Books can be dangerous. The best ones should be labeled "This could change your life."

Helen Exley

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2020-10-23 04:17:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
7
Ngày mai kiểm tra tinh trùng. Vương Thảo Căn rất hiếu kỳ, lần trước trong cuộc họp, ông nghe các bác sĩ giảng một bài về khoa học sinh đẻ thì mới biết mắt thường không nhìn thấy tinh trùng, chúng bé tí tẹo, phải nhìn qua kính hiển vi, hình dáng thì như con nòng nọc, lại biết bơi, bơi đi bơi lại trong chất dịch nhờn, gọi là tinh dịch. Con nào bơi hăng nhất thì đó là công thần có khả năng khiến đàn bà mang thai cao nhất. Xưa nay Vương Thảo Căn không ngờ trong cái b. của mình lại chứa nhiều nòng nọc tí hon đến thế. Chúng còn bơi nữa, vậy mà mình không cảm thấy ngứa. Có con gì đó bơi đi bơi lại trong người mà sao mình không cảm thấy nhỉ? Quái lạ thật! Trên đường về nhà, ngồi trong chiếc Benz, ông cố để ý xem có ngứa hay đau không, nhưng vẫn không cảm thấy gì hết.
Lưu chủ nhiệm bảo ngày mai đưa bà nào đi giúp ông xuất tinh do ông quyết định. Việc này khiến ông phải tốn công động não một phen.
Đến đây thì phải giới thiệu tình sử của Vương Thảo Căn mới được. Nếu không bạn đọc ắt lấy làm lạ một người mới phất lên “xưa nay không thích đ. đàn bà”, “Không hút thuốc, không uống rượu, không trai gái” thì làm sao lại có đến ba bà vợ? Bao bà Hai còn chưa đủ hay sao mà còn bao đến người thứ ba?
18
Phu nhân chính thức của Vương Thảo Căn, tức bà Cả, được mối lái, cưới hỏi đàng hoàng khi ông còn là nông dân.
Vương Thảo Căn là con trai duy nhất của gia đình họ Vương, điều đó khiến chúng ta thông cảm vì sao ông bức thiết muốn có con trai như vậy. Nếu không có con trai, việc nối dõi tông đường trở thành vấn đề gay go nhất, thì nhà họ Vương coi như tuyệt tự. Đây là việc sỉ nhục, xấu hổ nhất ở nông thôn, bị người ta bàn tán là tổ tiên ăn ở chẳng ra sao, chỉ có nhà vô phúc mới tuyệt giống tuyệt nòi. Tuyệt giống tuyệt nòi là câu chửi độc địa nhất ở nông thôn. Quan niệm “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”- bất hiếu có ba điều, tuyệt tự là lớn nhất, cho dù đã được bài trừ quyết liệt trong “Đại Cách mạng Văn hóa” nhưng nọc độc vẫn để lại đến vạn đời.
Quê Vương Thảo Căn ở một huyện cùng khốn nổi tiếng thuộc Tứ Xuyên, núi đồi thì nhiều, ruộng đất thì ít. Trong thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp sau giải phóng không lâu, cha ông lao động trong hợp tác xã, mẹ ông cày cuốc trên mảnh đất cỏn con mà thời ấy nông dân được giữ lại. Sau đó, hợp tác xã làm ăn mỗi ngày một kém, lương thực được chia cả năm không đủ ăn trong nửa năm, nhà Vương Thảo Căn cũng như các hộ nông dân khác trong toàn quốc, hầu như phải dựa hoàn toàn vào mảnh đất cỏn con kia mà duy trì cuộc sống. Phong trào “công hữu hóa” và “tập thể hóa” xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh vào những năm 50 của thế kỷ trước, đã tước đoạt tư liệu sản xuất của quần chúng nhân dân. Khẩu hiệu “Của anh, của tôi đều là của mọi người” đã làm tăng thêm ý thức tư hữu của dân chúng, đó là điều người đặt ra chính sách không hề nghĩ tới. Bởi vì sau khi “công hữu hóa” và “tập thể hóa”, hễ là đơn vị sản xuất công, nông nghiệp “công hữu” và “tập thể” thì sức sản xuất càng ngày càng sút kém, chỉ có trên mảnh đất bé bằng bàn tay mà chính phủ chia cho các gia đình, để cho nông dân tự sản xuất, kinh doanh là sức sản xuất tăng lên tơi tới. So sánh đôi bên, “công”, “tư” rõ ràng, theo con mắt của người nông dân, họ không thấy tí tẹo tính ưu việt nào của “công”, còn lợi ích của “tư” thì ngày càng rõ rệt. “Lấy nghề phụ nuôi nghề chính” là hiện tượng kinh tế hết sức phổ biến ở nông thôn trước khi thực hiện cải cách, mở cửa, vì thế “tư hữu” trở thành mục tiêu theo đuổi và hướng tới trong thời gian dài của nông dân Trung Quốc, sau đó mới có chuyện hơn hai mươi hộ nông dân ở huyện Phụng Dương tỉnh An Huy không quản hiểm nguy tù tội, tự chia ruộng, rồi tự mình cày cấy, mở màn cho giai đoạn cải cách, mở cửa.
Sau khi mẹ mất, từ hồi mới sáu tuổi, Vương Thảo Căn đã bắt đầu thay mẹ gánh toàn bộ công việc trồng trọt trên mảnh đất được để lại. Nhà ông ở nơi khá hẻo lánh, trường tiểu học cách đấy mười mấy dặm đường, muốn học cũng khó nên ông chưa một ngày nào bước vào cổng trường. Ngoài những khi nhặt rác sau này, tay ông chưa từng cầm tờ giấy, nói gì đến sách. Nhưng Vương Thảo Căn từ nhỏ đã sớm tiếp thu tư tưởng thực dụng là “của chung không đáng tin, chỉ có đất để lại là đáng tin cậy nhất, cần phải chăm chỉ làm lụng trên mảnh đất của nhà mình”, cho nên ý thức tư hữu đã thâm nhập cốt tuỷ của ông rất sâu. Ý thức đó được ghi nhớ hơn bất kỳ kiến thức nào ở nhà trường, mãi mãi không quên.
Đó chính là nguyên nhân vì sao ông Ủy viên Chính trị Hiệp thương thành phố C, một trong “Mười doanh nhân lớn” của thành phố, không biết một chữ mà lại sáng suốt, giỏi giang như thế.
Vương Thảo Căn là con trai duy nhất trong gia đình, nhà cửa có sẵn, ruộng vườn cũng là đất khoán sẵn, lấy vợ chẳng có gì khó khăn. Khi người cha cảm thấy mình sắp gần đất xa trời thì trong lòng cảm thấy có lỗi với con trai. Đứa con đã cùng ông làm quần quật mười mấy năm trời, lúc đầu trên mảnh đất được chia, sau đó trên mảnh ruộng nhận khoán, mưa gió cũng ra đồng, cúi mặt xuống đất ngửa lưng lên trời, vậy mà chưa bao giờ nó có lời oán than. Vì thế người cha quyết tâm tìm cho con cô vợ tốt, coi như phần thưởng cho con trong bao năm lao động cực nhọc với mình.
Một hôm, người cha gánh một gánh khoai ra chợ bán. Tới dãy hàng rau, ông đặt gánh xuống thì thấy bên cạnh có một cô gái chừng hai mươi tuổi cũng đang bán khoai. Khoai của cô củ to mập và sạch đất còn khoai của ông thì cũng giống như người, vừa gầy vừa nhỏ, lại quắt queo nữa. Lát sau, gánh khoai của cô gái đã vơi được quá nửa, còn gánh khoai của ông thì chẳng ai hỏi tới bèn bảo ông:
- Bác ơi, cháu xin lỗi nhé! Hay là cháu gánh khoai lánh ra xa một chút để bác còn bán được. Cháu không cố ý giành khách mua của bác đâu.
- Sao cháu lại nói như thế? Cháu bán được nhiều thì bác cũng vui chứ! Cháu đến trước, bác đến sau, sao lại nói cháu giành khách của bác được? Vừa hay hôm nay bác không túng tiền, chỉ muốn tới chợ chơi thôi. Cháu này, cháu trông hộ bác gánh khoai có được không? Bán được hay không cũng chẳng sao, không ai mua thì bác đem về nuôi lợn.
Cô gái bằng lòng:
- Bác ơi, bác đừng đi xa quá nhé, cháu phải về ngay đấy!
Ông già vừa trấn an cô: “Về ngay đây, về ngay đây!”, vừa chạy vội đến cửa hàng bách hóa mua một cái gương nhỏ có riềm hoa và một chiếc khăn tay hoa rồi vội vã trở về.
- Cháu ơi, đây là chút lòng thành của bác! - Ông già giúi gương và khăn vào tay cô gái - Cháu à, bác không khéo nói, cứ thật thà nói với cháu vậy. Nhà bác có thằng con trai chừng tuổi cháu, tính tình trung hậu thật thà, chịu thương chịu khó, dáng dấp trông được lắm, sức khỏe cũng tốt, chỉ có điều hai cha con bác ở hơi xa cho nên mãi vẫn không kiếm được cô nào. Lúc nãy bác đứng cạnh quan sát cháu mãi, cháu là cô gái tốt, thằng con bác mà lấy được cháu làm vợ thì bác có chết cũng được ngậm cười nơi chín suối. Nếu không thì hai đứa cứ gặp nhau một lần, nếu cháu không ưng thì coi như bác không được hưởng phúc ấy, như thế có được không?
Ông già nói như dốc bầu tâm sự, ào ra một hồi khiến cô gái hết sức kinh ngạc. Cô ngạc nhiên nhìn ông già, không biết trả lời ra sao.
- Như thế này nhé! Cháu ở thôn nào? Bác sẽ tới thưa chuyện với cha mẹ cháu. Nếu không, bác sẽ dẫn thằng con trai tới cho cháu xem mặt trước đã.
Nhà cô gái thực ra cách nhà Vương Thảo Căn không xa, ở ngay dưới chân đồi. Mấy ngày sau, ông già mang theo trà bánh rồi dẫn Vương Thảo Căn tới thăm nhà cô gái.
Đừng tưởng Vương Thảo Căn mù chữ thì không có chút văn hóa nào. Hồi trẻ ở trong thôn, ông cũng hơi nổi tiếng đấy. Người làng đều khen thằng bé này có nhiều sáng kiến, hay bênh vực người yếu, hay giúp đỡ người khác. Nhà ai có việc bận như lợp nhà, cắt lúa, cần tìm người giúp thì người đầu tiên họ nghĩ đến là Vương Thảo Căn. Vương Thảo Căn không những làm việc cẩn thận mà còn biết nghĩ ra nhiều cách, nên thường làm ít mà thành công nhiều. Hôm theo cha đến nhà cô gái, Vương Thảo Căn mặc chiếc áo mới chưa hề xỏ tay lại sửa sang đầu tóc gọn gàng nên rất giống công nhân thành phố.
Nhà cô gái rất náo nhiệt. Ngoài cha mẹ cô, các cô, các dì, các bà của cô cũng đến. Vương Thảo Căn có đặc điểm là ở chỗ lạ thường không nói nhiều và sau này trong các hội nghị cũng vậy. Vì thế chẳng ai nhận ra trình độ ông cao, thấp thế nào, có người còn tưởng rằng ông rất sâu sắc, đầu óc thâm thúy khó lường. Mãi cho đến lúc trở thành vợ của Vương Thảo Căn, cô gái mới biết chồng mù chữ. Còn Vương Thảo Căn, hễ ngồi lên ghế thì có thể ngồi cả ngày cũng được, cha mẹ và các cô, các dì của cô có hỏi điều gì thì Vương Thảo Căn chỉ cười, mời ăn cũng không ăn, mời uống cũng chẳng uống, có vẻ rất thanh cao. Huống hồ Vương Thảo Căn ngũ quan ngay ngắn, thân thể cường tráng là điều người nông thôn rất coi trọng. Họ cảm thấy chàng trai này có sức lực, lại không khoe mẽ, thật thà đáng tin.
Điều kiện kinh tế của hai gia đình tương đương nhau. Hồi ấy, các hộ nông dân hai miền nam bắc trong cả nước đều giông giống nhau cho nên cuộc hôn nhân này được chấp thuận ngay lập tức. Việc ấy có ảnh hưởng rất lớn đến Vương Thảo Căn sau này, dù làm việc gì cũng phải quyết đoán ngay tức khắc, phải nhanh chóng đưa ra quyết định cuối cùng. Chẳng hạn, nếu việc thu mua một xí nghiệp mà kéo dài hơn thời gian bàn chuyện hôn nhân hôm ấy thì ông sẽ không chịu được. Tuy nhiên, có gì quan trọng hơn là bàn chuyện hôn nhân chứ?
Cưới vợ cho con trai được một năm thì năm sau, người cha dường như đã hoàn thành nhiệm vụ nên bình thản nằm trên giường lặng lẽ ra đi. Hồi ấy ở nông thôn, sống đến ngoài năm mươi tuổi đã coi là thọ. Cha mất được một năm thì Vương Thảo Căn có con gái đầu lòng. Sau khi có con được một năm, ruộng nhận khoán của Vương Thảo Căn bị trưởng thôn tịch thu.
Trưởng thôn lấy lại ruộng khoán của nhà họ cũng cảm thấy áy náy nên đồng ý cho Vương Thảo Căn nhận khoán ao cá của thôn. Năm ấy, nhận khoán ao cá là may lắm nhưng vợ Vương Thảo Căn không muốn nhận, bảo chồng:
- Hôm nay ông ta cho chúng ta nhận khoán ao cá thì ngày mai khi chúng ta làm tốt, ông ta ắt đòi lại. Chúng ta không ở đây được nữa đâu, lên thành phố kiếm việc cho rồi.
Vương Thảo Căn mù chữ nhưng vợ ông lại có trình độ văn hóa cấp một, cho nên trước mặt vợ, ông luôn cảm thấy mình thấp hơn một cái đầu. Vợ bảo lên thành phố thì lên thành phố, thế là cả nhà Vương Thảo Căn ra tỉnh.
Một nhà ba nhân khẩu đội nắng phơi sương, sáng ăn tối ngủ. Vợ ông bế đứa con gái mới một tuổi không chê ngồi trên xe chở gạch cũ nát, hay xe chở lợn hôi thối nên họ chẳng phải trả một đồng tiền xe nào, chỉ phải đổi mấy lượt xe, sau năm ngày thì họ đã đặt chân đến thành phố C.
Tới thành phố, trong tay họ còn mấy trăm bạc tiền bán nhà, trước hết hai vợ chồng tìm một nhà trọ rẻ tiền nhất để ở rồi Vương Thảo Căn chạy đôn chạy đáo làm thuê. Làm thuê hơn một tháng trời, công trình hoàn thành thì chủ thầu biến mất, nên chẳng nhận được một xu tiền công. Vương Thảo Căn tự nhủ, nhất định phải tìm một việc buôn bán nào đấy do tự mình cầm tiền.
Tiền không nắm trong tay thì chẳng khác gì túi rỗng, chi bằng bày một sạp bán thuốc lá. Vợ ông bảo, trong lúc anh làm thuê, em bế con đi quanh các phố. Em cũng nghĩ rồi, bày sạp bán hàng thường bị người ta đánh cho sứt đầu mẻ trán, mà những đứa ấy mình có biết chúng là ai đâu. Chúng ghê gớm lắm! Em phát hiện chỉ có một việc không ai để ý là nhặt phế liệu bán lấy tiền. Giấy cũ, báo cũ bán theo cân, một vỏ chai rượu cũng bán được tám xu. Em đã theo người nhặt phế liệu, họ dựng lều ở tít ngoại ô, chẳng ai quản lý lại chẳng mất tiền thuê nhà.
Vương Thảo Căn sở dĩ trở thành Vương Thảo Căn như ngày nay thì công lao của người vợ Cả không gì lớn bằng.
Điều duy nhất ông không thỏa mãn là vợ ông chỉ biết đẻ con gái, đứa thứ hai cũng vẫn là gái. Hơn nữa sau khi giàu lên thì sức khỏe của vợ ông ngày một sa sút, thật là số chịu được nghèo mà không biết hưởng giàu sang. Bây giờ bà Cả chỉ ở nhà nghỉ ngơi, nhưng người mà ông kính trọng nhất vẫn là bà Cả. Không điều gì bà nói mà Vương Thảo Căn lại không nghe theo.
19
Người được gọi là bà Hai là do Vương Thảo Căn nghe lời vợ Cả mà lấy, đấy gọi là “vâng lệnh vợ mà thành hôn”. Đó là lúc trạm thu mua phế liệu của Vương Thảo Căn làm ăn thịnh vượng nhất, cũng là lúc ông mắc bệnh viêm tuyến giáp. Sau khi chứng viêm này chữa khỏi, trạm thu mua phế liệu trở thành cửa hàng buôn bán ở cả vùng ấy. Để mở rộng kinh doanh tất phải giao thiệp với nhiều người khác nhau, trạm trưởng Vương Thảo Căn đã học cách thắt cà vạt và mặc âu phục. Vì vợ Cả không thể nấu cơm, đến bữa Vương Thảo Căn đặt thường cơm ở hiệu ăn gần trạm, mỗi bữa bốn món, một canh, lại thêm bốn đĩa nhỏ nữa. Đương nhiên gia đình trạm trưởng không thể ở tại trạm thu mua vì ở đấy cả nhà họ có thể chết ngạt. Trạm trưởng đã có nhà trong thành phố, hơn nữa đó còn là căn hộ ở khu nhà có tên gọi “Chí tôn vương phủ”, bà Cả thường nghỉ ngơi ở đấy. Mỗi sáng Vương Thảo Căn ngồi xe Santana đi làm, tối hết giờ làm lại ngồi Santana về nhà, nghiễm nhiên rảo bước lên hàng doanh nhân có máu mặt.
Với danh nghĩa là nơi thu mua phế liệu, mặc dù mặt hàng chủ yếu, là hàng tuồn từ các nhà máy xí nghiệp, hay các thiết bị trộm cắp trên đường sắt, quốc lộ; nhưng bề ngoài trạm vẫn thu nhận các loại phế liệu thông thường.
Có một ông già cũng từ một huyện nghèo khó ở Tứ Xuyên lưu lạc lên thành phố C, ngay từ ngày Vương Thảo Căn khai trương trạm thu mua phế liệu ông đã đem phế liệu đến bán cho trạm, mưa gió cũng không ngăn cản được ông. Ông quả là người nhặt phế liệu cần mẫn, góp phần gìn giữ môi trường. Phế liệu của ông thường bán đúng giá, nguồn gốc cũng rất rõ ràng.
Cùng với việc Vương Thảo Căn mở rộng phạm vi nghiệp vụ thì thu nhập của ông cũng ngày một tăng, Vương càng giàu có thì càng mua hàng của ông già với giá cao, thậm chí có lúc thu mua ngang giá đồ mới tinh.
Việc đó khiến ông già áy náy. Một hôm ông già giận dữ đập đánh phạch số tiền Vương Thảo Căn trả dôi ra xuống mặt bàn làm việc, phẫn nộ nói:
- Ông chủ Vương, ông cứ làm thế này thì lần sau tôi không bán phế liệu cho ông nữa! Đáng bao nhiêu thì ông trả bấy nhiêu. Ông làm thế chẳng phải là muốn đùa cợt tôi? Ông làm như tôi sống nhờ tiền bố thí của ông vậy? Tôi có phải là ăn mày đâu? Nếu có làm ăn mày thì tôi cũng không đến đây xin ông.
Vương Thảo Căn không ngờ vấp phải “cái đinh” này mình có lòng tốt mà ông ta lại coi là có âm mưu, đành nói:
- Tùy ông, tùy ông thôi? Nhưng mà mẹ kiếp, nhà ông không được bán cho nơi khác, muốn bán thì cứ đến chỗ tôi. Tôi sẽ làm theo ý ông đáng bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, được không?
Thế là từ đó, ông già ngày vẫn mang phế liệu đến bán. Những lúc gặp ông, Vương Thảo Căn cũng dừng lại nói chuyện dăm ba câu. Thì ra ở quê, nhà ông cách nhà Vương Thảo Căn không xa, chỉ cần vượt qua đỉnh núi là tới. Thăm hỏi về chuyện ở quê, hai người không khỏi ngậm ngùi.
Vì Vương Thảo Căn dặn người làm chú ý đến ông già nên một hôm, khi vừa hết giờ làm, họ liền báo cho ông biết ba ngày nay không thấy ông già mang phế liệu đến và cũng không biết ông ta mang đi bán cho ai. Hôm ấy là ngày đại hàn ở thành phố C, theo đài dự báo khí tượng thì mùa đông năm nay sẽ lạnh nhất trong vòng năm mươi năm qua. Vương Thảo Căn cảm thấy không ổn, bèn bảo lái xe đưa ông đến khu nhà thuê ở ngoại ô mà một lần tình cờ, ông già nói cho ông biết. Ngồi trong chiếc Santana bật điều hòa mát lạnh, Vương Thảo Căn bảo lái xe đến từng nhà một để tìm nơi trọ của ông già. Lái xe tìm khoảng nửa giờ thì vội bưng hai tai rét cóng chạy về nói:
- Tìm thấy rồi, tìm thấy rồi! Lão ấy nằm trên.chiếc giường nát không dậy nổi nữa, hình như bị ốm rồi!
Vương Thảo Căn theo người lái xe đến xem, quả nhiên ông già ốm nằm liệt trên giường, chỉ hơi he hé mắt nhìn Vương Thảo Căn, rồi không nói gì, nhắm mắt lại. Bên cạnh ông già có một cô gái, Vương Thảo Căn liền hỏi cô ta:
- Sao không đưa lên bệnh viện? Xem ra ông ấy ốm nặng đấy!
Cô gái không nói gì, cúi đầu mặt đỏ bừng đứng đó vặn vẹo ngón tay. Không cần hỏi cũng biết họ không có tiền vào bệnh viện. Vương Thảo Căn bảo cậu lái xe đưa xe đến tận cửa nhà trọ, rồi bảo cô gái vực ông già lên xe.
- Cô cũng lên xe đi! Đứng ngây ra đó làm gì thế? Cô không đến bệnh viện thì ai chăm sóc ông ấy đây?
Tới bệnh viện, vừa khám xong thì bác sĩ nói:
- Viêm phổi rất nặng, lại còn nhiều biến chứng khác. Lúc này mới đưa đến thì có là Hoa Đà tái sinh cũng bó tay thôi.
Hồi ấy thẻ ngân hàng còn chưa ra đời, Vương Thảo Căn bảo cậu lái xe lấy hết số tiền mang theo, trả hết các khoản trong bệnh viện, và để lại cho cô gái một ít tiền.
- Cô ở lại bệnh viện nhé! À, tôi quên chưa hỏi ông già là thế nào với cô? Bố cô à? Thế thì càng tốt. Cô thấy ông cụ còn có hi vọng hồi phục thì cố chăm sóc, không sống được thì cũng chẳng nên buồn. Ông cụ cũng còn là tốt số đấy lúc lâm chung còn có con gái ở bên. Cô đừng rầu lòng, nếu cụ chết tôi sẽ mai táng cho. Tôi để lại cho cô số điện thoại, có chuyện gì thì gọi nhé.
Lái xe ghi lại số điện thoại rồi đưa cho cô gái. Hôm sau họ nhận được điện thoại báo tin ông già đã mất. Vương Thảo Căn đến bệnh viện rồi gọi người ở nhà tang lễ đến khâm liệm và đưa đi hỏa táng, cốt tro nhận xong ông mới phát hiện người con gái ôm bình cốt tro này không biết đi đâu, về đâu. Thì ra cô chỉ còn một thân một mình, không có người thân nào để nhờ cậy.
Vương Thảo Căn chẳng biết làm thế nào, đành nói:
- Thôi, thôi, coi như tôi mắc nợ ông ấy! Nể tình là đồng hương, tôi nhận cô về ở nhà tôi, chăm sóc cho bà vợ đau yếu của tôi vậy
Khi ấy cô gái mới nói:
- Cha tôi lúc sắp mất cũng bảo tôi đến nhờ nhà ông.
Vương Thảo Căn bất giác mỉm cười:
- Cha cô thật là sáng suốt. Đấy chắc cũng là di nguyện của ông cụ.
Vương Thảo Căn khi ấy đã dự mấy đám truy điệu, đều là đám cán bộ đã nghỉ hưu trong thành phố. Mời ông tham gia tang lễ là bởi họ coi trọng ông, và đương nhiên cũng muốn ông đóng góp chút tình người. Nhờ vậy ông mới biết hai từ “di nguyện” nghĩa là gì.
20
Cô gái nhặt phế liệu về nhà Vương Thảo Căn, gặp bà Cả. Bà Cả rất thích cô, còn bảo dường như cô có duyên với bà. Cô gái hầu hạ vợ Vương Thảo Căn rất tận tâm, chả mấy chốc đã trở thành người tin cậy của bà Cả. Người ốm yếu vốn không thích trông nom công việc, lại thêm cô con gái bà Cả đẻ ở nông thôn khi lên thành phố nhiễm phải tính khí bất thường của tiểu thư con nhà giàu, ở nhà thường làm đảo điên cả trời đất; Còn cô con gái đẻ ở lán phế liệu cũng rất bướng bỉnh khiến bà Cả vô cùng phiền lòng. Chẳng bao lâu, bà Cả dần dần giao trọn việc nhà lẫn hai con cho cô gái nhặt phế liệu. Để cô dễ bề cai quản, hai người gọi nhau bằng chị, em. Cô gái nhặt phế liệu tuy cũng mù chữ như Vương Thảo Căn nhưng lại rất biết cách chăm nom hai cô con gái của bà Cả. Cô không biết “bài tập về nhà” là gì, nhưng nếu hai đứa ấy không làm xong là cô không cho chúng ăn cơm.
Hơn hai năm sau, cô gái nhặt phế liệu đã 21, 22 tuổi, không gả chồng cho cô cũng không được. Có câu rằng “nữ đại thập bát biến” - con gái lớn lên thay đổi đến mười tám vẻ, tuy mặt mũi cô bình thường, không xinh song cũng chẳng xấu, phổng phao hồng hào, trắng trẻo, người tròn lẳn rất bắt mắt, nói kiểu văn chương thì là “rất đầy đặn, rất gợi cảm”. Bà Cả vốn có trình độ tiểu học cho nên thường đọc sách, báo, nên cũng hiểu được một số việc trong xã hội ngày nay. Đàn ông có tiền hay trăng gió đã trở thành định luật bất di bất dịch, dù có dập cũng không tắt được. Bao dì Hai đã công khai hóa trong toàn xã hội, thậm chí ở Thẩm Quyến còn có hẳn “thôn dì Hai”. Bà Cả đã mất khả năng chăn gối nên không có hứng thú sinh hoạt vợ chồng. Bà thấy ông bận túi bụi cả ngày, nên rất thương ông, song bà nghĩ thế nào cũng có ngày ông bao gái. Để cho ông lén lút bao gái ở bên ngoài chi bằng bà kiếm cho ông một dì Hai để trước mắt, cho hai người thân mật với nhau, tránh cho sau này phải xung đột vì việc chia tài sản.
Dì Hai ấy không ai khác ngoài cô gái nhặt phế liệu, vừa quen thuộc lại rất tốt tính.
Một hôm, bà Cả cho các con và người làm đi xem phim, nhân lúc vắng người ấy, bà gọi cô gái nhặt phế liệu đến trước giường, bảo:
- Em về nhà chị đã hơn hai năm, chúng ta chẳng khác gì người một nhà, vì thế chị mới muốn nói với em một chuyện riêng tư. Em bằng lòng thì hay rồi, mà không bằng lòng thì chẳng nên gượng ép. Dù không bằng lòng, thì em vẫn là người nhà chị, chị không bao giờ coi em là người ngoài. Việc chị muốn nói là em đã đến tuổi lấy chồng, vậy chị hỏi em, em phải trả lời cho thật, em có nghĩ về chuyện hôn nhân đại sự của mình không? Em nghĩ như thế nào?
Cô gái nhặt phế liệu đỏ bừng mặt, cúi đầu im lặng. Bà Cả lại nhỏ nhẹ hỏi một hồi nữa nhưng cô gái vẫn không có phản ứng gì. Bà nghĩ thầm - Hỏng rồi, những lời tiếp theo không cần nói ra nữa! Cuối cùng bà chỉ nói:
- Thôi được rồi, em đi nghỉ đi, chị cũng mệt rồi! Tối nay, em hãy nghĩ cho kỹ, nghĩ xong rồi chị em mình lại nói tiếp.
Cô gái nhặt phế liệu đứng dậy. Khi quay người đi ra, lưng hướng về phía bà Cả, cô mới buông một câu:
- Cha em lúc lâm chung, bảo em theo ông chủ Vương.
Bà Cả vừa mừng vừa kinh ngạc, vội vàng gọi lại:
- Cái gì? Cái gì? Em quay lại, quay lại ngay! Chị cũng có ý như thế. Em tự nói ra thì càng hay! Em xem em đấy, bắt chị phải tốn bao nhiêu hơi sức mà mãi em không chịu nói ra! Chị sức khỏe không tốt, em đỡ đần chị đã mấy năm nay, bây giờ em chịu theo ông chủ thì không còn gì tốt bằng. Ông ấy có người săn sóc, chị cũng có người chăm nom, như thế thật là vẹn cả đôi đường, em có hiểu không?
21
Thế là Vương Thảo Căn sống chung với cô gái nhặt phế liệu. Vừa hay khu Chí tôn vương phủ có một căn hộ muốn bán, Vương Thảo Căn liền bỏ tiền mua ngay. Cả hai gia đình đều ở trong một khu nhà, qua lại rất thuận tiện.
Lúc đầu, Vương Thảo Căn vì muốn có con trai nên một dạo cũng tích cực “lao động” trên người cô gái. Cho dù buổi tối, trở về rất muộn thì sau khi vào thăm bà Cả là ông sang “làm thêm ca” ngay với cô Hai. Quả nhiên chẳng bao lâu cô Hai có bầu. Sau mười tháng thì sinh nở, hôm ấy Vương Thảo Căn hết sức phấn khởi chạy đến bệnh viện phụ sản, nhưng cô Hai vẫn sinh con gái! Thôi được rồi, phải tiếp tục cố gắng “lao động” vậy.
Chưa được một năm, cô Hai lại sinh đứa thứ hai. Trời không chiều lòng người, lại vẫn là con gái!
Con nào thì cũng phải đặt tên chứ! Con vừa đầy tuổi, người nhà đã giục Vương Thảo Căn đặt tên. Vương Thảo Căn sực nhớ tới hình ảnh cô gái nhặt phế liệu ôm bình cốt tro của cha trong cảnh côi cút một mình, thê lương không người giúp đỡ. Hình ảnh đó đã khiến ông động lòng thương xót, vì thế ông buột miệng nói:
- Đặt tên Bình Bình là hay nhất!
Đến khi có đứa con gái thứ hai, Vương Thảo Căn đã nản lòng:
- Thôi, gọi nó là Vại Vại cho rồi!
Thế là ở nhà Vương Thảo Căn “bình, vại” đều đủ, chỉ tiếc là, chẳng cái nào có “cán”.
22
Người thứ ba tức dì Ba tuy không phải do bà Cả tác thành nhưng cũng được bà cho phép.
Lúc ấy Vương Thảo Căn đang điên cuồng thu mua xí nghiệp quốc doanh. Ông ta chỉ mua bán đất đai, mua xí nghiệp quốc doanh chứ không mua bán nhà, tức là chỉ kinh doanh thứ có sẵn chứ không xây nhà để bán. Mua đất - gom đất - thế chấp đất cho ngân hàng để vay tiền - thu mua xí nghiệp quốc doanh - kiếm được tiền sau khi chuyển quyền sở hữu xí nghiệp quốc doanh - lại mua đất - gom đất, đó là vòng tuần hoàn công việc của ông, của cải cũng từ đó mà không ngừng sinh sôi, nảy nở rồi chảy vào hầu bao của Vương Thảo Căn.
Khi ấy, ông thấy đại gia nào cũng buôn bán địa ốc, xây dựng nhà cửa khắp nơi nên đồ chừng sắt thép ắt lên giá. Ông mua lại một nhà máy luyện thép quốc doanh sắp giải thể rồi tăng cường cải tạo về mặt kỹ thuật, cắt giảm công nhân và vay vốn ngân hàng. Vì trong tay có rất nhiều đất đai nên Vương Thảo Căn được giới ngân hàng hoàn toàn tín nhiệm. Không cần ông ra mặt, cấp dưới của ông có thể làm thay, huống hồ việc giao dịch ngầm đã được thỏa thuận trước, phần lại quả cho người thực hiện cũng đã có định mức. Vương Thảo Căn thường xuyên xuất hiện trên mặt báo của thành phố C, nào là đóng góp cho “công trình hy vọng”, “cứu trợ nơi bị thiên tai”, “tài trợ sinh viên nghèo vượt khó” v.v... Ông đều không đi sau người khác, chẳng những ông là “đại gia của giới doanh nhân” mà còn là “nhà hảo tâm”. Chủ nhiệm Triệu ở phòng cho vay tín dụng của ngân hàng biết Vương Thảo Căn hào phóng, có ý muốn kết thân để ông trải đường cho mình lui xuống sau này, bèn đánh tiếng cho nhân viên quản lý của nhà máy luyện thép và người của Vương Thảo Căn rằng mình muốn mời ông chủ Vương xơi cơm, ông chủ Vương nhất định phải có mặt.
- Nếu không thì bữa cơm ấy còn có ý nghĩa gì nữa? Cả đến người vay tôi còn không biết mặt thì sao dám cho ông ta vay tiền?
Chẳng còn cách nào khác, Vương Thảo Căn đành phải đến.
Sau khi cơm no rượu say trong nhà hàng một khách sạn năm sao nổi tiếng ở thành phố C, chủ nhiệm Triệu mượn hơi men nói:
- Ông chủ Vương làm cao dữ nhỉ! Chơi bời một tý cũng không được hay sao? Hôm nay ông chủ Vương mà không chịu vui vẻ với chúng tôi, thì tôi cứ ngồi lỳ ở đây không chịu rời bàn, đến mai các ông đến ngân hàng cũng chẳng tìm được tôi, thử xem các ông làm thế nào nào?
Vương Thảo Căn bất đắc dĩ, cười trừ:
- Được rồi, được rồi! Chủ nhiệm Triệu muốn chơi thế nào tôi xin hầu ông thế ấy. Vương Thảo Căn tôi mặc dù không ham chơi nhưng tôi thích ông. Tôi sẽ hầu ông chơi đến cùng! - Vương Thảo Căn đã luyện được kỹ năng nói dối chuyên nghiệp trong giao thiệp.
- Ông chủ Vương thích gì tôi chứ, ông thích là thích nhân dân tệ thôi! Ông chủ Vương thật khéo nói! Tôi không thích gì cả, chỉ thích hát thôi! Hát vang một bài là phiền não gì cũng tan biến, cứ như quẳng lên chín tầng mây hết cả rồi!
Nhà hàng ở tầng ba của khách sạn năm sao, còn khu giải trí ở tầng bảy, vốn là nơi vui chơi đầu tiên do người Hồng Kông mở ở thành phố C, sau đó qua mấy lần chuyển nhượng, bây giờ do một người Quảng Đông quản lý. Tuy thiết bị không còn mới nhưng nhờ vào khách sạn cao cấp và vị trí thuận tiện nên kinh doanh rất phát đạt.
Cả một đoàn đi thang máy lên khu giải trí. Đã vào tới đây đương nhiên phải gọi các em. Người hát đâu có quan tâm đến hát mà chỉ để ý vào các em. Người trông coi khu giải trí vừa nghe nói có đại gia nổi tiếng ở thành phố C mời người của ngân hàng đến tiêu khiển thì gọi một lô các em oanh oanh yến yến tới, ngồi kín cả phòng, không còn chỗ để quay người. Xem ra chủ nhiệm Triệu là khách quen ở đây, nào em ba Trương, em tư Lý, em năm Vương, em nào cũng biết mặt biết tên. Người của nhà máy luyện thép, người của Vương Thảo Căn và hai người của chủ nhiệm Triệu, tất cả có tám người mà gọi đến mười em. Mười tám người ấy bắt đầu làm náo loạn, âm nhạc ầm ĩ rung chuyển cả trời khiến Vương Thảo Căn đau cả tai, trong phòng ngột ngạt nhưng Vương Thảo Căn cũng hết cách, đành quên mình hầu quân tử vậy. Chủ nhiệm Triệu nói không sai, ông chỉ vì bốn mươi triệu nhân dân tệ mà thôi. Vào đến đây, chủ nhiệm Triệu như cá gặp nước, bỏ mặc Vương Thảo Căn và những người khác, đúng như câu “vào chốn không người”, chỉ quấn lấy các em mà thôi. Vương Thảo Căn không đọc được chữ trên màn hình karaoke, cũng không thích thú với các cô gái xinh đẹp trên màn hình, đành một mình ngồi trên sôpha nhìn họ ôm ấp nhau. Nhưng các em không tha cho ông, họ biết ông mới thực sự là ông chủ nên lúc thì bưng đồ uống, lúc thì bưng hoa quả đến, lúc lại ngồi sát vào ông mà nũng nịu. Ông đã quen ngửi mùi phế liệu nên mùi nước hoa thì khiến ông nhức cả đầu. Ngồi một lúc lâu, ông phát hiện có một em từ đầu chí cuối không sán đến bên ông, cũng ngồi một mình trong góc phòng như ông. Có người kéo cô ra nhảy thì cô đứng lên cho họ ôm ấp vì thực ra, người ta kéo cô ra nhảy cũng chỉ muốn như vậy mà thôi, về điểm này cô nhìn nhận rất thoáng. Dung nhan của cô tuy không phải xinh đẹp nhất trong số các chị em nhưng lại rất thanh tú, đoan trang. Sau khi để người ta sờ mó khắp người, cô trở về chỗ cũ ngồi, hai tay ôm lấy hai vai sau khi có vẻ như rất lạnh. Vương Thảo Căn thích đàn bà như thế. Cô gái nhặt phế liệu cũng vậy: Ông muốn lên giường thì lên giường cùng ông, khi ông không muốn thì không chèo kéo, tán tỉnh.
Chơi đến một giờ sáng, khu giải trí cũng sắp đóng cửa, cấp dưới của ông đi tới nói khẽ, chủ nhiệm Triệu muốn mang một em vào phòng. Vương Thảo Căn chửi thầm:
- Đồ chó đ.! Cứ đặt một phòng cho hắn vui thú, bao luôn cả em đó nữa, nhưng ngày mai không được làm lỡ việc cho vay. Nếu không thì cậu cứ chờ xem tôi xử thằng khốn đó như thế nào:
Ngày hôm sau, chủ nhiệm Triệu thoải mái thả bốn mươi triệu nhân dân tệ.
23
Qua mấy hôm, Vương Thảo Căn đi thị sát một xí nghiệp dưới trướng của mình. Trao đổi xong công việc thì nhà ăn đưa cơm hộp đến. Trong lúc ăn cơm nói chuyện phiếm, một nhân viên cấp dưới cũng cùng ông đến khu giải trí hôm ấy, nói đêm ấy suýt nữa thì mất ví tiền. Trong ví có chứng minh thư, bằng lái xe, lại còn có thẻ rút tiền ngân hàng vừa mới làm xong.
- Sếp bảo em trả tiền boa cho cô bé đó? Tiền mặt em cũng còn vài ba nghìn, chứng minh thư mà mất thì ra đồn công an làm lại, nhưng mất thẻ ngân hàng thì gay. Phải đến ngân hàng báo mất, thủ tục phiền phức lắm!
- Thế cậu đã tìm thấy chưa?
- Ồ, sếp đừng coi khinh cô em đấy nhé! Chính em ấy nhặt được đưa cho người quản lý. Hôm sau, em đang cuống lên thì quản lý gọi điện cho em, bảo em đến nhận.
- Sao anh ta lại biết số điện thoại của cậu? Phét lác!
- Thì chẳng phải trong đó có chứng minh thư, lại còn có danh thiếp của em hay sao? Nhìn là nhận ra ngay!
Vương Thảo Căn tò mò hỏi:
- Em nào nhặt được đấy, cậu có biết không?
- Em chẳng hỏi, chỉ đưa cho quản lý hai trăm tệ. Sếp ơi, sếp thanh toán cho em hai trăm tệ này nhé? Coi như công tác phí ấy mà!
- Thanh toán cái 1. mẹ cậu! Đồ chó, nhà cậu sờ mó các em đến mụ cả đầu óc rồi lại còn muốn chủ trả tiền à? - Vương Thảo Căn giơ đũa như chĩa kiếm vào mặt cấp dưới - Giao cho cậu một nhiệm vụ đây! Cậu hỏi dò xem em nào nhặt được, tên gì, tối hôm ấy mặc quần áo gì, dáng vẻ thế nào nhé! Lấy công chuộc tội, nếu không tôi cho nhà cậu xơi đủ!
Cậu nhân viên dám chậm trễ, chỉ lát sau đã báo cáo tỉ mỉ với sếp. Vương Thảo Căn vừa nghe, quả nhiên đúng như ông dự đoán, đó chính là cô gái không chèo kéo ông. Lập tức ông ra lệnh cho cấp dưới:
- Đi đi gọi điện cho tay quản lý khu giải trí, bảo hắn mười giờ tối nay dành cho tôi một phòng tốt, gọi cả cô gái ấy nữa. Chỉ cần một mình cô ấy, không cần thêm em nào khác đến ầm ĩ nhức cả đầu!
Đúng mười giờ tối hôm ấy, Vương Thảo Căn đến khu giải trí. Quản lý vừa nhìn thấy ông, không nói thừa lời nào, nghiêng mình đi bên cạnh, đưa ông tới phòng đặt.
- Xin lỗi, xin lỗi ông chủ Vương. Xin đợi một chút!
Quản lý đi ra, chưa tới năm phút sau, cô gái bước vào, vẫn mặc chiếc váy dây hở vai, lưng và ngực. Mặt cô không để lộ một tình cảm nào, tựa như cười mà lại không phải. Vương Thảo Căn rất giỏi làm quen với các quan chức nhưng lại chẳng biết mở đầu câu chuyện với cô như thế nào, chỉ luống cuống đứng lên:
- Ngồi đi, ngồi đi! Uống chút gì nhé?
- Đồ uống họ sẽ đưa tới! - Cô gái lạnh nhạt đáp.
Đã có người đưa đồ uống tới, thì đợi người ta mang đến vậy. Hai người ngồi trên sôpha, cách nhau một khoảng. Vương Thảo Căn không tìm được điều gì để nói, còn cô gái lén nhìn ông, lấy làm lạ sao ông không hề có ý sàm sỡ.
Đồ uống được đưa đến. Quản lý muốn moi tiền của Vương Thảo Căn nên đưa đến mười mấy cốc rượu, cao có thấp có, mười mấy lon nước giải khát, lại thêm một khay hoa quả, để đầy ắp một bàn. Nhân viên phục vụ bày ra xong, biết ý lui ngay ra, khe khẽ đóng cửa lại. Vương Thảo Căn vừa nhấc lên đặt xuống các loại đồ uống bày trên bàn như chơi cờ, vừa luống cuống nói:
- Uống đi, uống đi! Em muốn uống loại gì? Loại gì ngon thì em cứ uống nhé!
Cô gái nhấc một cốc rượu trên bàn đưa cho Vương Thảo Căn:
- Loại này ngon! Đàn ông các anh uống rượu thì dùng loại này thích hợp nhất.
- Anh không uống rượu, xưa nay không uống được rượu! - Vương Thảo Căn vội vàng thanh minh - Vậy thì anh uống cốc này, còn em?
- Họ muốn chém đẹp anh, anh có biết không? - Cô gái đột nhiên hỏi ông với giọng bất bình.
Vương Thảo Căn ngớ người ra, ngơ ngác nhìn cô.
- Anh không nhận ra à? Có hai người thôi, cần gì nhiều đồ uống đến thế? - Cô gái bực mình nói - Đây chẳng phải đã rõ ràng rồi sao? Đến mấy nghìn tệ cơ đấy!
Vương Thảo Căn lúc này mới hiểu ra. Ông càng thấy vui, thầm nghĩ: “Được đấy, được đấy! Mình cần những người đàn bà như thế này”.
- Không hề gì! Em không cần so đo với bọn họ. Chỉ lo không kiếm được tiền chứ không lo tiêu tiền! Em đã thấy mấy ai tiết kiệm mà phát tài chưa? Chưa chứ gì? Có người bảo anh không hút thuốc, không uống rượu là để khỏi tốn tiền! Sai bét! Vì từ nhỏ nhà anh rất nghèo nên anh không có thói quen đó. Nếu không, anh uống hăng không kém thằng nào.
Công khai thừa nhận thuở nhỏ nhà nghèo khiến cô gái nhìn ông với con mắt khác. Bây giờ rất nhiều đại gia chỉ muốn nói mình có quan hệ họ hàng với nhà Vinh Nghị Nhân, nếu không thì cũng dòng thế gia vọng tộc ở Xuyên Thục, tổ tiên đứng ngồi ngang hàng với những người như Lưu Hồng Sinh, Lư Tác Phu v.v...
- Em không nói ý ấy. Em chỉ nói lòng người xấu xa. Tay quản lý đó trước lúc em vào đây bảo em rằng không nên nói tay kia cho hắn hai trăm tệ mà phải nói là cho em. Ví tiền do em nhặt được, nhặt được ví trả cho người ta là điều nên làm. Nếu các anh muốn hậu tạ ít tiền thì nên đưa cho em. Hắn đã lấy tiền lại bắt em phải nói là em nhận, anh bảo như thế có tức không chứ!
Thì ra là như vậy. Vương Thảo Căn thầm nghĩ, 1. mẹ nó chứ! Phải mua bằng được cái khu giải trí này. Mua xong, việc trước tiên là đuổi việc thằng cha quản lý! Có điều, bây giờ không phải là lúc nói chuyện đó nên Vương Thảo Căn chỉ nói:
- Không sao đâu, không sao đâu! Anh trả bù cho em hai trăm tệ, em đừng tức giận nữa. À, anh quên chưa hỏi, em có biết anh là ai không? Anh tự giới thiệu trước nhé!
- Ai bắt anh trả bù! - Cô gái trừng mắt nhìn Vương Thảo Căn, rồi thầm nghĩ, phải điều chỉnh tình cảm mới được, không nên để khách vừa vào phòng đã mất vui. Nghĩ rồi bèn cười - Anh thì, ai mà chẳng biết. Anh là người nhặt rác! - Nói xong, cô gái cười khanh khách - Đương nhiên em biết anh chứ! Mấy hôm trước anh dẫn một bọn đến đây, cậu nhân viên của anh trả tiền cho cả bọn mà!
Vương Thảo Căn giật mình:
- Sao em biết anh là người nhặt rác?
- Em đùa thôi, đùa cho vui thôi. Đừng để bụng. Em mà không đùa thì làm sao vui lên được?
- Không phải đùa đâu, anh chính là người nhặt rác đấy! - Vương Thảo Căn nghiêm túc nói “ Em đọc được trên báo hay là nghe người ta nói?
Cô gái ngạc nhiên nhìn ông:
- Quả thật em chỉ đùa thôi mà! Anh đừng để ý nhé! Đại nhân không so kè lỗi của tiểu nhân. Làm sao anh lại là người nhặt rác được? Tối hôm ấy em thay quần áo ra về, khi ra thấy anh chui vào xe Benz, vù một cái là phóng thẳng.
- Này! - Trò chuyện đến đây thì Vương Thảo Căn thấy dễ nói hơn - Thế này nhé, em tên gì? Anh phải biết tên em trước đã rồi sẽ nói.
- Đã rời nhà làm gái thì ai còn nói tên thật cho khách biết? Anh cứ gọi em là San San, San trong san hô ấy.
Hay quá, Vương Thảo Căn nghĩ, cái mình cần chính là cô “ba”.
- Tốt rồi! San San! - Miệng ông gọi San San nhưng trong lòng thì gọi “tam tam” và cảm giác thân thiết cũng tự nhiên dâng lên - Anh hỏi em nhé, em có muốn sống như hiện nay không? Có thích làm gái không?
San San cảm thấy ông khách này là người thật thà, không có ác ý với mình. Lâu lắm rồi chẳng có ai nói chuyện đứng đắn với cô, cô cũng muốn nhân dịp này trò chuyện với người khác, bất kể là ai, chỉ cần người đó muốn nghe và không cười mình là được. Cô uống một ngụm nước rồi nói:
- Chẳng ai thích làm gái cả. Bị người ta ôm ấp, sờ mó, nói khó nghe hơn nữa thì có lúc còn phải ngủ với người ta.
Nếu với người mà mình ưng ý thì cũng chẳng sao nhưng mình đâu có quyền chọn? Xấu phải tiếp, bẩn phải tiếp mà say rượu cũng phải tiếp, ái nam ái nữ cũng phải tiếp khiến cho bọn em người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Ngay trong bọn người hôm ấy của các anh, có một tay rất đáng ghét. Đã sờ ngực người ta lại còn mó máy phía dưới nữa, vừa mó vừa hỏi: “Nước đã ra chưa? Nước đã ra chưa?”. May mà hôm ấy hắn không gọi em ngủ cùng. Trước khi chúng em vào phòng riêng hoặc vào phòng khách sạn, trong lòng đều rất băn khoăn, không biết hôm nay gặp khách nào. Vừa bị khách vầy vò, vừa lo khách không trả tiền, mà có trả thì tiền boa được bao nhiêu. Anh thử nói xem, ngủ như thế có thoải mái hay không? Nhưng bây giờ, chỉ có nghề này là kiếm được nhiều tiền. Em thấy bài hát của Chu Toàn ngày xưa thật là hay.
San San nói xong, bắt chước giọng kim của Chu Toàn uyển chuyển cất tiếng hát: Hãy nhìn nàng, tươi tắn đấy, Nào ai biết lòng nàng buồn khổ, Cuộc sống đêm, đều chỉ vì, cơm áo gạo tiền.
- Cái câu “Cuộc sống đêm đều chỉ vì cơm áo gạo tiền” là hay nhất! Em cũng nói thật với anh nhé, Thôi Vĩnh Nguyên từng nói: Dù trời sinh có đĩ thõa đến đâu đi nữa cũng không muốn làm gái. Tại sao? Vì đĩ thõa trời sinh thì cũng muốn ngủ với người ra hồn, có phải thế không? Cũng muốn để người ra hồn ôm ấp, sờ mó, có phải thế không?
San San vừa trò chuyện vừa uống nước. Thấy Vương Thảo Căn chăm chú lắng nghe, không hề tỏ ý chê cô nói nhiều, càng không nôn nóng động tay động chân vào người cô thì lại nói tiếp:
- Nhưng xã hội hiện nay, cơm áo gạo tiền cũng không xuềnh xoàng được nữa, phải không nào? Nhìn thấy các cô gái mặt mũi, dáng dấp không bằng mình mà làm gái, tiền kiếm được một đêm nhiều hơn tiền lương mà mình vất vả làm cả tháng trời; rồi người ta mặc hàng hiệu, xài hàng hiệu, cho dù là hàng hiệu rởm thì cũng vẫn là hàng hiệu, lại được cùng khách ra vào những nơi vui chơi cao cấp thì cũng sinh ra so sánh phải không nào? Người ta làm gái được ăn ngon, mặc đẹp, vui chơi thoải mái, lại không vất vả, kiếm được nhiều tiền thì tại sao người ta làm được, mình lại không làm được? Mình hà tất gì phải gìn vàng giữ ngọc tấm thân? Mình gìn vàng giữ ngọc cho người đàn ông nào đây? Người đàn ông nào đáng cho mình gìn vàng giữ ngọc đây? - Nói đến “gìn vàng giữ ngọc”, San San hơi phẫn uất - Thế là thôi thì nhắm mắt làm gái vậy! Dần dần rồi cũng quen, quen tiêu, quen xài rồi. Tự nghĩ nếu không làm gái mà trở về cuộc sống bình thường trước đây thì không còn quen được nữa. Lại thêm bọn làm gái chúng em gặp rất nhiều hạng người. Có lúc, so sánh với những người bề ngoài là chính nhân quân tử mà bề trong còn hèn kém, đê tiện hơn chúng em thì chúng em nghĩ, làm gái ừ thì làm gái chứ sao! Chúng em không tham ô, trộm cắp, càng không phá tán của công, chúng em kiếm tiền nhờ vào thân xác của mình, vì thế chúng em còn thấy mình cao thượng hơn những kẻ xài tiền nhà nước đến đây đùa cợt, vầy vò chúng em. Mỗi khi có dịp cùng nhau tán gẫu, chúng em cảm thấy mình rất tự hào!
Nói đến đây, San San dường như cảm thấy mình không kiềm chế được, nói hơi quá lời, bèn vội vàng bổ sung:
- Thật có lỗi quá, có lỗi quá! Vì em thấy anh hôm ấy hát hò ca hát, cũng không nhảy nhót, không sờ mó lung tung bọn em, hôm nay có vẻ anh cũng không hứng thú với mấy thứ đó nên em mới nói như thế. Nếu nói câu nào sai, xin anh bỏ qua cho! Đại gia tiêu tiền của mình, không phải tiêu tiền của nhà nước, em đâu dám nói gì về đại gia.
Khi San San nói, Vương Thảo Căn chỉ mở to mắt nhìn cô. Cô nói xong, ông ôm lấy mặt im lặng hồi lâu. Tuy Vương Thảo Căn không được học hành nhưng ông đủ sáng suốt, tinh tế để nhận ra lời phân tích bình tĩnh, khách quan của San San về tâm lý của gái làm tiền, tỏ rõ cô không hoàn toàn sa lầy vào cuộc sống đĩ điếm đó, vì thế đầu óc rất tỉnh táo. Vương Thảo Căn tuy không hiểu “gìn vàng giữ ngọc” là thế nào, nhưng hai chữ “giữ thân” thì nông thôn vẫn dùng rất phổ biến. San San ba lần nhắc đến “gìn vàng giữ ngọc” khiến Vương Thảo Căn nghe ra trong đó có chút oán hận, chứng tỏ cô đúng là đã từng “gìn vàng giữ ngọc”. Không biết ai đã làm cô bị tổn thương đến mức khiến cô nhấn mạnh bốn chữ đó đến thế! Ông nghĩ, thì ra là như vậy! Mẹ kiếp! Cô ta chẳng phải cũng muốn dùng “hàng hiệu”, “ra vào nơi vui chơi cao cấp” hay sao? Còn như quen ăn ngon, quen xài sang thì con gái lớn của ông cũng như thế, đó là phong cách thời thượng của các thành phố lớn, là thói xấu làm hư các cô. Cái cô San San này dường như không tầm thường, nếu đáp ứng yêu cầu của cô thì không chừng cô thật sự có thể “gìn vàng giữ ngọc” cũng nên.
Khi Vương Thảo Căn ôm mặt, San San không hiểu thế nào, tim đập thình thịch nhìn ông. Cô sợ mình nói sai điều gì đó khiến khách phất tay áo bỏ đi thì tiền boa sẽ chẳng được bao nhiêu.
Trầm tư một lúc rồi dường như Vương Thảo Căn hạ quyết tâm, ngẩng đầu lên nói:
- Anh là người rất bận, không có nhiều thời gian nói chuyện với em. Anh nói thực cho em biết, trước đấy anh nhặt rác, nhờ nhặt rác mà làm nên.....
Dòng giống nhà họ Vương có lẽ từ đời tổ tiên đã quyết định cái tính thẳng ruột ngựa như cha Vương Thảo Căn. Đến ông, ông cũng dốc tuột không sót một tí gì cuộc đời từ nhỏ đến lớn cho đến khi trở thành đại gia thành công cho San San nghe.
- Anh không có ham muốn gì khác, chỉ mong có đứa con trai thôi. Tổ cha nó, bây giờ đang phổ biến bao dì Hai. Anh ưng em, muốn bao em. Em ra điều kiện đi! Trước hết anh sẽ chu cấp đầy đủ cho em, chỉ cần em đẻ được con trai thì cả gia sản kếch sù là của hai mẹ con em tất!
Lời thổ lộ của Vương Thảo Căn chẳng những quét sạch nỗi lo về tiền boa của San San mà còn khiến cô hết sức kinh ngạc. Cô không ngờ một trạm thu mua phế liệu chẳng có gì đáng để ý mà lại ẩn tàng cơ hội phát tài lớn đến vậy, nhất là việc Vương Thảo Căn tùy cơ ứng biến và cứ làm theo ý mình như có trời phù hộ vậy. Khi ông kể về cô gái nhặt rác, mắt San San cũng ươn ướt, cảm thấy Vương Thảo Căn thật là một người có thiện tâm. Khi ông thật thà kể chuyện thì đủ mọi lời tục tĩu từ mồm văng ra: “L mẹ nó”, “đồ con c.”, “tổ cha nó”, “đồ chó đ.”, “đ. mẹ nó”, “đồ trời đánh”... chẳng khác gì một luồng gió mát mẻ từ cánh đồng thổi vào căn phòng oi bức này. Từ trước tới nay, San San chưa từng tiếp một ông khách nào mang hơi hướng bùn đất như thế, ông khiến cô hết sức phấn khích, đến mức cô chỉ muốn ôm chặt ông ngay trên sôpha mà làm tình. Hơn nữa, hai người vợ của Vương Thảo Căn đều không có mấy trình độ, sẽ khó có thể trở thành đối thủ của cô. Cô nghĩ, nếu vợ Vương Thảo Căn mà có văn hóa như cô, tuy chưa học tới đại học nhưng cũng tốt nghiệp trung học phổ thông thì ông ta thực sự sẽ như hổ thêm cánh, không biết chừng sẽ làm nên việc lớn khác nữa.
- Anh Vương, anh thoải mái thật đấy. Em cũng không vòng vo với anh nữa! - San San bắt đầu đổi cách xưng hô. Em có khả năng sinh con vì trước đây đã từng phá thai. Anh cũng biết đấy, làm cái nghề như em phải hết sức giữ vệ sinh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe, nên em không có bệnh tật gì cả. Ở tỉnh Tứ Xuyên chúng em có ông thầy bói rất nổi tiếng, ông ấy từng, bảo rằng em có số sinh con trai. Có điều, anh đã bao em thì em không thể ngồi không suốt ngày ở nhà như hai người vợ của anh được. Em muốn có việc làm, em không tin hạng gái như em lại cả đời không thể vươn mình.
- Hay lắm! - Vương Thảo Căn bất giác lớn tiếng khen ngợi.
San San không ra điều kiện cụ thể như nhà cửa, xe cộ thế nào, một năm cho bao nhiêu tiền v.v..., mà chỉ có một yêu cầu là “việc làm”, chứng tỏ cô thông minh và tin cậy Vương Thảo Căn. Một người giàu nứt đố đổ vách như Vương Thảo Căn, mặc cả với ông là điều hoàn toàn không cần thiết. Có Vương Thảo Căn là có tất cả, mà nói chính xác hơn, có con trai với ông là có tất cả.
- San San, em đúng là đồ con c.! - Vương Thảo Căn kích động đến mức không biết biểu lộ tình cảm ra sao, hai tay cứ chồng lên nhau mà xoa - Em nói đi, em muốn làm gì? Quyết định luôn đi!
- Em muốn làm Tổng Giám đốc khu giải trí này! - San San quả quyết nói.
Vương Thảo Căn cả cười:
- Hai người chúng ta sao mà lại suy nghĩ giống nhau thế nhỉ? Có điều, em quen ở đây, em thử nghĩ xem làm thế nào để nó về tay mình. Em tìm cách còn anh sẽ thực hiện.
San San nói:
- Dễ ợt! Chỉ cần có người tố cáo trong phòng bí mật của giải trí có người hít hê-rô-in, gọi công an đến bắt quả tang, thì đương nhiên phải đóng cửa. Đến khi khai trương lại thì khu giải trí ắt phải thay đổi người đại diện.
Trong chốc lát đôi tình nhân đã biến thành những kẻ âm mưu, bàn cách làm thế nào lật đổ khu giải trí trong phòng riêng. Ông chủ người Quảng Đông có ngờ đâu bên mình lại có bom hẹn giờ cài sẵn! Chẳng mấy chốc đã định xong phương án, Vương Thảo Căn không ngồi yên được nữa, đứng phắt lên toan chạy đi thực hiện, cả đến San San muốn ôm hôn, ông cũng không đợi được.
- Sau này đã, sau này đã, ngày còn dài mà! Chẳng những hôn hít mà còn đ. nữa đấy! - Ông rút từ ví ra một thẻ ngân hàng, nói cho San San biết mật mã gồm sáu chữ số.
- Nhanh trả tiền đi, thay quần áo rồi rời chuồn khỏi đây ngay.
Ông chủ khu giải trí chẳng thể ngờ từ trên chí dưới đều đã thu xếp đâu vào đấy. Chưa đến một giờ sáng, một toán cảnh sát chống ma túy đã ập vào. Những nơi khác đều không khám xét mà xông vào thẳng mấy phòng đặc biệt.
Ngày hôm sau, tất cả các báo sáng, báo chiều của thành phố C đều giật tít trên trang đầu Chiến công bắt ma túy mới của thành phố ta - truy quét lớn ổ ma túy ở khu giải trí X, kín đặc cả trang là bài viết và ảnh chụp.
Khu giải trí bị đóng cửa, ông chủ người Quảng Đông tất nhiên bươu đầu vỡ trán, đứng ngồi không yên, suýt nữa phải trốn về Quảng Đông. Tuy có người đã chịu tội thay, ông ta không đến nỗi phải vào tù nhưng vốn liếng đã trôi theo nước, tổn thất cực lớn, nợ nần chồng chất. Đúng lúc ấy, San San chủ động tìm đến ông chủ người Quảng Đông hiến kế. Ông ta vừa nghe nói dùng tiền của Vương Thảo Căn để thay đổi bộ mặt khu giải trí rồi lập một khu khác, để Vương Thảo Căn làm đại biểu pháp nhân; Vương Thảo Căn là ông trùm nổi tiếng nơi đây, có Vương Thảo Căn là có ô che đỡ; đối với người ở nơi khác đến làm ăn như ông chủ người Quảng Đông, đó không khác gì một miếng bánh rơi từ trên trời xuống vì thế ông ta nghe theo kế của San San.
Vương Thảo Căn cũng là người biết điều, ông đàng hoàng góp cổ phần bằng cách bỏ ra ba triệu tệ trang hoàng lại khu giải trí. Khu giải trí X rùng mình một cái biến thành Khu giải trí San San, nội thất đổi mới toàn bộ, rực rỡ huy hoàng, chẳng mấy chốc trở thành nơi ăn chơi cao cấp nhất của thành phố C.
Đầu tiên mà Vương Thảo Căn muốn đuổi việc là tay quản lý nhưng San San không đồng ý. Cô bảo:
- Tay này thành thạo nghiệp vụ, biết cách chém đẹp khách nhưng cái thóp của hắn thì em đã giữ rồi, trò ma mãnh của hắn đừng hòng qua mặt chúng ta. Để hắn lại cũng như có con chó giữ nhà.
Một Tỉ Sáu Một Tỉ Sáu - Trương Hiều Lượng Một Tỉ Sáu