Số lần đọc/download: 3048 / 32
Cập nhật: 2015-01-09 21:32:22 +0700
Chương 6 -
S
au đó hai tháng tôi lại vào Hiệp Mỹ, không kể những lần vào liên tiếp. ở Hiệp Mỹ bấy giờ anh Trương đã chuyển sang phụ trách ba ấp từ Cầu Sắt trở vô. Anh Dũng phụ trách ba ấp từ Cầu Sắt trở ra. Tôi vào Hiệp Mỹ lần đó để gặp tổ công tác anh Dũng bàn một việc đặc biệt, đồng thời thẩm tra lại các cơ sở: Công việc thẩm tra chính là do cán bộ ở cơ sở đó, nhưng tôi thì phải nắm được tình hình cụ thể. Vì tình hình thay đổi của cơ sở rất quan hệ cho những chuyến đưa tới.
Nhớ lại lần ấy tôi ra tới nhà anh Mười trời đã sụp tối. Giông mưa sắp kéo đến. Dạo đó còn giữa mùa mưa. Đêm đêm trời cứ đổ mưa từ đầu hôm tới suốt sáng. Anh Mười đi họp tổ du kích bí mật vừa về tới nhà. Tôi tưởng anh Dũng ở dưới hầm, định đến gõ nắp hầm, nhưng anh Mười khoát tay ra hiệu bảo không có. Tôi hỏi:
- Anh Dũng đi đâu rồi?
- Hồi nãy ảnh họp với chúng tôi. Nhưng tối nay ảnh không có ngủ nhà đâu.
- Ngủ chỗ khác à?
Anh Mười đến bên, khẽ nói vào vai tôi:
- Ngủ ngoài bờ. Mấy bữa nay không ngủ nhà được đâu. ở dưới hầm cũng ngủ không được. Mưa cứ làm sụp vách hầm luôn. Nằm trên nhà thì không đặng thím à. Tụi Cầu Sắt, Long Hưng cứ rõn vô luôn. Vì anh Dũng anh Trương đã tổ chức vận động phá kế hoạch bắt cu ly của nó. Bà con xé giấy cu ly tới tám phần, bắt đầu trốn không chịu đi xây cốt nữa. Bốn lượt tụi nó vào bắt, chỉ bắt được mấy thằng cha hương chủ với mấy ông già. Sự bắt cu ly của tụi nó bỗng nhiên hết linh nghiệm. Do đó tụi nó mới sanh nghi có cán bộ về nằm vùng. Ba bốn đêm nay, giữa khuya tụi nó cứ sục vào gõ cửa xét nhà.
- Có xét nhà mình và những nhà anh em ở không?
- Không... Choạng vạng là anh Dũng phải ra bờ rồi. Mà dạo này ông trời ổng cứ mưa đêm. Anh Dũng đâu có ngủ nghê được mấy. Tội quá. Tôi bảo, anh thôi cứ ở nhà ngủ, bất quá tôi với vợ tôi thay nhau gác cho mà ngủ. Nói hết sức mà anh không chịu là không chịu.
Đang nói chuyện, chợt nghe tiếng mưa lắc rắc rớt trên mái nhà. Chị Mười bước ra quơ tay ngoài trời, lo lắng kêu:
- Mưa rớt hột rồi. Thím coi, khổ chưa?
Tôi nói: - Không còn trú ở đâu được à?
Anh Mười đáp: Tôi định đưa ảnh ra ngủ ngoài chòi dưa. Nhưng không ổn thím à. Tụi "ba trui" nó chú ý mấy cái chòi dưa lắm. Đêm qua nó đi rõn vô chòi dưa của ông Tư Nhân...
Tôi nói: - Thôi được, để tìm cách sau. Bây giờ anh Mười làm thế nào đưa tôi ra gặp anh Dũng. Có công chuyện cần bàn gấp với ảnh.
- Thôi, mưa rồi. Thím ở đây, tôi ra đồng kêu ảnh vô.
- Không nên đâu. Anh Mười cứ đưa tôi ra ngoài đi.
- Vậy cũng được!
Chị Mười chạy vào nhà lấy một cái nón lá, đội lên đầu tôi. Tôi với anh Mười ra cửa hậu. Qua khỏi vườn cau thì tới một vùng lau rậm. Anh Mười vạch lau đi trước, tôi theo sau. Mưa bắt đầu trút xuống dữ dội. Trên trời, thỉnh thoảng một làn chớp lóe lên. Giữa lau sậy, thấy rải rác có những cây giá trụi cành. Đi đến cây giá cuối cùng, anh Mười rẽ sang tay phải mấy bước. Anh tắc lưỡi giả như có tiếng tắc kè kêu. Kế đó bóng lau động đậy. Một cái đầu nhô lên. Cái đầu người ấy là Dũng khẽ cất tiếng:
- Mười đó hả?
- ờ Mười đây.
Anh Mười kéo tôi chui tọt vào bụi. Tôi hỏi nhỏ:
- Anh Dũng đó à?
- Ai, chị Hậu hả? - Giọng Dũng như kêu lên.
- Phải, tôi đây.
- Có chuyện gì vậy chị?
- Có công việc cần bàn với anh. Thư trên Huyện gởi cho anh đây.
Tôi móc túi lấy bức thư trao cho Dũng. Anh cầm lấy. Bàn tay tôi chợt chạm phải bàn tay ướt át, lành lạnh của Dũng. Tôi ngồi bên. Dũng lấy đèn pin trong túi ra, chắn che trước mặt đèn rồi bấm đèn, coi thư. Trong lúc Dũng chăm chú xem thư, tôi nhìn thấy khắp người anh đều ướt cả. Chiếc nốp của anh ngủ cũng ướt sũng. Một tấm vải nhựa che giữa kẽ lau bị gió thổi rung phần phật. Mưa đổ xuống ngày một to. Dũng đọc thư xong, với tay kéo lại tấm vải nhựa che cho tôi và anh Mười. Nhưng tấm vải không đủ sức ngăn được cơn mưa to nặng hạt. Chúng tôi đều ướt hết. Song lúc đó tôi không thấy lạnh lẽo, mà thấy hai mí mắt cứ nóng lên. Gần suốt một tuần lễ rồi, Dũng và nhiều đồng chí khác của tôi phải chịu qua suốt những đêm mưa như thế.
Dũng bảo tôi:
- Được rồi. Chị Hậu về báo cáo với Huyện ủy rằng tình hình gần đây có khó khăn. Địch hình như đánh hơi được tụi tôi rồi. Nhưng điều đó không quan trọng. Khi chúng nó bắt đầu sục cơ sở thì chúng tôi và bà con đã lên tiếng với nó. Bà con hầu hết đã xé bỏ thẻ cu ly. Hai tổ du kích đầu tiên đã thành lập hồi đêm... Còn vấn đề đón vũ khí, thuốc đạp lôi, chị nhớ nói với các đồng chí cứ cho đưa vào, đúng mồng chín tới.
- Đi công khai hay bí mật.
- Nên đi bí mật. Chỉ cần đưa số thuốc đó tới đầu Hiệp Lộ. Tôi sẽ cho anh em ra đón. Đúng 12 giờ đêm mồng chín, chị Hậu nhớ rõ nghe!
- Nhớ rồi!
Dũng quay sang anh Mười:
- Nhân tiện tôi phân công luôn. Đồng chí Mười ngày kia chuẩn bị bố trí hai anh em đi.
- Tôi đi nữa chứ?
- Đồng chí sẽ đi với anh em.
ánh chớp nhoáng lên, sáng xanh. Gương mặt Dũng đẫm nước, vẻ trầm tĩnh và vui. Vừa nói anh vừa luôn tay vuốt nước mưa chảy ròng ròng trên mặt. Anh hỏi tôi:
- Còn gì cần bàn nữa không?
- Thế thôi!
- Vậy thì hai đồng chí về đi. Mưa to quá.
Anh nói và ngước nhìn mưa rơi. Có vẻ như tự nãy giờ anh không để ý đến mưa gió gì hết. Tôi với anh Mười đứng dậy. Dũng còn hỏi:
- Bé Thủy mạnh không chị?
- Cháu vẫn khỏe lắm anh à.
Tôi theo anh Mười rời khỏi bụi lau. Đi mấy bước, tôi lại thấy mí mắt nóng lên. Mưa vẫn tuôn xối xả. Từ phía Long Hưng, đèn bót rọi thành hình dẻ quạt. Qua màn mưa giăng, ánh đèn trở nên đục và sáng trắng.
... Rạng ngày tôi đến những cơ sở khác. Tình hình đều ổn. Nhiều cơ sở đã tỏa rộng ra được nhiều nơi khác. Có hai nơi bị chúng sục vào, nhưng không bắt được ai, vì tình cờ thôi chứ không phải là chúng đã biết.
Chiều hôm sau, tôi vững dạ trở về. Cùng đi có chú Tư Bường. Trên đường Hiệp Mỹ về bãi Sao, chú Tư Bường ái ngại nhìn tôi nói:
- Thím Tư đi chuyến này về nghỉ sanh là vừa?
- Tôi cũng định vậy.
Thời gian trôi qua thật là nhanh. Trong tám tháng kể từ khi nhà tôi về rồi đi, đã có bao nhiêu việc xảy đến làm thay đổi đời tôi. Tính cả chuyến đi này là vừa đúng sáu lần tôi chịu trách nhiệm đưa anh em cán bộ vào các cơ sở mà tôi xây dựng lên. ở Hiệp Mỹ cũng như ở Hiệp Lộ, nói chung những cơ sở của chúng tôi đều là tốt. Sáu chuyến qua chưa có chuyến nào bị vỡ lở, tuy cũng có nơi phải chuyển. Kết quả của công việc ấy khiến tôi càng tin nơi tôi, tin nơi bà con. Cái công việc mà trước kia chị Ba Dương bàn với tôi, tôi cảm thấy khó khăn hầu như không gánh vác nổi, giờ đã quen dần với tôi. Chính công việc ấy đã mang đến cho tôi niềm vui và nỗi sung sướng mới. Đến hôm nay, tôi sắp tạm nghỉ việc để làm nhiệm vụ sinh con.
Trên đường về bãi, nắng chiều vàng như mật. ở miền biển chúng tôi, giữa mùa mưa bất chợt có những ngày nắng rất đẹp, rất nồng nhiệt. Là là trên mặt biển, chim nhạn liệng từng đàn. Và những lớp sóng đẫm nắng vỗ rối rít. Ngoài khơi, hòn Con Nghê hiện lên rất rõ. Mỗi lần nhìn cái hòn cù lao nhỏ ấy, tôi không sao quên được kỷ niệm cũ, không sao tránh được mủi lòng. Cái đêm tôi tiễn nhà tôi, lúc xuồng chưa tới, chúng tôi ngồi bên nhau âu yếm, cùng ngắm hòn đảo đắm lặng trong sương đêm. Nhà tôi đã mất, nhưng hòn Con Nghê này vẫn còn đó. Dưới nền trời xôn xao ánh nắng, nó hiện ra với màu tím ngắt. Tôi không ngờ rằng cái đêm ấy lại là đêm vĩnh biệt. Thực sự thì nhà tôi đã mất, nhưng hình ảnh của nhà tôi vẫn ở lại với tôi. Và giòng máu sau cùng của anh ấy để lại trong tôi giờ đã hình thành. Ngày mai đứa bé sẽ ra đời...
Bụng tôi đã to nhiều hơn trước. Cái thai mấy ngày rày đã bắt đầu cựa quậy mạnh. Tôi thầm mơ ước có một đứa con trai. Tôi tin là đứa con tôi sẽ khỏe đẹp, cứng cát, nghĩ ngợi mong ước như vậy rồi, lòng tôi lại bùi ngùi đau xót. Sao nhà tôi mất đi sớm quá, không còn kịp ở lại trông thấy mặt con.
Đi quá đoạn đường sỏi, ra tới bãi cát chúng tôi đi chậm lại. Chúng tôi yên trí là đã qua khỏi chặng đường nguy hiểm. Không ngờ một tai họa đã tới sau lưng chúng tôi. Lúc chúng tôi ở Hiệp Lộ vượt qua đường thì bọn địch ở lô-cốt Cây Sao đã trông thấy. Bọn chúng đâm nghi và tức tốc phái bốn tên đuổi theo. Lúc chúng tôi nghe tiếng giầy đinh dẫm lạo sạo sau lưng, quay lại thấy chúng chỉ còn cách non trăm thước. Chú Tư Bường biến sắc bảo tôi:
- Thím Tư, tụi nó theo mình!
Tôi nói:
- Cứ bình tĩnh!
Từ đằng sau, bốn tên địch giơ súng quát:
- Con Hậu với thằng kia đứng lại.
Tôi lấy làm lo quá, không hiểu vì sao bọn nó lại gọi đúng tên tôi. Tôi bảo chú Tư:
- Chạy!
Rồi chúng tôi cùng chạy về xóm nhà đầu vạn lưới. Bọn địch liền nổ súng theo. Tôi vừa chạy vừa nói:
- Ráng chú Tư, một bước cũng chạy, hai bước cũng chạy!
Chúng tôi lên đến đầu xóm, liền vào một nhà nọ. Người chủ nhà biết chúng tôi. Không nói dài dòng anh chủ nhà liền dắt chúng tôi vào một cái hầm đứng, gần ngõ hậu. Chúng tôi đứng khom lưng trong hầm. Lát sau nghe bốn tên ngụy xộc vào hỏi anh chủ nhà:
- Có hai đứa vô đây phải không?
- Không có ai vô đây hết. à, có hai người chạy ngang qua đây thôi.
- Chạy đường nào?
- Ngõ kia kìa!
Anh chủ nhà chạy một hướng khác. Hình như sau đó một tên ngụy thúc nhẹ súng vào ngực anh:
- Nói láo. Rõ ràng tao thấy nó chạy vô đây!
- Dạ thưa ông có thiệt mà, không tin mấy ông cứ xét, nếu có tôi xin chịu tội liền!
- Chịu tội gì? - Tiếng tên ngụy hỏi gằn. Và nó nói tiếp:
- Nếu có tao tử hình mày nghe?
Tiếng anh chủ nhà đáp lại:
- Xét mà có mấy ông làm gì tôi cũng xin chịu.
Tên cầm đầu gọi bọn lính vào. Lục soát khắp nhà không thấy, nó dằn mặt anh chủ nhà:
- Chắc mày giấu nó ở dưới hầm.
- Dạ, thiệt là không có. - Tiếng nói anh chủ nhà vẫn không thay đổi. Tên ngụy bỗng cười lên khanh khách:
- Coi bản mặt của mầy tao đủ biết rồi. Đáng lẽ tao đem bắn mầy vì mầy không chịu khai ra. Nhưng chưa có cớ, tao chưa bắn mầy. Tánh tao làm việc gì cũng có bằng cớ, không làm oan ức ai... Thôi, vậy thì bây giờ mầy đi ra khỏi nhà, cho phép mầy dọn đồ đạc ra trong mười phút. Mau lên!
Tôi đứng trong hầm, nghe chúng nó nói rõ cả, nhưng không biết chúng nó định làm gì. Chỉ nghe sau đó trong nhà có tiếng dọn đồ, tiếng chì lưới kéo lết nghe lách cách. Chú Tư Bường và tôi đều không dám thở mạnh. Chốc sau tên ngụy quát hỏi:
- Dọn rồi chưa?
- Dạ, nhơn cho tôi một chút để tôi kéo bộ vạt ra đã.
Kế đó có tiếng "xạch xạch", rõ ràng là tiếng đánh bật lửa. Bấy giờ tôi đã đoán ra. Giọng anh chủ nhà kêu van:
- Mấy ông, thương cho tôi, tôi không có tội gì, xin mấy ông đừng đốt nhà tôi!
- Chính mắt tao trông thấy hai đứa vô đây mà mầy còn chối, giờ mầy chịu khai ra không? Khai ra thì tao không đốt.
ắng im một giây, anh chủ nhà lại kêu:
- Quả thật là không có, xin mấy ông...
Tôi đứng trong hầm, tim đập mạnh. Tôi không ngờ bọn địch lại khôn xảo đến như thế. Chúng nó định đốt nhà thiêu chết chúng tôi, hoặc bắt chúng tôi phải bò ra. Lúc đó tôi nghĩ: "Ra hàng thì tôi nhất định không ra, còn đứng chịu chết thì cũng không dại gì mà đứng chịu chết. Mà lẽ nào lại chết hôm nay..." Tôi nghĩ đến con Thủy tôi.
Bên ngoài, mồi lửa bén mái lá cháy rào rạo. Bỗng như có ai đứng tựa lưng vào vách hầm. Hai chúng tôi nín thở. Rất lâu, vẫn không thấy tiếng chân người đó rời tường đi. Gian nhà hình như đã cháy lan rộng. Lửa đốt kèo tre nổ lốp bốp. Sờ bàn tay vào vách hầm đã thấy nóng.
Có tiếng tên ngụy la lên:
- Thằng kia bộ muốn chết cháy sao còn đứng đó!
Tôi nghe thế đoán chừng người dựa tường hầm nãy giờ chắc là anh chủ nhà. Nước mắt tôi tự dưng ứa ra. Kế nghe tiếng cùi thúc cồm cộp vô vách hầm mấy cái, và tiếng chân người bước ra sau. Anh chủ nhà xổ chuồng vịt, thét vịt:
- Ra mau!
Vịt bị lùa khỏi chuồng kêu cạp cạp. Tôi hiểu ý anh chủ nhà nói lóng bảo chúng tôi chạy. Tôi bấm chú Tư. Đất hầm nóng ran như sắp bị nung tới. Mồ hôi trong người tôi vã ra như tắm. Khói theo lỗ thông hơi từ ngoài luồn vào. Tôi ngột ngạt khó chịu quá, suýt muốn nhảy mũi. Tôi bịt lấy mũi cố dằn. Đám cháy đã đến lúc dữ dội. Hầm đất nóng như lò nung gạch. Tôi lắc mạnh tay chú Tư, rồi xô cửa hầm chạy lao ra. Chúng tôi chạy trong lửa. Lửa nhuốm lên người, táp vào mặt. Nhưng lúc đó, tôi còn biết nóng là gì, chỉ biết là phải thoát ngay khỏi nơi này. Ra khỏi cửa sau, chúng tôi chạy miết lên hàng dương. Bọn giặc trông thấy, bỏ đám cháy rượt theo. Chúng nó nổ súng. Tôi và chú Tư Bường chạy lẫn qua những gốc dương to. Bọn giặc chạy một quãng đứng lại ngắm bắn. Súng nổ, đạn bay véo ở hai bên hông chúng tôi là thế, mà không có viên nào trúng chúng tôi cả.
Chạy gần tới miễu Voi thì trời đã choạng vạng tối. Tôi mệt quá, cổ họng khô khản không còn một tí nước bọt. Tôi vừa chạy vừa thấy cái thai trong bụng như là đang trụt xuống, bắp chân cứng và nặng khiến chân nhấc không muốn lên. May mà lúc tới đầu bãi Sao, trời tối sẫm, bọn giặc không đuổi nữa. Chú Tư dìu tôi đi. Tôi nói:
- Chú để tôi nghỉ một chốc, tôi mệt quá!
Rồi tôi ngồi xuống bãi cát, ôm bụng thở dốc. Mồ hôi khắp người tôi cứ tuôn ra. Mấy cơn gió lùa qua mới sợ chứ, y như là bắt mình phải rùng mình. Gắng gượng lắm tôi mới không lả đi. Ngồi một chốc thấy hơi khỏe lại, tôi đứng lên. Chú Tư dìu tôi đi chầm chậm về vạn lưới.
... Khi tôi chuyển bụng sanh, cha tôi lo lắm. - Chị Tư Hậu kể tiếp với tôi, vừa nói chị vừa cười. - Đêm hôm ấy cha tôi châm dầu vào đèn rồi chạy cho lối xóm hay. Mấy chị đàn bà sang. Họ ngồi nói chuyện với tôi một hồi rồi lăn ra ngủ, dặn tôi gần đẻ thì gọi họ dậy. Tôi tức cười quá. Họ sang thực ra chỉ để có bạn và giúp việc vặt thôi, chớ có người nào biết đỡ đẻ đâu. Anh coi, như tôi, cứ đi đỡ đẻ cho mọi người từ ngày này sang tháng khác, vậy mà tới lúc bản thân mình đẻ thì không có ai đỡ cho. Cái chuyện đó không có gì lạ đâu. Cho nên tôi định nếu chị Ba Dương không đến kịp thì tôi tự sanh lấy. Chị Ba Dương không rành đỡ lắm nhưng có biết qua. Tôi sửa soạn những vật liệu cần thiết để sẵn bên giường. May sao một lúc thì chị Ba Dương đến. Chị Ba đến khiến tôi rất vui và vững tâm.
Chị ngồi xuống bên tôi nói:
- Tối nay chị có hai cái mừng.
- Chị Ba nói cho em nghe với!
Chị Ba Dương sẽ vuốt tóc cho tôi:
- Cái mừng thứ nhất là em sanh. Em sanh nghĩa là có thêm một người đàn ông ra đời. Chị tin chắc chắn con em nó sẽ là con trai.
Tôi nắm tay chị Ba cười nói:
- Sao chị biết được. Có thể em sanh con gái chớ. Con trai hay con gái em cũng đều nuôi hết. Chỉ lo là...
- Lo sao?
- Sau cái bữa chạy đó em thấy đau nhói bên hông. Chẳng biết cái thai nó có hề gì không?
- Giờ chỗ ấy còn đau không?
- Giờ thì đỡ rồi, chỉ đau mấy bữa đó.
Chị Ba Dương vẫn vuốt tóc tôi.
- Không sao, em đừng lo. Em cứ đinh ninh là em sẽ sanh một đứa nhỏ tốt đẹp. Em sanh đủ tháng, điều ấy có thể làm cho em tin được.
Tôi im lặng. Chị Ba hỏi:
- Con Thủy ngủ rồi à?
- Ba em dỗ nó ngủ sớm rồi.
Tôi ngước hỏi:
- Nãy giờ chị mới nói có một cái mừng. Còn cái mừng thứ hai?
Chị Ba Dương chưa trả lời ngay, lấy trong túi áo ra một cái đồng hồ quả quít. Xem giờ xong, chị siết chặt tay tôi khẽ bảo:
- Tối nay đúng mười giờ có một cuộc võ trang tuyên truyền của ta ở dọc hệ thống lô cốt Hiệp Mỹ, Hiệp Lộ.
- Thật à?
- Chị mới hay hồi sáng. Ban Chấp hành tỉnh ủy lại gởi giấy khen phụ nữ huyện mình.
Tôi hỏi:
- Khen về việc gì?
Chị Ba Dương ngừng một chập, đoạn nhìn thẳng vào tôi, trang trọng nói:
- Đáng lẽ thì khen riêng em.
- Chị nói chơi, em có gì mà khen.
- Chị nói thiệt. Tỉnh uy khen thế nào em biết không? Nội dung là đề cao Ban chấp hành phụ nữ huyện ta đã lãnh đạo các xã xung yếu tích cực hoạt động xã hội kết hợp với công tác trung tâm gây cơ sở ngụy địch vận. Và đề nghị Ban Chấp hành khen cá nhân chị em nào đã tỏ ra xuất sắc nhất.
Tôi lặng thinh không nói gì. Chị Ba đang nắm tay tôi bỗng buông ra:
- ở mấy xã khác như Hiệp Vĩnh, Hiệp Trường có nhiều chị em xuất sắc, Ban Chấp hành đã quyết định khen rồi. Còn lại Hiệp Mỹ, Hiệp Lộ...
- Nói đến đấy, chị Ba Dương lại cầm cả hai tay tôi:
- Em, khen em, em biết không? Không phải chị khen riêng em mà là cả Ban Chấp hành... Em xứng đáng Hậu à. Chị đã tin em và em đã đáp được lòng tin của chị. Những nơi em đưa các đồng chí về thật là tốt. Cán bộ nào cũng phản ảnh như thế. Từ những cơ sở đó, các đồng chí ấy đã mở rộng ra rất nhanh... Nay mai người ta gởi giấy khen tới cho em. Riêng chị, chị cám ơn em...
Tôi nói:
- Sao lại không khen chị, chính chị mới đáng cho em phải cám ơn.
Chị Ba Dương lắc đầu:
- Tiếc là chị còn nhiều thiếu sót.
- Thiếu sót gì?
- Ví dụ như chuyến rồi, đáng lẽ lúc anh Tư Bường đi về chung với em, chị biết chị phải ngăn lại. Anh Bường đi thư từ không dính dấp gì đến chuyện của em. Chị muốn để anh ấy đi có gì thì giúp em. Quên phứt là tụi địch nó biết mặt anh ta. Cho nên nó mới rượt theo, may mà em với ảnh thoát được. Nhưng như thế là em bị lộ rồi.
Tôi nói:
- Không phải vì chú Tư mà em bị lộ đâu chị Ba à? Hình như tụi nó biết em từ trước rồi. Chính hôm đó nó kêu: "Con Hậu đứng lại!"
- Chị biết. Đúng như em nói. Nó để ý em từ chuyến thứ ba.
- Bót nào?
- Không phải bót nào hết, cái quán Cầu Sắt.
- Quán mụ Tư Bửu à?
Chị Ba Dương gật đầu:
- Đồng chí Trương, Dũng vừa nắm được một anh chuyên chở rượu trong quán nó. Anh nầy cho biết thế. Chưa kịp cho em hay.
Tôi bực tức xoắn hai bàn tay vào nhau:
- Em biết lắm, con mụ đó ghê lắm!
- Tiếc quá... Em mà không lộ, còn lợi biết bao nhiêu.
Tôi vội nói:
- Không đi công khai được thì em đi bí mật.
- Hoạt động công khai được vẫn là tốt hơn.
- Chuyến đưa thuốc nổ vào trót lọt không chị?
- ổn rồi!
Tôi nói chuyện với chị Ba đến đấy thì bụng đau oặn. Chị Ba vội vàng đỡ tôi xuống và bảo:
- Thôi, Hậu đi nằm. Đừng nói chuyện nữa.
Chị Ba lấy một chai dầu "Nhị thiên" còn mới, bóc vỏ đưa cho tôi xoa. Rồi chị đi xuống bếp nấu nước. Cha tôi lính quýnh chạy ra chạy vào. Tôi nằm yên. Cơn đau nhấm nhẩm trong bụng tôi. Tôi đã qua một lần sinh, tôi hiểu được. Với lại ở cương vị của tôi, một người hộ sinh, tôi càng biết rõ cái đau đớn mà người đàn bà phải vượt qua lúc này. Tôi đã từng lặn lội đi đỡ đẻ cho mọi người, thế mà chính lúc mình sắp đe thì không có một bàn tay mụ thực thụ hỗ trợ. Nghĩ tới nhà tôi, tôi muốn ứa nước mắt. Đời tôi hai lần sinh nở, hai lần đều vắng mặt chồng. Nhưng dẫu sao lần sinh con Thủy, vẫn có hy vọng là nhà tôi sẽ về với mẹ con tôi. Lần này, không hy vọng gì như thế nữa. Tôi nói với anh, cái tủi thân của người đàn bà bình thường lúc vượt cạn cô đơn đã là thấm thía, huống chi là hoàn cảnh của tôi lại đi quá mức bình thường ấy. Nếu không có chị Ba, không có cha tôi ở bên cạnh thì có lẽ tôi đã khóc, khóc vì tủi thân mình và tủi thân cho chồng, khóc thương đứa con tôi sắp ra đời đã mất cha từ tám tháng trước.
- Gắng lên, chịu khó một chút thôi em à.
Chị Ba dịu dàng nói. Tôi ngước mắt nhìn chị. Đau lắm, nhưng tôi cố gượng cười. Chị Ba Dương nhìn tôi với đôi mắt lo lắng, đầy vẻ trìu mến:
- Có chị đây, có chị bên em đây!
Bỗng tôi thấy ruột mình cơ hồ như bị tuốt xé. Cơn đau cuối cùng dồn lên tận ngực. Tôi thấy bụng nhẹ hẫng đi, rồi cả người bị dãn ra. Mắt tôi hoa lên không còn biết gì nữa, chỉ nghe một tiếng nói: "Con trai rồi!" Nghe xa lạ như tiếng trong giấc mơ.
Tôi sinh con trai. Những ngày tôi chưa dậy đi được, bé Thủy cứ vào ngồi vuốt ve tay tôi. Nó không dám nhìn em, vì em nó còn đỏ hỏn. Bé Thủy có khi ngồi suốt buổi bên tôi. Nó thương tôi lắm, và coi tôi như đang ốm vậy. Một buổi trưa nó vào ngồi như thế và hỏi:
- Má ơi! Má có đau không má!
Tôi ôm con nói:
- Không, má có đau đâu, bây giờ má nghỉ. Vài bữa nữa khỏe rồi má dắt con ra biển chơi, lấy cho bé Thủy vỏ hến, con tàu buồm.
Con bé hỏi:
- Chừng nào đi hả má?
- Ba bốn bữa nữa, nhưng Thủy hỏi nội, coi nội có cho Thủy đi không đã.
Con tôi nó buông tay tôi ra, tụt xuống chạy đi tìm ông nội để hỏi. Tôi ngồi dậy định cho con bú. Vừa lúc đó cha tôi hấp tấp chạy vào:
- Tư à, có tụi bót Đầu Cầu vô. Chú Chín nói hình như nó đang tìm nhà mình.
Tôi nói:
- Có lẽ là nó đi đâu đó thôi.
- Ba nghi lắm.
Rồi cha tôi trở ra ngoài. Một hồi sau người trở lại bảo tôi:
- Con xuống hầm liền đi. Bồng thằng nhỏ theo nữa. Để thằng nhỏ trên này nó gặp ắt biết con có nhà.
Tôi nghe vậy, vội vàng lấy chăn túm con, theo cha tôi xuống hầm. Cha tôi giở gấp nắp hầm, dìu tôi xuống:
- Con cứ ở dưới, ba với con Thủy ở trên này. Bọn nó tới rồi! Xuống liền đi.
Tôi bế con chui xuống hầm. Bên dưới, hầm lờ mờ tối. Đất cát đào sâu thấm nước âm ẩm. Ngồi thì ướt, thành ra tôi cứ bế con đứng. Đứa con tôi mới sinh sáu hôm, chỉ có biết khóc và bú, giờ lại phải xuống hầm rồi. Có sinh con vào buổi đó, mới biết phụ nữ trong chiến tranh là khổ, mới thấy trẻ nhỏ trong chiến tranh thật là đáng tội nghiệp. Con tôi mới ra đời có mấy ngày, chưa quen thuộc với mọi vật chung quanh, đem nó vào hầm tối om như thế nó cũng không biết gì để lo sợ. Càng thấy sự hoàn toàn không biết của con như thế, tôi càng thêm thương nó.
Hầm kín mít, trừ mấy lỗ thông hơi xuyên chéo ở hông hầm, không còn có một ngõ nào khác. Đứng dưới, tôi nghe rất rõ từng tiếng động trên mặt đất. Tôi áp tai vào vách lắng nghe. Có tiếng giày đinh xéo đi trên cát. Tôi đoán là chúng nó đã tới. Lát sau, tiếng giày thình thịch bước vào nhà. Bọn chúng hỏi cha tôi:
- Con dâu ông đâu rồi?
Cha tôi đáp:
- Con tôi nó đi vắng.
- Đi đâu?
- Dạ nó đi Hiệp Hưng.
- Nói láo, tụi tao ở Hiệp Hưng mới về đây!
Chúng nó dọa cha tôi. Nhưng cha tôi bảo:
- Thiệt, nó lên Hiệp Hưng hồi sáng, chắc mấy ông không thấy.
- Con nhỏ này là con nhỏ của ai?
- Dạ, cháu tôi.
- Con của con mụ Hậu phải không?
- Dạ.
Kế đó tôi không nghe rõ gì nữa. Hình như chúng nó đi ra gian nhà ngoài, sục sạo. Và hồi sau tiếng giày chúng bước ra khỏi nhà. Tôi nghĩ bụng có lẽ tìm không thấy nên chúng bỏ đi. Nhưng đợi rất lâu, không thấy cha tôi đến gọi tôi lên. Tôi hết sức chú ý lắng nghe, cũng không thấy tiếng nói của cha tôi hay tiếng con Thủy tôi. Tôi đứng ôm con như thế, lưng mỏi nhừ. Cha tôi và con Thủy đi đâu? Hay không tìm thấy tôi, chúng nó đã bắt cả hai dẫn đi rồi. Tôi lo quá. Nhưng chập sau, lại có tiếng chân đi vào nhà. Tôi mừng rỡ. Bỗng nhiên một tiếng nổ "ầm" làm rung chuyển mặt đất. Tôi đang đứng, bị ngã dúi vào vách hầm. Con tôi khóc oe oe. Tôi hốt hoảng ghì sát con vào lòng. Một tiếng nổ nữa tiếp theo như bưng cả người tôi lên. Tôi tối tăm cả mày mặt. Con tôi lại khóc. Làm sao trách nó được. Hai quả lựu đạn nổ ra đã làm cát sụp đổ, từ trên nóc hầm tuôn xuống rào rào. Tôi kéo khăn che mặt cho con, cho cát không lọt vào mắt nó. Người mẹ con tôi dính đầy cát. Hai bàn chân tôi dầm dưới nước tự nãy giờ đã tái lạnh.
Thời khắc chậm chạp, nặng nề trôi qua trong gian hầm nhỏ hẹp. Sau hai tiếng nổ, tôi chẳng còn nghe thấy gì nữa. Lâu sau, đâu từ ngoài bãi vọng tới tiếng thét văng vẳng, rồi tiếng rên rỉ, rõ là tiếng của cha tôi, sau cùng thì im đi.
Trời lúc ấy đã về chiều. ánh nắng từ lỗ thông hơi không còn rọi vào hầm nữa. Có một tiếng đồng hồ qua, liệu chừng bọn chúng nó đã bỏ đi, tôi một tay bế con nhỏ một tay nhấc cửa hầm. Cánh tay tôi suốt buổi bế con trĩu mỏi, nhấc cửa hầm muốn không nổi. Gắng sức lắm tôi mới đẩy được cửa ra. Lên đến nhà, một cảnh tượng phá phách sụp đổ bày ra trước mắt tôi. Giường chiếu lưới cá bị xốc tung lên. Những vạt lưới bị mảnh lựu đạn cào như nát, có vạt lưới bị xén như cầm dao rạch. Đất nền nhà cũng bị cào lên như chó bươi. Còn những lu mái chứa nước, nó đập vỡ tan cả anh ạ. ở chỗ tôi, chúng nó mà đập lu thật còn ác độc hơn là đốt nhà. ánh sáng nhợt nhạt của ngày choạng vạng soi rọi yếu ớt. Tìm khắp nhà không thấy hai ông cháu đâu cả, tôi vội bế con chạy ra ngoài.
Và tôi đã tìm thấy cha tôi ở ngoài bãi cát. Cha tôi nằm sấp, mặt úp xuống cát. Con Thủy tôi bơi bơi tay vào người ông nó. Nó gào. Cái tiếng gào của nó giờ đã khản giọng. Hai ông cháu ở bên nhau, nằm ắng lặng, dưới bóng đêm bắt đầu phủ xuống. Tôi chạy tới, cúi xuống vực cha tôi lên. Nghe thấy người rên nho nhỏ. Tôi sờ khắp người cha tôi, rồi đưa bàn tay lên tận mắt.
Tôi không tìm thấy một vết máu. Lúc đó cha tôi hỏi:
- Ai đó? Con Tư phải không?
Người ngước mắt lên. Tôi chỉ kịp thét một tiếng, rồi ôm chầm lấy cha tôi mà khóc. Cha tôi không còn nhận ra tôi nữa. Lúc đó đêm chưa tối hẳn. Tôi nhìn đôi mắt của người, thấy máu ở trong khóe mắt chảy tuôn ra xuống má, xuống cằm. Lớp máu trước khô lại, dán một lớp đỏ xạm trên má, và máu bện chòm râu của người dính chặt lại. Tôi kêu giật giọng:
- Ba, ba làm sao vậy ba?
- Không... ba... không có sao hết.
Cha tôi phều phào đáp bằng cử chỉ khẩn thiết, người quơ tay kéo tôi sát bên, nói gấp:
- Con Tư, lại đây coi.
Tôi kề sát mặt lại run run:
- Con đây nè ba, con ở trước mặt ba đây.
Cha tôi sờ soạng, ngước mắt lên. Cuối cùng người thất vọng, đưa cả hai bàn tay ôm chầm lấy mặt mình và kêu rú:
- Trời ơi, nó giết tôi rồi!
- Ba, ba có trông thấy con không?
- Có... có, ba thấy. Con có sao không, thằng nhỏ đâu rồi?
Tôi lập cập đáp:
- Dạ, con bồng đây.
Cha tôi giơ tay rờ rẫm đứa con trên tay tôi. Lúc ấy tôi như chết điếng cả người. Định rút khăn lau máu đẫm trên mặt cha, nhưng cả hai bàn tay tôi đều bận. Một tay ôm đứa con nhỏ, một tay thì con Ngọc Thủy nó cứ bíu lấy. Cả hai đứa lại cùng khóc thét một lúc.
- Thôi, để mặc ba, lo dỗ mấy đứa nhỏ đi, rồi bồng nó vô nhà đi.
Đoạn cha tôi đưa tay quờ quạng trên không:
- Sương xuống rồi, sương xuống nhiều quá!
- Ba để con dắt ba đi.
Rồi tôi dậy bảo con Thủy:
- Con vô nhà trước đi, Thủy.
- Không Thủy không đi một mình đâu, Thủy sợ...
Bé Thủy ấm ứ muốn khóc, không chịu buông tay tôi ra. Tôi mắng:
- Thủy hư lắm nghe, có đi không, má còn phải dắt nội.
- Má... má...
- Con Tư cứ dắt nó đi đi. Ba không hề gì, tức khắc ba đi được liền. Dứt lời, cha tôi nhổm dậy. Hai tay người bợ ngực đi tới. Nhưng không đầy năm bước cha tôi ngã vật xuống cát. Tôi liền vung tay con Thủy ra. Con bé sợ cứ bíu lấy tôi. Bực quá tôi tát vào má nó một cái. Sau đó tôi ôm con nhỏ chạy vào nhà. Đặt con nằm sát trong giường xong, tôi vội trở ra bãi dìu cha tôi đi. Tôi để người nằm trên cái bộ vạt tương đối còn vững. Chạy soạn bông băng. Sau khi thắp đèn lên xem kỹ lại, tôi thấy bên hông cha tôi bị một dấu dao đâm xốc vào. Vết thương sâu hút, rạch phạm vào mạng mỡ. Tôi nấu nước sôi rửa vết thương, dặn cha tôi nằm yên, rồi chạy ra bãi tìm con Thủy. Con bé nó đã mò vào đứng ở hè nhà, thút thít khóc, không dám vào trong. Thực là từ trước tới giờ tôi chưa hề đánh con. Hôm ấy là lần đầu tiên tôi đánh con Thủy. Nghĩ đến cái tát vào má đứa con nhỏ đang sợ hãi ban nãy, tôi thấy mình vô lý và đâm hối hận. Tôi mới đến nắm tay con Thủy dắt vô:
- Con sợ gì, má dắt nội đi mà con không cho, nội đau, con không thương nội à. Bữa nay con Thủy của má hư lắm nghe. Thôi, nín đi!
Con bé Thủy rón rén đi vào. Tôi dắt nó vào giường trong bảo:
- Ngồi coi em cho má!
Tôi trở ra pha nước nóng với thuốc đỏ, lau rửa vết thương cho cha tôi. Lau qua lớp máu trên mặt cha tôi xong, khi rửa đến khóe mắt, tôi đau đớn lặng người. Đôi mắt cha tôi không còn là một đôi mắt sống nữa. Lòng con ngươi của mắt đã tím bầm, và máu nó cứ rỉ rỉ ứa ra.
Qua một ngày. Cho đến đêm hôm sau, mỗi lần cha tôi gọi tôi đòi uống nước, giọng nói của người đã yếu lắm. Mỗi lần như thế, tôi chỉ rót lưng một thìa nước. Về sau cơn khát của cha tôi cứ tăng dần lên. Một chút nước trong thìa lúc đó đối với cha tôi nào có thấm gì. Người lâm vào một cơn khát ghê gớm. ở biển lắm lúc thiếu nước ngọt, những khi ra khơi, giữa biển rộng cha tôi đã nhiều phen bị cơn khát giày vò. Nhưng cái khát hôm nay dữ dội hơn nhiều. Cơ thể già nua của cha tôi bị thương tích làm cho oằn oại, hai ngay qua chịu đau đớn nhức nhối. Đến nay tôi còn nhớ rất rõ là lần ấy đã có lúc người trách tôi, bảo là cho người uống như cho con nhỏ tôi uống không bằng. Tôi không tiếc gì một miếng nước, nhưng đâu thể nào cho một người bị thương nặng như cha tôi uống nhiều nước. Càng ngày cha tôi càng rên rỉ. Tôi không chịu nổi, bèn rót một thìa nữa. Cha tôi nghe tiếng nước rỏ nhẹ vào thìa, đã giơ tay lên như đón lấy. Tôi sắp để thìa nước vào miệng cha, nhưng chú Chín Tốt và bà con ngồi chung quanh khoát tay cản lại. Cha tôi kêu lên:
- Trời ơi... tôi chết khát mất...
- Ráng một chút ba à.
Cha tôi lần ấy lặng yên, nghẹo đầu sang một bên, không thốt ra lời nào nữa. Chú Chín Tốt lắc đầu, bước đến, khe khẽ nắm bàn tay gầy guộc của cha tôi:
- Bác Bảy, chịu khó một chút bác Bảy...
- Ai đấy?
- Tôi, tôi là Chín Tốt đây!
- Chú Chín... chú Chín, chú giặt lưới rồi chớ. Bao giờ thì chú mua lưới mới...
Cha tôi nói sảng rồi. Đầu người vật nghiêng hẳn sang một bên. Tôi vội chạy tới quỳ gối nâng mặt cha tôi mà gọi. Từ đêm qua đến nay, cha tôi liên tiếp bị ngất đi như thế. Tôi cầm khăn ướt nhè nhẹ đắp lên trán người. Rất lâu sau, người mới hồi tỉnh. Tôi thì vẫn thụp hai gối chân dưới đất. Trước mắt tôi, cha tôi tuy là cha chồng, nhưng lòng tôi đau xót như đứng trước nỗi đau đớn của một người cha ruột. Thời gian qua, từ lúc tôi về đây, người đã coi tôi không khác như một đứa con gái ruột. Tin tôi, người không chút ngần ngại gì khi giao cho tôi coi sóc các khoản chi dụng trong nhà. Sự cư xử ấy từ lâu đã khiến tôi đầy lòng cảm kích và kính mến. Như tôi đã kể, là tôi trước kia vốn đã sống những ngày bơ vơ cô độc, thiếu tình cha mẹ, từ ngày về gặp một người cha chồng như thế, tôi tự coi đó là một may mắn lớn cho tôi. Giờ đây, vì tôi và các con tôi mà cha chồng tôi mù lòa. Bọn giặc chẳng những đã làm cho cha tôi không nhìn thấy mọi vật, mà còn làm cho bị trọng thương, hấp hối. Tôi đâm hoảng lên trong nỗi xót đau.
Trong tình thế đó, tôi mệt lả đi, anh biết đấy, tôi mới sinh chưa đủ một tuần. Người tôi hãy còn yếu, mà hai ba ngày đêm thức suốt. Bên cạnh thì hai đứa con bé bỏng nó cũng đòi mình phải chăm sóc nó. May là nhờ làng xóm vạn lưới tới lui giúp đỡ, nếu không mẹ con tôi không biết sẽ liệu như thế nào nữa.
Từ đó về sau, cha tôi có tỉnh lại một lần. Người gọi tôi đến bên, cầm lấy tay tôi, im lặng. Phút im lặng báo trước cho tôi những lời lẽ quan trọng mà người không thể không nói được. Tôi cảm thấy như thế. Lòng tôi chan hòa một cảm giác vừa xót xa vừa hồi hộp. Và tôi cứ để yên tay tôi trong bàn tay gầy guộc của người. Sóng biển về đêm vọng tới rõ quá, cứ rì rầm, rì rầm. Qua khung cửa, sương mù thì cứ phủ xuống trên bờ bãi, trắng mịt.
Bỗng cha tôi duỗi thẳng người, cố giương cặp mắt tối đục như tìm kiếm vật gì:
- Con bồng hai đứa nhỏ lại đây!
Tôi đem hai con đến. Cha tôi sờ chúng nó cẩn thận từ đầu đến chân. Hết sờ thằng Nhã lại sờ con Ngọc Thủy. Sờ cháu xong, khóe mắt cha tôi ngập đầy. Không biết bao nhiêu là nước mắt. Tôi nghẹn ngào không chịu nổi. Chín Tốt lúc đó mới bảo:
- Thím Tư rót cho bác Bảy một miếng nước đi!
Tôi nghe lời, vội rót cốc nước đem đến. Cha tôi uống một hơi. Uống nước xong, cha tôi có phần tỉnh hơn. Mà cái tỉnh táo đó càng khiến cho tôi lo sợ. Giọng nói của cha tôi bấy giờ rất sõi:
- Con ở lại ráng nuôi sấp nhỏ. Chồng con đã mất, còn ba... phần số của ba cũng chỉ đến chừng này. Con Tư, lâu nay ba coi con như con của ba... Ba biết, từ nay... rồi con sẽ cực khổ...
Cha tôi đang nói bỗng dừng lại. Chú Chín Tốt đi ra ngoài. Cha tôi quàng tay ôm hai cháu, rờ rẫm chúng nó hồi lâu, rồi nói tiếp:
- Con Tư, con hãy còn trẻ, không lẽ con cứ sống như vầy. Lâu nay ba định nói với con... giờ thì ba phải nói... đời con còn dài, con cứ tự ý liệu lo. Miễn cho sấp nhỏ của con sau này khỏi cực.
Tôi nghe cha tôi nói tới đó liền vùng khóc nức.
- Con Tư có nghe ba nói không?
- Con có nghe.
- Ba chết... thằng Khoa nó là con ba, là chồng của con. Con thương sấp nhỏ là thương nó.
Tiếng nói của cha tôi đến đây yếu dần. Bàn tay người đang cầm tay tôi tự nhiên ngay ra. Tôi thấy cha tôi vùng nghiêng người sang một bên rồi không động đậy gì nữa. Tôi ôm cha tôi lay gọi, song người không đáp lời tôi nữa. Lúc ấy là khoảng một giờ khuya. Tôi mất người cha thứ hai. Có thể nói như vậy. Không nhớ là lần thứ mấy trong đời, tôi trở lại cái cảm giác chới với như cây bị bật gốc. Tôi nhìn cánh tay của người cha độ lượng quàng lấy hai con tôi. Cánh tay từ từ trớt ngay ra dần. Tôi khóc lặng. Bà con xóm lưới chung quanh vội dìu tôi ra khỏi giường, sợ tôi khóc như thế nước mắt rơi xuống người cha tôi. ở biển, bà con rất kiêng điều ấy. Họ bảo không nên để người đã khuất còn vương mang theo nỗi đau thương của người ở lại...
Chị Tư Hậu kể cho tôi nghe tới đây thì ngừng nói. Trong mường tượng, tôi thấy thoáng hiện cảnh đau lòng. Kế lại hình dung thấy những ngôi nhà vạn lưới, những lượn sóng xô vào bờ bãi, và những ánh sương đêm trên mặt biển đang trầm tư, im lặng. Tôi đăm đăm nhìn chị Tư, bồi hồi nghĩ ngợi. Tôi miên man nghĩ đến những ngày qua của chị. Mãi sau, tôi khẽ hỏi:
- Chị Tư, sau lúc ông cụ mất rồi thì thế nào, chị nói nữa đi! - Chị Hậu đan hai bàn tay vào nhau ngước nhìn tôi. Vẫn với đôi mắt hiền dịu và lặng lẽ. Nhìn kỹ mới thấy nỗi đau đớn, thấy cái nghị lực chất chứa trong đôi mắt đó. Sau một lúc im lặng, chị kéo chiếc khăn rằn xanh quấn kín cổ rồi đứng dậy. Chị chậm rãi bảo tôi:
- Sau khi cha tôi chết thì tôi gởi mấy đứa con tôi và thoát ly hẳn... Mà thôi, tối quá rồi anh ạ. Để mai, mai tôi nói tiếp cho anh nghe. Kìa, cô hộ lý đã ra rồi kia kìa!
Tôi đứng dậy. Buổi chiều đã tắt từ lâu. Bóng đêm phủ xuống bệnh viện. Chị hộ lý dịu dàng vẫy gọi chúng tôi vào. Câu chuyện chiều nay của chị Tư Hậu tạm kể cho tôi nghe đến đấy...