Số lần đọc/download: 1337 / 20
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 6 -
T
ôi là Trần Văn Đông, lính cảnh sát chế độ cũ, cấp bậc thượng sĩ, năm mười lăm tuổi, sau ngày giải phóng có đi học tập mấy ngày, chủ yếu để nghe phổ biến chính sách và những qui định mới về sinh hoạt và cư trú, những điều những người lính bại trận như tôi nói với vợ tôi rằng tuy là lính nhưng tôi chỉ là lính gác đường, làm những công việc đại loại như phân luồng cho xe chạy, xử những vụ đụng xe, dắt tay bà già qua đường hay rầy con nít đái bậy, loại việc chế độ nào cũng cần. Tôi đâu ham nghề lính, tôi bị bắt quân dịch mà, nếu không có chiến tranh tôi đã làm ăn sinh sống sinh con đẻ cái như bao người bình thường khác. Tôi vốn rất sợ chiến tranh giặc giã, thời cuộc lộn xộn, chính phủ có nhiều phe phái tình thế bất ổn dân tình chẳng làm ăn được gì. Hồi nhỏ đi học gặp đám bạn chia phe đánh nhau tôi thường đứng giữa không theo phe nào cũng không bỏ công ra can gián làm gì. Vào làm cảnh sát gác đường hầu hết trong các vụ việc đụng chạm tôi thường xử "huề", không ai thắc mắc và tôi cũng không bị cấp trên khiển trách.
Nói chung suốt những năm làm cảnh sát tôi sống yên thân yên phận, làm việc lãnh lương là chính, không gặp sự cố nào ngoài chuyện gặp mẹ cô tôi sẽ kể sau đây.
Sau khi học tập về tôi cho đóng kín cửa trước, vợ con đi cửa sau, riêng tôi ngồi lỳ trong phòng hút thuốc uống trà đọc báo coi thời cuộc biến chuyển như thế nào. Nhưng chẳng thấy có biến chuyển gì cả, dân tình vẫn đi đứng làm ăn sinh sống, thế là tôi cho mở rộng cửa dần, cho lập quán cơm bình dân vợ con đứng bán phía trước tôi thủ việc nấu nướng phía sau. Quán có từ đó tới giờ như cô thấy đây. Tôi chẳng giàu có gì nhưng cũng không đến nỗi bị ốm đói, như vậy là được rồi. Nói chung cũng như trước kia, tôi sống yên thân yên phận, vậy cô muốn tôi nhắc lại chuyện cũ làm gì?
Tôi gặp mẹ cô vào một buổi trưa nắng gắt, ở ngã tư đường nơi tôi đứng gác. Mẹ cô đi chiếc xe solex màu đen, môi son má phấn tay xách bóp đầm bận áo dài trắng thướt tha, ra dáng con nhà khá giả. Nhưng chiếc xe của mẹ cô không hiểu sao bỗng hư giữa đường, ngay chỗ tôi đứng gác. Mẹ cô đứng lại loay hoay sửa mãi. Xe cộ lúc đó rất đông, cứ đùn lên phía sau khiến tôi phải bước ra coi thế nào. Không thế nào cả, chiếc xe của mẹ cô nhẹ hẩng chỉ cần nhấc lên đem vô hè đường là xong. Tôi đem chiếc xe của mẹ cô vào chỗ tôi gác. Việc đơn giản quá mà, nhưng mẹ cô cứ cám ơn tôi mãi. Ơn nghĩa gì, tôi nói, tôi chỉ làm nhiệm vụ tôi thôi. Tôi cố giữ vẻ mặt nghiêm nghị tiếp tục làm công việc của mình. Nhưng mẹ cô có vẻ mệt muốn đứng lại nghỉ một lúc. Thì cứ đứng, ngã tư này đâu phải của tôi. Chỗ tôi đứng gác có chiếc dù gỗ che nắng nhỏ xíu, chỉ vừa người đứng, mẹ cô cứ đứng nép sát vào tôi và như không có chuyện gì để nói mẹ cô hỏi chuyện tôi nào nhà tôi ở đâu, tôi có vợ chưa vào cảnh sát bao lâu rồi, tại sao chọn cái nghề gác đường cho mặt đóng bụi thế này. Mẹ cô cứ thỏ thẻ mãi sau này nhớ lại tôi nghĩ có lẽ tai họa đến với tôi từ lúc ấy. Có người đi đường nào vào đứng nói chuyện với người cảnh sát gác đường như thế này không? Vậy không hiểu sao tôi vẫn cứ đứng yên lắng nghe. Dạo đó là vào giữa năm sáu bảy, mẹ cô chừng trên hai mươi một chút hay nhỏ hơn, coi mẹ cô còn trẻ lắm, dáng người như thế không thế nào già được. Nhưng chỉ trông hình dáng như vậy thôi chớ tôi không biết mẹ cô là người như thế nào. Coi cách ăn bận sang trọng cùng cử chỉ lời nói có vẻ hoạt bát linh lợi, như con nhà khá giả được học hành tới nơi tới chốn. Nhưng lại có cái gì không phải như vậy. Thỉnh thoảng tôi nghe mẹ cô nói đớt, hơi ngọng nghịu. Mẹ cô đứng nói chuyện với tôi không quan tâm gì tới chiếc xe hư nữa, tiếp tục hỏi chuyện tôi rồi kể chuyện mình, không dấu diếm gì cả, rằng mẹ cô đang làm cho một sở Mỹ, như bất cứ cô gái quê nào lên thành phố, đồng lương cũng khá nhưng phải chịu nhiều tủi nhục. Xót xa lắm anh ơi, mẹ cô nói. Tôi hỏi có chuyện gì mẹ cô đáp rằng có chuyện gì khác ngoài chuyện đời người con gái, rằng không biết mắc mớ gì có một thằng Mỹ đem lòng thương mẹ cô, hứa hết hạn lính sẽ cưới mẹ cô đem về Mỹ. Nó mới hơn hai mươi tuổi một chút, coi vẻ thật tình lắm, có người mẹ già bên Mỹ thường viết thư hỏi nó chết chưa và khuyên nó nên bỏ trốn. Nhưng trốn làm sao, lội qua cả đại dương à? Mọi chuyện là như vậy có vẻ suôn sẻ lắm vậy, rồi không hiểu sao thằng Mỹ bỗng trốn mất. Mẹ cô đâu đã tính chuyện chồng con, lấy chồng Mỹ lại càng không ham nhưng nó đã hứa với mẹ cô như vậy rồi nó nuốt lời mẹ cô phải tìm gặp nó nói cho nó biết. Mẹ cô tìm nó cả tháng trời rồi mới biết nó đang ở đây, trong tòa nhà đường Nguyễn Trãi đằng kia kìa. Tòa nhà tụi Mỹ được canh gác cẩn mật lắm, mẹ cô không sao vào được. Tôi có cách gì tiếp được mẹ cô không. Mẹ cô chỉ cần gặp thằng Mỹ nói với nó một câu thôi. Không, tôi đáp. Tôi không muốn dính dáng tới tụi Mỹ. Tôi không ưa tụi nó, xin nói thẳng như vậy. Làm thân thằng lính gác đường như tôi hằng ngày chứng kiến cảnh tụi chúng đi nghênh ngang ngoài đường chọc ghẹo con gái, vào quán uống rượu đập phá, hay cái cách chúng rải tiền xu theo sau xe cho đám con nít bu theo cũng quá đủ cho tôi rồi. Tôi nói với vẻ giận dữ, một điều hiếm thấy ở tôi, mẹ cô thấy vậy liền bỏ đi, ì ạch với chiếc xe trông thật tội nghiệp. Nhưng tôi cũng thở phào nhẹ nhỏm như trút được gánh nặng.
Nhưng rồi mấy hôm sau mẹ cô lại hiện ra, vẫn với chiếc solex tai họa ấy, chiếc xe không hư nhưng mẹ cô tươi cười nói: "Em rượt theo thằng Mỹ anh à. Em vừa thấy nó đi qua đây em liền rượt theo nhưng nó đã chạy tọt vào trong tòa nhà rồi. Thôi coi như em nhốt nó trong đó, rồi có ngày nó biết tay em. Anh có quen thằng lính gác người Việt nào gác ở bót gác bên ngoài đó không?". Chuyện thật kỳ cục cứ như con nít giỡn chơi khiến tôi muốn bật cười. Có, tôi có quen đám lính gác người Việt ấy, vài thằng thôi. Tụi Mỹ không muốn chường mặt ra ngoài nên thuê đám lính gác người Việt gác cổng. Thì cũng là thứ gác đường như tôi thôi. Những lúc vắng người đứng mãi một chỗ chồn chân tôi thường thả tới đó hút với chúng điếu thuốc nói chuyện năm ba câu. Còn đám Mỹ bên trong tôi không biết, tôi không biết tiếng Mỹ và tôi cũng không muốn quen chúng. Thỉnh thoảng tôi thấy chúng đi ra đi vô mặt mày xưng xỉa, không biết chúng làm gì trong ấy, làm bạc giả hay chế bom nguyên tử. Thôi được rồi, mẹ cô nói, mẹ cô chỉ hỏi vậy thôi rồi mẹ cô sẽ tự tìm cách vào trong ấy không phiền tới tôi làm gì. Sao lại phiền, tôi buột miệng nói tôi có quen mấy tên lính gác người Việt ở đó, nếu mẹ cô muốn... Nhưng mẹ cô đã chào tôi nổ máy chiếc xe chạy đi. Mẹ cô đi rồi, tôi cũng đi theo. Đã đến giờ đổi gác rồi tôi đến chiếc quán quen gần đó uống chai bia rồi về nhà ăn cơm.
Quán ở đường Nguyễn Trãi, đối diện với tòa nhà của tụi Mỹ, có khoảng sân rộng, nhiều cây kiểng, phong lan nở bông thơm ngát. Lại có cô chủ quán mập mạp trắng trẻo vui tính tôi quen biết từ lâu. Tôi vào quán định đến ngồi vào chiếc bàn quen thuộc thường ngày của tôi thì thấy mẹ cô đã ngồi ở đó rồi. Mẹ cô biết đó là chiếc bàn của tôi, mẹ cô nói, nhưng cô chủ quán dễ tính nói mẹ cô ngồi chung với tôi cũng được.
Như đã sắp xếp trước rồi vậy. Nhưng tôi thấy không quan trọng gì cả, tôi ngồi xuống với mẹ cô mặc mọi chuyện muốn ra sao thì ra.
Nhiều khách ra vào trong quán. Trời mưa nắng gắt. Ngoài đường nắng như đổ lửa nhưng trong quán thật mát, bông phong lan nở đầy và có mấy con chim đang hót ríu rít trong lồng. Cô chủ quán đem cho tôi chai bia lạnh, lượng rượu cần thiết trong ngày của tôi. Mẹ cô uống cà phê đen pha rất ít đường, mỗi lần hớp một ngụm lại nhăn mặt một cái. Tòa nhà bên kia nằm im lìm dưới ánh nắng, không thấy có tên Mỹ nào ra cả. Đám lính gác người Việt cũng trốn đi đâu mất. Mẹ cô chăm chú nhìn tôi, hơi mỉm cười, rồi bỗng kể một câu chuyện gì đó hồi mẹ cô còn nhỏ, không biết ở một vùng quê nào ở đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó mẹ cô chừng bốn năm tuổi. Hôm đó giặc Tây càn, một thằng Tây chợt nhào tới chụp lấy mẹ cô nhấc bổng lên, bà ngoại cô thét lên tưởng nó xé xác mẹ cô ra. Nhưng không, nó chỉ muốn coi mẹ cô là con trai hay con gái thôi. Rồi nó đặt mẹ cô xuống lấy máy chụp hình ra chụp liên hồi, nói để gởi về bên Tây. Nó có đứa con gái cũng bằng tuổi mẹ cô cũng xinh đẹp như vậy. Hình mẹ cô đã qua bên Tây rồi, mẹ cô nói, giờ thằng Mỹ lại định đưa mẹ cô qua Mỹ nữa. Nhưng cả hai chuyến đi đều chẳng ra gì. Chuyện kể của mẹ cô chẳng đáng tin chút nào nhưng không hiểu sao tôi lại tin. Có lẽ tôi tin vào bản thân mẹ cô hơn vào câu chuyện.
Bỗng có một tốp lính đi vào quán, lính trận đàng hoàng. Tôi rầu đám lính này lắm. Nhưng tôi cũng sợ chúng, nhứt là lúc ngồi chung với mẹ cô như thế này. Sài Gòn dạo đó đầy những thằng rằn ri như thế, thằng chó nào cũng xưng là lính tiền đồn quậy phá còn hơn cướp đường, dòm con gái cứ như muốn lột truồng người ta ra vậy mà cứ hay nói cạnh khóe tụi tôi: "Ê mấy thằng lính kiểng tụi tao sống chết ngoài kia tụi bây núp bóng trong này giành hết lấy con gái của tụi tao phải không?". Đám này chừng năm bảy đứa diện quần áo rằn ri chính hiệu lấm lem bùn đất nhưng không biết có phải thật hay không, có khi chúng mới trét bùn từ ngoài cổng trước cửa quán đó thôi. Chưa ngồi yên chỗ chúng đã la thét đòi đem bia ra thế là quán om sòm cả lên. Nhưng có một thằng không la hét gì cả ngồi lặng lẽ uống bia, thỉnh thoảng liếc nhìn sang bàn chúng tôi với vẻ ảm đạm như từ dưới mồ chun lên. Mẹ cô cũng nhìn lại nó, còn mỉm cười như muốn bắt chuyện với nó nữa. Mẹ cô có thể làm quen với cả người trên sao Hỏa. Thằng rằn ri thấy vậy bèn bước sang bàn chúng tôi nói: "Cho tôi ngồi với! Uống rượu một mình chẳng khác nào tụng kinh không có thầy chùa". Mẹ cô cười vẻ săn đón: "Ngồi đi anh! Anh uống thêm chai bia nữa nghen?". Vậy là tôi trở thành người thừa. Mẹ cô bắt đầu bám lấy thằng rằn ri hỏi thăm nó đủ điều, kêu nó kể chuyện ngoài tiền đồn cực khổ ra sao ai còn ai mất thế là nó không còn vẻ ảm đạm nữa hăng hái tuôn ra đủ thứ chuyện, rằng nó đóng quân ở một tiền đồn nơi tận cùng trời cuối đất, Việt cộng bao quanh suốt ngày đêm thế là cả đồn ăn ngủ đái ỉa một chỗ, uống bia thay nước và vo gạo nấu cơm cũng bằng bia. Cho đến một hôm chúng bị vây suốt năm ngày đêm, bị bắn tỉa chết từng thằng một cuối cùng chỉ còn mình nó, nó khôn hồn chun vào một thùng sữa thế là thoát nạn và từ đó nó chạy một mạch về đây để gặp mẹ cô kể lại câu chuyện này. Mẹ cô nghe nó kể, vẻ thương cảm hiện ra trên nét mặt, thật không hiểu ra sao. Rồi mẹ cô hỏi chuyện nó nữa, hỏi trước đó làm sao nó bị bắt lính thế là thằng rằn ri tuôn ra không còn chừa gì nữa. Trốn chớ sao không trốn, nó nói, nghe tin sắp bị kêu lính nó trốn biệt vào trong Đồng Tháp Mười, một cánh đồng rộng mênh mông như biển cả người ta đồn có con ma đồng thiêng lắm. Thế là nó cứ theo con ma đồng, con ma dẫn đi đâu nó đi theo đó cứ đi mãi đi mãi hết lội trên mặt đất khô nứt nẻ tới dầm mình dưới nước ngang thắt lưng hoặc ngập tới cổ cuối cùng nó đến được một khu rừng tràm bạt ngàn nó nghỉ lại đó bởi nó nghĩ con ma đồng cũng cần phải nghỉ. Thôi yên tâm rồi, nó nghĩ bụng, chẳng có ai theo được nó vô tới đây, nó mặc sức hái mật ong bắt rùa rắn ăn thôi. Nhưng nào ngờ trong khu rừng tràm cũng có vô số những thằng trốn lính như nó có một thằng có vẻ là đầu sỏ qui tụ chúng lại nói: "Chúng mình cùng hoàn cảnh phải dựa vào nhau mà sống". Đúng rồi, thế là chúng kéo thành đám đi hái mật ong, bắt rùa bắt rắn, nhưng đến một hôm thằng đầu sỏ dụ chúng ra ngoài đồng trống tát bắt cá và một đám trực thăng sà xuống bắt chở chúng đi hết. Té ra đó là thằng chỉ điểm. Nó oán thằng đó lắm, chỉ mong được gặp lại thằng đó để trả thù nhưng gặp làm sao được, nó đã ở lại trong trại lính rồi còn thằng đầu sỏ hẳn đang nằm tréo chân trong đồng ăn mật ong chờ lùa bắt đám thanh niên khác nữa.
Có nên tin lời thằng rằn ri ôn dịch này không? Tôi bỏ ngoài tai hơn phân nửa chuyện kể của nó nhưng mẹ cô chăm chú nghe ra chiều thương cảm lắm. Nhưng cũng phải công nhận nó kể về Đồng Tháp Mười rất hay, tôi suốt đời chưa ra khỏi thành phố nghe đồn nhiều về cánh đồng nổi tiếng ấy và qua lời kể của nó tôi cũng thấy được cảnh đồng nước mênh mông, những khu rừng tràm bạt ngàn, tôm cá rùa rắn chim chóc bông sen bông súng nở đầy đồng.
- Phải chi lần đó con ma đồng dẫn tôi đi luôn. - Thằng rằn ri than thở.
- Anh buồn làm chi! - Mẹ cô an ủi nó.
- Tôi còn buồn gì nữa - Thằng rằn ri rên rỉ - Tôi đã chết rồi, chết chưa chôn đó thôi.
Mẹ cô nhìn nó với ánh mắt thương cảm rồi nói:
- Anh đi qua bên kia chơi chút không? - Mẹ cô chỉ sang bên tòa nhà nói - Tôi có mấy người bạn bên đó anh qua nói chuyện cho vui.
Không hiểu mời mọc cái kiểu gì vậy. Nhưng thằng rằn ri gật đầu đồng ý. Mẹ cô dẫn nó xuống địa ngục nó cũng đi. Mẹ cô đứng dậy bước đi tà áo dài trắng lướt qua mặt tôi như một luồng sáng. Thằng rằn ri lò dò đi theo sau. Tôi biết rồi sẽ có một đống chuyện rắc rối trước mặt. Nhưng không hiểu sao tôi không bỏ đi. Tôi uống nốt ly bia rồi quay ghế nhìn ra, theo dõi mẹ cô và thằng rằn ri. Mặt đường vẫn chói rực dưới ánh nắng. Mẹ cô và thằng rằn ri đi băng qua. Mẹ cô đi hối hả, gần như lôi thằng rằn ri đi theo sau. Mẹ cô vừa đi vừa kề tai nó nói nhỏ điều gì. Chắc kể chuyện thằng Mỹ lừa gạt mẹ cô. Thằng rằn ri gật đầu ra vẻ đã hiểu. Rồi nhiều xe cộ chạy qua tôi không còn nhìn thấy gì nữa. ở cổng vắng tanh, nhưng trong phòng trực thấy có lố nhố đám lính gác. Mẹ cô đã tới cổng rồi, đứng lại một chút rồi đi thẳng vào phòng đám lính gác không chút ngại ngùng. Một tên lính gác bước ra. Mẹ cô đứng lại nói chuyện với tên lính gác, thằng rằn ri bước tới đứng phía sau. Tên lính gác trả lời gì đó và đôi bên đôi co nhau. Chắc mẹ cô muốn vào gặp thằng Mỹ và tên lính gác đã từ chối. Mẹ cô bước trở ra ngoài đứng nhìn vào bên trong tòa nhà rồi trở vào đôi co với tên lính gác nữa. Cạnh tòa nhà có một nghĩa trang rất lớn, không biết có từ hồi nào, có lần tôi vào trong đó đuổi bắt một tên cướp giật. Thường ngày người vào viếng nghĩa trang rất đông, khách viếng thật sự và cả trai gái vào đó chơi. ở đó cũng có lính gác, chắc từ bên tòa nhà phái sang vì từ bên đó có thể dễ dàng xâm nhập qua bên tòa nhà. Lúc đó ở cổng nghĩa trang vắng người nhưng không hiểu sao mẹ cô cứ nhìn chăm chú qua đó. Rồi mẹ cô lại tiếp tục đôi co với tên lính gác, càng quyết liệt hơn. Tên lính gác cũng nổi cơn sừng sộ và nhiều tên khác từ trong bót gác chạy ra. Tới đó thì thằng rằn ri liền gạt mẹ cô sang một bên xông tới. Và rồi tất cả lộn xộn lên hết. Tôi rời quán bước ra ngoài. Đám lính gác bu lấy thằng rằn ri tôi không còn nhìn thấy nó đâu nữa. Cho đến lúc đám lính gác giãn ra thì nó đã nằm một đống trên mặt hè đường, như một miếng giẻ rách. Không biết nó chết chưa không thấy nhúc nhích gì cả. Đám lính gác bỏ đi vào trong chỉ còn mẹ cô đứng đó.
Thật là phiền, nhưng tôi phải qua đó coi sao. Tôi đi thật chậm, trong đầu không một ý nghĩ. Thằng rằn ri nằm ngay trước cổng tòa nhà, sát bên phòng trực nhưng lại ở trên hè đường, vậy cũng thuộc quyền giải quyết của tôi. Mẹ cô nhìn thấy tôi đi tới nhưng không nhìn tôi, đang ngồi bệt xuống với thằng rằn ri. Có quá đáng không? Người đi đường bu lại đông nghẹt coi hai sắc lính đánh nhau, tôi phải giải tán họ, lập biên bản, giải quyết thật mau để tránh tụi quân cảnh kéo tới. Thằng rằn ri không chết nhưng không dậy nổi, hay giả bộ như thế, mẹ cô nhờ tôi đón dùm chiếc tắc xi, sau đó tôi phụ mẹ cô dìu thằng rằn ri vào xe và mẹ cô cùng vào ngồi với nó. Chiếc xe chạy đi. Suốt những lúc đó mẹ cô không hề nhìn tôi.
Tôi cũng nhanh chóng rời khỏi chỗ đó. Buổi gác hôm sau của tôi ở ngã tư thật nặng nề, tôi cứ nơm nớp lo sợ mẹ cô xuất hiện, có đám lính rằn ri đi theo sau súng đạn đầy người hướng thẳng về phía tòa nhà thế là súng nổ, lửa cháy, tòa nhà sụp đổ tan tành và tôi cũng bị chôn vùi luôn trong đó. Tối về ngủ tôi cũng mơ thấy như thế, tà áo dài trắng của mẹ cô cứ như một bóng ma lởn vởn trước mặt tôi, mẹ cô dẫn tôi vào nghĩa trang và tôi thấy có mả mình trong đó.
Lần sau mẹ cô không đến gặp tôi ở ngã tư mà đến ngay nhà tôi. Thì tôi đã cho địa chỉ nhà tôi cho mẹ cô rồi còn gì. Chính căn nhà này đây, mẹ cô đi vào thật tự nhiên, nói nhân đi học may về tiện đường ghé thăm tôi. Và thăm em gái tôi nữa. Mẹ cô ngồi chiếc ghế cô đang ngồi đó. Mẹ cô xin lỗi tôi chuyện vừa rồi ở cổng tòa nhà, nói chuyện không đáng gì mẹ cô lại làm phiền tôi. Chẳng qua mẹ cô thấy tôi hiền lành muốn làm quen, còn chuyện tụi lính gác với thằng rằn ri đánh nhau là chuyện của chúng. Thằng rằn ri thế nào, tôi buột miệng hỏi. Không sao cả, nó đã bình phục rồi, mẹ cô đáp. Hôm đó mẹ cô đã đưa nó về doanh trại rồi nhiều ngày sau đó mẹ cô đều vào thăm nó, phải nói dối là em gái để đám lính trại khỏi làm khó dễ. Nhưng đám lính trại không làm khó dễ gì cả, lại còn khen thằng rằn ri có người em gái dễ thương. Mẹ cô mua thuốc men đường sữa cho thằng rằn ri vỗ về an ủi nó, rồi làm quen với nhiều thằng rằn ri khác nữa. Mẹ cô có vẻ vui thích khi nói về trại lính đó, tôi không hiểu như thế nào. Tôi đã từng biết những trại lính tối tăm dơ bẩn đám vợ con chúng sống xô bồ xô bộn tôi không thể hình dung mẹ cô vào đó với tà áo dài trắng lê la với bọn chúng.
Mẹ cô ngồi với tôi một chúng rồi với em gái tôi. Tôi có đứa em gái tật nguyền, hai chân nó bị vặn vẹo từ lúc mới sinh, cha mẹ chúng tôi chết cả chỉ có hai anh em sống với nhau. Em tôi thường ở trong phòng đóng kín cửa nó mặc cảm về đôi chân dị tật của nó nhưng ngoài những cái đó ra nó là một đứa con gái hiền hậu dễ thương. Nó học hết tiểu học rồi không học nữa, ở nhà tiếp tôi lo việc bếp núc, thì giờ rảnh rỗi nó tập xếp hình giấy. Nó gởi mua đủ thứ sách vở dạy cách xếp hình giấy giỏi nhứt thành phố. Nó có thể xếp hình bất cứ cái gì từ chim chóc hoa lá muông thú tới hình người tiên phật, người tiều phu thằng Lảnh bán heo. Nãy giờ ngồi trong phòng tôi biết nó lắng nghe hết chuyện của mẹ cô, và khi mẹ cô đứng dậy nó liền ở rộng hết cửa ra. Tôi ngồi lại bên ngoài hút thuốc lắng nghe câu chuyện rôm rả bên trong, em tôi ít nói vậy mà cũng nghe tiếng nó nói, và tôi ngạc nhiên xiết bao khi nghe mẹ cô lớn tiếng dạy em gái tôi cách xếp hình một con vật nào đó. Mẹ cô ghé nhà tôi chỉ hơn tiếng đồng hồ tôi tưởng rất lâu, sau khi mẹ cô đi về rồi em gái tôi còn ra ngồi nói chuyện với tôi một lúc một điều hiếm thấy ở nó. Mẹ cô còn ghé nhà tôi nhiều lần, chủ yếu chơi với em gái tôi và sau này khi em gái tôi mất tôi nhìn thấy trong mớ hình giấy nó trưng bày trong tủ kính có hình mẹ cô xếp cho nó.
Đã gần Tết rồi, Tết Mậu Thân năm 68. Tôi đứng gác ở ngã tư đôi lần có cảm giác thấy mẹ cô đi ngang, lẫn trong đám đông xe cộ, tà áo dài trắng lướt qua thật mau khiến tôi có cảm giác như do tôi tưởng tượng ra.
Tôi tránh đi lại chỗ tòa nhà. Nhưng có một lần một tên lính gác đi ngang chỗ ngã tư nhìn thấy tôi bèn vào mời tôi điếu thuốc, nói:
- Thằng tiền đồn ôn dịch chết chưa? Nó bị tụi này dần cho một trận nên thân, đồ hỗn láo! Nhưng nghĩ cũng tội cho nó, nó binh cô nàng xinh đẹp bị thằng Mỹ lường gạt mới ra nông nổi đó.
Tôi nói sang chuyện khác:
- Gần Tết rồi tính ăn Tết ra sao?
Ăn Tết cái gì? - Tên lính gác nói - Không nghe mấy bà bán cá nói gì à?
- Nói gì?
- Sắp đánh lớn rồi, rán mà giữ cho được cái đầu.
Thường là như vậy, những tin tức cơ mật không tiết lộ ra từ bộ tổng tham mưu mà từ các chợ rau chợ cá.
Tôi nói:
- Giữ làm sao, mày lãnh lương rồi mà?
Tôi về nhà kêu em gái tôi lo chuẩn bị gạo mắm nhưng em gái tôi lại thẫn thờ nhắc tới mẹ cô, hỏi sao lâu rồi không thấy mẹ cô tới chơi và bảo tôi nhắn mẹ cô đến gặp nó, một lần thôi cũng được. Nhưng tôi biết tìm mẹ cô ở đâu? Tôi trở lại tòa nhà gặp tên lính gác:
- Có thấy con nhỏ hôm qua rồi qua lại đây không?
Tên lính gác trợn mắt nhìn tôi:
- Mày dính líu tới nó làm chi? Cứ để cô nàng trị thằng Mỹ một trận mình đứng ngoài coi chơi thôi. Tao biết con nhỏ nắm chắc ngày giờ thằng Mỹ bay về nước rồi, nó sẽ đợi đúng ngày giờ đó ra ngay sân bay níu lưng thằng Mỹ cái gì mà nó không chịu lòi ra. Nó thoát chết rồi mà, lại có cả mấy kí lô thuốc phiện trong va ly, nó xì cho con nhỏ vài chục ngàn đô la, con nhỏ về quê mở quán mần ăn còn tụi mình ngồi đây mà ngáp.
Thằng lính gác cứ tào lao tôi phải nạt nó:
- Thôi mày biết gì, cô ấy có đi ngang đây mày bảo đến ngã tư gặp tao một chút.
Những ngày giáp Tết tôi vẫn gác. Năm nào cũng vậy, tôi ăn Tết ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Thành phố vắng tanh, ai nấy đóng kín cửa ở trong nhà để cúng kiếng ông bà. Đêm ba mươi đèn đóm lù mù, pháo nổ rang khắp nơi nhưng ở chỗ tôi trời mưa lất phất khiến tôi lạnh rung. Người đi đường thưa thớt, ai nấy đều vội vã. Bỗng tôi nghe như có tiếng súng nổ đâu đó, rất xa, nghe âm âm như vọng lại từ dưới lòng đất. Ban đầu tôi tưởng là tiếng pháo nhưng tiếng ùng oàng tiếp theo tôi không lầm lẫn vào đâu được. Tôi mong hết phiên gác để trở về nhà với em gái tôi. Chắc nó lo lắm. Cuối cùng không chờ được tôi nói với thằng gác chung gác thay cho tôi, chủ yếu đừng báo việc tôi bỏ về nhà tôi sẽ cho nó tuần lễ lương. Nhưng thằng đó không lãnh được tuần lễ lương của tôi, nó chết liền sau đó mấy ngày. Tiếng súng nổ đã dậy khắp chung quanh, tôi về tới nhà thấy em gái tôi không tỏ vẻ lo lắng gì cả, như việc bên ngoài không liên quan gì tới nó. Nó hỏi tôi có gặp được mẹ cô không có nhắn được lời nó không. Tôi không đáp gì cả ngồi yên hút thuốc đợi cho trời mau sáng. Từng đám trực thăng bay ầm ầm qua đầu. Pháo kêu hú rồi nổ bên này bên kia. Tôi hút hết cả gói thuốc thấy như đêm kéo dài tới vô tận. Nhưng rồi trời cũng sáng tôi bận quần áo tới đồn. Tháng lương này tôi đã lãnh rồi. ở đồn tôi thấy có mặt đủ cả, té ra cũng là lính chết đói như tôi. Có lịnh cấm trại. Tôi lãnh súng, ghi danh rồi đến ngã tư gác như thường lệ. Người đi đường vẫn tấp nập như không có chuyện gì xảy ra. Có một đám cưới đi ngang với hàng xe dài giăng hoa kết tua. Thành phố này kỳ lạ như vậy đó. Tôi nghe người đi đường kháo nhau súng đã nổ vào tới bộ tổng tham mưu, đài phát thanh, tổng nha cảnh sát... Nhưng chỗ tôi đứng vẫn không có gì xảy ra, như chiến tranh chỉ thừa chỗ tôi.
Ngày hôm sau cũng vậy. Cho đến ngày thứ ba tôi nhìn thấy mẹ cô đi ngang.
Mẹ cô ăn bận gọn gàng, quần tây áo sơ mi, mặt nghiêm nghị, có vẻ căng thẳng. Mẹ cô liếc nhìn tôi hơi mỉm cười rồi đi qua luôn, rồi đứng lại đằng xa, như có ý chờ tôi. Trong đầu tôi rối lên hằng trăm ý nghĩ, thấy hiện lên hình ảnh thằng rằn ri, đám lính gác, thằng Mỹ lừa đảo... Tôi cố nối các câu chuyện đó lại với nhau nhưng nó cứ rời ra. Tốt nhất đừng dính vào bất cứ cái gì. Nhưng nghĩ như vậy tôi lại muốn làm khác đi.
Tôi rời ngã tư đi theo mẹ cô. Chúng tôi đến quán trước cửa tòa nhà. Giống như lần trước, nhưng chắc tai họa có khác. Khách đông nghẹt. Thành phố này là như vậy, hễ có biến cố gì người ta kéo ra quán kháo tin với nhau. Người trong quán kể chuyện các trận đánh xảy ra chỗ này chỗ nọ, nhà cháy người chết rồi lại bàn sang chuyện mần ăn mua bán, đám cưới đám hỏi.
Có ai đó kể chuyện một tên trộm vào nhà chỉ ăn cắp cái nồi nấu cơm rồi để lại một xâu chìa khóa to tướng. "Hẳn anh chàng muốn nấu nồi cơm ăn để tuyên bố giải nghệ". Một người khác nhận xét. Trực thăng vẫn bay ầm ầm qua đầu. Đâu đó có mùi khói. Mẹ cô coi đồng hồ rồi hỏi giờ tôi. Tôi có chiếc đồng hồ chạy rất chính xác và có thói quen hay coi giờ, không biết để làm gì.
- Chín giờ mười lăm - Tôi nói. Rồi hỏi lại - Mấy hôm rày cô ở đâu?
- ở đây thôi - Mẹ cô đáp, mặt không chút xao động. - Tôi vừa ghé nhà anh, em gái anh hỏi sao mấy hôm rồi anh không về nhà.
- Tôi bị cấm trại - Tôi đáp.
- Tôi biết. Tôi cũng nói với em gái anh như vậy.
- Tôi rất thương em gái tôi.
- Em gái anh rất dễ thương. Phải chi tôi được rảnh rỗi đến xếp hình giấy chơi với cô ấy.
- Nó cứ nhắc cô hoài. Nó bảo tôi đi tìm cô nhưng tôi biết tìm ở đâu.
- Tôi bận lắm.
- Cô gặp thằng Mỹ chưa?
- Tôi chưa gặp nhưng tôi biết nó còn trong đó. Nó không đi đâu được hết và cũng không thằng nào được đi đâu.
Mẹ cô nói và nhìn xuống chiếc túi xách to nặng đeo bên hông, tôi hình dung trong đó có con dao và mẹ cô sẽ xông vào tòa nhà đâm thằng Mỹ một nhát để rửa mối hận. Rồi mẹ cô đứng dậy, như để khẳng định sự ước đoán của tôi. Chín giờ bốn mươi bảy phút, tôi vẫn còn kịp coi đồng hồ. Mẹ cô đi thong thả, không hề quay lại nhìn tôi, ra khỏi cửa đứng lại nhìn ra hai đầu đường như tìm kiếm ai. Đường lúc đó vắng tanh, chỉ có chiếc xe tải nhỏ chở đám thanh niên bận áo chim cò chết máy tấp vào bên lề đường. Đám thanh niên chắc đi ăn Tết say sưa ở đâu về nghêu ngao hát ngồi ngả ngớn phía sau xe không màn gì tới chuyện nó bị hư cả. Người tài xế hì hục với chiếc đầu máy. Mẹ cô nhìn chăm chú vào chiếc xe, như chờ đợi nó chạy khỏi để đi qua đường. Nhưng chiếc xe như chết lịm ở đó. Một tên lính gác bước ra chỉa nòng súng xua đổi càng làm cho người tài xế lúng túng thêm. Mẹ cô đi băng qua. Tôi cũng bước theo coi chiếc xe chết máy ra sao. Tôi đi sau mẹ cô chỉ một quãng ngắn. Tên lính gác lúc này đã giận dữ quát tháo, người tài xế hoảng hốt chạy loay quanh. Tôi bước tới rầy rà mấy câu chiếu lệ rồi kê vai tiếp đẩy chiếc xe. Có vài thanh niên bước xuống cùng đẩy nhưng quờ quạng càng làm vướng thêm. Bỗng tôi thấy mẹ cô bước mau lại với tên lính gác cười nói gì đó với nó rồi áp sát vào người nó đẩy đi vào trong bót gác. Tên lính gác nhìn tôi với ánh mắt cầu cứu. Tôi vội bỏ chiếc xe bước đi theo, không rõ để tiếp giúp tên lính hay để bảo vệ mẹ cô. Mười giờ kém năm, tôi lại coi đồng hồ, như một thói quen chết tiệt không cưỡng lại được. Mẹ cô và tên lính đã vào trong bót gác và tôi đứng lại ở cửa.
Trong bót gác có bốn đứa, chúng đang đánh bài. Tôi tới sau một chút, chắc mẹ cô vừa nói câu gì đó và chúng ngẩng lên há hốc miệng kinh ngạc, các lá bài còn cầm xòe trên tay.
- Tôi có trái lựu đạn trong này - Mẹ cô lặp lại, chỉ tay xuống chiếc túi xách - Tôi sẽ giựt nổ tất cả sẽ chết hết. Nhưng tôi chết cho anh em tôi vào đánh tụi Mỹ còn mấy anh chết vì cái gì?
Từ chỗ tôi đứng, qua cửa sổ có tể nhìn thấy chỗ chiếc xe chết máy với đám thanh niên bận áo chim cò. Đám lính gác quay nhìn ra chỗ đó. Mẹ cô nhìn theo rồi nói tiếp:
- Anh em tôi đó. Họ có đủ súng đạn đánh sập tòa nhà này. Mấy anh chạy lẹ đi, tìm chỗ nào trốn đi! Mấy anh chết làm gì?
Mẹ cô chỉ nói với đám lính gác, không hề nhìn đến tôi. Nhưng tôi vẫn đứng đó. Trong lúc đám lính gác nhốn nháo lên thì tôi lại đưa tay coi đồng hồ, như một động tác thừa thải của người vô hồn.
Rồi tôi quay lưng bỏ chạy. Mẹ cô không nói gì với tôi cả nhưng tôi vẫn bỏ chạy. Tôi chạy hộc tốc, và nghe đám lính gác chạy theo sau tôi. Chúng tôi chạy ra tới cổng cùng lúc với hai đám thanh niên chim cò chạy băng vào, hai bên gần như chen vào nhau để lấy đường chạy đi. Tôi cảm thấy lâu lắm, nhưng cũng thật mau, thoáng chốc tôi đã ra tới ngoài đường và cứ thế chạy đi, không cần biết theo hướng nào. Đám lính gác cũng túa ra mạnh ai nấy chạy chẳng mấy chốc đã mất hút vào trong các ngõ hẻm. Tôi tìm được một hẻm rẽ ngoặc ngang và từ đó tìm đường đi về nhà.
Em gái tôi đang ở nhà. Tôi quơ vội ít quần áo, gom tiền đưa cho em tôi một nửa nói:
- Anh đi đây! Em ở nhà đóng kín cửa ăn cơm với tương đừng đi ra ngoài.
- Anh đừng lo cho em - Em gái tôi nói - Nhưng có chuyện gì vậy?
- Anh phải tìm chỗ trốn, người ta đang đánh sập tòa nhà...
- ở đâu vậy?
- ở đường Nguyễn Trãi.
- Là ở đâu? A thôi em biết rồi.
- Em biết gì?
- Chị thợ may, anh dính líu tới chị ấy phải không? Vậy thì anh trốn đi, trốn biệt đi. Anh làm lính gác chường mặt ra ngoài đường làm gì.
Tôi đến ở nhờ nhà một thằng bạn, ăn ngủ trong một phòng kín mít như đàn bà đẻ cả nửa năm trời, không hay biết gì bên ngoài cả, thành phố nát tan tôi cũng không biết. Tôi chờ tình hình yên hẳn rồi lại trở về đồn.
Tôi không có gan trốn biệt theo em gái tôi. Tôi là người lính sống vì đồng lương, đã quen cái nghề đó rồi. ở đồn người ta chỉ qui tôi tội đào ngũ, không ai biết tôi có dính líu tới mẹ cô. Đám lính gác đã chạy hết chắc lên tuốt trên rừng làm khỉ leo cây trên đó, đứa nào trở về cũng đố dám mở miệng nói ra điều gì. Tôi bị đưa đi lao công đào binh, ở đó tôi gặp một thằng tên út Mặt Mâm, bụi đời chính cống, nó cười khì với tôi nói là nó biết tôi sẽ vào đây. Nó đã thấy tôi nói chuyện mẹ cô ở ngã tư và theo mẹ cô đến chỗ tòa nhà khi tôi từ trong đó chạy ra nó lẻn vào, để coi chơi thôi nhưng bị tụi Mỹ bắt được nó khai là vào ăn cắp đồ bị đưa đi lao công. Không thể tin lời thằng đó nhưng cũng không muốn dính líu tới nó tôi làm thinh tìm cách né tránh. Từ đó tới giờ tôi không gặp lại nó nữa, không biết sao nó biết tôi ở đây chỉ cho cô như thế này.
Tôi bị đưa ra khỏi ngành cảnh sát sau đó không lâu, chắc người ta đã mơ hồ đoán ra điều gì, tôi trở thành người dân bình thường làm đủ nghề để sống, cố quên đi chuyện cũ cho đến một hôm bỗng nghe em gái tôi hỏi:
- Chị thợ may chết rồi phải không anh?
Đó là câu cuối cùng của nó nhắc tới mẹ cô, nó bịnh nặng chết sau đó chỉ hơn tháng không còn ai nhắc tới mẹ cô nữa. Cho đến hôm nay tôi gặp lại cô kể lại tất cả chuyện này.