The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.

James Bryce

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Auster
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Moon Palace
Dịch giả: Cao Việt Dũng
Biên tập: new wind
Upload bìa: new wind
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2638 / 72
Cập nhật: 2015-09-18 01:22:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
iếp sau đó là một quãng thời gian lạ thường. Trong tám hoặc chín tháng, tôi sống theo một cách thức trước đây chưa từng khi nào là có thể, và ngay trước khi kết thúc, tôi tin mình đến gần với thiên đường hạ giới hơn bất kỳ thời điểm nào trong suốt những năm tôi sống trên hành tinh này. Không chỉ là vấn đề tiền (mặc dù tiền không thể bị coi nhẹ), mà còn vì tính đột ngột của mọi sự. Cái chết của Effing đã khiến tôi không còn phải phục vụ ông nữa, nhưng cùng lúc Effing cũng khiến tôi không phải phục vụ thế giới, và vì tôi còn trẻ, vì tôi còn biết quá ít về thế giới, tôi không sao hiểu nổi rằng quãng thời gian hạnh phúc này có thể có lúc chấm dứt. Tôi đã bị mất tích trong sa mạc, và rồi, đột nhiên, tôi đã tìm thấy vùng đất Canaan của tôi, mảnh đất hứa của tôi. Thời gian trôi đi, tôi chỉ còn có thể hân hoan, quỳ phục xuống trong sự hàm ơn, và hôn mặt đất tôi đang đứng ở trên, vẫn còn quá sớm để nghĩ rằng bất kỳ điều gì trong số đó có thể bị phá hủy, còn quá sớm để tưởng tượng sự lưu đày đang án ngữ ngay trước mặt.
Năm học của Kitty kết thúc khoảng một tuần sau khi tôi nhận được số tiền, và quãng giữa tháng Sáu chúng tôi tìm được một chỗ ở. Chỉ với giá chưa tới ba trăm đô la một tháng, chúng tôi ngụ tại một căn nhà rộng rãi, đầy bụi ở East Broadway, không xa Chatham Square và Manhattan Bridge bao lăm. Đó là trung tâm khu Tàu, và Kitty là người thực hiện mọi việc dàn xếp, sử dụng các mối quan hệ Trung Quốc của mình để mặc cả với người chủ nhà cho chúng tôi thuê trong vòng năm năm, tiền thuê được giảm với bất kỳ sửa chữa nào mà chúng tôi làm. Đó là năm 1970, và ngoài một vài họa sĩ và điêu khắc gia biến những nhà kho thành xưởng vẽ, ý tưởng sống trong các tòa nhà thương mại cũ kỹ mới chỉ bắt đầu trở thành mốt ở New York. Kitty muốn có không gian rộng để tập múa (tổng cộng có đến hơn hai nghìn feet vuông), và bản thân tôi cũng ngây ngất trước viễn cảnh được sống trong một nhà kho cũ với các đường ống nước chạy trên tường và trần nhà kim loại gỉ hoen.
Chúng tôi mua một cái bếp và một cái tủ lạnh cũ ở Lower East Side, rồi trả tiền để lắp đặt một vòi hoa sen đơn giản và máy đun nước nóng trong phòng tắm. Sau khi lượn lòng vòng khắp các phố để tìm những thứ đồ người ta bỏ đi - một cái bàn, một giá sách, ba hay bốn cái ghế, một cái tủ màu xanh lá cây không còn vững mấy - chúng tôi mua một cái đệm cỏ và các thứ vật dụng làm bếp. Đồ đạc chỉ chiếm một diện tích rất không đáng kể giữa lòng nhà rộng lớn, nhưng vì cả hai đều ác cảm với sự lộn xộn, nên chúng tôi rất hài lòng với thứ chủ nghĩa tối giản thô tháp của bài trí và không thêm gì vào nữa. Thay vì bỏ những khoản tiền quá đà vào căn nhà - tôi đã mất gần một nghìn đô la cho việc này - tôi dẫn Kitty càn quét các cửa hiệu để mua quần áo mới. Tôi tìm được mọi thứ mình cần trong chưa đầy một giờ, và rồi, quãng thời gian còn lại trong ngày, chúng tôi chuyển từ cửa hàng này sang cửa hàng kia để tìm quần áo đẹp nhất cho Kitty. Mãi đến khi về đến khu Tàu rốt cuộc chúng tôi mới tìm được nó: một chipao[23] bằng lụa màu chàm bóng láng, trang trí bằng những hình thêu màu đỏ và đen. Đó chính là trang phục lý tưởng của Hoàng hậu Rồng, với một đường xẻ dọc một bên và đoạn bó đẹp tuyệt ở hông và ngực. Vì bộ đồ rất đắt, tôi nhớ đã phải ép buộc Kitty để tôi mua nó cho cô, nhưng quả là tiền nào của nấy, sau đó tôi ngắm cô mặc nó mãi không chán. Mỗi khi ở nhà quá lâu, tôi lại bịa ra một cái cớ để chúng tôi đi ăn ở một cái quán lịch sự nhằm được mãn nhãn ngắm cô mặc nó. Kitty luôn luôn nhạy cảm với những ý nghĩ xấu xa của tôi, và khi đã hiểu ra niềm say mê lớn lao mà tôi dành cho bộ quần áo đó, thậm chí có những đêm cô còn mặc nó đi quanh nhà - lặng lẽ để nó tuột ra trên thân hình trần truồng như một cách thức quyến rũ.
Với tôi khu Tàu giống như một đất nước xa lạ, và mỗi lần ra khỏi nhà đi vào các phố, tôi đều bị chế ngự bởi một cảm giác mất phương hướng và sự bối rối. Đây là nước Mỹ, nhưng tôi không thể hiểu bất kỳ ai nói gì, không thể xâm nhập ý nghĩa những gì tôi nhìn thấy. Ngay cả sau khi tôi đã quen biết vài người bán hàng gần nhà, thì sự liên lạc của chúng tôi cũng không hơn những nụ cười lịch sự và vài cử chỉ xã giao, một thứ ngôn ngữ ký hiệu không chứa đựng nội dung thực thụ nào. Tôi không sao tìm được cách vượt qua bề mặt câm lặng của mọi sự, và nhiều lần sự loại trừ đó khiến tôi cảm thấy như thể mình đang sống giữa một thế giới trong mơ, di chuyển qua những đám người hư ảo tất thảy đều đeo mặt nạ. Ngược lại với những gì có thể nghĩ, tôi không muốn nói mình giống như một kẻ xa lạ. Đó là một trải nghiệm sảng khoái một cách kỳ lạ, và xét về dài hạn có vẻ như là nó củng cố thêm cho tính mới mẻ của mọi điều xảy đến với tôi. Tôi không có cảm giác mình đã chuyển đến ở một khu khác trong thành phố. Tôi đã phải đi cả nửa trái đất để đến được nơi mình đang ở, và cần phải khẳng định rằng sẽ không gì có thể gần gũi với tôi được nữa, ngay cả bản thân tôi.
Khi chúng tôi đã ổn định ở nhà mới, Kitty tìm được một việc làm cho phần còn lại của mùa hè. Tôi cố gắng thuyết phục cô đừng làm vậy, tôi muốn đưa cô tiền tiêu để đỡ phải đi làm phiền phức, nhưng Kitty từ chối. Cô muốn mọi thứ được ngang bằng nhau, cô nói, và cô không thích ý tưởng tôi phải cáng đáng cho cô mọi chuyện. Vấn đề cơ bản nhất là phải giữ được tiền, tiêu khoản tiền đó càng chậm càng tốt. Chắc chắn là Kitty khôn ngoan hơn tôi nhiều ở khoản này, nên tôi đầu hàng trước lập luận của cô. Cô đăng ký ở một hãng chuyên về thư ký tạm thời, và chỉ ba ngày sau họ tìm được cho cô một công việc tại tòa nhà McGraw-Hill tại đại lộ Sáu trong một tạp chí thương mại. Chúng tôi đùa cợt về cái tên tờ tạp chí đó đến nỗi tôi vẫn còn nhớ nó, và đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nhắc đến mà không mỉm cười: Các loại nhựa hiện đại: Tạp chí về toàn bộ các khía cạnh nhựa. Kitty làm việc ở đó từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều mỗi ngày, đi lại bằng tàu điện ngầm cùng với hàng triệu người khác trong cái nóng nực của mùa hè. Hẳn là không dễ dàng gì, nhưng Kitty không thuộc loại người thích than van về những chuyện tương tự. Buổi tối cô tập múa khoảng hai hay ba tiếng, rồi ngày hôm sau cô lại thức dậy từ sớm đầy tươi tỉnh, lao đến văn phòng làm việc cật lực. Trong khi cô không có nhà, tôi dọn dẹp nhà cửa và đi mua đồ, và tôi luôn đảm bảo khi cô về đến nhà là đã có bữa tối sẵn sàng. Đây là lần đầu tiên tôi nếm trải hương vị cuộc sống gia đình, và tôi sống nó một cách tự nhiên, không bao giờ có suy nghĩ lung tung nào. Cả hai chúng tôi đều không nói về tương lai, nhưng đến một lúc, có lẽ là hai hay ba tháng sau khi chúng tôi sống chung với nhau, tôi nghĩ cả hai đều ngờ rằng chúng tôi đang tiến thẳng đến hôn nhân.
Tôi gửi bản cáo phó của Effing đến tờ Times, nhưng không bao giờ nhận được lời hồi đáp nào, một bức thư từ chối cũng không. Có thể bức thư của tôi bị thất lạc, hoặc có thể họ nghĩ một thằng điên đã gửi nó đến. Phiên bản dài hơn, mà tôi gửi đến cho tờ Art World Monthly theo yêu cầu của Effing, bị từ chối, nhưng tôi không nghĩ quyết định của họ là vô lý. Như vị biên tập của tờ tạp chí giải thích cho tôi trong lá thư của mình, chưa một ai trong số các nhân viên từng nghe nói đến Julian Barber, và trừ khi tôi có thể cung cấp cho họ những bằng chứng xác thực về tác phẩm của ông, họ sẽ cảm thấy quá phiêu lưu nếu đăng bài báo. “Tôi cũng không biết anh là ai, thưa anh Fogg,” bức thư tiếp tục, “nhưng có vẻ như là anh đã tự sáng tạo ra một trò lừa đảo tinh vi. Điều đó không có nghĩa câu chuyện của anh không hấp dẫn, nhưng tôi nghĩ anh có thể có nhiều cơ may đăng được nó hơn nếu anh ngừng cái chuyện này và gửi nó đi đâu đó chuyên đăng tác phẩm hư cấu.”
Tôi cảm thấy ít nhất mình cũng nợ Effing một nỗ lực nào đó nhân danh ông. Ngày hôm sau khi nhận được bức thư từ Art World Monthly, tôi đi đến thư viện và chụp lại bản cáo phó của Julian Barber vào năm 1917, gửi nó đến cho vị biên tập kèm với một bức thư ngắn. “Barber là một nghệ sĩ trẻ và không thể chối cãi là không mấy nổi tiếng vào quãng thời gian ông mất tích,” tôi viết, “nhưng ông ấy đã tồn tại. Tôi tin bản cáo phó đăng trên tờ The New York Sun này sẽ chứng thực rằng bài báo mà tôi gửi cho ông hoàn toàn đáng tin.” Tôi nhận được lời xin lỗi trong bức thư gửi tới cùng trong tuần, nhưng đó không gì khác là lời mào đầu cho một sự từ chối khác. “Tôi sẵn sàng công nhận đã từng có một họa sĩ Mỹ tên là Julian Barber,” vị biên tập viết, “nhưng điều đó không chứng tỏ Thomas Effing và Julian Barber là cùng một người. Và ngay cả nếu quả thực là như vậy, thì nếu không có tấm ảnh chụp nào tác phẩm của Barber, chúng tôi cũng không thể đánh giá được ông ấy thuộc dạng họa sĩ nào. Nhìn vào sự mờ nhạt của ông ấy, sẽ là lôgic khi nói rằng chúng ta đang không nói đến một tài năng quan trọng. Nếu quả thực là như vậy, chúng tôi sẽ không tìm được lý do nào để dành chỗ cho ông ấy trên tạp chí của chúng tôi. Trong bức thư trước tôi đã nói rằng tôi cảm thấy anh có đầy đủ chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết hay. Giờ đây tôi xin nhắc lại điều ấy. Những gì anh có là một trường hợp thuộc ngành tâm lý học về cái bất thường. Tự bản thân nó có thể thú vị, nhưng nó không có gì chung với nghệ thuật cả.”
Đến chừng ấy thì tôi bỏ cuộc. Nếu muốn, tôi nghĩ mình có thể tìm được bản sao một bức tranh của Barber đâu đó, nhưng sự thật là tôi muốn không biết tác phẩm của ông trông ra sao hơn. Sau khi nghe Effing nói ròng rã mấy tháng trời, tôi dần bắt đầu tưởng tượng ra những bức tranh của ông, và giờ đây tôi nhận ra mình ngần ngừ trong việc để cho bất kỳ điều gì làm xáo trộn những bóng ma đẹp đẽ mà tôi đã tạo ra. In bài báo đó có thể đồng nghĩa với hủy diệt những hình ảnh ấy, và có vẻ như thật không đáng để làm vậy. Dù cho đã từng là một nghệ sĩ vĩ đại đến đâu, thì các bức tranh của Julian Barber cũng sẽ không bao giờ ăn nhập với những bức tranh mà Thomas Effing đã trao cho tôi. Tôi từng mơ thấy chúng từ những lời của ông, và chúng hoàn hảo, vô định, tái hiện cái thực chính xác hơn cả bản thân thực tế. Chừng nào còn chưa mở mắt, tôi còn có thể vĩnh viễn tưởng tượng ra chúng.
Tôi dành những ngày của mình cho sự lười biếng tuyệt diệu. Ngoài những việc vụn vặt liên quan đến căn nhà, không còn thứ trách nhiệm nào cần nói đến nữa. Hồi đó bảy nghìn đô la là một món tiền rất lớn, và tôi không chịu một sức ép nào để lập ra các kế hoạch. Tôi hút thuốc lại, tôi đọc sách, tôi đi lang thang trên các phố thuộc khu hạ Manhattan, tôi viết nhật ký. Những ghi chép ấy mang lại kết quả là một số tiểu luận ngắn, những mẩu văn xuôi nho nhỏ mà tôi thường đọc cho Kitty nghe ngay khi viết xong. Kể từ sau lần gặp gỡ đầu tiên, khi tôi làm cô sửng sốt với bài nói về Cyrano, cô đã đinh ninh tôi sẽ trở thành một nhà văn, và giờ đây khi tôi đã ngồi xuống bàn mỗi ngày, tay cầm một cây bút, mọi việc giống như thể lời tiên tri của cô đã trở thành sự thật. Trong tất cả các nhà văn mà tôi đọc, Montaigne là nguồn cảm hứng lớn nhất. Cũng giống như ông, tôi cố sử dụng các kinh nghiệm của chính mình làm chất liệu cho những gì tôi viết, và ngay cả khi những cái đó đẩy tôi đến với một địa hạt xa xôi và trừu tượng, thì tôi vẫn không cảm thấy mình đang nói gì mang tính nhất thiết về các chủ đề đó mà đúng hơn là đang viết một phiên bản ngầm ẩn của chuyện đời chính tôi. Tôi không thể nhớ hết được tất cả những gì đã viết, nhưng ít nhất là một số trong đó đã quay trở lại khi tôi cố gắng hết sức: một suy tư về tiền bạc, chẳng hạn, và một suy tư khác về trang phục; một tiểu luận về những đứa trẻ mồ côi, và một bài khác dài hơn về tự sát, được viết dưới dạng một tranh luận của Jacques Rigaut, một nhà thơ trường phái Dada Pháp ít người biết tới, người tuyên bố ở tuổi mười chín rằng ông tự cho mình mười năm để sống, và rồi, khi được hai mươi chín tuổi, khăng khăng giữ lời, ông tự bắn một viên đạn vào một ngày chọn trước. Tôi cũng nhớ đã nghiên cứu một chút về Tesla như một phần của dự án viết về vấn đề máy móc chống lại thế giới tự nhiên. Một hôm, trong khi đang lục lọi trong một hiệu sách cũ trên đại lộ Bốn, tôi tình cờ nhìn thấy một quyển tiểu sử tự thuật của Tesla, Các phát minh của tôi, lần đầu tiên xuất hiện trên một tờ tạp chí có tên Người kỹ sư điện vào năm 1919. Tôi mang quyển sách nhỏ về nhà và bắt đầu đọc ngay. Đọc được nhiều trang, tôi rơi vào đúng cái câu từng tìm thấy trên cái bánh may mắn tại Moon Palace gần một năm trước: “Mặt trời là quá khứ, trái đất là hiện tại, mặt trăng là tương lai.” Tôi vẫn giữ mẩu giấy trong ví, và tôi giật mình vì những từ đó được viết ra bởi Tesla, cùng con người đã từng quan trọng đến vậy với Effing. Tổng hợp hết các sự kiện đó có vẻ mang rất nhiều ý nghĩa, nhưng tôi thấy thật khó để nắm bắt một cách chính xác là theo cách nào. Giống như là tôi có thể nghe thấy số phận mình lên tiếng gọi, nhưng mỗi lần cố gắng lắng nghe, nó liền xoay sang nói một thứ ngôn ngữ mà tôi không hiểu. Liệu có phải là một người công nhân nào đó tại một nhà máy sản xuất bánh may mắn Trung Quốc từng đọc quyển sách của Tesla? Chuyện này thật khó tin, và ngay cả khi anh ta đã đọc, thì tại sao tôi lại là người ngồi ở cái bàn đó chọn chiếc bánh với chính mẩu giấy ấy ở bên trong? Tôi không thể không cảm thấy chao đảo vì những gì đã xảy ra. Đó là một điểm nút không thể xâm nhập, và có vẻ như là sẽ không có gì ngoài một giải pháp kỳ cục có thể có ý nghĩa: những âm mưu lạ thường của vật chất, những dấu hiệu tiền triệu, những linh cảm, một thế giới quan giống như của Charlie Bacon. Tôi bỏ bài tiểu luận về Tesla và lao vào vấn đề trùng hợp, nhưng tôi không bao giờ đi xa được. Với tôi đó là một chủ đề quá khó, và rốt cuộc tôi bỏ nó sang một bên, tự nhủ sau này sẽ có ngày mình quay trở lại. Sự thật là sẽ không bao giờ tôi làm vậy.
Kitty bắt đầu học lại tại Juilliard từ giữa tháng Chín, và thỉnh thoảng vào quãng cuối tuần đầu tiên đó, cuối cùng tôi cũng có tin tức của Solomon Barber. Đã gần bốn tháng trôi qua kể từ khi Effing chết, và tôi đã không còn trông chờ ông sẽ viết thư nữa. Dù sao thì điều đó cũng không mấy quan trọng, và nhìn vào nhiều câu trả lời khác nhau có thể có ở một người rơi vào địa vị của ông - sốc, giận dữ, hạnh phúc, sợ hãi - tôi khó có thể trách ông vì không liên lạc lại. Suốt năm mươi năm đầu tiên của cuộc đời bạn cứ nghĩ bố mình đã chết, thế rồi bạn phát hiện ông ta vẫn sống khỏe re ở đó, cùng lúc cũng chỉ để biết rằng giờ thì ông ta quả thực đã chết - thậm chí tôi còn không thể đoán nổi một người có thể tiếp nhận cơn địa chấn lớn đến vậy như thế nào. Nhưng rồi bức thư của Barber đến nơi: một bức thư lịch thiệp bày tỏ sự tiếc nuối, tràn ngập lòng biết ơn đối với những gì tôi đã làm để giúp đỡ bố ông trong những tháng cuối đời. Ông sẽ rất mừng nếu có dịp nói chuyện với tôi, ông viết, và nếu điều đó không phải là đòi hỏi quá đáng, ông tự hỏi liệu có nên đến New York vào một dịp cuối tuần mùa thu này hay không. Những gì ông viết thật lịch thiệp và khéo léo, tôi cảm thấy không thể từ chối được. Ngay khi đọc xong lá thư của ông, tôi liền viết phúc đáp, nói rằng tôi sẽ rất mừng nếu được gặp ông tại bất kỳ nơi nào ông muốn.
Không lâu sau đó ông đi máy bay đến New York - một buổi chiều thứ Sáu đầu tháng Mười, ngay khi thời tiết bắt đầu biến chuyển. Ngay sau khi đến lấy phòng tại khách sạn Warwick ở trung tâm thành phố, ông gọi điện cho tôi báo ông đã đến, và chúng tôi thỏa thuận sẽ gặp nhau tại khách sạn ngay khi nào tôi có thể tới. Khi tôi hỏi ông làm thế nào để nhận ra, ông cười nhẹ trong điện thoại. “Tôi sẽ là người to béo nhất trong phòng,” ông nói, “anh sẽ không thể không nhìn thấy tôi đâu. Nhưng để đề phòng trường hợp còn có thêm một người nữa cùng kích cỡ như tôi, tôi sẽ là người có cái đầu trọc lốc không một sợi tóc.”
Như tôi sẽ sớm nhận ra, từ “to béo” vẫn chưa đủ để miêu tả ông. Con trai Effing có tầm vóc kỳ vĩ, khổng lồ, hàng đống thịt chèn lấn lên nhau. Tôi chưa từng gặp ai có kích thước khủng khiếp như vậy, và khi nhìn thấy ông ngồi trên một cái sofa trong phòng khách của khách sạn, tôi do dự không dám tiến lại gần. Ông là một trong những người béo kinh khiếp thỉnh thoảng bạn đi lướt qua trong đám đông: dù cho có nỗ lực chỉ hướng mắt mình đến đâu, bạn vẫn không sao tự ngăn mình liếc nhìn ông ta. Ông phì nộn, sự tròn vung ra khắp phía đến mức bạn không thể nhìn ông mà không cảm thấy người mình rúm cả lại. Giống như thể ở ông tính chất ba chiều rõ nét hơn hẳn so với ở những người khác. Ông không chỉ chiếm nhiều không gian hơn họ, mà có vẻ ông còn chế ngự nó, phình hẳn ra khỏi các giới hạn của chính ông và ngự trị tại cả những nơi ông không hề ở. Ngồi đó với vẻ xả hơi, cái đầu trọc to tướng thò lên từ đống ngấn của cái cổ lực lưỡng, trông ông như thể có phẩm chất của huyền thoại, điều khiến tôi vừa cảm thấy ghê ghê vừa cảm thấy bi thảm. Không lẽ nào Effing gầy gò nhỏ bé lại có thể sinh ra một đứa con trai như thế: ông là một sai lệch di truyền, một cái mầm nổi loạn mọc lên thành một cái cây hoang, lớn vượt lên trên mọi chừng mực. Trong một lúc, tôi gần như thành công trong việc tự thuyết phục mình rằng ông là một ảo giác, nhưng rồi cái nhìn của chúng tôi giao nhau, và khuôn mặt ông bừng sáng lên trong một nụ cười. Ông mặc bộ com lê vải tuýt màu xanh lá cây và đôi giày Hush Puppy nâu. Điếu xì gà hút dở trên bàn tay trái trông không khác gì một cái đinh ghim.
“Solomon Barber phải không?” tôi hỏi.
“Đúng rồi,” ông nói. “Và anh chắc là anh Fogg. Tôi rất hân hạnh được gặp anh, thưa anh.”
Giọng nói của ông, oang oang và vang vọng, ầm ầm vọng ra từ đám khói xì gà trong phổi ông. Tôi bắt bàn tay khổng lồ và ông mời tôi ngồi xuống bên cạnh ông trên ghế sofa. Mất một lúc lâu chúng tôi không nói gì khác nữa. Nụ cười chầm chậm biến mất khỏi khuôn mặt Barber, và dáng vẻ ông chợt có chút gì xáo trộn, xa vắng. Ông nhìn ngó dò xét tôi thật chăm chú, nhưng cùng lúc ông lại có vẻ chìm đắm trong suy nghĩ, như thể một ý tưởng quan trọng nào đó vừa nảy ra trong óc ông. Rồi, không rõ tại sao, ông nhắm mắt lại và thở thật dài.
“Tôi từng biết một người mang họ Fogg,” cuối cùng ông nói. “Lâu lắm rồi.”
“Đây không phải là một cái họ phổ biến,” tôi nói. “Nhưng đôi khi cũng có thể bắt gặp.”
“Người mang họ Fogg đó là một sinh viên của tôi trong những năm bốn mươi. Khi đó tôi vừa mới bắt đầu nghề dạy học.”
“Ông còn nhớ tên của ông ấy không?”
“Có, tôi có nhớ, nhưng đó không phải là một người đàn ông, mà là một phụ nữ trẻ. Emily Fogg. Cô ấy học năm thứ nhất tại lớp lịch sử Mỹ của tôi.”
“Ông có biết bà ấy là người ở đâu không?”
“Chicago. Tôi nghĩ đó là Chicago.”
“Tên mẹ tôi là Emily, và bà ấy là người Chicago. Liệu có thể có hai Emily Fogg từ cùng một thành phố và học cùng một trường đại học không?”
“Có thể chứ, nhưng tôi không nghĩ là như vậy. Trông rất giống nhau. Tôi nhận ra cô ấy ngay khi anh bước vào phòng.”
“Lại thêm một sự trùng hợp nữa,” tôi nói. “Có vẻ như là vũ trụ ngập tràn chúng.”
“Phải, một vài khi nó có thể gây kinh ngạc rất lớn đấy,” Barber nói, bắt đầu chìm đắm trở lại trong các suy nghĩ của mình. Rõ ràng là đang rất cố gắng, ông nhập thần lại sau vài giây và tiếp tục nói. “Tôi hy vọng anh sẽ không cảm thấy bị xúc phạm trước câu hỏi của tôi,” ông nói, “nhưng tại sao anh lại mang họ thời con gái của mẹ anh?”
“Bố tôi chết trước khi tôi sinh ra, và mẹ tôi quay trở lại dùng họ Fogg.”
“Thứ lỗi cho tôi. Tôi không muốn tọc mạch đâu.”
“Không sao. Tôi chưa bao giờ biết bố tôi, và mẹ tôi thì chết được nhiều năm rồi.”
“Phải, tôi đã nghe tin đó không lâu sau khi nó xảy ra. Một tai nạn giao thông, hình như thế. Một bi kịch khủng khiếp. Chắc với anh nó phải kinh khủng lắm.”
“Bà ấy bị một cái xe bus cán chết tại Boston. Khi ấy tôi vẫn còn là một thằng bé.”
“Một bi kịch khủng khiếp,” Barber nhắc lại, nhắm mắt thêm một lần nữa. “Bà ấy từng là một cô gái đẹp và thông minh, mẹ anh ấy. Tôi vẫn còn nhớ rõ bà ấy.”
Mười tháng sau, khi Barber nằm hấp hối tại một bệnh viện Chicago với cái lưng gãy, ông nói với tôi là ông đã bắt đầu nghi ngờ đến sự thật ngay vào bữa trò chuyện đầu tiên tại khách sạn hôm ấy. Khi đó căn nguyên duy nhất khiến ông không nói thẳng ra là ông nghĩ điều này sẽ làm tôi hoảng sợ. Ông còn chưa biết gì về tôi, và ông không thể dự đoán tôi sẽ đáp lại cái tin đột ngột, đầy tính chất tai biến đó như thế nào. Ông chỉ cần hình dung ra cảnh đó là có thể hiểu được tầm quan trọng của việc giữ kín mọi chuyện. Một người xa lạ nặng 350 pound mời tôi đến một khách sạn, bắt tay tôi, và rồi, thay vì nói về những điều vì chúng tôi đến để nói, lại nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói mình chính là người bố biệt tăm lâu ngày của tôi. Dù cho sự hấp dẫn có lớn đến đâu, thì cũng không thể làm vậy. Khả năng lớn nhất là tôi sẽ nghĩ ông là một thằng điên và từ chối nói chuyện tiếp. Vì sẽ còn có rất nhiều thời gian để chúng tôi làm quen với nhau, ông không muốn phá hủy đi các cơ may của mình bằng việc để chuyện xảy ra vào một thời điểm không thuận lợi. Cũng như rất nhiều điều trong câu chuyện tôi đang kể, đó hóa ra lại là một sai lầm. Trái ngược với những gì Barber tưởng tượng, thời gian không còn nhiều nữa. Ông tin rằng thời gian sẽ giải quyết vấn đề, nhưng rồi thời gian không bao giờ có để có thể trôi qua. Đây không hoàn toàn là lỗi của ông, nhưng dù thế ông vẫn phải trả giá cho nó, cũng ngang bằng với cái giá mà tôi phải trả cùng ông. Mặc cho các kết quả, tôi không thấy được bằng cách nào ông có thể hành động khác đi. Không ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra; không ai có thể đoán được những điều đen tối và khủng khiếp đang nằm chờ sẵn chúng ta.
Ngay cả giờ đây, tôi vẫn không thể nghĩ đến Barber mà lòng không tràn ngập sự thương xót. Nếu không bao giờ biết bố tôi là ai, thì ít nhất tôi cũng biết rằng một ông bố đã từng tồn tại. Dù sao thì một đứa trẻ cũng phải được sinh ra từ đâu đó, và người đàn ông sinh ra đứa trẻ đó dù muốn hay không cũng đều được gọi là một ông bố. Một mặt, Barber không biết gì cả. Ông chỉ ngủ với mẹ tôi một lần duy nhất (trong một đêm ẩm ướt, không trăng sao vào mùa xuân năm 1946), và ngày hôm sau bà đã đi khỏi, biến mất hoàn toàn khỏi cuộc đời ông. Ông không biết bà đã có thai, không biết mình có một đứa con trai, không biết một chút gì về những gì đã làm. Nhìn vào thảm họa tiếp nối sau đó, dường như sẽ là công bằng nếu ông nhận được cái gì đó để đền bù cho những đau đớn của ông, ngay cả khi đó chỉ là việc biết được những gì ông đã làm. Bà giúp việc sáng sớm hôm ấy bước vào mà không gõ cửa trước, và vì bà ta không thể ngăn tiếng thét kinh hoàng bật ra từ cổ họng, toàn bộ những người sống trong khu nhà đã kịp chạy vào phòng trước khi họ có đủ thời gian mặc lại quần áo. Nếu như chỉ có một mình bà giúp việc, hẳn là họ đã có thể bịa ra một câu chuyện, có lẽ thậm chí còn có thể lẩn tránh được, nhưng theo cách sự việc xảy ra, có quá nhiều người làm chứng chống lại họ. Một cô sinh viên năm nhất trên giường với thầy giáo môn lịch sử của mình. Có các điều luật chống lại dạng sự việc đó, và chỉ một kẻ đần độn mới có thể vụng về đến mức bị tóm được, đặc biệt là ở một nơi như Oldbum, Ohio. Ông bị đuổi việc, Emily quay trở lại Chicago, và mọi chuyện chấm dứt tại đó. Sự nghiệp của ông không bao giờ vươn được lên cao kể từ khi gặp tai nạn ấy, nhưng còn tệ hại hơn thế là nỗi dằn vặt vì để mất Emily. Điều đó cứ đeo đẳng ông mãi cho đến hết đời, và không một tháng nào trôi qua (theo lời ông kể cho tôi trong bệnh viện) mà ông không phải sống lại cái bạo liệt trong sự cự tuyệt của bà, cái nhìn kinh hoàng cùng cực trên khuôn mặt bà khi ông hỏi cưới bà. “Anh đã hủy hoại đời tôi,” bà nói, “và tôi sẽ bị nguyền rủa nếu còn gặp lại anh.” Quả thực sẽ không bao giờ hai người gặp nhau nữa. Đến khi ông tìm ra được tung tích của bà mười ba năm sau đó, thì bà đã nằm dưới mộ.
Từ tất cả những gì tôi thu thập được, mẹ tôi không bao giờ kể với ai về những gì đã xảy ra. Bố mẹ bà đều đã mất, và với Victor người dọc ngang đất nước cùng với Dàn nhạc Cleveland, không gì bắt buộc bà phải nhắc đến vụ bê bối cả. Xét theo mọi khía cạnh, bà chỉ thêm một lần bị đuổi khỏi trường đại học, và với một phụ nữ trẻ sống vào năm 1946, chuyện đó chẳng hề bị coi là cái gì quá to tát. Điều bí ẩn là ngay cả sau khi biết mình mang thai, bà vẫn từ chối không nói tên người bố. Tôi đã nhiều lần hỏi bác tôi điều này trong những năm chúng tôi sống cùng nhau, nhưng ông cũng mù tịt giống như tôi vậy. “Đó là bí mật của Emily,” ông nói. “Bác đã bắt mẹ cháu nói điều đó ra nhiều lần hơn là bác muốn nhớ, nhưng mẹ cháu không bao giờ cung cấp cho bác một đầu mối nào cả.” Trong những ngày đó sinh ra một đứa trẻ ngoài giá thú là một hành động can đảm và đầy bướng bỉnh, nhưng có vẻ như chưa lúc nào mẹ tôi do dự cả. Cùng với tất cả những thứ khác, tôi cần cảm ơn bà về điều này. Một người phụ nữ kém cương quyết hơn hẳn sẽ cho tôi đi làm con nuôi - hoặc, thậm chí còn tệ hại hơn, tìm cách phá thai. Đó không phải là một ý nghĩ dễ chịu cho lắm, nhưng nếu mẹ tôi không phải chính là bà, thì có thể tôi đã không được tạo ra ở trên cõi đời này. Nếu bà làm cái việc tuân theo lý trí kia, thì tôi đã chết trước khi được sinh ra, một cái thai nhi ba tháng tuổi nằm dưới đáy một thùng rác trong một ngõ phố heo hút.
Dù rất buồn bã, sự cự tuyệt của mẹ tôi không thực sự làm Barber ngạc nhiên, và khi nhiều năm đã qua đi, ông thấy thật khó khăn để lấy nó ra chống lại bà. Điều kỳ diệu là bà đã bị ông quyến rũ trước. Mùa xuân năm 1946 ông đã hai mươi chín tuổi và quả thực Emily là người phụ nữ đầu tiên ông không phải trả tiền lên giường với ông. Mà những phi vụ đó thật ra cũng hiếm hoi và cách xa nhau. Chỉ đơn giản là nguy cơ quá lớn, và khi biết được rằng khoái cảm này có thể bị tiêu diệt bởi nỗi nhục nhã, ông không dám dấn tới nữa. Barber không có ảo tưởng về chính mình. Ông hiểu người ta thấy gì khi nhìn vào ông, và ông biết họ đúng khi cảm thấy những gì họ cảm thấy. Emily từng là cơ may duy nhất của ông, và ông đã để mất. Dù thật khó để chấp nhận, ông cũng không thể không cảm thấy chính xác đó là cái mà ông xứng đáng.
Cơ thể ông là một nhà ngục, và ông bị kết án phải cả đời sống ở trong đó, một người tù bị lãng quên không có quyền đòi kháng cáo, không có hy vọng nào được giảm án, không cơ may nào được chuyển chỗ và một cuộc xử tử ân huệ. Ông đạt đến chiều cao tối đa năm mười lăm tuổi, khoảng giữa sáu feet hai và sáu feet ba, và kể từ đó trọng lượng của ông cứ không ngừng tăng lên. Suốt tuổi thiếu niên ông vật lộn giữ cho nó ở dưới 250 pound, nhưng những cuộc rượu thâu đêm không giúp được gì, cả những kỳ ăn kiêng cũng không có chút hiệu ứng nào. Ông kinh sợ những cái gương và cố gắng ở một mình nhiều thời gian nhất có thể. Thế giới là một cuộc chạy đua vượt rào của những cặp mắt nhìn chằm chằm và những ngón tay chỉ trỏ, và ông là một thứ trò hề lưu động, gã tròn ủng lạch bạch đi lại giữa hai hàng người độc ác cười nhạo và làm người ta đứng khựng lại trong khi đang bước đi. Những quyển sách trở thành nơi trú ẩn của ông từ rất sớm, một nơi ông có thể tự giấu kín mình - không chỉ khỏi những người khác, mà cả khỏi những suy nghĩ của chính ông nữa. Vì Barber chẳng bao giờ hồ nghi về chuyện phải đổ lỗi cho ai trong việc hình hài ông như thế. Bằng cách bước vào những từ ngữ trên trang giấy trước mặt, ông có thể quên đi cơ thể mình, và cái đó, hơn tất cả mọi thứ khác, giúp ông chặn lại được sự tự khinh rẻ bản thân. Những quyển sách cho ông cơ hội được bồng bềnh, được treo lơ lửng tồn tại của ông trong tâm trí, và chừng nào còn chú mục hết sức vào chúng, ông còn có thể nghĩ rằng mình đã được giải thoát, rằng những thứ dây trói buộc chặt ông vào những cái neo thô kệch đã bị cắt đứt.
Ông tốt nghiệp cao điểm nhất lớp ở trung học, thu thập những thứ hạng và điểm thi đủ sức làm choáng váng bất kỳ ai ở cái thị trấn nhỏ Shoreham, Long Island. Tháng Sáu năm đó ông có một bài phát biểu không mấy trôi chảy nhưng đầy nhiệt huyết để ủng hộ phong trào hòa bình, Cộng hòa Tây Ban Nha, và một nhiệm kỳ nữa cho Roosevelt. Đó là năm 1936, và đến cuối buổi đám đông công chúng trong phòng tập nóng như sôi vỗ tay nồng nhiệt khi nghe ông nói, ngay cả khi điều đó cũng không giúp gì được cho các hoạt động chính trị của ông. Rồi, giống hệt như đứa con trai đầu óc lơ đãng của ông sẽ làm hai mươi chín năm sau đó, ông lên New York học và trải qua bốn năm ở Đại học Columbia. Học xong, ông đã cố định được trọng lượng cơ thể mình ở mức 290. Tiếp theo là khoa lịch sử, đi kèm với một lời từ chối thẳng thừng của quân đội khi ông xin nhập ngũ. “Bọn béo không được vào đây,” viên thượng sĩ nói, miệng nhếch mép cười khinh bỉ. Do đó Barber gia nhập hàng ngũ đội quân hậu phương, đứng ở đằng sau cùng với những kẻ tật nguyền và có bệnh về đầu óc, những người quá trẻ và những người quá già. Ông qua hai năm tại khoa sử trường Columbia, xung quanh đặc phụ nữ, một đống thịt đàn ông ủ ê giữa các giá sách thư viện. Nhưng không ai chối được là ông rất giỏi trong những gì mình làm. Luận án của ông về Giám mục Berkeley và người Da đỏ giành giải thưởng Nghiên cứu nước Mỹ cho năm 1944, và sau đó ông được mời đi dạy ở một số trường đại học miền Đông. Vì nhiều lý do mà ông cũng không cố công tìm hiểu, ông chọn Ohio.
Năm đầu tiên khá thuận lợi. Ông trở thành một giáo viên được yêu mến, tham gia hát trong dàn nhạc của trường, giọng baritone, và viết ba chương đầu một cuốn sách về những câu chuyện bắt bớ người Da đỏ. Rốt cuộc chiến tranh ở châu u cũng kết thúc vào mùa xuân năm ấy, và khi hai quả bom rơi xuống Nhật Bản vào tháng Tám, ông cố tự an ủi mình với suy nghĩ chuyện này chắc sẽ không bao giờ tái diễn nữa. Mặc cho tất cả những khó nhọc, năm sau đó khởi đầu thật huy hoàng. Từ tháng Chín đến tháng Giêng ông giảm được trọng lượng cơ thể xuống còn ba trăm pound, và lần đầu tiên trong đời ông khởi sự nhìn tương lai với một chút lạc quan. Kỳ học mùa xuân mang Emily Fogg đến lớp lịch sử dành cho sinh viên mới của ông, một cô gái duyên dáng, đầy nhiệt hứng bỗng trở nên say mê ông. Điều đó quá tốt lành như thể không phải là sự thực, và mặc dù đã cố gắng hết sức để tiến hành câu chuyện một cách cẩn trọng, dần dần ông thấy rõ rằng đột nhiên mọi thứ đã có thể, ngay cả điều trước đây chưa bao giờ ông cả gan mơ đến. Rồi xảy đến câu chuyện ở khu nhà, bà phục vụ bất ngờ vào phòng, thảm họa. Tốc độ khủng khiếp của sự việc làm ông tê liệt, khiến ông quá choáng váng, không thể phản ứng. Khi ông bị gọi lên phòng ông hiệu trưởng trong ngày hôm đó, ý tưởng phản đối đuổi việc không hề xuất hiện trong trí óc ông. Ông quay về phòng, đóng gói đồ đạc, và bỏ đi mà không chào một ai.
Chuyến tàu đêm đưa ông đến Cleveland, tại đó ông vào ở một phòng trong YMCA[24]. Kế hoạch đầu tiên của ông là nhảy qua cửa sổ, nhưng sau ba ngày chờ đến thời điểm thuận lợi, ông nhận ra mình thiếu can đảm để làm việc ấy. Sau đó, ông quyết định từ bỏ ý định, từ bỏ cuộc chiến một lần cho tất cả. Nếu mình không có đủ can đảm để chết, ông tự nhủ, thì ít nhất cũng phải sống được như một người tự do. Điều đó là chắc chắn. Ông sẽ không lẩn tránh chính mình nữa; ông sẽ không để những người khác quy định con người mình nữa. Trong bốn tháng sau đó, ông ăn uống thả cửa để lãng quên tất cả, tọng đầy miệng những bánh kem và bánh rán, khoai tây chiên và thịt nướng đẫm nước xốt, hay bánh bột, gà rán, và hàng bát xúp cá tổ chảng. Sau khi cơn giận dữ đã nguôi ngoai, ông đắp thêm ba mươi bảy pound lên người - nhưng các con số từ đây không còn chút quan trọng nào. Ông đã ngừng nhìn vào chúng, và do vậy chúng không còn tồn tại nữa.
Thân hình càng phình to ra, ông lại càng tự chôn vùi bản thân vào đó sâu hơn. Mục đích của Barber là tự nhổ mình ra khỏi thế giới, biến mình thành ra vô hình với khối lượng thịt cơ man. Những tháng đó ông sống ở Cleveland, học cách lờ tịt đi những gì người khác nghĩ về mình, tự tiêm thuốc kháng lại nỗi đau bị trông thấy. Hàng sáng, ông tự thể nghiệm bằng cách đi dọc đại lộ Euclid vào giờ cao điểm, còn thứ Bảy và Chủ nhật ông nhất quyết ngồi ì cả chiều ở công viên Weye, trưng bày mình ra cho càng nhiều người càng tốt, vờ như không nghe thấy những lời bình phẩm, sẵn sàng chịu đựng cho đến khi cái nhìn của người khác rời khỏi người mình. Giờ đây ông trở nên cô độc, hoàn toàn tách biệt khỏi mọi người khác: một kẻ lữ hành tròn vo hình dáng như quả trứng nặng nề di chuyển qua những điều lóng ngóng của ý thức. Nhưng sự luyện tập đã có thành quả, ông không còn hoảng sợ nỗi cô đơn ấy nữa. Bằng cách chìm đắm vào sự hỗn độn nằm bên trong mình, rốt cuộc ông cũng trở thành Solomon Barber, một nhân vật, một ai đó, một thế giới tự tạo ra cho chính ông.
Sự hoàn thiện cực đại đến vào nhiều năm sau đó, khi Barber bắt đầu bị rụng tóc. Trước tiên việc ấy giống như một trò chơi chữ tệ hại - một người hói đầu lại mang cái tên có nghĩa Thợ Cạo - nhưng kể từ khi các mớ tóc giả đủ loại bị gạt ra bên ngoài, ông không còn cách nào khác là sống chung với nó. Khu vườn đẹp đẽ trên đầu ông dần khô héo. Nơi những lọn tóc đỏ sậm dày dặn từng mọc, giờ đây chỉ còn trơ lại da đầu, một đám da cằn khô. Ông không thích sự thay đổi trong vẻ bên ngoài đó, nhưng vấn đề còn đáng ngại hơn là chuyện nó hoàn toàn không chịu sự kiểm soát của ông. Nó đẩy ông vào một mối quan hệ thụ động với chính mình, và đó chính xác là điều ông không thể tiếp tục tha thứ được. Tuy nhiên, một hôm, khi tiến trình sự việc đã đi được nửa chặng đường (còn tóc ở hai bên mai nhưng trên đỉnh đã rụng ráo cả), ông lặng lẽ lấy ra một con dao cạo sạch đi tất cả những gì còn sót lại. Kết quả của trải nghiệm này còn gây ấn tượng mạnh hơn là ông có thể nghĩ. Hóa ra là ông sở hữu cái đầu giống như một tảng đá, Barber thấy vậy, một cái đầu đầy tính thần thoại, và khi đứng trước gương, ông thấy thật chuẩn mực khi cái hình cầu kỳ vĩ cơ thể ông giờ đây đã có một mặt trăng ở phía trên. Kể từ hôm đó, ông vô cùng chăm chút cho cái hình tiểu cầu ấy, sáng nào cũng cẩn thận bôi kem và dầu lên để giữ được vẻ sáng loáng và mềm mại, chiều chuộng nó bằng lối matxa điện, đảm bảo lúc nào nó cũng được bảo vệ khỏi sự tiếp xúc với mọi thứ. Ông bắt đầu đội mũ, đủ mọi loại mũ, và dần dần chúng trở thành biểu tượng cho sự kỳ cục ở ông, dấu hiệu tột cùng về con người mà ông là. Ông không còn đơn thuần là tay Solomon Barber béo phì, ông là Người Đàn Ông Đội Mũ. Cần phải rất táo gan mới làm được những điều ấy, nhưng khi đó ông đã học được cách vui thú với việc chăm bẫm sự quái đản của mình, mua lấy những thứ đồ dùng màu sắc rợ nhất ở khắp nơi, điều này lại càng nhấn mạnh thêm tài năng của ông trong việc làm người khác sửng sốt. Ông mang những cái mũ quả dưa, cát két bóng chày và mũ phớt mềm, mũ kiểu thực dân và mũ cao bồi, mọi thứ mà ý thích của ông nảy ra, không buồn quan tâm đến phong cách hay chuẩn mực. Năm 1957, bộ sưu tập của ông đã lớn đến mức có lần ông chơi liền hai mươi ba ngày không đội một cái mũ nào đến lần thứ hai.
Sau vụ đóng thập giá Ohio (sau này ông sẽ kể), Barber tìm được việc ở nhiều trường đại học nhỏ không mấy tiếng tăm ở vùng Trung Tây và miền Tây. Thoạt tiên Ông nghĩ chuyện này giống như một cuộc lưu đày ngắn hạn, nhưng rồi nó sẽ kéo dài đến hơn hai mươi năm, và tấm bản đồ các thương tích của ông được đánh dấu bởi nhiều điểm ở mọi góc của những khu vực hẻo lánh: Indiana và Texas, Nebraska và Oklahoma, Nam Dakota và Kansas, Idaho và Minnesota. Ông không bao giờ ở lại nơi nào quá hai hoặc ba năm, và bởi vì các trường ngày càng hao hao giống nhau, sự di chuyển không ngừng nghỉ khiến ông khỏi rơi vào cảnh chán chường. Barber có khả năng làm việc rất lớn, và trong sự yên bình bụi phủ của những đợt hưu nghỉ ấy hiếm khi ông làm việc gì khác, chỉ bền bỉ sản xuất các bài báo và những cuốn sách, dự các hội thảo và đi giảng, bỏ ra rất nhiều giờ cho sinh viên và các bài giảng đến mức đâu đâu ông cũng vươn lên trở thành giáo viên được yêu thích nhất trường. Năng lực của ông trong tư cách một học giả là điều không phải nghi ngờ, nhưng ngay cả sau khi vụ tai tiếng Ohio đã lắng xuống, các trường lớn vẫn nhất quyết quay lưng với ông. Effing từng nói đến McCarthy, nhưng cuộc đột nhập duy nhất của Barber vào cánh tả chính trị chỉ là với vai trò một người đồng hành nhiều thiện cảm với phong trào hòa bình ở Columbia trong những năm ba mươi. Ông chưa bao giờ bị vào sổ đen theo đúng nghĩa, nhưng dù vậy các kẻ thù của ông vẫn thấy đó là cơ hội thuận tiện để quây những lời bóng gió bịa đặt quanh cái tên của ông, như thể rốt cuộc cũng đã tìm ra một cái cớ tốt hơn để loại bỏ ông.
Không có ai nói rõ ràng ra, nhưng cảm giác chung là đơn giản Barber không thích hợp. Theo một nghĩa nào đó, ông quá to lớn, quá cứng đầu cứng cổ, quá thiếu khả năng sám hối. Cứ thử tưởng tượng một người khổng lồ nặng 350 pound ì ạch đi ngang qua sân trong của trường Yale, trên đầu đội một cái mũ đựng được đến mười ga lông nước. Hẳn là không thể được rồi. Ông thật không biết xấu hổ chẳng biết thế nào là cư xử cho phải phép. Chỉ riêng sự có mặt của ông thôi đã đủ làm rối loạn trật tự mọi vật, thế cho nên tại sao lại phải rắc rối lằng nhằng trong khi còn có khối ứng cử viên khác để mà lựa chọn?
Có lẽ như thế lại tốt hơn. Trụ lại ở vòng ngoại vi, Barber có thể được là người mà ông muốn. Các trường đại học nhỏ vui mừng vì có được ông, và vì không chỉ là người thầy giáo béo nhất từng tồn tại, mà còn là Người Đàn Ông Đội Mũ, ông được miễn trừ khỏi những trò cãi vã vặt vãnh và đơm đặt thường đầu độc cuộc sống tỉnh lẻ. Mọi điều về ông đều quá sức tưởng tượng, kỳ cục, vượt ngoài khuôn khổ thông thường đến mức không ai dám lên tiếng đánh giá ông. Ông có thể đến vào cuối mùa hè, cả người bụi phủ sau những ngày trên đường, đằng sau chiếc xe cũ kỹ rệu rã là một cái rơ moóc. Nếu quanh đó có sinh viên, ông sẽ nhanh chóng thuê họ dỡ đồ đạc cho mình, trả một món tiền rất lớn cho họ và sau đó mời tất cả đi ăn trưa. Cách làm ấy luôn giúp ông tạo lập một phong thái. Họ sẽ nhìn thấy bộ sưu tập sách gây choáng váng của ông, hằng hà sa số mũ, và cái bàn viết đặc biệt được làm riêng cho ông tại Topeka - cái bàn của thánh Thomas Aquinas, theo cách ông gọi nó, với một hình bán nguyệt lớn rút được ra khỏi bề mặt để phù hợp với cái bụng của ông. Không khó để cảm thấy bị choáng váng khi nhìn ông di chuyển với cách thức hụt hơi, khò khè, chậm chạp nhúc nhích thân hình bồ tượng từ nơi này sang nơi khác, không ngừng hút những điếu xì gà dài làm vương đầy mẩu tro lên quần áo. Sinh viên cợt nhả sau lưng ông, nhưng họ cũng rất tận tụy với ông, và với những người con trai con gái nông dân, chủ cửa hiệu và mục sư đó, ông là thứ gần gũi nhất họ có thể với tới được để biết về sự xuất sắc trí óc thực thụ. Không thể tránh khỏi, có các nữ sinh tim đập rộn lên vì ông (điều đó cho thấy tâm trí quả thực có thể mạnh mẽ hơn cơ thể), nhưng Barber đã ngấm bài học của mình, ông không bao giờ thêm một lần rơi vào cái bẫy đó nữa. Ông thầm thích thú khi các cô gái trẻ thờ thẫn xung quanh ông, nhưng ông vờ như không hiểu, vào vai kẻ thô lỗ thông thái, viên thái giám vui tươi đã ăn hết ham muốn ngày qua. Đó là một việc đau lòng, cô độc, nhưng nó mang lại cho ông một cách thức tự vệ, và nếu điều này không phải lúc nào cũng có tác dụng, thì ít nhất ông cũng học được tầm quan trọng của việc đóng cửa chớp im ỉm và khóa chặt cửa ra vào. Trong toàn bộ những năm lang thang đó, chưa từng có ai bị phát hiện làm chuyện vụng trộm với ông. Ông chế ngự họ bằng sự độc tôn của mình, và trước khi các đồng nghiệp có một cơ hội để chơi xấu ông, ông đã di chuyển sang địa điểm kế tiếp, nói lời tạm biệt và biến vào trong hoàng hôn.
Theo những gì Barber kể với tôi, có một lần ông đã tình cờ gặp bác Victor, nhưng cứ nghĩ về các chi tiết cuộc đời cả hai người, tôi tin rằng có thể họ đã gặp nhau đến ba lần. Cuộc gặp đầu tiên hẳn là năm 1939, dịp Triển lãm Hoàn cầu New York. Tôi biết chắc chắn cả hai người đều có mặt ở đó, và dù cho việc này thật khó tin, rất có khả năng họ đã ở đó vào cùng một ngày. Tôi thích tưởng tượng ra cảnh họ cùng nhau đứng trước một hiện vật trưng bày nào đó - chẳng hạn như Chiếc xe của Tương lai, hoặc Nhà bếp của Ngày mai - và rồi vì tình cờ mà đâm sầm vào nhau, vội bỏ mũ rối rít xin lỗi nhau, hai người đàn ông trẻ tuổi mới bắt đầu bước vào cuộc đời, một người béo một người gầy, những diễn viên hài kịch ảo đang diễn tiết mục nho nhỏ của mình trong phòng chiếu của đầu óc tôi. Effing cũng có mặt ở hội chợ, dĩ nhiên, khi ấy ông vừa từ châu u quay về, và cũng có nhiều khi tôi đặt ông vào vở diễn tưởng tượng đó, ông ngồi trong một cái xe đẩy làm bằng gỗ liễu gai theo lối cũ và Pavel Shum đằng sau đẩy ông đi. Có thể Barber và bác Victor đang đứng cạnh nhau khi Effing đi ngang qua. Có thể, vào đúng lúc đó, Effing lại phun ra một lời chửi rủa kinh hoàng cho người bạn Nga của mình, và Barber cùng bác Victor, kinh ngạc trước sự thô lỗ của ông già ở ngay chỗ đông người, mỉm cười với nhau và buồn bã lắc lắc đầu. Dĩ nhiên chẳng thể nào biết được người đàn ông đó lại chính là bố một trong số họ và ông nội tương lai của người cháu của người còn lại. Các khả năng của những cảnh tượng ấy thật nhỏ, nhưng tôi cũng thường cố gắng giữ nguyên mức độ khiêm tốn của chúng - những giao nhau ngắn ngủi và im lìm: một nụ cười, một cái nhấc mũ, một lời xin lỗi lúng búng. Theo cách ấy chúng có sức gọi hơn nhiều, như thể khi không dám trông mong nhiều lắm, khi chỉ tập trung vào các chi tiết nhỏ bé và phù du, tôi có thể lừa gạt chính mình để tin rằng những việc ấy quả thực đã từng xảy ra.
Cuộc gặp thứ hai có thể là ở Cleveland, năm 1946. Lần này còn nặng tính giả thuyết hơn lần trước, nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ một hôm mình đã đi bộ xuyên qua công viên Lincoln ở Chicago với bác tôi và nhìn thấy một người to béo khổng lồ ngồi ăn sandwich trên bãi cỏ. Người đàn ông này gợi cho bác Victor nhớ về một ông béo khác bác đã gặp ở Cleveland (“hồi ấy bác vẫn chơi cho dàn nhạc”), và mặc dù không có bằng chứng xác thực nào, tôi vẫn thích nghĩ người đã gây ra một ấn tượng lớn đến vậy với ông chính là Barber. Chưa tính đến các chuyện khác, chỉ riêng ngày tháng cũng đã ăn nhập một cách hoàn hảo, vì Victor chơi nhạc ở Cleveland từ 1945 đến 1948, và Barber chuyển tới YMCA vào mùa xuân năm 1946. Theo lời Victor, một đêm ông ăn bánh pho mát ở Lansky’s Delicatessen, một khu mua sắm lớn và ồn ã cách Severence Hall ba khối nhà. Dàn nhạc vừa chơi xong một chương trình toàn Beethoven, và ông ra chỗ đó cùng ba người thuộc bên bộ phận nhạc cụ gỗ để ăn đêm. Từ chỗ ngồi của mình phía góc trong của quán, ông nhìn thấy rất rõ một người đàn ông béo phì ngồi một mình bên phía cánh. Không thể rời mắt khỏi dáng hình khổng lồ, cô độc đó, bác tôi hoảng hồn nhìn ông ta ăn một lèo hai bát bánh viên nhân thịt kiểu Do Thái, một đĩa bắp cải nhồi, bánh kếp, ba đĩa rau cải trộn, một rổ bánh mì, và sáu hay bảy củ cải ngâm trong một cái lọ đựng. Victor sửng sốt trước màn trình diễn nhai nuốt đó đến mức cả đời mình ông sẽ vẫn nhớ, một bức chân dung của nỗi bất hạnh con người thuần khiết và trọn vẹn. “Bất kỳ ai ăn theo kiểu ấy cũng đều đang tìm cách tự hủy hoại bản thân mình,” ông nói với tôi. “Cũng giống hệt như là nhìn ai đó chết đói vậy.”
Lần cuối cùng họ va phải nhau là năm 1959, thời gian bác tôi và tôi sống ở Saint Paul, Minnesota. Khi ấy Barber đang làm việc ở trường Macalester, và một tối khi ngồi trong căn hộ của mình tìm thông tin mua xe ôtô cũ trên các trang cuối tờ Pioneer Press, mắt ông rơi trúng một mẩu quảng cáo lớp học thổi kèn clarinet của một ông tên là Victor Fogg, “trước đây chơi cho Dàn nhạc Cleveland.” Cái tên đâm xuyên qua ký ức của ông như một ngọn thương, và một hình ảnh Emily quay trở về với ông, sống động và rõ ràng hơn bất kỳ hình ảnh nào ông từng thấy ở bà trong suốt nhiều năm. Đột nhiên bà lại ở bên trong ông, phục sinh thông qua cái họ của mình, và trong suốt phần còn lại của tuần đó ông không sao đẩy được bà ra khỏi suy nghĩ, tự hỏi điều gì đã xảy đến với bà, hình dung ra rất nhiều điều về cuộc sống mà bà có thể đã sống, nhìn thấy bà với một sự rõ nét đến bàng hoàng. Có thể là người thầy dạy nhạc không có liên hệ gì với bà, nhưng ông không thấy có gì hại để tìm hiểu. Việc đầu tiên nảy ra trong óc ông là gọi điện cho Victor, nhưng rồi, sau khi nghiền ngẫm những gì có thể nói, ông nghĩ ra một cách khác hay hơn. Ông không muốn bị coi là một thằng điên khi cứ cố kể câu chuyện của mình, lắp bắp những điều ông chẳng bà chuộc với một người xa lạ buồn chán ở đầu dây bên kia. Ông quyết định thay vào đó sẽ viết thư, bỏ đi bảy hoặc tám bản nháp trước khi hài lòng, rồi gửi nó đi trong một tâm trạng não nề, thấy hối tiếc ngay giây phút cái phong bì biến mất vào trong thùng thư. Câu trả lời đến mười ngày sau đó, một bức thư viết chữ thật sít trên một tờ giấy màu vàng. “Thưa ông…” bức thư viết, “Emily Fogg quả thực là em gái tôi, nhưng tôi rất lấy làm buồn phải thông báo với ông rằng cô ấy đã mất trong một tai nạn giao thông cách đây tám tháng. Tiếc thương vô hạn. Kính thư, Victor Fogg.”
Nói đúng ra bức thư không nói gì về những điều ông chưa biết trước đó. Victor chỉ mang đến một điều duy nhất, và điều này thì Barber cũng đã tự biết được từ rất lâu: ông sẽ không bao giờ gặp lại Emily nữa. Cái chết không thay đổi được điều này. Nó chỉ khẳng định lại điều đã quá chắc chắn, nhắc nhở sự mất mát mà ông đã quen thuộc trong suốt nhiều năm. Điều này không khiến cho bức thư bớt đi hiệu ứng đau đớn, nhưng khi đã khóc xong, ông thấy mình khát khao có thêm nhiều thông tin hơn. Chuyện gì đã xảy đến với cô? Cô đã đi đâu và cô đã làm gì? Cô có lấy chồng không? Cô có để lại đứa con nào không? Có ai yêu cô không? Barber muốn có các chi tiết. Ông muốn điền đầy các chỗ trống và xây dựng một cuộc đời cho cô, một điều gì đó hữu hình để có thể mang theo với mình: một loạt những bức ảnh, một quyển album ảnh mà ông có thể mở ra trong đầu óc mình và nghiên cứu tùy ý. Hôm sau ông lại viết thư cho Victor. Sau khi bày tỏ sự phân ưu sâu sắc và nỗi buồn thương trong đoạn thứ nhất, ông gợi ý theo một cách thức rất tế nhị rằng với ông sẽ vô cùng quan trọng việc có được câu trả lời cho một số câu hỏi. Ông kiên nhẫn đợi một lời phúc đáp, nhưng hai tuần trôi qua mà không có gì hết. Cuối cùng, nghĩ rằng bức thư của mình đã bị thất lạc, ông gọi điện cho Victor. Sau ba hay bốn hồi chuông, một người trực tổng đài xen vào nói số điện thoại đã bị cắt. Thật là khó hiểu, nhưng Barber không để cho việc này làm ông nhụt trí (dù sao thì ông ấy cũng có thể quá nghèo, đến mức không trả nổi hóa đơn thanh toán), thế là ông leo lên chiếc Dodge đời 51 và lái đến căn hộ của Victor tại 1025 đại lộ Linwood. Không thể tìm thấy cái tên Fogg trong dãy nút chuông ở lối vào, ông bấm gọi người quản lý. Một lúc lâu sau, một người đàn ông nhỏ bé vận áo len dài tay hai màu xanh lá cây và vàng ra cửa nói với ông rằng ông Fogg đã đi rồi.
“Ông ấy và thằng bé,” người đàn ông nói, “họ vừa đi khỏi cách đây mười ngày.” Với Barber đây là một nỗi thất vọng lớn, một cú đánh mà ông không trông đợi. Nhưng không một lúc nào ông ngừng lại để nghĩ xem thằng bé là ai. Và ngay cả có làm vậy thì cũng sẽ không khác gì. Ông sẽ nghĩ đó là con trai của người đàn ông thổi kèn clarinet và dừng lại ở đó.
Nhiều năm sau, khi Barber nói với tôi về bức thư ông đã nhận được từ Victor, rốt cuộc tôi cũng hiểu được tại sao bác tôi và tôi lại rời khỏi Saint Paul một cách đột ngột như vậy hồi năm 1959 ấy. Giờ đây cảnh tượng đó với tôi đã bắt đầu có nghĩa: cuống cuồng đóng gói đồ đạc vào ban đêm, đi xe không nghỉ về đến Chicago, hai tuần sống trong khách sạn và không đến trường. Victor không thể biết sự thật về Barber, nhưng điều đó không khiến ông bớt lo ngại về việc sự thật có thể là như thế nào. Ở đâu đó ngoài kia có một ông bố, và tại sao lại phải liều lĩnh với cái gã đàn ông cứ tò mò hỏi mọi chuyện về Emily như vậy? Mọi việc sẽ ngày càng tồi tệ hơn mà thôi, ai dám nói ông ta sẽ không tìm cách cướp lấy thằng bé? Mọi việc hoàn toàn đơn giản khi tránh không nhắc đến tôi lúc ông viết lá thư đầu tiên, nhưng rồi lá thư thứ hai lại tới cùng tất cả những câu hỏi mới đó, Victor nhận ra mình đang mắc kẹt rồi. Không trả lời bức thư cũng sẽ chỉ đẩy lùi vấn đề lại, vì nếu người lạ mặt tò mò đúng như ông ta tỏ ra, ông ta hoàn toàn có thể đến tìm chúng tôi. Khi ấy chuyện gì có thể xảy ra? Victor không thấy có cơ hội nào khác ngoài bỏ trốn, giữa đêm mang theo tôi và biến đi vào một đám khói mờ.
Câu chuyện này là một trong những điều cuối cùng Barber kể với tôi, và tôi cảm thấy lòng mình tan nát khi nghe nó. Tôi hiểu việc Victor đã làm, và trước tính chất trìu mến của hành động ấy, tôi thấy trong mình trào lên một đợt tình cảm - đau đớn vì tiếc thương ông bác, lại một lần nữa khóc cái chết của ông. Nhưng cùng lúc tôi cũng cảm thấy tức tối, cay đắng cho những năm tháng đã mất. Bởi nếu Victor trả lời bức thư thứ hai của Barber thay vì bỏ chạy, hẳn là tôi đã phát hiện ai là bố mình từ mãi năm 1959. Không thể buộc tội ai cho những gì đã xảy ra, nhưng điều này cũng không làm cho nó dễ chấp nhận hơn được. Tất cả đều là vấn đề về những kết nối bị bỏ lỡ, tính toán thời gian sai, mò mẫm trong bóng tối. Chúng tôi đã luôn ở đúng chỗ vào sai thời điểm, ở sai chỗ vào đúng thời điểm, luôn luôn lạc mất nhau, luôn luôn chỉ cách việc tìm ra toàn bộ sự thật vài inch nhỏ bé. Đó chính là cách có thể dùng để tóm tắt câu chuyện, tôi nghĩ. Một loạt những cơ hội bị bỏ phí. Tất cả các mảnh nhỏ đều đã nằm đó ngay từ khởi đầu, nhưng không một ai biết cách ghép chúng lại cả. Ở cuộc gặp gỡ đầu tiên đó những chuyện kể trên không hề được nói đến, dĩ nhiên. Vì Barber đã quyết định không nói về những nghi ngờ của ông, chủ đề duy nhất chúng tôi có thể đả động là bố ông, và chúng tôi nói chuyện rất kỹ về nó trong những ngày ông ở lại thành phố. Tối hôm đầu tiên, ông mời tôi đi ăn ở quán Gallagher’s trên phố Năm mươi hai; tối thứ hai, chúng tôi đến một quán ăn trong khu Tàu cùng với Kitty; và ngày thứ ba, Chủ nhật, tôi đến ăn sáng với ông tại khách sạn trước khi ông ra sân bay về lại Minnesota. Sự khéo léo và duyên dáng của Barber nhanh chóng làm bạn quên đi vẻ ngoài không mấy may mắn của ông, và càng ở bên cạnh ông nhiều thời gian, tôi càng cảm thấy thoải mái hơn. Chúng tôi trò chuyện vui vẻ gần như ngay từ đầu, trộn lẫn những lời nói đùa và các ý tưởng vào câu chuyện kể, và vì ông không thuộc dạng người e sợ sự thật, tôi có thể nói về bố ông mà không cần phải tự kiểm duyệt chính mình, thuật lại toàn bộ câu chuyện về những tháng tôi ở cùng Effing, cả điều tốt lẫn điều xấu.
Về phần Barber, ông chưa bao giờ biết được điều gì. Bố ông, người ta nói, đã chết ở miền Tây vài tháng trước khi ông ra đời, và điều đó khá là đáng tin, khi mà trên tường nhà ông treo đầy tranh, và ai ai cũng đều luôn nói bố ông là họa sĩ, một người chuyên vẽ phong cảnh và đi rất nhiều để vẽ. Chuyến đi cuối cùng của ông là đến vùng sa mạc Utah, họ nói vậy, một nơi hoang vắng nếu từng có một nơi nào như vậy, và đó chính là nơi ông bỏ mạng. Nhưng hoàn cảnh xảy ra cái chết đó thì chưa bao giờ ông được biết cả. Khi ông lên bảy tuổi, một bà dì nói bố ông bị ngã từ một vách đá. Ba năm sau, một ông cậu kể bố ông bị người Da đỏ bắt, và rồi, chưa đến sáu tháng sau, Molly Sharp tuyên bố là có bàn tay của quỷ. Bà là người đầu bếp từng cho ông ăn tất cả những cái bánh putđinh ngon lành khi đi học về - một người đàn bà Ailen hồng hào mặt đỏ răng thưa - và chưa bao giờ ông thấy bà nói dối. Dù cho nguyên nhân có là gì, cái chết của bố ông cũng vẫn là lý do khiến mẹ ông ở lì trong phòng. Đó là cách gia đình giải thích cho tình trạng mẹ ông, mặc cho sự thật là thỉnh thoảng bà cũng rời khỏi phòng, đặc biệt là trong những đêm hè ấm áp, rồi lang thang qua các hành lang của ngôi nhà, hoặc thậm chí đi xuống bãi biển ngồi bên mép nước, lắng nghe tiếng những con sóng nhỏ từ eo đất vỗ vào bờ.
Ông không thường xuyên gặp mẹ lắm, và ngay cả vào những ngày khỏe khoắn bà cũng gặp khó khăn trong việc nhớ tên con. Bà gọi con là Teddy, hoặc Malcolm, hoặc Rob - luôn nhìn thẳng vào mắt, nói với vẻ tin tưởng tuyệt đối - hoặc nếu không bà sẽ dùng những thứ biệt hiệu lạ tai: Bally-Ball, Pooh-Bah, và Ngài Jinks. Ông không bao giờ thử tìm cách sửa lại cho mẹ mỗi khi bà làm vậy, vì những giờ được ở bên mẹ quá hiếm hoi để có thể phí phạm, và căn cứ vào kinh nghiệm ông biết rằng một điều khác lạ vụn vặt cũng có thể làm hỏng đi tâm trạng của bà. Những người sống gần đó gọi ông là Solly. Ông không phản đối biệt hiệu này, vì theo cách nào đó nó vẫn giữ nguyên được tên ông, như thể đó là một bí mật chỉ một mình ông biết được: Solomon, vị vua thông thái của người Hebrew, người có sự phán xét chính xác đến mức có khả năng chặt đôi người một thằng bé. Sau này, phần hậu tố với ý nghĩa giảm nhẹ bị bỏ đi, và ông trở thành Sol. Các nhà thơ thời Elizabeth dạy ông rằng đó là một từ cổ chỉ “mặt trời,” và không lâu sau ông phát hiện đó còn là một từ tiếng Pháp có nghĩa “mặt đất.” Điều này khiến ông nghĩ mình vừa là mặt trời vừa là trái đất, và trong nhiều năm ông hiểu nó theo hướng chỉ một mình ông cũng đủ khả năng bao quát trọn vẹn mọi sự mâu thuẫn của vũ trụ.
Mẹ ông sống trên tầng năm với cả đống bạn bè và người giúp việc, và có nhiều quãng thời gian bà thậm chí không hề xuống cầu thang một lần nào. Ở trên đó là cả một vương quốc thực thụ, với cái bếp mới xây ở một đầu sảnh và căn phòng cửu giác rộng rãi ở đầu bên kia. Đó chính là nơi bố ông từng dùng làm xưởng vẽ, người ta nói vậy, và các cửa sổ được đặt sao cho khi nhìn ra bên ngoài bạn sẽ không thấy gì khác ngoài nước. Ông phát hiện là nếu đứng trước những cửa sổ đó đủ lâu, mặt gí sát vào mặt kính, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy như thể mình đang trôi bồng bềnh trên bầu trời. Ông không được phép lên trên đó thường xuyên lắm, nhưng từ phòng mình ở tầng dưới ông có thể đôi khi nghe tiếng mẹ mình đi lại buổi đêm (tiếng cọt kẹt của sàn ván dưới tấm thảm), và trong một lúc ông nhận biết rõ được các giọng nói: tiếng rì rầm của những cuộc trò chuyện, tiếng cười, tiếng hát, tiếng rên rỉ và thổn thức. Những chuyến viếng thăm lên tầng năm được các cô bảo mẫu hướng dẫn, mỗi người lại đặt ra những quy tắc khác nhau. Miss Forrest cho ông một giờ mỗi thứ Năm; Miss Caxton xem xét móng tay ông trước khi để ông vào; Miss Flower luôn khuyến khích những cuộc đi bộ tốc độ cao trên bãi biển; Miss Buxley cho uống sôcôla nóng; còn Miss Gunderson thì nói nhỏ đến mức không sao nghe nổi cô nói gì. Một lần, Barber chơi trò ăn mặc giả trang với mẹ trọn một buổi chiều, và trong một dịp khác họ nghịch một con thuyền đồ chơi trong bồn nước cho đến khi trời tối mịt. Đó là những cuộc viếng thăm mà ông còn nhớ rõ nhất, và nhiều năm sau ông nhận ra chúng là những giờ hạnh phúc nhất ông từng có với mẹ mình. Theo như những gì ông còn nhớ được, bà có vẻ rất già so với ông, mái tóc màu ghi và khuôn mặt để thô không trang điểm, đôi mắt xanh óng ánh nước và cái miệng trễ xuống, những cái đốm nâu trên mu bàn tay. Trong các động tác của bà luôn có một sự run rẩy thoáng qua nhưng dai dẳng, và có thể điều này khiến bà càng trở nên mong manh hơn - thần kinh tán loạn mọi hướng, một người đàn bà lúc nào cũng chực sụp đổ. Ông vẫn không nghĩ bà là một người điên (không hạnh phúc là từ ông thường nghĩ đến), và ngay cả khi bà làm những việc khiến bất kỳ ai cũng phải lo ngại, ông vẫn thường cảm thấy tất cả chỉ là do bà giả vờ. Trong những năm đó có nhiều cơn kịch phát (một đợt la hét kéo dài khi một cô bảo mẫu bị đuổi việc, một ý định tự tử, một quãng bảy tháng từ chối không chịu mặc quần áo), và đến một thời điểm bà bị gửi sang Thụy Sĩ cho cái mà người ta gọi là cuộc an dưỡng dài. Mãi sau này, ông mới phát hiện Thụy Sĩ chỉ là cách nói lịch sự dùng để chỉ trại một tâm thần ở Hartford, Connecticut.
Đó là một tuổi thơ ảm đạm, nhưng không phải không có những vui thú, và ít cô độc hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của nó. Phần lớn thời gian ông bà ngoại sống ở đó, và mặc cho sở thích của bà ngoại đối với những thứ kỳ cục nông nổi - các lý thuyết của bác sĩ Fletcher, những cái hố của Symmes, những cuốn sách của Charles Fort - bà vẫn tốt bụng một cách thái quá với cháu, giống hệt như ông ngoại, người kể những câu chuyện về cuộc Nội chiến và dạy cách tìm kiếm các loài hoa dại. Sau này, ông cậu Binkey và bà dì Clara cũng chuyển đến ở cùng, và trong nhiều năm họ cứ sống chung như vậy trong một sự hài hòa hay gây gổ lẫn nhau. Cuộc khủng hoảng năm 1929 không tiêu diệt họ, nhưng sau đó họ đã bắt đầu phải tiết kiệm trong tiêu pha. Chiếc Pierce Arrow ra đi cùng với người tài xế, tiền thuê căn hộ ở New York không tiếp tục trả được, và Barber không được gửi đến trường nội trú như mọi người đã lên kế hoạch nữa. Năm 1931, một số bức tranh trong bộ sưu tập của bố ông bị bán đi - những bức vẽ của Delacroix, những bức của Samuel French Morse, và bức nhỏ của Turner vẫn treo ở hành lang tầng dưới, vẫn còn lại nhiều bức khác. Barber đặc biệt thích hai bức của Blakelock treo trong phòng ăn (một bức vẽ ánh trăng trên bức tường phía Đông và một bức vẽ cảnh người Da đỏ cắm trại trên bức tường phía Nam), ngoài ra còn có những bức của bố ông ở mọi nơi ông nhìn đến: những bức vẽ nước Long Island, những bức vẽ bờ biển ở Maine, các nghiên cứu sông Hudson, và cả một phòng chứa đầy tranh phong cảnh mang về từ một cuộc dạo chơi đến dãy núi Catskill - những ngôi nhà nông dân đổ nát, và những bức vẽ núi giống như từ cõi khác, những cánh đồng mênh mông tràn ngập ánh sáng. Barber bỏ hàng trăm giờ nhìn ngắm những bức tranh đó, và đến năm cuối trường trung học ông đã tổ chức một cuộc trưng bày ở sảnh lớn tòa thị chính thành phố, đi kèm với một bài tiểu luận về tác phẩm của bố ông phát không cho bất kỳ ai đến dự buổi đầu tiên.
Năm tiếp theo, ông bỏ thời gian ban đêm viết một cuốn tiểu thuyết dựa trên sự mất tích của bố ông. Khi ấy Barber mới mười bảy tuổi, và, trong những cơn cuồng loạn đau đớn của tuổi chớm trưởng thành, ông bắt đầu tự cho mình là một nghệ sĩ, thiên tài tương lai sẽ cứu rỗi được tâm hồn mình bằng cách trải nỗi thống khổ cá nhân lên các trang giấy. Ông gửi cho tôi bản thảo viết tay khi quay về Minnesota - không phải, như ông thông báo với vẻ đầy hối lỗi trong lá thư đi kèm, để chứng tỏ tài năng tuổi trẻ của ông (cuốn sách đã bị hai mươi mốt nhà xuất bản từ chối), mà là để cung cấp cho tôi một ý tưởng về mức độ trí tưởng tượng của ông bị tác động bởi sự vắng mặt của người bố.
Cuốn sách mang tên Máu của Kepler, được viết theo phong cách giật gân của những quyển tiểu thuyết những năm ba mươi. Một phần miền Tây và một phần khoa học viễn tưởng, câu chuyện đi lảo đảo qua hết sự vô lý này đến sự vô lý khác, tiến triển với nhịp bước đi xiêu vẹo của mơ mộng. Một số đoạn đọc rất sợ, nhưng dẫu có vậy đi nữa tôi vẫn bị cuốn hút, cho đến khi đọc xong cuốn sách tôi cảm thấy mình đã có một hình dung rõ ràng hơn về con người của Barber, tôi hiểu ra gì đó về những điều nhào nặn nên ông.
Bối cảnh trong sách được đẩy sớm lên khoảng bốn mươi năm, với sự kiện đầu tiên diễn ra trong những năm 1870, nhưng ngoài đó ra câu chuyện gần như bám trực tiếp vào những điều ít ỏi Barber biết được về bố mình. Một nghệ sĩ ba mươi lăm tuổi tên là John Kepler chào tạm biệt vợ cùng đứa con trai nhỏ và rời khỏi ngôi nhà tại Long Island dấn thân vào một chuyến đi xuyên qua Utah và Arizona dự định kéo dài sáu tháng, chăm chăm tìm cách, theo lời của chàng tác giả mười bảy tuổi đầu: “khám phá một miền đất huyền diệu, một thế giới của cái đẹp hoang dã và màu sắc chói rực, chốn của những không gian vô chừng đến mức hòn đá nhỏ nhất cũng mang dấu vết của bất tận.” Trong mấy tháng đầu mọi chuyện rất ổn thỏa, rồi Kepler gặp phải một tai nạn giống hệt tai nạn mà người ta vẫn nghĩ đã xảy đến với Julian Barber: ông ngã khỏi một vách đá, gãy xương, và bất tỉnh. Hồi tỉnh vào buổi sáng hôm sau, ông nhận ra mình không thể nhúc nhích, và bởi vì không thể với đến lương thực, ông đành nằm đó giữa hoang mạc chờ chết. Thế rồi, vào ngày thứ ba, ngay khi sắp sửa lìa đời, Kepler được một toán người Da đỏ cứu - đây là tiếng vọng một câu chuyện Barber từng nghe kể khi còn bé. Những người Da đỏ mang người đàn ông hấp hối đến nơi ở của mình, một thung lũng hẹp tua tủa đá bốn bề là vách núi dựng ngược, và tại cái nơi đậm đặc mùi cây ngọc giá và bách xù, họ cứu chữa cho ông. Có từ ba mươi đến bốn mươi người sống trong cộng đồng này, số lượng đàn ông đúng bằng số lượng đàn bà, và trẻ con đi tha thẩn xung quanh, trên người đắp vài mảnh vải hoặc không có gì hết dưới cái nóng giữa hè như thiêu. Hiếm khi nào nói một lời với ông hoặc nói với nhau, họ trông coi ông trong khi sức lực dần hồi phục, mang nước đến để kề miệng ông và cho ông ăn những thứ trông rất kỳ cục trước đây ông chưa từng nếm. Khi tâm trí bắt đầu đã sáng rõ, Kepler nhận ra những người này không hề giống với người Da đỏ thuộc bất kỳ bộ lạc nào trong vùng - người Ute và người Navaho, người Paiute và người Shoshone. Với ông những người này nguyên sơ hơn, co cụm hơn, cách cư xử dễ chịu hơn. Quả thực, khi nhìn gần hơn, ông kết luận nhiều người trong số họ không hề mang đường nét của người Da đỏ. Một số có mắt xanh, những người khác lại có mái tóc đo đỏ, và một số người có lông trên ngực. Thay vì chấp nhận thực tế, Kepler bắt đầu nghĩ mình vẫn nằm đó chờ chết và tưởng tượng ra sự hồi phục của mình trong một cơn sảng trộn lẫn hôn mê và đau đớn. Nhưng chuyện này không kéo dài lâu. Dần dần, khi tình trạng sức khỏe tiếp tục được cải thiện, ông buộc phải thừa nhận mình đang sống và mọi thứ xung quanh ông đều là thực.
“Họ tự gọi mình là Nhân,” Barber viết, “Nhân Loại, Những Người đến từ Nơi Rất Xa. Rất lâu trước đây, theo các truyền thuyết họ kể lại cho ông, tổ tiên của họ từng sống trên mặt trăng. Nhưng một trận hạn hán lớn khiến đất đai khô kiệt, và toàn bộ Nhân đều chết cả, trừ Pog và Ooma, Cha tổ và Mẹ tổ. Trong hai mươi chín ngày và hai mươi chín đêm, Pog và Ooma đi xuyên qua sa mạc, và khi đến được Núi Thần kỳ, họ leo lên đỉnh và buộc mình vào một đám mây. Đám mây-trí huệ mang họ đi qua không gian trong suốt bảy năm, và đến cuối khoảng thời gian đó họ lơ lửng rơi xuống trái đất, tại đó họ khám phá Khu rừng Những Điều Nguyên tổ và khởi đầu thế giới một lần nữa. Pog và Ooma sinh được hơn hai trăm đứa con, và trong nhiều năm ròng Nhân rất hạnh phúc, xây dựng nhà cửa giữa đám cây rừng, trồng ngô, săn con hoẵng thần, và kiếm cá dưới ao hồ. Những Người Khác cũng sống trong Khu rừng Những Điều Nguyên tổ, và bởi vì họ sẵn sàng chia sẻ các bí mật của mình, Nhân học được Kiến thức Khổng lồ về cây cối và thú vật, điều này giúp họ cảm thấy thoải mái khi sống trên mặt đất. Nhân đáp lại sự tốt bụng của Những Người Khác bằng nhiều món quà, và suốt trong nhiều thế kỷ hai vương quốc sống hài hòa với nhau. Nhưng rồi Những Kẻ Man Dã từ bên kia thế giới đến nơi, đổ bộ lên vùng đất vào một buổi sáng, cập bờ trên những con thuyền gỗ to lớn. Trong một thời gian Những Kẻ Mang Râu tỏ ra thân ái, nhưng rồi bọn họ tiến vào Khu rừng Những Điều Nguyên tổ và chặt đi rất nhiều cây. Khi các Nhân và Những Người Khác bảo họ dừng lại, Những Kẻ Man Dã liền chìa những cây gậy khạc ra sấm sét và giết họ. Nhân hiểu rằng họ không đủ sức chống cự lại những thứ vũ khí ấy, nhưng Những Người Khác chọn cách chống cự lại. Đó là thời gian diễn ra Lời Giã biệt Khủng khiếp. Một số Nhân gia nhập hàng ngũ Những Người Khác, một vài Người Khác gia nhập hàng ngũ Nhân, và rồi hai bên chia đôi ngả đường. Nhân để lại nhà cửa của mình chuyển vào sống trong Bóng Tối, đi mãi đi mãi trong Khu rừng Những Điều Nguyên tổ cho đến khi vượt ra ngoài tầm với của Những Kẻ Man Dã. Việc này lặp lại nhiều lần trong nhiều năm, vì ngay khi vừa xây dựng xong nơi định sở tại một khu vực mới của Khu rừng và bắt đầu cảm thấy gần gũi với nơi này, tức thì Những Kẻ Man Dã lại mò tới. Những Kẻ Mang Râu thường xuyên chơi trò rao giảng về tình bạn trước tiên, nhưng rồi sau đó thế nào bọn họ cũng sẽ chặt cây và giết các thành viên của Nhân, gào toáng lên về chúa của bọn họ về kinh thánh của bọn họ về sức mạnh không gì có thể chế ngự của bọn họ. Do đó Nhân tiếp tục phải lang thang, luôn phải đi xa hơn về phía Tây, luôn phải tìm cách ở phía trước sự tiến lên của Những Kẻ Man Dã. Rốt cuộc, họ đi đến cuối Khu rừng Những Điều Nguyên tổ và khám phá Thế giới Phẳng, với những mùa đông bất tận và những mùa hè ngắn ngủi, nóng như thiêu. Từ đó họ chuyển sang Vùng đất trên Trời, và khi không thể ở đó được nữa, họ đi xuống Vùng đất Nước Nhỏ, một nơi nóng nôi và tiêu điều đến nỗi Những Kẻ Man Dã cũng không chịu ở. Rồi Những Kẻ Man Dã xuất hiện, chỉ bởi vì bọn họ đang trên đường đến một nơi khác, và những kẻ dừng chân xây nhà có số lượng quá nhỏ và ở rải rác, thành ra các Nhân có thể dễ dàng tránh không gặp phải. Đây chính là nơi Nhân đã sống kể từ khởi đầu của Thời Đại Mới, và việc đó đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi, đến nỗi không ai còn nhớ nổi những chuyện trước đó nữa.”
Thoạt tiên Kepler không sao hiểu nổi ngôn ngữ của họ, nhưng trong vòng nhiều tuần ông đã biết đủ để có thể trọ trẹ một cuộc hội thoại đơn giản. Ông bắt đầu bằng việc học các danh từ chỉ những thứ đồ vật xung quanh mình, và lối nói năng của ông không hơn gì một đứa trẻ con. Crenepos nghĩa là phụ nữ. Mantoac nghĩa là các vị thần. Okeepenauk muốn nói một loại rễ cây ăn được, và tapisco nghĩa là hòn đá. Vì phải học đồng thời nhiều thứ đến vậy, ông không sao dò ra được tính nhất quán về cấu trúc của thứ ngôn ngữ này. Có vẻ như là các đại từ không tồn tại với tư cách là các thực thể phân biệt, chẳng hạn vậy, mà là một phần của một hệ thống phức tạp các đuôi động từ thay đổi tùy thuộc vào tuổi và giới tính của người nói. Một số từ có tần suất xuất hiện lớn mang cùng lúc hai nghĩa đối nghịch nhau - đỉnh và đáy, buổi trưa và buổi đêm, tuổi thơ và tuổi già - và có nhiều câu trong đó nghĩa các từ biến đổi thông qua biểu hiện nét mặt của người nói. Sau hai hay ba tháng, lưỡi Kepler đã trở nên quen thuộc hơn với việc tạo ra những âm thanh kỳ cục của thứ ngôn ngữ này, và khi đống lùng nhùng các âm tiết nghe giống hệt nhau dần phân tách thành các đơn vị mang nghĩa nhỏ hơn và dễ định nghĩa hơn, tai ông trở nên sắc bén hơn, đoán biết chính xác hơn các sắc thái và âm điệu. Thật là lạ, ông bắt đầu nghĩ mình có thể nghe ra các dấu tích của tiếng Anh khi các Nhân nói - chính xác thì không phải thứ tiếng Anh mà ông vẫn biết, mà là những mảnh nhỏ bị băm vụn của nó, những tàn dư của các từ tiếng Anh, một dạng tiếng Anh biến hóa theo cách nào đó đã chui được vào các ngóc ngách của thứ ngôn ngữ xa lạ này. Ví dụ, một ngữ đoạn như Land of Little Water trở thành một từ duy nhất, Lan-o-li-wa. Wild Men trở thành Wi-me, và Flat World trở thành một cái gì đó hao hao từ flow[25]. Thoạt tiên, Kepler nghiêng về phía chỉ coi những tương đồng này như là sự ngẫu nhiên. Dù sao thì các thanh âm cũng thường nhảy cóc từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, và ông không muốn để trí tưởng tượng của mình được quá tự do. Mặt khác, chừng khoảng từ một phần bảy hoặc một phần tám các từ thuộc ngôn ngữ của Nhân tuân theo sơ đồ này, và khi rốt cuộc Kepler mang giả thuyết của mình ra thử nghiệm bằng cách tạo các từ mới và thử sử dụng chúng khi nói chuyện với các Nhân (những từ ông không được học, mà ông tự tạo ra với cùng phương pháp cắt gọt và phân tách mà ông đã sử dụng để tạo ra các từ khác), ông thấy rằng mình đã nói ra được nhiều từ mà Nhân hiểu được như là từ của họ. Được thành công này khuyến khích, Kepler bắt đầu có những ý tưởng về nguồn gốc của bộ tộc kỳ lạ này. Mặc dù có truyền thuyết về mặt trăng, ông cảm thấy hẳn họ là sản phẩm của một sự hòa trộn sớm sủa giữa dòng máu Anh và dòng máu Thế Giới Mới. “Bị mắc kẹt giữa những khu rừng mênh mông của Thế Giới Mới,” Barber viết, vẫn đi theo lập luận của Kepler, “có khả năng phải đối diện với nguy cơ bị tiêu diệt, một nhóm các nhà thực dân xưa kia hẳn đã xin được gia nhập một bộ tộc Da đỏ để đảm bảo có thể sống sót trước thiên nhiên thù nghịch. Có thể những người Da đỏ đó là ‘Những Người Khác’ xuất hiện trong các truyền thuyết mà ông đã nghe kể, Kepler nghĩ. Nếu quả là như vậy, thì có thể một nhóm trong số họ đã tách khỏi bộ phận chính và đi về phía Tây, cuối cùng ở lại Utah. Đẩy giả thuyết của mình tiến lên một bước mới, ông đoán câu chuyện về nguồn gốc của họ có khả năng được tạo ra sau khi họ tới Utah, như là một cách thức của họ nhằm tạo ra sự thoải mái về tinh thần cho quyết định sống ở một nơi hoang vu như vậy. Không một nơi nào khác trên thế giới, Kepler nghĩ, mặt đất lại trông giống mặt trăng như ở đây.”
Phải chờ đến lúc thành thạo ngôn ngữ của họ Kepler mới hiểu được tại sao họ lại cứu ông. Số lượng Nhân đang giảm dần đi, họ giải thích, và trừ khi họ có thể bắt đầu tăng số lượng của mình lên, nếu không toàn bộ quốc gia sẽ bị tiêu tán. Ý Nghĩ Thầm, nhà thông thái và là tù trưởng của họ, người đã bỏ bộ tộc vào mùa đông trước để sống một mình trong sa mạc đặng cầu nguyện cho sự cứu rỗi của họ, trong một giấc mơ đã được biết rằng một người chết sẽ cứu họ. Họ có thể tìm được xác người này đâu đó giữa các vách đá vây quanh nơi trú ngụ, ông nói, và nếu họ chăm sóc thuốc men đầy đủ, cái xác có thể sống trở lại. Tất cả những chuyện đó đều đã xảy ra chính xác như Ý Nghĩ Thầm đã nói. Kepler được tìm thấy, ông đã hồi sinh, và giờ đây ông đứng trước cơ hội trở thành người cha của một thế hệ mới. Ông là Người Cha Hoang Dại rơi từ mặt trăng xuống, Người Sinh Ra Tâm Hồn Người, Người Trí Huệ sẽ cứu Nhân Loại khỏi sự diệt vong.
Đến đây, câu chuyện của Barber bắt đầu lỏng lẻo một cách tệ hại. Không có một chút cắt rứt lương tâm nào, Kepler chuyển thành người bản địa và quyết định ở lại với các Nhân, mãi mãi từ bỏ ý định quay trở về với vợ con. Từ văn phong chính xác, trí thức của ba mươi trang đầu, Barber chuyển sang sử dụng nhiều đoạn dài hoa lá cành miêu tả những cảnh phóng túng tình dục dâm đãng, một dạng giải tỏa ham muốn dưới dạng thủ dâm của tuổi trẻ. Những người đàn bà không giống lắm với người Da đỏ Bắc Mỹ, mà giống các món đồ chơi tình dục Đa đảo nhiều hơn những cô nàng xinh đẹp ngực trần tự hiến thân cho Kepler, sự buông thả cười cợt tươi vui. Đó là một sự dàn dựng thuần túy: một xã hội ngây thơ chưa biết đến sa ngã gồm dân cư là những con người hoang dã cao quý sống trong sự hòa hợp hoàn toàn với nhau và với thế giới. Kepler không mất nhiều thời gian để cho rằng cách thức sống của họ cao cấp hơn rất nhiều so với cách thức sống của ông. Ông gỡ bỏ những cái bẫy của nền văn minh thế kỷ mười chín và bước vào thời kỳ đồ đá, sung sướng được chia sẻ số phận với các Nhân.
Chương đầu tiên kết thúc với sự ra đời của đứa con dòng máu Nhân đầu tiên của Kepler, và khi chương thứ hai mở ra, mười lăm năm đã trôi qua. Chúng ta quay trở lại với Long Island, chứng kiến đám tang người vợ Mỹ của Kepler qua con mắt của John Kepler Con, giờ đây đã mười tám tuổi. Quyết định khám phá bí ẩn sự mất tích của người cha, ngay buổi sáng ngày hôm sau chàng trai trẻ đã lên đường theo tiếng gọi của một bản sử thi thực thụ, nhất quyết dành phần còn lại của đời mình cho sự tìm kiếm. Anh đi đến Utah, và trong một năm rưỡi tiếp theo dò xét khắp vùng sa mạc để tìm kiếm các dấu vết. Với sự may mắn kỳ diệu (theo cách Barber miêu tả thì thật khó tin), rốt cuộc anh đã tình cờ đến được nơi ở của các Nhân trên vùng núi đá. Anh chưa bao giờ nghĩ cha mình còn sống, nhưng trời ơi, khi được dẫn đến gặp người tù trưởng đồng thời là vị cứu tinh râu dài của bộ tộc nhỏ bé, giờ đây đã có đến gần một trăm người, anh nhận ra đó chính là John Kepler. Bàng hoàng, anh buột miệng nói mình là đứa con trai người Mỹ thất lạc lâu năm của Kepler, nhưng Kepler, bình thản và hờ hững, vờ như không hiểu anh nói gì. “Ta là một con người-trí huệ từ mặt trăng xuống đây,” ông ta nói, “và những người này là gia đình duy nhất mà ta từng có. Chúng ta rất sung sướng được cung cấp lương thực và chỗ ngủ đêm cho anh, nhưng sáng mai anh phải rời khỏi đây để tiếp tục con đường của anh.” Tan nát vì sự chối bỏ này, người con trai nảy ra ý định trả thù, và đến nửa đêm anh trườn ra khỏi giường, bò đến chỗ Kepler đang say ngủ, và đâm thẳng một con dao găm vào tim ông ta. Trước khi sự tình bị phát hiện, anh đã chạy thẳng vào bóng tối và biến mất.
Chỉ có một người duy nhất chứng kiến tội ác, một thằng bé mười hai tuổi tên là Jocomin (Mắt Hoang), đứa con trai được Kepler yêu quý nhất trong số các Nhân. Jocomin đuổi theo kẻ giết người trong suốt ba ngày ba đêm, nhưng không tìm được anh ta. Đến sáng ngày thứ tư, nó trèo lên đỉnh một cái gò để nhìn ra xung quanh và tại đó, ngay trước khi cam chịu từ bỏ hy vọng của mình, nó gặp được không ai khác ngoài chính Ý Nghĩ Thầm, con người-y thuật già nua đã rời bỏ bộ tộc nhiều năm về trước để sống ẩn dật trên sa mạc. Ý Nghĩ Thầm nhận Jocomin làm con nuôi và dần dạy cho nó các bí ẩn trong nghệ thuật của ông, hướng dẫn thằng bé trong nhiều năm dài dặc đầy khó khăn để chiếm lĩnh các quyền lực kỳ ảo của Mười Hai Hóa Thân. Jocomin là một đứa học trò chăm chỉ và sáng dạ. Nó không chỉ học được cách chữa bệnh và thông giao với các vị thần, mà sau bảy năm học tập chuyên cần, rốt cuộc nó còn xâm nhập được bí mật của Hóa Thân Đầu Tiên, làm chủ được sức mạnh cơ thể và trí óc của mình, thạo đến mức có thể biến thành một con thằn lằn. Các hóa thân khác nhanh chóng tiếp nối: nó trở thành một con chim nhạn, một con chim ưng, một con kền kền; nó biến thành một hòn đá và một cây xương rồng; nó biến thành một con chuột chũi, một con thỏ, và một con châu chấu; nó biến thành một con bướm và một con rắn; và rồi, cuối cùng, chiếm lĩnh được cả loại hóa thân khó khăn nhất, nó tự biến mình thành một con sói đồng cỏ. Giờ đây, chín năm đã trôi qua kể từ khi Jocomin đến sống với Ý Nghĩ Thầm. Đã dạy xong đứa con nuôi của mình tất cả những gì mình biết, ông già bảo Jocomin là đã đến lúc ông phải chết. Không nói thêm lời nào nữa, ông tự cuộn mình vào trang phục nghi lễ và nhịn đói ba ngày, thế rồi linh hồn ông thoát ra khỏi cơ thể và phiêu diêu bay lên mặt trăng, nơi trú ngụ của linh hồn các Nhân sau khi chết.
Jocomin quay trở lại nơi cư ngụ cũ và làm tù trưởng trong nhiều năm. Nhưng sự gian khó đã đổ ập xuống các Nhân, và khi hạn hán dẫn đến bệnh dịch, và bệnh dịch dẫn đến bất hòa, Jocomin mơ thấy một giấc mơ trong đó anh được cho biết hạnh phúc sẽ không trở lại với bộ tộc chừng nào cái chết của bố anh còn chưa được báo thù. Sau khi triệu tập hội đồng bô lão vào ngày hôm sau, Jocomin rời khỏi chỗ các Nhân và đi về phía Đông, tiến vào thế giới của Những Kẻ Hoang Dã để truy tìm John Kepler Con. Anh lấy tên Jack Moon và đi xuyên qua đất nước, rồi đến New York, tại đó anh tìm được một công việc trong một hãng xây dựng chuyên xây các tòa nhà cao tầng. Anh trở thành thành viên của đội thi công phía trên cùng của Woolworth Building, một kỳ quan về kiến trúc sẽ còn là tòa nhà cao nhất thế giới trong vòng hai mươi năm nữa. Jack Moon là một công nhân tuyệt hảo, không sợ hãi ngay cả các độ cao lớn nhất, và anh nhanh chóng chiếm được sự kính trọng của những người làm cùng. Tuy nhiên, ngoài công việc, anh sống rất khép kín, không bạn bè. Toàn bộ thời gian rỗi của anh được dành cho việc tìm kiếm dấu vết người anh cùng cha khác mẹ, và sứ mệnh này khiến anh mất đến gần hai năm để hoàn thành. John Kepler Con đã trở thành một thương nhân giàu có. Anh ta sống trong một ngôi nhà sang trọng trên phố Pierrepont tại Brooklyn Heights với vợ và đứa con trai sáu tuổi và sáng nào cũng được tài xế chở đến chỗ làm trên một chiếc xe hơi dài màu đen. Jack Moon rình mò ngôi nhà trong nhiều tuần, thoạt tiên định giết Kepler một cách thuần khiết và đơn giản, nhưng rồi anh quyết định mình có thể thực thi sự báo thù một cách chân chính hơn bằng cách bắt cóc con trai của Kepler và mang nó trở lại vùng đất của các Nhân. Anh đã làm được việc đó mà không bị phát hiện, cướp được thằng bé từ tay người vú nuôi vào một buổi chiều giữa ban ngày ban mặt, và đó cũng là khi chương thứ tư cuốn tiểu thuyết của Barber kết thúc.
Quay trở lại Utah cùng với thằng bé (trong quãng thời gian đó nó đã trở nên thân thiết với anh), Jocomin phát hiện mọi thứ đã thay đổi. Toàn bộ các Nhân đã biến mất, và những ngôi nhà trống rỗng của họ không còn dấu vết nào của sự sống. Trong sáu tháng sau đó anh săn lùng họ khắp nơi, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Cuối cùng, nhận ra rằng giấc mơ đã phản bội mình, anh chấp nhận sự thật là người của anh đều đã chết cả. Trái tim mang nặng nỗi buồn rầu, anh quyết, định ở lại đó và chăm sóc thằng bé như thể nó là con trai mình, cùng lúc vẫn hy vọng vào một sự kỳ diệu của sự sinh sôi nảy nở. Anh đặt lại tên cho thằng bé thành Numa (Người Mới) và cố gắng không đánh mất lòng can đảm. Bảy năm trôi đi. Anh truyền dạy các bí mật học được từ Ý Nghĩ Thầm sang cho đứa con nuôi, và rồi, sau ba năm tập luyện không ngừng nghỉ, anh tạo ra được Hóa Thân Thứ Mười Ba. Jocomin hóa thành một người phụ nữ, một người phụ nữ trẻ trung và đẫy đà quyến rũ cậu bé mười sáu tuổi. Một cặp sinh đôi ra đời chín tháng sau đó, một trai và một gái, và từ hai đứa con đó, Nhân lại sinh sôi trên vùng đất.
Sau đó bối cảnh câu chuyện quay trở về New York, nơi chúng ta gặp lại John Kepler Con trong cuộc tìm kiếm tuyệt vọng đứa con trai. Hết đầu mối này đến đầu mối khác dẫn ông đi khắp nơi, nhưng rồi, vì một sự tình cờ thuần túy - mọi thứ trong cuốn sách của Barber đều xảy ra vì tình cờ - ông lần ra dấu vết của Jack Moon, và dần dà Kepler bắt đầu xếp lại được đúng vị trí của các mảnh ghép, nhận ra con trai mình đã bị cướp đi vì những gì ông đã làm với người cha. Ông không có lựa chọn nào khác ngoài quay trở lại Utah. Giờ đây Kepler đã bốn mươi tuổi, và những nỗi khó nhọc của sa mạc đè nặng lên ông, nhưng ông vẫn cương quyết tiếp tục chuyến đi, kinh hoàng với ý nghĩ sẽ phải quay lại nơi mình đã giết cha cách đây hai mươi năm, nhưng biết rằng mình không có lựa chọn, và đó chính là nơi sẽ tìm lại được đứa con. Một vầng trăng tròn vành vạnh treo lơ lửng đầy bi thảm trên bầu trời trong cảnh cuối cùng. Kepler đã đến được bên trong vùng cư trú của các Nhân và trong đêm, rình mò trên các vách đá, tay nắm chặt khẩu súng trường, mắt tìm kiếm các dấu hiệu sự sống. Trên một triền đá gần đó, cách chưa đầy năm mươi feet, đột nhiên ông nhìn thấy một con sói đồng cỏ, dáng hình lẫn vào với mặt trăng. Sợ hãi trước mọi thứ trên cái vùng đất xa xôi và hoang vắng này, theo bản năng Kepler giương súng lên chĩa về phía con thú và bóp cò. Con sói chết ngay sau một phát súng, và Kepler không thể không cảm thấy tự mãn vì phát súng chính xác của mình. Điều mà ông không nhận ra, dĩ nhiên, là ông vừa giết chết con trai mình. Trước khi ông có đủ thời gian đứng lên để đi về phía con thú ngã gục, ba con sói khác đã từ bóng tối lao vào ông. Không thể tự vệ trước cuộc tấn công này, trong vòng vài phút ông bị cắn xé thành nhiều mảnh nhỏ.
Đến đó là kết thúc Máu của Kepler, dự định văn chương duy nhất của Barber. Nhìn vào tuổi tác của ông khi viết cuốn sách, sẽ là không công bằng nếu đánh giá quá khắt khe nỗ lực đó. Mặc cho tất cả những thiếu sót và thái quá, với tôi cuốn sách vẫn hết sức có giá trị với tư cách là một tài liệu tâm lý học, và hơn bất kỳ một bằng chứng nào khác, nó cho thấy Barber đã biểu hiện những bi kịch nội tâm hồi đầu đời của mình như thế nào. Ông không muốn chấp nhận sự thật là bố mình đã chết (từ đó mà có việc Kepler được các Nhân cứu sống); nhưng nếu bố ông không chết, thì sẽ không thể có lời biện minh nào cho việc ông không quay trở về với gia đình (từ đó mà có con dao găm của Kepler Con, đâm thẳng vào tim người cha). Nhưng ý tưởng về vụ giết người đó quá kinh hoàng, không thể không gây khiếp sợ. Bất kỳ người nào có ý nghĩ đó đều phải bị trừng phạt, và đó chính xác là chuyện đã xảy đến với Kepler Con, người phải gánh chịu số phận tệ hại nhất trong cuốn truyện. Toàn bộ câu chuyện là một điệu nhảy phức tạp của tội lỗi và ham muốn. Ham muốn trở thành tội lỗi, và rồi, bởi vì tội lỗi đó là không thể dung thứ, nó trở thành ham muốn được tự trừng phạt, được chịu đựng một hình thức công lý tàn độc và không chút động lòng. Tôi nghĩ rất dễ hiểu khi sự nghiên cứu sau này của Barber tập trung vào tìm hiểu nhiều vấn đề đã xuất hiện trong Máu của Kepler. Các nhà thực dân Roanoke mất tích, số phận của những người da trắng sống giữa những người Da đỏ, huyền thoại về Miền Tây nước Mỹ - đó là các chủ đề Barber đã đề cập với tư cách sử gia, và mặc cho toàn bộ sự cẩn trọng nghề nghiệp mà ông thể hiện khi xử lý chúng, vẫn còn có một động lực cá nhân đằng sau tác phẩm của ông, một niềm tin bí mật rằng theo một cách nào đó ông đang đào xới những bí ẩn của cuộc đời chính mình.
Mùa xuân năm 1939, Barber có được cơ hội cuối cùng để biết thêm được điều gì đó về người cha, nhưng rốt cuộc cũng không có kết quả nào. Khi ấy anh đang là sinh viên năm thứ ba tại Columbia, và vào quãng giữa tháng Năm, đúng một tuần sau cuộc chạm trán mang tính giả thuyết giữa anh và bác Victor tại Triển lãm Hoàn cầu, dì Clara gọi điện để nói với anh rằng mẹ anh vừa qua đời trong khi ngủ. Anh đi chuyến tàu sáng sớm về Long Island, rồi làm các thủ tục lặt vặt của đám tang: thu xếp việc chôn cất, đọc di chúc, những cuộc thảo luận cực nhọc với các luật sư và kế toán. Anh trả thanh toán các hóa đơn cho nơi bà đã sống sáu tháng vừa qua, ký các loại giấy tờ và đơn từ, thỉnh thoảng lại khóc nức nở mặc dù không hề muốn vậy. Sau đám tang, anh quay về ngôi nhà lớn để ngủ đêm, nhận ra đây có thể là đêm cuối cùng anh ở đây. Dì Clara là người duy nhất còn lại, và bà thì không sẵn sàng thức để nói chuyện với anh. Lần cuối cùng trong ngày hôm đó anh kiên nhẫn thực hiện nghi thức nói với bà rằng bà cứ thoải mái sống ở nhà đến chừng nào bà muốn. Thêm một lần nữa, bà chúc phúc cho anh, kiễng chân lên để hôn vào má anh, và thêm một lần nữa bà quay trở về với chai rượu nặng giấu trong phòng. Đám gia nhân, gồm tổng cộng bảy người hồi Barber sinh ra, giờ chỉ còn một - một người đàn bà da đen chân khập khiễng tên là Hattie Newcombe, nấu ăn cho dì Clara và thỉnh thoảng lóng ngóng làm công việc lau chùi nhà cửa - trong vài năm nơi này giờ đây đã trở nên rệu rã lắm rồi. Khu vườn bị bỏ mặc không ai chăm sóc kể từ khi ông ngoại mất vào năm 1934, và nơi trước đây từng là những đám hoa rực rỡ và thảm cỏ giờ chỉ còn là cỏ hoang cao đến ngang ngực. Bên trong, mạng nhện gần như chăng kín trần nhà; sờ đến những cái ghế là làm bốc lên hàng đám bụi lớn; chuột chạy như điên qua các phòng, và Clara, Clara chếnh choáng say rượu và lúc nào cũng toét miệng cười, không hề nhận ra điều gì trong số chúng. Mọi chuyện đã cứ như thế từ rất lâu, đến nỗi Barber thôi không còn quan tâm nữa. Anh biết mình sẽ không bao giờ còn có can đảm để sống tại ngôi nhà này, và chừng nào Clara chết đi, cùng cái chết vì nghiện rượu như ông chồng Binkey của bà, anh sẽ không buồn để ý liệu mái nhà có còn đứng vững hay không.
Sáng hôm sau, anh thấy dì Clara đang ngồi trong phòng khách tầng dưới, vẫn chưa đến giờ của cốc rượu đầu tiên trong ngày (như một quy tắc chung, chai rượu sẽ không được mở trước bữa trưa), và Barber nhận thấy nếu mình muốn nói điều gì với bà, thì đây chính là thời điểm tốt nhất. Khi anh bước vào, bà ngồi ở cái bàn kê trong góc phòng, cái đầu nhỏ thó của bà đang cúi xuống một ván trò solitaire, miệng lẩm bẩm hát một bài không ra giai điệu gì, chỉ toàn là những mảnh vụn. “The Man on the Flying Trapeze,” anh tự nhủ khi tiến lại gần hơn, và rồi anh vòng ra sau lưng bà, đặt tay lên vai bà. Người bà toàn là xương bên dưới cái khăn choàng len.
“Quân ba đỏ xuống phía dưới quân bốn đen,” anh nói, tay chỉ vào các quân bài trên mặt bàn.
Bà chặc lưỡi trước sự ngu ngốc của chính mình, nhập hai cột vào với nhau, rồi lật quân bài giờ đây đã được tự do. Đó là một quân K đỏ. “Cám ơn, Sol,” bà nói. “Hôm nay dì không được tập trung lắm. Dì quên không đi những nước định đi và sau đó lại chơi ăn gian, mà lẽ ra thì không được làm thế.” Bà bật ra một tiếng cười khúc khích nho nhỏ, rồi lại tiếp tục lầm bầm hát.
Barber ngồi xuống cái ghế đối diện với dì Clara, cố gắng nghĩ ra cách để bắt đầu câu chuyện. Anh nghi ngờ vào việc dì có nhiều điều để nói, nhưng không còn ai khác mà nói chuyện nữa. Một lúc lâu anh cứ ngồi đó nhìn vào khuôn mặt bà, dò xét cái hệ thống phức tạp những vết nhăn, thứ phấn trắng trét đầy hai má, thứ son môi đỏ kỳ cục. Anh thấy bà thật bi thảm, rầu rĩ. Thật không dễ dàng gì khi về làm dâu ở gia đình này, anh nghĩ, sống với người em trai của mẹ anh trong suốt những năm ấy mà không có đứa con nào. Binkey là một người thích tán gái khờ khạo, tốt bụng, cưới Clara vào khoảng những năm 1880, chưa đầy một tuần sau khi được ngắm bà diễn trên sân khấu của Nhà hát Galileo tại Providence trong vai trợ lý cho ảo thuật gia Thầy Rudolío. Barber vẫn luôn thích nghe những câu chuyện không đầu không cuối bà kể về những ngày đi biểu diễn, và anh thấy thật kỳ cục khi bà và anh giờ đây lại là hai người duy nhất còn lại trong nhà. Barber cuối cùng và Wheeler cuối cùng. Một cô gái thuộc tầng lớp thấp của xã hội, như bà ngoại anh vẫn luôn gọi, một cô gái điếm tối dạ đã mất hết vẻ cuốn hút bên ngoài từ hơn ba mươi năm trước, và bản thân Sir Rotundity, đứa trẻ thiên tài, cũng sinh ra tự sự hôn phối giữa một người đàn bà điên và một con ma. Anh chưa bao giờ cảm thấy trìu mến với dì Clara như vào thời điểm ấy.
“Tối nay cháu sẽ quay về New York,” anh nói.
“Không phải lo cho dì đâu,” bà đáp, vẫn không ngẩng đầu lên khỏi những quân bài. “Dì ở đây một mình rất ổn. Dì quen rồi, cháu cũng biết đấy.”
“Tối nay cháu sẽ đi,” anh nhắc lại, “và sẽ không bao giờ cháu đặt chân vào ngôi nhà này nữa.”
Dì Clara đặt quân sáu đỏ lên một quân bảy đen, liếc nhìn mặt bàn để tìm chỗ đặt một quân Q đen, thở dài não nề, rồi ngẩng lên nhìn Barber. “Ô, Sol,” bà nói. “Cháu không việc gì phải sầu não đến thế.”
“Cháu không sầu não. Chỉ là có thể dì và cháu sẽ không còn gặp lại nhau nữa.”
Dì Clara vẫn chưa hiểu. “Dì biết cháu rất buồn khi mất mẹ,” bà nói. “Nhưng cháu cũng đừng trầm trọng hóa vấn đề như thế chứ. Elizabeth ra đi được như thế thật là may mắn. Cuộc đời bà ấy là một cuộc tra tấn, giờ đây cuối cùng thì bà ấy cũng được hưởng sự yên bình.” Dì Clara ngừng lời một lúc để lựa chọn từ ngữ. “Cháu không việc gì phải nhét những suy nghĩ ngốc nghếch vào đầu cả.”
“Vấn đề không phải là cái đầu của cháu, dì Clara ạ, mà là ngôi nhà. Cháu không nghĩ cháu có thể đến đây được nữa.”
“Nhưng bây giờ nó là nhà cháu rồi cơ mà. Cháu sở hữu nó. Mọi thứ trong đó đều thuộc về cháu.”
“Điều đó không có nghĩa là cháu phải giữ lấy nó. Cháu có thể vứt bỏ nó vào bất kỳ lúc nào cháu muốn.”
“Nhưng Solly… hôm qua cháu đã nói là sẽ không bán ngôi nhà. Cháu đã hứa rồi cơ mà.”
“Cháu sẽ không bán nó. Nhưng có gì ngăn cản cháu cho nó đi không?”
“Vẫn giống hệt như vậy thôi. Sẽ có ai đó sở hữu nó, và rồi dì sẽ phải cuốn gói đi chỗ khác, tìm chỗ chết trong một căn phòng đầy các bà già.”
“Sẽ không như thế nếu cháu tặng dì ngôi nhà. Dì cứ thoải mái ở lại đây.”
“Thôi đừng nói những điều vớ vẩn nữa đi. Cháu làm dì đau tim bây giờ đấy.”
“Có gì khó khăn đâu. Cháu có thể gọi cho luật sư ngay hôm nay để làm việc ấy.”
“Nhưng Solly…”
“Có thể cháu sẽ mang theo vài bức tranh, nhưng mọi thứ khác có thể ở lại đây với dì.”
“Điều đó không đúng đắn chút nào. Dì không biết là tại sao, nhưng dì thấy thật không đúng đắn khi cháu cứ nói năng theo kiểu đó.”
“Chỉ có một việc dì phải làm cho cháu thôi,” anh nói, làm như không nghe thấy câu nói của bà. “Cháu muốn dì viết một bản di chúc thật đúng cách, trong di chúc cháu muốn dì để lại ngôi nhà cho Hattie Newcombe.”
“Hattie Newcombe của chúng ta?”
“Vâng, Hattie Newcombe của chúng ta.”
“Nhưng Sol, cháu có nghĩ như vậy là đúng không? Dì muốn nói Hattie… Hattie, cháu biết đây, Hattie là…”
“Là gì, hả dì Clara?”
“Một người đàn bà da màu. Hattie là một người đàn bà da màu.”
“Nếu Hattie thấy không có vấn đề gì, cháu không hiểu tại sao điều đó lại làm phiền dì.”
“Nhưng người ta sẽ nói gì đây? Một người đàn bà da màu sống ở Cliff House. Cháu cũng biết rõ như dì là tất cả những người da màu ở thành phố này đều là gia nhân cả.”
“Điều này không thay đổi việc Hattie là người bạn tốt nhất của dì. Trong chừng mực những gì cháu có thể nói, Hattie là người bạn duy nhất của dì. Và tại sao chúng ta phải quan tâm đến những gì người ta nói? Trên đời này không có việc gì quan trọng hơn là đối xử tốt với bạn bè của chúng ta.”
Khi dì Clara nhận ra người cháu của mình đang nói rất nghiêm chỉnh, bà bắt đầu cười khúc khích. Cả một hệ thống tư tưởng vừa đột nhiên bị phá sập bởi những lời của anh, và bà thấy thật rạo rực khi nghĩ rằng một việc như thế lại có thể. “Điều tồi tệ duy nhất là dì sẽ phải chết trước khi Hattie được thừa kế,” bà nói. “Dì muốn được sống để được tận mắt nhìn thấy điều đó.”
“Nếu quả thực là có thiên đường, cháu chắc chắn là dì sẽ nhìn thấy.”
“Thú thực là cho đến hết đời dì cũng sẽ không thể hiểu nổi tại sao cháu làm thế.”
“Dì không cần phải hiểu đâu. Cháu có các lý do riêng, và dì không cần phải dính dáng vào. Cháu chỉ muốn trước tiên nói với dì về một số điều, rồi sau đó chúng ta sẽ coi mọi việc đã được giải quyết xong xuôi.”
“Những điều gì?”
“Những chuyện đã cũ. Những chuyện quá khứ.”
“Nhà hát Galileo à?”
“Không, không phải hôm nay. Cháu nghĩ đến những chuyện khác.”
“Ô.” Dì Clara ngừng lời, có vẻ bối rối mất một lúc. “Chỉ là vì cháu vẫn luôn thích nghe dì nói về Rudolío thôi. Cái cách ông ấy nhét dì vào hòm và cưa đôi người dì ra. Đó là một trò rất hay, hay nhất trong cả tiết mục. Cháu có nhớ không?”
“Dĩ nhiên là cháu có nhớ. Nhưng đó không phải chuyện cháu muốn nói bây giờ.”
“Như cháu muốn thôi. Dù sao thì cũng có biết bao nhiêu là quá khứ, nhất là khi nào cháu sống đến tuổi của dì.”
“Cháu nghĩ đến cha cháu.”
“À, cha cháu. Phải, chuyện đó cũng đã lâu lắm rồi. Quả thực là lâu lắm rồi. Không lâu như một số chuyện khác, nhưng cũng lâu.”
“Cháu biết dì và cậu Binkey chuyển đến sống ở đây sau khi ông ấy đã biến mất, nhưng cháu tự hỏi không biết dì có nhớ được điều gì về cuộc tìm kiếm mà người ta đã tổ chức không.”
“Ông cháu làm mọi việc, cùng với ông… tên ông ấy là gì nhỉ?”
“Ông Byrne?”
“Đúng rồi, ông Byrne, bố của anh chàng đó. Họ tìm kiếm khoảng sáu tháng, nhưng không bao giờ tìm được gì cả. Binkey cũng đến đó một thời gian, cháu biết rồi đấy. Ông ấy quay trở về với cả một đống những câu chuyện buồn cười. Ông ấy nghĩ họ đã bị người Da đỏ giết chết.”
“Nhưng chắc là cậu cũng chỉ đoán vậy thôi phải không?”
“Binkey có biệt tài kể chuyện. Không bao giờ có một chút sự thật nào trong tất cả những gì ông ấy nói cả.”
“Thế còn mẹ cháu, mẹ cháu có đi sang miền Tây không?”
“Mẹ cháu à? Ô, không, Elizabeth chỉ ở đây thôi. Bà ấy không hoàn toàn… dì biết nói thế nào bây giờ… không hoàn toàn có khả năng đi xa.”
“Bởi vì mẹ cháu đang mang thai?”
“À, cũng một phần là như vậy.”
“Thế phần còn lại là gì?”
“Tình trạng tâm lý của bà ấy. Khi đó bà ấy không được ổn định lắm.”
“Có phải mẹ cháu đã phát điên không?”
“Elizabeth lúc nào cũng ở vào tình trạng có thể gọi là bất thường. Vừa mới ủ rũ một lúc trước, lúc sau bà ấy đã tươi cười hát vang. Ngay cả nhiều năm trước, khi dì mới gặp bà ấy lần đầu tiên. Hồi ấy người ta dùng từ dễ bị kích động.”
“Khi nào thì tình hình tồi tệ đi?”
“Sau khi cha cháu không quay trở lại nữa.”
“Điều đó diễn ra từ từ, hay là mẹ cháu đột ngột phát điên?”
“Đột ngột, Sol ạ. Thật là một chuyện kinh khủng.”
“Dì có chứng kiến không?”
“Tận mắt. Toàn bộ. Dì sẽ không bao giờ quên được.”
“Chuyện đó xảy ra khi nào?”
“Cái đêm cháu… Dì muốn nói là một đêm… Dì không nhớ là đêm nào nữa. Một đêm mùa đông.”
“Đêm đó là đêm nào, dì Clara?”
“Một đêm có tuyết rơi. Bên ngoài lạnh lắm, và có một cơn bão lớn. Dì còn nhớ điều đó bởi vì bác sĩ phải khó khăn lắm mới đến được.”
“Đó là một đêm tháng Giêng phải không?”
“Có thể lắm. Trời thường đổ tuyết vào tháng Giêng. Nhưng dì không nhớ là tháng nào đâu.”
“Đó là ngày mười một tháng Giêng phải không? Ngày cháu sinh ra.”
“Ô, Sol, cháu không nên hỏi mãi dì chuyện này. Nó xảy ra lâu lắm rồi, có còn quan trọng gì nữa đâu.”
“Có quan trọng với cháu, dì Clara ạ. Và dì là người duy nhất có thể nói cho cháu về chuyện ấy. Dì đã hiểu chưa? Dì là người duy nhất còn lại, dì Clara ạ.”
“Cháu không cần phải hét lên như thế. Dì có thể nghe rất rõ mà, Solomon. Không việc gì phải dọa dẫm bằng những lời nặng nề.”
“Cháu không dọa dẫm dì. Cháu chỉ cố đặt câu hỏi thôi.”
“Cháu biết câu trả lời rồi còn gì. Nó đã buột ra khỏi miệng dì lúc nãy, giờ thì dì thấy rất tiếc vì đã làm vậy.”
“Dì không cần phải tiếc. Điều quan trọng là nói sự thật. Không có gì quan trọng hơn thế cả.”
“Chỉ là vì nó quá… quá… Dì không muốn cháu nghĩ dì dựng chuyện. Đêm hôm đó dì ở trong phòng với bà ấy. Molly Sharp và dì đều ở đó để đợi ông bác sĩ, còn Elizabeth thì gào thét và đập phá rất ghê, dì đã nghĩ khéo mà sập nhà.”
“Mẹ cháu đã gào lên những gì?”
“Những chuyện thật kinh khủng. Những chuyện làm dì thấy khó ở khi nghĩ lại.”
“Nói cho cháu đi, dì Clara.”
“‘Nó đang tìm cách giết tôi,’ bà ấy cứ hét lên thế. ‘Thằng đó đang tìm cách giết tôi. Đừng để nó chui ra.’”
“Nghĩa là nói đến cháu à?”
“Phải, đứa bé. Đừng hỏi dì tại sao bà ấy biết đó là một bé trai, nhưng đúng là như vậy đấy. Thời điểm đã gấp gáp lắm rồi, mà bác sĩ thì mãi vẫn chưa đến. Molly và dì cố ấn bà ấy nằm xuống giường, dỗ dành để bà ấy nằm đúng tư thế, nhưng bà ấy nhất định không chịu hợp tác. ‘Giạng chân ra,’ bọn dì nói với bà ấy, ‘sẽ đỡ đau hơn đấy.’ Nhưng Elizabeth không chịu giạng. Chúa mới biết bà ấy tìm đâu ra chừng ấy sức mạnh. Bà ấy cứ liên tục vùng ra khỏi bọn dì và chạy ra cửa, liên tiếp gào lên những lời kinh khủng đó. ‘Nó đang tìm cách giết tôi. Đừng để nó chui ra.’ Cuối cùng bọn dì cũng vật được bà ấy xuống giường - nếu nói chính xác thì Molly đã làm được việc đó, với một chút giúp đỡ của dì - Molly khỏe như một con bò ấy - nhưng khi đã ấn được bà ấy xuống giường, thì bà ấy lại không chịu giạng chân ra. ‘Tôi không để nó chui ra đâu,’ bà ấy hét lên. ‘Tôi sẽ làm nó chết ngạt ở trong đó. Thằng bé quái vật, thằng bé quái vật. Tôi không để nó chui ra chừng nào chưa giết được nó.’ Bọn dì cố gặng bạnh hai chân bà ấy ra, nhưng Elizabeth giữ rất chắc, đập phá và vùng vẫy cho đến khi Molly phải đánh vào mặt bà ấy - đốp, đốp, đốp, mạnh hết sức - điều này làm Elizabeth tức giận lắm, đến mức tất cả những gì bà ấy có thể làm sau đó là la hét, giống hệt như một đứa trẻ ấy, mặt đỏ phừng phừng, gào thét và la hét to đến mức người chết cũng phải sống dậy.”
“Chúa ơi.”
“Đó là điều tồi tệ nhất trong đời dì từng nhìn thấy. Chính vì vậy mà dì không muốn kể với cháu.”
“Cuối cùng thì cháu vẫn chui được ra ngoài?”
“Cháu là đứa trẻ sơ sinh to nhất, khỏe nhất chưa ai từng thấy. Hơn mười một pound, bác sĩ nói. Một người khổng lồ. Dì tin là nếu không to đến thế, Sol ạ, cháu sẽ không bao giờ trụ nổi đâu. Cháu sẽ phải luôn nhớ điều này. Chính kích thước ngoại cỡ của cháu đã khiến cháu được sinh ra.”
“Thế còn mẹ cháu?”
“Cuối cùng bác sĩ cũng tới nơi - bác sĩ Bowles, người chết trong vụ tai nạn xe hơi cách đây sáu hay bảy năm ấy - và ông ấy tiêm thẳng cho Elizabeth một liều làm bà ấy ngủ luôn. Mãi đến hôm sau bà ấy mới tỉnh lại, và khi đó thì bà ấy đã quên hết mọi chuyện rồi. Dì không muốn nói chỉ chuyện tối hôm trước, mà là mọi sự - toàn bộ cuộc đời bà ấy, tất cả những gì đã xảy ra với bà ấy trong hai mươi năm trước đó. Khi Molly và dì bế cháu đến để bà ấy xem mặt con, bà ấy cứ nghĩ cháu là em trai bà ấy. Tất cả đều thật là lạ, Sol ạ. Bà ấy quay trở lại thành cô bé gái, và bà ấy không biết mình là ai nữa.”
Barber định hỏi thêm một câu nữa, nhưng ngay khi đó cái đồng hồ của ông ngoại ngoài sảnh bắt đầu đổ chuông. Dì Clara quay ngoắt đầu sang một bên lắng nghe những tiếng chuông, tính giờ bằng cách đếm ngón tay. Khi chuông ngừng đổ, bà đếm được đến mười hai, và điều đó khiến mặt bà trở nên hoạt bát, gần như là cầu khẩn. “Mười hai giờ trưa rồi,” bà thông báo. “Sẽ là không lịch sự nếu bắt Hattie phải chờ.”
“Đã đến giờ ăn trưa rồi cơ à?”
“Dì e là như vậy,” bà nói và đứng lên khỏi ghế. “Đã đến lúc củng cố sức khỏe của chúng ta bằng một chút đồ ăn rồi.”
“Dì cứ đi đi, dì Clara. Một phút nữa cháu sẽ đến.”
Khi nhìn dì Clara bước ra khỏi phòng, Barber nhận ra cuộc trò chuyện đã đột nhiên kết thúc. Tệ hơn thế, anh hiểu rằng nó sẽ không bao giờ bắt đầu trở lại nữa. Anh đã chơi tất tay một ván bài, và không còn ngôi nhà nào nữa để mua chuộc bà, không còn tiểu xảo nào để lừa bà lên tiếng nữa.
Anh lật úp các quân bài trên mặt bàn và chia cho mình một ván solitaire. Solly Tear[26], anh tự nhủ, chơi chữ với cái tên của mình. Anh quyết định chơi cho đến khi nào thắng cuộc - và rồi phải ngồi lại đó hơn một giờ đồng hồ. Khi ấy bữa trưa đã qua, nhưng điều đó không còn quan trọng gì nữa. Được một lần trong đời, anh không cảm thấy đói.
Barber kể cho tôi chuyện đó khi chúng tôi ngồi ăn sáng tại quầy cà phê của khách sạn. Đó là sáng Chủ nhật, và chúng tôi sắp sửa hết thời gian. Chúng tôi uống tách cà phê cuối cùng, và rồi, khi chúng tôi đi thang máy lên tầng trên để lấy hành lý của Barber, ông kể nốt đoạn cuối. Bà dì Clara của ông mất vào năm 1943, ông nói. Hattie Newcombe đã trở thành bà chủ của Cliff House, và trong quãng thời gian còn lại của thập kỷ ấy bà sống trong sự huy hoàng của cuộc sụp đổ, cai quản một đàn con cháu đến cư ngụ trong các căn phòng của tòa nhà. Sau khi bà mất vào năm 1951, người con rể Fred Robinson bán nhà cho Cavalcante Development Company, và ngôi nhà cũ kỹ nhanh chóng bị phá sập. Trong vòng mười tám tháng khu đất được chia thành hai mươi lô mỗi lô rộng nửa acre, và tại mỗi lô mọc lên một ngôi biệt thự mới toanh, cái nào cũng giống hệt mười chín cái còn lại.
“Nếu biết trước chuyện đó sẽ xảy ra,” tôi hỏi, “chú có vẫn muốn cho nó đi không?”
“Hẳn rồi,” ông nói, đánh một que diêm châm lại điếu xì gà vừa tắt và phì một bụm khói vào không khí. “Chú chưa từng bao giờ phải nghĩ lại về chuyện ấy. Chúng ta không thường xuyên có cơ hội làm những điều kỳ quái, và chú mừng vì đã không bỏ lỡ dịp. Xét theo mọi lẽ, tặng ngôi nhà đó cho Hattie Newcombe có lẽ là việc khôn ngoan nhất mà chú từng làm.”
Khi đó chúng tôi đang đứng trước khách sạn đợi người gác cửa vẫy một chiếc taxi. Đến lúc nói lời tạm biệt, Barber chợt rơm rớm nước mắt một cách khó hiểu. Tôi cho rằng đó là một câu trả lời đến muộn cho tình thế, vì đợt cuối tuần vừa qua rốt cuộc là quá nhiều đối với ông - nhưng dĩ nhiên là tôi không hiểu ông đang phải trải qua những gì, thậm chí còn không thể tưởng tượng chút nào về điều ấy. Ông đang chào tạm biệt con trai mình, trong khi tôi chỉ đi tiễn một người bạn mới, một người tôi mới gặp hai ngày trước đây. Taxi đứng đó phía trước ông, đèn đồng hồ nhấp nháy theo một nhịp điệu gấp gáp trong khi người gác cửa nhét vali của ông vào trong cốp. Barber phác một cử chỉ như thể muốn ôm lấy tôi để chào tạm biệt, nhưng rồi, nghĩ ra một cách tốt hơn vào đúng thời điểm cuối cùng, ông chỉ rụt rè đặt hai tay lên vai tôi và siết nhè nhẹ.
“Cháu là người đầu tiên mà chú kể những câu chuyện đó,” ông nói. “Cám ơn cháu vì đã chịu khó lắng nghe. Chú cảm thấy… chú có thể nói gì nhỉ… chú cảm thấy giờ đây giữa chúng ta đã có một sự gắn kết.”
“Thật là một cuối tuần đáng nhớ,” tôi nói.
“Đúng, đúng vậy. Một cuối tuần đáng nhớ. Một cuối tuần đặc biệt trong mọi cuối tuần.”
Rồi Barber dịch chuyển thân hình đồ sộ của mình đi vào trong xe, chìa ngón tay cái lên chào tôi từ băng ghế sau, và biến mất vào dòng xe cộ. Vào lúc đó, tôi không nghĩ mình sẽ còn gặp lại ông. Chúng tôi đã cùng nói chuyện, tìm hiểu tất cả những gì chung có thể tìm hiểu, và có vẻ như mọi chuyện đã kết thúc ở đây. Ngay cả khi bản thảo cuốn Máu của Kepler được chuyển tới theo đường bưu điện vào tuần sau đó, tôi vẫn không cảm thấy đó là một sự tiếp tục, mà giống như một lời kết luận, một điểm nhấn nhẹ nhàng cuối cùng cho cuộc gặp giữa chúng tôi. Barber đã hứa sẽ gửi nó, và tôi cho rằng ông chỉ làm vậy vì lịch sự. Ngày hôm sau, tôi viết một lá thư phúc đáp, nhắc lại rằng tôi đã rất vui vì sự gặp gỡ, và rồi tôi mất liên lạc với ông, có vẻ như là mãi mãi.
Thiên đường khu Tàu của tôi vẫn tiếp tục. Kitty tập nhảy và học hành, còn tôi tiếp tục viết lách và đi dạo. Có Ngày Columbus, có Lễ Tạ ơn, có Giáng sinh và Giao thừa. Rồi, một sáng vào quãng giữa tháng Giêng, điện thoại đổ chuông và ở đầu dây bên kia là Barber. Tôi hỏi ông gọi từ đâu, và ông nói là New York, tôi có thể nghe rõ sự phấn khích và sung sướng trong giọng nói của ông.
“Nếu chú có chút thời gian rỗi,” tôi nói, “sẽ rất hay nếu chú cháu mình gặp được nhau.”
“Phải, chú rất hy vọng chúng ta có thể làm được như vậy. Nhưng cháu không cần phải vì chú mà thay đổi kế hoạch đâu. Chú dự định còn ở lại đây một thời gian nữa.”
“Chắc trường chú có một kỳ nghỉ dài giữa các kỳ học.”
“Đúng vậy, chú lại đi nghỉ. Chú sẽ rỗi rãi cho đến tháng Chín, và trong thời gian đó chú nghĩ sẽ rất tốt nếu sống ở New York. Chú đã thuê lại một căn hộ ở phố Mười, giữa đoạn đại lộ số Năm và đại lộ số Sáu.”
“Khu đẹp đấy. Cháu đã đi ngang qua đó nhiều lần.”
“Ấm cúng và duyên dáng, đúng như quảng cáo của bên địa ốc nói. Chú vừa đến đó tối qua, và thấy rất thích. Cháu và Kitty phải đến thăm chú đấy nhé.”
“Bọn cháu thích lắm. Chỉ cần hẹn ngày thôi, bọn cháu sẽ đến.”
“Tuyệt. Trong tuần chú sẽ gọi lại, ngay khi dọn dẹp ổn định xong. Chú có một kế hoạch muốn thảo luận cùng cháu, thế nên cháu chuẩn bị để đầu óc được nhanh nhạy nhé.”
“Cháu không chắc là chú sẽ tìm được nhiều thứ ở trong đầu óc cháu, nhưng chú được hoan nghênh về mọi chuyện.”
Ba hay bốn ngày sau, Kitty và tôi đến căn hộ của Barber để ăn tối, và sau đó chúng tôi bắt đầu thường xuyên gặp ông. Barber là người chủ động khai mở tình bạn, và nếu như ông có động cơ nào đó sâu xa hơn trong việc làm thân với chúng tôi, thì cũng không ai trong chúng tôi cảm nhận được điều đó. Ông mời chúng tôi đi ăn quán, đi xem phim và nghe nhạc, đi cùng ông trong những chuyến du ngoạn đồng quê ngày Chủ nhật, và vì ông là người ngập tràn sự hài hước và trìu mến, chúng tôi không thể cưỡng lại được. Đội những chiếc mũ kỳ khôi của mình đến bất kỳ đâu, luôn miệng kể những câu chuyện cười, không buồn quan tâm đến nỗi kinh ngạc ông tạo ra ở các địa điểm công cộng, Barber cắp chúng tôi dưới đôi cánh của ông như thể ông là người bảo trợ của chúng tôi. Vì Kitty và tôi đều mồ côi, có vẻ như là tất cả mọi người đều hưởng lợi từ cách dàn xếp này.
Buổi tối hôm đầu tiên khi tôi gặp ông, Barber nói với chúng tôi rằng cơ ngơi của Effing đã được giải quyết. Ông đã kiếm được một món tiền kha khá, ông nói, và được một lần trong đời mình ông không còn phải phụ thuộc vào công việc nữa. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng hy vọng của ông, ông sẽ không phải đi dạy học trong vòng hai hoặc ba năm tới. “Đây là cơ hội của chú để được leo lên cao,” ông nói, “và chú sẽ tận dụng ở mức tối đa.”
“Với tất cả số tiền mà Effing có,” tôi nói, “cháu đã nghĩ chú có thể về hưu luôn được ấy chứ.”
“Không may mắn được đến vậy đâu. Còn phải trả tiền thuê thừa kế, thuế nhà đất, phí luật sư, những món tiền trước đây chưa bao giờ chú nghe nói đến. Tốn một khoản lớn đấy. Rồi thì có ít hơn nhiều so với chúng ta đã nghĩ.”
“Chú muốn nói là không có đến hàng triệu à?”
“Làm gì có. Hàng nghìn thôi. Khi mọi thứ đã được nói ra và đã được thực hiện, Bà Hume và chú mỗi người được hưởng khoảng bốn mươi nghìn đô la.”
“Thế mà cháu cứ tưởng là nhiều hơn chứ,” tôi nói. “Ông ấy nói cứ như thể ông ấy là người giàu có nhất New York vậy.”
“Đúng, chú nghĩ ông ấy thuộc loại người thích nói quá mọi chuyện lên. Nhưng chú không nói thế để chống lại ông ấy. Chú đã được thừa kế bốn mươi sáu nghìn đô la từ một người chưa bao giờ gặp. Như thế đã là nhiều tiền hơn bất kỳ khoản nào chú từng có trong đời rồi. Đó đúng là một thứ của từ trên trời rơi xuống, một ân huệ vượt ra ngoài mọi tưởng tượng.”
Barber nói với chúng tôi là trong ba năm vừa qua ông đang viết một cuốn sách về Thomas Harriot. Theo lệ thường, ông dự tính còn phải mất hai năm nữa để xong việc, nhưng giờ đây khi không còn phải lo các nghĩa vụ khác, ông nghĩ có thể hoàn thành nó vào quãng giữa mùa hè, tức là chỉ trong khoảng sáu hay bảy tháng. Việc này dẫn ông đến kế hoạch mà ông đã đả động qua điện thoại. Ông chỉ mới nảy ra ý đó mấy tuần gần đây, ông nói, và ông muốn biết ý kiến của tôi trước khi dành cho nó một sự suy nghĩ thực sự nghiêm túc. Đó có thể là một điều gì đó cho sau này, điều gì đó để làm khi cuốn sách về Harriot đã kết thúc, nhưng nếu muốn thực hiện nó đến cùng, sẽ cần phải tính toán rất nhiều. “Chú nghĩ vấn đề quan trọng nhất là một câu hỏi,” ông nói, “và chú không trông chờ cháu có thể cho chú một câu trả lời kém chất lượng. Nhưng nhìn vào hoàn cảnh, ý kiến của cháu là ý kiến duy nhất mà chú có thể tin vào.”
Đúng lúc đó chúng tôi kết thúc bữa tối, và tôi còn nhớ ba người chúng tôi vẫn ngồi lại quanh bàn, uống rượu cognac và hút những điếu xì gà Cuba mà Barber đã mang lậu về từ chuyến đi Canada gần đây. Chúng tôi đều đã ngà ngà say, và trong cái tinh thần của thời điểm ấy, ngay cả Kitty cũng chấp nhận một điếu Churchill khổng lồ mà Barber mời. Tôi thích thú nhìn cô ngồi đó trong chiếc chipao mà bình thản nhả khói, nhưng cảnh tượng cũng chỉ buồn cười ngang bằng với cảnh tượng Barber, người trong dịp này vận hẳn một chiếc jacket đuôi tôm màu đỏ tía và đội một cái mũ đuôi dài.
“Nếu cháu là người duy nhất,” tôi nói, “thì hẳn là phải có liên quan gì đến bố của chú.”
“Đúng, đúng vậy, chính xác đấy.” Chậm rãi thốt ra câu trả lời của mình, Barber ngửa đầu về phía sau và nhả ra một vòng tròn khói thuốc tuyệt hảo vào không khí. Kitty và tôi ngưỡng mộ nhìn theo nó lừ lừ trôi qua trước mặt trước khi chầm chậm tan biến. Sau một quãng dừng ngắn, Barber hạ giọng xuống đến một quãng tám và nói: “Chú đã nghĩ đến cái hang.”
“A, cái hang,” tôi nhắc lại. “Cái hang bí ẩn trên sa mạc.”
“Chú không sao ngừng nghĩ về nó được. Giống như là một bài hát cũ rích nào đó cứ vang lên trong đầu chúng ta ấy.”
“Một bài hát cũ. Một câu chuyện cũ. Không sao dứt bỏ được. Nhưng làm thế nào mà chúng ta có thể biết là đã từng có một cái hang?”
“Đó chính là điều mà chú định hỏi cháu đấy. Cháu là người duy nhất đã nghe câu chuyện. Cháu nói gì hả, M.S.? Liệu ông ấy có nói sự thật không?”
Trước khi tôi kịp tập trung trí lực để đáp lời ông, Kitty đã ngả người về phía trước, cả người dựa trên khuỷu tay, quay mặt sang trái để nhìn tôi, quay mặt sang phải để nhìn Barber, rồi tóm gọn toàn bộ vấn đề phức tạp vào hai câu. “Dĩ nhiên là ông ấy nói sự thật,” cô nói. “Các sự kiện có thể không phải lúc nào cũng đúng, nhưng ông ấy nói sự thật đấy.”
“Một câu trả lời rất sâu sắc,” Barber nói. “Không nghi ngờ gì nữa, đó là câu trả lời duy nhất tin tưởng được.”
“Cháu cũng nghĩ vậy,” tôi nói. “Ngay cả khi không có một cái hang thực thụ, thì cũng đã có trải nghiệm cái hang. Tất cả chuyện đó tùy thuộc vào việc chú định tin lời ông ấy theo nghĩa đen đến mức độ nào.”
“Trong trường hợp này,” Barber nói tiếp, “để chú nêu lại câu hỏi nhé. Cứ cho rằng chúng ta không thể chắc chắn, cháu nghĩ chuyện đó đáng để liều thử đến đâu?”
“Liều như thế nào cơ?” tôi hỏi.
“Liều mất thời gian,” Kitty nói.
“Anh vẫn chưa hiểu.”
“Chú ấy muốn đi tìm cái hang,” cô nói với tôi. “Có phải không, Sol? Chú muốn đi đến đó thử xem có tìm được nó hay không.”
“Cháu thật là tinh nhạy, cháu thân mến ạ,” Barber nói. “Đó chính xác là điều chú đang nghĩ, và cám dỗ thì mạnh lắm. Nếu có một cơ hội nào về việc cái hang có tồn tại, chú sẵn sàng làm mọi việc có thể để tìm ra nó.”
“Đó là một khả năng,” tôi nói. “Có thể không phải là một khả năng lớn, nhưng cháu không thấy có điều gì ngăn cản được chú cả.”
“Chú ấy không thể làm việc đó một mình,” Kitty nói. “Có thể sẽ quá nguy hiểm.”
“Đúng vậy,” tôi nói. “Không ai nên leo núi một mình cả.”
“Đặc biệt là những người béo,” Barber nói. “Nhưng đó là các chi tiết có thể suy tính sau này. Điều quan trọng là cháu nghĩ chú nên làm việc đó. Đúng không nào?”
“Chúng ta có thể cùng nhau làm việc ấy,” Kitty nói. “M. S. Và cháu có thể làm hướng đạo sinh cho chú.”
“Tất nhiên rồi,” tôi nói, đột nhiên hình dung ra cảnh mình mặc đồ da hoẵng, dõi nhìn chân trời từ trên lưng một con ngựa giống palomino. “Chúng ta sẽ tìm ra cái hang quái quỷ đó bằng mọi giá.”
Nếu trung thực hết mức, tôi chưa bao giờ coi việc ấy là nghiêm túc. Tôi nghĩ đó thuộc vào những điều nảy ra trong khi người ta say sưa vào ban đêm để rồi quên biến đi vào sáng hôm sau, và ngay cả khi chúng tôi vẫn tiếp tục nói về “chuyến thám hiểm” mỗi khi gặp nhau, tôi vẫn coi nó không hơn một câu chuyện đùa là mấy. Thật thích thú khi nghiên cứu bản đồ và những bức ảnh, thảo luận về các lộ trình và tình hình thời tiết, nhưng chơi chơi với dự án rất khác với tin tưởng vào nó. Utah xa xôi đến thế, và cơ may để chúng tôi tổ chức một chuyến đi như vậy thật là nhỏ, cho nên ngay cả khi Barber rất hào hứng, tôi vẫn không sao nghĩ được rằng việc này sẽ trở thành hiện thực. Sự hoài nghi đó càng thêm được củng cố vào một buổi chiều Chủ nhật tháng Hai khi tôi nhìn Barber nặng nề đi lại trong khu rừng ở Berkshire County. Ông có cân nặng kinh khủng, mềm nhũn trên đôi chân, hơi thở đứt đoạn đến mức không thể bước đi mười phút mà không phải dừng lại lấy hơi. Mặt đỏ ửng vì hoạt động, ông ngồi phịch xuống gốc một cái cây gần nhất và cứ ngồi đó lâu ngang với quãng thời gian bước đi, bộ ngực đồ sộ của ông phập phồng đầy tuyệt vọng, mồ hôi nhỏ giọt từ cái mũ bê rê Scotland khiến đầu ông như thể một tảng băng đang tan chảy. Nếu những ngọn đồi thoải của Massachusetts đã khiến ông thành ra như vậy, tôi nghĩ, thì làm thế nào mà ông chịu đựng nổi vùng núi đá Utah đây? Không, chuyến thám hiểm chỉ là một chuyện đùa, một bài tập kỳ dị nho nhỏ trong suy nghĩ vọng tưởng mà thôi. Chùng nào nó còn nằm trong địa hạt của sự bàn bạc, thì vẫn chưa có gì phải lo lắng. Nhưng nếu có lúc nào Barber thực hiện một động tác cụ thể, cả Kitty và tôi đều hiểu là chúng tôi có trách nhiệm can ngăn ông.
Nhìn vào sự phản đối đó của tôi, thật là mỉa mai khi rốt cuộc tôi sẽ là người đi tìm kiếm cái hang. Khi đó mới là tám tháng sau lần đầu tiên chúng tôi thảo luận về chuyến thám hiểm, nhưng đã có rất nhiều thứ xảy đến, quá nhiều thứ bị nghiền nát và phá hủy, đến nỗi những cảm giác ban đầu của tôi không còn mấy giá trị nữa. Tôi đã đi bởi vì tôi không có lựa chọn nào khác. Không phải là tôi muốn đi; chỉ đơn giản là hoàn cảnh đã khiến cho việc tôi không đi là không thể.
Kitty phát hiện mình mang thai vào cuối tháng Ba, và đến đầu tháng Sáu thì tôi mất cô. Toàn bộ cuộc đời của chúng tôi tan nát trong vài tuần, và khi cuối cùng hiểu ra rằng thiệt hại nằm ngoài khả năng sửa chữa, tôi cảm thấy như thể trái tim bị giật ra khỏi lồng ngực mình. Cho đến khi ấy, Kitty và tôi đã sống cùng nhau trong một sự hòa hợp siêu nhiên, và cuộc sống đó càng kéo dài, càng có vẻ như sẽ không gì có thể xen vào giữa chúng tôi. Có lẽ nếu trong mối quan hệ của chúng tôi có nhiều sự đối đầu hơn, nếu bỏ thời gian để cãi cọ và ném đĩa vào nhau, hẳn chúng tôi đã có thể được chuẩn bị tốt hơn để đương đầu với cơn khủng hoảng. Cái thai đã rơi tõm xuống cái hồ nhỏ của chúng tôi giống như một viên đạn đại bác, và trước khi kịp gồng mình chống trả cú sốc, con thuyền của chúng tôi đã ngập sũng nước và chúng tôi phải cuống cuồng bơi hòng cứu mạng sống.
Chưa bao giờ có chuyện thiếu tình yêu. Ngay cả khi các cuộc chiến của chúng tôi trở nên căng thẳng và đẫm nước mắt nhất, chúng tôi vẫn không bao giờ từ bỏ, không bao giờ chối các sự kiện, chưa bao giờ vờ như tình cảm của chúng tôi đã thay đổi. Vấn đề chỉ ở chỗ chúng tôi không còn nói cùng một thứ ngôn ngữ nữa. Về phía Kitty, tình yêu có nghĩa là hai chúng tôi, và chỉ vậy thôi. Một đứa trẻ không có vị trí ở trong đó, và vì vậy dù cho chúng tôi có quyết định điều gì thì điều đó cũng chỉ phụ thuộc vào những gì chúng tôi muốn cho chính mình. Ngay cả khi Kitty là người mang thai, với cô đứa trẻ cũng không phải cái gì hơn là một sự trừu tượng, một điều giả định về cuộc sống tương lai chứ không phải là một cuộc sống đã bắt đầu thành hình thực sự. Cho đến khi nó sinh ra, nó còn chưa tồn tại. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đứa trẻ đã bắt đầu tồn tại kể từ khi Kitty nói với tôi là cô đang mang nó trong mình. Ngay cả khi nó còn chưa lớn bằng một ngón tay, thì nó đã là một con người, một thực tại không thể vượt thoát. Nếu chúng tôi cứ tiếp tục tìm cách phá thai, thì tôi cảm thấy cũng sẽ không khác gì so với phạm tội giết người.
Mọi lý lẽ đều đứng về phía Kitty. Tôi biết điều này, và tuy vậy cũng không khác biệt gì. Tôi tự nhốt kín mình trong một sự phi lý bướng bỉnh, mỗi lúc một thêm choáng váng bởi lòng nhiệt hứng của chính mình, nhưng cùng lúc lại không đủ sức để làm được việc gì. Cô còn quá trẻ để trở thành một bà mẹ, Kitty nói, và mặc dù công nhận đó là một nhận định đúng đắn, tôi vẫn không sao sẵn lòng nhường bước trước nó. Các bà mẹ của chúng ta đều không nhiều tuổi hơn em bây giờ, tôi trả lời, bướng bỉnh tìm cách kết hợp hai tình huống không có gì chung với nhau, và rồi chúng tôi đột nhiên rơi vào chỗ nan giải nhất của vấn đề. Cái đó thì được với các bà mẹ của chúng ta, Kitty nói, nhưng làm thế nào mà cô có thể tiếp tục tập múa khi còn có một đứa con phải chăm lo? Tôi đáp lại điều này, vờ vịt một cách tự mãn là đang biết rõ mình nói gì, là tôi sẽ chăm đứa trẻ. Không thể được, cô nói, anh không thể tách một đứa trẻ khỏi mẹ nó. Có một đứa con là một thứ trách nhiệm hết sức to lớn, và cần phải vô cùng nghiêm túc. Một ngày nào đó, cô nói, cô rất muốn chúng tôi sẽ có con, nhưng giờ thì không phải là thời điểm tốt, cô còn chưa sẵn sàng cho chuyện ấy. Nhưng thời điểm đã tới rồi mà, tôi khẳng định. Thích hay không, chúng ta đã tạo ra một đứa trẻ, và giờ đây chúng ta phải đối đầu với mọi chuyện nảy sinh từ đó. Đến đây, tức tối với các lập luận ngu ngốc của tôi, chắc chắn Kitty sẽ òa khóc.
Tôi ghét phải nhìn những giọt nước mắt đó trào ra từ mắt cô, nhưng ngay cả nước mắt cũng không thể khiến tôi khuất phục. Tôi sẽ nhìn vào Kitty mà tự nhủ thôi bỏ đi, quàng tay ôm lấy cô và chấp nhận những gì cô muốn, nhưng càng cố chế ngự các cảm giác của mình, tôi lại càng trở nên cứng rắn hơn. Tôi muốn trở thành một ông bố, và giờ đây khi viễn cảnh đó đã ở ngay trước mắt tôi, tôi không sao chịu được ý nghĩ mình sẽ đánh mất nó. Đứa bé là cơ hội để tôi sửa chữa nỗi cô đơn thời nhỏ của tôi, được là thành viên của một gia đình, được thuộc về cái gì đó lớn hơn chỉ bản thân tôi, và vì mãi cho đến giờ tôi mới có cảm giác về ham muốn ấy, nó ào ạt trào ra thành từng đợt tuyệt vọng to lớn, không thể nói nên lời. Nếu mẹ anh mà tỉnh táo hơn, tôi những muốn hét lên với Kitty, thì anh đã không bao giờ được sinh ra rồi. Và rồi, không ngừng lại cho cô có thời gian trả lời: Nếu em giết con của chúng ta, em cũng sẽ giết cả anh theo cùng đấy.
Thời gian không đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi chỉ có vài tuần để có được một quyết định, và mỗi ngày trôi qua sức ép lại càng nặng thêm lên. Không còn có chủ đề nào khác nữa, lúc nào chúng tôi cũng nói đến nó, bàn tính trước sau lên xuống cho đến mãi tận đêm khuya, chứng kiến hạnh phúc của chúng tôi tan rã trong một đại dương lời nói, trong những lời kết tội phản bội mệt mỏi. Trong suốt quãng thời gian chúng tôi dành cho chuyện đó, không ai trong chúng tôi nhúc nhích chút nào khỏi vị thế ban đầu đã chọn. Kitty là người mang thai, và do vậy tôi là người phải thuyết phục cô, chứ không phải ngược lại. Khi rốt cuộc cũng nhận ra điều này là vô phương, tôi bảo cô cứ làm những gì cô thấy cần phải làm. Tôi không còn muốn trừng phạt cô thêm nữa. Gần như là liền một hơi, tôi nói thêm rằng tôi cũng sẽ trả tiền cho phẫu thuật.
Hồi ấy luật lệ rất khác, và cách duy nhất một người phụ nữ giành được quyền phá thai hợp pháp là xin được chứng nhận bác sĩ nói rõ sinh đứa trẻ sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng cô ta. Tại New York, các diễn giải luật khá thoáng, bao gồm cả “gây nguy hiểm về mặt tinh thần” (nghĩa là người phụ nữ có thể sẽ tìm cách tự sát nếu đứa trẻ được sinh ra), và do vậy một chứng nhận của bác sĩ tâm thần cũng được coi là đáng giá tương đương với chứng nhận của một bác sĩ bình thường. Vì Kitty hoàn toàn mạnh khỏe, và vì tôi không muốn cô thực hiện một cuộc phá thai trái luật - sự lo lắng của tôi đối với chuyện này rất lớn - cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm một bác sĩ tâm thần sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi của cô. Cuối cùng cô cũng tìm được một người, nhưng chi phí không hề thấp. Cộng thêm cả các hóa đơn của bệnh viện St. Luke, cho bản thân cuộc phá thai, tôi phải tiêu hàng nghìn đô la để giết chết đứa con của chính mình. Tôi lại gần như trắng tay, và khi ngồi bên giường Kitty trong bệnh viện, nhìn thấy cái vẻ khô héo và kiệt sức trên mặt cô, tôi không thể không cảm thấy mọi thứ đã mất hết rồi, rằng toàn bộ cuộc đời đã bị tước đi khỏi tôi.
Chúng tôi trở lại khu Tàu vào buổi sáng ngày hôm sau, nhưng mọi việc không bao giờ còn được như trước nữa. Cả hai chúng tôi đều cố gắng tự thuyết phục mình rằng chúng tôi có thể quên đi chuyện đã xảy ra, nhưng khi cố gắng quay trở lại cuộc đời cũ trước kia, chúng tôi phát hiện nó không còn ở đó nữa. Sau những tuần lễ khốn khổ với những cuộc nói chuyện và cãi cọ, cả hai chúng tôi rơi vào im lặng, như thể giờ đây chúng tôi đâm ra sợ nhìn vào nhau. Cuộc phá thai khó nhọc hơn Kitty từng nghĩ, và mặc cho niềm tin rằng mình đã làm đúng, cô không thể không nghĩ điều đó là sai trái. Bị trầm uất, mệt nhọc vì những gì vừa trải qua, cô kéo lê sự ủ rũ của mình trong ngôi nhà như kéo theo một cái tang. Tôi hiểu là mình nên an ủi cô, nhưng tôi không thể tập hợp đủ sức mạnh để vượt qua nỗi đau đớn của chính mình. Tôi chỉ ngồi đó nhìn cô đau khổ, và đến một lúc tôi nhận ra mình đang tận hưởng điều đó, tôi muốn cô phải trả giá những gì đã làm. Đó là thời điểm tồi tệ hơn cả, tôi nghĩ, và rồi rốt cuộc tôi nhìn ra sự xấu xa và độc ác bên trong con người tôi, tôi kinh hoàng quay ra tự chống lại mình. Tôi không thể tiếp tục được nữa. Tôi không thể chịu đựng kẻ mình đang là thêm được nữa. Lần nào nhìn Kitty, tôi cũng không nhìn thấy gì khác ngoài sự yếu đuối lồ lộ của chính mình, sự phản chiếu đáng ghê tởm của cái mà tôi đã trở thành.
Tôi nói với cô là tôi cần đi xa một thời gian để ổn định lại mọi chuyện, nhưng đó chỉ là vì tôi không có đủ can đảm để nói sự thật với cô. Dù vậy Kitty cũng hiểu. Cô không cần phải nghe thấy từ ngữ mới biết chuyện gì đang xảy ra, và khi nhìn thấy tôi đóng gói đồ đạc vào sáng hôm sau và chuẩn bị đi khỏi, cô cầu xin tôi ở lại với cô, quả thực cô đã quỳ gối cầu xin tôi đừng đi. Khuôn mặt cô rúm ró lại và đầm đìa nước mắt, nhưng đến khi ấy tôi đã trở thành một khối gỗ vô tri, và không gì có thể ngăn cản được tôi. Tôi để mấy nghìn đô la cuối cùng lên bàn và bảo Kitty cứ sử dụng chúng khi tôi đã đi khỏi. Rồi tôi bước ra khỏi cửa. Tôi đã bắt đầu nức nở khóc khi xuống đến ngoài phố.
Moon Palace Moon Palace - Paul Auster Moon Palace