Số lần đọc/download: 1914 / 61
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Chương 6
B
ận rộn chuyện gì chẳng ra chuyện gì, nhưng cuối cùng rồi cũng hết một ngày. Lúc gần tối, thì từ ngoài giao liên dẫn tới một đoàn rất đông, gồm đủ các hạng quân dân chánh.
Bây giờ chúng tôi mới nôn nao nghĩ tới việc đi. Chậm mất một ngày rồi. Trừ Núi ra, tất cả đều có thể đi. Phải đi dù thế nào thì cũng gần với quê hương hơn.
Ngữ nói với tôi bằng một giọng đầy nước mắt:
- Các anh và Thu cứ đi đi, để em ở
Lại với Núi, nếu nó cố mệnh hệ nào thì cũng có em bên cạnh, như vậy nó đỡ tủi thân. Còn Trời Phật mà phù hộ nó khỏe lên được thì em sẽ dìu nó đi dần tới đâu hay tới đó. Luật lệ của đường dây là chỉ đưa người vào không cho người ra, mình không thể cưỡng lại được.
Tôi nói:
- Đã đành là các anh phải đi rồi, nhưng trong lòng thấy nó kỳ cục thế nào ấy cậu ạ!
- Thì cũng như lần trước, anh ốm nằm lại chúng em cũng cứ đi đó thì sao? Đó là ý định của ở trên mà. Ai bịnh cứ nằm lại, ai khỏe cứ việc đi. Cách mạng Miền Nam đang chờ mình như chờ nước uống!
Thế là chúng tôi dứt khoát chia tay. Tôi và Hoàng, Thu sửa soạn để mai lên đường. Thu lúc nào cũng nhăn nhó với cái chân đau. Nàng tìm một cây gậy thật chắc, Hoàng thì lo băng đầu gối như cầu thủ bóng tròn trước khi ra sân cỏ. Riêng tôi thì không cần gậy, còn cái bao tử loét thì không thể băng bó gì được cứ để thế mà đi, được khúc nào hay khúc ấy. Chừng nào mửa ra máu cục thì cách mạng cho nghỉ ngơi.
Trong đoàn mới vào tôi nhận thấy có một tốp rất phân biệt với mọi người. Tốp này độ chừng một tiểu đội, nhưng những chiến sĩ thì mang rất nhiều máy móc khác hẳn với bộ đội thường. Khi đi xuống suối lấy nước, tôi nghe toán chiến sĩ xầm xì với nhau thì tôi biết đây là đội bảo vệ cho một ông kẹ. Nhưng không biết ông kẹ đó tên gì. Lượt trở lên, khi đi ngang chỗ họ đóng, tôi giả vờ đánh rơi gà mèn nước và ngồi xuống, tay nhặt gà mèn mắt ngó vào cái võng mà tôi ngờ là ông kẹ đang nằm. Quả nhiên tiếng gà men rơi lầm ông ta giật mình ngóc đầu dậy nhìn ra. Tôi nhận ra ngay ông ta.
Tưởng ai lạ. Một bộ mặt sắt có dấu bấm như vết móp trên chiếc hộp lon chứ không phải cái sẹo. Ông ta nhìn người bằng cặp mắt lúc nào cũng trợn lên trắng dã như muốn nuốt sống đối tượng. Nếu trên sân khấu cần một vai tướng cướp thì cứ đưa y phục cho ông ta, còn mặt mũi thì khỏi cần vẽ nanh hoặc đeo râu thêm. Một số cán bộ rất sợ ông ta, nhưng ngược lại một số khác thì lại coi ông ta là một tên chăn bò đắc thời được một bàn tay quyền lực bốc lên ngồi ghế cao và trao cho cây gậy chỉ huy ba quân với cái ga-lông bốn sao và nhành dương liễu rũ.
Tôi đã từng nghe ông ta nói chuyện nhiều lần. Lần sau cùng tại Viện Văn học -cũng còn được nghệ sĩ gọi là Sở Mạ Kền- của bà già trầu móm Hoài Thanh. Hoài Thanh cũng có một bộ mặt móp một bên như ông kẹ này. Lần đó ông kẹ đập thêm vài búa vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm vốn đã bẹp dí dưới sức đè của đảng rồi – như những “nhát ân huệ.”
Ông ta nói rổn rảng, múa tay tít thò lò, nhưng nghệ sĩ che tay cười nhếch mép khi ông ta tuyên bố.
- Dù phải chống Mỹ năm năm, mười năm, hai mươi năm hay một triệu năm chúng ta cũng chống tới cùng.
Một triệu năm? Sau khi tan buổi họp, Nguyễn Tuân và tôi đạp xe song song trên đường Phan Thanh Giản, ông hỏi tôi:
- Anh có nghe gì không?
- Dạ nghe gì ạ?
- Chống Mỹ một triệu năm! Anh không nghe à?
- Dạ, tôi có nghe.
- Anh nghĩ thế nào về “cái một triệu năm đó?
- Dạ tôi không nghĩ thế nào cả.
- Rõ một khái niệm kỳ quặc về con số! Tôi chưa nghe ai nói như vậy bao giờ.
- Tôi cũng thế. Đây là lần đầu tiên.
Cái ông mặt sắt kia coi nghệ sĩ như rác. Và nghệ sĩ cũng coi ông ta không như gì cả. Ông ta hò hét thì to nhưng sau khi ông dứt lời thì người ta chẳng biết ông muốn nói gì. Bây giờ ông lại vô đây chắc hẳn là đi giải phóng Miền Nam rồi. Bỏ mẹ Miền Nam rồi. Bỏ mẹ Miền Nam rồi. Hợp tác xã là cái chắc!
Tôi chợt nghĩ ngay như thế khi tôi nhác thấy bộ mặt sắt kia. Tôi nhặt chiếc gà mèn trở xuống suốì múc nước rồi trở về chỗ cũ. Tôi đến rỉ tai Hoàng, Hoàng cười:
- Dân Nam kỳ mình chuyên môn gậm cùi bắp mà cứ tưởng nhân sâm.
- Thằng cha Tài Lé (tức Sơn Nam) nói Nam kỳ là thuộc địa của Bắc kỳ, đúng vô cùng. Đúng từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam.
- Ông ta mà vô trỏng thì hợp tác xã, chỉnh huấn, lập trường giai cấp là gốc rồi. Hồi tao ở Bưngari mới về, tao có đọc bài “Cây đa bến cũ con đò khác đưa” của ông.
- Ừ, lúc đó ổng đang phụ trách Trưởng ban Nông thôn của Trung ương đảng. Do đó ông cỡi ngựa xem hoa các hợp tác xã hàng mã một vòng rồi về nói cho thư ký viết phứa ra bài đó.
- Văn chương hay ra phết đấy chứ nhi?
- Văn chương mà nói làm chi. Lập trường kia mới đáng kể. Bọn nhà văn chúng tôi phải lấy bài đó ra làm phương hướng sáng tác đấy. Bên Hội Nhạc sĩ của ông gặm không vô phải không?
- Ai thì tao không biết, chứ tao rặn không ra nốt nào cho hợp tác xã cả!
- Nói đùa cho vui, chứ thực tình là tôi nghĩ đến số phận của Miền Nam qua câu nói bất hủ của Tài “lé”. Anh chàng này chỉ có một khuyết điểm là cặp mắt lé. Nhưng dù “lé,” Tài vẫn nhìn sự vật rất chính xác.
Ông kẹ mặt sắt này làm cho tôi nhớ câu nói của Tài. Nó đã được chứng minh từ hồi kháng chiến. Nam Bộ là miếng thịt bít tết tươi roi rói mà đám Bắc kỳ từ Trung ương vào là một lũ kên kên, chúng chia nhau không dành cho dân địa phương một thẻo nhỏ.
Ra Bắc cũng thế. Thằng Bí thư tỉnh ủy ngoài Bắc trong kháng chiến thì hòa bình được vô Trung ương, ngược lại thằng Bí thư của Thành Đồng Tổ Quốc nghe lời cụ Hồ dụ dỗ đi tập kết hai năm về, thì nay đã mười năm mới trốn chui trốn nhũi như ăn trộm trở lại quê hương. Mười năm trên đất Bắc thằng Tỉnh ủy đi cạo muối, nhà cửa thì ga-ra tư sản. Ông Chủ tịch tỉnh tôi ở một cái ga ra tệ hơn cả chuồng heo. Bây giờ Nam kỳ lại bị “Bắc kỳ thuộc” lần thứ hai. Người cầm cán cho hai lần Bắc thuộc này chính là cụ Hồ. Dân Nam kỳ hận tràn lòng, đau như hoạn, nhưng lỡ tin nên mắc, gái Nam ngồi phải cọc Bắc, không dám kêu.
Sáng hôm sau hành quân. Giao liên Phẩm ra địa điểm đóng quân sớm lắm. Cậu ta cũng “đả thông” cho khách những điều cần thiết rồi bắt đầu dắt đoàn người đi.
Tôi đến sờ trán thằng Núi, thấy nó bớt sốt, nhưng vẫn mê man. Không biết ở trên đưa một anh chàng học vẽ chưa ra họa sĩ như thế này vô Nam để làm cái giống gì? Nhìn qua nét vẽ của anh ta, tôi thấy anh ta cần phải học ít nhất là ba năm nữa mới vẽ đúng hình khối và anatomy. Rủi nó chết ở đây, ai khổ ai đau chứ Trung ương đâu có đau khổ chút nào. Hơn nữa Trung ương đâu có biết tới.
Chúng tôi được đi sát với giao liên nghĩa là đi đầu đoàn. Nhưng vì Thu đi chậm nên bị lính kêu, Phẩm lại đẩy chúng tôi xuống khúc giữa. Đến lúc nghỉ trưa, cũng do yêu cầu cửa lính, đám dân chánh chúng tôi lại bị cho xách đèn đỏ bọc hậu, nhưng rồi vẫn cứ rơi dần lại phía sau. Con nhà lính còn cực khỏe đi vượt lên phía trước hết cả.
Người dẫn đầu của toán sau cùng là tôi. Người đi sau cùng của toán sau cùng là Thu. Người đi giữa cố nhiên là nhạc sĩ họ Hoàng. Thỉnh thoảng nhà nhạc sĩ dừng lại gục trên đầu gậy (tôi phải dừng lại chờ) quắc mắt về phía trước càu nhàu:
- Mày hỏi chuyền dùm thằng Phẩm xem nó dẫn có lạc đường không mậy?
- Đường gì mà lạc. Nó đi hàng ngày mà!
- Đường gì kỳ cục thế này chứ. Không bước được một bước trên mặt đất bằng!
- Đường giải phóng miền Nam chớ đường gì mà ky cục! Đây Trường Sơn vinh quang mà!
- Đường gì đi hoài không đến. Vinh gì mà vinh?
- Vì nó là đường đi không đến! Vinh thì có vinh nhưng nó không đến vẫn không đến.
Nói pha trò vần lân một chút vậy rồi đi tới nữa. Cái điệp khúc này nhà nhạc sĩ cứ lặp đi lặp lại với giọng tenor.
Bỗng được lệnh của giao liên truyền lại: “Nghỉ mười phút.”
Hoàng ném cái gậy ngồi phệch xuống đất ngay tựa lưng vào chiếc ba lô soải hai chân ra thở phào:
- Tưởng mày quên cho nghỉ chớ!
- Uống nước uống non đi cha nội, ở đó mà càu nhàu. Nó lại bắt đi nữa bây giờ!
Tôi quay lại Thu:
- Thu này, em có thấy cái ông mặt sắt đi ở giữa đoàn không?
- Không, ủa mà có, cái ông môi thâm sịtt đầu vuông như tảng đá kê cột nhà phải không?
- Ừ chính là ông kẹ đấy!
- Để làm gì?
- Em có muốn xin về Hà Nội thì xin ông ấy ngay bây giờ đi!
- Thôi đi anh đừng có đùa! – Thu hơi cáu.
- Anh nói thật mà. Ông mà đồng ý là giao liên phải kiệu em ra Hà Nội đấy.
Từ ngày thằng Hồng trốn mất, Thu không còn tí hy vọng gì quay lại nữa, nên đành phải “đi giải phóng Miền Nam… cùng quyết tiến bước” vậy.
Hoàng tợp ngụm nước rồi nói:
- Vô tới trạm trong anh Bảy sẽ nấu mẻ cao khỉ cho lem gái tẩm chân là trèo núi như thần thôi.
- Anh có mang theo đó à?
- Tao nhất định thắng lợi mà!
Lệnh giao liên truyền xuống:
- Tiếp tục đi. Còn một chặng ngắn tới trạm. (Đây chỉ là lối động viên của giao liên thôi. Một chặng của họ là vô tận. Có khi lội hộc máu cũng chưa tới
- Lệnh nghỉ vừa truyền xong thì lại có lệnh đi!- Hoàng nhạc sĩ quát với cặp mắt nảy lửa- Nghỉ chưa hết thúi cái đít thì bắt đi! Thằng phải gió mày có khùng không hả?
Tuy giận dữ như vậy nhưng họ Hoàng vẫn gượng chỏi gậy đứng đậy lụm cụm di theo. Được một quãng tôi bị “đút đuôi,” đoàn đã bỏ tôi xa lắc, tôi quay lại thì họ Hoàng cách tôi một quãng khá xa và không thấy Thu đâu nữa. Tôi đứng chờ Hoàng tới và hỏi:
- Thu đâu?
- Còn múa Hồ Thiên Nga ở đằng sau. Mày là Hoàng tử trở lại rước.
- Hồi mới xuất phát giao liên bảo cố nhiều đường mòn “ngánh” coi chừng lạc, mình lớ quớ bị lạc cho coi.
- Mày trở lại rước nó đi!
- Khổ quá! – Tôi ngóng phía trước: Đoàn đi mất hút, không chờ. Nhìn phía sau: Không thấy Thu. Tôi bèn tụt ba lô ném xuống đất bảo:
- Anh ngồi đây chờ.
- Ừ, đi cho lâu lâu nghe!
- Đứt đuôi thế này còn bảo lâu lâu.
- Kệ mẹ nó. Tao cần nghỉ cái đã. Mà nè! Tao bảo nè!
Tôi vừa đi được ít bước thì quay lại gắt:
- Gì?
- Mày tới đó nếu nó bi cọp ăn thì quơ ít xương đem về cho tao nấu cao nghe chưa?
Tôi phát quạu, làm thinh, đi thẳng. Được một quãng xa chừng nửa cây số thấy Thu ngồi ở ven đường. Tôi quát:
- Sao ngồi đó? Có đi mau lên không?
Thu không nói không rằng. Tôi vẫn chưa hết giận:
- Người ta đi mất đất rồi, mau lên.
Thu vẫn không nhúc nhích. Trời ơi, trông mặt nàng mới thảm hại làm sao. Tôi đỡ nàng đứng dậy bảo:
- Đưa ba lô đây anh mang cho.
Nàng chỏi gậy đứng lên và bước từng bước một như xẩm bó chân. Tôi cũng chẳng oai phong gì. Chỉ được cái may là bao tử chưa đồng khởi.
Tôi đi chậm chậm bên nàng, cố tìm cách đưa nàng đi tới, chậm như rùa cũng được, miễn là đừng ngồi lại, vì Mác có dạy: “Mọi vật đều tiến triển;, cái giống đếch gì đứng lại thì có nghĩa là thụt lùi!”
Đứng lại mà đã là thụt lùi rồi, thì ngồi như Thu còn thụt lùi bao nhiêu nữa?
Tôi nhìn xuống gót chân Thu, định hỏi: “Cái cổ chân củaa em có đỡ không?” (Đỡ gì mà đỡ! Biết vậy nhưng vẫn cứ hỏi). Nhưng tôi chợt nhận ra mấy lớp băng nhuộm máu đỏ lòm.
Tôi kêu lên:
- Chân em bị thương à?
- ….
- Bị thương hồi nào, sao không kêu?
- ….
- Vấp đá hả?
Thu không nói một tiếng. Mắt nàng bật ra nước mắt. Nàng úp mặt vào đầu gậy mà oà lên.
- Cái gì vậy? Tôi quát om lên. Tiếng quát vang lên dội lại từ sườn núi.- cái gì thì nói, khóc khóc cái gì? Cứ khóc rồi tới nơi hay sa…o? – Tôi dậm chân đồm độp.
Thu vẫn gục đầu vào cây gậy mà nức nở, đôi vai gầy gò run lên. Tôi chợt hiểu ra rồi. Nàng có kinh.
Từ cái lần lấy đường thủy làm đường bộ ngâm mình dưới suối cả ngày, nàng thường hay khó ở. Đàn bà con gái, cái gì cũng rắc rối cả. Biết thân như vậy thì làm B quay phứt đi hồi ở mấy trạm ngoài, lại còn lê vô tới đây làm gì kia chứ! Tôi hậm hực nghĩ. Nhưng khi trông thấy gương mặt nàng đầm đìa nước mắt tôi hối hận. Tôi đến bên nàng khẽ hôn vào vệt nước mắt và nói:
- Anh cho chân em một lá bùa sẽ hết đau ngay.
Thu đưa tay ra vẫy vẫy:
- Đưa ba lô đây cho em!
- Đi đã không nổi, còn mang ba lô!
- Không, em đi nổi. Em hết đau rồi!
- Thì đi đi xem nào!
- Anh cứ đưa ba lô cho em. Em khỏe lại rồi! Em không muốn ai giúp em hết.
Nàng bi chạm tự ái vì những câu không dịu ngọt của tôi. Tôi thấy có chút hối hận nên dỗ dành. Tôi nói như viết tùy bút:
- Em cố đi lên chút nữa đi. Sắp tới nơi rồi. Mình sẽ nghỉ hai ba ngày. Nghỉ chừng nào chân em hết đau ta lại đi, đi được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Anh chẳng cần tới nơi nữa. Không có em tới, một mình anh chẳng thú vị gì. Anh sẽ tới trong giấc mơ hồi hương, trong thực tế và chỉ trong mộng, anh phải có em. Đi, di em!
Tôi tưởng văn chương mồm của tôi đã vuốt nhẹ được trái tim đau, lau khô được dòng nước mắt của nàng chẳng ngờ lại ngược lại.
Nàng càng khóc to lên và đứng lại. Quờ lấy quai ba lô giật ra khỏi vai tôi buông xuống đất và nói đứt quãng:
- Anh đi đi, đi… cho tới quê nhà… Còn em… em chết ở đây! Nói xong nàng ngồi khuỵu xuống.
Tôi nắm tay lôi nàng đứng lên. Mặt nàng trắng bợt ra, đầm đìa nước mắt. Tôi nói cũng hết ra tiếng:
- Đi em! Cố lên. Tới chỗ anh Hoàng sẽ nghỉ. Kia kìa cách đây có vài… chục thước! – Tôi lại cũng cái lối động viên của giao liên. Đứng ra đó là cái lối cổ điển cửa đảng, cái lối treo bó cỏ trước đầu ngựa muôn năm.
Tôi lại mang ba lô lên vai và dìu Thu đi, vừa đi vừa “viết” thêm mấy chục đoạn tùy bút. Có lẽ đó là những đoạn văn chương hay nhất của tôi, những đoạn được viết ra từ sự rung động cực kỳ mãnh liệt, từ một khung cảnh bi thương nhất mà tôi chưa từng sống cho đến cái buổi chiều hôm ấy. Tôi nói như thằng điên, tôi nói như một thi sĩ ngâm thơ trước dân chúng yêu mến mình, tôi nói như diễn thuyết, như một thằng láo toét, tôi nói những điều phản lại chính lòng tôi: “Cố gắng đi em rồi ta sẽ tới! Cách mạng Miền Nam đang mong chờ…!! “
Nàng bước theo tôi, mỗi bước một giọt nước mắt, không phải “Lệ” 1 của Xuân Diệu, “rách đau thương đi giữa cuộc đời,” cũng không phải Lệ của kịch sĩ bôi cù-là trong vở Lu ba 2, mà là lệ của một nữ nghệ sĩ đẹp tuyệt trần rơi thấm đá Trường Sơn không phải để nở thành một đóa thơ, mà là để ghi dấu một tội ác.
Tôi cố hết sức dìu nàng đi tới, lưng nặng như núi đè, tay đẩy lưng nàng như đẩy một chiếc xuồng mắc cạn. Tôi đã lê cái thân tàn của tôi không nổi mà còn phải đèo cái của quí này, trời hỡi, còn có sự bất công nào bằng?
Nhưng trời cũng thương người. Cuối cùng rồi tôi cũng đưa nàng tới chỗ Hoàng ngồi đợi. Hoàng đang sửa lại cái “giơ- nui-de” cầu thủ trên đầu gối.
Tôi cố gượng pha trò:
- Sút có vô quả nào không??
- Có vớ hai quả!
- Nào, “đứng lên đi, người của núi sông, nặng lòng chi ngày xưa vương vấn. ” 3 “‘
- Nứng thế đéo nào nổi.
- Xuỵt! – Tôi trợn mắt vào Hoàng.
- Đứng lên hay nằm xuống cho khỏe thân?
- Người ta đi xa ba ngàn dặm rồi. – Tôi giục, và khoác luôn chiếc ba lô của tôi lên vai, như một anh hùng giết giặc sắp được Bác bắt tay và gắn huân chương chiến công và một tay đẩy Thu, một tay lôi Hoàng. Vì biết chắc nếu để Thu ngồi xuống thì cả hai người đều sẽ đồng tình mà đóng chốt luôn tại đây.
Cũng may, hai người giác ngộ khá cao nên “thề quyết tiến bước.” Đi được một quãng thì đụng ngã ba. Cái ngã ba này to lớn thênh thang hơn bất cứ ngã ba nào trên đường từ Làng Ho vô đây.
- Đi ngả nào anh? -Tôi hỏi Hoàng- Không khéo mình đi xuống Bác Kế thì hỏng.
- Ừ nhỉ! Đi ngõ nào bây giờ, tớ không biết mô tê!
Tôi hoang mang không biết đi đường nào. Nếu đi sai sẽ chẳng đến trạm, việc đó đã hẳn rồi! Nhưng còn thêm cái nguy hiểm là có thể đụng vào chướng ngại hoặc lọt vào khu tử địa thì nguy. Tôi đã bi lạc vô trại tù binh một lần và bi các ông cai ngục xét giấy, gằm ghè dữ quá, làm như mình là do thám không bằng.
Hoàng và Thu chộp lấy cơ hội ngồi xuống nghỉ. Ngồi xuống thì đứng lên, có khó gì! Nhưng đó là đối với những người bình thường kìa, còn ở đây lại khác. Ở đây ngồi xuống được là đít dính với đất, mọc rễ ngay tức khắc chẳng đứng lên nổi.
Phải đấu tranh tư tưởng, phải hát thầm bài Giải Phóng Miền Nam của trại cưa Kim Hữu mới đứng lên được!
- Đi ngả nào? – Hoàng hỏi.
- Có thể ngả này -Tôi trỏ – Ngả phía bên trái.
- Ngả nào thì tùy mày đấy’ Tao không biết ngả nào là ngả đéo nào!
- Hình như có dấu chân.
- Dấu chân gì in trên sỏi đá được.
- Thì tôi tưởng tượng ra thôi! -Tôi thở phào- Mệt quá! Đủ thứ rắc rối. Thôi đi mẹ nó ngả đó đi.
- Không được! Nguyên tắc của giao liên đề ra là nếu rủi bi lạc thì cứ ngồi tại chỗ họ sẽ trở lại tìm. Đi bậy bạ họ không tìm được.
Tôi nói:
- Đó là nguyên tắc xưa rồi. Bây giờ mình đi lạc họ bỏ 1uôrl, họ không có trở lại tìm đâu.
- Thằng Phẩm nó tình cảm với bọn mình mà!
- Tình thì tình, cảm thì cảm nhưng nó mệt nó không đi tìm đâu.
- Vậy thì làm gì bây giờ?
Thu buột miệng nói:
- Mình cứ ngồi ở tại đây, chốc nữa anh ấy trở ra thế nào cũng gặp mình.
- Biết đâu nó lại đi đường khác.
- Đường khác là đường nào?
Cãi với nhau một lúc, cả ba thấy cái biện pháp ngồi ỳ lại đây là phúc lợi hơn cả và hợp lý cho bộ giò nên ai nấy đều tìm chỗ mắc võng nằm chờ và tự giải lao bằng số nước còn lại trong bi đông, mỗi người bận rộn một kiểu.
Thu mở băng ra xem lại cái cổ chân, Hoàng thì củng cố cái bánh chè còn tôi thì ngủ. Nắng chiều nóng như thiêu, quần áo đã đẫm mồ hôi như tắm. Khi thức dậy thấy mình nằm giữa nắng vàng… chẳng có thơ mộng một chút nào, ngược lại tưởng đang bi cảm… nắng và có ý nghĩ mình sẽ phải đi nhà thương Biên Hòa.
Tôi nhảy xuống đất chạy vào một mép núi có bóng mát, tuột cả áo ra dùng làm quạt và quạt bất đếm bằng cái áo đẫm mồ hôi kia..
Quả thật một chập sau thì Phẩm trở lại. Cả hai bên đều mừng rỡ như những tình nhân tái ngộ.
- Tôi tưởng các anh đi lạc rồi.
- Đứt đuôi thôi.
- Vâng, hễ đứt thì cứ ở tại chỗ chờ, đi bậy nguy hiểm lắm.
- Từ đây tới trạm còn xa không?
- Hơn tiếng đồng hồ.
- Vậy thì không sao. Bây giờ còn sớm. Tôi nói.
- Còn sớm gì nữa, mặt trời sắp lặn rồi! -Thu cãi lại.- Em làm sao lết cho kịp
- Em cứ coi như múa một lớp Hồ Thiên Nga là tới chứ gì.
Hoàng pha trò nhưng Thu không cười nổi. Phẩm đến bên tôi, giọng cảm động
- Thôi các anh đi, mạnh giỏi nhé! Anh có gặp anhnhà văn gì, nói em nhắn lời thăm anh ấy. Tiếc quá anh có đi ngang đây mà em không… gặp để hàn huyên.
Cậu bé rưng rưng nước mắt bắt tay tôi. Tồi bỗng thấy thương tôi thì ít, thương cậu bé thì nhiều. Nó ở lọt tỏm giữa hoang dại đầy đe dọa, một loại “Bạch Mao Nam” do đảng tạo ra.
Cũng như ngày trước, lúc tôi còn ở Hà Nội, tôi đã đi công tác ra tận các hải đảo trong chòm đảo Hạ Long. Ở đấy có những hòn đảo không tên. Ở đấy có những thanh niên “tình nguyện” công tác. Mỗi đợt là sáu tháng. Công tác của họ chỉ là đốt một ngọn đèn cho tàu ngoài biển vào bến Hòn Gai ăn than và trở ra. Họ ở trong những cái nhà đá chung quanh không có cây cối gì hết, cũng không trồng trọt được ngọn rau dây bí nào hết. Đặc biệt là không có liên lạc bằng điện đài. Những ngày bão to họ vào nhà đóng cửa khóa chặt và ngồi bên trong nghe sóng tràn qua nóc nhà hoặc nhìn qua cửa kính biển động sôi lên trùm phủ nhận chìm tất cả những cụm đảo lớn nhỏ.
Những cậu thanh niên thất tình muốn trốn đời, những cậu khác thì hăng máu vịt đinh tỏ lòng yêu tuyệt đối với chủ nghĩa xã hội, hoặc vì lý do này nọ khác mà xung phong ra đây, đều vái cả mũ những hòn đảo cô đơn giết người này. Tôi đã hết sức ngạc nhiên khi bước lên những hòn đảo đó, tôi tự hỏi không hiểu các chàng trai đầy nhựa sống và mộng mị đó, đã sống làm sao một trăm tám mươi ngày và một trăm tám mươi đêm không thấy một mái tóc mềm, không nghe một tiếng thân yêu bên tai. Vậy mà báo và đài luôn luôn ca ngợi và nói rằng có nhiều cậu đoàn viên “xung phong ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa! ”
Thì cũng như thằng Phẩm “xưng phong” vô làm giao liên Trường Sơn này. Nhưng so với cái thâm sơn cùng cốc này, ở hải đảo hãy còn là hạnh phúc chán. Ở hài đảo, cuộc sống chỉ cô đơn nhưng không bệnh tật, không bom đạn, không trộm cắp, không giật giọc, không thổ phỉ, không thú dữ rắn độc. Còn ở đây thì có đủ, có nhiều các thứ này.
Tôi như thấy rõ nỗi u uất trong lòng cậu thanh niên xung phong trong một thoáng nhìn gương mặt cậu ta. Tôi vỗ vai Phẩm và nói, giống y như cụ Hồ huấn thị các cháu:
- Em ở lại cố gắng công tác cho tốt nhé. Giải phóng Miền Nam xong ta về xây dựng lại đất nước tươi đẹp hơn mười lần xưa! Chừng đó anh sẽ ghé lại ăn mận của em!
Phẩm đi khuất, tôi còn đứng nhìn theo. Đêm nay nó ngủ một mình chắc nhớ bọn tôi lắm, nhớ con bé ở Nghi Tầm nhớ cả Hà Nội. Tất cả đều thấy đó mà lại xa vời. Cây mận của nó thì chừng nào mới trổ trái?
--------------------------------
1 Thơ Xuân Diệu, diễn tả nỗi mừng của nghệ sĩ được cách mạng cứu)
2 Kịch nói Liên Xô
3 Bài ca Thanh Niên Với Mùa Xuân của Dzoãn Hối