ mỗi tờ một trăm đô la.
— Hai ngàn. – Hắn lầm bầm, rồi suy nghĩ hồi lâu. Hắn cho chiếc phong bì vào cái găng đánh bốc. – Phải chấm dứt thôi. Ta nhổ móng vuốt thôi, bé em. Hai ngàn còn hơn không có gì. Bây giờ trở lại thành phố, ta gói ghém quần áo và đi Los Angeles!
Suốt dọc đường về Paradise City, Meg nhìn ra cửa sổ: những chiếc xe đi ngược chiều, những con người vô tư lự trên bãi tắm, những quầy hoa quả ở các khu dân cư ven biển.
Chuck lấy trong chiếc găng đánh bốc ra tất cả các phong bì và nhét vào khoang ngực áo.
Hai ngàn tốt hơn hẳn so với không có gì.
Họ đi dọc bờ biển, rẽ vào cái ngõ đầy hương thơm, tới gần chỗ ở của mình.
Gã da đỏ to béo, như thường lệ, ngồi bên bàn. Thấy họ, y tươi hẳn lên, nhưng họ không nói lời nào, đi lên phòng của mình.
Hai ngàn đô la! Lại thêm chiếc ô tô! Chuck nghĩ thế khi nhìn lưng Meg đi ở phía trước. Gã da đỏ dở điên dở dại ấy sẽ không đến cảnh sát trình báo: tôi bị mất chiếc ô tô! Vì gã hiểu rằng gã mà mở miệng ra là gã đi đời. Họ mà đã ở trên đường là hết, vĩnh biệt, bạn thân mến, còn hai ngàn là của chúng tôi!
Ở đầu cầu thang, Meg dừng lại.
— Sao em chững lại thế? – Chuck cáu kỉnh và nói sẵng đi vòng bên cô, mở toang cửa buồng họ.
Poke Toholo ngồi trên giường, nhai cam. Chuck đứng sững ở cửa, Poke nhổ hạt cam xuống sàn.
— Thế nào, thu nhặt được bao nhiêu? – Gã hỏi, cặp mắt đen long lanh.
o O o
Thời gian cho cô gái đeo nhẫn kim cương nói chuyện điện thoại ở bến ô tô cho xong thì cũng là lúc đại uý Terrell hoàn toàn tin chắc rằng gã da đỏ có tên Poke Toholo chính là Đao phủ.
Đặt trước mặt mình bản báo cáo cuối cùng đã đọc xong, ông ngả người lên ghế bành và châm ống tẩu.
— Đấy là gã. – Terrell nói với Beigler. – Bây giờ điểm tập trung là tìm gã.
Kết luận trở thành triệt để khi phòng điều tra các vụ giết người gửi tài liệu của họ đến. Thứ nhất các nhân viên phòng này phát hiện ra trong căn nhà nhỏ của mô ten Xin Kính Mời dấu tay trùng với dấu tay tìm thấy trong căn buồng trước kia Poke đã sống với cha mẹ. Thứ hai họ phát hiện ra những bằng chứng không thể bác bỏ được rằng ở dưới tấm đệm nằm trong căn nhà nhỏ đã có giấu vũ khí. Dấu vết của vũ khí đó in rõ trong cái nệm đã dẹt đét, thấy rõ vệt dầu bôi súng. Ngoài ra sự miêu tả Poke do Mrs. Bertha cung cấp cho họ hoàn toàn phù hợp với sự miêu tả của bác sĩ Wanniki với Lepski.
— Poke là thằng cha khá đấy. – Wanniki nói trong cuộc nói chuyện với Lepski. – Có điều gã hơi nóng tính, nhưng lúc tuổi trẻ ai chẳng thế. Bệnh tâm thần ư? – Ông già xoa cái cằm lởm chởn. – Ờ, bệnh tâm thần ngày nay không phải là của hiếm. Nhưng tôi sẽ không nói rằng Poke… – Ông im bặt và lo ngại nhìn Lepski, như chợt hiểu ra điều gì mà trước kia ông ta không hiểu. – Gã nóng nảy, điều đó đúng.
— Như vậy chúng ta biết gã là ai rồi. – Terrell tổng kết. – Có điều lý do hết sức đáng ngờ. Chẳng lẽ gã giết cả ba người đó chỉ vì mụ già gọi gã là hòn than đen à?
— Nhưng gã không phải là kẻ loạn trí. – Beigler nhận xét. – Và bây giờ gã khát máu. Gã gieo rắc sự sợ hãi cho những người giàu, mà là sự sợ hãi như thế nào. Những kẻ loạn trí là loại người không đoán trước được, hãy đi mà tìm hiểu xem cái gì thúc đẩy chúng.
— Bây giờ cần tìm ra gã.
— Chà. – Beigler không phí thời giờ vô ích. – Theo số liệu chính thức, trong thành phố có một trăm năm mười hai người da đỏ Seminole. – Ông cho biết. – Một nửa trong số đó giống nhau. Nửa kia cũng giống nửa thứ nhất, có điều nhiều tuổi hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần tuyên bố: chúng ta muốn nói chuyện với Poke Toholo. Tuyên bố trên đài phát thanh và truyền hình, trên báo. Anh nghĩ thế nào, thị trưởng sẽ ki bo về tiền thưởng chứ? Nếu tiền thưởng lớn thì người ta sẽ đem gã Toholo ấy dâng chúng ta.
Terrell nghĩ ngợi.
— Người da đỏ có sự liên đới báo chứng. Hiện thời gã trai ấy chưa biết chúng ta tính xem gã đáng giá bao nhiêu. – Ông ngừng lời, châm ống tẩu. – Hễ biết là gã lặn ngay xuống đáy. Hiện giờ gã không đặc biệt cần lẩn trốn, nhưng hễ gã đã chui vào hang hốc thì chúng ta sẽ phải mướt mồ hôi tìm gã.
— Nếu thị trưởng hứa thưởng món tiền lớn thì sẽ không thành vấn đề. – Beigler không đồng ý, ông ta tin vào uy lực của đồng tiền.
— Người của chúng ta đã lùng sục mấy ngày nay, kiểm tra tất cả các người da đỏ. Họ đã lần mò được gì?
— Họ đã xài hết một số giấy mà một tàu khu trục không chở hết nổi đâu.
— Thế anh nhét cái tài sản đó vào đâu rồi?
— Chuyển cho Jack Hatchet.
Terrell liếc nhìn Beigler qua làn khói thuốc từ ống tẩu bốc lên.
— Một ý nghĩ khôn ngoan, Joe.
— Đôi khi chuyện như thế thường xảy ra với tôi. – Beigler thú nhận không phải không có phần tự mãn. – Nếu có người nào có thể chắt gạn ở đó ra một điều gì thì đó chỉ là Jack.
Jack Hatchet là người da đỏ Seminole duy nhất trong cảnh sát thành phố. Ông ta làm việc ở nơi lưu trữ tài liệu, hoàn toàn không còn trẻ nữa và nổi tiếng là có trí nhớ tốt.
— Cần hỏi xem ngộ nhỡ ông ta tình cờ vớ được điều gì chăng.
Beigler lắc đầu.
— Tự ông ta sẽ nói, thưa sếp. Ông ta cần lật đi lật lại cả tấn giấy, và ông ta không phải loại người cần thúc ép. Tốt hơn hết là đừng động đến ông ta. Tôi đã nói với ông ta đây là việc khẩn cấp.
Terrell rít ống tẩu. Ông suy nghĩ rất lung điều gì, rồi vơ đống báo cáo trên bàn, xem qua và rút trong đó ra hai tờ giấy. Ông chăm chú nghiên cứu, còn trong lúc đó Beigler châm thuốc lá.
— Chúng ta sẽ chờ xem Jack sẽ quắp đến cho chúng ta cái gì. – Ông kết luận. – Nhưng tôi tin chắc rằng nếu chúng ta tuyên bố tìm Poke Toholo thì chúng ta sẽ chẳng thể nào tìm được gã. – Ông gõ cán tẩu vào bản báo cáo ông cầm trong tay. – Nhưng chúng ta còn hai người nữa, Mr. và Mrs. Allen. Chúng ta biết rằng Poke có người nào giúp sức. Bà chủ mô ten khẳng định rằng có một người đàn ông và một người đàn bà đến với Poke. Có thể nói gần như chắc chắn: chính họ là trợ thủ của Poke. Chúng ta có sự miêu tả họ, miêu tả xe của họ. Thế thì Joe ạ, ta hãy tìm họ. Bắt được họ, họ sẽ dẫn chúng ta đến Poke. Giao nhiệm vụ cho người của mình đi. – Ông đưa hai tờ giấy cho Beigler. – Họ dừng chân ở đâu đây. Hãy kiểm tra tất cả đồ đạc, hãy tìm chiếc Buick. Tìm thấy chúng, ta sẽ tìm được cả Poke.
Điện thoại nội bộ trên bàn réo. Terrell kéo cần chuyển mạch.
— Thủ trưởng phải không ạ?
Đấy là trung sĩ Tanner.
— Gì đấy, Charlie?
— Có một bà ở chỗ tôi…bà ta muốn nói chuyện với ông. Mrs. Matilda Dobey. Tôi bảo ông bận, còn bà ta cũng bảo bà ta bận, mà việc thì quan trọng.
— Nhưng đích thị là việc gì cơ chứ, anh có hỏi không?
— Dạ… bà ta nói đấy không phải chuyện tôi hiểu nổi. – Tanner đáp bằng giọng rầu rĩ.
Terrell ngần ngừ rồi nhún vai.
— Được, đưa bà ta đến gặp tôi.
Ông liếc nhìn Beigler.
— Mrs. Matilda Dobey, cái tên đó có nói gì với anh không, Joe?
— Nếu như có nói gì tôi cũng không hề thú nhận. – Beigler đùa lảng và đứng lên. – Tôi đi trao nhiệm vụ cho người của mình đây.
Lát sau trung sĩ Tanner gõ cửa buồng Terrell và ngó vào.
— Thưa thủ trưởng, Mrs. Dobey tới.
— Cho vào, Charlie. – Terrell nói một cách thờ ơ.
Mrs. Dobey là một người phụ nữ nhỏ xíu, tuổi ngót tám mươi. Bà ta ăn mặc tươm tất, nhưng nghèo nàn, vận toàn đồ đen. Tóc trắng như tuyết và cặp mắt xanh rất linh lợi, sáng ý.
— Ông là chỉ huy cảnh sát phải không ạ? – Bà ta dừng lại trước bàn Terrell hỏi.
Terrell đứng lên và mỉm cười thân thiện với bà ta.
— Hoàn toàn đúng, Mrs. Dobey.
Ông bước ra khỏi bàn, đẩy chiếc ghế tựa lại cho bà ta.
— Cám ơn. Tôi cố nhiên không phải là một cô bé, nhưng cũng không coi mình là một bà già yếu đuối.
— Bà dùng một tách cà phê chứ, Mrs. Dobey? – Terrell hỏi, ngồi xuống ghế bành của mình.
— Không, cám ơn. Công việc ngập đầu cổ. Nói thực, tôi đi đường vòng rất xa để đến gặp ông. Mà tôi còn phải cho Mr. Dobey ăn bữa trưa. Không thể chậm trễ được, ông ấy sẽ lo ngại.
— Chuyện gì khiến bà đến chúng tôi? – Terrell hỏi, đặt bàn tay hộ pháp lên tập báo cáo và tường trình.
— Tôi vừa từ sân bay về. Tôi đi tiễn thằng cháu trai. Tôi muốn gọi điện cho con gái, báo cho biết rằng Jerry… cháu trai tôi… đã lên máy bay cất cánh bình thường và vân vân. – Mrs. Dobey ngừng một lát. – Xin đừng nghĩ rằng tôi ngứa mồm nên đến các ông, tôi biết cảnh sát cần sự kiện,… đúng không?
— Đúng. – Terrell đồng ý. Sự kiên nhẫn không phải là đức tính tốt sau cùng của ông: nó là một trong những nguyên nhân khiến ông được coi là sếp cảnh sát cừ nhất.
— Con gái tôi làm việc ở một hãng. Còn Jerry thì do em gái tôi coi sóc, cô ấy ở Miami… Nhưng ông chẳng quan tâm gì đến chuyện ấy. Ở cái hãng đấy, con gái tôi bận ngập đầu ngập cổ, vì thế tôi bằng lòng đi tiễn Jerry… trong những việc như thế, bà bao giờ cũng là người giúp đỡ đầu tiên, đúng không?
Terrell rít ống tẩu và gật đầu.
— Tôi nghĩ là đúng thế, Mrs. Dobey ạ.
— Phải nghe lời con gái tôi, không thể khác thế được, thanh niên ngày nay là như vậy, phải làm và dâng chúng hết mọi thứ.
Terrell dộng tro khỏi ống tẩu.
— Vậy là bà muốn gọi điện cho con gái phải không? – Ông nhắc lại và bắt đầu nhồi thuốc vào tẩu.
— Vâng. Tôi vào một trong những buồng điện thoại tự động ngay tại sân bay. Rồi tôi đánh rơi cái xắc. – Bà ta nhìn Terrell, trong ánh mắt chăm chú của ông thấp thoáng nụ cười. – Cố nhiên ông có thể nói rằng đấy là do tuổi tác, nhưng bất cứ ai cũng có thể đánh rơi cái túi.
— Bà nói hoàn toàn đúng. – Một lần nữa Terrell đồng ý. – Như tôi đấy, tự dưng mó vào việc gì cũng hỏng cả.
— Hoàn toàn không nhất thiết phải nói như vậy vì phép lịch sự.
— Như vậy là bà đánh rơi cái xắc phải không?
— Tôi cúi xuống lấy cái xắc và thấy dưới máy điện thoại tự động có chiếc phong bì được dán vào đó bằng băng dính. – Mrs. Dobey mở cái xắc lớn cũ sờn và lấy ra một chiếc phong bì. Bà ta nhìn Terrell. – Tôi chẳng biết tôi hành động như thế có đúng không, nhưng tôi lấy và mở ra. Nếu không thì tôi làm thế nào biết được bên trong có cái gì? Có lẽ nên đến gặp bất cứ người cảnh sát nào, nộp chiếc phong bì mà không mở ra chăng? Nên làm như thế chăng?
— Thế trong phong bì có cái gì? – Terrell hỏi, tránh câu trả lời.
— Tiền… nhiều tiền. – Bà ta nhìn Terrell. – Vừa nhìn thấy ở đấy có ngần ấy tiền, tôi hiểu ngay, tốt hơn hết là không mở ra. Tôi còn hiểu thêm rằng không nên đến gặp bất cứ cảnh sát nào, mà là gặp ông. Ngần ấy tiền: không phải ai cũng vững vàng trước sự cám dỗ, mà cảnh sát đâu có phải triệu phú.
Terrell hắng giọng.
— Đưa cho tôi chiếc phong bì chứ, Mrs. Dobey? Tôi sẽ viết giấy biên nhận là đã cầm chiếc phong bì ấy do bà giao cho.
— Tôi chẳng cần giấy biên nhận của ông. – Bà ta từ chối và đưa cho ông chiếc phong bì. – Tôi phải mau mau về nhà cho ông Dobey ăn trưa.