Số lần đọc/download: 2300 / 36
Cập nhật: 2016-03-17 13:45:54 +0700
Thước Đo Nghệ Thuật
Đ
ọc xong quyển tiểu thuyết "Sóng Tình", Bân sung sướng đến hơn một tuần lễ, trong tuần ấy chàng đã đọc đi đọc lại tác phẩm đó đến ba lần.
Chàng phấn khởi vô cùng mà nghĩ đến tác phẩm sau này của chàng, nó cũng sẽ gây bao nhiêu cảm xúc nơi lòng người đọc khắp bốn phương của đất nước.
Chàng đang tập viết văn, và quyết làm cho bằng ông tác giả mà chàng ưa thích ấy, chàng mới nghe. Tuy hiện giờ chàng chưa hề được báo nào đăng bài, nhưng chàng vẫn tin nơi tương lai của mình, nên cứ cần cù nỗ lực trong ngành hoạt động mà chàng mê.
Bân tưởng tượng nhiều vè tác giả quyển "Sóng Tình" mà chàng xem như là một thần tượng và thấy đó là "nhà văn của lòng tôi".
Nhưng một bài báo thình lình xô ngã thần tượng của chàng xuống khỏi bệ cẩm thạch.
Cứ theo bài phê bình ấy thì quyển "Sóng Tình" không chứa được lấy một gơ-ram giá trị nào. Nó là quyển sách dở chớ cũng chẳng được là một tác phẩm không công, không phạt, có cũng được, nếu không cũng chẳng chết ai; một tác phẩm buồn ngủ, không đủ cái khả năng hạ cấp là giúp người đọc "mua vui cũng được một vài trống canh".
Thoạt tiên, chàng công phẫn đến xé nát tờ báo hằng tuần ấy! Chàng đạp bàn và chưởi om lên và cỡ nhà phê bình mà có mặt nơi đây, chàng đã nện hắn một trận nên thân.
"Đó là một thằng đố kỵ, chàng nghĩ thầm, hoặc một kẻ cố oán, vì hận riêng nào, quyết hạ một bực tài hoa để hả tư thù"
Chưởi to và rủa thầm nhà phê bình một hơi, Bân cầy cục ráp nối những mảnh giấy báo rách lại để đọc lần thứ nhì bài phê bình xuyên tạc đó.
Và chàng đau xót vô cùng mà bỗng thấy rằng những nhận xét của bài báo đúng không thể chối cãi được.
Đó là niềm đau của một anh con trai đang si một cô gái mà anh ta ngỡ là đẹp nhưng rồi bị một thằng bạn vô tình chứng tỏ rằng cô gái có cái miệng quá rộng, cái mũi hơi to, và ác lắm là quả đúng như thế.
Bân bần thần đến hơn một tuần lễ, cái miệng và cái mũi bị tố cáo, cứ theo ám ảnh chàng hoài.
Kỳ báo sau, phát hành đã hai hôm rồi mà chàng không buồn đọc, vì mất tin tưởng rất nhiều, không phải mất tin tưởng nơi người khác, mà nơi chính mình, hoài nghi khiếu thẩm mỹ của mình và tương lai văn nghệ của mình.
Khổ lắm là chàng cứ còn yêu cô gái ấy bởi vì cô ta lại có những cái khác không bị chỉ trích nên chàng thấy là đẹp.
Nhưng rồi chàng cũng nguôi được đôi phần và bắt đầu đọc mấy tờ tạp chí mua rồi vứt đó.
"A, lại phê bình quyển "Sóng Tình" chàng kêu thầm lên khi lật tới trang băm hai của tập báo nhỏ khổ ấy".
Bài nầy dài lắm, đến hăm bốn trang chữ nhỏ li ti và tác giả của thiên phê bình nầy có vẻ thông thái và phân tách sâu sắc hơn tác giả bài báo trước nhiều lắm.
Bân đọc ngay bài báo ấy để được thấy người ta giết chết luôn người thiếu nữ còn kiều mị dưới mắt chàng.
Thà rằng nàng chết hẳn cho rồi. Thà rằng người ta tố cáo thêm cái trán của nàng thấp quá, cái lưng của nàng là lưng tôm, cho chàng thấy không còn vớt vát gì được để mà quên nàng, chớ thần tượng mà bị hạ bệ có nửa chừng, thì khổ tâm cho người si vô cùng.
Nhà phê bình trước ác hiểm hơn ông nầy nhiều. Vâng, trước khi nhập đề là hắn bắt đầu khen ngay tác giả không tiếc lời, để rốt cuộc đập thẳng cánh, không thương xót một tí nào.
Ông nầy chưa chi đã tát tai sơ sịa người đẹp, cũng kẻ cả và hách dịch với giọng thầy đời của ông trước, nhưng rồi nức nở khen "cô đẹp chín nghìn".
Cứ theo ông nầy thì nàng có đôi con mắt sáng như mắt thần và thân thể của nàng cân đối tuyệt vời, tác phong của nàng thanh lịch không chỗ chê.
Miệng nàng có "hơi" rộng thật đó, nhưng chính miệng rộng mới là đẹp, những phụ nữ miệng như mõm chuột, ít được ai mê lắm!
Vân vân và vân vân...
Bân không vui mừng mà gặp bạn đồng tâm tô điểm lại cho cô gái bị bôi lọ, vì chàng hoàn toàn mất hướng khi thấy rằng nhà phê bình thứ nhì nầy cũng nói đúng tuốt.
Ai cũng đúng cả, kể cả hai người nói trái ngược nhau, thì còn biết đâu là sự thật bây giờ.
Buông tờ tạp chí, Bân đứng lên để đi ra ngoài, mong không khí của nơi rộng rãi giúp chàng thở dễ dàng hơn sau một cơn ngột ngạt trong những thứ tình cảm hỗn độn nó xáo-trộn cảm nghĩ của chàng một cách tàn nhẫn.
Nhưng không hiểu sao, chàng lại vào chợ thay vì ra khỏi thành phố nhỏ Lái Thiêu nầy.
Mùa nầy là mùa trái cây và cảnh buôn bán rộn rịp hơn ngày thường với mớ khách hàng xa gồm hai loại, một loại hiếu kỳ, đi ăn trái cây tại chỗ, và một loại buôn đi bán lại, họ lên Lái Thiêu để mua sỉ sầu riêng, măng cụt, chôm chôm v. v...
Có những cô ăn mặc đẹp và hợp thời trang, người cũng xinh và sang trọng mà cứ ngồi ngay giữa chỗ muôn người để thưởng thức món quà mà thi sĩ Bàng Bá Lân bảo là "Tây Thi mất vía, Hằng Nga giựt mình" vì cái mùi rất khó chịu của nó đối với người không quen ăn sầu riêng, và nhứt là vì cái vỏ đầy gai góc trông rất xấu xí của nó.
Một thiếu phụ đang mút mấy ngón tay dính đầy cơm sầu riêng, có cái miệng rộng và hai cái môi dày. Bân nhìn trừng trừng cô ta để thử xem loại miệng ấy có đẹp hay là không.
Vừa mút tay, thiếu phụ vừa lắc đầu nói:
- Không ngon!
- Sầu riêng như vậy mà không ngon. Chỉ có cô không biết ăn thì có.
Đó là lối trả lời vô lễ của một số buôn bán người mình, họ trịch thượng mắng khách hàng là nhà quê một cách gián tiếp như thế, những hiệu may mắng ta không biết ăn mặc, nếu ta chê áo họ may không khéo, những hiệu bán bàn ghế mắng ta không biết khoa trang trí là gì nếu ta chê bàn ghế mà ta đặt họ đóng, không vừa ý ta.
Thiếu phụ nầy không phải là kẻ nhút nhát, bị mắng là mắc cỡ chịu lép vế ngay và bỏ đi. Cô ta sần sộ hỏi:
- Nè chị kia, chị nói với ai như vậy? Chị phải biết cái bản mặt nầy chớ? Con nầy là con đáo xứ, chị đừng mong gạt nó, và đừng vô lễ với nó mà gãy răng bây giờ.
Là người địa phương, Bân không ngạc nhiên trước một đám cãi vã như thế nầy, nó xảy ra hằng bữa tại chợ Lái Thiêu, vào mùa sầu riêng.
Món hàng đã trót dại mua rồi, không ưng ý thì ráng chịu, chớ sạo lại cãi nhau.
Nhưng ở xứ Lái Thiêu nầy có cái tục "bán bao" sầu riêng; người bán bảo đảm hàng ngon, người ăn được hài lòng xong mới trả tiền.
Đó là thủ đoạn liều mạng của con buôn, chớ họ có phải là chủ vườn đâu là biết trái họ bán ngon hay dở.
Thì cứ cãi bướng vậy đi, khách hàng yếu bóng vía - mà phần đông khách hàng đều như vậy cả- thì họ bán trôi hết, rủi ra gặp người kỳ khôi hiếm hoi như cái cô miệng rộng nầy thì sẽ tính.
Chị hàng sầu riêng biết gặp phải tay đối thủ, xuống giọng:
- Sầu riêng của tôi, ai ăn cũng khen hết, chỉ có một mình cô là chê thôi.
- Tôi không cần biết ý kiến người khác! Tôi ăn không vừa miệng thì tôi chê. Chị bán bao thì chị phải chịu trách nhiệm. Tôi khỏng bằng lòng trả tiền đó.
- Cô nói chơi hay nói thật? Dộng của người ta gần hai kí-lô rồi muốn nói ngược hả?
Cô miệng rộng vụt đứng dậy như có lò xo bật, xỉ tay vào sát trán chị hàng sầu riêng mà rằng:
- Nè tôi nói cho chị biết, ăn cướp là chị chớ không phải tôi, chị hỗn tôi đánh gãy răng.
Chị hàng sầu riêng cũng đứng lên và xăn tay áo mà rằng:
- Đây có sợ con nào đâu.
Nói thế, nhưng chị ta không được mạnh lắm. Chị ta hạ giọng ngay:
- Cô không bằng lòng thì cô đi thưa kiện đi:
Đó là giải pháp tài tình giúp chị ta tránh phải đánh lộn, mà lại bán trôi được hai kí-lô sầu riêng dở, vì chị ta biết nhà chức trách cũng sẽ xử phân hai nếu không xử ăn trợt, bởi không có cây thước nào trên đời nầy dùng đo được sự ngon dở của sầu riêng cả thì thánh cũng chẳng biết xử thế nào cho ổn! Người bán cố cãi bướng hàng họ ngon, người mua mà bất lương, thì cố tình quả quyết hàng dở để quịt tiền, không ai nhìn nhận sự thật cả.
Lắm khi cả đôi bên đều thành thật và vững tin nơi quan điểm của họ, chỉ phiền là quan điểm của họ không phù hợp với nhau.
Kẻ hiếu kỳ bu đen nghẹt quanh hai người nầy: Đây là bọn tào lao hay xen vào nội bộ của người ta, và cũng có ý kiến, y như họ, nghĩa là kẻ bảo sầu riêng ấy là sầu riêng ngon, người chê cơm sầu riêng nhão quá.
Đây là bọn ăn có, đánh hôi, quan điểm khác nhau của người trong cuộc đã làm điên đầu người ta rồi, họ nhảy vào gây rối thêm.
Cả hai người bán và người mua đều đâm cáu vì hai nhóm ủng hộ đả đảo nầy; họ quên giận nhau, day lại đổ trút căm tức của họ lên đầu bọn tào lao, khiến khu trái cây biến thành chiến trường một trận giặc nhỏ.
Sau một trận đấu khẩu hỗn loạn, họ kéo nhau lên bót cảnh sát, hai phe ủng hộ đả đảo nối đuôi theo họ, thành một dọc dài.
Bân chán nản, lắc đầu rồi bỏ đi.
Vụ cãi nhau nầy thật ra, chàng quên nó ngay sau khi bọn kia khuất dạng.
Chàng nghĩ liền đến bài toán nghệ thuật bể đầu của chàng.
Như vị ngon của sầu riêng, nghệ thuật không có cây thước nào đo được cả. Bọn thành thật thì tự nhiên có lý vì quan điểm chơn thật cửa họ, mà bọn bất lương cũng có lý tuốt vì giỏi ngụy biện.
Ông tòa phân xử vấn đề nghệ thuật sẽ xử ăn trợt như là cò bót xử các vụ tranh tụng về sầu riêng chăng?
Bân lên cầu đúc rồi tỳ tay vào lan can thành, nhìn giòng nước đục và bẩn bùn dơ dưới rạch. Con rạch bẩn thỉu nầy mà được chàng thi vị hóa, người đương thời sẽ chưởi rân lên là chàng nói láo. Nhưng ngàn năm sau, vật đổi sao dời, còn ai biết đâu là đâu và rạch Lái Thiêu lại chẳng nên thơ y hệt như bến Tầm Dương canh khuya đưa khách - của nhà thơ họ Bạch?
Trong giây phút, chàng muốn bỏ ngang công việc mà chàng khổ công đeo đuổi từ mấy năm nay, tuy chưa làm nên trò trống gì, nhưng mà chàng cảm giác rằng sẽ nên việc.
Chàng sẽ làm thầu khoán, đưa xe đò, làm thợ sơn hay bất kỳ nghề gì, thứ nào cũng dễ ăn hơn nhiều vì tất cả những công việc ấy có tiêu chuẩn rõ rệt, không minh mông và trừu tượng như văn nghệ mà ai muốn nói thế nào nghe cũng xuôi tai cả.
Rồi chàng đi, đánh một vòng lớn theo cái vòng chiều duy nhứt to lớn nhứt thế giới nầy. Vòng nầy là một vòng hình thuẫn, châu vi dài đến non ba cây số.
Bân qua tới cầu đúc thứ nhì, cũng bắc ngang trên con rạch bẩn thỉu nói trên thì mỏi chơn quá rồi.
Tinh thần uể oải của chàng, cọng vào sự mỏi rụng của hai hạ chi của chàng sao lại làm nẩy ra một phản ứng kỳ lạ hết sức. Chàng cố bám vào cô gái mà kẻ khen người chê, bên nào nói cũng có căn cứ và chàng cũng tin được, nhưng cứ mê.
"Nhưng những tác phẩm bất hủ trên đời nầy ở mọi tọa độ của nhiều kinh tuyến vĩ tuyến và từ cổ chí kim? Cớ sao những tác phẩm bất hủ ấy cứ tồn tại và càng sống lâu năm, càng được đa số tín nhiệm?
"Có phái chăng là vẫn có tiêu chuẩn cho vắn nghệ, và tiêu chuẩn ấy tế nhị quá nên ít người nắm vững, nhứt là người đương thời, và chỉ có thời gian mới là ông tòa đủ khả năng xét xử trái sầu riêng văn nghệ ngon hay là dở?".
Bân lại gầm đầu tiếp tục bước. Niềm tin đã len lén trở lại với chàng. Nó còn ngại bước, còn lấp ló đằng xa vì trận khởi chiến đằng chợ đã làm dao động mạnh tinh thần của chàng, khiến chàng chán nản quá, chỉ muốn đi làm thợ lò gốm cho xong.
Mười lăm phút sau, nhà văn tập sự nầy đi tới bót cảnh sát, đầu điểm của vòng chiều duy nhất của thành phố nhỏ nầy.
Vụ kiện đã được xử xong, và thiên hạ kéo nhau ra về.
Nhìn cái cô đẹp, sang mà miệng rộng, từ Sài-gòn, cơm ghe bè bạn lên tới xứ sầu-riêng để ăn sầu riêng, và nghe cô ta lẩm bẩm: "Mẹ kiếp, thật xui xẻo, trên bốn chục bạc toi mạng." Bân biết là họ đã xử "chìm xuồng" vụ tranh tụng nầy.
Chìm xuồng, nhưng người địa phương lại hoá ra thắng kiện. Người đương thời không sao mà không thương, ghét.
"Không, chàng lẩm bẩm, vị của sầu riêng không có tiêu chuẩn, nhưng văn nghệ thì có, năm mươi năm sau, giá trị của quyển "Sóng Tình" sẽ được đặt rõ, và mình cứ làm văn nghệ được, bởi sẽ có một ông tòa công minh và sáng suốt là thời gian."