Số lần đọc/download: 1661 / 23
Cập nhật: 2017-05-20 08:35:07 +0700
Chương 6
D
oàn tàu gồm ba chiếc ghe chầm chậm ra khơi chở theo phái đoàn tâm lý chiến của vùng 4 duyên hải đi thăm quần đảo Thổ Chu để chẩn bệnh, chích và phát thuốc cho dân trên đảo Thổ Chu và các đảo nào có dân chúng ở. Đi kèm theo phái đoàn có có một toán văn nghệ của riêng bộ tư lệnh vùng 4 duyên hải. Tất cả được nửa tiểu đội xung kích đi theo bảo vệ và giữ an ninh trật tự, chỉ huy bởi Nhẫn. Khi nghe trung úy Đan hỏi thì anh tình nguyện liền. Được dịp thăm viếng các hải đảo xa xôi tội gì không đi cho biết. Là nhân viên của phòng 5, nhân dịp may hiếm có Hiển rũ em gái đi chơi cho biết. Sợ em gái không chịu đi, anh nói Nhẫn sẽ có mặt trong chuyến đi này. Thế là Lựu nhận lời liền. Từ Phú Quốc đi tới hòn Thổ Chu độ trăm cây số. Ghe phải đi từ sáng sớm và chiều mới tới. Như có ý từ trước, Hiển và em gái lên chiếc ghe có Nhẫn. Anh lính cọp vằn không giấu được nét ngạc nhiên và vui mừng khi thấy Lựu xuống ghe. Thấy Nhẫn, Lựu cười nói đùa.
- Ủa anh Nhẫn cũng đi thăm Thổ Chu à…
Nhẫn chưa kịp trả lời, cô ta cười nói tiếp.
- Chắc anh định ra hòn Thổ Chu để kiếm một đảo nữ. Lựu nghe nói các đảo nữ ở hòn Thổ Chu đẹp lắm…
Hiển bật cười hắc hắc khi nhìn thấy nét mặt hơi sượng của Nhẫn khi bị em gái mình chọc phá. Để trả đũa, Nhẫn cười giỡn lại.
- Tôi có một đảo nữ rồi… Đảo nữ Thổ Chu đâu có bằng đảo nữ thơm mùi nước mắm của An Thới…
Hiển cười sặc sụa khi nghe Nhẫn ăn miếng trả miếng. Phần Lựu mặt đỏ lên, ngoe nguẩy đi ra trước mũi ghe ngồi ngắm cảnh. Nhẫn rón rén ngồi xuống bên cạnh.
- Lựu giận anh hả?
- Hông…
- Hổng giận sao mặt buồn hiu vậy…
Không trả lời Lựu xích ra xa như không muốn ngồi gần Nhẫn.
- Anh chê nước mắm mà lại gần làm chi…
Đốt điếu thuốc Nhẫn cười nhẹ hít hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Khói thuốc tan thật nhanh vì gió mạnh. Chiếc ghe xả hết ga, lướt sóng chạy nhanh vì muốn tới nơi sớm.
- Anh nói giỡn chứ anh đâu có chê… anh mê nước mắm gần chết…
- X… ạ… o…
Nhẫn bật cười vì cái giọng đã đớt của người ngồi bên cạnh.
- Nếu hổng mê nước mắm thì tại sao anh tới nhà Lựu mỗi ngày… bị người ta đuổi cũng hổng chịu về…
- Lựu hổng có đuổi anh à nghen… Ai mà dám đuổi ông lính cọp vằn…
Nói xong cô bật cười.
- Vậy là Lựu hết giận rồi phải hông
- Dạ…
Lựu dạ tiếng nhỏ. Nhẫn im lặng ngắm cảnh trời mây nước. Đây là lần đầu tiên anh được ra khơi. Gió mát thổi bay mái tóc dài của Lựu. Nắng rực rỡ chiếu xuống mặt biển thành màu xanh đậm. Sóng vỗ vào mạn thuyền văng nước lên chỗ hai người đang ngồi cạnh nhau ở đằng mũi. Ngồi ngắm biển một lát Nhẫn bắt đầu nhận ra chẳng có gì thay đổi ngoài nước xanh mênh mông với sóng bạc đầu trắng xóa. Bây giờ anh mới nhận ra biển khác với núi. Đi trong rừng núi cảnh vật thay đổi hoài nhờ có bông hoa cây cỏ tô điểm cho rừng núi một bộ mặt hoang sơ, kỳ vĩ và bí hiểm. Anh nhớ có lần đi lạc vào một thung lũng để lặng người trước nét đẹp của thiên nhiên. Nguyên thung lũng bạt ngàn màu vàng của thứ hoa gì anh không biết tên. Mùi hương theo gió đưa lại không nồng nàn mà thoang thoảng. Biển có cái đẹp của biển. Nó tạo cho anh cảm giác bình an, thảnh thơi của một đời sống thường nhật ít thay đổi. Biển như mẹ, ru con ngủ bằng tiếng sóng vỗ thì thào.
Liếc mắt qua Lựu đang ngồi im nhìn ra xa, Nhẫn thấy khuôn mặt trái soan, chiếc cằm thon, sóng mũi cao, đôi mắt khép hờ lại để tránh cái nắng gắt gao cho anh thấy rèm mi dài. Mài tóc dài được buộc lại bằng chiếc khăn mù xoa màu xanh. Lựu, cô gái của biển đó. Thật thà, mộc mạc, chân thành và chất phác. Dù có học, cô gái sinh ra ở biển, lớn lên ở biển và có thể cũng sẽ chôn đời mình ở biển vẫn còn nguyên cái chất muối mặn tình tự của quê hương có bãi cát trắng mịn không dấu chân người vào buổi sáng, có trăng lên cao dọi ánh sáng bàng bạc xuống hàng dương trước nhà.
Đưa tay lên nhìn đồng hồ thấy chỉ 1 giờ trưa, Nhẫn quay qua hỏi nhỏ.
- Lựu đói chưa?
- Dạ sắp xỉu rồi…
Nói xong cô cười hắc hắc. Nhẫn đứng lên cười thốt.
- Ngồi đây chờ anh đi lấy thức ăn…
Lát sau anh trở lại với cái ba lô nằng nặng. Đặt nó xuống sàn thuyền, anh cười nhìn Lựu.
- Bữa nay anh mời Lựu ăn cơm Mỹ…
Cô gái nhìn ông lính lôi ra những lon đồ hộp màu xanh ô liu xong dùng đồ khui hộp khui nào thịt ba lát, bánh lạt, bánh ngọt, lon trái cây. Dùng con dao bằng nhựa cắt miếng thịt ra thành nhiều miếng nhỏ cho dễ ăn, Nhẫn đưa cái nĩa nhựa cho Lựu xong cười cười
- Lựu thử đi…
Cầm chiếc nĩa nhựa cô gái chưa ăn vội mà còn quan sát thức ăn lần đầu tiên nàng mới được thấy. Ghim lấy miếng thịt đưa lên xăm xoi rồi cô nàng cắn miếng nhỏ nhai chầm chậm.
- Ngon không Lựu?
Cô gái cười cười trả lời.
- Không ngon mà lạ… rồi mình ăn cái gì với cái này?
Hiểu ý Nhẫn đưa cho Lựu phong bánh lạt.
- Hổng có rau hả anh Nhẫn?
Nhẫn cười lắc đầu thong thả giải thích.
- Đây là khẩu phần ăn của lính Mỹ trong lúc đi hành quân không thể nấu nướng được thành ra thức ăn giản dị và không ngon…
- Lính Việt Nam mình, như anh Nhẫn đi hành quân ăn cái gì?
- Thì cũng ăn cơm, cá, thịt, rau… Đại khái là như vậy. Khi nào nấu được thì lính sẽ nấu cơm ăn, còn khi nào không nấu được thì ăn gạo sấy với đồ hộp…
- Ngon hông anh Nhẫn?
- Cơm lính mà ngon gì. Ăn để no, để sống mà. Nói vậy chứ cũng ngon vì khi mình đói thì ăn cái gì cũng ngon… Cơm trắng chan nước mắm tỏi ớt cũng ngon…
Nói tới đó Nhẫn ngừng lại khui thêm lon thịt ba lát nữa. Ăn hết 1 miếng thịt ba lát với phong bánh lạt xong Lựu lắc đầu thốt.
- Em no rồi… Em chỉ ăn chút trái cây là đủ… Anh ăn hết đi…
- Chừng nào mới tới hòn Thổ Chu, Lựu biết không?
- Dạ Lựu không biết. Cũng như anh Nhẫn, đây là lần đầu tiên em đi ra Thổ Chu. Quần đảo này là quần đảo nằm xa ngoài biển nhất trong các quần đảo thuộc lãnh hải nước mình như quần đảo Nam Du, quần đảo An Thới và hòn Khoai. Từ Rạch Giá đi tới Thổ Chu hơn hai trăm cây số…
- Ở xa đất liền như vậy chắc họ nghèo và cực khổ lắm hả Lựu?
- Dạ… Tuy nhiên…
Lựu ngừng lời sau khi nói hai tiếng tuy nhiên khiến cho Nhẫn đang ăn phải ngước lên nhìn cô.
- Họ nghèo nhưng chưa chắc họ khổ, họ cực. Sự khổ cực hay sung sướng của người ta chưa chắc do giàu nghèo. Anh Nhẫn có nghĩ như vậy không?
Nhẫn nhìn Lựu giây lát rồi mỉm cười.
- Sao anh Nhẫn cười?
- Tôi cười vì tôi không ngờ cô đảo nữ nước mắm của tôi lại có sự suy nghĩ chín chắn. Có người giàu mà cực mà khổ. Trong khi có người nghèo lại sướng. Chẳng qua là người ta không biết cái mà ông Nguyễn Công Trứ nói…
Lựu lên tiếng phụ họa liền.
- Tri túc, tiện túc; đãi túc, hà thời túc
Tri nhàn, tiện nhàn; đãi nhàn, hà thời nhàn…
là vậy phải không anh. Lựu thấy ở thành thị mình sướng vì có đầy đủ văn minh vật chất, có được cái học thức để hiểu biết chuyện này chuyện nọ. Song song với cái sướng đó mình lại có cái khổ là không được thảnh thơi. Mình cực vì phải bận rộn làm việc để có tiền phục vụ cho những nhu cầu vật chất của mình. Vì vậy mà mình cực. Con người ta khi thiên về vật chất nhiều quá thì lơ là cái phần tâm linh của mình…
Quẳng mấy lon đồ hộp không xuống biển, Nhẫn nói trong lúc thu dọn bữa ăn cho sạch sẽ xong cười.
- Đó là lý do tại sao anh kết Lựu. Suy nghĩ ra những điều đó Lựu xứng đáng ngôi vị nữ chúa đảo An Thới…
Lựu bật ra tiếng cười hắc hắc như thích thú và sung sướng vì được Nhẫn khen.
- Như vậy hết là đảo nữ nước mắm rồi phải hông?
Nhẫn cười khom người đốt điếu thuốc. Trong lúc khom người anh lại nghiêng sát vào người của Lựu để che bớt gió.
- Vẫn còn… Nước mắm nằm trong An Thới. Anh đã nói với Lựu rồi anh mê nước mắm mà. Sau này có đi xa anh vẫn nhớ nước mắm hoài…
Nhận thấy nét thoáng buồn trên mặt của Lựu, Nhẫn tiếp với giọng nhẹ và ân cần.
- Nói vậy chứ còn hơn hai tháng nữa anh mới trở lại Sài Gòn… Mình còn thì giờ để vui với nhau…
Cười gượng, Lựu ngồi im ngắm biển với vẻ tư lự.
- Lựu uống nước nè…
Đưa cái bi đông ra, thấy cô gái hơi ngần ngừ Nhẫn cười.
- Uống theo kiểu lính đi… Anh hổng có ly…
Mỉm cười khi thấy Nhẫn ra dấu cho mình đưa bi đông lên miệng tu, Lựu thong thả uống từng ngụm nước lạnh. Đưa trả bi đông lại cho Nhẫn, cô nở nụ cười nhìn anh như tỏ ý cám ơn. Nhẫn khẽ gật đầu hiểu ý. Anh thích nụ cười của Lựu. Cô gái nửa phần quê nửa phần tỉnh này còn rất nhiều cái chất mộc mạc, chân thật và hồn nhiên. Đi học ở tỉnh thành, dĩ nhiên cô cũng bị ảnh hưởng của văn minh thành thị xuyên qua một vài cử chỉ và rõ nhất là lời ăn tiếng nói, cách sử dụng ngôn từ để bày tỏ cảm nghĩ của mình. Dân quê vốn ít học thêm không bị thành thị hóa nhiều, do đó cách diễn đạt tư tưởng của họ cũng khác dân thành thị. Càng bị thành thị hóa nhiều chừng nào, nghĩa là bị ảnh hưởng của nền văn minh tây phương thì cái nhìn và sự suy nghĩ sẽ khác đi. Dân quê chịu ảnh hưởng của nền văn hoá tịnh mà anh gọi là '' văn hoá thấm ''. Còn nền văn hoá Âu Tây là nền văn hoá động mà anh gọi là nền văn hoá xâm thực, có tính chất xâm chiếm nhiều hơn là hoà nhập. Ở vùng miền tây ít có bóng dáng của quân đội Mỹ cho nên người dân vẫn còn giữ được rất nhiều chất quê hơn ở những vùng từ Sài Gòn trở ra ngoài miền trung. Đã dạo phố Rạch Giá mấy lần anh không thấy bóng dáng của lính Mỹ la cà trên đường phố hoặc các bar, bia ôm dành riêng cho GI. Rạch Giá và các tỉnh của miền tây mà anh có dịp đi qua không có sự hiện diện của lính Mỹ trên đường phố, không có các cô gái bán bar ăn mặc hở hang, lố lăng làm cho người ta phải khó chịu. Cần Thơ là nơi đô hội nhất của vùng 4 mà cũng ít khi thấy lính Mỹ, hoạ hoằn lắm mới có đoàn công voa của quân đội Mỹ chạy qua thành phố. Trong khi Sài Gòn, Biên Hoà, Vũng Tàu, Nha Trang, Phù Cát, Chu Lai và Đà Nẳng thì lính Mỹ nhan nhản trên đường phố, lái xe nghênh ngang và các bar Mỹ thì khỏi nói, nhiều hơn trường học, chợ búa, quán ăn của Việt Nam. Có thể nói dù chiến tranh đang leo thang, miền lục tỉnh vẫn không bị huỷ hoại nhiều so với các nơi khác, vì vậy dân tình ở đây vẫn hưởng được sự bình yên và nếp sống cổ truyền vẫn còn tồn tại dưới sức xâm thực của nền văn hoá âu tây.
- Hòn Thổ Chu đó anh Nhẫn…
Đang suy nghĩ nghe tiếng nói nhỏ nhẹ, Nhẫn ngước lên nhìn theo ngón tay trõ của Lựu và thấy một hòn đảo nhô lên khỏi mặt nước. Cây cối xanh xanh.
- Chỗ nào đâu… Anh có thấy gì đâu…
Nhẫn lên tiếng. Thật ra anh đã thấy rồi song làm bộ như không thấy gì hết.
- Đây nè… Anh nhìn theo ngón tay của Lựu nè…
Nhẫn làm bộ khom người đưa cái mặt của mình chạm vào ngón tay trõ của Lựu. Hơi dựa má vào bàn tay của cô gái, anh gục gặt đầu lên tiếng.
- A… đẹp hả Lựu…
Lựu quay sang nhìn người lính bên cạnh.
- Cái gì đẹp… Lựu đâu có thấy cái gì đẹp đâu…
- Đó đó… cái vật đang đưa ra đó…
Tới đây thì đảo nữ An Thới mới biết ông lính cọp rằn khen ngón tay và luôn cả bàn tay của mình đẹp. Mặt ửng hồng cô ta dùng dằng.
- Anh kỳ ghê… Tay đâu có gì đẹp mà anh khen… Xạo hông hà… Nó hôi nước mắm…
Dứt lời cô ta rụt tay lại. Cười với mình, Nhẫn lẩm bẩm cốt ý cho người ngồi cạnh nghe.
- Bàn tay hôi nước mắm là bàn tay của biển…
Bật lên tiếng cười nhỏ Lựu quay nhìn người vừa nói câu trên.
- Bàn tay của biển là bàn tay gì hả anh?
Hít hơi thuốc Nhẫn trả lời chậm.
- Ngày xưa khi chưa biết Lựu thì biển đối với anh thật xa lạ. Từ khi quen Lựu rồi anh cảm thấy biển rất gần gụi…
Nhẫn ngừng nói khi thấy Lựu nhìn mình với ánh mắt dò hỏi.
- Anh nói thiệt mà…
- Thiệt mà thiệt bao nhiêu phần trăm…
Lựu cười sau khi buông câu hỏi.
- Chừng bảy tám chục phần trăm…
Lựu gật đầu.
- Như thế thì Lựu tin anh Nhẫn… Như thế cũng đủ cho Lựu ngồi đây nghe anh nói…
Hít hơi thuốc dài, ném tàn thuốc xuống biển, Nhẫn cười cười nói với giọng nửa giỡn nửa thật.
- Hú vía… May mà anh nói thật chứ nói trăm phần trăm là bị Lựu đạp xuống biển rồi…
Lựu bật lên tiếng cười vang trên mặt biển sóng vỗ thành bọt trắng xóa.
- Ừ… đạp cho anh Nhẫn lọt xuống biển thành nam nhân ngư để anh đi kiếm Thổ Chu đảo nữ của anh…
Mọi người trên ghe lo chuẩn bị đồ đạc để lên bờ vì ghe sắp ủi vào bãi Ngự. Đây là nơi mà dân chúng, gồm chừng sáu trăm người phần lớn tập trung vào. Đứng bên cạnh Nhẫn, Lựu nói nhỏ.
- Anh Nhẫn chưa nói hết về bàn tay của biển nghen. Tối nay trăng lên trên bờ biển đẹp lắm…
Được Lựu mớm lời, Nhẫn gật đầu thì thầm.
- Tối nay mình đi dạo trên bãi biển rồi anh sẽ nói…
Lựu gật đầu nhè nhẹ, liếc anh ruột của mình đang đứng bên cạnh.
Trăng mênh mang. Trăng bàng bạc. Trăng mông lung. Trăng huyền ảo. Bất cứ ngôn từ nào cũng không đủ nghĩa để diễn tả nét đẹp của trăng trên bãi biển. Gió không mạnh mà cũng không nhẹ, chỉ vừa đủ bay mái tóc dài của Lựu. Áo bà ba trắng, quần đen, chân trần, cô đi bên cạnh Nhẫn, mặc quần trây di, áo sơ mi trắng và cũng chân trần. Đôi bạn song song bên nhau bước trên nền cát mịn, ẩm ướt đủ để lưu lại thành những vết chân. Ánh trăng mùng mười trễ tràng buông xuống màu trắng óng ánh trên tóc, trên nền áo trắng và trên làn da mặt rám nắng của cô gái sinh ra và lớn lên ở biển.
- Đẹp quá…
Nhẫn khen gọn vì vậy mà Lựu không biết anh khen ai hay cái gì. Hít hơi dài cô nhìn quanh quất. Bãi biển vắng người vì nơi họ đang đi xa chỗ cắm trại. Xa trong kia, dưới các chòm cây đen có ánh đèn từ các ngôi nhà của dân trên đảo. Hồi chiều, vị bác sĩ quân y, trưởng phái đoàn, dưới sự phụ giúp của mọi người đã cho dựng lều dùng làm nơi chẩn bệnh và phát thuốc cho dân vào sáng ngày mai. Tiếng cười nói, đàn hát văng vẳng. Ánh lửa trại bập bùng trong đêm trăng sáng.
- Lúc mới ra An Thới, chẳng thấy có gì đẹp anh chán lắm. Phố nhỏ buồn hiu, đi dăm bước đã về chốn cũ…
Lựu mỉm cười. Nhẫn liếc qua bên cạnh. Ánh trăng dọi xuống mặt người thành màu trắng bàng bạc chút hơi sương. Anh cảm nhận ra mùi hương dịu dàng từ thân thể cô bạn gái thấm vào mũi của mình. Thứ mùi hương tự nhiên, không phải của nước hoa, son phấn nhẹ êm hoà quyện vào ánh trăng, gió biển mằn mặn thành thứ mùi hương thật lạ và thật tự nhiên. Toàn người của Lựu là cái tự nhiên tới độ không ai chú ý, như thuỷ triều lên rồi lại xuống, mặt trời mọc rồi lặn, trăng lên cao rồi trăng lu. Ở Lựu là sự chân thật từ thân xác và tâm hồn, từ trên đầu xuống tới chân. Tóc không có uốn quăn mà tự nhiên, dài như chưa bao giờ được cắt tỉa. Mái tóc của cô gái mười sáu là cả sự quyến rũ đối với Nhẫn. Nó thơm mùi gió biển. Nó mềm mại của làn da mịn màng mà săn chắc như cát mềm đang lạo xạo dưới chân, thứ làn da tự nhiên chứ không phải do phấn sáp tạo ra. Đôi môi có màu tự nhiên chứ không phải tô son. Đó là màu của mặt trời lên trên biển mà anh nhìn thấy mỗi buổi sáng khi ngồi trên bãi cát trước sân nhà hay màu của mặt trời xuống trên mặt biển xanh. Đôi mắt của Lựu là cõi mộng trời mơ. Nó trong veo như tâm hồn chứa đầy sự hồn nhiên, sự thành thật và lòng thương yêu tất cả mọi người. Từ lúc gặp và tới bây giờ, anh chưa thấy Lựu đeo nữ trang, dù anh biết nếu muốn cô có thể sắm được những thứ đó. Hai bàn tay trơn tru trừ chiếc đồng hồ cũ nơi cổ tay mà cô nói của má mua cho khi thi đậu vào lớp đệ thất. Người ta nói '' bộ áo không làm nên thầy tu '' thì ở Lựu, nữ trang, son phấn, lụa là, quần áo không làm thành vẻ đẹp của cô, vẻ đẹp của biển, giản đơn mà không dung dị, dịu nhẹ mà cuồng nhiệt, đơn sơ mà phức tạp.
- Anh nghĩ gì vậy anh?
Lựu mỉm cười cúi nhìn xuống nền cát vàng mịn đầy ánh trăng như giấu vẻ e thẹn của mình. Chắc khung cảnh thơ mộng khi đang đi dạo với người lính đã kích động vào tính lãng mạn chìm ẩn làm cho cô không tự chủ phải bật ra câu nói có chút âu yếm. Không biết nghĩ gì Nhẫn đưa tay ra nắm lấy bàn tay của Lựu và cô để yên không rụt lại. Lát sau gần tới chỗ có ánh lửa sáng cô mới nhúc nhích bàn tay như ra hiệu cho Nhẫn buông tay của mình ra. Biết Lựu giữ ý không muốn người khác thấy cử chỉ âu yếm của hai người, Nhẫn cười buông tay cô ra. Lựu nhìn anh cười bẽn lẽn thì thầm.
- Mình đi nữa không anh?
- Lựu mệt chưa?
- Dạ cũng hổng mệt nhiều lắm. Nếu anh muốn thì mình đi một vòng nữa rồi về ngủ…
Suy nghĩ giây lát Nhẫn cười lắc đầu.
- Thôi mình đi về để anh Hiển khỏi trông. Đi lâu quá ảnh dám la làng anh bắt cóc Lựu…
- Anh dám bắt cóc không mà anh nói?
Không trả lời, Nhẫn hỏi lại.
- Nếu anh bắt cóc thì Lựu có chịu cho anh bắt cóc?
- Hổng biết…
Lắc lắc đầu cười khẽ Lựu tiếp bằng giọng nũng nịu và có chút gì đùa giỡn.
- Ngay bây giờ thì hổng chịu đâu, còn mai mốt thì chưa biết…
Cười hăng hắc Nhẫn bước về chỗ có ánh đèn sang sáng. Hơi giữ ý, Lựu đi sau chừng ba bước. Khi nghe có tiếng người cười nói văng vẳng, cô rẽ sang ngõ khác đi về chỗ có ánh lửa sáng.
Mới 9 giờ sáng mà dân chúng trên đảo đã tề tựu tại căn lều lớn của phái đoàn y tế chờ bác sĩ chẩn bệnh và phát thuốc cho họ. Còn cô y tá trưởng thì đang khám răng cho mấy đứa con nít và người lớn. Khám xong cô ta sẽ đưa qua cho Lựu phát bàn chải và kem đánh răng đồng thời giải thích cho họ về cách dùng bàn chải cũng như cách thức giữ gìn hàm răng của họ cho khỏi bị sâu răng. Đang lăng xăng làm việc Lựu thấy Nhẫn đứng đằng xa sau gốc cây dừa giơ tay ngoắc mình. Khe khẽ lắc đầu nàng ra dấu cho anh lại gần.
- Dạ có chuyện gì vậy anh Nhẫn?
- Tính rủ Lựu đi ra bãi biển chơi...
Lựu cười nói nhỏ.
- Lựu sẽ đi với anh sau khi làm việc xong. Nếu anh muốn Lựu đi sớm hơn thì anh phụ đi...
Nhẫn cười rè vì ý muốn rủ cô đi chơi mà lại bị dụ làm việc.
- Tôi đâu có quen làm mấy cái vụ này...
Lựu cười nhìn Nhẫn bằng ánh mắt tinh nghịch.
- Lựu cũng đâu có quen làm nhưng dễ lắm. Anh Nhẫn chỉ cho họ cách đánh răng và giữ gìn hàm răng của họ. Hổng lẽ anh hổng biết đánh răng...
Cười hì hì, Nhẫn đùa một câu.
- Lính cọp rằn như tôi chỉ biết đánh giặc chứ hổng biết đánh răng. Chắc phải nhờ cô Lựu chỉ cách đánh răng cọp...
Mọi người đồng bật cười khi nghe Nhẫn nói giỡn. Không vừa cô nữ sinh của trường trung học Rạch Giá cũng trả lại một câu.
- Dạ Lựu hổng biết cách đánh răng mà chỉ biết bẻ răng cọp hà... Anh Nhẫn chịu hông thì đưa đây Lựu bẻ dùm cho...
Tới phiên ông bác sĩ quân y của hải quân ré lên tiếng cười. Còn Hiển cũng tủm tỉm cười khi nghe em gái mình ăn miếng trả miếng với ông lính chiến. Nhìn thấy dáng điệu ngượng ngùng và lúng túng của Nhẫn, anh cười lên tiếng.
- Thôi chú lại phụ con em tôi chỉ cách đánh răng cho bà con ở đây đi… Hổng nghe lời nó bẻ răng thì tôi cũng đầu hàng luôn…
Cười hà hà Nhẫn bước tới chỗ Lựu đứng phụ cô chỉ dẫn cách cho các em bé đánh răng. Vừa làm anh vừa thì thầm to nhỏ. Không biết ông lính nói cái gì mà Lựu lại đỏ mặt lắc đầu cười nói.
- Hổng được đâu… Anh Nhẫn mới làm có chút xíu mà đã đòi thưởng rồi… Mà thưởng cái gì… Lựu đâu có cái gì để thưởng cho anh…
Nhẫn kề tai Lựu thì thầm. Mặt hồng lên cô lắc đầu quầy quậy.
- Anh kỳ quá… Hổng lo làm mà cứ nghĩ tầm bậy tầm bạ…
Nói xong thấy Nhẫn có vẻ buồn, cô quay qua cười với anh rồi nói nhỏ.
- Anh rán làm chút nữa thôi rồi Lựu sẽ đi ra bãi biển với anh… Còn cái vụ thưởng anh thì từ từ đã…