You can never get a cup of tea large enough or a book long enough to suit me.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Tác giả: Kito Aya
Thể loại: Hồi Ký
Biên tập:
Upload bìa:
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6093 / 356
Cập nhật: 2015-01-09 15:32:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
19 Tuổi Có Lẽ Không Còn Được Lâu Nữa
Ô ĐỘC
Ako tặng mình chiếc áo nhân dịp mình xuất viện. Hôm nay mình một lần nữa lại hạ quyết tâm phải vận động nhưng rồi cả ngày trôi qua chỉ với: ăn, xúc miệng, đi vệ sinh và ngủ. Đến tối mình được mẹ cắt tóc cho. Tóc mình giờ ngắn và lưa thưa. Tóc tuy là tóc của mình nhưng mình lại không đụng tay vào được, tệ thật đấy. Nghĩ cho cùng, mình đã hiểu tại sao mẹ lại muốn mình không nên tốn thời gian cho việc chải tóc. Nhìn qua gương, mình thấy kiểu tóc của mình giống hệt của bác sĩ Yamamoto.
CÔ ĐỘC
Nếu như mình có thể lành bệnh, có thể đi lại như bình thường, có thể nói chuyện như trước đây, có thể ăn cơm bằng đũa một cách thành thạo thì hay biết mấy. Cái “nếu” đó chẳng qua chỉ là một giác mơ không thể nào trở thành hiện thực và mình không nên nghĩ đến nữa.
Từ bây giờ mình phải sống cuộc sống của một người tàn tật với những gánh nặng suốt đời trên vai. Nhưng dẫu có đau khổ đến đâu mình cũng không chịu chua, mà phải chiến đấu! Mình đã quyết tâm như thế.
“Cháu không thể khỏe lạỉ như ngày trước được đâu, Aya à.” Các bác sĩ đã nói với mình như thế. Mình đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý thiêu cháy hết những gì mình có cho cái cuộc sống ngắn ngủi này.
Mình luôn khiến mẹ lo lắng mà không thể đền đáp chút gì, mẹ ơi con thật sự xin lỗi. Các em của chị, chị chưa làm được gì cho các em để xứng đáng được coi là chị cả, đã thế chị còn giành hết sự quan tâm chăm sóc của mẹ, xin hãy tha chứ cho chị.
Rồi đây, sẽ chỉ là những tháng ngày mòn mỏi chống chọi với bệnh tật. Đó là cuộc sống của mình.
Mình phải làm sao đây?
Mình chuyển từ căn phòng tầng hai đã ở bao năm xuống căn phòng kiểu Nhật ở tầng trệt. Phòng này rất gần hành lang, nhà bếp, nhà vệ sinh và cả phòng tắm. Vừa mở cửa sổ ra là thấy cả khoảng sân và em chó Koro lúc nào cũng nhìn về phía mình.
Koro đã sinh được bốn em chó con. Mấy em chó con tuy chưa mở mắt, nhưng đã rất giỏi tìm vú mẹ. Koro trông mới ra dáng chó mẹ làm sao. Sáng nay những nụ hoa lily đã nở rộ. Mình sẽ đặt tên em chó cái là Lily.
TÌNH YÊU
Buổi tối, mình được hướng dẫn về máy ảnh.
Em trai mình cầm theo một cái máy ảnh mới và bài tập hóa học sang phòng mình chơi. Có lẽ em ấy lo chỉ có mình thì sẽ buồn nên mới sang chơi. Đúng là một thằng bé ngoan!
Thằng bé mất hai tiếng giải thích cặn kẽ về cái máy ảnh, sau đó nó quay về phòng mà vẫn chưa làm được bài nào. Trước khi về phòng, nó còn bảo: “Sáng mai em sẽ dậy lúc năm giờ sáng để đi nhặt mấy viên đá sắc trên sân, cho lũ chú chó con không bị thương.” Nhưng nói thì nói vậy, thằng bé vẫn phải làm xong bài tập về nhà của nó, chẳng thể đi lượm đá trên sân được đâu, xin lỗi mấy em chó con của Koro nhé.
Tình yêu thương trong tổ ấm nhỏ ấm áp này đang ngập tràn trong mình. Nhưng mình lại không thể bày tỏ tình yêu dành cho mọi người. Mình không thể biểu hiện bằng ngôn từ và càng không thể diễn đạt được bằng hành động. Mình chỉ biết cười để đáp lại sự quan tâm mọi người.
- Mình phải đi ngủ sớm để sáng mai còn dậy sớm.
- Phải đánh răng thật nhanh.
- Không để trễ giờ ăn.
- Mỗi ngày đều phải luyện tập đều đặn và nghiêm túc.
- Mình cần phải nỗ lực làm gì đó để đền đáp lại tình cảm của mọi người.
Bài luyện tập: Đứng lên 10 lần, nâng mông lên 10 lần, xoay người qua trái qua phải và ngồi dậy 10 lần, níu tay vào đâu đó đứng trong 5 phút, hít thở thật sâu 3 lần rồi thổi harmonica, sau đó lại hít thở sâu liên tiếp 3 lần (khi thổi harmonica, mình để ý thấy nếu bịt mũi không để cho hơi thở lọt qua thì tiếng kèn nghe sẽ hay hơn). Luyện tập cho các ngón tay bằng cách làm những đồ thủ công. Cũng phải luyện phát âm bằng cách đọc thật to mấy cuốn truyện tranh.
CUỐI THU
Từ lúc nào mà ve sầu không còn kêu nữa. Chúng đã nhường chỗ cho những chú dế gáy râm ran. Trời ngày một lạnh hơn, cả sáng lẫn chiều. Mình không thể không cảm thấy năng lượng trong người đang tiêu hao dần đi.
Mình vẫn có thể tiếp tục sống chứ?
Mình mà chết thì sẽ chẳng để lại bất cứ điều gì
Tình yêu, sao mình chỉ có thể dựa dẫm vào điều đó, đáng buồn thay.
Mẹ ơi, để một kẻ xấu xí như con sống trên thế giới này liệu có được không? Mẹ nếu nhìn thấy điều gì tỏa sáng ở con, thì xin hãy chỉ dạy, hãy hướng dẫn con đi.
Hãy nhìn bông hoa gai mèo,
Đang nở trong vườn kia,
Ta yêu hoa lắm.
Sáng sớm, tiếng sủa của mấy chú chó con khiến mình choàng tỉnh giấc. Ánh mặt trời buổi sớm đang chiếu rọi qua khung cửa sổ. Mình nằm trong chăn ngắm nhìn bầy chó con. Bọn này lớn nhanh thật. Mới hôm trước chúng mới chỉ biết kêu ăng ẳng, vậy mà hôm nay đã biết gầm gừ như chó trưởng thành. Liệu có thể nói như vậy về mình không nhỉ, mình cười chua xót khi nghĩ thế.
Mình muốn đến cửa hàng hoa để mua hoa hồng. Mình muốn đến cửa hàng bánh kẹo, nhìn qua cửa kính mình sẽ chọn bánh su kem hay bánh bơ giòn. Mình muốn đến cửa hàng rượu: “Hãy cho cháu một chai vang mật ong Akadama, cháu muốn dành tặng em trai.” Mình sẽ nói vậy với bác chủ tiệm rượu có khuôn mặt đỏ au.
Ước mơ của mình thành hiện thực rồi, mình được tặng một cuốn Totto-chan của Koroyanagi Tetsuko. Nhưng hẵng để niềm vui đó lại sau, mình phải hoàn tất đồ chủ công kimekomi(13) này đã (mình cắt tấm vải ra thành nhiều mảnh to bằng nhau, sau đó dùng keo gắn chúng lại). Mình sử dụng kéo rất vụng về, xỏ kim cũng tệ y như vậy. Nếu nhầm kích cỡ của mấy mảnh vải thì hỏng hết cả, cho nên lúc cắt vải cần đặc biệt chú ý.
Buổi tối mình đang định đi ngủ thì có tiếng gõ cửa (giống một cảnh trong cuốn sách của Shinichi Hoshi mình từng đojc).
“Mời vào.” Mình nói. Cửa phòng lặng lẽ mở ra, một bé gái nhỏ xinh bước vào. À hóa ra đó là Rika em gái mình.
“Em có chuyện muốn nói.” Con bé nói bằng giọng nghiêm túc. “Ngày mai em phải đi nhà trẻ rồi. Lúc em không ở nhà chị phải ngoan đấy. Đừng té ngã. Em về nhà rồi mình sẽ cùng chơi, nhé?” Mình đã khóc.
Tình yêu của mẹ dường như ngập tràn trong người mình và biến thành một thứ tình yêu có thể lan tỏa sang mọi người.
Khi mình cho chim ăn hạt thì nó rất hạnh phúc. Nhưng khi mình mở cửa lồng ra để làm sạch thì con chim bay mất khỏi lồng và biến vào thế giới bên ngoài. Con chim bay đi mất vì không biết ở cái thế giới bên ngoài kia có rất nhiều kẻ địch đáng sợ, nó không biết rằng sẽ không sống được trong tự nhiên. Khi nào nhận ra điều đó hãy quay trở lại nhé.
Một cảm giác buồn bã dâng lên trong lòng. Mình ngồi viết thư cho thầy cô bạn bè.
“Mẹ ơi, mẹ mua cho con một cuốn sổ gáy xoắn thật đẹp nhé, con muốn viết nhật ký hẳn hoi, chứ viết trong vở học bình thường con thấy chẳng có hứng gì cả.”
“Chuyện như vậy mà con lại cần phải có hứng sao, con nghĩ như thế là hơi ích kỷ đấy. Con phải hiểu tình trạng cơ thể con đang không tốt và cần được theo dõi tỉ mỉ. Phải nghĩ rằng viết nhật ký là điều cần thiết.” Mẹ răn dạy.
Mẹ nói đúng. Mình đã học được một điều mới. Giả sử bỗng dưng mẹ nói “Tôi chẳng có hứng nấu cơm tối,” thì chắc là mọi người sẽ bị đói hết.
Mình thấy như bị cảm, bèn nằm nghỉ, định chợp mắt thì thấy Rika đến bên cạnh. Con bé ngồi sát bên gối, rồi dùng bút đánh dấu vẽ hình mấy chú thỏ trên vỏ gối. Đó là hai chú chó một lớn một bé đứng cạnh nhau, xung quanh con bé còn vẽ ba hay bốn hình gì đó tròn tròn, hình như là mấy bông hoa. Rồi con bé nói: “Buổi tôi chị có một mình nên chắc buồn lắm, để mấy con chó này làm bạn chị nhé.” Mình lại rơi nước mắt trước sự dịu dàng của con bé.
Có một bài đăng trên báo sáng nay viết về một người tàn tật phải ngồi xe lăn điện, chú theo học một chương trình đào tạo từ xa suốt 20 năm và rốt cuộc cũng đạt được chứng chỉ thợ sửa đồng hồ.
Bản thân mình thì chẳng thể phát triển được nữa. Thể xác của mình đã ngăn cản sự trưởng thành về mặt tinh thần. Liệu có công việc nào mình có thể làm được không? (Em trai mình nói là không, nhưng mình chỉ nghĩ đồng ý có một nửa thôi). Mình cho rằng chẳng có gì là không thể. Bây giờ mình chỉ biết làm đồ thủ công và viết nhật ký. Dù không có công việc gì, nhưng ở nhà mình có thể lau nhà, gắp quần áo giúp mẹ...
Hôm nay mình muốn làm mấy quả bóng vải, nhưng rốt cuộc toàn là chơi với em gái thôi. Trong lúc dó mẹ dọn dẹp phòng thay mình.
“Cứ mặc mọi thứ bẩn thỉu dơ dáy mà không động tay vào thì chẳng khác gì động vật.” Mẹ nói vậy.
Những sợi tóc rơi vương trên chiếu được mẹ quét dọn sạch sẽ, mình không biết phải nói sao cả, thật sự cảm ơn mẹ nhiều quá. Nhưng phòng mình giờ lại sạch quá, mình có cảm giác bồn chồn không yên.
Mình rất muốn biết cảm giác của mẹ khi lau dọn phòng mình. Vì chăm sóc cho một đứa phiền hà như mình mà mẹ phải mất nửa ngày trời mặc dù là ngày nghỉ.
“Tội chị quá.” Em gái mình đã nói thế.
Mình hỏi: “Ako này, với em cái gì là vui nhất?”
“Vậy với chị cái gì là vui nhất?” Ako hỏi ngược lại mình.
“Không có.”
“Tội chị quá.”
Mình luyện tập trên gác lửng. Mình giữ tay lên ghế bập bênh rồi đột ngột thả cả hai tay ra. Mình chỉ đứng được năm phút là đã thấy không vững nữa rồi. Mình đã rất cố gắng, thế mà vẫn không thể làm tốt hơn, tại sao vậy nhỉ? Đến lượt em trai mình cũng nói: “Tội chị quá.” Bên ngoài trời đã tối đen. Ánh sáng từ màn hình ti vi hắt lên khuôn mặt trắng mờ của thằng bé.
Mình muốn đến nơi nào đó rộng rãi.
Mình ngán những nơi chật hẹp tù túng lắm rồi.
Mình cảm thấy áp lực lắm.
Trời lạnh nên mình không được ra ngoài.
Mình toàn nghĩ đến chuyện chết chóc, hãi hùng quá.
Mình không di chuyển được, chịu thua rồi.
Mình muốn được sống!
Không đi lại được, không thể kiếm tiền...
Và cũng không thể nào giúp ích cho người khác.
Nhưng mình vẫn muốn sống.
Mình muốn được thấu hiểu.
Rika trét mứt bê bết lên trên bánh mì. Trong lúc con bé ăn, mứt nhỏ xuống đầy trên sàn nhà. Mình chỉ nghĩ: “Phí quá đi thôi.” Nhưng mẹ chỉ nói “Tiếc quá nhỉ!” rồi lau sàn nhà. Sự khác biệt trrong phản ứng này, là từ đâu mà ra nhỉ? Làm sao mẹ có thể tích cực được như thế?
Khi cố đứng dậy khỏi ghế nhưng không được, làm cho trái cam trong túi bị giập mất, mình đã học được cách nghĩ: “Tiếc quá nhỉ.”
NHỮNG LỜI LẼ TÀN NHẪN
“Con mà không ngoan thì về sau sẽ bị như thế đấy.”
Một cô khoảng ba chục tuổi mặc đồ bệnh nhân đã nói thế với con trai khi thấy mình loạng choạng bấu lấy mẹ vì suýt bị té trong nhà vệ sinh bệnh viện. Hôm đó mẹ con mình đến bệnh viện kiểm tra. Những lời nói của cô ta khiến mình buồn và tủi thẹn vô cùng.
“Nếu cứ giáo dục con theo kiểu đó, để sau này đến lúc về già cơ thể trở nên yếu ớt, cô ta sẽ nhận ra mình đã dạy con không đúng cách, những lời đó sẽ phản lại chính cô ta.” Mẹ an ủi mình như thế.
Những chuyện như thế có lẽ không thể tránh được. Khi trẻ nhỏ gặp những gì có vẻ khác lạ, chúng sẽ thấy tò mò và nhìn chằm chằm. Chẳng thể trách chúng. Nhưng đây là lần đầu tiên mình bị một người lớn đem ra làm ví dụ để chỉ dạy con cái. Kể ra cũng thực cay đắng.
Ban ngày chỉ có mỗi một mình ở nhà nên rất buồn, mọi người trong nhà thấy thế bèn kiếm cho mình một em mèo. Em mèo rất thân người, hay rúc vào trong chăn hoặc bàn sưởi cùng với mình. Em mèo còn nhảy lên chân mình ngồi, trông thật dễ thương làm sao.
Rika muốn ôm em mèo, nhưng lại ôm chặt quá, em mèo hoảng sợ đòi bỏ chạy. Rika bèn kéo đuôi mèo, cố đặt lên đùi mình, nhưng dù thế nào em mèo cũng phản ứng lại quyết liệt. Dần dần Rika không thích chơi nữa. Cuối cùng con bé nổi giận và đánh em mèo. “Rika, không được đánh em mèo!” Mình la lên. Con bé nghiến răng và lần này nó quay ra đánh mình.
“Em dám đánh chị à...” Mình ra vẻ nổi giận đùng đùng.
“Chị Aya nổi giận rồi, nổi giận rồi!” Rika nhạo lại.
“Thôi chị không chơi nữa.”
Lúc sau mình kể lại cho mẹ nghe chuyện đó. Mình thì đã 19 tuổi 5 tháng, thế mà lại đi cự nự với đứa em gái mới được 5 tuổi 7 tháng.
Cuộc sống của một bà cụ (mình).
Mình cứ như một bà cụ già: không có sự tươi trẻ, không có năng lượng, không có lý tưởng cũng như mục tiêu sống... Chẳng có gì ngoài một cơ thể đang dần tàn rạ. Mình phải sống vì cái gì cơ chứ? Ngược lại với tâm trạng đó, mình vẫn khao khát được sống. Những điều mình thích bao gồm: ăn uống, đọc sách và viết. Không rõ những bạn cùng 19 tuổi khác thì thích gì nhỉ?
Lần khám trước, bác sĩ đã dặn là sau tết mình nên đi khám lại. Nhưng mình sợ rằng chỉ toàn nghe những câu kiểu như: “Bệnh tình của cháu ngày càng trầm trọng, không có dấu hiệu phục hồi nào.”
Nghĩ đến chuyện đó mình chỉ biết khóc rưng rức. Không lẽ đời mình cứ chui rúc mãi trong bóng đêm như thế này? Thật đáng buồn, 19 tuổi thì là gì cơ chứ? 20 tuổi thì là gì cơ chứ? Chẳng có con đường nào mở ra cho mình cả.
Khi mình khóc, người xung quanh sẽ thấy nặng nề. Khi mình khóc, mũi mình bị nghẹt, đầu đau như búa bổ và người mệt lử. Vậy tại sao mình lại khóc cơ chứ?
Mình chẳng có lấy một công việc hay sở thích, thậm chí là mục tiêu muốn theo đuổi cho đến cùng. Ngay cả chuyện yêu một ai đó hay tự đi bằng đôi chân của mình cũng không thể được, mình chỉ biết khóc thảm thiết mà thôi. Rồi mình nhìn vào khuôn mặt ướt nước mắt của mình trong gương và hỏi: Tại sao mày lại khóc cơ chứ?
Hôm nay bữa trưa của mình là mì ăn liền: “Cho nước nóng vào, đợi chừng ba phút.” Lúc ăn mì mà không húp nước cẩn thận không chừng sẽ bị sặc. Chuyện này không đơn giản chút nào. Bởi nếu bị sặc lúc không có ai ở nhà thì vô cùng nguy hiểm.
Chị Chika, học trên khóa mình ở trường nội trú, từ bé đã bị bại liệt nên hay bị chảy nước dãi, nhưng chị ấy vẫn có thể uống nước từ cốc như bình thường, Bạn Ikeguchi thì sử dụng ống hút. Nhưng còn mình, phải uống như thế nào để không bị rớt nước ra ngoài? Phải chăng vì các cơ dùng để nuốt thức ăn trong thực quản của mình đều bị suy yếu. Hôm nay khi uống nước mình tập trung hết sức. Mình nhấp từng ngụm từng ngụm nhỏ, cứ như khi người ta uống rượu ấy. Thế là mình không bị sặc dù chỉ một lần. Làm được rồi, mình mừng quá!
Còn có một chuyện khác cũng khiến mình vui sướng. Từ trước cho đến nay, điều hiển nhiên nhất mà những người bình thường đều làm được thì mình lại không thể. Thực xấu hổ quá, đó là chuyện mình không đi vệ sinh kịp nên phải thay quần lót nhiều lần. Mình nhận ra nguyên nhân của vấn đề rồi. Bình thường mình chỉ đi vệ sinh khi thấy có nhu cầu, nhưng mình di chuyển quá chậm nên không kịp vào nhà vệ sinh. Thế là mình quyết định tại một số thời điểm nhất định trong ngày, mình sẽ vào nhà vệ sinh. Vậy là có tác dụng! Giờ mình có thể tự xoay xở mà không e ngại sự cố nào! Mình rất vui sướng và muốn kể chuyện này với ai đó. Nhưng nghĩ lại thì thấy đây đâu phải chuyện nên đi khoe với người khác, nên mình đành một mình tận hưởng thành công này vậy.
HỌP LỚP
Có năm giáo viên từ trường nội trú, cùng mười bảy học sinh kèm theo cả bố mẹ, tất cả tập trung tại khách sạn Inaka. Mình thấy vui mừng khi nhìn ai cũng mạnh khỏe.
Trước khi đồ ăn được dọn ra, mọi người cùng tập trung tại phía hành lang có ánh nắng ấm áp, bắt chuyện với nhau. Chỉ có mỗi mình là phải ngồi. Thầy Suzuki đến bên mình, khép chân lại và ngồi xuống. Mắt thầy ngang với tầm mắt của mình. Rồi thầy tặng mình một chiếc khăn tay, nói đó là quà thầy mua khi đi du lịch Singapore. Đôi mắt thầy vẫn vậy, hiền từ như mắt một chú voi. Bạn You mua tặng mình cuốn sách bằng tiền lương của bạn ấy, đó là cuốn Cherry và Einstein trẻ tuổi của Terako Ohashi. Vừa ăn chúng mình vừa nói chuyện cười đùa rôm rả.
“Đã lâu lắm rồi chúng ta mới có dịp thưởng thức những món Nhật như thế này phải không? Lại còn được gặp mặt mọi người nữa. Chừng nào còn sống, ta phải biết hưởng thụ hạnh phúc chứ nhỉ?” Mẹ nói.
“Uhm... đúng... vậy... mẹ ạ...” Mình đáp.
Nếu có người mà mỗi ngày chỉ nói được một, hai câu, liệu có thể coi người đó là một thành viên của xã hội này không? Mình đang trở thành người như vậy.
Nếu có người mà bản thân không làm được gì, phải nhở đến sự giúp đỡ cửa người khác mới sống được, liệu người đó có thể có một cuộc sống trong xã hội hay không? Mình chính là người như vậy.
Mình muốn có ích hơn cho mọi người. → Sẽ cố gắng làm những việc của mình mà không phiền đến người khác. → Nhưng mình đang không thể sống được nếu không có hỗ trợ từ người khác. → Mình trở thành gánh nặng cho nhiều người... Đó là cuộc sống của mình.
Tuyết bắt đầu rơi. Dù có vặn hết cỡ cái lò sưởi điện (bật lò sưởi dầu sẽ làm mình đau họng, nên chỉ trong phòng mình là dùng lò sưởi điện) và đút chân vào trong bàn sưởi, mình vẫn thấy lạnh thấu xương.
Từ tết đến giờ mình chỉ đọc mỗi bộ sách Dòng sông không có lấy một cây cầu của Sumi Sue, đọc luôn một lượt hết cả năm tập. Mình có cái tật xấu, là dễ dàng bị cuốn hút, thành ra cứ đọc ngấu đọc nghiến. Thậm chí còn trốn giờ tập để đọc sách.
Vừa từ trong phòng, mình bước ra ngoài hành lang, lạnh buốt cả người. Mình phải mặc thêm một cái áo phao ngắn để tránh bị cảm lạnh. Nhưng mình thấy sờ sợ, cơ thể mình cứ cứng đờ ra. Mình quyết định sẽ ngồi ăn trong phòng bệnh, mình không muốn ra ngoài vì trời đang rất lạnh.
Em mình mang cho mình thức ăn. Ăn một mình thấy cô đơn lắm, thỉnh thoảng hai đứa em cũng đến ăn cùng mình cho vui. Nhưng thú thực là, mình không thích vừa ăn vừa ngủ cùng một chỗ.
TAI NẠN GIAO THÔNG
Em gái mình Ako đang trên đường về bằng xe đạp thì bị một chiếc xe đột ngột tông phải. Ako bị thương và được đưa gấp đến bệnh viện bằng xe cấp cứu. Liệu em ấy có bị làm sao không? Mình chỉ biết cầu nguyện mà thôi.
Mẹ từ bệnh viện trở vê. Nghe nói là hai đoạn xương bên chân phải của em ấy bị gãy. Khi nào chân bớt sưng tấy thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Mẹ kể là Ako vừa khóc vừa gắng gượng nói: “Mẹ, con xin lỗi.”
“Đầu con bé không bị sao là may lắm rồi, mẹ nhẹ cả người,” Mẹ nói. Bóng dáng mẹ dường như nhỏ đi, trông khác hẳn.
“Mẹ ơi, dẫn con... đến... bệnh viện…nha mẹ.” Mình vừa nói thế, mẹ liền đáp. “Con chờ cho xong phẫu thuật đã, khi nào Ako hồi sức thì hẵng đến. Aya mà khóc nhiều, vết thương của em con sẽ càng đau. Con hãy cố gắng đợi vài ngày.”
Mình muốn bay nhanh đến chỗ Ako để nói rằng: “Ako hãy cố lên, em ráng chịu đau chút nhé, rồi sẽ ổn thôi.”
Trên đường đi học về, em trai mình có ghé qua bệnh viện, nhưng em ấy không thông báo gì với mình cả. Chảng lẽ tình trạng của Ako tệ lắm hay sao? Mình đang thèm bánh ngọt nhân đậu đỏ, nhưng mình sẽ chờ Ako khỏe hẳn rồi sẽ ăn, còn bây giờ sẽ ráng nhịn. Cố lên nhé, Ako của chị!
Mẹ có ổn không nhỉ? Mình thấy mẹ cứ bồn chồn, có vẻ như mẹ ngủ rất ít.
“Mẹ ơi con lo cho Ako lắm, nhưng con chẳng làm được gì cả.” Mình nói với mẹ như vậy.
“Vậy Aya hãy cố gắng không bị ngã, không để bị thương tật. Như thế là con đã giúp mọi người rất nhiều rồi.”
Cách giúp đỡ đó có vẻ hơi bị động, nhưng mình vẫn gật đầu tỏ vẻ đồng ý, rồi năn nỉ. “Con hiểu rồi ạ. Nếu không khóc nữa thì con có thể gặp Ako phải không mẹ? Vậy con sẽ không khóc nữa. Mẹ cho con đi gặp em nhé.”
Em gái Rika của mình bỗng dưng nói: “Em muốn chết!”
Nghe thấy từ “chết” mình trở nên căng thẳng. “Đau lắm đó em.” Mình dọa con bé như thế nhưng không ăn thua. “Chẳng sao cả!” Rika đáp lại. Mình rối lên và nói: “Chết là không được đi picnic nữa đâu em.” Rốt cuộc con bé nói: “Không chịu đâu, vậy thôi em không muốn chết nữa.” Hiển nhiên là Rika không có ý gì khi nói thế, nó có hiểu gì đâu nhưng mình lại đi nghiêm trọng hóa vấn đề.
Cơn gió mang mùa xuân đến, những mầm cỏ non vì vậy mà vươn dài. Mình ít vận động lúc thời tiết lạnh nên các bắp thịt không co giãn được như bình thường, mỗi việc ngồi dậy đã thấy khó khăn. Mình thậm chí còn sợ đi vệ sinh nữa. Vai mình cũng đờ ra, mình thấy khó chịu vì không thể đổ mồ hôi ngay cả khi trời nóng. Cử động lưỡi thấy cứng đờ, mình không thể liếm được kem. Có lẽ đó là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong phát âm.
Anh trai của anh Yamaguchi mua xe ô tô. Anh ấy nói sẽ chở hai đứa đi chơi, thực là bất ngờ! Đó là một ngày xuân trong lành. Hoa cỏ tươi non đẹp rực rỡ: cây tâm giá, hoa đậu ván dại, hoa bồ công anh, cây cỏ ba lá. Mình rất muốn kết một vòng hoa, nhưng một mình thì không làm được. Nhưng nếu nhờ con trai làm thì ngại lắm, đành thôi vậy. Mình bắt gặp một cây cỏ ba lá mọc trên một cái rãnh. Vì sợ là nó sẽ rụng, mình bèn ghé mắt nhìn thì thấy hóa ra phần gốc của nó rất to. Chừng nào còn bộ rễ chắc chắn như thế, ắt hẳn sức sống của cây cỏ ấy vẫn còn mạnh mẽ lắm. Trên đường về mình ghé qua nhà anh Yamaguchi. Anh ấy chơi guitar điện. Tiếng đàn rất to và mạnh mẽ. Anh ấy bảo rất đam mê guitar và muốn mua thêm nhiều trang thiết bị hỗ trợ nữa, nhưng mà cậu ấy cũng bảo: “Quan trọng nhất là phải có tiền, những thứ khác thì phải xếp sau.”
Còn đối với mình: “Quan trọng nhất là một cơ thể khỏe mạnh, những thứ khác thì phải xếp sau.”
Điều này thì khó hơn là kiếm tiền.
MẸ ƠI, CON KHÔNG ĐI ĐƯỢC NỮA RỒI
Trẻ em tám tháng biết ngồi, mười tháng biết bò, được hơn một tuổi là biết đi. Mình thì đang biết đi bỗng chuyển sang bò, giờ gần như là ngồi cả ngày, cứ như mình bị thoái hóa vậy. Đến một ngày nào đó, không chừng mình sẽ phải nằm bẹp giường.
Có lẽ không sớm thì muộn chuyện đó cũng sẽ xảy ra. Một năm trước đây mình vẫn có thể đứng, nói chuyện và cười. Nhưng giờ đây mình chẳng thể đi lại được nữa, dù có nghiến răng, cau mày hay đá chân cũng vô dụng.
“Mẹ ơi, con không đi được nữa rồi. Dù có cố níu tay vào đâu đi nữa con cũng không thể đứng dậy nổi.”
Mình nén nước mắt, viết như vậy vào tờ giấy nhỏ, hé mở cửa phòng và đưa cho mẹ. Mình vội vàng khép cửa để mẹ không thấy mặt mình, chắc chắn mình sẽ càng đau đớn hơn khi thấy khuôn mặt mẹ. Mình bò đến bên nhà vệ sinh cách đó ba mét, hành lang lạnh cóng. Thoạt tiên, lòng bàn chân mình còn mềm mềm. Nhưng dần đần, đầu gối và lòng bàn tay lẫn bàn chân đều trở nên cứng đờ. Bò như thế này mình chẳng thể chịu nổi, nhưng còn cách nào khác nữa đâu. Vì đó là cách duy nhất để mình có thể đi chuyển.
Mình cảm giác có ai đó sau lưng. Mình quay đầu lại... thấy mẹ đang lẳng lặng bò sát ở phía sau, mẹ chẳng nói gì, nước mắt nghẹn ngào rơi xuống sàn nhà. Những cảm xúc vẫn đang kìm nén bỗng dưng tuôn trào, mình khóc òa lên thành tiếng. “Cứ khóc đi con.” Mẹ ôm chặt mình vào lòng. Đầu gối mẹ ướt nước mắt của mình, còn mái tóc mình thì ướt nước mắt của mẹ.
“Aya, mẹ biết con đang rất đau khổ nhưng hãy cố lên, Aya. Lúc nào mẹ cũng ở bên con. Người con lạnh hết rồi đây này, mình về phòng thôi. Me đủ khỏe để ẵm con, cho dù có động đất hay hỏa hoạn mẹ cũng sẽ ở cạnh, đừng lo gì cả, hãy an tâm ngủ ngon, Aya của mẹ. Đừng nghĩ ngợi gì lung tung.” Mẹ nói rồi ẵm mình về phòng.
Mình giờ đã thành một đứa chẳng thể làm gì ngoài khóc lóc. Có một phức cảm thấp kém đang lớn lên trong đầu mình. Có lẽ đó là kết quả của sự tàn tật. Nhưng ít ra mình vẫn đang sống. Mình phải hít thở và tiếp tục sống, bởi mình không thể chết, chẳng có cách nào khác. Thật đáng sợ. Nếu cứ khóc thì những nếp nhăn trên mặt và trên mắt sẽ khiến khuôn mặt mình xấu xí. Để cải thiện cái sự xấu xí đó, mỗi khi nhìn vào gương mình lại nhe răng cười toe toét, dẫu lúc đó chẳng có chuyện gì vui mình cũng cười.
Hãy sống!
Mình muốn hít thở thật sâu dưới trời xanh.
Làn gió thoảng hương bạc hà mơn man đôi gò má.
Những tán mây trắng phản chiếu qua ánh mắt.
Mình đã mơ về khoảnh khắc tuyệt vời này...
Ước gì có thể bay lên trời cao vợi.
Mình sẽ được áo lông chim bao bọc.
Nó chẳng bận tâm dẫu mình xấu xí.
Tha thiết tin mình là người có ích.
Giờ mình nên hướng về nơi đâu?
Trước giờ chỉ biết khóc một mình.
Với mỗi cuốn sổ tay làm bạn.
Lời giải đáp, nó không thể cho mình,
Nhưng hễ viết ra tâm trạng mình nhẹ nhõm.
Mình đang thỉnh cầu một bàn tay giúp đỡ.
Nhưng chưa bao giờ bàn tay ấy xuất hiện.
Giọng mình mất hút trong bóng đêm tối mịt.
Chỉ còn mỗi tiếng thở phào vang lại.
Để tiến hóa từ khỉ thành người phải mất một khoảng thời gian vô cùng dài. Nhưng quá trình thoái hóa sao lại diễn ra nhanh đến thế.
Buổi trưa, mình chỉ có một mình, chẳng thích chút nào. Mình sợ sẽ không thể nói được nữa, bèn lấy một cuốn truyện tranh và đọc thật to xem như đang luyện phát âm. Hôm nay mình luyện hít thở sâu và rướn cổ mười lần.
Mẹ dặn mình không nên làm gì nhiều khi chỉ có một mình, mẹ bảo như thế nguy hiểm lắm. Lúc nào mẹ cũng lo lắng, tới khi về nhà thấy mình rồi mẹ mới yên tâm. Những lời mẹ căn dặn khiến mình thấy gò bó, nhưng nghĩ lại thấy mẹ nói chẳng sai, vì mình toàn bị té giập lưỡi gãy răng.
Vì lo cho Aya ở nhà một mình, thỉnh thoảng bạn Jun và mẹ bạn ấy lại đến chơi. Bác hàng xóm cũng hay ghé sang phòng xem có chuyện gì không ổn. Tuy thế, mình vẫn cảm thấy bất an. Những ngày tháng sống không mục đích thật buồn chán vô cùng. Trong đầu mình toàn những ý nghĩ vẩn vơ và lảm nhảm. Mình chẳng thể làm được gì. Cuộc sống như thế này sẽ kéo dài bao lâu nữa đây? Mẹ ơi, con đau khổ quá! Có ai giúp mình được không?
Đến giờ ngay cả việc tắm một mình cũng không an toàn, lúc tắm hoặc mẹ hoặc Ako sẽ mặc đồ lót và cùng vào tắm với mình. Ako chà lưng và gội đầu gíup mình. Tay phải của mình không thể đưa lên được nữa. Những khớp xương lưng đã trở nên cứng đờ.
To Dr. Yamamoro
(Gửi bác sĩ Yamamoto)
“Hãy biết quý trọng những gì hiện còn lại bên mình, đừng nuối tiếc những gì đã mất.” Bác sĩ đã động viên mình như vậy.
Một lúc nào đó ánh sáng sẽ lại lấp lánh chiếu rọi, những hàng cây sẽ lại đâm chồi. Hãy hy vọng, hãy hướng tới tương lai, hãy đứng lên, hãy cố gắng và đừng từ bỏ. Đó chính là khẩu hiệu!
“Cho dù có day dứt biết bao nhiêu, những gì đã mất chẳng thể quay lại được. Hãy biến những gì còn lại cho mình trở nên có ý nghĩa hơn.” Người bác sĩ mà mình tin tưởng đã nói như thế. Phải tiếp tục tiến lên. Mình thề sẽ không nhụt chí.
Trời mưa rồi. Thời tiết hay thật đấy, cứ thay đổi liên tục. Nhưng con người thì không như vậy, thay đổi liên tục như thế thì không thể sống được.
Nhật ký gì mà lung tung lộn xộn.
Đầu óc mình cứ rối mù lên.
Chữ thì xiêu xiêu vẹo vẹo.
Chẳng gì tốt cả, ngốc quá đi thôi.
Vậy còn gì cho mình cơ chứ.
Mình có một giấc mơ: cả gia đình quyết định đi du lịch, nhưng lại tới một nơi mà xe lăn không thể đi được. Trong mơ mình cười và nói. “Mọi người đi chơi vui vẻ nhé, con không sao đâu, con sẽ đợi mọi người ở nhà.”
Trường hợp đó rất có thể xảy ra. Có lẽ mình cũng nên chuẩn bị tâm lý cho chuyện đó trong hiện thực.
GIỚI HẠN
Giờ đang vào mùa mưa, người ta thường nói đó là mùa không tốt cho người bệnh. Tình trạng của mình tệ đi nhanh chóng. Cứ như bị tuột dần xuống chân cầu thang.
Bị tiêu chảy, cơ thể lờ đờ, triệu chứng của mất nước.
Hông vẹo hết bên này đến bên kia, đứng không vững.
Bị ngã, môi chảy máu.
Hai mắt khó nhận biết được các con chữ và đồ vật. Mọi thứ đều lờ mờ.
Người ta chủ động liên lạc rủ mình tham dự lễ hội tổ chức ở trường, nhưng quả thực mình chẳng đủ sức mà tới đó. Tình trạng của mình giờ đã quá nặng rồi. Những ngày không viết được lấy một chữ đang tăng dần. Mình cầm bút không còn chắc tay nữa. Chỉ muốn nghĩ rằng đó là do mình lười viết. Nhưng có vẻ mình không trụ được lâu nữa đâu.
Một Lít Nước Mắt Một Lít Nước Mắt - Kito Aya Một Lít Nước Mắt